Kệ Ngôn 87 - 88 - 89 Con Đường Thoát Tục Đầy Sinh Phong
|
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Người trí bỏ pháp đen, Từ bỏ mọi dục lạc, Ai chánh tâm tu tập. Ka.nha.m dhamma.m vippahaaya sukka.m bhaavetha pa.n.dito Tatraabhiratimiccheyya hitvaa kaame aki~ncano Yesa.m sambodhia'ngesu sammaa citta.m subhaavita.m Minh Hạnh chuyển biên: Ngày hôm nay chúng ta thảo luận 3 bài kệ 87, 88 và 89, ba bài kệ này được Đức Phật Ngài dạy trong một trường hợp. Có lẽ ít khi chúng ta gặp một đoạn văn rất ngắn mà lại đề cập nhiều và rất rõ về đời sống xuất gia. Đời sống xuất gia trong một quan niệm nào đó thì chữ thoát tục lại gần với ý nghĩa của xuất gia hơn là xuất gia chỉ là rời bỏ gia đình, tuy nhiên cả hai chữ này đều được dùng trong kinh điển tùy theo cách hiểu của chúng ta. Và đây là trường hợp các vị tỳ kheo sau mùa an cư kiết hạ tại Kosola về đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật nhìn các thầy tỳ kheo một nhóm đông đảo sau một thời gian dài ba tháng sống an cư thúc liễm thân tâm tu tập, thì Ngài đã ban bố những lời dạy trên như là một toát yếu về lộ trình tu tập. Nhưng ở đây chúng ta đọc được rất nhiều, điều quan trọng nhất mà chúng ta đọc ở đây là hướng đi và thái độ của người xuất gia. Và sở dĩ đề tài ngày hôm nay mang tên là "Con đường thoát tục đầy sinh phong," là bởi vì người ta thường quan niệm rằng đi xuất gia có nghĩa là chúng ta chối bỏ tất cả, và cuộc sống hướng về vô vi yên tĩnh, không làm việc gì khác ngoài ra một thái độ né tránh tục sự, né tránh những chuyện của trần gian. Nhưng hình ảnh của người xuất gia ở đây Đức Phật Ngài mô tả và hướng dẫn thì chúng ta thấy rằng đó là hình ảnh hết sức tích cực, không những tích cực mà có lúc Ngài dùng chữ gọi là chói sáng. Ngài dùng những danh từ hân hoan, Ngài dùng những danh từ chánh tâm, đó là những chữ mà tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận dễ dàng được, những danh từ rất tích cực trong đời sống. Quả thật như vậy nếu chúng ta đọc kỹ từng câu kinh Pháp Cú thôi đừng nói đọc hết cả kho tàng kinh điển của Phật giáo thì chúng ta hiểu rằng đời sống đi xuất gia không phải là một sự lựa chọn mang tánh cách là né tránh mà đó là một sự lên đường bằng hùng tâm và nghị lực. Ở trong lịch sử cũng đã cho chúng ta biết về nhiều điểm này, những Tôn Giả như A Nậu Đa La, Ananda là những vị hoàng tử, Ngài Sariputta, Ngài Moggallana là những vị trí thức, những người này đang sống ở tuổi đời nhiều sức sống với một tinh thần mẫn tiệp và không có lý do gì các vị đó trọn con đường thụ động. Ở trên con đường tích cực này Đức Phật cũng dạy cho rất nhiều những chấm phá in đậm khả năng phấn đấu của tự thân. Chúng ta hãy đọc qua ba bài kệ một lần và sau đó thì chúng tôi sẽ đi vào chi tiết của từng bài kệ. Người trí lìa đen tối, Hãy vui cầu tịch tịnh, Như ai với chánh tâm. Trong câu đầu tiên "Bậc trí lìa đen tối tu tập pháp sáng trong." Trong từ ngữ Phật học thì hai chữ Ka.nha.m dhamma.m nhiều bản dịch là pháp đen tức là những pháp đen tối. Những pháp đen tối không chỉ có phiền não mà những pháp này kể luôn cả những hệ lụy tế thoái của đời sống tại gia. Lấy một ví dụ qúi vị là một cư sĩ Phật tử nếu ra đường mặc bộ áo quần không sang trọng không tươm tất thì người ta sẽ đánh giá qúi vị, do đó quí vị ra bên ngoài phải mặc đồ rất tươm tất, thì đó là hệ lụy của đời sống tại gia thời xưa cũng như nay. Và ở đây khi Đức Phật Ngài đề cập đến câu kệ đầu tiên là bậc trí từ bỏ pháp đen tối để đi theo con đường pháp sáng trong là Ngài nói lên một thái độ phân định rõ ràng. Thái độ phân định đó một lần nữa nói lên một tinh thần nhận thức được cái gì là cái nên làm, cái gì là cái không nên làm. Có những quyết định trong cuộc đời không thể là một quyết định trung lập được, nó không thể là quyết định nửa vời được, và nó không phải là một quyết định mang tánh cách lưỡng toàn được, hoặc là bên này hoặc là bên kia, và con đường đi xuất gia trước nhất phải bắt đầu từ thái độ đó. Thật ra thì đạo Phật ngày nay người ta nói nhiều đến tinh thần bất nhị, người ta nói nhiều đến tinh thần vô phân biệt, làm sao ở trong giữa thế gian này tìm thấy chân pháp và làm sao để ở trong chân pháp có thể không xa với thế gian này. Đúng ra ở trong một chừng mực tư duy nào đó thì chúng ta gặp gỡ tất cả các pháp dù là thiện dù là bất thiện, nhưng riêng với một người khởi đầu cuộc hành trình và cuộc hành trình là đi xuất gia thì không phải bắt đầu bằng tư tưởng, bằng triết lý, bằng tư duy, mà bắt đầu bằng một thái độ phân định rõ ràng. Bởi vì nó sẽ đưa chúng ta về hai hướng khác nhau. Cũng như khi chúng ta lái xe hoặc là quẹo mặt hoặc là quẹo trái, quẹo mặt và quẹo trái ở trong lúc đó hết sức quan trọng, nó có thể đưa chúng ta về hai phương trời hoàn toàn khác nhau, đối với chúng ta không thể dùng đến tư tưởng của triết học, không phải dùng bất cứ một ngôn ngữ nào để thấy rằng quẹo trái quẹo phải đều giống nhau. Thật ra nó có khác nhau nhiều lắm. Và thái độ phân biệt ở đây là thái độ phân biệt rõ trắng là trắng, đen là đen, hắc bạch phân minh. Và thái độ hắc bạch phân minh này sẽ giúp cho một vị hành giả tìm đưọc một cảnh giới hoàn toàn khác hơn là cũ. Theo trong giới luật người xuất gia thì một người đã đi tu rồi nếu trước kia làm những nghề nghiệp nào, như là làm nhà nông hay là làm thợ thầy v.v... thì những nông cụ mà mình đã làm khi đi xuất gia không nên mang theo, và nếu mang theo không đúng tinh thần giới luật của Đức Phật. Ví dụ như có cây cuốc chẳng hạn, hay làm thợ hớt tóc thì phải có dụng cụ hớt tóc, những thứ đó phải bỏ lại hết tất cả cho dù là đi xuất gia cần đến những đồ hớt tóc để tự cạo đầu thì cũng phải bỏ lại. Bởi vì nếu không phân biệt rõ ràng, và không có một thái độ dứt khoát trắng là trắng, đen là đen, hắc bạch phân minh, thì đời sống đó là một đời sống chưa rõ nét. Và không có một điều gì mà làm cho tâm tư của chúng ta phiền lụy cho bằng đứng ở bên này mà ngóng ở bên kia, như các vị thiền sư Nhật Bản thường nói rằng "Những người vào trong tu viện thì nhớ quán bar và những người vào quán bar thì nhớ tu viện." Có lẽ cuộc sống của chúng ta ở một hoàn cảnh đặc biệt nào đó thì thái độ phân biệt trắng là trắng, đen là đen rõ ràng sẽ giúp cho chúng ta có một thái độ mạnh, và thái độ đó được diễn tả và được tìm thấy ở hai đoạn kinh sau "Hãy vui hướng tịch tịnh, ly dục vô sở cầu, bậc trí tự thanh lọc, mọi cấu uế tham sâu." Chữ "hãy vui hướng tịch tịnh," là một chữ rất đặc biệt. Có một lần một thanh niên tên là Yasa sống trong một gia đình giàu có đến gặp Đức Phật trong đêm, và Đức Phật biết anh đang có tâm chán nản đối với cuộc sống ở bên ngoài, Đức Phật nhận thấy rằng căn duyên của anh đã đến, Ngài đã thuyết một bài pháp về "Tuần tự pháp thoại," Ngài dạy ở trên đời này mình có được tài sản đó là một hạnh phúc, nhưng mình biết cho cũng là một hạnh phúc, mình sống tự do muốn làm gì làm, phóng túng nó cũng có niềm vui, nhưng nếu mình sống tự chế gìn giữ giới luật thì nó lại vui hơn. Thế giới này có những lạc thú nhưng các cõi trời thì lại có nhiều lạc thú hơn, sở dĩ chúng ta bám víu vào đây là tại vì chúng ta chưa biết những lạc thú ở cảnh giới khác mà thôi. Và hai đoạn sau là hai đoạn rất quan trọng, đó là ngũ dục có vị ngọt nhưng lại có nguy hiểm của nó. Từ bỏ ngũ dục là con đường thoát ly, nó có cái không dễ của nó nhưng mà rồi nó cũng có được cái hạnh phúc tối thượng. Và con đường xuất gia cho dù bỏ lại tất cả sau lưng nhưng nó vẫn có một vị ngọt, nó có một cái quả gọi là samôn quả, samôn quả này không thể cảm nhận một cách bình thường được. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có một lần về nhà ông cậu nghe ông cậu nói chuyện với đứa con lên tám của mình thì ông cậu nói rằng con ráng học lớn lên thì ba sẽ cho con đi học làm bác sĩ, thì thưa qúi vị người con đó một cách hết sức ngây thơ hỏi ba rằng "làm bác sĩ thì làm được cái gì ba?" thì cậu Chín của chúng tôi ngồi suy nghĩ lâu lắm không biết phải giải thích làm bác sĩ ra thế nào. Bây giờ lớn lên chúng tôi nhớ lại cảnh đó thì chúng tôi biết rằng khi một người mà muốn diễn tả cho đứa con nhỏ của mình biết về bác sĩ thì chỉ có một cách nói nào đó, mà có lẽ là không thể nào một đứa con lên tám lên chín tuổi có thể hiểu được học thành tài thì làm gì, làm bác sĩ là làm gì, nhưng một điều chắc chắn rằng đứa con sẽ thấy rằng những gì mà đứa con đang tha thiết bây giờ đều không có, ví dụ như là quà, bánh, chạy nhảy tung tăng với những bạn bè chòm xóm qua lại lân la v.v... những thứ đó không còn có ở một thời điểm xa xôi nào đó. Thì tịch tịnh là một cảnh giới hoàn toàn khác, người vui hưởng cái tịch tịnh đó không phải là chuyện dễ dàng, cái vui hướng tịch tịnh đó tương tựa như một người có ý thức được là mình đang có gánh nặng trên vai bây giờ mình tìm chỗ nào đó đặt gánh nặng xuống, bởi ở đây đặt gánh nặng xuống cái cảm giác không còn gánh nặng nữa nó là một cảm giác mà phải có ý thức phải tế nhị lắm mới hiểu thế nào là hạnh phúc của cái không gánh nặng đó. Thì đời sống xuất gia cũng vậy, là người xuất gia là vui hướng tịch tịnh, hướng tịch tịnh là ở trong cái gì đó mà không có ràng buột, ở trong cái gì đó mà không có nặng nề, ở trong cái gì đó mà không tuế toái thì chúng ta tìm ở đó một tâm hân hoan, một tâm tìm thấy hạnh phúc. "Ly dục vô sở cầu, bậc trí tự thanh lọc, mà cấu uế nông sâu" Đối với bình thường của chúng ta thì cho rằng những dục lạc là chất sống và nếu chúng ta từ bỏ dục lạc thì chúng ta sẽ không còn chất sống nữa, nhưng một người chọn con đường xuất thế mà Đức Phật Ngài đã dạy ở đây, thì một ý thức miên mật người đó phải có đó là các dục vốn là phần của thế giới kia chớ không phải là phần của thế giới này, cái thế giới mà chúng ta gọi là thế giới của những pháp đen, cái thế giới mà chúng ta thường thấy rằng đó là một thế giới vốn nhiều chi phối ràng buột, phải thấy phải biết như vậy thì nhìn các dục lại khác hơn. Chỉ một ý thức rất nhỏ thôi thì chúng ta sẽ thấy một điểm này là cho dù thế giới ở bên ngoài có ăn ngon mặt đẹp, có được những thứ gì đi nữa thì một người sống ở trong dục lạc như tất cả chúng ta sống hàng ngày, chúng ta có một điểm là không bao giờ có thể thoả mãn được hết. "Thế gian là khiếm khuyết là nô lệ cho tham ái," đó là lời dạy của một vị tỳ kheo Thánh đệ tử Phật Ngài Moggallàna 20.54... đó là khiếm khuyết nô lệ cho tham ái, là bởi vì tham ái luôn luôn làm cho thế gian này khiếm khuyết, cái ý muốn nó làm cho thế gian này thiếu thốn, nếu chúng ta hiểu cho rõ và ngồi suy nghĩ cho kỹ thì thấy thế gian này không biết bao nhiêu là đủ, và không biết bao nhiêu là thiếu, là bởi vì chúng ta có sự ham muốn nên thế gian này mãi mãi là thiếu, kể cả tình yêu, kể cả tiền bạc, kể cả bất cứ thứ gì mà mình có đuợc, luôn luôn mình cảm thấy thiếu, tại vì đó là bản chất của dục vọng, chúng ta không thể nào làm cho điều đó được thoả mãn hết. Và vì vậy con đường xuất thế ở đây là con đường ly dục vô sở cầu. Ly dục vô sở cầu là đặt lại một thái độ sống hoàn toàn khác biệt, một thái độ sống đó là tâm tư của mình làm sao không để những thứ đó chi phối, và chúng ta không bị nô lệ bởi những sở cầu như vậy. Từ bỏ mọi ái nhiễm, không chấp thủ, hân hoan. Từ bỏ mọi ái nhiễm không chấp thủ hân hoan là một trạng thái nói lên một sự thong dong thật sự. Mình hãy tưởng tượng là hãy nghĩ rằng cuộc tu là một cuộc hành trình, cuộc hành trình đó có lẽ là hạnh phúc nhất là cái gì mà chúng ta đến được, nơi nào chúng ta đến được chúng ta có thể đi được, cái gì nắm lên thì có thể buông xuống được, cái gì nắm lại thì có thể bỏ ra, cái gì vác lên thì có thể buông xuống được, đó là thái độ thong dong. Phải nói rằng ở trong suốt cuộc sống này chúng ta trải qua rất là nhiều thứ từ khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục đến những thủ đắc về tri kiến mà chúng ta có được ở trong nội tại, những thứ đó nó đều cho chúng ta ít nhiều những hương vị của đời sống, nhưng mà rồi chúng ta không phải là một người đến đây để định cư ở giữa trần gian này. "Chúng ta từ đâu đến trái đất này, Ý thức miên mật mà một người xuất gia có được trong lòng là không phải cõi tạm ở trần gian này là chỗ định cư, và vì vậy vị đó phải có khả năng là hân hoan trong cái không chấp thủ, hân hoan là bởi vì thấy rằng mình đã có thể đi tới mà không bị kẹt lại. Và bất cứ một sự bám víu, một sự chấp thủ nào của đời sống nó giống như một chiếc tàu mà thả neo vậy. Khi nó thả neo mà nó muốn chạy tự nhiên là phải nhổ neo, nếu mà cái neo còn để dưới thì nó không thể nào đi lại tự tại trên sông hồ được. Có lẽ hình ảnh này nói đến một cái sinh thông hết sức sống động của đời sống xuất gia, và ngày hôm nay chúng ta có rất ít cơ hội để làm việc này. Có thể nói rằng một trong những điều thâm tại lớn nhất của kiếp người mà chúng ta có căn lành sống được ở trong cái thời giáo pháp của chư Phật, đó là Đức Phật mở rộng cho chúng ta một cái lối sống là lối sống xuất gia, trong lối sống xuất gia đó chúng ta có nhiều quyền định đoạt về thời gian về công việc về mọi thứ của mình, nhưng đặc biệt là chúng ta có thể có nhiều thứ nhưng mà rồi khi chúng ta bỏ lại, thì chúng ta sẽ có cảm nhận như là một chiếc thuyền nhổ neo và tiếp tục cuộc hành trình không có lý do gì mà nó đậu ở một chỗ và tiếp tục bị vướng mắc như vậy. Thì nói chung là niềm hân hoan đó cũng là một niềm hân hoan tế nhị khác, một niềm hân hoan của một người hoàn toàn ý thức được gánh nặng của đời sống, và không để cho tâm tư mình dính mắc một điều gì. Đoạn lậu hoặc sáng chói, ở đây có thể được hiểu rằng lục căn của chúng ta bị lu mờ đời sống của chúng ta bị bao phủ bởi phiền não nên nó không bao giờ sáng chói. Tâm của chúng ta cũng vậy, trí của chúng ta cũng vậy và đời sống của chúng ta cũng vậy, khi nào nó bị bao phủ bởi phiền não thì tự nó không thể phát huy được, tự nó không thể đạt đến một cảnh giới sáng chói như một nội tâm thoát tục được. Phải nói rằng điều này Đức Phật ở trong một cách nói ví dụ hay là một lối nói bóng bảy thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng hiểu rằng sự sáng chói ở đây là một sự khai triển cùng tận, một sự biểu lộ cùng tận, của một nội tâm thanh tịnh, của một nội tâm không bị vẩn đục. Và về điểm này ở trong nhiều đoạn kinh khác Đức Phật Ngài đã nhấn mạnh rằng; tâm của chúng ta một khi đã bớt phiền não, đã lắng đọng phiền não thì chúng ta sẽ cảm nhận được một trạng thái hân hoan, một trạng thái sáng sủa. Và cái hân hoan sáng sủa đó có thể được ví dụ như là sau một ngày dài làm việc mồ hôi và những cáu bẩn ở trên người chúng ta, nó làm cho chúng ta cũng bình thường vậy nhưng trong cái bình thường nó có cái gì khác biệt lắm, nếu chúng ta có thì giờ đi tắm ngay lúc đó, sau khi tắm thoải mái chúng ta nghe một cảm giác hoàn toàn khác, cái cảm giác đó sau khi tắm nó là một sự sáng chói rạng rỡ và một niềm nhẹ nhàng thanh thản của một cái gọi là cái sạch cái thanh tịnh, cái sự rũ bỏ uế nhiễm, rũ bỏ các lậu hoặc. Đức Phật Ngài đã dùng rất nhiều phương tiện để cho chúng ta thấy được thế nào là cái rực rỡ cái hạnh phúc của một nội tâm không có cấu uế. Thưa qúi vị chúng tôi có một ví dụ mà có lẽ chúng tôi muốn dùng đời sống cá nhân của mình để làm một ví dụ ở tại đây. Là thông thường ở trong phòng của chúng tôi có nhiều khi đồ đạc để không ngăn nắp và những lúc nào dọn dẹp được sạch sẽ một cách thứ tự lại thì những lúc đó có một cảm giác hoàn toàn thoải mái và thoải mái một cách đặc biệt, thì lúc đó chúng tôi lại nhớ đến câu Phật ngôn, bài kệ thứ 89 chúng ta đang đọc ở đây, Đức Phật Ngài nói về hình ảnh của một nội tâm khi mà nội tâm đó không có sự chi phối của các lậu hoặc, chi phối của tham, chi phối của sân, chi phối của si, chi phối của những phiền não như là sân, tật, lận, hối, tham tà kiến, ngã mạn, rồi si, vô tàm, vô qúi, phóng dật, hôn trầm, thụy miên, hoài nghi v.v... những thứ đó khi không có thì tâm của chúng ta rất nhẹ nhàng. Qúi Phật tử cứ để ý một ngày nào đó đi chơi một chuyến ở Las Vagas.... ở đó có rất nhiều cái hấp dẫn có nhiều thú vui, nhưng những thú vui đó sau khi qúi vị đi xong rồi trở về và có lẽ qúi vị không có được một cái nhẹ nhàng thanh thản như là một ngày nào một lần nào đó qúi vị đi tham dự một khóa thiền hay đến tham dự một chương trình sinh hoạt nhẹ nhàng mang tánh cách tâm linh. Hoặc giả là sống ở một nơi nào đó an tịnh, sự an tịnh đó nó trả cho chúng ta về một cái cảm giác hoàn toàn sảng khoái mà ở đây về phương diện tinh thần đạo Phật gọi là sáng chói, sự sáng chói này nói lên một sự khai triển cùng tận cái tinh hoa cái đẹp nội tại của mình. "Tại thế chứng Niết-bàn" tức là chứng được Niết-bàn ở trong đời này giữa cuộc đời này chứ không phải đó là một cái trí tưởng tượng. Khi Đức Phật dùng chữ tại thế chứng Niết-bàn thì chúng ta lại nhớ một câu khác của Ngài Na-Tiên khi vua Milanda hỏi Ngài Na-Tiên Niết-bàn ở đâu, thì Ngài Na-Tiên dạy rằng ở đâu có những người tu tập diệt trừ được phiền não thành tựu chánh trí chứng Niết-bàn thì ở đó có Niết-bàn. Thì nói một cách bình thường của chúng ta có rất nhiều người Phật tử mơ ước về một tịnh độ nhân gian mơ ước về một cứu cánh ở trong hiện thế này, nhưng chúng ta đừng quên rằng trong kinh điển đạo Phật những cứu cánh ở trong cuộc đời này ở giữa cuộc đời này là cái gì đề cập đến rất nhiều của kinh Phật, chứ không phải tu tập để dành cho một kiếp sau để dành cho một vị lai nào đó mà chúng ta hoàn toàn mơ hồ chúng ta không biết tới. "Những ai với chánh tâm khéo tu tập giác chi phần," cái ý khéo tu giác chi phần ở đây với chánh tâm tức là mình biết phát triển những tiềm lực của mình bằng với ý hướng bằng một dụng tâm hết sức chân chánh. (Về điểm này có lẽ chúng ta nói đến sau bài kệ này khoảng bốn bài kệ.) Thì cứ tưởng tượng là ở trong túi của qúi vị có tiền, thì có tiền chỉ là một phần của đời sống thôi, phần tiếp theo là chúng ta phải biết là biết dùng tiền đó ở một công việc nào thích đáng khả dĩ an lạc cho chúng ta. Tương tự như vậy một đời sống xuất gia là đời sống hiểu rằng ở trong nội tại của mình có rất nhiều tiềm lực như là trí năng, trí năng là khả năng của trí tuệ, thì chúng ta phải khéo đặt để nó bằng tâm chân chánh như thế nào, khéo tôi luyện và khéo hướng tâm, khéo dùng nó một cách chân chánh như thế nào để mang lại lợi lạc. Thì trong ba bài kệ này được Đức Phật Ngài dạy liên tục ở trong một lần Ngài gặp các vị tỳ kheo sau mùa an cư trở về. Cũng nên nói thêm ở đây là mùa an cư tại Ấn Độ là mùa mưa. Chư tăng ở các quốc gia Phật giáo bắc truyền như Trung Hoa, Nhật Bản thì an cư từ rằm tháng Tư cho đến rằm tháng Bảy. Chư tăng bên Nam Tông an cư từ rằm tháng Sáu cho đến rằm tháng Chín, ba tháng đó gọi là ba tháng vassa mưa rất nhiều, từ rằm tháng Sáu âm lịch trở đi thì đó là mùa mưa có khi mưa dầm, ở tại Ấn Độ và suốt cả mùa hè như vậy thì chư tăng ở lại một chỗ tu tập và có thể nói trong thời gian này vì bớt đi lại chỗ này chỗ khác mà chỉ tập trung vào sự tu tập nên các căn của vị này rất là trong sáng, và các vị này sẵn sàng lãnh hội pháp của Đức Phật. Ở đây Đức Phật tự thân Ngài là một vị rời bỏ gia đình sống đời sống không gia đình, Ngài có sự phân biệt rất rõ ràng là thế nào là những lợi và bất lợi, thế nào là pháp trắng và pháp đen. Khi đọc vào bản mô tả này thì rõ ràng rằng qua ba bài kệ đó đời sống xuất gia không phải là cuộc chạy trốn, không phải là một lối sống để né tránh, mà đời sống đó là đời sống có đối diện trực diện với những vấn đề của đời sống, đời sống đó đưa chúng ta vào một cảnh giới mới hơn là cảnh giới chúng ta có hiện tại, đời sống đó cho phép chúng ta có thể nhìn vấn đề ở phía bên kia chứ không phải chỉ một mặt ở phía bên này, cuộc sống đó cho phép chúng ta nếm được hương vị, một hương vị mà rất ít chúng ta có thể cảm nhận liền lập, tức đó là hương vị của giải thoát. Trước khi chấm dứt bài thuyết giảng này chúng tôi xin khuyên qúi Phật tử một lần nữa là: đời sống xuất gia được Đức Phật mô tả ở ba bài kệ này là một ví dụ rất cụ thể rằng đó là một lối sống mang nhiều sinh phong hết sức khác biệt, gọi là khác biệt bởi vì có khi nằm ngoài sự tưởng tượng của một người bình thường, tuy nhiên qua cái sinh phong thấy nó tích cực thấy nó trực diện và ở đó có một sự vượt thoát chứ không phải là một cuộc sống mà chúng ta thường nghĩ rằng là một lối sống trốn tránh, là một lối sống thụ động, hơn bao giờ hết ở thế giới này người ta thường có một cái nhìn như là cuộc sống tu tập là một sự lựa chọn sau cùng khi không còn có sự lựa chọn nữa, thì ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng đời sống xuất gia đời sống tu tập tự nó đã bắt đầu bằng sự lựa chọn pháp nào trắng pháp nào đen, hắc bạch phân minh, nó bắt đầu bằng sự lựa chọn. Và có nhiều người trong chúng ta cho rằng chúng ta cần phải có chỗ nương tựa, nhưng khi Đức Phật lại đưa ra chữ từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình là Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng cuộc sống đó là cuộc sống tự thân của mình, mình phải đi một mình để mưu cầu lấy những giá trị thiêng liêng chứ không phải là những giá trị nắm níu, những giá trị mà sàng qua níu lại ở trong cuộc sống của người tại gia cư sĩ. Chúng tôi cũng muốn nhắc ở đây một chữ đặc biệt trong bài kinh khi chúng ta nói về đời sống xuất gia "Viveke yattha duurama.m," là đời sống viễn ly, "viveke" là đời sống viễn ly, nhưng đời sống đó không dễ dàng, đời sống đó phải nói rằng không dễ dàng là bởi vì nó cần đến hùng tâm đại lực. Một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang thì điều đó rất dễ dàng, bỏ nhà đi hoang là bởi vì nó bỏ cha bỏ mẹ đi lang thang, đi vào trong cuộc đời này chỉ bằng một chút giận dữ ở trong lòng thì nó có thể đi được. Nhưng ở đây chúng tôi có thể nói rằng dịch chữ "kham nhẫn" là một chữ rất gượng ở trong cái nguyên văn của bài kệ Phạn ngữ này, thì là đời sống viễn ly khó làm khó thể thực hiện được và không phải ai cũng hoan hỉ được, hiếm người tìm được sự thích thú và đời sống đòi hỏi là đời sống ra đi nhưng ra đi có trách nhiệm, chứ không phải là ra đi nghĩa là buông thả mình để lăn lộn vào trong biển trần đau khổ này. Trong đoạn thứ hai thì Đức Phật nói lên những niềm vui dựa trên sự từ bỏ những niềm vui không phải là sự từ bỏ dễ dàng như sự tưởng tượng của chúng ta cũng như là khi chúng ta thấy trong cuộc đời là vui, những tiếng cười hỉ hả của chúng ta trong cuộc sống này mình thấy nó vui nhưng thật sự nó không vui ở một phương diện nào đó, nó chỉ nói lên rằng chúng ta vui thì vui ngượng kẻo là, nhưng chúng ta không vui trọn vẹn cho đến khi nào chúng ta không bị sự khát ái chi phối nữa thì lúc đó mới là niềm vui trọn vẹn. Cũng như chúng ta ăn chúng ta nghĩ rằng ăn là một lạc thú nhưng rõ ràng đời sống ăn là một nhu cầu, chẳng những nhu cầu mà nó là một thế lực, thế lực đó bao trùm lên đời sống của chúng ta, có bao nhiêu người phải lăn vào trong cái chết để tìm miếng ăn của mình, thì qúi vị thấy rằng ăn nó không phải tự nó là một lạc thú hoàn toàn như người ta nghĩ. Ở trong đoạn thứ hai thì Đức Phật lại đưa ra một người tìm hạnh phúc ở trong một điều mà cơ hồ giống như là không có gì là hạnh phúc hết. "Ly dục vô sở cầu bậc trí tự thanh lọc cấu uế nông sâu." Người trí thì hiểu rằng vấn đề đến từ trong nội tại do đó mình phải làm một cái gì đó để trở về với chính mình, đối diện với chính mình. Và một trong những giá trị lớn nhất của đời sống xuất gia là chúng ta không quy trách cho ngoại giới nhiều, không đổ lỗi cho trần gian nhiều, mà mình hiểu rằng cái vui cái buồn cái thanh tịnh hay không thanh tịnh đến từ đời sống nội tại, thành ra mình phải biết tự thanh lọc. Những ai với chánh tâm Nói lên những quả chứng, nhưng những quả chứng này không chỉ đơn giản là đắc đạo thành tựu giải thoát, Đức Phật đã đi vào một số các chi tiết của một người tu tập đó là quả chứng, là kết quả của sự tu tập giác chi phần bằng một chủ tâm chơn chánh, và vị này hân hoan vì không dính mắc không chấp thủ, vị này sáng chói vì đã đoạn được lậu hoặc. Hai vế này phải là hai vế mà chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Vui vì từ bỏ những điều ham muốn. Sáng chói bởi vì các lậu hoặc chấm dứt. Đó là hai vế nghiền ngẫu không những về văn tự mà về nghĩa rất đối xứng nhau. Khi làm được như vậy thì vị đó chứng được Niết-bàn tại thế trong cuộc đời này. Đó là ý nghĩa của ba câu kệ ngôn mà Đức Phật dạy cho các tỳ kheo khi các vị này về đảnh lễ hầu pháp Đức Phật. Chúng tôi xin kết thúc bài giảng ở tại đây, trước khi dứt lời chúng tôi xin cầu nguyện Tam Bảo tất cả phước lành chúng ta đã làm, xin hộ trì chúng ta đời này và đời sau luôn luôn có được duyên lành để có thể thành tựu được những gì mà vượt thoát cái tầm thường của đời sống mà chúng ta vốn dĩ bị vướng mắc vào. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
|
Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh |