Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 77

Lời Khuyên Không Phải Lúc Nào Cũng Được Thích





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

 

Người dạy dỗ, khuyên nhắc
Can ngăn sự làm ác
Được người tốt thương mến
Bị kẻ xấu ghét bỏ.

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Ovadeyyānusāseyya,
Asabbhā ca nivāraye,
satam. hi so piyo hoti,
asata.m hoti appiyo.
.
Minh Hạnh chuyển biên:

ĐĐ Uyên Minh: Bài kệ số 77 của kinh Pháp Cú

Có mấy chữ chúng ta cần để ý đó là chữ

satam. có nhiều nghĩa, trong trường hợp này mình hiểu là người thiện hay là người hiền hay là người lành.

asata.m là người xấu hay là người ác, chữ này là một chữ tương đối là đặc biệt, một thuật ngữ mà chúng ta thường thấy trong văn kệ Tiểu Bộ Kinh, đó là điểm đặc biệt về từ ngữ cần chú ý trong bài kệ này.

Ovadeyyā từ chữ ovadeyti tức là hướng dẫn hay là giáo dục, ānusāseyya cũng là chữ đồng nghĩa

Asabbhā nghĩa là chữ tội lỗi, ở đây được chia cách thứ năm.
Asabbhā ca nivāraye là ngăn người nào đó làm điều ác

Kính thưa qúi vị, như có một lần nào đó chúng tôi cũng đã trình bày trong một buổi giảng, đó là mỗi một chúng sinh phàm phu thì giống hệt như một người bịnh, chúng ta có biết được mình bịnh, biết được nhu cầu cần thuốc men của mình thì mình mới chịu đi bác sĩ, mới chấp nhận các liệu pháp, mới chấp nhận các thứ thuốc men cay đắng mặn chát. Còn nếu như mình là một người bịnh mà mình không biết rõ hay không ý thức được tình trạng bịnh hoạn của mình, từ đó mình rất khó mà chấp nhận, dù chỉ dùng các liệu pháp các phương thức phục dượt thì nói chi là chuyện tìm đến các vị lương y thầy thuốc, điều đó như thế nào thì ở trong đời sống trong cuộc tu chứng của mỗi người Phật tử cũng như vậy, chúng ta không nhận ra được nhu cầu tu học của mình thì chúng ta không thể nào chấp nhận được những lời giáo hoá.


Ở đây Đức Phật cũng đã nói rõ, chữ satam. và asata.m để chỉ cho người tốt và người xấu ở trên thế gian này. Người xấu là người không nhận ra được tam nghiệp của mình như thế nào và khi mình không nhận ra được tam nghiệp của mình thì mình cũng không có chấp nhận những liệu pháp mà người khác họ giúp đỡ để mà mình chữa trị những vấn đề của chính mình. Đó chính là lý do tại sao Đức Phật Ngài dạy rằng người ác thì không kham được, không chấp nhận được, không cam tâm được trước những lời giáo hoá, bởi vì họ là một bịnh nhân mà không nhận ra mình là người bị bịnh, họ không nhận ra được những vấn đề của bản thân.

Còn người thiện thì trong quá trình hoàn chỉnh bản thân, trước hết là họ nhận ra được vấn đề của bản thân. Giống như một câu Pháp Cú mà chúng ta cũng đã có dịp bàn qua rồi đó là: "Người ngu mà biết mình ngu thì nhờ vậy là người trí, mà người ngu tưởng mình trí thì thật là kẻ ngu". Chúng ta có thể hiểu câu kệ 77 này qua một hướng khác tương tựa như vậy "người bịnh mà biết mình bịnh nhờ vậy có lúc sẽ hết bịnh, mà người bịnh cứ ngỡ mình khỏe thì không cách gì hết bịnh được". Khi bản thân mình có vấn đề mà mình thấy ra được các vấn đề của bản thân thì chúng ta mới chấp nhận sự đóng góp, chấp nhận những giải pháp mà người khác đề nghị cho mình. Nhưng nếu bản thân mình có vấn đề về tam nghiệp: về thân nghiệp, về khẩu nghiệp, về ý nghiệp, nhưng mình không nhận ra được những vấn đề đó thế là mình không thể nào cam tâm chấp nhận những giải pháp do người khác đề nghị.

Câu kệ này cũng giống như là vô vàn những câu Phật ngôn khác trong kinh điển mà thôi, đó là nhiều khi xét trên mặt chữ nghĩa thì rất bình thường, chúng ta liếc mắt qua là chúng ta thấy chuyện đó rất dễ hiểu, ai xem qua cũng thấy cả. Nhưng nhìn phải có lao tâm có khổ công ở trong đó thì chúng ta mới nhận ra được tôn ý của Đức Thế Tôn sâu sắc hơn nhiều. Câu kệ này không chỉ áp dụng cho đời tu mà áp dụng cho đời sống thường nhật của mình ở ngoài xã hội, và câu kệ này không chỉ là áp dụng cho hàng xuất gia mà còn có một tác dụng một hiệu quả một ý nghĩa nhất định đối với hàng tại gia cư sĩ nữa.

Có thể ai trong chúng ta đi chùa cũng vì lý do duy nhất đó là cầu phúc xây dựng công đức cho riêng mình, nhưng mà có thể một thời pháp hay một câu nói của Chư Tăng làm cho mình bị sock đó cũng là cái thiệt thòi cho mình. Mình bị sock mình không tiếp tục đi chùa nữa, không tiếp tục nghe pháp nữa. Chúng tôi có được biết là có một số Phật tử đi vào paltalk này nghe giảng rồi sau đó trong một lúc họ được nghe Chư Tăng trả lời những câu thắc mắc, tình vô tình chạm phải tự ái nào đó của họ, đụng mụt nhọt ngã chấp nào đó của họ, thế là họ không có đi nghe pháp nữa, họ qua một rơom khác, họ dùng một nick khác v.v... thì trường hợp đó là trường hợp mình bị bịnh mà mình không nhận ra cái bịnh của mình.

Phải nhận rằng có một điều mà chúng ta không để ý, đó là khi được người khác khen mình không có khả năng kham nhẫn. Chúng tôi sở dĩ phải nói như vậy là chúng tôi muốn gợi ý một chuyện rất quan trọng đó là chữ "kham nhẫn" xưa nay thường bị người Phật tử hiểu một cách rất chật hẹp. Đó là chữ kham nhẫn mình nghĩ rằng kham nhẫn là sự chịu đựng, cái sự chịu đựng trước những thử thách cay đắng nghiệt ngã của cuộc đời, trước những tấn công của cuộc đời vào trong ngã chấp của mình, và sự chịu đựng trước những tấn công cay đắng đó thì mình gọi là sự kham nhẫn. Nhưng thực ra thì theo trong kinh điển chữ kham nhẫn nghĩa rất rộng, tức là sự chịu đựng sự can cường trước mọi áp lực của phiền não dầu đó là tham hay là ưu đều gọi là kham nhẫn.

Thí dụ như trước một sự cám dỗ lớn mà mình vẫn có đủ hùng trí vượt qua đó vẫn gọi là kham nhẫn.

Trong chữ Hán có chữ gọi là chữ kham và một chữ nữa là chữ cam tức là sự chịu đựng, ở trong Pali có chữ khanti nghĩa là nhẫn nhục cũng bắt đầu bằng chữ khan. Đó là sự trùng hợp rất thú vị và nó cũng là một yếu tố ngữ học giúp cho mình dễ nhớ, một bên là chữ kham hay là chữ cam, một bên là chữ khanti. (Sự trùng hợp này dĩ nhiên là sự ngẫu nhiên tình cờ trong ngữ âm thôi nhưng nó gợi ý cho mình rất lớn)

Thì sự chịu đựng sự dằn lòng trước một cám dỗ vẫn là kham nhẫn, mà sự chịu đựng sự dằn lòng trước sự thử thách nghiệt ngã cũng là kham nhẫn. Khi mình được người khác khen mà mình không có tự chủ mình, để lòng chiều theo đam mê đắm đuối thích thú trong đó nó quen tật quen thói rồi. (chúng tôi phải sài chữ đó nặng như vậy) Thì đến khi bị người khác họ chê họ chửi mình chịu không nổi, bởi vì sao, vì mình là một đứa bé ở trong trường đời quen ăn ngọt, nghiện ăn kẹo bánh, mình không tự chủ trước bánh kẹo trước những vị ngọt của trần gian, thì khi gặp vị đắng mình chịu không nổi, con nít nó mê kẹo bánh bao nhiêu thì khi nó bị rơi vào hoàn cảnh mà phải uống thuốc đắng nó rất là đau khổ, sự đau khổ cũng lớn bấy nhiêu. Còn người lớn mình thì khác, trước những vị ngọt của bánh của kẹo, mình có sự tự chủ, mình có khả năng kiềm chế, thì chính khả năng đó nó vô tình sẽ trở thành một ngưồn tâm lực để mình có thể chịu đựng được hoàn cảnh phải uống phải ăn vị đắng vị chát vị cay vị mặn, trong trường hợp mình phải uống thuốc. Đó là một kinh nghiệm tu chứng rất quan trọng. Mà cái gì Đức Phật Ngài dạy ra cũng là do chúng ta chưa có thời giờ, chưa có cơ hội hoặc mình chưa có chịu tu học thì mình không có hiểu được tôn ý của Thế Tôn, tất cả lời dạy của Đức Phật đều có một dụng ý rất quan trọng và sâu sắc. Sự chánh niệm tỉnh giác của một hành giả trước mọi cảnh đời ngọt ngào hay cay đắng mà Đức Phật đã dạy trong kinh Niệm Xứ có một giá trị tuyệt đối quan trọng, đó là: hễ khi mình có sự bình tỉnh ở trong vị ngọt thì mình cũng sẽ có được sự bình tỉnh trong vị đắng, khi có những người khen mình mà mình chịu được thì khi bị chê mình cũng chịu được, khi người ta khen mình mà mình chịu được, thì khi người ta nhắc nhở dạy dỗ mình bằng một phương thức nghiêm khắc mình cũng có thể chịu đựng, vì sao? vì nói theo ngôn ngữ của đời thường thì chúng ta đã có được một sự trưởng thành trong tâm tưởng, chúng ta đã có một sự già dặn trong khả năng chịu đựng cuộc đời. Bão tố đời sống nó vốn được khởi đi từ những cơn gió nhẹ, cơn bão nào cũng bắt đầu từ những cơn gió cả. Những lời giáo huấn hoặc những lời chỉ trích có thể được bắt đầu từ câu nói nhẹ của ai đó mà chúng ta không có lòng quen được, đến khi chúng ta gặp phải những trường hợp mà dư luận cuộc đời hay gặp phải lời chỉ trích hay những lời giáo giới nghiêm khắc cứng rắn chúng ta không chịu được. Trở lại vấn đề chuyện quan trọng nhất của người Phật tử đó chính là chúng ta có nhận ra mình là người bị bịnh thì chúng ta mới chịu uống thuốc đắng. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, là ở trong Tăng Chi Bộ Kinh có kể một câu chuyện rất thú vị: rằng một chiều kia Đức Thế Tôn ngồi ở Kỳ Viên Tịnh Xá cùng với đại chúng tỳ kheo nhìn ra ngoài đại lâm Kỳ Viên Tự nhìn thấy khu vườn Kỳ Viên hôm đó đầy ngập những y vàng của Chư Tăng từ các phương trở về hầu Phật, vì hôm đó Ngài Xá Lợi Phất có 500 đệ tử tùy tùng, Ngài Mục Kiền Liên có 500 đệ tử tùy tùng, mỗi vị trưởng lão trong các vị cao đồ của Thế Tôn buổi chiều hôm đó vân tập về hầu Phật thì mỗi đằng sau lưng mỗi vị có hàng trăm hàng trăm đệ tử đi theo. Thì lúc đó Đức Phật có hỏi Chư Tăng bên cạnh Ngài rằng:

"Này các tỳ kheo, các ngươi có thấy các vị đi theo Ngài Xá-Lợi-Phất hay không."

Chư Tăng trả lời: "Dạ, chúng con có thấy."

Đức Phật nói: "Đó là những vị tỳ kheo đại trí tuệ biện tài thiện xảo. Này các tỳ kheo, các ngươi có thấy những vị đi sau lưng tỳ kheo Mục-Kiền-Liên hay không?"

Chư Tăng nói. "Dạ, chúng con có thấy."

Thì Đức Phật Ngài nói: "Những vị đó là những vị đại thần lực, đại thắng trí, có khả năng di sơn đảo hải, sái đậu thần binh, hô phong đoán vũ, đằng vân giá võ trong nháy mắt."

Đức Phật lại hỏi tiếp chư tăng có thấy những vị đi sau lưng Ngài Upali, Ngài Ananda, rồi những học trò của Ngài Ananda, học trò của Ngài Anan Luật, học trò của Ngài Tần Đô La Bát Đoả hay không?"

Chư Tăng nói.: "Dạ, chúng con có thấy."

Đức Phật nói: "Đó là những vị đệ nhất về sư tử hống, đệ nhất về đa văn, đệ nhất về trì luật, đệ nhất về thiên nhãn v.v..."

Thì sau đó Đức Phật Ngài đúc kết một câu thế này:

"Này các tỳ kheo, chúng sanh giới nào thì đi theo giới nấy."

Chữ giới ở đây trong kinh Đức Phật Ngài muốn nói đến bản tính hay căn cơ hay trình độ hay khuynh hướng, hay chiều hướng tâm lý như thế nào thì nó sẽ như thế đó. Chúng ta là người thiện người hiền có khuynh hướng tu tập thiện pháp thì chúng ta sẽ chấp nhận những người bạn những người Thầy thuộc về khuynh hướng cùng giống như chúng ta là những người có khuynh hướng thiện, có khuynh hướng hiền lành tốt đẹp. Và khi mình có khuynh hướng tốt đẹp thì mình cũng dễ dàng chấp nhận những lời khuyên bảo tốt đẹp, bởi vì sao, vì mình với người bạn người Thầy giúp mình cùng một khuynh hướng cùng một giới tánh (giới tánh ở đây không phải là nam nữ, mà giới tánh ở đây là chữ giới theo danh từ chuyên môn Đức Phật dùng là khuynh hướng tâm lý, còn tính ở đây cũng có nghĩa là khuynh hướng tâm lý), cùng một khuynh hướng nội tâm, cùng một khuynh hướng tu tập, cùng một khuynh hướng hành xử, thì trước một lời khuyên, một lời dạy bảo của Thầy của bạn mà nếu mình xét thấy đó là lời khuyên tốt đẹp, cho dầu lời khuyên đó có thể là được gửi gấm qua một luận điệu khó chấp nhận, nhưng mà có một giá trị nhất định của nó thì mình phải chấp nhận, mà nếu trước một lời khuyên tốt đẹp mà mình không thể kham nhẫn được, mình không chấp nhận được thì điều đó chứng tỏ rằng bản tâm của chúng ta đang có vấn đề. Tức là mình bịnh không uống thuốc được mà lại mửa ra, điều đó có nghĩa rằng ngoài cái bịnh cảm mạo thương hàn ra coi chừng bao tử chúng ta có vấn đề. Có vấn đề là bởi vì mình bị sốt rồi là một chuyện, mình uống thuốc vào mà thuốc đó không chịu nằm yên nó lại ói ra điều đó chứng tỏ là bên cạnh chuyện chúng ta bị nhức đầu cảm mạo thương hàn chúng ta còn có vấn đề về bao tử nữa.

Mà người tu học trong đạo Phật gọi là người có khả năng tạm gọi là có một bao tử tâm lý rất tuyệt vời, bất cứ một thức ăn hay một thứ dược phẩm nào có lợi cho đời sống tâm lý của mình thì mình cần phải có một bao tử thật là tuyệt vời để có thể chấp nhận những thứ dược phẩm những thứ thực phẩm đó mà không có mửa ra để không có chối từ một cách hoang phí.

Đức Phật Ngài dạy rằng ở trên đời này có ba hạng người rất khó tìm: Người thứ nhất là người tri ân, người thứ hai là người biết ân rồi báo ân, hạng người thứ ba là hạng người thuyết giảng được chánh pháp.

Hạng thứ nhất là hạng tri ân, hạng thứ hai là hạng báo ân. Ở đây chúng tôi không phải trong phạm vi giải thích hai vấn đề này, không phải trường hợp hoàn cảnh hay bối cảnh để chúng tôi giải thích về hai chuyện đó, tại sao hai hạng người đó khó kiếm.

Nhưng quan trọng điều trùng hợp ăn khớp và thích ứng nó tương ưng với đề tài chúng ta đang bàn ở đây, đó chính là hạng người tuyên giảng chánh pháp, nói năng chánh pháp, người có những ngôn ngữ thuận ứng với chánh pháp đó là một người rất khó tìm trên thế gian này. Cho nên khi có người chỉ cho mình được những điều hay lẽ phải thì mình phải hiểu rằng chính Đức Phật Ngài cũng nhìn nhận hạng người đó, người Thầy đó, người bạn đó là những người chỉ cho ta một kho tàng. Bởi vì phải nói rằng trên đời này người xấu nhiều hơn người thiện, mà trong số những người thiện chịu mở miệng ra hiếm hơn là những người không nói. Tại sao người ta không nói? Có thể là vì người ta không có khả năng nói, hoặc là vì người ta không muốn nói, và tại sao người ta không muốn nói, có thể là không phải người ta ích kỷ, người thiện thì không ích kỷ, người ta không muốn nói là bởi vì một là người ta không tìm ra được cách nói, hoặc người ta không tìm ra được cơ duyên thích hợp, hoặc người ta không tin tưởng vào đối phương có thể chấp nhận được có thể tiêu hóa được điều mình nói.

Đừng có nói ai đến cả, như Đức Thế Tôn bậc Tứ sanh từ phụ, Thiên nhân sư, bậc Điều ngự trượng phu, Cha lành ba cõi mà ngay sau khi thành đạo rồi Ngài cũng có ý viên tịch, bởi thế cho nên trong bài kinh Pháp Sư đời trước của thế hệ Nam Tông đời xưa Việt Nam có câu là Đại Phạm Thiên kêu la thảm thiết: "Ôi! thế gian bậc Siêu Việt còn đâu" mà chúng tôi hay trích dẫn. Tại sao mà ông kêu la thảm thiết? Bởi vì ông biết rằng Thế Tôn vừa có ý hướng đến Niết-bàn không muốn duy trì thọ hành nữa tức là không muốn sống nữa, thì Phạm Thiên không muốn Thế Tôn viên tịch. Và theo thông lệ Chư Phật ba đời thì ngay sau khi thành đạoì Chư Phật đều có ý đó vì thấy hai lẽ; một là pháp của Ngài thành đạo quá là cao siêu giảng cho người ta nghe người ta không hiểu. Chính đức Phật Ngài dạy pháp của Ngài gọi là pháp ngược dòng đời, đời chủ chương là phải đam mê đắm chìm, Chư Phật dạy phải buông bỏ cái đó không là ngược giòng chứ là gì nữa, đời là chạy theo cái thích tìm vui trốn khổ mà Đức Phật Ngài dạy mình phải đối diện với sự thật thì đó là ngược giòng. Lý do thứ nhất là Ngài thấy rằng giáo pháp này quá là cao siêu màu nhiệm, Ngài thấy không có lý do gì sống, nói cho người ta nghe người ta không hiểu mà người ta còn phỉ báng dèm xiểm, vô tình gây ra cái bất lợi cho người ta. Thêm một điều nữa là với một vị đã vượt ngoài giòng sanh tử phế ngoại cao nhân như Chư Phật thấy không còn gì tham đắm nữa thì cuộc đời này còn cái gì để mà nấn níu, để mà nấn ná, để mà luyến lưu, để òn chần chừ chờ đợi cái gì mà không ra đi. Cho nên kiếm được một người hiền, người thiện ở trên đời là khó, mà kiếm được người thiện họ chịu mở miệng nói cho mình nghe điều gì đó lại càng khó hơn. Cho nên Đức Phật dạy rằng: một trong những hạng người khó tìm trên thế gian này đó là người tuyên thuyết chánh pháp.

Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng người tuyên thuyết chánh pháp ngăn người khác làm điều ác, khuyến thiện người khác tu học điều lành, người đó là giống như một con voi đi giữa trận tiền, có nghĩa là bên cạnh sự chăm sóc của quân đội nhà thì họ cũng phải chấp nhận gươm đao của sự tấn công của kẻ địch, mình nói pháp như chúng tôi vừa trích dẫn một bài kinh Đức Phật Ngài nói người cùng giới tính với mình, người cùng căn tánh với mình họ sẽ chấp nhận mình, họ lắng nghe mình bằng tất cả sự cảm thông, với sự chia sẻ, với sự kham nhẫn. Nhưng với một người khác căn tính với mình, không cùng lý tưởng khuynh hướng tâm tư với mình thì họ không chấp nhận được. Mà người nói pháp là phải mang một tâm sự của một người dấn thân, phải có sẵn một thứ hành trang tâm lý của một người chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc, sự chiến thắng không biết đạt được hay không nhưng điều rõ ràng trước mắt đó là người chiến sĩ ở ngoài trận địa phải chấp nhận tất cả mọi sự tấn công từ mọi phía, vì anh nói những điều ngược lại với đời thường, anh nói ngược lại với tâm tư tình cảm mà chúng tôi vẫn nghĩ thì làm sao mà chúng tôi có thể chấp nhận được anh.

Đó là chưa kể tâm lý đại chúng khi mình lắng nghe ai đó, mình nhìn ngắm ai đó ở một cương vị mô phạm, một cương vị sư phạm thì dứt khoát chúng ta có một tâm bịnh phổ thông tức là mình đánh giá đối phương trước cái đã, anh là ai, anh là người như thế nào mà anh có thể tuyên thuyết được những điều như vậy, đó có phải là đường mật ru ngủ tuyên truyền nhồi sọ đại chúng. Tức là khoan nghĩ đến những món quà người khác mang lại cho mình, thì đại chúng thường có một tâm bịnh là nhìn gắm bàn tay nào đó đã đem lại cho mình món quà, và xem bàn tay đó có phải là bàn tay của giai nhân, hay là bàn tay đó là bàn tay của một người cùi, người hủi, người ghẻ chóc, ghẻ lở trên người, đó là tâm bịnh của quần chúng. Mà trong khi đó một nhu cầu cấp thiết giữa cuộc đời sanh tử này thì đó chính là điều gì đó có thể mang lại cho mình một sự xây dựng, cái gì đó nó mang một giá trị chữa lửa cho mình giữa cuộc sống tử sinh cấp bách này, cái đó mới là điều cần thiết. Nhà mình đang cháy mà có một cái vòi nước nào đó được chuyển đến tay mình thì mình phải tiếp nhận nó, chỉ vậy thôi, chứ lúc đó mình không thể nào mình để tâm đến là người chuyền cho mình ống nước chữa lửa đó phải là một người con gái đẹp, hoặc phải là người đàn ông kiểu Tony Cruise, hay là Richard Gere mình mới nhận, còn xấu xí quá thì mình không nhận, điều đó là sai lầm. Đã là vàng là bạc là qúi thì người trao tặng vàng bạc đó cho mình dầu là một hoa hậu hay là một bà lão mình cũng nhận vì đó là vàng là bạc thôi, người ta có bị phong đơn lở loét thì đó là chuyện người ta, nhưng người ta trao tặng cho mình một món quà mình vẫn nhận. Cho đến bây giờ theo chỗ chúng tôi được biết là chỉ có một hạng người trao quà mà mình ngại ngùng không nên nhận, kể cả chúng tôi cũng vậy, đó là người bị bịnh sida, bởi vì theo các nghiên cứu của y học thế giới thì bịnh sida dễ lây ngoài đường hô hấp nói chuyện ho hen hắt hơi nó có thể lây qua cả đường nước tiểu đường tiểu tiện cái mùi hôi hoặc là một món đồ trao tay mình nhận mà không có khẩu trang không có găng tay thì bị lây là điều đáng ngại. Thì người bị bịnh sida cho đồ mình ớn thôi, nhưng nếu mình có khẩu trang hay có găng tay thì có lẽ là đồ của người bịnh sida cho mình nếu đó là món đồ giá trị mình cũng nhận luôn. Nói như vậy có nghĩa rằng là nhiều khi chúng ta cũng phải có một đôi găng tâm lý cho đôi tay của mình, có một khẩu trang tâm lý cho tâm lý của mình để mình có thể đón nhận được tất cả những lời xây dựng của đối phương mà không có bị khó chịu, mình không bị gây hại, không bị thương hại. Thí dụ như các vị có thể nghĩ rằng cái ông đó mỗi lần nghe ông giảng tôi bị khó chịu bởi vì ông có cách nói chuyện không được mát mẻ, không được từ hoà, không được từ bi cũng được, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rằng cứ kệ ông là người bị bịnh sida, ông có thể làm cho mình lây lan khó chịu, ông là người nóng nảy ông làm cho mình cũng lây cái nóng nảy của ông, thôi thì mình phải có một đôi găng, mình phải có một khẩu trang che lại một phần nào đó phần nhạy cảm nhất ở trong tâm lý của mình, để mình có thể đón nhận được những sự xây dựng của ông. Thì chuyện đó cũng bình thường thôi. Đôi găng tâm lý đó là gì, đó chính là lòng hiếu học hoặc là đó là sự tỉnh táo, là biết rõ mình cần cái gì, chính cái hiểu biết này trở thành một đôi găng tay cho mình, nó trở thành khẩu trang che miệng mình lại để mình không bị lây cái khó chịu.

Nội dung câu kệ Pháp Cú số 77 trước sau chỉ có chừng đó thôi, tức là Đức Phật Ngài dạy rằng xứ mạng hay là con đường của một người tuyên giảng chánh pháp ở đời này là một con đường nhiêu khê, nhưng một người thấy ra được giá trị của chánh pháp, thấy ra được tình người cần có giữa cuộc đời phân ly thất tán này thì dứt khoát chúng ta phải dấn thân, và con đường thuyết giảng chánh pháp đó không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia mà dành cho người cư sĩ nữa. Có một số Phật tử quen cũng có lạ cũng có gặp gỡ chúng tôi ở trong paltalk này, họ tâm sự rằng không biết trả lời ra sao cho những bạn đạo tôn giáo bạn hay những người không có đạo, họ không phải là Phật tử hỏi về Phật pháp, họ hỏi về Nam Tông Bắc Tông, rồi những người này không trả lời được, nhiều khi họ còn bị bắt bẻ vặn vẹo khó chịu buồn quá, bị sock quá, thì chúng tôi cũng là người thường bị sock như vậy, nhưng chúng tôi nhớ rằng trong những trường hợp đó chúng tôi có lời đề nghị như thế này: là nhiều khi mình chịu lắng nghe đối phương thì cũng là một phương thức để mình tiếp cận với họ dễ dàng hơn, còn chuyện cái vị đắng mình phải đón nhận trong lúc mình thuyết giảng chánh pháp thì đó là điều không tránh được.

Chính Ngài Ca Diếp Ngài cũng có một lần bạch với Đức Thế Tôn lúc đó là Ngài cũng đã lớn tuổi và Đức Thế Tôn cũng gần viên tịch rồi, thì Ngài Ca Diếp đã bạch với Đức Thế Tôn:

"Bạch Thế Tôn, nếu mà phải nói một cách chơn chánh thì đời sống phạm hạnh quả là một đời sống đầy hiểm nạn."

Đức Phật dạy: "Đúng vậy, này Ca Diếp nếu nói một cách chơn chánh thì phải nói rằng đời sống phạm hạnh là một đời sống hiểm nạn."

Câu nói đó đã mở ra cho chúng ta một tiền đề rất quan trọng, tức là đời sống phạm hạnh là một đời sống hiểm nạn đã đành rồi, mà sự tuyên giảng đời sống phạm hạnh nó cũng là một con đường đầy hiểm nạn. Tại sao gọi là hiểm nạn?, bởi vì như chúng ta đọc kinh đọc sách nghe giảng, nghe Chư Tăng trích dẫn trong kinh điển chính Đức Phật Ngài cũng nói chánh pháp là một hành trình đi ngược giòng đời mà chúng ta bản thân mình là người đi ngược giòng và những gì mình nói cũng ngược giòng đời thì làm sao mà mình không gặp phải sự va chạm, làm sao mình không gặp phải sự chống đối sự tấn công, những sự đối lập từ vô vàn đối phương, chuyện đó không tránh được. Và ngay trong kinh Pháp Cú Đức Phật cũng giảng "ở đời này không thể nào tìm được người nào không bị người khác tấn công, không thể tìm ra được người nào không bị người ta chỉ trích", huống hồ chi là người tuyên giảng chánh pháp, chỉ có người thiện chấp nhận được người thiện, và người ác không chấp nhận được người thiện.

Câu kệ này còn có một gợi ý nữa mà Đức Phật muốn gởi gấm cho chúng ta đó là "hãy trở thành người thiện để có thể chấp nhận người thiện, chấp nhận những lời khuyên của người thiện" điều đó chẳng những có lợi cho mình ngay trong đời này mà còn là vốn liếng hành trang cực kỳ quan trọng cần thiết, thậm trí là cấp thiết cho mình trong vô lượng kiếp sau. Có biết bao nhiêu chúng sanh đã gặp Phật ra đời nhưng họ vẫn là một người đứng bên lề chánh pháp, bao nhiêu vị Phật đã Niết-bàn, bao nhiêu giáo pháp đã qua đi ở trong cuộc thế này nhưng mà kẻ phàm phu còn tiếp tục sanh tử. Một trong những điều Đức Phật Ngài dạy rằng nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài sự tính toán đó chính là giòng luân hồi của kẻ ngu dài vô tận. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy "Đêm dài kẻ thức tròn canh, đường dài cho khách lữ hành mỏi chân, đời dài với hạng ngu nhân, không thông diệu pháp muôn phần khổ đau" Khi mình không là người thiện, mình không chấp nhận được người thiện, mình không chấp nhận lời khuyên của người thiện thì đời đời kiếp kiếp chúng ta mãi mãi là người đứng bên lề chánh pháp, đứng bên mái hiên có khá lắm là chỉ trú mưa đụt nắng trong một buổi nào đó rồi chúng ta lại tiếp tục đi vào cuộc luân hồi chìm nổi miên viễn thiên thu không tìm ra lối thoát. Là bởi vì mình với người thiện mãi mãi là trời với đất, mình với người thiện mãi mãi là bóng đêm với ban ngày, mình với người thiện mãi mãi là lửa với nước không tiếp cận nhau được, mà con đường giải thoát chỉ đến với ai có tai sẵn sàng nghe hay có mắt sẵn sàng thấy có một tâm tư tình cảm sẵn sàng mở rộng đón nhận tất cả điều hay lẽ phải. Mà khổ một nỗi là con mắt của mình không sẵn sàng để thấy, tai mình không sẵn sàng để nghe và nội tâm của mình không sẵn sàng mở rộng thì tự hỏi lời khuyên lời dạy của người hiền trí chúng ta không chấp nhận được.

Đức Phật Ngài dạy rằng đời sống lý tưởng nhất của chúng Tỳ Kheo với nhau phải là đời sống hoà ái hoà hợp, tương thân tương kính, như là nước với sữa, là tại sao có chuyện mà tương thân tương kính như là nước với sữa, là bởi vì giữa các vị tỳ kheo có giới hoà đồng tu, có kiến hoà đồng giải, có lợi hoà đồng quân, đó là nói riêng ở trong giới tăng đoàn. Còn ở ngoài cư sĩ cũng vậy, khi không có giới hoà đồng tu, kiến hoà đồng giải, thì chúng ta không thể gặp gỡ nhau ở trên bất cứ một qũi đạo nào, không thể gặp nhau ở bất cứ một bối cảnh nào được, mà phải có điểm đồng thì chúng ta mới gặp nhau. Ngay cả ngoài đời chúng ta cũng có câu: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng." khi mình không có duyên với nhau, không có điểm tương đồng nhau, không có khuynh hướng giống nhau thì cho dầu có nắm tay nhau cũng là đồng sàng dị mộng mà thôi. Nếu chúng ta có tâm lý giống nhau, khuynh hướng tâm tư tình cảm giống nhau thì có thể là ngàn dặm cũng gặp nhau. Chúng ta với Đức Phật khác về không gian là muôn dặm, xét về thời gian đã là mấy chục thế kỷ rồi nhưng nếu có lòng hành thiện lánh ác thì chúng ta vẫn xem Đức Phật như một người cha, người Thầy, một người rất đỗi gần gủi với mình, bằng chứng là cho đến hôm nay có biết bao nhiêu vị thiền sư, có biết bao nhiêu vì tỳ kheo ẩn lâm ở trong rừng trong núi ở bên Miến Điện bên Laò, họ chưa từng gặp Phật, chỉ lớn lên trong một ngôi chùa rồi học kinh học sách, sau đó tìm thấy được điểm đồng nào đó giữa mình với các bực tiên hiền cổ đức đời xưa trong đó có Đức Phật và chúng tăng, thế là người ta bỏ cả đời trong rừng sâu núi thẳm luôn luôn mỉm cười an lạc kêu bằng lạc đạo. Là vì sao họ có thể sống được nếp sống an lạc như vậy mà hướng về một con người mà đối với mình xa xôi về cả không gian lẫn thời gian, là bởi vì giữa họ với Đức Thế Tôn có điểm đồng là cùng nhìn về phía thiện, cùng đi tìm về cái chân thiện mỹ.

Chính Đức Phật Ngài cũng dạy trong kinh rằng: "Ai thấy pháp là người đó thấy ta, ai thấy ta có nghĩa là người đó phải là người thấy pháp rồi, và cho dầu có nắm kéo y Như Lai mà không có tu học theo giới, theo định, theo tuệ thì vẫn giống như cách xa Như Lai ngàn dặm. Cho dầu người đó sống xa Như Lai ngàn dặm nhưng có giới, có định, có tuệ có giải thoát, và giải thoát tri kiến thì cũng giống như ở gần bên Như Lai vậy". Đó chỉ là chuyện mà nắm chéo y của Đức Phật chứ đừng nói là ở gần, nắm chéo y của Ngài mà Ngài vẫn nói là ở ngoài ngàn dặm nếu không có một điểm đồng nào đó với Ngài.

Cho nên bài kệ này mới thoạt xem qua trên mặt chữ thì chúng ta thấy rất là bình thường và tự nghĩ rằng mình có thể không hiểu, chứ nó có cái gì đâu mà không hiểu, "những người hay khuyên giải ngăn người khác làm ác thì được người hiền kính thương, bị người ác không thích" cái đó là dể hiểu thôi, nó giống như là "tôi rất yêu những ngày trời nhiều nắng, nhưng nếu trời không nắng cũng không sao", hoặc là như hôm trước chúng tôi có giới thiệu câu mà giới nghệ sĩ họ hay đùa "chị tôi lớn tuổi hơn tôi, mẹ tôi còn lớn hơn tôi rất nhiều" cái đó rất là bình thường vì câu này đúng rồi giống như 2 + 2 = 4 . "Những người hay khuyên dạy ngăn người khác làm ác, thì được người hiền kính thương và người ác không thích" câu này xét về mặt chữ không có cái gì mà một người Việt bình thường mà thấy là khó hiểu cả.

Thì ở trong nội dung bài kệ có một ẩn ý rất là thâm thúy, đó là mình hãy là một người thiện để có thể đứng chung hàng ngũ với những người thiện, và người thiện đó có thể là một cổ nhân cách mình muôn đời nhưng mình vẫn có thể lắng nghe được, có thể tìm về lối cũ đường xưa với người trước mình bằng tất cả sự cảm thông chia xẻ và gần gủi. Và nếu mình là một người ác thì cho dầu chúng ta sống ngay trong đạo tràng trong thiền viện bên cạnh những bạn hiền những Thầy tốt mà nội tâm của chúng ta có vô vàn vấn đề chưa được giải quyết, thì chúng ta cũng giống như một cái muỗm ở trong nồi canh mà thôi, chúng ta không thể nào có thể đón nhận điều hay lẽ phải, trong khi bản tâm của mỗi người giống hệt như là một con bịnh có vô số vấn đề cần phải giải quyết mà người ta đến giúp mình giải quyết mình không thèm, mình còn đòi hỏi giống như trong kinh mà Đức Phật ví dụ có một người bị trúng tên rồi có người đến họ giúp nhổ mũi tên mà không chịu, người này hỏi tui sẽ không chấp nhận bất cứ một liệu pháp trị bịnh cứu thương nào hết cho đến khi nào mà các người chưa có nói cho tôi biết là ai đã bắn tên trúng tôi, người đó là nam hay nữ, mập hay ốm, cao lùn, người đó là người như thế nào từ đâu đến. Vì chuyện đó là chuyện vớ vẩn, vì bản thân mình không thấy được vấn đề của mình nên mới bận tâm đến những chuyện vớ vẩn, và nếu như vậy thì mình sẽ không thể nào đón nhận được điều hay lẽ phải, người bịnh sẽ chết trước khi được trả lời vì người đó đã bận tâm đến những điều vớ vẩn.

Điều đó như thế nào thì để có thể đón nhận được lời hay lẽ phải của người thiện, không bất mãn trước lời khuyên nhắc của người thiện, thì bản thân chúng ta ít nhất phải hoàn tất được hai điều là: một là mình phải là người thiện thì mình mới chấp nhận được người thiện. Thứ hai phải thấy ra được những vấn đề của bản thân trước rồi chúng ta mới chấp nhận người thiện, còn bằng không thì thay vì chấp nhận lời khuyên của người thiện thì chúng ta lại bận tâm những điều khác không cần thiết. Thay vì đón nhận món quà qúi giá từ đối phương chúng ta lại bận tâm đến mặt mũi của người cho quà, cái bàn tay đã cho quà mình. Nếu mình có những bận tâm không cần thiết đó thì dứt khoát chúng ta không bao giờ có thể đi đến một thoả hiệp với những người thiện, không thể nào chung hàng ngũ với những người thiện, và có nghĩa là không bao giờ có thể hoàn thiện được bản thân của mình vì bản thân mỗi người muốn trở nên một cái gì đó tốt đẹp hơn, dứt khoát phải có nhiều yếu tố nhân duyên, ở đây còn có một yếu tố cực kỳ quan trọng đó chính là sự trợ lực từ mọi phía mà đặc biệt là từ những người hiền thiện, người đó có thể là người bằng mình hơn mình hoặc có thể là người thua mình. Ngay cả Khổng Tử Ngài nói là "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư" tính trung bình cứ ba bốn người đi trên đường thế nào cũng có một người có thể giúp cho mình được điều gì đó, nói nguyên văn thì trong ba người đi trên đường thế nào cũng có một người có thể làm Thầy cho mình, nói vậy thì đó là câu nói cho gọn, nhưng nếu mình thấy nó nặng quá thì mình có thể hiểu một cách hơi nhẹ là cứ năm ba người đi trên đường thì thế nào cũng có người có thể cho mình một câu nói hay, điều đó chúng tôi tin chắc chắn là có chứ không phải là không có, bất cứ ai trên đời này. Có rất là nhiều lần ở trong cuộc đời, chúng tôi năm nay mới trải qua cuộc đời có mấy chục năm thôi nhưng có những câu nói tình cờ của một vị sư bạn hay của một người Phật tử một câu nói mà bản thân người đó lúc họ phát biểu họ cũng không có quan tâm mấy, chỉ là suông miệng nói mà thôi, nhưng mà không ngờ, chính chúng tôi cũng không ngờ câu đó trở thành một vốn liếng một hành trang theo đuổi chúng tôi suốt mười mấy hai chục năm trời, một câu nói rất là bình thường, bình thường đến mức mà các vị kêu tôi trích dẫn câu đó là câu gì chúng tôi cũng không nhớ, nhưng mà lâu lâu trong cuộc sống va chạm sự gì thì chúng tôi lại chợt nhớ đến câu đó mà rất là nhiều như vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho mình một tình trạng tâm lý để có thể dễ dàng đón nhận tất cả những món quà tâm linh được trao tặng từ những bàn tay tha nhân, và những tha nhân đó có thể là những người mà mình xem là Thầy, có thể là những người bạn, có thể đó là những người thù, những người có ác cảm thành kiến với mình hoặc là mình có ác cảm thành kiến với họ nữa, nhưng điều quan trọng đó chính là người Phật tử không bao giờ đối lập với người thiện, người Phật tử không bao giờ đối lập lại với những lời khuyên của người thiện, đó chính là một gía trị mà Đức Phật Ngài muốn gởi đến tất cả những người Phật tử qua bài kệ Pháp Cú số 77 này.

Buổi giảng cũng rất là bất ngờ, hy vọng rằng những gì mà chúng tôi đã trình bày nãy giờ cũng có thể là giúp ít cho một số Phật tử trong room, dù sao thì đây cũng là một buổi giảng dù ngắn hay dù dài công Đức pháp thí dĩ nhiên là vô lượng, chân thành chia sẻ công đức này đến tất cả quí Phật tử trong room, xin cũng hồi hướng công đức này đến đại đức tăng có mặt ở trong rơom, các vị Phật tử luôn luôn được vạn sự cát tường sở cầu như nguyện Phật đạo viên thành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 77 (2)


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu