Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 56

Giá Trị Của Đức Hạnh

Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: TT Trí Siêu

Trầm hương hay mộc hương,
Hương này ít giá trị
Hương giới hạnh tối thượng
Bát ngát giữa chư thiên

 

(Việt dịch Tỳ Khưu Trí Siêu)

Chánh Hạnh chuyển biên

 

TT Trí Siêu:
Bài kệ Đức Thế Tôn thuyết tại Veluvana, Trúc Lâm đề cập đến tôn giả Đại Ca Diếp Mahākassapa được Đức trời Đế Thích để bát. Tương truyền Trưởng lão Mahākassapa có đặc hạnh thường đi đó đây với tâm từ bi rộng lớn tiếp độ những kẻ nghèo khó, tạo cơ hội cho họ cúng dường để bát. Không ít người nhờ sự cúng dường để bát đến một bậc đại trưởng lão có uy đức như vậy, nên sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Chính đức hạnh của Ngài khiến cho vua trời Đế Thích phát tâm hoan hỷ và vua trời cũng muốn tạo thêm công đức phước báu, chờ khi tôn giả Mahākassapa vừa xả thiền diệt nirodhasamāpatti, một trạng thái thiền rất thâm sâu đặc biệt và nếu những ai cúng dường cho một vị A-la-hán vừa xả thiền diệt thì người đó thành tựu phước báu to lớn. Vì vậy Đức trời đế Thích đã hóa hiện xuống cõi người thành một người Ba-la-môn nghèo khổ, chờ đón đường Tôn giả Mahākassapa để bát cúng dường. Tôn giả Mahākassapa phát hiện ra đấy không phải là người Bà-la-môn nghèo khổ nên Ngài đã khuyên vua trời Đế Thích nên nhường phần phước báu đó lại cho những người bất hạnh, nghèo khổ hơn. Nhưng vua trời Đế Thích rất hoan hỷ vì đã cúng dường được cho Tôn giả Mahākassapa và nói lên nhưng lời cao hứng “ Ôi sự bố thí ba-la-mật nơi đức Mahākassapa là trường tồn”. Ngài vừa nói vừa bay bổng lên hư không rồi biến mất.

Đức Thế Tôn trong hương thất, Ngài nghe được câu nói cao hứng của vua trời Đế Thích như vậy, Ngài thuyết pháp cho các vị Tỳ kheo nghe, Ngài tuyên bố rằng, “ Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo hành pháp đầu đà đi khất thực, con trai của ta Mahākassapa, Chư thiên hay nhân loại đều thương mến”. Rồi Đức Thế Tôn thuyết  bài kệ

Appamatto ayaṃ gandho,
yvāyaṃ tagaracandanaṃ‚
yo ca sīlavataṃ gandho,
vāti devesu uttamo

Ít giá trị hương này,
Hương già la, chiên đàn;
Chỉ hương người đức hạnh,
Tối thượng tỏa Thiên giới.

Trong bài kệ này đức Thế Tôn nhắc đến những hương thơm như hương hoa già la, hương chiên đàn mà chúng tôi đã giảng trong kệ ngôn số 54-55. gagara là một loại cỏ thơm, candani là loại gỗ trầm, những hương thơm đó cho dù loài người có ưa thích đến đâu vẫn là một loại hương thơm đối tượng của tỷ căn. Do vậy hương thơm này đối với bậc Thánh xem như không có giá trị. So với hương thơm của bậc có giới hạnh như đức hạnh của Ngài Mahākassapa, hương thơm đó tối thượng giữa Chư thiên và loài người. Dù chư thiên ở cõi nào khác cũng hoan hỷ ái mộ.

Bài kệ đã dạy cho chúng ta một điều, nếu đời sống được an trú trong thiện pháp và nhất là thành tựu được giới hạnh, với một người có đức hạnh thanh cao sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt khắp Chư thiên và nhân loại. Dầu cho các cõi Chư thiên, các vị ấy cũng thưởng thức được hương giới hạnh này và đem lòng hoan hỷ. Ở cõi người, các bậc thiện trí thức khi biết được những người có giới hạnh thanh tịnh trong sạch thì các vị đó hằng tán dương khen ngợi và năng thân cận gần gũi.

 

Do vậy chúng ta cần hiểu thêm rằng, có bốn nguyên nhân khiến cho chúng sanh được cộng trú với chư thiên,
1-Hạnh bố thí
2-Hạnh trì giới
3-Đức tin
4-Thính pháp.

Những người hằng bố thí, hằng trì giới, hằng có đức tin, có tâm hoan hỷ thính pháp được sanh lên cõi trời. Vì vậy đối với chư thiên khi nào giữa loài người có người giữ giới, có người có tâm hoan hỷ làm điều thiên, chư thiên sẽ rất hoan hỷ. Trong kinh giải thích vào những ngày mồng 8, 23 âm lịch tức mồng 8 của hạ quyền và thượng quyền theo lịch Ấn, những ngày ấy Tứ đại Thiên Vương là bốn vị Chư thiên tùy tùng cận tướng của vua trời Đế Thích sẽ đi du hành và tìm hiểu giữa nhân gian những ai thực hành thiên pháp, cung kỉnh cha mẹ , có niềm tin, hoan hỷ trong việc thính pháp, bố thí trì giới. Khi biết được có những người thực hành như vậy các vị chư thiên này sẽ hoan hỷ ca tụng, trở về thông báo với chư thiên hội chúng là hiện nay ở cõi nhân loại có những người giữ giới, bố thí hiếu kính cha mẹ. Nghe như vậy họ rất lấy làm hoan hỷ vì họ cho rằng hội chúng Chư Thiên sẽ không bị suy giảm. Đến ngày 14 và 29 âm lịch  tức ngày 14 thượng quyền và hạ quyền, các vị Thái tử con của vua trời Đế Thích sẽ đi du hành và tìm hiểu xem xét y như vậy trong cõi người. Khi biết được có những người làm những điều phước báu bố thí trì giới v.v…các vị ấy trở về cõi trời thông báo với hội chúng Chư Thiên và hội chúng Chư thiên sẽ hoan hỷ. Ngày rằm và ngày 30 tức là ngày 15 thượng quyền và hạ quyền của lịch Ấn Độ ( ngày 15 của trăng tròn và ngày 15 của trăng khuyết), Đức Trời Đế Thích đích thân đi du hành ở cõi nhân gian và tìm hiểu những ai tu tập thiện pháp bố thí, trì giới, hiếu kính cha mẹ, có đức tin, có chánh kiến v.v…Khi biết được có những người làm việc thiện như vậy, vua trời Đế Thích trở về thông báo cho hội chúng chư thiên để hội chúng hoan hỷ và cho biết rằng như vậy hội chúng Chư thiên sẽ được hưng thịnh không bị suy giảm.

Sư nhắc lại giai thoại đó trong kinh Tăng chi bộ để chúng ta tấn tâm có sự hoan hỷ, thỏa thích trong việc hành thiện của mình. Trong cuộc sống tu tập không phải chỉ đơn thuần chúng ta làm những việc bố thí trì giới cúng dường. Khi chúng ta bố thí cúng dường là một thiện pháp đưa đến phước vật chất trong tương lai, Điều này cũng quan trọng cần thiết. Tuy nhiên trong đời sống có đầy đủ tài sản vật chất chưa hẳn chúng ta được hạnh phúc an lạc. Sự hạnh phúc an lạc trong đời sống luân hồi sanh tử bị chi phối rất nhiều bởi phước đức. Phước đức được tạo bằng những công hạnh như quy y Tam bảo, giữ giới thanh tịnh hoặc tu tập bốn vô lượng tâm. Khi người thành tựu công hạnh giữ giới, người đó sẽ thành tựu phước đức đem lại sự hanh thông sự may mắn trong kiếp sống sanh tử luân hồi. Người có giới hạnh nếu sanh về cõi trời sẽ được tuổi thọ cao, hào quang chói sáng hơn các vị Chư thiên do phước bố thí sanh lên.

Khi sanh trở lại làm người do nhờ sự giữ giới thanh tịnh như vậy, người này được một đặc điểm là màu da sáng chói, các căn thanh tịnh tươi sáng, ít có sự bệnh hoạn, không có khuyết điểm về thể xác, cuộc sống được hạnh phúc an lạc, không bị oan trái, không bị kẻ thù hãm hại v.v… Đó là quả của sự giữ giới. Khi người Phật tử làm tròn các phước báu như phước vật, phước đức, phước trí, nếu như trong kiếp hiện tại chưa đắc đạo quả giải thoát niết-bàn thì sau khi mạng chung do nhờ ba phước này hổ trợ. Trong những phước báu đó Đức Phật nhấn mạnh đến giới hương. Chính hương thơm của giới cảm hóa  các vị Chư thiên trên cõi trời. Những vị này luôn có sự hoan hỷ và hằng hộ trì cho những người có giới.

Giữ giới là gì?  Không phải chúng ta chỉ thọ trì y theo những điều răn cấm do Đức Thế Tôn chế định. Nếu giữ giới mà  không có tâm lý giữ giới, như vậy chỉ có vỏ bên ngoài nhưng không có thức chất bên trong, sẽ không tạo được năng lực, tạo được hương thơm. Người giữ giới có tâm lý giữ giới luôn luôn không bao giờ làm hại mình, làm hại người khác, sống với tâm từ bi quãng đại, với tâm mát mẻ vô hận vô sân, không đánh đập làm khổ chúng sanh khác. Người này sống với tâm ly tham thiểu dục tri túc không có sự ham muốn nhiều trong việc thọ hưởng dục lạc ngũ trần, không trộm cắp đoạt tài sản của người khác. Người này hoan hỷ trong việc thành tựu trí tuệ, tỏ ngộ chân lý, nên luôn sống với tâm chân thật, thích nói những lời chân thật, hoan hỷ trong việc chân thật. Đó là những nguyên nhân khiến chúng ta giữ giới trong sạch. Lại nữa người này không có sự dễ duôi , buông lung, không ưa thích vui chơi hay thọ dụng những chất say, rượu men, rượu nấu nên không bao giờ phạm giới uống rượu. Người nay luôn thu thúc các căn không để cho nguyên nhân sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không phòng hộ, không để mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tư tưởng  mà tham ái ưu bi sanh khởi. Người này nguyện giữ bát quan trai giới, trong đó có không trang điểm không thoa vật thơm, không dồi phấn không đeo tràng hoa, không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp, không múa hát thổi kèn đờn xem múa hát, là những điều khiến cho chúng ta giữ giới được thanh tịnh.

Ai cũng vậy, chúng ta muốn người khác kính trọng mình, muốn được chư thiên hộ trì, hoan hỷ với mình, muốn thành tựu trong cuộc sống với tất cả sự  hanh thông, may mắn. Chúng ta mong muốn là một lẽ nhưng không làm đúng, không an trú trong giới thanh tịnh để có một đức hạnh cao cả, một đạo lực lớn mạnh. Thường những người mong muốn nhưng không thành tựu như ý muốn vì bởi nguyên nhân đó. Trong kinh bổn sanh về tiền kiếp của Đức Thế Tôn, có những lúc Ngài sinh ra ở những dòng giống cá hoặc các loài thủy giới và giữ giới rất trong sạch. Với sự giữ giới trong sạch như vậy những khi gặp mùa hạn hán, làm cho sông hồ ao rạch bị khô, nước cạn phơi bùn dưới ánh nắng mặt tròi khiến các loài thủy tộc chết rất nhiều. Lúc bấy giờ cá chúa là tiền thân của Đức Phật, Ngài nổi lên trên mặt bùn và phát nguyện giới hạnh của Ngài, Ngài nghĩ đến Chư thiên sao không đoái hoài không giúp đỡ những người có giới hạnh như vậy. Khi đó Đức trời Đế Thích cảm thấy nóng nảy trong lòng và bảo tọa. Ngài liền làm cho mưa rơi xuống ngập cả ao rạch sông hồ cứu lấy loài thủy tộc có đức bồ-tát là bậc có giới hạnh là chúa tể. Đọc các câu chuyện bổn sanh, người có niềm tin nơi Tam bảo và có niềm tin nơi ngiệp báo xem như những câu chuyện ngụ ngôn dạy cho chúng ta, nhưng đối với người không có niềm tin không hoan hỷ thì xem đó như những câu chuyện kể chơi, những câu chuyện hoang đường.

Trong hội chúng tùy theo mỗi người, có những người tin hay không tin, suy nghĩ đến hay không suy nghĩ đến. Ở đây Sư chỉ nói riêng về những người có niềm tin và có sự tu tập cần hiểu biết rằng, trong con người cao quý nhất là gới hạnh, đức hạnh. Ngay cả đời sống của người cư sĩ cũng phải cố gắng làm sao có hành động vầ thân khẩu ý tốt đẹp, có như vậy đời sống mới có sự hanh thông may mắn trong tương lai. Bởi thế ngoài việc  bố thí cúng dường, chúng ta cũng cần quan tâm trau dồi giới hạnh vì đời sống có giới hạnh có thể làm nền tảng cho thiền định. Khi giới hạnh được thanh tịnh, được trang nghiêm. Thiền định mới có thể an trú, chứng đắc được một cách dễ dàng, bởi vì khi thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đã được tốt đẹp, thanh tịnh, trên nền tảng đó tâm định mới không bị chi phối bởi phiền não. Thường khi một người thân làm ác, khẩu nói lời ác, ý suy nghĩ ác, lúc trở về cuộc sống thiền định, tâm tư của họ bị chi phối cảm thấy ân hận, nóng nảy nên không thể thiền định được. Đây là nguyên nhân khiến giới năng sanh định. Khi tâm đã an trú vững chắc, bấy giờ chúng ta mới có thể phát sanh trí tuệ sáng suốt, tỏ ngộ được lý pháp, chân tướng vạn vật. Đó là định năng sanh tuệ.

Nói chung người Phật tử đã học, đã hiểu thì chúng ta nên cố gắng thực hành, có gắng an trú gìn giữ trau dồi giới hạnh của mình cho trang nghiêm thanh tịnh. Chính điều đó sẽ đem lại phúc lạc cho chúng ta ngay trong hiện tại cũng như trong kiếp tương lai. Đối với giới hương này dầu muốn hay không, các bậc Chư thiên nhất là vua trời Đế Thích luôn luôn có sự hoan hỷ, ái mộ. Các vị sẽ hộ trì cho chúng ta có sự an lạc. Đó là nội dung bài kệ Pháp cú số 56.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

 

 

 

 




Download KN 01


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu