Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 268 & 269

Có Những Im Lặng Không Phải Là Vàng



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Im lặng nhưng thiếu trí
Không Phải Bậc thánh hiền
Như người cầm cán cân
Trí gỉa chọn điều thiện
Từ bỏ các ác hạnh
Chính là bậc mâu ni
Ai biết hai thế giới
Mới đúng là ẩn sĩ


.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Na monena muni hoti muu.lharuupo aviddasu
Yo ca tula.m-va paggayha varamaadaaya pa.n.dito.
Paapaani parivajjeti sa munii tena so muni
Yo munaati ubho loke muni tena pavuccati

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu giảng : Kính bạch Chư Tôn Ðức, thưa quí Phật tử, hôm nay chúng ta sẽ thảo luận hai câu kệ ngôn 268 và 269, trong bài kệ này cũng có một nội dung và ý kiến cũng giống như hai câu ngày hôm qua chúng ta đã được nghe TT Bửu Chánh thuyết giảng, chỉ có khác về danh từ, nhưng về cách thức trình bày và ý chính thì cũng giống như vậy, bài kệ 267 Ðức Phật đã minh định ý nghĩa Tỷ Kheo, hôm nay hai bài kệ này minh định ý nghĩa bậc Mâu Ni hay là bậc hiền thánh.

Thực ra danh từ Mâu Ni chúng ta dịch có rất nhiều nghĩa, chúng ta khó xác định được một ý nghĩa nào xác với danh từ Mâu Ni để chúng ta sử dụng riêng biệt, cho nên chúng ta phải phiên âm là chữ Mâu Ni mà thôi, bởi vì tiếng muni trong tiếng phạn nói một cách rộng rãi thì có đến ba ý nghĩa.

- Ý nghĩa thứ nhất chữ muni là bậc trí tuệ , Sakya-Muni là Thích Ca Mâu Ni, là danh hiệu của Ðức Phật, bậc Ðạo Sư của chúng ta, chữ Sakya-Muni tức là bậc hiền trí của dòng Thích Ca.

- Ý nghĩa thứ hai của chữ muni ở đây được dịch là bậc hiền thánh, tức là bậc đã thanh tịnh được thân khẩu ý đã tự chế, tự điều sở hành của mình, như vậy được gọi là muni.

- Ý nghĩa thứ ba của chữ muni được dịch là bậc Tu Sĩ, tức là một vị khổ lụy theo một pháp môn tu tập để trở thành một con người hoàn thiện, như vậy gọi là bậc muni.

Ở đây trong cả ba ý nghĩa này, chúng ta hãy chọn lấy một ý nghĩa để chúng ta đưa vào đề tài thuyết giảng trong ngày hôm nay.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch hai bài kệ này trong bài kinh Pháp Cú, Hòa Thượng Ngài dịch chữ muni là ẩn sĩ, nhưng thực ra chữ Pali, chữ ẩn sĩ có biệt danh khác, ẩn sĩ tức là ẩn tu ở trong nơi tĩnh lặng. Còn chữ muni ở trong trường hợp này bao hàm nghĩa là bậc tu tập thuần hóa thân khẩu ý, là bậc có trí tuệ, như vậy thì được gọi là bậc tu sĩ nói chung. Thật sự chúng ta rất khó định nghĩa được một ý nghĩa nhất định cho danh từ này để chúng ta sử dụng ở đây, nhưng trong ba ý nghĩa chúng ta có thể dựa vào duyên sự của hai bài kệ, tức là tích chuyện nguyên nhân mà Ðức Thế Tôn đã vì đó thuyết lên hai bài kệ này, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của danh từ muni.

Ở đây khi các vị Tỳ kheo được Ðức Phật cho phép mỗi khi thọ thực tại nhà những người cư sĩ họ mời đến để cúng dường, các vị Tỳ kheo được phép phúc chúc phước báu, hoặc thuyết pháp cho họ, để cho thí chủ càng hoan hỷ với sự cúng dường của mình. Và khi các vị Tỳ kheo sau này mỗi lần đi thọ thực do thí chủ cúng dường trai Tăng thì các vị Tỳ kheo dành thời gian để phúc chúc phước báu hoặc để thuyết pháp cho người cư sĩ hoan hỷ. Trong khi đó các ngoại đạo sư đi đến thọ thực nơi nhà của cư sĩ, khi được mời thì họ chỉ im lặng và có khi họ chỉ trích :


- Các vị Tỳ kheo là những vị được nói rằng được tu tập mà các vị Tỳ kheo lại nói nhiều quá, hay là tụng kinh phúc chúc phước báu cho cư sĩ, làm như vậy không thích đáng, hãy làm như chúng ta giữ im lặng, như vậy mới được gọi là thích đáng, mới được gọi là bậc chân tu.

Khi câu chuyện này được đến tai Ðức Phật, Ðức Thế Tôn đã khẳng định một ý nghĩa được gọi là bậc chân tu (muni) ở đây không phải là một người giữ im lặng. Trong vấn đề thứ nhất này chúng ta cần phải hiểu rằng có những người giữ im lặng vì do hội chúng dốt nát không biết nói gì cho nên họ mới im lặng. Im lặng như ngu si đâu được gọi tu sĩ. Còn hạng người giữ im lặng do vị đó nhận thức được rằng lúc nào nên nói và lúc nào không nên nói, lúc nào hợp thời để nói và lúc nào phi thời không nên nói, có trí tuệ nhận xét được như vậy, phân biệt được như vậy, cho nên hạng người đó đôi lúc họ cũng giữ im lặng. Nhưng sự giữ im lặng của những vị đó không phải giữ im lặng vì ngu si, do vậy đối với vị này được gọi là bậc chân tu.

Cũng như chúng ta biết có những hạng người nói nhiều, nhưng nói nhiều không nhằm ý nghĩa, không có phơi bày chân lý và không có nghĩa lý sâu sắc trong lời nói, như vậy cũng không đáng gọi bậc chân tu. Còn những vị nói nhiều nói đúng pháp, nói có lợi ích như vậy lời nói đó thật cao quí, và những vị này cũng rất xứng đáng được gọi là bậc chân tu. Chúng ta có thể kết luận dù im lặng hay nói nhiều nhưng là bậc có trí tuệ thì đáng được gọi là bậc muni, đáng được gọi là bậc ẩn sĩ, hay là bậc tu sĩ, hay là bậc hiền trí , bậc hiền thánh có trí tuệ.

Nếu như nói nhiều, hoặc dù im lặng nhưng trong trạng thái nói nhiều, trạng thái im lặng có sự ngu si dốt nát, vì rằng không hiểu biết thì đối với người đó, dầu im lặng hay nói cũng vẫn được xem như không phải bậc muni. Bậc muni ở đây chúng ta cần phải hiểu là chỉ cho bậc có trí tuệ, bậc tu hành tốt đẹp.

Ở đây trong bài kệ thứ hai, bài kệ 268, Phật đã khẳng định một điều mà chúng ta có thể dựa vào đó chúng ta dịch từ muni là vị tu sĩ, bậc trí tuệ hay là bậc hiền trí , bậc hiền thánh.

Ở đây Ðức Phật dạy rằng :

Như người cầm cán cân
Bậc Trí chọn điều thiện

Yo ca tula.m-va paggayha
Varamaadaaya pa.n.dito.

Ðức Phật Ngài dạy như người cầm cán cân là như thế nào, ở đây thưa quí vị những người buôn bán, khi họ cầm cán cân để cân hàng hóa như trái cây chẳng hạn, họ sẽ lựa chọn trái cây và để vào cái cân để họ cân, và họ có thể thêm hoặc bớt để làm cho cân ngang bằng, không giác và không non, không thiếu và không dư, như vậy được gọi là người cầm cán cân. Cũng vậy đối với bậc trí, Ngài sẽ lựa chọn giải pháp tối ưu khi mà xử sự . Ở đây chữ vara không hẳn là điều thiện, vara có nghĩa là sự cao quí, ở đây chúng tôi dịch là điều tối ưu, trong khi chúng ta tiếp xúc với người khác, lời nói nào đem lại sự an vui cho mình và đem lại sự an vui cho người khác, bậc trí sẽ chọn lời nói đó, như vậy sự chọn lời nói này được gọi là sự lựa chọn tối ưu, chứ không phải tất cả lời lẽ hiểu biết đều phải nói ra, không phải như vậy.

Bậc trí biết cân nhắc, biết lượng xét điều nào nên nói và điều nào không nên nói, gặp những điều nên nói thì nói, còn gặp những điều suy sét thấy không nên nói thì im lặng, như vậy thì sự im lặng hay không im lặng của bậc trí đã có sự chủ ý, đã có sự lựa chọn. Bởi thế cho nên một người biết cách im lặng hay biết cách nói thì bậc đó mới gọi là muni (mâu ni) là bậc hiền trí, bậc hiền thánh, bậc có trí tuệ. Còn những người khác cho dù họ có giữ im lặng đi nữa, nhưng trong sự giữ im lặng đó, do sự ngu dốt không biết nói gì, không biết phải làm gì, không biết phải trình bày gì cho hội chúng nghe thì họ giữ im lặng, sự im lặng của họ là sự im lặng dốt nát do đó họ không đáng được gọi bậc muni là bậc hiền thánh.

Ở đây chúng ta cũng nên hiểu trong câu kệ 268 như vậy.

Trong bài kệ 269 Đức Phật Ngài trình bày những đặc tánh đáng gọi là bậc ẩn sĩ, đáng gọi bậc mâu ni, là bậc hiền thánh hay là bậc trí tuệ tu tập. Đức Phật Ngài nêu nên hai pháp.

- Pháp thứ nhất được gọi bậc muni, là người thật sự từ bỏ các ác pháp (Paapaani parivajjeti) thực ra chữ parivajjeti này nếu dịch theo nghĩa từ thì chúng ta phải dịch là tránh né, từ khướt, nếu dịch là từ bỏ thì nó trùng lập với ý nghĩa của động từ pacahati, động từ pacahati có nghĩa từ bỏ, thì ở đây có những trường hợp mà cần phải né tránh, ý nghĩa này rộng lắm, khi chúng ta nói tránh điều ác, nó có hai nghĩa.

- Ý nghĩa thứ nhất ác pháp nào sanh khởi mình tìm cách dập tắt nó đi, đừng để sanh khởi, không chấp nhận nó, như vậy được gọi là né tránh điều ác.

- Ý nghĩa thứ hai, sự né tránh điều ác có nghĩa là tránh né những nguyên nhân, những sự kiện có thể khiến cho ác bất thiện pháp sanh khởi, chẳng hạn như khi chúng ta biết ở chỗ đó có thú dữ : như voi dữ, trâu dữ, hoặc cọp dữ, hoặc người hung ác, để tránh sự phiền phức đáng tiếc xảy ra cho mình, trong trường hợp đó nên né tránh, đừng có đụng chạm đến, đừng có đối mặt với những cái đó.

Bởi vậy trong bài kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc (Sabbasavasuttam) trong Trung Bộ Kinh chúng ta thấy rõ rằng:

- Trong các pháp lậu hoặc, có một số lậu hoặc cần phải đoạn trừ bằng sự né tránh, tức là có những sự kiện sắp xảy ra, mà chúng ta biết rõ điều đó sẽ làm cho phiền não lậu hoặc sanh khởi , hay chỉ cho điều ác sanh khởi thì trong trường hợp đó chúng ta phải tránh né.

Cũng giống như một người muốn có được sức khỏe, không có sự bệnh hoạn thì họ cần phải né tránh những thức ăn, thức uống không hợp với thể tạng chứ không phải đợi đến khi ngã bệnh rồi lúc bấy giờ mới lo chữa trị, có đôi lúc nó cũng đã muộn. Cũng như thế đối với một người tu tập , cần phải biết né tránh những gì có thể làm cho phiền não sanh khởi. Điều này không có nghĩa người Phật tử chúng ta tu tập là chúng ta chạy trốn tất cả những sự kiện xảy ra trong đời thường. Nhưng ở đây có nghĩa những cái gì chúng ta không thể giải được, nếu chúng ta đương đầu thì phát sanh phiền não, phiền toái, như vậy càng trở ngại cho việc tu tiến của chúng ta hơn nữa, cho nên chúng ta cần phải né tránh. Cũng giống như một người muốn giữ được sức khỏe của mình cho tốt, họ phải né tránh việc ăn không thích hợp, việc uống không thích hợp, nếu họ biết kiêng tránh như vậy họ sẽ không khổ đau do bệnh tật.

Trong trường hợp né tránh, chúng ta cũng phải biết một người né tránh những trách nhiệm thuộc về thiện pháp, đó là xấu. Còn nếu như một người biết né tránh truờng hợp nào có thể xảy ra ác bất thiện pháp thì trường hợp đó tốt, không phải là xấu.

Khi một người bị nghiện rượu sau một thời gian họ cai nghiện được, nhưng nếu như họ lân la thân thiện với bợm rượu, với bè bạn hay xúi họ uống rượu, họ thân cận như vậy chắc chắn họ không thể kiêng cử rượu, nhưng nếu họ biết né tránh có nghĩa là họ có sự chủ ý, chỉ chơi với những bạn nào không say sưa chè chén, và tránh mặt không tiếp xúc, không gặp gỡ thường xuyên với những người bạn hay rủ rê đi uống rượu, trong trường hợp đó là sự né tránh, chúng ta phải biết rằng đây là vấn đề hết sức tốt đẹp. Việc tu tập của chúng ta không phải đợi đến lúc phiền não phát sanh rồi chúng ta mới đoạn trừ, cũng như chúng ta không phải đợi đến lúc chúng ta ngã bệnh rồi chúng ta mới đi chữa trị.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta những phiền não nào chưa sanh khởi, và nó sẽ có cơ hội sanh khởi trong tương lai, chúng ta thấy rõ nguyên nhân sanh khởi đó, ngay từ buổi đầu ở góc độ này chúng ta cần phải né tránh. Còn như đối với thiện pháp, những phận sự, những trách nhiệm thì điều này chúng ta không cần phải né tránh, chúng ta vẫn đương đầu để làm, để thực hiện.

Có những người quan niệm rằng nếu không đối đầu với phiền não thì làm sao có thể giác ngộ được, họ cho rằng phiền não tức cảnh bồ đề, họ nói như thế họ không nghĩ đến chiều sâu và ý nghĩa thật của câu này : "Phiền não tức bồ đề" ở đây tức là những cảnh khổ đau nếu chúng ta biết khéo tác ý, khi chúng ta đối đầu với nó tự nhiên chính đó là cảnh đối tượng để giúp cho phát triển tâm thiện hay phát triển sự tu tập. Còn khi nói đến tất cả sự phiền não đều là cảnh của bồ đề, tức là cảnh của sự giác ngộ, rồi chúng ta đi tìm kiếm nó, thì chắc chắn đây là một điều không tốt đẹp, nó sẽ đưa đến sự tai hại cho chúng ta. Bởi vậy cho nên né tránh các ác pháp, người biết né tránh các ác pháp như vậy mới đáng gọi là bậc mâu ni, hay là bậc ẩn sĩ .

Điều thứ hai Đức Phật giới thiệu với chúng ta trong bài kệ 289 này, được gọi là bậc ẩn sĩ tức là ai hiểu được cả hai đời thì như vậy được gọi là bậc ẩn sĩ, chúng ta thấy chữ munati có nghĩa là một sự hiểu biết, một sự thông suốt bởi vậy cho nên ở trong bài kệ 268 chúng ta thấy có từ munena muni hoti và ở dưới này khi đề cập đến Yo munaati ubho loke thì trong trường hợp này chúng ta cần phải so sánh giữa hai từ đó,chử munaati tức là sự hiểu biết, sự thông suốt, và như thế nào được gọi là thông suốt hai đời, hiểu được hai đời. Nếu chúng ta nghĩ rằng biết đời này biết cả đời vị lai nữa, thì chỉ có các nhà tiên tri mới có thể biết hoặc các vị đã chứng đắc được thiên nhãn thông, hay là sanh tử thông thì mới biết được đời sau, còn như thường phàm phu của mình làm sao có thể biết được.

Nhưng trong ý nghĩa này chúng ta lại có vấn đề khác, thế nào gọi là biết cả hai đời, hiểu cả hai đời tức là hiểu sự lợi ích của đời hiện tại và hiểu được và lợi ích của đời tương lai . Sự lợi ích của đời hiện tại tức là người cư sĩ phải biết rõ trong đời sống hiện tại phải muốn được sự an lạc, muốn được sự lợi ích thì phải tháo vát trong nghề nghiệp, phải biết gìn giữ những gì đã có đời sống thăng bằng và phải làm thân thiện với những người bạn tốt. Một người mà hiểu được như vậy, thấy được như vậy, biết được như vậy, phải áp dụng như vậy trong đời sống này thì người đó biết rõ đời hiện tại, tức là biết rõ lợi ích hiện tại, còn như một người họ an trú vào đức tin vào giới hạnh, vào hạnh bố thí, hoặc trí tuệ thì như vậy người đó được gọi là làm lợi ích trong tương lai, chính Đức Phật Ngài đã dạy bốn điều lợi ích hiện tại và bốn điều lợi ích tương lai.

Ở đây thưa quí vị, khi chúng ta biết được lợi ích trong đời hiện tại và lợi ích trong đời tương lai thì chúng ta có thể thực hiện những thiện pháp thích hợp và chúng ta biết cách cư sử trong đời sống hàng ngày để cho thích hợp đem lại sự an vui lợi ích cho mình trong đời hiện tại, khi chúng ta có trí tuệ chúng ta thấy rõ muốn có được lợi ích tương lai thì phải tạo nhiều công đức phước báu, như có đức tin, có trì giới v.v...biết rõ như thế đó, được xem như chúng ta biết lợi ích trong tương lai.

Một mặt khác nữa tức là lợi ích trong tương lai cũng ám chỉ cho quả vị giải thoát, quả vị niết bàn, bởi vì ngay trong hiện tại nếu chúng ta chưa chứng đắc được tầng thánh nào hay chưa chứng đắc được thượng pháp , thì ở đây mục đích giải thoát cũng là cái đích mà chúng ta muốn đạt đến trong tương lai, khi chúng ta muốn có được sự lợi ích để đạt đến đích tương lai, tức là sự giải thoát thì chúng ta phải hành thiện pháp ngay trong hiện tại, tương ứng với hạnh nghiệp để đưa đến sự giải thoát, như vậy thì đối với một người mà biết lợi ích trong hiện tại và biết rõ lợi ích trong tương lai như thế mới được gọi là bậc ẩn sĩ, gọi là bậc mâu ni, tức là bậc tu sĩ hay là bậc trí giả, hoặc gọi là bậc hiền thánh.

Thật sự cả hai bài kệ này, khi chúng ta nói đến ý nghĩa Đức Phật Ngài đã minh định về danh từ gọi là mâu ni, điều này cũng không phải là khó đối với chúng ta, khi Đức Thế Tôn Ngài xuất hiện ở đời gần như Ngài đã minh định lại những ý nghĩa từ ngày xưa ở bối cảnh Ấn Độ, người ta thường xử dụng, ở đây Đức Phật Ngài chỉ minh định lại ý nghĩa thôi, Ngài vẫn xử dụng lại danh từ đó, chẳng hạn như danh từ Tỳ kheo (bhikkhu) mà ngày hôm qua chúng ta nghe TT Bửu Chánh thuyết, danh từ Tỳ kheo đó thật ra không phải chỉ có ở trong Phật Giáo của chúng ta, trong kinh điển mới nhắc đến mà danh từ đó, những người ở ngoài đời những vị đi khất thực, đi tìm vật thực, đi ăn xin cũng được gọi là bậc bhikkhu là bậc Tỳ Kheo.

Đức Phật Ngài minh định nghỉa đó, Đức Phật Ngài nói rộng hơn:


Ai vượt ngoài thiện ác,
Đời phạm hạnh chuyên tu
Quán triệt cuộc đời nầy,
Mới chính là Tỷ Khưu
(Kinh Pháp Cú 267 Bản dịch của TT Giác Đẳng)

Đức Phật Ngài đã minh định ý nghĩa, Ngài đã phát họa lên như vậy, còn ở đây trong bài kệ này Đức Phật Ngài cũng phát họa lên hình ảnh của một bậc trí tuệ, một bậc ẩn sĩ hay một bậc hiền thánh. Chúng ta dịch bậc hiền thánh hay bậc trí tuệ có lẽ là ổn hơn dịch là vị ẩn sĩ . Bởi vì trong trường hợp này chúng ta thấy một người tránh né hoàn toàn các ác pháp, chỉ có bậc A La Hán là hoàn toàn các ác pháp không có sự sanh khởi, do đó nên tâm của Ngài không bị va chạm, và ai thật sự hiểu được hai đời, tức đời hiện tại và đời tương lai thì cũng chỉ có bậc thánh, chỉ có bậc thánh mới hiểu biết pháp môn như vậy và mới có thể tu tập được như vậy. Trong cả hai bài kệ này Đức Phật Ngài cũng minh định cho chúng ta ý nghĩa muni và danh từ muni này không phải chỉ riêng cho bậc đã chứng quả thánh, cũng không phải chỉ riêng cho những vị tu sĩ xuất gia, mà danh từ muni xưa kia đã được sử dụng để chỉ cho những người nào thuộc về nhà hiền trí, nhà hiền triết, họ quan niệm chữ muni là bậc trí tuệ là như vậy, cho nên ở đây Đức Phật Ngài phải làm công việc gọi là minh định ý nghĩa.

Để nhắc nhở Chư Tỳ kheo, Đức Phật nói:

- Hễ mỗi lần người ta gọi các ngươi là Tỷ kheo thì các ngươi cần phải biết pháp nào cần thực hành để tác thành Tỷ kheo thật sự , khi mà người ta gọi các ngươi là bậc mâu ni thì các ngươi cần phải tu tập như thế nào, cần phải thực hành như thế nào để xứng danh là bậc mâu ni.

Chúng ta cần phải hiểu như thế.

Như vậy trong hai bài kệ ở trên đây đã dạy cho chúng ta rất nhiều điều, do đó cho nên chúng ta cần phải cố gắng tu tập. Ý chính của bài kệ này chỉ là sự im lặng không đủ để nói lên đời sống của bậc mauni, nếu im lặng mà ngu si dốt nát thì sự im lặng đó không có gía trị, còn đối với bậc biết hợp thời hợp lúc, biết lúc nào nên nói và lúc nào nên im lặng thì như vậy cũng đáng gọi là bậc mâu ni, và đối với những người thật sự đã đạt đến kết quả hay đạt đến mục đích tu tập, đã trở thành bậc hiền triết ở trong đời này, người từ bỏ ác pháp, hiểu biết được cả hai đời, Đức Phật đã định nghĩa , minh định danh từ như thế. Chúng tôi xin chấm dứt bài giảng nơi đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 268 & 269

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu