Sau khi nghe bài kẹ này, vị Tỳ kheo phát triển minh sát và chứng quả ALaHán.
Ở đây thưa quí vị, bài kệ Ðức Thế tôn đã thuyết cho vị Tỳ kheo nhìn bọt nước và nhìn thấy ảo ảnh từ xa, để nhận chân được rằng pháp hữu vi là vô thường.
Bài kệ này có ý nghĩa như thế nào và chúng ta tu tập ra sao khi chúng ta nghe và học bài kệ này?.
Danh từ phe.nuupama.m thí dụ rơi xuống mặt nước, viditvaa là mặt nước đọng lại ở trên sân thì những giọt mưa khác rơi xuống, nó sẽ tạo thành bọt nước, hoặc khi nước chảy ở trên thác rơi xuống hạ lưu, từ trên thượng nguồn chảy xuống hạ lưu, nó tạo lên những khối bọt nước, và những khối bọt nước đó thật là tạm bợ, mỏng manh, Đức Phật Ngài khuyên hãy nhìn những bọt nước này, ví như thân này, hãy nhìn thân này giống như bọt nước vậy, thấy có nhưng mà nó thật sự không có, thấy sanh ở đó nhưng sẽ diệt ở đó, cũng giống như bọt nước vậy. Sau khi biết được thân này như bọt nước, nó tạm bợ, nó vô thường, nó biến đổi, nó hằng tiêu hoại, thì vị hành giả tu tập phải bẻ những cành hoa của ác ma đi, cũng như khi ngộ được thân này như huyễn cảnh.
Mariicidhamma.m tức là hiện tượng ảo ảnh do ảo giác hiện ra, hay do sức nóng mặt trời tạo ra, và mắt chúng ta nhìn thấy có hiện tượng đó, nhưng thật sự thì thực chất không có gì cả, chỉ là ảo giác thôi, cái thân này cũng vậy cũng chỉ là ảo giác thôi chỉ là huyển cảnh thôi, có cũng như không có, khi vị hành giả biết được thân này như bọt nước, như là huyễn cảnh, thì bấy giờ vị hành giả tu tập như thế nào?
Ðức Phật dùng danh từ maarassa papupphakaani, chữ maarassa ở đây chúng ta dịch là ác ma, ma trong trường hợp này chúng ta hiểu ý nghĩa như trước đây trong các bài kệ. Có lần chúng tôi đã nhắc qua 5 loại ma, thì trong bài kệ này, ma này ám chỉ cho phiền não ma.
Papupphakaani tức là những cành hoa dục lạc, chúng ta phải hiểu những cành hoa dục lạc, là đối với phiền não trong đó có những ái tham về cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, những ái tham đó được gọi là những cành hoa của dục lạc, những cành hoa của ma vương, của ác ma.
Ý nghĩa trong câu thứ tư của bài kệ adassana.m maccuraajassa gacche. Chữ maccuraajassa ở đây là chỉ cho tử thần hay là thần chết, chỉ cho sự tiêu hoại của mạng sống, người ta gọi sự chết là tử thần hay là diêm chúa (maccuraajassa).
Còn chữ adassana.m, thật ra chữ adassana.m có nghĩa là không thấy, cái gì là không thấy, tức là cái đó vượt ra ngoài tầm mắt, vượt tầm mắt mới không thấy. Hoàn toàn ở đây trong câu kệ, Ðức phật dùng những từ ngữ ví dụ, ám dụ pháp, ám dụ tức là dùng từ đó, nếu chúng ta nói vượt tầm mắt thần chết, hình ảnh thần chết mà thường thường người ta mô tả là một bóng ma cầm lưỡi hái, vượt khỏi tầm mắt thần chết, tức là thóat khỏi quyền kiểm soát của thần chết.
Bài kệ này được ám chỉ cho sự giải thoát, khi chúng ta giải thoát, chấm dứt được tử sanh, sanh tử luân hồi, được gọi là vượt tầm mắt thần chết, hay nói cách khác nữa người vượt tầm mắt thần chết tức là bậc AlaHán, sau khi vô dư y Niết bàn, vị này sẽ không còn tái sanh trở lại trong cõi sống này nữa, và do đó cho nên vượt tầm mắt thần chết.
Khi chúng sanh còn lặn hụp trong cõi khổ trầm luân này, còn đi đến những cảnh giới tái sanh ở chỗ này, ở chỗ kia. Người đó hễ còn tái sanh, tức là hãy còn chịu sự chết, và như vậy trong tam giới cho dù rằng cõi phạm thiên, cõi trời, phi tưởng, phi phi tưởng là cõi cao tột trong tam giới, nhưng cũng không thể thoát khỏi tầm mắt thần chết. Ngụ ý nói rằng vị phạm thiên, phi tưởng, phi phi tưởng có tuổi thọ cao như thế đó, già như thế đó, lâu như thế đó, nhưng cũng phải chết, cũng phải hết tuổi thọ và cũng phải tái sanh ở cảnh giới khác, cứ tiếp tục như vậy.
Hễ còn là chúng sanh, còn sanh tử luân hồi thì còn chịu sự chết, và với ý nghĩa đó thì phải hiểu rằng khi chúng ta còn sanh tử luân hồi và còn phải sanh ra và phải chết, như vậy chưa gọi là vượt tầm mắt của thần chết, vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của sự chết, của thần chết. Khi chúng sanh nỗ lực nhiệt tâm tu tập để đoạn trừ các lậu hoặc phiền não, và khi các phiền não lậu hoặc đã được đoạn tận, mầm móng tái sanh đã được tuyệt trừ tận gốc, không còn sự tái sanh nữa, thì đây được xem như là vượt khỏi tầm mắt của thần chết. Ngụ ý nói rằng đối với vị ALaHán, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, sau đời sống này không còn đời sống khác, vì không có sự tái sanh cho nên không còn sự chết. Ðây mới thật sự là vượt khỏi tầm mắt của thần chết, không bị nằm ở trong quyền lực của tử thần.
Bài kệ này đã gợi ý cho chúng ta những điều áp dụng trong đời sống tu tập của chúng ta. Khi nói đến việc tu tập, trước nhất là người Phật tử sau khi có niềm tin bước chân vào Phật pháp, với tâm nguyện sẽ tu tập, mặc dầu chuyện đầu tiên là chúng ta tập sự làm các công đức phước báu như là bố thí trì giới chẳng hạn, nhưng chúng ta cần phải biết rằng nếu chúng ta chỉ cần tạo các công đức, các thiện nghiệp để chúng ta hưởng được an lạc đời này đời sau, thì điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta làm chỗ nương tựa, để ngăn chặn con đường ác đạo thôi chứ chúng ta chưa phải là vượt tầm mắt thần chết. Bởi vì khi chúng ta còn chấp nhận phước báu, một thiện nghiệp như là hành trang để tái sanh ở trong tương lai, ở những cảnh giới an lại như ở cõi người, cõi trời, cõi Phạm thiên. Khi chúng ta vẫn còn chấp nhận như vậy có nghĩa là chúng ta vẫn còn lệ thuộc trong quyền lực của tử thần, chúng ta vẫn còn đứng trong tầm mắt của thần chết. Không ai mà không chết ở trong thế gian này, cũng giống như một vật thể nào đứng trong khoảng trống vừa tầm máy nhiếp ảnh có thể ghi nhận được thì gọi là không vượt khỏi tầm máy nhiếp ảnh, cũng như thế đó hễ còn thân ngũ uẩn, còn hiện hữu trong cõi đời này, tức là còn nằm trong tầm mắt của thần chết, không thể chấm dứt.
Do vậy người Phật tử cần tu tập tiến bộ hơn: Sau khi đã luyện tâm của mình tu hướng theo đường thiện, làm được các công đức phước báu và tâm đã sẵn sàng, đã thuầu thục. Thì bây giờ cứu cánh của chúng ta không phải ở cõi người cõi trời trong tương lai, cứu cánh phạm hạnh của chúng ta là mục đích giải thoát, cuộc đời này nhiêu khê đày đọa, quá nhiều phiền lụy, cho nên chúng ta cần giải thoát khỏi cõi đời này, cần phải thoát khỏi quyền lực của sanh tử, tử sanh, tức là thoát khỏi quyền lực của sự sống và sự chết, như vậy mới hoàn toàn giải thoát và an vui.
Khi muốn trốn thoát khỏi sự sanh tử luân hồi đó, thì người Phật tử cần phải có trí tuệ, cần phải có sự khéo tác ý để nhìn thấy rõ bản chất của thân này, luôn luôn chúng ta phải biết thân này là giả tạm, sắc uẩn do tứ đại hiệp thành, do duyên của nghiệp thủ mà tạo sắc thân này, do duyên của vật thực mà tạo sắc thân này, do duyên của thời tiết mà làm cho phát triển thể xác này và do duyên của tâm sanh khởi mà tạo nên sự hoạt động của xác thân này.
Mà hễ cái gì sanh khởi do nhân, do duyên, thì cái đó sẽ bị biến hoại, vì sao vậy ?, Bởi vì do nhân và duyên, bởi vì năng duyên có mặt mới có sở duyên, và năng duyên không có mặt thì sẽ không có sở duyên, bởi vậy sắc thân này giả tạm, và ở đây đối với danh uẩn, tức là thọ, tưởng, hành, thức, tâm này cũng vậy, luôn luôn có sự vô thường, biến hoại, có sự đổi thay, và chính vì sự biến hoại vô thường biến đổi đó cho nên tâm này khi chúng ta chưa diệt trừ được phiền não, thì luôn luôn chúng ta có sự khổ ưu, có sự phiền toát, sự phiền toái đó là do chúng ta bị chi phối bởi ngoại cảnh, và chúng ta có thể bị chi phối phiền toái do những hiện tượng ở bên trong khi chúng ta thấy cảnh vừa lòng thì khởi lên sự tham muốn, và khi tham muốn đạt không được và không thoải mãn, thì lúc bấy giờ khởi lên tâm ưu bi và cứ như vậy luôn luôn chúng ta bị dằn vặc, bị dày xéo.
Khi hiểu biết được rằng đối với thân ngũ uẩn như là bọt nước, như huyễn cảnh, ở trong bài kệ này khi Đức Thế Tôn thuyết và Ngài dùng hai hình ảnh là thân như bọt nước, thân như huyển cảnh, là vì Ngài thuyết cho một vị Tỳ kheo và vị Tỳ kheo đó đã lấy ấn tượng mà mình vừa nhìn thấy là bọt nước và huyễn cảnh ở xa bào ảnh, vì Đức Thế Tôn Ngài dựa vào hiện tượng đó từ vị Tỳ kheo này mà Ngài thuyết lên bài kệ và chính do bài kệ này khi được thuyết lên như vậy chúng ta mới hiểu và tu tập.
Nhưng ở đây không hẳn là chúng ta quán vô thường bằng cách là suy nghĩ với thí dụ thân như bọt nước, thân như huyễn cảnh để mà có thể suy nghĩ quán vô thường, bất cứ hiện tượng gì mà chúng ta thấy được, miễn làm sao chúng ta thấy được khía cạnh có sanh có diệt ấy biến đổi luôn luôn, có tánh chất không trường tồn vĩnh hằng, dầu đó là một ấn tượng, một lá cây rơi hay là một bình gốm bị bể, hay một cành hoa úa tàn, chúng ta có thể lấy bất cứ hình ảnh nào đó có thể gợi cho chúng ta được một trí tuệ, để thông thấu được lý vô thường đó là việc tu tập, chứ không nhất thiết là chúng ta phải quán sắc thân này như bọt nước như huyễn cảnh như trong bài kệ đề cập.
Bởi có những lúc, ngay trong lúc này chúng ta không thấy được những cảnh ở xa, vị Tỳ kheo kia vì đi đường mệt mỏi với sức nóng mặt trời, như đổ lửa như thiêu đốt, đang trong lúc đó mắt vị Tỳ kheo này mệt đờ đẫn và nhìn trông về phía trước đường hãy còn xa, mà trời nắng chan chan như vậy cho nên phát sanh những hiện tượng sao đốm hay những hiện tượng viễn lâu, thì nhìn thấy như thế đó, vị Tỳ kheo bắt lấy hình ảnh này, để làm đề tài thiền quán lý vô thường.
Rồi vị Tỳ kheo đó ngồi bên bờ sông ở bên cạnh dưới một giòng thác, vị đó thấy thác nước từ trên cao đổ xuống tạo nên khối bọt nước, và khối bọt nước này luôn luôn có sự tan vỡ, lấy hình ảnh đó mà vị Tỳ kheo tu tập với đề tài quán vô thường với xác thân, thì trong trường hợp đó chúng ta phải hiểu rằng không có một trường hợp nào mà chúng ta có thể lấy một hiện tượng nhất định, một thí dụ nhất định để chúng ta tu tập, cách nào cũng được cả, ở đây chúng tôi xin gợi ý cho quí vị cách nào cũng được cả, chúng ta quán cách nào cũng thấy vô thường cả, chớ không phải chúng ta chỉ lấy hình ảnh đó, nhất nhất theo hình ảnh đó.
Chetvaana maarassa papupphakaani là sau khi bẻ gãy những cành hoa của ác ma, thì chúng ta mới chứng được đạo quả ALaHán, những cành hoa của ác ma là chỉ cho các loại phiền não, nhất là phiền não tham ái, vì chính phiền não tham ái được xem như một mầm móng của sự sanh tử luân hồi, ái tham trong cảnh dục, sắc hương thinh vị xúc, ái tham trong cảnh sắc, cõi vô sắc, những sự ái tham đó như một chất ẩm ướt của một thửa ruộng và thửa ruộng đó do nhờ sự ẩm ướt này, nếu có hạt giống rơi rải trên mặt đất của thửa ruộng thì nó sẽ nảy mầm như thế nào thì mỗi hành động của chúng ta dầu thiện hay ác, nhưng nếu hành động đó được bôi trơn, được ngâm và được thuần thục bởi ái tham, ái tham làm một chất liệu, thì như vậy chính nghiệp này nó trở thành một chủng tử và dẫn đến sự tái sanh trong tam giới, dục giới, và vô sắc giới, cũng giống như thuở ruộng kia vậy.
Và ở đây khi đắc quả ALaHán rồi thì gọi là vượt tầm mắt thần chết, là bởi sau khi đã đoạn tận khổ ưu phiền não, nhất là đoạn tận được ái tham tức là tập khởi của thủ uẩn này, thì khi đó vị ALaHán sau khi đã được Vô Dư Y Niết Bàn, không còn sự hiện hữu ở cõi đời này nữa, thì hễ không còn hiện hữu tất nhiên là không có sự biến hoại, không còn sự tái sanh, vì thế cho nên không còn sự chết mới gọi là vượt tầm mắt thần chết. Chỉ có vị ALaHán gọi là vượt tầm mắt thần chết.
Trong sự tu tập, thật sự ra tâm lý của một số người, một số chúng sanh khi họ nghe đến sự tu tập và để cuối cùng hoàn toàn biến mất ở trên cõi đời này, hoàn toàn không còn sự hiện hữu ở trên cõi đời này, thì họ đâm ra sợ hãi, hốt hoảng lo âu rằng mình đã bỏ công tu tập, tạo nhiều phước báu, nhiều thiện pháp để cuối cùng không còn cái gì cả, như vậy thì uổng quá. Nhưng thưa quí vị, đó là đối với những hạng người, những chúng sanh, mà trí tuệ của họ chỉ còn nằm ở trong tầng trí tuệ hiệp thế, chứ họ chưa đạt được trí tuệ siêu thế và những người này họ chưa từng cảm nhận được sự khổ và có ý muốn thoát khỏi sự khổ đó một cách trọn vẹn, cho nên người này mỗi khi nghe đến sự tu tập để cuối cùng chứng quả ALaHán, Vô Dư Y Niết Bàn, thì họ cảm thấy hốt hoảng và cảm thấy sợ hãi.
Nhưng nếu như người Phật tử chúng ta là một người Phật tử có trình độ tu tập cao, và nhất là chúng ta thuần thục trong việc suy quán, thấy cuộc đời này rất là phiền toái, kiếp này chúng ta sanh ra làm người sau khi chết, rồi trưởng thành đi học tập, chữ nghĩa, học tập nghề nghiệp để có được kiến thức, có được nghề nghiệp tương đối là thành thạo điêu luyện, thế rồi khi chúng ta chết chúng ta phải tái sanh trở lại ở cảnh giới khác, chúng ta phải bỏ và làm lại từ đầu tất cả, như vậy thì mệt quá thưa quí vị, rất mệt mỏi, người nào có tu tập một thời gian, người đó cảm thấy nhàm chán đối với thế gian này, mệt mỏi đối với sắc thân ngũ uẩn này, thì người đó mới gọi là thật sự tiến gần đến sự giải thoát, gần đến Niết Bàn. Còn khi chúng ta tu tập, chúng ta vẫn còn vui cười, vẫn còn hoan hỷ với hội chúng, hoan hỷ với những thiện pháp nhỏ nhặt mà chúng ta làm được, chúng ta vẫn còn hoan hỷ trong sự tái sanh, vẫn còn hoan hỷ trong những hưởng thụ các dục lạc, thì như vậy trình độ tu tập của chúng ta chưa phải là cao lắm.
Chúng tôi thật sự khi nói đến đây, chúng tôi có mang một nỗi niềm là xuất gia từ bé, chúng tôi có nhiệt tâm để phụng sự cho Phật Pháp, phụng sự chúng sinh, thế nhưng khi tuổi bắt đầu đã có rồi, và sự bệnh hoạn chồng chất, và ngũ căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, dần dần có sự cũ kỹ già nua, biến thái, và chúng tôi đã theo dõi từng chút, cảm nhận được từng lúc từng thời gian, từng ngày từng tháng năm, bắt đầu cảm thấy ngao ngán và cảm thấy chán nản.
" Ta còn để lại gì không, kìa non đá lở nọ sông cát bồi " chúng ta không còn để lại cái gì cả, cái gì chúng ta đã trao chuốt cho xác thân này, cái gì đã nuôi dưỡng cho xác thân này, bồi bổ cho xác thân này, những sự nghiệp mà chúng ta đã làm nên, những địa vị mà chúng ta đã cố gắng tạo lập để đứng vững trong xã hội này, tất cả những thứ đó chỉ là giấc mộng thôi thưa quí vị, nó chỉ là bọt nước, chỉ là ảo ảnh, chỉ là án mây trên trời thôi, chỉ là giọt sương trên đầu cỏ, nó không là gì cả. Khi mà chúng ta cảm nhận được như vậy thì sự tu tập tiến bộ của chúng ta trong tương lai mới được xem như là có kết quả.
Thưa quí vị đó là ý nghĩa của bài kệ mà ngày hôm nay trong giờ này, chúng tôi xin trình bày một cách tóm tắt, để Phật tử chúng ta có thể chiêm nghiệm và hiểu được để tu tập, và ước mong rằng mỗi ngày, chúng ta nghe mỗi bài kệ, chúng ta cảm nhận được sự thâm thúy của giáo pháp, mục đích của đời sống phạm hạnh và chúng ta có cảm nhận được cái giá trị của sự tu tập rốt ráo như thế nào, để chúng ta cùng nhau đạt đến sự giải thoát chấm dứt khổ luân hồi trong tương lai, chứ chúng ta không thể nào quanh năm suốt tháng, đời này sang đời nọ cứ lẫn quẩn loanh quanh ở đây mãi thưa quí vị.
Đó là ý nghĩa của bài kệ đã gợi lên cho chúng ta cái cảm nhận đó, và chúc quí vị được an vui tiến hoá.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Download
KN 46
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|