LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT - Bài 107 - RỜI XA ĐIÊN ĐẢO VỌNG TƯỞNG
(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.
Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.
Phật Học Vấn Đạo - Làm thế nào để có thể nhận thức một bậc đã nhập sơ quả Tu Đà Hườn, có đặc điểm nào để hiểu?
TT Giác Đẳng: Thật ra, nói về việc đắc đạo chứng quả thì chỉ có Đức Phật Ngài mới là người có thể xác nhận rõ ràng vị nào đắc đạo chứng quả. Chúng tôi xin thưa với qúi vị, trong giới luật của một vị tỳ kheo nếu chúng ta không đắc đạo chứng quả mà mình nói rằng mình đắc đạo chứng quả là phạm trọng giới, còn nếu chúng ta thật sự có đắc đạo chứng quả mà mình nói mình đắc đạo chứng quả thì vẫn phạm ưng đối trị.
Và có thể nói, rất khó khăn để chúng ta biết được một người nào thật sự đã đắc đạo chứng quả hay chưa. Dĩ nhiên ở trong kinh có đề cập đến một số tiêu chuẩn của một vị Thánh Tu Đà Hườn.
. (xem tiếp)
Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử
Đức Phật Ngài dậy rằng việc thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều, nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Giờ phút đối diện với cái chết chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình.
TT Giác Đẳng - Nên làm thiện với tâm như thế nào
TT.Giác Đẳng thông báo về Giáo Trình Mới của Lớp Phật Pháp Buđdhadhamma
Bản tin, ngày 24-6-2014. TT Giác Đẳng thông báo, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin được thông báo, đây không phải là một bản tin mà qúi vị xử dụng khắp nơi nhưng riêng đối với sinh hoạt trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma thì rất quan trọng. Đó là sự kết thúc giáo trình cũ để bước sang giáo trình mới.
Như qúi vị biết giáo trình hiện tại của chúng ta đang học là giáo trình của tác phẩm Itivuttaka - Kinh Như Thị Thuyết. Thì trong suốt 12 năm thực hiện chương trình Phật Pháp hàng ngày ở trên Paltalk, chúng tôi có một kinh nghiệm rất thú vị về các giáo trình. Chúng tôi nhớ khi rơom Diệu Pháp tức là tiền thân của rơom Phật Pháp Buddhadhamma lúc mới khai giảng thì Chư Tăng đề nghị giảng kinh Pháp Cú. Và kinh Pháp Cú có 423 bài kệ và thường thì mỗi ngày giảng 1 bài kệ nhưng lâu lâu cũng có lúc giảng một lúc 2 hoặc 3 bài kệ. Lúc bấy giờ thì chúng tôi có cảm tưởng như rơom Diệu Pháp sẽ xử dụng kinh Pháp Cú như một đề tài chắc sẽ nhiều năm mới giảng hết, nhưng chúng tôi quên bẳng đi một điểm là 1 năm có 365 ngày và chỉ trên dưới 1 năm thì kinh Pháp Cú đã không còn nữa, tức là sự giảng giải của rơom Diệu Pháp lúc bấy giờ sau một năm thì hoàn tất bản kinh Pháp Cú.
Và từ đó trở đi thì Chư Tăng đã tìm rất nhiều giáo trình khác nhau, có những tác phẩm lớn và có những tác phẩm nhỏ, thậm chí có lúc chúng ta giảng những ví dụ, những câu ngụ ngôn, có lúc chúng ta giảng về Thinh Văn Sử, như gần đây chúng ta giảng tác phẩm Milindapanha. Những tác phẩm đó đôi khi có những người đọc thì họ cảm thấy tác phẩm quá lớn mình đọc hoài không biết chừng nào hết nhưng mà rồi cuối cùng tất cả đều đi qua. Thì tác phẩm Itivuttaka không phải là tác phẩm lớn, hôm nay chúng ta còn khoảng chừng 7 bài là sẽ hết tác phẩm Itivuttaka.
Cách đây hai hôm thì chúng tôi có hội ý với TT Tuệ Siêu để xem ý của TT muốn tác phẩm tiếp theo chúng ta sẽ giảng về tác phẩm gì? Thì TT Tuệ Siêu có đề nghị chúng ta sẽ tiếp tục giảng trong Tiểu Bộ Kinh và tác phẩm kế tiếp đó là Kinh Tập hay là Sutta Nipata. Tác phẩm này là một tác phẩm rất đặc biệt, đây là một tác phẩm cấu kết những bài kinh tương đối rất quan trọng và nguyên cả tác phẩm được kết tập theo hình thức chúng ta gọi là ca vịnh - kathās. Tức là những tác phẩm khác thì có văn suôi có văn vần nhưng ở đây tất cả theo thể ca vịnh kathās những bài kệ kể cả những đoạn lượt thuật.
Thì những kệ ngôn này nếu qúi Phật tử hỏi quan trọng đến mức độ nào thì chúng tôi xin thưa rằng đa số những bản kinh tụng của các quốc gia Phật giáo Nam Tông như kinh Từ Bi, kinh Hạnh phúc hay kinh Châu Báu chẳng hạn được trích từ tác phẩm này và bên cạnh đó thì nhiều bài kinh khác được xem rất nổi tiếng thí dụ như kinh Tê Ngưu hay là kinh Rắn, kinh Lửa chẳng hạn những bài kinh hết sức quen thuộc và trở nên một nguồn thi hứng cho nhiều thế hệ thì được tìm thấy trong tác phẩm Sutta Nipata. Về lượng thì tác phẩm này lớn hơn tác phẩm mà chúng ta đang học Itivuttaka và những bài kinh này thì đôi lúc mất nhiều ngày để chúng ta trình bày.
Chúng tôi tin rằng đây là một giáo trình rất lợi lạc và chúng ta sẽ được dịp để trở lại nội dung của một số các bản kinh mà trước đây chúng ta đã từng giảng ở trong rơom.
Do vậy chúng tôi xin thông báo rằng sau một tuần lễ nữa khi giáo trình Itivuttaka - Như Thị Thuyết hết thì tất cả chúng ta sẽ bước qua giáo trình tác phẩm Kinh Tập - Sutta Nipata. Dĩ nhiên là sự lựa chọn này cũng nhằm vào một mục đích là tạo điều kiện cho tất cả chúng ta có thì giờ để trải tâm của mình trên những trang kinh cổ và đôi lúc những tác phẩm này chúng ta đọc rất là hời hợt, đọc thoáng qua nhưng nếu được ngồi đọc, bàn, thảo luận thì chúng ta tìm thấy được một lợi ích rất lớn ở trong cuộc sống hàng ngày và qua đó chúng ta thấy được giá trị to tác mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta đó là kho tàng kinh điển quan trọng Thánh Điển Pali./.
TTGiác Đẳng thông báo VỀ ĐẠI HỌC HÈ PHẬT GIÁO 2014
TT Giác Đẳng: Năm nay vào dịp lễ July 4, tức là lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ vào đầu tháng 7, tại chùa Pháp Luân tổ chức một tuần lễ "Đại Học Hè Phật Giáo".
Đại Học Hè là một ý niệm rất phổ thông tại các quốc gia Tây Phương cũng như tại Úc Châu. Vào mùa hè thay vì đi chơi, thay vì bỏ thì giờ đi một nơi xa nào đó thì người ta tập trung một chỗ ở chỗ đó vừa chơi vừa học.
Chữ "Đại học" ở đây khác với chữ "Đại học" ở bên ngoài. Chữ "Đại học" mà chúng ta nghe nói là Tiểu học, Trung học và Đại học thì đòi hỏi chương trình rất cao.
Nhưng chữ "Đại học" ở đây có nghĩa là đặc biệt nói về cách dạy. Cách dạy trong Đại học khác với cách dạy bình thường, cách dạy trong Đại học thì tất cả những người học đều là những người nghiên cứu và các vị Giảng Sư là những vị chia sẽ và hướng dẫn kinh nghiệm của mình.
Ở trong bảy ngày của Đại Học Hè có ba phần chúng tôi đặc biệt chú trọng:
- Phần thứ nhất là, kiến thức Phật Pháp. Kiến thức Phật Pháp ở đây sẽ có chương trình giảng theo cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông. Ở trong truyền thống Nam Tông thì chúng tôi đặc biệt sử dụng năm bài kinh mà chúng tôi nghĩ rằng tất cả những người Phật tử nghiên cứu Phật Giáo Nam Truyền nên biết. Và ở trong truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền thì cũng có năm môn học.
- Thứ hai. Ngoài ra thì sẽ có chương trình giảng về lịch sử Phật Giáo. Có chương trình dạy về truyền thông của đại chúng. Chúng tôi đặc biệt sử dụng nguyên cả thời kinh buổi sáng sớm mỗi ngày ở trong bảy ngày tu học từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy vào buổi sáng thay vì tụng kinh sẽ là giờ hướng dẫn tập thiền và chương trình vào buổi tối thay vì tụng kinh sẽ là hướng dẫn về nghi lễ.
- Thứ ba. Bên cạnh đó sẽ có một số kỷ năng như là làm thế nào điều hành một hội bất vụ lợi (nonprofit organization) hay là thành lập một Gia Đình Phật Tử hoặc giả là hướng dẫn về sự thờ phượng. Tất cả những điều đó sẽ được hướng dẫn ở trong chương trình như là một kỷ năng tu tập.
Và rồi, nhân tổ chức Đại Học Hè thì tất cả những sinh hoạt như trang trí bàn Phật hoặc giả là pha trà hay là chuẩn bị những bữa ăn hàng ngày đều là vừa ăn, vừa học, vừa trang trí bàn Phật và vừa trao đổi.
Thì suốt cả bảy ngày tu tập này sẽ trở thành bảy ngày để chúng ta vừa sinh hoạt vừa học ở trong tinh thần của những người tìm hiều và những vị Giảng Sư là những vị chia sẻ. Và phần lớn những công việc của chương trình của Đại Học Hè là hội thảo hơn là vị Giảng Sư chỉ giảng mà thôi.
Chúng tôi sẽ sớm có một web site của Đại Học Hè mà qua đó qúi vị có thể vào để tìm hiểu thêm. Hiện nay thì Đại Học Hè chỉ mới được thông báo ở trên Paltalk mạng Internet nhưng mà chúng tôi tin rằng ngày mai qúi Phật tử sẽ bắt đầu đọc ở một số các web site như www.phapluan.net chẳng hạn.
Và chúng tôi cũng rất là hi vọng trong một không khí của một tuần lễ tu học Đại Học Hè chúng ta có dịp để chia sẻ để trao đổi những kinh nghiệm. Và những điều này sẽ giúp ích cho người Phật tử thấy rằng Phật Pháp là cái gì có thể đem áp dụng trong đời sống và chúng ta có thể tìm được rất nhiều điều lợi lạc ở trong cuộc sống hàng ngày./.
Xin mời vào trang Đại Học Hè để xem chi tiết
|
PHẬT PHÁP BUDDHADAMMA.
CHÌA KHÓA HỌC PHẬT - Access to Insight.
BÀI GIẢNG GHI ÂM.
ĐẠI HỌC HÈ PHẬT GIÁO 2014.
TIN TỨC PHẬT GIÁO.
VƯỜN HOA ĐẠO.
TRANG TƯỞNG NIỆM HT. HỘ GIÁC.
PHẬT HỌC VẤN ĐẠO.
HÌNH ẢNH SINH HOẠT.
CÚNG DƯỜNG.
LIÊN LẠC.
|