dieuphap.com


 

 

 

 

CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI

 Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Hà tiện và tham lam 


Hà tiện và tham lam là hai khía cạnh của chung một tâm trạng: mê của cải. Tham lam là khía cạnh công thủ, muốn chiếm cho nhiều, hà tiện là khía cạnh bảo vệ, giữ những của đã chiếm được. Hai tật đó thường liên hệ mật thiết với nhau nên trong bài này, chúng tôi không tách rời chúng ta.

Mọi người hoặc hầu hết mọi người đều muốn kiếm được tiền, giữ được của cải; vậy vấn đề là cần biết thế nào là vừa phải, đâu là cái ranh giới của một thị dục tự nhiên, đáng khen nữa (thị dục có tài sản), mà vượt ranh giới đó thì thành cái tật tham lam, làm giàu bao nhiêu cũng vẫn chưa thỏa mãn.

Người tham lam là người nào kiếm được dư ăn cho mình và gia đình mình rồi mà vẫn còn muốn kiếm thêm và không chịu san sẻ chỗ dư cho người khác.

Về phương diện tâm lí, ta có thể nói rằng một người hóa ra tham lam khi cái xu hướng tự nhiên kiếm tiền biến thành một đam mê. Cũng như chúng ta không thể trách một người khác thì uống, hết khát thì thôi; nhưng nếu người đó hết khát rồi mà vẫn tiếp tục uống hoài, không sao bỏ được thì rõ ràng là một anh chàng nghiện rượu. Tật nghiện rượu đã khó trị mà tật tham càng khó trị hơn nhiều. Vì người nghiện rượu chịu nhận tật xấu về mình, nhiều khi còn muốn chừa nữa, còn kẻ tham lam thì tự cho mình là bình thường, có khi còn tự hào là có đức nữa, đức cần kiệm lo xa.

Có người bủn xỉn với người khác mà không bủn xỉn với bản thân; lại có người bủn xỉn tới nỗi nhịn mọi thứ: chính bọn này mới thực là hà tiện. Cách đây mấy năm một tên hành khất ở Paris chết, bọn đó suốt đời sống dưới gầm cầu sông Seine. Tên hành khất đó xin tiền thiên hạ và lượm các giẻ rách, có dư tiền đầu tư và chết rồi để lại một số của cải lớn. Của cải đó giúp cho hắn được gì không? Hắn lại không có người thừa kế. Vậy thì hắn trữ của làm gì vậy? Chỉ để thỏa cái thú góp nhặt và đếm tiền thôi. Bọn keo cú mê tiền đó, thực ra là bọn bị bệnh thần kinh.

Một hôm tôi lại thăm du hí trường Monte-Carlo, ngạc nhiên thấy một bà lão bộ dạng kì dị: người khô như con mắm, nhìn mặt chỉ thấy một mũi nhọn, dài và cặp mắt lạnh lùng, ngón tay vàng để móng như vuốt, nắm chặt một mớ tiền và thẻ để đánh bạc, hỏi ra thì bà ta giàu có vô cùng và cô độc, tối nào cũng tới đó đánh bạc.

Vì đâu mà người ta sinh ra tật tham lam?

Tôi biết một bà già nọ sau khi li dị với chồng, mấy lần muốn tái giá mà không thành, sau cùng quyết chí sống một mình. Không có con, bà ta đem hết tâm trí vào công việc và kiếm được nhiều tiền. Lại hưởng được gia tài cha để lại: hai ngôi nhà cho thuê được một số tiền lớn. Nhưng hồi đó, bọn tôi chưa biết rằng bà giàu có. Cứ tưởng bà túng thiếu, cả những thú vui tầm thường trong đời, bà cũng gạt hết, không hưởng: không mời mọc ai ăn uống gì cả, không đi du lịch, quần áo rất giản dị, chỗ ở rất xoàng xĩnh, ăn thì lại một quán bình dân. Khi bà ta chết, cô cháu gái đã có một gia tài lớn, bỗng hóa giàu lên gấp đôi. Vậy thì tật tham lam của bà đó do đâu mà phát sinh? Do điểm này: bà ấy tự nhủ: "Đời đã chẳng cho mình chút chi thì mình cho đời làm quái gì. Mình sẽ cóp nhặt để đó".

Nhiều khi người ta hóa rất tham lam là để "bù trừ" một sự thiếu thốn, bất mãn nào đó. Không được đời tặng cái mình muốn thì bù lại, mình kiếm cho thật là nhiều tiền và gom góp thật nhiều của cải. Dĩ nhiên như vậy là tính lầm, vì đáng lẽ mình được hưởng đời nhờ những của cải đó thì mình lại bị cảnh cô độc, hóa ra chua chát, tinh thần nghèo nàn.

Cái tai hại của tật đó ở điểm này: mới đầu ta cho rằng mình chỉ phòng xa, tính toán hợp lí thôi: "Mình không biết mình còn có thể làm việc tới bao giờ, mình không muốn sau này phải nhờ vả ai cả, mà còn muốn để lại cho con cái một chút gì nữa". Vì vậy mà phải để dành tiền. Nhưng để dành tới bao giờ và tới mức nào? Dần dần ý để dành tiền đó thành ra có sức ám ảnh ta.

Nguyên do sự ám ảnh đó là ta sợ cuộc đời. Người có tật gom góp của cải là người không có lòng tin, mà cũng vô tín ngưỡng nữa, vì muốn được an toàn, chỉ trông cậy ở mình, ở khả năng, của cải của mình thôi.

Chắc bạn đã đọc trong sách Phúc Âm chuyện một thanh niên giàu có lại hỏi Chúa Ki Tô, muốn dược toàn thiện thì phải làm sao. Chúa Ki Tô đáp: "Nếu con muốn toàn thiện thì con bán gia sản của con đi và phân phát cho người nghèo". Thanh niên đó nghe xong, quay đi, buồn rầu lắm vì gã có một gia sản lớn. Tại sao gã buồn? Vì gã đủ thông minh để hiểu rằng con đường mà chúa Ki Tô chỉ cho để đạt được hạnh phúc và tự do tối cao đó rất đúng, nhưng gã không dám theo vì nhìn cảnh bất trắc của ngày mai, gã đâm hoảng. Ngày mai không còn tiền thì sẽ sống ra sao đây? Gã quyến luyến với của cải quá, không dám xông vào cõi tự do.

Tôi biết một bà nọ cha mẹ giấu không cho biết là mình giàu, và khi chết để lại cho bà một gia tài lớn, bà ta đã quen cần kiệm rồi, vẫn tiếp tục dành dụm, tiêu pha rất ít, chỉ sợ gia tài không hưởng bất ngờ đó sẽ tan mất. Cũng may bà ta có một bà bạn thông minh, thấy cái tật cóp nhặt đó mỗi ngày mỗi tăng, đích thân giữ tiền giùm cho, buộc bà phải mua sắm quần áo tốt, lựa các món ăn ngon, bố thí cho kẻ nghèo, v.v... Mỗi lần là phải tranh đấu gay go như vậy luôn mấy năm. Sau cùng tới lần thắng lợi đầu tiên: không cần có bạn khuyên bảo, bà "phú gia tội nghiệp" đó tự ý tặng một số tiền lớn cho một hội từ thiện. Lần đó bà ta bắt đầu hiểu rằng trước kia mình sống như trong một nhà giam bây giờ mới thoát ra được.

Muốn trừ cái tật hà tiện, có cách này công hiệu: thỉnh thoảng nhất là khi nào mình thấy sợ cuộc sống, sợ sẽ phải nghèo túng, thì tặng một số tiền lớn hoặc một vật gì rất quý, chẳng phải có lí do gì cả, chẳng cần tính toán, tặng một cách hoàn toàn vô tư.

Các nhà tu hành nguyện sống nghèo là có ý cương quyết bẻ những xiềng xích của tài sản.

Người đàn bà nhân từ, rộng rãi nhất mà tôi được biết là bà ngoại tôi. Cụ góa chồng và có chín người con, một mình cai quản trại ruộng. Trong số người giúp việc của cụ, có vài người làm mướn, công nhật và một chú tên là Ja**ble luôn luôn tìm được cách ăn cắp vặt. Một hôm ông con trai lớn của cụ đem việc đó ra phàn nàn với cụ, cụ mượn lời sau này của thánh Paul để đánh: "Con không thể nào khớp mỏ con bò được khi nó đạp lúa". Một lần khác cụ bắt được tại trận chú Ja**ble đang nhét mấy quả trứng vào đôi giày ống của chú. Theo cô tôi kể lại thì lúc đó cụ lúng túng hơn cả chú ta nữa, rầy chú: "Ja**ble phải nhét rơm hoặc cỏ vào trong giày trước đã chứ, nếu không thì bể hết trứng còn gì!". Và Ja**ble làm theo trong khi cụ đứng thản nhiên ngó. Nhờ dành dụm và ăn cắp vặt, chú ta mua được một miếng đất kha khá. Ngày chú mất, chú cho mời ngoại tới. Chưa bước qua bực cửa phòng của chú, cụ đã nói ngay với người hấp hối: "Cứ yên tâm, chú Ja**ble, tôi biết chú muốn nói gì với tôi rồi, nhưng tôi đã tặng chú cái đó từ lâu rồi mà, và chú thấy đó, tôi có nghèo hơn chút nào đâu. Vậy chú cứ bình tĩnh mà qua thế giới bên kia".

Vài năm tới lượt bà ngoại tôi mất, cụ tắt nghỉ một cách dễ dàng, gần như vui vẻ. Cụ đã từ lâu không nghĩ tới của cải, vì theo đúng lời của thánh Paul: "Có của thì coi như mình không có, mà không có thì coi như mình có".

Câu rất hay dưới đây: "Thà tặng một bàn tay ấm áp còn hơn phải buông ra khi bàn tay đã lạnh ngắt" cũng là một danh ngôn của bà ngoại tôi nữa.

Bạn có bi quan không

Khi ta bảo ai bi quan, là ta muốn nói người đó tiên liệu rằng mọi sự sẽ cực tệ hại. Trái lại, người lạc quan có khuynh hướng coi cái gì cũng tốt đẹp và dù làm việc gì cũng tin chắc sẽ được như ý.

Hai thái độ đó, thái độ nào tốt? Chắc bạn muốn đáp ngay: thái độ lạc quan, dĩ nhiên! Nhưng đâu có thể đáp giản dị như vậy được. Trái lại vấn đề đó rất gai góc, nhân loại từ mấy ngàn năm nay chưa giải quyết dứt khoát được đấy. Trên một bình diện nào đó thì lạc quan tốt hơn là bi quan, phải. Muốn lập gia đình, cất nhà hay tiến hành một công việc làm ăn nào thì theo nguyên tắc, nên nghĩ thầm rằng mọi sự sẽ hoàn hảo. Phải dám liều và nuôi hi vọng mới được.

Nhưng đứng trước một vấn đề quan trọng cho khắp thế giới, chẳng hạn vấn đề: sẽ có chiến tranh nguyên tử không, thì không thể lí luận như vậy được. Trong trường hợp đó, tuyên bố một cách lạc quan rằng "tai họa không xảy ra đâu", tức là tự an ủi một cách dễ dàng quá, mà thiếu óc thực tế, vì thế giới đã như vầy (đúng hơn là đã trở thành như vầy vì lỗi của loài người) thì chúng ta bắt buộc phải nghĩ rằng cái họa chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra được lắm. Nhưng mặt khác sống mà luôn luôn lo sợ tai họa, thì cũng là lầm lẫn lớn. Vậy trước những vẫn đề quan trọng thì thái độ nào hơn cả? Đối với thế giới và đời sống, xét chung, ta nên coi thái độ ra sao? Thái độ bi quan: thế giới này hỏng, đời sống chỉ là một chuỗi đau khổ? Hay thái độ lạc quan: thế giới này tốt đẹp, con người có thể sống sung sướng được?

Đặt vấn đề như vậy là đặt sai, vì chỉ đưa ra hai thái độ trái ngược nhau và buộc ta phải lựa chọn lấy một. Mà thực ra còn có thái độ thứ ba nữa, thái độ ta sắp xét dưới đây.

Nếu bạn tự hỏi thái độ của mình đối với cuộc đời ra sao thì có lẽ bạn sẽ do dự không đáp được. Vì lạc quan hay bi quan đều tùy tâm trạng từng lúc của mỗi người. Trong những lúc khoan khoái, bạn thấy vũ trụ như hòa hợp với mình. Bạn sung sướng và bảo: Đời đẹp quá, thế giới này tốt, loài người cũng tốt. Những lúc gặp vận đen, bạn lại chua chát bảo thế giới này hỏng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tâm trạng ta, làm cho ta có khuynh hướng lạc quan hay bi quan: thể chất của ta, tình khí của ta, kinh nghiệm của ta (đặc biệt là những kinh nghiệm thời nhỏ), rồi tuổi tác, nòi giống nữa (giống người Slave ở Bắc và Đông Âu thường bi quan, còn các giống người ở bờ Địa Trung Hải - nhất là người Ý - thường lạc quan). Nhưng cái khuynh hướng tự nhiên đó không nhất định là không thay đổi trong suốt đời người. Nó chỉ là một trong các yếu tố thôi.

Vì lạc quan hay bi quan không phải chỉ là những khuynh hướng tự nhiên, còn là những phán đoán của ta về thế giới và đời sống nữa, những phán đoán này gom lại thành quan niệm của ta về vũ trụ. Có quan niệm ra sao là tại ta một phần.

Cũng nên xem xét hai thái độ lạc quan và bi quan đó, thái độ nào xuất hiện sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Đọc truyện cổ tích của các dân tộc bán khai thì ta tưởng rằng nhân loại thời xưa lúc nào cũng sống trong cảnh lo sợ hết tai nạn này tới tai nạn khác. Trong các cổ thư của mọi nền văn minh, chẳng hạn trong Cựu ước, chúng ta thấy loài người phàn nàn về cuộc sống khó khăn, giàu sang hay nghèo hèn rồi cũng phải chết, họ oán số phận nghĩa là các vị thần - hay đấng Thượng Đế - sao mà tạo một thế giới xấu xa, đau khổ như vậy. Nhưng chúng ta cũng thấy họ xây dựng đời sống và hóa công, nhiều khi vừa than oán mà vừa ca tụng. Nếu bạn tự hỏi: cõi đời này tốt hay xấu thì bạn phải bắt buộc trả lời nó vừa xấu vừa tốt, vì nó có nhiều cái tốt mà cũng có nhiều cái xấu, và lắm khi, cái mới đầu tưởng là tốt thì sau hóa xấu, hay ngược lại. Cõi đời biến đổi hoài thì không thể nào chỉ có tốt hay chỉ có xấu. Y như con người vậy; có người nào tốt hẳn hoặc xấu hẳn suốt đời đâu, có lúc tốt, có lúc xấu. Các triết gia và thần học gia mọi thời và mọi xứ đều suy nghĩ về đổi tính (dualitê) đó và đưa ra những thuyết rất khác nhau. Đạo Phật cho rằng thế giới không tốt không xấu: nó chỉ là ảo tưởng, chỉ có cái không, cõi niêt bàn mới là thực. Vậy thì chỉ cần đừng lưu luyến gì với thế giới ảo tưởng này nữa, diệt được khổ rồi thì linh hồn được vào cõi niết bàn (nó không phải là hư không mà là cái nhất, cái toàn thể bí mật không thể chia ra từng phần được, mà ta có thể gọi là Đại Ngã hay Thượng Đế). Đối với người Do Thái thì Thượng Đế đã giao thế giới cho hai vị thần: thần phá hoại và thần chân lí coi trong các bản cổ thư viết tay mới tìm được ở Tử Hải), và hai vị đó tranh giành nhau nhân loại. Còn những người theo đạo Ki Tô, thì tin rằng chúa cho quỷ Satan có quyền hành lớn trên thế giới. Goethe bảo trong suốt lịch sử, nhân loại lo cứu rỗi linh hồn mình, vậy lịch sử nhân loại là lịch sử sự chiến đấu giữa chúa và Satan. Bọn người bi quan bảo: phải, nhưng trong cuộc chiến đấu đó, nhất định là Satan thắng nhiều hơn, và phần thắng của cái thiện rất nhỏ nhoi, nếu không phải là con số không. Nhưng người ta cũng có thể nói: sống trong cuộc chiến đấu bất phân thắng bại đó, tôi quyết tâm đứng về phe thiện. Hoặc bảo: đã không giải được cái lưỡng nan đó thì tôi bỏ nó đi, không bàn tới. Có những vấn đề gai góc không sao giải được, thì cứ bỏ lửng, đó là dấu hiệu sáng suốt và thành thực. Các nhà vật lí ngày nay đã nhận rằng trong trình độ tri thức của loài người, có những vấn đề không sao giải được, thì tại sao về triết lí chúng ta lại không có tinh thần khiêm tốn như họ?

Nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được điều này; nếu chúng ta đã kinh nghiệm chua chát rằng đời là khổ thì chúng ta cũng phải nhận rằng, ngược lại, chúng ta cũng có thể tìm được niềm vui và hạnh phúc trong đời, và ngay trong những cơn đau khổ, chúng ta vẫn có thể giữ được tinh thần tự do (...)

Thế giới còn đương tiến, còn chưa đạt được cái đích là không gây khổ nữa, mà chúng ta còn là những khách trên đường đời, nhắm về đích đó thì chúng ta nên chấp nhận tính cách không tốt không xấu của thế giới đi, cứ sống giữa những mâu thuẫn đó đi, có gặp cảnh đau khổ thì ráng chịu và tìm hạnh phúc trong sự tin tưởng rằng đau khổ có cái nghĩa thâm thúy của nó. Đó, theo tôi, thái độ thứ ba là như vậy. Không bi quan, không lạc quan mà dũng cảm. Nghĩa là can đảm tin chắc rốt cuộc các nỗi đau khổ của ta sẽ hóa ra hữu ích và chính đáng trong một vũ trụ mà chúng ta chưa hiểu được quy luật ra sao. Nuôi cái hi vọng mù quáng đó, là bổn phận của con người. Ai làm tròn được bổn phận ấy thì sẽ hiểu được lời của triết gia Epictète (thế kỉ thứ nhất sau tây lịch), lời tôi sẽ lựa để sau này khắc lên mộ chí của tôi: "Đã tới cái lúc con dự xong buổi hội rồi ra về ư? Con đi đây, và con xin cảm ơn Thượng Đế đã không chê con mà cho con được dự hội với Ngài, được thấy những công trình Ngài và ngắm triều đại của Ngài".

Bạn có thể yêu được không?

Don Juan là điển hình của hạng tán gái, thấy người đàn bà nào cũng thèm, chinh phục cho được, nếu dụ dỗ mà không thành công thì cướp; không yêu người đàn bà nào lâu, không thề thốt một lòng một dạ với người nào cả, và rốt cuộc bị trừng phạt: bị đầy xuống địa ngục, nghĩa là xuống cái nơi không có chút tình yêu, bất kì là dưới hình thức nào. Truyện anh chàng đó là truyện con người không thể yêu ai được.

Nhưng làm sao ta biết rằng Don Joan không thể yêu ai được? Có thể rằng hắn muốn yêu đấy nhưng không gặp được người vợ lí tưởng chăng? Có thể rằng hắn đã chịu hết thất vọng này tới thất vọng khác chăng? Có thể rằng hắn đặt hi vọng lên cao quá, hoặc thấp quá? Cũng có thể rằng hắn chỉ tìm ở phụ nữ cái vui khoái hoặc đùa bỡn, cái vui nhục dục?

Và nếu hắn không thể yêu được thì có phải là lỗi của hắn không?

Dùng khoa phân tâm mà xét tâm lí của một gã "Don Joan" (ở trong truyện cổ tích hoặc ở ngoài đời) thì biết đâu chừng, chúng ta chẳng tìm được lí do tại sao hắn không thể yêu ai được.

Có thể rằng, hắn sợ không có sinh lực nam tính, nên cứ phải tìm hoài cách chứng tỏ rằng mình vẫn sung sức. Có thể rằng bị một mặc cảm tự ti, hắn cho sự chinh phục được phụ nữ là một vinh dự? Có thể rằng hồi nhỏ không được mẹ yêu. Bị mẹ hành hạ tàn nhẫn, bây giờ hắn trả thù vào tất cả đàn bà? Có thể rằng, trái lại, hồi nhỏ được mẹ nuông chiều quá, hắn bị giữ hoài ở tình trạng phát dục bất toàn nên bây giờ muốn tỏ cho các phụ nữ thấy sinh lực nam tính của mình? Cũng có thể rằng hắn hồi nhỏ thấy yêu mẹ quá, bây giờ muốn tìm lại hình ảnh của mẹ trong mỗi người đàn bà. Có thể hắn vào hạng người ham mê xâm chiếm, hễ thắng được là vui chứ không muốn giữ lâu. Có thể hắn có tính tò mò không sao thỏa mãn được, muốn biết hoài những của lạ, và khi biết rồi (hoặc tưởng là biết rồi) thì bỏ đi, như một đứa trẻ, gỡ được những bộ phận của một bộ đồ chơi rồi thì vứt đồ chơi đó đi, không ham nữa. Cũng có thể hắn muốn yêu nhưng vẫn giữ trọn sự tự do của mình, nên mỗi khi một người đàn bà nào muốn cột chân hắn là hắn trốn liền.

Xét tâm lí của bọn Don Joan, chúng ta tìm ra được ý nghĩa này của ái tình: yêu là muốn nhưng cũng là có thể keo sơn với một người được.

Nhưng có phải ai cũng có thể keo sơn được như vậy không? Phân tích bọn Don Joan ta thấy rằng khả năng yêu, ít hay nhiều, có tích cách thiên bẩm, có thể nhạt đi, bị ngăn trở hoặc bị diệt mất nữa. Trước khi một người đàn ông có mối tình đầu tiên, thì khả năng yêu của người đó ra sao đã định rồi. Vì khả năng đó là tùy tính tình của mỗi người.

Nếu là một người điều hòa, quân bình, nhờ bản tính hay giáo dục, thì người đó có thể yêu được, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nghĩa là cả khi không gặp được người yêu lí tưởng. Nếu là một người bất thường thì cả trong những hoàn cảnh thuận tiện nhất cũng không thể thật sự yêu được.

Mà hầu hết chúng ta không phải là hạng trên hay hạng dưới, chúng ta ở giữa hai hạng đó, vậy là có thể yêu được.

Nhưng lòng yêu chân thành cần có sự gắng sức, cần có ý chí, đúng hơn là có thiện chí, thì mới thành công.

Tại sao hầu hết các cuộc tình duyên và hôn nhân đều thất bại? Tại người ta có ý niệm sai về ý tình và hôn nhân. Tại người ta nuôi những hi vọng hão huyền.

Một người chồng hoạt động tự tin, cho ái tình là tùy ý mình, và nếu người vợ không nhu thuận, muốn tỏ cá tính và ý chí mà chống lại, thì người chồng sẽ thất vọng lắm.

Một người đàn bà trước khi cưới, có tánh nhí nhảnh, làm duyên làm dáng, cưới rồi mà không được chồng ca tụng sắc đẹp nữa thì cũng không sung sướng.

Một người đàn ông tự cho mình là tài giỏi lắm, mà đóng cái vai một thiên tài không đời nào biết đến, sẽ cảm thấy vợ không hiểu mình, nếu vợ lột mặt nạ của mình.

Một người đàn bà muốn thấy chồng được đúng như ý tưởng của mình, khi sống chung rồi mới thấy sự thực khác xa quá, thì tự nhiên sẽ thất vọng. Đáng lẽ người đó phải tự trách mình đã vụng xét, mù quáng thì lại trách chồng sao không phải là con người lí tưởng mình muốn.

Tôi xin ngưng kể thêm thí dụ nữa, mà đặt câu hỏi này: nếu ta thấy rằng người bạn trăm năm cảu ta làm cho ta thất vọng thì ta sẽ phải hành động ra sao? Có người sẽ trả lời tức thì rằng: phải li dị.

Tôi thì tôi bảo rằng ái tình là một sự giao kết với nhau. Mà giao kết không phải là chuyện tình cảm hay nhục dục. Giao kết là một hành động, một bổn phận.

Khi hai người gắn bó với nhau thì không phải là một trò chơi mà có thể lúc nào chán nhau thì li dị nhau, xa nhau ra; trái lại gắn bó với nhau là để tạo cái gì bền vững.

Người nào đã yêu ai thì nghĩ rằng sẽ yêu người đó suốt đời. Nghĩ như vậy là phải. Yêu mà có kì hạn thì không phải là yêu. Rất nhiều thanh niên nhầm lẫn tình yêu với tình nhăng nhít nhất thời vì vậy mà các mối tình của họ rất ngắn ngủi. Sở dĩ vậy vì họ chưa phân biệt được hai thứ tình đó. Nhưng người lớn mà cũng vậy nữa thì thật là đáng trách. Có thất bại trong hôn nhân là tại họ không yêu mà cưới nhau hoặc tại họ không hiểu rằng ái tình có nghĩa là chung thủy, cần luôn luôn gắng sức mới giữ được.

Người ta nhiều khi tưởng yêu nhau vì tình mà thực là vì một lí do khác: tìm một người đàn bà làm nô lệ cho mình, hoặc một người xuất vốn cho mình, một người nội trợ hoặc một người chỉ huy để mình phục tòng, một người ngưỡng mộ mình hoặc để cho mình lấy làm hãnh diện, một bạn chăn gối lúc nào cũng nhu thuận hoặc một cái máy đẻ, v.v... Người ta đòi hỏi cả ngàn thứ mà quên điều chính là ái tình, mà ái tình thì lúc nào cũng là sẵn sàng hi sinh.

Hầu hết chúng ta đều hỏi hoài người bạn trăm năm: mình có yêu anh hay (em) không? Giá chúng ta tự hỏi: mình có yêu bạn trăm năm của mình không, thì phải hơn. Mình có biết rõ bạn trăm năm của mình để có thể làm cho người đó sung sướng và yê lại mình không?

Một ông nọ một hôm kể cho tôi nghe ông yêu tha thiết một người đàn bà mà ông muốn cưới. Ông ta bảo tôi: "Cô ấy chỉ mỗi một tật đôi khi làm cho tôi phát bực mình: là húp cà phê sùm sụp. Tôi đã ráng sửa nhưng đã thành tật rồi, vô phương sửa. Tật đó di truyền của bà mẹ". Tôi khuyên ông đừng nên cưới: nếu tật nhỏ đó làm cho ông ta bực mình thì rồi không có cái gì của người yêu mà sẽ không làm cho ông không bực mình. Bây giờ thì tôi sẽ không khuyên như vậy nữa, vì một người khi yêu thì vẫn giữ trọn cá tính với tất cả những thói quen của mình mà những thói quen này không thể nhất thiết vừa ý người bạn trăm năm. Đó là chuyện thường nhưng ta phải nhớ tới. Điều quan trọng là trước khi cưới phải hiểu rằng mình không cưới một con người lí tưởng mà một con người thường, nhất định có những điều không vừa ý mình. Hôn nhân không phải là một khúc tình ca, không phải là một cuộc gặp gỡ cuối tuần kéo dài suốt mấy chục năm, không phải là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn, tuy không luôn luôn gây được hạnh phúc, nhưng cũng là một sự thành công đẹp đẽ.

Người nào thích ve vãn thì cần có sự thay đổi, còn người nào muốn yêu thì suốt đời chỉ cần có một người mà thôi. Vì vậy định nghĩa trên kia về ái tình, chúng ta nên sửa đổi lại một chút như sau: "Yêu là có thể và muốn kiên nhẫn giữ lời gắn bó với nhau". Cho tới bao giờ? Cho tới khi chết.

Đúng giờ là sự lễ độ của vua chúa

Hễ hẹn bất kì ai về việc gì thì phải tới cho đúng giờ. Người ta thường cho sự tới cho đúng giờ là một đức tầm thường là hình thức thông thường nhất của sự lễ phép. Nhưng ý nghĩa của sự tới đúng giờ nào chỉ như vậy mà thôi.

Một cảnh ngoài phố: dưới chiếc đồng hồ nhà ga - nơi mà nhiều người thích lựa làm chốn hẹn hò - một thanh niên đứng trơ trơ, rõ ràng có vẻ đợi ai. Nửa giờ sau chàng vẫn còn ở đó, đi bách bộ, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác, thỉnh thoảng lại ngó lên chiếc đồng hồ, vẻ thất vọng. Rồi một thiếu nữ điềm nhiên chậm chạp bước lại: mãi bây giờ nàng mới tới, chàng nhìn chiếc đồng hò có vẻ trách móc, nàng mới đầu ngạc nhiên rồi sau hơi ngượng. Kế đó họ khoác tay nhau, cùng đi.

Tại sao nàng lại tới trễ vậy? Tại phải đợi xe buýt? Tại lúc sắp ra đi thì mẹ lại sai làm một việc? Có thể như vậy, nhưng có nhiều phần chắc chắn là nàng "muốn" tới trễ. Nàng làm bộ tỏ cho chàng thấy rằng nàng chẳng thích gì cuộc hẹn hò này mấy, chẳng mong mỏi được gặp lại mặt chàng. Cũng có thể là nàng muốn cho chàng đau khổ một chút. Hoặc làm cho chàng càng nóng lòng trông đợi thì chàng lại càng quý mình. Tóm lại, nàng tới trễ để gây một phản ứng.

Một trường hợp khác cũng cố ý tới trễ: đi coi hát hoặc tới dự một cuộc tiếp tân. Tôi nhớ một lần có cuộc hòa tấu ở một tư gia, các nhạc sĩ đã sửa soạn vào bản rồi thì một tiếng động ở cuối phòng làm cho họ quay cả lại. Cánh cửa mở ra, một phu nhân đồ sộ ung dung bước vô, lại còn mỉm cười nữa chứ, khẽ chào hàng bên đây, hàng bên kia, khoan thai đi hết lối đi ở giữa rồi ngồi xuống một chiếc ghế ở hàng đầu. Đợi bà an tọa rồi cuộc hòa tấu mới bắt đầu. Bà là một nhà nổi danh về đàn piano, có ai mà không biết mặt, biết tiếng, đâu có cần làm cho thiên hạ chú mục như vậy. Nhưng bà thích thế.

Tôi đã từng thấy một lần như vậy trong một bữa tiệc lớn. Các tân khách hầu hết là người có tai mắt - đều ngồi vào bàn cả rồi thì có một bà nọ mới bước vô, bà ta không nổi danh nhưng được cái là đẹp, y phục trang nhã. Thâm ý của bà lộ liễu quá. Mọi người đều quay về phía bà và trong vài phút bà được mọi người ta chú mục tới nhất.

Các ông chủ xí nghiệp lớn nhỏ, thường cố ý tới trễ để làm oai với nhân viên; có ông mời người cộng sự tới mà bắt họ đợi tới cả giờ đồng hồ để họ thấy rõ rằng mình làm chủ đây.

Nhưng cũng có khi chúng ta không cố ý mà vô tình tới trễ, nghĩa là tiềm thức của ta xúi ta tới trễ mà ta không hay. Cách đây đã lâu, một buổi tối tôi lại dự một buổi tiếp tân của bạn; tôi biết rằng tối đó thế nào cũng sẽ gặp một người đàn ông mà tôi mến, bắt đầu mê rồi nữa, mặc dầu chưa biết gì nhiều về tính tình ông ta. Vậy tôi mong dự cuộc tiếp tân đó lắm. Nhưng như có ma đưa lối hay sao. Khi tôi vừa mới xỏ tay vào chiếc áo đẹp nhất của tôi thì thấy nó có một vết dơ, thế là phải lựa chiếc khác. Rồi chiếc vớ của tôi tuột mất một mắt, lủng một lỗ. Sau cùng tôi chạy vội xuống cầu thang thì một gót giày của tôi móc vào thành đồng, gãy. Phải trở lên phòng thay giày. Tới trạm xe điện thì xe vừa chạy qua. Nhìn bốn bề không thấy chiếc taxi nào, tôi đành phải đi bộ, tới nhà bạn thì quá trễ. Người đàn ông tôi muốn gặp hôm đó vừa mới ra khỏi: ông ta làm y sĩ và dưỡng đường vừa mới gọi ông a về vì có một trường hợp phải cấp cứu. Và tối hôm đó tôi biết rằng ông ta có vợ nhưng li thân với vợ và nhăng nhít lung tung. Đúng là hạng chuyên môn tán gái! Tiềm thức của tôi sáng suốt hơn tôi, đã tránh cho tôi một tai họa. Vậy không phải ma đưa lối mà là thần hộ mạng của tôi đã xui khiến tôi tới trễ.

Nhưng trường hợp đó hiếm, mà phần nhiều chúng ta sai hẹn chỉ vì thiếu kỉ luật, thiếu thứ tự rồi sau phải chịu vô số nỗi cay đắng.

Trong các nguyên nhân tới trễ hẹn, có một nguyên nhân tha thứ được: thiếu ý niệm về thời gian. Tôi biết một bà nọ rất siêng năng, nhưng lúc nào cũng phải nhìn vào đồng hồ, nếu không thì không biết lúc nọ cách lúc kia là bao nhiêu, hai giờ hay bốn giờ? Lần nào bà ta ráng tới đúng hẹn được thì cũng luôn luôn hớt ha hớt hải, ngạc nhiên rằng sao thời gian đi mau thế.

Lại có những người không theo thời khắc biểu nên luôn luôn tới trễ. Họ biết rằng một giờ trưa phải tới. Họ lại làm việc ở ngoại ô, nhưng họ cũng cứ đợi đến một giờ thiếu năm mới đi kiếm taxi. Họ không biết lập một thời khắc biểu, hoặc lập rồi mà không theo đúng. Dĩ nhiên, đúng vậy phải có tinh thần kỉ luật, trọng một kỉ luật mình tự lập ra cho mình. Mỗi tuần tôi xuống thành phố một lần và trước khi đi, tôi ghi trên giấy tất cả những việc tôi sẽ phải làm, mỗi việc mất bao lâu. Luôn luôn tôi tính rộng rãi thêm một giờ phòng hờ, vì biết đâu tôi chẳng hải nán lại một chỗ nào đó lâu hơn thời gian đã dự phỏng. Nhờ cách đó không bao giờ tôi tới trễ. Đó là kỉ luật tôi tự buộc tôi phải theo, vì lúc nào tôi không tự cột tôi vào công việc gì thì tôi thường thơ thẩn tà tà.

Ai cũng biết rằng những người rất bận việc gì thì luôn luôn có đủ thì giờ, còn những kẻ ít công việc thì lại không bao giờ có một phút rảnh. Điều đó dễ hiểu: người nào có những công việc quan trọng phải làm thì bắt buộc phải định thời khắc biểu. Và mỗi khi có một việc bất ngờ phải làm gấp thì họ giảm thời gian để làm một việc khác kém quan trọng hoặc gắng tích cực làm cho mau hơn.

Xét như trên rồi, chúng ta thấy tới trễ hẹn không chỉ là một tật nhỏ mà còn có những nguyên nhân xâu xa về cảm xúc và về luân lí. Hầu hết những người mắc tật đó đều hoặc ích kỉ hoặc tự cao tự đại.

Một hôm tôi kêu điện thoại xin được gặp một nhà bác học rất nổi danh mà tôi biết chắc rằng bề bộn công việc. Ông hẹn tôi đúng mười hai giờ trưa, cho nên tôi tới sớm một chút và yên lặng ngồi chờ trong phòng khách. Mười hai giờ thiếu năm ông ở trong phòng làm việc bước ra, xin lỗi đã để tôi phải ngồi chờ. Từ đó ông coi tôi là hàng thân hữu của ông và mỗi khi cần tới gặp nhau thì luôn luôn cả hai chúng tôi đều tới trước hẹn để đỡ phải chờ nhau.

Người ta bảo tới đúng giờ là sự lễ độ của hạng vua chúa. Riêng tôi tôi nghĩ rằng nó là sự lễ độ của mọi người đàng hoàng, nhã nhặn, không muốn làm cho người đã ước hẹn với mình phải sốt ruột, bực mình mà cũng không muốn làm cho người đó buồn lòng, mất thể diện.

Nén giận

Hãng Mathoushita, hãng sản xuất đồ điện lớn nhất Nhật Bản đã kiếm được một cách ngộ nghĩnh để làm tăng năng suất của nhân viên: trong xưởng có một phòng riêng ngoài treo chiếc bảng có hàng chữ: "Xin anh em tùy ý sử dụng".

Sử dụng cái gì vậy? thưa, những gậy tre, dài có, ngắn có, lớn có, nhỏ có, chất đống trong phòng; nhân viên cứ việc dùng để đập ông chủ. Dĩ nhiên không phải là ông chủ bằng xương bằng thịt, mà là một hình nộm bằng chất nhựa giống y hệt ông chủ. Khi một người thợ, một nhân viên phòng giấy thấy ngán làm việc hoặc vì công việc đơn điệu quá, hoặc vì đã bị một thượng cấp mắng oan, thì cứ tự do được ngưng công việc mà vô phòng gậy tre. Ban giám đốc xác nhận rằng kết quả tuyệt hảo: ở trong phòng gậy tre ra, người nào cũng hết chán nản mà hóa vui vẻ, hăng hái.

Truyện đó là truyện đùa hay là một ảo tưởng, hay là truyện nghiêm trang đấy? thưa, rất nghiêm trang, và cách đó chỉ là để cho nhân viên, thợ thuyền phát tiết nỗi uất hận trong lòng, tránh cho nó khỏi bị dồn ép xuống.

Đương cơn giận dữ, chắc bạn đã có lần liệng bể chén đĩa, khép cửa đánh rầm một cái, giậm chân thình thình hoặc đương lái xe thì văng tục, chửi rủa kẻ đã lái ẩu, mặc dầu biết rằng kẻ này không thể nghe thấy được.

Chắc đã có lần bạn nhận thấy rằng một ông chủ sự mới bị ông giám đốc rầy, trở ra "gây" với người giúp việc, rồi người này không có ai ở dưới mình nữa mà gây, trút cơn hận lên đầu kẻ nào lại gần, hoặc lên đầu vợ con ở nhà.

Mà bạn cũng đã thấy một em nhỏ mới bị mẹ bạt tai, bực mình đập con búp bê hoặc một chiếc ghế.

Các hành động đó đều là để trút bỏ một niềm oán hận; không thể đập thẳng kẻ đã làm khổ mình một cách có lí hay vô lí (vì mình không có quyền được đánh đập họ hay nhục mạ họ), thì "chuyển cú đập xuống thấp", mà nạn nhân của mình sẽ phải chịu thay cho kẻ kia.

Trút hận được như vậy người ta thấy dễ chịu liền. Người ta không còn chứa chất nỗi hận trong đáy lòng nữa; để cho nó bị dồn ép trong tiềm thức, không chế ngự, diệt nó đi thì nó có thể gây thác loạn cho tâm thần ta.

Vì vậy, hãng Nhật Bản đó hoàn toàn có lí, mà bạn cũng có lí nữa khi bạn văng tục hay đập bể tan tành một cái đĩa, miễn là đừng để cho ai thấy, và một khi đã hả dạ, bình tĩnh lại rồi, bạn lại đặc biệt hòa nhã với mọi người.

Nhưng có cách nào tốt hơn cách đó không?

Người ta kể cho tôi nghe chuyện một thầy tu tên là **nrad von Altotting, giữ cửa một tu viện, phát súp cho các người nghèo. Một hôm, ông đương phát súp thì một người hành khất liệng cả hai đĩa súp nóng vào mặt ông. Ông bình tĩnh chùi mặt rồi thản nhiên bảo: "Tôi chắc rằng món súp ấy không vừa ý chú!".

Chúng ta phải nhận rằng thái độ đó thực là siêu quần, bẩm sinh ra không ai được như vậy, mà chỉ tu tâm để tự chủ thì cũng không thể được như vậy. Nguyên do ở chỗ nào khác kia.

Câu: "Tôi chắc rằng món súp ấy không vừa ý chú!" tỏ rằng tu sĩ đã khách quan hiểu được hoàn cảnh: món súp ấy không ngon, vậy người hành khất nổi giận thì có gì đâu mà lạ?

Tu sĩ đã hiểu người hành khất. Và sự hiểu biết đó chính là bí quyết của những người nén được nỗi cay đắng mà họ phải chịu một cách bất công. Vì vậy mà trước khi trút nỗi uất hận, chúng ta nên tự hỏi tại sao người kia lại có thái độ đối với ta.

Tại sao ông chủ mình lại nổi quạu? Tại sao cô bán hàng nọ lại gắt gỏng như vậy? Tại sao con mình lại ngỗ nghịch? Tại sao chồng mình lại vô cớ la mình như vậy? Tại sao bà hàng xóm vênh váo tới mức đó?

Nếu ta thành thực tự hỏi như vậy thì chúng ta thấy rằng người nào "làm nhục" ta đó, sở dĩ thái độ như vậy hầu hết là vì bất bình về cảnh hiện tại hoặc về cuộc sống, chứ không phải bất bình về ta.

Thường ông chủ mắng nhân viên là ngẫu nhiên trút lên đầu nhân viên những nỗi bực mình ông ta chất chứa trong lòng từ lâu. Có thể rằng hồi nhỏ, cha mẹ nghiêm khắc, tàn nhẫn quá mà ông ta không dám phản kháng, phải nuốt giận, nuốt hận và nghĩ bụng: "Khi lớn nên, mình sẽ chỉ huy cho mà coi".

Bà hàng xóm vênh váo như vậy có lẽ là do một mặc cảm tự ti. Bà không chịu nhận rằng nghèo hơn, xấu hơn, quê mùa hơn bạn, và vênh vênh váo váo như vậy để tỏ rằng bà ta hơn bạn.

Còn đứa bé ngỗ nghịch vì nó thấy bất mãn, xung đột với người xung quanh. Người lớn đòi hỏi nó nhiều thứ quá, chút gì cũng bắt bẻ mà lại không làm gương cho nó. Như vậy làm sao nó không hóa ra trâng tráo được?

Chúng ta làm bậy thì không sao, người khác làm bậy thì chúng ta trách. Đáng lẽ rầy cô bán hàng là không niềm nở tiếp khách thì tại sao bạn không bảo cô ấy, chẳng hạn: "Công việc của cô cực nhọc. Phải tiếp đãi, chiều ý mọi người thì làm sao để thấy đời vui cho được".

Nói như vậy, bạn sẽ giúp cho hai người: trước hết là giúp cho cô bán hàng hết quạu quọ khi thấy mình được khách hàng cư xử một cách nhân đạo; sau nữa là giúp cho chính bạn diệt được nỗi bất bình khi nó mới phát sinh.

Dĩ nhiên, những lời đó, phải nói một cách hòa nhã, chứ đừng có cái giọng lãnh đạm, hạ cố. Nó phải phát từ đáy lòng ra, và muốn vậy phải tập luyện lâu, tìm hiểu nguyên nhân những nỗi ác cảm của người khác.

Còn về phần chúng ta, phải gắng sức không ngừng mới có thể biến đổi tính tính ta từ trong tiềm thức được, để lúc nào cũng làm chủ hoàn cảnh một cách dễ dàng, chẳng cần phải dùng cái trò trẻ con trút nỗi hận lên cái hình nộm hoặc cái đĩa, cái bàn.

Có thể sống trong mâu thuẫn được không?

Hồi tôi hai mươi tuổi nghĩa là vào cái tuổi tinh thần quá dễ chịu ảnh hưởng ở ngoài, không thể có một phán đoán độc lập được, tôi khổ sở lắm vì không tìm được một chân lí nào tuyệt đối, bất di bất dịch trong số bao nhiêu chân lí tôi được biết.

Đọc một cuốn sách chống chiến tranh ư? Tôi thành ngay một thanh niên chuộng hòa bình. Rồi đọc một cuốn khác trình bày sự cần thiết của chiến tranh thì chủ trương hòa bình của tôi lung lay liền.

Hoặc sau khi tin tưởng rằng con người thời nay phải xông vào mọi vấn đề nóng hổi của thời đại, rồi đọc một cuốn sách về các nhà ẩn sĩ Nga thì tôi lại tin chắc rằng chỉ có cuộc đời trầm tư là đáng sống.

Tuổi thanh xuân đòi vấn đề gì cũng phải giải đáp minh bạch. Có hay không, trắng hay đen, thế thôi. Thanh niên chỉ muốn hoặc sùng bái hoặc bài xích. Không muốn những màu phơn phớt, những câu: "Không những vậy... mà còn...". Nghĩa là họ không muốn sống trong sự mâu thuẫn.

Sự đòi hỏi của tuổi xuân đó còn lại ít nhiều trong suốt đời ta. Như vậy không những tự nhiên mà còn cần thiết và hữu ích nữa.

Bây giờ chúng ta tự hỏi câu này: loài người phải là một sinh vật cao cả, "vạn vật chí linh" không, hay chỉ là một sinh vật tội nghiệp, yếu đuối, đầy những khuyết điểm?

Sao, bạn đáp sao?... Có lẽ bạn sẽ bảo rằng người cũng có nhiều hạng, có người cao cả, có người đê tiện. Nhưng như vậy đâu phải là trả lời tôi. Tôi hỏi bạn loài người cao cả hay đê tiện, đâu có hỏi người này ra sao, người nọ ra sao, tôi hỏi là hỏi loài người kia mà. Và đây tôi xin đáp: loài người vừa cao cả vừa đê tiện.

Chúng ta thử tự xét mình, chúng ta có thể có những hành vi anh dũng mà cũng có thể mắc những tội nặng, có thể anh hùng mà cũng có thể đê tiện; có thể cư xử như những vị thánh hoặc như bọn tiêu tư sản hẹp hòi; có thể minh triết mà cũng có thể điên khùng. Nhiều khi chúng ta không tự biết mình ra sao, cho tới một ngày bỗng nhiên có sự phát giác tàn nhẫn và ta mới nhận ra chân diện mục của mình.

Vậy để trả lời câu hỏi: con người đáng khen hay đáng khinh, tôi xin đáp ngay: đáng khen mà cũng đáng khinh.

Làm sao có thể như vậy được? Có thể vừa lớn vừa nhỏ sao? Vây, đúng vậy! thí dụ: ngọn núi kia cao không? Đối với một con kiến thì nó rất cao, đối với một con chim thì không; nếu ta phải leo nó dưới ánh nắng gay gắt thì thấy nó cao; nhưng nếu ngồi một cái máy cáp (téléphérique) đưa ta lên tới ngọn thì lại thấy nó thấp.

Thuyết tương đối cần cho triết học ngày nay cũng cho vật lí học hiện đại, nó có thể giúp ta tới gần được sự thực.

Nhưng về câu hỏi: "Ông sướng hay khổ?". Một người nào đó có thể đáp: tôi có nhiều nỗi lo lắng trong công việc làm ăn, nhưng bù lại, về phía gia đình tôi được nhiều hạnh phúc, rốt cuộc tôi thấy sung sướng.

Đi sâu vào mỗi vấn đề thì sẽ thấy vấn đề nào cũng có nhiều cách đáp chứ không phải một cách duy nhất. Chúng ta sẽ phải nhận rằng sự mâu thuẫn - ở trong bản thân ta cũng như ở ngoài - quả là cần thiết mặc dầu làm cho ta khó chịu.

Chúng ta thử tưởng tượng một cuộc tranh luận giữa hai nhà bác học. Quan điểm của họ tương phản nhau. Giá họ và tất cả các nhà bác học khác cùng một quan điểm với nhau thì có lẽ tiện đấy, nhưng chính họ bất đồng ý kiến nên khoa học mới tấn bộ được.

Vậy tranh luận là để làm gì? Để đưa ra chính đề và phản đề, bắt bẻ những luận cứ của nhau, rồi hai bên mới cùng tiến thêm một bước trên con đường đưa tới chân lí.

Đem áp dụng vào đời tư thì thấy kết quả sẽ đại loại như vầy: tôi cho rằng cần phải có kỉ luật, bình tĩnh, mực thước, nhưng gặp lúc nếu cần thì cũng nên bất chấp tất cả, không giữ mực thước nữa. Chẳng hạn về ái tình. Các đam mê đều cần thiết đấy chứ. Có đam mê mới biết hi sinh, mạo hiểm, liều lĩnh, hăng say, làm việc và sẵn sàng nhận cái chết nữa.

Vậy thì mực thước và không mực thước đâu là chân lí?

Chân lí ở cả trong hai thái độ đó, tùy hoàn cảnh và tùy tuổi. Có lúc mực thước rồi không mực thước; có lúc vừa mực thước vừa không mực thước. Người ta có thể yêu một cách say đắm mà vẫn giữ khuôn phép được. Cũng như về tôn giáo, có thể tín ngưỡng rồi lại ngờ vực. Cũng như vừa yêu tha nhân vừa ngờ vực họ. Hoặc có thể phụng sự tổ quốc mà chống đối với chính sách khuếch sung binh lực của quốc gia.

Cũng vậy, chúng ta có thể lưu tâm tới các vấn đề của thời đại mà không coi đó là trung tâm mọi hoạt động của ta.

Chính nhờ tạo ra cái không khí trì nghi, bất quyết đó mà sự mâu thuẫn mới là nguồn gốc của sự tấn bộ. Cho nên chúng ta không nên xét cái gì cũng theo một mặt, do đó chỉ chấp nhận có mỗi một chân lí, thói đó rất thường khi khi ta cư xử với người đồng thời với con cái và cả với ta nữa.

Không thể nào đạt đến chân lí thật sự là chân lí, chân lí duy nhất được. Chúng ta chỉ có thể đạt tới những giá trị đại khái của "những chân lí tương đối" thôi. Nhưng không phải vì nó tương đối mà nó không đúng.

Đời sống cực kì phức tạp, muốn nhận định nó cho công bằng thì không nên giản dị hóa nó một cách thô sơ, mà trái lại phải chấp nhận sự phức tạp của nó.

Ngẫm cho cùng sự mâu thuẫn không phải ở trong đời sống cũng không ở trong những biểu hiện của đời sống mà ở trong tinh thần ta, nó không đủ sức chọi với đời sống. Chính trí tuệ của ta tách rời ra những cái vốn có liên hệ mật thiết với nhau, còn giác quan của ta thì thấy được cái hợp nhất, cái toàn thể (...)

Chúng ta bắt buộc phải sống trong sự mâu thuẫn, nhưng không nên vì vậy mà thất vọng, vì sống mãnh liệt trọn vẹn đời sống có nghĩa là chỉ biết một phần của chân lí, cái phần mà ta nên biết thôi. Như triết gia Kierkegaard đã nói: "Có thể sống được trong sự mâu thuẫn là tỏ rằng tinh thần mình lành mạnh".

Kiên nhẫn

Một hôm tôi thấy một em bé nóng ruột vì gà mẹ ấp lâu quá mà trứng không nở, lén lấy một quả, đập bể để "cho gà con ra". Gà con chết ngay dưới mắt nó.

Cách đây ít lâu, một nữ sinh viên Nhật đã trao đổi thư từ với tôi từ nhiều nhiều năm, nhân dịp qua Châu Âu, đem tặng tôi một cái giỏ đầy những con chim nhỏ xíu bằng giấy. Cô ta bảo tôi: "Có cả thảy ngàn con, em làm để biếu bà đấy". Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cô giảng: "Ở Nhật Bản khi khấn nguyện một điều gì quan trọng, thì mỗi ngày chúng tôi kết một con chim nhỏ như vầy. Đó là loài hạc tượng trưng cho sự thanh khiết và trung tín. Hễ kết được ngàn con thì ước nguyện của mình thực hiện được". Cô đã nhiệt tâm ước nguyện điều gì vậy? Ước nguyện được qua du học Châu Âu mà ở gần tôi. Kết xong được ngàn con thì cô được chính phủ cấp học bổng qua Đức học, đúng như sở nguyện của cô.

Trong kịch Piergynt của Ibxen, nhân vật chính của Piergynt một hôm từ biệt người vợ trẻ tên là Solveig để đi ngao du khắp thế giới. Về già ông ta mới trở về nhà và thấy Solveig cũng già rồi, ngồi đợi ông ở trước cửa.

Người nào kiên nhẫn thì có thể đợi được, đợi cho tới khi được mãn nguyện. Người thiếu kiên nhẫn thì không chịu đợi, nóng nảy làm trước và thường làm tiêu diệt sở nguyện của mình. Đặc tính của tuổi trẻ là thiếu kiên nhẫn. Thanh niên như những con ngựa tơ giậm chân ở cửa chuồng, nóng nảy muốn ra khỏi chuồng vì cho rằng hạnh phúc ở ngoài chuồng kia, hạnh phúc đó ra sao chưa biết, phải nhận rằng có tính nóng nảy đó họ mới ham hoạt động, nhưng rồi cũng nhiều nỗi cay đắng. Họ không đợi được tới lúc tinh thần già dặn rồi mới yêu, mới lập gia đình mà đâm bổ ngay vào các cuộc tình duyên chớp nhoáng. Cô thì mang bầu, hoặc phá thai, hoặc giao đứa con cho hội từ thiện, hoặc vội vàng kết hôn để rồi chẳng bao lâu li dị nhau. Còn cậu thì nóng lòng muốn được người ta coi mình là người lớn, làm những chuyện bại hoại phong tục.

Nóng nảy là dấu hiệu của sự thiếu già dặn về tinh thần. Thanh niên đã vậy, nhưng còn người lớn chúng ta? Nhiều khi chúng ta cũng như em bé đập quả trứng gà mẹ đương ấp, rồi cũng đau khổ, thất vọng chua chát. Lái xe chúng ta không chịu chạy theo hàng mà khinh suất vượt lên rồi bị tai nạn. Vợ chồng gây lộn nhau, chúng ta không chịu đợi cho cơn khủng hoảng dịu đi, không ráng thử giữ lòng trung tín với nhau, không để cho ái tình của ta chịu cuộc thử lửa xem sao, mà đã vội vàng li dị nhau. Chúng ta không chịu kiên nhẫn xem trí tuệ của một em nhỏ tuần tự phát triển một cách tự nhiên mà bắt nó gắng sức quá mức, có thể gây cho nó bệnh thần kinh nan y, gây cho nó cái tâm trạng vừa lo ngại vừa tự ti mặc cảm mà có những tham vọng bệnh hoạn. Chúng ta nóng nảy muốn thành công sớm, gắng sức quá mà sinh ra chứng huyết khối. Có kẻ không kiên nhẫn chịu được vận rủi hoặc những khuyết điểm, tật nguyền của mình mà tự quyên sinh.

Có thể kể cả trăm thí dụ khác lớn và nhỏ, rồi đưa ra kết luận rằng sự thiếu kiên nhẫn là nguyên nhân xa, có khi là nguyên nhân chính của mọi tai họa, đau khổ nữa. Điều đó có thể đúng nếu ta coi sự thiếu kiên nhẫn là một hình thức của cái tội nguyên lai này: thiếu tình thương. Quả thực những người nóng nảy muốn mọi người phải theo cái nhịp sống riêng của mình. Trí óc mẫn nhuệ, họ cho những kẻ suy nghĩ chậm chạp là ngu ngốc, mặc dầu những kẻ này có thể suy nghĩ sâu sắc hơn họ. Bản tính mẫn cảm và hiếu động, họ chụm chân nhảy đại ngay vào công việc mà ghét những kẻ phải chuẩn bị lấy đà trước đã. Họ có thể quyết định tức tốc, nên đòi người khác cũng phải vậy, không chịu cho người ta kịp suy nghĩ, cứ đưa ra ý kiến hoặc hành động càn đi. Họ muốn chi phối người khác, rốt cuộc phá cái nhịp tiến của người mà gây nhiều tai họa. Thánh Paul bảo rằng tình thương là khoan dung và kiên nhẫn; chúng tôi muốn nói thêm rằng ngược lại sự thiếu kiên nhẫn chẳng những là thiếu tình thương mà còn diệt tình thương nữa.

Thiếu kiên nhẫn cũng là một hình thức tham vọng. Sợ bỏ lỡ mọi thứ, người ta muốn đạt mục đích cho thật mau, mà có những mục đích không thể đạt mau được. Trong trường hợp đó, nóng nảy cũng là một dấu hiệu của sự nhu nhược, sợ sệt. Phải cương cường thì mới có thể kiên nhẫn được. Mới xét qua thì lời đó có vẻ nghịch lí. Vì người ta chẳng thấy đấy ư, những kẻ lãnh đạm, nhút nhát, thụ động mới kiên nhẫn chịu đựng; còn những kẻ hung hăng. Hoạt động ,sinh ra để chỉ huy thì thường nóng nảy.

Thôi, chúng ta hãy tạm bỏ vấn đề đó đi mà tự hỏi câu này đã: cái đức kiên nhẫn mà người bảo tích cực, kẻ bảo là tiêu cực đó, thực sự là cái gì vậy?

Tiếng "kiên nhẫn", gồm có chữ "nhẫn" là nhịn, là chịu đựng, vậy để trỏ một thái độ tiêu cực. Nhưng nhịn cũng có nghĩa là bao dung, tức cho phép người khác có một ý kiến khác với ý kiến mình, sống theo một lối khác với lối của mình, vậy là trỏ một thái độ không có gì là nhu nhược hay tiêu cực cả. Chỉ người nào cương cường mới có thể tôn trọng cá tính người khác mà vẫn giữ nguyên cá tính của mình. Xét theo khía cạnh đó thì kiên nhẫn là một đức dũng cảm, không nhất định là của nam giới. Trái lại, người ta có thể cho rằng nữ giới thường kiên nhẫn hơn nam giới vì có thể bình tĩnh hơn. Dù sao thì điều quan trọng cần nhấn mạnh là điều này: kiên nhẫn là một dấu hiệu rằng tinh thần cao cả, mà tinh thần cao cả tức là con người cao cả. Người nào kiên nhẫn sẽ thắng. Tục ngữ đã nói: "Kiên nhẫn thành công hơn là sức mạnh".

Trong số những câu chuyện của Brecht, có chuyện này diễn đúng tư tưởng của tôi: một người đi biển, gặp một cơn giông lớn, không thèm chèo nữa, nằm dài trên thuyền mặc cho sóng đưa tới bể nào cũng được. Vậy kiên nhẫn cũng có nghĩa là: đừng cái gì cũng trông ở đức mình mà cứ tin ở vận mạng, mặc cho nó đưa đẩy. Hiểu theo nghĩa đó thì kiên nhẫn cũng là một hình thức can đảm.

Có thể rằng nhiều khi trong đời cần nóng nảy, nhưng chính cuộc đời sẽ dạy cho ta rằng rốt cuộc người nào kiên nhẫn, dai sức, bền hơi thì thế nào cũng thắng.

Chấp nhận cuộc đời

Có một truyện cổ tích Ấn Độ làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Đại khái truyện đó như sau:

Một người nọ một hôm gặp một con rắn lớn vô cùng muốn tấn công mình. Trước nguy cơ đó, do bản năng tự vệ, anh ta chiến đấu với con quái vật, nhưng không thắng nổi nó, đâm đầu chạy. Con rắn đuổi kịp, anh ta phải quay lại chiến đấu với nó. Rồi lại chạy. Cứ đánh rồi chạy, chạy rồi đánh, như vậy mấy lần, không được nghỉ một phút, phải dồn hết toàn lực mà chẳng làm được điều gì khác nữa.

Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của phần đầu đó trước khi qua phần thứ nhì của câu chuyện. Con rắn đó tượng trưng cho số phận. Ai cũng có số phận. Tiếng này chỉ một tổng hợp các khả năng thiên phú, tài đức luyện được, các ảnh hưởng di truyền, đất đai, xã hội..., các bổn phận, thị dục, ưu tư, đau khổ, hoan lạc, bệnh tật, liên hệ gia đình, xã hội, hi vọng, thất vọng và các năng lực bí mật tốt hoặc xấu tác động đến con người. Ta phải nhận cái số phận đó, không sao tránh được nó. Nhiều người thấy nó đè nặng trên vai quá, ghét nó, tởm nó, muốn trút bỏ nó đi bằng cách này hay cách khác. Một cách thông thường nhất là trốn nó, chẳng hạn trốn vào bệnh tật, tin rằng như vậy là trút được trách nhiệm: "Tôi bệnh tật rề rề, suy yếu quá! Tôi xin rút ra khỏi cuộc chiến đấu, xin bà con thương tôi với, săn sóc cho tôi, tội nghiệp!". Chuyện cổ tích trên kia cho thấy rằng trốn như vậy vô ích: con rắn sẽ đuổi kịp ta, rồi ta lại lâm nguy, lại phải chiến đấu như lúc đầu mà vẫn không sao thắng nổi nó được.

Hiển nhiên là thái độ chạy trốn đó hỏng. Vậy thì làm sao bây giờ? Chuyện cổ tích cho ta biết tiếp:

Một hôm một nhà hiền triết thấy anh ta loay hoay mà không thoát được cảnh đó, bảo: "Đừng chạy trốn nữa mà cũng đừng chiến đấu nữa". Anh ta đáp: "Nó sẽ nuốt tôi mất, còn gì!". Nhà hiền triết nói: "Nghe lời tôi khuyên đây sẽ được yên ổn, lại gần con rắn đi, nằm dài bên cạnh nó, uốn mình theo những khúc cong của nó thì sẽ thoát, nó sẽ không tấn công anh nữa đâu". Anh ta nghe theo lời khuyên đó và quả nhiên được yên ổn.

Như vậy nghĩa làm sao? Phải bỏ cái ý làm chủ số phận của mình ư? Cứ khoanh tay mà an phận chăng? Không phải vậy. "Nằm dài bên cạnh con rắn" có nghĩa là: hòa giải với nó, tin nó, coi nó như bạn đồng hành, chấp nhận nó như một sự tất yếu, nhưng là một sự tất yếu hợp ý ta, hoàn toàn do ta định. Tóm lại, "Nằm dài bênh cạnh con rắn" tức là chấp nhận số phận. Vì ta chỉ có hai thái độ đối với số phận: chấp nhận hay phủ nhận. Trái lại từ chối nó đã không được mà còn làm cho nó đè nặng lên vai ta hơn nữa, cũng như con cừu bị cột cổ vào một cái cọc, càng kéo để ráng chạy thoát thì dây chuyền càng thắt chặt cổ lại. Người nào ngày ngày đều than thân trách phận thì sẽ thấy số phận không khác con rắn nó muốn nuốt mình. Nhưng người nào còn bình tĩnh chấp nhận số phận, không phải chấp nhận một lần là đủ, mà phải chấp nhận mỗi ngày, thì sẽ thấy rằng số phận có khổ sở tới mức nào (bị một chứng nan y hay lỡ vướng vào một cuộc hôn nhân tai hại) cũng sẽ lần lần bớt khắt khe đi. Ta tự thích ứng với số phận thì số phận sẽ tự thích ứng với ta, và cuối cùng ta sẽ nhận thấy rằng số phận không phải ở ngoài ta, rằng "nó với ta là một", nó chính là ta và chấp nhận nó chính là tự chấp nhận ta. Vì số phận không khác gì chiếc áo lót bó sát người ta, nó là ta. Người ta bảo: chính tính tình, thái độ của ta quyết định số phận cho ta. Tại bản ngã ta như vậy cho nên ngoại giới mới tác động tới ta như vậy. Bản ngã của ta tìm gọi cái số phận của ta, cái số phận hoàn toàn thích hợp với ta - điều đó có khi phải đợi đến lúc ta gần từ biệt cõi đời, ôn lại con đường đời đã qua rồi mới nhận định ra được. Một chuyện cổ tích nọ kể rằng một người xin đổi cái "thập tự giá" (tức cái cảnh khổ, cái số phận) người đó phải vác. Người ta dắt anh ta vô một phòng dựng đầy những thập tự giá lớn nhỏ, nặng nhẹ đủ cỡ. Anh ta lựa một lát rồi la lên: "Cho tôi cây này", thì chính là cây anh ta đã chê và đòi đổi.

Trong số bạn thân của tôi có một cặp vợ chồng nọ hoàn toàn sung sướng cho tới khi sanh đứa con thứ ba. Em gái này trí tuệ trì lộn, bị chứng giật gân, động kinh, nguyên do tại óc, nói không được mà đi cũng không được. Thực làm não lòng cho cha mẹ. Mới đầu hai ông bà còn cố bám lấy cái hi vọng trị được bệnh cho con, chẳng hết hẳn thì cũng đỡ được ít nhiều. Sau ba năm, hi vọng tiêu tan và họ như ngã quỵ xuống, chịu không nổi, sống cô độc, không giao thiệp với ai hết.

Một năm sau nữa, tôi nhận được một bức thư: "Chúng tôi mới trải qua một kinh nghiệm kì thú làm sao: cái họa của chúng tôi đã thành cái phước chị ạ. Phải gặp cái cảnh bi thảm đó, vợ chồng tôi mới thực là đoàn kết chặt chẽ với nhau; đứa cháu tội nghiệp đã thành trung tâm của cuộc đời chúng tôi, bảo vật của chúng tôi, hạnh phúc của chúng tôi. Chính vợ chồng tôi cũng khó mà hiểu nổi rằng cái họa đó đồng thời là cái phước cho chúng tôi... chúng tôi nói vậy không phải là để an ủi hoặc lừa dối người khác về cảnh bi thảm của chúng tôi đâu, không, chúng tôi quả là sung sướng".

Hạnh phúc của cặp vợ chồng đó ở đâu vậy? Chính ở chỗ họ đã có thể chấp nhận chiếc thập tự giá nặng nề của họ.

Tôi có thể kể cho bạn nghe một bi kịch nữa mà chính tôi đã chứng kiến trong hai năm nay. Kép hát nổi danh Ernst Gingberg hồi sáu chục tuổi bị một chứng tê liệt kì dị, mới đầu bệnh tăng lên chầm chậm mỗi ngày mỗi mau. Lần đầu tiên ông kể bệnh cho tôi nghe (lúc đó bệnh mới hơi hiện ra, ông còn hi vọng trị hết được), ông có vẻ đau khổ lắm. Vài tháng sau, khi ông biết rằng tuyệt vọng rồi, và từ nay bắt đầu những nỗi đau khổ về thể chất, thì lần lần niềm vui của ông tăng lên. Và sau cùng khi ông đau đớn ghê gớm, không nói chuyện được nữa, thì ông cảm được một niềm hân hoan bí mật. Tất cả những người lại gần ông hồi đó đều nhận thấy vậy. Người nào từ biệt ông ra về, lòng cũng hoang mang nhưng phấn khởi lạ lùng. Bí quyết hân hoan của ông ở đâu? Ở chỗ hoàn toàn chấp nhận số phận vốn ghê gớm đó. Bây giờ ông đã từ trần, nhưng đã để lại cho chúng ta bài học rằng không có chiếc thập tự giá nào mà ta không vác nổi với điều kiện (mà điều kiện này tất yếu) là phải nhận nó như một vật sở hữu của ta, tới nỗi nó với ta chỉ là một.

Vậy không phải chỉ là một thái độ lợi dụng nó triệt để, hoặc thái độ "mỉm cười nhận nó", hoặc chán nản an phận. Cũng hơn cả thái độ hùng tâm nhận cái gì không tránh được. Vì mấy thái độ mới kể chỉ là tự nhận mình phải thua số phận. Mà nhà hiền triết Ấn Độ trong truyện con rắn đâu có ý khuyên ta như vậy, ông muốn dạy ta rằng: phải hiểu ý nghĩa của số phận của mình, mà muốn hiểu nó thì phải chấp nhận nó. Khi chấp nhận nó rồi, thì nó với mình là một, mà mình đã đồng hóa nó như vậy thì mình sẽ làm chủ nó chứ không bị nó chi phối nữa.


HẾT

 


dieuphap.com

Trở về Trang 1 Chấp nhận cuộc đời