dieuphap.com


 

 

 

 

CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI

 Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Lòng biết ơn 

Nhiều đứa trẻ không biết cám ơn người cho quà. Tại sao vậy? Thái độ khiêu khích đó không phải là vô cớ.

Tôi còn nhớ chuyện xảy ra khi tôi còn nhỏ: ba má cho tôi đồ chơi, tôi nhớ đâu như một trái banh, rồi đứng yên chăm chú nhìn tôi, đợi tôi ngỏ lời cám ơn. Thấy vẻ nhìn đó tôi không sao thốt lời cảm ơn cho được. Sau cùng, dằn không nổi, ba tôi nói: "Vậy thì thôi, trả trái banh đi!". Tôi làm thinh, trả lại trái banh. Lớn lên khi có con, không bao giờ tôi buộc chúng phải cảm ơn tôi. Nhìn thấy niềm vui trong mắt chúng, thấy chúng vồ lấy món quà, tôi mãn nguyện rồi, như vậy là chúng cảm ơn tôi rồi. Cha mẹ yêu con, cho con món gì, mà con yêu lại cha mẹ, như vậy mới thực sự là cảm ơn cha mẹ. Tôi lại nghĩ rằng cha mẹ có bổn phận tặng quà cho trẻ - nhưng tiếng "bổn phận" tôi dùng đây có đúng không, gây niềm vui cho người khác thì sao gọi là bổn phận được? Tôi không dạy con tôi mà chúng tự biết cảm ơn, vì tôi làm gương cho chúng: mỗi lần chúng giúp tôi được một việc nhỏ nhặt nào, tôi cũng không bao giờ quên cảm ơn chúng

. Miệng nói cảm ơn, không nhất định trong lòng phải mang ơn. Người lớn nào hơi có giáo dục cũng nói "cảm ơn" mỗi ngày cả chục lần, như một cái máy, mà không tự hỏi tiếng đó có nghĩa gì. Nói cảm ơn là để tỏ lòng biết ơn của mình. Mà biết ơn là "nhớ" cái ơn mình đã nhận được. "Tôi cảm ơn anh" có nghĩa là "Tôi sẽ nhớ rằng anh đã giúp tôi", tức là ngầm chứa cái ý rằng "Khi nào anh túng bấn, tôi sẽ nghĩ tới anh". Dĩ nhiên, phải phân biệt những ân huệ lớn và những giúp đỡ lặt vặt, và khi ta cảm ơn ai đã giúp ta xỏ tay vào chiếc áo thì không có nghĩa là ta phải chịu ơn người đó suốt đời.

Nhưng từ cái cử chỉ lễ độ xã giao đó tới cái việc mạo hiểm cứu vớt một người sắp chết đuối, còn có biết bao ân huệ khác. Một kinh nghiệm đáng buồn nhất là kinh nghiệm này: loài người rất ít khi nhơ ơn lắm, chính ta cũng vậy chứ đừng nói chi ai. Hết thảy chúng ta đều dễ quên ơn người khác. Tại sao vậy? Có phải tại ta bực mình khi nghĩ rằng mình sẽ phải đáp ơn người ta không? Không. Không phải vậy. Không nhất thiết là vậy. Bạn có lần nào muốn trả lại một món quà tặng không, mặc dù bạn thích nó? Tại sao vậy? Tại người đó đã miễn cưỡng tặng bạn, hoặc có vẻ khoe rằng đã làm được một kỳ công; hoặc tại bạn thấy rõ rệt rằng người đó muốn cho bạn mang ơn, muốn mua chuộc bạn vì mục đích gì đó; hoặc tại người đó muốn khoe trước mặt mọi người rằng mình rộng lượng, cao cả, hoặc tại người đó muốn đóng cái vai Mạnh Thường Quân, và làm cho thỏa mãn lòng tự cao tự đại của mình, cho bạn thấy rằng bạn kém xa họ về của cải, quyền uy, tóm lại, là tại người đó tặng bạn không phải vì yêu mến bạn. Nếu không vì yêu mà tặng thì chẳng đáng quý một chút nào cả.

Ở Pháp cũng như Đức và Anh gần như không còn những kẻ ăn mày. Các người ngèo cũng như các ông già bà cả không nơi nương tựa được các viện tế bần hay dưỡng lão đón về nuôi. Nhưng ở Ý - xứ hiện nay tôi đương ở (cũng như nhiều xứ khác trên thế giới) - vẫn còn hạng hành khất.

Mới rồi, ở La Mã, tôi đã đứng ngó một lúc lâu một người ăn mày và những khách qua đường. Mới đầu tôi thấy một cặp vợ chồng ngoại quốc nọ rõ ràng là rất sang trọng, đi ngang qua: người chồng móc trong túi ra một đồng tiền chìa cho bà lão ăn mày, mà vẫn tiếp tục với vợ, cũng chẳng quay lại ngó bà lão nữa; đi khỏi được vài bước, ông ta liệng điếu thuốc mới hút hết một nửa. Bà lão lầm bầm cảm ơn. Rồi tới một nữ tu đứng tuổi, móc trong xắc ra một khúc bánh nhỏ, chìa cho bà lão, vẻ nhìn nghiêm khắc, rõ ràng là muốn mắng vào mặt: "Này, ta cho mụ này, không phải vì thương mụ đâu mà chỉ vì chúa Ki Tô đã dạy ta phải làm phước, thế thôi, vì thực tình ta khinh những kẻ như mụ, làm biếng nên mới phải nghèo khổ như vậy, đừng nên trách ai cả." Bà lão ăn mày cũng lầm bầm cảm ơn, nhưng khi nữ tu sĩ quay lưng đi thì bà lườm, nguýt, tỏ vẻ ghét lắm, mà tôi, cũng không ưa gì nữ tu sĩ đó. Rồi tới một ông gí một tấm giấy bạc vào tay bà lão mà không nhìn bà ta, và vội vàng bước đi, như thể xấu hổ vì thái độ bất lịch sự của mình. Tấm giấy bạc nhỏ nhất của Ý thời đó là 500 lire, ông ta không thể cho một tấm nhỏ hơn được, mà coi nét mặt đó, y phục của ông ta rõ ràng là một người Ý, tức biết số tiền ông bố thí lơn ra sao. Bà lão ăn mày thản nhiên nhét tấm giấy bạc vào túi và cũng cảm ơn lí nhí trong miệng, như đã cám ơn người trước, không tỏ vẻ gì nhã nhặn hơn.

Rồi tới một bà đứng tuổi, ống chân nổi đầy những đường tĩnh mạch, tay cầm một cái xắc, coi có vẻ là một người gác cổng. Bà ta dừng lại bên cạnh bà lão hành khất, nói chuyện vài câu về thời tiết thay đổi bất thường, nóng nực quá chừng, và hỏi bà lão đứng hoài như vậy có mệt không, sao không ngồi xuống cái tường thấp ở bên cạnh, lại tâm sự thêm rằng bà ta thì đứng lâu như vậy không sao chịu nổi vì chân đau. Vừa hỏi chuyện, bà ta vừa kín đáo bỏ một đồng tiền vào túi bà lão ăn mày và mặt bà này mất hẳn vẻ lãnh đạm, nhăn nhó mà tươi hẳn lên, linh động lên, như vậy thì bà lão được đối xử như một con người, được đặt ngang hàng với người bố thí, cả hai cùng gặp nhau ở một cảnh ngộ chung, cảnh đau khổ hằng ngày.

Những người giúp đỡ ta thường có thái độ tự cao tự đại đối với ta, chính vì vậy mà chúng ta khó cảm ơn họ, khó mang ơn họ được. Một người giúp đỡ ta mà chỉ muốn tỏ rằng họ hơn ta, thì phỏng ta có thích không? Ta bắt buộc phải cảm ơn họ, nhưng chỉ cảm ơn ngoài miệng, chứ đâu có ghi ơn trong lòng. Vì vậy mà người ngèo thích được chính quyền trợ cấp hơn là được tư nhân giúp đỡ. Được chính quyền hoặc một hội vô danh nào cưu mang thì họ khỏi phải tỏ lòng biết ơn.

Vì vậy chúng ta phải học kĩ cách cho và cách nhận. Mà theo tôi học cách cho dễ hơn là cách nhận. Chỉ một kẻ nào sa đọa quá đỗi trên phương diện xã hội cũng như tinh thần mới thản nhiên sống nhờ của bố thí dù bị khinh bỉ, miễn có tiền đút túi, có cái gì đút miệng. Còn như chúng ta, có thiếu thốn tới mức nào thì cũng vẫn còn lòng tự ái, không muốn nhận sự giúp đỡ của ai, dù là tiền bạc hoặc một lời gửi gấm, một lời khuyên. Nhận của người khác tức là thú nhận rằng mình không có gì. Nhưng tại sao lại xấu hổ chứ? Tại sao không tự nhận mình quả thực "nghèo" và phải nhờ cậy người khác? Rồi biết đâu chừng, chẳng có lúc mình sẽ "giàu", cho lại người khác? Xét theo khía cạnh đó thì ai cũng phải giúp đỡ lẫn nhau do đó, đều phải tỏ lòng mang ơn lẫn nhau.

Có nhiều truyện cho trẻ em, viết về các loại vật biết ơn. Chẳng hạn chuyện một người nọ đi đường hoặc một con vật mắc bẫy. Con vật năn nỉ: "Ông ơi, ông cứu tôi với rồi tôi sẽ đáp lại ơn ông. Khi gặp một nỗi khó khăn nào, ông cứ kêu tên tôi, tôi sẽ tới." Có gì chứng tỏ rằng con vật đó sau này sẽ giữ đúng lời hứa không? Mà người đó cũng vấn cứu nó, chỉ vì thương hại nó thôi chứ không mảy may mong được nó giúp lại. Đôi khi truyện kết thúc như vầy: người đó cứu con vật, sau đó báo ơn, chỉ cho một kho tàng quý báu, người đó khiêng về nhà, hóa ra giàu lớn; anh em thấy vậy ghen ghét, cũng đi tìm con vật, cũng cứu sống nó, và đòi nó phải báo đáp cho mình ngay, nhưng nó không báo đáp.

Tại sao vậy? Tại việc cứu giúp không phải là việc gửi tiền ở ngân hàng, không có nghĩa là "có đi có lại". Một ân huệ chỉ có giá trị khi ta không ấp ủ một ẩn ý gì cả và chỉ người nào làm ơn mà không có ẩn ý gì thì mới có thể được báo đáp. Mà những người đó lại không bao giờ mong được báo đáp, họ vì tình thương mà cứu giúp, thế thôi.

Hình thức đẹp nhất của mọi sự biết ơn là yên ân nhân của mình. Ta không cảm cái ơn người đó ban cho ta bằng cảm tấm lòng thương yêu người đó đã tỏ với ta.

Bà nội tôi, tuy quê mùa mà rất sáng suốt và mộ đạo, thường nói câu này từ hồi nhỏ tới nay tôi vẫn còn nhớ: "Đừng nói tào lao mà xuống âm phủ sẽ bị tội đấy".

Thốt một lời đả kích, độc ác, bậy bạ hoặc bại hoại thì, ngay trong đời ta, sớm muộn gì cũng có lúc phải đền tội; điều đó không còn nghi ngờ gì nữa mà ai cũng có lần trải qua rồi. Chúng ta cũng lại biết rằng chúng ta có thể mang tội làm thinh, không thốt ra một lời an ủi hoặc tha thứ kẻ khác - vì ngại ngùng hay xấu bụng - hoặc hèn nhát, vì không dám nói ra sự thực. Còn như tào lao mà cũng là mang tội thì điều đó chúng ta khó hiểu được: trong đời, ai chẳng có lúc nói chuyện phiếm, đó gần như là một nhu cầu của con người, để xả hơi sau khi tinh thần bị căng thẳng, để được phóng túng một chút sau khi bị gò bó vào kỉ luật. Xét theo khía cạnh đó, thì không có câu chuyện nào thật là tào lao, vô ích cả, vì chính cái vô ích cũng có lí do tồn tại.

Tuy nhiên vẫn có cái gì ở trong thâm tâm ta phản đối lời nhận xét như trên. Cái gì đó chính là "lương tâm" của ta. Chúng ta còn nhớ đã nhiều lần tự nhủ: "Giá lần đó mình làm thinh có phải hơn không. Cần gì phải thổ lộ nỗi lòng bí ẩn của mình một cách vô ích như vậy? Cần gì mà phải tiết lộ tâm sự đó ra? Tại sao mình lại nổi giận, thốt ra những lời ác ý đó? Tại sao mình kể lại những lời đồn của thiên hạ như vậy? Rõ là cái thói ngồi lê đôi mách. Sao mình không giữ miệng mà lại mạt sát người ta tàn nhẫn như vậy, vu oan cho người ta một cách bỉ ổi như vậy? Sao không tự chủ được mà thốt ra lời nịnh bợ ngu ngốc đó, lời dối trá đó? Sao mình có thể đê mạt như vậy?"

Phải, làm sao lại có thể như vậy được? Hầu hết chúng ta đều có cái tật ngồi lê đôi mép, nên tự thú như vậy đi mặc dầu lời thú không làm cho ta vui gì. Đàn ông cũng có tật đó, dĩ nhiên, nhưng nặng nhất là đàn bà. Chúng ta không thể giữ miệng được. Thường thì tính thích ngồi lê đôi mép không phải là do một tình cảm xấu xa; trái lại, nó tỏ rằng ta chú ý tới người khác và biết tại sao họ lại như vậy. Thế là biết được chút gì về người nào đó, chúng ta ngây thơ nói hết cho người khác nghe; những điều chỉ mới đoán phỏng chừng thì ta cho là có thể có được lắm, và những điều mới chỉ có thể có được thì ta cho là chắc chắn rồi không còn nghi ngờ gì nữa, mà quên không nghĩ rằng những người nghe ta kể lại cho người khác nữa, cứ mỗi lần lại thêm bớt một chút mà thêm toàn những điều xấu thôi, mới là tai hại chứ!

Về điểm đó một giáo sư đại học Munich đã thí nghiệm như sau: Ông mời mười người lại phòng ông, rồi bảo chín người ra ngoài, chỉ giữ một người thôi, và kể cho người này nghe câu chuyện dưới đây:

Một nhà tu hành khổ hạnh nọ được người đời khen là bậc thánh, một hôm tới một làng. Hay tin đó, một người đàn bà vội vã đi đón ông về nghỉ ở nhà mình. Trong lúc thím ta vắng nhà, một đứa con của thím té xuống giếng. Thím đón được vị khách quý về, định tiếp đãi thật trịnh trọng. Thấy con mình đã té xuống giếng, thím lấy chiếc mền phủ lên mặt giếng, rồi mời vị tu hành dùng bữa. Ăn xong vị tu hành bảo thím: "Chị dắt đứa con của chị lại tôi ban phước cho nó". Thím bèn dắt nhà tu hành lại giếng, kéo chiếc mền thì thấy đứa nhỏ đương ngồi chơi trên mặt nước. Vị thánh bảo đem dây thừng kéo lên. Nó đưa ngón tay đón người cứu sống nó và bảo: "Ông này luôn ở bên cạnh tôi trong giếng và giúp đỡ tôi ngồi trên mặt nước."

Đó, câu chuyện là như vậy.

Giáo sư gọi một trong số chín người ở ngoài vô và bảo người đầu tiên kể lại câu chuyện cho người đó nghe. Lần này chuyện đã thay đổi một chút rồi. Người đàn bà trong chuyện đã trở thành một "quả phụ". Tại sao lại là một quả phụ? Chuyện có nói gì tới quả phụ đâu. Lần lượt tám người ở ngoài được kêu vào, từng người một để nghe người trước kể lại chuyện, rồi khi nghe xong lại kể lại cho người sau. Những người đã kể xong chuyện được phép ở lại dự cuộc thí nghiệm đó và ngạc nhiên nhận thấy chuyện lại thay đổi một chút. Người thứ nhì cho người đàn bà trong chuyện là một quả phụ. Người thứ ba thì quả phụ đó trở thành quả phụ xồn xồn, tới người thứ tư thì thành một quả phụ già và rất giàu có. Chiếc mền phủ trên mặt giếng thành nắp giếng. Nhà tu hành một khác viễn phương tìm chỗ tá túc, và cứ như vậy rốt cuộc lại thêm một người khách viễn phương nữa thành hai. Và, đây là lời thuật lại của người thứ mười:

Một người khách viễn phương, một hôm lại một làng nọ tìm chỗ tá túc. Một quả phụ rất giàu có mời vô nhà và dọn cho ăn. Trong bữa ăn, đứa con trai của bà té xuống giếng. Bà lấy cái nắp đậy lên miệng giếng rồi mặc kệ nó. Một người khách khác vô hỏi: "Mấy đứa con của bà đâu?" Bà ta kêu chúng lại. Người khách thứ nhì này hỏi: "Còn thiếu một đứa. Nó ở đâu?" bà ta làm thinh không đáp. Người đó bèn đi ra giếng, giở cái nắp, kéo đứa nhỏ lên.

Thí nghiệm đó được thu băng và tôi đã chép lại đúng, không hề thêm bớt. Sao, bạn nghĩ sao? Bạn có thấy rợn người khi nghĩ rằng những lời ngây thơ kể lại cho người khác nghe sẽ bi những người này, vì kí tính kém, mà vô tình biến đổi ra sao không? Chẳng hạn bạn kể: "Tối hôm qua tôi gặp ông X đi với một thiếu nữ xinh đẹp. Không có gì lạ, vì vợ ông ta kém nhan sắc cô đó xa!". Bạn tin chắc rằng đã gặp ông X, nhưng bạn có thể thề rằng đúng là ông ta không? Và nếu quả thực bạn thấy ông ta đi với một thiếu nữ thì cái đó nhất định là đáng nghi ông ta không? Mà nếu quả thực đáng nghi thì chuyện đó có liên quan gì đến bạn không? Bạn kể lại chuyện đó cho người khác nghe. Sau khi qua óc và miệng mười người rồi thì rất có thể chuyện đó thành ra chuyện: "Ông có ngoại tình", rồi tới bà X, bà này tin ngay là chuyện thực. Những lời đồn thổi như vậy đủ làm cho vợ chồng người ta li dị nhau, mà kẻ chịu trách nhiệm là bạn. Có phải là những lời "tào lao" không?

Một thí dụ nữa: một người thổ lộ với bạn một nỗi kín trong lòng, tin rằng bạn sẽ giữ kín cho. Bạn đi kể lại cho một người khác nghe, cũng lại ở đức kín đáo của người này, rốt cuộc là "bí mật" mà hóa ra "bật mí".

Các mục sư Ki Tô giáo có bổn phận giữ kín những lời thú tội của tín đồ. Vua Bohême Venceslas đệ tứ, nghi hoàng hậu có ngoại tình, bắt Thánh Jean Nespomucène phải cho mình hay những lời thú tội của hoàng hậu, Thánh không chịu cho hay, bị nhà vua cho liệng xuống sông Moldau (vì vậy mà trên nhiều chiếc cầu, người ta khắc tượng vị thánh đó). Chúng ta không cần biết chuyện đó có thực hay chỉ là hoang đường; điều quan trọng là một vị mục sư phải thà chịu chết chứ không được tiết lộ những lời thú tội của tín đồ. Các y sĩ phải giữ bí mật nhà nghề, mà các luật sư cũng vậy. Nhưng bất kì một cá nhân nào, hễ được ai cho biết một chuyện kín thì cũng phải giữ kín cho người đó như các mục sư, các y sĩ và luật sư, nếu không thì mắc tội bội tín, mà tội này rất nặng.

Dĩ nhiên muốn có đức kín đáo đó, cần phải là người tự chủ lắm, lại rất khiêm nhường, nhũn nhặn. Chẳng hạn, trong một bữa tiệc, bạn uống quá chén mà tửu nhập thì ngôn xuất. Có người hỏi bạn: "Ông có tin gia đình ông X đương lúng túng không, và ông X bị đưa ra tòa vì tội dụ dỗ gái vị thành niên không?". Bạn biết đấy, nhưng đáng lẽ làm thinh thì bạn muốn tỏ ra mình biết đủ các chi tiết. Bạn không muốn có cái vẻ không biết những tin "tày trời" như vậy. May mắn thay, bạn lại biết vài chi tiết bí ẩn, thế là bạn vội vàng kể vanh vách ra, tự hào rằng mình biết nhiều, rằng mình có tài mỉa mai cay độc nữa.

Hoặc ngược lại, bạn thổ lộ cho người khác nghe niềm tâm sự đẹp đẽ nhất của bạn, chẳng hạn một mối tình mới chớm nở. Chẳng bao lâu bạn sẽ ân hận rằng tiết lộ ra như vậy thì nỗi lòng của bạn hóa ra tầm thường rồi. Có bao nhiêu cái cần phải được giữ gìn, che phủ bằng tấm màn im lặng, hễ đụng tới, nó sẽ tiêu tan mất. Tôi đặt trên bàn viết của tôi một bức họa nhỏ: bức tự họa của Frank-Angelico, người ta bảo vậy. Trên bức đó, Angelico đặt một ngón tay lên môi. Và trong Thánh thì CXLI có câu này:

"Xin thượng đế giữ gìn cái miệng cho con, giữ cho môi con khép lại".

Chỉ trông cậy vào tình thương

Một cảnh trên xe lửa: trước mặt tôi là hai nữ hành khách lớn tuổi, y phục lịch sự, có vẻ là hạng trung lưu hiền lương. Tới ga sau, một nữ hành khách nữa bước lên toa của chúng tôi, bà này mặc dầu đã ngoại tứ tuần mà ăn vận lòe loẹt: tóc nhuộm màu xanh xám, lòa xòa xuống vai, quần trắng chẹt, chiếu áo pull-over màu đỏ bó sát mình, môi, móng tay, móng chân cũng bôi một màu đỏ. Rõ ra cái vẻ lố lăng, không phải con người đứng đắn, đàng hoàng. Nhưng bà ta ngồi yên đọc sách trong một góc toa, thái độ không có gì là chướng mắt, mà cũng chẳng làm phiền ai cả. Vậy mà hai bà lịch sự, hiền lương kia cũng tỏ vẻ lạnh lùng, không ưa. Tại sao vậy? Chỉ tại bà đó không giống họ, điều đó họ không sao tha thứ được.

Bạn bảo tôi cái đó vô hại, quan hệ quái gì đâu? Có thực là vô hại không? Tôi thì tôi không nghĩ vậy. Vì bạn xin tưởng tượng rằng nếu cảnh đó xảy ra ở Huê Kỳ, mà bà hành khách tới sau đó không phải chỉ ăn bận lố lăng mà thôi, còn là một phụ nữ da đen nữa. Hoặc nếu bạn là người Đức thì xin bạn nhớ lại cái thời ba chục năm trước và tưởng tượng rằng đó là một người Do Thái. Hoặc xin bạn tưởng tượng cảnh đó xảy ra ở Công mà hai bà trung lưu hiền lương kia là người da đen còn bà thứ ba là người da trắng. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho bạn hoảng sợ - tôi mong như vậy nhận thấy cái nguy hại của thái độ không ưa được người khác chỉ vì người đó khác mình. Thái độ ác cảm đó không có chút gì là hợp lý cả. Nó phát sinh từ chỗ thầm kín nhất của tâm hồn con người, từ cái tiềm thức hỗn độn mà "huyết thống" cùng "bản năng" làm chủ. Chính vì "thành kiến" không phải là những suy xét sáng suốt mà chỉ là những tình cảm mơ hồ mà mẹnh mẽ rất khó diệt. Nhưng vẫn có cách chế ngự được nó.

Chúng ta trở lại cảnh đi trên xe lửa. Tại sao hai bà ác cảm với bà này? Có phải vì không ưa lối phục sức của bà này không? Vì không chấp nhận được rằng một người đàn bà không còn trẻ trung gì mà lại ăn bận lòe loẹt đập vào mắt thiên hạ như vậy, chứ không ăn bận kín đáo, nhã nhặn như mình? Chắc chắn là có một phần vì vậy. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính của một ác cảm mà nguồn gốc sâu vô cùng.

Ai cũng mong được người khác chấp nhận mình, tán thành mình nữa, cả khi mình có cái gì khác người. Mình thấy dễ chịu khi những người chung quanh mình có thiện cảm với mình. Nhưng khi phải đụng chạm với những người khác hoặc tập thể khác mình trong cách ở, cư xử, thì mình thấy hoang mang. Tại sao vậy? Tại sự khác biệt của những người đó chứng tỏ rằng cái bản ngã của mình bị hạn chế; do đó mà sinh lòng ganh tị, chỉ trích, phủ nhận. Và "người khác" đó bỗng hóa ra kẻ thù của mình.

Tôi còn nhớ hồi tôi mười tuổi, đương học ở một trường làng miền thượng - bavière, thì một hôm một bạn gái ở Bắc Đức xin vô học lớp tôi. Chị ấy để tóc ngắn còn tóc của chúng tôi thì kết thành bím dài thòng: chị ấy nói tiếng Đức rất giống giọng Phổ và hễ cô giáo hỏi thì trả lời liền, đôi khi trả lời bậy. Tóm lại chị ấy có nhiều chỗ khác chúng tôi, làm cho chúng tôi trố mắt. Ngày đầu chúng tôi phục lắm, nhưng từ ngày hôm sau, chúng tôi họp thành một khối chống lại con bé "ngoại quốc" đó. Bây giờ tôi hiểu lý do rồi, chị bạn Phổ đó lanh lợi hơn chúng tôi nhiều khiến cho chúng tôi nhận thấy mình cục mịch, quê mùa quá. Lần đó là lần đầu tiên chúng tôi đâm ra tự nghi ngờ mình: nếu y phục cử chỉ, ngôn ngữ của chị ấy đáng khen thì y phục cử chỉ, ngôn ngữ của chúng tôi đáng chê rồi. Vài chị bạn tôi ráng tìm cách thích ứng: bắt chước giọng nói của chị đó, bỏ thổ âm của chúng tôi đi và cắt ngắn váy cho nó cao lên trên đầu gối. Nhưng hầu hết chúng tôi đều có thái độ tự vệ, thù địch. Chúng tôi có tâm trạng ghen ghét mà không hay.

Tâm trạng đó có nhiều hình thức: mẹ cảm thấy con gái xa lánh mình, chê bỏ mình, vì chúng trang điểm, ăn bận đẹp hơn mình nhiều; cha mẹ cảm thấy mình lạc hậu vì con trai mình có những ý mới mẻ quá, chánh đảng này coi một chánh đảng khác là kẻ thù, giáo phái này cảm thấy giáo phái khác chống lại "chân lý" của mình, dân tộc này, chủng tộc này khiêu khích dân tộc khác, chủng tộc khác chỉ vì họ không giống mình, giáo sự tầm thường muốn có học sinh giỏi, cha mẹ tầm thường thì muốn có những đứa con kiểu mẫu; sau cùng hết thảy chúng ta đều muốn kết thân với những người sẵn sàng theo ý ta, mà gạt bỏ những người bướng bỉnh.

Nhưng loài người có ai giống ai đâu, mà luật thiên nhiên đâu có diệt một loài nào để làm lợi cho các loài khác, trái lại muốn tạo ra những loài mới, cho ngày càng đa dạng. Ai cũng có quyền giữ bản sắc của mình cho dù người khác không thích thì cũng mặc. Chúng ta phải tập thích nghi với sự đa dạng đó. Nhưng thích ứng cái nào đây?

Goethe, nhà đại minh triết Đức đã nói: "Khi thấy người khác hơn ta, muốn cho khỏi bực mình thì chỉ có cách là trông cậy vào tình thương". Tôi muốn nói thêm: "Khi thấy người khác kém ta, muốn cho khỏi tự cao tự đại thì cũng phải nhờ vào tình thương". "Thương" đây, có nghĩa là tha thứ cho người khác cái "tội" người đó sao lại khác mình.

Muốn vậy thì làm sao? Thì phải đừng coi sự khác biệt đó là yếu tố tiêu cực. Trời sinh ra mỗi loài khác nhau, mỗi người khác nhau, không phải là gây ra sự đối địch, mà để gây sự hợp tác với nhau, tạo hạnh phúc cho nhau đồng thời vẫn giữ được cá tính của mỗi phần tử.

Như vậy thì sự đa dạng đó chẳng phải là tuyệt diệu ư? Có những thiếu nữ duyên dáng, lại có những cô gái ế chồng, nghiêm khắc, có những bà nội trợ mập lù, lại có những cô làm kiểu mẫu thanh lịch; có những người chẳng thẳng như cây cột, lại có những người gù; có người thông minh, lại có người cục mịch, có người bảo thủ lại có người cấp tiến; có đàn ông và đàn bà, có người Hồi giáo, người Ấn giáo, Do Thái giáo, Ki Tô giáo; tóm lại cả một thế giới trong đó mỗi người sống theo cách thức riêng của mình mà vẫn là một phần tử của một toàn thể lớn vô cùng do hóa công tạo ra, như vậy chẳng là tuyệt diệu ư? Vậy chúng ta nên tha thứ cho người khác cái độc đáo của họ và nên yêu họ chính vì họ cái độc đáo đó.

Một tật rất phổ biến: tật không chịu thua ai

Tôi nhớ đâu như nhà văn trào phúng Huê - Kì Mark Twain đã kể một câu chuyện đại khái như dưới đây:

Bà vợ bảo ông chồng:

- Mình coi kìa, cỏ trên bãi này hớt kĩ không!

Ông chồng đáp:
- Cỏ đó phát đấy chứ.

Phát - hớt - phát hớt. Không ai chịu nhường ai và cặp đó tới bờ một cái hồ.

Bực mình quá không chịu nổi, ông chồng xô bà vợ xuống hồ. Bà vợ chới với mà còn ráng đưa bàn tay lên khỏi mặt nước, làm cử động của người hớt cỏ. Rồi thì chìm lỉm.

Chuyện tức cười mà lại bi thảm. Tôi được nghe chuyện đó từ hồi còn nhỏ vì mỗi khi má tôi muốn bênh vực ý kiến của mình mà chống lại ý kiến của ba tôi thì ba tôi lại đem chuyện đó ra kể.

Nội điểm đó cũng đủ cho tôi thấy chuyện đó đáng ngờ rồi, vì đáng lí chính má tôi đem kể cho ba tôi thì mới phải. Chính ba tôi mới có cái thói không chịu thua ai. Với lại nội dung chuyện đó cũng chưa đáng tin. Ông chồng và bà vợ, người nào có lý ai mà biết được? Biết đâu chừng, cỏ do bò gặm, chứ chẳng có ai bớt, cỏ do bò gặm, chứ chẳng có ai hớt hay phát gì cả. Tôi hỏi ba tôi, người đáp:

- Phát đấy chứ, nếu không thì người chồng trong chuyện đã không nói như vậy.

Hồi nhỏ tôi không thấy lời xác nhận đó kém vững cho nên tôi không thể bác được. Thế là ba tôi khỏi biện luận lúng túng với tôi nữa, nhưng tôi vẫn chưa yên lòng, còn thắc mắc. Hôm nay tôi đem vấn đề ra xét lại.

Câu hỏi thứ nhất: cỏ trên bãi đó, được hớt hay phát, cái đó có quan trọng gì không để mà đem ra tranh luận?

Thông thường thì không. Thế thì tại sao lại tranh luận?

Nói cho thực thì cặp vợ chồng đó tranh luận đâu phải để biết chắc cỏ được cắt cách nào - cớ đó rất phụ thuộc - mà vì có những bất hòa sâu sắc hơn nhiều.

Chính ra thì cuộc gây lộn đó có ý nghĩa như vậy.

- Mình thiếu óc nhận xét.

- Phải! Mình thì bao giờ mà chẳng hơn người!

- Sự thực như vậy!

- Đàn ông thì luôn luôn tự cao tự đại!

- Ngu xuẩn, làm tôi nổi đóa lên bây giờ!

- Tự cao tự đại, chịu không nổi!

- Hễ mở miệng ra nói là thấy chướng tai, bảo người ta làm sao không phản đối được.

Câu hỏi thứ nhì: nhưng nếu vấn đề thực sự nghiêm trang, chẳng hạn nếu cần thiết sự thực về một việc quan trọng hoặc muốn biết về phương diện luận lí, thế nào là phải, là trái thì chúng ta có thể - đúng hơn có nên - giữ vững ý kiến của mình không?

Chẳng hạn một người bảo: "Thời đại này chiến tranh là điều không chấp nhận được"; người khác cãi lại: "Chiến tranh cần thiết và có lợi", người nào cũng có thể đưa ra những lý lẽ để bênh vực những ý kiến của mình, thì người chủ trương hòa bình kia tranh luận hoài không thắng, có nên ngừng lại và bảo: "Chúng ta đều có lí hết" không? Không vì sự đầu hàng, sự khoan dung cũng có giới hạn. Khi chúng ta đã vững tin một chân lí nào thì can đảm bênh vực nó, nếu muốn tránh tình trạng này: là mọi người đều chỉ tôn trọng các giá trị tinh thần một cách lơ là, tương đối thôi.

Một hôm tôi nghe thấy một người nói với người đối thoại:

"Vậy thì anh cứ giữ ý kiến của anh đi, nó có đúng thì may lắm cũng chỉ đúng cho anh mà thôi!"

Người ta có thể từ chối không tranh luận vì hèn nhát hoặc làm biếng, mà cũng có thể vì tự cao, tự đại; khinh đối thủ của mình, cho rằng không cần phải tranh luận với họ làm gì, chỉ phí công.

Điều đó chứng tỏ rằng, người ít hiếu chiến nhất chưa nhất định là người tốt nhất.

Câu hỏi thứ ba: một vợ chồng trong câu chuyện của Mark Twain có muốn bênh vực một sự thật nào không?

Không. Rõ ràng là họ chỉ muốn thắng nhau thôi, không ai chịu nhường ai, chứ không muốn tìm sự thực.

Ta thử xét phần kết thúc của câu chuyện: ông chồng xô bà vợ xuống hồ. Tại sao vậy? Tại thấy bà vợ bướng bỉnh cãi, ông ta chịu không nổi.

Ông ta cho cái đó quan trọng lắm ư? Chúng ta, ai cũng vậy, thấy người khác cãi lại mình thì cho rằng người đó tấn công ý kiến của mình, nếu không phải là tấn công chính mình, tức như trường hợp ông chồng đó. Ông ta nghĩ rằng nếu bà vợ không chịu nhường ông thì hóa ra ông ta không hơn vợ ư, mà như vậy có thể tai hại cho cuộc đời ông. Tóm lại, ông ta xô vợ xuống nước chỉ vì vợ bỗng nhiên không chịu tôn trọng ý kiến của ông, nghĩa là tôn trọng ông. Có nhiều người như vậy, không chịu cho ai cãi mình nếu có thể được thì liệng đối thủ xuống nước thé là xong chuyện, thế là ý kiến của họ - dù đúng dù sai - sẽ thắng.

Cái thói không chịu thua ai đó, nguyên do có khi là tại mình đánh giá mình cao quá, có khi là tại mình thiếu lòng tự tin. Vì một người có tài đức quả thực hơn thiên hạ thì có thể nhận lỗi lầm của mình mà không sợ giảm giá trị. Và trong khi biện luận về một vấn đề quan trọng mà thấy mình không thể quyết định xem chân lí ở phía nào, phía mình hay phía người.

Với lại, nhận là mình lầm thì có gì là mất thể diện. Trái lại, vì yêu sự thật mà nhận rằng "tôi đã lầm, chính ông có lí", thái độ đó mới làm cho người ta phục mình.

Không người nào luôn luôn có lí. Không người nào hoàn toàn có lí. Mỗi người nắm được một phần chân lí vì không có vấn đề gì mà không có nhiều phương diện khác nhau. Vì vậy, trước khi tranh luận, ta phải hiểu và tôn trọng ý kiến của người đối thoại với mình.

Tôi biết một ông nọ kiến thức thực quảng bát mà khiếu nhận xét đặc biệt sắc bén, thành thử lần tranh biện nào ông ta cũng thắng. Ông bao giờ cũng có lí, ai cũng sợ ông, tránh ông. Đúng là hạng người như tục ngữ ta nói: "Nếu chỉ có lí thôi thì có gì đâu là đáng quý".

Một hôm tôi dự cuộc tranh luận giữa hai nhà thần học danh tiếng mà một nhà là môn đệ của nhà kia. Tới lúc học trò phản đối thầy một cách mãnh liệt, thầy chua chát bênh vực thuyết của mình rồi bỗng nhiên có vẻ suy tư, bảo: "Thầy tin rằng lúc này thầy có lí, nhưng có thể rằng hai năm nữa thầy sẽ đồng ý với em".

Ước gì ai cũng lấy chuyện đó ra làm gương.

Thấy người khác đau khổ mà ta bứt rứt trong lòng, như vậy là có lòng "trắc ẩn" và ai cũng cho lòng trắc ẩn là một đức, chẳng suy nghĩ xem nó có thực là một đức hay không. Tôi thấy nó không phải là một đức, chứng cớ tôi biết một bà nọ luôn luôn than thở cho người khác: "Bà A tội nghiệp đó, chắc đau khổ lắm vì người đâu mà xấu xí đến thế!", "ông B nọ không bao giờ làm việc gì mà thành công, tội nghiệp!", "cô em C kiếm hoài không được một tấm chồng, rõ khổ!". Bà ta luôn luôn tỏ vẻ thương hại người khác, và tôi phải nhận rằng, bà thực sự sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Nhưng lạ lùng thay, những người được bà tỏ lòng thương xót luôn luôn muốn mau tránh mặt bà; và thấy họ vô ơn như vậy, bà lại tỏ lòng thương hại nữa: "Tội nghiệp, họ tưởng rằng giữ kín nỗi lòng, không thổ lộ, với tôi, là có lòng tự trọng đấy! nhưng tôi sẽ làm cho họ thổ lộ vì rốt cuộc họ luôn luôn sẽ thấy cần phải thổ lộ với tôi!"

Lòng thương người của bà đó là cái gì giống thái độ người tự cho mình là trung tâm vũ trụ mà khéo che đậy. Vì tỏ vẻ thương hại người khác, bà thấy rõ rằng mình hơn người: khỏe mạnh, đẹp giàu có, thành công hơn người. Thành thử thấy người khác đau khổ bà thích thú lạ lùng.

Không phải tôi bịa ra nhân vật đó đâu, nhân vật đó có thực. Dĩ nhiên trường hợp đó là một cực đoan, nhưng mỗi người cũng nên tự hỏi khi mình tỏ lòng thương ai thì mình thấy thích thích một chút không, thích vì mình cảm thấy hơn kẻ đó. Mà cái tình thương người khả nghi đó không thực là lòng trắc ẩn.

Thực là lòng trắc ẩn thì phải thông cảm với người khác, nghĩa là phải hiểu người khác, tực đặt mình vào tình cảnh của người tới cái mức cùng vui, cùng khổ với người được. Được như vậy thì ta có thể có thiện cảm với một người trước khi ta lãnh đạm hoặc ghét bỏ nữa.

Thiện cảm của ta có thể mạnh tới nỗi dù ở xa cũng đồng cảm với người thương: hiện tượng đó, gọi là thần giao cách cảm.

Vậy giữa lòng trắc ẩn chân thực và cái mà người ta gọi là thiện cảm, có một quan niệm mật thiết, chặt chẽ. Hễ lòng trắc ẩn dựa trên thiện cảm hoặc gợi được thiện cảm thì người ta gọi là tình thương.

Tôi xin lấy một thí dụ để độc giả hiểu rõ thái độ một người thực có lòng trắc ẩn.

Ba bà nọ ngồi coi trên truyền hình về một cảnh đói ở Ấn Độ.

Được một lát, bà thứ nhất bước ra khỏi phòng, bảo coi những cảnh đó không chịu nổi, chính mình đã có nhiều đau khổ rồi, còn gánh thêm cái khổ của người làm chi; với lại có muốn gánh cũng không được, có phương tiện nào đâu mà cứu giúp những kẻ khốn nạn đó. Vấn đề cứu giúp đó xin để lại cho các chính khách.

Bà thứ nhì cũng đứng dậy, kí một chi phiếu gởi cho một cơ quan từ thiện quốc tế hoặc một hội truyền giáo nào đó nhờ phân phát số tiền cho các người bị nạn đói. Làm xong bổn phận đó rồi bà ta thấy yên tâm, khỏi phải nghĩ tới nữa.

Bà thứ ba làm thinh nhưng từ hôm đó không lúc nào không bị hình ảnh những kẻ khốn khổ đó ám ảnh. Nhất là hình ảnh một bà mẹ Ấn Độ nhìn con mình chết đói làm cho bà ta đau đớn y như chính con bà chết đói vậy.

Ba bà đó thì bà nào thực sự có lòng thương người?

Bạn bảo: nhưng ai mà có thể tự chuốc hết cả những nỗi đau khổ trên thế giới được, như vậy thì chịu sao nổi, mà còn hưởng đời sao được nữa. Vì vậy chúng ta không nên quá thắc mắc, phải tuân theo cái bản năng tự vệ rất chính đáng của mình. Nghĩ vậy chứ làm sao ta không tự hỏi mình có quyền sống sung sướng trong khi cả triệu người đương đau khổ. Sự thực thì chúng ta không thể nào tách ra khỏi nhân loại được, vì dầu muốn hay không thì đời sống cá nhân của ta cũng liên hệ đến đời sống cá nhân của toàn thể nhân loại (nhất là với những người đồng thời với ta ở trên năm châu) thành thử dù người khác ở cách xa ta tới đâu, nỗi khổ của người đó cũng ảnh hưởng tới ta. Khi chiến tranh xảy ra dữ dội ở một nơi nào đó trên thế giới, thì chúng ta đừng nên có ảo tưởng rằng nó xa quá, chẳng liên quan gì tới mình, vì một cuộc khủng hoảng nào về chính trị cũng ảnh hưởng tới tình trạng kinh tế trên khắp thế giới, cả ở nước ta nữa; ngày nay có nước nào là hoàn toàn độc lập về kinh tế đâu. Chúng ta nhận thấy ảnh hưởng đó trong đời sống hàng ngày: chẳng hạn giá xăng, nhớt, vật thực lên cao, mà đồng tiền thì mất giá. Mà thời này chỉ một cuộc khủng hoảng chính trị ở đâu cũng có thể gây ra một cuộc chiến làm cho cả địa cầu chìm đắm trong khói lửa. Thân phận chúng ta rõ ràng là gắn liền với tình thế trên thế giới. Chúng ta hết thảy đều ngồi chung một chiếc thuyền có thể chìm đắm lúc nào không biết.

Không nên coi thường tình cảm đó. Không nên lúc nào cũng lo ngay ngáy sắp có một đại tai biến, mà cũng không nên an phận, đợi tới lúc nhân loại bị tiêu diệt. Trái lại, nên nhận định rằng người nọ liên kết với người kia, chịu chung một số phận, thì phải tìm một thái độ đối xử với nhau ra sao cho thích hợp. Đã bắt buộc phải nhận rằng cái gì xảy ra trên thế giới cũng liên quan tới ta, thì chúng ta nên chia xẻ nỗi đau khổ của người khác. Đành rằng không ai có thể động lòng than khóc hoài vì tất cả nỗi khổ trên thế giới, mà như vậy cũng chẳng lợi ích cho ai. Nhưng chúng ta có thể tỏ lòng thương xót những nỗi đau khổ của một dân tộc bị cảnh bất công, một nòi giống bị hiếp đáp hoặc một giai cấp chịu cảnh khốn khổ. Và chúng ta phải yêu người khác, giúp đỡ người tùy theo phương tiện của mình.

Khi dầu ma-dút (mazout) cảu chiếc tàu Torrey Canyon chảy lan trên mặt biển. Tiến về phía bờ biển Pháp đen ngòm, thì đa số các bà nội trợ Pháp không mua cá biển nữa mặc dầu cá bắt ở một nơi cách xa chỗ có dầu ma-dút. Tình cảnh của các người đánh cá thật nguy kịch. Một chị bạn tôi, gốc Pháp thương họ, ngày nào cũng mua giúp cho họ. Mấy đứa con của chị không thích ăn cá biển, nhăn mặt, nhưng nghe lời mẹ, cũng vui vẻ tỏ lòng tương trợ.

Một nhà sinh vật học mới viết rằng một con ong không thể nào sống một mình được mà phải sống chung trong một ổ với những con khác. Loài người thì cũng thế.

Vậy thì lòng trắc ẩn không phải chỉ là vấn đề tình cảm, mà còn gồm cả lí trí và ý chí nữa. Một người đa cảm hễ hơi xúc động một chút là không giữ được nước mắt. Có người trái lại, xấu hổ không muốn cho người khác thấy mình xúc động. Có thể rằng thực tình, thương ai thì nên làm thinh, làm bộ lãnh đạm, nghiêm khắc nữa, để cho người đó khỏi than thân trách phận.

Có một số người tìm mọi cách bắt chước người khác phải than thở cho tình cảnh của mình. Y như loài quạ: mới bị thương nhẹ, đã không chịu đi kiếm ăn nữa, mà đi xin ăn những con quạ đương nuôi con; chúng há mỏ lớn ra, đứng chực một bên, đợi con quạ kia thương hại đút cho ăn rồi mới thôi. Những người có cái thói gợi lòng thương của người khác đó, cũng "con nít" như loài quạ.

Bà bạn già của tôi, bà H. Có một cách thương người mà tôi cho là đẹp nhất. Bà có một bản năng rất tài, tự đặt mình vào địa vị tâm trạng của người khác, nên biết rõ được nỗi lòng, nỗi vui khổ của bạn. Nhưng bà cũng cảm được sâu sắc nỗi khổ của những người, những dân tộc mà bà không quen biết.

Lên làm một chú thợ may chính hiệu

Trong các truyện cổ phương Đông, ta thường thấy các vua chúa cải trang thành thường nhân vi hành trong đám dân chúng có thể hiểu rõ dân tình. Dân chúng không nhận ra được đấng chí tôn đó nhưng thấy thái độ cử chỉ phong nhã của họ đoán ra được họ có quyền cao chức trọng chứ không phải hạng bá tính.

Trong một chuyện nọ, một chú thợ may bỗng thành một ông vua, nhưng ban đêm cô vợ đẹp của chú nghe thấy chồng mình nói trong cơn mê: "Đem lại cho tôi cái thước và cái áo đương may". Thế là lộ tẩy chân tướng của chú.

Bạn đã đọc truyện của Andersen nhan đề là: Chiếc long bào mới của hoàng đế chưa? Hai tên gian xảo nọ thuyết sao mà hoàng đế tin rằng chúng có thể tạo ra những y phục có đặc tính lạ lùng là kẻ ngu nhìn vào không thấy được. Cả đám triều thần đều hay tin chúng có tài dệt những thứ hạng kỳ diệu đó và sợ mình bị chê là ngu nên không dám thú nhận là mình chẳng nhìn thấy gì cả. Thế là mọi người hết lời khen chiếc long bào đẹp nhất trên đời, và nhà vua là người khen trước hết. Nhưng làm quái gì có long bào nào đâu. Tới một hôm nhà vua phải dự một cuộc rước long trọng, quần chúng cũng nghe được thứ hàng kỳ dị đó, nhưng cũng chẳng ai muốn nhận thấy mình ngu. Sau cùng, một em nhỏ ở giữa đám đông la lớn lên: "Coi kìa, nhà vua trần truồng kìa!".

Mới rồi báo chí đăng tin một kẻ nọ tự xưng là mục sư Ki Tô giáo, dám lại giáo đường làm lễ nữa chứ và gạt những mục sư "chính hiệu" trong một thời gian rất lâu.

Dưới thời Hitler, tôi bị nhốt khám chung với một thiếu nữ nọ không học y khoa mà tự xưng là y sĩ và lại còn trị bệnh cho người khác nữa, cũng có bệnh khỏi. Mấy thí dụ đó cho ta thấy thái độ của những con người giả dối bịp bợm.

Thiếu nữ tự xưng là y sĩ đó, rất thông minh, muốn làm y sĩ nhưng nghèo quá, không có tiền ăn học nên mới dùng cách gian trá đó.

Còn tên mục sư giả hiệu kia, tôi không hiểu tại sao có trò lừa gạt đó, nhưng tôi đoán rằng chắc hắn cũng thích nghề mục sư mà đã gặp một cản trở nào đó.

Ai cũng tự tạo cho mình một hình ảnh lý tưởng, nó ít khi hợp sự thật, rồi thấy mình muốn đóng cái vai mà mình muốn đóng. Thường thường hồi trẻ chúng ta hay lựa một nhân vật có thật hay trong tưởng tượng để làm kiểu mẫu, như ngày nay nhiều thanh niên lựa chọn một nhân vật trong phim hay trong tiểu thuyết. Kiểu mẫu đó hướng dẫn chúng ta cho tới một tuổi nào đó, khi đã có một cá tính rõ rệt rồi, chúng ta không cần được hướng dẫn nữa, bỏ nó đi. Nếu kiểu mẫu tốt thì chúng ta có những hoài bão đẹp. Nhưng nếu nó cao quá, vượt xa những khả năng của ta, đòi hỏi chúng ta quá nhiều thì nhất định là tai hại cho ta. Ta sẽ thấy có hai người ở trong ta: một con người đích thực là ta mà ta lại không muốn nhìn nhận (vì nó không đẹp, không như sở nguyện của ta), một con người nữa là con người mà chúng ta ao ước đạt được. Hai con người đó đều tác động tách biệt nhau, không biết tới nhau, thành thử ta có tới hai đời sống. Tới cái mức cực đoan thì con người ta thác loạn, bị cái bệnh "Schizophénie" (theo y khoa, thì óc những bệnh nhân đó có hai phần mâu thuẫn nhau, phần này muốn làm việc thì phần kia không; phần này muốn tiến qua bên phải thì phần kia muốn tiến qua bên trái, v.v...). Cũng có thể xảy ra như vầy nữa: chúng ta phủ nhận một phần bản ngã, cái phần đích thực của mình mà chỉ thừa nhận cái phần kia, cái phần cao cả mình muốn đạt mà không đạt được. Các nhà thương điên đầy những kẻ tự xưng là Napoleon, là giáo hoàng, có khi tự xưng là chúa Ki Tô nữa.

Phần đông chỉ có những ước mơ vô hại, chẳng hạn muốn làm công chúa Monaco hoặc làm hoàng tử Ba Tư. Vô hại nếu người ta chỉ mơ ước hão huyền thôi chứ không quyết tâm thực hiện, nghĩa là không dám táo bạo bịp đời làm cho thiên hạ tin rằng mình là công chúa Monaco hay hoàng tử Ba Tư thật.

Nhưng ta bỏ những trường hợp cực đoan đó đi, chỉ xét những trường hợp lừa dối nho nhỏ thôi, mà hầu hết những người bình thường, "đàng hoàng" như bạn và tôi, đều mắc phải mà không ngờ, những lừa dối đó về phương diện pháp thuật không thành tội, nhưng trong xã hội thì vẫn là xấu xa, cho nên ta không nên coi thường nó.

Ít khi ta tự xưng là một ông vua dầu lửa, một hoàng tử hoặc một nữ minh tinh màn ảnh; nhưng ta chẳng có lần cho bồi một số tiền "cà phê" (tiền thưởng) rất lớn để tỏ rằng mình là một nhân vật quan trọng; hoặc muốn người ta chú ý tới, chúng ta bận áo, chải tóc một cách lố lăng; hoặc muốn cho oai, chúng ta mua một chiếc xe hơi thật sang; hoặc thỉnh thoảng chêm vài tiếng ngoại ngữ để tỏ rằng mình là người học rộng biết nhiều; hoặc trong câu chuyện, nhắc khéo tên những nhân vật danh tiếng mình chỉ mới gặp một lần mà dám gọi là "ông bạn X của tôi", "chị bạn của tôi Y" hoặc ta làm lộ bí mật, lâu lâu mới thốt một lời vì một tác giả nào đó đã bảo rằng sự ngậm miệng làm thinh gây được một ấn tượng mạnh trong số người nghe. Thí dụ nhiều vô kể, xin bạn kể tiếp cho, và lấy ngay những trường hợp của bản thân bạn thì hơn. Tôi xin lặp lại: không ai có thể tránh khỏi cái thói lừa gạt nho nhỏ đó, và nhiều khi cách lừa gạt tế nhị đến nỗi khó lòng mà lột mặt nạ được. Chẳng hạn trường hợp người ANh gọi là understatement (giảm đi, cho thành dưới sự thực). Một nhà quí phái Anh cực giàu có mua giày mới về, cho gia nhân đi trước, tới khi cũ rồi họ mới đi, vì họ cho rằng đi giày mới, bóng loáng có vẻ tầm thường, phàm nhân lắm. Cũng vì lẽ đó, họ đi du lịch, mang theo những chiếc va-li cũ kì và những bộ quần áo đã sờn. Người ta gọi họ là "snob": (tiếng snob Anh có nghĩa khác với tiếng Snob Pháp, Snob Anh chỉ hạng người tham tiền tài chức tước, quá ngưỡng mộ vọng bọn quyền quý, giàu sang, xum xoe, bợ đỡ họ; thấy gia đình mình tầm thường thì xấu hổ, nên muốn làm ra vẻ sang trọng, giàu có, còn Snob Pháp chỉ hạng người chuộng mốt mới.) lầm lớn, vì tiếng này có một nghĩa khác. Nhưng trường hợp đó cũng rõ ràng là một trường hợp lừa gạt vì muốn phô bày ra rằng mình tầm thường hơn, nghèo hơn, mà như vậy là muốn tỏ mình rất cao cả, cái quý phái của mình rõ rệt quá rồi, dù có ăn bận rách rưới như tên ăn mày thì cũng chẳng giấu ai được.

Còn thái độ thấp mà muốn tỏ ra cao, nghèo mà muốn tỏ ra giàu, thì phải gọi là bịp bợm, tiếng đó nặng thật đấy, nhưng rất đúng. Mới đầu người ta còn giả đò và còn biết rằng mình giả đò, rồi dần quên rằng mình giả đò, sau cùng người ta đóng một vai hoàn toàn bịp bợm mà vẫn tin rằng mình thành thực. Nhiều người suốt đời dối trá như vậy, do đó mà có thành ngữ: "Suốt đời nó là một cuộc bịp bợm".

Hầu hết những người nhờ họa sĩ danh tiếng ****schka vẽ chân dung cho, đều hoảng hốt khi họa sĩ vẽ xong. Vì nhìn bức họa đó họ không nhận ra được họ. Họa sĩ kiêm tâm lý gia đó nhìn thấu tâm lý họ, giễu đúng tâm lý họ, vẽ họ thành những con người dâm dật, gian tham, xảo quyệt, đau khổ hoặc tuyệt vọng.

Một phú gia Huê Kì mà tôi quen, tính tình rất tốt nhưng phù phiếm, nhờ Salvodor Dali vẽ cho bức chân dung. Dali vẽ một bộ mặt láng bóng, đẹp như người trong hình quảng cáo một thứ xà bông, đầu đeo một chuỗi vỏ ốc trống rỗng. Phú gia đó đã bị lột mặt nạ, mà không hiểu ý mỉa mai của họa sĩ, khen bức chân dung đẹp lắm, giống lắm.

Trong thần thoại có chuyện, một con rồng lần đầu tiên nhìn bóng của nó chiếu trên mặt nước, thấy xấu xí quá, kinh hoàng mà chết tức thì ... Còn chúng ta thì chúng ta tránh, không dám soi gương cho tới khi một tấm gương chìa ra trước mắt ta, nghĩa là tới khi ta nổi giận đùng đùng, mới thấy được chân tướng của mình. Thấy chân tướng rồi mà vẫn chưa chịu tin chứ. Mặc dầu cũng buồn lòng vì thấy mình có những nhược điểm nho nhỏ đấy, chúng ta vẫn cho mình là con người đạo đức, trong trắng như tuyết. Những người khác cũng tưởng rằng ta đạo đức, liêm khiết mà quý mến ta, rồi đùng một cái hay tin ta liên lụy vào một vụ động trời nào đó! Thấy ta gặp tai nạn, mọi người khoái chí mà không nghĩ rằng chưa biết chừng; một ngày nào đây, họ cũng gặp cảnh đó. CHúng ta ưa nịnh vì lời nịnh làm cho chúng ta tin rằng cái hình ảnh lí tưởng ta tự tạo ra cho ta đó đúng. Chúng ta ngu ngốc đến nỗi tin hết những lời tán tụng của thiên hạ. A, giá mà ta nghe được những lời mà bọn người gọi là "tiểu nhân" như bồi bếp, hớt tóc, bán hàng, thư kí phê bình ta nhỉ! Có biết bao người già tâm lí trọng bọn họ đó! Họ nói xâu ta khi ta quay lưng đi và vì họ đã lột được mặt nạ gian trá của ta rồi. Nên để cho bọn họ, chức không phải bọn khéo ăn khéo nói, viết tiểu sử các ông lớn! Như vậy chúng ta được thấy biết bao cảnh lột trần tinh thần tức cười và chua chát! "Coi kìa, nhà vua trần truồng kìa!".

Như vậy tôi không muốn nói rằng chúng ta cần tránh thói giả dối chỉ để cho khỏi bị lột mặt nạ mà thôi. Còn vì những lí do quan trọng hơn nữa. Phải tránh thói đó vì nó làm hại ta, làm sai cái bản ngã thực của ta, vì nó làm cho ta không luyện được một nhân cách riêng để thành một người chân thành, tự nhiên. Ông vua cải trang thành thường dân, nhưng dân chúng vẫn nhận ra được những nét cao quý của ông; còn chị bạn tôi, tên là I, mỗi khi phải đi công việc gì vội, chỉ bận một chiếc quần cũ và một chiếc "pull-over" phai màu, mà vẫn được người ta coi là một bà sang trọng, vì chị quả là một người sang trọng. Trong truyện cổ tôi kể ở trên, chú thợ may để lộ chân tướng của mình trong chiếc quần ngủ; còn chúng ta thì giữa ban ngày mở mắt thao láo mà cũng để lộ chân tướng của mình nữa. Vậy chúng ta nên làm một người thợ may "chính hiệu" còn hơn là một ông vua "giả hiệu" mà chẳng gạt được ai.

Lòng đố kỵ

Hai con chó ngang sức nhau, nếu một con ngoạm được một miếng thịt thì con kia thể nào cũng xông vào ráng giành cho được. Tại sao? Có phải tại đói không? Không nhất định như vậy, vì dù nó no nê nó vẫn giành giật. Nó giành không phải vì thức ăn mà vì muốn tỏ uy thế: con nào giành được con ấy mạnh hơn.

Nếu một con chó to lớn đương gặm một khúc xương, thì một con chó nhỏ không bao giờ dám cướp lại cả. Nó gầm gừ, thèm chảy dãi ra, bực tức, đố kị lắm mà đứng yên, bất lực nhìn con kia ăn.

Trong lớp một em gái bỗng nhiên khích khuỷu tay vào bạn ngồi bên, làm cho vở em này bị lem một vết mực, mà em này thường được cô giáo khen là vở sạch sẽ, chữ viết tốt, nghĩa là được cô cưng hơn.

Một nhà kinh doanh nhận thấy rằng một nhà nọ cạnh tranh với mình, thành công hơn mình nhiều, sanh lòng đố kị, ráng kiếm cách thắng bạn, dù phải dùng những phương tiện bất lương.

Mấy năm trước những khách dạo mát thấy một chiếc xe trẻ em do một người đàn bà đẩy trên một con đường ở sườn đồi, bỗng nhiên từ trên đồi lăn tòm xuống sông. Ai cũng tưởng là tai nạn bất ngờ. Điều tra thì ra người đàn bà đẩy xe không phải là mẹ của đứa bé, mà là dì nó, và thím ta qua một cuộc giải phẫu không thể sanh đẻ được nữa, nên đau khổ vô cùng. Ra tòa thím ta thú rằng không thể chịu nổi cái cảnh chị mình có con mà mình suốt đời không được cái vui đó.

Mấy thí dụ đó cho ta thấy rằng sự "đố kị" có tính phức tạp, gồm cả sự tham lam dưới hình thức tích cực nhất, lẫn sự ác tâm, ghen ghét hình thức tiêu cực. Chúng ta cũng thấy đố kị không phải chỉ là một tình cảm cá nhân mà còn là tình cảm chung của cả một đám đông. Thời Trung cổ, hạng tiện dân đố kị giới quý phái. Một dân tộc có khi tuyên chiến với một dân tộc láng giềng chỉ vì thèm những phú nguyên cùng uy tín trên thế giới của dân tộc này.

Nhưng lòng đố kị không phải luôn luôn tai hại, nó còn gây một tinh thần ganh đua, nó là một động lực thúc đẩy ta tiến tới. Nó cũng là chất men gây những cuộc cách mạng cần thiết cho sự tiến hóa của nhân loại. Đố kị mà như vậy, không chủ tâm làm điều ác (mặc dầu vẫn cảm nhận rằng trong khi chiến đấu cho cái thiện thì phải diệt cái ác) thì có lẽ không nên gọi là đố kị mà nên coi là "ý thức về sự công bình".

Dù sao thì lòng đố kị cũng là một tình cảm nguy hại vì chỉ khi thèm khát một cái gì mà không chiếm được nó bằng con đường chính đáng thì người ta sẽ dùng những cách gian trá, hoặc bất nghĩa. Mà nếu dùng cách này cũng không được thì người ta có thể phá hủy vật mà mình muốn chiếm, như người dì giết cháu đã kể ở trên.

Có thể bạn đã thấy những người tự cho mình là bị tước đoạt, thiệt thòi, đổ lỗi cho người khác, bảo rằng tại họ mà mình thất bại, thiếu thốn đủ thứ còn họ thì dư dả đủ thứ. Bạn bảo tôi: "Tôi không có tính đố kị, cái đó mà liên quan gì tới tôi?".

Vâng, nói thì dễ lắm, nhưng có thực là bạn không có tính đố kị không? Chúng ta thử xét xem nào.

Bạn có lần nào nói như vậy không: "Nhà ông X đẹp thật nhưng tôi không ham vì tôi thấy nó lộng lẫy quá" - hoặc: "Bà Y đẹp thật, chỉ tiếc là bắt đầu mập rồi" - hoặc: "Chồng bà ấy có vẻ phong nhã đấy, nhưng tôi ngại rằng hạng đàn ông như vậy rất ít khi chung thủy"...

Bạn có thực tâm nghĩ rằng những lời nhận xét như vậy hoàn toàn khách quan, không một chút ác ý, có thiện cảm là khác nữa không? Chắc là không. Tại sao lại dèm chê người khác hoặc của cải họ? Tại lòng đố kị chứ có gì đâu, đố kị mà làm bộ che giấu cho người khác khỏi thấy là đố kị.

Một câu hỏi nữa: có bao giờ bạn thấy thích chí dù chỉ là một chút thôi khi hay rằng một người nào đó vì rủi ro mà đánh mất một vật gì không? Bạn có kín đáo hay lộ liễu đố kị người đó không?

Có thể rằng không bao giờ bạn thèm khát của cải của người khác. Nhưng khi bắt đầu về già, nhìn bọn "thanh niên đẹp đẽ khỏe mạnh" bạn có thấy nhói trong lòng không? Thấy một cặp trai gái tươi rói, yêu đời, bạn có bao giờ nghĩ bụng: "Đợi ba chục năm nữa các chú sẽ biết thế nào là già, là mập, là gắt gỏng".

Đố kị của cải của người khác thì tương đối vô hại, vì nhiều khi mình chẳng cần giữ lòng mình của mình làm gì mà còn tự an ủi rằng một ngày nào đấy gặp may mình cũng có thể giàu có được như họ. Đố kị người khác vì họ khỏe mạnh hơn mình, đẹp đẽ trẻ trung hơn mình, có tài có tư cách hơn mình, thói đó mới thực tai hại vì mình biết rằng không khi nào có hoặc có lại được những cái đó nữa.

Tôi có một chị bạn trẻ hơn tôi, hai chúng tôi thân thiết với nhau trong một thời gian khá dài. Rồi bỗng một hôm, chẳng có một lí do gì hiển nhiên cả, chị tuyệt giao với tôi. Sau đó ít lâu tôi nhờ một thầy xem tướng chữ, so sánh những nét chữ của chị đó và của tôi, mà không cho biết chút gì về sự tuyệt giao giữa chúng tôi. Thầy tướng coi xong rồi, quả quyết: "Người đàn bà này ghen với bà". Thực vô lí, tôi có gì đâu mà chị ấy ghen, nhất là chị ấy có nhiều lợi điểm hơn tôi chứ.

Thói ghen đó phát sinh từ hồi mới có loài người, tức như chuyện Cain ghen Abel. Người ta bảo rằng không nên coi chuyện trong Cựu Ước là những chuyện không có thực trong lịch sử nhân loại, mà chỉ nên coi là những huyền thoại diễn những quan hệ về bản thể và thân phận con người, mà như vậy thì chuyện còn có phần "đúng" hơn những biến cố lịch sử nữa. Chuyện hai anh em ruột Cain và Abel có thể là không xảy ra thực cách đây tám hoặc tám chục ngàn năm, nhưng thời nào cũng xảy ra ở khắp nơi. Nó tiêu biểu cho cả chục trường hợp trong lịch sử. Cain ghen với Abel, Abel có một cá tính cao đẹp hơn mình và được thượng đế yêu hơn mình, và chính vì đố kị, ghen ghét mà giết Abel.

Không ai chịu tự thú rằng mình có lòng đố kị, không phải vì đố kị là một tật xấu hoặc một tội lỗi, mà vì như vậy tức là tự thú rằng mình thua kém người, bất tài, bất mãn về chính mình, về số phận của mình. Người thật minh triết thì không đố kị ai, trái lại còn vui vẻ nữa khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, giàu sang hơn mình.

Nhưng chúng ta đừng tưởng lầm rằng không đố kị là một việc dễ đâu. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì không đố kị là một tình cảm tự nhiên, có phần chính đáng nữa. Khi đau ốm thì tự nhiên ta ghen ghét những người khỏe mạnh, xấu xí thì tự nhiên ghen với những thiếu nữ đẹp đẽ; ngượng nghịu, giả dối thì ghen với những người tự nhiên, tự tin v...v... Hoàn toàn không đố kị thì mới thực là hoàn toàn yêu mọi người.

Nhưng xét về lòng đố kị thì cũng nên xét thêm một khía cạnh nữa: thái độ gây lòng đố kị của người khác.

Cách đây mấy năm, hồi ở Israel, một lần tôi được một gia đình rất giàu có mời lại dùng bữa. Tới nơi tôi ngạc nhiên thấy bề ngoài ngôi nhà rất giản dị, có vẻ tồi tàn nữa. Vô trong nhà mới thấy lộng lẫy. Chủ nhân bảo tôi: "Chúng tôi không muốn có vẻ khiêu khích những người nghèo khổ, cái đó nguy hiểm lắm". Lí do đó thực ra chẳng cao thượng gì, nhưng thái độ đó bề gì cũng còn hơn thái độ phô trương sự giàu có như để khiêu khích người nghèo.

Không làm sao tránh được sự đố kị của người khác, nhưng phải tránh lối phô trương của cải cùng hạnh phúc của ta để người khác khỏi so sánh mà thấy khổ; nếu không thì không khác gì ta xúi giục họ ham muốn những thứ họ không thể kiếm ra được bằng những phương tiện hợp pháp.

Tôi biết nhiều người chỉ thực sự vui sướng hưởng địa vị ưu đãi của mình khi thấy có người ghen với mình. Một người thông minh, cao thượng, hiền từ thí trái lại, luôn luôn tỏ ra nhã nhặn, kín đáo.

Nhưng người Hi Lạp thời cổ tràn trề hạnh phúc thì thường sợ bị các thần thánh ghen với mình, nhưng tốt hơn hết là nên tỏ lòng khiêm tốn, thương những người nghèo để học đừng ghen với mình.

Một nhà động vật học đã kể lại thí nghiệm dưới đây: trong một cái chuồng nhốt hai con khỉ, cứ cách quãng đều đều, ông bỏ một miếng cho nó rớt vô theo một cái máng dốc. Mới đầu con khỉ đực tranh hết những miếng chuối đó, còn con khỉ cái chỉ ngồi ngó, thèm thuồng lắm. Một lát sau, con khỉ đực tỏ vẻ ngần ngừ rồi lánh xa miệng máng. Con khỉ cái bèn chạy lại miệng máng và lườm hết các miếng chuối. Một lát sau, con khỉ cái cũng lại tỏ vẻ ngần ngừ rồi lánh ra xa, nhường chỗ cho con khỉ đực. Cứ như vậy mấy lần.

Thái độ ngần ngừ đó là cái mầm của lương tâm xã hội: khỉ cũng như người, biết xấu hổ về địa vị ưu đãi của mình, xấu hổ vì gây lòng ghen ghét của bạn.

Các cuộc cách mạng nhân dân có mục đích tạo một xã hội không có lòng đố kị. "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" là châm ngôn chính trị - xã hội của một cuộc cách mạng muốn diệt lòng đố kị.

Mỉm cười

Ở Huê Kì có hai tiếng "Keep smiling" để khuyên mọi người phải giữ nụ cười. Nụ cười vốn có tính cách một cách tự nhiên, tự phát, mà tại sao lại biến nó thành một nét bất tuyệt? Sở dĩ vậy, trước hết là để tỏ rằng: dù tôi có rầu rĩ, đau khổ thì cũng không muốn để lộ cho người khác thấy; tôi phải ráng tự chủ cho được vì tôi phải tôn trọng người đối diện với tôi, chứ còn riêng tôi thì đáng kể gì đâu; tôi không bao giờ được làm phiền lòng người đó, mà trái lại phải làm cho người đó vui; giữa người đó và tôi, phải có một không khí thoải mái, tin cậy, cái đó rất có lợi cho công việc làm ăn - lí do này không phải không quan trọng. Nụ cười còn có ý nghĩa này: tôi mỉm cười là có lí lắm, vì tôi là công dân của một nước mạnh và rất hoạt động, nhờ vậy tôi có thể làm chủ được đời sống. Nụ cười của tôi có cái ma lực thu hút sự thành công, đẩy lùi nghịch cảnh, ngăn cản những cảm xúc tiêu cực như sợ sệt, nghi ngờ, nhút nhát, thất vọng.

Xét về phương diện tích cực thì thứ nụ cười bất biến đó biểu lộ lòng tự chủ, lòng quý mến người đối diện của mình, muốn cho người đó vui vẻ. Xét về phương diện tiêu cực thì nó là một thứ che đậy: giấu cái tâm trạng thực của mình, đàn áp những cảm xúc khác chỉ để cho sự hòa nhã, ân cần rất mực biểu lộ ra thôi.

Điều đó chứng tỏ rằng nụ cười cũng như mọi biểu lộ khác, có một giá trị còn hồ nghi, muốn biết chân giá trị của nó thì phải xét tinh thần, tấm lòng của người mỉm cười đã.

Nụ cười có nhiều vẻ lắm: nó có thể dễ thương, rực rỡ, hiền từ, khoái hoạt, ranh mãnh, ngượng nghịu, ngọt ngào, tự đắc, khinh người, mỉa mai, chua chát, an phận, quỷ quyệt, ngớ ngẩn, ngu ngốc, tàn ác, bí mật, vân vân. Tất cả các cảm xúc của con người đều có thể biểu lộ bằng một cách nào đó: nhoẻn miệng cười. Ngay cặp mắt cũng không diễn đạt được nhiều cảm xúc một cách chính xác như vậy.

Tại sao vậy nhỉ? Miệng là bộ phận trước hết là để ăn; đối với con người thời nguyên thủy thì ăn là việc quan trọng nhất trong đời sống. Nhờ miệng ta biết được vị của thức ăn: chua, ngọt, chát, cay và đắng, có hợp với khẩu vị của ta không. Nếm mỗi vị thì miệng ta lại có một cử động riêng. Nếu thức ăn ngọt, ngon thì cuối mép ta lại nhếch lên, môi ta ép vào răng và ta thốt lên: "Mmm, ngon tuyệt!" Mà khi miệng cử động như vậy thì chính là ta mỉm cười. Vậy nụ cười biểu lộ sự khen, sự thỏa mãn. Nó tỏ một thái độ thân thiện, hiền từ, chấp nhận điều người khác muốn; dĩ nhiên nụ cười đó phải là nụ cười hoàn toàn thành thực, không che giấu những tình cảm khác. Chúng ta phải tập thói quen mỉm cười, phải; nhưng mỉm cười một cách thành thực, tươi đẹp và hiền hậu như vậy kìa.

Nhưng người ta có thể mỉm cười hoài được không? Thực ra thì không thể được. Nhưng phải ráng mỉm cười cho thật nhiều, và phải noi gương những người lấy hai chữ "Keep smiling" làm quy tắc căn bản trong đời sống. Khi tâm trạng của ta không vui, không muốn mỉm cười chút nào, mà còn muốn tỏ vẻ cau có, thô lỗ, rầu rĩ, ương ngạnh, ghê tởm cho xã hội, thì chính là lúc ta nên mỉm cười; như vậy không phải chỉ vì ta quý mến người khác mà cũng chỉ vì ta yêu chính ta nữa.

Nhưng mỉm cười như vậy chẳng phải giả dối ư, mà trong đoạn trên tôi mới khuyên phải thành thực trước hết? Phải, giả dối thực đấy, nếu chúng ta soi gương, tìm một nụ cười rồi tập tành như tập một trò ảo thuật, mà không hiểu ý nghĩa chân chính của nụ cười. Nhưng cái nụ cười vờ vĩnh đó có gạt được ai đâu? Trái lại chỉ làm cho người ta đâm nghi ngờ và tự hỏi: "Hắn che đậy cái gì đây?". Vì trước khi tập mỉm cười, phải gây cho mình cái tâm trạng mà nụ cười sẽ diễn đã, nghĩa là tâm trạng hiền từ, chấp nhận đời, chấp nhận ý kiến người khác, tức tâm trạng mà ta gọi là tình thương. Nhưng có thể tự ý gây cho mình tâm trạng đó không? Dĩ nhiên, không thể thình lình một buổi sáng nào đó, hăng hái quyết định: "Từ hôm nay, mình sẽ yêu mọi người và mỉm cười", mà tạo ngay được tâm trạng đó; phải tốn công tập tành lâu rồi mới hiểu được người khác, yêu họ, khoan dung với họ được.

Tập được rồi thì ta sẽ thấy hiện tượng tâm linh kì dị này: là ta có thể đi ngược con đường được, nghĩa là đáng lẽ phải có cái tâm trạng vui vẻ, yêu người rồi mới mỉm cười, thì ta có thể cứ mỉm cười trước đi rồi tâm trạng vui vẻ, yêu người đó sẽ lần lần hiện ra. Nhưng thái độ như vậy có mâu thuẫn với điều tôi mới nói ở trên không? Thưa không, chỉ là mâu thuẫn bề ngoài vì người nào mới ráng biểu lộ một cảm xúc nào thôi (dù là chỉ lờ mờ nhận định được những nguyên nhân đích thực của cảm xúc đó) thì cũng đã có cái ý muốn cảm xúc thực như vậy rồi.

Một ái nữ của nữ hoàng Marie Thérèse bảo rằng không làm sao mà yêu ông chồng của mình được. Bà viết thư khuyên: "Con cứ tự thuyết phục con hoài rằng con yêu anh ấy, rồi lần lần con sẽ yêu anh ấy thực".

Tôi không hoàn toàn tin ý kiến đó đâu mặc dầu nó chứa một phần chân lí. Người nào tự bắt mình phải mỉm cười, tức là tập tự chủ, mà đức tự chủ đã là một hình thức khai đoan của tình thương rồi. Và ngày nào người đó hiểu thêm rằng mình có bổn phận phải yêu thương người khác - vì người khác cũng là người như mình, sống cũng vất vả như mình, mà mọi người đều liên kết với nhau, ngọt đắng cùng chịu với nhau - thì nụ cười của người đó trước kia gượng gạo, bây giờ đã hóa ra thành thực; sự thành thực đó dễ nhận được vì nụ cười không xuất hiện thình lình một cách vờ vĩnh, mà nở ra lần lân trên khuôn mặt tươi rói của người đó. Vậy chúng ta phải tập mỉm cười, dù là khi mới tập, ta thấy khó khăn vô vị như hồi đi học phải làm bài thầy ra vậy. Cứ tập đi rồi sau sẽ thấy kết quả.

Ngày nay ta còn thấy trên nhiều ngôi mộ vợ chồng thời trung cổ, có khắc hình một con chó, biểu hiện cho lòng trung tín.

Mấy năm trước, báo chí đăng một tin rất cảm động như sau: một người Anh lái xe điện, nuôi một con chó; buổi chiều nào con chó cũng đúng giờ, lại đón chủ ở đầu đường chuyến xe cuối của chủ. Người đó chết rồi mà con chó vẫn tiếp tục suốt đời đi đón chủ, đúng giờ đó, ở chỗ đó. Hình như con chó đó không được đục vào đá, chú nó rất đáng biểu hiện cho lòng trung tín. Tin đó, tôi nhắc lại, làm cho tôi xúc động vô cùng, nhưng nếu chúng ta chỉ xúc động thôi thì ít khi ta rút ra được một quy kết cho ta. Bạn hỏi tôi: quy kết nào bây giờ? Tôi xin thưa, ít nhất cũng có quy kết này: Đức trung tín quả là cao thượng, đáng quý. Chúng ta lại có thể nhận định thêm rằng trong các động vật, ít có loài biết trung tín, và trong những loài này, cũng chỉ có một số ít còn giữ đức trung tín; và chúng ta cho những loài đó, con đó cao quý hơn những loài khác, con khác. Sau cùng chúng ta phải nhìn nhận rằng sở dĩ chuyện con chó đó làm cho ta cảm động vì nó nêu một tấm gương cho ta. Vậy chúng ta rút trong chuyện đó ra được bài học giản dị này: chúng ta nên luôn trung tín. Nhưng chúng ta lại ít khi trung tín lắm. Ở thời đại chúng ta, hai chữ trung tín viết bằng thứ chữ nhỏ xíu.

Khi chúng ta nói trung tín, chúng ta thường nghĩ tới sự chung thủy về ái tình, sự chung thủy giữa vợ chồng. Nhưng còn biết bao sự giao thiệp khác cũng phải nhờ trung tín mới tồn tại được. Trung tín với bạn, với đảng, với tôn giáo, sau cùng là với bản thân ta. Nhưng tôi xin nói về lòng chung thủy trong ái tình. Một người đàn ông và một người đàn bà quen biết nhau, thích nhau, quý mến nhau, tin chắc rằng không thể sống xa nhau được, bèn kết duyên với nhau. Lúc đó họ cho rằng sự thủy chung là điều tự nhiên nhất thế giới. Cho tới ngày tính dục của họ đối với nhau giảm đi rồi mất hẳn. Thôi thế là hết cái mộng yêu nhau đến mãn đời, thủy chung như nhất! Nhưng nào họ đã rút được kinh nghiệm cho đâu, nếu có cơ hội nào khác thì họ lại cũng tin ở sự thủy chung như nữa. Thái độ đó cũng dễ hiểu vì nó do một quan niệm đúng về ái tình: ai cũng mong rằng chiếc thuyền tình đưa ta tới bến và ta sẽ được hưởng hạnh phúc tới mãn đời. Nhưng nếu hiểu ái tình - trên phương diện thể chất cũng như tinh thần - là một sự hòa hợp tự nhiên, không có chút nứt rạn, không phải bồi bổ thì là hiểu sai nó rồi. Một ngàn cặp vợ chồng thì có lẽ chỉ được một cặp là hòa hợp với nhau gần như hoàn toàn, đủ để cho hai bên tự nhiên, không cần phải gắng sức, cũng thủy chung với nhau; còn hầu hết thì là những cuộc hòa hợp khập khiễng, nghĩa là hai bên chỉ có vài điểm giống nhau thôi, mỗi bên đều sống theo luật riêng của mình, tới khi một ngày nào đó họ bỗng thấy một cái hố sâu giữa mình và người bạn trăm năm của mình, và họ lần lần xa nhau. Lúc đó là giai đoạn khủng khiếp đấy.

Thời xưa, thời mà hôn nhân không phải là ái tình mà là một chế độ xã hội, người ta có thể vượt qua cơn khủng hoảng đó nhờ vài cách "sắp đặt": ông chồng kiếm một sự "đền bù" nào đó ở ngoài gia đình, còn bà vợ lo nuôi con, chăm sóc nhà cửa, không nghĩ gì khác nữa. May lắm - nếu có thể tránh được sự ngoại tình - thì hai vợ chồng vẫn tiếp tục sống một cuộc đời buồn tẻ, an phận, chua chát, gắt gỏng, nếu không phải là chán ngắt, đôi khi ghê tởm. Danh từ "chung thủy" theo tôi không nên đem áp dụng vào trường hợp đó. Ngày nay gần như ai cũng cưới nhau "vì tình", ít nhất là người ta tưởng tượng như vậy. Và khi "ái tình" đã tan như mây khói thì người ta đưa nhau ra tòa xin li dị, mà không hề ráng dùng đức chung thủy để thử cứu vãn chiếc thuyền tình cho khỏi đắm.

Khi hai vợ chồng hoảng hốt nhận thấy rằng tình yêu tự nhiên của họ đối với nhau giảm đi thfi việc đầu tiên là họ phải nhận định rằng điều đó không có gì khác thường cả, vậy thì chẳng nên tuyệt vọng, vì như vậy không phải là ái tình tắt đâu, chỉ là cái mà từ trước họ tưởng lầm ái tình đã tắt thôi. Và chỉ bắt đầu từ lúc đó, họ mới thực là yêu nhau, nếu họ chung thủy với nhau rất mực, bất kì với giá nào. Sau đó họ phải tạm hiểu nhau. Nhiệm vụ này khó khăn đấy - tôi có nhiệm vụ - càng khó khăn thì thường thường hai bên không có thiện chí ngang nhau mà thế nào cũng gặp cơ hội để có ngoại tình một cách dễ dành. Nhưng phải đừng tuyệt vọng, dù sao thì sao, cứ tiếp tục biền chí. Có thể rằng sẽ phải gắng sức vô ích đấy, vì sự bất hòa lớn quá, không sao thắng nổi, mà rốt cuộc phải nhận rằng sự li dị sẽ bớt tai hại hơn cả. Nhưng theo nguyên tắc thì hầu hết các cuộc hôn nhân đều có thể cứu vãn được.

Nhân tiện đây, tôi xin hỏi riêng các độc giả đàn ông một câu. Trong nghề nghiệp của chư vị thành công được nhờ bí quyết nào? Nhờ chư vị có nhiều ý hay, mà cũng nhờ chư vị hoạt động tích cực, có tài linh mẫn đoán trước được cơ hội, nhờ chư vị tin chắc rằng mình thành công, nên nhiệt liệt theo đuổi mục đích, đem toàn lực ra để tranh đua, phải vậy không?

Nếu trong hôn nhân, chư vị cũng dùng hết tinh thần và nghị lực như trong nghề nghiệp thì chư vị cũng sẽ thành công vậy. Nhưng chư vị cũng chịu kiên nhẫn trong công việc làm ăn thôi, mà cho rằng hôn nhân, thì cứ để mặc nó, tự nó phải được như ý, bận tâm về nó làm gì, để sức lo công việc làm ăn chứ. Như vậy là có một quan niệm sai về đời sống. Vì cái quan trọng trong cuộc đời là tình thương, là tạo được một cuộc sống chung tốt đẹp, là luôn luôn chung thủy với cái bổn phận mà trước kia đã có một ngày chư vị vui lòng nhận nó: tức cái nhiệm vụ chung sức với bạn trăm năm mà tạo cuộc đời cho mình.

Trong tiếng "trung tín" có chữ "tín". Vậy trung tín là tin ở bạn trăm năm của mình, ở tình yêu của nhau. Cũng có thể nói rằng trung tín đồng nghĩa với hi vọng. Tôi còn trung tín ở ai tức là vẫn còn hi vọng ở người đó, ở mối tình liên kết chúng tôi với nhau. Hễ hết trung tín, tức là từ bỏ hi vọng, hi sinh cả người bạn trăm năm lẫn ái tình. Độc giả, nhất là độc giả phái nam, sẽ bảo tôi rằng cũng còn tùy, không thể vơ đũa cả nắm được, vì có những trường hợp lạc lòng mà không thực là tai hại.

Vâng, tôi biết vậy. Tôi sống ở Ý, luật pháp cấm sự li dị, do đó không có sự tái hôn. Vợ chồng đã làm lễ cưới ở giáo đường rồi thì dù muốn hay không, cũng phải sống hoài với nhau. Mà sự thực thì hầu hết đều ưng ý sống hoài với nhau, vì dù họ không còn yêu nhau nữa thì họ cũng mong gia đình không tan rã để cho con cái có được cái tổ ấm. Nhưng đàn ông Ý bản tính nồng nàn, thỉnh thoảng đi kiếm vài sự đền bù dễ dãi. Nếu bạn ráng giảng cho họ rằng như vậy là xấu, thì họ cũng nhận là xấu đấy nhưng không cho rằng nhăng nhít như vậy mà mắc tội phản bội. "Nhưng, tôi quý mến nhà tôi mà, không khi nào tôi bỏ nhà tôi cả? Còn cái chuyện nhăng nhít kia, thì có quan trọng quái gì đâu, cũng như thèm thì uống một li rượu vậy".

Ở một xứ coi hôn nhân là một chế độ gia đình, xã hội, chứ không phải là vấn đề tình cảm cá nhân, do đó chung thủy có nghĩa là bảo tồn được hôn nhân, chứ không cấm đoán những chuyện ngoại tình, thì quan niệm đó cũng có thể tạm chấp nhận được.

Nhưng ngày nay, xã hội đã biến đổi, hôn nhân là tự do lựa chọn, là vấn đề tình cảm cán nhân. Có yêu thì mới cưới, như vậy thì phải chung thủy với nhau, không những không được li dị, mà còn không được có ngoại tình nữa.

Bạn tôi bảo: "Sống khắc khổ mức đó thì chịu sao nổi!" Bạn lầm rồi. Có nhiều cặp vợ chồng không cho vậy là khắc khổ.

Tôi xin kể bạn nghe một chuyện. Một chuyện tôi cam đoan là có thực chứ không phải là một chuyện hoang đường vì tôi quen cả hai bên. Một người đàn bà và một người đàn ông yêu nhau, vì hoàn cảnh bắt buộc, phải sống xa nhau mấy ngàn cây số. Người đàn ông trồng trong vườn một cây hồng bạch, trổ hoa rất đẹp; và hai vợ chồng coi cây hồng đó tượng trưng cho tình ái của họ. Một hôm người vợ nhận được một bức thư của chồng báo tin rằng ban đêm, cây hồng bỗng nhiên khô héo đi. Bà ta đọc thư xong, hóa trầm uất, vì đêm đó chính là đêm mà lần đầu tiên bà ta đã có ngoại tình.

Đã lâu rồi, một họa sĩ thú thực với tôi rằng muốn li dị vì sống chung với vợ, ông ta ngột ngạt không làm sao làm việc được. Ông ta là một nghệ sĩ, không thể giảng luân lí mà làm cho ông đổi ý được. Ông ta cần phải sáng tác mà quả thực trong một khung cảnh không thuận tiện thì nghệ sĩ nào cũng mất khả năng sáng tác đi. Vậy là có hai sự trung thành mâu thuẫn nhau: một mặt là trung thành với vợ, một mặt là trung thành với công việc, với bản thân mình. Rồi ông ta li dị vợ. Ít năm sau tôi hay tin ông ta bê tha, rượu chè, lâu lắm không vẽ được một bức tranh nào cả. Vậy ông ta đã lầm lẫn: tưởng rằng sự sống chung với vợ làm cho mình mất hứng, mà sự thực là do những nguyên nhân khác.

Tôi không bảo rằng luôn luôn như vậy đâu. Tôi chỉ muốn nói trường hợp đó có thể xảy ra. Và theo tôi thấy thì nhiều người cứ ráng giữ bổn phận của mình lại tự cứu mình được hơn là trốn tránh bổn phận.

Dù xét vấn đề cách nào thì lòng trung tín cũng là một hành động luân lí cao đẹp là cho ái tình thêm hiển nhiên, vững vàng. Trung tín là một đức nó gom tất cả những đức tản mạn khác như một tấm kính phản xạ gom tất cả ánh sáng lại rồi chiếu ra thành một chùm tia sáng. Và chùm tia sáng này nhờ sức mạng lớn lao của nó mà tạo nên được những phép màu.


dieuphap.com

Trở về Trang 1 Chấp nhận cuộc đời

Trang kế