Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 71 & 72

Ác Nghiệp Nhằm Trổ Quả




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

 

Nghiệp ác đã được làm
Như sữa không đông ngay
Cháy ngầm theo kẻ ngu
Như lửa tro che đậy


Kẻ ngu được tài năng
Là lúc chịu bất hạnh
Hạnh phúc bị tổn hại
Trí não cũng tiêu tan.
                                    

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Na hi paapa.m kata.m kamma.m sajju khiira.m-va muccati
Dahanta.m baalamanveti bhasmacchanno-va paavako

Yāvadeva anatthāya ñattam. bālassa jāyati
hanti bālassa sukam.sam. muddhamassa vipātayam.

.
Như Trúc chuyển biên:

ĐĐ Uyên Minh: Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư đại đức tăng. Kính thưa các vị phật tử trong room. Sáng nay chúng ta tiếp tục bài kệ số 71 và 72 trong Kinh Pháp Cú trên tổng số 423 câu.Như vậy Room Diệu Pháp đã đi được khỏang 1/5 tổng số kinh pháp cú.

Hai câu phật ngôn 71 và 72 tuy có khác nhau nhưng nội dung tương đối liền lạc nhau. Trong câu kệ 71, Đức Phật dạy rằng, ai làm ác, có thể ngay trong đời hiện tại mình chưa thấy được vì chưa trổ quả, nhưng vẫn nằm ở đó chứ không mất đi. Ở đây quý vị nào nếu từng sống ở nhà quê, nông thôn xa trong núi, trong rừng thì quý vị biết vì không có đá lửa, không có hộp quẹt nên ban đêm khi người ta đốt củi rừng để sưởi. Sáng ngày trước khi đi làm, người ta lấy tro gùi toàn bộ số than đó xuống. Để chi? Vì hai lý do: một không để cháy thêm nữa, thứ hai với số tro phủ lên như vậy thì với phần than đang cháy sẽ âm ỉ cả ngày, nếu trong ngày họ cần nhen lửa lần nữa thì họ chỉ cần bươi tro để tìm lại số than đã gùi. Chuyện này thì chúng tôi biết vì chúng tôi từng ở vùng nông thôn từng ở trên rừng. Còn nếu mình không biết thì khi mình nghe ví dụ của Đức Phật mình sẽ thấy lạ.

Duyên khởi của câu chuyện là có một buổi sáng, Ngài Mục Kiền Liên, một vị tôn giả được xem là đệ nhất về thần thông trong hàng cao đồ của Đức Phật, Ngài đi khất thực ở Vương Xá thành. Từ trên núi xuống Ngài thấy một con rắn rất dài, nói theo trong kinh là dài tới hai mươi mấy dặm, toàn thân là lửa. Có điều đầu của nó là đầu người. Ngài thấy như vậy rồi Ngài mỉm cười. (Gặp như mình thì mình đã hỏang hồn, nhưng vì Ngài là vị A La Hán nên Ngài mỉm cười.) Ngài tỳ kheo Lakkhana đi chung thấy vậy, mới hỏi:


“Sao sư huynh lại mỉm cười?”
Ngài Mục Kiền Liên mới trả lời:
“Lát nữa, sau giờ khất thực, trước mặt Đức thế Tôn, sư đệ hãy hỏi tôi, tôi sẽ nói.”
Sở dĩ Ngài Mục Kiền Liên nói như vậy là vì Ngài muốn Đức Thế Tôn xác chứng điều mà Ngài thấy chứ không sẽ có người không tin câu chuyện kỳ quặc và gần như là khó tin như vậy. Sau giờ khất thực trở về, trước mặt Thế Tôn, Ngài Lakkhana đem thắc mắc ra hỏi Ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên mới nói là hồi sáng Ngài thấy con rắn như vậy. Dĩ nhiên chỉ có Ngài Mục Kiền Liên mới thấy con rắn đó vì có thiên nhãn. Đức Phật xác nhận rằng trước đây Ngài đã từng thấy con đó ở trên núi Linh Thứu nhưng Ngài không nói ra. Ở đây các vị phật tử có thể xem thêm ở trong Luật Tạng Pali đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Đức, nhung bây giờ tiếng Anh phổ biến đối với kiều bào hải ngọai, các vị có thể tìm đọc thêm phần chúng tôi đang nói ở trong tạng Luật, quyển 1, của hội Pali Text Society, người ta đã dịch ra và kể khá đầy đủ. Cũng tại Linh Thứu Son, Đức Phât và các vị thánh tăng đã từng thấy vô số các loài ngạ quỷ ở trên đó. Đức Phật đã từng kể lại duyên khởi, nhân duyên ác nghiệp của các loài ngạ quỷ này. Đức Phật kể rằng ngày xưa có một vị Phật Độc Giác. Kinh điển Nam Tông nói rằng Phật thì có ba hạng: Tòan Giác là tự mình giác ngộ và có khả năng giáo hóa chúng sanh. Độc Giác là vị tự mình giác ngộ nhưng không có khả năng giáo hóa chúng sanh giác ngộ như mình. Thinh Văn Giác là những vị học trò của Phật Tòan Giác và phải nhờ vào Phật Toàn Giác hướng dẫn để chứng đắc, nhưng bản thân các vị cũng có thể giúp đỡ cho kẻ khác chứng đắc bằng phương pháp giảng dạy học được từ Đức Phật Tòan Giác.

Sở dĩ chúng tôi giải thích như vậy để cho những vị xa lạ với các thuật ngữ Phật học như Độc Giác, Tòan Giác. Chữ Độc Giác này có chỗ còn dịch là Phật Duyên Giác, tức là gọi theo Bắc Tông, còn theo Nam Tông thì không gọi là Duyên Giác. Vì theo khái niệm của Bắc Tông, họ nói Độc Giác là giác ngộ, tu theo 12 duyên khởi thì mới đắc. Ở bên Nam Tông thì không nói như vậy. Nam Tông nói rằng Mười hai duyên khởi hay Tứ Đế thì cũng giống nhau thôi, tùy theo các phân tích, vì người hiểu được Tứ Đế thì dứt khóat phải hiểu được Mười hai dưyên khởi, hiểu Mười hai duyên khởi thì dứt khóat phải hiểu được Tứ Đế.

Ở đây chúng tôi chỉ giải thích về tên gọi thôi. Phật Độc Giác có chỗ quý vị phật tử sẽ thấy còn có tên gọi là Bích Chi Phật. Chữ Bích Chi này không phải là chữ dịch mà là chữ âm. Chữ âm là sao? Âm ví dụ như chữ Washington của Mỹ thì có chữ là Hoa Thịnh Đốn, chữ Hoa Thịnh Đốn không phải là chữ dịch, mà chỉ là chữ âm mà thôi. Bich Chi Phật từ chữ Paccekabuddha có nghĩa là một mình, là lẻ loi hay là riêng tư, túc là vị này đắc quả một mình mình thôi, chữ Pacceka âm là Bích Chi.

Ngày xưa, có một vị Phật Bích Chi, vị Phật Độc giác, Ngài ở Vương Xá thành trong một chòi lá do phật tử, những người thôn dân, thị dân cất lên để cúng cho Ngài. Khổ nỗi là trên đường đi đến tịnh thất của Ngài là một miếng ruộng của một anh nông dân. Vì nhiều người tới lui quá rồi chen lấn, chen chúc với nhau trên một con đường hẹp nên khi người ta muốn tìm lối đi, người ta phải lội xuống ruộng. Cứ như vậy qua nhiều ngày thì phải nói là đám đông đã giãm nát một phần ruộng của anh nông dân đó. Anh ta nổi giận nghĩ rằng chỉ vì có cái tịnh thất của ông thày tu ở đây mà người ta làm hư miếng ruộng của mình. Thôi bây giờ mình đốt cái chòi lá của ổng đi thì không còn ai tới lui nữa. Rồi một hôm đợi cho Đức Phật Độc Giác đi khất thực thì ông nông dân này đốt cháy túp lều của Ngài. Do nghiệp đó nên sau khi chết ông ta sanh vào địa ngục, rồi hết nghiệp đó, ông ta trở lên làm ngạ quỷ, bị lửa đốt cháy suốt nhiều ngàn năm như vậy. Khi Đức Phật kể lại chuyện xưa, Ngài mới đọc lên bài kệ rằng nghiệp ác mà người ngu đã tạo, có thể ngay trước mắt họ không thấy, nhưng nó vẫn nằm đó, kín đáo, ẩn tàng, âm ỉ ở đó chứ không đi đâu xa. Ngay cả trong kinh Pháp Cú có chỗ Đức Phật có dạy rằng:

Cho dù bay vút lưng trời
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu
Cho dù núi thẳm hang sâu
Không nơi nào thóat quả sầu đã gieo.

Một người đã tạo ác nghiệp rồi thì cho dầu đã là một vị thánh thì cũng không thoát được chứ đừng nói gì đến một người phàm phu còn đầy đủ tham, sân, si. Ví dụ như trong kinh nói rằng ngài Mục Kìền Liên không phải tự nhiên mà Ngài bị đám ăn cướp băm vằm ra thành nhiều mảnh. Bởi vì kiếp xưa khi còn là phàm phu thì Ngài đã từng đánh đập tàn nhẫn đối với cha mẹ của mình. Vì nghiệp đó nên đời sau sanh ra nhiều kiếp liên tục Ngài bị người khác đày đọa đánh đập, cho đến khi trở thành một vị A la Hán, đệ nhất thấn thông trong hàng cao đồ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng Ngài Mục Kiền Liên vẫn không tránh được quả xấu mà ngày xưa mình đã tạo.

Chúng tôi nghĩ rằng tạm thời bài kệ này cũng không có gì để cho quý phật tử thắc mắc, không có gì sâu kín đến mức quý vị không hiểu ra, nhưng dầu sao chúng tôi vẫn trình bày một số khía cạnh mà quý vị phật tử không có để ý. Chẳng hạn như chữ Ngạ Quỷ, Ngạ Quỷ trong chữ phạn là chữ Peta. Chữ Ngạ trong tiếng hán có nghĩa là đói, chữ Thực (có nghĩa là ăn) đứng kế bên chữ Ngã, là tôi, thành ra Ngạ có nghĩa là đói , nhưng thực ra thì ở trong sớ giải Tam Tạng Pali, giải thích chữ Peta này có nhiều hạng. Có những ngạ quỷ (ở đây chúng tôi vẫn phải tạm thời dùng chữ Ngạ Quỷ) suốt một đời nhiều đời bị lửa đốt liên tục, rồi có những lọai ngạ quỷ bị một thứ trừng phạt nào đó, một thứ khổ hình nào đó, nhưng thứ trừng phạt, khổ hình đó không ai làm cho mình hết mà tự nhiên nó có đến với mình. Ví dụ như có những ngạ quỷ đi đến đâu thì cũng bị một bầy diều, quạ, ó, kên kên rượt theo mổ cắn. Các vị hãy thử tưởng tượng mình bị một bầy ác điểu rượt theo mổ cắn trong suốt nhiều ngàn năm như vậy thì đâu phải là chuyện dễ. Ngay cả mình đây, tôi tưởng tượng như đi đâu cũng có một bầy chim sẻ giành nhau để mổ trong người của mình thì muốn điên lên rồi. Chim sẻ thì nó nhỏ thôi mà tưởng tượng như có 20 con mà cả đời mình đi đâu cả bầy chim sẻ 20 con đó cũng đi theo để mổ mình thì làm sao mình chịu đời cho siết, đàng này là một bầy ó, diều, kên kên rượt theo để cắn. Ví dụ như vậy thì hoặc như có những ngã quỷ đi đâu cũng có hàng trăm hàng ngàn cái búa bay theo cứ gỏ, chém, băm vằm suốt ngày này qua tháng khác, tự nhiên như vậy thôi chứ không có ai mà làm chuyện đó. Thứ ba là có những lọai ngạ quỷ liên tục chịu đựng các khổ hình. Có những lọai ngạ quỷ thường xuyên bị lửa đốt cháy như lọai ngạ quỷ rắn này. Thứ ba là có những lọai ngạ quỷ bị đói khát suốt đời của mình cho dù đời sống ngạ quỷ có khi rất là lâu. Đói khát là sao? Đói khát là ví dụ như có bắt gặp cơm, bánh, nước uống thì lại gần nó không còn nữa, vừa chạm tay vào thì mất tiêu, không còn đó nữa, hoặc là nó biến thành những đồ dơ, hư thúi để mình không ăn được. Chữ ngạ quỷ là dịch theo tàu, nhưng nếu dịch theo Pali thì chúng tôi có một đề nghị là mình dịch la Khổ Quỷ. Khi dịch sách Phật học A Tỳ Đàm, chữ Peta này chúng tôi vẫn dịch là Khổ Quỷ, chúng tôi vẫn ưng chữ Khổ Quỷ hơn chữ Ngã Quỷ. Mặc dù xưa nay người ta vẫn quen xài nhưng mình vẫn đưa vào đó như một chữ dịch đề nghị vì lúc đầu sẽ có người thấy lạ, lâu dần người ta sẽ quen, sẽ có một số người thấy lạ sẽ đi tìm hiểu, như vậy tình cờ mình sẽ giúp ích cho một số người. Các vị có thể tra cứu tự điển, chứ không phải là nhắm mắt nhắm mũi nghe chúng tôi nói. Chữ Peta có nghĩa là người chết, dịch theo tiếng việt là vong linh, người đã quá vãng, đã qua đời rối, Đức Phật vẫn dùng các từ này, đối với người chết người ta gọi là Peta.

Ở đây các vị phật tử nào có dự lễ trai tăng, trong lời cầu siêu bằng chữ pali thì có câu là Amhakam betanam digharattam atthaya hitaya sukhaya. Con xin cúng dường thực phẩm này đến chư đại đức tăng và xin chư tăng nhận lãnh và con mong rằng với phước sự này, công đức sẽ đến với Amhakam Betanam. Chữ betanam là những người thân thiết đã quá cố, đã quá vãng, đã từ trần của chúng con. Như vậy chữ betanam ở đây chỉ có nghĩa đen, nghĩa sát là người đã chết, người quá cố thôi. Nhưng Đức Phật còn dùng chữ này để chỉ cho một trường hợp một lọai chúng sanh trong 4 lọai ác đạo; súc sanh, ngạ quỷ, a tu la, địa ngục, chứ không hẳn ngạ quỷ là loài đói khát không. Lòai đói khát chỉ là một trong 3 loại ngạ quỷ.

Hai là về thời gian, tuổi thọ, thời gian chịu khổ cũng có hai trường hợp. Có những loài ngạ quỷ bị khổ suốt cuộc đời của nó, ví dụ như tuổi thọ của nó là 200 năm, 300 năm hoặc 1.000 năm thì trong suốt thời gian đó, không ngày nào nó không bị hành hạ, không ngày nào nó không bị đói, không ngày nào không bị lửa đốt, hoặc không có ngày nào mà nó không bị các khổ hình. Đó là trường hợp thứ nhất, tức là chịu khổ hình trong suốt cuộc đời. Nhưng trường họp thứ hai, có những loài ngạ quỷ, lúc sanh tiền người ta tu hành theo kiểu ba rọi, tức là lúc tu lúc không, lúc làm thiện lúc làm ác, thì những loài ngạ quỷ này là chúng sanh mà một nửa thời gian trong đời sống bị đau khổ như bao nhiêu loại ngạ quỷ khác; nhưng một nửa thời gian thì được hạnh phúc được an lạc, ví dụ như trong kinh có một loại ngạ quỷ gọi là Vemanika. Vemanika từ chữ Pali có nghĩa là người có cung điện, chữ Vimana là cung điện, Vemanika là người có cung điện. Những loài ngạ quỷ này có thể ban ngày nó sung sướng, được hưởng hạnh phúc của chư thiên, nhưng ban đêm lại sống trong sự đau khổ của ngạ quỷ, hoặc ban đêm sung sướng thì ban ngày đau khổ, hoặc 6 tháng hạnh phúc thì 6 tháng đau khổ. Nói chung thời gian đau khổ là phân nửa, thời gian hạnh phúc là phân nửa, hết giai đoạn đau khổ thì được giai đoạn hạnh phúc.

Như vậy xét về thời gian có những loại ngạ quỷ phải chịu đau khổ suốt cả cuộc đời, liên tục không mất ngày nào; có những loại ngạ quỷ thì lúc vầy lúc khác. Một người đã tạo ác nghiệp rồi thì trong đời sống hiện tại mình chưa thấy quả trổ nhưng nếu tinh ý, có trí tuệ hiểu biết Phật Pháp thì mình sẽ thấy rằng trước khi nó trổ ra một cách cụ thể rõ ràng giống như sữa tươi tạm thời chưa đông nhưng trước sau gì cũng đông mà thôi. Ở đây có khi chúng tôi có một ly sữa đặc để uống, chúng tôi uống ¾ rồi một phần mình để quên năm sáu ngày sau tình cờ mình nhìn lại thì thấy đã đông.

Có người họ nói rằng gọi là thiên đường hay địa ngục chỉ là sự dằn xéo đày đoạ trong nội tâm của mình mà thôi chứ thiên đàng địa ngục không ở đâu xa. Có người lại quá tin ở cõi trời địa ngục ở kiếp sau họ đã thờ ơ trong hiện tại. Chúng tôi nghĩ rằng một người phật tử sáng suốt, khách quan, bình tĩnh thì chúng ta không đứng về một cực đoan nào hết. Trước hết chúng ta vẫn tin vào sự tồn tại của những cảnh giới sa đoạ như cảnh giới đia ngục, ngạ quỷ, atula, bàng sinh, ta vẫn tin, nhưng bên cạnh đó ta vẫn thấy rằng quả khổ của một hành động bất thiện chỉ là sự sa đọa trong một cảnh giới đau khổ nào đó mà quả khổ tội lỗi, ngôn ngữ tội lỗi, tư tưởng tội lỗi hoàn toàn có thể nhìn thấy ngay trong đời này. Chẳng hạn như mình làm ác rồi thì mình không có an lạc. Mình mới vừa làm chuyện đâm thọc chia rẽ đầu này đầu kia thì mai kia mốt nọ khi mình thấy người ta gây gỗ, bên cạnh niềm thỏa mãn của mình, mình thấy công việc đâm thọc của mình có hiệu quả rồi thì mình cũng cảm thấy khoái, thấy enjoy trong đó, nhưng mình cũng có cái ngại, nay mai người ta phát hiện ra thì sẽ không tốt cho mình. Mình mới vừa ăn cắp ăn trộm của ai món đồ gì đó thì khi mình đi vào đám đông mình thấy ai xầm xì mình sẽ thấy ngại lắm. Khi mình giựt vợ giựt chồng của người nào khi mình đi ra chợ, ra đám đông mình thấy người đàn ông đàn bà nào chằm chằm nhìn mình cũng ngại cũng sợ, không biết có phải là người ta đánh ghen mình hay không, mình cũng sợ. Nói chung là khi mình làm chuyện tầm bậy rồi thì mình sẽ không an lạc. Cho nên Đức Phật nói rằng tội khổ mình đã làm giống như tro giấu than hừng ở bên dưới, nó không có mất mà chỉ nằm ở bên dưới. Trước khi mình bị sa đoạ làm ngạ quỷ, làm bàng sanh, súc vật, atula, trước khi mình bị sanh vào địa ngục thì ngay trong đời sống này những tội khổ tội ác mà mình đã làm nó sẽ kín đáo âm thầm nằm ở đâu đó chực chờ mình, nó làm cho mình bị đau khổ trước khi mình nhắm mắt qua đời.

Đó là một điều mà chúng tôi nghĩ rằng ở đây ai cũng biết, hễ làm thiện thì tối mình ngủ yên, còn mình làm ác thì tối ngủ mình nghe chó sủa, nghe xe cảnh sát hoặc khi ra đường nghe tiếng còi thổi, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch sau lưng mình cũng sợ. Điều này là điều hiển nhiên trong đời sống này rồi, tuy nhiên đôi khi trong đời này mình từ nhỏ đến lớn ở với cha mẹ, mình đi học rồi lớn lên mình có công ăn việc làm mình không làm gì tội lỗi nên không nhận ra chuyện đó, cái cảm giác dễ sợ này, hoặc mình cũng chưa làm chuyện phá gia cang ai, chưa đốt nhà cướp của giết người nên tạm thời mình không thấy cái tội khổ, tội quả âm thầm của tội lỗi ấy, chứ thực ra đối với những người làm những tội lỗi bậy bạ đó thì chuyện cắn rứt lương tâm nó theo họ đến mấy chục năm ở trong đời. Hôm trước chúng tôi có kể cho quý vị nghe tâm bệnh của một nhà triệu phú Nhật Bổn sau khi ông chiếm đọat số tiền đúc tượng của một nhà sư rồi ông giết nhà sư và ông trở về làm triêu phú. Sau đó ông có giàu có cách mấy đi chăng nữa thì ông cũng không an lạc. Mỗi lần ông nhắm mắt ông ngủ thì ông nhớ hình ảnh nhà sư bị ông xô xuống biển rồi lặn rồi hụp rồi dở sống dở chết ở trên biển, thì ông ngồi trên đống vàng ông cũng không an lạc. Người làm tội khổ như vậy không có an lạc.

Đối với một hành giả tu tập thiền tứ niệm xứ, vị này có thể sẽ gặp rất khó khăn trong việc duy trì chánh niệm tỉnh giác nếu như có một lỗi lầm nào đó mà mình chưa có sám hối, mình chứ tìm thấy được một suy tư để dứt khóat nó thì mình sẽ bị phân tâm. Ví dụ như mình đã lỡ nói một câu nào làm buồn lòng người bạn đồng tu trong thiền viện mà mình chưa kịp sám hối với người ta thì có thể đêm hôm mình ngồi sếp bằng hành thiền bị vọng động mà mình không biết. Mình chưa hành thiền tâm mình chưa có tịnh thì mình có làm bao nhiêu lỗi lầm đi nữa có khi mình không để ý, nhưng nếu mình giữ tâm tịnh rồi thì chỉ cần mình lỡ làm một điều bậy thì nó cũng để lại cho mình một sự xốn xang, một sự bứt rứt. Một trong những tác dụng của thiền định là giữ cho tâm được an tịnh. Như hôm trước chúng tôi có nói đến một ví dụ mà chúng tôi rất tâm đắc là một người mà không có tu thì tâm của họ như cái nền nhà bằng đất có bao nhiêu bụi ở ngòai đường thổi vô mình cũng không phát hiện được. Vì sao? Vì bụi ở ngòai đường với cái nền nhà của mình là họ hàng bà con với nhau. Có gì đâu mà lạ? vì nền nhà của mình là nền nhà bằng đất, những ai sinh trưởng ở Hoa Kỳ thì chắc sẽ không biết nền nhà đất, chứ còn những ai sống ở nông thôn Việt Nam thì biết cái nền nhà đất nó như thế nào, tức là đất sét người ta tô, người ta đắp thành cái nền rồi dựng nhà trên đó, không có thêm miếng gạch, miếng xi măng nào lên đó hết thì được gọi là nền đất, thì nếu có bụi bặm ở ngòai đường tấp vô trong cái nền nhà đó thì mình cũng không thể nhận ra được. Nhưng đối với một nền nhà gạch bông càng bóng càng loáng, được lát bằng đá marble của Ý, bằng đá granite chẳng hạn, thì khi có một chút xíu bụi bay tấp lên đó thì khi mình đi mình nghe nó nhám nhám, nó xảm xảm, rất là khó chịu. Không có gì khó chịu cho bằng mình đi chân không và mình cảm nhận rằng ở trên nền gạch của ngôi nhà này có bụi, cái cảm giác kỳ cục khó chịu. Nhưng vì sao mà mình nhận ra? Bởi vì bụi bặm ở ngòai đường nó không đồng tánh với nền gạch. Nền gạch là một cái gì đó khác biệt hẳn hòi với bụi cát ở bên ngoài, nên khi có một chút xíu bụi cát tắp vào trong nền nhà đó thì người ta lập tức thấy ngay.

Điều đó như thế nào thì tâm tánh, tâm tư của một hành giả tu tập tứ niệm xứ, thường xuyên chánh niệm tỉnh giác thì cũng giống như một nền nhà có lót gạch granite hay marble, tức là khi có một chút nào đó ác nghiệp về thân, về khẩu, về ý xuất hiện ở trong nội tâm thì hành giả dễ dàng nhận ra. Giống như một hồ nước càng trong trẻo yên ắng chừng nào thì có một chút xíu bụi, chút xíu rác hay lá nằm ở dưới đáy mình cũng thấy. Còn hồ nước đã đục, bị gợn sóng nữa thì chúng ta không thể nào thấy được những rác rưởi ở bên dưới. Điều đó như thế nào thì trong nội tâm của một người không có tu tập thì nhiều khi cả đời mình nói bậy nói bạ, làm bậy làm bạ, nghĩ bậy nghĩ bạ, mình không phát hiện, vì tâm mình đã đục như cái hồ nước rồi mình không thấy, hoặc giống như cái nền nhà bằng đất rồi thì nó đã đồng tính với bụi bặm ở ngoài đường thì làm sao mà chúng ta có thể nhận ra được, phát hiện ra được những bụi bặm phiền não vây phủ trên đó. Cho nên phải nói rằng sau khi mình làm một ác nghiệp rồi thì trước khi mình phải lãnh lấy cái quả khổ, nặng nhất là bị sa đọa thì bản thân người làm ác nghiệp cũng phải chịu sự đau khổ giằng xé đày đọa âm ỉ hết ngày này qua ngày khác. Điều thứ hai là sau khi họ bị sa đọa rồi càng đau khổ hơn. Chính Đức Phật đã dạy:

Nay khổ đời sau khổ
Kẻ ác hai đời khổ
Khổ thấy mình làm ác
Sanh đọa xứ khổ hơn.

Chỉ cần nghĩ đến ác nghiệp của mình là mình đã khổ tan nát ở trong đời này rồi, nó khó chịu dằn xé lắm. Nói thì nói chứ nếu như người làm ác không bị cắn rứt lương tâm thì không phải cắn rứt theo kiểu của người thiện, nhưng cũng có sự đau khổ của người ta. Khi người thiện làm điều xấu người ta cũng có sự đau khổ cắn rứt của người ta dằn xé người ta tiếc nuối tại sao mình làm điều đó làm chi. Đối với người ác, họ không có sự dằn xé mang tính cách đạo đức như vậy nhưng mà họ lại bị dằn xé theo cái hướng khác. Ví dụ như làm ác rồi thì họ có cái sự lo sợ, họ lo sợ người khác báo thù, lo sợ pháp luật phanh phui, lo sợ dư luận, cái đó cũng là cái đau khổ riêng tư của người không có tàm không có quý, thì họ cũng có cái lo sợ của họ.

Đó là chúng tôi trình bày một cách vắn tắt về bài kệ số 71. Còn tiếp theo là bài kệ số 72.

Duyên khởi của bài kệ này là một hôm Ngài Mục Kiền Liên cũng từ trên núi Linh Thứu đi xuống. Mặc dù chúng tôi chưa được đi Ấn Độ nhưng chúng tôi có nhìn thấy hình ảnh, thì đặc biệt chúng ta phải nhìn nhận một điều là đỉnh núi Linh Thứu này giống hệt như đầu của một con chim kên kên vậy. Mình có thể nói là đầu con chim ưng cũng được, hay là đầu con kên kên cũng được vì rất giống. Nhưng cũng có chỗ gọi nơi này là Linh Sơn, theo chúng tôi hiểu thì chữ Linh ở đây có thể là linh hiển linh thiêng, mà cũng có thể chữ Linh đây là viết tắt của chữ Linh Thứu. Nếu đây là chữ viết tắt của chữ Linh Thứu thì không thể dịch chữ Linh đây là holy như một số người hiểu lầm. Chữ Thứu ở đây tiếng Anh cũng dịch là chữ vulture, vulture ở đây có nghĩa là kên kên. Trong kinh nói núi Linh Thứu là nơi tập trung của rất nhiều các lọai ngạ quỷ, không hiểu lý do tại sao mà chúng tôi đọc trong sớ giải Tạng Luật, trong Bộ Samansatharika thì nói rằng núi Linh Thứu này, đặc biệt chung quanh khu Vương Xá Thành một là núi Linh Thứu, hai là suối nước nóng Tabodaram thì có rất nhiều ngạ quỷ ở trong khu vực này. Trong kinh chỉ nói vậy thôi, riêng về lý do tại sao ở Tabodaram và núi Linh Thứu có nhiều ngạ quỷ thì chúng tôi không biết. Không biết bây giờ ở bên Ấn Độ chỗ Vương Xá Thành thì suối nước nóng này có còn hay không thì chúng tôi chưa có hỏi. Tuy nói rằng nơi đó có nhiều ngạ quỷ nhưng ngày xưa Đức Phật và chư tăng thường xuyên lên đó để nhập định, có lẽ vì trên đó vắng vẻ. Rồi một hôm Ngài Mục Kiền Liên từ trên núi đi xuống Vương Xá Thành để khất thực, Ngài thấy một con quỷ, đi đến đâu cũng có nhiều cái búa đi theo để đánh, đập, băm vằm đầu cổ của con ngạ quỷ này. Ngài thấy vậy Ngài mới mỉm cười. Ngài thấy lạ Ngài mỉm cười. Đó là thái độ của các bậc thánh, nều như có chuyện gì để các Ngài khởi lên các tư tưởng thì Ngài chỉ mỉm cười, ngay cả Đức Phật cũng vậy. Nhiều khi mình không hiểu chuyện này mình sẽ thấy là Đức Phật có lúc Ngài mỉm cười dường như là nụ cười không có từ tâm, ví dụ như có lần Ngài đi bát, Ngài gặp vua Thiện Giác tức là nhạc phụ đời xưa của Ngài, trước khi Ngài đi xuất gia Ngài còn là vị thái tử Ngài có lấy công chúa Da Du Đà La. Vua giận rằng thái tử đã đi tu và bỏ con gái của vua một thời thanh xuân cô phòng lẻ loi. Ông giận lắm nên ông chận đường lúc Đức Phật đang đi bát. Đức Phật nhìn thấy ông cho dọn bàn ghế ra giữa đuờng ông ngồi Đức Phật mỉm cười, Ngài tránh, quay lui Ngài không đi nữa mà Ngài mỉm cười. Ngài A Nan mới hỏi vì sao Đức Phật mỉm cười, nhân duyên nào Ngài mỉm cười xin Ngài dạy cho con biết, thì Đức Phật Ngài nói rằng trong vòng 7 ngày nữa vua Thiện Giác có làm gì thì cũng không tránh được bị chuyện đất sụp, đất rút. Ngài A Nan nghe nói như vậy mới nói câu chuyện này lại cho vị khác nghe, rồi từ từ câu chuyện đến tai vua, vua tìm mọi cách để tránh nhưng vẫn không được. Cũng vậy khi thấy Ngài Mục Kiền Liên mỉm cười, Ngài Lakkhana hỏi thì Ngài Mục Kiền Liên mới nói rằng khi nào về trước mặt Đức Thế Tôn xin sư đệ hãy hỏi lại câu hỏi này, tôi sẽ trả lời. Trước mặt Đức Phật, Ngài Lakkhana đem câu hỏi đó để hỏi thì Ngài Mục Kiền Liên mới kể lại buổi sáng Ngài đã gặp ngạ quỷ đi đến đâu cũng có nhiều cây búa đi theo để đánh, đâm chém.ở trên người như vậy.

Khi nghe vậy, Đức Phật mới kể lại con ngạ quỷ này kiếp xưa ở Ấn Độ có một người búng sạn rất là giỏi. Ông ta có khả năng nhặt các hòn sỏi nhỏ trong tay và vì là một người què chân bẩm sinh, ông không đi đâu được, ông chỉ di chuyển bằng đôi tay mà thôi. Ông có nghề để kiếm ăn bằng cách ông dùng những viên sỏi búng lên lá cây. Tùy theo những đứa con nít đề nghị, ông có thể búng ra hình con này con kia ở trên lá cây, người nam người nữ v.v.. những đứa con nít rất thích, ông búng xong rồi chúng cho ông tiền. Trong cung vua lúc đó có một ông quan có tật hay nói nhiều, lúc đó trong triều có một vị tể tướng muốn cho ông quan này bỏ cái tật nói nhiều cho nên ông ta có cái đề nghị đến gặp ông búng sạn đó và nói tôi sẽ cho ông một chỗ ngồi kín đáo mỗi khi ông quan đó nói nhiều thì ông cứ búng cái gì đó vô trong miệng của ông quan đó để cho ông bớt nói. Theo thời gian thì mỗi khi ông quan nói nhiều quá thì ông này mới búng vô trong miệng của ông ta cho nên ông ta xấu hổ vừa nói vừa nuốt cái gì vô trong bụng. Sau cùng thì ông quan này không còn nói nhiều nữa. Lúc đó có một anh chàng vô công rỗi nghề, thấy người ta có nghề búng sạn mà làm nên được sự nghiệp nên ông ta cũng đi đến để xin học, nhưng khi học được nghề búng sạn rồi thì cứ lang thang đầu đường xó chợ chứ không biết làm gì, chỉ búng tầm bậy tầm bạ chơi vậy thôi. Một ngày kia ông ta gặp một Đức Phật Độc Giác đi bát ngang thì ông ta nghĩ hồi đó tới giờ mình búng tầm bậy tầm bạ xuống đất, lên lá cây thân cây vậy thôi chứ mình không thử xem khả năng búng của mình có giết người được hay không. Nếu mình búng người khác mà người ta có chết thì mình sẽ bị truy tố bị trả thù còn với ông thày tu nầy nếu mình có làm gì thì cũng không có ai trả thù. Đó cũng là lý do mà một số nguời đặc biệt là người việt nam mình có khuynh hướng ra đường trêu chọc thày chùa thì an toàn hơn là trêu chọc người khác, vì trêu chọc thày chùa thì thầy chùa không có phản ứng, họ nghĩ như vậy. Anh thanh niên này cũng có tư tưởng như vậy nên mới lấy viên đạn búng vô lỗ tai của vị Phật Độc Giác. Theo như trong kinh nói gặp người thường thì sẽ chết tại chỗ nhưng gặp Ngài thì Ngài dùng thiền định để duy trì thọ mạng, về đến núi rồi thì Ngài mới Niết-bàn. Tức là trước sau cũng chết nhưng không có chết liền. Sau khi búng chết vị Phật Độc Giác thì khi anh qua đời, lâm chung anh sa vào địa ngục, sau đó lên làm một lòai ngạ quỷ mà đi đâu trên đầu cũng có vô số những cái búa đi theo băm vằm, làm cho anh ta bị đau đớn.
Đức Phật sau khi kể lại câu chuyện xưa thì Ngài kệ lên một câu kệ rất đặc biệt. Mới xem qua thì chúng ta thấy không có gì hết nhưng nội dung rất là sâu.

Tự nó chịu bất hạnh
Khi danh đến kẻ ngu
Vận may bị tổn hại
Đầu nó bị nát tan

Chúng tôi xin nhắc lại chữ ngu hay chữ trí trong đạo Phật ý nghĩa không giống như bên ngòai. Chữ ngu và chữ trí trong đạo Phật muốn nói đến sự hiểu biết hay không hiểu biết đối với chánh pháp thì gọi là ngu hay trí. Có thể chúng ta là một người khoa bảng nhưng chúng ta không hề biết gì về thiện, về ác, không biết rõ hành động ngôn ngữ lời nói nào có tác dụng tai hại cho mình, cho người, thì trong trường hợp đó thì vẫn gọi là người ngu theo định nghĩa của Phật Pháp. Còn một người trí có thể là một người nông dân, nói theo ngoài đời là người thất học nhưng họ làm, họ nói, họ suy tư cái gì họ cũng biết rõ cái nào có lợi cho mình cho người, cái nào có hại cho mình cho người đời này đời sau, thì đó gọi là bậc trí. Đức Phật nói rằng một người ngu, tức là người không hiểu chánh pháp thì khi danh lợi tiếng tăm đến với họ chỉ hại họ mà thôi. Anh búng sạn trong câu chuyện vừa nêu trên cũng chỉ thấy ông nọ có cái tài búng sạn mà làm nên sự nghiệp, được mời vào cung, được xem như thượng khách của triều đình, cũng được hưởng lương cao, bổng lộc như một vị quan nên nghĩ rằng cũng nên học theo nghề búng sạn đó. Sau khi búng chết vị Phật Độc Giác rồi thì anh đem khoe với người khác để họ nể phục mình và cũng hy vọng rằng với tiếng tăm đó thì anh cũng sẽ tìm được một nghề nào đó để anh sống. Đức Phật nói đối với người ngu thì danh lợi chỉ giết chết họ mà thôi.

Trong kinh kể rằng Đề Bà Đạt Ta vì lòng mong mỏi muốn thu gom tín đồ để làm một vị giáo chủ cho nên Đề Bà Đạt Ta trước sau đã làm rất nhiều tội lỗi đối với Đức Phật, đối với chư tăng. Đối với chư tăng thì ông chia rẽ tăng già, đối với Đức Phật thì không biết bao nhiêu lần Đề Bà Đạt Ta đã tìm đủ mọi cách thuê người để ám tóan Đức Phật, thậm chí lần sau cùng chính tay ông đã lăn đá từ trên núi xuống với hy vọng sẽ giết chết Đức Phật lúc đó Ngài đang đi kinh hành ở một con đường bên dưới. Do nghiệp xưa của Ngài khi Ngài còn phàm phu thì Ngài trong một lần vì tranh giành gia tài với người em, cho nên Ngài đã xô người em xuống núi chết. Sau khi chết rồi thì Ngài sanh vào địa ngục một thời gian rất lâu. Hôm nay khi thành Phật rồi thì cái quả xấu ngày xưa còn dư sót lại. Với người bình thường thì chắc chắn tảng đá đó đã đè chết rồi nhưng trong trường hợp Đức thế Tôn Ngài không thể nào bị người khác giết chết được, nhưng do một nghiệp xưa của Ngài, thì quả xấu ngày xưa còn dư sót lại thì Ngài vẫn bị Đề Bà Đạt Ta lăn đá và Ngài vẫn bị một mảnh vụn, một mảnh vở trong tảng đá đó lăn trúng ngón chân cái của Ngài làm cho Ngài bị đau đớn rất nhiều. Lúc Đề Bà Đạt Ta lăn tảng đá như vậy , tảng đá lăn trúng chân Đức Phật, máu chảy ra tại chỗ, lúc đó Đức Phật mới ngước lên nói với Đề Bà Đạt Ta rằng:

“Này Đề Bà Đạt Ta ngươi đã làm một điều đại nghiệp rồi. Ngươi đã tạo ra một trọng nghiệp bất thiện nơi Như Lai rồi”.

Sau đó Đề Bà Đạt Ta trở về, thì chúng ta cũng đã biết rồi, ông đã trải qua nhiều thất bại liên tiếp trong ý đồ muốn làm giáo chủ của mình, sau cùng ông lâm trọng bệnh, trước khi ông qua đời thì ông có nói người đại đệ tử của mình là tỳ kheo Cokalika, rằng:

“Hãy đem ta đến gặp mặt Thế Tôn, ta muốn được hầu Phật và để sám hối với Ngài”.

Thì đại đệ tử của ông là tỳ kheo Cocalika mới cản ngăn nói rằng:

“Hết lần này đến lần khác ông có ý xấu hãm hại Đức Phật thì có lý nào bây giờ ông gặp Ngài rồi mong Ngài tha thứ”.

Đề Bà Đạt Ta mới nói “Nếu nói như vậy là ngươi chưa có hiểu Đức Phật. Ta hiểu Ngài hơn ngươi. Đối với Ngài thì ta cho dù đã nhiều lần hại Ngài nhưng Ngài vẫn xem ta giống hệt như Rahula, con ruột của Ngài chứ không có gì khác biệt, chính vì vậy Ngài mới được gọi là Đức Phật chứ! Hãy đem ta đến gặp Ngài đi.”

Nhưng có một điều do ác nghiệp quá nặng nên khi tỳ kheo Cocalika cùng với một vị nữa cáng cái võng đem ông Đề Bà Đạt Ta đến trước chùa Kỳ Viên, tính là xuống hồ nước trước chùa tắm rửa xong rồi sẽ vào gặp Phật nhưng không kịp. Khi dừng cái cáng xuống, ông Đề Bà Đạt Ta để hai bàn chân xuống dưới đất thì đất sụp, cuốn hút ông xuống, sụp ngay chỗ của ông thôi, cuốn hút ông xuống. Đất rút từ từ, khi rút đến ngang chân ông thì ông bắt đầu đọc bài kệ mang ngụ ý rằng:

" Con xin đảnh lễ Phật và con xin cúng dường toàn bộ thân xác còn lại của con cho Thế Tôn." Rồi ông chết.

Khi ông bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm danh lợi đó thì Đức Phật có dạy rằng: "Này các tỳ kheo, giống như con tuấn mã đang chạy hay chạy giỏi thế nào đi nữa mà khi nó có chữa rồi thì nó không còn chạy hay nữa. Buồng chuối dù tốt cách mấy nhưng khi nó trổ buồng thì tuởi thọ nó đã chấm dứt, không còn sống được nữa."

Như quý vị đã biết khi cây chuối trổ buồng thì trong thời gian ngắn nó sẽ chết, nó không thể sống được, cây tre khi ra bông thì cũng không sống lâu. Cũng vậy Đức Phật nói danh lợi đối với người ngu giống hệt như bào thai đối với con tuấn mã, hay buồng chuối đối với cây chuối vậy. Tức là đối với người ngu lòng ham muốn mong mỏi danh lợi làm cho họ đi đến con đường diệt vong. Mặc dù chúng ta lấy mắt mà nhìn thì trong đời này nuốn có danh có lợi có tiếng tăm địa vị thì mình phải nổ lực, ai có nổ lực thì sẽ thành công, ai ngồi yên chờ sung rụng thì chắc chắn sẽ không thành công, nói vậy tức là ai có những nổ lực thì có thành tựu trong đời sống thì có gì đâu mà thất bại? Nói rằng "tôi không tin nghiệp báo, không tin tội lỗi, không tin luân hồi tái sanh, nhưng tôi đi đúng con đường thì tôi cũng có được tiếng tăm, cũng được danh tiếng, cũng có tiền có bạc chứ đâu có gì đâu mà thất bại?"

Nhưng trong bài kệ này Đức Phật nói kẻ ngu là người không thấy được quả xấu của thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện. Họ đi tìm danh lợi bằng những hành động tội lỗi thì có thể ngay trước mắt họ được tọai nguyện, như chúng ta đã thấy trong bài kệ số 71, có thể ngay trước mắt họ được tọai nguyện, nhưng những tội khổ do những hành động mà họ đã làm đó , nó vẫn âm ỉ đi theo chân họ chứ nó không đi đâu xa hết và nó từ từ làm cho họ bị suy kiệt hạnh phúc trong đời sống như là bào thai làm giảm sức chạy của con tuấn mã, hay là buồng chuối làm ngắn lại đời sống của cây chuối.

Điều đó như thế nào thì đối với người ngu, người không hiểu được cái tội lỗi, không hiểu được thiện pháp, nhắm mắt nhắm mũi làm theo sở thích bản năng của mình thì những danh lợi mà họ có được giống như có một bài kinh bên Bắc Truyền mà họ đã dùng một ví dụ thật là hay đó là "danh lợi đối với người không có trí tuệ về chánh pháp giống như một chén cơm ngon có pha thuốc độc," một người đang bị đói bụng lâu ngày gặp chén cơm, tô cơm, phần ăn ngon lành thì họ sẽ bị lôi cuốn, sẽ bị hấp dẫn, dễ dàng quên mình vào trong chén cơm đó. Họ ăn càng nhiều thì cái chết đến với họ càng nhanh.

Danh lợi nói cho đúng ai ở trên đời này cũng ham cả, có người chỉ nói miệng danh lợi chỉ là phù du, danh lợi là hư vô, nói là nói miệng vậy thôi nhưng thực sự ra chính những người thường xuyên rêu rao như vậy thì cũng có thể đó là những người ham mê danh lợi nhất, bởi vì nếu thấy nó là phù du thì nó không là gì đáng nói, bởi vì có ai đâu đi khoe khoang rằng cát bụi là không có sá gì, không đáng kể. Người ta chê là chê vàng bạc, danh lợi không đáng kể chứ có ai chê cát bụi là vô nghĩa đâu, bởi vì nếu mình chê như vậy thì đâu có ai phục mình. Mình chê thì phải chê danh lợi là vô nghĩa.chứ không ai chê cát bụi là vô nghĩa hết. Thì đối với bài kệ này chúng tôi nghĩ rằng có một nội dung liền lạc với bài kệ trước đây, đồng thời cũng có nội dung liền lạc với bài kệ mà Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú này:

Bào thai bất lợi cho tuấn mã
Buồng chuối bất lợi cho cây chuối
Danh, lợi làm bất lợi cho kẻ ngu

Vì nếu chúng ta bình tĩnh một chút xíu sẽ thấy rằng bên cạnh khái niệm đi làm để nuôi gia đình, thực ra chúng ta luôn luôn có lòng cầu lợi, khi có điều kiện nổi tiếng chúng ta cũng rất khó từ chối. Ví dụ như điều kiện để đóng làm người nổi tiếng quá khó thì chúng ta sẽ đóng là người xa lánh danh lợi, nhưng nếu danh lợi đó dễ dàng đến với mình trong một búng ngón tay thì có lẽ chúng ta khó mà từ bỏ được. Trong trường hợp đó thì chúng ta mới dám tự tin rằng mình là người rời xa danh lợi, còn nếu như chúng ta rời xa danh lợi vì chúng ta không có điều kiện, chúng ta dốt quá, ngu quá, xấu xí quá, nghèo khổ quá, nhiều tật xấu quá thì làm sao thiên hạ biết đến chúng ta, khi đó chúng ta chỉ là người vô danh, trong bóng tối của người vô danh, chúng ta hò hét, rủa xả, chúng ta chê bai, dè xiểm danh lợi, điều đó chỉ là sự từ bỏ danh lợi bằng cái miệng mà thôi. Cái quan trọng chính là danh lợi là một thứ hấp dẫn chúng ta từng ngày từng phút, chỉ vì chúng ta không có điều kiện, không có cơ hội nên chúng ta không nhận ra mà thôi. Đức Phật dạy rằng danh vọng đối với người ngu y hệt như bào thai đối với con tuấn mã, bông tre đối với cây tre, buồng chuối đối với cây chuối. Đối với ngu danh lợi là thứ chỉ hại họ mà thôi.

Đối với người hiền trí trước hết họ không đi tìm danh tìm lợi nhưng khi có danh có lợi rồi thì họ sẽ tận dụng nó, khai thác nó triệt để, dùng nó làm một phương tiện lợi tha, lợi sinh. Như vậy trước hết họ không khổ về việc tìm danh tìm lợi nhưng khi có danh có lợi rồi họ cũng chỉ dùng nó như một phương tiện để lợi sinh, lợi tha mà thôi. Như vậy một lần nữa họ càng không khổ, càng an lạc.
Đối với người ngu, đối với danh lợi, có hai cái khổ. Khổ thứ nhất vì họ phải giành giựt nó từ tay người khác, rối cái khổ thứ hai là sau khi có danh có lợi rồi họ chìm đắm trầm kha trong đó để họ hưởng thụ làm nên các điều tội lỗi. Đó là lần thứ hai người ngu bị đau khổ trong danh lợi.

Đó là thái độ khác nhau giữa người trí và người ngu trong bài kệ này. Chúng tôi nghĩ rằng buổi giảng sáng nay đến đây cũng vừa thích hợp. Trước khi dứt lời cũng xin thành tâm chia sẽ công đức này đến chư đại đức tăng, tất cả các phật tử trong room và tất cả chúng sanh trong ba giới bốn loài, sau khi tuỳ hỷ công đức này hãy được vạn sự cát tường, sở cầu như nguyện, tu hành tinh tấn, chóng thành Phật quả

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Download KN 71 & 72


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu