Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 77

Lời Khuyên Không Phải Lúc Nào Cũng Được Thích





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Người dạy dỗ, khuyên nhắc
Can ngăn sự làm ác
Được người tốt thương mến
Bị kẻ xấu ghét bỏ.

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Ovadeyyānusāseyya,
Asabbhā ca nivāraye,
satam. hi so piyo hoti,
asata.m hoti appiyo.
.
Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng tóm tăt : Chúng ta được nghe một câu kệ trong kinh Pháp Cú câu kệ ngôn 77 nói về thái độ của Đức Phật, ở trong thái độ này Đức Phật đã nêu ra rất rõ ràng rằng làm công việc giáo dục hay làm công việc của một người có lòng với cuộc đời để đem ánh sáng trí tuệ của mình chia sẻ với cuộc đời thì cũng có kẻ thương và có người ghét, và việc đó rất đương nhiên. Trong cái thương cái ghét đó chúng ta có thể cảm nhận được là nếu chúng ta đã lựa chọn thì chúng ta phải chấp nhận. Cái gì nó cũng phải có cái giá của nó. Và nếu chúng ta không làm gì hết thì cũng có người thương kẻ ghét chứ không phải khi chúng ta làm việc này hay việc kia thì mới có người ghét kẻ thương chúng ta. Do vậy bậc thiện trí ở trong đời sẽ không để mình bận tâm nhiều đến những việc đó, điều mình đáng bận tâm là những gì mà chúng ta làm thật sự có lợi ích, thật sự nó có ý nghĩa hay không. Những lời dạy của Đức Phật đó từ ngàn xưa nhưng cho đến hôm nay vẫn giống như vậy không có gì thay đổi.

 

Thưa quí Phật tử đối với một người mà đem Phật pháp vào trong cuộc đời, thì có một điểm rất tế nhị của mỗi chúng ta là: Người Phật tử có đôi lúc có thể nói rằng tâm tư của người Phật tử không có thái độ hết sức tích cực ở trong việc phổ biến Phật pháp ra bên ngoài. Có một số người thì quá tích cực, tích cực đến đỗi mà họ nghĩ cái gì mình tin phải là đúng, và cái gì mình tin rồi đem áp đặt lên người khác. Cả hai đều là cực đoan hết. Chúng ta không nên nghĩ rằng cái gì mình gọi là đúng mình phải áp đặt lên cho người khác và bắt người khác làm theo mình, nhưng chúng ta cũng không nên hờ hững trong việc giảng giải chánh pháp, bởi vì chúng ta hãy xem việc đem Phật pháp đến người khác như là một sự chia sẻ. Gọi là chia sẻ có nghĩa là cái gì mình có, và cái gì mình nghĩ rằng hay, mình nghĩ rằng tốt đẹp, cái gì mình nghĩ là lợi ích, thì mình hãy ban tặng cho người khác. Và trong sự cống hiến đó nếu được đón nhận thì tốt mà nếu không được đón nhận thì cũng không lấy đó mà làm buồn, bởi vì như tinh thần của câu Phật ngôn này không phải ai cũng có thể đón nhận điều thiện bằng một tâm tư sẵn sàng và điều đó là điều chúng ta phải chấp nhận.

Dĩ nhiên là trong trường hợp có một câu hỏi của cô Minh Hạnh đưa ra: "đôi lúc mình có làm cho mọi người vừa lòng hết không." Thì thật sự không có chuyện gì ở trong cuộc đời này mình có thể làm cho tất cả mọi người vừa lòng hết, chúng ta hãy vui mà thấy rằng ở trong cuộc sống này chúng ta có làm được những việc có ý nghĩa, những việc mà chúng ta nghĩ là tốt, nhưng đừng bao giờ vui mà nghĩ rằng mình đang được tất cả mọi người thương mến, thật ra thì sự thương mến dành cho chúng ta thì chỉ có một số nào đó mà thôi, có những người họ có thiện cảm với chúng ta họ không nói thì chúng ta cũng không biết được. Nhưng chắc chắn một điều rằng trên đời này không có người bị chê, ở trên đời này có một người mà ai cũng thương hết là không có. Nói như cụ Nguyễn Hiến Lê là "trên đời không có thứ quái vật đó." Thứ quái vật đó nghĩa là ở trên đời không có ai mà được tất cả mọi người bằng lòng hết, nên cái chuyện làm bằng lòng hết cả mọi người thì nó không phải cái mục đích của chúng ta. Nên thưa qúi vị chúng ta nên lấy một tâm hồn rất dung hoà, nghĩa là chấp nhận một cách tương đối đời sống. Nếu ở trong cuộc sống của mình mà trong 10 người mình thân cận chỉ có 5 người thương mình thì kể ra cũng may mắn rồi, ở trong 5 người thương mình mà có được ba người cùng chia sẻ công việc với mình cũng là may mắn, trong 3 người chia sẻ công việc mà có được một người hiểu thì cũng đã là một việc may mắn rồi.

Nên chi đối với một người tu học thì những câu Phật ngôn này không phải chỉ là một sự khích lệ nhưng cũng nhắc nhở cho chúng ta về một thực trạng của đời sống, cuộc sống là bất toàn và cuộc sống nó vốn là có phần này và phần kia, có cái được và cái không được. Và với cái được và cái không được thì người trí sẽ chọn thái độ là sống với những gì mình tin rằng lợi ích tốt đẹp nhất, cái gì mà mình có thể cống hiến cho cuộc đời này mà trong giá trị chúng ta thật sự tin chắc vào đó.

Thật ra trong câu Phật ngôn 77 này về phương diện văn từ thì không có chữ nào mà chúng ta phải quá đi sâu vào, ở đây thì chỉ có một điều duy nhất là có hai câu
satam. hi so piyo hoti,
asata.m hoti appiyo.
satam. hi so piyo hoti, Là đối với người tốt thì vị này là vị được hài lòng.
asata.m hoti appiyo là đối với những người không tốt thì những người này không bằng lòng.

Điều này có thể nói là một câu mà đôi khi chúng ta nên đọc nó như là một thần chú, để chêm công việc thiện mà mình làm được chấp nhận hay không chấp nhận. Nên nói tóm lại là thưa qúi Phật tử những câu kinh Pháp Cú này cho chúng ta thấy rằng ngay cả chính Đức Phật là một bậc Thiên nhân chi đạo Sư, là một bậc gọi là đại phúc đại trí ở trong cuộc đời này nhưng mà không phải ai cũng thương Ngài, có những người không những là bất đồng với Ngài mà còn chống báng Ngài một cách mạnh mẽ. Chúng ta đi vào trong cuộc đời này khi sống phụng sự làm việc thì chúng ta chỉ có thể nương vào cái mà chúng ta nghĩ rằng ở đó là cái gì tốt nhất mà mình có thể làm được, chứ không phải là cái gì mà cuộc đời hài lòng nhất về bản thân của mình, cái số đông người hài lòng đôi lúc nó chỉ là một số đông quần chúng đang su hướng theo một trào lưu một khuynh hướng gì đó, chứ không nói lên một giá trị thật sự nào, và chúng ta phải rất là can đảm để sống chung thành với những gì mà mình nghĩ rằng thật sự là lợi lạc.

Có một câu hỏi của cô Hoa Lan "đôi khi mình thương nhiều là mình khổ."

Đúng vậy, cuộc sống này nếu chúng ta thương người khác mà trong cái thương có dính mắc thì chúng ta thật sự là khổ, nhưng nếu chúng ta thương bằng tâm đại bi, nếu chúng ta thương bằng lòng từ, thì chúng ta sẽ không khổ nhiều như vậy. Thật ra thương cuộc đời có nhiều cách thương, chúng tôi lấy một ví dụ qúi vị có thể đi ở trên đường gặp một người khổ và quí vị có thể cho người đó rất nhiều thứ, cho người đó một ít tiền để giúp đỡ người đó nhưng không có nghĩa là qúi vị sẽ khổ về người đó là vì sự giúp đỡ đó của qúi vị nó không vương hệ lụy, mà qúi vị chỉ có thể thấy rằng cái gì mà qúi vị đã cho người đó sẽ mang đến cho người đó một chút niềm vui, ít nhất là nhất thời thì như vậy là đủ rồi.
Thật ra lòng từ hay là tâm thương xót chúng sanh của Chư Phật của những vị Bồ Tát của những vị có tâm rộng lớn trong cuộc đời thì các Ngài có thương nhưng không hệ lụy, các Ngài có đến có đi, có cầm lên có đặt xuống, chứ không có núm níu không bị kẹt vào trong đó, do vậy các Ngài không khổ như chúng ta. Tình cảm là thứ gì rất là phức tạp của kiếp người, nó phức tạp đến đỗi mà có thể nói rằng chúng ta phải sống cả cuộc đời để chúng ta có thể hiểu được một ít nét căn bản về cuộc đời.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 77 (3)


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu