Giảng Sư: ĐĐ Pháp Đăng
Lấy hận để rửa thù
Trên đời không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là thiên thu định luật
(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)
Chánh Hạnh chuyển biên
ĐĐ Pháp Đăng: Kệ ngôn số 5 trong kinh Pháp cú nói về tích nữ dạ xoa và một thiếu nữ . Với duyên sự này Đức Phật nói lên trong đời sống này những người không biết pháp và luật của Đức Phật, không nghe được lời dạy của Bậc Đạo sư, những chúng sanh này sẽ lăn trôi trong bến bờ sanh tử và luôn cột oan trái trong cõi đời này. Những chúng sanh nào được nghe pháp các bậc thánh, suy tư pháp các bậc Thánh, tâm của những chúng sanh đó mới hoàn toàn yên lặng. Nhờ nguồn nước mát Pháp bảo tẩy trừ ô nhiễm trong tâm, nhất là tâm sân hận và oán thù.
Trong đời sống này có những sự việc khởi đầu không lớn lao nhưng lần hồi tích tụ trở nên phức tạp. Trong kinh Đức Phật có nói rằng, "Người nào có tâm sân hận, cũng như nước tiểu hoà với chất độc trở thành chất ghê gớm, sự sân hận tích luỹ từ đời này sang đời khác". Qua câu chuyện này giữa dạ xoa và một thiếu nữ ,qua nhiều đời nhiều kiếp liên tiếp oan trái với nhau . Đức Phật thuyết giảng cho dạ xoa , với duyên lành đắc được đạo quả. Nhờ nghe pháp bảo, nhờ thẩm sát suy tư thấy được hận thù là một ác pháp đã lôi kéo hai người vào cuộc hành trình dài. Câu chuyện giữa dạ xoa và một thiếu nữ. Hai vị này đều sanh tại thành Savatthi. Trong quá khứ hai người lấy chung một chồng. Người vợ cả không sanh được con , bị quyến thuộc bên chồng chỉ trích . Cô bèn cưới vợ bé cho chồng. Dù đã làm được theo ý mình, người đàn bà hiếm con vẫn không an tâm, cứ lo sợ đối thủ sinh con, sẽ là bà chủ trong nhà. Rồi bà đến nói với đối thủ của mình:
-Nè em! Hễ em có thai thì cho chị biết nhé!
Người vơ nhỏ tin tưởng người vợ lớn , và như lời hứa, ngay khi mang thai cô đến báo cho người vợ cả biết. Hằng ngày vợ cả thường tự tay nấu cháo cho đối thủ mình ăn. Thế là từ hôm đó bà bỏ vào cháo một ít thuốc phá thai. Kết quả đối thủ của bà bị sẩy thai. Lần thứ hai, người vợ sau cũng lại báo tin cho vợ cả khi mang thai. Vợ cả làm như lần trước và cô này lại sẩy thai nữa. Các bà hàng xóm thấy cô vợ sau ngây thơ, nên vừa thương tình vừa tò mò mới hỏi thăm:
- Có phải đối thủ của chị thọc gậy bánh xe chị không?
Và khi nghe kể lại sự vụ họ bảo:
- Ðồ ngốc, sao chị dại dột như vậy? Bả sợ chị chiếm ưu thế trong gia đình nên trộn thuốc phá thai cho chị ăn. Lần sau đừng có nói cho bả biết nữa nghe chưa!
Lần thứ ba người vợ sau không nói gì cả, nhưng bà hiếm con thấy bụng người vợ sau ngày càng to liền hỏi:
- Sao em có thai mà không nói cho chị biết?
Bà vợ sau thật thà nghĩ sao nói vậy:
- Chính chị mang tôi về đây, vậy mà hai lần rồi chị làm tôi hư thai. Tại sao tôi phải nói với chị kia chứ?
Bà không có con thất vọng: "Hỏng, thế là ta thua rồi!".Từ đó bà theo dõi, chờ cơ hội đối thủ thiếu cảnh giác lại ra tay, vì bà vẫn chưa chịu thua.
Khi đứa bé trong bụng mẹ đã thành hình, bà cả thừa một dịp nọ trộn thuốc cho bà vợ sau ăn, nhưng vì hình thể đã đầy đủ nên thai nhi không bị hư, mà lại kẹt ngang cổ tử cung. Ngay sau đó bà mẹ đau bụng dữ dội và cảm thấy giờ chết đến nơi. Bà la hoảng lên:
- Mày giết tao! Chính mày mang tao về và cũng chính mày giết ba đứa con của tao. Giờ tao sắp chết, kiếp sau tao sẽ thành quỷ dạ xoa ăn thịt con mày!
Nguyền rủa rồi bà tắt hơi và lại sanh vào nhà ấy thành một con mèo. Còn ông chồng lúc ấy tóm bà vợ không con, nạt nộ:
- Chính mày làm tan nát gia đình tao.
Rồi ông dùng cùi chỏ, đầu gối,v.v..đánh đập bà tàn nhẫn. Sau trận đòn, người vợ cả ốm nặng rồi chết, lại cũng sinh vào nhà ấy thành một con gà mái.
Như vậy bà vợ sau tái sinh là con mèo, vợ cả là con gà. Khi gà mái đẻ trứng, mèo đến ăn sạch hết. Ba lần như vậy gà mái cất tiếng:
- Ðã ba lần mày ăn trứng con tao, bây giờ mày còn chực ăn luôn cả tao. Kiếp sau tao sẽ ăn thịt mày và con mày.
Nguyền như vậy rồi nó chết và sinh làm con beo cái. Còn mèo sinh làm con nai cái. Ba lần nai cái sinh con, ba lần beo đến nuốt tươi. Khi sắp chết, nai cái lại nguyền rủa:
- Ba phen ác thú này nuốt sống con ta và giờ nó định nhai luôn cả ta nữa. Kiếp sau ta sẽ nhai nuốt nó và con nó! Rồi nai cái tái sinh là quỷ Dạ-xoa và beo chết đi đầu thai thành một cô gái dòng tôn quý ở Xá-vệ. Lớn lên, cô gái lập gia đình sống bên nhà chồng tại một khu xóm nhỏ gần cổng thành. Một thời gian sau cô có con. Quỷ Dạ-xoa biến thành một người bạn thân đến thăm cô gái và hỏi người nhà:
- Bạn tôi đâu?
- Ở phòng trong, cô ấy vừa sinh hạ một đứa bé.
Da-xoa hớn hở hỏi tiếp:
- Con trai hay con gái vậy? Tôi muốn thăm chị ấy.
Rồi tất tả bước vào trong, giả vờ nhìn ngắm đứa bé và nhanh tay chộp lấy nhai nuốt xong đi ra. Lần thứ hai, quỷ cũng nuốt tươi con của người vợ trẻ như vậy. Ðến lần thứ ba, thấy bụng đã lớn cô vợ trẻ thủ thỉ với chồng:
- Anh à, tại đây có một con quỷ Dạ-xoa đã nuốt chết hai đứa con của chúng ta và trốn thoát. Lần này tôi định trở về nhà để sinh nở.
Lúc bấy giờ đến phiên quỷ Dạ-xoa đi kéo nước (Da-xoa thay phiên nhau kéo nước từ hồ Anottatta đổ lên nguồn, mãn hạn bốn hay năm tháng chúng được thả về, nếu không bị chết vì kiệt sức). Ngay khi vừa được thả ra, quỷ Da-xoa liền chạy đến gặp người vợ trẻ hỏi:
- Bạn tôi đâu rồi?
Người trong nhà đáp:
- Chị chẳng gặp cô ấy đâu. Có một con quỷ Dạ-xoa đã ăn thịt những đứa con cô ấy sinh ra trong nhà này. Vì vậy cô ấy đi về nhà cha mẹ ruột rồi.
Quỷ lầm bầm:
- Dù có chạy đằng trời, nó cũng không thoát khỏi tay ta!
Nôn nóng vì thù hận, Dạ-xoa tức tốc đi vào thành.
Ðến ngày lễ đặt tên, bà mẹ tắm rửa và đặt tên cho đứa bé xong, thưa với chồng:
- Ông à, bây giờ chúng ta hãy trở về nhà.
Cô vợ ẵm con đi bên cạnh chồng. Trên con đường băng ngang tinh xá, khi đến hồ nước của tinh xá, người vợ trẻ giao con cho chồng và xuống hồ tắm. Cô tắm xong, đến phiên chồng, và cô ngồi đợi gần đó và cho con bú. Ngày lúc ấy quỷ Dạ-xoa xuất hiện. Cô vợ trông thấy nhận ra nó, lập tức la lên:
- Ông ơi! Ðến đây mau! Con quỷ đây nè!
Sợ chồng đến không kịp, cô xoay người đâm đầu chạy vào tinh xá. Lúc ấy đức Ðạo sư đang thuyết pháp giữa chúng hội. Người vợ trẻ đặt con dưới chân Phật thưa:
- Con xin cúng dường Ngài đứa bé này. Xin hãy cứu lấy nó!
Quỷ cũng rượt theo tới nơi. Thiên thần Sumana khi đó đang trú tại hốc cửa bên trên cổng tinh xá, liền ngăn quỷ Dạ-xoa lại không cho vào. Ðức Ðạo sư bảo Trưởng lão A-nan:
- A-nan, ngươi hãy ra gọi quỷ Dạ-xoa vào đây!
Trưởng lão y lệnh. Người vợ vừa thấy quỷ lo sợ, kêu lên thất thanh:
- Nó đó, thưa Thế Tôn.
Ðức Ðạo sư dạy:
- Hãy để nó vào. Ðừng làm ồn!
Dạ-xoa bước vào, đứng trước Phật. Phật hỏi:
- Sao ngươi làm như vậy? Nếu không gặp một vị Phật như Ta, ngươi sẽ ôm ấp mối hận đến ngàn đời, không khác gì con Rắn và con Cáo run rẩy giận dữ, như Quạ và Cú. Sao ngươi lấy oán trả oán? Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.
Và đức Phật đọc Pháp Cú:
Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được,
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
Nghe dứt bài kệ, Dạ-xoa liền đắc quả Dự lưu. Đức Phật bảo người đàn bà đưa đứa bé cho Dạ-xoa. Người đàn bà vẫn còn sợ, không dám đưa. Nhưng sau khi ĐứcPhật cho biết là không cần phải đề phòng, bà ta mới dám trao. Dạ-xoa nhận đứa bé trong tay, ôm hôn âu yếm rồi trả lại cho mẹ nó, xong bắt đầu khóc. Nghe Phật hỏi tại sao, Dạ-xoa liền thưa:
- Thưa Thế Tôn! trước đây con hết sức xoay sở mà chẳng đủ ăn. Giờ con không biết sẽ sống ra sao. Phật an ủi Dạ-xoa, rồi quay sang người mẹ, Ngài dạy:
- Hãy cho Dạ-xoa ở trong nhà con và nuôi bằng loại cháo ngon nhất.
Người đàn bà vâng lệnh đưa Dạ-xoa về nhà, cho ở trên cây kèo giữa và nuôi bằng loại cháo ngon. Khi đến mùa đập lúa, máy đập vọt lên vọt xuống, Dạ-xoa sợ máy đập vào đầu nên nói với bạn không thể ở đây thêm, và xin đi nơi khác. Dạ-xoa lần lượt được cho ở trong chòi để máy đập lúa, chỗ giếng nước, lò bánh mì, kho phân, đống tro và cổng làng, nhưng không chịu ở đâu hết, luôn cằn nhằn: chỗ thì máy đập lúa nâng lên e rằng chẻ đầu ra làm hai, chỗ thì tụi nhóc tiểu bậy, chỗ thì đàn chó nằm dài, hoặc bầy trẻ phóng uế, có khi liệng rác, chỗ thì trai làng đến xem bói. Vì thế cô ta đưa Dạ-xoa về một nơi yên tĩnh ngoài làng, mỗi ngày đều mang cháo ngon đến cho ăn.
Một hôm Dạ-xoa nói với bạn mình:
- Năm nay trời sẽ mưa nhiều, nên trồng lúa ở nơi khô ráo.
Có khi Dạ-xoa cho biết:
- Năm nay hạn hán, nên trồng lúa nơi ẩm thấp.
Lúa của người khác bị hư vì lúc úng lúc hạn, nhưng lúa của người đàn bà trẻ thì bội thu. Dân làng ngạc nhiên đến hỏi cô:
- Này chị, lúa của chị chẳng bị úng, chẳng bị hạn. Chị làm mùa dường như biết trước thời tiết. Phải vậy không?
Cô ta đáp:
- Tôi có người bạn là Dạ-xoa cho tôi biết trước sự thay đổi thời tiết, và tôi trồng lúa trên đất cao hay đất thấp tùy theo sự chỉ dẫn của chị ấy. Các bạn không thấy sao, ngày nào tôi cũng mang cháo ngon và các loại thức ăn đến cho chị ấy. Nếu các bạn làm như tôi cũng sẽ được trúng mùa.
Dân làng lập tức tôn vinh Dạ-xoa. Và từ đó Dạ-xoa chăm sóc mùa màng cho mọi người, nhận được nhiều quà biếu và được nhiều người tôn kính. Dạ-xoa tạo nên thông lệ bữa ăn tám món, còn được duy trì mãi đến nay.
Đức Phật nói sự oan trái được tích luỹ giống như thuốc độc ngâm với nước tiểu. Con nhái lúc muốn kêu phải phùng bụng lên, do đó con dơi lúc ban đêm mới nghe và tấn công con nhái. Cũng như con ểnh ương phùng bụng kêu to, do vậy quạ hay con người mới bắt được nó. Người sân hận cũng có những hành động như vậy, mày xanh mặt tía , tay chân run rẩy. Những trạng thái như vậy làm mồi cho Ác ma. Từ thân khẩu ý người sân hận có thể tàn hại đối tượng. Khi giết hại hay đánh đập người khác được rồi cũng tạo nên sự oan trái. Thường thường các Ngài có nói rằng :
-Chưa đánh được người , mày xanh mặt tía
-Đánh được người rồi, hồn vía lên mây
Khi đánh được người , mình sợ bị phạt tiền hoặc tù tội. Một người rớt vào phiền não của sự hận thù sẽ khổ trong ác đạo, trong tù tội. Người nào quán được sự khổ khổ, diệt trừ được lòng sân hận. Quán được rằng mình dùng nhiều cách để hại người khổ đau mình cũng khổ đau, không những đời này còn liên tiếp đến những đời sau. Đức Phật nói người nào có lòng sân hận nhiều nên quán khổ khổ vì khổ khổ chính bản thân mình khổ và người khác cũng khổ, vả khổ nhiều đời.
Nên sự sân hận nguy hại nhiều hơn tốt đẹp. Nếu mình bị đoạt mạng hay bị đánh đập không mang lòng oán hận se thấy an lạc vì mình chỉ chịu có đời này thôi. Ngược lại nếu lòng sân hận của mình trổi dậy sẽ có oan trái với đối thủ giống như câu chuyện kể trên. Với điểm khởi đầu không là gì nhưng người sân hận không biết được , không dập tắt được thì lòng hận thù sẽ đốt cháy tâm từ bi hỷ xả của chúng ta. Người có tánh đa sân, do nghiệp sân hận không biết chế ngự khi tái sanh vẫn ôm ấp mối hận thù, mười hai tâm bất thiện sẽ cho ra tâm tái tục là tâm thẩm tấn bất thiện sanh ra trong cõi khổ, sanh trong bàng sanh. Người có tánh đa sân, không khéo suy nghĩ sâu xa về khổ khổ, không được nghe pháp và học pháp, hay gặp mười hiềm hận sự, gặp những cảnh trái ý nghịch lòng.
Đây là năm điều kiện người có tánh sân hận, do nhiều kiếp tích luỹ. Mười hiềm hận sự khiến sự khổ đau phát sanh và oán thù chất chứa. Người thường hay nghĩ rằng nguời này đã làm tổn thất cho ta, đang làm tổn thất cho ta, sẽ làm tổn thất cho ta và suy nghĩ rằng người này đã gây sự với người ta thương mến, đang gây sự với người ta thương mến, sẽ gây sự với người ta thương mến. Người này đang làm cho người thù của ta được lợi ích, đang làm cho người thù của ta được lợi ích, sẽ làm cho người thù của ta được lợi ích. Người gặp những hiềm hận sự ,với tánh đa sân không khéo suy nghĩ, khiến thân khẩu ý bất thiện, có thể sát sanh hại vật hại nhiều chúng sanh. Một người có ác ý với lòng sân hận sẽ không bao giờ dứt trừ được. Pháp để diệt trừ lòng sân hận là tâm từ bi hỷ xả.
Trong bài kinh Hàng ma, lúc bấy giò ác ma nhập vào dân làng mắng chửi chư tỳ khưu Tăng .Đức Phật Kakusandha dạy Chư Tỳ khưu Tăng nên tu tâm từ bi hỷ xả để đối trị lại sự sân hận nên sự mắng chửi của dân làng do ác ma nhập vào trở nên vô nghĩa. Thấy Chư Tỳ khưu Tăng không dao động, ác ma nhập vào dân làng cúng dường hộ độ chư Tăng và tán thán Chư Tăng. Lúc bấy giờ Đức Phật Kakusandha mới dạy chư Tăng quán thân bất tịnh, sự bất tịnh sẽ đối lại với sự khen tặng. Nếu không được tán thán lòng sân hận sẽ nổi lên. Những người làm theo lời dạy của Đức Phật tu tâm từ bi hỷ xả để diệt trừ hận thù, thường quán bất tịnh để khắc phục tham ái. Người nào có chấp thủ thì có dao động, có dao động thì không khinh an, không khinh an thì có hy cầu, có hy cầu thì có khứ có lai, có khứ có lai thì có đời này có đời sau. Hận rửa hận như chúng ta lấy nước dơ rửa chỗ dơ, khong bao giờ sạch được. Chỉ có lòng từ bi mới diệt được sự hận thù. Đó là định luật. Tâm từ bi hỷ xả được tu tập viên mãn, tâm của vị đó như khoảng hư không , không thể nào sơn được. Tâm vị đó như nước không thể nào, không chất nào hoà tan được hết. Tâm vị đó như lửa như đất.
Người có tâm từ bi hỷ xả rộng lớn, không vì sự khen chê hoặc sự chỉ trích của người làm cho dao động. Nếu hiểu được như vậy, hành được như vậy người ấy sẽ vượt qua bộc lưu, vượt qua luân hồi sanh tử, thoát khỏi những phiền não. Từ đó Đức Phật nói rằng cũng vì lòng thương yêu là sự ái luyến, muốn được tốt đẹp mà không được tốt đẹp sẽ khởi lên sự sân hận. Nên ta thấy tập đế là sở hữu tham không là sở hữu sân nhưng chính do tham mình muốn tốt đẹp mà không được tốt đẹp khởi nên sân hận. Do vậy sân hận củng khởi nguồn từ lòng tham, chính là phiền não luân hồi vì phiền não luân hồi khiến ta có thân hành khẩu hành ý hành. Với người có lòng sân hận thân hành khẩu hành của người đó là bất thiện, luân hồi mãi. Qua bài kệ số 5 chúng ta thấy chỉ có những người nghe Pháp học pháp hành pháp mới diệt được sự hận thù.
Xin được dứt lời tại đây.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Download KN 05
Kinh Pháp Cú Lưu Trữ
|