dieuphap.com


 

 

 

 

CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI

 Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

CƯ XỬ VỚI THANH NIÊN 

Năm 1788, một người tên Knigge xuất bản một cuốn sách mà những kẻ không đọc được, chỉ nghe nói thôi, tưởng lầm là một cuốn sách viết về phép xã giao, như kiểu: cách giới thiệu khách khứa ra sao. Mà cuốn đó không chỉ viết về xã giao, còn viết về luân lý nữa, phần này mới quan trọng, nghĩa là tác giả không chú trọng tới cử chỉ ngôn ngữ ở ngoài bằng thái độ trong thâm tâm ta đối với người khác. Vì vậy, tác giả không dạy cho người lớn nên có thái độ ra sao đối với thanh niên mà ráng chỉ cho họ cách tìm hiểu thanh niên.

"Rất ít khi thấy người lớn tuổi tự đặt mình vào địa vị em út, nếu họ biết tỏ "thiện cảm" với bọn trẻ thì không làm cho bọn trẻ mất vui đâu mà trái lại, làm cho chúng vui hơn nhiều nữa.

Họ quên không gợi lại hồi ký tuổi trẻ của chính họ. Các người già thường bắt trẻ con phải bình tĩnh suy nghĩ một cách khách quan, phải phân biệt được cái gì cần thiết với cái gì chỉ ích lợi thôi chứ không cần thiết, phải có tinh thần thận trọng, quân bình như họ mà tinh thần này là tinh thần của người già nua, có kinh nghiệm, sức lực đã suy như họ".

Ông Knigge viết như vậy năm 1788. Giá ông viết vào thời này hay bất kỳ thời nào khác cũng vẫn đúng. Tình thế vẫn không thay đổi: lớp già và lớp trẻ vẫn không hiểu nhau. Tại sao vậy? Tại mỗi lớp mới luôn luôn khác với lớp trước và muốn khác lớp trước.

Tôi còn muốn nói rằng lớp mới nhận được của lịch sử tiến hóa của loài người cái sứ mạng phải khác với lớp cũ.

Bọn trẻ ham thích cái mới, tất nhiên là phản kháng cái cũ, và do đó, khó hiểu nổi lớp người cũ, điều đó rất tự nhiên, có gì đáng lạ? Trái lại, chính người già phải ráng tìm hiểu họ.

Mới cách đây vài năm, phong trào "beatnik" (cũng như phong trào hip-pi ngày nay) chưa được nhiều người biết, một hôm tôi thấy một nhóm người du lịch xuống công trường Y Pha Nho ở Rome. Lúc đó có một đám thanh niên đương ngồi trên những bận thềm của công trường. Họ yên ổn hút ống điếu, nói chuyện với nhau, chẳng làm gì bậy cả. Phải cái tội là họ bận những quần blue-jean mép như xơ mướp, những chiếc áo pull-over dơ bẩn và sờn, tóc để dài quá, mà đi chân không, tất cả hành lý nhét vào trong cái xắc bằng vải.

Rõ ràng là họ im lặng tỏ bằng cách đó lòng khinh thị nền văn minh hiện đại, khinh tất cả những người tạo nên, quý trọng hưởng thụ nền văn minh đó.

Tức thì nhóm du khách nọ mạt sát bọn thanh niên: "Lê la như vậy mà không biết mắc cỡ! Rõ ràng là một bọn ăn hại, sống ở ngoài lề của xã hội, trụy lạc và chưa biết chừng phạm pháp nữa!" Có người lại cất giọng bực tức: "Mười tuổi nữa thì chúng sẽ bắt buộc phải giam mình trong phòng giấy như bọn chúng ta, không còn lê la ở ngoài đường như vậy nữa. Tuổi xuân chỉ có một thời mà thôi".

Một người khác không quên lặp lại câu sáo này: "Thời chúng ta con trẻ đâu có cái cảnh xấu xa đó!". Không một người nào lên tiếng bênh vực bọn thanh niên đó cả. Không một người nào nghĩ rằng thái độ của bọn ấy tất phải có một lý do nào đây, chẳng hạn lý do này: bọn trẻ bất mãn về thế giới người lớn chúng ta.

Nhưng tại sao người lớn không chịu tìm hiểu bọn đàn em của mình? Lý do có nhiều lắm, chằng chịt với nhau, khó mà gỡ rối được.

Trước hết là lòng đố kị mà có khi bọn người lớn không chịu thú nhận. Họ đó kị tuổi trẻ của bọn đàn em, bọn này mạnh hơn, đẹp hơn, sống vui hơn, yêu đời hơn họ và còn một cả một quãng đường dài vô tận ở trước mặt, còn lâu mới chêt.

Thanh xuân là tuổi tò mò và hi vọng, còn giữ được đủ những cái mà tuổi già đã đánh mất. Và để tự an ủi, người già chê bai bọn trẻ nào là ngu ngốc, phù phiếm, xấc láo, vô kỉ luật.

Một lý do nữa: già có xu hướng bảo thủ không muốn tiến hóa, ghét thanh niên có lối suy tư, nói năng, hành động trái với thói quen của họ. Thấy cái gì mới, người già cũng nghi ngờ, không muốn để cho người trẻ thử làm xem sao. Vì nếu để cho bọn trẻ thử rồi mà thành công, tiến bộ thì phải nhận rằng mình già nua, lạc hậu, đã tới lúc phải rút lui, nhường chỗ cho họ.

Lý do nữa: người già không chấp nhận sự mới mẻ vì họ làm biếng. Muốn hiểu cái gì thì phải gắng sức, soát lại các thành kiến của mình, quên những thành kiến đó đi nữa. Người già có cái tật chung này là ít khi chịu học hỏi lắm, mà muốn giữ cho tinh thần được trẻ trung thì không có cách nào tốt hơn là ngày nào cũng học thêm, tìm hiểu thêm. Lý do nữa: sự sợ sệt. "Nhận rằng bọn trẻ có lý, tức là nhận rằng mình lầm lẫn". Thấy bọn trẻ phản kháng, nổi loạn, người già lo cho sự yên ổn của mình.

Thêm một lý do nữa: thấy bọn trẻ phí sức vào những cái vụn vặt, tầm phào, không chịu lợi dụng những kinh nghiệm của đàn anh đã khó nhọc biết bao mới thu thập được, mà già bực mình lắm cho bọn trẻ là chưa tìm được cái gì tốt hơn cái cũ mà đã vội hủy bỏ hết những công trình đáng kể của tổ tiên.

Người già khó hiểu được người trẻ vì tất cả những lý do đó và nhiều lý do khác nữa; nhưng khó hiểu thì cũng phải ráng hiểu vì dù muốn hay không thì cái thế hệ già và trẻ cũng phải giúp đỡ lẫn nhau. Những lời khuyên của ông Knigge ở trên đem áp dụng vào xã hội hiện đại, có thể giúp chúng ta định được vài qui tắc căn bản dưới đây trong cách cư xử của người già đối với người trẻ.

Người già nên nhớ rằng tuổi trẻ có nhiệm vụ canh tân, kích thích sự tấn bộ. Người già nên nhớ rằng tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng bù lại lại dồi dào sinh lực, tuổi trẻ quá tự tin, thiếu thận trọng, nhưng chính nhờ vậy mà họ mới có thể nhảy vọt tới trước được.

Người già đừng nên coi trẻ là kẻ thù của mình, mà nên coi là những người hợp tác với mình trong sự tiến hóa của nhân loại. Người già nên tự đặt mình vào địa vị tuổi trẻ, tìm hiểu những nỗi khó khăn của họ để có thể giúp họ giải quyết những khó khăn đó. Dù thấy những ý nghĩ của họ chỉ là không tưởng thì cũng đừng dùng cái giọng dạy đời, ta đây mà nói với họ. Đừng nên quên rằng tuổi trẻ có nhiều sáng kiến gây được nhiều cải cách có lợi.

Nên thường đàm đạo với thanh niên, chăm chú nghe họ để quen với những quan niệm mới mẻ và nhìn thế giới bằng một nhãn quan mới mẻ. Đừng làm bộ rằng mình còn trẻ buộc họ phải chấp nhận mình, vì dù mình chưa lụ khụ đi nữa thì họ vẫn cho rằng mình già nua rồi.

Đừng đố kị cái thanh xuân của họ, mà nên nhớ rằng mình đã có thời ở cái tuổi khó khăn đó; đừng quên rằng tuổi trẻ ở vào một cái thế bất lợi hơn mình vì mình đã có một địa vị trong xã hội mà họ chưa có.

Tuổi trẻ có khẩn khoản xin ta chỉ bảo thì hãy chỉ bảo, bằng không thì thôi; và nếu họ không chấp nhận hoặc có vẻ không chấp nhận lời khuyên của ta thì cũng đừng nên phật ý. Dù họ có cự tuyệt ta thì có lúc họ cần đến ta, để có một thế dựa hoặc để thử sức mạnh của họ.

Nếu họ chỉ trích ta thì ta nên lấy làm mừng rằng như vậy là ta đã giúp họ nảy ra những ý kiến riêng, như vậy là họ không khinh thường ta mà trái lại muốn đọ sức với ta.

So sánh mấy quy tắc đó với những lời khuyên của ông Knigge, ta thấy giống nhau như đúc. Về vấn đề cư xử vói thanh niên khó mà có ý gì mới được, xưa nên ra sao thì nay cũng vậy. Thế là thêm một lý lẽ nữa để ta nên nghe lời khuyên của cổ nhân nhá.

Người nào muốn sống một cách an toàn, tránh mọi sự thiệt hại thì có thể đi "bảo hiểm". Có thể bảo hiểm gần đủ mọi thứ: bảo hiểm nhà cửa, đồ đạc, đồ tư trang. Tranh ảnh, đồ cổ, thư viện phòng khi bị cháy, bị nước cuốn, bị ăn cắp; bảo hiểm rừng, ruộng lúa, đồng cỏ phòng mưa đá, nắng hạn, bị cháy hay bị lụt; bảo hiểm trâu bò phòng bị bệnh, bảo hiểm nhân viên, xe cộ, khách đi xe phòng tai nạn, bảo hiểm gia đình phòng khi mình chết sớm mà vợ con khỏi bị khốn khổ; bảo hiểm chính thân ta nữa phòng lúc về già khỏi bị nghèo túng. Các vũ nữ có thể bảo hiểm cặp giò, cách danh ca có thể bảo hiểm giọng hát, v...v...

Nhưng nếu công ty bảo hiểm của tôi vỡ nợ thì sao? Có sao đâu, vì chính công ty của bạn đã bảo hiểm lại ở một hoặc nhiều công ty khác rồi. Vậy thì người ta có thể nghĩ rằng người nào đã bảo hiểm là được sống an toàn, khỏi lo sợ gì hết.

Nhưng thế nào là "bảo hiểm" đã? Một ngôi nhà đã bảo hiểm hỏa hoạn sẽ không bao giờ cháy ư? Một người bảo hiểm nhân mạng sẽ không chết ư? Dĩ nhiên là chết chứ. Cũng chết như người không bảo hiểm, không hơn mà cũng không kém. Nhưng nếu bảo hiểm thì thiệt hại được bù tiền. Vậy sinh mạng có thể bù bằng tiền được ư? Và nếu bọn đạo chích ăn cắp một bức tranh tôi quý lắm thì số tiền hãng bảo hiểm trả cho tôi có làm cho tôi mua lại được bức tranh đó không? Trong một tai nạn xe hơi tôi làm cho một người bị thương nặng, sự bồi thường của hãng bảo hiểm có bù lại được sự tàn tật của người đó không? Mấy thí dụ đó đủ cho ta thấy rằng trông mong vào sự bảo hiểm để được an toàn thì không khác gì chỉ nhận có mỗi một thứ giá trị, tức giá trị của tiền bạc, nhận rằng tiền bạc tránh cho ta mọi sự rủi ro, bất công trong đời sống ...

Thí dụ một người cách đây mười năm được hưởng một di sản là hai chục triệu quan thời đó. Số vốn đó dùng làm gì? Không lẽ để nó nằm yên trong tủ bạc, người đó đem mua cổ phần. Nhưng bây giờ giá cổ phần cứ xuống hoài, người đó đâm ra lo lắng. Hoặc bỏ tiền ra mua một miếng đất, hi vọng đầu cơ thì bây giờ bán không ai mua hoặc chỉ bán được nửa giá. Hoặc nghe ai xúi dại, mua những mĩ phẩm, bây giờ thấy mất giá, mà có bán lỗ cũng chẳng ai mua vì không ai có tiền hoặc thị hiếu của người ta đã thay đổi, không ai thích những vật đó nữa. Hoặc đem tiền mua vàng và bây giờ thấy giá vàng không lên, chẳng có lợi gì cả.

Dù sao thì không ai bảo hiểm cho người đó khỏi bị nạn lạm phát tiền tệ mạnh mẽ hoặc âm thầm. Rồi làm sao bảo hiểm đề phòng một cuộc kinh tế khủng hoảng khắp thế giới? Bảo hiểm đề phòng đất đai bị trưng thu vì công ích? Phòng đứa con trai mình thiếu nợ mà xin mình giúp đỡ tiền bạc? Phòng số vốn của mình tiêu tan lần đầu vì đau ốm, thất nghiệp?

Tài sản là cái gì bấp bênh nhất, tới nỗi có rất nhiều tiền của, chúng ta cũng không thấy được an toàn. Còn nhiều cái khác cũng không thấy được đảm bảo một cách vĩnh viễn, như sức khỏe, sự bình quân về tinh thần, tình yêu thương. Có thể bảo hiểm để phòng vợ hay chồng có ngoại tình không? Phòng tài năng mình suy giảm không? Phòng thị hiếu công chúng thay đổi không? Phòng một bạn đồng sự trẻ hơn mình, hoạt động hơn mình hất mình không? Phòng cảnh âu sầu của tuổi già không? Phòng mặc cảm tội lỗi không?... Có thể bạn bảo tôi: "Thôi xin bà ngừng lại, đừng bôi nhọ thêm bức tranh vân cẩu nữa, chỉ tổ làm cho người ta sợ sống!".

Xin bạn kiêm tâm. Tôi sắp chỉ cách bảo hiểm cho bạn và tôi phòng nỗi sợ đó. Xin bạn nghe kỹ câu chuyện có thật này: năm 1941, một cặp vợ chồng nọ đã đứng tuổi, ở Dortmund, muốn tránh bom, mướng một căn nhà nhỏ ở giữa rừng, tại Souabe. Nhưng năm 1943, sau khi tấn công địch, một phi cơ đồng minh bay trở về căn cứ, thả nốt trái bom cuối cùng và trái bom rớt đúng xuống căn nhà, cả hai vợ chồng đều bị vùi thây dưới đám gạch vụn, còn nhà họ ở Dortmund được nguyên vẹn mặc dầu phi cơ địch mấy lần thả bom xuống thị trấn đó. Nghe câu chuyện thê thảm ấy, ai cũng nói: "Không ai tránh được số mạng". Nhưng người ta cũng có thể nói rằng chỉ nghĩ trước hết tới sự an toàn của mình thôi thì không khác gì khiêu khích số mạng. Nhiều khi một thiếu nữ được cha mẹ lo lắng dạy dỗ, trông chừng từng phút thì lại đâm hư. Có những đứa nhỏ, cha mẹ giữ vệ sinh rất kĩ, thì lại dễ đau ốm. Những bà vợ ghen tuông, dò xét chồng hoài thì lại dễ bị chồng phụ tình. Vậy, ta lo lắng, mãnh liệt bám vào cái gì thì cái đó tuột ra khỏi.

Như vậy có nghĩa gì không? Không có nghĩa gì cả đối với một người chỉ coi của cải, đất cát, uy quyền, sự thành công là hạnh phục, vì mất những cái đó là mất luôn cả lẽ sống. Khi chứng khoán mất giá, nhiều người bị phá sản, tự tử vì không còn đủ sức sống trong cảnh nghèo khổ bấp bênh.

Rốt cuộc sợ mất của cải hay một vật quen thuộc nào, chỉ là do cái tật thiếu tinh thần thích ứng. Sau khi chịu nhiều sự mất mát nặng nề, người ta dễ thích ứng hơn với vận rủi; người ta ít lo lắng hơn, tinh thần khoáng đạt hơn, "triết nhân" hơn. "Nếu như vậy không êm thì cách khác sẽ êm", châm ngôn đó rất sâu sắc chứ không nông nỗi như người ta tưởng đâu. Nó khuyên ta cứ hoàn toàn tin tưởng và đừng bao giờ tuyệt vọng. Tôi nói vậy vì tôi đã kinh nghiệm, đã tập sống trong cảnh bất an. Trong hai mươi lăm năm, vì chiến tranh, hậu quả của chiến tranh và nhiều lí do khác, tôi đã chín lần rời bỏ những ngôi nhà khó nhọc mới gây dựng được. Ba lần, đời tôi suýt bị tan nát: lần thứ nhất khi Đệ tam Đế Quốc Đức (tức chính quyền Đức khi Hitler lên cầm quyền) cấm tôi xuất bản sách rồi nhốt tôi vô khám; lần thứ nhì khi nhà tôi bị giết, và lần thứ ba khi tôi li dị với người chồng sau. Tôi đã học được của Rilke thái độ này: "Li biệt trước đi, bất kì là đối với cái gì". Mình không bám vào một cái gì cả thì ai có thể cướp của mình được. Sự an toàn của tôi là sự an toàn của loài chim. Như vậy nghĩa là sao? Tôi xin giảng: loài chim hót làm tổ trên cây. Nó có bảo hiểm phòng giông tố, rét mướt, thiếu ăn đâu; cũng chẳng bảo hiểm phòng loài mãnh cầm, loài mèo, bọn đánh chim, bọn con nít phá tổ chim. Nó không bảo hiểm được sinh mạng để chim con được an toàn khi nó chết sớm. Số phận nó hoàn toàn bất an toàn. Nó sống ra sao? Thấy tai nạn lớn xảy ra thì nó trốn hoặc đôi khi chiến đấu vì đàn chim con. Nhưng khi cơn nguy hiểm qua rồi thì nó lại hót ríu ra ríu rít.

Trong tác phẩm của Dante, tôi thấy hình ảnh này: "Một ổ chim làm bằng ánh sáng". Có thể sống trong một ổ chim như vậy không? Không, nếu luôn luôn người ta nặng lòng sợ mất một cái gì mà người ta lo lắng cố níu lấy. Được, nếu người ta thanh thản, nhẹ nhàng trút hết mọi ưu tư.

Phải có tâm trạng đó mới khỏi sợ một cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp thế giới, khỏi sợ tiền bạc, đất đai mất giá, đầu cơ trên thị trường chứng khoán mà thất bại, khỏi sợ thuế má tăng vụt lên và mọi sự hạn chế mà bạn cũng phải chịu. Không cần một sự an toàn giả tạo và không sợ sệt gì cả, như vậy dễ sống hơn. Cái thật sự quan trọng là lòng tin, lòng hi vọng, lòng kiên nhẫn và tình thương... muốn ra sao thì ra.

Bạn có can đảm không

Năm nào thảm kịch đó cũng tái diễn: một vài thanh niên muốn leo lên ngọn núi nguy hiểm nào đó rồi vì không đủ kinh nghiệm mà bỏ mạng: lăng xuống vực hoặc kiệt sức, lạnh quá, chết cóng. Họ can đảm, dám mạo hiển đấy, nhưng chẳng ai khen họ cả.

Một em bé té xuống một dòng sông cuồn cuộn đương mùa mưa lũ. Một người liều mạng nhảy xuống ráng vớt em, dù chẳng vớt được mà có bị chết đuối chăng nữa, thì cũng vẫn được mọi người khen.

Năm 1942, hai sinh viên trường đại học Munich, tên là Sophie và Hans Scholl, rải truyền đơn đả đảo Hitler. Họ chẳng biết rằng sớm muộn gì cũng bị phát giác, mà hành động của họ chẳng có chút hi vọng gì lật đổ được chế độ. Quả nhiên, sau đó cả hai đều bị xử tử. Vậy họ điên chăng? Họ hi sinh đời họ một cách vô ích chăng? Bây giờ người ta ngưỡng mộ họ là hai anh hùng, nêu gương can đảm cho đồng bào.

Ở một trường trung học nọ, không hiểu lẽ gì, cả một lớp trẻ mười hai tuổi hùa vào ngược đãi một bạn học. Tình cảnh em này càng đánh thương vì cha mẹ mới bị sạt nghiệp. Đứa con trai thứ ba của tôi bèn đứng ra bênh vực em, can đảm chống lại cả bầy kia, bất chấp sự thù oán của chúng.

Vài ví dụ đó chứng tỏ rằng khi mọi việc đáng liều mới liều thì hành động của ta mới được khen là can đảm. Bọn thanh niên leo núi thiếu kinh nghiệm trên kia không phải là can đảm mà chỉ là vô ý thức.

Bạn hỏi tôi: vậy đứng về phương diện thực tế mà xét thì hai sinh viên Đức cũng đáng chê là dại dột, nếu không thì cũng ít nhất là táo bạo, vì tay không mà đòi bắt cọp?

Không, tôi không nghĩ vậy, vì họ hành động, hi sinh như vậy để kích động các người khác dùng những phương pháp thích hợp hơn tiếp tục cuộc tranh đấu mà họ đã cổ vũ. Ở thời đó, người ta cho họ là "khinh suất" đấy, nhưng sau này người ta thấy sự khinh suất ấy cao cả, rất sáng suốt, vì chính nhờ họ mà dân tộc Đức không bị dư luận thế giới miệt thị quá. Các vị anh hùng, các vị thánh thường bị một số người không hiểu nổi tầm quan trọng hành động liều lĩnh của họ, nên cho họ là điên khùng. Nhưng có một thứ điên khùng mà lại rất thông minh. Chúng ta biết rằng can đảm thì cần phải thông minh (hễ ngu ngốc thì rất ít khi can đảm), nhất là cần đừng tính toán lợi hại, hơn thiệt cho riêng mình, nghĩa là cần phải hi sinh. Người nào hành động theo lương tâm mình là người đó can đảm.

Bẩm sinh có người can đảm, có kẻ nhút nhút nhát. Một số người có thể thành can đảm được, nhưng vì một sự giáo dục sai lầm hay vì một hoàn cảnh, kinh nghiệm tai hại nào đó mà hóa ra nhút nhát, không dám mạo hiểm một chút gì cả, luôn luôn lựa chọn con đường an toàn nhất, không phải đụng đầu với một cái gì "đau đớn" cả. Những kẻ đó sợ phải liều thân. Sợ tới cái mức tránh mọi sự giao thiệp có thể làm cho họ hơi đau khổ hơn một chút: chẳng hạn sợ phải thất vọng, li biệt mà không dám cưới vợ, thành thử không có con; ai ra lệnh gì, hoặc đưa ý kiến gì họ cũng vâng vâng dạ dạ tỏ vẻ cực kì nhu thuận, hòa hảo chứ không muốn đưa ý kiến của mình ra sợ phải tranh biện để bênh vực nó; họ có bất đồng ý kiến với ai, thù oán ai thì giữ kín trong lòng chứ không dám biểu lộ ra. Hồng y giáo chủ Mercier đã nói câu thâm thúy lạ thường này:

"Có những kẻ không bao giờ lầm lỡ môt điều gì cả, vậy mà suốt đời lầm lỡ chứ".

Ông muốn bảo rằng thà cứ liều đi, dù có lầm lỡ cũng còn hơn là luôn luôn tìm sự yên ổn.

Sống một cuộc đời chân chính thì phải biết liều, sẵn sàng chịu sự trầy da tróc vảy, cứ đừng dè dặt, sợ sệt.

Nhưng như vậy, sự can đảm chỉ là một đức cần thiết trong vài trường hợp đặc biệt nào thôi ư? Có phải ai cũng có thể lật đổ một bạo chúa hoặc cứu vớt một em nhỏ té xuống sông được đâu. Với lại hình thức đó của sự can đảm chưa chắc là hình thức cao nhất. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chúng ta như được một làn sóng nhiệt tâm nâng đỡ, lòng ta bừng bừng lên mà dễ có những hành động gan dạ.

Chẳng hạn, thái hai năm 1945, tôi bị công an Đức Quốc Xã lấy khẩu cung liên tiếp trong tám giờ, và lúc đó tôi nổi đóa, muốn chửi vào mặt họ. Hành động như vậy là can đảm đấy vì coi thường cái chết. Nhưng tôi nén được lòng. Có phải vì hèn nhát không? Không, vì trong trường hợp đó mà hi sinh tính mạng là điều vô lí. Tôi đã vì các con tôi mà lựa chọn con đường tiếp tục sống: vì chúng mà tôi chịu ở trong khám, lo lắng và tủi nhục nuốt hết nỗi đắng cay của bọn Đức Quốc Xã đối xử với tôi mà chúng gọi là "kẻ thù dân tộc", kẻ bị dân tộc ruồng bỏ.

Như vậy thì không nhất định phải làm một hành động nguy hiểm mới là can đảm; nhiều khi cứ tiếp tục sống cũng là can đảm. Vâng, kiên nhẫn đương đầu với sự bất ý, những khó khăn, thử thách hàng ngày, chống cự lại với những nỗi rầu rĩ, chán nản, thất vọng, đừng để cho nó xâm chiếm ta, thái độ đó cần nhiều can đảm lắm mới được. Nhiều người ngày nào cũng vậy, hễ bừng mắt dậy là phải can đảm chiến đấu với cuộc đời. A! Giá có thể nằm dài ở giường mà đừng biết gì tới.

Can đảm không phải là một đức lâu lâu mới dùng tới khi phải làm một điều nguy hiểm. Can đảm là một thái độ căn bản đối với đời sống: thái độ của người tin ở đời mà tự nhủ: "Khó khăn gì cũng sẽ vượt được".

Thái độ đàng hoàng

Một phần do kinh nghiệm bản thân, một phần do đọc một bài báo mà tôi mới nảy ra những ý nghĩ dưới đây.

Một ngày thứ bảy, gần tới giờ các tiệm đóng cửa rồi, một chị bạn tôi mua một vài món vặt. Về tới nhà, chị mới thấy đã vô ý lấy hai cây sà-lách đã gói sẵn. Ngày thứ hai, chị lại tiệm trả tiền món lấy dư đó. Các cô bán hàng đều ngạc nhiên, mà thấy họ ngạc nhiên chị cũng ngạc nhiên nữa. Các cô ấy bảo chị rằng các khách hàng cũng thường vô ý lấy lẫn như chị, nhưng chẳng có người nào trở lại trả tiền như chị. Lạ lùng nhất là tiệm đó ở trong một khu toàn những người đàng hoàng, ai cũng quen mặt nhau cả, thế là nghĩa làm sao nhỉ?

Đó là kinh nghiệm bản thân tôi, còn bài báo thì nội dung như sau. Trong thế chiến vừa rồi, một cặp vợ chồng Áo nọ do một kẻ làm trung gian, mua được nhiều bức họa hiện đại rất có giá trị của một tư nhân đã sưu tập bây giờ muốn bán lại. Để có đủ tiền mua, hai ông bà đó phải bán những bức họa, cũng rất có giá trị, di sản tổ tiên để lại, những bức này của các họa sĩ trong phái lãng mạng Áo. Sau chiến tranh, hai ông bà hay rằng viện bảo tàng họa phẩm nọ phàn nàn đã mất những bức tranh hiện đại đó. Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, có kẻ đã ăn cắp những bức tranh đó rồi nhờ người trung gian bán lại cho ông bà. Thời chiến tranh ăn cắp những bức tranh đó không phải là việc khó, vì có nhiều bức họa hiện đại, bọn Đức Quốc Xã cho là "nghệ thuật đồi bại" rút ra khỏi viện bảo tàng, chất bậy một nơi, rồi hễ có dịp là lấy ra bán lén. Hay tin đó, cặp vợ chồng Áo đó phải làm gì đây? Họ có thể tự nhủ: "Mình bỏ tiền ra mua những bức đó mà mình lại không thể ngờ được rằng nó là của chính phủ, vậy thì nó thuộc về mình"; đành rằng một ngày kia, việc đó có thể tiết lộ ra được, nhưng muốn khỏi bị hậu quả thì cũng không khó, chỉ tìm cách bán ra ngoại quốc là êm. Có cả bọn thương mại quốc tế thiếu tư cách; tổ chức rất chặt chẽ, cứ giao cho bọn họ têu thụ dùm, sẽ chẳng có ai biết cả. Hết chiến tranh, có biết bao tác phẩm mĩ thuật "mất" như vậy, làm sao tìm cho ra các thủ phạm được, vậy thì có gì đâu mà lo. Và cặp đó đã hành động ra sao? Thưa, họ đem các bức họa trả cho chính phủ. Và theo chỗ tôi biết, họ cũng không đòi bồi thường nữa, với lại có đòi cũng khó được. Thế là họ mất toi những bức họa cổ của ông cha để lại. Nhưng điều quan trọng là hễ đã làm thiệt hại, dù là vô tình, thì cũng phải đền bù lại.

Thái độ của cặp vợ chồng đó, phải gọi là gì bây giờ? Gọi là chính trực ư? Tôi thì muốn dùng một danh từ nghĩa rộng hơn: danh từ "đàng hoàng".

Tiếng "đàng hoàng" gồm có nhiều đức như chính trực, thành thật, trung tín, lễ độ, tận tâm.

(...) Thái độ đàng hoàng rất khó thực hiện đấy, chứ chẳng dễ đâu. Chúng ta cứ tự vấn tâm mà xem:

Chúng ta đã chẳng có lần bắt được một của rơi, thấy nó chẳng đáng giá bao nhiêu, bèn giữ lấy, chứ không đem giao cho ty cảnh sát đó ư? Mặc dù ta hơi áy náy trong lòng rằng người đánh mất vật đó có thể tiếc ngơ tiếc ngẩn. Chúng ta đã chẳng có lần "quên", mượn sách rồi không trả đấy ư?

Đã chẳng có lần bạn bè viết thư nhờ làm giúp một việc, thấy phiền nhiễu, không làm rồi sau bảo rằng không nhận được thư đấy ư? Có lần nào thiếu nợ ai một món tiền, dù rất nhỏ, rồi quên không trả chỉ vì chủ nợ tính tình rộng rãi, không đòi không?

Rồi cô thu ngân vô ý thối dư tiền cho ta, chúng ta biết mà cứ lặng lẽ đút túi không?

Khi lái xe vô chỗ đậu, chúng ta làm sây sát một chiếc xe khác, có thể để lại miếng giấy nhỏ ghi tên họ và địa chỉ của mình, xin lãnh hết những phí tổn sửa mà xe, dù là rất nhỏ nhặt không?

Có khi nào khéo léo không thưởng tiền cho một người đã tận tâm giúp ta không?

Có bao giờ quá nhiệt tâm, chúng ta hứa giúp ai một việc gì, sau này ân hận, cố quên lời hứa đi không? Có lần nào ta nói xấu một người khác, sau thấy rằng mình lầm mà không chịu đính chính lại không?

Biết rằng một người khác bị nghi ngờ một cách bất công, có bao giờ chúng ta làm biếng hoặc vì hèn nhát, tìm cách lẩn mà không đứng ra làm chứng để bênh vực người đó không?

Có bao giờ chúng ta... Nhưng thôi, tôi xin để bạn tiếp tục tự vấn tâm.

Về cái việc vấn tâm này, tôi nhớ lại một việc có thật mà chắc vài bạn đã được nghe rồi. Nhà soạn nhạc Richard Strauss, khi gần mất, ngỏ ý rằng những người hâm mộ nhạc của ông, khi ông mất, chắc sẽ mua những vòng cườm đắt tiền để biếu, ông xin họ dùng số tiền đó vào quỹ cứu tế các nhạc sĩ thì hơn. Rồi thì ra sao? Bạn đã đoán đúng đấy: quỹ cứu tế chẳng nhận được một đồng nào cả mà trên nấm mồ cũng chẳng có một vòng cườm nào cả. Bao nhiêu kẻ giàu có ngưỡng mộ ông đã "rút lui" một cách bần tiện.

Nếu ta xét tỉ mỉ cái đức mà tôi gọi là "đàng hoàng" thì sẽ thấy nó chính là lòng "yêu tha nhân". Nhưng tiếng "yêu" có nghĩa bao quát quá, không rõ rệt, trái lại tiếng "đàng hoàng" chỉ rõ hơn thái độ thực tế mà ta phải có, đối với người khác. Người ta bảo ta "Phải yêu người khác như yêu chính bản thân mình". Như vậy nghĩa là phải yêu người đó tha thiết chăng? Hay là phải đừng làm cái gì có hại cho người đó mà còn giúp người đó sống nữa?

Thí dụ xe tôi đụng, làm móp bên hông một chiếc xe đương đậu, mà không ai thấy cả. Tôi có thể có hai thái độ. Hoặc tôi chỉ nghĩ đến tôi rồi lẩn, như vậy tôi không có một chút ý thức gì về tình yêu tha nhân, mà cũng chẳng tự đặt mình vào địa vị người chủ xe, chẳng nghĩ đến sự thiệt hại bực mình tôi gây cho người đó nữa.

Hoặc tôi cài dưới cái que chùi kiếng một miếng giấy nhỏ ghi tên và địa chỉ của tôi, như vậy chứng tỏ rằng chẳng những tôi biết những điều phải quấy mà nghĩ đến người chủ xe, ân hận đã gây ra một sự thiệt hại cho ông ta và sẵn sàng xin đền. Hành vi đó là một hành vi "đàng hoàng" mà cũng là một hành vi thân ái.

Lại thí dụ rằng tôi lượm được một chiếc ví. Nó cũ kĩ mà chỉ chứa có mấy tấm hình. Tôi có thể tự thuyết phục tôi rằng nó chẳng có giá trị gì cả, khỏi phải đem lại ty cảnh sát hoặc rao trên báo; có thể liệng phắt nó ngay vào thùng rác, và làm vậy tôi có thể thấy yên tâm. Nhưng tôi cũng có thể nghĩ bụng rằng cái người đánh mất ví quí tấm hình hơn tiền bạc nhiều. Tôi tưởng tượng nỗi khổ tâm của họ, và tôi bèn đem chiếc ví lại ty cảnh sát, hoặc rao trên báo. Hành động đó chứng tỏ tôi có thái độ đàng hoàng và yêu tha nhân.

Một thí dụ nữa: có một cô thu ngân thối dư tiền cho tôi. Tôi có thể tự nhủ: "Cô ấy vô ý thì phải chịu". Nhưng tôi cũng có thể nghĩ lại: "Cô ấy khi tính tiền, thấy thiếu, phải lấy tiền túi ra bù. Hâu quả: cô ấy phải nhịn cái vui đi coi hát tối nay, hoặc bỏ ý định mua đồ chơi cho đứa con cưng". Tự đặt mình vào địa vị người khác, đó là tình thương.

Bạn thấy như vậy tiếng "đàng hoàng" bề ngoài có vẻ tầm thường, lần lần mang một ý nghĩa rộng rãi không ngờ và buộc ta có thái độ tinh thần nghiêm chỉnh. Và bạn cũng thấy rằng lòng yêu tha nhân không phải là một ý nghĩa trừu tượng hoặc chỉ có nghĩa là bố thí mà trái lại, quy định một cách rất cụ thể các giao tế hằng ngày của chúng ta với người chung quanh.

Giới luật có vẻ hoàn toàn minh bạch. Ai cũng hiểu thế nào là nói dối: biết là sai mà bảo là đúng, như vậy là nói dối.

Khi dạy trẻ, chúng ta chú ý giới luật đó lắm. Cho nên chúng ta hỏi chúng: "Ai đánh bể cái đĩa này?", hi vọng chúng sẽ thú tội mặc dầu chúng biết rằng thú tội thì thế nào cũng bị ta rầy đấy. Ngay cả những khi chúng ta không có cách gì chứng thực tội của trẻ thì chúng ta cũng hi vọng rằng nó sẽ tự thú. Chúng ta tin nó đủ hùng tâm để yêu sự thực, thà chịu trừng phạt chứ không khi nào nói dối. Đối với trẻ chúng ta nghiêm khắc như vậy đấy!

"Ừ, má sẽ may cho con cái áo đó, nhưng con phải hứa hễ ba có hỏi gì nói chỉ tốn 500 đồng thôi nhé!". Chắc bạn đã nghe thấy một bà mẹ nói với con như vậy. Và nếu bạn tin rằng có thể dạy cho trẻ phân biệt được nói dối khi nào là có tội, khi nào đã chẳng có tội mà còn đáng khen, thì bạn lầm đấy. Đối với một đứa trẻ chưa bị xã hội làm cho hư hỏng thì, nhờ Trời, nói dối trong trường hợp nào cũng là nói dối. Nhưng cha mẹ có nhiều người là cho trẻ hư vì khiến cho chúng nói dối hoặc bằng cách trừng trị chúng nghiêm khắc quá, chúng sợ mà phải nói dối hoặc bằng cách trừng trị chúng nghiêm khắc quá, chúng sợ mà phải nói dối hoặc bằng cách làm gương cho chúng nói dối. "Thằng tư lại trả lời điện thoại đi, chắc lại là di Xuân đấy, lắm chuyện lắm, con bảo rằng má đi khỏi rồi nhé!". Dạy cho chúng nói dối như vậy rồi tới khi chúng nói dối với mình thì lại nghiêm khắc trừng trị chúng. Vì chúng ta nói dối với người khác thì được, còn người khác mà nói dối chúng ta thì chúng ta dễ nổi quạu lên. Chỉ mỗi sự kiện này: chúng ta không thành thật với người khác mà lại buộc người khác phải thành thực với ta, cũng đủ tỏ rằng chúng ta biết rõ giá trị của sự thành thực. Chúng ta đòi người khác - đặc biệt là con chúng ta - phải tốt hơn chúng ta. Thật lạ lùng: chúng ta luôn luôn tìm được cả ngàn lí lẽ để chữa tội nói dối của mình!... Nhưng thôi, tôi xin dừng lại, để mỗi người tự xét lương tâm của mình.

Chúng ta nên tự hỏi câu này: cấm nói dối có nghĩa là bất kì lúc nào, trong trường hợp nào cũng phải nói thực không, có sao nói vậy không; hay là sự cấm đoán đó có một giới hạn nào đó cho hợp với thực tế?

Tôi thí dụ rằng khi gặp chồng của bà X - bà này chơi thân với bạn - cùng đi với một người đàn bà khác, trong những hoàn cảnh làm cho bạn tin chắc rằng hai người đang cặp kè với nhau, không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu bà X ngờ chồng mình có ngoại tình, hỏi bạn mà bạn lại biết bà ấy nóng tính lắm, có thể xin li dị được thì bạn có nói tất cả sự thật ra hay không? Hay là bạn biết tính ông X chỉ lạc lòng vậy thôi, sau sẽ ân hận mà bạn sẽ nói khéo cách nào cho bà X khỏi nghi ngờ - nói khéo không có nghĩa là nói dối một cách trắng trợn - chẳng hạn bảo: "Tại sao chị lại nghi anh ấy như vậy, anh ấy quý chị lắm mà." và gia đình họ khỏi tan rã?

Còn như ông chồng kia nếu như vợ hỏi thì có bổn phận thật nói hết ra không? Cái đó còn tùy. Nếu tin rằng vợ ông sẽ không chấp nhất, sẽ tha thứ được thì phải thú thật với vợ. Trái lại nếu vợ nóng tính có thể xin li dị liền thì đừng nên thú làm chi.

Một ông bạn của tôi, gia đình rất hòa thuận, bà vợ không hề nghi ngờ chồng gì cả, nhưng cũng không khi nào cho chồng đi du lịch một mình. Sau mười năm sống chung, ông thấy tình trạng ấy vô lí quá, quyết tâm nói dối vợ, bảo từ nay thường phải đi xa vì công việc làm ăn. Và ông ta kiếm được cớ để đi một mình mà hưởng cái thú cô liêu. Ông đã dùng thuật nói dối để có cái quyền chính đáng được hưởng một chút tự do vừa phải. Vậy chúng ta cư xử với nhau phải đại lượng, nhân từ, sáng suốt một chút để có thể tin cậy lẫn nhau mà nói thực với nhau được, nếu không thì chúng ta sẽ làm cho người khác phải nói dối với ta cũng như chính chúng ta phải nói dối với họ.

Như vậy, tôi cho rằng nên đổi câu: "Đừng nói dối" ra làm "Nên thành thực" thì hơn. Người nào bất đắc dĩ phải nói dối - dù một lần hay mười lần, điểm đó không quan trọng - mà trong thâm tâm, bứt rứt vì không thể nói thực ra được, thì người đó không phải là kẻ nói dối.

Trái lại, nhà cầm quyền nào theo đạo Ki tô, ở nhà chăm chỉ đọc kinh, cầu nguyện mà vì hèn nhát hoặc tư lợi, trị dân theo một chính sách trái với đạo Ki tô, thì không phải là người thành thực. Nhà văn nào chiều theo thị hiếu độc giả mà viết những điều trái với quan niệm đạo đức của mình, cũng là thiếu thành thực. Nhân viên nào chê cách làm ăn của ông chủ là bất lương mà vẫn hèn nhát hợp tác với ông ta, cũng là mắc tội thiếu thành thực. Những thí dụ đó chứng tỏ rằng:

1. Thành thực và dối trá là tùy ở thái độ chứ không phải ở hành động của ta.

2. Thành thực thì luôn luôn là can đảm; dối trá thì luôn luôn là hèn nhát.

3. Dối trá là phản bội, mà thành thực là trung thành, chẳng những trung thành với chân lý đã được chấp nhận mà còn trung thành với bản thân nữa.

Cái nguy hại của sự nói dối là cứ mỗi lần nói dối là đức thành thực của ta lại giảm đi một chút, mà thói dối trá của ta lại tăng lên.

Sự thành thực không phải là một đức không liên quan gì đến các đức khác, nó là điều kiện tất yếu của tư cách con người.

Tôi biết một bà nọ không làm sao nói dối được. Dù người ta có hỏi bà hay không thì bà cũng vạch thẳng những lỗi của người ta ra, mà chính những lỗi của bà, bà cũng nhận liền, không hề giấu giếm. Tôi cho rằng thói trực tính đó của bà không phải là một đức tốt, vì kho vạch thẳng những lỗi của người khác, bà lạnh lùng thản nhiên, có vẻ như thách đố: "Tôi cần quái gì phải giấu ý nghĩ của tôi. Tôi nói thực ra đấy, chịu được thì chịu, không chịu được mà có nổi điên lên thì tôi cũng cóc cần!". Trực tính như vậy là tự cao tự đại; vì đức thành thực chân chính thì luôn luôn có pha chút tình thương. Nói thẳng với ai là để giúp người đó giác ngộ mà sửa đổi tính nết chứ không phải để làm phật lòng người, gây thù gây oán với người. Người nào bẩm sinh hay do giáo dục mà trực tính thì cũng dễ bị cái tật nghiêm khắc, đòi người khác phải có những đức như mình. Bạn nên nhớ rằng người khác có thể nhu nhược hơn mình, không can đảm bằng mình, không may máy tìm được những lời thích hợp để bày tỏ sự thật như mình, có khi không thể nói thực ra được nữa, sợ có hại cho cha chính người đó hoặc cho một người nào khác. Vì vậy, trừ phi là cần thiết lắm, còn không thì nên tránh, đừng hỏi thẳng người ta những điều người ta khó đáp. Ai cũng có quyền tự vệ, giữ cái bí mật của mình. Vậy các độc giả nam cũng như nữ của tôi, nếu người bạn trăm năm của bạn tối nay có về trễ hơn thường lệ thì xin đừng tra hỏi gì hết nhé, và các bậc cha mẹ nữa, khi con cái đã lớn rồi thì đừng bắt chúng thuật lại cặn kẽ những hành động của chúng nhé. Đừng nên do thám lẫn nhau, vì hễ tin nhau thì tránh được cho nhau khỏi phải nói dối đấy.

Cách đây mấy năm, tôi được nghe một người Ấn diễn thuyết. Tinh thần ông ấy tỏa ra một sức mạnh phi thường. Ông bảo rằng luôn luôn có thể tránh được nói dối, cả những khi nói dối mà không phải là tội nữa. Vì khi người ta đã quyết tâm không nói dối, nghĩa là quyết tâm vừa kín đáo thận trọng, vừa can đảm, thì lần lần có thể thay đổi bản tính của mình được; lời nói và hành động đi đôi với nhau rồi, sức mạnh tinh thần của người ta tăng lên rất nhiều. Diễn giả Ấn Độ đó đã tự bản thân chứng thực lời nói của mình.

Có nên quan tâm tới lời dị nghị của thiên hạ không?

Suốt thời thanh niên tôi luôn luôn nhận được hai lời cảnh báo này: "Người khác sẽ phê bình mình ra sao?" và "Đừng để cho ý kiến của người khác ngăn cản hành động của mình". Hai lời cảnh báo đó hoàn toàn trái ngược, ít nhất là bề ngoài, thành thử hồi đó tôi hoang mang đau khổ lắm. Nhưng bây giờ tôi hiểu song thân tôi muốn khuyên tôi ra sao rồi, vì hai lời đó thuộc về hai quy tắc luân lý khác nhau:

- Một mặt, ta có bổn phận làm điều phải, bất chấp ý kiến của "thiên hạ" (nghĩa là của những kẻ ngu ngốc, tàn ác hoặc những kẻ chỉ nghĩ tới phương diện vật chất của các vấn đề). - Mặt khác, trước khi có một hành động nào dị thường có thể làm cho người khác phật ý, bực mình hoặc buồn rầu thì ta phải chú ý tới ý kiến của người.

Lời khuyên thứ nhất (phải chú ý tới ý kiến của người khác) ai cũng cho là đúng; cho nên dưới đây tôi chỉ xét lời khuyên thứ nhì thôi:

"Thiên hạ muốn nghĩ sao thì nghĩ, mặc!" câu đó có thể thốt ra nhiều cách: hoặc là tự cao tự đại, muốn thách thiên hạ, hoặc là bình tĩnh, cương nghị hoặc là chán nản. Nhưng dù thốt ra cách nào thì cũng có vẻ là mình tự tin rằng mình hơn người, mà sự thực mình thiếu đức tự tin, nên mới làm bộ bất chấp dư luận như vậy. Câu đó còn tỏ rằng mình nhận được hành động của mình có cái gì khác thường, trái với tập quán, và không được người đời chấp nhận. Mình sẽ tách ra khỏi một đoàn thể: gia đình, cộng đồng, giai cấp xã hội. Thái độ tự tách ra khỏi đoàn thể có thể có nhiều nguyên nhân:

- Tin chắc rằng người khác là bậy nên chẳng những không liên kết với họ mà còn chống đối họ bằng một cách tích cực hay tiêu cực;

- Hoặc muốn tỏ ra "ta đây nào phải như ai", thái độ này nguyên do là tại một mặc cảm tự ti, người nào nhận định được giá trị của mình thì không khi nào tỏ vẻ khoe khoang muốn cho thiên hạ chú ý tới mình;

- Hoặc do bẩm sinh, do giáo dục mà trở thành một kẻ "nan du", không có tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm;

- Hoặc có thể hồi nhỏ bị dạy dỗ nghiêm khắc mà oán đời, thấy cần phải nói thẳng vào mặt thiên hạ rằng mình chẳng coi dư luận thiên hạ ra cái quái gì cả (thái độ đó là thái độ gây gổ của biết bao thanh niên đối với thế hệ cha anh họ);

- Cũng có thể là mình tự tin quá, tự cao tự đại quá, coi người khác là đồ bỏ nên không cần để ý tới dư luận;

- Sau cùng có thể là thấy thế của mình yếu, nên phải lấy sự bất chấp dư luận làm một thứ áo giáp để tự che chở cho mình. Bất kì là do nguyên nhân nào, thái độ khinh thường người khác và ý kiến của họ cũng là một thái độ xấu vì nó tỏ rằng ta có một quan niệm lệch lạc, phi nhân bản về xã hội. Chỉ có mỗi thái độ này là đúng đắn: nhận trong đáy lòng rằng không ai có thể sống một mình trên đời được, cũng chưa có ai sống như vậy bao giờ, mỗi người chỉ là một cái khoen trong cái dây xích ba tỉ cá nhân, đồng thời cũng là một thành phần của một dân tộc, một giai cấp, một gia đình nữa. Thực trạng như vậy. Kẻ nào điên thì mới cho mình là một biệt lệ, vì ai cũng liên kết với tất cả các người đồng loại bằng từng đường gân, thớ thịt của mình. Không ai có thể độc lập tới cái mức người khác không liên quan chút gì tới mình mà mình cũng chẳng liên quan gì tới họ.

Người ta nói khoa học ngày nay có thể chế tạo một thứ máy vô tuyến truyền hình cho bất kì lúc nào và bất kì ở đâu, bất kì ai cũng có thể nhìn thấy một người khác được. Viễn tưởng đó ghê gớm quá! Bị Chúa lúc nào cũng dò xét, còn đỡ sợ hơn vì chắc chắn là Người từ bi hơn con người! Nhưng dù không có cái máy quỉ đó thì sự thực mỗi người trong chúng ta cũng luôn luôn bị người khác kiểm soát. Người khác tuy không thấy hành động của chúng ta, nhưng cũng biết chúng ta là gì; mỗi hành vi, cử chỉ của ta đều ảnh hưởng tới họ.

Tôi còn nhớ rõ một khí cụ vật lý hồi tôi còn là sinh viên: có nhiều quả tròn treo trên một cái cột hễ đụng vào quả thứ nhất thì quả này lại đụng vào quả thứ hai, quả thứ hai đụng vào quả thứ ba, cứ như vậy mà truyền đi cho tới quả cuối cùng. Và ngay từ hồi đó tôi đã nghĩ bụng: "Bây giờ mình phát ra một tiếng thì những làn sóng âm thanh sẽ lan đi khắp thế giới, và nếu ngón tay mình chạm vào cái bàn này thì tất cả những phần tử trong vũ trụ sẽ bị kích động".

Các hành vi, cử chỉ của ta cũng ảnh hưởng tới người khác như vậy, lan dần từ gần tới xa, gây ra những sự biến đổi ta không sao kiểm soát nổi. Vậy chúng ta không thể làm một cái gì chỉ can hệ tới riêng ta mà thôi, không liên can gì tới người khác. Ta làm cái gì là làm cho người khác, cho cả thế giới. Ai có chút tinh thần trách nhiệm, nghĩ tới điều đó, tất phải hoảng sơ; và ta chỉ có quyền bất chấp dư luận khi lương tâm ta buộc ta hành động vì một chân lí tối cao nào đó. Trong các trường hợp trái lại, ta không được phép hành động chỉ vì chuyên đoán của ta mà bất chấp ý kiến của người khác (...)

Nhưng như vậy là phải luôn luôn chú ý tới lời dị nghị của thiên hạ ư? Không phải là luôn luôn nhưng ít nhất mỗi khi ta có quyết định gì quan trọng chẳng hạn khi ta tự cho mình cái quyền làm một việc bậy gì đó, từ chối không tỏ rõ thái độ khiến cho người khác hóa nhút nhát, không dám lãnh trách nhiệm; hoặc trái lại, khi ta muốn giúp đỡ ai mà bênh vực một ý kiến nào đó chống lại dư luận chung.

Nhưng như vậy là lệ thuộc vào dư luận rồi, còn đâu tự do nữa? Phải, nhưng bạn đã có ý niệm sai lầm về tự do rồi đấy, cho nó là đồng nghĩa với độc lập, không có trách nhiệm. Người nào hiểu rõ thực tế, luôn luôn nhận định được thân phận thực sự của mình, tức thân phận của một cá nhân cột chặt với toàn thể nhân loại bằng một sợi dây xích - sợi dây đó không làm ta đau khổ đâu nếu ta biết kiên nhẫn chịu và biết yêu đồng loại - thì người đó mới thực xứng đáng được gọi là tự do.

Cứ bình tĩnh

Bạn đã tập lái xe hơi chưa? Còn nhớ buổi đầu ra sao chứ? Mình cứng đơ ngồi trên chiếc nệm, nắm chặt lấy tay bánh; bạn chăm chú nghĩ tới cử động sắp làm, loay hoay tới nỗi máy kẹt, không chạy được nữa. Tại sao thần kinh bạn căng thẳng như vậy? Tại bạn không vững bụng, sợ có một cử động nào vụng về trước mặt người dạy lái xe. Nếu người này thông minh thì tức đã bảo bạn: "Cứ ngồi cho thoải mái, đừng nắm chặt cái tay bánh, cứ bình tĩnh thở, với lại tôi ngồi bên cạnh mà ngại cái gì?"

Nhiều người cũng mắm môi mắm lợi lái cuộc đời họ như bạn lái xe hơi hồi đó. Tại sao? Tại sao họ sợ. Sợ những nỗi khó khăn nó xảy ra hoài (phần nhiều là bất thần), sợ lầm lẫn, sợ thất bại. Họ có tham vọng muốn làm cái gì cũng hoàn hảo, mà chỉ tin ở sức mình thôi. Họ không chịu tự nhận là kẻ tập sự, học nghề, nên không tự phó thác cho một "hướng dẫn viên". Tinh thần họ căng thẳng, môi họ mím lại, mắt họ ngó trừng trừng, tư thế họ cứng đơ, cử chỉ họ vụng về. Những kẻ khốn khổ đó hầu hết là nạn nhân một nền giáo dục gia đình lầm lẫn: ngay từ hồi nhỏ, cha mẹ họ đã nhồi vào óc họ rằng hễ có nghị lực là làm được những việc oanh liệt, mà quên không dạy cho họ điều cốt yếu này: biết tin cậy vào "hướng dẫn viên".

Nhưng hướng dẫn viên đó là ai?

Ở gần Bắc Cực và Nam Cực, có những tảng băng lớn vô cùng, nổi lềnh bềnh trên biển, người ta gọi là băng đảo (iceberg). Những tảng băng đó chỉ có một phần nhỏ nổi trên mặt nước, còn phần lớn chìm ở dưới. Con người cũng vậy, có một phần ý thức hiện ra ngoài và một phần vô thức không hiện ra: tôi gọi phần trên là hiện thức, phần dưới là tiềm thức. Cái "ngã" tự ti, cái "ngã" hiện thức chỉ là một phần nhỏ của toàn thể cái "ngã". So sánh cái "ngã" của ta với một cây thì phần hiện thức của cây, cành và lá còn phần tiềm thức là rễ ăn sâu ở dưới đất. Chính phần tiềm thức này chứa và phân phối các sinh lực của ta. Chính nó phát ra cái mà ta gọi là bản năng, trực giác, năng lực sáng tạo; ta nằm mộng, linh cảm, tiên tri được cũng là nhờ nó.

Nó sáng suốt hơn phần hiện thức của chúng ta. Trên đường đời ta tiến dễ dàng hơn, nếu ta tin cậy nó mà đừng day tay mắm miệng bắt ý chí của ta gắng sức quá mức (...) Các y sĩ, các nhà trị bệnh bằng tâm lí và các mục sư thường thấy các bệnh nhân hoặc tín đồ phàn nàn và hỏi như vầy: "Tôi đã gắng sức làm mà không có kết quả, tôi tuyệt vọng rồi. Biêt làm sao bây giờ?". Và luôn luôn các vị đó đáp lại đại ý như sau: "Đừng làm gì nữa". Như vậy không có nghĩa là phải an phận, buông xuôi, mà có nghĩa là cứ tiếp tục chiến đấu bằng cách ngược hẳn lại, đừng lo lắng, co rút lại nữa, mà cứ bình thản cho gân cốt dãn ra. Nói cách khác là đừng bắt trí óc, nghị lực phải căng thẳng mà cứ hoàn toàn tin cậy ở "hướng dẫn viên" của mình và tin ở tiềm thức của mình.

Mới rồi tôi nằm mơ thấy mình sắp chết, đương hoảng hốt, thì bỗng nghe thấy có ai bảo: "Cứ thản nhiên, đừng lo sợ". Tôi nghe lời và thấy mình như ở trên một con tàu lênh đênh trên làn nước phẳng lặng của một con sông rộng, trôi tới những miền tối tăm, bí mật, mà không sợ sệt, không đau đớn, êm như ru. Hễ nằm mơ thấy chết thì luôn luôn là một dấu hiệu sắp có sự thay đổi. Cái tiềm thức của tôi lần đó đã khuyên tôi cứ tin ở một sức mạnh lớn hơn, để mặc nó chỉ huy đời tôi.

Làm một công việc gì, tới khi thấy bí, gắng sức hoài mà không có lối thoát, thì tôi bỏ ngay công việc đó mà làm công việc khác cho tới hết ngày. Sáng hôm sau, sự khó khăn hôm trước tự nó giải quyết xong vì trong khi cái hiện thức của tôi ngủ thì cái tiềm thức của tôi vẫn tiếp tục làm việc. Trong đời tôi, mỗi lần gặp một vấn đề đặc biệt gai góc nào, tôi cũng dùng phương pháp đó (tôi phải thú thực rằng tôi phải khó nhọc mới tập áp dụng nó được): sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết tâm bỏ mặc nó, không thắc mắc về nó nữa. Như vậy không có nghĩa rằng tôi "xô lùi" vấn đề lại, để có ảo tưởng rằng mọi sự đã được giải quyết thỏa đáng; trái lại tôi nhận ra rằng tôi không thể giải quyết được nó bằng những phương tiện của tôi, và tôi giao vấn đề cho "hướng dẫn viên" của tôi. Thế là tôi được bình tĩnh và đó là bước đầu tiên tiến tới giải pháp được rồi, vì có bình tĩnh thì mới sẵn sàng nhận được sự giúp đỡ của người khác hay của hoàn cảnh.

Khi tôi bảo rằng "tiềm thức" có thể giúp đỡ ta được là tôi nói theo tâm lí học. Xét theo một khía cạnh khác thì có thể gọi sức mạnh đó là thần phù hộ cho mình, là Thượng Đế; nhưng thượng đế và tiềm thức không hoàn toàn như nhau, (...)

Trong đạo Phật, có một phái gọi là Thiền. Không thể giảng cho bạn hiểu trong vài hàng thế nào là thiền được, nhưng tôi xin kể chuyện dưới đây để bạn có một khái nệm về thiền. Trong một cuộc thi bắn cung, một người Âu thấy một bậc thầy trong thiền môn giương một cây cung rất lớn và nặng. Vì quen dùng sức mạnh của bắp thịt, người Âu đó ngạc nhiên rằng nhà tu hành giương cung sao mà dễ dàng thế. Nhà tu hành bảo: "Ông thử nắn bắp thịt ở cánh tay tôi mà xem". Bắp thịt hoàn toàn mềm như thường, cơ hồ không vận dụng tới. Mũi tên nhẹ nhàng phóng ra, bay rất xa mà nhà tu hành không mệt sức chút nào cả. Theo đạo thiền, nghệ thuật bắn cung là nhận định cho đúng cái đích phải nhắm, tưởng tượng trước trong óc rằng mũi tên bay trúng đích, rồi thản nhiên để cho cái sức ở nội tâm giúp cánh tay của mình.

Yêu Đời

Một vị độc giả mới bảo tôi rằng trong những bài của tôi, ông ta thương hại cho tôi vì tôi coi đời sống là quá nghiêm trang, như vậy thì không thể hưởng đời được. Tôi xin phép ghi lại dưới đây một cuộc đối thoại giữa tôi và ông ấy.

Tôi: Vậy ông cho rằng tôi là một kẻ không thể hưởng đời ư? Hay là ông muốn bảo rằng tôi không hưởng được đời của tôi?

Ông ấy: Hưởng đời với hưởng đời của bà thì khác nhau chỗ nào?

Tôi: Xin ông giảng cho tôi nghe thế nào là hưởng đời đã.

Ông ấy: Dễ hiểu mà. Tôi đoán rằng bà kiếm được đủ tiền để có thể đi du lịch được...

Tôi: Xin ông cứ nói tiếp!

Ông ấy: Vậy, nếu bà biết hưởng đời thì bà sẽ đi du lịch và trong khi du lịch, bà sẽ vui vẻ sống mà chẳng thắc mắc về những vấn đề nghiêm trọng đó.

Tôi: Vậy thì tôi sẽ làm gì những khi không đi du lịch?

Ông ấy: Bà sẽ lập một thời khắc biểu tùy theo sở thích: làm việc vừa phải, tiếp bạn bè, đi dạo phố, thăm bạn, coi hát, mặc đẹp, ăn ngon, v...v...

Tôi: Nhưng nếu tôi cho như vầy mới là hưởng đời: là cô tình nhân của một ông chủ mỏ dầu lửa giàu sụ, hoặc của một ông hoàng Ba Tư, có một chiếc du thuyền lộng lẫy, chẳng phải mó tay vào một việc gì? Ông nghĩ sao? Ông cho rằng cái đó không hợp với thị hiếu của tôi chăng? Tại sao lại không?

Ông ấy: Tôi muốn nói rằng có những thị hiếu có thể thỏa mãn được mà không tốn tiền như vậy. Tôi: Thế nhưng nếu những thứ vui mà ông đã kể cho tôi đó không hợp với tôi thì sao? Và nếu cái thú vui nhất của tôi là cứ ngồi ở nhà và suy tư, giải quyết một số vấn đề để giúp người, giúp đời thì sao?

Ông ấy: Thì như tôi đã nói, cảnh của bà thật đáng thương vì quả thực là bà không biết hưởng đời.

Tôi: Thật là tội nghiệp cho tôi!... Nhưng ông không nghĩ rằng mỗi người hiểu tiếng "hưởng đời" theo một nghĩa ư? Một chàng trai thích tán gái thì cho hưởng đời là chinh phục được nhiều đàn bà; một con người sành ăn hưởng đời là được ăn ở những nhà hàng danh tiếng nhất; một chú tiểu tư sản trí óc hẹp hòi cho hưởng đời là sống yên ổn, dễ chịu, êm ấm, v.v... Tôi thì tôi cho hưởng đời là suy nghĩ, tìm ý, đọc những tác phẩm khó và cao, làm việc và thỉnh thoảng nằm dài dưới ánh nắng.

Ông ấy: Bà mói nói: "Nằm dài dưới ánh nắng!"! Nhờ trời, ít nhất cũng đã đồng ý với nhau về một điểm rồi.

Tôi: Ông, tôi, và tất cả những người khác, có nhiều điểm chung với nhau lắm chứ. Hết thảy chúng ta đều ước ao được khỏe mạnh, không đau ốm, khỏi phải lo thiếu thốn tiền bạc, khỏi bị cái nạn chiến tranh, không có những người hàng xóm độc ác, những đứa con hư hỏng, những đam mê xót xa. Chúng ta ước ao không bị cái nỗi thống khổ về xã hội và tinh thần của thời đại, nghĩa là những người ở chung quanh ta. Tránh được những bất mãn đó thì chúng ta có thể hưởng đời của mình rồi.

Ông ấy: Tôi không hiểu tiếng "hưởng đời" theo cái nghĩa như vậy. Có thể vẫn lo lắng mà vẫn hưởng đời được.

Tôi: Nhưng nếu, trừ được những nỗi lo của mình - nghĩa là khỏi bận lòng về nó - mà vẫn không thoát khỏi nỗi thống khổ của những người ở chung quanh ta? Nếu chúng ta không thể bế mòn, không tiếp xúc với người khác? Nếu, đúng cái sắp sửa đi du lịch ngoạn cảnh thì ta hay tin có một người đang bị bệnh nặng, không có tiền để nhờ y sĩ giải phẫu? Nếu đúng lúc mình muốn ăn một bữa ngon thì sực nhớ rằng có người đói khát, vẻ mặt tiều tụy, những người đã nhìn thấy mặt mà không biết tên? Và nếu những ý nghĩ đó biến thành tình cảm mãnh liệt tới nỗi lương tâm ta bứt rứt, buộc ta phải làm cái gì để cứu giúp những người đó, thì sao?

Ông ấy: Nhưng ai mà có thể suốt đời chỉ nghĩ tới người khác được!

Tôi: Phải. Nhưng cái bi thảm của xã hội là mỗi người không muốn giúp đỡ người khác mà chỉ muốn quơ về phần mình hết những thú vui mình có thể hưởng được.

Ông ấy: Đúng. Nhưng chúng ta có thể hưởng phần vui của mình mà không làm thiệt người khác

Tôi: Đồng ý.

Ông ấy: Đó, bà thấy không?

Tôi: Nhưng nếu tôi không thể hưởng vui một mình được thì sao?

Ông ấy: Thì như tôi đã nói, tôi thương hại cho bà.

Tôi: Cảm ơn ông. Nhưng này, tôi xin hỏi ông: Ông có cho rằng "hưởng đời" đồng nghĩa với "yêu đời" không?

Ông ấy: Dĩ nhiên rồi: thái độ này là hậu quả của thái độ kia. Tôi: Tôi mạn phép ông, xin được nghi ngờ điều đó. Có thể yêu đời mà không hưởng đời, và có thể hưởng đời mà không thật sự yêu đời. Chắc ông cho là vô lý?

Ông ấy: Xin bà giảng cho rõ.

Tôi: Chắc ông cũng đã thấy những người sống mà lúc nào cũng thắc mắc về người khác và về cái chết chứ.

Ông ấy: Trời đất! Bây giờ thì tôi thấy rõ rằng bà không thể hưởng đời một chút xíu nào hết. Phải bà muốn nói...

Tôi: Xin ông kiên nhẫn một chút, nghĩ tới cái chết, tức là sống mà luôn luôn muốn hỏi mục đích của cuộc sống là gì.

Ông ấy: Nhưng nhất định không phải là để cho đời sống trôi qua mà không yêu nó, không hưởng nó.

Tôi: Điều cần biết là muốn hưởng đời có thực là yêu đời hay không. Tôi không bảo rằng phải chối bỏ một cuộc vui khi nó xảy tới. Thái độ chế dục, khổ hạnh một cách ương ngạnh đó chỉ là một thái độ bạc bẽo, ưu uất. Nhưng tôi cho rằng người nào cũng theo quy tắc sống thì phải hưởng đời là người đó chỉ ở bên cạnh đời sống thôi.

Ông ấy: Phải, cái gì cũng có giới hạn. Không ai có thể hưởng lạc được, ai cũng có những lúc phải lo lắng.

Tôi: Vấn đề không phải ở đó. Tôi muốn xét cái thái độ căn bản của chúng ta đối với đời sống. Hoặc chúng ta ao ước đời sẽ cho chúng ta rất nhiều thú vui, để rồi mà thất vọng khi thấy đời không được như ý; hoặc chúng ta nhận trước rằng đời cũng có những khó khăn, đau khổ. Yêu đời chẳng phải là yêu cái bề vui của đời, mà yêu tất cả các khía cạnh của đời, cũng như yêu ai, không phải chỉ là vui khi người đó vui vẻ, dễ thương mà là yêu tất cả những tật xấu cùng đức tốt của người đó, như một toàn thể không thể chia ra từng phần được.

Ông ấy: Phải, thật đáng buồn, phải thích ứng với tất cả những bất mãn, không làm sao tránh cho hết được.

Tôi: Ông cố ý không chịu hiểu tôi! Xin ông nghe kĩ rồi trả lời tôi nghe này. Có hai người muốn đi thăm nước Ý. Một người chỉ dừng lại ở những thị trấn lớn, ghé những khách sạn sang nhất, ăn tại những nhà hàng danh tiếng nhất, làm quen với những người trong giới thượng lưu La Mã. Còn người kia đi bộ vào những làng hẻo lánh, sống chung với dân quê và những người nghèo khổ, chuyện trò với thợ thuyền và nếu ngẫu nhiên có một phú gia nào mời về chơi, đãi một bữa tiệc ngon thì cũng không từ chối. Tôi hỏi ông, người nào sẽ biết nhiều về nước Ý và yêu nước Ý hơn cả?

Ông ấy: Như vậy thì ít nhất bà cũng đã có một lần nhận một lời mời tiệc cưới của một phú gia rồi! Theo tôi, muốn biết một xứ nào thì cũng phải biết tất cả những thú vui ở đó.

Tôi: Nhưng muốn biết xứ nào thì không nên chỉ lại xứ đó để tìm những thú vui rồi hễ gặp một điều gì bất mãn thì cằn nhằn. Ông biết câu tục ngữ Anh này không? "you can't have the cake and eat it" (không thể vừa dành cái bánh, vừa ăn nó được). Chỉ có thể hoặc ăn nó, hoặc để dành nó. Dĩ nhiên, ông có thể không ăn nó, mà chỉ nhấm nháp mấy hạt nho khô trên cái bánh, nhưng nho khô không phải là cái bánh, và chỉ ăn nho không thì không biết được hương vị cái bánh. Nhưng thôi, đừng ví von nữa... Ông đã trách tôi, đúng hơn là đã thương hại cho tôi rằng không biết hưởng đời. Tôi sẽ đáp ông rằng tôi yêu đời thiết tha, yêu mọi hình thức của cuộc sống, mọi sinh vật, tới nỗi tôi không thể tự tách rời cuộc sống và chỉ hưởng một mình những cái vui của cuộc sống.(...)

Ông ấy: Rốt cuộc thì chẳng qua là vấn đề tùy thích. Tôi thì tôi chỉ thích cái phần vui của đời. Có lẽ cũng là vấn đề tính khí của từng người, hoặc là hậu quả những kinh nghiệm trong đời sống của từng người. Có lẽ phải cần chút hùng tâm mới yêu đời được cả những khi mình thấy nó bi đát và tàn nhẫn. Nhưng riêng phần tôi thì cho tới bây giờ, tôi đã nhón được những hạt nho khô của đời tôi rồi.

Tôi: Tôi biết trả lời ông ra sao đây? Thôi chỉ xin chúc ông đừng kiếm thêm được hạt nho khô nào nữa để tập biết hương vị của chiếc bánh.


dieuphap.com

Trở về Trang 1 Chấp nhận cuộc đời

Trang kế