Phẩm 11: Già Yếu - Phẩm Già Yếu (Jaraa Vagga) - Kệ ngôn 146
    
                                                      Lãng quên thân phận
Sao mãi cười, hân hoan
Khi đời đầy nhiệt não
Bóng tối phủ trần gian
Ðâu ngọn đèn tỏ rạng?

Ko nu haaso kimaanando
nicca.m pajjalite sati
Andhakaarena onaddhaa
padiipa.m na gavessatha

Duyên Sự
Một số mệnh phụ phu nhân đi chùa cùng với đại tín nữ Visàkhà. Những người nầy vì ưa thích uống rượu nên một lần say sưa khi vào pháp hội nghe Phật thuyết pháp. Tệ hại hơn nữa, một quyến thuộc của ma vương nhập vào họ khiến những người nầy có những cử chỉ lố lăng. Ðức Thế Tôn dùng Phật lực đẩy lùi ma chướng và huấn thị họ. Sau đó Ngài dại kệ ngôn trên.


Thảo luận
1. Phải chăng đau khổ là một thế lực năng động hơn là thụ động?


TT Trí Siêu: Chúng ta không thể nói đau khổ là một thế lực năng động hay là thụ động . Chúng ta không thể nói riêng về một pháp. Tuỳ theo ý thức và sự tu tập của mỗi người mà đau khổ sẽ là động cơ, sẽ là một thế lực năng động hay là thụ động. Có bốn loại ngựa:
-Có  hạng ngựa khi mắc yên vào nó biết bổn phận và nó chạy, khỏi cần roi vọt đánh vào người.Cũng như chúng sanh trong đời này có những chúng sanh vừa khi mang thân ngủ uẩn này là họ ý thức được như thế nào là khổ đau và sự hiện hữu này là một phiền toái. Nhận thức được như vậy cho nên Thái tử Sĩ-Đạt-Ta sau khi chứng kiền những cảnh người già người bệnh người chết và một người xuất gia. Ngài đã cảm cảnh và quyết tâm từ bỏ hạnh phúc thế gian tìm con đường thoát ly.
-Có hạng ngựa khi thấy bóng roi mới chịu chạy. Cũng như ở đời này có người họ đang sống vui vẻ hân hoan nhưng khi họ nhìn thấy họ cảm cảnh những người chung quanh những chúng sanh khác bị sự già sự bệnh sự chết, lúc bấy giờ họ nhận thức được và họ tu tập. Cũng giống như Ngài Revata em trai của Tôn Giả Xá-Lơi-Phất. trong ngày lễ cưới Ngài nhận thức được rằng cô vợ của Ngài rất xinh đẹp như tiên nữ. Trong khi đó bà ngoại vợ, một bà già 80 tuổi, răng rụng móm xọm, tóc bạc, lưng còm, da nhăn nheo. Ngài nhận thức được ảo ảnh của cuộc đời, sự nguy hiểm của sắc tướng, nên Ngài từ bỏ cuộc đời đi xuất gia. Đây chúng sanh nhận thức cuộc đời nhận thức được sự tu tập năng động bằng cách quán nhìn sự khổ.
 -Có hạng ngựa khi có roi quất vào người mới chịu chạy. Cũng như trường hợp này chúng sanh khi tự mình đau khổ, tự mình bị già bị bệnh bị chết. Lúc bấy giờ mới ý thức tu tập. Như Đức vua Magadeva, khi nguời thợ cạo tóc cho Ngài và trình cho Đức vua biết Ngài đã có sợi tóc bạc. Nhận thức được cảnh già này, sự già xuất hiện ở đây rồi như một Thiên sứ Delota, một sứ giả của cõi trời báo tin. Đức vua đã nhường ngai vàng lại cho Thái tử và Ngài đi xuất gia. Trường hợp này ta cũng gặp rất nhiều hoàn cảnh thấy ngươì khác bị đau khổ mình chưa có chán ngán nhưng khi chính bản thân mình bị vấp phải hoàn cảnh đó mình mới chán ngán.
Ba hạng người trên có người nhận thức được đời sống khổ trước khi sự khổ sẽ đến. Có người nhận thức được khổ ở người khác rồi giác ngộ tu tập. Một ngươì nhận thức được sự khổ qua bản thân mình kinh nghiệm. Ba hạng người này tích cực nhận thức được sự khổ, lấy sự khổ làm động cơ.
-Còn hạng người thứ tư giống như hạng ngựa chứng bị đánh chết cũng không chịu chạy. Như chúng ta thấy có những người trong đời này, rấ nhiều người đa số nhân loại họ khổ thì biết khổ nhưng mê thời vẫn mê. Họ vẫn ý thức được sự nghèo khổ là một điều bi đát. Họ vẫn ý thức được tình trạng bệnh hoạn, sự già, sự chết  là  một điều bi đát nhưng đâu cũng vào đó. Họ không lấy sự khổ đó để làm đề tài tu tập và thoát ly. Họ vẫn nhởn nhơ vẫn vui cười hỷ hả. Đối với người này sự khổ không phải là mãnh lực năng động mà sự khổ chỉ làm cho tâm họ trở nên thụ động tiêu cực. Do đó người Phật tử chúng ta cần lưu ý, chúng ta tu tập trong Phật Pháp mặc dù đã được Đức Phật dùng nhiều phương tiện đề nói lên bản chất cuộc đời khổ đau. Người Phật tử nhìn khổ đau của cuộc đời của sắc thân này, chúng ta hãy nhìn bằng một trí tuệ tích cực. Nghĩa là đối với cuộc đời chúng ta không nên bi quan, mặc dầu chúng ta không lạc quan. Lạc quan làm sao được
 “ Vui cười thích thú lẽ nào,
Khi đời mãi bị phủ bao lửa hồng”
Nhưng chúng ta không đến nỗi bi quan vì bởi ánh đèn sáng Đức Phật Ngài chỉ cho chúng ta cách nhen nhóm, Ngài đã cho chúng ta ngọn đuốc trí tuệ trong giáo pháp của Ngài. Theo đó chúng ta đi để thóat khỏi đêm tăm tối này. Tư tưởng chúng ta nhìn về hạnh phúc thế gian, nhìn về đau khổ của thế gian, chúng ta nhìn bằng trí tuệ thực tiễn chứ không phải là lạc quan hay bi quan.
 Đó là câu trả lời của chúng tôi.