Trong một cái nhìn hết sức là quen thuộc thì Đức Phật Ngài đã đề cập một lối sống có đầy đủ về giới, định và huệ. Sampannasiilaana.m tức là bậc cụ túc về giới là một vị không còn có điều gì bận lòng đối với đời sống giới luật của mình. Giới luật ở đây có thể hiểu một cách ngắn gọn như trong Bát Chánh Đạo, chúng ta đề cập đến Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng tức là lời nói chân chánh, hành động chân chánh, và sinh kế hay là sự nuôi mạng chân chánh. Chúng tôi lấy thí dụ là Phật tử đi chùa mà với người này mặc dù đi chùa lạy Phật tạo những công đức nhưng vẫn làm một nghề mà nghề đó trong đạo Phật không gọi là nghề chánh mạng, như trường hợp người đó là một người đánh cá hay làm việc sát sinh hay buôn bán thuốc độc vũ khí v.v... thì cho dù người đó tu tập rất nhiều nhưng bởi vì sinh kế của mình liên quan đến nó tạo ra một nghiệp bất thiện do như vậy giới không được viên mãn. Và theo trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là những điều tất yếu một hành giả tu tập phải có, và vị nào thành tựu điều này được xem như là viên mãn về giới. Sự viên mãn ở đây không phải viên mãn về giới của vị Tỳ Kheo ở trong cộng đồng Tăng lữ, không phải là sự viên mãn về giới của vị tu đơn giản Bát Quan Trai, không phải là tu viên mãn về giới của một vị thọ ngũ giới trong sạch ở trong đời sống hàng ngày của mình. Mà chữ giới ở đây được hiểu như là giới học mà trong Bát Chánh Đạo tức là Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.
Ý chúng tôi muốn nói rằng ví dụ như ở trong ngũ giới là qúi vị không nói dối, nhưng trong lời nói của chúng ta tuy rằng không nói dối nhưng lại nói lên sự thật và những sự thật này chia rẽ người khác thì cho dù trên phương diện ngũ giới không có sai nhưng trên phương diện Chánh Ngữ của Bát Chánh Đạo thì vẫn là một điều chưa được thành tựu, cho đến khi nào cả bốn lời nói: nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, và nói nhảm nhí vô ích mà không phạm phải thì điều đó mới gọi là thành tựu Chánh Ngữ. Vì vậy ở trong các thiền viện trong các nơi tu tập sự im lặng đôi lúc rất quan trọng, bởi vì nếu chúng ta nói chuyện phù phiếm trong lúc thiền định thì lời nói phù phiếm lời nói vô ích nó lại ngang bằng tác dụng lời nói dối và ngang bằng lời nói độc ác, bởi vì nó khiến tâm của chúng ta bị vẩn đục. Nên chi sự thành tựu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là ba giới ở trong Bát Chánh Đạo, gọi là giới phần ở trong Bát Chánh Đạo nó khiến cho một hành giả chuẩn bị đầy đủ cho mình.
Ở đây qúi vị phải để ý động từ đi chung với giới học, định học và huệ học. Nói về giới học thì Đức Phật dùng chữ sampanna hay siilaana.m là đầy đủ, cụ túc, viên mãn là một sự thành tựu mà không còn phải bận lòng nữa không có gì vương vấp ở trong lòng mình, nghĩa là ngồi xuống để thiền định thì mình sẽ không vướng vấp là mình đã nói những lời nhảm nhí vô ích, nói những lời độc ác hay nói lời chia rẽ hoặc nuôi mạng không được chân chánh sát sanh trộm cắp v.v... những thứ đó mình thấy mình hoàn toàn được trong sạch đó là sự thành tựu về giới.
Appamaadavihaarina.m tức là an trú trong sự không phóng dật, thật ra thì ở đây chữ an trú không phóng dật hàm nghĩa là một người đã có thể sống ở trong định học, ở trong định phần của tam học một cách gọi là thiện xảo. Đức Phật Ngài không dùng chữ tu tập bhawana mà Ngài dùng chữ vihaarina.m tức là người an trú trong đó thì chúng ta biết ở trong định phần cần có ba là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định nói lên một sự thuần thục của đời sống nội tâm chuyên nhất về phương diện thiền định. Thì một hành giả được gọi là vihaariti hay là vihaarina.m tức là người an trú trong đó, tức là một người có thể sống ở trong thiền định như là mình sống ở trong một ngôi nhà hay mình sống trong một trú xứ quen thuộc
Sammada~n~naa vimuttaana.m
vimuttaana.m ở đây là giải thoát hay là vượt lên trên hoặc là đã dứt bỏ một sự trói buột bằng chánh trí
Sammada~n~naa ở đây Đức Phật Ngài dậy rằng một con người nhờ vào chánh tri kiến nhờ vào chánh tư duy tức là nhờ vào huệ học được thành tựu viên mãn có thể nhìn thấy, có thể lãnh hội thế giới này mà không còn hệ lụy không còn bị ràng buột không còn có thằng thúc
maaro magga.m na vindati
maaro là ác ma là một thế lực và thế lực này đưa chúng sanh vào trầm luân sanh tử, thế lực này làm cho chúng sanh phải ngụp lặn. Thế lực này có thể là một cá thể như là ma vương ở cõi Tha Hoá Tự Tại. Thế lực này có thể là phiền não. Nhưng hỏi tại sao đời sống của mình lại có sự quan tâm của ác ma như vậy? Thật ra ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta thì có vô số thế lực luôn luôn muốn thay đổi đời sống của mình, hoặc là chúng ta thấy hoặc là chúng ta không thấy mà thôi. Từ sự đầu tư của những nhà tài phiệt, của những chủ nghĩa, và của những thể chế luôn luôn là có những thế lực muốn nắm lấy vận mệnh của một quốc độ, hay là một trào lưu, hay là một giai đoạn của lịch sử, và điều này tạo nên vô số bi kịch ở trong xã hội loài người, thì điều đó chỉ nói lên một phần rất nhỏ về một thực tại là chúng sanh sống ở trong tam giới này những người ở trên con đường giác ngộ giải thoát, thì đôi lúc bắt gặp một hình ảnh, một hình ảnh đó mà chúng ta không thấy khi chúng ta còn ngụp lặng trong sanh tử. Nhiều bài kinh đã ghi chép lại là Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã có những lúc đối diện với ác ma. Về điểm này có một dịp nào khác thì chúng ta sẽ nói thêm, nhưng ma vương ở đây là một chúng sanh, và chúng sanh đó ở trong phước nghiệp của mình, ở trong uy lực của mình và ở trong khuynh hướng cố hữu của mình không bao giờ muốn nhìn thấy những chúng sanh khác ở trong cuộc đời vượt thoát khỏi tam giới, hay là bước qua bên kia cánh cửa giải thoát, bởi vì chúng sanh này cảm nhận rằng đón đó là một sự đe dọa đối với quyền lực của mình, đó là sự thách thức đối với khả năng khống chế của mình. Điều này dễ hiểu như sống ở trong trần gian chúng ta luôn luôn tìm thấy có những cá nhân hay những tập thể luôn luôn tìm cách khống chế xã hội, khống chế loài người, thì việc này là một thế lực rất đương nhiên, thế lực này là một thế lực hiện hữu mà chúng ta có thể cảm nhận dễ dàng trong đời sống hàng ngày.
Câu kệ này không phải là một câu kệ đơn giản mà Đức Phật Ngài ca ngợi về giới học, định học, và huệ học. Câu kệ này được Đức Phật Ngài dậy ở trong trường hợp một vị Tỳ Kheo tên là Godhika. Godhika là một vị Tỳ kheo hết sức là tinh tấn trong đời sống tu tập của mình, vị này sống tại Ma Kiệt Đà độc cư chuyên cần không phóng dật, và trong nỗ lực phát triển về thiền định thì vị này gặp một trở ngại rất lớn do nghiệp lực quá khứ là mỗi lần vị này đạt đến một tâm định chuyên nhất thì chính xác thân của vị này lại trở thành bạo bệnh, và cơn bạo bệnh đó đã làm suy thoái đi khả năng vượt thoát qua bên bờ kia của một vị Tỳ Kheo vốn hết sức là tinh tấn. Trường hợp này là một trường hợp bị chi phối bởi nghiệp lực, một người khi đạt đến một trình độ nào đó về tâm linh thì phải trả một giá rất lớn bởi vì sự trì níu lại của chính xác thân của mình, 7 lần xác thân của vị này đã làm hỏng đi nỗ lực gần như là đã tới cao điểm và lần thứ 8 Tỳ Kheo Godhika đã làm một quyết định, quyết định đó là sẽ tự kết liễu bằng chính lưỡi dao cạo tóc của mình.
Về điểm này chúng tôi sẽ nói thêm về sự quyên sinh ở trong cái nhìn của Đạo Phật, và riêng biệt ở trong trường hợp này lát nữa chúng ta sẽ nói sau, ở đây chúng ta hãy nhìn vào quá trình tu tập của Tỳ Kheo Godhika, mỗi lần vị này tìm được sự nhất tâm chuyên nhất ở trong sự tập trú định lực của mình thì xác thân vị này đã trở thành một trở ngại khi từ một cơ thể tương đối là khỏe mạnh trở thành bạo bệnh và khiến cho vị này không thể đi tới được. Khi Tỳ Kheo Godhika quyết định là mình sẽ tự kết liễu lấy chướng ngại đó bằng sự kết liễu cuộc sống của mình, thì ác ma đã biết và ác ma cũng hiểu được rằng bằng hành động kết liễu đó vị này trong một giây phút thản thốt, trong một giây phút tích tắc rất ngắn là có thể chọc thủng vô minh và tìm thấy đạo bất tử, tìm thấy đạo vô sinh bất tử, và dĩ nhiên với một tâm trạng rất bình thường của ác ma, ác ma không bao giờ muốn để vị này đi trọn vẹn con đường mà mình đã lựa, ác ma đã đến với Đức Phật và ác ma nghĩ rằng ác ma có hoàn toàn đủ luận cứ đủ bằng chứng và đủ lý do chính đáng để yêu cầu Đức Phật can thiệp, và ác ma nghĩ rằng sự can thiệp của Đức Phật về quyết định của Tỳ Kheo Godhika cũng là một sự can thiệp để cho vị Tỳ Kheo này trở lại với tình trạng thối chuyển do chính cái nghiệp lực quá khứ mà vị này không thể đạt đến bến bờ của giác ngộ được.
Theo như câu chuyện ở trong sớ giải cho chúng ta biết lúc ác ma xuất hiện trước mặt Đức Phật và đọc lên một bài kệ, bài kệ này mới nghe thì rất là đạo vị, mới nghe thì như nói lên lòng đại bi đại trí của Đức Phật, nói lên sự cứu độ của Đức Phật và trong trường hợp này cho một người đang quyết định quyên sinh điều mà Đức Phật Ngài đã nhận ngay ra lập tức đó là lời thỉnh cầu đó đến từ ác ma chứ không phải đến từ một người có đạo tâm thật sự. Và khi Đức Phật nhận ra ý của bài kệ đó thì ngay lúc đó Thầy Tỳ Kheo Godhika lại đến một giai đoạn quyết liệt là vị đó đã tự cắt lấy cổ của mình, mà trong giây phút kề cận bên cái chết trong giây phút rất ngắn ngủi mảy may đó Tỳ Kheo Godhika đã thấy được ánh sáng của giác ngộ.
Và Đức Thế Tôn đã nói một bài kệ khác để trả lời cho ác ma trong bài kệ này Đức Phật đã cho ác ma biết rằng ác ma không đạt được mục đích của mình bởi vì Godhika đã vượt qua trầm luân sanh tử và đã đạt đến bờ bên kia. Liền sau đó Đức Phật Ngài dẫn một số Thầy Tỳ Kheo lên trên hang núi nơi mà Godhika đã sống nhiều ngày để thiền định và tại đó Đức Phật và Chư Tăng tìm thấy cái di thể của vị Tỳ Kheo này và Đức Phật cũng chỉ cho các vị Tỳ kheo nhìn thấy một ngọn khói đen đi chung quanh xác thân của Tỳ Kheo Godhika, đi lên đi xuống trong nhiều phương tiện khác nhau. Đức Phật cho biết đó là sự cố gắng của ma vương để đi tìm một vết tích, đi tìm một lối đi và đi tìm những dấu hiệu cho ma vương biết là Godhika sanh về đâu, Godhika đã đi theo con đường nào. Nhưng Đức Phật dậy các Thầy Tỳ Kheo một điều rất rõ rằng ma vương không bao giờ có thể theo được vết tích của vị Tỳ Kheo mặc dù đã tự kết liễu lấy mạng của mình. Ma vương hiện ra trong hình thức của vị vương gia một tay ôm cây đàn guita đến bên Đức Phật và hỏi Đức Phật về đạo lộ về đường đi của vị Tỳ Kheo mà mạng sống đã kết thúc, ngay lúc đó Đức Phật cũng nhận ra rằng vị vương gia đó không ai khác hơn chính là ma vương, và Ngài cũng cho vị đó cũng như các vị Tỳ Kheo biết một lần nữa là không ai có thể tìm thấy hướng đi, không ai có thể tìm thấy được vết tích của một người con người mà giới đã thành tựu viên mãn, đã thật sự an trú ở trong định học, và đã tự mình giải thoát bằng chánh trí tức là giới phần, định phần và tuệ phần, đã trọn vẹn đã viên mãn. Và ma vương xấu hổ biến mất khi biết được rằng Thế Tôn nhận ra mình.
Chúng tôi kể câu chuyện này chúng tôi nhớ cách đây vài tuần lễ có một vị Hoà Thượng sau một thời gian dài hơn một năm vật vã với một chứng bệnh tuyệt chứng đó là bệnh ung thư gan, vị này gầy ốm chỉ còn da bọc xương nằm trên giường bệnh, chỉ có một điều để vị này chờ đợi đó là cái chết. Và có một vị Hoà Thượng khác đã đến thăm ở trong sự gặp gỡ rất là ngắn đó. Chúng tôi không có mặt nhưng được nghe kể lại là vị Hoà Thượng đang trong cơn hấp hối trên giường bệnh nhìn thấy một vị pháp hữu của mình không biết bằng một tâm trạng gì đó mà đã rơi xuống hai giọt nước mắt trên một xác thân vốn không còn thịt nữa mà chỉ còn da bọc xương thôi. Nhưng vị Hoà Thượng kia có thể cảm nhận rằng khi hai giọt nước mắt rơi xuống thì vị kia hình như là đã nhận ra một thứ khác nữa đó là cảm thấy rằng mình đã không còn bị dày xéo bởi chemotherapy tức là một phương pháp chữa trị bệnh ung thư nó dày vò thân xác của mình và sau giọt nước mắt đó bỗng nở một nụ cười mà một nụ cười rất nhẹ nhàng, và vị Hoà Thượng này đã bước ra khỏi phòng của vị Hoà Thượng đang dưỡng bệnh, khi bước ra tự nhiên ở trong lòng lại khởi lên hai câu thơ
"Giọt nước cam lồ vừa rơi xuống,
tấm thân hư huyễn bỗng thong dong."
Nói đến "Giọt nước cam lồ vừa rơi xuống, tấm thân hư huyễn bỗng thong dong." chúng ta nói đến một hình ảnh của một con người ở trong sự kề cận của cái chết, ở trong sự kề cận của giây phút đối diện với tử thần, bỗng nhiên chợt nhận ra rằng mình có thể thấy được một con đường sống, có thể tìm thấy một nhận thức mới, và vị này đã thay đổi cách nhìn của mình, hoàn toàn ở trong giây phút thảng thốt đó có thể nói rằng đây là một trong những điều rất hạn hữu trong cuộc sống.
Và cái chết của Tỳ Kheo Godhika được lãnh hội được nhận diện bởi ba người, một là tự thân của Thầy và sự giận dữ này hết sức là khó để lãnh hội bởi người khác, thật ra trong giới luật của kinh Phật thì dĩ nhiên là không khuyến khích cái chết do chính mình tạo nên tức là quyên sinh, điều đó không được đề cập đến trong kinh Phật, không được khuyến khích và có một số giới luật liên quan đến vị Tỳ Kheo nói lên sự tự sát của mình. Nhưng trong trường hợp Tỳ Kheo Godhika thì vị này hoàn toàn biết rõ cái gì là cái mình nên làm, sự kết liễu mạng sống của vị này giống như là vị Bồ Tát kết liễu mạng sống của mình, hy sinh thân mạng của mình để hành ba la mật hạnh, trong cái ba la mật hạnh có đôi khi các Ngài chẳng những hy sinh ngoại vật tứ chi mà luôn đến mạng sống của mình để bố thí, để trì giới, để tinh tấn, để trí huệ, và có thể nói là quyết định của vị này là một quyết định mà không có thể dựa trên một cơ sở luân lý một lời khuyên mang tánh cách đạo giáo, hay là một giáo điều nào mà đó là một sự lựa chọn hoàn toàn dựa trên cái nhìn của cá nhân mình. Godhika đã sáu bảy lần tự mình thất bại khi nhìn thấy ngưỡng cửa giác ngộ, vị này không thể đi xa hơn là bởi vì nghiệp lực của xác thân ghì níu lại, và nhiều lần như vậy vị này tự hiểu rất rõ là mình không thể đi xa hơn bởi vì chính xác thân của mình đã là một kẻ phản bội với chính mình và nó đã trì níu lại chính mình, khi vị này sắp bừng khai tuệ giác sắp đạt đến sự hợp nhất giữa tâm giải thoát và tuệ giải thoát thì xác thân vị này trở chính mình đã níu vị này trở lại, và quyết định của Tỳ Kheo Godhika không phải là sự quyết định của sự giận dữ, không phải là sự quyết định của một con người tuyệt phẩm mà đó là một quyết định hoàn toàn bình tỉnh, bình tỉnh đến đỗi hết sức là dễ sợ đối với đa số chúng ta, và thưa qúi vị trong sự bình tỉnh trong sự bình thản vị này đã tìm đến với con dao cạo không phải bằng tâm trạng rối ren và ngay lúc đó vị này đã khai triển được thiền quán của mình.
Chúng tôi rất ít khi kể câu chuyện này ở trong quần chúng Phật tử bởi vì không có mấy người có thể hiểu được, không có mấy người thật sự có thể quen thuộc đủ với giáo pháp để có thể đón nhận quyết định này như là một quyết định sáng suốt nhưng hoàn toàn thuộc về cá nhân, một quyết định mà chúng ta không thể hiểu được chỉ có một sự cảm nhận bằng Phật nhãn bằng con mắt của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác như là Đức Phật thì Ngài mới hiểu được Godhika đã đi đâu đã đến đâu và đã thành tựu những gì ma vương có thể nói là một người một chúng sanh vô cùng thiện xảo trong sự tìm thấy vết tích thọ sanh của tất cả chúng sanh ở trong đời này, nhưng ma vương cũng hoàn toàn bó tay không thể tìm ra vết tích của một con người đã không còn dục ái hữu ái và phi hữu ái, một con người không còn có một thằng thúc, không còn có một kiết xử nào ràng buột. Và ma vương hoàn toàn tuyệt vọng khi tìm theo vết tích của Godhika.
Chúng tôi có hỏi vị Hoà Thượng người đã viết hai câu "Giọt nước cam lồ vừa rơi xuống, xác thân hư huyển bỗng thong dong." Chúng tôi hỏi Hoà Thượng rằng khi HT viết câu đó như là từ một nguồn thi hứng hay là từ một sự cảm nhận, thì vị này nói rằng tôi đã thực sự cảm nhận sau hai giọt nước mắt đó và một nụ cười rất nhẹ nhưng rất là thanh thoát rất là nhẹ nhàng, và có thể nói rằng tôi tin rằng vị pháp lữ đó đã ra đi với tất cả tâm tư đã rũ sạch những ràng buột dính mắc, dĩ nhiên trong cái nhìn của một người phàm tăng đối với một vị khác chúng ta không biết đâu là sự cảm nhận chân thật, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ rằng Đức Phật bằng tâm tư của mình bằng tuệ giác của mình Ngài biết rõ sở hành, Ngài biết rõ quyết định và Ngài biết rõ sự giải thoát của Godhika và Ngài đã nói lên bài kệ này.
Qúi vị đừng hỏi chúng tôi rằng tại sao trong bài kệ này không có một điều gì nhắc về hoa mà bài kệ này lại được đặt trong phẩm hoa, chúng tôi không có một cơ sở nào để trả lời câu hỏi này nhưng chúng tôi có thể cảm nhận rằng đời sống của Godhika giống như là một đoá hoa nở trên hoang mạc, như một đoá hoa nở trên sỏi đá, và một đóa hoa mà một lúc nào đó qúi vị tìm thấy nở giữa sa mạc mênh mông trong sự khắc nghiệt của thời tiết thì thưa qúi vị "Hoa bất diệt nở trên vườn hoa sinh diệt", một vị thi sĩ và là một vị thiền sư đã viết như vậy, thì chúng ta có thể hiểu rằng ở trong sự phấn đấu cùng tận của một con người hướng cầu giải thoát, và giữa cái sống và cái chết giữa bao nhiêu là sự trăn trở bao nhiêu là chướng duyên hệ lụy vị này đã tìm thấy chính mình một ánh sáng và đối với Đức Phật, vị này là vị đã viên mãn giới đã an trú ở trong định ở trong sự không phóng dật, và tự mình đã cởi bỏ tất cả những ràng buột những thằng thúc bằng chính tuệ giác của mình. Tỳ Kheo Godhika hiểu quyết định của mình hơn ai hết và không có ai khác ngoài Đức Phật ra có thể hiểu được quyết định và hướng đi của Tỳ Kheo Godhika, ngay cả ma vương thiện xảo như vậy mà vẫn không tìm thấy được vết tích của vị Tỳ Kheo này, ma vương đã đến với Đức Phật bằng một cái nhìn rất nông nỗi và ma vương cũng đã tuyệt vọng bởi vì sự bất lực bởi vì một điều mình không thể làm được, và Đức Phật trong cái nhìn của vị Chánh Đẳng Chánh Giác đã nhìn thấy hình ảnh này như là một hình ảnh mà một đoá hoa nở trên sa mạc, không ai có thể biết được sở hành hướng đi của Tỳ Kheo Godhika hơn chính Đức Phật, và do vậy chúng ta đã được nghe những lời này phát xuất từ kim khẩu của Ngài.
Với ai viên mãn về giới hạnh an trú trong sự không phóng dật giải thoát bằng chánh trí thì ác ma không thể tìm thấy đường đi điểm đến của vị này, bài kệ này thật sự là một bài kệ rất đẹp và bài kệ này cũng nói lên rằng con đường tâm linh là một kinh nghiệm hết sức riêng tư của mỗi cá nhân mình, và chỉ có bản thân của mình mới thật sự biết được. Có thể nói chúng ta bỏ ra rất nhiều giấy mực để viết về lịch sử nhưng có những bóng tối ,có những bí ẩn lịch sử không bao giờ có thể biết được cái kinh nghiệm của những hành giả tu tập ở trên con đường tâm linh, có rất ít khi chúng ta biết được con đường tâm linh của mỗi người như thế nào. May mắn cho chúng ta là những trang kinh xưa còn để lại cho mình rất nhiều và trong những trang kinh xưa này chúng ta thỉnh thoảng đây đó bắt gặp một vài hình ảnh và những hình ảnh này có thể nói rằng không giống như bất cứ điều gì mà chúng ta đã nghĩ đã tưởng và đã quan niệm ở trong đời sống của mình.
Chúng tôi xin kết thúc bài nói chuyện về kinh Pháp Cú kệ ngôn số 57 tại đây. Cầu chúc qúi Phật tử có một ngày an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./.
Download
KN 57
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|