Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 51 & 52

Nói Mà Không Làm, Không Giá Trị



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc không mùi hương.
Cũng vậy dù thiện ngôn.
Không làm không kết quả.

Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc có mùi hương.
Cũng vậy, lời thiện ngôn.
Có làm, mới kết quả.

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m agandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa aphalaa hoti akubbato.
Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m sagandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa saphalaa hoti pakubbato.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Phải nói rằng chúng ta rất dễ thỏa mãn với học thuyết, với chữ nghĩa và với những gì trình bày qua ngôn ngữ. Đó là một điều rất tự nhiên của đời sống. Bởi vì trên phương diện truyền thông có thể nói ý nghĩa và lý lẽ được trình bày một cách rõ ràng và trong sáng thì hầu như nó làm cho chúng ta có nhiều thỏa mãn. Cần thiết hơn nữa, cao hơn nữa là tác dụng của điều đó trong đời sống. Với đức Phật thì có một khoảng cách rất xa giữa lý thuyết và sự áp dụng của lý thuyết đó. Ngày hôm nay chúng ta có hai lãnh vực, môt là khoa học, hai là kỹ thuật. Khoa học cho ta biết về lý thuyết căn bản của sự vật, về vật lý, về hóa học v.v. Nhưng kỹ thật là làm thế nào để áp dụng điều đó vào trong đời sống hằng ngày. Ở ngòai đời dĩ nhiên người ta thường hay nói đến điều đó và trong đạo người ta cũng nói đến điều đó. Nhưng ở ngòai đời thì dễ dàng vì họ có nhu cầu về phát triển, về tiền bạc.
Người Nhựt rất giỏi trong việc đem áp dụng những phát minh của Tây phương. Chúng tôi nhớ có một bài viết về kỹ thuật gọi là physiologic. Physiologic là kỹ thuật làm thể nào để cho máy móc có thể họat động một cách uyển chuyển chứ không chỉ có thể tắt và mở không. Một sáng chế physiologic do hai người Hoa kỳ đưa ra vào thập niên 50. Nhưng vì mới mẻ nên không ai áp dụng cho đến khi người Nhật đem áp dụng vào máy điều hòa không khí, vào xe điện ngầm và nhiều thứ khác, có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ từ sự ứng dụng này. Đó là câu chuyện của thế gian.

 

Còn câu chuyện trong đạo của chúng ta thì phải nói trên phương diện Phật học. Trong xã hội ngày hôm nay đặc biệt đào tạo rất nhiều học giả. Những lần chúng tôi đến thăm đại học Wisconsin hay Santa Barbara ở California thì có thể nói rằng có rất nhiều vị giáo sư sự hiểu biết của họ về Phật pháp là cả một công trình nghiên cứu. Khi nói chuyện với họ về A tỳ đàm hay hoặc giả một số đề tài mang tính hiểu biết thì phải nói rằng họ nắm rất vững. Tuy nhiên đối với cuộc sống của họ ngòai đời thì không áp dụng hành trì Phật pháp.

Ngược lại khi chúng tôi sống ở vùng nông thôn tại các xứ Phật giáo như Miến Điện hay Thái lan. Ở đây dân chúng trình độ thế học không cao, và chỉ nghe Chư Tăng nói pháp thôi chứ không có học trường lớp gì hết, thế nhưng tâm hồn của họ rất thuần thành và họ sống rất gần với đạo. Khi thân nhân của họ qua đời, cách suy tư của họ, cách nhìn của họ và cách họ tạo phước đề hồi hướng thì phải nói là cả một sự ứng dụng lời dạy của đức Phật trong từng phần một.



Hơn ai hết, có thể nói đức Phật là một vị Thiên Nhân Chi Đạo Sư và Ngài cũng là Điều Ngự Trượng Phu. Ngài hướng dẫn chúng ta tu tập và đồng thời Ngài cũng biết rõ căn bệnh trầm kha của tất cả chúng ta. Vì vậy trong đạo Phật có cả một kho tàng kinh điển có thể nói là đồ sộ hơn bất cứ bô kinh điển của tôn giáo nào. Bên cạnh đó, đức Phật do nhiều trường hợp, trong nhiều Phật ngôn chúng ta tìm thấy. Mặc dù đức Phật ngài dạy cho tất cả chúng ta rất nhiều thứ, nhưng ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại một điều là chúng ta hãy tìm cơ hội, tùy khả năng, tùy điều kiện. Có lúc đức Phật Ngài kêu gọi một cách đặc biệt tha thiết: “Này các tỳ kheo, đây là ngôi nhà trống, đây là khu rừng, đây là cội cây, các con hãy đến đó thiền định, tu tập, tinh tấn, không nên giải đãi.” Những lời dạy ân cần của đức Phật luôn kéo chúng ta về với một thực tại là giáo pháp chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ, được lãnh hội đầy đủ khi nào mình đem ứng dụng được những điều này trong cuộc sống.

Đối với Việt nam của chúng ta, là nơi có thể nói chương trình giáo dục hết sức nặng nề. Rất nhiều trường hợp thanh niên Việt nam ra trường với bằng tú tài có đôi lúc không biết làm gì để tự mình nuôi nổi bản thân của mình. Với bằng cấp đó, ngày xưa với bằng tú tài còn được gọi là ông tú, nhưng lại không có khả năng áp dụng điều đó vào cuộc sống. Tại các nước Âu Châu, người ta đã nhận ra một điều vô cùng quan trọng là đối với tuổi 16 là bước qua Senior High Schơol (tương đương với tú tài 1), chương trình giáo dục là chuyển qua chương trình huấn nghệ, tức là dạy nghề. Từ 16 đến 18 tuổi, sau hai năm học nghề đó nếu họ không thể học lên đại học họ vẫn tiếp tục theo đuổi ngành chuyên môn nào đó, dở nhứt họ cũng có tay nghề để họ có thể đi làm. Đi làm một cách thành thạo, có khả năng tốt trong việc mưu sinh.

Khả năng ứng dụng kiến thức vào đời sống ngày càng trở nên nhu cầu lớn. Vấn đề thật đặc biệt nêu ra đối với chúng ta là những người Phật tử làm thế nào trước kho tàng kinh điển mênh mông, bát ngát về đạo Phật. Chúng ta nghe, chúng ta nói, chúng ta hấp thụ, chúng ta bàn bạc mà có thể chuyển những thứ đó trở thành sức sống thực sự trong đời sống của mình. Ví dụ nói về vô thường, nghĩ trong đầu về vô thường, làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy sự vô thường đó ngay ở trong cảm giác của mình, ngay trong những biến động của đời sống mình thì đó lại là chuyện hòan tòan khác.

Chúng tôi nhớ những người phát tâm tu thiền Tứ Niệm Xứ. Họ đến một khóa thiền 15, 20 ngày. Khi trở về họ trình bày cảm giác của họ là hồi xưa họ cứ tưởng việc học, việc nói là để cho họ đến gần với Phật pháp. Nhưng sau một thời gian tu tập thì họ thấy có khỏang cách rất lớn. Rất lớn giữa khả năng hiểu, khả năng trình bày và khả năng có thể ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Ví dụ, chúng ta nói về chánh niệm. Chánh niệm theo định nghĩa thì được xem như là sự quan sát, sự ghi nhận, sự tỉnh táo, thấy biết đúng những gì đang xảy ra, nhứt là những gì xảy ra với thân tâm của mình. Ở ví dụ định nghĩa, chúng ta có thể định nghĩa một cách đại lọai như vậy. Nhưng khi một hành giả ngồi xuống trong nửa giờ, một giờ để tu tập chánh niệm thì câu chuyện không có giản dị như vậy.

Thí dụ khi chúng ta quan sát ghi nhận, nhưng có bao nhiêu thứ nảy sanh một lúc: nào là tâm tư phóng dật của mình, sự đau nhức của cơ thể, rồi nhìn trước mặt là hơi thở ra vào, tiếng động ở chung quanh, rồi giờ giấc thiền định. Ngay lúc đó thực tại phơi bày trước mặt chúng ta không phải chỉ là cái gì nhịp nhàng, mà thân và tâm của mình giống như một cái chợ. Nó giống như cái chợ nghĩa là muôn màu muôn sắc, những thứ để chú ý.

Chúng ta là người biết đi chợ thì làm sao có thể bước vào chợ đó mà không để cho mình bị lôi cuốn đi về tám hướng, không ngừng chú ý đến trăm ngàn thứ, mà chúng ta chỉ đi vào trong đó biết được đường đi, nẻo về. Biết được cái gì phải lựa chọn, biết được cái mình muốn mua, biết phải trả giá như thế nào, biết được cách sắp xếp lớp lang như thế nào để cuối cùng chúng ta có một giỏ thực phẩm mang về.

Đem chuyện đi chợ mà ví dụ về thiền thì rất khôi hài. Nhưng cũng tương tựa như vậy. Từ khi mình ngồi xuống để bắt đầu tu tập chánh niệm, thì không đơn giản như người ta nghĩ là ngồi xuống nhìn hơi thở ra vào. Phải mất một thời gian rất dài để người ta có thể quan sát những gì đang xảy ra để có khả năng trở về với nền tảng căn bản của mình là hơi thở. Thông thường nếu chúng ta không có kinh nghiệm, hễ chúng ta phóng tâm, chúng ta đau nhức thì một hồi, chúng ta lạc mất đề tài, đề mục chính của mình là hơi thở.

Thêm một kinh nghiệm nữa là với một người tu tập chánh niệm thì không có gì xảy ra ở thân tâm mình mà nó không phải là đối tượng của chánh niệm. Dù chúng ta tinh cần hay chúng ta không tin cần, dù là chúng ta khỏe hay chúng ta không khỏe, dù thỏai mái hay khó chịu, dù chúng ta ngồi thiền có tập trung được hay không tập trung được thì những trạng thái đó đối với con mắt của chánh niệm nó không có vấn đề gì hết. Cái gì xảy ra, chúng ta ghi nhận như vậy. Nhưng không phải là việc dễ dàng với một người mới vào tu tập. Chúng ta hay có thái độ phản ứng với nó. Thay vì chúng ta ghi nhận là mình đang tinh tấn hay là dã dượi, mình đang phân tâm, cái tâm của mình thế này hay thế khác mà mình ghi nhận như vậy. Thì chúng ta lại phản ứng với nó. Hoặc là vui, hoặc là buồn, thậm chí có khi chúng ta đứng dậy, chúng ta không ngồi nữa.

Với một người có bản lãnh về chánh niệm thì đem tất cả những thứ đó đặt ra trước mặt mình. Cho dù nó có ra sao chăng nữa thì chỉ quan sát mà không có phản ứng. Đó là một phương diện hoàn toàn khác với chánh niệm mà chúng tôi trình bày trong buổi giảng này.

Ở đây Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta thấy rằng nếu tôn giáo nói chung, Phật pháp nói riêng. Phật pháp ở đây không phải là Phật pháp kinh điển mà là Phật pháp trong sự hiểu biết của mình, mà sự hiểu biết đó khi diễn tả thành lời như chúng ta nghe mỗi ngày, sinh họat mỗi ngày. Chúng ta có thể rất thỏa mãn khi chúng ta nghe một câu Phật Pháp hay. Chúng ta thỏa mãn khi chúng ta trình bày vấn đề nào đó với ý nghĩa sáng sủa, dễ hiểu, dễ lãnh hội. Đức Phật không chê điều đó, không khích bác điều đó. Nhưng Đức Phật đã ca ngợi thuyết pháp đúng thời, thính pháp đúng thời. Đúng thời làm thiện pháp. Nhưng không có nghĩa là trong sự ngợi khen đó của Đức Phật như vậy là đủ. Như vậy là các con đã làm được điều cần phải làm. Ở bên cạnh đó thì đức Phật lưu ý chúng ta rằng những cái hoa có sắc mà không hương, lời hay mà không đem áp dụng được thì ngài nói rõ ràng là không làm thì không kết quả.

Kết quả là ở chỗ chúng ta đem áp dụng Phật pháp vào trong đời sống hay không. Chúng tôi biết rằng có những giai đọan, những thời đại mà ngay cả trong đạo người Phật tử lo sống với những từ ngữ ba hoa, dao to búa lớn. Chúng ta nghe như bao chùm luôn cả tam thiên, đại thiên xuống thế giới này. Chúng ta nói đến đại điện, chúng ta nói đến những cái mà những ý tưởng rất cao siêu, nghe rất đại đồng, nghe rất to lớn nhưng đem áp dụng trong đời sống hàng ngày thì không áp dụng được. Cái không áp dụng đó nó tạo nên vấn đề của chúng ta. Vì vậy người ta phải luôn phát minh ra nhiều thứ để áp dụng nhưng áp dụng không được. Tại vì những điều đó nghe rất hay về mặt lý thuyết nhưng không có khả năng để thực hành. Nó hòan tòan không có khả năng áp dụng trong đời sống này. Như vậy nó là thứ khoa học còn trong trứng nước chưa được biến thành kỹ thuật để đem áp dụng vào đời sống thực tại. Nó chỉ còn là một thứ sản phẩm của tư duy chưa được nhuần nhuyễn để trở nên một ứng dụng cụ thể cho việc thực hành.

Chúng ta phải nói rằng, có những thời người Phật tử không có nhiều kinh sách như hôm nay. Thời xưa kinh sách được chép trên lá buôn hay lá bối, chữ Hán gọi là bối diệp. Lá bối là lá dùng để chép kinh ngày xưa. Có những bản kinh bằng lá bối, bối diệp mà nó tồn tại có thể tám, chín trăm năm. Như vậy nó là lọai lá nếu khéo giữ nó còn tốt hơn in bằng giấy. Tại Tích Lan, nơi vẫn còn giữ được truyền thống chép kinh trên lá bối. Không phải vì họ thiếu sách vở nhưng họ muốn giữ lại một giai đọan lịch sử vô cùng quan trọng của Phật giáo những lời Phật dạy được chép xuống không phải là giấy trắng mực đen mà trên lá bối, bối diệp. Việc chép kinh do người tu sĩ, chứ người ngòai ít có khả năng chép như vậy, họ phải dùng một lọai viết rất bén, rất sắc họ viết trên lá rồi cho mực lên nó thấm vào những nét mình viết tạo ra những chữ. Chỉ có những người thực giàu, đặc biệt chỉ có những ngôi chùa nơi thí chủ cúng dường mới có khả năng có được những bộ kinh như vậy. Chúng tôi có hỏi vài lần là không biết bao nhiêu ngôi chùa có được bộ Tam Tạng bằng lá bối? Thì không ai có sử liệu để trả lời. Họ cho biết rằng theo suy nghĩ của họ thì cả một tỉnh có bao nhiêu ngôi chùa thì chỉ có một, hai ngôi chùa có điều kiện có được.

Chúng tôi nói đến lá bối để quí vị biết rằng thời xưa kinh sách thì ít đa số Phật tử học Phật pháp từ chư tăng. Chư tăng với kinh điển có sẵn trong chùa. Nói chi thời xa xưa, thời mà chúng tôi còn sống chung ở Long Thành. Hồi đó sư trưởng mới mở các lớp Phật học ở Long Thành. Chúng tôi có trách nhiệm dạy mấy môn học trong chương trình hầu như không có tài liệu như bây giờ. Chúng tôi phải viết trên bảng để cho chư tăng và các chú tiểu chép lại. Cái gì mình muốn nói, muốn viết ra thì chỉ viết lên bảng rồi ở dưới viết lại chứ không có tài liệu, đừng nói tới internet, đừng nói tới computer. Sách học cũng không có nữa. Với phương tiện hiếm hoi như vậy. Nhưng đã có được những cái thật xuất sắc. Nhiều Phật tử nghe pháp nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Và trong sự nghe pháp đó họ được thấm nhuần nhiều hơn. Thấm nhuần không phải chỉ một làng hay một thị trấn mà từ một quốc gia. Từ quốc gia này tới quốc gia khác. Bởi vì lúc bấy giờ có sự quân bình giữa lý thuyết và thực hành nó khác với chúng ta ngày hôm nay rất nhiều./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 51 & 52

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu