Đời sống của chúng ta có thời gian bất định, tuổi thọ bất định, tuổi thọ ở loài người chúng ta trong thời kỳ này không sống quá 75 tuổi, dù rằng có một số ít sống hơn 75 tuổi nhưng đó chỉ là con số ít còn đa số chỉ khoảng 70 tuổi. Đối với đời sống của chúng ta mặc dầu thời gian tuổi thọ là 60 năm hoặc 70 năm hay 80, 90 năm đi nữa thì đối với một vị tu tập tuệ quán và vị ấy nhìn thấy cuộc sống bị già chết dắt dẫn, thì vị này thấy rằng xác thân rất mỏng manh tạm bợ. Đời sống tuổi thọ của chúng ta nếu so với các vị Chư Thiên thì còn thua xa, chẳng qua chỉ là một phút hoặc là một ngày mà thôi, bởi vậy đối với người chịu quán xét sợ hãi sự chết thì cần phải tu tập, không bao lâu thân này sẽ nằm dài trên đất bị vất bỏ vô thức là khi tâm thức lìa khỏi xác tức là đã mệnh chung đã chết thì bấy giờ trong khối tứ đại này chỉ còn là vật chất "Đất nước lửa gió" chứ không có tâm thức, bị đem liệng bỏ trong bãi tha ma mộ địa hay ném trên giàn hoả để thiêu hoặc bỏ dưới sông gọi là thủy táng. Dầu thủy táng, thổ táng, hoả táng, hay là lâm táng, bỏ trên rừng, bỏ dưới nước hay là chôn sâu dưới đất hoặc để trên giàn hoả thì cũng xem như là bị vất bỏ. Dầu cho thân bằng quyến thuộc, bạn hữu thương yêu mình, chăm sóc lo lắng cho mình, nhưng đến khi chúng ta mệnh chung từ bỏ thân xác này không còn tâm thức nữa thì thể xác này người thân cũng phải gạt nước mắt đem quăng bỏ đi không dám để trong nhà qúa lâu ngày đừng nói chi là để luôn, như vậy thì chúng ta thấy đối với hiện trạng già chết của xác thân này quả thật là một điều bi đát.
Đức Phật Ngài đưa hình ảnh "Như một khúc gỗ vô dụng" khi mà chúng sanh mệnh chung thì thân xác vô tri giác đó sẽ nằm trên đất, nó bị quăng bỏ như khúc gỗ vô dụng.
kali'ngara.m. tức là khúc gỗ mục không sài được. Khúc gỗ bình thường chưa mục người ta vẫn có thể sài được bằng cách cho vào lò lửa, lò sưởi, để đun nấu thức ăn hay đốt lửa để sưởi ấm, nhưng xác thân của chúng ta sau khi chết Đức Phật Ngài ví dụ như là một khúc gỗ mục không còn dùng để đóng bàn, đóng tủ ,đóng ghế được, cũng không còn đem đốt lửa được, chỉ có đem vức bỏ ngoài đống rác.
nirattha.m là không lợi ích, quả thật vậy khi chúng ta còn sống còn tâm thức thì xác thân này chúng ta còn có thể làm công việc lợi ích cho mình, lợi ích cho người khác, có thể nuôi cha mẹ, có thể nuôi dưỡng được thân bằng quyến thuộc, có thể nuôi dưỡng được những người thân yêu, và chúng ta còn có thể làm các công đức phước báu, nhưng khi chết rồi thì thân tứ đại này sẽ bị vất bỏ vì nó không có lợi ích, nếu để quá thời gian ba ngày sẽ biến sắc và sình lên rữa ra, lúc bấy giờ tình trạng của thân bị hôi thối rất ghê tởm.
Trong bài kệ này Đức Phật Ngài đã dạy một cách quán nhìn thể xác ngay khi vị Tỳ Kheo Pùtigatatissa đang bịnh hoạn quằng quại với thể xác dơ bẩn cấu uế với những ghẻ nhọt đầy người, thì lúc bấy giờ không thể nào có một pháp môn khác để cho vị đó thực hành nhanh hơn là thiết nghi với hiện trạng của sắc thân, vì vậy Đức Phật Ngài thuyết ngay bài kệ này, vị Tỳ Kheo đó khi nghe bài kệ thì cảm nhận được sự vô thường biến hoại, sự vô dụng của thể xác sau khi mệnh chung, và sự vô dụng của thể xác bị bệnh hoạn chi phối đã bị thối rữa từ trong xương, khi đem tâm quán tưởng như vậy vị tỳ kheo đó đã chứng quả A La Hán.
Có những điều chúng ta cần phải nói đến trong bài kệ này, chúng tôi cũng xin trình bày với qúi vị là không phải chỉ nhìn, chỉ quán niệm về thân thể trược như vậy mà có thể chứng quả A La Hán, mà phải đòi hỏi vị đó vận dụng tuệ minh sát (vipassana panna`) để thấy rõ tình trạng sanh và diệt biến thái thay đổi và tình trạng thể xác này nó ngũ uẩn như thế nào và thân này khổ đau như thế nào, phải dùng tuệ quán đến mức sâu sắc như vậy thì mới có thể thành tựu được thánh đạo và thánh quả. Khi chúng ta nghe xong câu chuyện đó và nghe bài kệ này thì nghĩ rằng tại sao các vị A La Hán thời xưa, chúng sanh thời xưa dễ dàng đắc đạo quả như vậy? Nếu như thời buổi bây giờ có những người bị bệnh tai biến mạch máu não bán thân bất toại nằm yên một chỗ, hoặc là những người cùi lở lói đầy người, những người cùi hủi những người đó làm sao có thể có trí tuệ để thành tựu thánh quả một cách dễ dàng như vậy? Điều này cũng đúng, nhưng có điều chúng ta quên rằng do tiền nghiệp ở quá khứ mà vị đó đã hành pháp ba la mật nhiều đời nhiều kiếp, tâm suy quán về thực chất của pháp thế gian vị đó đã thuần thục, chính vì điểm thuần thục đó chỉ cần ngay trong kiếp sống hiện tại cho dù hiện trạng có lâm vào tình trạng đau bịnh bi đát như thế nào nhưng được Đức Phật gợi ý khuyến khích thì tự dưng vị đó có khả năng để phát triển thiền quán và chứng được đạo quả.
Còn như đối với những chúng sanh phàm phu bây giờ thì chúng ta không có khả năng đó là bởi vì:
1) Một là trong đời quá khứ chúng ta chưa từng hoặc ít tạo những thiện pháp ba la mật có liên quan đến thiền quán cho nên chưa thuần thục việc phát triển tuệ minh sát để chứng đắc đạo quả.
2) Thứ hai nữa trong kiếp hiện tại này vì do sở hành của họ, do thường cận y duyên của họ chỉ quen sống theo ác bất thiện pháp làm muội lượt đi trí tuệ thiện pháp, và chính vì chỗ đó cho nên họ không có khả năng để chứng đạt được quả vị. Đây là vấn đề mà chúng ta phải chú ý.
Mặc dầu nói như vậy nhưng không có nghĩa là đối với người Phật tử chúng ta bây giờ tuyệt vọng, không thể tu tập. Không phải như thế. Nếu như bây giờ trong kiếp hiện tại mà chúng ta không phấn đấu để tu tập thì những đời sau sau chúng ta cũng như thế này mãi, có nghĩa là chúng ta vẫn muội lượt trí tuệ và không thể nào phát triển được thiền quán cho đến một kiếp nào đó cũng không thể giác ngộ được đạo quả như Tỳ Kheo Pùtigatatissa.
Ở đây thưa qúi vị để nhắc thêm việc này để gợi ý thêm cho qúi vị về khả năng tu tập, Sư xin thuật lại cho qúi vị nghe câu chuyện của hai vị Bà La Môn đến thăm Đức Phật trong Tăng Chi Bộ Kinh thuật lại rằng: Có hai vị Balamon đến viếng thăm Đức Phật hai vị này đã 120 tuổi, những vị Balamon đó đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã già yếu, thọ mạng đã cao và chúng con nay đã 120 tuổi rồi, chúng con không biết làm thiện, không biết làm công đức phước báu. Bạch Đức Thế Tôn hãy răn dạy, hãy giảng dạy để chúng con được lợi ích được sự an vui lâu dài."
Thì lúc bấy giờ Đức Phật đã dạy rằng: "Đời sống bị dắt dẫn thọ mạng chẳng là bao, bị già chết kéo đi không nơi nương tựa, hãy luôn luôn quán tưởng sợ hãi tử vong này, hãy làm các công đức dẫn đến chân an lạc. Ở đây chế ngự thân, chế ngự lời, và ý, người ấy dù có chết cũng hưởng được an lạc, vì khi đang còn sống đã làm các công đức." Sau khi nghe xong bài kệ này cả hai vị Bàlamon đó đã chứng đắc quả Tu Đà Hườn và đảnh lễ Đức Thế Tôn sau đó họ trở về và mệnh chung.
Thưa qúi vị với bài kệ này chúng ta phải tu tập hàng ngày. Thể xác bây giờ dầu cho có trau dồi làm đẹp nhưng với thể xác đó chúng ta phải biết rằng tánh chất giả tạm cấu uế và không được bền vững tuổi thọ. Nhưng cho dù rằng chúng ta có sống thọ đi nữa sống quá 100 tuổi. Nhưng sắc thân này khi sinh tiền còn khỏe mạnh chúng ta không tận dụng để làm những điều lợi ích, làm những công đức phước báu thì như vậy chúng ta đã bỏ rơi thật là tiếc uổng. Nếu chúng ta khéo tu tập thì chính lợi dụng vào sắc thân này mà chúng ta có thể làm được những công đức và phước báu như vậy thì sau khi thân hoại mạng chung từ bỏ thân xác tứ đại đó, chúng ta vẫn không có gì để nuối tiếc, không có gì để ân hận. Từ đây về sau chúng ta có thể nghe được một loạt nhiều bài kinh Pháp Cú trong những phẩm sau này đi ngang qua đó chúng ta có thể học được những kinh nghiệm trong việc tu tập, chúng ta sẽ đọc được những ý nghĩa thâm sâu vi diệu mà Đức Thế Tôn đã từng trường hợp giải thích.
Chính ì đời sống này là cấu uế và chính vì đời sống này giả tạm, thấy được sự khổ đó cho nên các bậc trí từ bỏ cuộc sống, nhàm chán sự sống một cách vô ích, các Ngài mới đi tầm cầu sự sống có ích lợi. Như Thái Tử Siddhattha mặc dầu sống trong cảnh nhung lụa giàu sang với thân tướng uy nghi xinh đẹp như là thân tướng của bậc đại nhân, và với cuộc sống nhung lụa giàu sang hạnh phúc như vậy nhưng khi Thái Tử đi dạo quanh thành nhìn thấy cảnh của một người già lụm cụm chống gậy lê bước chân tay run rẩy yếu ớt, mắt mờ, lưng còm, da nhăn, tóc bạc, thì khi đó Thái Tử đã có một ấn tượng sâu sắc về hình ảnh này và nghĩ rằng: "Rồi đây thân này cũng sẽ vậy, rồi đây Yasodhara cũng sẽ vậy, và tất cả mọi người cũng đều sẽ như vậy" Ngài khởi nên tâm nhàm chán và từ đó Ngài trầm tư mặc tưởng về cuộc đời đau khổ này. Lần thứ hai khi Ngài đi dạo quanh thành Ngài đã nhìn thấy cảnh của một người bệnh đang nằm quằng quại rên la thảm thiết mặt nhăn nhó khó xem, và có vẻ như là không thể chịu nổi những cảm thọ đau đớn khốc liệt đó, chính cảnh tượng đó đã gây một ấn tượng thứ hai sâu sắc trong tâm hồn của vị Thái Tử. Lần thứ ba khi đi dạo quanh thành Ngài đã chứng kiến một xác chết bị người ta đem lên dàn hoả và nổi lửa thiêu đốt, lúc đầu ngọn lửa chỉ cháy xém ở bên ngoài da, rồi sau đó cháy vào trong thịt, trong mỡ, trong xương, và cuối cùng thì chỉ còn một đống tro tàn, khi nhìn thấy cảnh tượng đó, Thái Tử Siddhattha đã ghi sâu vào tâm khảm mình một dấu ấn. Rồi đến một dịp nọ Ngài trông thấy một vị xuất gia với tâm thoát tục Ngài đã nghĩ đến việc cần phải đi tìm cái gì đó thuộc về chân lý để giải thoát chính mình khỏi cái khổ già bệnh và chết, và giải thoát cho chúng sanh khỏi cái gìa bệnh chết, thế là Ngài đã ra đi và sau sáu năm khổ hạnh Ngài đã thành tựu sau khi Ngài đã đi theo con đường trung đạo không khổ hạnh, không lợi dưỡng, Ngài đã thành tựu quả vị chánh đẳng chánh giác.
Đời sống của chúng ta có nhiều yếu tố nhiều môi trường khiến cho sự tu tập rất dễ, môi trường để khiến cho chúng ta tu tập đó phải do tự mình khéo tác ý thì chúng ta có thể tu tập được, và cảnh bên ngoài hay cảnh bên trong cũng đều có thể khiến cho chúng ta tu tập được.
Cảnh bên ngoài thí dụ như người khác mắng chửi, đánh đập, làm khổ mình, họ đánh đập ta, làm khổ ta, họ đem đến cho ta những điều bất toại nguyện đau khổ thì lúc đó chúng ta có cái nhìn khác để hướng tâm đến việc tu tập. Còn nếu chúng ta không lấy cảnh ngoại mà lấy cảnh nội, tức là suy xét về bản chất của xác thân này dựa vào những lời dạy của Đức Phật "Xác thân này rất là mỏng manh như bình gốm" ý nghĩa này chúng ta được nghe ngày hôm qua về bài kệ thứ 40 "Thân này như đồ gốm". Ngày hôm nay chúng ta sẽ thấy rằng xác thân mà Đức Phật Ngài mô tả ở đây, tức là cái xác thân không bao lâu, một năm, hai năm, hoặc mười năm, hoặc hai chục năm nữa, thì cái xác thân này sẽ nằm dài trên đất tức là không còn sự sống nó bị vất bỏ vô thức, không còn lợi ích nào nữa giống như khúc gỗ mục, đó cũng là một sự khéo tác ý giúp cho chúng ta có được cảnh tượng tu tập. Nếu không tu tập thì chúng ta sẽ không có kết quả, nhưng nếu tu tập thì dầu cho chúng ta tu tập ở khía cạnh nào, lấy đề tài nào chúng ta cũng có sự lợi ích. Bởi vậy đối với người Phật tử chúng ta sau khi nghe pháp xong liền khởi lên một cách tự ý:
"Hôm nay nghe pháp như vậy ta sẽ học tập theo điều này để tu tập đem lại lợi ích sự an vui về sau."
Chúng ta luôn luôn phải khởi lên tư tưởng như vậy thì sự nghe pháp của chúng ta mới có ích lợi, còn nếu như chúng ta nghe pháp, nghe chỉ để mà nghe, nghe nhưng chúng ta không cảm nhận được, và chúng ta không có một lúc nào trong một ngày để suy quán những điều mà chúng ta đã được nghe như vậy chẳng có lợi ích gì. Cho nên ở đây thưa qúi vị, bài kệ này Sư trình bày cho qúi vị nghe về ý nghĩa đó bấy nhiêu đây cũng đủ để giúp cho chúng ta có được một khái niệm hiểu về bài kệ, và có một khái niệm để chúng ta tu tập trong đời sống hàng ngày, và hôm nay bài kệ này không phải khó khăn và không có nhiều chi tiết để dẫn giải. Sư chỉ trình bày ý nghĩa tu tập bấy nhiêu đó Sư mong rằng sẽ đem lại sự an vui cho qúi vị Phật tử chúng ta đang tịnh tâm thính pháp.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Download
KN 41
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|