Kệ Ngôn 38-39 |
Giảng Sư: TT Giác Đẳng Người tâm không an lập Ai tâm không cảm nhiễm (Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng) Chánh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng:Tâm một bậc hoàn toàn giải thoát không bị tràn ngập, bị thấm bởi những dục vọng. Tâm của vị này giống như lá sen không vương lại những giọt nước trên mình.
“Tâm không hận không phá” tức là không bị những bất mãn, những điều nghịch lòng làm cho đời sống nội tại bị nhiệt não. Bậc giải thoát được xem như là đã xa lìa hai trạng thái đó. “Vượt ngoài mọi thiện ác”, quý vị đã nghe TT Trí Siêu giải về tâm của một Thánh nhân đã giải thoát, trong đó dùng tâm duy tác. Quan điểm tâm vượt ngoài thiện ác có đôi lúc được khai triển đến một hệ thống giáo lý to lớn về sau này của đại chúng bộ. Nhưng thời nguyên thủy của đạo Phật, một người đã giải thoát là người vượt lên trên mọi sự đối đãi của ngôn ngữ, của nhân quả, của thiện ác. Vị này không còn quan niệm trong sự đối đãi về ngôn ngữ như chúng ta bàn trong đời sống hằng ngày, bởi vì vị này đã đắc chứng niết-bàn.
Đồng thời bậc giải thoát vượt ngoài nhân quả và ý niệm về thiện ác là cho dù là phúc hành hay phi phúc hành, tức là cho dù điều thiện hay bất thiện cũng không còn chủng tử để tạo nghiệp. Đây là một trong những điểm tương đối có một chút khó hiểu đối với người ngoại đạo. Nhưng với người Phật tử, chúng ta quan niệm rằng những điều thiện ác có thể nói trong cảnh giới phàm tục, nhưng đối với một vị đã đoạn tận mầm mống của vô minh và ái dục không thể dùng quan niệm thiện ác, các Ngài chỉ hành động với tâm gọi là Kriyā tức là tâm hạnh mà thôi. Đức Phật ngài đề cập đến “Bậc tỉnh thức vô úy”. Chữ “tỉnh thức” ở đây không được hiểu là vị tu tập lúc nào cũng tinh cần, tỉnh thức. Không phải như vậy. Vị Tỉnh thức ở đây viết là jāgarato để chỉ cho vị đã vượt khỏi trầm mê sanh tử. Nghĩa là đối với tâm trạng của vị Thánh nhân giải thoát, bậc tỉnh thức vô úy là bậc với tuệ giác thắp sáng, vị này không còn sợ hãi. Bởi vì có quan niệm liên quan đến ngã, liên quan đến đặng mất, đến những gì mình có và những gì mình mất. Và dĩ nhiên đối với cái chết vị này không dao động hà huống chi đối với tất cả những thứ khác. Đức Phật Ngài đưa ra hai hình ảnh đề cập đến một con người, đó là Tỳ kheo Cittahattha, đã hoàn tục sáu lần. Trong lần trở vế nhà thứ sáu khi nhìn thấy một hình ảnh của người vợ đang mang thai trong lúc ngủ say, không trang điểm, không trau chuốt nhan sắc của mình. Vị này đã nhận thức được bản chất thực của đời sống. bấy giờ chúng ta nghe một chi tiết rất thú vị là vị này đã bỏ nhà ra đi cầm theo chiếc y vàng, bà mẹ vợ thấy như vậy la lên, người vợ thức dậy và nói với bà mẹ rằng,"Anh ấy đi thế nào cũng quay trở về”.
Bởi vì vị này đã đi và trở về trong sáu lần. Nhưng lần này vị ấy ra đi với sự chiêm nghiệm về tính bẩn chật của các pháp hành, và đã chứng quả dự lưu trước khi đặt chân trở lại tịnh xá. Sau khi khẩn khoản xin xuất gia, vị này trở thành một thành viên của Tăng già. Sau đó vị ấy triển khai thiền quán và chứng đạt được vô sanh pháp nhãn.Chúng ta cũng nghe Đức Phật ngài kể một câu chuyện quá khứ về ông Thánh Cuốc. Một người xuất gia lên núi làm đạo sĩ, nhưng nghĩ đến những nông cụ của mình là hột giống và cây cuốc, cuối cùng hườn tục rồi lại xuất gia, rối lại hườn tục sáu bảy lân như vậy. Cuối cùng đã quăng cây cuốc ra dòng sông và hô lên rằng mình là kẻ chiến thắng. Thật ra hai câu kệ số 38 và 39 không phải đề cập đến hai con người mà chỉ đề cập đến hai giai đoạn trong trình tự của một kiếp người. Một con người từ bờ mê sang bến giác. Qua hai câu kệ 38 và 39 chúng ta thấy một hình ảnh rất đẹp trong đời sống, đó là trong giai nào mà tâm tư chúng ta chưa có thể thành tựu trí giác, bởi vì chưa có khả năng để điềm đạm, an tỉnh trụ một chỗ, an trú vào một pháp. Chúng ta cũng không lãnh hội được lẽ đạo một cách chân thực, để niềm tin bị dao động. Lúc đó không thể nào chúng ta đặt chân đến ngưỡng cửa Diệu Pháp, cho đến khi người đó thay đổi thái độ của mình. Hình ảnh ngược lại là hình ảnh của một bậc thánh mà Đức Phật đưa ra, hình ảnh một vị đã đến bờ bên kia. Hình ảnh đó không có gì lạ lùng đối với chúng ta. Hình ảnh đó là hình ảnh của một người trưởng thành, đã thuần thục và đi ngược trở lại. Khi nói đến hai hình ảnh của một đời người, đời người như duyên sự của tỳ kheo Cittahattha hay Kuddàla (vị đạo sĩ từ bỏ cây cuốc của mình). Hai hình ảnh đó một ở hiện kiếp, một là kiếp quá khứ của chính Đức Phật, cho chúng ta thấy rõ rằng tại sao đạo Phật là một tôn giáo bao dung. Tại nhiều quốc gia Phật giáo, một người có thể xuất gia gieo duyên năm ba tháng rồi trở về đời sống thế tục. Có những người trong cuộc đời xuất gia vài lần như vậy. Đối với người Việt Nam hơi xa lạ với cách tu này, khi nhìn những điều này chúng ta thấy rằng Đức Phật thường cho chúng ta cơ hội. Ngài dạy rằng khi lựa chọn đời sống nào nên sống trọn với đời sống đó, nhưng nếu không giữ được tâm tha thiết với con đường đạo thì có thể hoàn tục. Sau đó nếu không phạm những đại giới thì người đó có thể lại xuất gia. Đạo Phật bao dung như vậy bởi vì đạo Phật cho thấy rằng trong cuộc hành trình tâm linh chúng ta có rất nhiều lần vấp ngã và sự trở về sự làm lại, sự bắt đầu trở lại cuộc tu là một chuyện vốn dĩ bình thường. Có câu” Bảy lần ngã xuống, tám lần đứng lên”. Có lẽ không một tôn giáo nào có cái nhìn khoáng đạt hơn về cuộc sống tinh thần như Phật giáo. Mặc dầu Đức Phật đưa ra hình ảnh rất rõ nét thế nào là một đời sống yếu đuối, tầm thường, không có ánh sáng của tuệ giác, nhưng rồi Ngài cũng cho chúng ta biết rằng, nếu cố gắng vận dụng những gì còn lại để có thể làm một cuộc bắt đầu như Tỳ kheo Cittahatttha, một người vốn bị tâm mình sai xử. Lúc là sư sĩ thì muốn đi xuất gia, khi xuất gia muốn trở lại làm người cư sĩ. Tâm trạng như các thiền sư jen thường nói, tại những thiền đường thiền sinh nhớ quán bar khi về quán bar nhớ thiền đường. Trịnh Công Sơn cũng đã từng viết trong một bài hát rằng, “khi ta về lại nhớ ta đi”. Tâm tư của chúng ta là như vậy, ở cảnh giới này thì nhớ cảnh giới khác. Cả hai hình ảnh rất rõ nét về cuộc hành trình của chúng ta. Chúng ta đến từ cảnh giới nào và điểm đến là hướng đến cảnh giới nào. Hai bài kệ tuy ngắn nhưng đó là sự mô tả rất đầy đủ về thế giới của phàm phu và Thánh vức. Tức là một thế giới của trầm mê, khổ ải và một thế giới của giải thoát giác ngộ. Hai bài kệ rất dễ thương, Một hình ảnh khác, hình ảnh của Đạo sĩ Kuddàla đi xuất gia nhưng vì nhớ những nông cụ quay trở về, rồi đến một ngày có đủ can đảm đem quăng cuốc ra giữa dòng sông và la lên rằng, “Ta đã thắng”. Lúc đo vị vua Baranasi đứng cạnh bên nghĩ rằng, “mình đi thân chinh trở về và kẻ chiến thắng là mình chứ tại sao có kẻ lại tự nhận mình là kẻ chiến thắng”. Nhà vua sau khi nghe vị đạo sĩ giảng về chiến thắng nội tâm của mình, nhà vua xin xuất gia”. Vị đạo sĩ có dạy một câu rất đặc biệt, “ Có những sự chiến thắng không bền vững, nó cũng hứa hẹn một sự thất bại khác. Nhưng có sự chiến thắng khác miên viễn, đó là sự chiến thắng nội tâm của mình.” Hình ảnh của nhà vua là một hình ảnh rất đẹp, một vị vua đang ca khúc khải hoàn trở về với tất cả niềm cao hứng trong lòng, chỉ ghé bờ sông để rửa mặt tìm thấy sự sảng khoái của kẻ thắng trận. Nhưng rồi lãnh hội được lẽ đạo và đi tìm sự chiến thắng nội tại. Đó cũng là một trong những hình ảnh khác khó quên khi chúng ta đọc những câu chuyện vầ kinh bổn sanh. Ở đây tâm tư của một vị giác ngộ Đức Phật Ngài đề cập đến ngắn nhưng chúng tôi có thể nói rằng đó là một trong những hình ảnh mà một người Phật tử hiểu đạo có thể thấy rằng nó vượt ngoài tất cả. Hình ảnh của một vị tâm không thấm dục vọng, không bị sân hận phá. “ Vượt ngoài mọi thiện ác / Bậc tỉnh thức vô úy” đó là một khải hoàn ca của một bậc Thánh. Chúng tôi đã đọc rất nhiều sách đề cập đến đời sống giải thoát, trong đó có những tập như Bồ-tát hạnh Bodhisattvacharyavatara của Mật Tông hay những bản kinh Bát nhã trong bộ Bát luận cũng đề cập đến không tánh. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng bài kệ này mặc dầu rất ngắn, chỉ bốn câu Pali nhưng đã cho chúng ta cái nhìn rất thoát, rất siêu việt, vượt ngoài mọi quan niệm đối đãi bình thường của chúng ta. Dĩ nhiên tâm phàm chúng ta không thể đo đạc tâm tư của bậc Thánh, tuy nhiên trong sự chiêm nghiệm thầm lặng nào đó chúng ta có thể cảm nhậm rằng, tại sao sống giữa cuộc đời này chúng ta vẫn còn âu lo vẫn còn sợ hãi, cảm thấy bấp bênh. Có thể có nhiều sự trùng lập ý nghĩa trong phẩm Tâm. Tuy nhiên khi trở lại từng chữ từng dòng của từng câu kệ trong phẩm Tâm, chúng ta sẽ thấy những bài kệ được đề cập tại đây có thể làm kinh nhật tụng được, có thể làm những bài học thuộc lòng và tâm niệm trong đời sống hằng ngày. Trong câu thứ ba của bài kệ số 39 puññapāpapahīnassa, có nghĩa là vị đã bỏ sau lưng apahīno, apahīna. Nên chú ý chữ puññapāpa. Chữ puñña là phước, chữ pāpa là ác hạnh. Đây là chữ rất thú vị khi chúng ta đề cập đến hành hoạt của một vị Thánh nhân. Trong đời sống hằng ngày khi chúng ta làm việc thiện hay bất thiện đều có chủng tử của nhân quả, của luân hồi, đều tạo nghiệp. Riêng về việc thiện đều mang tính cách tạo phúc, tạo đức nhưng với một vị đã giải thoát làm chỉ là làm, làm chỉ vì lòng bi mẫn thôi. Và tâm đại bi đó không phải dễ nhận định . Một người có thể thể hiện lòng đại bi, một người có thể sống hiện hữu trên cuộc đời này mà bỏ lại phía sau cái gọi là puññapāpa, cái thiện và cái ác, cái phúc và cái phi phúc, phi đức. Chữ puññapāpa chữ rất thú vị bởi vì chữ thiện như trong kinh Phật có nghĩa là khéo. Cái khéo, cái tốt có thể là một phần của vị Thánh nhân dĩ nhiên các Ngài không còn chủng tử tạo nghiệp, nhưng mang nhiều đặc tínhcủa cái mà chúng ta gọi là kusala. Khi nói đến puñña có ý nghĩa cái gì có sự đối đãi nhân quả trong đó. Vị bỏ lại phía sau tất cả nghiệp thiện hay bất thiện. Một vị Thánh nhân có thể quở trách một vị đệ tử hay một kẻ sát nhân và làm cho người đó cảm thấy xấu hổ hay một vị Thánh nhân có thể làm một chuyện rất đẹp như phục dịch Đức Phật, thuyết một bài pháp dài nhưng tất cả những điều đó không gọi là puñña hay pāpa vì vị đó đã bỏ quan niệm thiện ác phía sau lưng. Chúng ta rất khó tư nghì về hành hoạt và đời sống của một con người. Không có đạo giáo nào trong thời kỳ nguyên thủy ít đề cập đến cái hành hoạt cứu cánh như đạo Phật. Khi đề ập đến diệt đế, đạo Phật dạy rằng đó là sự diệt khổ, nhưng những thế kỷ về sau này đặc biệt là từ thế kỷ thứ V trở đi người ta rất muốn nói đến cứu cánh giải thoát, rất muốn nói đến niết-bàn là gì, rất muốn nói đến các quả vị. Người ta nói đến Phật, đến Bồ-tát, đến La-Hán, nói đến những trạng thái giải thoát. Trong những trạng thái giải thoát đó người ta đề cập đến giáo lý Bất nhị, đến Không tánh, đến Bát nhã. Chúng ta cũng tìm thấy rất nhiều mô tả về một vị đã vượt ngoài tất cả. Tuy nhiên rất khó để chúng ta hình dung trọn vẹn hình ảnh của vị này. Dầu sao đi nữa trong kinh điển nguyên thủy cũng đã nhắc đến hình ảnh của một vị Thánh, vị đó sống trên, sống ngoài, không có những hệ lụy về nhân quả như chúng ta tìm thấy trong thế giới này. Hai bài kệ số 38 và số 39 chỉ vỏn vẹn có tám câu nhưng đó là cuộc hành trình tu tập của người Phật tử từ đời sống phàm phu chuyển sang Thánh vức, từ bờ này sang bờ bên kia. Trong cuộc hành trình đó chúng ta có thể là một người đi qua trọn vẹn cuộc hành trình, chứ không phải là hai hạng người khác nhau mà chúng ta quan niệm là một người người đáng khen và một người đáng chê. Vì khen hay chê cũng là ở chính chúng ta qua chính một con người. Ở đây vị Tỳ kheo Cittahattha sáu lần xuất gia và sáu lần hoàn tục. Trong thời gian đó tương ưng với bài kệ đầu và lần sau cùng lần thứ bảy lại có thể đi trọn con đường cao đẹp mà vị ấy chọn. Đức Phật dạy câu số 8 của bài kệ số 39 nói lên hình ảnh về một cái đẹp bất thối chuyển của một vị tỳ kheo mà cái nhìn thường tình không cảm nhận được. Một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại, cái nhìn của Đạo Phật rất bao dung bởi vì đạo Phật quan niệm rằng con người có thể rất xấu nhưng rồi ở một nhân duyên đặc biệt nào đó họ trở thành một bậc Thánh. Con người có thể có nhiều lần thất bại nhưng nếu chúng ta kiên nhẫn và nếu có đủ sự bao dung sẽ có thể trở thành cong người cao đẹp trong cuộc đời này. Chỉ có đức Phật là bậc Vô Thượng Điều Ngự, Ngài thấy và hiểu được điều đó và Ngài có đức bao dung như vậy. Với cái nhìn thường thức chúng ta không thể nào đánh giá được cái nhìn này. Có thể nói đây là một trong những bài kệ kinh Pháp cú cá nhân chúng tôi rất thích đọc. Chúng tôi mong quý Phật tử sẽ dành nhiều thì giờ để đọc lại những câu kệ của phẩm Tâm này, bởi vì những câu kệ có thể dùng như những bài kinh nhật tụng. Chúng tôi xin dứt lời tại đây Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
|