dieuphap.com

 


 

 

 

CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI

 Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Mục Lục

Lời tựa

Tôi tự do không?

Cư xử với thanh niên

Có thể mua sự an toàn được không?

Bạn có can đảm không?

Thái độ đàng hoàng

Đừng nói dối

Có nên quan tâm tới lời dị nghị không?

Cứ bình tình

Yêu đời

Lòng biết ơn

Làm thinh

Chỉ trông cậy vào tình thương

Một tật phổ biến - không chịu thua ai

Lòng trắc ẩn

Nên làm một chú thợ may chính hiệu

Lòng đố kỵ

Mỉm cười

Lòng trung tín

Thư từ

Tôi cô độc quá

Làm quen với cái chết

Người bệnh tưởng

Đau khổ

Cái gì mới cũng làm cho ta không yên tâm

Sự lễ phép phải phát tự đáy lòng

Lương tâm

Sự tha thứ

Có thể tự biết mình không

Hà tiện và tham lam

Bạn có bi quan không?

Bạn có thể yêu được không?

Đúng giờ là sự lễ độ của vua chúa

Nén giận

Có thể sống trong sự mâu thuẫn không?

Kiên nhẫn

Chấp nhận cuộc đời

 

 

LỜI TỰA

Ai là người biết suy tư thì bước qua một tuổi nào đó, ít gì trong đời cũng có một vài lần thắc mắc về đời sống, lối sống của mình, xét lại xem những điều mà từ trước mình vẫn tin là đúng, là thiện - tin một cách dễ dàng vì tưởng ảnh hưởng của giáo dục, và tập dục - có thực là đúng, là thiện không, cư xử với mọi người như vậy có phải không, vợ con như vậy có hợp lý không, đối với chính quyền độc tài thì thái độ phải ra sao, thế nào là yêu nước, khi nào thì nên giúp người, kiếm tiền để làm gì đây và sống để làm gì đây ? ... vân vân ...

Nếu là một vĩ nhân thì sau những lần trầm tư đó, như Đức Thích Ca dưới gốc cây bồ đề, Đức Ki Tô ở trong núi - chẳng những nhân sinh quan thay đổi hẳn mà còn gây được một cuộc cách mạng trong xã hội, ảnh hưởng tới hậu thế nữa, không phải là một vĩ nhân thì sau vài đêm trằn trọc hoặc vài ngày thơ thẩn bên bờ suối, trên bãi biển, ta cũng tìm lại được sự bình tĩnh trong lòng, ta thỏa thuận với ta hơn, do đó, thỏa thuận với đời hơn, vì sự bất mãn về đời, nguyên do chỉ tại sự bất mãn về bản thân ta, tại ta sống mâu thuẫn với những quy tắc của ta, chứ không có gì khác. Thường thường, phải gặp một ta họa, chúng ta mới ôn lại tất cả dĩ vãng, xét lại tất cả những tin tưởng của mình một cách triệt để, và khi cuộc khủng hoảng qua rồi, mười người thì có tới chín người tìm lại được lẽ sống, hân hoan thốt lên câu: "Đời vẫn là đáng sống".

Tác giả, Luise Rinser, mà tôi đoán là một người Đức gốc Do Thái, ngay từ nhỏ đã có tinh thần độc lập, không tin hết những lời gia huấn nghiêp khắc, lớn lên sống một cuộc đời rất chìm nổi, một lần bị Đức Quốc xã bắt giam, suýt bị xử tử, hai đời chồng - chồng trước chết, chồng sau li dị - chín lần phải rời những căn nhà gian lao mới xây được, rốt cuộc bỏ nước Đức, cũng không qua Israel mà xin cư trú ở Ý, tóm lại đã chịu nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần, nên đã có nhiều suy tư về cuộc sống mà tìm ra được một nhân sinh quan không bi mà cũng không lạc một cách dễ dãi, nhưng can đảm, nhân từ và thông minh.

Trong tập này, bà ghi những suy tư đó lại. Từ những vấn đề lớn lao như ý nghĩa đời sống, sự tự do, sự an toàn của con người, thân phận con người, ..., tới những vấn đề lặt vặt, nhưng không phải là không quan trọng, như thế nào là lễ độ, can đảm, nói dối, phải cư xử với thanh niên ra sao, báo ân, báo oán ra sao, viết thư từ ra sao nữa... vấn đề nào bà cũng đem ra đặt lại, dùng những kinh nghiệm bản thân cùng kinh nghiệm tha nhân, "người xưa và người nay", để xét lại, và có những ý mới ta không sao bác bỏ được, dù muốn hay không thì cũng phải "làm quen" với nó. Bà bảo:

"Bất kì cái gì mới mẻ - kể cả thế hệ mới và lối sống đặc biệt của họ - cũng làm cho ta thấy chướng vì nó đảo lộn các thói quen của ta, buộc phải so sánh, xét lại lối sống của ta, và dám bảo thẳng vào mặt ta rằng ta lạc hậu.

(...) Nhưng chúng ta phải can đảm nhìn thẳng vào nó, thẳng thắn đối thoại với nó. Vấn đề không phải là ta thích nó hay không. Điều quan trọng là ta phải khách quan tìm trong nó cái yếu tố của sự tiến bộ".

Nhưng như vậy không có nghĩa là ta phải chấp nhận tất cả những cái mới, từ bỏ tất cả những cái cũ, để khỏi lạc hậu. Không ta chỉ nên theo cái mới khi nó không trái với những quy tắc căn bản của luân lí. Độc giả sẽ bảo: "Từ khi có thuyết tương đối của Einstein thì ta thấy cái gì cũng tương đối hết, gọi là tốt thì chỉ tốt trong một vài hoàn cảnh nào đó, với những điều kiện nào đó thôi". Phải, luật tương đối đã chuyển từ môn vật lí qua môn triết lí, nhưng "đem áp dụng vào luân lí thì chỉ là một sự thoái thác tầm thường", vì nó có những quy luật bất biến về luân lí, mà những quy luật này theo Luise Rinser, là sự liên đới giữa nhân loại và lòng tha nhân; không một hành động nào của một người mà không ảnh hưởng xa hay gần tới những người đồng thời và những người tới sau; mọi người bất kì là ở đâu đều đồng cam cộng khổ với nhau, nên phải yêu nhau.

Bà nhấn mạnh nhiều lần về điểm đó, và đọc xong tôi có cảm tưởng rằng bà đáng gọi là một người văn minh mà tác phẩm của bà có thể so sánh được với cuốn Một nghệ thuật sống của André Maurois, Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, chứ không thuộc vào loại sách học làm người bầy nhan nhản trong cách hiệu sách.

Văn của bà cũng hấp dẫn, không có cái giọng nặng nề dạy đời của một nhà luân lí, mà hóm hỉnh, nhẹ nhàng, thông minh, tế nhị, không lý thuyết dài dòng mà dẫn nhiều kinh nghiệm cụ thể, nhiều giai thoại lí thú, không độc đoán đưa ý kiến riêng, mà đàm đạo với ta, phân tích mỗi vấn đề cùng với ta tìm một kết luận.

Cho nên hôm nay tôi vui vẻ giới thiệu các tác phẩm của bà với độc giả. Tác phẩm hơi dày, tôi đã bỏ bớt độ mười bài, và cũng như nhiều cuốn khác trong loại này, tôi tìm cách chuyển qua tiếng Việt chứ không dịch sát. Tôi tin rằng ở thời này làm người mà được như bà là quý lắm rồi: chúng ta sẽ vừa tìm được một ý nghĩa cho cuộc đời, vừa tạo được hạnh phúc cho bản thân, mà cho bản thân cũng tức thị là cho tha nhân.

Sài Gòn ngày 8-3-1971
Nguyễn Hiến Lê

Tôi tự do không? 

Mấy tiếng bề ngoài có vẻ tầm thường đó chứa nhiều thuốc nổ đấy.

Vô số tác phẩm viết về vấn đề đó mà vẫn còn gây những cuộc tranh luận gay go, chứ chưa đưa ra được một câu giải đáp nào hoàn toàn đúng, làm cho ta thỏa mãn. Bạn chẳng hạn, bạn trả lời ra sao ?

Riêng phần tôi thì tôi tự hỏi câu này trước đã: Thế nào là tự do? Và trước khi trả lời, tôi xét hoàn cảnh, tình trạng cụ thể của tôi xem có một khu vực nào tôi được tự do không.

Trong khu vực xã hội, muốn làm một nghề nào đó phải học tại trường nào đó, dự những kỳ thi nào đó, rồi phải tuân theo tổ chức của nghề; muốn lái xe hơi phải có bằng lái xe hơi; muốn xin cất nhà phải xin đầy đủ các thứ giấy phép; muốn làm hôn thú phải trình đầy đủ các giấy tờ; mà những giấy phép đó người ta có thể không cho hoặc cho rồi rút lại, sau cùng phải tôn trọng nhiều điều lệ cảnh sát nếu không muốn bị hình phạt, bị nhốt khám, vậy cũng không tự do nữa.

Còn trong đời tư, thế nào là tự do? Là mốn yêu ai thì yêu, cưới ai thì cưới, tùy ý sanh con, đổi nghề, đi du lịch, chơi bời ... Phải, trong khu vực đó, chúng ta được một chút tự do nào đó, nghĩa là muốn làm gì thì làm, không muốn thì thôi. Nhưng như vậy có nghĩa là muốn cái gì thì thực hiện cái đó được không? Trong đa số trường hợp khi ta quyết định điều gì, không thể quyết định đơn phương, phải có sự thỏa thuận với người khác, đặc biệt là sự thỏa thuận của người thân. Có gia đình rồi thì không còn tự do kết duyên với người khác nữa. Một người chủ trong gia đình tự cho mình là làm chúa trong nhà, nhưng sự thực là quyết định nào phải phụ thuộc vào một số điều kiện. Nói ngay như việc rất tầm thường là muốn đi du lịch thì phải xét xem có đủ tiền hay không, có công việc nào khẩn thiết không, lại phải đợi lúc trẻ được nghỉ học mà cùng đi; ấy là chưa kể lúc sắp đi, trong nhà phải đừng có người đau mới được, vân vân...

Khi người ta tưởng rằng được hoàn toàn tự do quyết định là người ta lầm đấy, không biết rằng sự tự do đó đã bị hạn chế. Chẳng hạn ta tưởng đã tự do quyết định mua một chiếc xe hơi, nhưng sự thực là ta đã theo một cái "mốt", đã bị ảnh hưởng của các lời quảng cáo khéo léo đập riết vào tai, vào mắt ta, đa số các "quyết định tự do" của ta như tự do bận thứ y phục này, dùng câu văn kia hoặc mua vật này vật nọ, chỉ là nhắm mắt theo lời xúi giục trên các báo chí, yết thị, quảng cáo. Vậy: không có tự do. Hay nhiều lắm chỉ có một thứ tự do với điều kiện.

Còn trong khu vực luân lí? Luật luân lí và dân luật liên hệ mật thiết với nhau. Tôi không có quyền được ăn cắp, giết người, vu oan cho người, dụ dỗ vị thành niên, có ngoại tình, phỉ báng một người nào do lẽ người đó có khác tôn giáo, giống nòi, quốc tịch của tôi. Nếu tôi mắc các tội đó thì tôi là kẻ vừa làm trái luân lí, vừa là kẻ phạm pháp. Vậy: cũng không tự do nữa, hoặc nếu tôi tự do thì phải mang tội.

Về khu vực tinh thần? Người ta bảo "sự tự do tư tưởng" là tuyệt đối. Nhưng tôi có thể thực sự suy nghĩ ra sao tùy ý không? Nếu tôi là một người có ý thức luân lí và tôn giáo thì luật pháp và lương tâm tôi cấm tôi nuôi dưỡng những ý nghĩ bậy đối với người khác, mà cũng không được có những ý nghĩ tiêu cực đối với bản thân, chẳng hạn không được thất vọng, buông xuôi.

Chúng ta cứ tưởng rằng, chúng ta được tự do về tinh thần mà thực sự chúng ta bị tùy thuộc sự di truyền, nền giáo dục, tùy thuộc tập tục, truyền thống, "mốt" của thời đại và tùy thuộc vào tính khí của chúng ta. Ấy là chưa kể có những cái xâm phạm vào đời tư của chúng ta mà ta không hay. Biết đâu chừng đường điện thoại của ta chẳng có người nghe trộm? Biết đâu chừng một cái máy ghi âm được giấu đâu đó trong nhà ta? Và khi chúng ta ra đường chẳng có mật vụ theo dõi? Biết đâu có một vài phương pháp trị bệnh nào - đặc biệt bằng cách kích thích tố (hormones) - chẳng ảnh hưởng tới tâm linh của ta? Sự lạm dụng máy thâu thanh và máy vô tuyến truyền hình, cũng như thói coi quá nhiều phim, đọc quá nhiều nhật báo, tạp chí có hình, chẳng lần lần làm cho ta mất óc phán đoán? Nhiều nhà bác học đã lo ngại rằng con người bị cái nạn "nhồi nặn", biến đổi một cách độc đoán, hoặc bằng cách ảnh hưởng tới các tế bào truyền chủng của cha mẹ, hoặc bằng cách "tẩy não" của sở mật vụ, công an nhiều nước thường dùng.

Vậy chúng ta khó biết được chân giá trị của sự tự do tinh thần ra sao, nhưng có điều này ta chắc chắn: sự tự do bề ngoài của ta rất nhỏ, và sự tự do trong tâm thâm của ta lại bị hạn chế.

Nhiều người nhận thấy vậy và hô cứ thản nhiên. Họ không coi trọng sự tự do, miễn sống sao cho được tạm yên ổn là được; họ như những gia súc, không ham được độc lập, vì độc lập có ích gì cho họ đâu.

Nhưng những kẻ đó không đáng gọi là người. Muốn xứng đáng làm con người phải nhận định được sự tự do của mình, nó bị hạn chế ra sao và có thể dùng nó để làm gì; phải thấy đau khổ khi mất tự do.

Vì vậy mà thế hệ trẻ luôn luôn tìm cách bẻ xiềng, đấu tranh cho tự do.

Bây giờ chúng ta phải tự hỏi câu này: con người có thực sự mất tự do, trái với ý muốn của mình không?

Trong một quốc gia độc tà, dùng chính sách khủng bố thì dân chúng dĩ nhiên phải cúi đầu phục tòng sức mạnh để khỏi bị nhốt khám và xử tử. Nhưng có nên vì vậy mà để cho tinh thần của mình thành nô lệ nữa không? Không.

Hồi nhỏ, tôi đã chịu một nền giáo dục rất nghiêm khắc. Nhưng mỗi khi tôi phải tuân theo một lệnh khắc nghiệt của ba má tôi, thì thì tôi tự nhủ thầm: "Tuân thì tuân, tôi vẫn gữa ý kiến tôi".

Và bây giờ tôi còn nhớ rằng mỗi lần như vậy tôi thấy vui vẻ như đã đắc thắng. Tôi sung sướng lắm khi tin chắc rằng: dù ba má tôi có bắt khoan băt nhặt gì tôi cũng không thể xâm nhập cái thâm tâm của tôi.

Vì trong con người có một sự tự do không gì diệt được, tức là sự tự do trong đáy lòng.

Và chính sự tự do không gì xâm phạm được đó làm cho ta có được cái thái độ tinh thần cao cả nhất: tự ý nhận thức, có khi ước mong nữa, sự thiếu tự do. Thái độ phục tòng luật pháp vì sợ hình phạt không có chút gì giống với thái độ giữ luật pháp vì nhận định được giá trị nội tại của một cộng đồng.

Cũng như thái độ vợ chồng giữ lòng chung thủy với nhau để khỏi mang tai tiếng, khác hẳn thái độ giữ lòng chung thủy vì thấy nó đẹp. Cũng như thái độ nhắm mắt theo những ý nghĩ mới khác hẳn thái độ chấp nhận những ý nghĩ đó vì tin rằng nó có giá trị, mà xã hội phải mỗi ngày một tiến.

Bạn bảo tôi: "Thứ tự do gì mà kì cục vậy? Tự do mà lại an phận nhận sự mất tự do?" tôi xin đáp: Bạn đã yêu ai chưa? Khi bạn nói yêu ai là đã từ bỏ một phần tự do của bạn rồi, vì từ lúc đó, không phải chỉ một mình bạn, mà có thêm người đó nữa, làm việc gì cũng phải nghĩ tới nhau. Vậy mà trong khi yêu nhau, người ta thấy sự mất tự do, do mình tự ý chấp nhận đó là một nguồn hạnh phúc đấy chứ.

Lấy một thí dụ khác: một người mác-xít chân chính sung sướng được từ bỏ đời tư của mình mà ta hòa vào tập thể; cũng như một tín đồ tự ý thụ giới cho sự từ bỏ tự do của mình mà tuân luật của tăng hội là một hành vi cao thượng chứ không phải một hành vi nô lệ.

Vậy con người được tự do lựa chọn mất sự tự do; mà khi bị bắt buộc mất tự do thì cũng có thể tự ý mình đổi sự mất tự do về thể xác thành sự mất tự do về tinh thần.

Nhiều bạn trẻ hung hăng, dại dột tin rằng luôn luôn phải tự giải thoát khỏi mọi sự bó buộc, mà làm phí phần lớn sinh lực của họ. Những người sáng suốt biết rằng tự ý chấp nhận sự mất tự do có thể hóa ra sung sướng. Đó là bí quyết của sự gia nhập một tôn giáo (...)

Ở thời đại mà báo chí, phát thanh, truyền hình quá nhiều này, chúng ta phải có ý thức rằng mình tự do, và có thể giữ được tự do thì mới khỏi hóa ra những con người máy. Nhưng một sự tự do như vậy, phải đem thực hành nó mỗi ngày và muốn vậy phải biết từ bỏ nhiều cái nếu không sớm thì muộn gì cũng bị người ta bắt buộc phải từ bỏ.

---o0o---


dieuphap.com

Trang kế