Thì thưa qúi vị điều này cũng liên quan đến một sự việc hồi nãy TT Trí Siêu giảng, đó là bài kệ này chúng tôi lại muốn chia sẻ một sự suy nghĩ khác cũng liên quan đến bài kệ, là tại Hoa Kỳ có ngành học gọi là Criminal Psychology tức là ngành học gọi là "Tội phạm học", trong những quyển viết về tội phạp học họ có ghi một trường hợp đó là những người có hành vi tội ác trong cuộc đời thường họ chỉ nghĩ đến cái vị ngọt, họ nghĩ đến cái gì gọi là khoái lạc, họ nghĩ đến cái gì làm cho họ thoả mãn, như trường hợp chúng ta đang ấm ức trong lòng điều gì mà chúng ta có thể tuông ra hết những ấm ức của mình thì trong lúc đó chúng ta cảm thấy trong lòng rất là khoái, ở trong lòng rất là sung sướng để mình có thể tuông ra những lời nói mà mình vốn bình thường không bao giờ nói đến, nhưng mà lúc đó có thể nói hết, nhưng rồi sau đó chúng ta lại hối hận là mình đã lỡ nói những lời như vậy. Hình như khuynh hướng chung của tất cả chúng ta là luôn luôn đi tìm một sự thỏa mãn ở giây phút nào đó và ở trong trường hợp này một người tội phạm như TT Trí Siêu nói cho chúng ta thấy đó là họ chỉ nhìn một khía cạnh đó là vị ngọt thôi, mà câu chuyện đó không phải chỉ có vị ngọt, câu chuyện đó còn dài còn nhiều hơn nữa, không may cho những người làm những ác nghiệp là những người này nhất thời chỉ thấy được cái mặt ở bên ngoài, và ngay cả cái mặt đó đôi lúc người ta cũng không ý thức rằng cái tâm bất thiện để làm những việc bất thiện đó nó cũng nông nỗi, nó cũng nóng nảy, nó cũng phiền lụy không kém.
Do vậy một việc chúng ta phải ghi nhận ở tại đây là đối với những người ác cái nhìn của họ nó rất là hạn hẹp, rất là cục bộ, không nhìn xa chỉ nhìn thấy nhất thời cái gì trước mặt mà thôi. Nên thưa qúi Phật tử. thì giờ nào mà chúng ta có được để suy tư và đặc biệt là để làm quen với cách nhìn của nhân quả, cách nhìn đó không phải là có lợi cho đời này mà có lợi cả cho đời sau, nó là duyên lành rất tốt. Nếu trong cuộc sống này chúng ta tập bắt đầu sống suy nghĩ những gì liên quan đến nhân quả, chúng ta thấy được vị ngọt, thấy được nguy hiểm, và thấy được sự xuất ly, thấy vấn đề nó không phải chỉ có một chuyện mà thôi, như là một đứa nhỏ thấy lửa đẹp nó chỉ thích chơi với lửa nhưng nó không hiểu rằng lửa có thể tạo ra những tai nạn khủng khiếp. Còn khi chúng ta lớn lên rồi thì sự hiểu biết có chừng mực, vấn đề như vậy và bên cạnh đó nó còn có nhiều sự việc khác, chúng ta thấy cả một thế giới này có nhiều thảm kịch xảy ra chỉ vì đơn giản một điều rằng những người tạo nên thảm kịch đó họ chỉ thấy được cái phần thưởng nhất thời, và phần thưởng đó thật sự không đủ để cho họ phải trả cái giá như vậy.
Có thể nói là khi chúng ta nghe giảng kinh Pháp Cú chúng ta nên mang một tâm trạng khác với những bài kinh khác, đa số Phật tử khi vào nghe những bài giảng kinh Pháp Cú thì đều có khuynh hướng là chúng ta mong mỏi để qua kinh Pháp Cú đi tìm những ý tưởng cao xa, nhưng mà rồi lâu ngày chúng ta sẽ nhận rằng những tư tưởng và lời dạy kinh Pháp Cú là những gì rất gần với đời sống của chúng ta, gần đến đỗi mà chúng ta có thể vói tay tới được. Và thưa qúi vị có lẽ chúng ta ít có khi nào có dịp nghĩ về những điều đó riêng ở trong đời sống của mình, chúng tôi nghĩ rằng kinh Pháp Cú đã cho chúng ta thấy rằng tại sao Đạo Phật thiết thực, tại sao lời dạy của Đức Phật gần với chúng ta hôm nay như tự bao giờ, và tại sao lời dạy của Đức Phật lại có một vai trò lớn ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta như vậy.
Ở đây chúng ta nói về một kẻ ác như TT Trí Siêu đề cập đến tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng cái ác và cái thiện ở đây nó chỉ đề cập đến hai hạng chúng sanh; là chúng sanh có sở hành bất thiện và sở hành thiện, và hai hạng chúng sanh đó đều có ở trong mỗi chúng ta. Nói một cách khác rằng có rất nhiều trường hợp trong đời chúng ta, có thể là chúng ta không làm những ác nghiệp lớn như là chàng thanh niên đã có những xúc phạm đến một vị Thánh nữ trong duyên sự, nhưng mà mình có vô số những ác nghiệp mà trong những bất thiện nghiệp đó có thể không gọi ác nghiệp nhưng cái nghiệp không thiện đó mà chúng ta đã tạo chỉ vì đơn giản là chúng ta đam mê vị ngọt nhất thời của nó.
Sáng nay chúng ta nghe một câu kệ Pháp Cú về phương diện văn pháp thì bài kệ Pháp Cú này lại có bài kệ đối lại là:
"Khi thiện nghiệp chưa chín muồi,
người thiện chưa thấy là thiện,
đến khi thiện nghiệp chín muồi rồi,
thì người thiện mới thấy là thiện."
Có một vài chữ trong câu này đề cập đến người thiện do đó bài kệ đối lại được đặt trong một phẩm khác, đây là một cách sắp xếp đặc biệt có khi chúng ta thấy sắp chung và có khi thấy sắp khác phẩm. Hồi nãy TT Trí Siêu cũng có nhắc đến ở đây có một vài chữ mà chúng ta nên đặc biệt lưu ý đó là chứ Madhū, ở đây giống như chữ Madhū’va maññati bālo. Chữ Madhū nghĩa là mật. Thật ra trong bài kệ này nếu qúi vị đọc tiếng Phạn đó là một bài kệ mang ngôn từ rất ví von, khi mà nói đến mật chúng ta thường nghe "chữ mật ngọt chết ruồi" là mùi vị nào mà có khả năng quyến rủ hấp dẫn. Quả thật lúc đó đối với một người ác họ thấy những việc họ làm là đầy mật ngọt đầy sự hấp dẫn.
maññati là sự ngộ nhận hay là sự suy tư mà không có trí, nghĩa là giống như một đứa nhỏ làm một việc gì đó nghĩ là có thể qua mặt được người lớn nhưng thật sự nó không qua mặt được, trong sự suy tư, sự liệu toan của một đứa nhỏ giống như là chúng ta dùng chữ maññati.
Trong câu này cũng có chữ khác phải để ý đó là chữ paccati là chín muồi. Hôm kia chúng ta có nghe chữ dị thục, dị thục là dị thời di thục tức là khác thời mà chín. Chữ paccati là chín muồi, là cái gì cần có thời gian như trái cây khi đâm chồi nảy lộc, rồi kết trái, rồi trái xanh, rồi đến thời kỳ vàng rồi chín muồi, nó trải qua rất nhiều thời kỳ. Chín muồi ở đây tức là đến một mức độ mà có thể thành tựu, đến một mức độ mà nó có thể là hoàn tất chu kỳ, hoàn tất thời kỳ hiện hữu của nó, nghĩa là đến lúc sẵn sàng để ăn, và trong lúc sẵn sàng để ăn cũng có nghĩa là trái đã đến thời kỳ mà đến quá lâu nó có thể hư mục đi. Thì ở đây chữ paccati dùng đến một hàm nghĩa rất quan trọng, ý nghĩa đó là những thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp ở đời nó cần có thời gian để chúng ta thấy, và một người có cái nhìn xa một người có cái hiểu chiều sâu là người có thể hiểu được sự khác biệt của thời gian, thời gian ở đây là một yếu tố chi phối.
Thì thưa qúi vị, chúng ta thường nghe nói đến một hình ảnh hai chiều, rồi bây giờ họ nói đến hình ảnh ba chiều tức là có chiều sâu, không phải chỉ có trục tung trục hoành mà chúng ta còn nói đến chiều sâu. Nhưng mà rồi chúng ta cũng nghe nói đến bốn chiều, bốn chiều tức là có thêm yếu tố thời gian nữa. Và không may cho chúng ta là thường thường ý và trực giác của chúng ta, đôi mắt của chúng ta thì qua sự giúp đỡ của kỹ thuật thì chúng ta chỉ nhìn thấy được ba chiều, nhưng rất khó để chúng ta có thể nhìn thấy được chiều thứ tư tức là chiều dài của nhân quả.
Một người đến xem một phòng triển lãm về tranh, nhìn một bức tranh thì có người có nhìn chiều sâu có người không nhìn chiều sâu, có người nhìn những đường nét, có người nhìn màu sắc, có người nhìn theo trường phái, nhưng mà lại có những người hiểu biết được cả những người họa sĩ và hiểu biết được cả một sự phô diễn tế nhị trừu tượng ở phía sau bức tranh đó, thì người đó mới thật sự là người có trí. Thì cái nhìn của Đức Phật ở tại đây là hàng muôn hàng vạn thứ ở trong cuộc sống của chúng ta, những thứ đó diễn ra trước mắt, cái gì mà chúng ta tiếp cận, cái gì mà chúng ta có được dữ kiện để chúng ta phê phán đoán nó chỉ là một phần rất nhỏ, nó giống như phần nổi của một tảng băng hà và trong phần nổi nhỏ đó nó không cho phép chúng ta có một cái nhìn toàn diện. Và bởi vì vậy vì sao chúng ta quy y Phật, tại sao chúng ta quy y pháp, tại sao chúng ta quy y Tăng, và tại sao thưa qúi vị Đức Phật có một cái vị trí hết sức là quan trọng ở trong lòng của chúng ta, bởi vì chúng ta thành thật và khiêm tốn nhận rằng đời sống mình không nhìn vấn đề thấu đáo, mình không có thông đạt được cùng tận cái lý lẽ của cuộc sống, và cái lý lẽ ở đây không phải là lý lẽ của triết học, cái lý lẽ ở đây là lý lẽ đơn giản của nhân quả, không nói về ác pháp mà nói về thiện pháp mà thôi, chúng ta cúng dường một đóa hoa lên Đức Phật.
Dâng hoa cúng dường Phật,
Bậc thương xót muôn loài,
Dâng hoa cúng dường Pháp,
Đạo nhiệm màu cứu khổ.
Dâng hoa cúng dường Tăng,
Ruộng phước không gì bằng.
Hoa tươi đẹp sẽ tàn,
Thân giả hợp sẽ tan,
Nguyện tu mau chứng đạt,
Quả chân thường giải thoát."
Hoa tươi đẹp sẽ tàn, nhìn đoá hoa mà nhìn thấy được sự tàn của nó, nhìn ở trong cái tụ mà nó có cái tán, nhìn ở trong cái khổ mà nói vui là chuyện không dễ. Ngài Buddhaghosa là một trong những danh Tăng của thời Phật giáo hiện đại, Ngài mới tịch cách đây vài năm. Ngài có viết một câu chuyện rất là thú vị. Ngài nói rằng "đau khổ và hạnh phúc thì như một con rắn trung. (chúng tôi không biết trong rơom qúi vị có biết con rắn trung, quí vị sống ở miền quê qúi vị có biết con rắn trung là con rắn có hai đầu, một đầu độc và một đầu không độc). Thì Ngài nói rằng đau khổ và hạnh phúc nó chỉ là con rắn hai đầu, mình nắm đầu này thì đầu kia nó quay lại cắn mình." Và nói là "hai mặt của một đồng tiền", cũng một thí dụ khác, thì để có thể biết đó là con rắn hai đầu, để thể nhận biết được sự nguy hiểm và thấy được cái quả khi mà nhìn thấy nhân để biết "tri nhân tri quả" như vậy phải là một bậc thiện trí, và đồng thời cái nhìn đó mang tánh cách dụng quả là chiều thứ tư, chẳng những nó mang cái tập kích của thời gian mà nó còn có ý nghĩa rất là sâu xa, đó là chúng ta nhận rằng ở trong cuộc sống, trong sự đến đi nó có một cái gì mà nó khác hơn là cái mà chúng ta có thể thấy được, có thể đụng chạm được.
Bà Thiền Sư Madhita, là một vị Thiền Sư cư sĩ người Mỹ, bà học thiền và bà mở thiền viện ở Jakey Valley. Khi một người hỏi bà rằng "Bà có thể định nghĩa nghiệp ở trong Đạo Phật là gì không?" Thì bà suy tư một lúc rồi bà nói là "You nerver get away with nothing." Có nghĩa là chúng ta không bao giờ có thể trốn thoát cái gì mà chúng ta đã làm mà hoàn toàn lành lặn, hoàn toàn không bị để lại một vết tích gì hết, có nghĩa là mọi hành động lời nói việc làm trong đời sống này đều để lại một dấu ấn, đều có những di sản của nó, đều có cái di hoạ nếu là bất thiện, và những cái mà nó để lại có đôi khi lớn hơn là cả một dấu chân của một người đang đi trên cát, chúng ta đi trên cát dấu chân có thể lớn bằng bàn chân của chúng ta thôi nhưng quả dị thục có thể lớn gấp trăm ngàn lần cái mà chúng ta có thể thấy ở trong đời sống này. Và quả thật thưa qúi vị, đối với một người không có trí thì giữ gìn cái trước mắt và cái trước mắt đó rất nhỏ so với quả về sau này, và cái trước mắt đó có thể rất là ngọt ngào. Đức Phật không bao giờ nói rằng người làm việc bất thiện mà cái việc bất thiện đó họ đang làm bao giờ cũng sầu khổ hết, Đức Phật Ngài dạy rằng tất cả thiện nghiệp bất thiện nghiệp đều có vị ngọt và quả của nó thì Ngài nói quả thật thì có khác biệt rõ ràng giữa quả thiện và bất thiện, nhưng riêng cái nghiệp đang tạo thì ít có người nào thấy được sự lạc thú và không lạc thú rõ ràng, có những việc làm bất thiện tuy rằng bất thiện nhưng nó là việc làm đầy lạc thú và về điều này là lý do tại sao chúng ta thường lầm lẫn nghĩ rằng chúng ta đang theo đuổi và đang đáp ứng một cái nguyện vọng lớn nhất của kiếp người đó là mưu cầu hạnh phúc nhưng thay vào đó chúng ta đã tạo ra quá nhiều đổ vỡ về sau này.
Thưa qúi Phật tử, đất nước Việt Nam của chúng ta đang trải qua một thời kỳ rất đau thương và có thể để lại nhiều năm nữa là hằng bao nhiêu thế hệ thì chúng ta bị nạn chia rẽ, những bộ máy thống trị luôn luôn làm sự chia rẽ để cai trị, nhưng di hoạ của sự chia rẽ đó là một di hoạ rất lớn cho đất nước Việt Nam. Không biết bao nhiêu năm nữa thì tất cả con người Việt Nam mới có thể nhìn nhau bằng một ánh mắt hoà ái, chúng ta là người Việt Nam có thể thương yêu người Việt Nam được. Có thể nói rằng một trong những chứng bệnh lớn nhất của tất cả các quốc gia nhược tiểu đó là sự chia rẽ, đó là tính không đồng bộ, thì chúng ta lại bị bệnh đó nặng hơn bao giờ hết, rất khó khăn để chúng ta có thể cùng hợp tác với nhau trong một cộng đồng người rất nhỏ của chúng ta thì tinh thần làm việc biệt lập vẫn là tinh thần cá nhân, nó vẫn là một cái gì mà chúng ta thấy có ảnh hưởng lớn đến tinh thần làm việc của mọi người, thì những hậu quả đó thưa qúi vị rất là khó lường được. Những thể chế nào đó những nguồn máy cai trị nào đó có nghĩ rằng đây chỉ là phương cách để cai trị ,để nắm lấy cái vận mệnh của quốc gia, nắm lấy vận mệnh của đất nước trong nhất thời nhưng mà về lâu về dài thì cái hậu quả khủng khiếp chúng ta không lường được, một chánh sách rất nhỏ thôi. Người ta nói đến trách nhiệm của một nhà làm văn hoá, một người trách nhiệm của một người lãnh đạo, người ta muốn nói trách nhiệm của bản thân của chúng ta. Khi suy nghĩ về lâu về dài thì chúng ta mới thấy rằng những lời dạy của Đức Phật hết thức là thấm thía, thấm thía là vì nhất thời chúng ta chỉ thấy những kết quả đạt được, kết quả đó như vô số sự thử nghiệm về thuốc mà chúng ta đã thấy ngày hôm nay, có rất nhiều loại thuốc khi vừa đưa ra thị trường nó đáp ứng một số nhu cầu cấp thời ai thấy cũng cần nó nhưng mà về lâu về dài những biến chứng thì có thể nói là không bao giờ có thể lườn được.
Chúng tôi nhớ cách đây không lâu ở tại Quảng Đông có lẽ qúi vị được biết rằng có một chứng bệnh lúc đó người ta nghĩ rằng có một chứng bệnh viêm phổi cấp tính, và những người có trách nhiệm ở tại tỉnh Quảng Đông thì họ nghĩ rằng nếu cho mọi người biết được là có một chứng bệnh dịch và bệnh dịch đó không có thuốc chữa mà lan tràn rất nhanh thì nó có ảnh hưởng đến nền du lịch của Quảng Đông, và vì vậy từ cuối năm rồi cho đến mãi đến tháng Ba thì bắt đầu chính quyền Trung Quốc mới lên tiếng thì lúc đó chứng bệnh đó đã sang bên Hồng Kông, đã sang tới Toronto của Canada, tới Philipine, và đặt biệt là tại thành phố Toronto của nước Canada người ta truy tìm ra thì tất cả những chứng bệnh tại Toronto đều xuất phát từ một người phụ nữ người Canada gốc Hoa, và cô này đã đến thăm Đài Loan một chuyến và mang chứng bệnh đó về và lây cả bệnh viện. Cái chuyện truyền nhiễm của bao nhiêu người và mang lại tổn thất bao nhiêu lợi tức trong thành phố lớn như Toronto mà phát xuất từ một người và cũng là một ví dụ khác cho chúng ta thấy rằng có những quyết định và có những quyết định ví dụ như những viên chức có trách nhiệm về y tế ở tại Quảng Đông nghĩ rằng khi mà cho mọi người biết có một chứng bệnh hiểm nghèo, có chứng bệnh dịch đang lan tràn như vậy thì điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, nhưng mà về sau này người ta nói đó là một quyết định sai lầm tại vì với doanh số to lớn và với chuyện mà đi lại của Hồng Kông và Quảng Đông thì chắc chắn là Hồng Kông sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn nặng nề. Và quả thực như vậy đã có lúc Hồng Kông trở thành thành phố như là thành phố chết bởi vì mọi người rất sợ bị cảm nhiễm bệnh.
Có vô số chuyện xảy ra không cần phải nói chuyện thời xa xưa, và cũng không cần phải nói chuyện chúng ta phải đào ở trong kinh sách, hay là không cần phải nói chuyện mà chúng ta phải lắng tâm suy nghĩ, chỉ những chuyện nhan nhãn xảy ra trước mắt chúng ta thôi thì chúng ta thấy rằng đã gây bao nhiêu tai hoạ, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy sự việc có một khía cạnh thôi, một cái nhìn rất là phiến diện, và đặc biệt ở đây là chúng ta nhìn cái vị ngọt hết sức là ngọt ngào, ngọt đến đỗi mà chúng ta bất chấp tất cả, ngọt đến đỗi mà chúng ta quên tất cả mọi thứ khác, về điều này nó là một thảm kịch tạo nên một bi kịch của nhân loại. Qúi Phật tử ở trong rơom nếu qúi vị không sống tại Hoa Kỳ, chúng tôi nói điều này có lẽ qúi vị rất ngạc nhiên, là ở tại Hoa Kỳ hiện tại bây giờ số người ở trong tù có hơn một triệu người có nghĩa là ở trong 300 người Hoa Kỳ đó thì có một người bị ở tù, và tiền để lo cho những người tù một số tiền không có nhỏ. Chúng tôi có quen một vài anh cảnh sát ở đây làm việc ở trong các nhà tù thì anh cho biết rằng ngân sách để nuôi tù một người tù tại Hoa Kỳ một năm như vậy là rất lớn. Tại thành phố Houston, chúng tôi nói thành phố chúng tôi đang ở thuộc Harris county, nơi này một người tù nhốt một năm chính phủ đã ướt tính là 38 ngàn Dolllars, với cuộc sống 38 ngàn Dollars là một con số không nhỏ, và có nhiều người lên tiếng rằng tại sao chúng ta không đầu tư số tiền khổng lồ đó để làm cách nào để ngăn ngừa và để ngăn ngừa tội phạm hơn là để trừng phạt. Ai nói cũng được, ai viết cũng được, ai ai cũng biết vậy, và quả thật chúng ta đồng ý một điều là nên ngừa bệnh tốt hơn là trị bệnh, nên áp dụng đế đạo vương đạo hơn là bá đạo, nên trị tận gốc hơn là đau đâu trị đó, và phòng ngừa là thượng sách điều đó ai cũng biết hết nhưng tất cả chúng ta đều bị kẹt hết, tất cả chúng ta đều rơi vào một tình trạng đó là chúng ta chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt mà chúng ta không có về đường dài, chúng ta không có được tầm nhìn. Những quốc gia nghèo thưa qúi vị và những thể chế tương đối là không có nhiều nguồn tài chánh dồi dào, nhiều chính phủ không có nguồn tài chánh dồi dào thì thường là chạy theo công việc đáp ứng, việc cấp bách hơn là có kế hoặch về lâu về dài và điều này người ta trả một giá rất đắc.
Những lần mà chúng tôi về Bangkok có một trong những điều của thành phố Bangkok làm chúng tôi không thoải mái đó là xe cộ thường kẹt tắc nghẽn lưu thông, người ta nói rằng thành phố phát triển không có kế hoạch gì hết, không có cái huy hoặch phát triển thành phố, nhu cầu đến đâu thì làm đến đó, một cái xa lộ làm tại thành phố Bangkok có thể tốn gấp mười lần một con lộ mà làm nếu trước khi thành phố chưa có mở mang là bởi vì phải mua lại đất, và mua đất rất là mắc, rồi những phương tiện làm để đám ứng rất đắc, có nghĩa là nghèo thì lại mắc cái eo, ông bà chúng ta nói như vậy, và chúng ta cũng thấy một điều rằng cái gì mà không có cái nhìn xa, không có tầm nhìn thì cái đó để lại cái hoạ khôn lường, chúng ta không có tính toán không có trù liệu được thì chúng ta sẽ thấy vô số những thảm kịch xảy ra. Nói về điểm này thì chúng ta mới hiểu tại sao kiếp trầm luân là khổ, tại sao kiếp nhân sinh là khổ, cái khổ nó không phải đơn giản chỉ có già đau chết mới khổ, cái khổ cũng không phải chỉ đơn giản là tám ngọn gió đời là khổ, cái khổ của trần ai là một trong những cái khổ lớn nhất, đó là cái khổ của vô minh, cái khổ của không thấy nhân quả. Có bao nhiêu người trong thế gian này, có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự thấy được đạo lý nhân quả, ít lắm thưa qúi vị. Chúng ta phải sống trong một thế giới mà chúng ta suy nghĩ ra thấy rất là dễ sợ, tất cả mọi người hầu hết chúng sanh trong cuộc đời này chỉ đi truy tìm cái vị ngọt, cái vị ngọt nó giống như một chút mật ở trên lưỡi dao, cái vị ngọt đó nó giống như một đóa hoa nở ở trên một cái cây dại mà cây dại đó là cây độc, nhưng mà những lôi cuốn đó nó không có một biểu lộ gì cho chúng ta thấy rằng sau lưng nó là cả một hệ quả lâu dài.
Thật ra có vị nào theo dõi tin tức thế giới thì qúi vị thấy rằng hiện tại bây giờ đã xảy ra một sự việc gần như là bế tắc cho toàn cầu đó là sự khủng khoảng giữa các tôn giáo, hai tôn giáo Hồi giáo và Ky Tô giáo đang đối đầu nhau, người Hồi giáo họ cảm thấy họ bị lăng nhục, họ cảm thấy bị Ky Tô giáo ức hiếp. Và những người Ky Tô giáo họ nghĩ rằng Hồi giáo bành chướng ra thì nản khủng bố và sự kiểm soát dầu hoả của họ tại Trung Đông sẽ làm chi phối toàn cầu. Và thưa qúi vị những chính sách hiện nay của Hoa kỳ và chính sách hiện nay của tổ khủng bố đều là đương đầu đối đầu chứ chưa có một tiếng nói nào là hiểu biết chưa có một tiếng nói về đường dài hết, tất cả hai bên phía Ky Tô giáo cũng như phía Hồi giáo đều tin vào súng, đều tin vào nguyên tử, đều tin vào khủng bố, đều tin vào bạo động và đều tin vào những đòn phép của máu và nước mắt, chưa có tiếng nói nào hiểu biết và trong thời gian vừa qua khi chính phủ Hoa Kỳ đã đánh thắng Iraq, rồi chính phủ Hoa Kỳ đã có một vài lời hăm he đối với Seria đối với Iran thì TT Clinton có nói một câu, một câu mà không biết có bao nhiêu người chú ý đến câu nói này, ông nói rằng "Người chính phủ Hoa Kỳ không nên nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ có khả năng bắt giam tất cả những người chống lại chính phủ Hoa Kỳ trên thế giới này." Không phải ai chống chính phủ Hoa Kỳ, chống lại dân chúng Hoa Kỳ đều có thể đem quân qua đó hay là đem những tốp đặc nhiệm qua đó bắt đem về bỏ tù để mà trừng phạt được, điều đó có nghĩa là trong cái nhìn của vị cựu nguyên thủ quốc gia tổng thống Clinton cũng có thể thấy rõ ràng rằng chúng ta đến một mức độ nào đó không thể giết hết tất cả những người chống đối như là người Do Thái cố gắng làm để giết tất cả những người Palestine khủng bố tự tử bằng bom ở trong khu Gasa hay là những khu vực chiếm đóng được, tại vì sao vậy, bởi vì cố gắng này hình như là một cố gắng vô vọng, không ai có thể giết hết kẻ thù của mình, thì thưa qúi vị, cái thế giới như vậy đúng là một thế giới rất là nguy hiểm.
Chúng ta chưa kể ở chung quanh chúng ta, qúi Phật tử có thể tưởng tượng nếu qúi vị có gia đình có năm ba người con nhỏ ở trong nhà mà những đứa con nhỏ đó trong cái cách nó đi chơi ban đêm ban hôm trong cách chơi lửa chơi dao chơi súng, trong cách chơi lân la với hàng xóm nó hoàn toàn không ý thức gì hết, nó không biết hậu quả những gì nó làm nó chỉ đam mê và đam mê đi từ cái sự ham muốn này đến sự nông nỗi khác rồi qúi vị sẽ cảm thấy dể sợ lắm, đó là thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta thường tự trấn an mình và thường ngủ trong giấc ngủ bình yên, giấc ngủ bình yên đó tại vì chúng ta không có ý thức mà thôi. Qúi vị nào lái xe trên xa lộ mà chung quanh mình có rất nhiều người uống rượu say như là những đêm Giáng Sinh, như là những đêm nghỉ đại lễ toàn quốc ở tại Hoa Kỳ, những long weekend đó người ta nhậu nhẹt uống rượu và lái xe vào những cuối tuần thì qúi vị thấy rằng cái nguy hiểm đang chờ đợi, nhưng mà những nguy hiểm rất mảy may so với những gì mà Đức Phật Ngài cho chúng ta biết về thế giới này, thế giới này không phải có nhiều người mà hầu hết sống chỉ nhìn thấy được vị ngọt và ít có ai nhìn thấy cái gì đằng sau cái vị ngọt đó, ít có ai nhìn thấy cái gì nhiều hơn là cái mà chúng ta có thể thấy bằng mắt có thể nghe bằng tai, nhiều lắm thì chúng ta chỉ nghe được tiếng thị phi, nhiều lắm thì chúng ta nghe được những lời đàm tiếu nhưng mà ngoài những thứ đó ra , thế gian này dạy chúng ta rất ít về nhân quả, cuộc đời này cho chúng ta biết rất ít về cái gì sẽ xảy ra sau đó.
Và khi nãy TT Trí Siêu nói về nhân quả của vua Thiện Giác và tinh thần của bài kệ chúng ta cũng nhận thấy một điểm rằng ở trong điểm đó không phải là chúng ta tạo nghiệp và cái nghiệp chỉ để lại dấu ấn của nó, không để vết tích của nó, cái nghiệp đó để lại cả một món nợ khổng lồ. Thật ra nếu nói nhân quả mà ví dụ giống như con người đi để lại dấu vết chân thì chúng tôi nghĩ cái ví dụ đó nhẹ nhàng quá, một vết chân trên cát chỉ là một dấu vết để lại thôi, nhân quả đó có thể ở một mức độ nào đó giống như là một người nghèo đi vay nợ, nợ thì đẻ ra nợ và nợ thì chồng chất nợ, nợ này chồng chất lên nợ kia, nợ kia tạo nên nợ nọ và cuối cùng chỉ có nước tử tự và chỉ có nước khai phá sản và chỉ có nước là bỏ xứ ra đi chứ thật sự rất khó để chúng ta có thể trả hết những món nợ trần gian này. Phải cảm nhận điều này nghĩ đến điều này thì chúng ta mới hiểu được cái nguy hiểm của cuộc sống, và chúng ta mới cảm được cái nỗi đáng sợ của luân hồi, chúng ta đam mê chìm đắm trong sự luân hồi là tại vì chúng ta ngây thơ nghĩ rằng thế giới này sẽ an bình. Nếu chúng ta có một chính phủ tốt, nếu chúng ta sống ở một đất nước gọi là cường quốc, nếu chúng ta có một nền pháp trị bảo đảm, nếu chúng ta có công ăn việc làm tốt, hay là một món tiền kếch sù nào đó để trong nhà băng, hoặc giả là bất cứ lý do gì đó mà chúng ta cảm thấy an toàn, nhưng chúng ta thật ra chưa thấy được gì hết thưa qúi vị, chúng ta chưa thấy được rằng hầu hết chúng sanh trong cuộc đời này kể cả những người thân rất thân ở chung quanh mình, và chính bản thân của mình nữa đang giống như những con thiêu thân lao vào ngọn lửa, đang giống như một người vì đam mê một ít mật ở trên đầu một lưỡi gươm bén mà liếm mật đó, có thể nói rằng hàng trăm ngàn nguy hiểm đang chờ đợi.
Do thấy được điều này. Thưa qúi vị chúng ta cảm nhận được cái giá trị của những ngày giờ im lặng nghe pháp, chúng tôi trong những thời gian mấy năm qua thì thông thường trước khi có những đại lễ chúng tôi hay tổ chức ngày tu học như là một đêm thọ trì hạnh đầu đà hay một ngày tu học trọn ngày trước đại lễ, và có một vài vị nghĩ rằng việc đó làm cực cho chúng tôi nên qúi vị khuyên là có lẽ là nên tổ chức đại lễ thôi, tổ chức thêm một ngày tu học thấy Sư ngồi từ sáng tới chiều cực quá. Chúng tôi thật không nghĩ như vậy, chúng tôi nghĩ ngược lại là ở trong mùa lễ Phật Đản, lễ Tam Hợp kỷ niệm sự ra đời của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nếu mà chúng ta tổ chức một đại lễ thì chúng ta chỉ trộn rộn nhiều và không có thì giờ ngồi lại để lắng đọng tâm tư và chúng tôi tin rằng chỉ có những giờ phút im lặng hay ít nhất rất thanh tịnh thì chúng ta mới có thể có thì giờ gần được với giáo pháp, nên vì vậy ở trong những pháp hội như là pháp hội chúng ta đang tìm hiểu kinh Pháp Cú ở đây, chúng tôi rất tin rằng những thì giờ mà chúng ta ngồi ở trong rơom nghe pháp có thể là những gì chúng ta nghe là những gì chúng ta nghe rất là nhiều nhiều đến đỗi mà chúng ta có thể lập lại một cách trơn tru, lập lại một cách nhanh chóng những bài kệ mà những vị Giảng Sư nói. Và có lẽ thưa quí vị những điều mà TT Trí Siêu giảng có lẽ là những điều đó qúi vị đã được nghe ngày hôm qua ở trong phòng giảng nào đó hay là trước đây chúng ta đọc được trang kinh nào đó và hôm nay được nghe lại, nghe câu chuyện vua Thiện Giác hay những câu chuyện liên quan đến cuộc đời Đức Phật v.v... Nhưng mà vấn đề ở đây không phải là nghe đi nghe lại mà vấn đề ở đây là chúng ta có thể tắm gội ở trong những tư tưởng rất gần với lý nhân quả, những tư tưởng rất gần với lý nhân quả đó thắp sáng được ý thức và ý thức đó hết sức là quan trọng giữa kiếp người vốn nằm ở trong quên lãng này.
Chúng ta rất dễ bị lãng quên, dễ lãng quên lắm có thể nói là hầu hết đời sống của chúng ta như một đứa nhỏ khi chúng ta còn nhỏ đi chơi bị đòn thì khóc, đôi khi nước mắt còn ở trên mặt mà đã quên rồi lại bậc cười lại chạy theo bạn bè khác, chúng tôi không biết rằng qúi Phật tử có nhìn thấy tình trạng như vậy của những trẻ em không, có nhiều trẻ em nhập cuộc chơi, mặt mày hí hửng và những giọt nước mắt vẫn chưa khô ở trên má là bởi vì cái vui cái buồn bất chợt, nó chợt đến chợt đi và em đó hoàn toàn không có ý thức được cái gì ở trong cuộc sống này, ở một chừng mực nào đó thì chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn vui khi mà giọt nước mắt vẫn còn ở trên má của mình, chúng ta vẫn hào hứng nhập cuộc mặc dầu cái đau thương vẫn còn đó và cách đau thương đó vẫn vương vấn ở đâu đó trong tâm tư của mình, và thêm vào còn tệ hại hơn nữa là khoảng đường trước mắt đầy chông gai bị nguy hiểm nó cho chúng ta biết rằng sẽ có nhiều tai hoạ đang chờ đợi, nhưng chúng ta vẫn ưa thích, vẫn vui vẻ, vẫn có kỳ vọng để bước vào cuộc trầm luân. Phải thấy được điều này thì chúng ta mới thấy rằng tại sao một bậc thiện trí ý thức giữa cuộc đời này không có bám víu vào trầm luân sanh tử, mà không có cảm thấy rằng mình đang có thể ngủ yên trên đống lửa được, là bởi vì sao, bởi vì các vị đó có trí tuệ, mỗi lần đọc những câu kinh về nhân quả như câu kinh chúng ta nghe ở tại đây thì chúng ta một lần nữa hiểu tại sao Đức Phật dạy rằng đời sống của chúng ta là đời sống bị phủ lấy bởi vô minh, bị phủ lấy bởi một màn đêm tăm tối mà trong đó chúng ta hoàn toàn biết rất ít về bước chân kế tiếp của mình, không biết bước chân đó đưa chúng ta xơ xảy vào một cạm bẫy xơ xảy vào một hố sâu, đạp trên đầu một con rắn độc, chúng ta hoàn toàn không biết được những bước đi sắp tới của mình và cái gì được chúng ta biết được bây giờ thưa qúi vị đó là vị ngọt của đời sống.
Có một lần chúng tôi nghe một diễn giả nói về trưởng thành của kiếp người, vị đó định nghĩa thế nào là sự trưởng thành, có rất nhiều ý trình bày của vị này nói đến một người trưởng thành của một người đàn ông thật sự là đã trải qua đời sống gia đình mới gọi là trưởng thành, vị này nói rằng một người đàn ông mà chưa có lập gia đình thì trong ngành tâm lý hiện tại nói rằng người đó chưa có thật sự là một người đàn ông thật sự, vị này cũng nói lên sự trưởng thành là một con người sống từng trải, nói trưởng thành là một con người mà có vinh có nhục, nếu một người chỉ có giàu, chỉ có vinh quang chưa có tủi nhục thì người đó chưa có trưởng thành, và vị diễn giả đó quay sang hỏi chúng tôi rằng:
"Thưa Thầy, Thầy là vị tu sĩ thì Thầy nghĩ như thế nào về sự trưởng thành."
Đó là câu hỏi bất chợt tại vì chúng tôi chỉ tình cờ đến đó, tình cờ có mặt ở đó, chúng tôi chỉ nghĩ rằng mình chỉ là một người tham dự vào chưa bao giờ nghĩ mình có một ý kiến gì hết, nhưng bỗng dưng lúc đó lại nhớ lời dạy rất ngắn ở trong Trung Bộ Kinh, chúng tôi đứng lên nói rằng:
"Trong cái nhìn mà chúng tôi được học từ trong kinh Phật một sự trưởng thành thật sự của đời sống đó là nhìn cuộc sống được ở cả ba phương diện; vị ngọt của cuộc sống, sự nguy hiểm của cuộc sống, và sự xuất ly của cuộc sống. Nếu một người chỉ thấy được vị ngọt mà chưa thấy được nguy hiểm thì người đó chưa gọi là trưởng thành, và nếu một người thấy được vị ngọt và thấy được nguy hiểm mà không thấy được con đường xuất ly thì cũng chưa gọi là trưởng thành"
Thì thưa qúi vị lời phát biểu đó chỉ là lời phát biểu nhưng mà sau đó chúng tôi trở về thì có một thính giả ở trong buổi phát biểu đó, ông tìm thấy câu trả lời đó nó có một cái gì đó làm cho ông suy nghĩ về kinh Phật và ông xin chúng tôi bài kinh đó, chúng tôi đã đưa ông bài kinh này. Trong bài kinh đó đã mang lại cho vị Phật tử này một cách nhìn mới về đạo Phật khi Đạo Phật nói về tâm tư trưởng thành của kiếp người. Sau đó Phật tử đã gọi chúng tôi, vị đó đã nói với chúng tôi rằng:
"Khi đọc bài kinh này con cảm tưởng như là chúng ta những kẻ phàm phu trong cuộc đời này không có mấy người được trưởng thành."
Chúng tôi cười và nói với đạo hữu đó:
"Quả thật như vậy, Đạo Phật gọi những người trưởng thành là những bậc thánh, bậc thánh có nghĩa là sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả và vị tứ quả xem như là vị trưởng thành hoàn toàn. Khi chúng ta sống trong cuộc đời này mà chúng ta chưa thấy được nguy hiểm thì chúng ta chưa gọi là trưởng thành, nhưng thấy được vị ngọt, thấy được nguy hiểm, mà không thấy được con đường giải thoát, không thấy được con đường để xuất ly để vượt thoát là chúng ta cũng chưa có gọi là trưởng thành thật sự."
Bởi vì thưa qúi vị có những người chỉ thấy được vị ngọt, có những người bình tâm hơn thì thấy rằng cuộc sống có vui có khổ nhưng trong cái vui cái khổ này chúng ta hoàn toàn mù tịt về một giải pháp cuộc sống hầu như không có solution (giải pháp). Cuối cùng rồi chúng ta chỉ nói được một câu thôi là "trời kêu ai nấy dạ" là cuộc sống tới đâu thì hay tới đó chứ chúng ta không biết phải làm thế nào. Thì thưa qúi vị những khái niệm đó là những khái niệm rất đặc biệt ở trong Đạo Phật.
Và một lần nữa chúng tôi nhắc qúi vị một điều rằng có một lần Đức Phật Ngài cho các vị Tỳ Kheo biết là trong cái cái nhìn của một vị Giác Ngộ và trong Phật nhãn của Ngài, Ngài thấy rằng hầu như rất ít những vị tín đồ của các ngoại đạo được sanh về cõi trời, chỉ có một giáo phái duy nhất mà giáo phái đó dạy về nghiệp, ở trong giáo pháp đề cập về nghiệp có tín đồ tín đồ sanh thiên thì chuyện này là một chuyện rất dễ sợ, nếu một người đọc qua thì nghĩ rằng đó là lời bình luận của Đức Phật, nhưng phải nói rằng trong bất cứ một tôn giáo nào mà không có cái căn bản về giáo lý nghiệp báo về nhân quả thì ở đó không có tín đồ sanh về cõi trời đừng nói chi đến giải thoát. Điều này là một điều mà chúng ta phải suy nghĩ và khi nói đến nhân quả thì chúng ta lại nói thêm một việc khác nữa là đề cập đến nhân quả, đề cập đến cái nhìn toàn diện về cuộc sống, thì cũng chính ở tại đó Đức Phật Ngài cho chúng ta hiểu rằng mỗi con người phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Và câu nói người ta thường đề cập đến ở bên ngoài là đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ, nhưng làm lành lánh dữ mà vì giáo điều, vì đó là điều răn thì nó khác với làm lành lánh dữ là do dựa trên tinh thần nhân quả. Tinh thần nhân quả cho chúng ta một ý thức khác hoàn toàn. Đôi lúc qúi vị nhìn thấy quan niệm nhân quả ở đây không có hình dáng của Phật, không có hình ảnh của thượng đế, không hình ảnh của thần linh, không có quyền phép thưởng phạt. Hình ảnh nhân quả mà Đức Phật nói ở đây rất giản dị nhưng rất là thiên nhiên, trong cái tự nhiên đó nhân và quả như là một định luật như là một điều tự nhiên, không có một vị phán quan, không có một sự phán xét nằm ở giữa, và tinh thần nhân quả đó không nói đến một ngày đại thẩm phán, một ngày phán xét của lúc tận thế, mà nhân quả ở đây là nhân quả nhãn tiền chúng ta có thể thấy được nhân quả đó cũng có thể là nhân quả mà nó để lại cả một hậu quả lớn lao về sau này. Nên khi nói về nghiệp nói về nhân quả thì khôn cùng, chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết vấn đề nhân quả trong đời sống này và hiểu như vậy chúng ta trở nên khiêm tốn, hiểu như vậy chúng ta thấy rằng tại sao chúng ta cần đến Phật, hiểu như vậy chúng ta mới thấy tại sao chúng ta cần những giờ phút để chúng ta có thể nghe pháp để chúng ta có thể suy niệm Phật pháp.
Thưa qúi vị không phải là dễ dàng cho mỗi chúng ta sống ở trong thế giới ngày hôm nay để chúng ta có được những thì giờ mà ngồi lại bàn luận về nhân quả bàn luận về những ý lý mà nó khác hơn là những ý lý chúng ta có trong đời sống hàng ngày. Có đôi lúc một vài Phật tử hỏi chúng tôi rằng nghe nói Thầy rất là bận rộn tại sao khi nào có ở chùa Thầy vẫn dành nhiều thì giờ cho chương trình paltalk như vậy, chúng tôi chia sẻ cảm nghĩ này với vị đó là chúng tôi rất qúi trọng sự có mặt của qúi vị Phật tử khi đến với chương trình paltalk, mỗi một vị nào đó vào trong phòng này ngồi nghe pháp, dù có một người hai người thì chúng tôi vẫn thuyết, dù có một người hai người thì chúng tôi vẫn dành thì giờ để làm việc bởi vì chúng tôi tin rằng thì giờ của qúi vị rất là qúi báu, cái cách sống của thế giới chúng ta hôm nay cái xã hội kỷ nguyên tiêu thụ này và cái quan niệm về kinh tế của người Tây Phương đã biến toàn thế giới trở thành một nhà máy sản xuất khổng lồ và đa số chúng ta đều là những cơ phận trong bộ máy khổng lồ đó, chúng ta quá bận rộn để suy tư và chúng ta được nhồi nặn ra để trở thành một người sản xuất một người tiêu thụ, và khi mà chúng ta nói đến một công dân hay một người tiêu thụ thì những chữ đó nghe rất là đẹp nhưng nhìn lại thì rất là mỉa mai, chúng ta sanh ra ở đời không phải để trở thành một công nhân không để trở thành một người tiêu thụ mà chúng ta còn có ý nghĩa lớn hơn nữa đó là chúng ta biết ngồi xuống để suy tư về kiếp người về thân phận của chính mình, và về những gì liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc xa hoặc gần liên quan đến cuộc sống của chúng ta, và có thể nói rằng chính vì vậy mà chúng ta cần có thì giờ để ngồi xuống để nói để lắng nghe và để chia xẻ những quan niệm về nhân quả, có bao nhiêu lần ở trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta ngồi kiên nhẫn nghe mẹ của mình, nghe bạn của mình, nghe Thầy của mình để nói về vấn đề nhân quả, ngay cả những câu chuyện thường có ở trong chùa cũng là những câu chuyện thị phi cũng là những câu chuyện vô ích và người Phật tử cũng ít có khi ngồi xuống để bàn luận về chánh pháp, đa số chúng ta ưa thích tụng kinh, đa số chúng ta ưa thích những sự thù tạc qua lại, đa số chúng ta ưa thích những sinh hoạt văn nghệ lễ hội mà rất ít trong chúng ta có thì giờ để ngồi xuống để nghe pháp để chiêm nghiệm. Chúng tôi không bao giờ mỏi mệt để giảng kinh Pháp Cú và để nghe kinh Pháp Cú, và mỗi lần chúng tôi có dịp vào trong rơom và có TT Trí Siêu ngồi nghe TT Trí Siêu giảng thật sự trong lòng của chúng tôi rất sung sướng như là chúng tôi đang đọc một quyển sách và cũng giống như là chúng tôi đang ngồi bên cạnh TT Trí Siêu để đàm đạo, mặc dù những câu kinh Pháp Cú này từng câu một chúng tôi đã nói rất là nhiều lần đó là qúi vị có thể đã từng nghe hay ít nhất là qúi vị rất quen với những khái niệm này:
Khi ác chưa chín muồi
Người ngu nghĩ là ngọt
Ác nghiệp chín muồi rồi
Người ngu chịu khổ đau
Những ý niệm đó không phải là ý niệm xa lạ với chúng ta, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có thì giờ để nghe có thì giờ để an tâm, có thì giờ để hoà nhập, có thì giờ để thấm nhuần hay không, chúng ta thật sự ít có thì giờ để thấm nhuần, nghe tai bên này qua tai bên kia và chúng ta rất ít dịp để chịu khó ngồi xuống lắng nghe./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Download KN 69
Kinh Pháp Cú Lưu Trữ
|