Một đứa nhỏ không ý thức, nó nghĩ rằng tạo ra niềm vui nhưng thay vì tạo ra niềm vui cho mình thì nó tạo ra sự đổ vỡ, tạo ra sự phiền toái cho người khác, và chính đứa bé cuối cùng bị quở phạt, đó là một hành động thiếu hiểu biết, đó là hành động nông nỗi phát xuất từ đầu óc nông nỗi. Ai trong chúng ta không khát vọng hạnh phúc, ai trong chúng ta không mong cầu được sự an lạc. "Lòng nào lòng vẫn thiết tha, cõi âm là thế huống là cõi dương" cụ Nguyễn Du khi viết bài "Văn tế thập loại chúng sinh" cụ cũng đã nói lên một cảm khái rằng ngay cả những người sống vất vưởng mà cụ gọi là ma là cô hồn thì những loài đó cũng khác vọng hạnh phúc, thì ý tưởng đó rất gần với kinh Phật khi chúng ta đề cập đến rằng chúng sanh thương mình hơn tất cả, chúng ta mong cầu hạnh phúc như là một niềm hy vọng bất tuyệt ở trong lòng của mỗi chúng sanh, tuy vậy trên con đường dẫn đến hạnh phúc, trên con đường thể hiện hạnh phúc đã làm cho chúng sanh trên đời này có khác biệt, và sự khác biệt đó được gọi là "Bàla" hay là "Pandita" sự khác biệt giữa kẻ "Ngu" và người "Trí".
Ở trong phẩm này chúng ta sẽ đặc biệt đi qua một số các Phật ngôn quan trọng, và những Phật ngôn này cho thấy rằng tại sao chúng ta có thể thành đạt được những gì mà mình mong mỏi, và tại sao không thành đạt được cái gì mà mình mong mỏi. Phẩm kế tiếp của Bàlavagga là phẩm nói về cái nhìn của bậc hiền trí đó là một tương phản khác sẽ giúp cho chúng ta hiểu rất nhiều và đó là một gợi ý lớn về những gì chúng ta đang đọc ở tại đây. Bài kệ này là bài kệ thứ 60 trong 423 bài kệ của kinh Pháp Cú và đây là bài kệ đầu tiên của phẩm "Bàlavagga" tức là phẩm "Ngu Nhân". Trong phẩm này chúng ta có thể đọc một bài kệ đầu tiên rất là thi vị và đây là một trong những bài kệ mà chúng tôi được đọc hồi còn nhỏ khi vào trong chùa. Hôm qua chúng tôi có nhắc một kỷ niệm là lúc chúng tôi vào chùa thì Sư Cậu chúng tôi có trao cho một bản kinh thơ tác giả là Tâm Cao, là một trong những bài kệ mà chúng tôi rất thích đó là bài kệ này.
"Đêm dài kẻ thức tròn canh,
đường dài với khách lữ hành mỏi chân,
luân hồi dài với muôn nhân,
không thông diệu pháp muôn phần khổ đau."
Bài kệ mà chúng ta đọc được ở đây chúng tôi tạm viết là:"Đêm dài kẻ thức trắng" tại vì chúng tôi không nói là đêm dài với kẻ thức, đúng ra câu này phải dịch là "Đêm dài với kẻ thức trắng". Một người thức và có một công việc hẳn hòi, một người thức mà có một mục đích rõ ràng như tất cả qúi Phật tử đang thức tại Việt Nam để theo dõi chương trình thọ đầu đà, nếu qúi vị thức mà trong tâm tư được thấm nhuần bởi pháp hỷ pháp lạc, được thấm nhuần bởi thiện pháp của mình thì thưa qúi vị cái thức đó không giống như cái thức mà Đức Phật đề cập ở tại đây. Cái thức mà chúng tôi dùng chữ "thức trắng" chỉ cho hình ảnh một người bị mất ngủ, một người trằn trọc thâu đêm, một người không thể chợp mắt, không thể tìm về với giấc ngủ bình an được bởi vì một lý do gì đó, mặc dầu mình muốn ngủ mà không ngủ được. "Đêm dài kẻ thức trắng, đường dài với kẻ mệt" Một người đi đường xa khi đã thấm mệt rồi cho dù con đường đó còn lại bao nhiêu cây số, cho dù con đường đó có được gọi là gần được gọi là xa ở trong sự đo đạc của một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Thí dụ như máy laptop khi vừa cầm lên thì thấy không nặng nhưng mà khi qúi vị đã cầm đi tới các phi trường như phi trường ở bên Hoa Kỳ hay ở Âu Châu có những phi trường rất lớn chúng ta đi bộ từ nơi này sang nơi khác, từ cổng này sang cổng khác có thể là đôi ba trăm thước hay có thể thậm chí một cây số hay cây số rưỡi và khi cầm cái máy như vậy mà đi trong nhiều giờ đồng hồ thì mới cảm thấy rằng đó là những viên gạch nặng đó là những thứ gì thật sự nặng.
Thượng Toạ Viên Minh có viết một câu rất là gần với tâm trạng này
"Thức khuya mới thấy đêm dài.
Đường xa chĩu nặng đôi vai lữ hành."
"Thức khuya mới thấy đêm dài, đường xa chĩu nặng đôi vai lữ hành" nói lên một tâm trạng mòn mỏi, chúng ta càng mệt chúng ta càng thấm thía và càng cảm thấy đường dài, nhưng cái dài đó, cái thấm thía đó, cái mệt mỏi đó nó cũng không bằng tâm trạng của một người mệt mỏi trước những sự lập đi lập lại, trước những lẫn quẩn, trước những phiền lụy của kiếp nhân sinh. "Luân hồi dài ngu nhân, không hiểu chân diệu pháp", với người không thấy được chân diệu pháp thì quả thật luân hồi dài, luân hồi dài như qúi vị đang phải trải qua một cảnh huống mà qúi vị hoàn toàn không có thích, hoàn toàn không có hoan hỷ.
Bài kệ này được Đức Thế Tôn giảng khi Ngài ở tại Xá Vệ và giảng cho vua Ba Tư Nặc (Pasenadi). Vua Ba Tư Nặc là một con người rất đặc biệt. Theo trong Chú Giải Lịch Sử Chư Phật (Budhavamsa) thì vua Ba Tư Nặc sẽ là một trong 10 vị Phật Tổ Chánh Đẳng Chánh Giác trong tương lai. Thời Phật còn tại thế thì vua Ba Tư Nặc có một đời sống rất lạ, rất gần với Đức Phật mà lại rất xa với Đức Phật, tin Phật nhưng cũng có qua lại với ngoại giáo, và cuối cuộc đời của vua Ba Tư Nặc trong tuổi 80 tức là bằng tuổi với Đức Phật, nhà vua đã đến với Đức Phật với những nghĩa cử rất chân thành cảm động mà chúng ta có thể nhắc đến trong một nhân duyên khác.
Ở đây chúng ta chỉ nói về trường hợp một hôm nhà vua đi vào trong thành trên lưng con bạch tượng, và trong chuyến đi này nhà vua tình cờ nhìn thấy một thiếu phụ đã có gia đình đứng bên cửa sổ nhìn ra, không hiểu khuôn mặt của nàng thiếu phụ đó có một nét khả ái hay là có một sức quyến rủ gì đặc biệt khiến nhà vua không thể quên được mà đã giữ chặc hình ảnh đó vào trong tâm khảm của mình khi trở về hoàng cung. Làm vua làm chủ cả thiên hạ, làm vua là đứng trên cả trăm họ vì vậy nhà vua rất mong mỏi rằng có thể gặp nàng thiếu phụ đó, nhưng đường đường là một vị đại vương không thể ngang nhiên như vậy nên nhà vua nghĩ ra nhiều cách để làm sao có thể tiến cung nàng thiếu phụ này. Nỗi nung nấu này đã khiến cho nhà vua có nhiều sở hành không đẹp và nhà vua đã cảm thấy trong tâm khảm không bao giờ được thanh thản, rồi tới một đêm trong giấc ngủ mệt mỏi của mình nhà vua nằm ngủ gặp một cơn ác mộng, ở trong cơn ác mộng đó nhà vua thật sự không nhớ rõ điều gì, không biết rõ chuyện gì mà nhà vua đã thấy duy chỉ có một chuyện rất lạ là những âm thanh, và những âm thanh này chỉ mang trong bốn đơn âm.
"Du, Sa, Na, So".
Bốn âm thanh đó tuy rằng rất vô nghĩa và chỉ vang lên như là một ẩn ngữ, nhưng bốn âm thanh đó lại có một ấn tượng hết sức sâu sắc, dù trong cơn mê ấn tượng đó sâu sắc đến đỗi nhà vua thức dậy không còn nhớ những gì đã xảy ra và chỉ nhớ mang máng là đã trải qua một cơn ác mộng, điều còn lại duy nhất mà nhà vua nhớ là bốn âm thanh "Du, Sa, Na, So" như là một ẩn ngữ, mà ẩn ngữ đó nhà vua vò đầu bức trán cũng không thể hiểu được. Thưa qúi vị sáng hôm sau nhà vua lâm triều cho gọi những vị giáo sĩ Bà La Môn những người được xem là cố vấn tinh thần thông thạo nghi lễ và thường nhận mình rất là thông thái, những vị này được nhà vua vời vào trong cung và nghe nhà vua kể qua cơn ác mộng. "Bói ra ma quét nhà ra rác", những vị Bàlamôn vốn là những nhà chiêm tinh đoán mộng rất giỏi và đã là nhà chiêm tinh đoán mộng thì có điềm mộng nào mà không đoán, có những hung kiết nào mà không bàn, và tất nhiên nhà vua được nghe các vị Bàlamôn đưa ra rất nhiều lời bàn bạc và bởi vì đó là một cơn ác mộng nên không có một vị nào cho rằng bốn âm thanh ẩn ngữ đó là điềm các tường, và các vị đều cho rằng đó là một cơn ác mộng và những âm thanh đó là những âm thanh kỳ lạ đó là một điềm báo hiệu cho thấy rằng sẽ có tai ách xảy đến cho nhà vua. Nhà vua nghe nói như vậy nhiều ngày qua trước khi nhà vua thấy cơn ác mộng này thì tâm cang nhà vua chẳng những đã bị nung nấu bởi ái dục bởi dục vọng mà còn xen lẫn trong sự nung nấu đó là những dã tâm để làm sao đưa nàng thiếu phụ đó vào trong cung, và bây giờ ngồi giữa triều đình lại nghe những giáo sĩ Bàlamôn tán vô bàn ra về giấc mộng như vậy thì trong lòng nhà vua không khỏi không hốt hoảng, hốt hoảng đến cực độ, nhà vua hỏi các vị giáo sĩ rằng:
"Thế thì trẫm phải làm gì?"
Những vị giáo sĩ Bàlamôn như là những người mù rờ voi đã làm Thầy đoán mộng thì chỉ bàn đại dựa trên sách vở dựa trên sự suy tư của mình, nhưng mà điều tệ hại nhất là những vị này chẳng những không hiểu được sự thật của giấc mộng đó, mà những vị này cũng không có khả năng để hiểu làm thế nào để có thể hóa hung thành kiết, làm thế nào để có thể tai qua nạn khỏi, những vị này vẫn theo sách vở và vẫn theo cái nhìn hết sức là tính ngưỡng nhân gian của mình bàn với nhà vua.
"Tâu Đại Vương, trong tất cả những việc làm mang lại phúc đức cao qúy thì một việc làm được gọi là phước sự thù thắng nhất đó là tế đàn, nhà vua hãy tổ chức một tế đàn thật sự là long trọng"
Thì nhà vua mới hỏi rằng: "Thế nào là một tế đàn thật sự là long trọng?"
Trong đạo Bàlamôn có một hình thức tế đàn là giết những sinh vật, những sinh vật này có thể là dê, có thể là cừu, và thậm chí cả đồng nam đồng nữ, và con số không nhỏ, có thể lên tới 500 con. Và khi nào qúi vị ngồi tưởng tượng một tế đàn có nhiều sinh vật bị giết để cầu phước với thượng đế như vậy thì qúi vị có thể hình dung đó là một tế đàn đầy âm khí, một tế đàn đầy cảnh chết chóc, đó là một ấn tượng chúng ta không thể quên được ở trong cuộc đời. Chúng ta hãy tưởng tượng là có nhiều sinh vật kể cả đồng nam đồng nữ (bé trai bé gái) hằng trăm hàng ngàn sinh vật như vậy dẫn đến chỗ tế đàn, và ở tại đó những vị giáo sĩ bày ra những nghi thức cúng tế, người ta đã dùng một hình thức dã man nhất ở trong tôn giáo để gọi là hiến lễ đến quyền năng tối thượng, người ta cho rằng làm như vậy nói lên oai lực vô song của thượng đế, người ta làm như vậy để nói lên sự long trọng, và thường ngày xưa tế đàn như thế chỉ có các vị vua mới có khả năng làm được, có ai ngoài nhà vua có thể đem hàng trăm đồng nam đồng nữ đến chỗ tế đàn để giết hy sinh bao giờ, chỉ có nhà vua mới làm như vậy, cảnh tượng đó không phải là cảnh tượng bình thường ở khắp cả thành Xá Vệ. Bấy giờ đầy dãy tiếng kêu ca và tiếng than khóc đó đã bay qua mọi khắp nẻo đường trong thành Xá Vệ xuyên vào trong hoàng cung và lọt vào tai của một vị hoàng phi tên là Manika mà chúng ta thường nghe trong kinh chữ Hán là Mạc Lợi. Manika là một vị hoàng phi tuy là không đẹp nhưng nhờ phúc quá khứ nên được vua Ba Tư Nặc rất sủng ái tin dùng, hoàng phi Manika lại là một Phật tử thuần thành, mặc dù chưa chứng thánh quả nhưng niềm tin đối với Phật Pháp Tăng rất trong sáng. Hoàng phi Manika nghe được tiếng khóc than và có thể cảm nhận được không khí não nề của dân chúng trong thành Xá Vệ, bà hoàng phi tìm đến nhà vua hỏi thăm thì mới biết sự tình. Tuy rằng ở trong vai trò của một vị hoàng phi, tuy rằng ở trong vai trò của một người vợ ở trong xã hội Ấn lúc bấy giờ nhưng hoàng phi Manika thường thấy rằng mình là một người tư vấn cho nhà vua về đời sống tinh thần, hoàng phi đã nghiêm nghị và nói lên những lời nói gần như quở trách nhà vua:
"Tại sao Đức Thế Tôn bậc vua thường Chánh Đẳng Giác có mặt ở tại thành Xá Vệ này nhà vua không đến đó để mà nghe để mà học và để mà giải bày, tại sao nhà vua lại tìm đến những vị giáo sĩ ngu ngốc để tạo ra một cảnh tượng mình cầu sự an lạc mà tạo ra sự đau khổ cho người khác, không ai trong cuộc đời này có thể mua được hạnh phúc bằng tiếng khóc bằng nỗi khổ đau của người khác."
Lời trách móc của hoàng phi đã làm cho vua Ba Tư Nặc có phần nào tỉnh ngộ, nhà vua đã đi theo hoàng phi đến gặp Đức Phật tại chùa Kỳ Viên và ở tại đó nhà vua đã trình bày tất cả giấc mộng của mình. Đức Thế Gian Giải trong Phật nhãn cao vời Ngài có thể thấy được tất cả và Ngài đã cho nhà vua biết chi tiết về điềm mộng đó. Và thưa qúi vị chúng tôi không muốn nói đi quá xa tại vì có thể lạc đề nhưng nói một cách rất là ngắn gọn là "Du Sa, Na, So" bốn âm thanh gọi là ẩn ngữ đó là âm thanh của quyến thuộc của nhà vua đang sống trong khổ cảnh địa ngục vì một bất thiện nghiệp trong quá khứ, và những vị vua này đang mong cầu nhà vua hồi hướng công đức cho họ. Câu chuyện tiền thân cũng dài và câu chuyện chủ đề liên quan đến bốn lời của những chúng sanh này cũng dài chúng tôi không muốn mất thì giờ để nhắc lại ở tại đây. Sau cùng Đức Phật Ngài đã dạy cho nhà vua cách hồi hướng công đức cho thân nhân quá vãng và chúng ta có bài kệ còn lưu lại cho đến ngày hôm nay mà Chư Tăng thường tụng đó là bài kinh Tirokuddakandagàthà, ở trong một nhân duyên đặc biệt nào đó chúng ta có thể đi sâu vào nội dung của bài kinh này và bài kinh này trở thành một bài kinh chú nguyện của Chư Tăng khi hồi hướng công đức cho thân bằng quyến thuộc.
Thì thưa qúi vị Phật tử, trong lúc Đức Phật giảng về câu chuyện hiện tại, Ngài giảng về lẽ đạo cho nhà vua nghe và Ngài giảng về những phước sự nào nên làm để hồi hướng cho những thân nhân quá vãng thì nhà vua tỉnh ngộ, chẳng những nhận thức việc làm của mình là nông nỗi thiếu trí mà nhà vua cũng nhận rằng cái dục vọng đã nung nấu tâm cang của mình trong mấy ngày qua đã làm cho tâm hồn mình mê si điên đảo, và trong giờ phút ngồi nghe Đức Phật thuyết pháp dạy về lẽ thật thì nhà vua cảm thấy như trút đi gánh nặng ngàn cân, nhà vua cảm thấy không còn bị dày vò và nhớ lại mấy ngày qua là những ngày mà đêm thì thức trắng và ngày thì mệt mỏi lo âu, không biết vui được bao nhiêu mà khổ lụy thì rất nhiều, thì trong lúc cảm khái đó nhà vua đã chắp tay lên bạch Phật rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn những đêm vừa qua con mới thấy đêm thật dài, dài với một người mà không có một chút thanh thản nào ở trong lòng, dài với một người mà không thể đi vào giấc ngủ bình yên được.
Và thưa qúi vị Đức Phật nhân đó Ngài đã dạy bài kệ trên
Đêm dài kẻ thức tròn canh
Đường dài với khách lữ hành mỏi chân
Luân hồi dài với ngu nhân
Không thông diệu pháp muôn phần khổ đau.
Chúng ta nghe hình ảnh này những lời dạy này và tưởng nghĩ về hình ảnh xa xưa thời Đức Phật thì chúng ta có thể tìm thấy được những tâm trạng rất gần với đời sống của mình. Trước khi tiếp tục giảng về ý nghĩa của bài kệ này chúng tôi muốn tất cả qúy Phật tử đang có mặt ở trong phòng Diệu Pháp đang nghe bài giảng hôm nay cũng như quí Phật tử trong đêm thọ trì hạnh đầu đà tại chùa Bửu Đức, Biên Hoà nghe bài kệ này bằng Phạn ngữ do Ngài Dhammananda một vị trưởng lão Tích Lan hiện đang hoằng đạo tại Mã Lai, bài kệ này đã được Ngài đọc vừa Phạn ngữ và Anh ngữ. Chúng tôi mong tất cả quí vị sẽ lắng tâm nghe bài kệ này rồi sau đó chúng tôi sẽ trở lại với ý nghĩa của bài kệ.
Dighā jāgarato ratti
dīgham. santassa yojanam.
dīgho bālānam. sam.sāro
saddhammam. avijānatam.
"dīgham. santassa yojanam" đường quả thật là dài với một người đã mệt rồi
"Dighā jāgarato ratti" đêm quả thật là dài với một người không ngủ được.
"jāgarato" chỉ cho một người thức, thì người thức này cũng có nghĩa là người không ngủ được, ở trong mạch văn chúng ta muốn nói đến một người thức vì không ngủ được và cảm thấy đêm rất dài. "Luân hồi dài với kẻ ngu không hiểu chân diệu pháp" ở đây chữ "Ngu nhân" như hồi nãy chúng ta có đề cập đến là dùng chữ bàlànam.
saddhammam. avijānatam.
saddhammam. là diệu pháp. Chữ diệu pháp ở đây thường là khi chúng ta nói đến chữ dhammam. là chúng ta nói đến sự thật. Khi chúng ta nói saddhammam. dùng đối cách thì chúng ta tạm dịch là diệu pháp. Chữ saddhammam. ở đây được hiểu như một lẽ thật có công năng để mang lại hạnh phúc saddhammam. hay là diệu pháp có nghĩa là pháp có công năng dẫn chúng ta đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nói chung là chữ saddhammam. có thể hiểu là diệu pháp, có thể hiểu là một phương lương dược, có thể hiểu là một phương pháp thích hợp để dẫn cho chúng ta thành đạt được điều mà chúng ta mong mỏi.
Nếu một người sống trong cuộc đời này chúng ta có một nguyện vọng và cùng với nguyện vọng đó chúng ta tìm ra một cách sống, tìm ra một phương pháp để thành tựu được điều này thì có lẽ là một trong những hạnh phúc rất lớn, nhưng nó cũng sẽ là một điều mòn mỏi nếu chúng ta không tìm ra được một giải pháp, chúng ta không tìm ra được một phương hướng như là Đặng Dung hình ảnh của một tráng sĩ mà suốt cuộc đời bất đắc chí khi tóc trên đầu đã bạc rồi thì nhìn thấy rằng mộng bình sanh của mình chưa thành tựu được, "Thù trả chưa xong, đầu đã bạc, dưới trăng bao độ tuốt gươm mài" hình ảnh đó cũng là một hình ảnh khác nói về thân phận của kiếp người mà mộng bình sinh chưa thoả và vẫn chưa tìm ra được một câu trả lời cho những bí ẩn của cuộc sống. Thưa qúi Phật tử với chúng ta những người sống trong bể trầm luân sanh tử nghe câu nói này như là một hình ảnh, hình ảnh đó chỉ nói lên một thứ của sự bế tắc, hình ảnh đó là hình ảnh không lối thoát, nhưng với một thiền giả một người tu tập thì điều này lại cho chúng ta một ý niệm tương đối gần hơn. Cái ý niệm gần hơn ở đây là nếu trong đời sống hàng ngày mà chúng ta có phải đối diện với điều trái ý nghịch lòng và trong điều trái ý nghịch lòng đó chúng ta lại đi từ cái phiền lụy này sang cái khổ ải khác, chúng ta đi từ gánh nặng này sang cưu mang thương đau khác, thì chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta có khéo hay không khéo. Nếu chúng ta đã khéo thấy, đã khéo suy tư thì sự việc phải khác đi, nhưng nếu chúng ta càng nghĩ thì càng bế tắc, càng suy nghĩ thì chúng ta càng cảm thấy mệt mỏi, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đang rơi vào trong chỗ bế tắc, về điểm này thì đối với các vị thiền sư đối với những người hành thiền lại có một ý nghĩa thật sự rất là sâu sắc.
Ngài Ajahn Liam một vị thiền sư được truyền thừa phương pháp tu tập của Ngài Ajahn Cha có một lần chúng tôi được nghe Ngài thuyết pháp và Ngài dùng một thí dụ, Ngài nói rằng: "Có những người mà trong cuộc sống này họ giống như một kẻ đi bộ, đi dọc đường thấy tảng đá nào cũng muốn chất lên vai, gánh như vậy không trách chi nặng nề." Với một người đã thiền định rồi thì bất cứ một điều nào mà chọn ý niệm này để làm đề tài ngày hôm nay là khổ trong nỗi khổ. Tại sao khổ trong nỗi khổ? bởi vì cái phản ứng của chúng ta đối với nỗi khổ nó làm cho chúng ta khổ thêm, phản ứng đó không cho chúng ta được một chút trí tuệ soi sáng nào, khổ đó không làm cho chúng ta khả dĩ có thể an lạc hơn, mà cái khổ đó chỉ làm cho chúng ta cảm thấy tồi túng, cảm thấy ngộp thở vì sao vậy? Bởi vì tự mình lại tạo thêm sự căng thẳng cho mình.
Thưa qúi Phật tử khi mà Đức Phật Ngài nói là "luân hồi dài với ngu nhân không thông diệu pháp muôn phần khổ đau" thì chúng ta có cảm tưởng khi nghe bản dịch này chúng ta nghĩ rằng Đức Phật đang đề cập đến luân hồi, luân hồi ở trong đầu óc của chúng ta nghĩa là kiếp này sang kiếp khác, đời này sang đời khác. "Luân hồi dài với ngu nhân" có nghĩa là nói đến cuộc trầm luân sanh tử, nhưng không hẳn chỉ có vậy, không hẳn chỉ có trầm luân sanh tử đời này qua đời khác và ngay cả ở trong kiếp sống này nếu chúng ta không khéo chuyển hoá, nếu chúng ta không khéo thấy, không khéo nhận định về đời sống thì chúng ta cũng truyền từ cành cây khổ đau này sang cành cây đau khổ khác, bởi vì chúng ta không có một ý thức trong sáng về cuộc đời.
Chúng tôi lấy một ví dụ là những gì mà chúng ta mong muốn thường làm cho chúng ta bị căng thẳng, và có rất nhiều sự căng thẳng khủng khoảng của đời sống bởi vì chúng ta quá muốn một điều gì đó. Ngày hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử đến chùa, Phật tử đó bày tỏ cho chúng tôi biết một tâm trạng hết sức là rối ren ở trong gia đình không làm vừa lòng ai hết, mẹ cũng trách, vợ cũng trách, anh chị em cũng trách và bản thân của mình thì đi làm lương có hạn, thì giờ có hạn, và khả năng có hạn, không biết phải làm vừa lòng ai và không biết ai thật sự làm vừa lòng mình. Chúng tôi nói với đạo hữu này là "nếu anh tiếp tục tự mình làm cho mình phải lo lắng như vậy thì tình hình từ chỗ tệ này đến chỗ tệ khác, nó sẽ tệ hơn, thay vào đó anh nên tìm lại một chút gì thanh thản cho mình, tụng kinh đi, nghe pháp đi và làm những gì mà anh cảm thấy có thể làm được để trả mình về với sự thanh thản, và chỉ có sự an lạc, chỉ có một chỗ đứng vững vàng của nội tâm thì mình mới có thể chuyển hoá được đời sống, còn nếu mà mình tiếp tục để gỡ rối, và đi từ cái rối này qua cái rối khác thì thưa qúi vị không bao giờ chúng ta có thể gỡ được. Ở trong cuộc sống này hình như mỗi chúng ta thường gặp rất nhiều vấn đề không có lối thoát, cái không có lối thoát này chúng ta quy vào chánh quyền, chúng ta quy vào cho xã hội, chúng ta quy vào hoàn cảnh kinh tế và chúng ta quy vào những người ở chung quanh, sự quy trách này không làm cho chúng ta khá hơn mà nó làm cho đời sống chúng ta tệ thêm, khi đời sống chúng ta tệ thêm bởi vì sao chúng ta không có lối thoát, chúng ta cứ nghĩ rằng: À! cái nỗi khổ trong lòng của mình là do ai đó, là do nguyên nhân A, nguyên nhân B, mà tất cả những nguyên nhân này đều hoàn toàn nằm khỏi tầm tay của mình và bởi vì nó nằm ngoài tay của mình nên chúng ta càng lúc càng bực bội hơn.
Chúng tôi nhớ cách đây sáu năm chúng tôi có đọc một bản tường trình về một phiên họp thượng đỉnh của tám nhà lãnh tụ tám quốc gia giàu nhất của thế giới, và trong cuộc gặp gỡ này, người ta đã làm một thống kê thử xem dân chúng đang sống ở tại tám quốc gia giàu có này có hài lòng với đường hướng của vị nguyên thủ quốc gia của mình hay không?, thì người ta tìm thấy rằng đa số dân chúng ở các quốc gia giàu có không bằng lòng với đường lối của chính quyền, và chính quyền ở đây họ đề cập đến các vị lãnh đạo quốc gia, có thể là thủ tướng như ở Anh quốc, như tổng thống như tại Hoa Kỳ, có thể là một vị thủ hiến như ở Đức, nhưng mà nói chung là họ hoàn toàn không hài lòng. Và một số các nhà tâm lý học đã lên tiếng một điều rằng thời đại của chúng ta là một thời đại mà loài người có nhiều nhất nhưng mà lại là thời đại con người ít có hài lòng nhất. Và người ta đặt ra một câu hỏi tại sao chúng ta ít có bằng lòng, tại sao chúng ta ít có an lạc. và câu trả lời được nêu ra thưa qúi vị là bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc và sự thất bại đến từ ở bên ngoài, đến từ chính quyền, đến từ xã hội, đến từ người khác, và con người càng lúc càng nhận trách nhiệm về bản thân của mình ít đi, và mình cảm thấy rằng những cái vui cái khổ của mình do người khác nhiều hơn là chính cái nhìn nông nỗi cái nhìn không có sáng suốt của mình. Và khi chúng ta đã quy trách nghĩa là chúng ta giao trách nhiệm đó cho người khác, thì thưa qúi vị có rất ít việc mà chúng ta có thể làm để thay đổi tình thế.
Với một người thiền định thì có thể dễ dàng nhận ra rằng hầu hết có thể nói là bảy tám mươi phần trăm những căng thẳng ở trong mỗi chúng ta đều do cái nhìn mà Đức Phật gọi là "Yoniso manasikara" cái nhìn không khéo cái nhìn không như thật. Và cái nhìn đó Đức Phật trong một lần khác Ngài dạy rằng giống như một người đã bị mũi tên rồi tự họ chuốt lấy một mũi tên thứ hai, một người đã bị một nỗi bất hạnh và trong sự cảm nhận về sự bất hạnh là mình lại tạo cho mình sự bất hạnh khác. Phản ứng của chúng ta thường là phản ứng không khôn ngoan ở trong đời sống này, và chính vì vậy càng lúc càng dẫn chúng ta đến chỗ bế tắc đến chỗ phiền lụy hơn, chứ không nhìn thấy một ánh sáng làm cho đời sống của mình rạng rỡ ra, không tìm thấy một niềm hy vọng để cho đời sống mình thư thả hơn. Người xưa thường nói rằng: "Đa thọ thì đa nhục", càng sống lâu thì càng thấy tủi hổ nhiều. Điều đó không những chỉ nói đến sự nhục nhã khổ lụy mà nó còn nói đến là cuộc sống của chúng ta càng chất chứa lâu ngày thì chúng ta càng rối rắm, trong sự rối rắm đó chúng ta cảm thấy kiếp người không mang lại cho chúng ta bao nhiêu niềm hạnh phúc thật sự, và điều này là một điều hết sức là nguy hiểm.
"Đêm dài cho kẻ thức, đường dài với kẻ mệt, luân hồi dài với ngu nhân không hiểu chân diệu pháp" Luân hồi dài với ngu nhân không hiểu chân diệu pháp ở đây chúng tôi muốn nhắc lại một lần nữa là chữ luân hồi không chỉ được hiểu là kiếp này qua kiếp khác, đời này qua đời khác hay là vô lượng trầm luân sanh tử, mà chúng ta muốn nói đến luân hồi có thể nói một kiếp người. Kiếp người sáng thức dạy chiều tối đi ngủ chúng ta lẩn quẩn từ sự lẩn quẩn này sang sự lẩn quẩn khác, và trong sự lẩn quẩn đó phải nói rằng chúng ta càng lúc càng mòn mỏi bởi vì không có lối thoát, cái không lối thoát này là bởi vì chúng ta không tìm thấy được cái sinh lộ của đời sống mình.
Bây giờ chúng tôi nói đến một ý nghĩa khác về một chữ mà trong lúc chúng tôi cho qúi vị nghe bài kệ thì có một Phật tử hỏi chúng tôi là chữ "Ngu nhân" ở đây có phải được hiểu là những người hạ căn độn trí hay không?
Chúng tôi xin thưa rằng chữ "Ngu nhân" một lần nữa chúng ta phải nhắc lại một cách rất là cẩn trọng. Ở trong chữ Hán có dùng một vài từ ngữ để chỉ cho một hạng người mà hạng người đó gọi là vô phương cứu chữa, ví dụ như chúng ta nghe đến từ ngữ "Nhất xiển đề" hoặc là một kẻ "Tiêu gia bại chủng" trong chữ Hán khi dùng tới "Nhất xiển đề" hay là "Tiêu gia bại chủng" thì chúng ta nghĩ đến những chúng sanh mà gọi là vô phương cứu chữa như là một người bị một chứng bệnh tuyệt chứng. Thì thưa qúi vị đối với người Phật tử thì quả thật chúng sanh ở trong cuộc đời này ở trong một giai đoạn ở trong một trường hợp nào đó có thể họ không có khả năng để giác ngộ, không khả năng để thành tựu thiền định, chúng tôi lấy một ví dụ là trong A Tỳ Đàm đề cập đến 12 hạng người: người khổ, người lạc, người nhị nhân, thì những người đó không thể thành tựu thiền định và thành tựu đạo quả được, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải rất là cẩn trọng khi đề cập đến một người nào đó một người gọi là "Ngu nhân" hay là một người "Nhất xiển đề" hay là "Tiêu gia bại chủng" bởi vì chúng ta thật sự không biết rõ ai là ai, một người có thể nhìn thấy họ rất là kém kiến thức tổng quát ở bên ngoài nhưng với một đạo tâm và với đời sống mà Đức Phật ca ngợi như một bậc trí.
Có một lần Đức Phật Ngài định nghĩa người trí là gì?
Người trí là người có thân trong sạch, khẩu trong sạch và ý trong sạch, thay vì nói người trí là người có bằng cấp học vị cao thì Đức Phật Ngài nói rằng người trí là người có hành vi của thân khẩu ý trong sạch, không hại người không hại mình, thì Đức Phật gọi đó là người trí. Như vậy chữ người trí Đức Phật định nghĩa hoàn toàn khác với cái hiểu của chúng ta do vậy điểm này chúng ta phải rất là cẩn trọng. Nhưng nếu qúi vị đã hỏi về chữ "Ngu nhân" ở đây thì chúng tôi xin được bày tỏ ý nghĩ cá nhân của mình, chúng tôi tin rằng chữ "Ngu nhân" ở đây chỉ cho một người không có lãnh hội được diệu pháp, tức là không tìm ra được một phương lương dược để trị những căn bệnh của mình, không tìm ra được giải pháp cho những bế tắc của mình. Có những lúc thưa qúi vị chúng ta đối diện với những khó khăn của kiếp người và những khó khăn đó hoàn toàn tuyệt vọng, chúng ta không biết phải làm gì và chúng ta chỉ có thể im lặng chờ đợi và sự chờ đợi này dài đến đỗi chúng ta chán nản mệt mỏi. Theo một thống kê của những công ty chế tạo những máy video thì họ thấy rằng những nút bấm mà người ta sài nhiều nhất đó là nút "forwarding" tức là nút làm cho nó chạy nhanh hơn, khi coi một cuộn phim hay theo dõi một thứ gì đó trong băng video có đôi lúc chúng ta không muốn nhìn thấy những cảnh tượng đó và chúng ta muốn cho nó đi qua thật nhanh.
Đời sống thì cũng tương tựa như vậy, nhưng không may cho chúng ta là chúng ta không làm cho nó nhanh như chúng ta muốn được. Hồi chúng tôi còn nhỏ có kinh nghiệm sau này ngồi nhớ lại thì có một chút vui chút buồn pha lẫn với nhau. Có một lần chúng tôi được Ngài Tịnh Sự giao cho trách nhiệm đi mua một cuốn tự điển ở trong Chợ Lớn, chúng tôi đi vào buổi trưa và cô Bảy Vĩnh Phúc một người đàn tín của Ngài HT Tịnh Sự thấy chúng tôi rời chùa vào buổi trưa như vậy mới mượn cây dù của Ngài để chúng tôi mang theo để che nắng, tuổi còn trẻ mà tánh lại lơ đễnh, chúng tôi đến chỉ lo tập trung vào chuyện mua sách, thấy sách thì vô cùng thích thú và khi ra về trả tiền xong thì quên bẳng cây dù ở tiệm sách, và thưa qúi vị, chúng tôi cũng không nhớ là mình đã quên cây dù lúc nào nhưng khi trở về giảng đường Phú Định gặp Ngài HT Tịnh Sự thì chúng tôi chỉ trình và đưa cho Ngài những cuốn sách mà Ngài muốn mua. Và dĩ nhiên là trong tay chúng tôi có vài quyển sách mua cho chính mình, chúng tôi hết sức hí hửng mang những cuốn sách đó về phòng riêng để đọc và hoàn toàn không nghĩ đến cây dù cho đến tối hôm đó khoảng chừng 11 giờ bỗng nhiên chúng tôi lại nhớ đến cây dù và tự hỏi rằng không biết mình đã để đâu, không nhớ rằng mình đã để đâu nhưng biết một điều chắc chắn rằng mình đã không mang về để trả cho Ngài. Lúc đó thưa qúi vị lo lắng lắm, lo lắng bởi nhiều lý do, lý do là vì còn nhỏ nếu chúng tôi muốn tìm mua cây dù thì không biết mua ở đâu, và cây dù này là một loại dù may bằng vải nylon vàng, cây dù đó thì thật sự rất khó tìm, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ có trường hợp may đặc biệt cho Ngài hay là đi tìm chỗ nào đó khó tìm lắm mới tìm được cho Ngài HT, và thật sự thì chúng tôi không biết giá cây dù là bao nhiêu nhưng phải nói rằng rất là lo lắng, lo đến đỗi chúng tôi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại tiệm sách và rất là may mắn khi vừa bước vào trong tiệm gặp ông chủ tiệm, ông chủ tiệm gặp chúng tôi mỉm cười và nói "Có phải Thầy quên cây dù không?" lúc nghe câu hỏi đó chúng tôi nghe như là gánh nặng ngàn cân được đặt xuống và chúng tôi cảm ơn ông rối rít, sau đó cầm cây dù đi một hơi trở về giao lại cho Ngài và tự nguyện trong tương lai không bao giờ mượn cây dù để đi đâu hết.
Thì thưa qúi vị có những tâm trạng ở trong cuộc đời tuy rằng rất là trẻ con, tuy rằng nó chỉ là một kỷ niệm nhưng nó lại nhắc cho chúng ta một ý điều rất quan trọng ở trong cuộc sống, đó là có những giây phút mà đối với chúng ta nó dài lắm. "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại." Những người ở tù thì họ nói rằng một ngày ở trong tù thì dài như cả trăm năm cả ngàn năm khi sống tự do ở bên ngoài, quả thật đúng, chúng tôi đã có những tháng ngày phập phồng lo sợ, đã có những tháng ngày trải qua giai đoạn chỉ mong muốn thời gian trôi qua mau thôi, và không may cho chúng ta những lúc mà chúng ta nghĩ rằng thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, thì những lúc đó thời gian lại trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi, và nỗi ám ảnh đó là một nỗi ám ảnh đau thương nhất của đời sống mỗi chúng ta, vì vậy dựa trên tâm trạng này cho chúng ta hiểu rằng tại sao chánh trí, tại sao diệu pháp lại có một giá trị lớn ở trong đời sống của mình.
Chúng tôi muốn trở lại một việc rất là bình dị một việc rất là gần với đời sống của chúng ta mà chúng tôi muốn nhắc đi nhắc lại ở tại đây đó là theo giáo lý của Đức Phật đa số những nỗi khổ đau của chúng ta trong đời sống nó đến từ cái nhìn không có xác thực của mình, nó đến từ cái nhìn lầm lẫn của mình, và do cái nhìn lầm lẫn đó chúng ta đi từ sự thương đau này đến nỗi đau thương khác, bởi vì chúng ta không tìm ra lối thoát. Nói một cách rõ hơn là nếu cuộc sống thay đổi mà chúng ta muốn nó không thay đổi thì chúng ta phải làm một công việc là bất khả, và trong công việc bất khả đó chúng ta chỉ tạo sự căng thẳng cho mình, như là giòng sông đang chảy ngang trước mặt chúng ta mà chúng ta muốn dùng đôi tay nhỏ bé của mình để chận lại nước chảy của giòng sông thì chúng ta đang làm một công việc mà tự mình khiến cho mình mệt mỏi thêm thôi.
Thưa quí Phật tử chúng ta lại có một quan niệm khác là chúng ta phải vật lộn với đời sống, và trong sự vật lộn này bỏ rơi rất nhiều tâm sức để tìm ra một sinh lộ tìm ra một giải pháp, nhưng tất cả đều chỉ làm cho chúng ta càng lúc càng mệt mỏi, và càng lúc càng chán nản chỉ muốn ngồi im lặng mong cho thì giờ qua, mong cho tuổi tác qua, và khi tuổi già đến, khi cái chết đến thì chúng ta lại tiếc nuối thời son trẻ. Đời sống của con người là như vậy, kiếp nhân sinh là vậy và có lẽ ít có một hình ảnh nào, ít có lời kệ nào vừa ngắn vừa xúc tích mà nói lên được tâm trạng của kiếp người hơn là câu Phật ngôn mà chúng ta vừa đọc.
"Đêm dài kẻ thức tròn canh,
đường dài với khách lữ hành mỏi chân,
luân hồi dài với ngu nhân
không thông diệu pháp muôn phần khổ đau."
Và thưa qúi vị chúng ta hãy làm lại, hãy làm lại bằng cách nào, bằng cách tạo cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, làm cho diệu pháp được thấm nhuần trong chúng ta, làm sao cho chúng ta thấy được ánh sáng để cuộc sống của chúng ta không rơi vào tuyệt vọng, không rơi vào sự chán chường và công việc đó sẽ hết sức ý nghĩa với những người Phật tử đang ngồi ở trong chánh điện để tu tập đêm thọ trì hạnh đầu đà đêm nay. Qúi vị có rất nhiều sự lựa chọn hoặc giả là qúi vị có thể rời chỗ ngồi của mình ở trong vài tiếng đồng hồ nữa để đi về nhà, nhưng mà qúi vị cũng có thể lựa chọn ở lại trong ngôi chánh điện của chùa Bửu Đức để tự hỏi lấy chính mình là mình có thể bỏ ra 5, 7 tiếng đồng hồ còn lại của đêm nay để tự chắc nghiệm lấy chính mình thử xem trong đêm dài đó, trong nỗi chờ đợi đó, trong khoảng thời gian tu tập đó có tìm được ánh sáng của diệu pháp, mình có tìm thấy được một ý nghĩa mà đủ để cho mình hoan hỷ, đủ để cho mình tin tấn và đủ để cho mình thấy rằng đêm quả thật là ngắn không dài như mình nghĩ. Kinh nghiệm của chúng tôi xưa nay là trong bất cứ đêm thọ trì đầu đà nào mà chương trình tu học và tâm của qúi Phật tử nếu tâm của qúi vị phấn khởi, tâm của qúi vị hoan hỷ đêm sẽ không dài. Nhưng mà nếu chương trình và tâm của qúi vị không được hoan hỷ thì thưa qúi vị đêm sẽ rất dài. Và bài học đó có thể là bài học rất lớn không phải chỉ cho một đêm đầu đà của chúng ta mà có thể nói rằng cho cả một kiếp người còn lại, chúng ta có thể nào tìm được một ý nghĩa tìm một ánh sáng và tìm một lẽ sống mà lẽ sống đó làm cho chúng ta thấy rằng đời sống này quả thật là qúi giá, kiếp người quả thật là ngắn ngủi và mình phải làm cái gì đó để tận dụng được hết cái kiếp người ngắn ngủi này. Không phải ai cũng thấy kiếp người ngắn ngủi, cuộc sống nhiều lắm là một trăm năm với một số người thì không đủ để làm những công việc đáng làm đáng sống, nhưng mà có những kiếp người thì phải dùng chữ gọi là lê lết kiếp trăm năm, lê lết kiếp trăm năm là trong một kiếp vài ba mươi năm thật sự sống của cuộc đời họ cảm thấy đời sống quá dài, chỉ mong muốn rằng thời gian trôi qua mau và mình có thể rời khỏi kiếp này như là trút đi một gánh nặng, bởi vì người đó không tìm thấy một lẽ sống chân thực của kiếp người./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Download
KN 60
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|