Kệ Ngôn 36 |
Giảng Sư: TT Trí Siêu Tâm sâu kín khó thấy (Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng) Chánh Hạnh chuyển biên
TT Trí Siêu: Câu Pháp cú số 36 Sududdasa.m sunipuna.m, Tâm khó thấy, tế nhị Bài kệ Pháp cú này được Đức Bổn Sư thuyết tại Jetavana, đề cập đến câu chuyện của một vị Tỳ kheo mới tu trong Phật Pháp đã có sự bất mãn và có ý muốn hườn tục trở về làm người cư sĩ. Nguyên nhân câu chuyện là có một vị công tử, con nhà giàu có. Vị công tử này phát tâm trong sạch muốn tu tập trong Phật Pháp và khi hỏi một vị trưởng lão về pháp tu. Vị đó đã hướng dẫn tuần tự từ pháp bố thí đến trì giới. Vị công tử đã thực hành xong pháp bố thí, trì giới, từ ngũ giới đến bát quan trai. Rồi dần dần vị Tỳ kheo trưởng lão hướng dẫn cho tu tập thọ trì thập giới và sau đó cho xuất gia. Vị công tử này rất ngoan ngoãn và hoan hỷ với đời sống xuất gia. Tuy nhiên khi vào xuất gia, thầy tiếp dẫn của vị tân Tỳ kheo là một vị luận sư. Thầy tế độ của vị tân tỳ kheo này là một vị luật sư. Cả hai vị đã dạy bảo nhắc nhở cho vị tân Tỷ kheo.
Vị luận sư vi diệu pháp dạy cho đệ tử nghe học những yếu lý trong vi diệu pháp, vị tân Tỳ kheo này học mãi và cảm thấy khó khăn, không có gì hứng thú nên vị ấy đã chán nản cuộc sống tu tập. Rồi vị tân Tỷ kheo đó đi đến Thầy tế độ của mình là vị luật sư. Vị luật sư này cũng dạy dỗ nhắc nhở, “ Ngươi đã xuất gia vào trong giáo pháp, bao nhiêu điều giới luật này cần phải được học thuộc lòng, cần phải thực hành, điều này nên làm, điều này không nên làm v.v…” khiến cho vị Tân Tỳ kheo cảm thấy bối rối và chán nản. Trong cuộc sống tu tập không còn tự do, tự tại không còn được thoải mái. Như trước đây vị ấy tưởng đời sống xuất gia là cuộc sống thoải mái vô tư. Thế rồi vị Tân Tỳ kheo quyết định hườn tục. Sau khi trình bày, vị Thầy tiếp dẫn và vị Thấy tế độ bèn dắt vị Tân Tỳ kheo đến gặp Đức Phật. -“ Vậy thì ông hãy gìn giữ cái tâm của ông, bấy nhiêu đó cũng đủ thoát khổ được rồi” Sau khi vị Tỳ kheo đó vừa nghe dứt bài kệ đã phát tâm hoan hỷ, chứng đắc quả dự lưu và nhiều vị khác cũng chứng đắc Thánh quả. Tất cả hội chúng Tỳ khưu Tăng đều thành tựu lợi ích nhờ bài kệ này. Ở đây chúng tôi chỉ lược thuật tóm tắt về câu chuyện duyên khởi của câu kinh Pháp cú trên. Bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu trình bày và tìm hiểu ý nghĩa câu kinh Pháp cú này. Phẩm tâm Citta Vagga là một phẩm gom tụ lại những bài kệ Pháp cú Đức Phật thuyết rải rác tại chỗ này chỗ kia và những bài kệ đó có ý nghĩa trình bày, nhắc đến về sự tu tâm và ý nghĩa của trạng thái tâm. Tâm tu tập lợi ích như thế nào và tâm không khéo tu tập sẽ đem đến sự tai hại như thế nào. Trong thời gian qua các câu kệ ngôn 33, 34, 35 chúng ta đã được nghe và đã hiểu một phần. Hôm nay bài kệ có một vấn đề khác mà chúng ta cần phải tìm hiểu. Hôm nay bài kệ số 36 có một vấn đề khác mà chúng ta phải tìm hiểu.Trong bài kệ số 33 Đức Phật Ngài định nghĩa tâm là tâm hoảng hốt dao động, khó hộ trì, khó nhiếp. Bài kệ 34 Đức Phật Ngài định nghĩa tâm như cá quăng lên bờ, vớt ra ngoài thủy giới, tâm này vùng vẫy mạnh. Bài kệ số 35 Đức Phật Ngài dạy rằng cái tâm khó nắm giữ, khinh động theo dục vọng quay cuồng. Bao nhiêu đó cũng thấy rằng cái tâm của chúng ta rất phức tạp. Câu kệ ngôn Pháp cú số 36 Đức Phật Ngài định nghĩa cái tâm khó thấy, tế nhị Sududdasa.m sunipuna.m. Theo các dục quay cuồng yatthakāmanipātina.m. Đối với cái tâm phức tạp như vậy nếu như chúng ta tu tập làm cho tâm ngay thẳng hay chúng ta đoạn thế lực của ma hay điều phục tâm hoặc phòng hộ tâm. Như vậy sẽ đem đến sự an lạc. Tâm này tại sao gọi là khó thấy, rất tế nhị? Là bởi vì tâm này thuộc về danh pháp, là vô hình không có hình thể, không có hình tướng, cho nên không thể thấy được bằng mắt thường, không thể nhìn cái tâm được bằng nhục nhãn. Tế nhị sunipuna.m là bởi vì tâm này sanh diệt nhanh lẹ vô cùng , một khảy móng tay tâm sanh diệt triệu triệu sát-na tâm, rất tinh tế. “ Theo dục vọng quay cuồng” có nghĩa là tâm này luôn luôn bắt cảnh, hướng về cảnh chỗ này chỗ kia, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Lúc nào tâm của chúng ta cũng bay nhảy tìm đến đối tượng. Chúng ta khó có thể gìn giữ được nó cũng giống như một con ngựa chứng thường chạy nhảy chỗ này chỗ kia, không chịu cho người cỡi lên nó, điều phục nó. Hoặc ví như con khỉ ở trong rừng, nó luôn luôn chuyền từ cành này đến cành khác không bao giờ nó chịu nằm yên một chỗ. Trong hoàn cảnh hiện tại Đức Thế Tôn thuyết lên bài kệ này để nhắn nhủ một vị Tỳ kheo sợ gìn giữ giới luật, giữ nhiều điều, tuân thủ theo nhiều nguyên tắc. Vị này cảm thấy không được tự do, thoải mái. Do đó vị Tỳ kheo chán nản. Bây giờ Đức Phật phải dẫn dụ vị ấy hãy làm như thế nào ngươi chỉ giữ một điều là được rồi. Người trí được gọi là như vậy medhavi, tức là chỉ cho bậc sáng suốt, chỉ cho những người có tuệ căn mạnh, những người có sự ý thức, hiểu được điều lợi và điều bất lợi. gọi là bậc trí tuệ. Những điều nên làm và những điều không nên làm, vị đó cân nhắc, đắn đo bằng trí tuệ của mình. Người trí ở đây, khi biết được rằng cái tâm này một khi đã loạn động chạy theo dục vọng quay cuồng thì sẽ mang đến sự tác hại to lớn. Người trí hiểu được như vậy cho nên trong việc tu tập người trí chỉ cần phòng hộ tâm citta.m rakkhetha. Gìn giữ cái tâm là như thế nào? Gìn giữ cái tâm có hai cách, một là chế ngự nội tâm, hai là giáo hóa nội tâm. Một lẽ thứ hai nữa là vị này phòng hộ tâm bằng cách luôn luôn giáo hóa, dạy dỗ tâm đừng để cho nó sanh khởi, đừng để cho nó hư hỏng vì sự dốt nát thiếu hiểu biết. Cũng giống như người mẹ giáo dục đứa con bằng hai cách. Một là dạy ngon dỗ ngọt cho con nghe những điều hay lẽ phải, khi con phạm vào những lỗi lầm thì người mẹ sẽ quở trách đánh đòn, sẽ hình phạt. Nhờ vậy mà đứa con được ngoan ngoãn thành người. Cũng như thế đó người trí khi phòng hộ tâm bằng hai cách. Chế ngự tâm, khi tâm tiếp xúc với cảnh sắc sẽ là nguyên nhân để phát sanh lên tham ái và ưu bi (tham và sân), người trí chế ngự khắc phục. Khi bình thường tâm chưa có nguy hiểm khởi lên tham ái ưu bi, người trí luôn luôn kiểm soát tâm dạy dỗ tâm. Như đối với bậc xuất gia Đức Phật Ngài thường nhắc nhở, Bậc xuất gia hằng ngày phải có sự tâm niệm gọi là Abhinhapaccavekkhana, tức là phải thường xuyên tâm niệm rằng, “Ta là vị có tướng mạo khác hơn kẻ thế, mạng sống của ta phải nương nhờ vào kẻ khác, hành vi thân khẩu của ta phải khác hơn kẻ thế, ta có thể tự mình khiển trách được mình hay không, sau khi suy xét giới hạnh hay không. Ngày đêm qua mau ta đã làm được gì, các pháp thượng nhân ta đã chứng đạt chưa, ta có thích nơi thanh vắng chăng. Và nếu trong giờ phút lâm chung các bạn đồng phạm hạnh có trí hỏi ta về những pháp thượng nhân thì lúc bấy giờ ta có hổ thẹn chăng v.v…” Đó là năm điều quán tưởng Đức Phật đã dạy cho hàng xuất gia và tại gia để giáo hóa nội tâm như vậy. Quả thật khi chúng ta tu tập, nếu chúng ta kềm giữ và phòng hộ được nội tâm, như vậy chúng ta không cần phải tu pháp môn khác nữa, vì tất cả những phiền não đều phát sanh từ nơi nội tâm này, do nội tâm loạn động quay cuồng chi phối các cảnh và bị những điều kiện chủ quan và khách quan chi phối cho nên phát sanh lên những thứ phiền não và khi tâm đã bị phiến não chi phối sai xử thì lúc bấy giờ nó mới tạo nên những hành động ác hoặc lời nói ác hoặc ý nghĩ ác. Nếu như tâm ác sai xử cho hành động lời nói và tư tưởng bất thiện pháp như vậy, sẽ dẫn đến những hậu quả cay đắng, những cảm thọ khổ đau đời này và đời sau. Bởi vậy khi chúng ta gìn giữ, phòng hộ được tâm sẽ có nhiều sự an lạc. Sụ an lạc ở đây, khi chúng ta gìn giữ được nội tâm này bằng cách chế ngự và giáo hóa nội tâm. Hay nói một cách khác nếu như muốn chế ngự nội tâm thì chúng ta phải có chánh niệm, phải có sự ghi nhớ biết mình luôn luôn. Muốn giáo hóa nội tâm chúng ta phải dùng trí tuệ gọi là pháp tỉnh giác. Khi thực hành được những pháp đó, ngay trong hiện tại chúng ta cảm thọ an lạc gọi là hiện tại lạc trú. Theo trong A-tỳ-đàm mỗi khi tâm thiện sanh khởi, tâm thiện đó sẽ tạo nên sắc tâm gọi là cittaca rupa. Một sắc tâm thuần thiện tốt đẹp và khinh an nhẹ nhàng. Như vậy người tu tập và phòng hộ nội tâm, không cho nội tâm phang duyên theo trần cảnh,lúc bấy giờ chúng ta được hoan hỷ được thoải mái, nên gọi là hiện tại lạc trú. Khi chúng ta tạo những thiện pháp, phòng hộ được tâm không để cho phiền não sanh khởi. Như vậy được an lạc do nhờ không bị phiền não thiêu đốt, không bị nhiệt não bởi những bản chất bất thiện. Quả thật vậy khi một người làm điều bất thiện, họ sẽ bị đau khổ. Sự đau khổ đó không phải do ai mang đến cho họ, chưa nói đến quả báo trong tương lai, chỉ nói trong hiên tại khi nhìn thấy nghiệp bất tịnh mình đã làm, người đó khởi lên sự đau khổ thì đã muộn rồi. Bởi vậy khi tu tập chúng ta giữ được nội tâm tốt đẹp, chúng ta sẽ có sự an lạc. Hai điều an lạc ngay trong hiện tại như thế một là hiện tại lạc trú, hai là chúng ta không bị nhiệt não bởi những mặc cảm tội lỗi. Lợi ích thứ ba khi chúng ta tu tập nhiếp phục được tâm, chính điều này sẽ dẫn đến nếu như ngay trong hiện tại chưa đắc được Thánh quả giải thoát còn sự tái sanh thì được thuận lợi trong sự tái sanh đến những cảnh giới an lạc nhất là các cõi trời hay cõi Phạm thiên.
Ý dẫn đầu các pháp
Manopubbaṅgamā dhammā, Ý dẫn đầu các pháp, Câu pháp cú số 2 Ở đây chúng ta nói đến hai câu pháp cú này để nói về tại sao chúng ta phải phòng hộ tâm vì tâm, ý được phòng hộ tốt, trở thành một tâm thiện, một ý thiện. Như vậy chính tâm này khiến cho hành động hay nói năng bằng thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh. Do vậy hạnh phúc sẽ theo mình như bóng không rời hình. Còn khi không khéo tu tập, không khéo phòng hộ tâm sẽ đưa đến quả đắng cay bởi vì thân nghiệp khẩu nghiệp chúng ta hành động bằng ý bất thiện. Sự đau khổ đó sẽ theo sát bên mình như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy. Người phật tử tu tập, không cần phải tu tập bằng hình thức thái quá. Hình thức những nghi lễ, những phong tục tôn giáo chúng ta vẫn tuân thủ nhưng sự tuân thủ đó là để an lập trật tự trong việc sinh hoạt của một hội chúng toàn thiện để hội chúng trở nên tốt đẹp nhưng không phải chúng ta tu tập suông bằng hình thức. Nếu chỉ tu tập bằng hình thức như thế chúng ta sẽ không đạt được lợi ích gì. Khi chúng ta tu tập, biết rõ rằng nếu tâm này được phòng hộ được gìn giữ thì tâm đó sẽ mang đến sự an lạc. Người Phật tử biết rằng khi chúng ta tu tập, mà tâm còn khởi lên phiền não, còn vọng động chi phối bởi những phiền lụy trong cuộc sống, như vậy mặc dầu kẻ thù, kẻ đối lập hay người bất mãn với mình, những người đó chưa có làm cho mình đau khổ thì chính nội tâm phức tạp này, nội tâm hướng đến bất thiện này cũng đủ làm cho chúng ta phải phiền lụy, phải đau khổ rồi. Vì vậy sự tu tập của chúng ta là phải cố làm sao gìn giữ được tâm. Điều này khó chứ không phải là dễ, nhưng chúng ta nên nhớ rằng, cái gì người ta làm được thì mình làm được. Chúng ta chỉ cần có sự nổ lực cố gắng để thu thúc để kềm chế, lâu ngày chúng ta quen dần gọi là thường cận y duyên, chúng ta sẽ quen dần gìn giữ được tâm. Một vị Tỳ kheo nọ, Tỳ kheo Anupubla xuất gia vào trong giáo pháp. Vì các vị Thầy của vị tân Tỳ kheo này không hiểu được tâm trạng của vị ấy nên đã dạy theo cách riêng của mình, dạy những pháp môn mà mình đã thọ trì, mình đã thông hiểu. Dạy nhiều quá như vậy vị đệ tử không thể tu tập được nhưng đến khi dẫn đến Đức Phật thì Ngài bết rõ vị Tỳ kheo này chỉ mong làm sao được tu tập một cách đơn giản thôi. Chính sự đơn giản đó Đức Phật Ngài dạy cho chỉ cách duy nhất là gìn giữ nội tâm. Nghe nói thì đơn giản, nhưng khi phòng hộ tâm này không đơn giản một chút nào, bởi vì tâm rất khó thấy và rất tế nhị luôn luôn hướng tìm ngoại cảnh từ chỗ này sang chỗ khác. Bài kệ này đã dạy cho chúng ta tu tập về cách phòng hộ tâm. Nếu chúng ta biết phòng hộ, gìn giữ nội tâm, đừng để cho nó xu hướng theo ác bất thiện pháp thì như vậy đã đủ rồi. Chúng ta để tâm xu hướng theo thiện pháp sẽ mang đến sự an lạc cho mình. Bài kệ này thật ra không phải là khó hiểu, chúng tôi muốn nói hơi nhiều một chút để làm cho phần giảng giải được sung mãn, đầy đủ ý nghĩa chứ nếu giảng khoảng 15 phút cũng đầy đủ. Cái khó khăn nhất là sau khi nghe xong bài kệ này, hiểu được ý nghĩa, chúng ta có sự nổ lực để tu tập tâm phòng hộ tâm hay không. Đó là điều chúng ta cần lưu ý. Chúng tôi xin dứt lời tại đây Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
|
Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh |