Ra đi mà không để lại một vết tích gì, như loài chim thiên nga bay trên không trung,
"Huyền không ngồi diện bích,
trăm năm một nụ cười
dấu trần như vô tích,
tan nhoà giọt sương rơi."
Khi người ta đến với cuộc đời này, việc ra đi và đến rồi đi như con chim thiên nga bay lên trời mà không để một dấu vết nào thì điều đó tượng trưng cho bật thánh trí giải thoát. Nhưng hình ảnh con thiên nga trong văn học Phật giáo Ấn Độ là như vậy. Ở trong văn hoá Phật Giáo Ấn Độ tượng trưng cho sự giải thoát, tượng trưng cho sự vô tích như thế nào thì con thiên nga ở trong văn hoá Tây Phương và trong văn hoá Trung Hoa thì hoàn toàn khác. Ở nền văn hoá Trung Hoa và Tây Phương đặc biệt là tại Trung Hoa thì một đôi thiên nga bay trên hồ không tượng trưng cho sự giải thoát mà tượng trưng cho một cặp tình nhân. Chúng ta khi học Phật cho dù là đã có một sự giao hoa rất lớn giữa hai nền văn hoá Hoa và Ấn thì dù sao đi nữa thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp một vài hình ảnh hết sức khác biệt khó có thể cảm nhận trong hình ảnh của chúng ta.
Trở lại bài kinh này hình ảnh một con ong đi hút mật ở hoa thì đó là một hình ảnh không đẹp trong văn hoá của người Việt Nam và người Trung Hoa. Ví dụ như chúng ta nói chuyện ong bướm chẳng hạn, nếu nói chuyện ong bướm thì chúng ta thấy nó không được đẹp, nhưng riêng ở trong nền văn hoá Ấn Độ khi nói đến loài ong thì cũng giống như người Việt Nam họ nói ong là một loại cần mẫn và hơn thế nữa loại ong có một đặc tính là đến với các loài hoa nhưng không làm tổn hại hương nhụy các loài hoa một mảy may nào hết. Dù sao đi nữa thì có lúc chúng ta cũng đặt mình vào trong một bối cảnh một nền văn hoá khác để cảm nhận một ý nghĩa cao vợi, và hơn thế nữa chúng ta phải trở về với tích truyện của ông Kosiya.
Ông Kosiya là một vị chưởng khố, nói theo ngày hôm nay thì được xem như là một người thủ kho và thời xưa vị trưởng khố này là vị xem như có trách nhiệm để gìn giữ quốc sản, gìn giữ những tài sản của nhà vua, rất giỏi và rất tín cẩn, nhưng đặc biệt vị trưởng khố thời đó là một người rất giàu, họ giàu đến đỗi mà trong trường hợp có bất cứ một sự tổn thất gì về tài chánh nào liên quan đến tiền bạc của nhà vua hay của quốc gia thì vị trưởng khố đều có khả năng bù đắp, nói như vậy thì có nghĩa là Kosiya là một vị trưởng khố rất giàu có, đã không giàu thì không làm được trưởng khố.
Thì thưa quí vị, cho dù là một người giàu có nhất trong thành nhưng Kosiya vẫn có một điều rất đáng tiếc cho cuộc đời của ông là bản tánh của ông rất keo kiệt, chữ keo kiệt ở đây không có nghĩa là keo kiệt theo bình thường của mình, nghĩa là ăn sài một cách tiện tặn, mà ông keo kiệt đến đỗi chính bản thân của ông cũng không dám ăn sài cái gì mà ông nghĩ rằng không có quá cần, chỉ có cái gì quá cần ông mới dùng tới mà thôi, những người làm việc ở trong nhà thì ông trả lương rất sòng phẳng, nghĩa là ở bên ngoài trả lương quy định như thế nào thì ông trả lương như vậy, nhưng mà cho thêm một chút hay cho thêm một vật nhỏ thì ông cũng không cho, và không bao giờ ông có chuyện thi ân bố đức là chắc chắn, bởi vì như chúng ta biết ông là một người rất là keo kiệt
Chúng ta lại nghe được một giai thoại và ở trong giai thoại này cũng kể một ít về cá tính của Kosiya vị trưởng khố hết sức là keo kiệt. Nói rằng có một lần ông đang đi bộ vào trong thành ông thấy một đứa nhỏ cầm một cái bánh, bánh đó ngày hôm nay bên Ấn Độ vẫn còn, nó giống như bánh tiêu của chúng ta, người ta chiên xong rồi thì ngào đường phết lên trên bánh tiêu này và nó trở thành đặc sản của tỉnh Bihar. Khi nhìn thấy một đứa nhỏ cầm một cái bánh tiêu ở bên đường vị trưởng khố này cảm thấy thèm, chưa bao giờ ông cảm thấy thèm một thức ăn đến đỗi cơn thèm dày vò ông đến như vậy. Bình sinh là một người rất keo kiệt, ở trong nhà ông có lệnh cho tất cả mọi người từ đầu bếp cho đến vợ của ông là chỉ nấu những gì cần thiết để ăn qua ngày, không bao giờ nấu những gì gọi là xa xỉ hay nhiều hơn cái gì mình cần. Hôm nay đi dọc đường thấy một đứa bé cầm một cái bánh tiêu ăn ông trở lên thèm khát lạ thường nhưng bản tính rất bỏn xẻn, ông nghĩ rằng tuy rằng ngon đó nhưng thật sự không cần, và do vậy ông trở về nhà nhưng trên khuôn mặt thì có nét gì hơi khác thường và dĩ nhiên là không vui vẻ lắm, vợ ông thấy như vậy nhận ra rằng có một cái gì đó trong tâm tư người chồng của mình hôm nay khác hơn mọi ngày thì mới hỏi ông, ban đầu thì ông không nói nhưng sau nhiều lần khẩn khoản của bà vợ thì ông nói rằng:
"Không biết tại sao hôm nay đi vào trong làng thấy một thằng bé cầm một bánh tiêu mà sao thấy thèm quá."
Nghe nói như vậy bà vợ không nhịn cười được, bà vợ bật cười lên và nói với ông rằng:
"Với tài sản của chúng ta mình có thể làm bánh tiêu cho cả thành Xá Vệ này ăn xá gì mà ông để trong lòng như vậy."
Khi bà vợ vừa nói lên câu đó thì ông bụm miệng bà vợ và nói rằng:
"Tại sao bà lại nghĩ đến chuyện làm bánh cho cả thành Xá Vệ ăn vậy, bộ tiền bạc ở trên trời rớt xuống sao bà lại nghĩ như vậy."
Bà vợ trả lời "Thôi thì mình chỉ làm đủ trong nhà ăn."
Thì ông mới nói rằng :
"Nhà mình đâu có tiệc tùng gì mà khoảng đãi từ trên xuống dưới."
Thì bà mới nói rằng "vậy thì làm cho đủ vợ chồng con cái mình ăn thôi"
Ông cũng tỏ vẻ không vui và cuối cùng thì bà vợ chỉ còn có nước nói
"Được rồi, tôi chỉ làm đủ cho ông ăn thôi, để ông không phải thèm nữa."
Ông nói "Đúng rồi, tại vì chỉ có mình tôi là người đang thèm khát, chứ những người khác đâu có ai thèm ăn bánh tiêu đâu."
Và như vậy hai vợ chồng đồng ý với nhau rằng chỉ có làm bánh tiêu cho một mình Kosiya mà thôi, nhưng Kosiya là một người rất cẩn trọng, ông nói với bà vợ rằng:
"Lâu lâu làm bánh ăn một bữa mà làm ở trong bếp kẻ đi qua người đi lại mà mình không cho họ thì cũng kỳ, thôi thì bà chịu khó cực một chút xíu, lấy chảo, củi lửa, dầu, bột bánh đem lên sân thượng làm mấy cái bánh tiêu cho tôi ăn có được không vậy?"
Bà vợ thưa là "được chớ, nếu ông muốn như vậy thì mình sẽ lên sân thượng để làm bánh cho ông ăn"
Và thưa qúi Phật tử thế là bà khệ nệ khiên tất cả nào là cà ràng, rồi chảo, củi, dầu những thứ vật dụng cần thiết. Vốn là một người nội trợ rất khéo, mặc dù là phu nhân của một vị trưởng khố nhưng bà vẫn có thể tự nấu ăn được và bà đã đem lên sân thượng của toà nhà để chuẩn bị làm bánh tiêu cho chồng. Ngày hôm đó là một ngày rất có ý nghĩa bởi vì Đức Phật vào buổi sáng Ngài dùng Phật nhãn để quán sát căn duyên của thế gian thì Ngài thấy rằng Kosiya hôm nay đã hội đủ duyên lành có thể thành tựu được đạo quả. Ngài gọi Tôn Giả Mục Kiền Liên và Ngài sai Tôn Giả Mục Kiền Liên đến nhà của trưởng khố Kosiya để tế độ hai vợ chồng này. Vâng lời của Phật dậy Tôn Giả Mục Kiền Liên đến nhà của ông và Ngài biết rằng hai vợ chồng đang ở trên sân thượng và Ngài cũng biết rằng ông trưởng khố đang kín đáo để chờ vợ làm mấy cái bánh tiêu cho mình ăn, và Ngài cũng biết rằng hai ông bà đã lựa chọn sân thượng bởi vì không muốn ai lên đó hết.
Thì trong kinh kể rằng khi chiên được cái bánh đầu tiên ngay lúc đó ông Kosiya ngẩn đầu lên nhìn thấy có một nhà Sư đang đứng lơ lửng giữa hư không, người đó không ai khác hơn chính là Tôn Giả Mục Kiền Liên, nếu hôm nay mà một trong chúng ta thấy có một vị Sư đứng lơ lửng giữa hư không như vậy có lẽ là dầu có vui cách mấy, dầu có đang làm chuyện gì mà qúi vị thấy một người đứng lơ lửng giữa hư không qúi vị sẽ ngạc nhiên và kinh ngạc lắm, và trong sự kinh ngạc đó thế nào cũng có một vài cuộc đối thoại hấp dẫn diễn ra nhưng mà đối với ông thì không có. Khi ông nhìn thấy Tôn Giả Mục Kiền Liên đứng lơ lửng giữa hư không như vậy thì ông lại bậc ngửa ra và nói với bà vợ rằng:
"Mình đã leo lên đến đây rồi tưởng rằng mình ăn cái bánh tiêu cho được yên thân mà không ngờ có một ông Thầy đi ăn xin đến đây lại làm phiền mình nữa."
Và bởi vì là một người làm việc trong cung đình, là một người rất là quen thuộc với sự nghi lễ cúng kiến các nhà Sư của vua Ba Tư Nặc nên ông nghĩ trong bụng là:
"Vị Samon này đến đây khuất thực nhưng nếu mình không cho ông đứng đây hoài thì mình ăn cũng không ngon."
Nên ông quay ra nói với bà vợ "Bà lựa cái bánh nào nhỏ lấy một cái đem cho ông Thầy để ông Thầy đi chỗ khác đi."
Bà vợ nghe nói như vậy lấy một cái từ trong rổ mới chiên xong thì ông nói "bánh này lớn quá" và ông nói bà vợ lấy một cái bánh khác, nhưng tự nhiên do năng lực thần thông của Ngài Mục Kiền Liên tất cả những cái bánh dính liền với nhau, ông mới nói với bà là hãy lấy một cục bột rất nhỏ ở trên đầu đủa bỏ vào trong chảo chiên lên, và cũng với năng lực của Ngài Mục Kiền Liên làm cho cái bánh dầu bột nhỏ như vậy nhưng nó lại to hơn những cái đã có trong rổ, cuối cùng thì ông lại trở lại tìm một cái nào nhỏ nhất ở trong rổ để lấy đem dâng cho Ngài Mục Kiền Liên, tuy vậy cũng với năng lực thần thông của Ngài Mục Kiền Liên, tất cả những cái bánh dính liền với nhau hết và không có cách gì có thể làm rời ra được, thì thưa qúi vị, ông ra lệnh cho bà và ông mỗi người nắm một đầu để kéo những cái bánh đó ra, mặc dầu kéo mà mồ hôi nhễ nhãi nhưng vẫn không làm sao lấy được cái bánh ra riêng biệt bởi vì tất cả các bánh đều dính vào nhau hết. Chúng ta nghe câu chuyện đó phải bậc cười là bởi vì đối với một người nhìn thấy một vị tôn giả đang đứng ở trên hư không mà lại không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện tiếc nuối cái bánh của mình và thưa qúi vị bằng tâm bỏn xẻn ông thấy bánh nào cũng lớn hết, và Ngài Mục Kiền Liên ngược lại thì Ngài đã dùng thần thông để cho những cái bánh bột để vào càng ít thì nó lại nở ra càng lớn, và ông trưởng khố càng muốn lấy riêng ra từng cái thì Ngài Mục Kiền Liên lại làm cho những cái bánh đó dính liền lại với nhau, cuối cùng thì như chúng ta biết rằng mệt quá và cơn thèm khát bánh tiêu đã đi qua ông không còn thèm khát bánh tiêu nữa, và bấy giờ bởi vì quá mệt mỏi vì phải vật lộn với mấy cái bánh tiêu nên ông nói với bà bây giờ tôi không còn muốn ăn gì nữa hết bà cứ đem hết những cái bánh tiêu này cúng dường cho ông Thầy đi. Nhân đó Ngài Mục Kiền Liên đã nói những lời khai thị cho ông Kosiya. Lúc bấy giờ thưa qúi vị bởi vì không còn thèm bánh tiêu nữa và bởi vì không còn tha thiết để mà giữ tài sản nữa, ở trong giây phút thảng thốt bỗng nhiên tâm hồn ông lắng đọng xuống và ông đón nhận được lời dậy của Ngài Mục Kiền Liên một cách hết sức rõ nét, hết sức chân thật, và ông đã chứng đắc Thánh quả Tu Đà Hườn ở trên sân thượng của mình, sau khi chứng đạt Thánh quả xong thì ông đem tất cả những cái bánh còn lại cúng dường Ngài Mục Kiền Liên một cách rất là thành kính, nhưng mà Ngài nói rằng hãy đem những thứ này đến dâng Đức Phật và Chư Tăng, thì ông cảm thấy quá ít không cách nào với số bánh nhỏ nhoi như vậy để cúng dường cho đại Tăng ở chùa Kỳ Viên, nhưng trong lời dậy của Ngài Mục Kiền Liên Ngài cho biết rằng như vậy là đủ và quả thật là với năng lực của Ngài thì Ngài có thể làm cho tất cả mọi người ở trong chùa Kỳ Viên có đủ bánh để mà ăn, và Ngài cũng dùng thần thông của Ngài đưa hai vợ chồng ông này bước xuống cầu thang và ở tại đó họ bước vào cổng chùa Kỳ Viên đem tất cả những thực phẩm đó cúng dường lên Đức Phật và Chư Tăng.
Chúng ta nghe câu chuyện này như là một huyền thoại bởi vì nói nhiều đến thần thông đến khả năng rất thiện xảo của Tôn Giả Mục Kiền Liên, nhưng mà rồi cũng trong câu chuyện này đã có một sự kỳ diệu là một con người sống trong cuộc đời này từ nhỏ đến lớn chỉ nghĩ đến tiền, và từ nhỏ đến lớn không bao giờ nghĩ đến chuyện đem những gì thuộc về sở hữu của mình đem chia xẻ với một ngươi khác, bây giờ người đó từ một con người rất bỏn xẻn rất keo kiệt trở thành một con người với bàn tay rộng mở, một con người đầy lòng tịnh tín thì thưa qúi Phật tử đó là một hình ảnh mà với cái nhìn của Đức Phật thì là một hình ảnh rất cao qúi, hết sức là đẹp, đẹp hơn bất cứ bức tranh nghệ thuật đáng giá nào, đẹp hơn bất cứ câu chuyện nào mà chúng ta được nghe dù rằng được diễn tả qua bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ, bởi vì đối với Đức Phật ở trong đó có lợi lạc có sự bừng sáng của chánh pháp, và ở đây đối với Đức Phật hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên đến với ông trưởng khố Kosiya và đã trở về mang lại cho ông một niềm tin và không một mảy may thiệt hại gì, mà Đức Phật Ngài thấy hình ảnh đó là một hình ảnh rất đẹp.
Và sau khi Ngài tán thán, Ngài kễ những câu chuyện về tiền kiếp của ông, lý do ông trở nên giàu có nhưng rất bỏn xẻn để không hưởng được tài sản của mình, bởi vì ở trong quá khứ xa xưa có một lần ông đang làm việc và một vị Phật Độc Giác đi khất thực ngang qua ông đã sai người ra cúng dường thực phẩm cho vị Phật Độc Giác, nhưng mà khi vị Phật Độc Giác quay lưng đi rồi ông bỗng nhiên hối hận nghĩ rằng phải chi những thực phẩm đó mình cho người ăn kẻ ở trong nhà thì có lợi hơn là cho một ông Thầy Tu như vậy. Lúc cho vị Phật Độc Giác thì tạo ra nhiều phước lành nhưng vì tâm hối hận về sau do đó do túc duyên ông sanh ra đời là một người rất là giàu có nhưng mà lại rất bỏn xẻn không hưởng được những gì mà mình có được, và nhờ vào ân đức và khả năng thiện xảo của Tôn Giả Mục Kiền Liên ông đã vượt qua nghiệp quá khứ của mình, ông đã vượt qua khỏi thế giới của phàm tâm, ở trong thế giới đó con người sống không có lòng tịnh tín, ông không tìm được ánh sáng chân thật, tìm được một sự giàu có thật sự trong lòng, và bấy giờ khi chứng đắc được Thánh quả thì chẳng những ông không mất mát mà ông có cả một chân trời mới, thì nhìn hình ảnh đó và nhìn tất cả câu chuyện đó Đức Phật Ngài đã nói lên một câu rất là thi vị:
"Bậc Thánh vào làng sớm
Như ong đến vườn hoa,
Lấy mật xong bay xa
Không hại gì hương sắc
Đó là câu chuyện và ý nghĩa của bài kinh ngày hôm nay.
Chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa của bài kinh Pháp Cú này, trong bài kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài luôn luôn nhắn cho chúng ta một thông điệp. Không phải chỉ riêng trong bài kinh này mà nhiều bài kinh khác. Là một người đem đạo lý đem những lời hay lẽ phải đến với cuộc đời như một ban tặng, như một cống hiến chứ không phải là một sự chiếm đoạt. Chúng tôi nhớ rằng ở trong lịch sử truyền bá các tôn giáo của thế giới thì hầu như những sự truyền bá của tất cả những tôn giáo khác ngoài Phật Giáo đều là sự xâm lăng và ở trong sự xâm lăng này đã có bao nhiêu là xương là máu là sự hy sinh oan uổng, và thường những đạo giáo khác đến với một nền văn hoá khác thì nền văn hoá đó trả một giá rất lớn cho những sự vật vã cho những tranh đấu để chống lại xâm thực của một nền văn hoá ngoại lai, đã có bao nhiêu xương máu của loài người đổ trên trái đất này vì nhân danh tôn giáo. Nhưng riêng với đạo Phật thì sự xuất hiện của đạo Phật 25 thế kỷ về trước và cho đến hôm nay cũng vậy, thời Đức Phật cũng vậy, và những đệ tử về sau cũng vậy, sự đến của đạo Phật với một nền văn hoá nào thì đó là một tặng vật cho nền văn hóa đó.
Chúng tôi nhớ rằng có một học giả khi viết về cuộc đời của Ngài Huyền Trang, học giả đó đã nói rằng Ngài Huyền Trang là một biểu lộ bất tuyệt của một nền văn hoá cao đẹp của đạo Phật, và nền văn hoá cao đẹp của đạo Phật đó khi đến với Trung Hoa đã ban tặng cho Trung Hoa một gia tài đồ sộ về học thuật, ngôn ngữ, nghi lễ và về tư tưởng. Sự ban tặng đó có thể gọi là một sự ban tặng vô tiền khoáng hậu trong tất cả sự giao thoa văn hoá trong lịch sử loài người.
Thưa qúi vị, chưa bao giờ đạo Phật đến với một nền văn hoá hay đến với một quốc độ nào mà làm cho quốc độ đó phải đổ máu, phải bị dày xéo bởi vì một nền văn hoá ngoại lai đi vào, mà thay vào đó với một thái độ rất ôn hoà, rất sáng suốt và bằng ánh sáng của một nền minh triết đến từ một bậc giác ngộ. Đạo Phật đã có những cống hiến cho thế gian này và trong sự cống hiến đó phải nói rằng ngày hôm nay ở tại các quốc gia Phật Giáo, ở Âu Châu, Úc Châu Đạo Phật đã đến với những người Tây Phương không phải bằng thế lực của súng đạn, không phải bằng thế lực của chính trị, không phải bằng thế lực của những điều mà chúng ta gọi là gun do diplomacy mà Đạo Phật đã đến đó qua nguồn sống tâm linh của những nhà học giả trí thức chân chính. Và hôm nay cũng giống như từ bao giờ Đạo Phật luôn luôn là một ban tặng cho cuộc đời.
Và chúng tôi phải nói một điều này để tất cả những Phật tử đang lắng nghe trong rơom, qúi vị sẽ thấy rằng hầu hết những công trình hoằng pháp của Đạo Phật tại Tây Phương ngày hôm nay không phải là do người Phật tử Á Châu chiếm phần đông, mà người Phật tử đến từ Tích Lan đến từ Miến Điện đến từ Nhật Bản cũng có, nhưng một trong số rất ít mà phần lớn do những người Tây Phương ở trong đó chúng ta nhắc đến những tên rất là lừng lẫy như Edward A. Irons như là Rhys Davids, như I. B Horner là những người đã đến với Đạo Phật và hấp thụ được cách nhìn, cách suy nghĩ, sự cảm nhận của Đạo Phật và khi trở về qua chính ngòi bút của họ, qua chính nhiệt thành của họ, họ truyền bá đạo Phật và hôm nay gia tài kinh điển của Đạo Phật bằng Anh ngữ chúng tôi có thể nói rằng lớn gấp mấy lần kho tàng kinh điển của Đạo Phật Việt Nam, mặc dầu Đạo Phật đã có trên đất nước của chúng ta một thời gian rất lâu và chỉ nhắc đến một tên tuổi rất nhỏ rất quen thuộc với chúng ta như quí vị cũng thấy công trình đồ sộ như là Ngài Nanamoli. Ngài Nanamoli là một vị Tăng người Anh chỉ vỏn vẹn trong mười năm hoằng pháp tại Tích Lan, mười năm đó Ngài Nanamoli đã để lại bao nhiêu tác phẩm kỳ vĩ cho nền học Phật thế giới, ở trong đó kể cả tác phẩm Thanh Tịnh Đạo, một tác phẩm đã được Ni Sư Thích Nữ Trí Hải chuyển dịch sang Việt ngữ. Thì qúi vị thấy rằng trong sự cống hiến đó hoàn toàn phải nói rằng phần lớn những gia tài kinh điển của người Tây Phương ngày hôm nay là do chính họ đến và đón nhận được Đạo Phật và từ Đạo Phật và họ trở về cống hiến, và trong sự cống hiến đó hoàn toàn là một đóng góp vào nền học thuật chung cho cả nhân loại, đóng góp sự giàu có phong phú của nền tư tưởng tâm linh Tây Phương, hoàn toàn không mảy may làm mất mát điều gì.
Và trở về với kinh nghiệm rất cá nhân của mỗi chúng ta thưa qúi vị. Chúng tôi nhận thấy một điều rằng đa số những người phụ huynh trong gia đình ngày hôm nay khi đặt ra vấn đề giáo dục với con cái thường người ta xem là biện pháp la rày răn phạt đó là một biện pháp hữu dụng đối với trẻ em, nhưng mà thưa qúi vị có lẽ trong cuộc đời này không có điều gì chúng ta đón nhận nhanh bằng chúng ta đón nhận một cái gì mới, một cái gì lạ bằng một cảm giác êm ái bằng tình thương. Và thường thường bởi vì Đạo Phật nói nhiều đến giới, định, huệ, đến sự tu tập, do vậy những người Phật tử thường lấy quan niệm tiêu chuẩn về luân lý, tiêu chuẩn về đạo đức, để giảng dậy cho con em của mình, và chúng tôi nhận thấy rằng đã có nhiều gia đình họ hoàn toàn không có dạy được con em của mình về nghĩa lý của Đạo Phật là bởi vì họ xem Đạo Phật như là những cây roi, như là những lời răn phạt, như là một khuôn khổ mà các con phải như thế này phải như thế khác.
Khi chúng ta đọc bài kệ này cũng gợi cho chúng ta một ý niệm rất quan trọng trong vấn đề giáo dục, là chúng ta hãy đem Phật Pháp đến cho cuộc đời như là một sự ban tặng như là một món quà hơn là một thông điệp răn đe hơn là một giáo lệnh, bởi vì sao? bởi vì Khổng Tử ngày xưa đã từng nói rằng:
"Cái gì mà mình bắt buộc phải làm không bằng tự mình muốn mà làm, cái gì mình muốn mà làm thì cũng không bằng cái gì mình thật sự hoan hỷ để mà làm, thật sự vui sướng để mà làm."
Thì thưa qúi vị, giáo pháp của Đức Phật có rất nhiều cái hay có rất nhiều cái đẹp, đó là cả một kho tàng.
Mỗi lần chúng tôi về họp với qúi Thầy ở trong Giáo Hội là thường nghe qúi Thầy đặt ra những quan niệm cảm thấy chua xót, là làm thế nào để mình bảo vệ Đạo Phật, Đạo Phật đang bị tấn công về mặt này, văn hóa đạo Phật đang bị xâm thực bởi một đạo khác, và chúng tôi thường nghe qúi Ngài nói về một hình ảnh một căn nhà sắp bị cháy, thêm một căn nhà sắp bị sụp và con cháu ở trong nhà phải lo chống đỡ. Thật ra chúng tôi nghe nói một lần, hai lần nhưng tới lần thứ ba thì chúng tôi có đề nghị là bởi vì chúng ta quan niệm đạo Phật như là một căn nhà sắp sụp đổ và chúng ta cảm thấy mình có qúa nhiều sự lo âu, quá nhiều bổn phận, và điều đó thật sự làm cho mình và những người chung quanh mình rối trí, chúng tôi thật sự không muốn nhìn như vậy ở trong hình ảnh của Đạo Phật hôm nay.
Thật ra từ lúc chúng tôi biết đạo, đi vào trong chùa sống dưới chân của các vị Thầy cho đến bây giờ ở trong tâm trạng của chúng tôi luôn luôn nuôi một tâm trạng là chúng tôi có quan niệm rất rõ ràng về lời dậy của Đức Phật, là lời dậy của Đức Phật là một kho tàng và chúng ta những đứa con của Ngài có được quyền thừa hưởng gia tài đó, như Đức Phật Ngài đã dậy trong kinh Pháp Tự là chúng ta những đứa con của Ngài có quyền thừa tự tài sản của chánh pháp, và đó là một kho tàng thì chúng ta có quyền hoan hỷ đi vào tắm gội trong đó, có quyền đi vào trong đó đón nhận cái hay cái đẹp. Một lần nào đó mà qúi vị đến một vườn bách thảo của một thành phố lớn khi bước vào trong khu vườn thì có trăm điều để khám phá, có bao nhiêu lối đi tươi đẹp để mình có thể đón nhận những cái hay cái đẹp hương sắc của vườn bách thảo như thế nào, thì chúng ta hãy đón nhận chánh pháp như một kho tàng, và chúng ta hãy chia xẻ chánh pháp cho người khác như một ban tặng một món quà gì đó đẹp, gì đó cao qúi, cái gì đó mà chúng ta tìm thấy có lợi lạc cho mình hãy chia xẻ cho người khác, và làm được như vậy có thể chúng ta không được như Ngài Mục Kiền Liên có thể chúng ta không có hoàn toàn thiện xảo như là lời dậy của Đức Phật ở trong bài kinh này:
"Bậc Thánh vào làng sớm,
Như ong đến vườn hoa
Lấy mật xong bay xa
Không hại gì hương sắc."
Nhưng chúng ta cũng có thể bắt chước và cũng có thể làm được một phần tương tựa như vậy, chúng ta có những tặng vật tinh thần cho cuộc đời bằng Phật Pháp, và những tặng vật này cho mà không làm tổn thương gì đến người khác hết. Không có chuyện gì tốt đẹp cho bằng thế giới này người ta sống chỉ có những thứ để cho nhau và không có tìm điều gì phiền lụy nhau và điều này làm cho Đạo Phật khác biệt với những tôn giáo khác.
Chúng tôi biết rằng có nhiều tôn giáo trong sự truyền bá, trong sự có mặt của mình nó trở thành một sự đe dọa, trở thành một sự xâm thực và nó trở thành một sự tổn thương lớn lao đối với một quốc gia, đối với một xã hội, đã có bao nhiêu nền văn hoá bị xóa đi là do sự bành chướng của các tôn giáo, những tôn giáo đó đã dậy đời người ghét nhau nhiều hơn là thương nhau, những tôn giáo đó đã khiến cho con người nghi kỵ lẫn nhau. Nhưng Đạo Phật hiện hữu giữa cuộc đời này như một giòng suối, như là ánh sáng ban mai, như là ánh trăng rằm, và như là một tặng vật cho trần gian này, và tặng vật đó không bao giờ có một hàm ý, một biểu lộ là một sự đe doạ, mà chỉ có là sự ban bố mà thôi. Nên trong cách chúng ta quảng diễn chánh pháp, trong cách chúng ta đem đạo vào đời, trong cách chúng ta chia xẻ niềm tin của mình hết sức quan trọng, để người Phật tử nhắc nhở cho chúng ta thường thấy rằng chúng ta không nói chuyện với thái độ của kẻ cả, chúng ta không lấy quan niệm là điều này đúng, điều kia không đúng, để mà công kích, để mà chỉ trích người khác, chúng ta không bao giờ đặt ra những khuôn khổ mà bắt người khác phải theo, "Anh phải thế này, chị phải thế kia." cái đạo như thế không đẹp nữa, cái đạo như thế đó là giây ràng buộc, đạo như thế đã là một cái đóng khung chật hẹp, đạo như thế nó chỉ là một nhà tù tâm linh.
Đạo là cái gì rất là đẹp, thưa qúi vị, những người mà đến với tôn giáo rất là nhiệt thành đôi khi cũng rất phải cẩn thận, bởi vì nhiều lúc chúng ta quá nhiệt thành chúng ta đánh mất đi cái nét đẹp của một truyền thống tâm linh lâu đời, cái truyền thống tâm linh đó là sự truyền thống của ban tặng, của sự góp mặt, của sự góp phần ,và một sự chia xẻ, chứ không phải là một sự cưỡng chiếm, không phải là một sự trù dập, không phải là một sự dồi nặng, và cũng không phải là một sự tẩy não. Điều này là một điều được ghi rất là rõ ràng. Do vậy thưa qúi vị Phật tử, nhiều khi qúi Phật tử có thì giờ đọc lại những bài kệ trong kinh Pháp Cú có lẽ qúi vị sẽ cảm nhận được một điều như là nhiều người đã cảm nhận, là những lời dậy tuy rất giản dị của đạo Phật cho chúng ta nhiều ý lý hết sức quan trọng. Và đặc biệt ở trong bài kệ này chúng tôi không muốn dùng nhiều danh từ hoa mỹ để nói một cách quá đáng nhưng gần như đó là một tôn chỉ hoằng pháp, như là một tôn chỉ truyền bá Phật pháp mà Đức Phật đã dậy cho những đứa con của Ngài, chúng ta làm thế nào đó mà chúng ta có thể dành cho cuộc đời những gì tốt đẹp, ngược lại không có mang một thứ tổn hại gì.
Và chúng tôi phải nhắc lại một lần nữa trong hình ảnh mà chúng ta thấy được tại đây là hình ảnh của một loài ong đi vào xóm làng, đi vào trong vườn hoa, đi đến với các loài hoa hút mật mà không mảy may làm tổn thương chút gì hương vị hương sắc của các loài hoa, thì hình ảnh này đẹp trong nền văn hoá của Ấn Độ, nó đẹp ở trong bối cảnh người Ấn Độ. Nhưng với chúng ta thì hình ảnh con ong đến với hoa là một hình ảnh không phải là trang trọng, vì sự khác biệt của hai nền văn hoá, hai cách biểu đạt đó không phải là cái gì trở ngại để khiến cho chúng ta không tìm thấy được ý nghĩa thật sự hết sức là có chiều sâu, hết sức đặc biệt đối với một người có trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh, và với những người Phật tử muốn chia xẻ đời sống tâm linh của mình, cho dù hình ảnh loài ong đến với hoa nó không giống như là hình ảnh mà chúng ta nghĩ trong nền văn hoá của chúng ta, nhưng ở đây chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa mà chúng tôi tin rằng ý nghĩa đó có thể được nhắc đi nhắc lại cả trăm lần cả ngàn lần ở trong đời sống của mình, là một người Phật tử chúng ta chỉ cho chứ không làm phương hại đến người khác, và trong quan niệm về hoằng pháp, trong quan niệm về chia xẻ niềm tin, trong quan niệm về ban tặng đời sống tinh thần của mình cho người khác, thì thưa qúi vị rất là quan trọng để chúng ta cẩn thận làm thế nào mà ngay cả với con em của mình, với những người bạn rất thân của mình, và với bất cứ ai không bao giờ mà chúng ta đem đạo đến người đó để tạo cho người đó một sự phiền não, không bao giờ đem đạo đến người đó như là một cây roi, không bao giờ đem đạo đến người đó như là một sự đe dọa, mà tất cả chỉ là một tặng vật cho trần gian này.
Chúng tôi xin kết thúc bài pháp tại đây và cầu chúc tất cả qúi Phật tử trong rơom có một ngày rất an lạc và chúng ta nếu ngày mai qúi vị Phật tử đang ở Việt Nam thức dậy hay là trong ngày hôm nay những người Phật tử ở bên Hoa Kỳ đang đi vào văn phòng trong công sở của mình, chúng ta có một cái gì đó tặng cho cuộc đời thì chúng ta nhớ câu kinh Pháp Cú này và Đức Phật đã từng ca ngợi như vậy, Ngài từng khen rằng đó là một trong những hình ảnh rất đẹp, chúng tôi chúc qúi vị có một ngày an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Download
KN 49
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|