Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 67

Tính chất hành vi xấu



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Nghiệp làm không tốt đẹp
Làm rồi phải ray rứt
Thọ cảm quả dị thục
Mặt nhuốm lệ khóc than.

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Na tam kammam katam sàdhu yam katvà anutappati
Yassa assumukho rodam vipàkam patisevati


Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Bài kệ số 67 là một trong những bài kệ rất là thú vị của kinh Pháp Cú, không phải riêng về bài kệ mà ngay cả duyên sự là một duyên sự rất đặc biệt. Có rất nhiều người trong chúng ta thử hỏi rằng nếu chúng ta cầu Phật và gặp được Phật thì Đức Phật sẽ ban cho chúng ta điều gì?. Điều này không phải là một câu hỏi dễ dàng trả lời. Trước khi đi vào nội dung của bài kệ này, chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe một câu chuyện xảy ra tại thành phố Houston trong mấy ngày qua. Vào mùa Phật Đản này cũng là ngày hiền mẫu tại Hoa Kỳ, một vị mục sư Tin Lành tại thành phố Houston đã có một chương trình phát thanh trên đài về giáo lý Tin Lành và ở trong bài nói chuyện này thì nhắm vào phần lớn những người Phật tử đang nghe đài, vị mục sư Tin Lành này đưa ra hai câu chuyện, câu chuyện đầu để tán thán Đức Phật và câu chuyện sau để tán thán chúa Jesu.

 

Câu chuyện đầu thì chỉ trích một đoạn của nàng Kisà Gotami một người có một đứa con nhỏ bị chết đem xác đứa con mình đến nhờ Đức Phật cứu, Đức Phật Ngài đã không cứu sống đứa con nàng, nhưng Ngài đã cứu được nàng nghĩa là Ngài đã dùng cách để cho nàng hiểu được lý vô thường và từ đó nàng đã lãnh hội được diệu pháp đem ánh sáng tuệ giác để soi sáng cho tâm tư của mình. Và vị mục sư trích câu chuyện này với một vài lời khen về sự khai thị của Đức Phật, nhưng mà rồi sau đó mục sư này lại nhắc một câu chuyện của chúa Jesu và trong câu chuyện đó có một người đem xác người chồng mình đến đặt ở dưới chân chúa và nói rằng người này đã chết và xin chúa cứu lại thì chúa đã dùng phép mầu của mình để cứu. Rồi cuối cùng sau bài nói chuyện đó vị mục sư kết luận rằng Đức Chúa là vị đã thắng được sự chết, Ngài có thể làm kẻ chết được sống lại nhưng Đức Phật thì Ngài không làm được như vậy. Một số qúi Phật tử nghe câu chuyện này qúi vị rất là bất mãn, qúi vị nghĩ rằng vị mục sư đó đã cố tình để xuyên tạc và cố tình để dẫn chứng rằng Đức Phật Ngài không cứu được đứa con của Kisà Gotami chết rồi nên Ngài mới chỉ dùng một cách khác để né đi.


Chúng tôi nghe câu chuyện thì không khỏi bậc cười là bởi vì, thưa qúi Phật tử, thật ra người chết mà cứu sống được thì đó chỉ là một câu chuyện truyền thuyết từ xưa, cho đến hôm nay thì cũng không biết có câu chuyện như vậy xảy ra trong đời sống của chúng ta kể cả tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, và hầu tất cả mọi người sanh ra đời đều chết ở trong thế gian này, nhưng ánh sáng của tuệ giác một người mẹ quá sầu khổ, Đức Phật dạy rằng nếu đi tìm được hột cải mà ở nhà người nào chưa từng có thân nhân chết thì Ngài sẽ dùng hột cải để cứu sống con của nàng, nhưng nàng Kisà Gotami đã ôm xác đứa con mình đi từ nhà này sang nhà khác và cho đến chiều thì nàng chợt hiểu rằng ở trong thế gian này ai cũng chịu sự sanh ly tử biệt, nàng tỉnh ngộ và nàng đem chôn cất đứa con rồi trở về qùy dưới chân Đức Phật để xin được xuất gia. Thì thưa qúi vị, minh triết mà Đức Phật Ngài đã trao cho Kisà Gotami không phải là một câu chuyện huyền thoại ngày xưa mà ngay cả đến ngày hôm nay tất cả những ai ở trong hoàn cảnh lúc đó mà biết cách suy nghĩ như vậy thì đều có thể vượt qua đời sống hết.

Đó là giá trị của đạo. Giá trị của đạo nghĩa là thời nào buổi nào và nếu một người biết suy tư biết đem cái đạo vào lòng thì đạo đó vẫn còn có giá trị. Còn nói về huyền thuật nói về phép màu thì chuyện xảy ra 2000 năm trước hoặc là chuyện mà chúng ta nghe văng vẳng đâu đó không nhất thiết là áp dụng được ở trong đời sống chúng ta.

Hai câu chuyện đó mới nghe ra thì như là xuyên tạc Đức Phật, coi thấp Đức Phật, nhưng mà nói theo ngôn ngữ của kinh Phật thì đó là một cách gián tiếp khen Đức Phật, mặc dù khen bằng dụng ý là chê bai Đức Phật . Trong câu chuyện duyên sự đề cập đến ngày hôm nay, Đức Phật Ngài giúp người nông dân cũng là một câu chuyện lý thú khác. Nếu một người sắp bị hoạ mà Đức Phật Ngài đi ngang Ngài thấy như vậy, Ngài can thiệp thì Ngài can thiệp bằng cách nào? Cách mà Đức Phật Ngài can thiệp ở đây hết sức đặc biệt.

Đức Phật Ngài nhìn thấy một người nông dân đang cày ruộng và khi Ngài và Tôn Giả Ananda đi ngang thì ở phía trước Ngài thấy có một túi tiền, thật ra đó là một túi tiền vàng đã bị đánh trộm từ ở trong thành ra và những người trộm vì sơ ý làm rớt lại, túi tiền đó nằm ở trong đường của luống cày của người nông dân sẽ cày tới.

Và Đức Phật đã can thiệp bằng cách nào?

Khi Ngài đi ngang thưở ruộng đó anh nông dân ra đảnh lễ Đức Phật và Đức Phật tiếp tục đi, nhưng khi Đức Phật tiếp tục đi Ngài nhìn thấy túi tiền thì Ngài quay sang Tôn Giả Ananda Ngài nói cốt ý cho người nông dân đó nghe được.

"Này Ananda, đó là một con rắn độc."

Thì Tôn Giả Ananda lãnh hội được ý của Đức Phật cũng trả lời rằng:

"Dạ thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn đó là một con rắn độc chết người"

Anh nông dân đang làm ruộng nghe có con rắn thì tự nhiên phải đến quan sát và anh thấy túi tiền, ngay trong giờ phút đó nếu anh là một người nhanh trí một chút thì có lẽ anh không bị sự phiền hà bởi vì anh rất kính trọng rất thương Đức Phật và đặc biệt rất là sùng bái Đức Phật, và nếu Đức Phật Ngài dạy đó là con rắn độc thì ắt hẳn phải có vấn đề gì, nhưng vì ngay lúc đó trong cơn xử sự rất là thường tình của mình anh thấy túi tiền đó đã đem cất túi tiền đó bằng cách chôn ở mạnh ruộng, và sau khi chôn xong thì anh về nhà, ngày hôm sau anh ra ruộng để cày thì những người lính của nhà vua theo dấu chân kẻ trộm tìm đến thưở ruộng của anh, rồi từ chỗ đó họ lại tìm ra dấu chân của anh, rồi theo dấu chân của anh cuối cùng họ đã tìm đến chỗ chôn túi tiền, đào được túi tiền và bao nhiêu sự căn nhắc suy tư thì cuối cùng họ kết luận rằng anh nông dân này chính là kẻ trộm, họ bắt anh và kết án tử hình. Trên đường đi đến pháp trường anh không biết phải làm gì, đúng là tình ngay lý gian, mình có chôn túi tiền đó nhưng mình đã lượm túi tiền đó như là một túi tiền vô chủ, nhưng mà ai biết cho mình đó là túi tiền vô chủ, bây giờ người ta đang truy tìm kẻ trộm và người ta biết đích xác rằng mình là người chôn dấu số tiền đó, thì theo luật pháp là anh nông dân đó là kẻ gian chứ không ai khác nữa. Thì thưa qúi vị trong lúc sự nguy hiểm cận kề như vậy bỗng nhiên anh nhớ đến Đức Phật, anh nhớ đến câu trả lời của Tôn Giả Ananda và bỗng nhiên anh chợt nhận ra là Đức Thế Tôn đã cho anh biết rằng đó là một tai hoạ và bỗng nhiên trí tuệ khởi sanh trong lòng anh, anh sáng trí ra và anh cứ lập đi lập lại

"Này Ananda, kìa một con rắn độc"

"Thưa vâng, Bạch Thế Tôn quả là một con rắn độc chết người"

Đó là câu đối thoại của hai bậc thánh. Anh đọc đi đọc lại như một câu thần chú, dân ở trong thành Xá Vệ nghe câu nói đó thì ai cũng biết rằng đó là cuộc nói chuyện của Đức Phật với Tôn Giả Ananda, tại vì họ biết rất rõ về cách nói chuyện của Đức Phật và biết rất rõ về cách trả lời của Tôn Giả Ananda, và những người lính này lấy làm lạ kỳ họ trình lên Đức Vua Ba Tư Nặc và nhà vua cũng lấy làm lạ kỳ ra lệnh cho ngưng bản án đó và đích thân nhà vua đến gặp Đức Phật, và khi trình Đức Phật câu chuyện đó thì Đức Phật Ngài cho vua Ba Tư Nặc biết được những gì thật sự xảy ra, và thưa qúi vị anh nông dân được cứu. Và rồi trong câu chuyện đó khi kết luận thì chúng ta đã được nghe Đức Phật dạy rằng:

Việc làm không chánh thiện
Làm rồi sanh ăn năn
Mặt nhuốm lệ khóc than
Lãnh chịu quả dị thục.

Trong câu kệ này Đức Phật có một đề tài rất rõ ràng mà chúng tôi muốn qúi vị được nghe bản Phạn văn trước khi chúng ta đi vào ý nghĩa cũa từng chữ và rồi sau đó chúng tôi tiếp tục để giới thiệu ý nghĩa của bài kệ này. Đức Phật Ngài có một câu nói ngắn, đó là "Hễ việc làm gì mà nếu mình nghĩ hậu quả có thể làm cho mình hối hận được (ở đây Đức Phật Ngài dùng chữ mặt nhuốm lệ (rodamg) tức là mặt đầy nước mắt). Những người nào mà nghĩ hậu quả có thể làm cho mình hối hận thì việc đó hoàn toàn là việc không nên làm." Và đây là một câu Phật ngôn rất là có ý nghĩa trong đời sống của chúng ta, chúng tôi muốn tất cả qúi vị nghe câu Phật ngôn này qua lời đọc bằng Phạn ngữ của Ngài Dhammananda và ngay sau đó chúng ta sẽ trở lại với ý nghĩa bài kệ.

Na tam kammam katam sàdhu
Tức là đã làm những hạnh nghiệp mà không có hiền thiện.

Ngày hôm qua chúng ta có nghe một câu hỏi ở trong bài giảng pháp của TT Trí Siêu giảng về chữ ác và chữ không thiện, ở đây thì dịch từ chữ nasadhu, sadhu có nghĩa là điều tốt lành được tốt đẹp giống như thường qúi Phật tử thấy rằng có một số Phật tử mỗi lần Chư Tăng thuyết pháp thường nói là "Sadhu lành thay" sadhu nghĩa là lành thay, thiện thay, tốt thay, excellent ở trong tiếng Anh, nasadhu là điều không hiền thiện.

Thật ra thì ở trong một số ý nghĩa riêng biệt của tạng A Tỳ Đàm thì điều không thiện không nhất thiết là điều ác.

Có một pháp gọi là vô ký-Avyakrta là không thiện không ác, không thiện nhưng không có nghĩa là ác, nhưng thật sự ở trong kinh văn và ở trong cách nói bình thường, ví dụ như là Đức Phật Ngài thấy Đề Bà Đạt Đa lăn đá xuống Ngài nhìn lên Ngài mới nói với Đề Bà Đạt Đa một câu rằng : "Đây không phải là một hạnh nghiệp tốt đẹp." Thì khi Ngài nói không tốt đẹp đó có nghĩa là hạnh nghiệp xấu, thành ra ở trong mạch văn thường mà chúng ta nói thì khi chúng ta nói việc không đẹp thì nó có nghĩa là xấu chứ không có nghĩa là không đẹp, có nghĩa là bình thường có nghĩa là vô ký, thì ở đây nasadhu nghiã là một việc làm không có khéo không có đẹp. Thật ra thì trong tiếng Phạn định nghĩa về chữ thiện, trong ý nghĩa của chữ thiện thì có ý nghĩa là việc khéo, giả sử như chúng ta muốn an lạc mà việc làm của chúng ta đi ngược lại với nguyện vọng của chúng ta thì cái đó là không khéo, mà nếu chúng ta muốn hạnh phúc mà việc nào chúng ta làm thật sự mang lại cho chúng ta kết quả như ý thì cái đó đạo Phật gọi là khéo. Ở đây cái chữ nasadhu nghĩa là cái gì không có được tốt đẹp HT Minh Châu dịch là không có chánh thiện.

yam katvà anutappati
Yassa assumukho rodam vipàkam patisevati
Việc làm không chánh thiện,
làm rồi sanh ăn năn,
mặt nhuốm lệ khóc than,
chịu lãnh quả dị thục

Chữ vipàkam ở đây thường dịch là quả dịch thục, nó có một ý nghĩa, đúng ra chữ dị thục là một chữ viết tắt của chữ dị thời di thục tức là khác thời gian mà chín. Khác thời gian mà chín có nghĩa là một hạt giống mà chúng ta gieo ra bây giờ thì mai mốt sẽ sanh ra trái, và khi trái sanh ra thì nó khác với thời gian mà chúng ta gieo nhân.

Ngày hôm nay chúng ta có chữ gọi là hưởng thụ quá trình. Hưởng thụ quá trình thí dụ như khi chúng ta đang làm thiện mà chúng ta có được niềm vui trong lúc đang làm đó thì niềm vui đó không gọi là quả dị thục. Tại vì sao vậy? Cái niềm vui đó là một cách hưởng thụ quá trình là trong lúc chúng ta đang làm.

Dị thục được xem như là một sự tính toán hoàn tất một cái chu kỳ sanh hoá.

Chúng tôi lấy một ví dụ như vậy là Ngài Na Tiên trong lúc thảo luận với vua Milinda, Ngài đưa ra ví dụ một hột xoài được gieo xuống thì sẽ sanh ra cây xoài con, cây xoài con đó không thể gọi là quả dị thục của cây xoài, nó ra cây ra lá, cây lá đó dĩ nhiên là hậu quả của sự gieo giống đó, nhưng mà hoa lá cành đó không tính là quả dị thục cho đến khi nào nó sanh ra trái và trong trái đó nó có hột thì từ một hột xoài gieo xuống nó sanh ra trái chín có cái hột thì đó là một chu kỳ hoàn chỉnh của nhân quả.

Ví dụ như mình nói rằng do chúng ta đi xuất gia nên đầu cạo trọc, thì đầu cạo trọc là cái quả của sự xuất gia, cái chuyện đó không đúng là vipàkam. Vipàkam là một quả mà nó đạt đến chỗ sau cùng chỗ rốt ráo của cái nhân, ví dụ như đi xuất gia mà phải đạt đến thành tựu một cái gì về đời sống tinh thần cái đó gọi là quả của người xuất gia, nếu mà đi xuất gia mà chỉ đầu tròn áo vuông mà gọi là quả báu của xuất gia thì cái đó không gọi là quả báu được, cũng giống như là cây xoài nếu chúng ta chỉ gieo cái hột xuống và cái hột đó nó sanh ra cây, sanh ra lá non thì những thứ đó chúng ta không gọi là vipàkam. Như vậy ở đây chúng ta có chữ vipàkam được dịch là quả dị thục, dị thục có nghĩa là khác thời mà chín mà thành tựu, dị thời di thục đó là chữ dị thục. Nói một cách khác là trong câu này Đức Phật Ngài dạy rằng khi một người làm việc gì đó mà không nghĩ đến hậu quả tức là quả về sau này thì nếu mà mình biết cái quả đó nó có thể gây cho mình những phiền lụy thì ngay bây giờ là chúng ta nên dừng lại.

Việc làm không chánh thiện
Làm rồi sanh ăn năn
Mặt nhuốm lệ khóc than
Lãnh chịu quả dị thục.

Như là người nông dân trên đường đến pháp trường nếu không nhớ lời Phật dạy có thể trong lòng ông sẽ có ăn năn một điều rằng mình ham chi một mớ tiền, tiền đó nhiều thật nhưng mà không thấy được cái hoạ về sau này, ai thấy tiền vô chủ mà không ham, nhưng mà rồi không có nghĩ rằng một số tiền như vậy bỏ giữ ruộng thì chắc chắn nó phải có một lý do và lý do đó phải là lý do thường là bất chánh, nên chi người nông dân đã không khéo tránh, may nhờ Đức Phật Ngài can thiệp và những gì mà Ngài nói chuyện với Tôn Giả Ananda đều là những gợi ý giúp cho anh nông dân thoát nạn về sau này chứ nếu không thì anh này đã bị xử trảm tại pháp trường vì tội ăn trộm của nhà giàu.

Thì bây giờ trong câu chuyện chúng ta được nghe ở tại đây đó là một trong những thí dụ, thí dụ đó cho chúng ta thấy một ý nghĩa là đối với giáo lý của Đức Phật nhiều lúc chúng ta quá nghiêng nặng về lý lẽ thâm sâu mà chúng ta quên đi cách dạy của Đức Phật rất gần với đời sống và rất là cận nhân tình. Cận nhân tình chúng tôi muốn nói ở đây là Đức Phật dùng những hình ảnh bình thường ở trong đời sống này, chúng ta có thể nói về nghiệp, nghiệp theo A Tỳ Đàm, chúng ta có thể nói về nghiệp theo từng ly chi chút một về đời sau, nhưng mà ở đây Đức Phật Ngài có một cách Ngài nói về nghiệp, nhưng mà Ngài nói một cách rất là giản dị có thể nhìn thấy trong đời sống này.

Việc làm không chánh thiện
Làm rồi sanh ăn năn
Mặt nhuốm lệ khóc than
Lãnh chịu quả dị thục.

Những lời nói đó không xa lạ với bất cứ ai hết và một người bình thường không hiểu nhiều về Phật pháp cũng có thể hiểu được những gì mà Đức Phật dạy. Và đối với chúng ta ngày hôm nay nếu mà có ánh sáng minh triết nào mà Đức Phật Ngài dùng để soi sáng đời sống của chúng ta thì đó là những thứ mà bản thân của chúng ta có thể hấp thụ được. Những lời dạy này đã cho thấy cái giá trị lớn của kinh Pháp Cú, bởi vì đây là những lời dạy mà Đức Phật Ngài dành cho những người, người đó có thể là một nông dân, người đó có thể là một vị vua, người đó có thể là một nhà trí thức, và người đó có thể là một kẻ cùng đinh thiếu học. Nhưng tất cả đều có thể nhận hiểu được dễ dàng đó là cái đẹp ở trong lời dạy của Đức Phật.

Và chính bài kinh này cho chúng ta thấy được một hình ảnh khác là khi Đức Phật Ngài can dự vào cuộc sống thì Ngài không can dự bằng phép thuật nếu mà Ngài thấy nó không cần thiết. Có rất nhiều lần trong sự tranh chấp của nhóm này và nhóm khác, Đức Phật Ngài không dùng tới uy quyền mà Ngài tạo ra một bài học hoặc là Ngài bỏ vào rừng sâu hoặc giả là trong trường hợp giòng họ Thích Ca tranh chấp nhau vì giòng nước sông trôi đi với Đức vua Kosala, Đức Phật Ngài đã hỏi những người đó về nước qúi hay là mạng người qúi hơn.

Christomophi là một trong những nhà suy tư lớn của thế kỷ 20, ông nói một điều rằng vai trò của nhà giáo dục không phải là học giùm, suy nghĩ giùm cho người học trò, mà vai trò của nhà giáo dục là mời người học trò đứng vào ở trong một vị thế mà người đó có thể thấy được điều mà mình muốn thấy. Tương tựa như qúi vị có con ở trong gia đình nếu qúi vị muốn con của qúi vị hiểu biết được Phật pháp thì không có nghĩa là qúi vị bắt con của qúi vị ngồi xuống nói rằng mẹ hay là cha sẽ nói cho con nghe điều này hay lắm, Đức Phật còn phải nhận đó là điều hay điều đó là điều ở trong đời này không có cái gì hơn hết, mà chúng ta phải làm thế nào đó thay vì chỉ ca ngợi chúng ta đặt đứa con em của mình vào trong một vị trí ở trong một hoàn cảnh nó có thể cảm nhận được. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ thỉnh thoảng chúng tôi đi vào trong vườn nhà ông ngoại là một khu vườn lớn, và vào trong vườn thỉnh thoảng chúng tôi có nghe những người thân như là ông ngoại chỉ cho một vài loài chim rất đẹp đậu trên cây. Qúi vị tưởng tượng một cây xoài lớn như vậy mà có một con chim nhỏ tuy là màu sắc rất đẹp nhưng nó đậu ở một cành nào đó không phải ai thấy cũng được, và nếu ông ngoại chúng tôi mà chỉ đứng đó mà diễn tả cho chúng tôi biết con chim như thế nào và tại sao nó đẹp, mồng nó như vậy, chân nó như vậy, cánh nó như vậy, nó là một loài chim đẹp thì thưa qúi vị chúng tôi nghe hoài mà chúng tôi không bao giờ có thể nhận được cái đẹp của con chim đó. Nhưng thay vào đó thì ông ngoại đã chỉ cho chúng tôi chỗ nào để đứng thích hợp và từ chỗ đứng đó chúng tôi có thể nhìn thấy được với một vài gợi ý có thể nhận ra là ở trên cành đó chỗ hướng đó lại có một loài chim rất đẹp đang đứng múa hót trên đó. Thì đó là câu nói của Christomophi là vai trò của một nhà giáo dục là làm sao cho những người môn đồ của mình có thể đứng ở trên một vị trí mà cảm nhận được điều mà mình muốn nói, chứ không phải là suy tư giùm người học trò, hay diễn tả tất cả mọi thứ toàn phần cho người học trò biết.

Thì ở đây thưa qúi vị Đức Phật Ngài đến với thế gian này không phải Ngài muốn rằng tất cả chúng ta ngồi đó và Ngài sẽ là một hoạ sĩ kỳ tài vẽ ra bức tranh của giáo pháp rất là ly chi để chúng ta nhìn vào bức tranh đó chúng ta hiểu được chân lý. Thay vào đó Đức Phật cho chúng ta biết rằng mỗi chúng ta có khả năng để lãnh hội rất lớn và cái khả năng này không thể xem thường được, cái khả năng này có thể bừng dạy và cho chúng ta hiểu một điều rất sâu xa của đời sống. Chúng tôi tin rằng một trong những niềm hy vọng chân thật của đạo Phật dành cho thế giới loài người chính là niềm hy vọng thật lớn, đó là Đạo Phật dạy rằng mỗi chúng sanh đều có tiềm lực để giác ngộ và tiềm lực này không thể đánh giá một cách hời hợt một cách tầm thường được. Chúng ta đi vào cuộc đời này phải tin rằng ngay cả một kẻ lầm lỗi nhiều nhất thì cũng cơ hội để có thể thắp sáng được ý thức trong lòng của mình, ngay cả một đứa bé cũng có khả năng để hiểu để cảm nhận được những điều sâu sắc nhất.

Chúng tôi thưa qúi vị ở chùa có một con chó tên là Harmless, một con chó mà Chư Tăng và Phật tử ai cũng thương hết, hồi nhỏ đến lớn chúng tôi ít có để ý đến loài vật nhưng phải nói rằng từ năm 96, 97 từ khi con chó đến chùa ở cho đến bây giờ, ở gần con chó lâu thì chúng tôi hiểu được một điều là ngay cả con chó cũng có những tinh khôn đặc biệt, một sự cảm nhận đặc biệt mà mình không thể coi thường được. Lấy ví dụ là qúi vị Phật tử tưởng tượng được rằng khi nào có người lạ đến con chó biết quan sát, khi chúng tôi nói chuyện với những người lạ đó mà chưa có thái độ thân thiện thì nó vẫn đứng ngay trước mặt chúng tôi và ở trong thế sẵn sàng bảo vệ, nhưng khi mà giữa chúng tôi và người đó nói chuyện thân mật thì nó lại bỏ đi nơi khác. Cái sự cảm nhận đó đôi lúc chúng tôi nghĩ rằng nếu một người đã có được một con chó khôn như vậy thì không có lý do gì mà phủ nhận rằng con chó không có sự suy tư, không có sự linh mẫn ở mức độ mà chúng ta nghĩ rằng loài vật không thể nào có được.

Và trở lại với thế giới của con người chúng ta tại sao người ta nói tới thần linh, tại sao người ta nói đến phép màu, tại vì người ta muốn rằng cả trần gian này đều trở thành những cục bột, những cục bột đó muốn nặn tròn thì tròn, nặn vuông thì vuông và người ta đối xử với con người như là những cục bột bỏ vào trong khuôn để nặn ra thành những chiếc bánh. Đạo Phật không dạy con người như vậy, bởi vì Đạo Phật cho chúng ta biết một hình ảnh rất quan trọng, hình ảnh đó là một sự gợi ý, một sự tác động, sự bừng dạy, sự suy nghĩ trong lòng mình, do vậy khi Đức Phật Ngài đến với cuộc đời Ngài không trực tiếp can dự vào tất cả mọi chuyện. Đúng ra trong ngành thiền học của Thiên Chúa giáo người ta cũng có nói đến những điểm này, những điểm mà Chúa muốn cho con người chịu khổ, chúa muốn cho con người gánh trên vai một cái thánh giá và chúa muốn cho con người sống có ý thức, nhưng mà dần dà rồi những tín đồ cuồng tín họ nghĩ rằng: "nhất ẩm nhất các gia do thiên định" cái gì cũng là do Chúa sắp đặt hết và điều này nó trở nên một chuyện rất là nguy hiểm trong thế giới loài người là chúng ta mất đi chỗ đứng chân thực của trí tuệ. Nên chi có cái gì đó mà Đức Phật Ngài dự vào trong thế gian này, dự vào trong việc trần gian, không phải là Đức Phật Ngài đem tiền đem bạc đến cho một người nào, hay là Ngài làm cho những cặp tình nhân xích mích với nhau phải hoà thuận với nhau, hoặc giả là Đức Phật Ngài làm cho một người ở đời sống chưa may mắn trở thành may mắn, nhưng sự can thiệp của Đức Phật vào trong thế gian này là Ngài đánh động được cái ý thức Ngài muốn đánh, khơi dạy được cái trí tuệ vốn là một cái tiềm năng, vốn là cái khả năng rất to lớn trong người nhưng mà chúng ta lại không dùng tới không thấy được.

Và ở đây là một ví dụ rất là điển hình về sự can thiệp của Đức Phật, người ta có thể hỏi rằng tại sao Đức Phật không có nói thẳng với anh nông dân đó là "Con đừng thấy tiền mà ham không khéo số tiền này sẽ mang hoạ cho con", cách đó nhanh hơn trực tiếp hơn, nhưng Đức Phật đã không làm vậy mà Ngài quay sang Tôn Giả Ananda Ngài nói rằng:

"Này Ananda con có thấy một con rắn không? kia là một con rắn độc."
Tôn giả Ananda đã trả lời "Bạch Đức Thế Tôn, quả là con rắn độc chết người"

Hai vị Thánh đó trong cuộc đối thoại với nhau có một dụng ý rõ rệt làm cho người nông dân phải nhớ, tại vì trước sau trên luống cày của người nông dân này anh sẽ bắt gặp túi tiền, và chắc chắn rằng anh nông dân này sẽ lấy túi tiền đó, nhưng Đức Phật để dành cho anh một sự ban bố rất đặc biệt. Đó là ít nhất Ngài cũng cho vào đầu anh một cái gì đó để nhớ và chính cái ký ức này đã giúp cho anh thoát nạn, về sau này anh trở thành một người thuần thành hiểu đạo bởi vì thưa qúi vị anh đã thấy được là giá trị chân thật của lời dạy của Đức Phật.

Chúng ta đang sống trong mùa Khánh Đản đó là mùa kỷ niệm sự xuất hiện của Đức Thích Ca Mâu Ni ở trên cuộc đời này, thưa qúi vị, có rất là nhiều việc mà chúng ta có thể suy tư về cuộc sống của Ngài nhưng điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể suy tư được là Ngài có mặt ở trong đời sống của chúng ta như thế nào.

Chúng tôi nhớ có một vị Phật tử người Hoa kỳ đến từ Boston anh viết một quyển sách có tựa đề "Nếu Đức Phật vẫn còn trụ thế" trong quyển sách này anh đưa ra rất nhiều trường hợp mà thế giới hôm nay phải đối diện, ví dụ như những tranh chấp giữa quốc gia này đến quốc gia khác, những câu chuyện thị phi người ta nói xấu mình, hoặc giả là những sự bận rộn của đời sống mà chúng ta được đầu tắt mặt tối không có thì giờ v.v... Anh nêu ra gần hai trăm vấn đề của thời đại hôm nay và anh đã đặt câu hỏi "Nếu Đức Phật còn trụ thế thì trong lúc đó Ngài đã dạy điều gì?".

Thưa qúi vị, anh không chỉ đặt câu hỏi mà anh làm một công việc rất là ý nghĩa, là anh trở về tìm lại ở trong chánh kinh trong Tam Tạng kinh điển những giai thoại những câu chuyện và anh đem những giai thoại ghép thành những câu trả lời cho những nan đề do chính anh đặt ra. Và có lẽ không phải chỉ riêng anh Phật tử người Hoa Kỳ dễ thương này đã làm một công việc ý nghĩa như vậy, mà mỗi chúng ta đều nên đặt câu hỏi rằng: những lúc chúng ta âu lo, những lúc chúng ta bực bội, những lúc chúng ta hạnh phúc, những lúc chúng ta thanh thản thì những lúc đó, nếu Đức Phật còn ở tại thế thì Ngài sẽ dạy chúng ta điều gì? tất nhiên là chúng ta cần đến một kiến văn, chúng ta cần đến kiến thức Phật học, đọc kinh sách nhiều. Tuy vậy chúng tôi nghĩ rằng với sự tiếp xúc của qúi Phật tử những người yêu mến Phật pháp ngày hôm nay thường đến nghe pháp ở tại các chùa hay là ở trong các chương trình paltalk, hay là qua sách vở quí vị đọc, chúng ta có thể tìm được rất nhiều câu trả lời trong kinh điển của Đạo Phật.

Và may mắn cho chúng ta là Đức Phật đã không nói đến pháp màu, may mắn cho chúng ta là Đức Phật không nói đến những chính nhân cho những khả năng siêu việt của Ngài, mà thay vào đó Đức Phật để cho chúng ta một gia sản đồ sộ về những gì mà gọi là ánh sáng trí tuệ mà Đức Phật Ngài đã ban bố cho cuộc đời, và những thứ đó không thiếu. Chỉ riêng bộ kinh Pháp Cú này qua 423 bài kệ và hơn 227 câu chuyện được đề cập đến trong bản kinh Pháp Cú này, thì ở đó cho chúng ta cả một gia tài lớn lao, mà cái gia tài này không những chỉ cho chúng ta một niềm vui, không những cho chúng ta một cái hình ảnh về sử liệu, mà qua đó có rất nhiều gợi ý, những gợi ý này chính là ánh sáng mà Đức Phật đã để lại. Do vậy nếu qúi Phật tử hôm nay khi lật lại những trang kinh và đọc lại những câu chuyện, đôi lúc rất là quan trọng để chúng ta có thể nhìn đọc những câu chuyện đó cùng với các duyên sự, bởi vì có những bối cảnh mà những bối cảnh vô cùng giá trị không thể bỏ qua được. Trong lời kệ này nếu một người quen với kinh điển Đạo Phật thì nghe giống như là bao nhiêu câu kệ khác mà Đức Phật đã nhắc về trường hợp một người làm lành lánh dữ người ta thường nói như vậy, nhưng mà trong câu chuyện đó không đơn giản, trong câu chuyện đó nói lên một nguồn minh triết rất lớn. "Nếu mình làm gì đó, nếu mình làm một quyết định mà trong quyết định đó mà mình nghĩ rằng về sau này trong mười phần có 5, 7 phần là mình phải hối hận thì tội gì phải làm." một người có trí là một người sẽ làm công việc mà người đó nghĩ rằng nếu chuyện đó xảy ra cái hậu quả của nó mang đến mà mình hoàn toàn không hối hận thì việc đó mới chính là việc nên làm. Câu kinh rất là giản dị thưa qúi vị, câu kinh giản dị đến đỗi mà qúi vị có thể đọc lướt qua mà không để lại trong lòng một chút ấn tượng gì.

Việc làm không thánh thiện
Làm rồi sẽ ăn năn
Mặt nhuốm lệ khóc than
Lãnh chịu quả dị thục

Nó mang mang giống như bao nhiêu câu kinh Phật khác được nghe nhưng chúng tôi tin rằng ở trong câu kinh này chứa đựng rất nhiều sự ảo diệu, bởi vì chúng ta cũng giống như anh nông dân đáng thương đó phải làm bao nhiêu quyết định quan trọng ở trong đời sống của mình, và trong bao nhiêu quyết định quan trọng đó chúng ta cũng phải nghĩ đến bao nhiên sự mạo hiểm, có thể 50/50 có thể 50 phần thành công, 50 phần thất bại nhưng mà hơn thế nữa là có thể chúng ta sẽ ăn năn là bởi vì chúng ta làm quyết định sai lầm. Cuộc sống ngày hôm nay là một cuộc sống mà chúng ta có rất nhiều, tiền bạc cũng có rất nhiều, cơ hội có rất nhiều, và hiểm nguy cũng có rất nhiều, và cũng giống như tự ngàn xưa có rất là nhiều thứ lợi bất cập hại, nghĩa là cái hại nhiều hơn cái lợi, và cái hại đó có thể dẫn chúng ta đến chỗ khóc than sầu muộn. Ít có một người sống trong thế giới này mà có được một thái độ bảo thủ đầy đủ ,bảo thủ tương đối để có thể lựa chọn một quyết định an toàn, đa số chúng ta sống rất là mạo hiểm. Ở tại Hoa Kỳ sự đầu tư vào thị trường cổ phiếu mang lại một sự giàu có cho một số người rất là nhanh chóng, nhưng mà nó mang lại sự phá sản một số người cũng rất là nhanh chóng. Có những cuộc đầu tư khác như công phố phiếu chẳng hạn thì ít lợi hơn và ít mạo hiểm hơn, thì thưa qúi vị những người mà họ làm kinh tế thì họ xem yếu tố mạo hiểm như là một trong yếu tố mà một người đầu tư không thể suy nghĩ đến, hễ cái khả năng mà đem lại lợi nhuận càng cao thì khả năng mang lại những nguy hiểm càng lớn. Thì ở trong đời sống của chúng ta một người làm ăn mà có thể suy nghĩ đến hậu quả thì hà huống chi là một người ở trong đời sống hiền thiện của mình. Ở đây Đức Phật Ngài cho một lời dạy mà không cần triết lý giông dài, nếu mà mình nghĩ rằng việc đó mà về sau này mình phải hối hận thì tại sao mình phải làm, tại sao mình phải nói và tại sao mình phải dấn thân vào, không ai có thể bắt mình phải làm như vậy, không có tội lợi nào phải làm như vậy.

Cách đây nhiều năm có một tác phẩm ở Việt Nam được viết ra, tác phẩm đó mang tên "Bài học ngàn vàng" của HT Thiện Hoa viết, trong bài học đó nói về một câu nói mà nó trở thành một quyển sách quí. Đó là "làm việc gì nên nghĩ đến hậu quả về sau." Thưa quí vị câu nói đó đem ra cũng còn có vẻ triết lý, mà triết lý đó còn có phải suy nghĩ vỡ đầu suy nghĩ nhiều hơn là câu nói ở tại đây của chính Đức Phật.

Việc làm không chánh thiện
Làm rồi sanh ăn năn
Mặt nhuốm lệ khóc than
Lãnh chịu quả dị thục.

Nếu chúng ta nghĩ rằng việc đó là việc chúng ta có thể hối hận thì tốt hơn hết là chúng ta lựa chọn không làm, và nguồn minh triết này có thể là một soi sáng rất quan trọng cho thế giới chúng ta đang sống, một thế giới mà mỗi chúng ta phải làm quá nhiều quyết định, và lâu ngày chúng ta không biết quyết định đó là quyết định quan trọng hay không quan trọng. Thưa qúi vị, tương tựa như qúi vị đến một siêu thị kiếm một món cereal mà gọi là món mễ cốc ăn sáng thôi thì nó có hàng mấy chục hiệu khác nhau, chỉ riêng sà bông tắm cũng không biết bao nhiêu hiệu khác nhau, chúng ta phải liên tục làm bao nhiêu quyết định ở trong đời sống của mình như vậy. Mỗi lần chúng tôi đi hành hương, những người Phật tử đi hành hương họ hay mua rất nhiều đồ từ Trung Quốc hay Ấn Độ về, và chúng tôi thường thấy qúi vị có một nỗi lo âu là không biết món đồ này về có gặp rắc rối gì không, đôi khi qúi vị mua một món rất đắc tiền rồi thường thường qúi vị hỏi chúng tôi, chúng tôi trả lời rất thẳng là "Nếu qúi vị cảm thấy nếu có cái rủi ro gì mà mình có thể gánh chịu được một cách thoải mái thì qúi vị cứ làm, nhưng nếu việc đó mà nó làm cho qúi vị cảm thấy rằng sẽ gây ra rất nhiều rắc rối về sau này thì tốt hơn hết là đừng." Và Đức Phật Ngài cũng có một đề nghị cho chúng ta trong đời sống là cái gì đó mà mình nghi ngờ là nó có thể mang lại cho chúng ta những phiền hà hay là những ác nghiệp về sau, tức là chúng ta có cái nghi có cái áy náy trong lòng thì đã nghi như vậy thì đừng làm. Là bởi vì sao, tại vì nó trả cho chúng ta sự thanh thản. Người Hoa kỳ thường nói rằng sự thanh thản của tâm hồn đôi lúc quan trọng hơn bất cứ việc gì khác.

Trong trường hợp này anh nông dân bởi vì thấy được tiền nhưng lại quên đi lời dạy của Đức Phật, Đức Phật Ngài chỉ mới nói cách đó chưa tới một phút, Đức Phật và Tôn Giả Ananda trong hai câu nói với nhau "Này Ananda, kia là một con rắn độc." Tôn Giả Ananda trả lời rằng "Thưa vâng Bạch Thế Tôn, đó là một con rắn độc chết người." Câu nói của hai vị Thánh đó, hai vị mà anh nông dân rất là kính trọng, anh nông dân khi thấy Đức Phật đi ngang miếng ruộng của mình đã qùi trước mặt Đức Phật ở giữa ruộng mà lạy Đức Phật, nhưng mà thưa qúi vị cái đạo tâm đó, lòng kính mộ đó cũng không làm cho anh đủ sáng để nhận ra cái giá trị của lời dạy của Đức Phật. Câu chuyện này là một ví dụ mà chúng ta nên suy tư là sự can thiệp của Đức Phật, sự ban bố của Đức Phật ở trong đời sống của chúng ta.

Một người Phật tử tin Phật không thể không đặt câu hỏi rằng nếu Đức Phật Ngài còn tại thế hay trong giờ phút này chúng ta gặp Đức Phật, Đức Phật sẽ cho chúng ta những gì? cái gì đó mà chúng ta mong mỏi Đức Phật Ngài cho chúng ta hay Đức Phật Ngài cho chúng ta ánh sáng của chánh pháp như là từ xưa Ngài đã làm.

Và thưa qúi vị trước khi Đức Phật Ngài viên tịch thì trong những tháng ngày cuối cùng Ngài đã từng ân cần nhắc nhở cho Tôn Giả Ananda rằng:

"Sau khi Như Lai viên tịch rồi Pháp và Luật chính là Thầy của các con."

Và do vậy cho dù chúng ta có tận mặt gặp Đức Phật hay không thì giáo pháp của Ngài vẫn còn đó, có nghĩa là chúng ta vẫn có Đức Phật vẫn có vị Thầy của chúng ta. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể lãnh hội đón nhận vào trong đời sống của mình được bao nhiêu phần đó là tùy vào khả năng của mình. Và chúng tôi tin rằng những Phật tử nào thường đọc những bản kinh Pháp Cú những tích truyện kinh Pháp Cú thì qúi vị sẽ thấy ở trong đó là cả một kho tàng. Kinh Pháp Cú là một quyển kinh rất là nhỏ trong Tam Tạng kinh điển, 1 trong 15 bộ kinh của Tiểu Bộ Kinh, và Tiểu Bộ Kinh là 1 trong 5 bộ kinh của Tạng Kinh, Tạng kinh là 1 trong 3 Tạng của giáo pháp của Đức Phật, thì như vậy Pháp Cú là một quyển kinh nhỏ, nhưng chỉ là một quyển kinh nhỏ thế mà đã chứa đựng rất là nhiều điều quan trọng cho chúng ta học. Chúng tôi chỉ muốn nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng qúi vị đọc kinh Pháp Cú không nên vì ý nghĩa quen thuộc của kinh Pháp Cú mà chúng ta bỏ qua cái ý lý quan trọng của từng chữ từng điều được đề cập đến ở trong bài kinh này. Và chúng tôi muốn kết thúc cái bài pháp thoại ở tại đây về kệ ngôn Pháp Cú 67. Cầu chúc cho chúng ta luôn luôn thấm nhuần và được soi sáng bởi những lời dạy của Đức Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 67 (1)
Download KN 67 (2)


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu