Ở đây trước hết là chúng ta thấy rõ hai hiện trạng của hai hạng người: người trí và người ngu.
Danh từ Pamaadamanuyu~njanti là người đần độn ngu si không trí tuệ, người thiếu sự hiểu biết về những điều hạnh phúc và những điều đưa đến sự đau khổ. Người mà không có sự hiểu biết, không ý thức được những việc họ đang làm tốt hay xấu, có lợi hay bất lợi, những con người như vậy gọi là người ngu si thiểu trí, mà đã là người ngu si thiểu trí không có sự ý thức thì đối với người đó cuộc sống của họ tất nhiên là cuộc sống buông lung phóng túng. Như những người ở trong thành Saavatthi là những người không phải đệ tử của Đức Phật, không phải là bậc có trí, không phải là bậc Thánh cư sĩ cho nên đối với họ một năm có bảy ngày lễ hội tết sẽ là cơ hội để họ vui chơi để họ phóng túng, nhưng mà họ đâu biết rằng hành vi của họ chỉ đem lại cho họ sự khổ đau phiền toái về sau này thôi.
Còn hình ảnh thứ hai là hình ảnh của bậc trí, người trí vì rằng thấy được lợi ích của sự không phóng dật, bởi vậy cho nên người trí luôn luôn sống chuyên cần nỗ lực biết tự kiểm soát mình sống đời sống không phóng dật và hoan hỷ gìn giữ đời sống không thác loạn như vậy, cũng giống như một người được tài sản của tổ phụ để lại, người đó cố gắng gìn giữ tài sản không để cho sức mẻ, không để cho hư hao như thế nào thì người trí cũng giữ đức tánh không phóng dật như thế đó, đây là ý nghĩa của câu kệ số 26
Câu kệ số 27 Đức Phật Ngài dạy rằng:
"Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc,
Không phóng dật, thiền định,
Đạt được an lạc lớn"
Đây là bài kệ tiếp theo bài kệ số 26 Đức Thế Tôn vừa khi bắt đầu thuyết pháp cho thính chúng nghe trong lúc đó Ngài đã mô tả về hai lối sống của người trí và người ngu xong rồi Đức Thế Tôn đã khuyến khích sách tấn cho các đệ tử của Ngài những người có trí, Ngài khuyên đệ tử
"Chớ có sống đời phóng dật.
Chớ có mê say dục lạc.
không phóng dật, thiền định.
Đạt được an lạc lớn."
Trong bài kệ này có ý nghĩa như thế nào? Vì rằng đối với pháp không phóng dật và sự sống chuyên cần nỗ lực đem đến lợi ích lớn, còn đời sống phóng dật đưa đến sự tai hại do vậy Đức Phật khuyên chớ sống đời phóng dật, cũng như trong ngày giờ cuối cùng khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch Niết-Bàn Đức Thế Tôn đã nhắn nhủ một câu "Appamaada~nca sampadetha ...... hãy chuyên cần chớ có dễ duôi" và lời di huấn tối hậu của Đức Phật Ngài cũng nhắc nhở căn dặn các vị Tỳ Kheo phải sống đời sống nỗ lực chuyên cần luôn luôn có sự tỉnh thức cảnh giác và kiểm soát chính mình chớ đừng có phóng dật
"Hỡi này các vị Tỳ Kheo, nhớ lời tối hậu lo ưu phận mình, hữu vi là pháp có sanh, vô thường biến đổi hữu hình hoại tiêu, Như Lai căn dặn một điều, ráng lo tu học chớ nhiều dễ duôi."
Chữ dễ duôi appamaada, Appamaada~nca ở đây tức là pháp không phóng dật, sự sống không phóng dật.
Câu thứ hai trong bài kệ 27 là "Chớ mê say dục lạc - maa kaamaratisanthava.m " chữ "kaamar" là "dục" chữ "rati" là "lạc" là sự hoan hỷ vui thích.
Theo trong chú giải Pháp Cú ở đoạn này thì giải thích rằng Kaamar hay dục có hai: Một là vastukaamar là vật dục, hai là Klesakaarmar tức là phiền não dục.
Vật dục là nói trên phương diện đối tượng khách quan của năm giác quan đó là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, sắc thinh hương vị xúc là năm món dục lạc hay là năm pháp dục trưởng dưỡng dục vật hệ gọi tóm tắt là ngũ trần, vì năm món này là cảnh khả ái, khả ý, khả hỷ, khả lạc cho chúng sanh
Thứ hai gọi là phiền não dục tức là chỉ cho trạng thái tâm tham. Sự tham đắm mê luyến đối với cảnh trần như vậy gọi là phiền não dục.
"Chớ mê say dục lạc."
Với ý nghĩa nào mà Đức Thế Tôn đã nhắn nhủ với đệ tử câu này? Đức Thế Tôn thường dùng nhiều phương tiện để Ngài thuyết giảng về mối hiểm hoạ của dục lạc ngũ trần, Ngài đã thường nhắc nhở
"Này chư Tỳ Kheo các dục là vui ít khổ nhiều, nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn và các dục được ví như là miếng thịt, như là khúc xương khô, như là đầu rắn độc, như là hố than hừng như là trái cây độc như là lò sát sinh, như là đao với thớt, như là thương kích v.v..."
Đức Phật Ngài đã dùng nhiều phương tiện để thí dụ về sự tai hại của dục lạc ngũ trần, trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài cũng có nhấn mạnh đến vị ngọt của dục lạc, sự nguy hiểm của dục lạc và sự xuất ly của dục lạc. Đối với các dục cũng có vị ngọt nhưng vị ngọt của nó vui ít khổ nhiều, vị ngọt của nó làm tâm của chúng sanh say mê đắm nhiễm quyến luyến. Sự nguy hiểm của dục lạc là khi người ta muốn tầm cầu dục lạc, chính vì do nguyên nhân sắc đẹ,p tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc mà giữa con người và có người có sự tranh đoạt, có sự dành giựt đấu tranh lẫn nhau, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh tranh đoạt với em, em tranh đoạt với em, bạn bè tranh đoạt lẫn nhau v.v... tất cả mọi người sẽ tranh đoạt lẫn nhau chỉ vì miếng mồi dục lạc. Hơn nữa vị cho dù là một người có luân lý đạo đức nhưng người ấy khi muốn tầm cầu tìm kiếm dục lạc để thụ hưởng thì người đó bị khổ thân và khổ tâm, họ phải chịu đựng nắng mưa giãi dầu, họ phải thức khuya dạy sớm và họ phải làm lụng vất vả để rồi sau đó hưởng chút ít dục lạc, thì như vậy họ phải trả giá rất đắc, đây là sự nguy hiểm dục lạc. Lại nữa chính vì do nguyên nhân dục lạc mà chúng sanh mới hành động những ác bất thiện pháp, như thân ác nghiệp, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, khẩu nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói vô ích v.v.. vì do ác bất thiện nghiệp đó mà sau khi mệnh chung họ bị đoạ sanh vào cảnh giới khổ đau, thì trong trường hợp này được gọi là sự nguy hiểm của dục lạc
Và như vậy thì chúng ta đã biết được tại sao Đức Thế Tôn khuyên đệ tử là chớ mê say dục lạc, bởi vì dục lạc vui ít khổ nhiều. Đối với người trí, nhất là một vị đệ tử có trí của Đức Phật hiểu biết được như vậy chúng ta kềm chế lại sự ham muốn của mình, kềm chế lại dục vọng của mình ,chúng ta sống phải ly tham và vô nhiễm đối với các dục, bởi vì khát dục giống như đầu rắn độc hễ chúng ta dẫm đạp lên rất ư là nguy hiểm, như là khúc xương mà con chó cứ gặm mệt mỏi khô miệng nhưng thực chất chẳng nếm được sự ngon từ khúc xương là bao nhiêu bởi vì khúc xương đã hết thịt rồi, đã khô rồi thì bây giờ con chó chỉ thèm khát và gặm cho đỡ ghiền vậy thôi. Cũng giống như chúng sanh thụ hưởng dục lạc, dục lạc chỉ làm cho họ đau khổ thôi, có những người họ phải đầu tắt mặt tối, phải quần quật suốt cả năm trời sống chịu mưa chịu gió cực khổ làm lụng để rồi nếu có dục lạc họ chỉ hưởng dục lạc trong khoảng thời gian ngắn ngủi năm ba ngày tết, hoặc là một vài lễ hội, hoặc là họ chỉ ăn ngon hai bữa ăn hoặc ba bữa ăn của ngày, còn ngược lại trong suốt quãng đời của họ suốt ngày suốt tháng suốt năm khoảng thời gian dài họ phải chịu khổ đau, họ đã đánh đổi quá đắc khi họ đi tầm cầu dục lạc, chính vì hiểu được sự hiểm nguy này mà một vị đệ tử Phật phải làm sao ngăn ngừa được lòng tham muốn của mình và không mê đắm dục lạc.
Câu thứ ba trong bài kệ số 27 :
Appamatto hi jhaayanto pappoti vipula.m sukha.m.
Người sống không phóng dật thiền định sẽ đạt được hạnh phúc lớn lao
Không phóng dật thiền định đạt được an lạc lớn nghĩa là đối với một vị đệ tử Phật, chúng ta chớ có sống đời phóng dật, chớ mê say dục lạc, chúng ta hãy nhiệt tâm tinh cần thiền định để đạt được an lạc lớn. Sự không phóng dật tức là luôn luôn có sự kiểm soát biết mình, luôn luôn có chánh niệm ý thức được chính mình và không sống phóng túng buông lung cẩu thả về hành vi, lời nói hoặc tư tưởng thì như vậy được gọi là sống không dễ duôi.
Còn thiền định là như thế nào? Chữ thiền là tiếng phiên âm của chữ Jhana từ căn của động từ Jhanati, chữ Jhaayanti hay ở trong bài kệ này chúng ta thấy chữ jhaayanto là một hình thức hiện tại phân từ của động từ Jhaayanti. Chữ thiền hay Jhaayanti hay jhaayanto là chỉ cho một trạng thái tu tập chế ngự đè nén thiêu đốt năm pháp triền cái, tức là thiêu đốt năm phiền não bợn nhơ những chướng ngại tinh thần để đạt đến hai trạng thái là trạng thái an trụ tâm một cách vững chắc kiên cố không bấn loạn và đạt được một trạng thái sáng suốt minh mẫn thấu triệt được chân tướng của vạn pháp hữu vi đó là thiền.
Thiền được định nghĩa như vậy vì có hai loại thiền: là thiền chỉ hay là thiền vắng lặng - samatha-bhàvana. Thiền quán hay gọi là thiền Minh Sát vipassanà-bhàvana.
Cho dù chúng ta thực hành loại thiền nào đi nữa cũng là tốt đẹp, bởi vì nếu chúng ta thực hành thiền vắng lặng - thiền chỉ tịnh, chúng ta cột tâm trong đề mục, không phóng dật, không tán tâm, không bị động tâm đối với trần cảnh, thì đó cũng là một điều tốt, hơn nữa thiền vắng lặng hay thiền chỉ tịnh vẫn đè nén được năm pháp triền cái tức là năm phiền não chướng ngại tinh thần là tham dục cái, sân hận cái, trạo hối cái, hôn trầm cái, và hoài nghi cái, vì vậy cho nên tu thiền chỉ cũng là một phương pháp để giúp cho chúng ta thanh lọc nội tâm và đây cũng là một lối sống không dễ duôi.
Loại thiền thứ hai gọi là thiền minh sát hay là thiền quán. Với một người có tuệ căn được sung mãn vững chắc thì khi bắt đầu vào con đường thiền quán họ sẽ phát triển trí tuệ minh sát làm cho sự hiểu biết giác ngộ càng kiên cố thêm. Họ hiểu biết cái gì? Họ hiểu biết như thật như chân đối với vạn pháp danh và sắc, cái này là vô thường, cái này là khổ đau, cái gì vô thường khổ đau không theo như ý muốn, một cá nhân mình sắp đặt như vậy gọi là lý vô ngã, vị hành giả ấy sẽ phát hiện được chân tướng của vạn pháp xuyên qua dấu ấn tam tướng như vậy. Một người sống trong thiền quán thì người đó gọi là người sống không dễ duôi và cho dù là thiền chỉ hay thiền quán thì chánh niệm (sati) đi hàng đầu. Vì chánh niệm là dẫn dắt tâm sống thực tại, không truy tìm quá khứ, không vọng tưởng tương lai. Nếu chánh niệm tu tập với định thì sẽ chứng đạt được thiền vắng lặng. Còn chánh niệm mà tu tập với tuệ thì sẽ chứng đạt được trạng thái thiền minh sát, tức là sẽ chứng đắc đạo quả giác ngộ Niết Bàn.
Và ở đây chúng ta cũng nên bàn thêm vấn đề thiền định để cho chư Phật tử có được cơ hội nắm bắt tâm ý tu tập, vì chúng tôi nghĩ rằng mỗi một bài kệ được thuyết giảng không có nghĩa là chúng ta chỉ làm công việc đọc lại tích truyện hay giải thích từ ngữ ở trong bài kệ đó, mà chúng tôi nghĩ rằng với một vị pháp sư cũng nên có trách nhiệm trình bày những bài học kinh nghiệm rút từ bài kệ Pháp Cú mà chúng ta đã được nghe.
Khi chúng ta muốn tu tập thiền thì ở đây có những điều thích hợp mà chúng ta phải chuẩn bị, chúng tôi cũng xin mở ngoặc để nói thêm điều này, điều này thì không liên quan gì đến bài kệ cả tuy nhiên vì muốn để giải thích rộng rãi về thiền sợ e rằng sau này không có cơ hội để giảng thì như vậy chúng ta cũng sẽ không thu thập được nhiều lợi ích trong bài kệ cho nên chúng tôi xin mạo muội và nhất là ở đây xin được phép của TT Thích Hoằng Pháp vì lãnh vực thiền định phải do một vị thiền sư có nhiều kinh nghiệm tu tập về thiền thực chứng về thiền vị đó sẽ giảng dạy cho chúng ta nghe, nhưng trong vai trò của vị thuyết giảng câu kinh Pháp Cú này nên chúng tôi xin mạn phép được trình bày đôi chút.
Pháp thích hợp cho việc tu thiền có kết quả thì trước hết là phải có chỗ ở thích hợp tức là chỗ để thiền định phải yên tịnh vắng lặng không bị bận rộn chi phối, không bị vọng niệm tạp niệm thì như vậy chỗ ở đó là chỗ ở thích hợp.
Thứ hai vật thực thích hợp, là vị hành giả tu tập thiền, chúng ta cần phải lưu ý thể tạng của mình để biết thể tạng của chúng ta dùng vật thực gì thích hợp, để tránh sự ngứa ngáy khó chịu hay tránh đi sự chi phối bởi do buồn ngủ lười biếng chẳng hạn, nhất là những thức ăn nhẹ nhàng dễ tiêu hoá không bị phong độc thì những thức ăn đó thích hợp với vị hành giả tu tập. Hơn nữa là đối vị hành giả cho dù được vật thực thích hợp với thể tạng nhưng trong việc ăn phải biết tiết độ, ăn vừa phải vừa chừng chứ không nên ăn quá no một cách tham đắm để rồi sau đó sẽ bị phát sanh hôn trầm thụy miên làm trở ngại trong việc tu tiến.
Thứ ba là thân cận bạn lành tức là nếu chúng ta tu thiền thì nên thân cận gần gủi với những người thích hợp để cho tâm thiền định của chúng ta được phát triển mạnh. Thân cận với người có đức tin, người có dồi dào sự nỗ lực chuyên cần tinh tấn, thân cận với người có nhiều trí tuệ như vậy thì khiến cho những pháp tu của mình được phát triển vì chúng ta sẽ ảnh hưởng đức tin của họ, ảnh hưởng sự tinh tấn nỗ lực của họ và chúng ta sẽ ảnh hưởng về trí tuệ sáng suốt của họ. Còn nếu người Phật tử tu thiền nhưng ở chung quanh chúng ta toàn là những người ác tà kiến, thiếu niềm tin, làm việc không có trí tuệ hoặc biếng nhác không chuyên cần, như vậy một thời gian sau sự tu tập của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều đến chiếu hướng suy sụp tinh thần. bởi vậy cho nên yếu tố để giúp cho chúng ta thành tựu được thiền định là như vậy.
Một yếu tố nữa gọi là pháp thích hợp, pháp ở đây là chỉ cho pháp môn để chúng ta thọ trì hay là đề mục thọ trì trong việc tu thiền. Chúng ta phải làm như thế nào, phải học như thế nào? Chúng ta phải lãnh hội từ nơi vị Thầy hướng dẫn hay vị Thiền Sư dạy cho chúng ta những đề tài nào thích hợp với cơ tánh của mình. Nếu mình là người tánh đa sầu đa cảm hay quyến luyến thì chúng ta phải chọn lấy đề mục nào để chúng ta thực hành cho thích hợp. Mình là người có tánh nóng nảy sân giận, hay giận hay phiền hay bất bình thì chúng ta phải chọn đề mục nào cho thích hợp. Mình là người có tánh dốt nát đần độn chậm hiểu thì phải thực hành thiền định theo đề mục nào v.v... chúng ta phải lựa chọn đề mục cho tương xứng với cá tánh của mình, như vậy thì việc tu tập mới thích hợp, chứ nếu không chúng ta tâm tánh là như vậy nhưng lại được dạy đề mục khác thì không lợi ích gì cả. Ngày xưa thời Đức Phật, Tôn Giả Xá Lợi Phất có tiếp độ một vị nam tử xuất gia, và sau khi xuất gia xong Đại Đức Xá Lợi Phất đã chỉ dạy đề tài thiền quán cho vị tân tỳ kheo ấy là niệm về thân thể trược, nhưng chúng ta đọc trong chú giải thì sẽ thấy rõ Đức Phật Ngài giải thích rằng vị tỳ kheo này trong đời quá khứ là một người thợ kim hoàn tức là người thợ làm đồ nữ trang bằng vàng, quanh năm suốt tháng chỉ nhìn thấy màu sắc đẹp khả ái khả hỉ của kim loại vàng, vì vậy tâm không chút nào hứng thú khi phải ngồi quán với đề mục thân uế trược này, quán mãi mà không được ấn chứng, Ngài Xá Lợi Phất mới đem vị tỳ kheo đến bạch Đức Phật thì Đức Phật Ngài là vị tối thượng y vương là vị thầy thuốc tối thượng là vị Đạo Sư tối thượng do vậy Ngài đã dùng một phương pháp, Ngài cho vị tỳ kheo đó mặc một bộ y mới đi khuất thực ở trong thành với Ngài và sau khi khuất thực trở về với những món ăn thượng vị loại cứng loại mềm, thọ thực xong Ngài bảo vị tỳ kheo đó hãy đi kinh hành và hãy ngồi nghỉ chân ở phía trước cổng chùa Jetavana và nhìn xuống hồ sen ở dưới có một bông sen rất đẹp, thì vị tỳ kheo đó vâng lời Đức Thế Tôn đi ra bờ hồ và ngồi ngắm cảnh một hoa sen đẹp vị ấy khởi nên tâm ái nhiễm và ưa thích với màu sắc khiến cho cảnh vật hữu tình như vậy. Đức Thế Tôn sau khi Ngài dạy vị tỳ kheo đó như vậy rồi thì Ngài trở về hương phòng dùng thần thông hóa hiện hoa sen thật đẹp ở trên bờ hồ và đồng thời Ngài theo dõi tư tưởng của vị tỳ kheo này và khi biết vị tỳ kheo này đang trú tâm với hương sắc của hoa sen thì Đức Thế Tôn dùng thần thông làm cho cánh sen đó lần lần úa tàn một cách nhanh chóng, rồi sau đó rụng những cánh sen chỉ còn phơi lại những gương sen, rồi từ cái gương sen màu xanh nó ngã vàng và cuối cùng nó khô như một vỏ bầu khô và gãy lià khỏi cọng sen rồi rơi xuống ao, thì khi đó vị tỳ kheo này đang chú tâm theo dõi và thấy được từng hiện trạng vô thường sanh diệt từ nơi hoa sen, vị tỳ kheo đó đã liễu ngộ được pháp thấy được lý vô thường từ nơi thân danh và sắc này và vị đó đã chứng quả A La Hán. Các vị tỳ kheo rất hoan hỷ và tán dương ân đức của Đức Phật là một vị Đạo Sư Tối Thượng có thể dẫn dắt và biết được tâm tánh của chúng sanh thích hợp mà cho những đề mục thích hợp.
Vấn đề tu tập thiền định mà chọn một đề tài thích hợp cho mình sẽ có lợi ích hơn, và rút ngắn con đường hơn rất nhiều so với việc học tuần tự các đề mục từ đề mục thứ nhất cho đến đề mục thứ 40 cho đến 44, rồi sau đó chúng ta thực hành hết cái này đến cái kia hoàn toàn không có tác dụng gì. Đó là bốn điều thuận lợi cho việc tu thiền định. Với một vị tu tập thiền định nếu như người đó tu tập thiền chỉ thì nên để tâm vắng lặng và ly các ác bất thiện pháp thì vị đó mới có thể tu thiền chỉ được. Còn tu thiền quán thì với một vị tu thiền quán vị phải sợ hãi và phải biết quán xét và sợ hãi với cảnh khổ sanh tử luân hồi hay là danh sắc khổ đau v.v... Khi đã sợ hãi thì vị đó nhàm chán và khi đã nhàm chán thì vị đó mới hướng đến sự viễn ly, và khi đã hướng đến sự viễn ly được rồi thì vị này mới có thể tu tập thiền quán một cách tốt đẹp, trình tự các trạng thái tâm của vị hành giả tu thiền phải là như vậy. Chứ nếu như một vị hành giả tu tập thiền định nhưng vị hành giả đó chỉ do theo một thói quen, hay do theo sự rủ mời của người khác vui mà đi hành thiền họăc là để hành thiền cho vui, nhưng thực chất người đó chưa nhàm chán thế gian, chưa nhàm chán sắc thân này, chưa sợ hãi cuộc sống sanh tử luân hồi thì như vậy khi họ bước chân vào tu tập thiền định thì chắc chắn họ không đạt được kết quả gì, trừ khi là đối với người đó họ có căn duyên trong quá khứ thì lúc bấy giờ họ cũng phải chuyển hướng.
Trở lại vấn đề trong bài Pháp Cú số 27 ngày hôm nay chúng ta đã được nghe. Đối với một người đệ tử mà sống không phóng dật và chuyên tâm thiền định thanh lọc nội tâm và luôn luôn từ bỏ những cấu uế ở nội tâm bằng sự cố gắng nỗ lực chuyên cần ngày và đêm sống và an trú trong thiện pháp như vậy thì người này sẽ đạt được lợi ích lớn lao.
Danh từ gọi là lợi ích lớn lao hay là hạnh phúc lớn lao ở đây vipula.m sukha.m.
"Vipula.m" có nghĩa là "Rộng lớn"
"Sukha.m" có nghĩa là "An lạc".
Theo trong chú giải thì giải thích câu này pappoti vipula.m sukha.m là chỉ cho sự đắc chứng Niết Bàn, lạc Niết Bàn - Nibbana sukha được giải thích cho từ ngữ vipula.m sukha.m ở đây, bởi vì Niết Bàn là một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối, không có sự tương đối ở đây, có nghĩa là không phải giống như vị ngọt của dục lạc ngũ trần có ngọt, có đắng, có chua, có cay, hễ muốn hưởng được dục lạc sự giàu sang ở đời thì phải đánh đổi bằng cách là phải chịu nhiều sự vất vả khổ nhọc để tạo dựng tài sản sự nghiệp v.v... nếu muốn được ăn ngon mặc đẹp thì phải đầu tắt mặt tối làm ra đồng tiền tài sản để mua sắm vật thực y phục để ăn để mặc thì như vậy chúng ta thấy rõ hạnh phúc của thế gian chỉ là tiền đề của sự đau khổ, thấy hạnh phúc bề mặt nhưng bề trái là sự khổ đau, còn đối với Niết Bàn thì không như vậy, tại vì Niết Bàn không có cảm thọ, khi chúng ta còn có cảm giác hạnh phúc an lạc thì sau đó chúng ta sẽ có cảm giác khổ đau, nhưng khi không còn cảm giác an lạc thuộc về hiệp thế thì như vậy sẽ không có sự khổ đau. Chúng ta tạm thí dụ như là một người bịnh ghẻ ngứa khi người ấy nổi cơn ngứa người đó dùng tay hay là dùng một cây que để gãi, trong lúc họ đang gãi chỗ ngứa thì lúc bấy giờ một cảm giác sung sướng sản khoái dễ chịu sanh khởi lên, người này có cảm giác rất thoải mái dễ chịu nhưng mà rồi sau cơn đã ngứa thì lúc bấy giờ do gãi nhiều cho nên chỗ ngứa bị trầy sướt, thì như vậy chúng ta thấy giống như hạnh phúc ở thế gian là tiền đề của sự đau khổ, bề mặt là hạnh phúc nhưng bề trái vẫn là sự đau khổ. Còn bây giờ đối với một người không bị ghẻ ngứa thì người đó chúng ta nhìn thoáng qua xem chừng họ không có hạnh phúc bởi vì họ không được trạng thái đã ngứa như người bị bịnh ngứa, vì rằng họ không có trạng thái đã ngứa cho nên sau đó họ không có trạng thái rát da khó chịu vì bịnh ngứa, thì chúng ta thí dụ giống như hạnh phúc ở Niết Bàn vậy. Và điều này chắc chắn là sau khi được nghe và được trình bày ở đây qúi vị sẽ có sự thắc mắc nghi ngờ về danh từ Niết Bàn trong Phật giáo, nhưng vấn đề này chúng ta sẽ bàn bạc lại. Chúng tôi xin được phép kết thúc bài giảng với hai câu kệ ngôn Pháp Cú 26 và 27 mong rằng sẽ đem lại cho qúi vị đại chúng trong rơom chúng ta sự hiểu biết và sự hoan hỷ khi nghe pháp.
Namo Buđdhaya
Download
KN 26 & 27
Kinh Pháp Cú
Lưu Trữ
|