Người Nhật Bản họ có một tập sách về thiền gọi là Thạch Sa tập, cụ Nguyễn Đình Đồng dịch là Góp Nhặt Cát Đá, trong Thạch Sa Tập này đã gom những câu chuyện thiền rải rác đó đây trở thành một tập sách, tuy rằng rất nhỏ nhưng đã qua nhiều thế hệ, nó là những gợi ý, nó là những đề tài, khiến cho nhiều người tìm thấy ở đó một cái gì rất ý nhị về thiền học, qua một lối trình bày hết sức hàm xúc, hết sức ngắn gọn.
Vì vậy khi chúng tôi đọc những câu kệ ngôn kinh Pháp Cú này, chúng tôi cũng mong rằng quí Phật tử khi nghe kinh Pháp Cú, khi đọc kinh Pháp Cú sẽ tìm thấy những ý tưởng chân thật. Đôi lúc chúng ta hãy đặt mình vào trong bối cảnh thời đó Đức Phật Ngài đã giảng kinh như thế nào.
Ở đây câu kinh Pháp Cú này được Đức Phật Ngài dạy ở trong trường hợp các vị Tỳ Kheo bàn tán với nhau về trường hợp của vị Tỳ kheo tên Tissa. Tissa là một thanh niên lớn lên trong một ngôi làng nhỏ gần thành Xá Vệ, sau khi đi xuất gia rồi thì Thầy Tỳ kheo Tissa chỉ chuyên tâm vào chuyện tu hành, không nghĩ đến chuyện đi vân du đó đây, mặc dầu kế bên là thành Xá Vệ, ở nơi này có hội chúng Chư Tăng đông đảo và cũng có những đại thí chủ cúng dường, như là vua Ba Tư Nặc, hoặc ông Cấp Cô Độc v.v...Nghĩa là đời sống ở thành Xá Vệ phải nói rất lý tưởng cho sự tu tập. Quí Phật tử nào sang bên Ấn Độ rồi, thì quí vị biết rằng Xá Vệ ngày xưa, hôm nay là một bình nguyên rất êm đềm, thời tiết khác hẳn với Vương Xá, khác hẳn với Rajagaha, Xá Vệ là một nơi mà thời tiết ấm áp quanh năm, chúng ta có thể nói rằng đó là nơi mưa thuận gió hoà.
Cho dù cuộc sống ở Xá Vệ lý tưởng như vậy nhưng thầy Tỳ kheo Tissa vẫn chỉ sống ở khu làng nơi mình đã lớn lên, khi những vị Tỳ kheo nghe chuyện Thầy Tissa như vậy thì nghĩ rằng Thầy Tỳ kheo Tissa vì quyến luyến với thân bằng quyến thuộc, vì một ly' do nào đó mà không dám rời nơi cố hương của mình để đi đến một nơi lý tưởng hơn là thành Xá Vệ. Đức Phật nhân dịp đó Ngài dạy các vị Tỳ kheo rằng, Tissa không phải là một người tầm thường, và cũng không thể nhận định Tissa trong những nhận định tầm thường, bởi vì Thầy Tỳ kheo Tissa là người đã hoàn tất những cái gì cần phải làm, vị này sống đời sống tri túc, một đời sống giản dị khiêm tốn, và vị này đã thành tựu được con đường Đức Phật Ngài truyền dạy, vì vậy đối với Thầy Tỳ kheo Tissa cho dù đến thành Xá Vệ, hay là cho dù đến tận ngôi làng nơi mình đã sanh ra, hay bất cứ nơi nào khác thì cũng giống như nhau, bởi vì sao?, bởi vì những ngoại cảnh đó nó không còn quan trọng với Tissa, mà nó thật sự không có một cái giá trị nào lớn hơn, vì Tissa đã tìm thấy được nhiều giá trị thật sự là đáng quí ở đó là giá trị của sự không phóng dật, cái giá trị của sự tinh cần.
Nhân trong câu chuyện này, Đức Phật Ngài cũng nhắc về câu chuyện tiền thân, trong đời quá khứ xa xưa có một con vẹt, và con vẹt này sống ở trên một ngọn cây, trong khi những cây sung này bị mưa gió bão bùng, và làm cho cây sung bị trốc gốc, bị tàn phá hư hại rất nặng, nhưng con vẹt không vì đó mà bỏ cây sung ra đi, và con vẹt vẫn ở đó sống với cây sung như từ bao giờ. Tấm lòng thủy chung với cây sung đó, bởi vì con vẹt thấy rằng trong lúc cây sung xinh đẹp vẫn cho nó có bóng mát, cho nó thức ăn, cho một nơi tạm trú, bây giờ cây sung không còn như ngày xưa nữa, nhưng những giá trị cố hữu, những giá trị gì mà cây sung đã ban cho con vẹt này vẫn không thay đổi, cái đẹp ở bên ngoài, những cái tơi tả của nhánh lá sau một cơn giông không có nghĩa vì vậy mà khiến cho con vẹt rời bỏ cây sung đó ra đi.
Chúng ta nghe câu chuyện này, nghe bằng cảm giác nào cũng được, nghe bằng cách suy nghĩ nào cũng được, tuy nhiên ở đây có một gợi ý một điều chúng ta phải suy nghĩ rằng, một khi một con người đã nhìn thấy được giá trị nội tại rồi, thì ở đâu cũng giống nhau hết, "Trong trời đất nơi nào không quán trọ, tâm tư vô danh lai khứ cũng vô danh," thì thấy trong lòng con người mà đã tìm được giá trị cho chính mình, thì dù ở trong rừng sâu hay thị thành, ở nơi thâm sơn cùng cốc hay ở chốn phồn hoa đô hội, thì sự việc này nó cũng chỉ là ngoại cảnh chứ không nhất thiết ảnh hưởng khi mà một người đã tìm thấy được giá trị, và giá trị này Đức Phật Ngài nói rất rõ, giá trị mà vị Tỳ kheo này đã ưa thích trong sự tinh cần và thấy được sợ hãi trong cuộc sống phóng dật.
Đôi khi chúng ta bắt gặp một vài hình ảnh một vị Tỳ kheo, như Tôn Giả Ananda dẫn 500 vị Tỳ kheo trẻ đệ tử của Ngài đi du hành, và trong chuyến du hành đó, đi đến những nơi mà những vị Tỳ kheo này hoan hỷ gặp được Tôn Giả Đại Ca Diếp, Ngài Ca Diếp nhân đó Ngài quở Tôn Giả Ananda và Ngài quở các vị Tỳ kheo, khi những vị này đã chỉ nhìn thấy những hạnh phúc ở bên ngoài, nhưng không tìm thấy được cái giá trị chân thật của nội tại. Nhiều lúc chúng ta nhìn Ngài Ca Diếp có vẻ khắc khổ, có vẻ nghiêm khắc, mặc dầu Tôn Giả Ananda là một vị đệ tử gọi là đệ nhất đa văn, đa văn là vị thủ kho của chánh pháp, nhưng trong cách dạy đệ tử thì Tôn Giả Ananda có một cái nhìn rộng rãi hơn, có một cái nhìn không có khắc khe như Ngài Ca Diếp.
Nhưng rồi nhìn qua nhìn lại chúng ta thấy rằng Tôn Giả Ca Diếp cũng có một cái nhận định về sự giáo dục của vị Tỳ kheo rằng: "một vị Tỳ kheo thật sự trưởng thành trong giáo pháp, là vị này có thể đạt tới cái tâm bất thối". Tâm bất thối có nghĩa là tâm không suy suyển, không giao động vì những thay đổi từ ở bên ngoài.
Ngày xưa Khổng Tử có nói một điều là một người làm nông giỏi, không vì mất mùa mà vị này bỏ các công việc đồng áng sinh kế của mình, một người đi buôn thạo nghề cũng không vì một vài lần lỗi lã mà bỏ nghề, và một người quân tử hiểu đạo thì cho dù có sự thăng trầm trong đời sống cũng không bỏ đạo. Cái thủy chung đối với đạo nó là một cái gì rất khó, nhưng nếu chúng ta đã giữ được nó, thì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó có phần thưởng rất lớn.
Chúng tôi nhớ rằng những tháng ngày đầu khi sang trại tỵ nạn, chúng tôi có gặp một số người họ tuyên truyền như vầy, nếu mình sống ở trại tỵ nạn, mình bỏ Đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa giáo, thì những người bảo trợ ở bên Mỹ, bên Âu Châu họ sẽ bảo trợ mình nhanh chóng hơn. Điều này hoàn toàn sai, và có một số người sang đây, họ được nhà thờ bảo trợ, và những Mục Sư và những hội viên trong nhà thờ cũng muốn họ đổi đạo, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều người, họ nhất định khư khư không bỏ đạo, và những khi nghe những câu chuyện như vậy, chúng tôi rất thích thú để nghe những kinh nghiệm họ giữ đạo như thế nào, họ đã tìm như thế nào để một mực thủy chung với một niềm tin. Chúng tôi không nói rằng những vị đó là những vị Tu Đà Hườn, không nói rằng những vị đó thành tựu được niềm tin bất thối, những vị đó có thể là những người rất bình thường, nhưng khi các vị đó đã cảm nhận được ở Phật, ở Pháp, ở Tăng một cái gì đó mà các vị không bỏ được, thì những vị này quả thật giống như trường hợp mà Đức Phật Ngài đã dạy ở trong kinh điển: " Một vị Tỳ kheo đã tìm thấy được giá trị chân thật ở trong lòng mình, không vì hoàn cảnh ở bên ngoài, mà làm cho mình thay đổi đi cuộc sống".
Thật ra thái độ của Tỳ kheo Tissa, không phải là một thái độ cố chấp. Thái độ Tỳ kheo Tissa, chỉ nói lên một điều rằng đối với một người đã vượt qua những lôi cuốn từ những giá trị phù du ở bên ngoài, thì đến hay đi chỗ này hay chỗ khác nó không phải là vấn đề khiến cho tâm hồn vị này giao động, và chỉ có Đức Phật vị Đạo Sư Từ Phụ của chúng ta Ngài với Phật nhãn, Ngài thấy biết được trình độ của vị Tỳ kheo này, Ngài mới dạy cho các vị Tỳ kheo hiểu rằng có những sự thật mà không thể đánh giá hời hợt ở bên ngoài.
Chúng tôi không biết rằng nghe câu chuyện về con vẹt sống ở dưới cây sung, sau một cơn bão cây sung đã bị tơi tả trước những ngọn cuồng phong, đã bị nằm bẹp xuống trốc gốc, nhưng vẫn cho con vẹt một nơi dung thân, con vẹt không bỏ nơi đó đi, không hiểu quí vị nghe câu chuyện đó, quí vị có thấy một chút gì rung động trong lòng không. Nhưng phải nói rằng khi chúng tôi đọc câu chuyện đó, chúng tôi cũng cảm nhận ở đó có một cái gì rất đẹp.
Thật ra ở trong thế giới loài vật, thỉnh thoảng có những con vật rất lạ, ví dụ như con voi từ nhỏ lớn lên suốt cả hơn 50 năm tuổi thọ, con voi nếu không có tai nạn nào khác thì nó luôn luôn sống ở trong bầy, trong bầy đó có cha, có mẹ, cũng có thể là thế hệ trước nữa có 5, 7 con, quần tụ một bầy như vậy, không bao giờ đi hoang bên ngoài. Và chúng tôi biết rằng có một loại hạc, khi chúng tôi về thăm Hắc Long Giang ở bên Trung Quốc, người ta nói những loại hạc này rất đặc biệt, tuổi thọ cũng trên dưới 50 năm, và khi những con hạc này lớn lên, con trống và con mái nó đã sống chung với nhau rồi suốt cuộc đời như vậy, cho dù con trống có chết đi thì con mái dần dà sẽ chết theo hay nó sẽ sống cô lẻ một mình chứ không có bước sang thuyền khác.
Ở trong cảnh giới của loài vật thỉnh thoảng những nhà nghiên cứu về sinh vật học, cho chúng ta biết những cái bí mật, những bí mật này lại khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện ở trong Túc Sanh truyện, và chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng những câu chuyện nói về những con vật nó trung thành với một nơi ở, hay có những con chó bị thất lạc nhiều tháng vẫn cố gắng để tìm về ngôi nhà của mình, là những chuyện hoàn toàn thật sự xảy ra trong kiếp sống chúng ta được biết ngày hôm nay.
Tuy vậy cái đẹp của câu chuyện là con vẹt đó có thể bay đi tìm đến một khung trời hoa mộng, có thể tìm đến những cây sung tàng cao bóng mát, cảnh trí đẹp đẽ hơn là cây sung đã bị trốc gốc, nhưng bởi vì con vẹt đó đã ý thức rằng đây là cây sung mà mình đã sống, và cái gì cây sung cho mình vẫn là giá trị trước sau như một, đây cũng là nơi nương thân, và thật sự nó không nở bỏ cây sung mà đi. Chúng ta thấy hình ảnh đó đẹp quá, nó đẹp như là một bài thơ, nó đẹp như một câu chuyện ngụ ngôn, và chúng tôi tin rằng nếu chúng ta có thể đem những câu chuyện đó trở thành một đề tài, trở thành một công án để chiêm nghiệm trong đời sống của chúng ta, thì mình hiểu rằng ngày hôm nay cuộc sống quả là thay đổi rất nhiều.
Quí vị thấy rằng trong một trăm năm trước đây, từ thời Đức Phật cho đến một trăm năm trước đây, thật ra sự thay đổi của thế giới, thay đổi của văn hoá, sự thay đổi của xã hội, sự thay đổi của sinh hoạt Phật Giáo không nhiều bằng một trăm năm qua, một trăm năm qua thôi, thế kỷ 20 là thế kỷ con người từ bước chân rất chậm rãi ở dưới trái đất này đã có thể chế ra những chiếc máy bay, mà bay gấp ba gấp bốn lần vận tốc của ánh sáng, đời sống hoàn toàn thay đổi.
Ngày hôm nay chúng ta ngồi đây có thể nói chuyện với mọi người ở khắp năm châu bốn biển, một điều mà chúng ta không thể tưởng tượng được cách đây 30 năm, chỉ cần nói chuyện với một người từ lục tỉnh lên Sài Gòn thì nó đã là một cú điện thoại tốn tiền nhiều rồi, đừng nói chi là chuyện chúng ta có thể ngồi nói chuyện với nhiều người ở khắp nơi như vậy.
Do vậy cuộc sống thay đổi không ngừng, trong cái thay đổi không ngừng đó, chúng ta làm cái gì đó mà chúng ta có thể giữ lại được cái gốc của mình, giữ được bản chất của mình, khiến chúng ta không bị thai hóa, khiến chúng ta không bị biến dạng đi, khiến chúng ta không bị mất cội nguồn của mình. Thì điều đó ở đây Đức Phật Ngài dậy rằng: Vị Tỳ kheo ưa chuộng sự không phóng dật, thấy được cái nguy hiểm, thấy được cái nguy hại trong sự phóng dật và vị này thành tựu được tâm bất thối và nhất định vị đó sẽ gần Niết Bàn. Dĩ nhiên là đạo tâm của chúng ta có đôi lúc cũng không thể so sánh với trạng thái tâm bất thối của một vị Tu Đà Hườn, một người đã thật sự bước vào trong giòng thánh vức, giòng suốt dẫn đến giác ngộ.
Nhưng mà thưa quí vị, chúng ta cũng tìm thấy được nhiều sự kiên tâm, và chính vì vậy ở đây chúng ta lại được nghe hai hình ảnh, hình ảnh của một vị Tỳ Kheo lớn lên từ ngôi làng nhỏ bé của mình và ở đó đã tìm thấy được cái đẹp của chánh pháp, đã chứng đạt được giá trị chân thật của chánh pháp, và vị này không thấy cần thiết phải đến Xá Vệ, phải đến nơi này, phải sang nơi khác. Và cũng một câu chuyện khác, gần với đời sống phàm tục của chúng ta hơn và có thể là ở trong một cảnh giới hòan toàn khác, cảnh giới đó là cảnh giới của một con vẹt sống ở trong cây sung, không vì cây sung trốc gốc, không vì cây sung ngày hôm nay đã tả tơi truớc những cuộc cuồng phong, giông bão mà bỏ cây sung này để tìm đến một cây sung khác đẹp hơn, cao lớn hơn, mà vẫn ở lại cây sung.
Một hình ảnh nửa xưa, nửa nay, một hình ảnh thế giới loài người, một là thế giới loài vật, một hình ảnh của một vị thánh, và một hình ảnh phàm, nhưng tất cả những hình ảnh đó gom chung lại đều là những bài học không phải có giá trị về luân lý mà có giá trị lớn về tâm linh của chúng ta. Những người cầu đạo giải thoái, chúng tôi luôn luôn tin rằng, chúng ta sẽ phải tìm thấy một giá trị chân thật, mà qua đó chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Download
KN 32
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|