dieuphap.com Trang Chính


Pháp Thoại

TT. Thích Giác Đẳng

Phật lịch 2544, Tl 2000


[01]
Vô Thường qua cái nhìn của Văn Hóa
TT Giác Đẳng giảng trong Rơom Diệu Pháp - Ngày 13 tháng 6 năm 2007
Chánh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên)

Namo Buddhaya,
Kính đảnh lễ Sư Trưởng, kính đảnh lễ Thượng Toạ Tuệ Siêu cùng Chư Tôn Đức có mặt trong room. Thân chào tất cả quý Phật tử.
Thưa quý vị chủ nhật này chúng ta có một chương trình rất đặc biệt của room Diệu Pháp và từ hôm nay cho đến ngày chủ nhật, chúng ta đặc biệt dành những ngày còn lại của tuần lễ này để nói về đề tài “ Năm cái nhìn về sự Vô Thường”.
Bài hôm nay chúng ta nói về “ Sự Vô Thường qua cái nhìn của văn hoá”.
Nói cách khác là văn học nghệ thuật cho chúng ta cảm niệm gì về vô thường. Sáng nay chúng tôi thức dậy, trong phòng làm việc này, cũng với ánh sáng lọt qua khung cửa sổ như thường ngày và với tất cả những gì trước mặt. Trong cái không gian lập đi lập lại như một sinh hoạt rất bình thường của mọi ngày. Chúng tôi chợt nghĩ đến một điều là có những đổi thay trong cuộc sống vốn ảnh hưởng đến chúng ta qua nhiều cách khác nhau. Nhưng những đổi thay đó không phải dễ dàng để chúng ta có thể đón nhận một cách bình thường. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, nhân loại đã dùng muôn vàn phương tiện khác nhau, qua thi ca âm nhạc để nói về tính vô thường bấp bênh của đời sống. Có một thứ có lẽ đi ngược lại tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc đời, đó là sự kỳ vọng của mỗi chúng ta. Khi chúng ta kỳ vọng điều gì chúng ta thuờng có những liệu toan là cuộc đời sẽ diễn ra theo một thứ tự nhất định. Ở vào thời điểm đó do nhân duyên đó nó sẽ tạo nên sự việc đó và nó sẽ tồn tại theo cách đó. Nhưng đó là sự liệu toan của chúng ta. Trong bài học lớn về sự vô thường, đó là tính chất vô định, tính chất bấp bênh mà tận trong tâm khảm của chúng ta ai cũng biết rằng tính là tính, sắp đặt là sắp đặt, nhưng mọi sự ở trên đời này không nhất thiết phải diễn ra như mình mong mỏi.

Có lẽ từ khi chúng ta bắt đầu lớn khôn trên cuộc đời này, chúng ta hiểu rằng bên cạnh những dự toan của cuộc sống, chúng ta phải có thái độ dũng mãnh để đón nhận những gì nằm ngoài sự tính toán của mình. Hôm nay trong bài nói chuyện vế vô thường qua cái nhìn của thi ca, chúng tôi muốn mời quý Ngài và quý vị nghe một bài nói chuyện về một bài thơ xưa. Nói rằng xưa nhưng thật sự nó không xưa và lấy từ một điển cố rất xa xưa. Câu chuyện về bài thơ này dài, nó sẽ là câu chuyện ở trong câu chuyện và ở đây có tới ba lớp dẫn: chúng tôi đang nói chuyện với quý Ngài và quý Phật tử đó là một câu chuyện. Người ở trong câu chuyện này lại nói chuyện với chúng ta là một câu chuyện khác, và câu chuyện mà người đó kể là một nhân vật lại là một câu chuyện khác. Chúng ta vẫn thường nghe rằng chiêm bao trong giấc mộng hay mộng ở trong mộng, thì cuộc đời vốn thường có những vấn đề như vậy. Thật ra đã lâu rồi chúng tôi không có những chương trình như vậy trong room Diệu Pháp. Hôm nay chúng tôi muốn mời quý vị nghe một chương trình trong đó có một chút thơ, một chút nhạc. Nó thật sự không thích hợp lắm cho tất cả quý Ngài và quý vị. Nhưng chúng tôi tin rằng đế tài những gì được nói đến ở đây, trong bài nói này sẽ là một tiên đề để chúng ta thảo luận nhiều về tính vô thường, và dĩ nhiên ở đây vô thường qua thi ca. Xin mời tất cả quý Ngài và quý vị nghe bài nói này. Bài nói đã có nhiều phần giới thiệu bài nói đến từ đâu, ai là người thực hiện và tác giả của những bài thơ. Do vậy không cần phải giới thiệu ở tại đây, chỉ xin được mở lại cho quý Ngài nghe mà thôi.

(Mở nhạc nền)

Bích Huyền xin kính chào tái ngộ quý bạn và quý thính giả đang lắng nghe chương trình câu chuyện thơ nhạc của đài tiếng nói Hoa kỳ. Trong chương trình này Bích Huyền mời quý vị và các bạn cùng Bích Huyền đi ngược lại dòng thời gian trở về hình ảnh một bến sông, hính ảnh một ông lái đò nhưng ở đây không phải là một ông già chèo thuyền bình thường với sinh hoạt áo cơm hay là một ngư ông theo dòng sông câu cá kiếm ăn. Ông lái đò ấy là ai? Bích Huyền mời quý vị và các bạn cùng theo dõi trong bài thơ “ Bến My Lăng” của Yến Lan

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng

Giọng ngâm thơ và hát của Ca sĩ Trường Vũ

Tôi đã gặp một chiều trên bến nước
Ông lái đò ngồi đợi khách sang sông
Gió đưa nhẹ đôi hàng lau lả lướt
Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông

(bắt đầu vào nhạc)

Một dĩ vãng tự nghìn xưa chiếu dội
Mỗi chiều về sống lại giữa hồn ông
Ông chỉ muốn cuộc đời xưa đen tối
Xóa nhòa đi trong cùng tận đáy long

Mới ngày nào trên bến sông vắng lạnh
Đời buồn tênh như lỡ một cung đàn
Thuyền đò ông mang nặng sầu cô quạnh
Lặng lờ đưa bao khách lạ sang song
Khách qua đò ngày xưa hờ hững quá
Trả công ông để lại một vài xu
Họ với ông hai cảnh đời xa lạ
Sang sông rồi không một tiếng phân ưu

Giong Bích Huyền Tiếp tục
 Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng

Ông lái đò ấy là ai? Mà đêm trăng này khiến ông lão mơ màng nhớ về đêm trăng trong dĩ vảng, trên con đường ven rừng, bao nhiêu chiếc lá rơi trong mùa thu vàng rụng ấy. Vâng, ông đang hoài tưởng một đêm trăng muôn thưở của đất trời. Trên bến sông kia ông đã trò chuyện tương đắc với một chàng trai trẻ. Ông đã gửi gắm cả tâm hồn lý tưởng của mình vào người thanh niên ấy. Thế nhưng thời thế đã phôi phai nhiều lắm, người đi không trở lại bến sông xưa.

    Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông lái đò đã ngày đêm trông đợi mỏi mòn, chờ mong người trở lại những đêm trăng sáng, một mình trong sự thinh lặng của đất trời, tâm hồn ông mênh mông xa vắng,

Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng sao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
                                             Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao

Giong ca sĩ  Trường Vũ (nói theo giọng thơ mới trong cung "Rê unir")

Và cứ thế giòng đời trôi lặng lẽ
Bến ngày xưa tưởng ngủ muôn đời
Ông lái đò trong tuổi già bóng xế
Còn mong gì thấy được ánh hồng tươi

Nhưng một hôm ánh hồng lên rực rỡ
Non sông rền một điệu nhạc oai hung
Giòng sông xưa chuyển mình lên hăm hở
Muôn hoa tươi căng thẳng nhựa sống hung

(hát theo nhạc trở lại)

Ông lái đò giờ đây già yếu lắm
Cũng thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi
Hồn rung mạnh trước cảnh đời tươi thắm
Nỗi mừng vui không thốt được nên lời

Giọng nói Bích Huyền

Chàng tuổi trẻ ấy là ai? Có phải chăng là những người nối nghiệp hào hùng, một thế hệ kế tiếp, một thế hệ bất khuất như ông lái đò hay là một Kinh Kha kiên cường, Kinh Kha của Thái tử Yên Đan vượt bờ sông Dịch với sứ mạng to lớn tiêu diệt Tần Vương, sớm chấm dứt cuồng vọng thôn tính chư hầu. Chàng trai đó cũng ra đi vì đất nước. “Nam nhi cổ lai chinh chiến hề”. Đem cả đời trai với sơn hà. Họ đến rồi họ đi, có biết chăng người ở lại chờ mong,
Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng
Thưa quý vị người buồn cảnh cũng buồn như thế đó.

Ca nhạc tiếp bài Ông lái đò
Từ hôm đó bến đò ông sống dậy
Bao nhiêu chiều đưa đón khách sang sông
Những người khách không giống ngày xưa ấy
Họ về đây hồn nặng trĩu bên long

(nói theo giọng thơ mới trong cung "Rê unir" thật êm)

Họ về đây bụi vương mình trên nếp áo
Đường xa xăm tóc lộng gió tơi bời
Họ đi rồi ông thấy buồn áo não
Vì họ qua bến ấy một lần thôi

Giọng nói của Bích Huyền

Quý vị và các bạn vùa thưởng thức một đoạn trong bài thơ “Bến My Lăng” của Yến Lan và bài hát hình ảnh hai cuộc đời còn có tên là “Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa với giọng hát Trường Vũ. Có lẽ cả bài thơ và bài hát cùng ra đời cách đây khoảng 60 năm. Thời chiến trang chống Pháp. Riêng bài hát nhạc sĩ Hiếu Nghĩa đã ghi tặng ông lái đò tên là T.H và những con đò khác đưa khách sang sông trong mùa chinh chiến. Thưa quý vị và các bạn riêng trong bài thơ “Bến My Lăng” thi sĩ Yến Lan không tả hình dáng chàng tuổi trẻ nhưng chúng ta vẫn hình dung ra được một dũng khí oai hùng, dũng khí toát ra nơi chàng trai trẻ. Đó là nguồn sống tiềm ẩn bất diệt trong lòng ông lái đò già, cho nên trong đêm trăng hoài tưởng ông lão thầm hỏi,
“Ừ sao không nhớ chàng trai trẻ,
Trò chuyện cùng tôi dưới ánh trăng”
Hai người, một già một trẻ đã nói với nhau những gì, nào ai biết. Thế nhưng chúng ta vẫn tưởng tượng họ đã nói với nhau nhiều lắm. Người trai trẻ lãnh hội lên đường mang theo sứ mạng cao cả vì quê hương đất nước. Chàng đi đi mãi để những mùa trăng ông lái đò chờ đợi.
    Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu
 Người buồn cảnh cũng buồn, vâng, ông lái chờ đợi trong ánh trăng đêm nay. Ông lái buồn neo chiếc thuyền không trên bến vắng và chờ đợi cố nhân. Bầu rượu đã vơi, ánh trăng vàng rơi rụng trên mặt nước, ông lão thả hồn về bóng trăng xưa. Cho mãi tới một đêm kia có một chàng kỵ mã rong ruổi ngựa đến Bến My Lăng, áo chàng nhuộm đầy trăng.
   nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi
Thế nhưng:
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tại sao lại như thế nhỉ? Bao đêm trăng ông lão vẫn hằng chờ đợi chàng trai quay trở lại cơ mà. Thế thì sự im lặng là tại sao? Không, phải nói là sự thờ ơ của ông lái đò già đã làm cho chàng kỵ mã kia càng thêm nôn nón
                                               
                                              Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng
 

Tất cả nơi đây đều vắng lặng, tỉnh mịch chỉ có tiếng gọi đò vang động ánh trăng ngà, âm ba vượt khỏi vùng bến nước, chìm dần trong khoảng không vô tận của âm thanh. Và ông lái đò vẫn như bất động, “Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách” Ông không nghe tiếng gọi đò hay là ông giả vờ không nghe thấy. Tại sao lại như thế, ông vẫn mong mỏi, mong đến mòn mỏi người về.
 Vậy thì ông lái đò đó chờ ai đợi ai? Thưa quý vị ai cũng ngở rằng sự xuất hiện của chàng kỵ mã sẽ đáp ứng được lòng mong đợi của ông. Không, ông lão vẫn buồn vẫn đợi chành tuổi trẻ năm nào. Tại sao lại như thế? Có gì đâu, chàng kỵ mã đã đánh giá ông lão ngang hàng như một người lái đò độ nhật kiếm ăn bình thường trên một bến sông

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng rơi khuất lối chưa đi

Vậy sao thì ông lái đò lại có xem người kỵ mã như chàng trai xa xưa mà ông vẫn hằng mong đợi được. Thế cho nên mãi mãi và mãi mãi

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

Ca sĩ  Hương Lan (hát theo nhạc trở lạ)

Ông lái đò giờ đây già yếu lắm
Cũng thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi
Hồn rung mạnh trước cảnh đời tươi thắm
Nỗi mừng vui không thốt được nên lời
Từ hôm đó bến đò ông sống dậy
Bao nhiêu chiều đã đón khách sang sông
Những người khách không giống ngày xưa ấy
Họ về đây hồn nặng trĩu bên lòng

(nói theo giọng thơ mới trong cung "Rê unir" thật êm)

Họ về đây bụi vương mình trên nếp áo
Đường xa xăm tóc lộng gió tơi bời
Họ đi rồi ông thấy buồn áo não
Vì họ qua bến ấy một lần thôi

Giọng nói Bích Huyền

Bích Huyền vừa gửi đến quý vị bài thơ Bến My Lăng của thi sĩ Yến Lan hoà cùng bài hát Ông Lái đò của Hiếu Nghĩa với hai giọng hát Trường Vũ và Hương Lan. Cả bài thơ lẩn bài hát ra đời cùng thời vào cuối thập niên1940, xưa thật là xưa nhưng không cũ gợi lại cho chúng ta một cảm giác bâng khuâng khó tả, có phải như thế không? Thưa quý vị và các bạn.

TT Giác Đẳng:
Chúng ta vừa nghe một bài thơ một bài hát. Chúng tôi đặc biệt muốn mượn những gì được đề cập đến trong bài hát bài thơ vừa rồi để nói về hai điều:
Một là dòng sinh-diệt của đời sống.
Hai là sự cảm nhận và thái độ của tâm thứcđối với dòng sinh-diệt này
Sự vô thường đôi lúc nó là bài học, rất dễ biết. Nó dễ biết giống như ban ngày thì sáng ban đêm thì tối. Nó dễ biết giống như chúng ta ngồi rồi lại đứng rồi lại đi rồi trở lại nằm. Nhưng đôi lúc nó không phải dễ tiêu hoá. Nói một cách đơn giản, nhịp sống của tâm và nhịp độ đổi thay của cuộc đời vốn không song hành. Bởi vì nó không song hành, nên cuộc sống vốn tạo ra nhiều điều mà nếu chúng ta không biết dùng chữ gì, chúng ta phải nói là lấn cấn. Nó lấn cấn bởi vì cái này và cái kia không ăn nhịp với nhau, như một dàn nhạc hoà âm mà ở trong đó người chơi vĩ cầm hay chơi trống và những tiết tấu người này tạo ra không hoà nhịp với những người khác. Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc đời là hỗn hợp của tất cả mọi thứ như một dàn nhạc giao hưởng, nhưng có chuyện gì rất khác giữa những gì xảy ra trong cuộc đời này và một bài nhạc giao hưởng, đó là tính vô trật tự của đời sống. Tính vô trật tự đó chúng ta gọi là sự bất an của đời sống.

 

 

xem tiếp Vo Thuong - Bai 2 |

 


|Vo Thuong - Bai 2 | Trang Chinh | dieuphap.com |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình bày nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |