Tuesday, October 18, 2022

008 Paṭṭhāna - HT Sán Nhiên giảng ngày 9 tháng 4, 2022

 008 Paṭṭhāna

 HT Sán Nhiên giảng ngày 9 tháng 4, 2022 

Minh Hạnh đã nghe để học và, xin ghi chép tóm tắt theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "008 Patthana" do HT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức, nếu có gì sai sót xin lượng tình tha thứ, xin từ bi chỉ dạy, Minh Hạnh vô vàng cảm tạ. 

Con xin thành kính cảm tạ ơn HT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Nguyện đem công đức này hồi hướng đến tứ ân phụ mẫu, đến chư thiên và tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Nguyện cho vợ chồng con và các con cháu đời này và mãi mãi những đời sau có chánh tín và chánh trí.

Namo Buddhaya

Minh Hạnh

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

Lần trước chúng ta đi qua phần Phát Thú có 7 giai đoạn. Có một số qúi Phật tử xin nói rõ thêm về 7 giai đoạn của Phát Thú. Hôm nay Sư nhắc lại chúng ta đi vô từng bước. 

Như Sư chia sẻ với qúi Phật tử là hồi trước Ngài Tịnh Sự dạy Abhidhamma lâu lâu Ngài có khôi hài một chút hay là Ngài có pha trò một chút, tại vì Ngài nói lớp học khô khan quá nên Ngài phải có chút xíu khôi hài cho lớp học vui lên ở đây Sư cũng thấy như vậy.

Thật ra mình học Pháp này rất là khó vì khô khan đòi hỏi các học viên phải tập trung và phải lắng nghe và phải nghe đi nghe lại, có những cái Sư không diễn tả hết trong lời nói nhưng cách Sư viết trên bảng rồi phối hợp lại lời nói sau khi mình nghe lại cái mình nghiệm ra được ý chính. 

Thứ hai nữa lớp học mình sinh hoạt như một gia đình thì mới có sự thân mật thì mình mới chia sẻ sự học tương phấn hơn.

Sư kể thời còn Ngài Tịnh Sự dạy Sư học. Qúi Phật tử phải cố gắng, mình có Tam Tạng có chánh Pháp cố gắng lấy đọc, tại vì đó có phước cho mình nhiều đừng có bỏ qua, sách kinh mình không lấy để thờ phượng hay là để trong tủ kệ, mà là để đọc. 

Hồi xưa các qúi Phật tử thấy mà thương Ngài Tịnh Sự, hồi đó Sư học bộ Tam Tạng (quyển màu xanh) Ngài lấy làm nền tảng, Ngài dạy Sư, cắt nghĩa cho Sư hiểu rồi Ngài chỉ dạy Sư cách dịch thuật, tiếng Thái Pali rồi Pali Thái (quyển màu cam có hình con voi ỏ cái bìa, còn Pali Thái ngữ quyển màu xanh).

Thì khi có 2 vị Sư tới cùng học với Sư, Ngài thấy không có sách để đọc, Ngài đi xuống bếp lấy con dao lên, Ngài cầm cuốn sách Tam Tạng, Ngài cắt ra làm ba đưa mỗi Sư một quyển. Sư rúng động, Ngài không có gì để làm của làm cải hết , Ngài nói các ông phải học không ngừng, tức là Ngài muốn cho qúi Sư đọc liên tục, không có chuyện ông này phải chờ ông kia.

Thứ hai nữa, năm 80-81 Ngài không có tiền lúc đó nghèo khổ lắm, Ngài lấy lá chuối cho Sư học chữ Hán trên lá chuối, Ngài để lá chuối trên cái giỏ, Ngài mài mực tàu, Sư cầm cọ viết lên lá chuối, mực tàu còn ướt thì lấy cục đá dằn lên, khi mực khô bỏ xuống cái giỏ dưới chân, tới cuối giờ Ngài cầm cái giỏ đem xuống bếp cho cô Tư lấy lá chuối đó chum lửa, chứ không bỏ, 

Sư không có giấy học trò để học, Ngài dắt Sư đi ra tiệm thuốc bắc ở ngã sáu Cây Gõ, mấy thuốc hoàng tán bọc sáp vàng, bóp lột thuốc ăn, Ngài giữ 2 miếng sáp lại để dành đầy một cái giỏ. 

Buổi sáng Ngài kêu đi theo Ngài ra ngoài tiệm thuốc bắc hốt thuốc, Sư đi theo Ngài, Ngài kêu đổ mấy miếng sáp vô trong bọc đi theo Ngài  gặp ông chủ tiệm thuốc bắc, Ngài nói với ông thầy : Ông Thầy tui có bịch thuốc sáp này nè, tui đổi ông bớt cho tui bao nhiêu tiền thuốc Bắc được không?

Ông thầy thuốc nói: "Ông cần tôi cho ông chớ cái này tôi đâu có sài được đâu".

Ngài giữ lại cái bọc sáp đó.  Rồi Ngài ngó qua cái thùng ông thầy thuốc để trong góc, Ngài hỏi: "Ông có sài mấy cái giấy tờ trong thùng đó không?" Đó là những bao nhang, Ngài hỏi ông có sài không?

Ông chủ tiệm thuốc bắc nói: "Không, ông Thầy muốn lấy không? Ngộ cho Thầy đó".

Ngài đổ vô bọc rồi đưa cho Sư mang về. Trên đường đi về Ngài nói với Sư: " Ông lấy giấy đó mà học".  Và Sư học trên mấy cái áo nhang đó, chứ Sư đâu có sách vở để học.

Mà đối với kinh Tạng sách vở là Ngài rọc Ngài cắt, Ngài đánh máy cho Thầy Chánh Pháp, Ngài đánh máy bằng tanxin rồi quay ronéo rồi may tay thành cuốn kinh cho Phật tử học.

Khi Ngài ra tiệm thuốc bắc hốt thuốc bắc về giao cho cô Tư nấu thuốc cho Ngài uống, Ngài mở bao thuốc bắc ra thì thấy kinh sách Ngài in giờ thành tờ giấy bao bìa thuốc bắc đó, Ngài buồn Ngài ngã bệnh, Ngài nói ông thấy không, mình không có tiền ăn, mình để dành tiền đi quay kinh sách cho Phật tử học mà bây giờ họ không học họ đem bán ký, rồi họ đem gói thuốc bắc cho tôi, Ngài đọc vô Căn song, Uẩn Song, Giới Song, Đế Song, Bộ Yamaka thứ 6, Ngài buồn Ngài đổ bệnh.

 Sư trải qua những thời thăng trầm nghèo khổ năm 80 - 81 với Ngài, thấy thương Ngài lắm. Ngài hết lòng lo việc Phật Pháp. Học sách vở nào Ngài cũng đáp ứng hết Ngài không tiếc, nhịn ăn nhịn uống vậy chứ không bao giờ Ngài tiếc sách vở. Phật tử mà cần sách, muốn có sách Ngài đáp ứng hết, ngày hôm nay Sư chỉ noi theo thôi, Sư làm theo những gì Ngài đã làm, chứ Sư không có gì mà riêng tư của Sư, mình thấy công đức của Ngài lớn lao lắm.

Bây giờ Sư nói tới 7 giai đoạn Phát Thú:

1) Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn Liên Quan (Paticcavāra)

2) Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Câu Sinh (Sahajàtavāra)

3) Giai đoạn thứ ba là giai đoạn Duyên Sinh, (Paccayavāra)

4) Giai đoạn thứ tư là giai đoạn Y Chỉ, (Nissayavāra)

5) Giai đoạn thứ năm giai đoạn Tương Tạp hay là Hỗn Hòa, Hỗn Tập là nó trộn lẫn nhau thì sát nghĩa với chữ (Saṃsaṭṭhavāra). Ngài Tịnh Sự dùng chữ "Tương Tạp" tại vì khi xuống tới giai đoạn thứ 6 là giai đoạn Tương Ưng

6) Giai đoạn thứ sáu là giai đoạn Tương Ưng là trộn thành một khối không tách ra được, (Sampayuttavāra)

7) Giai đoạn Vấn Đề. (Panhāvāra)

Chữ vàra nghĩa là thời kỳ hay là một giai đoạn. 

Tương Tạp hay là Hỗn Hòa, Hỗn Tập là nó trộn lẫn nhau thì sát nghĩa với chữ (Saṃsaṭṭhavāra). 

Tương Ưng là trộn thành một khối không tách ra được, (Sampayuttavāra)

Khi hiểu được nghĩa của chữ Hỗn Hòa Hỗn Hợp Saṃsaṭṭhavāra, và chữ Tương Ưng là Sampayuttavāra thì vô chi pháp mới hiểu nó hiện bày với tác dụng của nó.

Đây là 7 bước diễn tiến trong sự tu tập mà trong cuộc đời của mình, hay trong mọi sự việc xảy ra trong đời sống này.

 Thí dụ, như giải quyết vấn đề gì đó, thí dụ như bị bệnh. Vấn đề sanh lão bệnh tử là chuyện bình thường, nhưng vấn đề bệnh này nó có những cái phức tạp ở trong đây như là: nan y, giải quyết nó, chữa trị nó, những vấn đề này được nêu ra.

1)  Thì khi nói tới bệnh thì muốn biết bịnh đó là bệnh gì? thì đó là bệnh nan y. Nan y là bệnh này có lâu lắm rồi, nó kéo dài nhiều năm nhiều tháng rồi mà không hết.

2) Thứ hai là giải quyết nó ra sao, có điều kiện để giải quyết không? , 

3) có điều kiện để chữa trị nó không.

Thì mình muốn giải quyết những vấn đề đó mình phải đi từ trên xuống dưới 7 giai đoạn.

Tất cả chuyện trong nhà của mình, chuyện đời sống của mình, chuyện riêng tư của mình hay chuyện sinh hoạt tập thể chung nhau đều có 7 bước như vậy, chứ không chỉ riêng dành cho Vipassana, không phải chỉ dành riêng cho phần tu Minh Sát Tuệ.

Do đó, trong 22 Tam Đề và 100 Nhị Đề Phát Thú có 7 giai đoạn này, mỗi cái mỗi cái mà qúi Phật tử thấy phần Pháp Thiện, Tam Đề Thiện (kusalattika) nằm trong một quyển, còn 21 Tam Đề còn lại nằm trong quyển thứ hai (Phát Thú phần 2).

 Đức Phật Ngài đặt trọng tâm vấn đề Thiện với Bất Thiện và quả báu của Thiện và Bất Thiện rất nhiều. Ngài xoáy mạnh vô đó làm điểm chính cho mình đọc, mà mình đọc 2 quyển rồi (Phát Thú I và Phát Thú I I) Nếu mà qúi Phật tử có dịp đọc qúi Phật tử phải nghiệm ra "Tại sao 1 quyển thôi. Thành ra mình mới nghĩ là tại sao Đức Phật Ngài xoáy trong Tam Đề Thiện. Đó là Sư dịch nguyên ở trong Chánh Tạng và đó là những gì Ngài nói nguyên như vậy với Chư Thiên ở trên cung trời Đao Lợi cho Mẹ của Ngài và Chư Thiên nghe.

Phát Thú phần I mà Ngài nói một Tam Đề Thiện, Bất Thiện và quả báu của Thiện và Bất Thiện.

Quyển thứ II nói về 21 Tam Đề còn lại. 

Tức là Ngài không muốn nói đến những pháp xấu làm cho chúng sanh nghe bị gợi nhớ hay bị ám ảnh. Ngài muốn nói pháp Thiện để con người mình nhắm tới hướng tới những điều đó thôi chứ đừng nghĩ tới những điều xấu, những điều mà mình trải qua mà buồn phiền hay là không được an vui không được thích thú, nhất là Chư Thiên không bao giờ nghe những điều xấu.

Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề, khi Ngài chưa thành Phật thì gọi là cây đa, Chư Thiên ở quanh Ngài, thấy Ngài tu hành Chư Thiên hoan hỉ, nhưng tới khi ác ma đem binh ma tới thì Chư Thiên bay đi nơi khác, Ngài ở lại với balamật của Ngài.

Nên mình để ý, Đức Phật Ngài tế nhị khi giảng pháp Ngài đặt trọng tâm về Thiện nhiều. Qúi Phật tử đừng nghĩ tới bất thiện nữa, trong đời này ai cũng có sai lầm hay những xấu xa những lỗi lầm mình tạo ra trong quá khứ, giờ ta biết Phật Pháp rồi thì mình chỉ nhắm tới và đi tới con đường Thiện thôi chứ đừng nghĩ tới điều bất thiện và cũng không nói tới người khác, thì mình được an lạc. Nên Đức Phật đặt Thiện lên hàng đầu.

Khi chúng ta giải quyết một vấn đề gì, bất cứ một vấn đề gì nó sẽ xảy đến cho ta, ở ngoài đời ngoài xã hội trong gia đình, trong bạn bè, hay trong sinh hoạt làm ăn, hay chỗ sinh hoạt cá nhân, thì mình phải đi qua 7 giai đoạn này, mình đi thận trọng.

1) Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn Liên Quan (Paticcavāra)

Đầu tiên, vấn đề đó mình coi tính chất Liên Quan của nó. Giống như người điều tra viên khi có chuyện gì xảy ra họ hỏi lối xóm trước là, họ đi tìm tính chất liên quan của vấn đề đó trước. Giống như khi một người nói bị bệnh là Sư biết tính chất liên quan của vấn đề đó liền.

2) Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Câu Sinh (Sahajàtavāra)

Rồi đến Câu Sinh. Câu Sinh là cùng sanh lúc đó, diễn tiến của câu chuyện đó, vấn đề đó diễn tiến ra cùng lúc đó mình phải hiểu nó như thế nào.

3) Giai đoạn thứ ba là giai đoạn Duyên Sinh, (Paccayavāra)

 Những lúc đó là giai đoạn Liên Quan có thể gọi nó là Tư Tiền. Câu Sinh là Tư Hiện đang hiện bày đang cùng sinh với mình. 

Duyên Khởi là do cái gì nó sinh ra, có yếu tố gì, có cái gì tác động nó không, có tác nhân đó không, hay một kích khởi nó không gọi là Duyên Sinh, hay gọi là Duyên Khởi.

Trong phần giáo án Sư soạn Trường Bộ và Trung Bộ khi HT Minh Châu hỏi Sư soạn giáo án.

Sư viết có 4 câu:

1. Xuất Xứ.

2. Duyên Khởi.

3. Chánh Kinh

4. Kết Luận

Trong 7 giai đoạn Sư làm 4 giai đoạn thôi.

Bài kinh nào cũng vậy, phải có xuất xứ. Đức Phật thuyết bài pháp này tại chùa Kỳ Viên hay tại Trúc Lâm, ở nhà ông Cấp Cô Độc hay ở đâu, phải có xuất xứ có gốc tích có cơ sở rõ ràng, chớ không nên nói suông.

Rồi Duyên khởi nào, nguyên tố nào, nguyên nhân nào, hay là một tích khởi nào, kích động nào làm cho Ngài nói bài pháp này.

Rồi bắt đầu vô nội dung chính là chánh kinh, gồm có 7 phần, 8 phần, hai phần.

Tới Kết luận: Sau khi nghe ông Bàlamôn trở lại chánh kiến đưa tới trạng thái giác ngộ đưa tới đạo quả, hội chúng đều hoan hỉ tín thọ nhận lời v.v...

Thì đó là xong một bài kinh. Soạn giáo án là vậy đó, Sư soạn giáo án cho tăng ni học theo lời yêu cầu của HT Minh Châu.

Thì đó là, khi mình giải quyết vấn đề thì mình phải nói Duyên Sinh, Duyên Khởi, nó có điều kiện. Do đó, thì Duyên Khởi và Duyên Sinh nó phải có.

4) Giai đoạn thứ tư là giai đoạn Y Chỉ, (Nissayavāra)

Thứ 4 là Y Chỉ, nó nương vào đâu mà phát sanh ra, nó ỷ lại hay nó có điều kiện, nó nương vào đâu nó ăn hiếp mình.

Thì đó là Y Chỉ, mình phải đi tìm vấn đề này nó nương vào cái gì, nó lợi dụng chỗ nào, nó cậy vào chỗ nào mà nó phát ra, mình phải tìm cái gốc nó thì mình mới giải quyết vấn đề dứt gọn nó luôn.

Trí tuệ Đức Phật Ngài giải quyết một vấn đề là phải 7 bước, bất cứ vấn đề gì mà nó phát sanh lên, trí tuệ Ngài lượt qua 7 bước liền.

5) Giai đoạn thứ năm giai đoạn Tương Tạp hay là Hỗn Hòa

Rồi nó có những sự trộn lẫn, nó có những sự trộn lẫn hòa trộn hay là có sự kích động.

Qúi Phật tử có nhớ có lần Sư có nói nghiệp tạo tác một thành bốn:

1. Người tạo tác (tạo nghiệp)

2. Người giúp đỡ (đồng lỏa)

3. Người xúi dục (đồng lỏa)

3. Người hoan hỉ. (đồng lỏa)

Bốn nghiệp này đồng tội nhau, một thành bốn, bằng nhau hết, không có cái nào cao thấp nhiều ít, do đó qúi Phật tử thấy một người làm thiện mà mình hoan hỉ với người làm việc thiện đó là tùy hỉ là Anumodanà. Khi người ta làm việc bất thiện mà mình hoan hỉ với người đó là mình cộng nghiệp với người đó.

Thì ở đây, tính chất hỗn hòa hỗn tạp ( giai đoạn thứ 5) hỗn hòa) mình có người đốc thúc không, hỗn hòa này là một yếu tố nhưng mà nó len lỏi rất là sâu sắc. Nên trong giai đoạn hỗn hoà hỗn tạp có nhiều chi pháp nhiều chi tiết, mình đọc kỹ sẽ thấy.

6) Giai đoạn thứ sáu là giai đoạn Tương Ưng là trộn thành một khối 

Giai đoạn tương ưng là giúp đỡ là hòa trộn.

7) Giai đoạn Vấn Đề. (Panhāvāra)

 Giai đoạn vấn đề hiện ra. 

Do đó khi mình muốn giải quyết vấn đề này, có 2 cách người ta giải quyết từ trên xuống dưới, người điều tra viên họ đi điều tra từ trên xuống dưới đi tìm tài liệu để nghiên cứu lại. Có người đi ngược từ giai đoạn 7 trở lên giai đoạn 1, đi tìm người đồng lỏa trước, đi tìm vấn đề tưong ưng trước, sự hòa trộn trước rồi bắt đầu tìm mỗi liên quan hiện bày, thì chính chỗ phút cuối này nếu mà đi từ dưới đi lên thì nó sẽ trở thành Liên Quan Tương Sinh (Paṭiccasamuppada).

Nên khi nói tới Liên Quan Tương Sinh ta phải nói tới Duyên Sinh Duyên Hệ, nó có mối với Paṭicca (có liên quan) mà mình phải nhìn thấy được để mình tu tập, để mình giải quyết được.

Hôm nay Sư muốn nói với qúi Phật tử là khi giải quyết một vấn đề có hai cách; đi từ dưới đi lên giống như Liên Quan Tương Sinh, đối với Đức Phật Ngài là Ngài đi từ dưới đi lên sau khi Ngài thấy hiện tượng già bệnh và chết là Ngài bắt đầu đi con đường xuất gia. Còn mình đây là mình cứ làm Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, mình cứ đi tuần tự từ trên xuống, còn các Ngài Bồ Tát các Ngài tu tập là các Ngài đi từ dưới đi lên, chỉ thấy một hiện tượng già, một hiện tượng chết hay một hiện tượng bệnh là các Ngài thức tỉnh, bắt đầu các Ngài đi vào con đường tu tập, chứ không để đi vào trạng thái Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, các Ngài muốn giảm bớt hay cắt đứt nghiệp lực hay nghiệp báo ở trong đời thì họ đi từ ở dưới đi lên, đó là những bậc Bồ Tát hay những bậc thức tỉnh có sự giác ngộ tỉnh thức.

 Bữa nay Sư đi tới phần Sư chia sẻ với qúi Phật tử. Đó là Sư giải đáp 7 vấn đề. Khi giải quyết được 7 vấn đề này thì bắt đầu ta đi vào trong phần câu thứ nhất.

 Chúng ta đi qua Tam Đề Thiện. 

Thiện làm duyên cho Thiện

Đầu tiên câu 1 chúng ta sẽ thấy trong trang chót phần cuối trang A2, bốn giai đoạn mà Sư muốn nói hôm nay các qúi Phật tử thấy nó là 

1) Thời kỳ Bình Nhật thời Hiện Tại (Pavatti Kàla). 

Khi ta làm việc thiện hay nội tâm ta suy nghĩ việc thiện từ trong ý, lúc đó nó đang hiện bày ngay tại thời điểm đó, không là quá khứ cũng không phải vị lai, Thiện làm duyên cho Thiện hiện bày trong thời Bình Nhật (Pavatti kàla) cái thời hiện tại, thời đang diễn tiến, thời đang hiện bày, chứ không phải là quá khứ mà cũng không phải là vị lai.

Thí dụ như qúi Phật tử muốn làm việc thiện như xả thí, trì giới, ngồi thiền thì tư tưởng khởi lên trước "ta muốn xả thí" thì ngay lúc đó tâm ta khắn khích ngay việc xả thí đó, nghĩ suy việc xả thí đó, tính tới việc xả thí đó. Bắt đầu là Pavatti kàla chứ không phải là quá khứ. Tâm tư mình đang suy tư nghĩ tới việc xả thí, thì là Pavatti kàla tại thời điểm đó. Việc thiện này làm từ nơi thời hiện tại. 

Trong phần Duyên Sinh Duyên Hệ chỉ có hai thời thôi"

1. Thời thứ nhất là Pavatti kàla, là thời Chuyển Khởi hay gọi là Bình Nhật (đang hiện bày  trước mắt)

2. Thời thứ hai là Paṭisandhi kāla, là thời Tái Tục hay Tái Sinh, là tiếp tục, là tiếp nối từ đời này tới đời sau, tức là Tái Tục, nhưng tự điển Pali gọi là Tái Sinh tức là thời đi tục sinh hay là thời kỳ sanh trở lại. Ngay sát na tái sinh là Paṭisandhi kāla  là lúc đó đi tục sinh, thời đó gọi là thời Tục Sinh.

Nó có hai thời thôi; Sau khi tục sinh. 

Trong lộ trình tâm



Cái thứ nhất, tâm đầu tiên là Cuti Citta là Lộ Tử hay Lộ Ngũ Môn hay là Lộ Ý Môn

Cuti Citta dịch là Tâm Tử, thời này là thời chết, Tâm Tử này là Tử của một Kiếp Sống, chứ không phải là Tử của một Lộ Trình Tâm. Tử của Một Kiếp Sống.

Cái thứ hai, Tâm kế bên là Paṭisandhi citta là Tâm Tục Sinh hay là Tâm Tái Sinh một kiếp sống mới. 

Hồi xưa Ngài Tịnh Sự dịch là Tâm Tái Tục, bây giờ Sư dùng chữ Tái Sinh, có khi Sư sài Tâm Tái Tục, có khi Sư sài Tâm Tái Sinh theo Pali Text Society. Tức là qua một kiếp sống mới. Tức là Tử rồi Sanh không gián đoạn dù xen kẽ một hở nào. 

Trong lộ trình tâm sau Tâm Paṭisandhi citta thì kế đó là Bhavaṅga citta gọi là Tâm Hữu Phần, ngày xưa Ngài Tịnh Sự dịch là Tâm Hộ Kiếp. 

Tâm Hộ Kiếp là giữ gìn kiếp sống của Danh Pháp. Sau đó Ngài sửa lại 

Bhavaṅga có hai từ ngữ là Bhava + Aṅga.

Aṅga nghĩa là Chi Phần. Thí dụ như con người ta có Tứ Chi (mình, đầu, tay, chân) 

Bhava là Hiện Hữu, kiếp sống,

Tâm Bhavaṅga citta có một vài chỗ trong Chánh Tạng ghi là Vuṭṭhānā là Sinh Xuất là tâm xuất ra. Sau tâm Tái Sinh (Paṭisandhi citta) thì đến Tâm Sinh Xuất (Vuṭṭhānā  citta) hay còn gọi là  Bhavaṅga citta gọi là Tâm Hữu Phần

Tâm Sinh Xuất (Vuṭṭhānā  citta) thuộc Vipāka citta (Tâm Dị Thục Quả).

Bhavaṅga citta đều là Vipāka citta (Tâm Dị Thục Quả). Hữu Phần, Hữu Phần Vừa Qua, Rúng Động, Dứt Dòng hay Hữu Phần Khách đều gọi là Vipāka citta cả, nó thuộc Dị Thục Quả.

Do đó, khi mình nói tới Lộ Trình Tâm của việc Thiện là ở thời Bình Nhật. Tức là nó phải trải qua giai đoạn sau những Tâm Lộ Ngũ Môn (Cuti Citta),  Tâm Tục Sinh (Paṭisandhi citta), Tâm Hộ Kiếp (Bhavaṅga citta). Thì giai đoạn Tử, đi Tục Sinh. 

Ngày nay, có một số người bị lộn xộn về vấn đề 49 ngày,  49 ngày lo cầu siêu, cúng 7 tuần thất.

 Đó là nhóm người Trung Hữu Ngôn Kiến Luận  họ cho rằng có một thân trung ấm, diễn tiến một kiếp sống nữa ở trong giai đoạn đó, do đó phải cúng 7 tuần thất, nhưng họ cúng như bữa nay chủ nhật cúng, nghỉ 6 ngày, Chủ Nhật tuần sau cúng, rồi lại nghỉ 6 ngày và tiếp tục cho đến 7 lần, tức là cho ăn một bữa rồi 6 ngày cho nhịn.

Đó là một nhón Trung Ấm Ngôn Kiến Luận họ suy nghĩ rồi đặt ra, nhưng cách giải quyết đó không phải của Phật dạy. Mình phải đọc, phải học, phải nghiên cứu cho kỹ và mình phải phá giải sự kiến chấp hay là sự thấy sai chấp lầm của mình trong lời Phật dạy.

Qúi Phật tử coi trong Tập III, chương V, Tổng hợp nội dung Vô Tỷ pháp, trang 149-150 – 152. (Cuốn màu vàng). Quý Phật tử sẽ giải đáp được hết tất cả điều này.

Đây là trích đoạn:

Bộ Sách Chú Giải TỔNG HỢP NỘI DUNG VÔ TỶ PHÁP TẬP III - CHƯƠNG THỨ V - QUYỂN III Trang 149 đến trang 152

Giải Thích Trong Phần Pali Với Điều Thứ Sáu:

Trình Bầy Việc Sinh Khởi Của Tâm Tái Tục Ở Trong Kiếp Sống Mới

Điều trọng yếu ở trong đoạn văn Päli này là ở tại: “Tasmiṃ niruddhãvasāne tassānantarameva v.v. paṭisandhānavasena paṭisandhisaṅkhātaṃ  mãnasaṃ uppajjamãnameva patiṭṭhãti bhavantare”. Còn đoạn văn ở ngay chính giữa, kể từ “tathãgahitaṃ ãrammaṇaṃ v.v. cho đến bhavantara paṭisandhãnavasena paṭisandhisaṅkhātaṃ mãnasaṃ uppajjamānameva patiṭṭhãti bhavantare” đấy, là trình bầy các sự hiện hành của Tâm Tái Tục, ấy là việc tiếp thâu Cảnh do nương vào Nghiệp Lực làm cho khởi sinh, phần phụ thuộc, nhiệm vụ chức năng.

Điều trọng yếu ở đoạn văn Päli trên, được dịch nghĩa là: Một khi Tâm Tử ấy vừa diệt mất, và chính ở ngay trong tuần tự một cách không gián đoạn của Tâm Tử ấy, một Tâm Tái Tục tức thời sinh khởi ngay trong sát na kiếp sống mới được hiện hữu. Từ ngữ nói rằng “Tassãnantarameva”- “chính ở ngay trong tuần tự một cách không gián đoạn của Tâm Tử ấy.” Từ ngữ này là từ ngữ đã hủy diệt Trung Hữu Kiến  (Antarabhavadiṭṭhi — Trung Ấm Kiến) của Người Trung Hữu Ngôn Kiến Luận (Antarabhavavādīpuggala).

 "Antarabhavadiṭṭhi — Trung Ấm Kiến” (Antara + Bhava + Diṭṭhi) (Khoảng giữa + Kiếp sống + Tà Kiến) là có quan điểm cho rằng có một kiếp sống ở khoảng giữa Tử với Tái Tục, hoặc có một kiếp sống ở khoảng giữa kiếp sống cũ với kiếp sống mới, gọi là Trung Hữu (Antarabhavad).

"Antarabhavavädï — Trung Hữu Ngôn Kiến Luận” (Antara + Bhava + Vãdï ) (Khoảng giữa + Kiếp sống + Ngôn Luận) là người thường luôn thốt ra lời tuyên bố nói rằng có một kiếp sống ở khoảng giữa Tử với Tái Tục; hoặc có một kiếp sống ở khoảng giữa kiếp sống cũ với kiếp sống mới, bởi vì Người Trung Hữu Ngôn Kiến Luận đấy có quan điểm cho rằng một khi tất cả Chúng Hữu Tình đã tử vong thì chẳng có đi tục sinh ngay lập tức vào trong kiếp sống mới, mà tạm thời dừng lại sinh sống ở trong một kiếp sống Trung Hữu (Antarabhava), chờ đợi cho đến khi người sẽ làm người Mẹ đã dứt kinh nguyệt bất tịnh, và người sẽ làm người Cha cùng tính giao với người Mẹ ước lượng khoảng độ 7 ngày cũng có, nhiều hơn 7 ngày cũng có, hoặc ít hơn 7 ngày cũng có. Trong khoảng thời gian tạm thời dừng lại sinh sống ở trong kiếp sống Trung Hữu đây, thì cũng có khả năng có được việc thấy biết, việc được lắng nghe, và việc đi lại ở trong các lãnh địa, tự hiển lộ sắc tướng cho được hiện bây, hoặc tàng hình biến mắt, tương tự như là bậc Phúc Lộc Thắng Trí (Abhiññālābhīpuggala) vậy. Quan điểm và lời tuyên bố của hạng Người Trung Hữu Ngôn Kiến Luận như đã vừa đề cập rồi đấy, là hoàn toàn sai trật với Sự Thật, mà sự thật là một khi Tâm Tử vừa diệt mất, thì tất cả các loài Hữu Tình liền mạng vong, và rồi Tâm Tái Tục là kiếp sống mới ngay lập tức sinh khởi lên một cách không có gián đoạn thời gian. Và vì thế, Ngài Giáo Thọ Anuruddha mới dùng đến từ ngữ “Eva” cho kết hợp ở trong từ ngữ "Anantara” làm thành “Tassãnantarameva” - “chính ở ngay trong tuần tự một cách không gián đoạn của Tâm Tử ấy. ”

[Chú thích: Tà Kiến về Ấm Hình Sở Thụ, luận kiến rằng khoảng giữa hai kiếp sống, gọi là Trung Hữu, hoặc Trung Ấm. Ấm gọi là Ngũ Ấm, còn gọi là Ngũ Uẩn. Trong Kinh Đại Thừa Nghĩa Chương, quyền 8 có nói: “Mệnh báo kết thúc, gọi là Vô Hữu. Sau khi sinh, trước khi chết, gọi là Bản Hữu. Ám hình sở thụ ở khoảng giữa hai thân mạng, gọi là Trung Hữu. Trong Trung Ấm Kinh còn chỉ bầy các loại Kinh dùng để tụng đọc trong thời gian của Trung Ấm, hoặc Trung Hữu, trong 49 ngày sau khi chết. ]

tathãgahitaṃ ãrammaṇaṃ ãrabbha paṭisandhisaṅkhātaṃ mãnasaṃ " - Lời giải thích ở trong câu Päli nầy có như vầy: “Tathãtena channaṃ dvãrãnaṃ aññatarasmiṃ  paccupaṭṭhitãkãrena  chadvārikajavanenagahitaṃ  kanuna kammanimitta gatinimitta sammattaṃ ārammaṇaṃ ārabbha paṭisandlhi saṅkhātaṃ mãnasaṃ" - “Tâm Tái Tục tiếp thâu lấy Cảnh được gọi là Nghiệp, Nghiệp Tướng, Thú Tướng mà Đồng Lực Cận Tử Lục Môn đã thụ lãnh thể theo trạng thái đang hiện bây ở trong bất luận một Môn nào của những cả Lục Môn. ”

Giải thích rằng Tâm Tái Tục là tâm sinh khởi ở trong kiếp sống mới đây, thường luôn chỉ có một Cảnh duy nhất với Cảnh của Đồng Lực Cận Tử đã sinh khởi ở trong kiếp sống trước đó. Vì thế, nếu như Cảnh của Đồng Lực Cận Tử là Cảnh Nghiệp, thì Cảnh của Tâm Tái Tục cũng sẽ là Cảnh Nghiệp như nhau. Nếu như là Cảnh Nghiệp Tướng hoặc Cảnh Thú Tướng, thì Cảnh của Tâm Tái Tục cũng sẽ là Cảnh Nghiệp Tướng hoặc Cảnh Thú Tướng tương tự như nhau. Về phần Tâm Tử ở trong kiếp sống cũ sinh khởi ở trong Lộ Trình Cận Tử, thì cũng có cùng một Cảnh tương tự với Cảnh của Tâm Tái Tục ở trong kiếp sống cũ đó vậy. Bởi do thế, việc chuyển đổi Cảnh, tức là cả ba điềm tướng đấy, ở trong khoảng thời gian của kiếp sống cũ với kiếp sống mới, thì cũng có thể chuyển đổi với nhau là ở chính ngay Tâm Tái Tục.

Savatthukaṃ avatthukameva vã paṭisandhisaṅkhātaṃ mãnasaṃ "- “Tám Tái Tục là Tâm có Ý Vật (Hadayavatthu) làm thành chỗ y chỉ, hoặc không có Ý vật làm thành chỗ y chỉ đi nữa.” Từ ngữ “Savatthukaṃ” tức là Tâm Tái Tục sinh ở trong Cõi Ngũ Uẩn (Pañcavokärabhūmi), vì ở trong Cõi Ngũ Uẩn có Sắc Ý  Vật (Hadayavatthurūpa) làm thành chỗ nương sinh. Từ ngữ “Avatthukaṃ” tức là Tâm Tái Tục sinh ở trong Cõi Tứ Uẩn (Catuvokārabhūmi), vì ở trong Cõi Tứ Uẩn không có Sắc Ý Vật làm thành chỗ nương sinh.

"Avijjānusayaparikkhittena taṇhānusayamülakena saṅkhārena janiya mãnaṃ paṭisandhisaṅkhātaṃ mãnasaṃ”- “Tâm Tái Tục hiện hữu ở một trong ba Hành (Saṅkhāra), có Vô Minh Thụy Miên (Avijjānussaya) làm vị thống lãnh, và có Ái Dục Thụy Miên (Taṇhãnussaya) làm thành nền tảng, sắp bầy cho việc sinh khởi.” Chỗ nói rằng “Avijjānusayaparikkhittena saṅkhārena”- “Bất luận một Hành nào ở trong cả ba Hành, có Vô Minh Thụy Miên (Avijjānussaya) làm vị thống lĩnh” đấy, là việc tạo tác với Thân, Lời và Ý của tất cả các loài Hữu Tình đã làm thành tựu các việc Phước – Tội, đã hình thành nên Hành; và tác hành việc sắp bầy cho Tâm Tái Tục được sinh khởi ở trong kiếp sống mới đấy, là sẽ cần phải có Vô Minh (Avijjā) thường luôn quan hệ dính líu vào. Nếu như người tạo tác mọi công việc mà chẳng có Vô Minh quan hệ dính líu vào, thì các việc tạo tác ấy cũng chẳng thể nào thành tựu các việc Phước - Tội, mà chỉ là hành động tạo tác suông thôi. Tức là mọi việc tạo tác cho được thành tựu hiện tiền trước mắt, cũng được ví như nữ giới khi vẫn còn kinh nguyệt bất tịnh và cùng nhau tính giao với người chồng rồi, thì việc cùng nhau tính giao nầy đã thường làm cho phát sinh ra con trai và con gái. Một khi đã dứt sạch kinh nguyệt bất tịnh rồi, thì không thể nào có được ở trong việc cùng nhau tính giao để làm cho phát sinh ra con trai và con gái dường như thế nào, thì cũng tương tự như vậy, là việc tạo tác với Thân, Lời và ý của người vẫn thường luôn có Vô Minh Thụy Miên quan hệ dính líu vào, đã làm cho thành tựu việc Phước - Tội, và với việc tạo tác của người chẳng có Vô Minh Thụy Miên thì không thể nào làm cho thành tựu việc Phước - Tội, cũng dường như thế ấy.

Việc thống lãnh Hành của Vô Minh đây, hiện hữu ở hai trường hợp, là bởi do Thường Cận Y Duyên (Pakatūpanissayapaccaya) với Câu Sanh Duyên (Sahajātapaccaya). Có nghĩa là nếu Hành ở bên phía Thiện, thì Vô Minh thống lãnh bởi do sự làm thành Thường Cận Y Duyên. Nếu Hành ở bên phía Bất Thiện, thì Vô Minh thống lạnh bởi do sự làm thành Câu Sinh Duyên. Như thế mới nói được rằng Vô Minh làm duyên giúp đỡ ủng hộ đối với Thiện Hành, là với mãnh lực Thường Cận Y Duyên; và làm duyên giúp đỡ ủng hộ đối với Bất Thiện Hành, là với mãnh lực Câu Sinh Duyên. Việc làm duyên giúp đỡ đối với Thiện Hành đấy vẫn đang là Thụy Miên. Còn việc làm duyên giúp đỡ ủng hộ đối với Bất Thiện Hành thì chẳng phải là Thụy Miên, mà chỉ hình thành Vô Minh sinh khởi lên thôi. Như thế, sự việc mà Ngài Giáo Thọ Anuruddha trình bầy nói rằng “Avijjānusaya parikkhittanaṃ” đây, nếu ở trong khía cạnh Thiện Hành, thì đó là việc trình bầy một cách trực tiếp. Nếu ở trong khía cạnh Bất Thiện Hành, thì đó là việc trình bày một cách gián tiếp; và thể theo Phần Tương Đồng (Sadisūpacāra), có nghĩa là Vô Minh sinh khởi đây, cũng có cùng một thức tính tương đồng với Võ Minh ở phần Thụy Miên.

“Taṇhãnusayamūlakena saṅkhārena”- “Bất luận một Hành nào ở trong cả ba Hành, có Ái Dục Thụy Miên (Taṇhãnusaya) làm thành nền tảng” đấy, là việc tạo tác các sự việc với Thân, Lời và Ý của tất cả Chúng Hữu Tình ở trong thế gian này, cho dù sẽ là các Thiện Sự, có xả thí, trì giới, tiến tu; hoặc cho dù sẽ là các Bất Thiện Sự, có việc sát mạng, thâu đạo, vv. đi nữa, thì đa phần thường luôn có sự mong cầu được báo đáp trả lại với mãnh lực của Ái Dục. Vì thế, khi sẽ nói một cách thẳng thắn trực tiếp rằng tất cả mọi con người ở trong thế gian này, nếu giả như chẳng có sự mong cầu được báo đáp trả lại với hiện thân của Ái Dục, thì quả là các sự việc theo đường lối của Thế Gian, dù cho sẽ thuộc về cá nhân riêng tư, hoặc cho dù sẽ thuộc về tập thể của cái chung đi nữa; và luôn cả các sự việc theo đường lối của Đạo Pháp khi vẫn còn dính líu với thế gian mà con người đang tiến bước đi một cách không ngừng nghỉ đấy, sẽ phải đình chỉ dừng lại hết tất cả, và sẽ không thể nào còn có thể tiến triển được nữa, vì lẽ chẳng có Ái Dục bảo dưỡng. Có lẽ chỉ còn lại các sự việc hiện hành theo đường lối của Đạo Pháp mà chẳng có dính líu với thế gian, tức là việc tiến tu Thiền Minh Sát của một số vị Phàm Phu, việc tiến tu Thiền Minh Sát của các bậc Thánh Nhân, việc thẩm sát Đạo – Quả, Níp Bàn – Phiền Não, việc Nhập Thiền Quả (Phalasamāpatti), việc Nhập Thiền Diệt (Nirodhasamāpatti), chỉ là bấy nhiêu ấy. Khi đã là như vậy, thì thế gian nầy sẽ hiu quạnh, khô khan, tâm tính sẽ thay đổi, và chẳng còn vui sướng thích thú. Giả như sẽ nêu lên một ví dụ, thì cũng ví như lẽ thường gió hiện hữu khắp cả mười phương, đột nhiên lại ngừng hẳn không còn có nữa, và bầu khí quyển có thể sẽ bị trống không chỉ khoảng độ một giờ đồng hồ, thế là tất cả Chúng Hữu Tình sẽ mang vọng hết cả thầy. Có lẽ chỉ còn lại các loài Hữu Tình đặc biệt nương trú ở dưới mặt đất, và dưới mặt nước mà thôi. Điều này là việc chỉ dẫn cho được thấy rằng mãnh lực của Ái Dục đây quả thật rộng lớn biết đường nào. Như thế, giả như mãnh lực của Ái Dục của từng mọi người có năng lực vừa phải, có phạm vị hạn độ, thì Ái Dục này sẽ dẫn đến điều lợi ích một cách to lớn. Nếu nhỡ như Ái Dục của từng mọi người có năng lực cực mãnh liệt, bất liễu tri định lượng, và đã vượt quá hạn độ, thì chỉ sẽ dẫn đến sự sụp đổ và nổi loạn khởi sinh, dẫn đến sự khốn khổ phương hại đến đoàn thể quốc gia, tôn giáo, luôn cả cá nhân và tập thể. 

Chính vì lý do này, Ngài Thiên Chủ Sakka mới khải vấn đến bậc Chánh Đẳng Giác về sự rối loạn tan tác của Ái Dục như sau:

Antojațā bahijațā    Jațāya jațitā pajā 

Taṃ taṃ gotama pucchāmi   Ko imaṃ vijațaye jațaṃ.

dứt trích đoạn tại đây, trang 152

-------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu giảng lại

 Sư trở lại phần Thiện làm duyên cho Thiện không phải là thời kỳ của Tâm Cuti (Tâm Tử), nó không phải thời kỳ Paṭisandhi kāla ( thời Tái Tục hay Tái Sinh), thời kỳ của nó là Thời kỳ Bình Nhật (Pavatti kāla) hay thời kỳ đang diễn biến hay là thời kỳ đang chuyển khởi đang sanh ra chuyển biến liên tục, không gián đoạn. Khi qúi Phật tử đứng trong Thời kỳ Bình Nhật (Pavatti kāla) nó khác với Paccuppanna nó khác Anāgata, và nó khác Atīta.

Thời gian chế định có 3 thời:

Atita Kāla - là Thời Quá Khứ

Paccuppanna Kāla - là Thời Hiện Tại

Anāgata Kāla - là Thời Vị Lai.

Đây là thời gian chế định.

Còn Pavatti Kāla Thời Kỳ Bình Nhật là thời gian Siêu Lý, không thuộc vào thời gian chế định. Qúi Phật tử phải phân biệt được hai cách thức đó  

Trong phần Thiện làm duyên cho Thiện, Pavatti Kāla Thời kỳ Bình Nhật là thời gian này tâm diễn tiến liên tục, nghĩ tới Thiện liên tục cho đến thành tựu, nó phải diễn tiến liên tục vì là thời kỳ Chuyển Khởi. còn thời Quá Khứ (Atita Kāla) qua rồi. Thời kỳ Hiện Tại (Anāgata Kāla) là đang đứng đây, còn thời kỳ Vị Lai (Anāgata Kāla) chưa tới, cái đó nó có sự cố định hay đứng một chỗ hay nó xác định thôi, còn cái này diễn tiến.

Thí dụ, mình nói 2 giờ 15, nhưng khi mình nói xong thì nó đã qua là 2 giờ 16 giây, 17, 20 giây, bắt đầu nó chuyển tiến chuyển tiến, nó gọi là Pavatti Kāla.

Nói về Thiện thì phải chia làm hai, Thập Phúc Hành Tông (Dasa kiriya puñña vatthu) . Nhưng qúi Phật tử phải để ý, nói về Thập Phúc Hành Tông là nói trên một cái tổng quát nào là xả thí, trì giới, tu tập, cung kỉnh, phụng thị  v.v... đó là tổng quá. Nhưng nếu như Sư đi vào chi tiết đi về chi pháp và Sư cắt nghĩa với đầy đủ 7 giai đoạn này thì Thập Phúc Hành Tông (Dasa kiriya puñña vatthu) này là một nhiệm vụ tu tập đầy đủ, tại vì Sư chưa có đầy đủ điều kiện về thời gian với khả năng của qúi Phật tử ngày hôm nay để mà chúng ta lãnh hội hết được, nên Thập Phúc Hành Tông (Dasa kiriya puñña vatthu) này không nói đơn giản được. Mới nói sơ sơ 10 phương thức tạo tác có phước báu. Phước báu là những thay đổi tâm tánh ta từ xấu ra tốt gọi là puñña hay là phước, không phải như vậy.

Chẳng hạn như:

1) Thứ nhất là Xả Thí (dana), thì ở trong phần pháp Thiện Tam Đề Thiện của Phát Thú nói tới xả thí thì rất nhiều.

2) Tới phần Trì Giới, thì qúi Phật tử sẽ thấy người làm Thiện sau khi Xả Thí xong rồi tuân thủ Giới Luật, thọ trì Bát Quan Trai trong phần Thường Cận Y Duyên của Tâm Đại Thiện cắt nghĩa rõ ràng thì qúi Phật tử sẽ thấy chi tiết, không có kinh sách nào có thể giải đáp nổi Thập Phúc Hành Tông (Dasa kiriya puñña vatthu) một cách sơ sài như thế với Phát Thú, qúi Phật tử đọc kỹ lại sẽ thấy rõ. Mình may mắn mình đọc Chánh Tạng mình hành đúng như lời Phật dạy và mình thấy rõ.

 Sư cắt nghĩa chỗ mà tại vì mình học Phát  Thú có 3 cách: 

Thứ nhất là Duyên Hệ, 

rồi tới Phân Tích, 

rồi đến Trí Tuệ Đức Phật

Nói đến 24 phần Duyên Sinh Duyên Hệ. Mình học Phát thú có 3 ý nghĩa, nói về Duyên Hệ mà Phân Tích nó ra, rồi từ đó mình thấy Trí Tuệ Đức Phật giải thích rất sâu sắc.

Hôm nay đi từng bước, Sư truyền đạt chia sẻ cách thức với những gì Sư biết cho qúi Phật tử là tiếp nối, các qúi Phật tử phải nhớ và nếu qúi Phật tử không biết các kỹ thuật đó và không biết cách trình bày của Sư thì qúi Phật tử sẽ bị gián đoạn và bị mất khúc, qúi Phật tử phải coi lại bài trước mới tiếp nối được bài sau, do đó nếu qúi Phật tử có thể coi lại 63 bài Sư giảng về Tâm Pháp ở trong trang web những kỷ niệm xưa post lên, qúi Phật tử coi lại những lúc Sư nói chuyện hay những lúc Sư vui cười cũng là lồng vô Pháp, Sư không có bỏ xót cái nào vô Pháp hết, qúi Phật tử cần phải nghe lại, phải kết nối nhau mới được, chứ còn không qúi Phật tử sẽ bị thất thoát rất nhiều. 

3) Tu tập. 

Thế nào gọi là Bhāvanā, thế nào là Dassanena mà đắc sơ đạo mà Ngài Tịnh Sự gọi là Sơ Đạo Đoạn Trừ mà Sư dịch Dassanena là Kiến Giải Đoạn Trừ. Mà Kiến Giải từ góc độ Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo, từ Chân Tri Chước Kiến của Thập Phúc Hành Tông. Qúi Phật tử thấy nó đi kết nối từ tuần trước mà hôm nay Sư sẽ nói tới phần đó, qúi Phật tử sẽ nắm bắt được.

4) Cung Kỉnh.

5) Phụng Thị

6) Thính Pháp

7) Thuyết Pháp

8) Tùy Hỉ Công Đức

9) Hồi Hướng Phước Báu

10) Chân Tri Chước Kiến

Đó là Thập Phúc Hành Tông.

Chúng ta qua Balamật.

1. Xả Thí

2. Trì Giới

3. Ly Dục

4. Trí Tuệ

5. Tinh Tấn

6. Nhẫn Nại :  Nhẫn nại có 3 là, nhẫn nại người lớn hơn mình, nhẫn nại người bằng mình, nhẫn nại người dưới mình. Trong 2 cái trên không bằng cái nhẫn nại dưới. Nhẫn nại với người thua mình, kém mình là cao thượng.

7. Chân Thật

8. Chú Nguyện

9. Từ Ái

10. Hành Xả.

Bây giờ ta vô phần Pháp Thiện làm duyên cho Pháp Thiện.

Qúi Phật tử đọc lại câu Đức Phật Ngài nói trong bài kinh Mahāparinibbāṇa sutta bài kinh Đại Viên Tịch Niết-bàn, khi Ānanda nói với Đức Phật tại Kusināra của đất nước Mallā.

- Bạch Đức Thế Tôn, sau khi Đức Thế Tôn ra đi chúng con ly cái gì nương tựa.

Đức Phật nói tự thắp đuốt lên mà đi, lấy Chánh Pháp làm thầy, tự nương tựa nơi mình. Lấy 37 Phẩm Trợ Đạo hay là 37 Boddhipakkhiya tức là 37 Đẳng Giác Phần làm pháp hành, không nương tựa vào ai khác.  Ngài không nói Paṭṭhāna, Ngài không nói Dhammasaṅgaṇi, Ngài không nói Vibhaṅga.

Ngài Ānanda y giáo phụng hành.

Do đó qúi Phật tử thấy đó là chánh yếu chứ không phải bất cứ cái nào. Nhưng những cái gì bổ túc cho 37 phẩm Trợ Đạo này (37 Đẳng Giác Phần) này chúng ta mổ xẻ tại đó. 

Đó gọi là phân tích của Paṭṭhāna.

Tuần trước Sư nói về Thân Niệm Xứ trong cuốn Niệm Lực và Hành Giả (Sati and the Yogi) của Ngài Pandita, trang 36 có ghi Nguyên Nhân Cận nhân, kāyadisatipaṭṭhāna là 2 từ kết hợp lại kāyadi + satipaṭṭhāna mình dịch ra là Thân Niệm Xứ, tức là bốn nền tảng của sự Chú Niệm, là nói luôn cả Tứ Niệm Xứ.

Tại sao ở chỗ đó Ngài nói, và tại sao hôm nay mình phải mổ xẻ phân tích  phần này để mình áp dụng phần Thiện làm duyên cho Pháp Thiện, với Phát Thú qúi Phật tử mới ra được.

Hôm nay Sư nói tiếp tục phần này. Như tuần trước Sư nói Thân Niệm Xứ thôi, chưa nói tới Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ, Pháp Niệm Xứ. 

Thì Thân Niệm Xứ có 6 pháp là:

1 - Bốn oai nghi - đi, đứng, nằm, ngồi

2 - Hơi thở

3 - Biết mình (có sự tỉnh giác)

4 - Tứ Đại - đất, nước, lửa, gió.

5 - 32 Thể Trược là, trược là uế trược bợn nhơ, thể là thân thể hay là chi thể hay sắc thân của mình có những phần ô uế bợn nhơ, gồm có 32 thể trược: nước tiểu, nước miếng, phân, đàm, máu, mủ v.v...)

6. Thập bất tịnh là 10 thứ bất tịnh (Asubhakammaṭṭhāna), đề tài thiền chỉ tịnh về thể chất bất tịnh của tử thi gồm:  

1. Tử thi sình trướng (Uddhumātaka), 

2. Tử thi biến sắc xanh (Vinīlaka), 

3. Tử thi chảy nước vàng (Vipubbaka) ,

 4. Tử thi có vết đứt (Vicchiddaka),

 5. Tử thi bị thú ăn (Vikkhāyitaka), 

6. Tử thi rời rã chi thể (Vikkhittaka) ,  

Tử thi bị cắt đoạn (Hatavikkhittaka), 

8. Tử thi bị bê bết máu (Lohitaka), 

9. Tử thi bị dòi rút (Puḷuvaka),

 10. Tử thi còn xương cốt (Aṭṭhika).

Thì ở đây, 3 phần trên là phần phổ thông: 1. bốn oai nghi, 2. hơi thở, 3. biết mình, thì mình hành Thân Niệm Xứ được.

 Trong bài Đức Phật nói 37 Phẩm Trợ Đạo gồm: 

1) Tứ Niệm Xứ

2) Tứ Chánh Cần

3) Tứ Như Ý Túc.

4) Ngũ Quyền

5) Ngũ Lực

6) Thất Giác Chi

7) Bát Chánh Đạo.

Đức Phật Ngài nói có 37 Phẩm Trợ Đạo (37 Đẳng Giác Phần). Trong Tam Tạng Kinh Điển, từ Tạng Luật tới Tạng Kinh tới Tạng Vô Tỷ Pháp chỉ có 37 phẩm trợ đạo này thôi, và thực hiện nó một cách rốt ráo sẽ đưa đến đạo quả đưa đến giác ngộ, đưa đến sự giải thoát, Ngài không nói cái gì khác nữa, lúc Ngài nằm trên tảng đá tại vườn Kusinara, ĐĐ Ananda hỏi sau khi Đức Thế Tôn viên tịch chúng con dựa vào đâu, Ngài nói 34 Phẩm Trợ Đạo. Mà phần đầu tiên Ngài nói Tứ Niệm Xứ. 

3 - Biết mình (có sự tỉnh giác)

Nhưng ở trong cuổn Niệm Lực và Hành Giả (Sati and the Yogi) của Ngài Pandita nói thì kāyadi  là Thân Niệm Xứ, đó là đầu mối, mình minh bạch nó ra, mà Kāyadi là một trong 4 nền tảng của Tứ Niệm Xứ, mình nói lý do tại sao thì chút nữa mình sẽ tìm ra được cái đó.

Thì ở đây nói tới Kāyadi - Thân Niệm Xứ, thì trong Pháp Thiện làm duyên cho Pháp Thiện là phần thứ 3 là - Biết mình (tỉnh giác).

Biết mình làm cái gì? Biết mình đang làm việc Thiện. Thiện này đang làm sài tâm gì? mình sẽ ra được phần đó, và chính cái đó Pháp Thiện làm duyên cho Pháp Thiện với mãnh lực của Phát Thú Duyên Sinh Duyên Hệ, những cái tác danh hay những yếu tố những cái kích khởi hay những cái kích động hay những yếu tố nó trợ khởi phát sanh ra việc thiện này.

Ở đây mình không nói tới oai nghi, mình không nói tới hơi thở mà mình nói tới giai đoạn là Biết Mình

Các Ngài Kundala, Pandita, Mahasi hay Ngài Janaka, khi nói tới phần Biết Mình ngoài những giờ oai nghi mình ngồi thiền toạ tới thiền hành tới thiền trụ tới nằm là thiền ngoạ, những thời gian đó là 4 oai nghi, rồi ngoài ra hơi thở vô và ra, theo dõi vô và ra, hơi thở lúc nào cũng vô và ra, nhưng, ngoài 2 yếu tố này ra (tứ oai nghi và hơi thở) thì mình đánh răng, mình bước xuống giường, đi vệ sinh, đi tắm, ôm bình bát đi khất thực, những cái đó nằm ở trong phần Biết Mình (tỉnh giác)

 Thì ở đây, khi qúi Phật tử làm việc Xả Thí, qúi Phật tử phải biết mình làm gì.

Vậy thì khi qúi Phật tử làm Thiện làm duyên cho Thiện là qúi Phật tử ở chỗ là Thân Niệm Xứ là phần biết mình đang Xả Thí, biết Trì Giới, biết Tu Tập, biết Cung Kỉnh, biết Phụng Thị, mà ở trong Biết Mình, ở trong cái Niệm Biết Mình, chứ không phải mình làm ở trong hình thức.

Do đó thì hôm nay Sư ráp chữ Thiện làm duyên cho Thiện này với 9 Duyên trong trang A2 gồm: Câu Sanh, Câu Sanh Y, Câu Sanh Hiện Hữu, Câu Sanh Bất Ly, Câu Sanh Tương Ưng, Câu Sanh Trưởng, Câu Sanh Quyền, Đồ Đạo Duyên, Câu Sanh Bất Tương Ưng. Qúi Phật tử phải thấy trong Tâm của mình Câu Sanh với Xả Thí, Thiện với Thiện chứ không có "tôi" "ta" trong này, không có tập khí mà muốn được cái đó phải là Niệm, phải có Chánh Niệm.

Vậy thì bắt đầu mình nói tới Chánh Niệm. Niệm có 4 ý nghĩa hay là 4 trạng thái của Niệm. Nói về Niệm xong mình mới nói về Thiện được, chứ còn không mình nói làm việc Thiện mà mình không có Niệm là không đúng, làm không có kết quả.

Ta đi qua phần giải thích Niệm trước, còn thân ta hành động rồi đi qua 3 giai đoạn Tư Tiền, Tư Hiện, Tư Hậu, chúng ta phải đi từng bước, Giải Quyết Liên Quan, Câu Sinh, Duyên Sinh, Y Chỉ, mình lấy gì mình nương. 

 Bốn ý nghĩa của Niệm (Sati):

1) Trạng Thái.

2) Phận Sự

3) Sự Thành Tựu

4) Nhân Cận: Có 2 là trực tiếp và gián tiếp, qúi Phật tử phải coi chừng còn không mình nói một phía không thì không được, Sư sẽ cắt nghĩa phần gián tiếp nữa, nó cũng quan trọng mà nó cũng là yếu tố làm cho mình có Chánh Niệm.

Sư muốn 4 trạng thái này nó hai phần: Phần Chú Giải và phần Chánh Tạng. Sư nói phần Chánh Tạng trước rồi chút nữa Sư nói qua phần Chú Giải, mình học cả 2 vế luôn.

1) Trạng thái của Niệm

Mình nhìn vô người có Niệm mình biết, mình đang làm việc gì mình có Niệm không? Niệm nghĩa là nghi nhớ. Nhưng, chữ ghi nhớ nó có một nghĩa nữa là Động Sát (chữ Nho) nghĩa là Nhận Thức Sắc Bén. Động Sát Lực là năng lực này nhận thức rất sắc bén, rất là tinh vi, rất là chuẩn sát.

Trạng thái của Niệm, trạng thái có 2 nghĩa: Nghĩa thứ nhất là Ghi Nhớ, nghĩa thứ hai là Động Sát.

Nghĩa của Động Sát là Nhận Thức Sắc Bén.

Bây giờ chúng ta đi vào cái đầu tiên nhất là về phần Chánh Tạng.

Nói tới Niệm trạng thái Niệm là không có sự dễ duôi.

2) Phận Sự của Niệm: Không có sự quên lãng, không cho phép mình quên, mình không khinh suất thì mình không được quên. Phận sự của Niệm giúp cho mình không được quên lãng.

3) Sự Thành Tựu: Duy trì, gìn giữ đối tượng, không làm mất đối tượng, đối tượng phải khắn khích diện đối diện.  Chức năng Niệm làm cho mình khắn khích với đối tượng, duy trì với đối tượng (hay là cảnh).

 Qúi Phật tử có phân biệt được 2 từ ngữ Pali về Cảnh và Đối Tượng mà qúi Phật tử phải nắm bắt được. Nếu không nắm bắt được thì dễ hiểu lầm.

Alambana là Đối Tượng. Thuộc về Ý Thức

Ārammaṇa là Cảnh, thuộc về các Cảnh : Sắc, thinh, khí, vị, xúc.

Sư có cắt nghĩa về Tâm, Ý, Thức, qúi Phật tử nắm bắt được Tâm, Ý, Thức không. Tâm, Ý, Thức qúi Phật tử biết không.

Sư nhắc lại Tâm, Ý, Thức, tiếng Pali là Manoviññāṇa citta:

Tâm - biết Cảnh

Ý - biết Đối Tượng

Thức - biết Pháp.

Thí dụ. Tâm - Cảnh ---> vườn hoa nhiều màu sắc, một hoa viên có nhiều bông hoa nhiều màu sắc, mình đi vô vườn hoa đó là Tâm mình biết Cảnh. 

Nhưng mà cái Ý ----> biết đối tượng nhưng mình chỉ chọn được 1 loại hoa mà mình thích nhất thôi.

Thí dụ qúi Phật tử chọn hoa hồng, trong loại hoa hồng qúi Phật tử chọn một màu riêng mà mình thích, cái đó là Ý của mình, không ai bắt mình phải chọn màu nào hết. Thí dụ mình thích màu hoa hồng đỏ, thích hoa hồng màu vàng, thích hoa hồng màu trắng, đó là Ý của mình, trong vườn hoa hồng đó có nhiều màu sắc. Cái đó là đối tượng của tôi, không ai bắt buột hết.

 Ý là cá nhân của họ.

Thức - biết Pháp, là nghĩ suy của mình.

Nếu bạn đọc quyển sách đó biết Ý của bạn là gì, sự hiểu biết của bạn là gì, tri thức của bạn là gì.

Do đó, Tâm, Ý, Thức. Tâm thì biết Cảnh, Ý thì biết Đối Tượng, Thức biết Pháp của cái Ý của mình đã chọn, cái Ý của mình đã đi hướng tới.

Thì khi  chúng ta nói tới phần sự thành tựu của Niệm là nó giữ gìn hay duy trì cái đối tượng đó còn hiện hữu, nó không mất, và nó đối diện được đối tượng đó và nó có sự ghi nhớ đối tượng đó, rồi nó có nhận thức với đối tượng đó, gọi là chức năng của Niệm đã thành tựu là duy trì gìn giữ được đối tượng.

4) Nhân Cận

Nhân Cận của nó là có sự ghi nhớ chính xác đó là trực tiếp 

Trực tiếp là phải có sự ghi nhớ chính xác.

Gián tiếp là xa lánh người hay quên.

Vô trường đại học học master, PHD, mình vô ngồi ở đâu cũng vậy mà không ngồi gần người hay quên, đó là gián tiếp. Qúi Phật tử cẩn thận,

Ttrong cái Niệm là mình biết phải ghi nhớ rồi, nhưng mình không biết ghi nhớ chính xác, mà muốn được chính xác mình phải duy trì, phải gìn giữ cái đối tượng hay sự ghi nhớ cảnh phải khắn khích nó hoài, thì qúi Phật tử hiểu được chức năng Duyên, Niệm phải khắn khích gắn bó với nó và không rời nó.

Đó là 4 nghĩa của Niệm trong phần Chánh Tạng.

Bây giờ Sư đi qua phần Chú Giải của Ngài Panita

 (trang 36 cuổn Niệm Lực và Hành Giả (Sati and the Yogi) 

1. Đặc  Tính (Lakkhaṇa): Bất phiêu phù, bất dao động, bất phiêu nhiên ly khứ đối tượng (Apiḷāpana Lakkhaṇa).

2. Phận sự (Rasa): Bất kiện vong, sự vắng mặt tính bất xác định, hoặc không quên (Asammosa Rasa).

3. Sự Thành Tựu (Paccupaṭṭhāna): 1/ Hiện Hữu Tại Phạm Vi Đối Diện, sự đối kháng, đặt tâm thức một cách trực tiếp, diện đối diện với đối tượng quan sát (Visayabhimukhabhava Paccupaṭṭhāna) . 2/ Sự Bảo Hộ, Quyền Giám Hộ Sự thuần tịnh tuyệt vời của tâm thức do sự vắng mặt các Pháp phiền não (các Pháp uế nhiễm tinh thần) (Ārakkha Paccupaṭṭhāna)

4. Nguyên Nhân Cận Lân (Padaṭṭhāna): 1/ Kiên Khang Tưởng, động sát lực kiện khang (Thirasaññā Padaṭṭhāna), 2/ Thân Niệm Xứ, bốn nền tảng của sự chú niệm (Kāyādisatipaṭṭhāna Padaṭṭhān).

1) Trạng thái của Niệm.

1. Đặc  Tính (Lakkhaṇa): Bất phiêu phù, bất dao động, bất phiêu nhiên ly khứ đối tượng (Apiḷāpana Lakkhaṇa).

Thứ nhất, Bất Phiêu Phù (không nổi trôi cảnh này qua cảnh kia) 

Phiêu phù là nổi trôi, giống trái banh rỗng ruột thảy xuống dòng sông hay mặt nước thì nó nổi lên theo con nước nổi trôi. Qúi Phật tử thấy người đi câu cá, con cá cắn lưỡi câu có cái phao nó phiêu phù nó nổi, cái đó gọi là phiêu phù, mà bất phiêu phù tức là không nổi trôi. Tức là qúi Phật tử không có bắt nhiều cảnh, cái phiêu phù này nó bị bắt nhiều cảnh quá qúi Phật tử sẽ quên, sẽ bị thất niệm, nào là nghe tiếng chó sủa, tiếng động sau lưng, tiếng trời gầm, thì bị thất niệm.

Bất Phiêu Phù là không nổi trôi cảnh này qua cảnh kia, bắt cảnh này qua cảnh kia, bắt lung tung thì làm sao có niệm, bắt một cảnh thôi, qúi Phật tử đừng có phiêu phù tức là phiêu du phiêu lãng, nó cứ trôi nổi cảnh này qua cảnh kia thì không có Niệm.

Thứ hai là Bất Dao Động, không có dao động, không phiêu phù. Dao Động này là mình có sự rúng động. Thì Dao Động tức là có sự rúng động, giựt mình thì mình mất niệm.

Bất phiêu nhiên ly khứ đối tượng, tức là mình không được rời xa, ly khứ là bỏ đi ra khỏi đối tượng.

Phận sự của nó:

Bất kiện vong là không được quên.

Thí dụ qúi Phật tử có một cái hẹn (appointment) đi khám bịnh vào ngày thứ Tư, nhưng mà bác sĩ dặn hay cô thư ký dặn không được quên cái hẹn khám bác sĩ lúc 8 giờ sáng, nhưng tới ngày đó thì qúi Phật tử quên, tức là qúi Phật tử kiện vong.

Thì chức năng phận sự của Niệm là không được quên, nó giữ cho mình nhớ, Bất Kiện Vong là giữ cho mình nhớ.

Một tính chất nữa của Niệm thiếu, vắng mặt là Tính Bất Xác Định, nó không có sự không xác định.

Chức năng của Niệm là Luôn luôn xác định được đối tượng

Không có cái gì nó không xác định, tại vì nó là chính xác, sắc bén nên không xác định là không phải. Quý Phật tử có niệm lực biết khi nào khởi sanh, khi nào diễn tiến, khi nào diệt, xác định được, chứ không quý Phật tử luông tuồng không nắm được cái nào đang sanh, cái nào đang diễn tiến, cái nào đang chấm dứt, qua một lộ trình khác hay tiếp nối sự diễn tiến khác hay tiếp nối hiện tượng khác đó là thất niệm. Niệm nó sẽ đi tới mức độ như vậy. Nó niệm được. Khi nào bắt đầu khởi lên. Nó chớp lên là mình niệm được liền. Nếu mình niệm mạnh, có niệm lực và sự ghi nhớ chính xác.

Chức năng của Niệm là Luôn luôn xác định được đối tượng.

Sự thành tựu là, có 2 chức năng:

(1) Diện đối diện với đối tượng. Do đó khi người hành Niệm Xứ, hay hành Tứ Niệm Xứ hay sống trong đời sống hằng ngày, người dân xứ Kuru sống trong chánh niệm hay sống trong niệm là họ luôn luôn diện đối diện với hoàn cảnh, diện đối diện trong tình huống, diện đối diện trong cảnh trạng, diện đối diện trong đối tượng, diện đối diện với những sự việc xảy ra với họ, không xao lãng, không lo ra. Thí dụ họ ngồi dệt cửi, dệt vải thì họ diện đối diện với việc làm của họ, không xao lãng (ngồi đây nhớ tới ủa sao giờ này ông chưa về, ổng đi đâu?); Tâm tư họ khắng khít vô việc làm của họ, hay những nghĩ suy của họ trong ghi nhớ của họ, niệm của họ. 

(2) Bảo hộ tâm mình được bình tĩnh, thuần tịnh tâm thức, không có phiền não sanh lên, không cho tham, sân, si, hoài nghi, phóng giật, ngã mạn, tà kiến sanh lên. Tâm có niệm là tâm họ sáng suốt, trong sạch lắm. Có niệm lực tâm họ thuần tịnh, tâm họ thanh khiết, rất là hiển tích, sáng suốt, trong suốt, không có phiền não xen lấp tâm họ vẩn đục đi, không có.

Đó là sự thành tựu của Niệm.

Kế tiếp là Nhân cận, có 2:

(1) Động sát lực: Sự nhận thức của họ kiện khang, vững chắc kiên cố, kiên định, không lay chuyển, không lung lay). Nhân cận này phải quyết định để có niệm là họ phải có động sát lực kiên cường, kiên cố, sự nhận thức của họ phải kiên cố, kiên cường, họ nói đúng, họ nghĩ đúng, họ hành đúng, họ làm đúng, họ không có gì lung lay họ sợ hãi hay có người tác động họ được.

Người không có lập trường, không có trí tuệ để phán quyết, xét soi thì niệm của họ không bao giờ chính xác được. Tại vì họ nay này mai kia, niệm của họ không nhận thức được chính xác. Người ta nói vô rồi nghe, người ta nói ra rồi nghe, sự ghi nhớ, sự nhận thức của họ bắt đầu bị lung lay thì người đó thiếu niệm, hay thiếu chánh niệm.

Một người có nhận thức kiên cố, kiên định : “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vững chắc như kiềng ba chân”. Đó là yếu tố rất quan trọng cho sanh Niệm, trợ sanh Niệm. Niệm của mình là mình nhứt định như vậy.

Nếu quý Phật tử không nắm được cái này thì Ngũ Ma nó đánh quý Phật tử bay ra khỏi Niệm liền, khi quý Phật tử đi vào đường tu tập.

Năm thứ ma (Māra), sự phá hoại, sự đem lại bất hạnh, sự xấu xa: 

1. Phiền não ma (Kilesamāra). Phiền não phá hoại thiện pháp và làm cho chúng sanh bị bất hạnh luân hồi nên gọi là ma.

2. Ngũ uẩn ma (Khandhamāra). Ngũ uẩn có thực tính đổi thay biến hoại, luôn là tính chất khổ đau, đem lại sự suy sụp, nên gọi là ma.

3. Hành vi ma (Abhisaṅkhāramāra). Nghiệp thiện ác tạo ra quả luân hồi, kết buộc vào vòng sanh tử khổ đau triền miên, nên gọi là ma.

4. Thiên tử ma (Devaputtamāra). Hạng thiên thần nhiều uy lực trong cõi trời dục giới nhưng có tính đố kỵ, hay quấy phá người tu tập hiền thiện, cản trở sự tu tiến của người tu hành, nên gọi là ma.

5. Tử thần ma (Maccumāra). Sự chết luôn cướp đoạt mạng sống và tạo nên nỗi ám ảnh sợ hãi cho chúng sanh, nên gọi là ma.

Chẳng hạn, Pháp Hành Ma nó đánh mình văng liền, hay Ngũ Uẩn Ma, hay Phiền Não Ma đánh mình văng liền. Mình nhất định giữ không để cho thất niệm. Tại vì mình có sự kiên định, có sự nhận thức chính xác và kiên cố không lay chuyển được.

Yếu tố thứ hai là, một là Thân Niệm Xứ, hai là Tứ Niệm Xứ. Chỗ này rất quan trọng.  Hai yếu tố bổ túc cho nhau.

Sau khi ta giải thích về Niệm, thì khi chúng ta làm một việc thiện, ta mới coi lại trong phần Phát Thú.

Đức Phật Ngài cắt nghĩa cho chư Thiên “Này Chư Thiên, khi muốn làm việc thiện thì phải có 9 mãnh lực này xuất sinh lên một lượt bảo hộ cho việc thiện này tồn tại ổn định được”

1- Đầu tiên, phải có mãnh lực của Câu Sanh (Duyên).

Mãnh lực Câu Sanh, cái gì là Năng, cái gì là Sở. Nếu quý Phật tử làm việc thiện từ trong ý là Tư Tiền, từ tác ý trước; rồi mới ra hành động. Thì Tư Tiền quý Phật tử phải Câu Sanh với việc thiện, phải Niệm với việc thiện, cái gì là Thiện? - Vô Tham, Vô Sân, Vô Si. Có 3 tác nhân này, 3 yếu tố liên quan Câu Sanh, mình nương vào cái này thì mới ra được tâm thiện, 37 Tâm Thiện  và 38 Tâm Sở.

Muốn làm một việc thiện mình phải Câu Sanh nó. Câu Sanh nó không phải bằng lời, Câu Sanh nó phải bằng ý, bằng Tâm, bằng tư duy, bằng tác ý. Với cái gì? – Với cái Nhân Thiện của nó. Tôi muốn làm thiện, tôi phải làm việc thiện, tác ý của tôi thiện. Là gì? Tôi không Tham. Nếu trong 10 Phúc Hành Tông, quý Phật tử làm việc thiện là phải Vô Tham thì mới làm việc thiện chứ. Tham đâu có được, tham về danh cũng không được nữa. Xả Thí – mình xả vật chất ra, nhưng mình háo danh, mình muốn cho người ta khen tặng mình, thì cái đó, chưa gọi là Câu Sanh Thiện. Tâm này không phải tâm thiện mà có thể là tâm bất thiện ẩn tàng, nó ẩn khuất ở trong không hiện ra thôi.

Nên Đức Phật nói: Nếu Thiện thật là Thiện thì phải Câu Sanh với Nhân Thiện thì mới hiện bày Tâm Thiện và làm việc Thiện được.

Sư học với Ngài Tịnh Sự, sư học hết 52 duyên. Nếu Duyên đầu chưa chẻ được, thì Sư không qua Duyên thứ 2.

Sư nói “Cái này không được bạch Ngài”. Ngài hỏi “Sao không được?”

 - Con trình bày cho Ngài nghe; Vô Tham, Vô Sân nó là một bộ 19 Tâm Sở Tịnh Hảo Biến Hành, nó đâu có tách rời đâu, khi nó có, có mặt 1 lúc 19 cái. Tại sao lại tách ra 3 nhân này, 3 tác nhân này thôi: Vô Tham, Vô Sân, Vô Si? Vô Si thì nằm riêng được. Nhưng Vô Tham, Vô Sân thì Ngài phải kể luôn 19 Tâm Sở chứ. Quý Phật tử thấy chưa? Đúng không? 

Mai mốt quý Phật tử đứng lớp Phật tử giảng, quý Phật tử làm giáo thọ, nói “Năng Duyên : Vô Tham, Vô Sân, Vô Si” - Học trò nói “Không được, Thưa thầy, cô, đây là Tịnh Hảo Biến Hành”. Sư nói “Được”. Họ nói “Không được. Tại Tịnh Hảo Biến Hành đâu có được đâu.”.  Sư nói – Cái này là Câu Sanh tức là Tâm và Tâm Sở cùng sanh nhau trong tứ đồng. 

 Chương II, Tâm Sở (cetasika). Tứ Đồng là:  1) Đồng sinh , 2) Đồng diệt, 3) Đồng cảnh, 4) Đồng căn.

trong chương II - Tổng hợp Nội dung Vô Tỷ Pháp, tập I, trang 94.

Phần trích đoạn

Theo Ngài Giáo Sư ANURUDDHA có trình bày như sau:

BỒN TRƯỜNG HỢP TRẠNG THÁI CỦA TÂM SỞ

Ekuppàdanirodhà ca Ekalambanavatthukà 

Cetoyuttà dvipannàsa Dhammà cetasikà matà.

Loại Pháp Tâm Sở có số lượng là 52, và phối hợp với Tâm theo trạng thái như sau: đồng sanh với Tâm, đồng diệt với Tâm, đồng một cảnh với Tâm, đồng nương một loại trú căn với Tâm.

 PHẦN GIẢI THÍCH

 Ngài Giáo Sư ANURUDDHA đã trình bày câu kệ trên để giải thích từ ngữ “Cetasikam” mà đã có đề cập đến trong bài kệ giới thiệu phía trên, của bộ Kinh Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp này, là “Cittam cetasikam rùpam nibbànam sabbathà".

Và để có được sự hiểu biết về trường hợp trạng thái phối hợp với Tâm của tất cả 52 Tâm Sở này, gọi là “Cetoyuttalakkhana - Tứ Đồng trạng thái” hội đủ cả bốn (4) trường hợp như sau:

1. Ekuppàda – Đồng sanh: Tâm Sở thường luôn cùng sanh với Tâm, có ý nghĩa là khi Tâm sanh thì Tâm Sở cũng cùng sanh khởi. Không thể nào có Tâm sanh trước và Tâm Sở sanh sau, hoặc là Tâm Sở sanh trước và Tâm lại sanh sau. 

2, Ekanirodha - Đồng diệt: cũng giống một kiểu như trên, khi Tâm diệt thì Tâm Sở cùng diệt với nhau, không có sự diệt trước hay sự diệt sau. 

3. Ekàlambana – Đồng cảnh: Cảnh mà Tâm đang tiếp thâu cũng là cùng một cảnh với Tâm Sở đang tiếp thâu, ví như Tâm đang tiếp thâu cảnh sắc trắng thì Tâm Sở cũng đang tiếp thâu cảnh sắc trắng, hoặc là Tâm tiếp thâu cảnh sắc đen thì Tâm Sở cũng tiếp thâu cảnh sắc đen. 

4. Ekavatthuka – Đồng trú căn: Nơi nương sanh của Tâm Sở cũng cùng một loại với nơi nương sanh của Tâm, ví như Tâm nương Nhãn căn sanh thì Tâm Sở cũng nương Nhãn căn sanh. Tâm nương Nhỉ căn sanh thì Tâm Sở cũng nương Nhỉ căn sanh. Tâm nương Ý căn sanh thì Tâm Sở cũng nương Ý căn sanh.

Kết hợp đủ cả bốn (4) trường hợp trạng thái này, nên mới được gọi là Tâm Sở. Trong cả bốn (4) trường hợp của Tứ Đồng trạng thái này, thì chỉ có ba (3) trường hợp là “Đồng sanh, Đồng diệt, và Đồng cảnh” luôn luôn có ở trong Tâm Sở một cách chắc chắn. Còn trường hợp thứ tư là “Đồng trú căn” thì trạng thái này hiện hữu không vững chắc. Bởi vì các Tâm Sở khi sanh trong Ngũ Uẩn, địa giới (Cỏi Ngũ Uẩn) thì mới cần nương vào Trú căn mà sanh khởi, nhưng nếu sanh trong Cỏi Tứ Uẩn thì không phải nương vào Trú căn mà khởi sanh.

Chú giải:

Từ ngữ “Cetasika” khi ngắt ra từng phần, có được như sau: “Ceta +s + ka” là Pháp phối hợp với Tâm, hay Thức, gọi là Tâm Sở. Tâm không thể hiện hữu ngoài các Tâm Sở. Cả hai, Tâm và các Tâm Sở tương ứng, luôn luôn đồng khởi sanh và đồng hoại diệt cùng một lúc. Tuy nhiên có vài đặc tánh vật chất, như “Vinnatti Rupa - Sắc Biểu Tri, gồm có hai là: Kàyavinnatti - Thân Biểu Tri, phương thức phát biểu bằng hành động, và Vàcìvinnatti – Ngữ Biểu Tri, phương thức phát biểu bằng lời nói” đồng khởi sanh và đồng hoại diệt với Tâm Thức.

Ngoài những hình thức phát hiện ấy đặc tính thứ ba là có một đối tượng đồng nhất với đối tượng của Tâm. Khi có hội đủ ba đặc tánh trên, quả nhiên, phải có đặc tánh thứ tư là đồng có chung một căn.

Trong Abhidhamma - Vô Tỷ Pháp, Tâm hay Thức thường luôn phối hợp với 52 Tâm Sở này. Tập hợp tất cả Tâm lại, gọi là Thức Uẩn (Vinnànakhandha). Một trong các Tâm Sở, có Tâm Sở Thọ (Vedanà) còn được gọi là Thọ Uẩn (Vedanàkhandha). Tâm Sở Tưởng (Sannà) còn được gọi là Tưởng Uẩn (Sannàkhandha) hay được gọi là nhóm “tri giác”. Năm mươi Tâm Sở còn lại được gọi là Hành (Sankhàra) còn được gọi là Hành Uẩn (Sankhàrakkhandha) hay được gọi là nhóm “sinh hoạt tâm linh”, với Tâm Sở Tư (Cetanà) là quan trọng nhất trong những Tâm Sở này.

-Như vậy, khi phân tách về Ngũ Uẩn (Pancakkhandha) thì ta có:

• Thức Uẩn - Vinnànakhandha: là tất cả Tâm, 121 Tâm.

 • Thọ Uẩn - Vedanàkhandha: là Tâm Sở Thọ. 

• Tưởng Uẩn - Sannàkhandha: là Tâm Sở Tưởng. 

• Hành Uẩn - Sankhàrakkhandha: là 50 Tâm Sở còn lại (trừ Tâm Sở Thọ, và Tưởng). 

• Sắc Uẩn – Rùpakkhandha: là tất cả 28 Sắc.

dứt phần trích đoạn.

Chỗ Đồng Sanh, Tâm với Tâm Sở không rời nó được gọi là Đồng Sinh, hay gọi là Câu Sinh. Vậy thì đây Câu Sinh. Như vậy thì khi mình có Niệm, Vô Tham, Vô Sân nó nằm trong bộ Tịnh Hảo Biến Hành câu sinh với tâm Thiện.

Khi ta làm việc thiện, mình phải Câu Sinh với Tịnh Hảo, mà Tịnh Hảo này phải biến hành cùng một lượt, và không có riêng, nhưng chức năng Vô Tham, Vô Sân nổi trội, hay điểm dẫn, nó là tác nhân để nó dẫn dắt, tạo tác hay kích động, kích khởi việc thiện từ trong ý. Muốn làm việc thiện mình phải có Vô Tham, Vô Sân. Tuy nhiên Vô Tham, Vô Sân nằm trong 19 Tâm Tịnh Hảo Biến Hành.

Trong phần của Ngài Kundala, trong 6 đôi Tâm Sở Tịnh Hảo Tịnh Thân và Tịnh Tâm (Kāyapassaddhi Cittapassaddhi), Khinh Thân và Khinh Tâm (Kāyalahutā – Cittalahutā), Nhu Thân và Nhu Tâm (Kāyamuditā – Cittamuditā), Thích Thân và Thích Tâm (Kāyakammaññatā – Cittakammaññatā), Thuần Thân và Thuần Tâm (Kāyapaguññatā – Cittapaguññatā), Chánh Thân và Chánh Tâm (Kāyujjukatā – Cittujjukatā)  nó cũng tách rời ra. Nhưng thật ra, trong lý thuyết, trong phần Chú Giải thì nó không tách rời ra, nó là phần Tịnh Hảo Biến Hành nó là cùng một lúc, cùng sanh một lượt không có riêng rẽ được. Nó biến hành mà, cùng cùng biến sanh ra, đó là một điểm.

(Mình học mình phải biết phân tích và suy luận không phải học một cách mù quáng.)

Điểm thứ hai, trong phần Phát Thú, 1 Uẩn làm duyên cho 3 Uẩn, 3 Uẩn làm duyên cho 2 Uẩn đó là tính chất của Vô Tham, Vô Sân, Vô Si này. Một uẩn làm duyên cho 3 Uẩn.

Thì quý Phật tử thấy, trong lời Đức Phật Ngài dạy, tách ra từng Uẩn, mà trong bộ Chú Giải, bộ Tổng hợp Nội dung Vô Tỷ Pháp là Ngài Anuruddha viết chứ không phải Đức Phật viết. Quyển Chánh Tạng - cuốn màu xanh mới là Đức Phật Ngài thuyết. Do đó, quý Phật tử phải thận trọng.

Thế thì, khi học Tổng hợp Nội dung Vô Tỷ Pháp là Ngài Anuruddha viết, rồi học vô Chánh Tạng Đức Phật thuyết quý Phật tử bị confuse ? Không có confuse!

Khi Sư nói với Ngài Tịnh Sự “ Không được”. 

Ngài hỏi “Sao không được?” 

- Khi Ngài dạy con ở chương II, cetasikasaṅgaha

Bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp) của Ngài trưởng-lão Anuruddha gồm có 9 chương:

Chương I là Cittasaṅgaha - Tổng Hợp Tâm

Chương II là cetasikasaṅgaha - Tổng Hợp Tâm Sở

Chương III là Pakiṇṇakasaṅgaha: - Tổng Hợp Linh Tinh.

Chương IV là Vīthisaṅgaha: Lộ Trình Tâm Thức.

Chương V là Vīthimuttasaṅgaha: Thoát Ly Lộ Trình Tâm Thức.

Chương VI là Rūpasaṅgaha: Tổng Hợp Sắc.

Chương VII là Samuccayasaṅgaha: Tổng Hợp Vị Tập.

Chương VIII là Paccayasaṅgaha: Phát Thú Duyên Sinh Duyên Hệ.

Chương IX là Kammaṭṭhānasaṅgaha: Nghiệp Xứ.

Sư đọc từng tổng hợp, từng chương cho Ngài.

 Ngài nói 19 Tâm Sở này là Tâm Sở Tịnh Hảo Biến Hành, làm sao có Vô Tham, Vô Sân riêng, mà không kể tới 17 cái kia? Nó không rời, nó đi liền một lúc, đồng sanh đồng diệt mà. Thì tính chất của Tâm Sở nó câu sinh với Tâm Thiện, nó đồng sinh, năng- sở nó tương tác nhau. Nhưng phải tách ra mình mới thấy được. Khi tách ra được, học được trong Phát thú thì mới đi ra tới sát-na Tâm Đạo Quả riêng biệt được, một sát na, một uẩn. Còn không quý Phật tử dính cứng liền. Nó một chùm, một khối, một đống, một ổ.

Do đó, đi vô trong Chánh Tạng, Đức Phật Ngài đi tới cái vi tế, Ngài lọc, còn phần Chú Giải của các Ngài Anuruddha, Ngài Pandita, Ngài Kundala, Ngài nói phần đó là phần chi tiết, nhưng tổng hợp phần chi tiết cũng phải nằm trong lời Phật dạy: Uẩn làm duyên cho Uẩn.

Để quý Phật tử nắm bắt được Chánh Tạng với phần Chú Giải, có khi giống có khi khác, có khi riêng, có khi tổng hợp.

Thiền sinh: Thưa Sư, 19 Tâm Sở Biến Hành đi một lượt, nhưng còn 3 tâm thì đi riêng rẽ?

HT trả lời: 3 tâm này chưa bàn tới. Ở đây mình chỉ mới nói Vô Tham, Vô Sân, Vô Si là 19 Tâm Sở Biến Hành. Đó là vấn đề khi mình đặt ra khi mình phân tích suy xét trí tuệ của Đức Phật.

Thiền Sinh: Thì 19 Tâm Sở Biến Hành là nó đi với tâm nào?

HT trả lời: Nó đi với 37 Tâm Thiện.

Thiền Sinh: Dạ, con chỉ vướng vào 8 tâm Đại Thiện, thì nó đi với nhau hết, còn phần Duy Tác thì nó đi với 6 Pháp Vô Ký.

HT trả lời: Khi qua phần Pháp Vô Ký làm duyên cho Pháp Vô Ký Sư sẽ nói tới. Bây giờ Sư đang nói Tâm Thiện thôi. Để cho các qúi Phật tử nắm bắt được Chánh Tạng với phần Chú Giải, hai cái đó có khi giống có khi khác, có khi riêng, có khi tổng hợp, nó riêng biệt.

Thiền Sinh: Tại vì Sư để cái tựa đề  là Thiện, nó là 38 Tâm Sở Biến Hành, mà Sư nói là nếu tâm Duy Tác 

HT trả lời: 13 Tâm Sở Tợ Tha + 25 Tâm Sở Tịnh Hảo = 38 Tâm Sở Biến Hành. Sư đang nói Tâm Thiện làm duyên cho Tâm Thiện. Sư chưa nói tới Tâm Duy Tác.

Nó là: 13 Tâm Tợ Tha + 25 Tịnh Hảo = 38  Tâm Sở Biến Hành (Không kể Tâm Duy Tác ở đây).

37 Tâm Thiện là 8 Tâm Đại Thiện + 9 Tâm Thiện Đáo Đại + 20 Tâm Thiện Siêu Thế (chỉ như thế thôi, chưa nói tới phần Tâm Duy Tác). 

Nhưng mà ý Sư muốn nói tại đây khi Năng Duyên chỉ có 3 nhân thôi: Vô Tham, Vô Sân, Vô Si. Trong 3 duyên này có cộm lên một cái phức tạp là Vô Tham, Vô Sân không riêng được, Vô Si thì riêng được. Vô Tham, Vô Sân là một khối tổng hợp 19 Tâm Sở Tịnh Hảo Biến Hành, khi có có một lúc, không riêng rẽ được. Do đó, khi nó tách ra Vô Tham, Vô Sân là Năng để làm cho Sở là 37 Tâm Thiện và 38 Tâm Sở phối hợp làm ra Câu Sinh Duyên trong việc Thiện này thì quý Phật tử phải hiểu, trong khi lấy hai nhân Vô Tham Vô Sân trong 19 Tâm Sở Tịnh Hảo Biến Hành thì 2 chức năng này trội lên dẫn 17 Tâm Sở kia cùng phối hợp đi theo.

 Khi qúi Phật tử đứng lớp giảng, nói 3 nhân Thiện là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, đó là nắm về chi pháp thì được, nhưng đứng về pháp hành pháp học thì trong phần Chương II, phần Tâm Sở thì nó là 19 Tâm Sở Tịnh Hảo Biến Hành. Không tách ra được, nó có có một lượt. 

Hình biểu đồ chi pháp - tâm sở biến hành 



Giống như 7 Tâm Sở Biến Hành là, Xúc (phassa) – Thọ (vedanà) – Tưởng (saññā) – Tư (cetanà) – Nhất hành (ekaggatà) – Mạng quyền (jìvitindriya) – Tác ý (manasikàra), là nó có một lượt 7, nó không có một cái riêng. Tuy nhiên trong phần Thọ Niệm Xứ nó lại tách riêng mà trong Tam Đề lại là Tam Đề Thọ riêng, rồi có Tam Đề Hỉ nữa. Qúi Phật tử biết Tam Đề Hỉ đây là 6 Tâm Sở Biệt Cảnh. Nhưng 7 Tâm Sở Biến Hành này không tách rời ra được, có ra là ra luôn 7.

Giống như 19 Tâm Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành là, Tín (Saddha), Niệm (Sati), Tàm (Hiri), Úy (Ottappa), Vô Tham (Alobha), Vô Sân (Adosa), Hành Xã (Tatra Majjhattatā), Tịnh Thân (Kāyapassaddhi ) , Tịnh Tâm (Cittapassaddhi), Khinh Thân (Kāyalahutā ) Khinh Tâm (Cittalahutā), Nhu Thân (Kāyamuditā ) Nhu Tâm (Cittamuditā), Thích Thân (Kāyakammaññatā ) Thích Tâm (Cittakammaññatā), Thuần Thân (Kāyapaguññatā ) Thuần Tâm (Cittapaguññatā), Chánh Thân (Kāyujjukatā ), Chánh Tâm (Cittujjukatā). 19 tâm này khi có là có luôn 19 chứ không tách ra. 

Nhưng, ở trong các bộ Chú Giải các Ngài tách ra được, khi tới Hoại Diệt Trí (Bhangaññāna) các phần Tâm, Thân, Tâm, Thân, các Ngài tách rời ra trong phần Hoại Diệt Trí được.

Như vậy thì, khi quý Phật tử làm việc thiện, từ trong ý, từ trong Tư Tiền, từ trong tác ý là phải có Năng Duyên, mãnh lực phải Câu Sinh với cái Thiện. Từ ý đi tới hành động: Hành động về thân, hành động về lời. Nó thuộc thứ 2 là Sở Duyên; Từ Ý tới Ý tức là nghĩ rồi nghĩ nữa nghĩ nữa cũng vẫn phải Câu Sinh. Tâm mình không được phóng ra, bất phiêu phù, bất dao động. Như thế nào là bất dao động? Lúc đầu mình cho, sau nghĩ lại tiếc không cho, là mình dao động. Hay mình đang nổi trôi, cho ông này, cho ông kia. Trong phần thí, có cá nhân tuyển thí hay tập thể tuyển thi, hay Tứ phương tăng tuyển thí hay Tăng đoàn tuyển thí, hay cá nhân một ông sư ưyển thí. Quý Phật tử nổi trôi theo tâm ý của mình đang lựa chọn.

Niệm này làm cho chức năng của mình là không nổi trôi, không phiêu lãng, không dao động, không rời khỏi đối tượng của mình là cảnh, là tác ý thiện, là ý tưởng thiện, chứ không phải là đối tượng đang có trước mặt mình, tại vì mình đang ở trong phần thiện làm duyên thiện là từ trong ý trước đang trong nội tâm. Thiện làm duyên cho Thiện là đang ở trong phần Tâm Niệm Xứ rồi qua Thân Niệm Xứ biết mình trong các pháp này.

Khi quý Phật tử muốn làm việc thiện, từ trong ý quý Phật tử nghĩ “Ta nên làm việc thiện, ta nên làm việc thiện, ta nên xả thí” . Việc thiện quý Phật tử chọn là Xả Thí thôi chưa nói tới Trì Giới, Tu Tập, cung kỉnh, thuyết pháp v.v .. Ta nói Xả Thí trước, rồi những Phúc Hành Tông khác chúng ta mổ xẻ theo.

Chúng ta phải Câu Sinh với nó trước. Câu sinh cái gì? Câu Sinh với Vô Tham, Vô Sân, Vô Si. Và từ Năng câu sanh với Sở, ta có tác nhân thiện ta mới có Tâm Thiện, và Tâm Sở Thiện phối hợp cùng nhau trong Thiện làm duyên cho Thiện.

Câu Sinh Y: Tức là, một Câu Sinh Duyên này, là quý Phật tử  đi qua 3 Giai Đoạn. Phải Duyên Sinh, Câu Sinh, rồi phải có Liên Quan. Những yếu tố nào làm ra tâm thiện này, mình có yếu tố liên quan mình liệt kê nó trước. Xong thì bắt đầu quý Phật tử phải Y Chỉ nó, là nương đỗ, nương nhờ với nó. Không rời nó. Tâm mình nghĩ tới việc thiện khắng khít nó, y chỉ trong đó, chứ không rời nó. Bởi bằng cái Niệm. Niệm muốn có trong việc Xả Thí thì mãnh lực Câu Sinh Y làm cho Niệm khắng khít với việc xả thí.

Sư viết ra đây để qúi Phật tử nhớ:

Niệm ---> với vấn đề Xả Thí. Muốn Niệm gắng với Xả Thí không rời thì phải có Câu Sinh với nó, rồi phải có Câu Sinh Y, phải nương đổ nó.Những mãnh lực đó làm Niệm kiên cố lên, làm Niệm mạnh lên, gọi là Niệm Lực nó là Từ Niệm thành Niệm Lực. Do đó không phải ngẫu nhiên mà ta có Niệm Lực được. Nếu ta muốn có Niệm Lực mình phải Câu Sinh với nó, phải Y Chỉ với nó, phải Nương đỗ với nó, Câu Sinh Hiện Hữu với nó, Câu Sinh Bất Ly với nó.

Câu Sinh Hiện Hữu và Bất Ly một đôi. Nó sẽ đi đối ngược lại là Vô Hữu và Ly Khứ. 

Nếu Ly Khứ, thí dụ mặt trời mọc ban ngày lặn về ban đêm. Mặt trời mọc ban ngày là hiện hữu, nó bất ly, nó có ở trong ban ngày. Nhưng chiều tối là nó bắt đầu nó đi, nó không có nữa là vô hữu, mà không có là nó đi đâu? Ly khứ rồi, bỏ đi rồi. 

Thì Niệm muốn nghĩ tới việc Xả Thí thành tựu việc thiện này là Câu Sinh Hiện Hữu, Câu Sanh Bất Ly.  “Bất Ly Khứ Đối Tượng”.

Thế thì từ ngữ trạng thái “Bất Ly Khứ Đối Tượng” do mãnh lực nào? Do mãnh lực Câu Sinh Bất Ly và Hiện Hữu nó làm mới được Niệm Lực này.

Như vậy: Tại sao khi ta làm việc Thiện mà ta lại lo ra? - Tại vì ta thiếu mấy mãnh lực này.

Tại sao khi ta đang làm việc thiện mà ta phóng giật? – Là ta thiếu những mãnh lực này.

Mình không Hiện Hữu Bất Ly với nó mà mình đang là Vô Hữu Ly Khứ. Ngồi đó như cái xác không hồn. Cũng như ngồi thiền, thấy cái xác ngồi thiền nhưng đụng vô cái là ngủ. Mình thiếu cái gì? Thiếu Câu Sinh Hiện Hữu, Câu Sinh Bất Ly.

Nó đi từng chi tiết chính xác. Quý Phật tử mới tìm ra được tại sao ta thất niệm? Tại vì thiếu mấy mãnh lực duyên này. Không có Câu Sinh Y Duyên. Không có Câu Sinh Hiện Hữu. Câu Sinh Bất Ly Duyên. Thiếu Niệm là vì ta thiếu những mãnh lực duyên này.

Như vậy thì, khi muốn rèn luyện cái Niệm, muốn có Niệm thì mình phải có những mãnh lực này. Những mãnh lực này phải hỗ trợ, giúp đỡ, duy trì, gìn giữ đối tượng với những mãnh lực này thì Niệm mới tồn tại, mới có thành tựu việc ghi nhớ và nhận thức một cách sắc bén.

Vậy thì mình tìm ra được kết quả tại sao mình ngồi thiền không được, phải không?

Sư chưa nói tới phần Dassanena (Kiến Giải Đoạn Trừ)Bhāvanā (Tu Tiến)  

Con đường Sơ Đạo Đoạn Trừ hay Kiến Giải Đoạn Trừ, nó có hết tất cả, Paṭṭhāna giải đáp được tất cả mà mình coi thường.

Mình không học, mình không chịu đọc, mình không có sách để mình biết. Do đó, mình cứ mò mẫm, mình làm theo tư kiến, làm theo quán tính, làm theo sự hiểu biết đơn giản của mình thôi.

Sư nói cái Kế tiếp là.

Sau khi quý Phật tử có 4 yếu tố này có ( Trạng Thái, Phận Sự, Sự Thành Tựu, Nhân Cận: ) thì cái nữa là cái gì? 9 Duyên đó là:

 Câu Sinh Trưởng.

Trong cái Trưởng Duyên nó thuộc Tứ Trưởng, nó thuộc Danh Trưởng không phải Sắc Trưởng.

Trưởng đây ta nói có 4: Dục Trưởng, Cần Trưởng, Tâm Trưởng, Thẩm Trưởng, Vihaṁsa là trí tuệ, thẩm tra, thẩm duyệt, thẩm xét, thẩm sát đều dùng trí tuệ không.

Chi pháp Câu Sinh Trưởng có 4:

Dục Trưởng là chi pháp Tâm Sở Dục

Cần Trưởng là chi pháp Tâm Sở Cần

Tâm Trưởng là chi pháp Tâm

Thẩm Trưởng chi pháp là Trí Tuệ.

Nhân Duyên có 6 Nhân: Tham, Sân, Si, Vô Tham – Vô Sân – Vô Si.

Nếu hiệp lực thì cái gì có mới hiệp lực. Nếu nó không có thì nó không hiệp lực được. Thí dụ ta hùn vốn mua quyển sách, hay ta hùn vốn mua chiếc xe này, anh có bao nhiêu tiền thì anh bỏ vô, anh không có tiền bỏ vô được thì không có hiệp lực.

Vậy Trưởng Duyên muốn câu sanh với việc thiện này thì anh phải có chi pháp của ảnh để vô được Nhân Duyên, thì trong 4 chi pháp của Trưởng Duyên Tâm Sở Dục, Tâm Sở Cần, Tâm (Tâm Trưởng), Tâm Sở Trí (Thẩm Trưởng). Chỉ có Tâm Sở Trí vô được với Vô Si. Do đó gọi là Câu Sinh Trưởng.

Câu Sinh + Trưởng Duyên là Câu Sinh Trưởng. Phải dùng Lý Trí để giải quyết, không có tình cảm xen vô.

Câu Sinh + Hiện Hữu là Câu Sinh Hiện Hữu

Câu Sinh + Bất Ly Duyên là Câu Sinh Bất Ly

Câu Sinh + Y Chỉ Duyên là Câu Sinh Y Chỉ

Gọi là hai mãnh lực kết hợp nhau

Khi làm việc Thiện, mình có tình thương, có vô tham, có vô sân, nhưng khi mình nghĩ tới Nhân Quả Phước Báu gì đó phải dùng lý trí, không còn nói tới tình thương, tình cảm. Lý trí sẽ phán quyết nó chứ không có tình cảm xen kẽ vô được nữa.

Ba cái Câu Sinh Hiện Hữu, Câu Sinh Bất Ly, Câu Sinh Y Chỉ là mình còn tình cảm, mình còn nhẹ nhàng, nhưng đi tới cụ thể Câu Sinh Trưởng thì lý Trí nó giải quyết hết, chứ không có tình cảm xen vô.

Ngài Tịnh Sự, nói “ Tui có phước trí chứ tui thiếu phước đức với phước vật” Ngài nghèo. Chùa Ngài nghèo lắm, Ngài khổ lắm, Ngài thiếu thốn đủ thứ hết. Nhưng trí của Ngài vô cùng tận. Trí tuệ của Ngài phát triển ghê lắm. Ngài suy nghĩ dữ dội lắm. Ngài suy nghĩ tới nỗi mà không ai nghĩ tới nổi gọi là appamana là vô lượng.

Có câu chuyện Ngài dùng trí.

Bữa đó Sư đang học, Ngài nói: Ông nghỉ đi, tức là Ngài cho Sư giải lao đó. Ông vô phòng tôi đặt cái chúm bắt muỗi ra (giết không được, sát sanh). 

Sư mới nói “Bạch Ngài, chúm là cái gì?” 

“ Vô trong đó, tôi đặt mấy cái chúm trong đó, ông vô ông thấy” 

- “Đặt ở đâu?” 

– Đặt dưới nền nhà. Ông vô ngó coi dưới nền nhà đó. 

Bắt đầu Sư vô Sư ngó, chạy ra nói: “Thấy đôi dép”

 – Không phải. Đôi dép đâu phải chúm đâu. 

“Thấy cái gậy” 

– Cái gậy không phải chúm. 

Đặt cái chúm bắt con muỗi ra. Sư vô thấy 4-5 cái hộp, lưới không, khung gỗ bọc bọc, rồi kéo lên giống như mình nuôi dế vậy đó. Mấy bà bán dế hay kéo lên bắt con này ra, kéo lên bắt con nẩy đó. Sư nói “À, thấy rồi” - “Thấy mấy cái chúm?” Thấy 6 cái." 

- Ông đặt đi.

 Nói chứ “Con đặt đâu?” 

Ngài nói “Trày ơi, ông không biết dùng trí” .

 Hai thầy trò la nhau um sùm trong chùa, chùa có chút xíu la um sùm hàng xóm nghe hết trơn. Ngài nói:

 “Ông tìm đường bay con muỗi ông đặt” 

- Oh my god! Sư nói chứ “Con lạy Ngài! Sao con biết đường con muỗi bay mà đặt” . 

Trày ơi, ông không biết hả? Chỗ nào tối tối là nó bay. Chỗ nào sáng nó đâu bay đâu. Ông đặt chỗ nào kẹt cửa, gầm tủ ...

- À, vậy đó. 

Sư vô Sư đặt hết: Hộc tủ, kẹ cửa, cầu tiêu, nhà tắm. Ngài nói 

“Ông lo học đi, tui vô tui canh”. 3-5 phút sau Ngài ra: “Tui bắt được 3 con muỗi ông ơi” Ngài thả 3 con muỗi ra. Ngài dùng trí ghê lắm.

Thí dụ mình đi câu cá thì mình tìm nơi nào có phân con cò, chỗ nào có phân con cò thì chỗ đó có cá.

Một lần Ngài và Sư qua lối xóm xin cây chuối về trồng. Sư hỏi Ngài trồng ở đâu. Ngài nói đừng có lo, tui trồng ông sẽ biết. 

Trong giảng đường có cái ghế bố để kế bên cái cửa sổ, Ngài nói Ngài trồng cây chuối bên ngoài cái cửa sổ đó. Sư nói không được, khi cây chuối lớn nó sẽ che ngăn hết gió, gió không vào trong được ở trong này ngộp thở lắm. Cái Ngài đem ra sau vách, rồi Ngài lại nói không được, Ngài lại rời qua chỗ khác, cứ như vậy một cây chuối Ngài trồng 4 chỗ. Rồi cây chuối bị lá vàng, Ngài nói cây chuối sắp chết, Ngài lắc chuông gọi cô Tư, cô Tư đi lên Ngài hỏi: Cô Tư coi sao mà cây chuối nó chết vậy?

Cô Tư nói:  nó chết rồi Sư.

Ngài nói: sao nó chết?

Cô Tư nói: nếu là con cũng chết nữa.

Tại sao cô cũng chết?

- Chèn ơi, một cây chuối mà Ngài trồng 4 chỗ.

-Ngài nói, vậy hả, mình trồng mình không được rời chỗ này chỗ kia hả? Không sao để tui đi xin cây chuối khác.

Một cây chuối ngài trồng xuống rồi suy nghĩ chỗ này không được phải nhổ, đem trồng chỗ khác rồi lại suy nghĩ chỗ này cũng không được lại nhổ, cứ vậy Ngài suy nghĩ để làm sao mà trồng cây chuối tới 4 lần, nó chịu không nổi nó chết. Ngài dùng trí để làm việc, Ngài không dùng tình cảm, Ngài nói tình là tệ.

 Khi mình học tới, tới khi mình làm việc thiện nếu còn tự ái, còn trạng thái vô tham vô sân qúi Phật tử còn lung lay, quý Phật tử phải dùng cái trí suy xét. Chỉ có lấy Nhân và Quả, quả phước nhiều, quả phước ít, ảnh hưởng nó hữu lậu hay vô lậu, lúc đó Câu Sinh Trưởng nó dẫn đường cho mình đi.

Câu Sanh Quyền (Câu Sanh + Quyền Duyên)

Quyền Duyên Có 22 chi pháp (Nhị thập nhị quyền), trong đó có Tuệ Quyền paññindriya kết hợp Vô Si nên nó vô.

Do đó, khi quý Phật tử làm việc thiện từ trong Ý, đi tới hành động bằng thân, hành động bằng lời, quý Phật tử phải dùng quyền năng, quyền lực của Trí Tuệ, nó dẫn đường dẫn lối cho mình đi, chứ không làm theo tập khí hay là cảm tính tình cảm riêng tư của mình mà mình có thiên lệch hay thiên vị trong việc làm thiện này.

Vậy thì khi quý Phật tử làm việc thiện mà quả báu không đến như mình nghĩ hay nó không đến nhiều như mình mong thì mình xét lại những yếu tố này. Quý Phật tử thiếu Trí, thiếu Quyền, thiếu Trưởng, không Câu Sinh, không Hiện Hữu, không Bất Ly với nó mà quý Phật tử phóng dật xao lãng, hay quý Phật tử dao động.

Đồ Đạo Duyên

Có Nhị Thập Chi Đạo, tức là có 12 chi đạo gồm: Bát Chánh Đạo và bốn Tà Đạo. Thì trong Đồ Đạo Duyên có Chánh Kiến là Sở hữu Trí Tuệ Quyền (Sở Hữu Trí Tuệ)  kết hợp được với Nhân Duyên (Vô Si).

Như vậy khi quý Phật tử làm việc thiện này quý Phật tử có đang hành đạo không, hay quý Phật tử đang làm việc thiện này vì danh, vì lợi, hay quý Phật tử làm theo tập khí. Quý Phật tử làm việc đạo là làm với Chánh Kiến. Ta làm đây, ta xả thí đây, ta diệt cái keo kiệt của ta, cái bỏn xẻn của ta, dính mắc ái luyến Tập Đế của ta để cho ta thoát Khổ Đế trong đời. Ta có Đồ Đạo Duyên, thôi thúc nó làm cho việc thiện làm duyên cho thiện.

“Ta làm việc đây để ta diệt cái bỏn xẻn của ta, diệt cái keo kiệt của ta, để ta hành đạo diệt cái Tập Đế ái luyến của ta, dính mắc của ta để ta thoát Khổ Đế trong đời này”. Lấy Đồ Đạo Duyên làm việc Xả Thí.

Do đó, khi muốn làm việc Thiện làm duyên cho việc Thiện nó gồm có bao nhiêu yếu tố?

Trì Giới. 

Quý Phật tử giữ 5 giới, mà trong đó Thập Phúc Hành Tông làm một việc thiện tạo ra phước báu thì quý Phật tử phải có Câu Sinh về Ý thiện thuộc về Giới, Câu Sinh Y với ý thiện để hành Giới. Những cái đó quý Phật tử bắt đầu thay những yếu tố của Thập Phúc Hành Tông  để bỏ vô mãnh lực duyên này tạo tác cái Thiện làm duyên cho Thiện chính xác như vậy thì quý Phật tử thành tựu một thiện công đức, hay là một thiện pháp.

Từ đây quý Phật tử thấy mình làm việc thiện có đủ chưa? Nếu chưa. Có sự hiểu biết không? Nếu chưa. Giờ mình làm lại.

Thiền sinh: Thưa Sư, khi mình nói Pháp Thiện làm duyên cho Pháp Thiện thì nó chỉ ngay cái Chuyển Khởi (Pavattati Kàla) lên, thì ngay trong thời Chuyển Khởi thì lúc đó nó phải là Tư Hiện, vậy Tư Tiền đang ở đâu?

HT trả lời: Pháp Thiện làm duyên cho Pháp Thiện  còn đang ở trong ý thôi là Tư Tiền. Chính cái đó, quí Phật tử phải đọc bài Kinh Niệm Xứ Satipaṭṭhāna bài thứ 10 của Trung Bộ Kinh, bài 22 của Trường Bộ Kinh thì các Phật tử đọc phần Tâm Niệm Xứ: Tâm ta Biết Thiện, tâm ta biết Bất Thiện, Tâm ta biết Đáo Đại, Tâm ta biết Bất Đáo Đại.

Cái đó đang nội tâm mà. Với Mãnh Lực Duyên này, cái gì làm cho tâm biết? Với Mãnh Lực Duyên này ta Câu Sinh Y, ta Câu Sinh Hiện Hữu, ta Câu Sinh Bất Ly với cái Tâm Thiện, Ý Thiện, Tác Ý Thiện Pavatti với thời bình nhật, trong cái diễn tiến Chuyển Khởi đó

Thiền Sinh: Thưa Sư, lúc nãy Sư nói "Tâm của ta đang ở trong đáo đại là đã có thiền chứng rồi, tức là chỉ có trong thiền mình thấy, còn cái tâm mình biết thiện ở hiện tại bây giờ mình làm mình biết?

HT trả lời: Qúi Phật tử nhớ, qúi Phật tử lên để bát, qúi Phật tử có Thiện làm duyên cho Thiện, Tư Tiền, Tư Hiện, qúi Phật tử làm, rồi sau khi ra về qúi Phật tử có Tư Hậu, Tư Hiện với hoan hỉ. Tư Tiền làm hoan hỉ

Khi làm việc thiện, ta có Tam Tư: 

Tư Tiền hoan hỉ (trước khi làm) (là Ý hoan hỉ)

Tư Hiện tịnh tín (ngay khi đang làm)

Tư Hậu hoan hỉ (sau khi làm hoan hỷ) (là Ý hoan hỉ).

Câu Sinh Bất Tương Ưng:  không vô được.

Khi quý Phật tử làm Xả Thí, Trì Giới khi Trì Giới phải Câu Sinh, Câu Sình Y, Câu Sinh Hiện Hữu, Câu Sình Bất Ly, còn quý Phật tử phải có Câu Sinh Trưởng “Ta làm việc thiện này, ta thọ trì ngũ giới hay bát quan trai, hay là ta thọ ngũ giới bát giới là ta phải có trí, làm việc này phải có sự suy nghĩ mới được, đưa tới quyền năng đạt được kết quả mình mong cầu đạt thành tựu như sở nguyện được. Đây là con đường đạo lộ dẫn tới giải thoát cho mình.

Ta qua phần TU TẬP

Có 2 giai đoạn.

Con đường Đạo Quả trong Tam Đề Thứ 8 và Tam Đề Thứ 9 Dassanena Pahātabbā, chúng ta nói sơ qua để làm cái tiếp tục cho tuần tới chúng ta đi qua phần Phát Thú này Sư chưa nói hết phần này, Thiện làm duyên cho Thiện chưa nói hết.

Hồi Sư mới xuất gia thọ tỳ khưu, ngày đó là họp ban chuyên quản ở chùa Kỳ Viên, Ngài Tịnh Sự không đi vì bị bệnh, Ngài nói: Ông đi thế mà đừng đi trễ bị rày la. Ngài nói: bữa nay ông đi phải cẩn thận, có Ngài Giới Nghiêm làm chủ tọa, Ngài là Tăng Thống, ông đến phải cẩn thận, lễ Ngài cho đàng hoàng. ngồi cho đúng vị trí giới luật của ông chứ đừng ngồi sai. Khi ông thọ y, thọ vật thực, ông ngồi trong kẹt mà người ta với tới thì ông phải thò chân ra chứ không với tay ra là mất giới liền. Đưa chân ra chạm đến tay người dâng, 

Ngài Tịnh Sự dạy khi Phật tử cúng dường nếu tay không chạm tới thì đưa chân ra, vì quá 1 hắc tay thì không hợp luật, khi người dâng với người thọ không quá một hắc tay, nếu đứt cái này là phạm giới, mà phải đưa chân ra chạm trước, tay có thể cầm lấy sau.

Khi Sư đến buổi họp thì đúng như Ngài Tịnh Sự dự đoán, vì Sư mới vào tu không có hạ lạp nào nên phải ngồi tuốt dưới sát tường, đúng như Ngài dự đoán, đó là Ngài có Niệm mạnh. Những gì Ngài dặn đều nằm ở trong cuốn Sati And The Yogi - Niệm Lực và Hành Giả, phần phụ lục. Ngài Panita nói :

When Sati is exceptionally strong, especially at Udayabbaya Ñāņa (Knowledge of Arising and Passing Away of Phenomena) some yogis can see the past, something going on in the present elsewhere, and the future. Sayādaw recounted the experiences of three exceptional yogis he taught some twenty years ago.

Khi Niệm Lực đã kiên cường một cách xuất loại bạt tụy, đặc biệt tại Sinh Diệt Trí (Tri Thức về Sự Khởi Sinh Lên và Sự Diệt Vong của các hiện tượng) một số hành giả có thể khán kiến ở quá khứ, một điều gì đó đang diễn ra ở nơi khác nhãn tiền, và ở vị lại. Đại Trưởng Lão đã tường tế tự thuật những trải nghiệm của ba hành giả kiệt xuất mà Ngài đã giáo đạo cách đây khoảng hai mươi năm.

"When Sati becomes exceptionally strong, the yogi's mind and the noted objects also become very clear. At this stage, certain yogis can recollect past lives or events in their childhood which they normally cannot recollect. It is like playing back a film.

“Khi Niệm Lực trở nên kiên cường một cách xuất loại bạt tụy, tâm thức của hành giả và các đối tượng đã chú niệm cũng trở nên hết sức mình hiển. Ở giai đoạn này, một vài hành giả có thể hồi ức các tiền kiếp hoặc các sự kiện ở trong thuở đồng niên của mình mà thông thường họ không thể nào hồi ức. Nó tự hổ đang quay lại một phim điện ảnh.

Mà không biết vô tình hay cố ý mấy người phật tử đều ở bên Kỳ Viên họ không dâng thực phẩm đến qúi Ngài cao hạ lạp mà họ đến dâng cho Sư, mà Sư ngồi tuốt trong góc với tay không tới, nên Sư đưa chân ra đụng người dâng thực phẩm còn tay thì Sư kéo diã thực phẩm về mình. Ngài Giới Nghiêm đập bàn và nói: Sư kia đứng lên. 

Sư đứng lên chắp tay: Bạch Ngài con đứng lên.

Ông là ai?

Dạ con là Sán Nhiên.

Đệ tử ai?

Dạ Ngài Tịnh Sự.

Tại sao ông thọ vật thực phạm giới.

Dạ không, con thò chân ra đụng vào người dâng thực phẩm rồi.

Ngồi xuống.

Sư về Sư đảnh lễ Ngài. Ngài hỏi có xảy ra không? Dạ có xảy ra ngay chóc luôn.

Ông có thò chân ra không?

Dạ con có thò chân ra.

Ngài không thấy mà Ngài không biết cái chiêu đó. Ngài dặn nếu mà ông không với tay tới người dâng thực phẩm thì ông phải thò chân nếu không là đứt giới liền, quá 1 hắc tay là đứt giới liền.

Do đó, qúi Phật tử phải cẩn thận, cái giới mà qúi Phật tử không có trí tuệ, không có Câu Sinh Trưởng, Câu Sinh Quyền

Khi quý Phật tử Kiến Giải là chỉ Thân Kiến thôi.

Dassanena Pahātabbā dịch là Đoạn trừ, phóng khí, tiêu trừ, Diệt bỏ.

Trong Chánh Tạng quyển 2,  Dassanena dịch  là Kiến Giải. 

Nhưng Ngài Tịnh Sự dịch theo bộ Chú Giải là Thất Lai Đạo, tức là tầng đạo thứ nhất của bậc Thất Lai, tức là Sơ Đạo của bậc Thất Lai. Tức là ngay sát-na Đạo của bậc Thất Lai là Kiến Giải 3 hạ tầng kiết sử: 

- Đầu tiên là Sakāyadiṭṭhi (sa+kāya+diṭthi là thủ thân kiến). Qúi Phật tử phải cẩn thận, nếu mà kāyadiṭṭhi là khác nghĩa liền  mà Sakāyadiṭṭhi nó sẽ khác nghĩa với  kāyadiṭṭhi, nó chỉ khác nhau có chữ "Sa" thôi mà nó khác nghĩa nhau. Sakāya là tôi có kiến, thêm diṭṭhi thành ra chấp. Còn Thân Kiến nó không có nghĩa chấp. Thân Kiến là nhìn vô; Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chứ không có chấp. Nhưng Sakāyadiṭṭhi là mình chấp

Do đó, khi Upatissa vừa nghe Assaji “Mọi pháp sanh lên bởi các duyên. Chính cái duyên hiện bày các pháp, bậc Đại Sư đã dạy tôi điều đó. Nay tôi nói lại điều này” Upatissa đắc Sơ Đạo liền.

Kiến Giải là Phá kiến chấp. Sau đó khi trở lại với đức Phật phải Bhāvanā tu mới đắc được Đạo Quả A La Hán.

Giờ Sư qua phần Bhāvanā, 

Bhāvanā có 4. Mà nó thuộc tầng đạo gì? 3 Thượng tầng Đạo (3 tầng Đạo cao) ngoài Sơ Đạo: Nhất Lai, Bất Lai và Vô Sinh (gọi là 3 thượng tầng ( 3tầng cao).

Trong quyển Biên Niên Sử Chư Phật, tập I, quyển đỏ, trang 102.

Tu Tập có 4

1- Tu Tập Viên Mãn Toàn Thiện là sự phát triển viên mãn một cách tròn đủ hết cả những Pháp Toàn Thiện.

2- Tu Tập Vô Gián Đoạn là sự phát triển những Pháp Toàn Thiện trong suốt thời gian tối thiểu của bốn  A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, hoặc thời gian trung bình của tám A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, hoặc thời gian tối đa của mười sáu A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, không có sự gián đoạn dầu chỉ là một kiếp sống.

3- Tu tập trường kỳ là sự phát triển của những Pháp Toàn Thiện trong một thời gian lâu dài, mà không thể với một thời gian ngắn hơn so với thời gian tối thiểu của bốn A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

 4- Tu tập tôn kính là sự phát triển những Pháp Toàn Thiện với sự nghiêm túc và sự cẩn trọng.

Nếu qúi Phật tử qua phần Kiến Giải, qúi Phật tử đạt được tầng Thất Lai Đạo mà qúi Phật tử đi tới Bhāvanā, qúi Phật tử phải qua 4 giai đoạn này, không thay đổi được. Quý Phật tử sẽ thành tựu Bhāvanā./.


No comments:

Post a Comment