Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 84

Trí Nhân Y Chánh Pháp Bất Y Nhân Ngã





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Không vì mình, vì người
Vì tài sản, con cái
Vì đế nghiệp vương quyền
Mà lìa xa chánh pháp
Bậc trí sống thánh thiện
Ðức hạnh, tuệ rạng ngời

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Na attahetu na parassa hetu
Na puttamicche na dhana.m na ra.t.tha.m
Na iccheyya adhammena samiddhimattano
Sa siilavaa pa~n~navaa dhammiko siyaa.

Minh Hạnh chuyển biên:

Trong bài kệ này danh từ bậc trí tuệ ở đây là chỉ cho những bậc đã giải thoát, đã đoạn tận các phiền não lậu hoặc như là tôn giả Dhammika, và bậc giải thoát như vậy là bậc có trí tuệ có giới hạnh, bậc sống theo pháp. Đối với hạng người như thế thì không nên đặt vấn đề là vì mình vì người khác mà mong mỏi con cái, hay mong mỏi tài sản, hay mong mỏi quốc độ, và cũng không mong muốn cho mình được thành tựu bằng một cách phi pháp. Ở đây có một sự hiểu lầm xảy ra khi tôn giả Dhammika xuất gia và được chứng quả A La Hán, Ngài nghĩ đến và tiếp độ những người thân do vậy Ngài trở về nhà và nói pháp cho đứa con trai nghe, đứa con trai cũng xin đi xuất gia và sau đó chẳng bao lâu chứng quả Alahán. Người vợ xưa của Ngài Dhammika suy nghĩ rằng hễ còn chồng còn con thì ta còn ở lại trong gia đình này để chăm sóc họ, nhưng bây giờ chồng và con đều xuất gia ta không còn nấn ná ở lại làm gì nữa, người vợ xưa của tôn giả Dhammika cũng đi xuất gia vào hàng tỳ khưu ni, sau đó tỳ khưu ni này cũng chứng được quả vị Alahán. Nhưng vì các vị tỳ kheo phàm tăng có sự hiểu lầm đã bàn bạc với nhau rằng tôn giả Dhammika đã xuất gia rồi mà còn quyến luyến vợ và con, Đức Thế Tôn khi Ngài ngự đến giảng đường Ngài hỏi các vị tỳ kheo đã bàn luận việc gì thì các vị tỳ kheo trình bày với Đức Thế Tôn sự kiện như vậy, để trả lời cho các vị tỳ kheo Đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ này. Như vậy bài kệ Đức Phật Ngài thuyết đề cập đến bậc có trí tuệ bậc trì giới sống đúng pháp ở đây là chỉ cho vị Alahán.

Phàm là người trí khi làm việc gì cũng có sự cân nhắc suy tư rồi mới làm, đừng nói chi là bậc trí đã đoạn tận lậu hoặc đạt đến sự giải thoát chấm dứt mọi phiền não gánh nặng đã đặt xuống không còn phiền lụy đối với tình cảm ích kỷ của một gia đình vợ chồng và con cái, đừng nói đến vấn đề đó, mà chỉ nói rằng người trí phàm phu thôi, nếu các vị này là những người trí thật sự sống theo pháp có đức hạnh, và là bậc có trí tuệ tuyệt vời thì đối với người trí ấy khi hành động cũng không vì mình vì người mà hành động, không cầu được con cái, không cầu tài sản vương quyền, cũng không cầu cho mình được thành tựu với việc làm phi pháp, thì đó là thái độ của người trí,
Người trí bậc có đức hạnh không vì mình không vì người khác. Kẻ phàm phu của chúng ta sở dĩ chúng ta thường hay mắc phải những lỗi lầm những khuyết điểm trong cuộc sống trong hành động lời nói và tư tưởng chúng ta phạm nhiều điều bất thiện đó chẳng qua vì hai khía cạnh:

Một là có người sống vị kỷ, tức là sống vì mình khi tự bản thân mình có sự đòi hỏi, khi tự bản thân mình có sự mong muốn khao khát thì người không có trí không có đức hạnh họ sẽ vì mình làm bất cứ chuyện gì nhằm để thoải mãn thị hiếu thị dục của họ. Kẻ phàm phu nhưng vô văn không có trí tuệ, họ thương yêu chính bản thân, họ thương yêu tự ngã mà làm những điều phi pháp một cách dễ dàng, họ không cần biết là những việc đó trên đời này các bậc thiện trí có tán thán hay không tán thán, không biết trong tương lai có thành tựu được an vui hay đau khổ, họ không cần biết đến, họ chỉ biết ngay trong hiện tại, họ hành động theo ý muốn theo sở thích của mình, họ nói theo ý muốn theo sở thích của mình, đó là trường hợp thứ nhất.

Trường hợp thứ hai có một số người vì người khác mà hành động, nhiều khi có người vì cha, vì mẹ, vì vợ con, vì bà con quyến thuộc, hay vì bạn bè mà họ phải làm những điều phi pháp bất thiện, họ cũng không nghĩ tới hậu quả ở tương lai và chính điểm này khi một người sống vì mình vì người khác thì người đó không được gọi là bậc trí. Vì mình, ở đây tức là chiều theo ác bất thiện pháp của mình thì điều đó là không nên, nhưng nếu vì mình tức là nghĩ đến mục đích giải thoát trong tương lai hay nghĩ đến phước báu cần phải làm hành trang để mang theo trong ngày vị lai thì việc đó chấp nhận được, việc đó rất đáng tán thán rất đáng khen ngợi. Đức Phật Ngài đã dạy trong phẩm kinh Pháp Cú Atta Vagga - phẩm Tự Ngã mà chúng ta đã được nghe qua, thì đối với bản thân mình phải biết thương yêu chính mình, nhưng biết thương yêu chính mình chúng ta phải xử sự phải hành động như thế nào để sự thương yêu chính mình, để sự vì mình đó không đưa đến hậu quả đắng cay. Như chúng ta cũng biết là có những người họ vì mình mà tạo ác nghiệp để rồi sau đó họ phải bị chịu quả cay đắng khổ đau thì như vậy người đó không phải là người trí, người trí nếu biết thương chính mình hãy khéo bảo vệ mình, người trí trong ba canh luôn luôn tự tỉnh thức, người trí sống vì mình có nghĩa là không vì người khác quá nhiều mà bỏ đi cái lợi ích cho bản thân mình, trong khi chính mình chưa gặt hái được phước báu mà mình nghĩ rằng sẽ làm cho người khác có được phước báu là một điều không thể có, tự mình chưa giác ngộ mà mình nghĩ rằng sẽ làm cho người khác giác ngộ như vậy là một điều không chính đáng, người trí bao giờ cũng vậy sống có lý tưởng, sống có mục đích. Và chính vì sống có lý tưởng có mục đích cho nên người trí đặt lý tưởng ở chỗ là làm những gì không hại mình không hại người khác, có mục đích tức là người trí khi làm việc gì cũng nghĩ đến tương lai cũng nhìn thấy tương lai tức là thấy sự giải thoát ở tương lai. Đó là chúng ta nói riêng về thái độ của người Phật tử, là một đệ tử Phật thì đời sống của chúng ta là như vậy.

Còn trường hợp sống vì người tức là sống vị tha hay sống lợi tha cũng có hai mặt, một mặt đáng khen và một mặt đáng chê. Nếu chúng ta sống vì người khác mà làm những điều phi pháp như trong bài kinh Thanacani, Tôn Giả Xá Lợi Phất đến viếng thăm bà la môn Thanacani, người balamon này sau khi đón tiếp Tôn Giả Xá Lợi Phất vào nhà và hỏi thăm Ngài sức khỏe v.v... thì Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng hỏi lại "này Thanacani trong thời gian qua không gặp ông có sống được an vui không, có sống chuyên cần bất phóng dật không?" thì lúc bấy giờ Thanacani đã thưa rằng "Bạch Tôn Giả, làm sao một người cư sĩ như chúng con bận rộn nhiều công việc lại phải lo nuôi dưỡng cha mẹ vợ con, phải thù tạc với bạn bè, phải liên hệ vua chúa để làm việc quốc độ, thì một người bận rộn như vậy thì làm sao tâm không phóng dật được," lúc bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài mới đưa vấn đề "Nếu như một người sống vì người khác mà làm các điều phi pháp, sau khi mệnh chung người ấy sanh xuống địa ngục, rồi người đó có thể vịn vào lý do tôi vì cha vì mẹ vì thân hữu vì vợ con mà làm những điều phi pháp xin các diêm vương qủi sứ đừng hành tội tôi, nói như vậy có được không?" Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi như vậy balamon Thanacani trả lời rằng "Thưa Tôn Giả không thể được, hễ mình làm thì mình chịu và tự ác nghiệp mình làm thì tự ác nghiệp mình chịu, tự mình phải cảm thọ việc ác nghiệp đó." Cho nên ở đây một điều chúng ra phải biết rằng khi chúng ta vì người khácmà làm những điều phi pháp, những điều không đúng, những điều tội lỗi thì như vậy mình sẽ gặp sự khổ đau ở trong tương lai, và lúc bấy giờ phải tự mình cảm thọ lấy. Đó là trường hợp thứ nhất đáng chê.

Còn trường hợp thứ hai sống vì mình vì người khác đáng khen là sống có sở hành lợi tha. Thế nào là sở hành lợi tha? Một người có tâm xả tài bố thí người đó chỉ mới có tự lợi, nếu như người ấy khuyến khích động viên cho người khác biết cách làm phước bố thí như vậy người đó gọi là sống lợi tha. Người nào tự mình trì giới là sống tự lợi, khuyến khích người khác trì giới như vậy là sống lợi tha. Người nào có niềm tin tức là tự lợi, khuyến khích người khác và giải thích cho người khác đạt được niềm tin đối với Phật pháp thì như vậy gọi là sống lợi tha. Người nào có trí tuệ là sống tự lợi, biết khuyến khích người khác tu tập những hạnh nghiệp để phát sanh đến trí tuệ hay là hành trì theo những phương pháp để phát sanh trí tuệ đó là sống lợi tha. Khi chúng ta tu tập không những làm cho mình được an vui để tu tập được thanh tịnh, trong sạch và được tinh khiết không còn những cấu uế của phiền não, thì khi mình sống như vậy là chỉ có lợi ích cho bản thân mình thôi không có lợi ích cho chúng sanh khác, nếu như chúng ta biết và chúng ta luôn luôn lúc nào cũng nghĩ tới lợi ích cho người bằng cách lợi hành tức là có những cử chỉ, việc làm có lợi cho người thì như vậy đó là sự lợi hành đáng khen đáng tán thán. Và nói một cách khác là mặc dù chúng ta tu tập là không vì mình không vì người khác trong câu kệ ngôn Pháp cú hôm nay chúng ta đề cập đến, nhưng chúng ta phải hiểu rằng thái độ vì mình vì người khác làm các điều phi pháp phi phước báu tạo những ác quả về sau thì như vậy thái độ vì mình vì người đó là không nên làm. Nhưng nếu như chúng ta vì mình vì người tức là biết làm cho mình thanh tịnh trong sạch và luôn luôn mình giúp đỡ cho người khác được trong sạch thanh tịnh được gặt hái phước báu thì đó là việc làm vì mình vì người được tán thán và cần phải làm.

Đối với bậc trí những bậc có đức hạnh sống theo pháp, những vị này không cầu mong được con cái, không cầu mong được tài sản quốc độ, không cầu mong cho mình được thành tựu với việc làm phi pháp, thì ở đây trong những ý nghĩa này cũng dễ hiểu không phải là khó có nghĩa là đối với người trí những bậc có đức hạnh họ không mong mỏi ta có con trai hay con gái, và những đứa con trai hay con gái của ta phải hiếu hạnh, phải được khỏe mạnh, phải được thông minh, bậc trí không có sự mong cầu như vậy, bởi vì sự mong cầu đó chỉ là một sự mong cầu viễn vông và làm cho tâm bị vọng niệm, cho nên bậc trí không mong cầu. Còn đối với tài sản thì bậc trí càng không mong cầu, dù cho tài sản đó là bất động sản hay là động sản, tức là tiền bạc những vật chất ở trong nhà mà chúng ta có thể di dời được gọi là động sản, và tài sản gọi là bất động sản là vườn tượt đất đai nhà cửa thì ở đây đối với bậc trí các Ngài biết rõ các pháp là vô thường, các pháp đưa đến sự khổ đau cho nên đối với các bậc trí không bao giờ có sự mong cầu hảo huyền như vậy, và luôn luôn có sự ý thức sáng suốt trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày của đời sống tại gia cư sĩ. Thì ở đây tất nhiên chúng ta sẽ đặt vấn đề rằng đối với bậc trí như Ngài Dhammika là bậc Alahan thì người khác thấy Ngài đi về nhà dẫn dắt con và vợ vào chùa tu tập xuất gia trong giáo pháp này thì họ nghĩ rằng vị ấy còn sự quyến luyến vợ và con, còn có sự mong mỏi tài sản vật chất v.v... nhưng trong bài kệ Pháp Cú Đức Phật Ngài đã khẳng định rằng đối với bậc trí như Tôn Giả Dhammika là bậc có đức hạnh là bậc sống đúng theo pháp, đừng nói rằng sự mong cầu con cái, hay mong cầu tài sản quốc độ, dù chỉ là mong cầu cho mình được thành tựu như ý nguyện, nhưng sự mong cầu đó sự thành tựu đó bằng một việc làm phi pháp, thì đối với bậc trí cũng không muốn khởi lên, không muốn tư duy, không muốn nghĩ đến, đừng nói chi là sự mong cầu con cái tài sản quốc độ. Bậc trí nếu chúng ta hiểu một cách rốt ráo thì bậc trí ở đây là những bậc có trí tuệ giải thoát, đã đoạn tận những phiền lụy ở đời, đã chấm dứt tử sanh sanh tử là chỉ cho những bậc Alahán.

Nhưng bài kệ Đức Thế Tôn Ngài thuyết trong bối cảnh trường hợp như vậy. Nhưng chúng ta rút kinh nghiệm trong việc tu tập đâu cần phải thành tựu được quả vị Alahán mới có thái độ đó, mà ngay trong đời sống hiện tại này mặc dầu đời sống của kẻ phàm phu nhưng chúng ta vẫn có thể thành tựu được trí tuệ. Đối với một vị tu tập họ không khởi lên sự ái nhiễm đối với vật ngoại thân và luôn luôn họ có sự sợ hãi, có lòng tàm, có lòng qúi đối với bản thân mình, ngay cả việc khởi lên ước muốn và được thành tựu một cách phi pháp thì vị đó cũng không khởi lên nữa là sự mong mỏi vật ngoại thân. Đối với người Phật tử tu tập chúng ta cần phải hiểu rằng đời là vô sở hữu chúng ta phải bỏ tất cả để ra đi, chúng ta phải hiểu điều đó nên chúng ta không có sự mong cầu tài sản, không có sự mong cầu con cái, hay quốc độ vương quyền. Bậc trí thấy rõ rằng sau khi mệnh chung ở đây tái sanh ở cảnh giới khác không có cái gì mang theo cả chỉ ngoài phước báu, do vậy người trí ngay trong hiện tại dầu rằng là kẻ phàm phu nhưng sớm có ý thức và không bao giờ đòi hỏi mong mỏi cái gì để đưa đến trạng thái khổ đau trong tương lai. Người trí ngay trong hiện tại dầu rằng là phàm phu nhưng vẫn có thể thực hành một cách hiệu quả đối với thiện pháp. Một cách hiệu quả là như thế nào, tức là khi dùng trí tuệ để thẩm xét những sự việc xảy ra thì trong khi thẩm xét như vậy chúng ta không khởi lên một tư tưởng ác bất thiện pháp, và không thực hành theo các ác bất thiện pháp đó thì làm sao có thể gặp hái quả khổ đau trong tương lai.

Là người Phật tử chúng ta luôn luôn tự mình trao dồi trí tuệ, và khi đã có trí tuệ sáng suốt tự mình rèn luyện cho mình một đời sống đạo đức, một đời sống đức hạnh, và chính đời sống đức hạnh đó và trí tuệ đó đã đem lại cho chúng ta một cuộc sống hợp pháp đúng pháp không có lỗi lầm, và không bị người khác chỉ trích. Chúng ta vẫn có thể luyện tập được, vẫn có thể thực hành được chớ không phải là đợi cho đến khi chứng quả Alahán lúc bấy giờ mới thực hiện việc mà người trí có giới hạnh không mong cầu tài sản v.v... điều đó có nghĩa là khi chúng ta tu tập cho dù rằng còn là kẻ phàm phu nhưng nên biết cái gì người khác đạt được thì mình cũng có thể đạt được, cái gì người khác học được mình cũng có thể học được, cái gì thuộc về thiện pháp tốt đẹp người khác có thể làm tốt được thì mình cũng có thể làm tốt được, luôn luôn chúng ta có phương châm như vậy. Và cho dù rằng mặc dù là kẻ phàm phu nhưng chúng ta nên nhớ trí tuệ là tài sản qúi báu của chúng ta, đó là một trong bảy thánh tài, tức là tài sản cao thượng hay là tài sản của bậc thánh nhân. Cho nên việc mà chúng ta trao dồi trí tuệ để trở thành bậc trí sống trong đời này thì điều đó chúng ta không thể nào bỏ qua được.

Và ở đây lời nói sau cùng chúng tôi cũng xin gợi ý là nếu chúng ta là người có trí tuệ có đức hạnh và sống đúng theo pháp, thì chúng ta không nên mong mỏi những cái gì phi pháp, càng không nên có sự mong muốn con cái tài sản quốc độ, vì sự mong muốn đó sẽ tạo nên sự đau khổ. Hễ chúng ta dính mắc về con cái thì chúng ta sẽ khổ đau do con cái, chúng ta dính mắc về tài sản chúng ta sẽ khổ đau vì tài sản, chúng ta dính mắc về quốc độ vương quyền thì chúng ta sẽ khổ đau vì quốc độ vương quyền, và chúng ta sống một cách phi pháp để mong được thành tựu những cái gì mà mình mong mỏi thì đó cũng đem đến sự khổ đau, do vậy cho nên chúng ta cần phải loại trừ nó đi ./.

Chúng tôi xin kết thúc bài pháp ở đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 84

Pháp Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu