Kinh Phap Cu - Pham Hien tri

Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 76

Hãy vui được chỉ dạy

Khi gặp bậc hiền trí
Chê trách và chỉ lỗi
Xem như chỉ kho tàng
Nên thân bậc trí ấy.
Sự thân cận như vậy
Là tốt, không phải xấu

(Việt dịch TK Trí Siêu )

TT Giác Đẳng :Như thế nào là những bậc được Đức Phật ca ngợi , không phải tất cả những ai có kiến thức rộng có học vị cao đều được Đức Phật tán thán, nhưng chữ trí ở đây Đức Phật có một định nghĩa hết sức khác biệt với người bình thường. Nếu là một người học đạo Nho và chưa bao giờ dành thì giờ để tìm hiểu thế nào là chữ quân tử trong đạo Nho thì người đó khó có thể hiểu đạo lý căn bản của Nho giáo. Và có thể nói rằng với một người Phật tử học Phật nhưng chưa bao giờ có thì giờ để định nghĩa thế nào là một bậc thiện trí ở trong kinh Phật thì người đó đã để một khoảng trống rất lớn trong sự nghiên cứu của mình.

(XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 77

Lời khuyên không phải lúc nào cũng được thích

Người dạy dỗ, khuyên nhắc
Can ngăn sự làm ác,
Được người tốt thương mến
Bị kẻ xấu ghét bỏ
(Bản Việt dịch của TT Trí Siêu )

TT Giác Đẳng Kinh Pháp Cú là một trong những bản kinh chúng ta có thể tìm thấy một số lời dạy liên quan đến cái nhìn của Đức Phật về một số sự việc mà có thể rất gần với đời sống của chúng ta, và câu kệ này là một thí dụ. Chúng ta không cần phải bỏ nhiều thì giờ, mọi người đều thấy rằng ở đây Đức Phật Ngài đã xác định rằng những người đi làm công việc của những bậc mô phạm, của những người làm giáo dục thì phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Một số sẽ đón nhận công việc đó với tất cả tấm lòng cảm kích, và một số khác thì chẳng những không cảm kích mà không ưa về chuyện đó. Người xưa thường nói "giáo đa thành oán" và việc đó là một việc rất thường xảy ra. (XEM TIẾP)

ĐĐ Uyên Minh mỗi một chúng sinh phàm phu thì giống hệt như một người bịnh, chúng ta có biết được mình bịnh, biết được nhu cầu cần thuốc men của mình thì mình mới chịu đi bác sĩ, mới chấp nhận các liệu pháp, mới chấp nhận các thứ thuốc men cay đắng mặn chát. Còn nếu như mình là một người bịnh mà mình không biết rõ hay không ý thức được tình trạng bịnh hoạn của mình, từ đó mình rất khó mà chấp nhận, dù chỉ dùng các liệu pháp các phương thức phục dượt thì nói chi là chuyện tìm đến các vị lương y thầy thuốc, điều đó như thế nào thì ở trong đời sống trong cuộc tu chứng của mỗi người Phật tử cũng như vậy, chúng ta không nhận ra được nhu cầu tu học của mình thì chúng ta không thể nào chấp nhận được những lời giáo hoá. (XEM TIẾP)

TT Giác Đẳng tóm tăt kệ ngôn 77 nói về thái độ của Đức Phật, ở trong thái độ này Đức Phật đã nêu ra rất rõ ràng rằng làm công việc giáo dục hay làm công việc của một người có lòng với cuộc đời để đem ánh sáng trí tuệ của mình chia sẻ với cuộc đời thì cũng có kẻ thương và có người ghét, và việc đó rất đương nhiên. Trong cái thương cái ghét đó chúng ta có thể cảm nhận được là nếu chúng ta đã lựa chọn thì chúng ta phải chấp nhận. Cái gì nó cũng phải có cái giá của nó. Và nếu chúng ta không làm gì hết thì cũng có người thương kẻ ghét chứ không phải khi chúng ta làm việc này hay việc kia thì mới có người ghét kẻ thương chúng ta. Do vậy bậc thiện trí ở trong đời sẽ không để mình bận tâm nhiều đến những việc đó, điều mình đáng bận tâm là những gì mà chúng ta làm thật sự có lợi ích, thật sự nó có ý nghĩa hay không. Những lời dạy của Đức Phật đó từ ngàn xưa nhưng cho đến hôm nay vẫn giống như vậy không có gì thay đổi. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 78

Phép Giao Du

Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân cận tiểu nhân
Nên thân cận bạn lành
Nên thân bậc thượng nhân

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng

TT Giác Đẳng :Đời sống của chúng ta trong thái độ thân cận nó không phải chỉ là một sự lựa chọn của trí tuệ. Sự lựa chọn của trí tuệ mà chúng tôi muốn nói ở tại đây có nghĩa là chúng ta thường lựa chọn người bạn nào mà tốt nhất cho mình. Và vấn đề còn lại là thế nào là người bạn tốt? Những việc đó không thường xảy ra đối với chúng ta, chúng ta chỉ lựa chọn bằng trái tim của chúng ta mà thôi. Nói một cách khác là cho dù lý trí của chúng ta cho chúng ta biết rằng một người nào đó họ thật sự không đáng để quen, không đáng để thân cận, bởi vì họ không phải là một người tốt nhưng chúng ta vẫn thích thân cận là bởi vì ở trong lòng của chúng ta nghĩ rằng người đó mang lại cho chúng ta một cảm giác, ví dụ một cảm giác êm đềm hay là một sự mơn trớn đối với tự ngã của mình, hoặc giả là người đó có những lời nói tâng bốc làm cho chúng ta vui lòng đẹp dạ. (XEM TIẾP)


 
   

Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 79

Người trí vui trong chánh pháp

Pháp hỷ tạo niềm vui
Với tâm tư an tịnh
Người trí luôn hân hoan
Pháp thuyết bởi bậc thánh

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

TT Trí Siêu : Chúng tôi hy vọng rằng bài kệ và lời thuyết giảng này sẽ giúp cho quý vị được sự an vui và tìm thấy một trạng thái phỉ lạc khi chúng ta thực hành theo Giáo pháp. Tự mỗi người chúng ta  phải cho mình cơ hội nếm được hương vị ngọt ngào của Chánh Pháp. Chúng ta đi đến với Giáo Pháp không phải chúng ta tầm cầu sự hạnh phúc an lạc ở một tha lực nào khác mà chúng ta phải tìm sự an lạc, sự hạnh phúc tự chính đáy lòng, chính tâm tư của mình hiểu rõ và thấm nhuần trong Pháp, thực hành trọn vẹn trong Pháp, chúng ta sẽ có được hương vị đó.

. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 80

Người trí biết tự rèn luyện mình

Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm cung chuốt tên,
Thợ làm mộc uốn gỗ
Bậc trí biết tự rèn

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

TT Giác Đẳng Nhìn vào xã hội loài người hôm nay, ở trên thế giới này, quốc gia nào phát triển thì quốc gia đó có một ngân sách giáo dục rất lớn, quốc gia nào chậm phát triển thì quốc gia đó thường có ngân sách giáo dục kém hơn so với quốc phòng hoặc so với những lãnh vực khác. Giáo dục là một điều hết sức quan trọng. Có giáo dục thì xã hội mới tiến bộ, mới đi lên. Và chính vì vậy, một số quốc gia mà tài nguyên thiên nhiên rất là ít, như Nhật Bản, thì thưa quí vị, họ trông cậy rất nhiều vào sự phát triển của tri thức, sự đào tạo ra con người. Và chính con người có tài, có được sự giáo dục đầy đủ mới là nguồn tài nguyên của đất nước.

. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 81

Bậc trí không giao động

Như đá tảng kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy, giữa khen chê
Người trí không giao động

(Việt dịch TK Giác Giới)

TT Giác Đẳng :Có những khi người ta làm phước nhưng người ta làm rất vụng về, vụng về ở bên ngoài nhưng trong tâm của họ rất chân thành, và nếu trong trường hợp đó chúng ta có những lời nói ra nói vào thì có thể chúng ta tạo một nghiệp rất bất thiện. Những người đang tu tập, những người đang làm chuyện phước sự mà chúng ta có những lời nói dè bỉu, có những lời nói khiến người đó bỏ cuộc, không tiếp tục tu được nữa, không làm chuyện phước thiện nữa đó là một ác nghiệp rất lớn, nếu chúng ta có chủ tâm làm như vậy. Nhưng ngược lại đối với bản thân của chúng ta, khi chúng ta đang làm việc gì mà bằng thiện chí của mình thì chúng ta cũng phải tự nhắc rằng, cũng có thể trong những giờ phút đó, chúng ta giống con cua lột, chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng lợi khí của miệng lưỡi, chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng sức mạnh của thường tình, đó là của thế lực của tiền bạc, lúc đó chúng ta hoàn toàn đem tâm tư của mình ra trải rộng cho cuộc đời. Khi đó người ta có thể sơn son thép vàng và người ta có thể quăng trên đó đủ tất cả những thứ dơ bẩn của cuộc đời và chúng ta phải chấp nhận .(XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 82

Lòng rộng thênh thang nhờ nghe diệu Pháp

Trong sáng và tỉnh lặng
Như hồ nước thẳm sâu
Bậc trí nghe pháp mầu
Tâm an bình tịnh lạc

(Việt dịch TK Giác Giới )

TT Trí Siêu: :...Việc nghe chánh pháp có năm điều lợi ích: thứ nhất là được nghe chánh pháp chưa từng nghe. Lợi ích thứ hai là những pháp đã nghe rồi nghe lại được sáng tỏ thêm. Thứ ba là khi nghe pháp tâm sẽ dứt trừ nghi hoặc sự nghi vấn. Thứ tư trong khi nghe pháp tâm được an tịnh. Và thứ năm là sau khi mệnh chung người do nhờ phước của sự nghe pháp mà được sanh về cõi trời. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 83

Bậc trí biết giữ lòng thanh thản

Hiền nhân không chấp thủ
Tịnh giả chẳng hoang ngôn
Đối ngoại cảnh vui buồn
Lòng an nhiên tự tại

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng )

TT Giác Đẳng : Tại sao con người khát vọng, con người khát vọng là bởi vì con người không có thoả mãn. Thưa qúi vị khi mà chúng ta đang nói về một cái gì đó và chúng ta nói đến dụng ý là để làm thoả mãn chính mình thì có nghĩa là một phần nào khác của đời sống tinh thần của chúng ta rất là nghèo nàn, nó nghèo nàn đến đỗi mà chúng ta luôn luôn khao khát để đi tìm một thứ khác bù đắp vào và điều này cái sự nghèo nàn về đời sống tinh thần nó khiến cho bản thân của chúng ta luôn luôn hướng vọng tìm một điều là làm sao để thoả mãn. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 84

Trí nhân y chánh pháp bất y nhân ngã

Không vì mình, vì người
Vì tài sản, con cái
Vì đế nghiệp vương quyền
Mà lìa xa chánh pháp
Bậc trí sống thánh thiện
Đức hạnh, tuệ rạng ngời

.(Việt dịch TK Giác Đẳng )

TT Trí Siêu :Là người Phật tử chúng ta luôn luôn tự mình trao dồi trí tuệ, và khi đã có trí tuệ sáng suốt tự mình rèn luyện cho mình một đời sống đạo đức, một đời sống đức hạnh, và chính đời sống đức hạnh đó và trí tuệ đó đã đem lại cho chúng ta một cuộc sống hợp pháp đúng pháp không có lỗi lầm, và không bị người khác chỉ trích. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 85 & 86

Trần gian mấy kẻ vượt trầm luân

Ít người giữa nhân loại
Đến được bờ bên kia
Phần đông bên bờ nay
Ngược xuôi không định hướng

Ai thực hành chánh pháp
Khéo quảng diễn tuyên thuyết
Đạt cảnh giới bất diệt
Thoát ma lực tử thần

.(Việt dịch TK Giác Đẳng )

TT Giác Đẳng :Và rồi ở đoạn thứ hai, một lần nữa Đức Phật nhắc cho chúng ta biết rằng như trong câu kệ mà quý vị được nghe “Ai thực hành Chánh Pháp, khéo chơn chánh tuyên thuyết”. Đức Phật thuyết pháp không để mê hoặc cuộc đời, có những lời hay ý đẹp ở trong cuộc sống, những lời hay ý đẹp đó đến một cách nhẹ nhàng, một cách tế nhị chứ không có sức lôi cuốn chúng ta như một bản nhạc. Những nguời đến tham dự một đại nhạc hội, họ có thể cảm nhận, thưởng thức được sự hào hứng, sự thư giãn hơn là đến chùa để nghe một bài pháp. Tuy vậy, giá trị của bài pháp không thể so sánh với giá trị của bản nhạc. Bản nhạc có hay đến mức nào đi chăng nữa thì bản nhạc vẫn là bản nhạc, nhưng ý lý của diệu pháp thì dù ở mức độ buồn chán đi nữa thì nếu những người nào khéo biết, khéo nhìn thì ý lý của diệu pháp có thể quán chuyển cả tâm tư và đời sống của mình. (XEM TIẾP)


Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga) - Kệ ngôn 87 & 89

Con đường thoát tục đầy sinh phong

Kẻ trí bỏ pháp đen
Tụ tập theo pháp trắng
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khó lạc.


Hãy cầu vui Niết bàn
Bỏ dục, không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch
Cấu uế từ nội tâm.


Những ai với chánh tâm,

Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.

.(Việt dịch TK Trí Siêu)

TT Giác Đẳng :Và ở đây khi Đức Phật Ngài đề cập đến câu kệ đầu tiên là bậc trí từ bỏ pháp đen tối để đi theo con đường pháp sáng trong là Ngài nói lên một thái độ phân định rõ ràng. Thái độ phân định đó một lần nữa nói lên một tinh thần nhận thức được cái gì là cái nên làm, cái gì là cái không nên làm. Có những quyết định trong cuộc đời không thể là một quyết định trung lập được, nó không thể là quyết định nửa vời được, và nó không phải là một quyết định mang tánh cách lưỡng toàn được, hoặc là bên này hoặc là bên kia, và con đường đi xuất gia trước nhất phải bắt đầu từ thái độ đó. (XEM TIẾP)


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Đầu trang