Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 35

Tâm Tư Khó Điều Phục



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Tâm manh động, khó nắm
Quay cuồng theo thị dục
Thiện thay tâm điều phục
Tâm thuần ắt an lạc

 

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Dunniggahassa lahuno yatthakaamanipaatino
Cittassa damatho saadhu citta.m danta.m sukhaavaha.m.

Minh Hạnh chuyển biên

DUYÊN SỰ

Một thầy tỳ khưu học phương pháp thiền quán từ Đức Phật rồi tìm đến một khu làng hẻo lánh hành đạo. Không lâu vị nầy nhận ra một điều là bà thí chủ trong làng là người có thể đọc tâm tư của người khác. Biết vậy vị nầy lo âu vì sợ rằng có khi tâm tư bị uế nhiễm thì thật xấu hổ. Nghĩ thế thầy liền rời bỏ nơi đó về chùa Kỳ Viên đãnh lễ Phật và thuật lại câu chuyện. Đức Phật dạy rằng chính nơi đó là chỗ thích hợp để thanh lọc tâm. Vị tỳ khưu vâng lời trở lại ngôi làng tinh tấn tu tập không lâu chứng quả vô sanh giải thoát. Bài kệ pháp cú trên được Đức Phật dạy nhân đề cập câu chuyện của vị tỳ khưu nầy.

 

TT Trí Siêu :Bài kệ này được Đức Phật thuyết tại thành Sàvatthi (Xá-vệ) chùa Kỳ Viên (Jetavana) của trưởng giả Anàthapindika Cấp Cô Độc, đề cập đến câu chuyện một vị Tỳ Kheo đến làng Màtika hành đạo. Tương truyền rằng tại làng này có một bà đại tín nữ xây một tịnh xá lớn để cúng dường Tứ Phương Tăng Chúng những khi đi du hành hoằng pháp ngang qua. Bà tín nữ có một đặc điểm là đắc tha tâm thông, có thể biết rõ tâm các vị tỳ kheo cần gì và ăn vật thực nào thích hợp và những vật thực nào không thích hợp. Một lần có 60 vị Tỳ kheo sau khi học đề mục thiền từ nơi Đức Phật xong thì các vị tỳ kheo này đi vào làng Màtika để hành đạo. Các vị tỳ kheo hàng ngày đi khuất thực trong làng, mọi người dân trong làng phát tâm trong sạch cúng dường các vị đó nhưng vì vật thực không thích hợp nên suốt trong 3 tháng an cư nhập hạ các vị này không đạt được kết quả gì, đến khi ra hạ các vị tỳ kheo đến từ giả, bà đại tín nữ này đã cung thỉnh các Ngài an cư nhập hạ tại đây thêm vài ngày nữa, lúc bấy giờ bà đại tín nữ dùng tha tâm thông để xem xét các vị đại đức đã đắc quả gì, thì bà thấy rằng các vị chưa đắc gì cả cho nên bà cung thỉnh các vị tỳ kheo hãy náng lại vài ngày và bà đã quán xét được 4 điều thích hợp.


1) Trú xứ thích hợp là trú xứ thanh tịnh thì thích hợp cho các vị tu thiền và xét thấy rằng ngôi chùa tại làng này có quang cảnh thanh tịnh sẽ giúp cho các vị tỳ kheo thiền định.

2) Khi xét đến bạn lữ thích hợp, bà biết rằng 60 vị tỳ kheo này là những vị hiền thiện, làm bạn tốt với nhau không có gì trở ngại, vị nào cũng có sự tinh tấn và niềm tin, có trí tuệ đầy đủ nên có thể làm bạn hổ tương cho nhau lúc hành đạo, không có gì trở ngại.

3) Bà xét đến yếu tố thứ ba là pháp thích hợp, bà thấy đề mục các vị này đã thụ giáo từ nơi Đức Phật đó là những đề mục thích hợp tâm tánh của mỗi vị.

4) Bà xét vật thực thích hợp. Chính vì trong những ngày qua các vị đi khất thực và thọ dụng những thực phẩm ai cúng dường gì thì dùng cái đó nên các Ngài không thích hợp với những vật thực này nên đã làm trở ngại cho các vị trong việc tu tập.


Sáng hôm sau bà chuẩn bị vật thực theo thể tạng hợp với vật thực gì bà mua những vật thực đó và để bát riêng cho từng vị theo khẩu vị, nên chỉ trong vài ngày là những vị đó đắc quả A La Hán. Sau đó các Ngài trở về đảnh lễ Đức Phật tại chùa Kỳ Viên, khi đảnh lễ Đức Phật xong các Ngài trình bày tự sự tại ngôi làng Màtika và về việc bà tín nữ có tha tâm thông biết rõ mọi việc đã cúng dường vật thực thích hợp khiến cho các vị tỳ kheo tu tập được thành quả.

Một vị tỳ kheo nghe vậy bèn xin Đức Phật đến làng Màtika . Trên đường đi vị tỳ kheo nghĩ rằng nếu quả thật vị tín nữ trong làng này biết được tâm ta thì bà hãy sai người dọn dẹp phòng ốc cho ta trú ngụ, liền khi đó bà tín nữ ở nhà dùng tha tâm thông biết được ý nghĩ của vị tỳ kheo này nên bà đã sai người đến dọn dẹp như vậy. Vị tỳ kheo lấy làm lạ và nghĩ tiếp “nếu quả thực bà đã biết tâm ta khi mới đến cần có nước giải khát bà hãy cúng dường” bà tín nữ lại sai người hầu đem nước đến cúng dường vị tỳ kheo này. Cứ như vậy, qua ngày hôm sau vị tỳ kheo khởi lên ý gì thì bà liền đáp ứng, vị tỳ kheo khởi tâm sợ hãi hốt hoảng nghĩ rằng “nếu ta ở đây thì sẽ có lúc bà tín nữ sẽ biết tâm của ta, nếu ta khởi nên tâm bất thiện thì chẳng khác nào kẻ trộm bị bắt quả tang” nên đã từ giả bà tín nữ và trở về chùa Jetavana. Khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn hỏi tại sao không trú ngụ tại làng Màtika mà trở về đây. Vị tỳ kheo trình bày cớ sự Đức Phật bảo rằng “nếu là như vậy thì người cần phải ở nơi đó” vì Đức Phật biết rõ vị tỳ kheo này có duyên lành đắc được chánh quả nên Ngài dậy vị tỳ kheo này cần phải giữ gìn tâm, điều phục tâm, đừng để sơ hở tâm tư duy, khi tâm điều phục được thì sẽ có nhiều lợi ích an lạc.

Vị tỳ kheo đó thọ giáo nơi Đức Phật một đề mục chắc chắn như vậy rồi, một yếu pháp như vậy rồi vị tỳ kheo trở lại làng Màtika và nhờ sự thu thúc gìn giữ tâm thanh tịnh và chỉ trong vài ngày ông chứng quả A-la-hán

Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.

Khó nắm giữ là vì tâm của ta thuộc về danh pháp, danh pháp nama Dhammas có nghĩa là pháp có tên gọi nhưng không có hình dáng và cũng không thuộc về vật chất cho nên chúng ta không thể nắm giữ được, không thể cầm được, không thể níu kéo. Tại sao gọi là khinh động, thật ra tiếng lahuno là tâm sanh diệt lẹ làng, chữ lahu tức là lẹ là nhanh, mặc dù chữ lahu dịch theo nghĩa tĩnh từ thông thường là một sự nhẹ nhàng, nhưng theo trong chú giải thì dịch nghĩa là nhanh, chúng ta học A Tỳ Đàm cũng biết là trong một khảy móng tay có triệu triệu sát na tâm, trong triệu triệu sát na tâm đó diễn biến trong vòng một khoảng khắc, một búng ngón tay thôi, như vậy chúng ta thấy nó nhanh biết chừng nào, nó cực nhạy, nhạy hơn tốc độ ánh sáng, chính Đức Thế Tôn đã dạy "này Chư Tỳ kheo, Như Lai chưa thấy cái gì sanh diệt lẹ hơn tâm."

Chính vì vậy tâm khó nắm giữ bởi vì nó là danh pháp lại sanh diệt rất lẹ, chúng ta không thể nào thấy được, thật ra khi thực hành pháp chẳng hạn tâm quán niệm xứ v.v.... thì chúng ta chỉ sử dụng chánh niệm ghi nhận trạng thái tâm nào đang sanh diệt một cách rõ rệt trong khoản khắc thời gian đó chứ nếu chúng ta nắm bắt từng sát na tâm thì không thể được, phải có tha tâm thông thì mới hiểu được điều đó, còn khi chúng ta không biết được thì khi chúng ta chánh niệm được với cái này thì nó đã trải qua hàng triệu triệu sát na tâm rồi. Nhưng điều đó không cần thiết, bởi vì chuyện chúng ta thực hành pháp tâm có sanh diệt thế nào thì tâm chánh niệm cũng theo kịp như vậy thôi chứ không trở ngại gì cả

Câu thứ ba nói rằng "theo dục vọng quay cuồng" có nghĩa là câu này vì do ảnh hưởng của thường cận y duyên, tức là theo thói quen nhìn cảnh sắc tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý suy nghĩ cảnh pháp đã quen rồi nên bây giờ tâm này luôn luôn hướng ngoại, theo sắc dục giống như con khỉ ngồi trên cây, giống như con cá bị quăng lên bờ ra khỏi mặt nước nó nhảy tung lên thế nào thì tâm này cũng như thế đó, luôn luôn có sự phóng đi, luôn luôn phan duyên theo trần cảnh.

Trong ba từ ngữ chúng tôi vừa trình bày “khó nắm giữ khinh động theo sắc dục quay cuồng”, Đức Phật Ngài muốn giới thiệu định nghĩa về tâm, bởi vì ở đây khi sài từ cittassa damatho saadhu lành thay điều phục tâm thì chữ cittassa là danh từ chính còn dunniggahassa lahuno yatthakaamanipaatino đều sài đồng với ngữ cách với chữ cittassa như vậy ba từ trên là khó nắm giữ khinh động theo các dục quay cuồng là chỉ cho trạng thái tâm.

Khi đề cập đến trạng thái tâm như thế chúng ta phải biết rằng chính vì điểm cực nhạy này mà tâm của chúng ta đôi khi nắm bắt được, đôi khi tu tập không khéo thì sẽ sanh ra sự nguy hiểm, còn khi chúng ta khéo thì sự tu tập đó sẽ mang đến lợi lạc rất nhiều.

Trong câu thứ tư cittassa damtho saadhu lành thay điều phục tâm, chữ điều phục được dịch từ chữ damatha hay damatho gọi là điều phục, chúng ta phải hiểu nghĩa là huấn luyện, dạy dỗ, tịnh hoá. Khi tâm được khéo tịnh hoá, khéo dậy dỗ, khéo điều phục, khéo huấn luyện thì lúc đó tâm sẽ mang đến sự an lạc cho chúng ta. Quả thật vậy thì việc tu tập của chúng ta không cần chấp nê hình thức bởi vì nếu câu nệ hình thức nhiều thì chẳng đi đến đâu cả, sự tu tập chủ yếu là tu tâm, rèn luyện nội tâm. Tâm được điều phục, chế ngự có nghĩa là chúng ta không để nó su hướng theo ác bất thiện pháp, không để khởi lên những tư duy quấy, không để khởi lên những phiền não độc hại mà xui khiến cho thân hành, khẩu hành, ý hành, lúc bấy giờ chính sự điều phục tâm đó sẽ mang đến sự an lạc và hạnh phúc cho vị hành giả tu tập.

Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến.

Điều phục tâm tức là huấn luyện tâm, sự điều phục bằng nhiều pháp môn tu tập, ở đây chúng ta thấy có bốn pháp điều phục giúp chúng ta thực hành pháp để điều phục nội tâm này.

1) Tu tập thì cần có sự kham nhẫn đó là một pháp để điều phục tâm, chữ kham nhẫn tiếng Pali là khanti hay là nhẫn nại đối với nghịch cảnh, nếu chúng ta kham nhẫn được thì sẽ có nhiều thiện pháp sanh khởi, nếu không kham nhẫn được khi hành đạo nếu gặp thời tiết xấu chúng ta bị trở ngại. Hoặc là sự kham nhẫn ở đây là kham nhẫn với điều trái ý nghịch lòng gây ra cho chúng ta, tức là bị những người đối nghịch với mình chỉ trích hoặc chê bai hay đánh đập đả thương. Nếu không kham nhẫn thì khó có thể tu tập được, chúng ta bị chi phối. Một sự kham nhẫn khác như sự ham muốn nổi lên hoặc nảy sanh tâm sân, bực tức cau có v.v… lúc bấy giờ nếu tâm của chúng ta có sự kham nhẫn để vượt qua được để đi vào đường lối tu tập, nếu như không kham nhẫn được thì phiền não sẽ làm chủ tình hình ở nội tâm thì đó là một điều hết sức nguy hiểm.

2) Pháp thứ hai để điều phục tâm gọi là hành xả upekkha hay là nếu giữ tâm của mình bình thản trước những ngọn gió đời có khởi lên trong cuộc sống của chúng ta như khen chê khổ đặng mất buồn bực, 8 ngọn gió đời khởi lên thì phải hành xả, còn nếu như sống trong đời này không có thể hành xả được trước 8 ngọn gió đời thì như vậy tâm của chúng ta sẽ bị xoay chuyển không khác nào như chong chóng bị gió thổi, và cuộc sống tu tập của chúng ta cũng vậy nhờ sự hành xả tâm của chúng ta mới giữ được thể cách khách quan là không bị cảnh.

Pháp thứ ba là để tu tập điều phục nội tâm tức là có chánh niệm, chánh niệm là sự ghi nhớ, sự kiểm soát hay trạng thái biết mình, thì khi nào chúng ta hành động biết mình đang làm gì, khi nói biết mình đang nói gì, khi nào suy tư biết rõ đang khởi lên loại tâm nào hay cảm thọ như thế nào, chúng ta biết rõ từng chút như vậy, đừng nói rằng chánh niệm chỉ có trong lúc chúng ta đang hành thiền giữ tâm theo dõi đề mục, không phải như vậy, mà là chánh niệm luôn luôn trong mỗi trường hợp. Trong lúc chúng ta đang làm việc hay đang đi, đang đứng, đang nằm hoặc ngồi, đang nói chuyện với người khác chúng ta vẫn giữ được chánh niệm với hành động đang diễn ra đó, hay những gì chúng ta đang sinh hoạt, khi có được chánh niệm như vậy thì chúng ta không rơi vào tình trạng lỗi lầm, bởi vì tâm của chúng ta đã nhiếp phục được rồi, lúc bấy giờ chúng ta sẽ thành tựu được sự an lạc.

Pháp thứ tư để chúng ta điều phục tâm nắm bắt được tâm là phải có sampajanna tức là tỉnh giác hay là sự biết mình. Tỉnh giác trong chú giải có giải thích rằng satisampajanna tức là dùng trí tuệ phân biệt được điều nào lợi, điều nào bất lợi, điều thứ hai là samapanna sampajanna tức là tỉnh giác trong sự kiện thích hợp hoặc không thích hợp với vai trò địa vị của mình, đó cũng là sự tỉnh giác, sự tỉnh giác thứ ba là tỉnh giác trong hành xả, đây mới là trong đề mục tu tập của mình, chúng ta tỉnh giác nhớ biết rõ, phân tích rõ rằng sự sanh sự diệt sự vô thường biến đổi của các pháp hữu vi trong nội thân hay ngoại thân, suy xét thấy như vậy gọi là tỉnh giác hành xứ, là tỉnh giác không mê loạn có nghĩa là dùng trí tuệ quán xét thấy rõ danh và sắc do năng duyên trợ tạo mà chúng ta không chấp theo bản ngã, ngã sở, ngã đắc, tôi là, của tôi v.v..... chúng ta không có chấp mê như vậy thì đây gọi là tỉnh giác không nhầm lẫn. Nói một cách khác 4 pháp tỉnh giác là chúng ta xử dụng trí tuệ để quán xét, như vậy trong đời sống hàng ngày không những tỉnh giác trong đề mục tu thiền của mình mà tỉnh giác luôn luôn trong những hành động, trong những lời nói, trong những tư tưởng chúng ta có sự tỉnh giác để phân biệt được lợi và hại cái tốt cái xấu thì như vậy đây gọi là sự tỉnh giác.

Nói tóm lại là chúng ta có thể tu tập theo 4 pháp là: kham nhẫn - Khanti, hành xả Upekkha, Chánh niệm – Samma Sati, và tỉnh giác Satisampajanna

Nếu tu tập theo 4 pháp môn này thì gọi là người đã điều phục tâm, còn nếu kể thêm nữa thì có rất nhiều chi pháp, thí dụ như chế ngự tâm gọi là khi tâm khởi lên điều gì, nói gì, làm gì mà thấy lợi ích thì nên tiếp tục làm còn nếu thấy không lợi ích hoặc đó là điều bất thiện v.v... chúng ta phải ngăn chặng lại, phải chế ngự, khử trừ nó đừng để nó sanh khởi nữa. Đó là những phương pháp để tu tập điều phục tâm, Đức Phật ngài xác định rằng nếu tâm được điều phục citta.m danta.m thì sẽ mang đến sự an lạc sukhaavaha.m sự an lạc hạnh phúc ở đây là Đức Phật ám chỉ về tinh thần. Chúng ta cũng nên biết rằng giữa hạnh phúc về tinh thần hay vật chất, thì hạnh phúc tinh thần quan trọng hơn, bởi vì vật chất mà chúng ta hưởng trong tình trạng khổ đau, chúng ta hưởng thụ về vật chất sẽ mang nhiều phiền toái, một người giàu họ cũng biết khóc, họ cũng biết thở ra, họ cũng than vắn thở dài, do đó chúng ta phải biết rằng hễ tâm được an lạc đó mới là hạnh phúc, vì đó là hạnh phúc chân thật, còn nếu tâm chưa được an lạc, dầu chúng ta có tiền của vật chất, đầy đủ nhà cao cửa rộng hay đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống nhưng tâm luôn luôn có sự đau khổ phiền toái thì trong trường hợp đó không được kể là hạnh phúc.

Một lần các đồ đệ Nigantha bàn luận về Đức Phật và Đức vua Passanedhi, là đức vua hạnh phúc hơn Đức Phật Gotama, khi ấy Đức Phật đi ngang qua và ghé lại, các vị này đã trình bày lên Đức Phật ý nghĩ của họ, Đức Phật mới hỏi rằng các người nghĩ sao đức vua có thể nào giữ tâm yên tịnh trong suốt 7 ngày không? Thưa Đức Thế Tôn, không thể được.

- Như vậy thì vua Passanedhi có thể giữ được tâm yên tịnh trong vòng 6, 5, 4, 3, 2, 1 ngày được không?

Thưa Đức Thế Tôn, không thể được, đức vua vì bận nhiều công việc, lo âu nhiều vụ xử kiện và giải quyết chuyện triều chính, do đó không bao giờ tâm đức vua được ổn định an tịnh, Đức Phật hỏi tiếp rằng vậy đức vua có hạnh phúc không, lúc bấy giờ vị này mới chợt nhớ và nói rằng thưa Đức Thế Tôn Gotama như vậy thì đức vua không thể nào có sự hạnh phúc. Đức Phật mới hỏi rằng như vậy thì các người nghĩ như thế nào một vị như ta có thể giữ tâm an tịnh trong vòng 1 ngày không.

- Dạ có thể được.

Đức Phật hỏi tiếp.

Vậy ta có thể giữ tâm an tịnh 2, 3, 4, 5, 6, 7 được không.

Thưa Đức Thế Tôn có thể được.

Như vậy thì ta có hạnh phúc hay là đau khổ." chừng đó họ mới biết là Đức Thế Tôn Ngài thật sự an lạc hơn đức vua.

Giai thoại này tóm tắt để trình bày trong Phật giáo khi nói đến hạnh phúc thì quan trọng là hạnh phúc về tinh thần chứ không phải hạnh phúc về vật chất, bởi vì hạnh phúc tinh thần sẽ giúp cho ta tiến hoá, còn sự an vui hạnh phúc về mặt vật chất không giúp chúng ta về mặt tiến hoá lợi ích mà trái lại nó đem tới sự tác hại cho chúng ta. Nếu chúng ta biết được trong cuộc sống này tinh thần an vui là hạnh phúc thiết thực, an vui tinh thần là phát xuất từ nơi tâm khéo chế ngự khéo điều phục, chẳng hạn vị Tỳ kheo kia đến làng Makika được bà tín nữ cúng dường hộ độ đầy đủ theo như ý muốn thì chắc chắn vị tỳ kheo này chưa phải là người an lạc hạnh phúc bởi vì luôn luôn với tâm lo nghĩ ưu tư, khi trở về vì Đức Phật khuyến cáo và vị Tỳ kheo trở lại tu tập và đã chứng được quả A La Hán diệt tận khổ ưu phiền não, không còn lo lắng gì nữa bởi vì tâm đã hoàn toàn an lạc.

Ở đây thưa qúi vị khi hiểu vấn đề này rồi thì người Phật tử chúng ta cố gắng làm thế nào để phát sanh hạnh phúc, bằng cách tu tập điều phục tâm, qua bài kệ này chúng tôi đã giảng giải trình bày cho quý vị vừa nghe được duyên khởi kệ và ý nghĩ của bài kệ và vừa nghe được từng câu pháp chúng ta cũng có thể rút ra kinh nghiệm tu tập qua bài học này.

Khi làm công việc thuyết giảng kinh Pháp Cú chúng tôi không mong gì hơn là muốn trình bày những pháp môn tu tập những bài học kinh nghiệm qúi giá mà chúng ta sau khi nghe xong có thể lãnh hội và đem ứng dụng trong cuộc sống được cho nên chúng tôi không muốn dùng xáo ngữ để nói nhiều về những từ ngữ của bài kệ và cũng không cầu kỳ về văn chương vì nghĩ rằng công việc hoằng pháp có như thế nào để người nghe có thể lãnh hội được để ứng dụng trong đời sống.

Việc tu tập trong Phật giáo quan trọng đòi hỏi ở chỗ tự mình phải nỗ lực tự mình phải tu tập, chúng ta không thể nói bằng miệng, chỉ nghe rồi bỏ đó không thực hành thì chẳng lợi ích gì cả, mặc dầu giáo pháp của Đức Phật có công năng hướng thượng, mặc dầu pháp của Đức Phật là pháp thiết thực hiện tại, nhưng nếu chúng ta không tự đến để mà thấy, chúng ta không tự mình giác ngộ thì chúng ta không bao giờ đạt được sự an vui hạnh phúc.

Câu kinh Pháp Cú:

Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến.

Chúng tôi vừa trình bày với ý nghĩa là tâm này rất nhạy bén, chúng ta không thể nào dùng các giác quan thông thường như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để nắm bắt gìn giữ nó được, chúng ta chỉ có thể tu tập bằng ý để nắm bắt gìn giữ nó được, chúng ta chỉ có thể tu tập bằng ý để nắm bắt kềm chế nó và sự điều phục này phải tự chúng ta giải quyết, tự chúng ta sau khi hiểu biết được Pháp phải thực hành theo đó để có được sự an lạc và hạnh phúc và tinh thần. ./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 35

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu