Ai thực hành chánh pháp
Khéo quảng diễn tuyên thuyết
Bây giờ chúng ta lại đi đến một điểm rất là tế nhị. Thật ra, chúng tôi không biết là câu kệ nầy có bao nhiêu bản dịch mà đi quá xa, có những bản dịch đề cập rằng:
Ai thực hành chánh pháp
Ai thường giảng chánh pháp
Nhưng đó thực sự không phải là câu của bài kệ nầy. Ý nghĩa chính của bài kệ thứ hai nầy là :
Ai thực hành chánh pháp
Đã được khéo giảng (hay là giảng một cách chân chánh)
Chúng tôi không muốn dùng chữ giảng một cách chân chánh mặc dù đó là từ ngữ gần nhất tại vì khi ta nói giảng một cách chân chánh, người ta hiểu sai nghĩa chân chánh là mang tính cách đạo đức. Ở đây từ ngữ mà Đức Phật dùng tới gọi là sammadakkhate dhamme, là pháp được giảng đúng cách, phải lẽ, pháp được khéo thuyết. Chữ khéo ở đây khiến chúng ta hình dung đến cái đẹp, chúng tôi định nghĩa chữ sammadakkhate là như thế nào. Lấy ví dụ như là ở trong một ngôi chùa nếu chúng tôi tổ chức sinh hoạt của một ngôi chùa rất là vui, vui để quý vị phật tử vào chùa có thể có những bữa ăn thường xuyên và về chùa có những sinh hoạt vui vẻ, chữ vui vẻ đó khiến cho rất nhiều người đến và người ta có thể khen chúng tôi là một vị trụ trì khéo tổ chức một ngôi chùa. Nhưng nếu có một số nhiều người đến chùa là bởi vì ăn uống, vui vẻ, nói chuyện với nhau, lâu ngày có thể đánh mất đi ý nghĩa trung thực của một ngôi chùa. Thật ra chúng tôi phải làm thế nào đó mà ngôi chùa đó không vắng quá, cũng không đông quá, không sinh hoạt xã hội nhiều quá. Cái đó là một cái khó.
Quý vị thấy chữ phương tiện của đạo Phật có nhiều lúc trở thành hết sức khó khăn, người ta đem âm nhạc vào trong đạo, nhưng âm nhạc đó đến chừng mực nào, cái chừng mực làm mê hoặc lòng người, hay âm nhạc đó vừa đủ để tôn cái đẹp, điều đó rất là khó. Có lẽ ví dụ cụ thể nhất ở đây là người ta cho uống thuốc. Ở tại Hoa Kỳ, chúng tôi nhớ có nhiều chứng bệnh mà bác sĩ thường không cho thuốc nhiều, họ chỉ để cho cơ thể chúng ta có khả năng đối kháng mặc dù mất thêm ít thời gian, ví dụ như có những trường hợp bị cảm, người ta dạy chúng ta uống vitamin C, dạy chúng ta phải ăn súp nóng, dạy chúng ta nghỉ ngơi và làm những thứ đó trong một hai tuần lễ thì cơ thể chúng ta đủ sức đương đầu lại với bịnh cảm, như vậy tốt hơn là chúng ta uống trụ sinh quá mạnh. Chúng tôi thật sự không giỏi về tây y, chúng ta được biết nhiều vị bác sị tốt nghiệp ở đây nhưng cũng từng học ở Việt Nam thì các bác sĩ cho biết rằng thuốc của Pháp thì mắc hơn, mạnh hơn. Nhưng nhiều người Việt Nam rất thích uống thuốc theo cách của pháp, nghĩa là khi mình bị cảm, bị cảm một cách sơ sài, nhưng vì muốn mình khỏe hẳn ra thì đi chích thuốc và chích thuốc Pháp. Đồng ý rằng hai cách trị bệnh đó, một cách trị bệnh rất là nhanh, một cách trị bệnh thì mất thời gian nhưng ở trong thực tế nếu chúng ta muốn trị bệnh nhanh mà chúng ta uống thuốc quá mạnh để về sau nầy cơ thể của chúng ta lờn, quen dần, không còn khả năng đối kháng với bệnh tật hữu hiệu nữa qua các loại thuốc đó thì tốt hơn chúng ta chịu khó dùng một ít thuốc, kiên nhẫn chờ đợi thời gian lâu hơn, để vận dụng sức đối kháng tự nhiên của cơ thể. Điều nầy rất là khó vì đa số chúng ta sống ở trong cuộc đời nầy, chúng ta rơi vào trong trường hợp là chúng ta dễ chọn lựa những liều thuốc quá mạnh.
Vì vậy chánh pháp của Đức Phật, nếu quý vị đọc vào sẽ thấy rằng có một điểm rất là tế nhị. Làm thế nào đó mà chánh pháp có thể tồn tại giữa cuộc đời nầy, làm thế nào đó mà chánh pháp được thuyết giảng, nghĩa văn cụ túc nhưng ở mức độ vừa phải, không mang tính cách mê hoặc không mang tính cách huyền thọai. Về điểm nầy phải nói rằng không dễ. Chúng tôi nhớ một lần có một anh Phật tử từ Việt Nam qua đây và anh đó đi bác sĩ. Khi đến nói với bác sĩ là anh bị nhức đầu. Bác sĩ mới hỏi anh vài ba câu hỏi như anh có thức khuya không? Anh có đi nắng không? Anh có bị áp huyết không? v.v… thì anh ra về, anh nói với chúng tôi rằng bác sĩ ở đây không có giỏi. Ở nhà mỗi lần anh bị bệnh thì bà mẹ lấy thuốc gì đó cho anh uống thì anh hết bệnh, còn ở bên nầy, gặp bác sĩ họ thấy mình họ không biết mình bịnh gì mà họ phải hỏi nhiều câu hỏi như vậy. Cách đánh giá đó, thưa quý vị, là cách đánh giá rất bề ngoài bởi vì để chữa một chứng bịnh thực sự của chúng ta hoàn toàn không có đơn giản. Để chữa trị một chứng bệnh của chúng ta thì đối với một người chuyên nghiệp, có hàng chục lý do để nhức đầu, có thể vì áp huyết chúng ta cao, có thể vì chúng ta thức khuya, có thể là chúng ta gặp vấn đề với răng, với mặt của chúng ta. v.v…. quả thật với một bác sĩ chuyên nghiệp họ có thể nghe chúng ta nói nhức đầu và họ cho thuốc và cho thuốc mạnh để chúng ta uống liền được.
Chữ Ai thực hành chánh pháp mà chánh pháp được khéo giảng đó thì thật sư ở đây muốn nói đến thái độ của một người có thể hiểu được chánh pháp mà chánh pháp đó tương đối không thể nhận được giá trị dễ dàng bởi phần đông mọi người.
Chúng ta phải đi vào duyên sự của câu chuyện nầy một chút để có thể thấy được ý nghĩa của bài kệ. Có một số lớn người ở trong một khu làng, họ quyết định với nhau là sẽ đến chùa Kỳ Viên để nghe pháp và thức trọn đêm ở chùa, giống như những đêm chúng ta hạnh đầu đà ở chùa vậy. Nhưng thưa quý vị bởi vì ban ngày họ quá lăng xăng lo việc trai tăng, cúng dường, chạy tới chạy lui nên khi ban đêm họ vào trong chùa để nghe Pháp thì trời càng khuya thì họ càng buồn ngủ và một số người cảm thấy rất mệt mỏi. Cho đến sáng thì chỉ còn lại một số ít người trong số người đó có thể ở lại để nghe Pháp.
Chúng tôi thấy dựa trong cộng đồng người Việt ở bên nầy, thỉnh thỏang người ta có những phong trào ví dụ như phong trào có lúc ai cũng rầm rộ uống nuớc linh chi, có lúc rầm rộ uống nước trái nhàu, rồi có lúc họ chạy theo pháp nhân điện chẳng hạn. Những cao trào như vậy dễ tác động rất nhiều người nhưng lại không tồn tại lâu dài. Những thứ đó chỉ là lời hứa hẹn mang tính cách nhất thời và một số người nào đó cảm thấy hăng hái đi theo nhưng về lâu về dài thì họ không theo được. Khả năng chuyên chở của đạo và khả năng thu hút của đạo không nằm trong kinh nghiệm bình thường của đời sống chúng ta. Vì vậy khi chánh pháp được thuyết, gọi là thuyết một cách chân chánh, khéo thuyết thì chánh pháp đó giống như phương thuốc của một vị thầy thuốc đưa ra, làm sao để trị được bệnh nhưng mà lại không có để những biến chứng về sau nầy. Điều nầy không phải là một điều dễ. Vì sao? Vì phần đông chúng ta bị cuốn hút ở cái hào nhoáng bên ngòai hơn là có thể đi vào giá trị thật sự của một pháp tu, giá trị thật sự của một phương pháp. Vì vậy khi Đức Phật dạy rằng ít người giữa nhân loại đến được bờ bên kia, phần đông bên bờ nầy ngược xuôi không định hướng, một con số rất cụ thể về đời sống của nhân loại nhưng rồi Ngài cũng dạy rằng:
Ai thực hành Chánh Pháp,
khéo chơn chánh tuyên thuyết,
đạt cảnh giới bất diệt,
thoát ma lực tử thần.
Cảnh giới bất diệt thoát ma lực tử thần ở đây Đức Phật dạy vể thực trạng của đời sống, cách mô tả nầy cũng rất khó diễn dịch sang tiếng việt . Ở trong câu kệ, Đức Phật nói rằng năng lực của ma là một năng lực níu chúng ta lại, nó chi phối, xiềng xích chúng ta lại, nó củng cố đời sống. Chúng tôi lấy một ví dụ là nếu quý phật tử, tất cả chúng ta mà phải sống 100 năm, 1.000 năm hoặc là sống không bao giờ chết thì thưa quý vị tất cả nhũng gì trong đời sống của mình, từ đi học, lập gia đình, làm việc, trình tự đều ở trong một chương trình khác, ở trong một thái độ khác hoàn toàn. Nhưng ai cũng biết rằng, khi tuồi 20, 30 qua rồi thì rất là khó để chúng ta làm một số công việc quan trọng. Như việc học, với người bình thường thì rất là khó để có thể trở lại mái trường mà lấy được bằng cấp. Tuổi đó đã qua rồi, có một số người rất khó lập gia đình, vì tuổi đó đã qua rồi, có một số người rất là khó để bắt đầu nghề nghiệp mới. Rồi đến tuổi 30, 40 nếu đã qua rồi rất khó để chúng ta tạo sự nghiệp, rồi 50, 60. v.v…. Nếu chúng ta không có con có cháu để thừa kế thì rất là khó để sau nầy có người thừa kế mình.
Quý vị thấy rằng bởi vì thời gian đi qua, chúng ta không muốn nhắc đến cái chết, chúng ta không muốn nhắc đến cái chung cuộc. Tuy vậy ở trong bản năng của chúng ta, chúng ta đều làm những quyết định và bởi vì chúng ta thừa biết rằng mình không lột da sống vĩnh viễn trên cõi đời nầy, không làm được như vậy nên chúng ta rất nỗ lực cố gắng để làm thế nào có thể làm việc sớm hơn khi sự chết chi phối tất cả chúng ta và ở nơi nầy Đức Phật Ngài dùng chữ gọi là macchudheyam, cảnh giới của thần chết, cảnh giới bị chi phối bởi thần chết, không có nghĩa là chúng ta đi về bên kia thế giới. Nhưng thưa Quý vị, chính kiếp người 100 năm nầy, chính kiếp người ngắn ngủi nầy, tự nó đã khiến chúng ta phải trăn trở không ít, và dù sự trăn trở đó không lộ ra khuôn mặt ở bên ngoài nhưng chính trong nội tại của chúng ta, nó là một mãnh lực nặng nề chi phối tất cả mọi thứ. Tại sao có những người hối hả để lập gia đình, là bởi vì họ nghĩ, họ biết rằng tuổi xuân của họ không tồn tại lâu. Tại sao có những người hối hả hãy làm một việc gì đó là vì cơ hội đó không có nhiều. Có một lần chúng tôi đi với một số Phật tử sang thăm thành phố Venice, trên đường đi ghé Milano, một thành phố lớn phía Bắc nước Ý, là thành phố lớn thứ hai sau La Mã thì thưa Quý vị đang đi như vậy trong đoàn có một cô Phật tử chạy theo năn nỉ chúng tôi rằng: “ Xin Thầy chờ cho năm phút” bởi vì cô ấy muốn vào mua bộ quần áo đã nhìn thấy trong cửa kính. Chúng tôi thấy cô rất là khẩn khoản như vậy nên chúng tôi đề nghị phái đoàn nên chờ cô ấy một chút. Lát sau cô trở ra, có một nụ cười và cô nói rằng bộ quần áo đó rất là mắc tiền. Nhưng cô giải thích rằng có nhiều khi thấy một bộ quần áo ở đâu đó mà nếu không mua thì sau nầy không có cơ hội mua nữa mà dù có cơ hội trở lại thì người ta không còn bán nữa. Thưa Quý vị, nhìn thấy một món đồ mà nghĩ rằng người ta sẽ không còn bán nữa và không thể mua ở nơi khác, phải mua liền, điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng người đó đã nhận thức rằng cái gì họ đang có rất hiếm hoi.
Ở trong kiếp người của chúng ta, mặc dù chúng ta không nghĩ đến sự chết, chúng ta rất sợ để nghĩ đến cái chết nhưng rõ ràng một kế hoạch của chúng ta về cuộc sống đều bị chi phối bởi sự chết một cách nặng nề, nặng nề đến nỗi nhất nhất những chương trình, những kế hoạch ở trong đời sống nầy đều phải chạy theo cái mà chúng ta gọi là chương trình của một đời người. Và bây giờ có một chữ khác là chữ suduttaram. Chữ suduttaram ở đây như là khó để vượt thoát, chữ khó để vượt thoát ở đây nói lên một ý nghĩa bởi vì khả năng kềm chế, khả năng chi phối quá mạnh, nên ngay cả những lúc chúng ta vào chùa, chúng ta nghĩ đến chuyện tu thì những thứ đó vẫn chi phối chúng ta. Chúng ta lên non xuống biển, chúng ta trôi dạt về bất cứ phương trời nào, chúng ta làm gì thì điều đó mãi mãi là một nỗi ám ảnh, nỗi ám ảnh khôn nguôi, một nỗi ám ảnh mà không bao giờ mình vượt thoát được.
Trọn vẹn bài kệ nầy có lẽ chúng ta phải mất nhiều thì giờ để suy tư. Thứ nhất là trong bài kệ đầu tiên, Đức Phật dạy rằng giữa nhân loại, tức là giữa những người có khả năng để tu tập thì rất ít người đạt đến bờ giải thoát, phần đông chúng ta trôi dạt, xuôi ngược ở bên bờ nầy, xuôi ngược, chúng ta sống lệ thuộc vào năm uẩn, vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có đôi khi chúng ta đặt ngược lại vấn đề là tại sao chúng ta xuôi ngược vào sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn? Khi chúng ta hiểu thấu điều đó thì chúng ta thấy rõ ràng rằng lúc nào mình cũng xuôi ngược bên bờ nầy và có rất ít người đi sang bờ bên kia.
Và rồi ở đoạn thứ hai, một lần nữa Đức Phật nhắc cho chúng ta biết rằng như trong câu kệ mà quý vị được nghe “Ai thực hành Chánh Pháp, khéo chơn chánh tuyên thuyết”. Đức Phật thuyết pháp không để mê hoặc cuộc đời, có những lời hay ý đẹp ở trong cuộc sống, những lời hay ý đẹp đó đến một cách nhẹ nhàng, một cách tế nhị chứ không có sức lôi cuốn chúng ta như một bản nhạc. Những nguời đến tham dự một đại nhạc hội, họ có thể cảm nhận, thưởng thức được sự hào hứng, sự thư giãn hơn là đến chùa để nghe một bài pháp. Tuy vậy, giá trị của bài pháp không thể so sánh với giá trị của bản nhạc. Bản nhạc có hay đến mức nào đi chăng nữa thì bản nhạc vẫn là bản nhạc, nhưng ý lý của diệu pháp thì dù ở mức độ buồn chán đi nữa thì nếu những người nào khéo biết, khéo nhìn thì ý lý của diệu pháp có thể quán chuyển cả tâm tư và đời sống của mình.
Do vậy, ở đây Đức Phật dạy rằng những ai thực hành Chánh Pháp mà khéo chơn chánh tuyên thuyết thì điều đó không phải dễ, hoàn toàn là một chuyện rất khó. Trong chúng ta đều trải qua một kinh nghiệm về sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ dành cho chúng ta sự giáo dục, thầy tổ dành cho chúng ta sự giáo dục, mà nền giáo dục đó, ở một tuổi nào đó chúng ta cảm thấy rất nhàm chán, không hấp dẫn chút nào hết. Nhưng khi chúng ta đi vào trong cuộc đời, lúc mình đủ khôn thì mình sẽ nhận thấy rằng những nền giáo dục như vậy hết sức cần thiết, hết sức quan trọng với đời sống nội tại của mình. Theo những nhà tâm lý học cho chúng ta biết thì tình thương rất chân thành của cha mẹ, tuy rằng được biểu lộ một cách chừng mực nào đó thì nó sẽ huấn luyện, sẽ dạy cho chúng ta biết thế nào là một tình cảm chân thật và những ai trưởng thành, được nuôi lớn với tình thương của cha của mẹ như vậy thì người đó lớn lên với một tâm hồn tương đối lành mạnh. Trong cuộc đời có những thứ tình cảm rất nồng nàn, có những cảm xúc rất cuồng nhiệt nhưng những thứ đó không có khả năng để giáo hóa, để cảm hóa con người của chúng ta. Một bài pháp và một bản nhạc điều đó khác nhau hoàn toàn, và vì vậy chữ phương tiện trong đạo Phật đôi lúc phải được đặt vấn đề một cách rõ ràng, thế nào là vừa phải trong việc sử dụng phương tiện.
Ngày nay có khuynh hướng rất lớn là làm thế nào đó mà chúng ta có thể phô diễn được chánh pháp, chuyên chở được Chánh Pháp trong những phương tiện, thậm chí dùng đến tiền bạc, dùng đến ma lực của vật chất, những điều đó chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta phải suy nghĩ lại. Chúng tôi không nói chống, hay nói là mình phải chạy theo, dĩ nhiên là chúng ta phải thích hợp với từng thời từng lúc nhưng nếu chúng ta đi quá xa, chỉ chọn những gì có khả năng cuốn hút, lôi cuốn ở bên ngòai thì có thể chúng ta sẽ bị cái bịnh là thả mồi bắt bóng, chúng ta quên đi rằng có nhiều thứ hết sức có giá trị trong đời sống nầy thì chúng ta lại không thấy nó hấp dẫn như mình nghĩ, nhưng những gì gọi là hấp dẫn trong đời sống, thì thưa Quý vị, thường nó lại không tốt như mình nghĩ. Giống như câu nói rất thường nghe, đó là “Những ai tốt thì không đến, những ai đến thì không tốt” cũng tương tự như vậy.
Cả bài kệ nầy chúng tôi xin thưa rằng đó là một trong những bài kệ quan trọng của Kinh Pháp Cú mà chúng tôi vẫn thường đọc và thường tâm niệm. Chúng tôi mong rằng quý Phật tử sẽ dành nhiều thì giờ để chiêm nghiệm và suy tư về lời kinh pháp cú nầy. Chúng ta hãy nhớ hình ảnh thời Phật trụ thế, ở tại chùa Kỳ Viên ở trong pháp xá, giữa Đức Phật và chư tăng tu tập, thế mà có một nhóm người ban đầu cũng phát tâm tu tập nhưng bởi vì lúc ban ngày họ quá bận rộn chuẩn bị trai tăng, chuẩn bị những thứ cần thiết nên ban đêm họ không tập trung được vào việc nghe chánh pháp, họ nghe mà họ không thể hiểu được chánh pháp và rồi họ đã sanh hôn trầm, phiền não, họ nói chuyện nhiều, vọng đọng nhiều, tranh cãi nhiều, cho đến sáng thì chỉ có một số ít người ở lại với tâm tư tỉnh táo và nếm được hương vị thật sự của Chánh Pháp. Hình ảnh đó không phải là hình ảnh của 2.500 năm trước, hình ảnh đó cũng là hình ảnh của chúng ta hôm nay, hình ảnh của chúng ta sống trong một thế giới mà sự quyến rũ của ma lực lúc nào cũng thể hiện một cách rõ nét. Trong thế giới nầy có rất ít người tỉnh táo vượt qua bờ bên kia đại dương trầm luân, đa số chúng ta quanh quẩn bên bờ nầy.
Chúng tôi xin kết thúc bài pháp ở tại đây. Xin nguyện tất cả chúng ta có đủ hùng tâm ý lực để có thể vượt qua trầm luân sinh tử.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Download
KN 85-86
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|