dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[03] (Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên) Namo Buddhaya, Chúng con kính đảnh lễ Sư Trưởng, TT Tuệ Siêu cùng Chư Tôn Đức Tăng trong room. Thân chào quý vị Phật tử. Hôm nay trong đề tài cũng nói về sự vô thường, chúng tôi xin lược lại một vài ý, một vài chú thích trong bài vô thường của ông Hopskin mà chúng tôi nghĩ rằng rất có lợi cho những người Phật tử khi suy niệm về điều này. Chú thích là trong bài viết thú vị này đưa ra nhiều chiều kích khác nhau khi chúng ta nhìn về sự vô thường. Chiều kích đầu tiên, chúng ta được biết có những vật thể thuộc về vật chất mà chúng ta cho rằng không có cái gì huỷ diệt được, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, nó luôn tồn tại và đã tồn tại hằng triệu năm và sau này nó cũng như vậy. Ví dụ chúng ta nói đến kim cương. Thường người ta nói kim cương bất hoại chẳng hạn. Và có thể chúng ta để một khối đá, một pho tượng bằng kim loại và hầu như từ năm này qua tháng kia nếu pho tượng kim loại không bị oxy hoá và phiến đá kia không bị ai đập thì dường như những thứ đó đứng yên một chỗ, không thay đổi. Trong thực tế, kiến thức về vật lý cho chúng ta biết, vật chất là kết cấu của những phân tử, của những nguyên tử, những nguyên tử này vẫn có tự tánh riêng, có hoạt đông nhất định và sự hoạt động này tạo nên một sự luân chuyển thường xuyên. Những đơn vị vật chất chúng ta gọi là nguyên tử đã được nói nhiều đến trong kinh điển của đạo Phật và kinh điển đạo Phật không phải chỉ nói đến những nguyên tử vật chất mà còn nói trên phương diện danh pháp tức là trên phương diện tâm pháp còn nói đến những đơn vị cực vi. Đơn vị cực vi đó là sát-na, mà Ngài Tịnh Sự thường gọi nôm na là một cái tâm. Như một sát-na tâm, sanh và diệt, trong đó chẳng những một sát-na tâm được xem như một đơn vị cực vi mà sát-na đó qua cái nhìn của A-tỳ-đàm là một kết cấu của nhiều thuộc tánh hay nhiều tâm sở, tối thiểu như những tâm ngũ song thức ở trong sự nhận thức biết cảnh muội lược nhất thì có 7 tâm sở biến hành thọ xúc tưởng tư v.v.. Như vậy có lẽ phải mất một dòng lịch sử rất dài nhiều thế kỷ mà một sự tiến xa vượt bậc về vật lý, con người mới bắt đầu nhận ra sự có mặt và sự có mặt cần phải nói đến của những nguyên tử. Những phân tử, những nguyên tử này là đơn vị cực vi nhỏ nhất khi chúng ta nói về vật chất. Nhưng điều đó hoàn toàn không xa lạ gì với cái nhìn của người Phật tử khi chúng ta đề cập đến tất cả pháp hữu vi kể cả vật chất và tâm, tức là chúng ta nói sắc pháp và danh pháp đều hiện hữu là những đơn vị. Đây là sự tổng hợp của một tiến trình mà trong đó gồm nhiều đơn vị danh pháp và sắc pháp. Những đơn vị cực vi này đưa chúng ta đi vào thế giới hoàn toàn khác hơn quan niệm hằng ngày chúng ta nhìn nhau thấy rằng người này đẹp người kia xấu, người kia da trắng da vàng v.v… Bây giờ chúng ta nói sang một chiều kích khác, cũng nói về sự vô thường, đó là ở chính thân tâm của chúng ta. Những hiểu biết của con người về DNA, những hiểu biết của con người về não bộ đã cho chúng ta biết có những thời gian tăng trưởng, có những thời gian lão hoá suy thoái và dần dà đi đến chỗ huỷ diệt. Khi chúng ta sanh ra đời, tự chúng ta đã là một sản phẩm mang thời gian tính. Con người như vậy, chủng loại như vậy, sống chừng đó tuổi thọ không thể quá được. Có những người sống một trăm năm, một trăm mười năm, một trăm hai mươi năm, rồi tất cả cũng phải chết. Cái khát vọng muôn thưở của nhân loại là có thêm dược đơn để trường sanh bất tử như chúng ta nghe nhiều từ ảnh hưởng của đạo Lão tại Trung Hoa hay là có những nhà Yoga , những nhà Yoga này của Ấn độ tập luyện chuyển luân xa đến mức độ những người này có thể chôn sâu trong lòng đất mà không cần thở dưỡng khí, không cần ăn uống thực phẩm vào vẫn sống được. Người ta nói đến những vị trường sanh bất tử. Nói để mà nói. Chưa có ai chứng minh được rằng, có những con người bằng xương bằng thịt đạt đến chỗ trường sanh bất tử. Bởi vì chúng ta nói trái đất còn có tuổi thọ của nó, thì nói gì đến con người nhỏ nhoi sống trong trái đất này. Nghĩ đến chuyện trường sanh bất tử, đó chỉ là một ảo mộng, chỉ là một cài gì đó mà chúng ta tạm tin để mà mơ ước. Trên thực tế đó là điều bất khả. Cũng trong bài nói chuyện về hiện tượng vô thường, Hopskin còn có một bằng chứng khác từ thưở xa xưa nền văn minh của Hy Lạp cũng sản sinh ra những bậc hiền triết và những người này đều đồng ý rằng cuộc sống không đứng yên một chỗ, như một sòng suối chảy như một dòng sông lững lờ đi qua mắt chúng ta. Thấy con sông đó thấy dòng suối đó, nhưng thật sự nó là một lưu lộ bất tận không ngừng nghỉ. Khi nghĩ về một dòng sông nghĩ về một dòng suối thì điều đó giống như cuộc sống của mỗi chúng ta ở tại đây và của cả thế giới này. Nó vốn không đứng lại và nó vốn không có khả năng giữ cái nguyên trạng của nó, mãi mãi như vậy. Bài học đó thật sự rất quan trọng. Quan trọng hơn bất cứ bài học nào khác. Bởi vì chúng ta có một chút ngưỡng cầu, mơ ước một cuộc sống an lập, an cư mới lạc nghiệp, chúng ta mơ ước cuộc sống không có xáo trộn không có đổi dời. Cho dù đôi khi con người cũng muốn có thay đổi nhưng hầu hết chúng ta mong rằng tình yêu sẽ mãi mãi như vậy, sức khoẻ sẽ mãi mãi như vậy, cuộc sống chung quanh sẽ mãi mãi tốt đẹp như vậy. Chúng ta sợ cái đau lòng, chúng ta sợ cái bất trắc, chúng ta sợ cái đổi thay và chúng ta run rẩy trước tử thần. Nhưng không phải những điều đó khiến cho chúng ta tránh được những thứ đó. Tất cả chúng ta, hoặc sớm hoặc muộn hoặc cách này hoặc cách kia rồi cũng phải đi qua nhịp cầu sanh-tử, rồi cũng phải đi qua và đối diện với những gì chúng ta không vừa lòng. Phật xưa rằng kiếp nhân sinh Đó là những lời được tụng trong kinh Năm Pháp Quán cho chúng ta cái nhìn là cuộc sống vốn biến dịch và do biến dịch nên nó tạo ra vô số hiện tượng. Chúng ta đã nói vô thường là sự thay đổi, là cái gì không đứng yên một chỗ và đặc biệt ông Hospkin trong bài nói chuyện lại đề cập đến một quan niệm của người Trung Hoa, mặc dầu từ đầu chí cuối ông không nhắc đến đạo Phật, nhưng bài viết của ông đặc biệt có một cái gì chứa đầy những giá trị Phật Pháp. Ông nhắc đến một tác phẩm của người Trung Hoa không phải của đạo Phật, đó là Kinh dịch. Chữ dịch có nghĩa là biến, chữ biến ở đây ví dụ như chúng ta nói thái cực, rồi ngũ quy rồi tứ tượng rồi bát quái rồi 64quẻ chẳng hạn. Từ Âm-Dương tạo ra những hào những quẻ khác nhau và do sự kết hợp chúng ta có 64 quẻ như vậy. Giống như trong computer chúng ta chỉ có on-off, chỉ có Zero và Một, vậy mà nó có thể biến hiện muôn ngàn thứ khác nhau, những thứ vô cùng kỳ diệu. Cái mà chúng ta gọi là bits như là chúng tôi đang nói chuyện với quý vị trước máy đây, tất cả được diễn tả bởi những cái bits như vậy, mà thực sự nó chỉ có hai số thôi, số 0 và số 1. Nó giống như trong Kinh dịch chúng ta nói âm và dương. Nhưng khi âm và dương này đi chung với nhau, nó tạo thành những quẻ, tạo thành những cái quái, tạo thành những cái hào, thượng- hạ chẳng hạn, nó biến hiện ra nhiều dạng thức và những dạng thức này vốn là những chồng chất kết cấu của nhiều thứ trước khi chúng ta nói âm dương bát quái. Tương tự như vậy. Có một thí dụ rõ ràng là cuộc sống không đứng yên một chỗ tại vì cái này nó ra cái kia, cái kia nó ra cái nọ. Điều đó nó đưa chúng ta đi về một cõi xa xăm mà chúng ta không biết tới. Cũng như các nhà khoa học nói về DNA,.họ nói về các nhiễm thể và khi một người nam một người nữ kết hợp với nhau thì nhiễm thể X nhiễm thể Y. Nó chỉ có hai thứ nhiễm thể mà nó tạo ra bao nhiêu con người, người ta phải phân ra bao nhiêu thế hệ để tìm về manh mối nào đó từ thời xa xưa. Thế giới này là vậy. Trong kinh Phật có nói đến một thứ, mà chúng ta biết rằng một từ ngữ rất khó gọi là Sankhara. Sankhara là gì? Sankhara là sự kết cấu hay sự tập thành của nhiều nhân nhiều duyên. Trong Anh ngữ người ta thường dùng là concoction giống như kinh dịch gíông như chúng ta hiểu biết về khoa học. Những hiện tượng vật lý, tâm lý đều là một kết hợp của nhiều thứ và do sự kết hợp này tạo ra nhiều dạng thức. Những gì chúng ta cười những gì chúng ta khóc, những gì chúng ta vui, chúng ta buồn, xem ra cũng chỉ là một sự kết cấu và cái phản ứng đối với những hiện tượng đó. Đời sống có nhiều khi cho chúng ta những cái thật sự bất ngờ, một trong những cái bất ngờ mà chúng ta thấy là cuộc sống không đứng yên một chỗ như chúng ta nghĩ và nó luôn luôn như dòng suối như dòng sông. Người Trung Hoa gọi là dịch tức là biến. Tại sao nó biến là vì cái này nó kết hợp với cái kia nó sanh ra cái nọ. Âm-Dương chúng ta thấy rằng nó thoạt mang ý nghĩa rất đơn giản nhưng rồi nó không nằm yên một chỗ. Trong Kinh Phật nói rất nhiều về những hiện tượng tồn tại của thế giới này. Những hiện tựơng nhìn bên ngoài, nói chung về phương diện văn học nghệ thuật, chúng ta cảm nhận khác. Nếu như chúng ta nhìn như cái nhìn của A-tỳ-đàm, của Vi-diệu-pháp thì chúng ta sẽ thấy một cái gì khác. Một lần nữa xin được xin lỗi quý Ngài và quý vị, chúng tôi bị một chút trục trặc về kỹ thuật nên không phát thanh được bài nói chuyện của ông Hopskin về Những ghi nhận của khao học ngày hôm nay đối với vô thường . Chúng tôi cố gắng mang trong trí nhớ của mình để gửi đến những ý chính trong bài học này, về bài nói chuyện này. Chúng tôi mong rằng quý vị sẽ có dịp để có thể đọc lại hoặc nghe lại bài nói chuyện này và qua đó chúng ta thấy được con người càng phát minh, càng hiểu về thế giới này. Khi chúng ta những Phật tử có được những thông tin đó, chúng ta cũng chợt nhận ra rằng, “ những điều đó không xa lạ gì với chúng ta hết”. Ví dụ như Đức Phật có một lần nói với chư Tỳ kheo, “ Này các con, đã có thời đại dương là núi cao có thời núi cao là đại dương” Quý vị thấy Hy-Mã-lạp Sơn này có thời là biển bây giờ là núi cao chập chùng . Thật ra những lời dạy đó quá lớn, quá nhiều vượt ngoài trí hiểu của một người bình thường thời Đức Phật còn tại thế. Đối với chúng ta ngày hôm nay, như rặng Rocky Mountain, như ở Denver (hiện nay là vùng núi Hoa Kỳ) chúng ta tìm thấy được những vỏ sò, những hoá thạch cho chúng ta biết rằng nhiều triệu năm về trước vùng đất này là biển cả. Hy-Mã-Lạp-Sơn cũng vậy, thỉnh thoảng người ta tìm được rất nhiều hoá thạch, những hoá thạch này cho chúng ta biết rằng, bao nhiêu triệu năm về trước những nơi này là lòng biển, là đáy của đaị dương. Đức Phật không nói lời huyền hoặc, không nói đi xa sự thật, nhưng thật ra có những điều không phải dễ cho một người ở một thời nào đó để lãnh hội để đón nhận. May mắn và sung sướng cho chúng ta, ngày nay trong kho tàng kiến thức của nhân loại đã có những sự hiểu biết vượt bậc về những hiện tượng của thế giới này và càng hiểu về chuyện đó chúng ta càng ghi nhận trước những lời dạy của Đức Phật liên quan đến lẽ thật của đời sống.
|
Vo Thuong Bai 2|Vo Thuong Bai 4