dieuphap.com


 

 

 

 

CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI

 Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

THƯ TỪ 

Chúng ta viết thư để làm gì? Để báo tin hay kể nỗi lòng mà vì lẽ ở xa hay ngượng ngùng, không thể nói ra miệng được. Vậy viết thư là nói chuyện với một người hoặc trả lời một người. Trao đổi thư từ với ai là truyện trò với người đó và hai thứ đàm thoại bằng thư từ và bằng lời nói đều theo những quy luật chung. Phải có gì để nói, và điều mình muốn nói phải làm cho người kia thích. Không nên độc thoại mà coi người kia chỉ là một thính giả thụ động; cũng không nên bắt họ phải đọc một bức thư dài quá, chữ viết như gà bới mà nội dung chỉ toàn những lời than thân trách phận, chỉ nghĩ tới mình thôi. Phải nghĩ tới hoàn cảnh của người kia và tự đặt mình vào địa vị họ. Nếu là để hồi âm thì sau khi chăm chú đọc xong, ta phải sẵn sàng đưa ý kiến, nếu cần, sẵn sàng giúp đỡ nữa. Tóm lại: trong cuộc đối diện đàm thoại phải lễ độ ra sao thì trong thư từ phải lễ độ như vậy hoặc hơn nữa. Vì khi nói chuyện với nhau nếu hiểu lầm nhau thì giảng giải cho nhau nghe được, nếu lỡ quá nghiêm khắc với nhau thì có thể dịu giọng xuống ngay được, còn như viết thư thì chữ nào đã viết rồi, sẽ còn hoài đó, không sửa đổi được nữa và có giá trị như một tài liệu. Vả lại từ khi gửi thư đi, tới khi nhận được hồi âm, thời gian dù ngắn tới đâu cũng đủ lâu cho lời nhục mạ hoặc trách móc của ta đâm rễ sâu vào lòng người kia rồi.

Nhiều người đã quyết định như vầy: mới nhận được một bức thư nào, mà xúc động, nóng nảy muốn hồi âm liền thì cứ viết nhưng để đó, không gởi vội, đợi lúc bình tĩnh rồi sẽ viết lại một bức khác. Thói quen đó tốt.

Các tòa báo và đài phát thanh đều nhận được nhiều bức thư của nhiều hạng độc giả, thính giả hay cự hoặc chê bai vung lên. Họ là những người có bệnh thần kinh - đọc thư của họ ai cũng thấy liền - ở nhà, ở sở bị coi thường nên trút cả nỗi hận lên nhân viên tòa soạn và đài phát thanh, để cho thỏa mãn cái bản năng gây gổ hoặc tánh hiềm kị của mình. Người nhận được thư chẳng coi ý kiến của họ ra cái gì và còn khinh họ nữa.

Khi tôi nhận được những bức thư như vậy, thì cũng như hầu hết các bạn đồng nghiệp của tôi, chưa đọc hết, đã muốn liệng vào giỏ giấy. Nhưng tôi cũng tự buộc mình phải đọc cho hết vì mình phải thành thực và khiêm tốn nhận rằng những lời mạt sát của họ không phải là hoàn toàn vô lí cả đâu. Nói vậy rồi, tôi xin trình bày mục tiêu chính của bài này.

Rất ít người biết chuyện lắm, dù là bằng lời hay bằng thư. Hầu hết đều không được học cách nghe người đối thoại, tự đặt mình vào địa vị người đối thoại.

Năm 1948, sau ba năm cực khổ tản cư ở đồng ruộng tôi được hồi cư về thành và tôi dắt các con tôi đi coi ngay những cảnh lạ ở thành: vườn bách thú, rạp xiếc, rồi tôi bảo chúng: "Bây giờ các con có thể viết thư tả cho các bạn ở K. biết những cái đẹp mà các con mới thấy đó". Tức thì đứa con trai thứ của tôi bất bình la lên: "Không nên, ai lại nhẫn tâm như vậy kìa! Các anh chị ấy sẽ tủi thân rằng mình không được coi những cảnh đó!"

Trong một cuộc du lịch hoặc đi nghỉ mát, chúng ta thường gởi những tấm bưu thiếp đẹp đẽ cho những người quen biết không được may mắn đi chơi như ta, mà chúng ta không bao giờ tự hỏi cử chỉ đó sẽ tác động tới họ ra sao.

Như vậy có nghĩa là không bao giờ nên báo tin mừng của ta cho bất kì một người nào ư? Nên chứ, sao lại không? Nên báo cho những người bạn thân nhất của ta chẳng hạn miễn là mình biết chắc rằng không làm cho bạn ghen với hạnh phúc của mình, dù chỉ là ghen ngầm. Nhưng xét chung thì khi tâm sự với ai, kể niềm vui hay nỗi khổ của mình, ta nên thận trọng mà đừng quá đòi hỏi người phải có thiện cảm với ta. Chúng ta nên luôn luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh hiện tại của người, cảm xúc suy tư y như người, nếu không thì có thể làm phật ý người trong hoàn cảnh đó. Khi một người nào kể lể nỗi đau khổ của họ với ta, mà ta chỉ an ủi một câu sáo rằng ở đời ai cũng đau khổ, chính mình đây cũng đau khổ, thì chưa đủ; mà còn phải tưởng tượng nỗi đau khổ ấy đối với người đó, đặc biệt ra sao nữa. Như vậy thì nỗi khổ hay niềm vui của người thành nỗi khổ và niềm vui của chính ta. Muốn tưởng tượng và cảm thông với người như vậy, phải tập lâu mới được.

Còn một tật nữa trong khi thư từ với người khác: là tật không biết biện luận. Viết một bức thư toàn kể chuyện riêng của mình, thành công ra sao, khổ sở ra sao là việc dễ dàng. Mà viết cho một người luôn luôn đồng ý với ta, ta nói gì cũng khen, thì cũng dễ nữa. Nhưng nếu người nhận thư không đồng ý với ta, đưa một ý kiến mà ta muốn đả kích? Lúc đó ta có chú ý xét ý kiến của người đó không? Có đủ bình tĩnh không? Hay là ta cho bất kì ý kiến nào khác với ý kiến ta cũng là một lời mạt sát ta? Tôi có một số độc giả không để cho ta yên: luôn luôn tìm được cớ chê bai tác phẩm của tôi hoặc chê bai tôi. Đôi khi tôi nổi quạu vì tôi cũng có cái tật chung của mọi người là thích được khen. Nhưng tôi phải nhận rằng những bức thư của các độc giả đó có lợi cho ta hơn cả, vì có tranh luận, xét cả chính đề cùng phản đề rồi mới tìm ra được chân lí. Nếu có vì vậy mà phải nuốt đắng thì cũng chẳng sao!

Tôi thường nhận được những bức thư mà người viết cơ hồ không hỏi tôi một câu gì rõ rệt cả. Hơn nữa, có người biết vậy chứ, nói thẳng ra trong thư nữa chứ. Nhưng như vậy thì họ viết thư cho tôi làm gì kìa? Họ viết để mong tôi trả lời. Nhưng trả lời cái gì bây giờ vì họ không hỏi tôi một câu nào cả? Có chứ, họ có hỏi đấy, nhưng câu hỏi của họ phải đoán mới hiểu được, nó đại thể như vầy: "Bà có nghe thấy lời kêu gọi của tôi không? Tôi cô độc ghê gớm, tôi mong rằng lời kêu gọi này của tôi sẽ tới tai bà". Quả thật, có những người rất cô độc, tới một ngày nào đó không chịu nổi cảnh đau khổ của mình, phải viết thư cho bất kì ai dù chưa quen, nếu không thì tưởng chừng có thể chết được. Đối với những người đó, viết thư không phải chỉ là một niềm vui nhỏ, phụ thuộc, vui vì được kể chuyện với bạn bè, mà là một nhu cầu quan hệ với sinh tử. Bức thư hồi âm dù nội dung ra sao thì cũng có một giá trị tượng trưng: người kia đã cất tiếng cầu cứu trong không trung, thì mình phải trả lời để cho họ thấy họ không bị bỏ quên đâu, mà còn những người đồng loại ở khắp nơi. Chính ta, lời cầu cứu của họ có thể coi là lời cầu cứu với Thượng đế đấy. Vì vậy nếu không trả lời thì thật là tàn nhẫn vô cùng.

Nhưng đối với những người đau khổ vì cô đơn hay vì một nỗi niềm nào khác, mà ta chỉ tỏ lòng ân hận, thương hại thì có đủ không? Không. Còn phải tỏ cho họ thấy rằng mình hiểu họ, và làm cho họ tin rằng họ có thể cải thiện tình cảnh được bằng cách xét lại nỗi khổ của họ theo một quan điểm khác, đừng nghĩ tới vấn đề cá nhân của mình nữa mà nghĩ tới những vấn đề chung: biết nhìn xa hơn, suy tư sáng suốt hơn.

Sau cùng về hình thức bức thư: khi một người khách lại thăm ta, nếu ta chỉ trả lời họ vài câu vội vàng, hoặc bắt họ đợi hàng giờ mà việc của họ lại gấp, thì là ta vô lễ; khi viết thư trả lời ai cũng vậy, nếu chỉ vắn tắt vài dòng cho xong nợ hoặc nếu đợi cả tháng mới hồi âm thì cũng là bất lịch sự. Chữ phải viết cho dễ đọc, mà giấy thì đừng quơ bậy bất kì một mảnh nào. Phải làm sao cho người nhận thư có cảm tưởng được ta kính trọng, chứ không bị coi rẻ như một kẻ ăn mày. Giao thiệp bằng thư từ thì sự lễ độ chân thành từ trong đáy lòng là điều cần nhất.

Tôi cô độc quá

Không lời than nào phổ biến bằng lời đó. Ta thấy nhan nhản trong văn học mọi dân tộc và mọi thời đại. Luôn luôn có kẻ đau khổ vì cô độc.

Có điều lạ là thời này lời than đó nhiều hơn thời nào khác. Mà địa cầu đông nghẹt người chứ: người ta ở chen chúc nhau, làm việc chung với nhau trong công sở, trong hãng, trong xưởng; đi du lịch thành từng nhóm: cắm trại, chơi thể thao, giải trí "với nhau". Cách xa nhau bao nhiêu người ta cũng có phương tiện lại thăm nhau được, chứ không như hồi xưa quan san cách trở.

Ngay cả những bệnh nhân nằm dí một chỗ cũng không hoàn toàn là cô quạnh: có thể gia nhập một hội nào đó mà trao đổi thư từ với các hội viên khác.

Người nào không thể kết giao với người khác được vì thiếu phương tiện thì có thể nhờ một nhà trung gian chuyên môn. Tóm lại, chỉ người nào muốn cô độc thì mới cô độc thôi.

Thực vậy, rất ít ai bắt buộc phải sống cô độc. Nếu muốn có bạn thì chỉ việc kiếm là ra.

Nhưng sự cô độc về thể chất và sự cô độc về tinh thần khác xa nhau, ta cần nhấn mạnh điểm đó. Người ta có thể "cảm thấy" cô độc ghê gớm (mà "sự thực" không cô độc một chút nào) dù ở trong một bữa tiệc, ở trên bãi biển đông nghẹt người hoặc ở trong nhà mình. Trái lại, ở giữa một đám đông xa lạ, người ta có thể thấy mình thuộc vào một đoàn thể nếu mình có chng một ham mê, một mục tiêu nào đó.

Vậy người ta có cảm thấy cô độc là khi nào vắng bạn cùng sở thích với mình - bạn ra sao, sở thích ra sao, điểm này không quan trọng.

Trước hết chúng ta phải xét sự cô độc là vấn đề hoàn cảnh ở ngoài hay là vấn đề nội tâm. Khó trả lời được vì muốn phân tích thì phải đi sâu vào vấn đề thân phận con người.

Cho nên tôi chẳng muốn bàn rộng quá ra như vậy, chỉ xin thưa một cách giản dị... và thận trọng rằng: nhiều người đau khổ, than thân rằng cô độc, chính là tại họ.

Muốn thoát khỏi cảnh cô độc, nghĩa là muốn hưởng được sự giao thiệp thân mật và hữu ích với người khác, thì trước hết phải thích sự giao thiệp đã, phải tích cực tìm bạn và giữ được tình bạn.

Tôi biết một bà nọ đã đứng tuổi, độc thân, đau khổ vì cô độc tới nỗi có lần muốn tự tử. Mỗi khi tìm được bạn mới, bà ta tràn trề hy vọng và nhiệt tâm, nhưng bà không hiểu vì đâu không một tình bạn nào kéo dài được quá một năm.

Bà không hiểu chứ tôi thì hiểu. Bà ta chỉ coi "người kia" là một phương tiện cho bà đạt được mục tiêu, một thứ thuốc trị bệnh buồn rầu cho bà, một thứ "lồng ấp tinh thần" cho bà ấm áp, một thứ khán hộ cho bà.

Bà đòi bạn bà luôn luôn ở bên cạnh cho bà nhờ cậy, luôn luôn âu yếm, vui vẻ, dễ thương. Tôi có thể nói rằng bà ta lợi dụng người bạn như vắt một trái cam, chứ không nghĩ cách hòa hợp với bạn, chấp nhận lẫn nhau. Bà muốn chiếm hết mà không cho lại bạn chút gì. Vì vậy mà kết giao lần nào cũng thất bại, và cứ sau mỗi lần bà ta lại thấy cô độc gấp hai trước. Nhưng sự cô độc còn có thể có những nguyên nhân khác.

Có người sau một hai lần thất bại trong tình bằng hữu hoặc ái tình rồi đâm ra sợ, không dám liều một lần nữa, thích sống cô độc, hoặc chịu thầm lặng đau khổ, hoặc làm ra vẻ thách thức thiên hạ: "Tôi thích sống một mình, tôi chẳng cần ai cả".

Cũng có người hồi nhỏ không được âu yếm, mà mất tinh thần, chán nản, lớn lên, thành hạng người "nan du". Hạng người này đau khổ vì không được hưởng vị của đời sống, tức cái khả năng yêu và được yêu. Họ cô độc không phải tại họ, mà tại hoàn cảnh hồi nhỏ. Họ có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh cô độc đó được nếu gặp được một người thật tình yêu họ, làm cho cõi lòng tê cóng của họ ấm áp lên. Dùng phép trị bệnh bằng tinh thần, có thể có kết quả được, nhưng không chắc chắn, vì khi khỏi bệnh rồi, hết "nan du" rồi, chắc gì họ sẽ gặp một người bạn hợp với họ?

Cũng có người, mặc dầu có bạn thân, yêu bạn và được bạn yêu, mà vẫn thấy mình đôi khi cô độc. Những người đó cảm thấy rất mạnh sự cộng đồng của loài người về phương diện xã hội hay tôn giáo, nhưng đôi khi nghĩ tới cái hố có thể ngăn cách người này với người khác mà rùng mình.

Cảm tưởng cô độc đó có tính chất chủ quan thật đấy, nhưng có đúng với sự thật khách quan không? Nghĩa là rốt cuộc con người có thật sự cô độc không?

Có mà không. Bởi vì thoạt kì thủy con người vốn cô độc, phải bắc cầu giao cảm với người khác, và dùng những cầu ngwoif khác bắc cho mình, mới có thể tiếp xúc với người khác, yêu người khác được. Nhưng tình nhân luôn luôn bị đe dọa. Tệ hơn nữa, nó chứa sẵn cái mềm tự diệt nó.

Vì không có gì dễ mất và mau tan bằng tình đời, không có gì thường xảy ra bằng kinh nghiệm chua chát khi mình mất ảo tưởng.

Phải biết tất cả những cái đó thì tình yêu mới có thể lâu dài và bền bỉ được. Chỉ khi nào biết rằng ai cũng đau khổ vì cô độc thì mới biết thương người, yêu người và làm cho nỗi cô độc của mình và của người dịu đi.

Tôi nói rõ: dịu đi chứ không phải bị diệt hẳn. Chúng ta nên thực tế và can đảm, đừng nên đòi hỏi ở đời, ở người khác nhiều quá.

Dù có lòng kính tin rất mạnh của một tín đồ với Thượng Đế thì chúng ta cũng không thể không cô độc được. Có những vị thánh cũng đau khổ vì cô độc, mặc dầu rất yêu Chúa và yêu nhân loại. Và tiếng kêu ghê gớm này của Chúa Ki Tô ở trên thánh giá: "Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa nỡ bỏ con?" chẳng phải là tiếng kêu chung của những người mà tình cảnh cô độc làm cho tuyệt vọng đấy ư?

Hết thảy chúng ta, chẳng nhiều thì ít, đều bị cảnh cô độc. Vậy thì làm sao bây giờ? Phải chịu đựng nó, vì cũng như mọi nỗi khổ khác, nó giúp chúng ta nhận định rằng thân phận con người phải tiến hóa hoài.

Làm quen với cái chết

Khi tôi xin làm nhà cầm Ý cho phép tôi được triển hạn lưu trú, người ta hỏi tôi: "Bà tính ở đây bao lâu nữa?", tôi đáp: "Ở hoài, cho tới khi tôi chết". Tôi vừa thốt xong tiếng cuối thì cả sáu công chức có mặt lúc đó đều nắm tay đưa xuống đất, ngón trỏ và ngón út đều chìa ra như một cặp sừng, làm dấu "phủ phui". Họ cho như vậy là gở. Phải kị, không được thốt ra tiếng chết.

Điều đó thật lạ lùng nhất là người Ý có vẻ coi thường hoặc quen với cái chết. Xe tang của họ, không trá hình thành những xe giao hàng đẹp để chạy lén tới nghĩa địa như có mặc cảm tội lỗi; trái lại, quan tài đặt trên xe, phủ đầy hoa, không có ý che giấu, ai cũng trông thấy, phía sau là bọn người đưa đám, đi bộ hoặc ngồi xe và đám tang trịnh trọng len lỏi qua các đường phố, trước mắt mọi người.

Đành rằng mình dự đám tang một người khác, với chính mình chết, người ta đưa ma mình, hai cái đó khác xa nhau. Dù miệng muốn nói chết phắt cho rồi, mà được sống thì chúng ta cũng không từ. Sinh vật nào cũng sợ chết.

Chúng ta đều phải chết một ngày nào đó. Đời sống nào cũng tiến tới sự chết, không sao tránh khỏi. Có nhiều thái độ đối với luật thiên nhiên ấy. Một thái độ là tuy nhận rằng ai cũng phải chết, nhưng về riêng mình thì cứ coi như mình sẽ sống hoài, hoặc ít nhất sẽ còn sống được lâu, chưa phải quan tâm tới cái chết. Nhiều người có thái độ đó và không thể chê trách họ được.

Nhưng sớm muộn gì cũng tới lúc nhìn thẳng vào cái chết.

Một chuyện cổ tích kể rằng một người nọ giao hẹn với thần chết: thần chết sẽ không tới bắt người đó thình lình mà sẽ thỉnh thoảng sai sứ giả tới báo tin trước. Thần chết giữ lời hứa, sai các sứ giả: tai nạn, bệnh tật, tuổi già, tới báo tin. Nhưng người nọ không chịu coi những sứ giả đó là do thần chết sai tới, rốt cuộc cũng chết một cách bất ngờ.

Đối với chúng ta thì một trong những sứ giả của thần chết là lòng sợ chết. Không phải lúc nào ta cũng sợ chết đâu, nhưng có những thời ta sợ chết, chẳng hạn lúc ta suy nhược về tinh thần, kém sức chiến đấu. Lúc chúng ta u uất hay đau ốm. Nỗi sợ đó, chúng ta có thể đẩy lui nó, đuổi nó đi, nói cách khác, là chúng ta coi thường sứ giả của thần chết, chưa thèm nghĩ tới cái chết.

Có người không biết nỗi sợ đó, hoặc vì họ kém trí tưởng tượng hoặc trái lại, vì họ có hùng tâm. Ai cũng biết rằng một số người thiếu trí tưởng tượng, ý thức tâm lí, ra mặt trận mà chẳng sợ gì cả, rất dũng cảm mặc dầu là dễ cảm. Trẻ con cũng thường chết một cách dễ dàng, bình tĩnh lạ lùng. Và những người tử vì đạo nữa, cũng can đảm hi sinh tính mạng cho tín ngưỡng của mình.

Hình như khi biết chắc rằng không thể sống thêm được thì chúng ta ít sợ chết hơn là khi còn lí do để sống. Có thể tập chết được, tập ra sao? Thời nhỏ tôi có một thời sợ chết vô cùng. Bây giờ tôi quyết tâm thắng cho được nỗi lo lắng của tôi. Thế là buổi tối nào cũng vậy, lên giường nằm rồi, tôi úp mặt vào chiếc gối cho nghẹt thở, tới lúc bắt đầu ngạt hơi rồi mới thôi. Tôi không nhớ phương pháp cương nghị đó có lợi gì cho tôi không. Nhưng một đứa nhỏ mà tự nảy ra ý tập chết là chuyện lạ đấy chứ.

Bây giờ thì tôi đề nghị một cách khác: suy nghĩ về bản chất của cái chết để tinh thần mình quen với nó. Về phương diện sinh lí thì chết là trí não ngưng hoạt động. Lúc đó là lúc từ bỏ các người sống để qua một thế giới khác mà chúng ta hiện nay chưa biết gì cả. Nhân loại đã tưởng tượng ra nhiều cảnh xảy đến cho con người sau khi chết... Tâm linh đó đồng thời tắt khi thể xác ngưng hoạt động không? Có tan rã cùng với tế bào của cơ thể không? Cái mà trước kia là "sự sống" lúc đó có thể trở về với bản thể của vũ trụ không? Sự sống có tái sinh lại hoài từ cái bản thể đó không? Chết có phải là biến hóa thành nguyên liệu và nguồn sinh lực không? Hay là sau một thời gian lại trở về trái đất, đầu thai làm người? Hay là chết rồi, chúng ta vẫn còn như hồi sống, chỉ khác cái hình thức sinh hoạt thôi? Hay là ta trả cho Thượng đế đời sống cá nhân của ta, như giọt nước trở về biển cả. Nhưng nếu chết rồi, chúng ta vẫn còn là "ta" thì chúng ta sẽ ở đâu và sống ra làm sao? Ai mà biết được điều ấy? (...)

Nội cái việc sống cũng đủ cho ta tin rằng đời sống có một ý nghĩa, nếu không thì chúng ta sống làm gì? (vì nếu không thể suy tư để tìm cho đời sống một ý nghĩa thì nội cái việc chúng ta sống đây cũng là bất giác biện hộ cho đời sống một ý nghĩa thì nội cái việc chúng ta sống đây cũng là bất giác biện hộ cho một ý nghĩa nào đó của sự sống rồi). Tuy nhiên chỉ khi nào ta tin rằng chỉ sự chết có một ý nghĩa thì mới có thể tin được rằng sự sống có một ý nghĩa, vì sự chết với sự sống là một, nghĩa là có sống nhất đinh phải có chết. Trước cái chết chúng ta mới tự nhận định được mình, nhận định được đời sống của mình. Nhiều người đã xác nhận - vì chính mắt họ đã trông thấy - rằng có những người khi hấp hối cơ hồ như trông thấy, nghe thấy một cái gì làm cho họ khổ não vô cùng hoặc trái lại, sung sướng vô cùng.

Hình như cái đó tùy thuộc ở ta; có cái viễn ảnh khổ não hay sung sướng là tại ta. Ai cũng phải chết. Nhưng không nhất định là ai cũng đau khổ vô cùng khi chết: người ta có thể chết sung sướng được. Nhưng phải phân biệt vẻ mặt đau khổ ở ngoài với cái tinh thần ở trong. Cho nên người ta thường thấy những người hấp hối mặt nhăn nhó đau khổ, tới khi tắt thở rồi, những nét đó bỗng biến hết mà lộ vẻ rất sung sướng. Văn sĩ Georges Bernenos suốt đời sợ chết. Nhưng khi hấp hối thì ông không sợ chết nữa. Ông đăm đăm nhìn vào một vật vô hình, và nói, giọng cương quyết: "Bây giờ tới lượt hai chúng ta!" Rồi ông bình tĩnh tắt nghỉ.

Cái chết không phải từ ngoài tới đâu, dù là trong một tai nạn xe cộ. Vì cái chết đã phát sinh từ khi chúng ta mới ra đời. Trong suốt đời, chúng ta đã trải qua nhiều sự chết về sinh lí rồi. Này nhé, khi lọt lòng mẹ ra, cũng đã là một lần chết rồi. Rồi tới khi hết tuổi thơ, hết tân, rồi về già, hết khả năng tính giao: rồi những lúc con cái rời mình ra ở riêng, những lúc đoạn tuyệt một mối tình, hoặc có người thân chết, những lúc mất lần lần các ảo tưởng - nhất là ảo tưởng về chính mình - mỗi lần như vậy là một lần chết. Mỗi lần phải từ bỏ một cái gì là một lần chết. Mà không từ bỏ đi làm sao có sự tiến hóa? Từ bỏ sự thiệt thòi mà đồng thời cũng là một lợi ích. Chúng ta cũng không muốn phải xa cách những người thân, những cái gì đã quen với ta, và dĩ nhiên, chúng ta cũng không thích biến đổi, và rất sợ những đau khổ của sự tiến hóa. Vậy mà chúng ta vẫn can đảm chịu đựng cả trăm cái chết trong đời ta. Thế thì tại sao lại sợ cái chết cuối cùng? Chúng ta đã chẳng nhiều lần tập từ bỏ cái mình có đó ư? Mới đầu thấy là bắt buộc, lần lần rồi thành ra sẵn lòng từ bỏ. Cái số phận của ta, ta đâu có muốn như vậy, nhưng rồi chúng ta cũng vui vẻ chấp nhận nó. Cứ sau mỗi lần chết trong đời ta, là chúng ta phải tập bước vào một cõi mới lạ. Vậy mà lần nào chúng ta cũng được một bàn tay lạ, bất ngờ tiếp đón chúng ta. Vậy thì lo sợ làm gì cái lần chết cuối cùng? Nó sẽ như các lần chết trước thôi.

Người bệnh tưởng

Một hôm ở Munich, nhà soạn nhạc Karl Amadeus Hartmann lại thăm Igor Strawinsky, ông này đêm đó sẽ phải điều khiển ở Munich cuộc hòa tấu vài nhạc phẩm của mình. Hartmann thấy nhạc sư ngồi trong chiếc ghế bành, cổ quấn chiếc khăn choàng bằng len, miệng ngậm một chiếc hàn thử biểu:

Hartmann hỏi: - Trời! Ông đau ư?

Strawinsky đáp: - Chưa

Đó là thái độ điển hình của những người bị chứng ưu uất, lúc nào cũng sợ bị bệnh, tưởng tượng rằng mình sắp đau tới nơi, hoặc đương đau rồi nữa. Đàn ông hay đàn bà cũng có thể bị bệnh đó. Tư tưởng của họ như quay cuồng hoài, chung quanh cái bản ngã của họ, nghĩa là họ chỉ nghĩ tới họ thôi, đặc biệt là lo lắng về sức khỏe của họ, chứ không nghĩ tới người khác hoặc vạn vật chung quanh.

Tôi biết một bà nọ, lần nào gặp tôi, vừa mới chào hỏi xong, là đã chỉ ngay một phần nào đó trên thân thể rồi rên rỉ: "Đây, tôi đau ở đây!" Hơi mỏi lưng ư, là bà tin rằng bị chứng phong thấp, sưng khớp xương rồi. Mới nổi u một chút ở chỗ nào đó là đã nghĩ rằng có căng-xe (cancer), tim hơi đập mạnh do thời tiết thay đổi, thế là bà quả quyết rằng sắp lên cơn đau tim. Mà tới nay tôi quen biết bà đã hơn mười lăm năm, chưa hề thấy bà bị một bệnh nào nặng cả. Bà còn khỏe mạnh hơn ai nữa mà cứ tưởng tượng là mình đau. Vì biết cuộc đời của bà, nên tôi hiểu được bệnh ưu uất của bà vì đâu mà phát ra và phát từ hồi nào. Nguyên do là một lần bà bị thất vọng chua chát: bà không cưới được người bà yêu. Không chịu an phận mà lại không vượt lên khỏi cái bản ngã nhỏ nhoi của mình được, nên cứ nghĩ hoài về nỗi khổ của mình.

Do cái thói coi mình là trung tâm của vũ trụ đó, người ưu uất là khổ cho các người chung quanh và cả cho chính họ nữa. Lo lắng hoài về sức khỏe, họ hóa ra dễ bị những bệnh mà đáng lẽ, theo thể chất của họ, họ không bị.

Một y sĩ Anh, sau khi nghiên cứu kĩ các tương quan giữa trí "tưởng tượng" và bệnh tật, bảo rằng có nhiều người sợ bệnh nào nhất thì mắc đứng cái bệnh đó, nhất là khi bệnh đó đương phát mạnh ở trong miền. Có những bệnh đúng "mốt" thời đại, lúc thì có mối đau bao tử, lúc thì mốt huyết áp cao ... Có lẽ vì vậy mà ta hiểu được tại sao có thời trong một trường nọ hoặc tỉnh nọ, người ta mắc chứng đau ruột dư như mắc một bệnh dịch.

Y sĩ và y tá có khi do nghề nghiệp, mắc rồi chết vì những bệnh bí mật, kì cục chỉ riêng cho họ biết, còn người thường không bị vì không nghe nói tới những bệnh đó bao giờ.

Nguyên do là tại họ tự kỉ ám thị. Sức mạnh của tự kỉ ám thị lớn tới nỗi có thể gây trạng thái "có thai thần kinh": suốt chín tháng, người đàn bà có đủ những triệu chứng mang thai, mà sự thực là chưa thụ thai, và dĩ nhiên không sanh đẻ. Nguyên nhân thường là người đó mong có con quá mà bao lâu vẫn không có thai; nhưng cũng có thể là do quá sợ phải sanh đẻ, trường hợp này hiếm hơn. Sự tự kỉ ám thị có thể gây hiện tượng lớn lao như vậy là "có thai thần kinh" thì tất nhiên cũng gây được một cách dễ dàng nhiều bệnh tưởng tượng khác, gây được cả những hỗn loạn có thực trong cơ thể nữa.

Theo tôi nhận xét thì bệnh ưu uất thường là một hiện tượng có tính cách hỗn độn, xung đột, vì bệnh nhân nửa sợ nửa muốn có bệnh, muốn vì khi có bệnh rồi thì họ được nghỉ ngơi, trút hết những trách nhiệm họ gánh.

Bệnh ưu uất thường xuất hiện vào tuổi già, điều đó dễ hiểu: tuổi đó sức lực suy kém, người ta sợ chết, cho nên hơi sổ mũi, nóng lạnh là hoảng rồi. Người trẻ mà tiên thiên bất túc, cũng dễ bị bệnh đó. Nhưng tôi biết một người coi thường cái chết mà rồi thắng được bệnh. Văn sĩ Carl Zuckmayer bị chứng đau tim nặng, y sĩ cấm đi du lịch, ra nắng, uống rượu, mà ông ta cần những cái đó mới sống được. Một hôm trong thời mới khỏi bệnh, ông được một thiếu nữ xinh đẹp lại thăm, và ông nhất định không nghe lời y sĩ, đi chơi mấy giờ dưới ánh nắng với thiếu nữ, khát thì uống rượu cho đã. Ông ta bảo: "Thế là tôi hết bệnh tức thì". Ông chủ quan mà nói vậy: nhưng y sĩ khám lại thì quả nhiên ông hết bệnh tật.

Chúng ta đều thấy những người sức khỏe rất kém mà hoạt động kinh khủng. Người ta bảo những người đó có một nghị lực không thắng nổi. Như vậy nghĩa là làm sao? Tại sao mà khi ra trận, các chiến sĩ chịu nổi những cực nhọc ghê gớm? Tại sao mà hễ không sợ bị lây bệnh thì giữa lúc bệnh dịch hoành hành, người ta săn sóc các bệnh nhân mà không mắc bệnh?

Chỉ tại trong những trường hợp đó, người ta không nghĩ tới bản thân nữa. Không muốn mà cũng không có gì lo lắng về sinh mạng, sức khỏe của mình. Khi hi sinh cho một cái gì cao cả, người ta vượt lên khỏi cái bản ngã nhỏ nhoi của mình, mà hòa đồng với một nguồn sinh lực lớn hơn của ta nhiều lắm. Thắng được tánh vị kỉ là có một sức mạnh rất lớn. Vì vậy, những người khỏe mạnh nhất là những người hoài bão một lí tưởng, được sức mạnh của lí tưởng đó nâng đỡ kéo đi, không có thì giờ nghĩ tới những nổi lặt vặt của mình.

Đau khổ

Ai cũng có lần đau khổ nhiều hay ít, cách này hay cách khác, nên đã biết đau khổ là gì rồi.

Có đau khổ về thể chất, có đau khổ về tinh thần. Có đau khổ thoảng qua, có đau khổ dằn vặt. Tùy trường hợp, ta gọi là đau đớn, phiền muộn, thống khổ, cực hình.

Muốn cho giản dị, ta gọi chung tất cả các hình thức làm cho ta khó chịu đó là "đau khổ".

Muốn tiến ngay vào trung tâm vấn đề, chúng ta chỉ cần tự hỏi câu này: "Tại sao loài người lại phải đau khổ?". Câu đó tức thì gợi cho ta một câu khác: Do đâu mà có khổ?

Phần lớn là do chính con người.

Con người làm cho con người đau khổ.

Chính con người đã tạo ra khí giới, nhà giam, bom đạn, gây chiến tranh, sự nô lệ, sự tra tấn. Chính con người đã chia nhân loại thành kẻ giàu người nghèo, kẻ đàn áp, người bị đàn áp, kẻ tự do, người nô lệ. Chính con người vu oan, chụp mũ, lừa gạt, phản bội, chém giết đồng bào, rồi tuyên bố: "Thế giới như vậy đấy! Đó là việc chính trị mà. Thủ phạm là quỷ, là số mạng mù quáng, hoặc sự thản nhiên của một đấng Thượng đế tàn nhẫn".

Dù chấp nhận rằng chính con người gây khổ cho con người, thì cũng vẫn chưa giảng được tại sao lại như vậy, và có nhất định phải như vậy không, có nhất định rằng con người phải gây khổ lẫn cho nhau không?

Có người cho rằng lập lại một tổ chức xã hội thích hợp thì có thể diệt được khổ. Đó là mục đích mà những người mác-xít chủ trương hồi đầu. Họ đã đạt được nó chưa?

Môn đệ Thích Ca, chuyên môn về vấn đề diệt khổ, bảo rằng (tôi cố ý giản dị hóa đi) vì quyến luyến với đời nên khổ. Đừng quyến luyến nữa thì tự nhiên hết khổ. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng một số người đã tự giải thoát cho khỏi khổ bằng cách đó.

Thời cổ, triết gia Hy Lạp Zénon lập ra thuyết khắc kỉ. Theo ông (ở đây tôi cũng phải giản dị hóa hữu), chỉ có mỗi một cách diệt khổ là sống hoàn toàn hợp với lí trí và thiên nhiên, đừng ao ước cái gì trái với hai cái đó, trút bỏ hết mọi đam mê nó phá hoại sự điều hòa của vũ trụ.

Tân Ước thường nói đến đau khổ, mà không bao giờ hứa cho ta cảnh thiên đường ở hạ giới cả... trái lại là khác. Kinh đó có giọng thực tế nghiêm khắc, nhưng có giảng cho ta nguồn gốc và cứu cánh của sự đau khổ không? Kinh đó mượn ở Cựu Ước cái thuyết bí mật về "tội nguyên thủy", tức cái tội của thủy tổ loài người đã bất tuân Thượng Đế mà bị đày ra khỏi Lạc Viên.

Thuyết đó là một huyền thoại chứa chân lí này: con người tách ra khỏi cái trật tự của Hóa công, phá sự điều hòa của vũ trụ mà gây khổ cho mình hoặc cho người khác.

Nhưng còn những trẻ em kia, chưa có tội gì cả mà sao cũng phải khổ? Chưa ai đáp được cho tôi câu ấy mà làm cho tôi thỏa mãn cả. Tôi chỉ có thể tạm chấp nhận lời giải đáp này thôi: nhân loại phải chịu cái thân phận chung của nhau: hết thảy đều đau khổ cho hết thảy: mà trẻ em cũng ở trong cái tập thể nhân loại, nên không thoát khỏi thân phận đó.

Nhưng thôi, chúng ta gác bỏ những vấn đề bi thảm đó để xét một vấn đề khác có lợi ích trước mắt hơn: đau khổ có phải chỉ có mục đích trừng trị không thôi hay còn có mục đích nào khác nữa?

Khi ta phạt một đứa bé có lỗi, có phải là chỉ muốn làm cho nó đau khổ thôi không? Nhất định là không. Ta còn muốn cho nó một ý niệm về sự trật tự phổ biến, và mong rằng nó sẽ sống theo trật tự đó để được tương đối sung sướng.

Tôi biết nhiều người bị những bệnh nan y đã không phản kháng lại với số phận mà còn mang ơn nó nữa, vì nhờ phải chiến đấu với số phận mà họ vượt lên khỏi tinh thần tầm thường của họ; tóm lại là nhờ đau ốm mà họ biết được cái hạnh phúc của đời sống tinh thần.

Có người sẽ cãi lại: ừ, sự đau khổ về thể chất có thể làm cho tâm hồn con người cao lên, ngược lại sự đau khổ về tinh thần chỉ làm cho con người hóa bi quan, chua chát, có khi tuyệt vọng nữa. Vâng, có thể như vậy. Có thể rằng một số đau khổ nào đó quá sức ta, ta chịu không nổi. (...)

Tôi thì cho rằng chỉ có cách này để nhận được ý nghĩa của sự đau khổ, là chấp nhận nó, không phải như chấp nhận một điều không tránh được mà như một cây gậy để ta chống mà vững bước hơn trên con đường đưa tới mục đích của ta, mục đích đó là chính ta, cái phần chí cao, chí linh ở trong người ta.

Cái gì mới cũng làm cho ta không yên tâm

Trên ba chục năm trước, lần đầu tiên tôi được ngắm một bức tranh trừu tượng, nghĩa là một bức tôi nhận được màu sắc, đường nét, xa gần, nhưng không nhận ra một vật nào mà tôi thường thấy; lần đó tôi nghĩ bụng: trò khôi hài đấy, chứ nghệ thuật gì. Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại, tôi đã hiểu rằng các bức họa trừu tượng quả là một hình thức nghệ thuật, nó biểu lộ một cách mới mẻ nhận định đời sống, bắt lấy đời sống.

Lần đầu tiên tôi thấy kiểu ăn mặc của bọn Beatles, không phải trên các tấm hình, mà trên thân thể các thanh niên mà tôi gặp ngoài đường, tôi khó chịu lắm. Cái thói gì mà lố lăng vậy? Ừ, thời đó cần phải cải thiện, nhưng bây giờ, sau khi đã nghiên cứu rất kĩ các vấn đề liên quan tới thanh niên, tôi hiểu ý nghĩa của sự nổi loạn bề ngoài có vẻ vô lí đó.

Chúng ta luôn luôn phải biết tiếp xúc với cái mới mẻ. Thời đại này thế giới biến hóa mau hơn thời nào khác nữa, như đâm bổ vào một tương lai đã mở màn rồi. Tương lai đó sẽ đầy những cái mới mẻ, nào là những cuộc viễn du trên các hành tinh, nào là những thuốc chích, những phương pháp chạy điện, giải phẫu óc để biến đổi một con người từ hồi nào còn là bào thai sau khi ra đời, thành một nhà tri thức, một nhà chỉ huy hoặc một người vai u thịt bắp.

Chẳng cần phải xét những biến đổi quái dị đó, chúng ta hãy nhớ lại vài sự thay đổi đã thực hiện rồi. Chẳng hạn ngày nay người ta không còn dùng những sáo ngữ như, về thần học: "Bọn vô thần là vây cánh của quỷ", về giáo dục: "Con trẻ phải tuân lời cha mẹ trong mọi trường hợp".

Chúng ta không còn tự phụ vì những phán đoán truyền thống nữa. Hồi xưa người ta dẫn lời các bậc thầy: Platon, Aristote, Thánh Thomas ở Aquin, hoặc những câu như: "Goethe đã nói...", "tiên nghiêm tôi đã nói..." hoặc "giáo hội đã nói..." để bênh vực ý kiến của mình. Bây giờ chúng ta bắt buộc phải xét lại hết những chân lí của mình xem có còn hợp với thời đại đầy chuyển biến này không. Xét rồi, ta thấy cần phải bỏ đi rất nhiều chân lí hoặc ít nhất cũng phải giải thích lại những chân lí đó; mặt khác ta lại phải chấp nhận nhiều ý mới không sao bác được. Vì thế mà không lúc nào ta được nghỉ ngơi, có thể tin chắc rằng đã tới được đích.

Dĩ nhiên người ta có thể cho rằng cuộc sống trong một thời xáo trộn như vậy thì thú vô cùng, mà cũng có thể thấy khổ quá đỗi vì cứ bị quấy nhiễu hoài, không lúc nào được yên.

Tại sao lại khó chấp nhận sự mới mẻ như vậy nhỉ?

Không ai lại chấp nhận mọi cái mà không phân biệt, lựa chọn cái nào hợp với mình. Lựa chọn tức là phán đoán tùy theo lí trí hoặc tình cảm của mình. Ai cũng có một số quy tắc giúp mình tiếp cận những cái gì mình có thể hiểu được một cách không khó nhọc lắm, mà bỏ những cái khác.

Khi ta chủ quan mà nói rằng: "Cái mới mẻ đó không hợp với tôi" là cố ý bảo "dù tôi không có thiện chí tìm hiểu tới mấy thì cũng không hiểu nó được, thôi tôi quyết tâm rồi, đừng nói thêm gì nữa". Lời tuyên bố bề ngoài ôn hòa đó nhằm chứa ý này: "cái mới mẻ đó chẳng ra cái quái gì cả, vô ích chẳng riêng đối với tôi mà cả đối với bất kì một người nào khác nữa, nguyên tắc là vậy". Thế là một phán đoán cá nhân, chủ quan được đưa lên thành một phán đoán chung có giá trị tuyệt đối. Mà như vậy thì có nghĩa là cái cũ luôn luôn tốt hơn cái mới. Người ta thường nhắc tới cái thời xưa tốt đẹp, sung sướng, như thế quả thực có những thời tốt đẹp hơn các thời khác về mọi phương diện. Dĩ nhiên, có những thời sống dễ dàng hơn thời khác, nhưng không vì vậy mà bảo là tốt đẹp hơn được. Có phần chắc rằng nếu ôn lại tất cả các thời từ lúc có loài người tới nay thì thời nào cũng tốt đẹp cả vì thời nào cũng là một giai đoạn cần thiết cho sự tiến hóa của nhân loại.

Nếu thời hiện nay luôn luôn xấu hơn thời đã qua thì nhân loại hiện nay vẫn còn ăn lông ở lỗ, chỉ có nghĩ tới việc săn bắt và giết lẫn nhau; mà kẻ nào đầu tiên có ý vẽ hình các con thú lên vách các hang đá phải kể là có tội vì kẻ đó đã tạo ra một cái mới, tức nghệ thuật.

Sự thực ta có thể nói rằng thời đại chúng ta hơn những thời trước, chẳng những vì kĩ thuật phát triển mạnh mà còn vì ta có nhiều sự tự do tinh thần hơn.

Nhưng đời sống của ta có vì vậy mà "tốt hơn", sung sướng hơn không? Cái mới có tốt hơn cái cũ không? Máy giặt có tốt hơn thau giặt không, dân chủ có tốt hơn quân chủ chuyên chế không?

Cái mới không tốt hơn cũng không xấu hơn cái cũ, nhưng nó là cái mới nghĩa là cần có nó để thay cái cũ không còn dùng được nữa, có vậy nhân loại mới tiến hóa.

Các cụ ta thời xưa ở trong một thung lũng hẻo lánh, khi thấy một chiếc xe hỏa chạy qua thì sợ sệt, khấn trời, bây giờ chúng ta muốn được bay lên cung trăng.

Khi y sĩ danh tiếng ở Vienne là Sigmund Freud đặt cơ sở cho khoa tâm lí tiềm thức, người ta chửi rủa ông thậm tệ. Ngày nay cả triệu người nhờ những nhà phân tâm học xét tâm trạng và trị bệnh cho theo những phương pháp dựng trên học lí thuyết Freud.

Ý tưởng mới mẻ nào là lớn lao, quan trọng thì mới đầu bị thiên hạ mỉa mai, đả đảo. Thế hệ mới nào cũng vậy, cũng bị thế hệ cũ chê bai ra mặt hoặc thầm kín. Tại sao vậy? Tại bất kì cái gì mới mẻ - kể cả thế hệ mới với lối sống đặc biệt của họ - cũng làm cho ta thấy chướng vì nó đảo lộn các thói quen của ta và dám bảo thẳng vào mặt ta rằng ta lạc hậu.

Lời đó làm sao mà không chướng tai ta cho được. Rõ là lời thách đố trí tuệ, tâm tư, sự sáng suốt, khả năng tiến hóa của ta mà; thách ta có chịu vui vẻ rút lui đúng lúc không.

Nhưng có phải cái mới mẻ nào cũng đe dọa ta, cự tuyệt ta không?

Cái đó còn tùy ở ta. Nếu chúng ta nhắm mắt chê bai tất cả những cái gì mới, nếu chúng ta bướng bỉnh hoặc làm biếng, gạt bỏ mọi cái mới đi, thì đúng đấy, chúng ta sẽ bị sa thải, thành hạng người già mệt mỏi, tàn nhẫn, trì độn, chưa chết mà cũng như chết rồi. Chúng ta phải khoáng đạt chấp nhận cái mới, không phải vì nó tốt hơn, mà vì nó làm phát động sự tiến bộ.

Không ai có thể buộc ta phải tán thành mọi cái mới mà không phân biệt (nhưng bọn thanh niên lại thường đòi hỏi ta như vậy). Cũng không ai có thể buộc ta phải từ bỏ cái dĩ vãng đã lỗi thời. Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào cái mới và thẳng thắn đối thoại với nó.

Vấn đề không phải là ta thích nó hay không, cho nó là có hợp với mình hay không. Điều quan trọng là ta phải khách quan tìm trong nó cái yếu tố của sự tiến bộ, và trọng nó vì nó là một sức mạnh. Như vậy thì cái mới mẻ sẽ là nguồn sinh lực đối với ta, và tinh thần ta sẽ trẻ hơn tuổi rất nhiều.

Vả lại cái gì mới, dù có vẻ kì dị, cách mạng tới đâu thì cũng là cái nối tiếp cái mà chính chúng ta đã tạo ra, gợi ra. Rồi một ngày kia, cái bây giờ là mới sẽ hóa ra cũ. Do đó mới có cái mà ta gọi là truyền thống.

Vậy ta đừng nên chống lại, hãm lại sự tiến hóa, mà nên giúp đỡ nó mỗi khi lương tâm ta bảo rằng cái mới mẻ đó tuy lạ lùng đấy, nhưng không trái những quy tắc căn bản của chân lí.

Sự lễ phép phải phát tự đáy lòng

Chúng ta là những con người có giáo dục nên biết thế nào là lễ phép. Chúng ta biết phải giới thiệu nhau ra sao, chào hỏi ra sao, nhường bước những ai, ngồi ăn ra sao... Những cái đó của cha mẹ dạy cho chúng ta từ hồi nhỏ. Có những cuốn sách chuyên môn chỉ tỉ mỉ các quy tắc xã giao nữa.

Nhưng nói thực ra, mới chỉ học những quy tắc đó thôi thì chưa đủ, vì quan trọng nhất là phải thực hành cho thành thói quen. Phải làm sao phải phản ứng cho nhanh như cái máy chứ không thể gặp mỗi trường hợp lại suy nghĩ tự hỏi phải làm ra sao, đừng làm ra sao. Nếu được gia đình dạy dỗ cho từ hồi nhỏ thì tốt hơn cả: thấy cha mẹ cư xử mà mình bắt chước, lâu rồi thành được "bản tính nhất nhì", tức một thói quen.

Triết gia Schopenhauer viết một ngụ ngôn để giảng quan niệm của ông về sự lễ phép như sau: gặp một mùa đông lạnh quá, mấy con nhím phải ngồi sát lại nhau cho ấm, nhưng lông con nọ đâm vào con kia, chúng lại phải dang ra, dang ra thì lại thấy lạnh, chúng lại phải ngồi xích lại, và lần này chúng kiếm được cách làm sao ngồi kề nhau mà lông không đâm nhau. Schopenhauer cho sự xích lại gần nhau một cách vừa phải đó gọi là "lễ phép".

Loài người mà ráng có những cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ nhìn ra sao cho không mất lòng nhau, như vậy đã là quý rồi. Nếu ai cũng xích lại gần nhau một cách vừa phải, ân cần, nhã nhặn với nhau thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nhiều rồi.

Nhưng Schopenhauer vốn ghét đời nên không thấy rằng thứ lễ phép của những con nhím đó chưa đủ cho loài người.

Tôi biết một số người rất có gia giáo, có thể coi là lễ độ rất mực. Không khi nào họ làm trái phép xã giao, nhưng lễ độ của hạng người lịch sự đó sao mà lạnh nhạt thế. Họ tự cao tự đại, có thái độ cách biệt đối với người khác. Sự lễ phép lạnh lùng đó trái hẳn với sự lễ phép chân thực, trái với tình thương. Trong tiểu thuyết Thanh khí (Les affinitiés élective) của Goethe, nàng Ottilic duyên dáng và hay suy tư, viết trong nhật kí câu này: "Có một sự lễ phép của lòng phát từ đáy lòng ra, nó gần với tình thương. Nhờ đó mà cử chỉ của ta mới thật là tế nhị".

Nhưng thế nào là lễ phép phát tự đáy lòng?

Tôi thí dụ bà là một người phong lưu, lương khá cao. Một ông bạn đồng sự của bà mời bà đi ăn nhà hàng mà bà biết ông ta lương ít, cần kiệm lắm mới đủ tiêu. Bà phải xử sự ra sao bây giờ? Nếu thấy ông ta nghèo mà bà kiếm lẽ này lẽ khác để từ chối thì ông ta sẽ phật lòng. Còn nếu như nhận thì ngại ông ta sẽ phải nhịn chi tiêu trong vài ngày. Nếu nhận lời đi ăn rồi, mà bà thu xếp, lén trả trước tiền ăn để ông ta không kịp trả, hoặc nếu bà cứ đòi trả phần ăn của bà, thì bà làm cho lòng tự ái của ông ta còn thương tổn nhiều hơn nữa vì ông ta là đàn ông. Tóm lại bà hành động cách nào thì cũng không êm. Lúc đó bà không thể tin cậy vào những bài học xã giao của bà được. Vậy thì phải làm sao? Tôi có thể gợi cho bà một cách nhã nhặn để thoát ngã bí đó: bà cứ vui vẻ nhận lời, như vui vẻ đi dự một buổi tiệc nhỏ vậy, tới nhà hàng đừng lựa món nào rẻ nhất (ông ta sẽ thấy rõ ý của bà mất), mà lựa những món trung bình, rồi khen là ngon, cho ông ta có cảm tưởng rằng buổi tiệc đó thật vui, ít lâu sau bà sẽ gửi cho ông ấy một chi phiếu mà giấu sao cho ông ấy không đoán được người gửi là ai.

Ai dạy cho ta những "quy tắc lễ độ" đó? Không ai cả. Chính lòng ta chỉ cho ta. Chính cái lễ phép "gần với tình thương" đó (cao gấp mấy thứ lễ phép bất đắc dĩ của những con nhím trong ngụ ngôn của Schopenhauer) mà Goethe gọi là thứ "lễ phép của lòng".

Vì theo tôi biết thì loài người có những phương tiện mà loài nhím không có, vì loài người có thể cụp những "lông nhọn" xuống, tức lòng đố kị, ghen ghét, tham lam, kiêu căng, cáu kỉnh, nghĩa là có thể tự chủ được. Bỏ những lông nhọn đó đi rồi thì con người hóa ra thân ái, nhã nhặn, ân cần, kiên nhẫn.

Cách đây ít lâu tôi được mục kích một tai nạn lưu thông: hai chiếc xe đụng nhau, hai người lái xe đều có lỗi cả, và tôi tưởng rằng họ sẽ đấu khẩu dữ dội với nhau một hồi như chúng ta thường thấy. Nhưng lạ chưa, khi một người nổi cơn lôi đình, bắt đầu quát tháo, văng tục, thì người kia tái mặt đi, nhưng vẫn giữ vẻ nhã nhặn, ân hận, kiên nhẫn nghe, vừa nghe vừa nhìn chăm chăm con người nóng nảy nọ. Đợi khi người này ngưng, ông ta mới ôn tồn nói: "Tôi thực ân hận đã làm hư chiếc xe của ông, lỗi đó không tha thứ được".

Con người nóng tính kia hóa ra chưng hửng, không lớn tiếng nữa. Và hai bên hòa giải với nhau. Tôi không biết ông lái xe cực kì bình tĩnh, hiếu hòa đó là ai. Nhưng tôi biết rằng trong trường hợp như vậy thường thì người lái xe nào dù có lỗi hay không cũng dễ dàng nổi quạu lên, mà ông ta lễ độ tới mức thì không phải chỉ nhờ những nguyên tắc xã giao mà thôi đâu. Ông ta phải tập lâu lắm mới tự chủ được, nhưng thứ nhất là do ông biết tôn trọng nhân vị, mà sư tôn trọng đó phát từ thâm tâm của ông.

Ông không cho "người kia" là một kẻ thù, một thằng "đểu giả" mà coi là người ngang hàng với mình về quyền lọi, một người đồng loại, đồng bào của mình.

Chúng ta thường có xu hướng coi một số người là hạng thấp kém. Thời nay chúng ta rán "lễ độ" với người ăn kẻ ở hoặc các nhân viên của ta, nhưng thái độ đó là do bắt buộc, ta sợ làm phật ý họ thì họ bỏ ta mà đi làm chỗ khác, thế thôi. Còn những người không "quan hệ" gì với ta, như các người bán hàng, bồi khách sạn hoặc có người ngồi ghi-sê, không phải là con người mà chỉ như những người máy để phục vụ ta, mà phải phục vụ một cách lễ phép nữa chứ. Vô phúc cho họ, nếu họ cáu kỉnh thì ta sẽ cho họ một bài học liền.

Ở tiệm cà phê San Pietro tại Rome, tôi biết một chiêu đãi viên trước kia rất ân cần đón ý khách, bỗng nhiên hóa ra ương ngạnh và vô ý vô tứ lạ lùng. Một hôm tôi trách chú ta, thì nhận thấy trên mặt chú, có nhiều vết tỏ rằng chú đau, mà có lẽ đau nặng nữa. Sáu tháng sau chú từ trần vì căn bệnh căng xe. Mặc dầu đau đớn mà chú vẫn ráng làm việc, như vậy thì làm sao chú hóa ra vô ý vô tứ!

Ai biết được cô bán hàng nộ lại hay gắt như vậy? Biết đâu chừng chẳng tại con cô đau hay chồng cô có ngoại tình?

Ai biết được tại sao thầy ngồi ghi-sê này lại khó tính? Biết đâu chừng chẳng tại thầy chán ngán phải làm một công việc, chán cả sống nữa, nếu không vậy thì là vì một kẻ nào lường gạt rồi đâm oán luôn cả nhân loại?

Ai biết được tại sao ông hàng xóm của ta luôm kiếm cách gây chuyện với ta? Biết đâu chừng chẳng tại trong nhà ông ta có lục đục rồi bất bình lây với ta, hoặc ghen với sự thành công của ta mà coi ta như cái gai trong mắt.

Phải thực sự coi mỗi người khác như anh em của ta, nghĩa là nhận rằng họ cũng có những nhược điểm, ưu tư như ta, cũng gặp những nỗi khó khăn, đau khổ như ta, và đáng cho ta kính trọng, thì ta mới có được cái đức mà Goethe gọi là "lễ phép của lòng" nó "gần như là tình thương" ấy.

Lương tâm

Một người quá giận xô vợ xuống nước, không ai thấy nên không nghi ngờ chút gì cả, tưởng rằng vợ sảy chân mà chết đuối. Nhưng mười năm sau ông ta tự thú với cảnh sát. Cái gì đã thúc đẩy ông ta thú tội?

Người ta bảo: "Lương tâm thúc đẩy", rồi thôi chẳng tìm hiểu gì thêm nữa, nhưng lương tâm là cái gì?

Theo ngữ nguyên thì chữ "conscience" (lương tâm) có nghĩa là biết. Trong trường hợp mới kể, người chồng đó biết mình đã phạm tội và phải đền tội. Nhưng ngay khi xô vợ xuống nước, ông ta chẳng biết mình làm vậy là có tội ư? Thế thì tại sao lại đợi đến mười năm sau mới thú tội? Vậy thì lương tâm không phải chỉ là biết - như ta "biết" rằng trái đất quay chung quanh mặt trời - nó còn là một sức mạnh tác động mà ta có thể tùy ý chống lại hoặc tuân theo. Vì vậy mà có từ ngữ: "Tiếng nói của lương tâm".

Những người mộ đạo gọi nó là "tiếng nói của Thượng Đế". Hồi tôi nhỏ, cha mẹ tôi bảo rằng vị thần phù hộ cho tôi luôn luôn giám thị tôi, ngăn tôi làm những việc bậy. Thì cũng chỉ là cái ý cho một cái gì đó hoặc một người nào đó nói với ta, mà người nói với ta không phải là cái "ta", mà là một cái "khác" bí mật, vừa quen vừa lạ với ta.

Cái "khác" ở trong ta hay ngoài ta, điều đó ta chẳng cần biết. Điều cần là đừng coi nó là một với ta, vì nhiều khi tiếng nói bí mật đó chống lại với ta. Cái gì ta muốn thì nó bác bỏ. Ta muốn làm hại một người khác, ta muốn phạm tội ngoại tình, ta muốn nói dối. Nó ngăn cản ta, bảo ta: coi chừng, bậy đấy! Có khi ta chiến đấu với nó lúc thì ta thắng, lúc thì nó thắng. Nếu nó thắng thì ta không phạm tội, mọi sự yên ổn. Nếu ta thắng thì ta sẽ phạm tội và mọi thứ sẽ lộn xộn lắm, vì nó không để ta yên mà cứ quấy rầy ta hoài cho tới khi nhận thức được tôi của ta, ta phải thú tội mới thôi. Cái "ta" nhiều khi bắt cái "kia" phải im tiếng mà im tiếng lâu nữa đấy, nhưng rất ít khi nó chịu im tiếng hoài. Ai đã thấy nhiều người hấp hối, tất nhận rằng cái "kia" thường thắng trong những phút cuối cùng của kẻ phạm tội.

Nhưng cái ta gọi là lương tâm đó hiện ra với ta cách nào?

Tôi nhận thấy con chó của tôi có một lương tâm. Khi nó làm trái lệnh cấm của tôi, chẳng hạn đào một luống hồng để bắt một con chuột đồng, mà bị tôi bắt gặp thì nó có vẻ lấm la lấm lét. Nó tiu nghỉu, xấu hổ. Nó sở dĩ có được lương tâm đó là do mình dạy dỗ. Từ khi nó còn nhỏ, nó làm đúng ý ta thì ta thưởng, trái lại thì phạt, như vậy là dạy cho nó một số quy tắc luân lí, Thưởng và phạt có thể bằng một cách cụ thể nào đó, mà cũng có thể chỉ bằng cách thương hay ghét.

Chúng ta cũng dùng cách đó để dạy trẻ, nhưng trong khi ra lệnh hoặc cấm đoán chúng, ta còn gợi sự hiểu biết cùng với chúng nữa. Như vậy, chúng ta dạy chúng đừng nên ăn cắp, nói dối, đánh đập ai.

Nhưng chúng ta cũng nên để ý tới điều này: đứa trẻ một bộ lạc săn đầu người chẳng hạn được cha mẹ dạy rằng giết một người da trắng là hành động anh dũng, còn một đứa trẻ trong gia đinh Ki Tô giáo hoặc Phật Giáo thì cha mẹ dạy rằng phải tránh tội sát nhân. Con cái các nông dân Nga ở thế kỉ XIX phải tập phục vụ chủ một cách khúm núm, tôn kính; còn trẻ con thời cách mạng cho thái độ đó là nhục nhã, trái đạo đức. Vậy thì có lương tâm, trước hết là biết những quy tắc đạo đức do tập tục hoặc giáo dục truyền cho, rồi mỗi khi làm trái những quy tắc đó thì thấy mình có tội lỗi.

Nhưng có thể rằng một người cảm thấy có cái gì thúc đẩy mình hành động ngược lại cái lương tâm truyền cho đó, không phải để làm một việc xấu mà trái lại làm một việc cao đẹp. Thuyết "siêu ngã" (sur-moi) của các tâm lí gia không đủ để giảng hiện tượng đó. Cái đó ta gọi là "sự tự do tin tưởng". Thánh Thomas ở Aquin bảo: "Nếu các giáo phẩm vì không hiểu rõ tình trạng mà buộc một người nào đó phải hành động trái với lương tâm người đó, thì người đó phải chịu bài xích ra ngoài xã hội và chết còn hơn là phản lương tâm của mình". Lời đó thật là táo bạo nhưng bày tỏ một ý niệm quan trọng vào bậc nhất.

Nhiều người lầm lẫn sự tự do tin tưởng với sự phóng túng về đạo đức. Khi Luther sau một thời gian tranh đấu lâu dài, từ bỏ Giáo hội Công giáo, quyết định của ông không có chút gì giống quyết định của một đứa trẻ ranh bỏ đạo vì không chịu tuân lời mục sư. Tự do tin tưởng không có nghĩa là khỏi phải tuân theo lương tâm mà có nghĩa là: một lương tâm đủ sáng suốt để tự lãnh trách nhiệm, tự ý mình quyết định lấy bổn phận của mình.

Hiển nhiên, ai cũng biết lương tâm là thế nào, vì ai cũng đã có lần nghe tiếng nói của nó rồi. Và có những người cố ý đàn áp tiếng nói đó mà hóa đau, bứt rứt hoài không chịu nổi; chẳng hạn những kẻ sát nhân vô tình trở lại chỗ họ đã gây án mạng, và trong giấc ngủ nằm mê thấy những cảnh hãi hùng. Ngay trẻ cũng vậy: có lỗi, mặc dầu không ai biết, chúng vẫn không yên tâm, phải lại thú với mẹ rồi mới thấy nhẹ trong lòng được.

Ngày nay chúng ta cũng biết rằng cái gì cũng là tương đối hết, gọi là tốt thì chỉ tốt trong một vài hoàn cảnh nào đó, với những điều kiện nào đó thôi. Vậy thì khách quan mà xét, không có cái gì có giá trị tuyệt đối để cho lương tâm ta trông cậy vào được ư? Theo tôi thì không phải vậy. Luật tương đối đó từ môn vật lí chuyển qua môn triết lí tuy đúng đấy, nhưng đem áp dụng vào luân lí thì chỉ là cách thoái thác rất tầm thường. Chúng ta đều biết - mặc dâu không thích - rằng có những quy luật (luân lí) khách quan không thể bảo là chỉ đúng tùy trường hợp. Lương tâm ta biết vậy. Và nếu đàn áp lương tâm thì ta sẽ hóa đau khổ như người cố giấu tội của mình.

Nhưng rốt cuộc tôi vẫn chưa định nghĩa thế nào là lương tâm. Tôi xin mượn những lời rất hay ở dưới đây của Goethe để thay lời định nghĩa:

Một vị thần nói thầm trong lòng ta,

Nói thầm nhưng rất rành mạch, chỉ cho ta

Cái gì phải làm và cái gì nên tránh.

Sự tha thứ

Bạn có thể tha thứ được không?... Nhưng thế nào là tha thứ, và có nên luôn luôn tha thứ không?

Trong cuộc tranh luận vừa rồi về thời - hiệu (prescription)1 các tội Đức Quốc Xã, vấn đề tha thứ được đem ra bàn sôi nổi, trên bình diện chính trị và luật pháp. Tôi cũng đã được mời góp ý kiến. Lúc đó tôi đã suy tư, tìm cách giải quyết vấn đề và bây giờ tôi trình bày một quan điểm có thể chấp nhận được về sự tha thứ, xét chung.

Thời đó cảm tưởng đầu tiên và tự nhiên của tôi là một cảm tưởng khó chịu. Tôi có phản ứng đó vì nghĩ mình có đức độ gì đâu mà đứng ra phán xét, quyết định vận mạng của người khác, dù người đó có tội chăng nữa. Tôi lại tự hỏi: xét những tội đã qua từ lâu của người khác, có lợi gì không hay chỉ gây thêm oán thù, sau cùng, có nên vì những lí do chính trị và luân lí mà tha hết cho bọn phạm nhân Đức Quốc Xã rồi thôi, không nhắc tới nữa không?

1 Danh từ luật học: từ khi bản án đã tuyên bố rồi, nếu trong một thời gian mấy năm hoặc mấy chục năm (tùy hình phạt nặng hay nhẹ), bị can không thể bị bắt để chịu tội, thì hình phạt kể như bị tiêu diệt, nghĩa là bị can có thể bị bắt sau thời gian đó cũng không phải chịu tội nữa.

Tôi cũng lại nghĩ rằng những người Đức đó trước khi thành kẻ sát nhân, cũng đã là nạn nhân của thời đại, thế thì nên mở lòng từ bi, đừng trừng phạt họ nữa mà chỉ nên cảm ơn Trời rằng mình đã may mắn không phải mắc tội như họ. Nhưng lại có một tiếng nói khác bảo tôi rằng tha thứ như vậy làm xáo trộn cái công bằng và cái bất công, và những kẻ mắc tội thì bị trừng phạt còn những kẻ mắc tội nặng thì lại được tự do, còn gì bất công hơn vậy nữa? Thêm một tiếng nói thứ ba nhắc tôi: cứ oán trả oán cách đó thì bao giờ cho hết oán? Trong Thánh Kinh, chúa chẳng dạy đó ư: "Việc trả thù là việc của ta"? 1

Tôi còn suy nghĩ nhiều hơn nữa, phức tạp hơn nữa, nhưng những điểm chính tôi mới trình bày ở trên đủ chứng tỏ rằng tha thứ là một vấn đề rắc rối, đó mới là xét về phương diện lí trí chứ chưa nói đến ý chí.

Có lẽ lần đó, vấn đề khó giải quyết vì một vụ chính trị. Bạn bảo tôi: trong đời tư của cá nhân, việc giản dị hơn nhiều, chỉ cần bảo: "Thôi bỏ qua đi, quên dĩ vãng đi" là xong. Bạn lầm rồi. Tôi xin giảng tại sao. Dưới thời Đại Tam Đế Quốc Đức, hai vợ chồng nọ mà tôi quen thân tố cáo tôi, tôi bị nhốt trong khám rồi đưa ra ở tòa án nhân dân tại Berlin. Họ tố cáo tôi một tội nặng, thế nào tôi cũng phải bị xử tử, và chỉ nhờ chiến tranh chấm dứt mà tôi được thoát chết.

1 Nghĩa là chỉ chúa mới được xét xử con người, con người không được xét xử lẫn nhau.

Lúc đó tôi tự hỏi câu này: mình có nên và có thể tha thứ họ được không? Suy nghĩ rồi tôi quyết định sẽ tuyệt nhiên không trả thù cặp vợ chồng đó, và ráng tự thuyết phục mình rằng họ phản mình như vậy chỉ vì họ ngu xuẩn vô cùng về chính trị thôi. Mặc dù vậy tôi không muốn gặp lại họ chút nào cả, nhưng vì tình cố cựu, nếu họ cần giúp đỡ điều gì thì tôi cũng không từ chối.

Vậy bạn có thể cho rằng tôi đã thực sự tha thứ cho họ. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi không tin chắc rằng tôi đã tha thứ cho họ hẳn. Tôi sẽ giảng tại sao, nhưng trước khi giảng, tôi muốn đặt câu hỏi này đã: tôi đã tha thứ cái gì đó? Và tại sao tôi lại có cảm tưởng rằng mình đã thực sự tha thứ? Dĩ nhiên, tôi tha thứ là tha thứ cái tội họ muốn đưa tôi ra pháp trường. Quả thực là đã từ lâu rồi, tôi không nghĩ tới cái tội đó của họ nữa, tôi hoàn toàn thản nhiên. Nhưng cái tôi không thể quên, không thể tha thứ được, là ngu xuẩn mù quáng, phi nhân của họ, nhưng có thể nào thực sự ghét một hành động mà không thể ghét kẻ đã làm hành động đó không?

Bạn thử tưởng tượng đã mắc tội đại ác nào đó. Bạn xấu hổ và ghét tội ác đó lắm. Nhưng có vì vậy mà bạn tự ghét bạn không? Bình thường thì không. Bạn tìm cách tự tha thứ hành vi đó, tự bào chữa rằng đã bị hoàn cảnh xui khiến; rồi lần lần lấy lại được lòng tự yêu mình, nếu không thì làm sao sống được. Bạn lại ráng tự phục hồi lòng tự trọng: bạn hối hận, tìm cách tự chuộc tội.

Bây giờ xin đem lí luận để nó áp dụng vào thái độ của ta đối với kẻ thù: biện biệt minh bạch và ghét mọi hành động xấu xa, nhưng phải ráng hiểu con người đã làm hành động đó, giúp họ nhận ra rằng họ đã làm bậy, để cho họ thấy cần phải chuộc tội, tìm cơ hội chuộc tội.

Khoa tâm lí bảo ta rằng trẻ thường dùng những mưu mẹo quanh co kì cục để được trừng trị khi nó biết rằng nó có tội, và nếu không ai trừng trị nó thì nó sẽ tự trừng trị nó. Thái độ đó do một nhu cầu tự nhiên mà người Hi Lạp gọi là "catharsis", nghĩa là nhu cầu rửa tội bằng hình phạt. Vì có sạch tội rồi, con người mới có thể tiếp tục sống tự do được, nếu không thì cứ bị ám ảnh hoài mà thần kinh sẽ bị bệnh. Nói cách khác là con người sẽ ân hận, dù muốn hay không muốn.

Bạn đọc xem thứ nhất trong màn thứ năm kịch Macbeth của Shakespeare: phu nhân Macbeth, người gây ra tội sát nhân, tưởng rằng bàn tay của mình dính máu của Duncan, rửa đi rửa lại hoài mà không hết. 1 Bà ta bảo: "Tất cả những dầu thơm Ả Rập cũng không làm cho ban tay nhỏ nhắn này sạch mịn như hồi trước được nữa". Và viên y sĩ nói:

"Tôi không sao chữa được bệnh của bà ấy. Bà ấy cần một mục sư giúp đỡ chứ không cần một y sĩ săn sóc". Vị mục sư là vị nghe lời thú tội của bà ta và nhân danh Chúa tha tội cho bà.

1 Phu nhân Macbeth muốn cho chồng mình làm vua Ecosse, xúi chồng giết Duncan, vua Ecosse, khi Duncan tới nhà họ. Người chồng do dự, bà ta thúc giục, gí chiếc dao găm vào tay chồng, và người chồng giết Duncan để cướp ngôi.

Phu nhân Macbeth không đáng tha thứ. Chúng ta thấy sự từ chối không tha thứ có thể có những hậu quả bi thảm, mà thái độ kiêu căng, quay mặt đi không thèm nghĩ tới những hành động đê tiện của kẻ thù, không phải là thái độ tha thứ; thực sự tha thứ thì không quay mặt đi, không thèm ngó phạm nhân, chìa tay ra và ôm người đó vào lòng.

Vậy tôi phải tự thú nhận rằng thực sự tôi cũng đã không tha thứ cho cặp vợ chồng nọ. Tôi sẽ có thể tha thứ được không? Hiện bây giờ thì chưa. Tương truyền một bà làm duyên dáng nọ khiến cho thánh Phillippe Néri đau khổ vô cùng vì những nụ cười khóe mắt tình tứ của bà, sau bà ta xin lỗi Thánh nói: "Tôi tha thứ cho ... nhưng miễn cưỡng mà tha".

Thứ lỗi quả là việc rất khó! Nhưng khó thì cũng phải ráng vì có tha thứ cho người khác thì mới có thể tha thứ cho chính ta được. "Chúng ta nên tự tha thứ cho mình những lỗi của mình, cũng như tha thứ cho những lỗi lầm của họ đối với ta". Lời nói ghê gớm thật, nhưng an ủi ta biết bao.

Có thể tự biết mình không?

Người ta thường bảo: "Tự biết mình là bước đầu tiên trên con đường tu thân". Nhưng tự biết mình là làm sao? Đọc câu của nhà hiền triết Chilon: "Anh phải tự biết anh", ta tưởng đâu như không có việc gì dễ dàng bằng tự biết mình. Dễ như chỉ soi vào gương là thấy nét mặt mình liền. Nhưng sự thực, bắt một người phải đạt được cái trình độ hoàn toàn tự tri là một điều vô nghĩa, vì như vậy là đòi hỏi một việc không thể làm được.

Vậy trước hết ta hãy tìm hiểu xem Chilon thực sự muốn nói gì đã. Việc đó không khó nếu ta biết rằng ông ta là môn đệ của phái người ta gọi là "Khắc Kỉ". Ai cũng hiểu người "Khắc Kỉ" là người chịu cảnh đau khổ của mình một cách can đảm, cương quyết và thản nhiên.

Nhưng thực sự thì thuyết "Khắc Kỉ" chủ trương rằng con người phải dùng lí trí và trầm tư mà đạt được cái mức sống hòa hợp với quy luật vũ trụ, nghĩa là: đừng nuôi một dục vọng nào mình không thể thực hiện dễ dàng được, đừng để cho những người đam mê lôi cuốn mình, tóm lại là hành động nào cũng phải hợp với lẽ phải, lí trí. Như vậy thì chỉ có cách đó là tâm hồn bạn được bình tĩnh và mọi người mới có được hạnh phúc.

Vậy người "Khắc Kỉ" nào cũng luôn luôn tự hỏi câu này: "Thị dục cùng thái độ của mình có hợp với cái đạo của mình không?" Và thỉnh thoảng nhìn về dĩ vãng mà tự hỏi những hành vi của mình có luôn luôn hợp đạo không? Nói cách khác là luôn luôn người đó phải tự vấn tâm.

Theo triết thuyết đó, con người có thể và có bổn phận tự siêu độ cho mình. Cách tự tri đó tương đối giản dị vì chỉ cần đem đối chiếu thái độ của mình với những quy tắc luân lí minh bạch mà các tư tưởng gia cùng văn nhân thời đó đã diễn thành những câu châm ngôn. Đối chiếu như vậy là nhận định được mức độ đạo đức của mình.

Nhưng tâm lí, tâm hồn của ta rất rộng, rất sâu, ý thức của ta không sao nhận định hết được, cái "ngã" hiện thực so với toàn bộ cái "ngã", chỉ là phần nổi lên trên mặt của "băng đảo" (iceberg), phần chìm xuống là phần tiềm thức. Vì vậy cách của các nhà Khắc Kỉ không thể giúp cho con người tự tri hoàn toàn được.

Nhờ nhà danh y ở Viene tên là Sismund Freud mà chúng ta biết rằng còn có phần tiềm thức tối tăm mà ta không thể tự tìm hiểu được. Ta dồn ép vào phần tiềm thức thăm thẳm không thể kiểm soát được đó những tội lỗi hoặc kinh nghiệm đau đớn của ta, và những cái này có thể gây một bệnh thần kinh cho ta. Nhưng một nhà phân tâm, có thể giúp một người bị bệnh thần kinh đi qua được hết các lớp của cái bản ngã, mà tìm ra được căn nguyên của bệnh.

Theo tôi hiểu mình có muốn tự làm việc phân tâm (spychanalyse) đó thì cũng phải nhờ một người khác giúp mới được. Các tôn giáo đều bảo rằng muốn tự dò xét nội tâm mình thì phải nhờ một người "hướng dẫn tâm hồn". Dù có được người hướng dẫn thì chúng ta cũng chỉ có thể biết được vài phần của cái "ngã" thôi.

Đã biết vậy mà còn đòi hỏi mỗi người phải tự biết mình thì chẳng phải là vô nghĩa ư?

Trước hết chúng ta nên nói ngay rằng đòi hỏi một cách nghiêm khắc như vậy thì người ta chỉ có thể đáp một cách mập mờ, phiến diện thôi. Miễn người ta ráng đáp cũng đã là quý rồi.

Nhưng trong thực tế, làm sao để tự biết mình được?

Có một cách rất cũ, tỏ rằng đã có kết quả, là tự vấn tâm mỗi buổi tối. Pythagore, triết gia và toán học gia Hy Lạp thời xưa, buộc môn sinh phải tự vấn tâm như vậy mà các mục sư Ki Tô giáo cũng khuyên tín đồ cách đó. Mỗi buổi tối, kiếm chỗ tĩnh mịch tự xem xét trong ngày có làm điều gì trái với quy luật luân lí, với thập giới không. Dùng cách đó để phát hiện lỗi lầm mình thường mắc nhất và những lỗi mình lấy làm xấu hổ nhất; như vậy đã là tiến một bước lớn trên con đường tự tìm hiểu mình rồi. Phải có can đảm, nghị lực và yêu sự thực lắm mới được. Tự vấn tâm như vậy là tự kiểm soát, phê phán, giáo dục mình. Ta tự tập nhận định mình, nhận những nhược điểm cùng giới hạn của mình.

Đối với hạng người bình thường, thì chỉ khi nào thấy mình "bê bối", lương tâm mình bứt rứt - tâm trạng này có thể gây ra những bệnh kì cục - thì mới phải tự vấn tâm một cách nghiêm khắc. Trong trường hợp đó, chính lương tâm của ta sẽ hướng dẫn ta như một nhà chuyên môn về khoa phân tâm: Chẳng hạn tôi biết một ông nọ bỗng nhiên không hiểu vì đâu hóa ra rộng rãi, cho cậu con trai số tiền lớn, vừa cho xong thì ngạc nhiên về hành động của mình mà cậu con trai cũng ngạc nhiên nữa. Người cha bèn tự hỏi tại sao mình lại làm một việc "điên" như vậy. Mới đầu ông ta nghĩ rằng tại bản tính ông rộng rãi. Nhưng đã là bản tính thì tại sao lại thấy bứt rứt hoài trong lòng? Tự xét lòng mình sâu hơn nữa, ông bỗng tìm ra được nguyên nhân: tại mới rồi, ông đã từ chối, không làm thỏa một ước vọng của con: không cùng ngồi xe đi chơi núi với con như ông đã hứa. Là vì hôm đó ông có hẹn, phải gặp bạn làm ăn để tính toán một vụ quan trọng, không thể hoãn lại được. Vậy là lương tâm ông đã thú tội cho ông, nhưng nỗi bứt rứt của ông không vì vậy mà giảm, trái lại cứ tăng hoài. Sau cùng ông có can đảm tự thú rằng đã bấy lâu nay mình bỏ bê con. Lần này cho nó số tiền lớn chính là để chuộc cái lỗi đó. Ông ta thú thật với tôi rằng sau khi tìm được nguyên do đó, ông ta xấu hổ lắm, xấu hổ vì mình biển lận, giả dối, đê hèn. Xấu hổ, ân hận tới chịu không nổi và để cho quên đi ông ta chơi bời nhăng nhít rồi bê tha uống rượu. Mãi lâu về sau ông ta mới đành nhận cái thấp kém của mình an phận không trách móc mình nữa, và từ đó, ông ta lần lần thay đổi, bỏ được đĩ điếm, rượu chè.

Nhiều người không có can đảm mình ra sao thì tự nhận như vậy. Họ tự tạo cho họ một hình ảnh đẹp đẽ, cao thượng (cũng có thể người khác nịnh bợ họ mà tạo cho họ hình ảnh ấy) và sống theo theo đó. Quả thật là rất khó tự nhận thấy những khuyết điểm, nhu nhược, khả nghi của mình.

Chắc bạn biết chuyện hoang đường về con "basilic", con quái vật nở từ cái trứng của một con gà trống và do một con cóc ấp? Hình thù nó ghê tởm quá, tới nỗi một hôm tự soi dưới bóng nước, nó hoảng mà chết khiếp. Truyện đó chỉ có ý nghĩa tưởng tượng. Tự nhận xét mình mà thấy sợ thì không lợi bằng tự thương mình và ráng chịu những nhược điểm của mình để cải tiến lần lần.

 


dieuphap.com

Trở về Trang 1 Chấp nhận cuộc đời

trang Kế