Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 78

Phép Giao Du





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Chớ thân cận bạn ác
Chớ giao du tiểu nhân
Hãy thân cận bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Na bhaje pāpake mitte
Na bhaje purisādhame
Bhajetha mitte kalyān.e
Bhajetha purisuttame.
.
Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta thảo luận câu kệ số 78 trong phẩm Hiền Trí của kinh Pháp Cú. Mới nghe qua câu kệ này thì chúng tôi tin rằng đa số qúi vị đều cảm nhận rằng câu kệ đó nói lên một ý nghĩa hết sức quen thuộc, quen thuộc đến đỗi mà có thể khi chúng ta đọc qua chúng ta không có chú ý nhiều.
Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân cận tiểu nhân
Hãy thân cận bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân

Thưa qúi vị, bài kệ này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chúng ta và đồng thời có một vài chữ ở đây cũng khá thú vị để chúng ta nhớ tới. Ở đây có hai chữ pāpake mitte và purisādhame

purisādhame được xem như là những người hạ liệt, những người thấp hèn, những người không có trình độ tâm linh cao

pāpake mitte được xem như là bạn ác hay là những người có những hạnh nghiệp của thân khẩu ý sai quấy.

Trước khi chúng ta đi sâu vào ý nghĩa này chúng tôi muốn nói một cách đại lượt về một số các điểm mà chúng ta cần lưu ý khi đọc bài kệ trên.

Đời sống của chúng ta trong thái độ thân cận nó không phải chỉ là một sự lựa chọn của trí tuệ. Sự lựa chọn của trí tuệ mà chúng tôi muốn nói ở tại đây có nghĩa là chúng ta thường lựa chọn người bạn nào mà tốt nhất cho mình. Và vấn đề còn lại là thế nào là người bạn tốt? Những việc đó không thường xảy ra đối với chúng ta, chúng ta chỉ lựa chọn bằng trái tim của chúng ta mà thôi. Nói một cách khác là cho dù lý trí của chúng ta cho chúng ta biết rằng một người nào đó họ thật sự không đáng để quen, không đáng để thân cận, bởi vì họ không phải là một người tốt nhưng chúng ta vẫn thích thân cận là bởi vì ở trong lòng của chúng ta nghĩ rằng người đó mang lại cho chúng ta một cảm giác, ví dụ một cảm giác êm đềm hay là một sự mơn trớn đối với tự ngã của mình, hoặc giả là người đó có những lời nói tâng bốc làm cho chúng ta vui lòng đẹp dạ. Và hầu hết thái độ thân cận trong đời sống của chúng ta mang tánh cách bản năng hơn là có một sự thâm tình rõ ràng. Vởi vì ở trong cuộc sống này phần đông khi đối diện với những bậc thiện trí, những người có một trình độ tâm linh tương đối thì chúng ta thường cảm thấy không có thoải mái. Ví dụ như qúi vị gần gủi với một vị Thầy hay ở gần cha mẹ mình, những người chỉ cho chúng ta điều hay lẽ phải, nghĩ đến lợi ích thật sự của chúng ta, thì có lẽ chúng ta xem những vị đó như là những cây roi tức là những sự răn đe nhiều hơn là một cảm giác thoải mái. Cảm giác thoải mái là cảm giác mà chúng ta gần một người nào đó mà người đó không có đánh giá mình, người đó có thể thoả mãn được những thú vui của mình. Ví dụ chúng ta thích đi chơi, chúng ta thích cờ bạc rượu chè, và thập chí có những người thích bạn bè chỉ đơn giản ở gần những người đó có thể ăn tục nói phét được, thì những thứ đó là bản năng rất căn bản của chúng ta. Chính vì vậy khi đọc những câu kệ này thì chúng ta không nghe cái văn khí như là một lời trình bày, mà như là một sự đánh động, như là một lời kêu gọi.

Ở trong tiếng Phạn thì dùng chữ bhaje hay là Bhajetha. Bhajetha như là một mệnh lệnh cách.

Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân cận tiểu nhân
Hãy thân cận người lành
Hãy thân cận thượng nhân

Ở trong tiếng Việt thì phải nhận rằng những điểm này rất là đạt, dùng chữ "chớ" và dùng chữ "hãy" để nói lên một lời kêu gọi một cái gì đó mà như là một người nắm vai của mình để lắc cho chúng ta tỉnh ngộ khi chúng ta bị mê mang chúng ta không có ý thức rõ.

Có thể nói, thưa qúi vị, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cảnh ở tại Hoa Kỳ những người ở chung quanh có khi họ đi chùa Bửu Môn, chùa Bửu Môn là một ngôi chùa nằm cách chùa Pháp Luân một tiếng rưỡi đồng hồ nằm trên đường số 10 đi về tiểu bang Lousiana, nếu vị nào đi về chùa Bửu Môn chỉ cần đi khoản chừng 30 dặm nữa thì sẽ tới biên giới của tiểu bang Lousiana là thành phố Lake Charles ở đó có casino (sòng bài) mà người Việt Nam đã bỏ rất nhiều tiền ở đó. Thì thưa qúi vị, chúng tôi có thấy rằng mỗi lần những người ở tại đây mà họ đi về Lousiana có một số rất ít đi ngang ghé thăm chùa Bửu Môn lễ Phật, cho dù không quen biết Thầy trụ trì nhưng mà chỉ đi để ghé lạy Phật như là cái gì rất quen thuộc với người Việt Nam thường đến các ngôi chùa để lạy Phật, và phần đông họ chỉ đi thẳng sang tiểu bang Lousiana, thành phố Lake Charles, và chúng tôi thấy rằng có những người Phật tử mà không phải chỉ thích Phật pháp không mà họ thích trò chuyện với Chư Tăng và họ thích việc trồng cây hoa cảnh những điều mà họ có thể học được rất nhiều ở TT Huyền Việt thì họ lại về đó ít hơn. Nhưng những người Phật tử mà được rủ đi đánh bài ở các sòng bài thì cái khả năng quyến rủ họ rất lớn, có khi họ rủ được cả 5, 3 gia đình cùng đi với họ ở trên nhiều chiếc xe.

Ở đây chúng ta không đánh giá ai tốt ai xấu, chỉ có một vấn đề mà mình nói rằng phần đông chúng ta cho dù có một sự tôn trọng, có sự hiểu biết rằng anh A bà B hay là Thầy C những người đó là những người tốt, những người đó là những người có trí tuệ đi nữa thì chúng ta cũng ít thích lân la, ít thích giao du, thường thường chúng ta dữ thái độ kính nhi viễn chi, kính mà ở xa nhưng không dám thân cận, không dám thân cận ở đây không phải là vì ở gần những người đó họ là cọp là beo gì, nhưng chúng ta không thoải mái, chúng ta chỉ thoải mái đối với những người bạn mà những người bạn đó làm cho niềm hãnh diện ở trong lòng của chúng ta được vuốt ve, họ làm cho chúng ta cảm thấy rằng mình được thoải mái được dễ chịu. Thì ở đây Đức Phật Ngài nhắc chúng ta rất nhiều, lời nhắc của Đức Phật ở trong đó có một sự tha thiết, có một cái gì thúc dục. Mà đúng như vậy, bởi vì Đức Phật trong trường hợp này Ngài dành lời dạy đặc biệt cho một người đệ tử, mà người đó vốn có một sự gắng bó với cuộc sống của Ngài thời niên thiếu, đó là Channa hay Sa-Nặc.

Qúi Phật tử trong room có lẽ ít có nghe về chữ Channa nhưng qúi vị nghe nhiều về Sa-Nặc nếu qúi vị thường đi chùa. Sa-Nặc là người đánh xe của thái tử Sĩ Đạt Đa được xem như là người tín bộc tức là người hầu cận tín cẩn thường đi bên mình, thường đánh xe và thậm chí vâng lời thái tử tuyệt đối. Vua Tịnh Phạn thì muốn giữ thái tử ở trong hoàng cung, không muốn Thái Tử đi xuất gia, không muốn Thái Tử tiếp xúc với cuộc đời, nhưng những thứ đó Sa-Nặc đều giúp cho Thái Tử, trong vai trò của người tín bộc của một người tùy tùng tâm phúc thì Xa Nặc không những làm tròn trách nhiệm của mình mà dành cho Thái Tử Sĩ Đạt Đa tất cả lòng thương mến tất cả sự qúi trọng chân thành mà Sa-Nặc có được. Chúng ta đọc rất nhiều giai thoại về cuộc đời của Thái Tử Sĩ Đạt Đa, khi Ngài đi dạo bốn cửa thành thì Sa-Nặc chính là người đánh xe và là người trả lời những câu hỏi thắc mắc của Thái Tử, và những câu trả lời của Xa Nặc đã làm cho Thái Tử hé mở thấy một thế giới mới, một sự thật mới về đời sống, và trong đêm tối khi mà Thái Tử quyết định lên đường đi tìm ánh sáng của tâm linh, ánh sáng của giác ngộ giải thoát thì chính Sa-Nặc là người lặng lẽ chuẩn bị yên cương trung thành một cách tuyệt đối, Thái Tử bảo sao thì làm như vậy, khi đưa Thái Tử vượt sang sông Anoma thì Sa-Nặc biết người chủ của mình muốn từ bỏ ngai vàng đế nghiệp Sa Nặc vẫn một lòng khẩn khoảng xin được đi theo, đi theo không phải là vì đời sống tu hành cao qúi mà đi theo để tiếp tục hầu hạ, tiếp tục làm công việc mà Sa-Nặc không những cảm thấy vinh dự để làm mà cảm thấy hết sức là hạnh phúc để được làm một người thân cận với Thái Tử. Nhưng lúc đó Thái Tử Sĩ Đạt Đa quyết định trở thành một vị Samôn và Ngài đã từ chối, đem tất cả áo mão của mình giao lại cho Sa Nặc, và Ngài đã nhờ Sa Nặc làm một công việc cuối cùng trong tư cách của một người chủ đối với một người tín bộc đó là đem áo mão trở về và trình tâu với nhà vua là Sĩ Đạt Đa hôm nay đã trở thành vị Samôn không còn là vị hoàng tử nữa.

Thì thưa qúi vị, những giai thoại đó chúng ta nghe rất nhiều và chúng ta biết Sa Nặc trước sự thành đạo của Đức Phật nhiều hơn là sau sự thành đạo của Ngài. Câu chuyện ở trong kinh cho chúng ta biết rằng khi Đức Phật trở về cố hương là thành Ca Tỳ La Vệ thì Sa-Nặc không một chút suy nghĩ đã đến đảnh lễ và xin được theo Đức Phật, bấy giờ Đức Phật nhận Sa-Nặc vào là một tỳ kheo ở trong tăng đoàn. Tâm trạng của Sa Nặc không phải là một tâm trạng khó hiểu, Sa-Nặc xuất gia theo Phật và cũng phải nói thêm một điểm nữa là tuổi của Sa-nặc cũng bằng tuổi của Đức Phật, xuất gia theo Phật ở trong những tháng ngày rất sớm, xuất gia theo Đức Phật trong những tháng ngày đầu tiên khi mà Đức Phật Ngài mới khởi dựng, mới đặt nền móng ngôi nhà chánh pháp, có nghĩa là Sa-nặc về lâu về dài trở thành một trong những vị tỳ kheo có hạ lạp cao, trở thành một trong những vị tỳ kheo có thể nói rằng có được một cái vị thế quan trọng ở trong tăng chúng vì hạ lạp của mình. Nhưng mà rồi Sa-nặc vốn là một người sống nặng chữ tình hơn là nặng về trí tuệ, Sa-nặc không có một căn bản về đạo tâm mà đi xuất gia chỉ thuần là vì một lòng kính thương đối với vị cố chủ của mình tức là Đức Phật. Thì thưa qúi vị cái tâm trạng đó nó rất gần với nhiều người chúng ta hôm nay, cuộc sống ở bên ngoài người ta hay nói "nhất thân, nhì thế", nếu mình đối với một vị vua, đối với một nhà lãnh đạo, đối với một vị giáo chủ mà mình đã có một quá khứ hết sức gắng bó như Sa-nặc với Đức Phật thì không thể trách được Sa-nặc là người không có niềm tự hào rằng không ai biết Đức Phật nhiều hơn mình. Và chính vì thế Sa-nặc vào trong tăng chúng mà luôn luôn nuôi một tâm niệm là ở trong tăng chúng này mình là người gần với Đức Phật hơn ai hết, Đức Phật thương mình hơn ai hết tại vì mình đã là một người tín cẩn của Ngài một người tín bộc của Ngài trong nhiều năm, chẳng những niềm hãnh diện đó chỉ khiến cho Sa-nặc bị trở ngại trong thiện pháp mà niềm hãnh diện đó khiến cho Sa-nặc đôi khi có một vài lời nói bất kính với những vị trưởng lão khác, những vị trưởng lão khác thật ra xuất gia trước sau Sa-nặc không lâu, như trong trường hợp của Ngài Xá-lợi-phất Ngài Mục-kiền-liên chỉ lớn hơn Sa-nặc có một hạ thôi, nghĩa là năm Đức Phật trở về hoàng cung thì lúc đó Rahula mới lên bảy tuổi nghĩa là Đức Phật đã rời hoàng cung bảy năm thì năm đầu tiên là năm mà Ngài Xá-lợi-phất và Ngài Mục-kiền-liên đã đến với giáo pháp của Đức Phật, thì năm mà Đức Phật trở về thành Ca-tỳ-la-vệ đó là năm thứ hai và như vậy năm dài tháng rộng tuổi hạ chênh lệch với nhau một hai ba hạ đó không phải là chuyện quá lớn. Nhưng mà rồi Sa-nặc chẳng những từ chối sự dạy dỗ sự hướng dẫn của nhị vị Thượng Thủ Thinh Văn đã đành mà còn có những lời nói ra nói vô, những lời nói đó mới đọc thì nghe rất là vui như là ở trong kinh Pháp Cú sớ giải thường nhắc rằng Sa-nặc hay nói với các tỳ kheo rằng "cái ngày mà Đức thế Tôn đi xuất gia thì ngày đó đâu có Xá-lợi-phất, đâu có Mục-kiền-liên nhưng mà có tôi nè", đó là cách nói của Sa-nặc.

Thì thưa quí vị, cách nói đó nó giống như là cách nói mà mỗi lần chúng tôi sang Paris hay là chúng tôi thỉnh thoảng gặp một vài người Phật tử mà những Phật tử này vốn quen biết rất lâu với các vị Tôn Túc tiền bối như HT Hộ Tông, HT Giới Nghiêm, HT Tịnh Sự v.v.... mà khi những vị này quen biết với qúi Ngài lớn thì lúc qúi Ngài thậm chí còn là Sa-di nữa do đó các vị gọi qúi Ngài bằng Sư thôi như Sư Hộ Tông, Sư Hộ Giác, Sư Giới Nghiêm v.v... và rồi các vị này thì nghĩ rằng đã quen với các Ngài lâu năm có nghĩa là những vị tu sau này đều là nhỏ hơn các vị hết, đó là một cái nhìn rất bình thường ở trong đời sống tâm tư của con người, thì Sa-nặc cũng vậy. Mà quả thật là bởi vì cái tính tình đó khiến cho Sa-nặc không gần được những vị thiện trí, khiến cho Sa-nặc không hấp thụ được cái hay và cái đẹp của những bậc thượng nhân của những bậc long tượng đang sống ở trong tăng chúng, mà Sa-nặc lại thường thân cận với những vị Tỳ Kheo mà những vị Tỳ kheo này vốn có tâm tính hạnh kiểm hành vi không xứng hợp với đời sống Samôn.

Điều này là điều tất nhiên bởi vì nếu mình không thân cận được với người thiện thì tự nhiên mình có khuynh hướng gần ác, như là một câu cách ngôn của người Ấn Độ nói rằng "với một người không thể cúi đầu trước bậc thiện trí thì sớm muộn gì người đó sẽ a dua hoặc là sẽ tuân phục trước những người xấu xa." Trong trường hợp này Sa-nặc không phải là một người có bản tính xấu, không phải một người có bản tính ác nhưng mà bởi vì niềm hãnh diện, bởi vì một chút cao ngạo về thân thế của mình, không phải vì thân thế mà vì sự quen biết trước của mình với Đức Phật đã khiến cho Sa-nặc có một ngăn cách đối với những bậc thiện trí ở trong tăng chúng ngay cả Ngài Xa-lợi-phất Ngài Mục-kiền-liên, và sự ngăn cách này đã đẩy Sa-nặc về phía bên kia gần những vị tỳ kheo mà bất xứng . Và trong trường hợp này chúng ta cũng đọc rất nhiều câu chuyện khác, một lần Sa-nặc thường sống ở tại một trú xứ ở Kosavi tên là Kositarama ở tại đây Sa-nặc đã có một số việc làm sai quấy thậm chí Đức Phật đã dạy chư tỳ kheo làm một pháp yếtma mà ở trong kinh thường gọi là pairvàsa, thì pháp yết ma này là một pháp yết ma được xem như là cấm phòng hay là biệt trú dành cho Sa-nặc, rồi trong lúc chư tăng ở Kosavi có sự phân hoá thì Sa-nặc lại đứng về một phía chứ không đứng vai trò trung lập để rốt cuộc rồi bị cuốn hút theo những tranh chấp thị phi của chúng tăng chia rẽ tại Kosavi.

Khi nói đến Sa-nặc thì chúng ta lại nói đến một hình ảnh một giai thoại rất là cảm động về Đức Phật. Đức Phật đã có mấy lần chính Ngài hoặc giả Ngài sai các đệ tử hoặc là Ngài dạy tăng chúng làm pháp yết-ma để răn phạt tỳ kheo Channa nhưng lại không có kết quả, Ngài răn phạt là bởi vì việc phải răn phạt và Ngài dạy dỗ huấn thị bởi vì việc đó phải huấn thị, nhưng Ngài cũng cho tăng chúng biết rằng ngày nào mà Ngài còn trụ thế thì ngày đó Sa-nặc không thay đổi được, lý do đơn giản thôi, là niềm tự hào của Sa-nặc nằm hoàn toàn ở cái ý nghĩ là mình đã từng là một người thân tín với Phật, Đức Phật thương mình và trong tình thương đó không có một cái gì có thể thay đổi được, Sa-nặc luôn luôn nghĩ trong đầu là cho dù Đức Phật có răn có quở có la thì như là một người chủ đối với một người tín bộc, và quả thật là Sa-nặc thấy Đức Phật luôn luôn dành cho mình một tấm lòng đại bi vô hạn, nên về điểm này Đức Phật xác nhận với tăng chúng là ngày nào Ngài còn trụ trên thế gian này thì Sa-nặc sẽ không cảm hoá được. Nên chi thưa qúi Phật tử câu kệ này ở trong một lần khi mà Sa-nặc có những lời xúc phạm đối với hai vị thưởng thủ thinh văn, Đức Phật gọi Sa-nặc đến trong lời lẽ rất là ân cần hết sức là nhẹ nhàng, Đức Phật đã kêu gọi Sa-nặc.

Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân cận kẻ tiểu nhân
Hãy thân cận bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân

Nhưng mà rồi tật đâu cũng vào đó không có gì thay đổi, mãi cho đến khi Đức Phật sắp viên tịch trong những tháng ngày mà Đức Phật phải để lại nhiều di giáo quan trọng, thì Đức Phật đã để thêm một lời ở trong những lời di giáo của Ngài đó là "sau khi Như Lai viên tịch rồi thì các vị tỳ kheo phải làm pháp gọi là Brahmadanda tức là Phạm Đàn để răn phạt Sa-nặc và cho đến khi nào Sa-nặc thành thật sám hối và thật sự sửa mình thì lúc đó nên chấm dứt pháp Brahmadanda." Sau khi Đức Thế Tôn Ngài viên tịch một nghĩa cửa hết sức đẹp của Tôn Giả Ananda người thị giả của Đức Phật đã đi bộ về Kosavi đến Kusitarama để gặp tỳ kheo Channa, và trong một buổi họp tăng Tôn Giả Ananda đã trang trọng nhắc lại cái quyết định của Đức Phật là kể từ hôm nay Chư Tăng làm phép Yếtma và áp dụng phương pháp phạm đàn nghĩa là giữ hoàn toàn sự im lặng tách biệt với Sa-nặc, Sa-nặc muốn nói muốn làm gì thì tùy ý nhưng mà Chư Tăng không qua lại với Sa-nặc nữa và thưa qúi vị lúc đó Đức Tôn Sư không còn tại thế nữa Sa-nặc đã hơn 80 tuổi, Sa-nặc cảm thấy mình buồn khổ vì sự ra đi của Đức Phật và bây giờ mới cảm thấy sự cô độc thật sự và điểm tựa tinh thần của Sa-nặc không còn là một điểm tựa hết sức là ủy mị, hết sức là thường tình của một người tín bộc đối với một người chủ của mình, và bấy giờ Sa-nặc lại nghĩ đến cái gia tài tinh thần của Đức Phật, nghĩ đến những lời răn dạy của Đức Phật và nghĩ đến tất cả những thâm ý mà Đức Phật đã dành cho mình, rất may mắn là lúc đó Sa-nặc đã cảm nhận được lòng đại bi vô lượng của Đức Phật dành cho mình, Sa-nặc mở mắt thật lớn nhìn tất cả Chư Tăng và tự hứa với mình là mình sẽ sống đời sống khiêm cung lại, mặc dầu lúc đó đã trở thành một lão tăng hơn 80 tuổi, không lâu sau đó Sa-nặc trong sự hướng dẫn tận tình mà đã được nghe pháp trước đây bây giờ nhớ lại và thực hành thì Sa-nặc lại chứng ngộ đạo quả vô sanh, thì lúc Sa-nặc chứng ngộ đạo quả đó là lúc Chư Tăng chấm dứt pháp phạm đàn và Sa-nặc được trở về thành một thành viên như những thành viên khác ở trong cộng đồng tăng chúng.

Có thể nói rằng một trong những hình ảnh hết sức là cảm động về cuộc đời của Đức Phật đó là Sa-nặc, Sa-nặc đã là một cái bóng của Thái Tử Sĩ Đạt Đa và sau ngày xuất gia Sa-nặc đã sống những tháng ngày tuân thủ đời sống trong chùa gần 45 năm như vậy có thể nói là 43 hay 44 năm nếu sử liệu cho chúng ta biết những con số chính xác. Suốt bốn mươi mấy năm trời sống như là một vị tỳ kheo lặng lẽ đi theo Đức Phật tu tập để làm gì, để chỉ nghĩ đến một chút ân tình của chủ, một chút tình nghĩa mà suốt cuộc đời không bao giờ quên được thì phải nói đó là hình ảnh cảm động, và trong thái độ của Đức Phật rất nhiều lần Ngài đã gọi lên khiển trách nhắc nhở và cho áp dụng những pháp Yếtma để răn phạt tỳ kheo Channa cũng là một sự lưu tâm mà chúng ta không thể không nói đến ở tại đây.

Thì bây giờ, thưa qúi vị đọc bối cảnh của Sa-nặc và đọc lại câu Phật ngôn này chúng ta tìm thấy ở đó một sự kêu gọi rất lớn ở Đức Phật, sự kêu gọi này không nhắm vào trí tuệ của chúng ta, sự kêu gọi này nhắm vào bản năng thường tình của chúng ta, chúng ta chỉ thích thân cận với những người làm đẹp lòng mình, chúng ta chỉ thích thân cận với những người làm cho bản ngã của mình được ru ngủ, chúng ta chỉ thích thân cận với những người nào mà những người đó khiến cho chúng ta có được một sự sinh hoạt tương đối dễ chịu thoải mái trong cái ăn chơi ngủ nghỉ v.v... nhưng mà chúng ta rất ít thích thân cận với những người nói lên tiếng nói của lẽ phải của công tâm và vì sự lợi ích chân thật, và chỉ có những bậc thượng nhân thiện trí mới cho chúng ta những thứ đó.

Ở trong cuộc đời này có một sự việc là những người mà họ chỉ lợi dụng chúng ta hoặc giả họ chỉ mưu cầu lợi lộc ở chúng ta như một công ty bán hàng chẳng hạn, thì họ luôn luôn tìm cách để đến với chúng ta để làm cho chúng ta chú ý, để làm chúng ta bị quyến rủ bởi những gì họ đưa ra, nhưng bậc thiện trí ở trong đời thì không giống như vậy, bậc thiện trí giống như một bóng cây đại thụ, ai đến núp dưới bóng cây thì được bóng mát, nhưng ai rời xa bóng cây thì cái cây đó không chạy theo để mà nắm níu để mà kêu lại "hãy đến đây ngồi dưới bóng cây của tôi tôi sẽ che bóng mát," bóng cây đó không làm như vậy. Chúng ta sống thường thường có thái độ nghĩ rằng những người có trí là những kẻ vô tình còn lại thì chúng ta thích những người nào săn đón mình, những người nào thích đến gần mình nhưng mà không may cho chúng ta. Người Trung Hoa vẫn thường nói một câu mà qúi vị thường nghe là "người đến không tốt bằng người tốt không đến." Những người nào mà thật sự là bậc thiện trí, thật sự là người mang lại hạnh phúc lợi lạc cho chúng ta thì thông thường năm khi mười hoạ vì một nhu cầu gì hết sức đặc biệt, vì nhắc nhở chúng ta, hay vì tình thế chẳng đặng đừng thì những vị đó mới chủ động để đến gặp chúng ta, còn đa phần là chúng ta phải đi tìm đạo, chúng ta đi tìm bậc thiện trí thức, đi tìm bằng tâm thành của mình, và những vị thiện trí thức có đôi khi sống gần chúng ta những vị đó chỉ ban cho chúng ta những lời dạy nào có liên hệ trực tiếp đến đời sống tu tập của mình, chứ không có cố gắng để làm cho chúng ta được cảm thấy rằng lúc nào cũng bao phủ với tất cả sự chăm sóc ân cần, lúc nào cũng phủ lên chúng ta với tất cả sự lo lắng chìu chuộng, chuyện đó không có đối với bậc thiện trí. Người Trung Hoa nói rằng "quân tử tình như đạm thủy" nghĩa là tình của người quân tử nhiều khi giống như nước lạnh, nước lạnh tuy rằng nó không ngọt, tuy là nó không thơm nhưng nó được dùng bởi nhiều thứ. Và thưa qúi vị cái cách sống, cái tâm tình của bậc thiện trí của người quân tử thông thường nó không giống như kỳ vọng của chúng ta, chúng ta quen sống ở trong cuộc đời này là hễ một người thân một người mà chúng ta có thể nương tựa thì người đó phải dành cho chúng ta rất nhiều tình thương, rất nhiều sự chăm sóc, rất nhiều sự ân cần, những thứ này đôi lúc nó không có lợi gì cho sự lớn mạnh của chúng ta hết. Hãy nhớ một điều rằng chúng ta lớn lên ở trong cuộc đời không phải chỉ có những bàn tay vuốt ve mà chúng ta lớn lên ở trong cuộc đời là nhờ những bậc Thầy, những bậc Thầy đó chỉ điểm đưa đường dẫn lối cho chúng ta mà đôi lúc những vị đó đối với chúng ta hoàn toàn bằng một thái độ thản nhiên không nồng nàn như là chúng ta kỳ vọng với những người thân của mình, do vậy Đức Phật đã kêu gọi lời kêu gọi này nó có một cái gì đó có thể nói rằng hết sức là khẩn thiết có tánh cách đánh đọng đến sự ru ngủ đánh đọng đến bản năng của chúng ta,

Chớ thân cận với người ác
Chớ thân cận kẻ tiểu nhân

Chữ tiểu nhân thật ra thì ở trong chữ Hán không có một chữ tương đương ở trong mạch văn này chúng ta nói đến hai hạng người, hạng người gọi là pāpake mitte là hạng người có những hành vi của thân khẩu ý mà ác quấy và chữ purisādhame ở đây chúng ta hiểu là những người hạ liệt, những người không có sự phong phú về đời sống tâm linh, những người có cuộc sống rất nghèo nàn về thiện pháp, những người sống thuần về bản năng, những người này thật ra là đời sống họ không có gì đáng để thân cận, chúng ta thân cận với họ chỉ uổng phí đời sống của chúng ta bởi vì họ không có trao truyền cho chúng ta một ánh sáng trí tuệ nào khả dĩ để mà dựa trên đó mà chúng ta có thể lớn mạnh được, nghĩa là họ chỉ là một cái miếng đất khô cằn, họ chỉ là cây mà không có cành không lá, thì thưa qúi vị thân cận với những ngưòi như vậy thì quả thật nó chỉ cho chúng ta đi từ trì trệ đến sự thối lui chứ không có một sự tiến bộ nào khả dĩ cho đời sống tinh thần ./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 78


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu