dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[05] (Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên) Namo Buddhaya, chúng con kính đảnh lễ Sư Trưởng, kính đảnh lễ TT Tuệ Siêu cùng Chư Tôn Đức Tăng đang có mặt trong room. Thân chào tất cả Quý Phật tử. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cái nhìn về Vô Thường trong Thiền Quán. Chúng ta thường tin rằng mình biết mình hiểu vấn đề, nhưng phải có một dịp nào đó đặc biệt, chúng ta gọi là một cơ duyên thì mới thấy rằng chúng ta chỉ hiểu vấn đề có phân nửa mà thôi. Nhưng hiểu vấn đề nửa vời rất khác với sự hiểu vấn đề một cách trọn vẹn, một cách thấu triệt. Và ở đây nói lên tại sao thiền quán đặc biệt giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc lãnh hội lý Vô Thường một cách lợi lạc. Bây giờ chúng ta đặt trong vấn đề rằng "Hiểu nửa vời" là hiểu như thế nào? Bởi vì trong chúng ta ai cũng nghĩ rằng gọi là để thấu triệt một cách viên mãn, một cách trọn vẹn thì có lẽ khó có ai hiểu hết, mình hiểu phần nào cũng được. Qúi Phật tử vào rơom nghe Phật Pháp, không ai nói rằng mình phải hiểu hết Phật Pháp, hiểu được một ít là cũng qúi lắm rồi. Hay hoặc giả là qúi vị nghe Chư Tăng thuyết pháp, qúi vị hiểu được một phần ở trong trọn các bài pháp là tốt rồi. Sao gọi là hiểu trọn vẹn? Để trả lời câu này, chúng ta hãy đưa ra một vài thí dụ là tại sao chúng ta thường hiểu một cách nửa vời. Chỉ có hiểu phân nửa này nó lại không giúp chúng ta đi về đâu hết. Trước nhất là sự nhận thức của chúng ta đối với Vô Thường nói riêng và đối với thực chất của đời sống nói chung, nó chỉ tập trú vào cái gì mình thích, mình thoải mái, còn cái gì mình không thích không thoải mái thì chúng ta không nghĩ đến nó, không nhận thức nó. Lấy ví dụ là những thay đổi khiến cho đời sống cảm thấy vui, bây giờ mình chưa có học vị vài bữa nữa mình có học vị, bây giờ mình chưa có nhà vài bữa nữa mình có cái nhà, bây giờ mình chưa sống được với người mình thích mình yêu mai mốt mình sống được với người mình thích mình yêu, như vậy là vô thường là thay đổi, điều vô thường thay đổi đó làm cho chúng ta phấn khởi, làm cho chúng ta cảm thấy yêu đời. Không phải chúng ta không thấy được thay đổi, chúng ta có thấy thay đổi, và chẳng những thế mà chúng ta còn thấy thay đổi lớn, nhưng chúng ta chỉ hướng tâm đến cái gì thật sự tốt thôi. Như câu chuyện Chư Tăng thường kể khi vua Tề lên đỉnh núi cao thấy rằng giang sơn gấm vóc như vầy mà mình không sống lâu để được hưởng cái đế nghị như là câu nói "Thiên phúc vĩnh hưởng, thọ dụng thiên tề", thì buồn quá. Yến Anh đã nói với vua Tề rằng : "Nếu Tiên Vương sống lâu sống thọ, rất thọ thì có lẽ giờ này ngai vàng đã không về tay của Hoàng Thượng.” Có người đến có kẻ đi, có người sống rồi chết đi nhường lại thế hệ mai sau thì bây giờ mình có thể có được. Cái đó là cái gì rất tích cực, cái đó là cái gì rất đẹp của lý Vô Thường, nhưng cái đẹp đó chỉ có phân nửa thôi, không phải lúc nào sự vô thường cũng mang ý nghĩa là nhường chỗ cho chúng ta, mà vô thường còn có ý nghĩa là cướp đi cái mà chúng ta có. Người đi trước nhường cho người đi sau tức là chúng ta, nhưng rồi cái vô thường đến nó cũng lấy mất đi cái mà chúng ta đang có, do vậy nó cho được thì nó lấy được, đến được thì đi được đây là vấn đề của đạo lý Vô Thường mà chúng ta rất là khó thấy. Hay hoặc giả các vị Thiền Sư cũng thường nhắc cho chúng ta thấy rằng cũng cái ý niệm đó nhưng chúng ta thấy ở người khác có khác với thấy ở chúng ta. Qúi vị có thể nhìn thấy chiến tranh xảy ra tại Trung Đông, có thể nhìn thấy nạn đói ở Phi Châu, nhưng những điều đó không lớn chuyện như là nó xảy ra ngay trong vùng đất chúng ta đang sống. Thật ra con số cả ngàn người chết vì trận bão Kathina tại Mỹ nó không lớn như trận sóng thần tsunami ở Á Châu, hay là không quá lớn như chiến tranh xảy ra ở Iran, Irac....v.v... Nhưng con số này xảy ra trên nước Mỹ thì là con số rất lớn. Có một lần chúng tôi nghe một vị giáo sư nói một câu là: “Sự an nguy, thịnh suy của một nước nhỏ có khi đối với dân của một nước lớn như Mỹ không quan trọng bằng một trận đá bóng.” Mỉnh nghe như vậy thì rất là bất nhẫn, tại vì mình đến từ một nước nghèo, nhưng có sống tại đây thì thấy rằng một trận Supper Ball người Mỹ coi rất quan trọng, quan trọng hơn là chuyện kinh thiên động địa ở một xứ nhỏ nào khác. Thì thưa qúi vị sự chủ quan là một điều đương nhiên, do vậy một hành giả tu tập phải nhìn thấy khía cạnh vô thường, phải nhìn thấy thực chất đó, không phải ở bên ngoài mà ngay ở chính chúng ta, vị ấy quán thân trên ngoại thân, quán thân trên nội thân, có thân đây vị ấy sống chánh niệm, tỉnh giác. Việc đó rất là quan trọng khi mà chúng ta thấy được mặt mũi của vấn để ở trên bản thân của mình, trên bản tâm của mình. Tại sao nó lại quan trọng khi chúng ta nhìn thấy ở chính mình, là bởi vì khiến chúng ta đặt lại tất cả vấn đề. Bây giờ chúng ta nói sang một thí dụ khác là chúng ta thường chỉ thấy sanh chứ không thấy diệt. Đây cũng là đầu mối của sự vô minh, nghĩa là nhìn thấy vấn đề nó chỉ có một phương diện, cái gì nó đến nó tồn tại và nó chỉ tồn tại ở trong một khoản khắc không lâu rồi nó đánh mất đi chú ý của mình. Nó có trạng thái gì rất đặc biệt liên quan đến sự vô tâm, chúng ta thường không bám sát được với thực tại mà chỉ đặc biệt chú ý đến những gì gọi là “eye catching.” Ở trong Anh ngữ “eye catching” nghĩa là cái gì làm chúng ta chú ý nhiều, thí dụ như chuyện của một cô người mẫu rất nổi tiếng bị bắt ở tù hay là một việc gì đặc biệt làm cho chúng ta chú ý. Trong lúc đó thì những thứ đó đến rồi dần dà tự nó quên lãng ở trong tâm tư của mình hồi nào mình không biết. Có thể chúng ta thường nhìn thấy sự vật xuất hiện của các pháp, nhưng chúng ta không thấy sự biến mất nó đi. Ở trong văn phòng chúng tôi đang ngồi ở đây từ những bức tranh cho đến vật dụng, lúc mới bày ra, lúc mới có trong văn phòng thì nó tạo cho chúng tôi một sự chú ý đôi ngày, nhưng sau đó dần dà nó trở thành một phần của văn phòng này và nó không có khiến cho chúng tôi chú ý nhiều nữa vì phải bắt buộc chú ý tới những thứ khác. Thì qúi vị thấy rằng đa số cuộc sống chìm trong quên lãng do đó chúng ta đánh mất đi khả năng bám lấy thực tại. Bám sát với thực tại là gì? Bám sát với thực tại có nghĩa là chúng ta nhìn thấy cả hai đầu mối sanh và diệt của sự việc, sanh và diệt của các pháp. Do nhìn thấy được hai đầu mối sanh và diệt của các pháp, chúng ta mới lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa của sự Vô Thường. Trong một bài kinh rất nổi tiếng của đạo Phật đó là brahmajālasutta - kinh Phạm Võng trong Trường Bộ kinh, ở đó Đức Phật có đề cập đến một thí dụ là có những người tu tập thiền định sanh lên cõi Đại Phạm Thiên, khi vị đó sanh lên thì thấy có một vị Đại Phạm Thiên, một vị Thiên Chủ đã có mặt tại đó với dung sắc thù thắng hào quang vô lượng, rồi thời gian sau tuổi thọ vị này mãn đi nhưng vị Đại Phạm Thiên kia vẫn còn, do vậy khi vị này sanh xuống cõi trần của cõi người và ở tại đây tu tập và hồi tưởng lại quá khứ thì vị đó cứ đinh ninh chắc rằng vị đó phải là vị thượng đế, phải là một đấng sáng tạo chủ, đó phải là một người sống không có nằm trong vòng sanh tử, nghĩa là có cuộc sống bất tử v.v… Khi chúng ta nhìn thấy phân nửa vấn đề thì thưòng nó lại tạo cho chúng ta một cảm giác, cảm giác này là cảm giác khiến chúng ta tin rằng cuộc sống nó vốn tồn tại như vậy. Phải có nhiều khi chúng ta nhận thức được sự chấm dứt của các pháp, nhưng đa phần đặc biệt là đối với cảm giác của mình, đối với những gì xảy ra trong tâm thì chúng ta chỉ nhìn thấy một đầu mối đó là đầu mối sanh mà chúng ta không thấy được cái diệt của nó. Tại vì sao mình không có khả năng bám sát với thực tại, về điểm này thì thiền quán lại trở nên nổi bật. Tại sao thiền quán nổi bật, là bởi vì trong yếu tố thiền quán có hai thứ quan trọng là định và niệm. Định và niệm hướng đến sự chú ý của chúng ta sống gắng liền với thực tại và đủ để cho chúng ta thấy được cả hai đầu mối sanh và diệt. Đối với người thực hành thiền quán, chỉ riêng hơi thở có vào có ra, chỉ riêng một đoạn đường kinh hành có bước khởi đầu và có bước dừng lại để xoay người quay trở lại, một cảm thọ vui đến trong ngày và cảm thọ vui đó tan biến ra đi, một sự thoải mái xuất hiện và sự thoải mái đó chấm dứt, một cảm giác đau nhức xuất hiện và cảm giác đau nhức chấm dứt, tất cả những điều đó đều được thấy, được ghi nhận, được nhận thức rõ ràng bằng chánh niệm và chánh niệm là một khả năng bám sát với thực tại. Do bám sát với thực tại mình thấy rõ như là một người bán hàng mà hiểu chuyện tinh mắt biết rõ là trong tiệm mình cái gì đem vào và cái gì được bán ra, họ nắm rõ cái gì mình có, cái gì mình mua vào, cái gì mình bán ra, thì như vậy mới thật sự là người bán hang, một người quản trị cửa hàng một cách đúng mức. Còn nếu cái nào nó đến, mình chỉ biết nó đến, mà nó đi lúc nào mình không hay, thì thưa qúi vị cái đó nó cho chúng ta thấy một khía cạnh khác là người đó không nắm vững được vấn đề. Vô thường cũng được chúng ta nhìn thấy qua thời gian nhưng chúng ta lại bị mù quáng bởi một thời điểm khác, quá khứ rất là dễ thấy tức là cái gì đã qua rồi chúng ta rất dễ thấy. Thí dụ như 5 năm về trước chúng ta có một lần bị đau răng hay bị bịnh trong vòng một tháng, rồi sau một tháng trôi qua chúng ta hết bịnh bây giờ hồi tưởng lại chúng ta có thể nhìn thấy trọn vẹn khoản thời gian mình bị bịnh, nhưng với hiện tại thì chúng ta không có khả năng đó. Hiện tại giống như qúi vị nhìn vào một bình hoa rất đẹp chưng trước mắt, bình hoa dường như đứng lại và cái đứng lại đó nó lừa dối chúng ta rất nhiều, chúng ta không thấy bình hoa đó biến dạng mặc dù trên phương diện vật lý người ta biết rằng không có gì đứng yên một chỗ, bình hoa đó đang từ từ dẫn đến chỗ tàn úa, nhưng con mắt chúng ta không thể nhìn thấy điều đó, chúng ta thấy dường như cuộc sống đứng lại. Thì ở đây sự tập trú của chúng ta có giới hạn bởi thời gian tính và khả năng nhận thức thường bị chi phối bởi điều đó. Do đó đôi mắt của chúng ta có khi bị cận thị, có khi bị viễn thị, có khi bị loạn thị, thì tâm của chúng ta trong sự nhận thức không phải cái nào cũng trung thực giống nhau, mà nhiều lúc nó bị sai chạy đi, nó bị bóp méo đi, hoặc giả là nó không thể thấy được vấn đề tại vì thời gian và đôi mắt không song hành. Có một lần chúng tôi nói chuyện với một ca sĩ, vị ca sĩ này có nói cho chúng tôi biết rằng: nhiều khi với một người thường họ nghe một ca sĩ hát thì họ chỉ nghe được cái mình thích và cái không thích thôi, nhưng một ca sĩ chuyên nghiệp nghe một người khác hát thì người đó hiểu rằng người đó hát có đúng nhịp hay không, có nhiều người họ hát sai nhịp nhưng với một người không biết nhạc lý nghe người khác hát sai nhịp thì không biết và vẫn thấy hay như thường, mặc dầu người đó hát có những cái sai mà không thể chấp nhận được, cũng có những người hát rất đúng nhịp nhưng giọng hát của họ không truyền cảm thì người bình thường không thể thấy cái hay của họ. Giọng hát và nhịp điệu có song hành với nhau được không thì đó là hai cái được tạo nên bởi con người, nhưng thực tại và sự lãnh hội của chúng ta không đi song song nhau bao giờ hết. Có những thứ mà chúng ta mong cho nó đến và đi liền nhưng mà không, nó vẫn nằm yên tại đó, nó nằm yên một cách rất khó trị, có những thứ rất là thích thú để chúng ta giữ lại thì nó chợt tan biến đi. Thì ai đã thực hành thiền quán hiểu rõ được là những thứ đó nó vốn không thể song hành và do vậy chúng ta đánh mất đi sự chú ý cần thiết, đánh mất đi sự lãnh hội cần thiết và cuối cùng chúng ta rơi vào tình trạng sống bằng ảo giác, bằng cái nhìn phiến diện nhiều hơn là ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra, cái gì đã sanh, cái gì đã biến mất. Một cái nhìn nửa vời khác và khiến cho chúng ta thường không thấy trung thực được vấn đề, đó là tính nhân quả. Không hẳn cái nhân nào cũng cho chúng ta biết quả của nó ngay lập tức, mặc dù có khi người ta nói: “Muốn biết đời trước ra sao thì phải nhìn đời này, muốn biết đời sau ra sao thì phải nhìn đời này.” Cái nhìn đó phải là cái nhìn rất tinh tế, cái nhìn của bậc cực kỳ thông thái, bởi vì “nhân quả” khác thời gian mà nó khác tánh chất, có khi cái nhân rất ngọt ngào nhưng cái quả rất đắng, có khi nhân rất đắng nhưng quả rất ngọt ngào và nhân quả không cùng thời, chúng ta gọi là dị thục, dị thục là khác thời, khác thời mà thành tựu, mà chính vì vậy chúng ta khó có thể hiểu được tại sao tham lại là tham triền cái, tại sao sân lại là sân triền cái. Tại vì lòng tham này ngăn ngại những thứ khác và có thể là cái thứ mà nó ngăn ngại chúng ta không biết không thấy rõ, phải mất một ít suy tư lắng đọng thì chúng ta mới hiểu được À! Tại sao tham lại là một triền cái, tham là một pháp ngăn ngại hay là một vị quán niệm Tứ Đế, đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến sự diệt khổ. Bức tranh đó không đến một lúc, nó không đến ngay mà thưa qúi vị bức tranh đó nó là những mảnh vụn rời rạc, rất rời rạc của cuộc sống, chúng ta ngồi để ráp lại từng mảnh của bức tranh để có một khái niệm À! Đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa tới sự diệt khổ, nó không đơn giản để mà chúng ta ráp lại tất cả những đầu mối bức tranh, để có được một bức tranh trọn vẹn, và vì vậy tại sao cái nhìn của chúng ta không có trung thực. Cái nhìn về thiền quán là một kinh nghiệm rất phong phú trên phương diện khả năng nhận thức, những ai đã từng sống với thiền quán thì đều hiểu rằng chúng ta rất chủ quan, chúng ta rất phiến diện trong cái nhìn của mình ở trong sự nhận thức của mình, mà bảo rằng mình biết hết, mình nắm hết, thì thật ra phân nửa vấn đề chúng ta cũng chưa nắm hết đừng nói là trọn vẹn, không may cho chúng ta phân nửa vấn đề chúng ta biết thường làm chúng ta mù quán, làm cho chúng ta sống mê chấp nhiều hơn là một đời sống tỉnh táo có ý thức trọn vẹn về cái gì đang xảy ra. Một bài học chúng ta phải học khi chúng ta tu tập thiền định đó là làm sao để bám sát trọn vẹn với một hơi thở, hoặc giả làm sao có thể tập trú hoàn toàn ở trong một đoạn đường đi kinh hành từ lúc bắt đầu cho tới lúc chấm dứt. Hai bài học đó mới nghe thì không có gì lớn chuyện, nhưng phải ngồi xuống nhìn vào hơi thở thì mình hiểu rằng không phải dễ dàng để sống và sống trọn vẹn hơi thở từ lúc hơi thở bắt đầu cho đến lúc hơi thở ngưng lại để bắt đầu thở vào, ngưng lại để bắt đầu thở ra, hơi thở ra chấm dứt để bắt đầu hơi thở vào. Nó chỉ có một vài câu rất nhỏ là: “Này các tỳ kheo khi thở vào vị ấy biết mình đang thở vào, khi thở ra vị ấy biết mình biết đang thở ra, khi thở vô ngắn vị ấy biết thở vô ngắn, thở ra ngắn vị ấy biết biết thở ra ngắn, thở vô dài biết thở vô dài, thở ra dài biết thở ra dài.” Nó rất đơn giản, nhưng khi chúng ta thực sự ngồi thiền thì chúng ta mới thấy rằng cái đơn giản đó nó không đơn giản chút nào hết trên phương diện thực hành mặc dù lý thuyết rất đơn giản, chỉ biết được hơi thở vào hơi thở ra nó đã cực khó rồi còn chuyện biết nó ngắn biết nó dài thì thưa qúi vị nó không dễ dàng để cho chúng ta thấy. Bước chân đi kinh hành của chúng ta cũng vậy, đủ chánh niệm tỉnh giác để biết rằng mình muốn ngưng lại, mình muốn xoay người, mình muốn bước đi, và từ cái muốn bước đi đó nó lại tiếp theo là hành động đi với bước chân đầu tiên bàn chân nhấc lên đưa tới đặt chân xuống. Có một số người lấy làm lạ lùng là có cái gì huyền diệu ở trong việc theo dõi từng bước chân, theo dõi từng hơi thở, nhưng chúng ta thấy sự huyền diệu lớn nhất tại đây đó là sự tôi luyện hay là tu dưỡng chánh niệm, nhờ có chánh niệm chúng ta mới có khả năng nhìn sự vật một cách khác đi một cách rõ ràng hơn, một cách đa dạng và đầy đủ hơn. Chúng tôi xin tóm tắt một điều là nói về vô thường xem ra đơn giản rất nhiều so với khả năng mà chúng ta có thể thấy được vô thường như là một hiện tượng thật sự diễn ra trước mắt, bởi vì khả năng bám sát với thực tại chúng ta không có, chúng ta thường sống một cách phiến diện, nhìn vấn đề chỉ thấy nhân mà không thấy quả, hoặc là quả mà không thấy nhân, chúng ta chỉ nhìn thấy vấn đề một cách phiến diện bởi vì À! chuyện đó xảy ra ở người khác, ở ai đó chứ không phải ở chính bản thân mình. Chúng ta nhìn thấy nó phiến diện bởi vì ở quá khứ thì chúng ta có thấy, nhưng hiện tại chúng ta không thấy, nhìn thấy nó phiến diện bởi vì chúng ta chỉ thấy sự sanh khởi, sự tập khởi mà chúng ta không thấy được sự hoại diệt. Chúng ta nhìn thấy một cách phiến diện bởi vì thưa qúi vị chúng ta chỉ thấy được những gì mà mình thích thấy, những gì mà thực tế nó có thì chúng ta lại không thích nhìn không thích thấy, do đó cái nhìn của chúng ta phiến diện. Nên ngay cả pháp Vô Thường cũng được chúng ta nhìn trong sở thích của mình. Người ta đã cố gắng diễn pháp Vô Thường đó trong cách thế mà mình muốn, trong lúc mà chúng ta có rất nhiều trạng thái vô thường, lẽ ra mình nên nhìn vào. Chúng tôi đã thấy những nhà Sư Tây Tạng thực hiện những mandala rất đẹp bằng các màu và khi xoá đi nhiều người cảm thấy rất tiếc, nhưng những nhà Sư Tây Tạng này rất thích thú để tạo những công trình như vậy và để xoá đi những công trình như vậy sau những ngày triển lãm, nhưng thưa qúi vị cái sanh cái diệt đó nó là một bài học thì đúng, nhưng nó là một thực tại thì nó cũng là một thực tại bị bóp méo đi, tại vì sao? Tại vì nó là điều mà chúng ta dàn dựng ra và tự chúng ta phá hủy nó đi và phá hủy có mục đích. Ở trên thực tế thì không phải, lúc nào chúng ta cũng có cảm giác tương tự như khi chúng ta xoá đồ hình mandala vậy. Đó là vài điều xin được gửi đến qúi Phật tử trong bài học hôm nay nói về Vô Thường qua cái nhìn của Thiền Quán Tro ve trang chinhVo Thuong - Bai 4 Vo Thuong - Bai 3 Vo Thuong - Bai 2 Vo Thuong - Bai 1 |
Bai 4