dieuphap.com

Trang web DieuPhap

VU Times font

 

Đến Bờ Kia - Pāramitā hay Pāramī:
Tổng quát về Balamật.

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 Đến Bờ Kia.
PĀRAMITĀ hay PĀRAMĪ
(tiếp theo)

Các điều kiện tăng trưởng pháp Balamật.

Ngắn gọn thì yếu tố làm tăng trưởng pháp Balamật có sáu điều:

- Đại nguyện (abhinihara).
- Có tâm đại bi (mahākarunā) và trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa).
- Bốn lãnh vực giác ngộ (buddhabhūmi).
- Sáu khuynh hướng tâm (ajjhāsaya).
- Tuệ quán xét (paccavekkana ñāṇa).
- 15 đặc hạnh (abhicarana)

Giải thích.

 A- Đại nguyện (abhinihāra).

Chữ abhi là cao tột, nihāra = ni (không) + căn har (mang đi, dời đổi). Nihāra là không dời đổi.

Thông thường những ước muốn có thể "nay thế này, mai thế khác", riêng ước muốn giải thoát khỏi già bịnh chết không hề thay đổi trong tâm vị Bồ tát cho dù là Bồ tát Thinh văn.

Cao tột nhất là trí Chánh đẳng giác, nên chữ abhi trong lãnh vực này thường ám chỉ quả vị Chánh đẳng giác.

Những ước muốn thụ hưởng dục lạc thế gian không gọi là abhi (cao tột), chỉ có ước muốn giải thoát khỏi sinh tử là ước muốn cao tột (abhi).

Trong các hạnh nguyện: Thánh Alahán, Bích chi Phật (pacceka buddha) và Chánh đẳng giác.

Hạnh nguyện thành tựu Alahán là thấp nhất, không thể thay đổi để lui xuống thấp hơn nữa (vì nếu thay đổi sẽ không thể giải thoát sanh tử luân hồi).

Riêng hai hạnh nguyện Độc Giác và Chánh đẳng giác có thể thay đổi thành hạnh nguyện Alahán.

Nhưng hạnh nguyện này sẽ không thay đổi (cả ba bậc) khi có vị Chánh đẳng giác thọ ký (ghi nhận).

Trong bản sớ giải kệ ngôn Trưởng lão Tăng (Theragāthā-atthakathā) hay kệ ngôn Trưởng lão Ni (Therigāthā- atthakathā) chúng ta thường thấy các vị Thánh Alahán có địa vị tối thắng trong tỳ khưu hay trong tỳ khưu ni thường được Đức Phật Padumuttara (Liên hoa Phật) thọ ký cách hiền kiếp này 100 ngàn kiếp trái đất về trước.

Theo Chánh giác tông, tính từ trái đất này trở về trước bốn Atăngkỳ (asaṅkheyya), Bồ tát Sumedha được Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên đăng) thọ ký, và nay trở thành Đúc Phật Gotama.

Trong chuỗi dài luân hồi trước đó (trước khi được thọ ký), vị Bồ tát cần nổ lực hoàn thiện 8 yếu tố, do có 8 yếu tố này Đức Chánh Đẳng giác mới thọ ký cho vị Bồ tát "sẽ trở thành vị Chánh đẳng giác trong tương lai" như Bồ tát Sumedha được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký chẳng hạn..

Tám yếu tố (samodhāna dhamma) để được Đức Chánh giác thọ ký là Bậc Chánh giác trong tương lai.

1- Manussattam: Phải là người (không phải là chư thiên hay thú).

2- Liṅga sampatti: Phải là nam nhân.

3- Hetu: Có duyên lành chứng quả Alahán ngay trong kiếp đó.

4- Satthāra dassanaṃ: gặp được Đức Chánh giác.

5- Pabbajjā: Phải là bậc xuất gia.

6- Guṇa sampatti: Thành tựu những ân đức, là có năm thắng trí và tám thiền chứng.

7- Adhikāra: Tạo phước báu cao thượng cúng dường đến Đức Chánh Giác.

8- Chandāta: Có chí nguyện đầy đủ, quyết chí thành bậc Chánh giác.

Khi nổ lực hoàn thiện 8 yếu tố ấy, các ý nghĩ sau đây xuất hiện trong tâm của các vị Bồ tát Chánh giác, như sau: (các ý nghĩ này không do ai chỉ dạy hay gợi ý cả)

- Ta phải tự nỗ lực để thoát ra luân hồi.

- Khi thoát ra luân hồi, ta sẽ tế độ tất cả chúng sanh cũng thoát khỏi luân hồi.

- Khi đạt được tâm nhu nhuyến, thiện xảo, thành tựu các pháp, ta sẽ dạy cho chúng sanh khác cũng đạt được tâm nhu nhuyến, thiện xảo, thành tựu các pháp.

- Khi đạt được cứu cánh tối thắng Niết bàn, ta sẽ chỉ dạy cho các chúng sanh khác cũng chứng đạt được Nípbàn.

- Khi dập tắt được ba ngọn lửa luân hồi là "nghiệp luân hồi (kammavaṭṭa), quả luân hồi (phalavaṭṭa) và phiền não luân hồi (kilesavaṭṭa), ta sẽ chỉ dạy chúng sanh khác dập tắt ba ngọn lửa ấy.

- Khi tự nỗ lực diệt trừ mọi ô nhiễm, làm cho thân tâm trở nên trong sạch, ta sẽ chỉ dạy chúng sanh khác thanh tịnh hóa thân tâm như ta.

- Khi chứng ngộ về các sự thật (Tứ diệu đế) bằng tuệ, ta sẽ dạy cho những chúng sanh khác chứng ngộ các sự thật này với trí tuệ.

 Tóm lại, ta sẽ tự phấn đấu thành Phật và tế độ đến tất cả chúng sanh.

Ước muốn thành tựu giải thoát sinh tử luân hồi với quả vị Chánh đẳng giác tăng trưởng không ngừng trong tâm vị Bồ tát, ước muốm ấy là pháp dục (dhammacchanda) có trong tâm đại thiện (mahākusalla citta) cùng với các tâm sở đồng sanh khác.

Tâm thiện và các tâm sở thiện tăng trưởng với ước mguyện trở thành vị Chánh đẳng giác, được xem là đại thiện Abhinihāra, là nền tảng cho tất cả mười Balamật.

Thật vậy, nhờ vào "ước nguyện giải thoát được tăng trưởng" mà các vị Bồ tát được thọ ký, riêng Bồ tát Chánh đẳng giác sau khi được thọ ký, "ước nguyện" này liên tục xuất hiện liên tục qua "trí quán xét" về các Balamật, qua "quyết định" tu tập các Balamật và các pháp hành cần thiết để thành tựu mục tiêu cao nhất.

Đại nguyện này có:

- Trạng thái: Tâm hướng về quả vị Chánh đẳng giác.

- Phận sự: Mong ước có khả năng mang lợi ích đến chúng sanh khác.

- Thành tựu: là nền tảng cần thiết để đạt đến giác ngộ.

- Nhân cần thiết : có tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí thiện xảo trong phương tiện

Cảnh (ārammaṇa) của tâm đại nguyện (abhinihāra citta) là "năng lực phi thường của các vị Phật Chánh Đẳng giác" hay "lợi ích của tất cả chúng sanh".

Vì vậy, hạnh nguyện (dhammacchanda) được xem là nền tảng cơ bản trong pháp Balamật, nhất là đại hạnh nguyện của Bồ tát Chánh đẳng giác được tán dương nhất và có năng lực không gì so sánh được.

Ngay khi đại hạnh nguyện này tăng trưởng, Bồ tát sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực hành pháp Balamật với mục đích thành tựu Chánh đẳng Giác.

Ngay khi đại nguyện này tăng trưởng, Bồ tát quyết định "phải thành Phật Chánh giác". Khi quyết định càng vững mạnh thì đại hạnh nguyện (mahā-abhihāra) càng tăng trưởng.

Và cũng do có "hạnh nguyện tăng trưởng" vị ấy được gọi là Bồ tát, một người không thể được gọi là Bồ Tát nếu chưa làm " tăng trưởng hạnh nguyện".

Sau thời điểm được thọ ký, Bồ tát Chánh giác sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại để thành tựu bậc Chánh đẳng giác, từ năng lực tu tập đến thực hành Balamật đều trở thành "đặc hạnh (abhicariya)".

Do có đại hạnh nguyện nên đại ẩn sĩ Sumedha đã tự mình tìm ra tất cả pháp Balamật một cách hợp lý qua tuệ phân tích Balamật (pāramī pavicaya ñāṇa) của phàm nhân.

Và trí này được xem như trí sáng tạo (sayambhū ñāṇa), điềm báo trước Ngài sẽ trở thành bậc Chánh đẳng giác.

Khi suy gẫm và tìm hiểu rõ ràng về các pháp Balamật một cách đúng đắn, Bồ tát đã thực hành các Balamật trong khoảng thời gian bốn atăngkỳ (asaṅkheyya) và 100 ngàn kiếp trái đất.

Đại hạnh nguyện này phát sanh do có:

 

- Bốn duyên (paccaya).
- Bốn nhân (hetu) và
- Bốn năng lực lớn (mahābala).

1- Bốn duyên (paccaya - điều kiện trợ giúp).

a- Do chứng kiến những năng lực thần thông của Đức Phật (nhất là song thông lực), vị ấy mong muốn trở thành bậc Chánh đẳng giác.

Một thiện gia nam tử khi thấy Đức Phật thể hiện Song thông lực (yamakabala), suy nghĩ: "vị có năng lực thần thông như vầy, hẵn là bậc có phẩm chất tuyệt vời, chỉ có những bậc thành tựu những phẩm chất cao quý tối thưiợng mới có được năng lực thần thông như thế này". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy mong ước trở thành vị Phật Chánh đẳng giác.

Và trong đời sống của vị Chánh Đẳng giác, phải có một lần thể hiện Song thông lực nhiếp phục ngoại đạo để:

- Hiển lộ uy lực của Đấng Chánh giác, tạo đức tin cho đại chúng nhân thiên.

- Tạo duyên cho những thiện gia nam tử khởi lên ước muốn thành bậc Chánh đẳng giác.

b- Do nghe.

Tuy không chính mắt mình thấy năng lực phi thường của Đấng Như lai (Tathāgata), nhưng nghe người khác nói: "Đấng Như lai có những năng lực như vầy, như vầy…". Vị ấy mong muốn trở thành bậc Chánh Đẳng giác.

c- Do có tâm cao thương.

Mặc dù không thấy cũng không nghe về các năng lực của Đức Như lai, nhưng do có tâm tính cao thượng, vị ấy nghĩ như vầy: "Ta sẽ gìn giữ dòng dõi của chư Phật", nên phát nguyện thành bậc Chánh giác vị lai.

d- Do tôn kính và muốn gìn giữ những ân đức pháp (dhammagaru) của bậc Chánh giác, nên phát nguyện thành bậc Chánh giác vị lai.

2- Bốn nhân (hetu - các yếu tố trong hiện tại).

a) Bồ Tát có Cận y giác ngộ (upanissaya sampadā).

Chính hỗ trợ, thực hiện các hành động thiện cao tột (adhikāra) dưới thời các vị Phật quá khứ, như Bồ tát Sumedha xả thân cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng.

Cận y (upa là gần, nissaya là nương dựa. Upanissaya là: thường nương vào) là những việc làm thường xuyên trở thành một tập quán, một thói quen.

Cận y giác ngộ hổ trợ cho Bồ tát có được việc lành cao tột (adhikāra) trong hiện tại, là do có nguyện trong tâm hay nguyện ra lời trong thời các vị Phật quá khứ (kinh điển không xác định là "là bao nhiêu vị").

Nhờ có cận y giác ngộ nên tâm Bồ tát luôn sẵn sàng để trở thành bậc Chánh đẳng giác và cũng sẵn sàng hành động vì lợi ích đến chúng sanh.

Do có cận y giác ngộ nên Bồ tát Chánh giác đặc biệt cao quý hơn so với Bồ tát Độc giác (Pacceka bodhisatta) hay các vị Bồ tát Thinh văn đệ tử Phật (Sāvaka bodhisatta).

Vì sao biết được, Bồ tát Chánh giác đạt cận y duyên giác ngộ.?

- Vì những quyền (indriya) như tín, tấn, niệm, định và tuệ sung mãn.

Theo Chánh giác tông, nếu như không vì mục đích chứng quả vị Chánh giác, Bồ tát Sumedha chứng quả Alahán dưới thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara), trước đó Đạo sĩ Sumedhađã chứmg đạt được tám thiền chứng và năm thắng trí (abhiññāṇa) phàm.

Tức là khi ấy, nếu muốn chứng quả Alahán, Ngài sẽ trở thành Alahán Lục thông.

 - Vị ấy thực hiện các pháp hành vì lợi ích của người khác.

- Thiện xảo và cần mẫn trong việc phục vụ vì lợi ích của người khác.

- Có trí thiện xảo trong đúng - sai (ṭhānāṭhāna kosalla ñāṇa – trí thiện xảo trong hành xứ (ṭhāna) hay không phải hành xứ (aṭhāna)).

Từ những tính chất ấy có thể suy luận "các vị Bồ tát này đã thực hiện các việc thiện đặc biệt trong thời các vị Phật quá khứ".

b) Vị Bồ tát có tâm đại bi một cách tự nhiên.

Ngài mong muốn giảm nhẹ sự đau khổ của chúng sanh, thậm chí có thể hy sinh cả mạng sống của mình.

c) Vị Bồ Tát có sức mạnh kiên trì, phấn đấu trong thời gian dài cho đến khi đạt được mục đích, không hề thối chuyển hạnh nguyện trước sự đau khổ dài dằng dặc trong vòng luân hồi và chịu đựng những chướng ngại khi thực hiện vì lợi ích của chúng sanh.

d) Bồ tát thích kết thân với những bạn lành, là những người ngăn Bồ tát không làm điều ác và khuyến khích Bồ tát làm những việc thiện (có bạn lành còn hàm nghĩa: làm bạn với thiện pháp).

Như thế nào được gọi là bạn lành?

Người bạn lành là người có:

- Đầy đủ đức tin, đầy đủ giới hạnh, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.[1]

Bản sớ giải Anudīpanī có đề cập đến tám đặc tính của người bạn tốt là:

Người có đức tin, có giới hạnh, nghe nhiều (bahusuttā - học rộng), có lòng vị tha, có tinh tấn trong việc thiện, có niệm (sati – chú tâm), có định (samādhi – tập trung) và có tuệ.

i- Có đức tin. Là người có sự tin tưởng vào: nhân, quả, nghiệp báo và trí Đại giác của Đức Thế tôn. Chính nhờ có niềm tin này mà Bồ tát không từ bỏ ước nguyện "vì lợi ích cho chúng sanh, Ngài quyết chứng đạt quả vị Chánh đẳng giác" (khi được thọ ký).

Trong khía cạnh nào đó, đức tin này đã trở thành nhân cơ bản cho sự chứng đắc Chánh đẳng giác, đồng thời giúp Bồ tát nỗ lực trong sự tầm cầu quả giải thoát.

Trong Tăng chi kinh (Aṅguttāra nikāya) có ghi lại bài kinh, thuật lại năm điều đại mộng của Bồ tát, Ngài tự giải mộng và tin tưởng "sẽ chứng đạt quả vị Vô thượng Chánh giác".

"Này các tỳ khưu, trước khi Như lai, bậc Alahán Chánh đẳng giác được giác ngộ, khi chưa Chánh đẳng giác còn là Bồ tát, mộng thấy quả đất này làm giường nằm lớn, gối đầu lên vua núi Tuyết sơn, tay trái đặt trên biển đông, tay phải đặt trên biển tây, hai chân đặt trên biển nam. Này các tỳ khưu, đối với Như lai bậc Alahán Chánh đẳng giác, Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh đẳng giác. Trong khi Ngài Chánh giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này hiện ra…."[2]

Và đức tin này là động lực giúp Bồ tát nỗ lực hành pháp.

ii- Có giới hạnh.

Người có giới hạnh thường được người khác kính trọng và yêu mến.

iii- Đa văn.

Vị ấy luôn giảng những bài pháp sâu sắc hướng đến lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh.

iv- Có lòng vị tha

Vị có lòng vị tha sẽ có tâm xả ly để giúp kẻ khác, sẽ là người ít có ham muốn, dễ hài lòng với những gì đang có, biết hy sinh và lãnh đạm với những dục lạc.

v- Có tinh cần.

Vị ấy luôn cố gắng thực hành những pháp mang lại lợi ích cho chúng sanh. Nhờ tinh cần trong lợi ích của chúng sanh, Bồ tát làm giảm tai hại đến chúng sanh, đồng thời hướng chúng sanh phát sanh nỗ lực hành thiện vì lợi ích cho chính họ.

vi- Có chú tâm (niệm).

Vị ấy không xao nhãng khi thực hiện các thiện pháp, luôn ghi nhận những sự kiện xẩy ra để đề ra những phương án thực hiện tốt hơn. Do vậy, những thiện sự ngày càng hoàn hảo.

Qua sự chú tâm thì người bạn tốt kiểm tra quả của các nghiệp thiện và bất thiện nghiệp, nhắc nhở Bố tát những việc lành tốt đẹp.

Như trường hợp Bồ tát Jotipāla được người thợ gốm Ghatikāra nhắc nhở "đi nghe pháp từ Đức Thế Tôn Kassapa". Và Đức Thế tôn có nhắc lại:

"Thuở xưa ngươi đồng hương.
Cũng là bạn của ta.
Như vậy là hội ngộ.
Giữa những bạn thời xưa.
Cả hai khéo tu tập.
Mang thân này tối hậu".
[3]

vii- Có tập trung (định).

Vị ấy không trở thành người lãng trí nhờ có thiền định, nhờ có trí nhớ Ngài có tâm kiên định trong các pháp Balamật. Người không thiền định thường "khi nhớ khi quên", nên sự quyết tâm thực hiện thiện sự, nhiều lúc lại không làm.

viii- Có tuệ.

Vị ấy hiểu sự vật như thật sự chúng là vậy. Nhờ trí tuệ, vị ấy sẽ thấy rõ lợi ích hay không lợi ích, lợi ích nhiều hay ít, có hại hay không có hại, có hại nhiều hay có hại ít và sẽ giúp ích chúng sanh theo phương án tốt nhất, giảm thiểu tai hại thấp nhất.

 Thân cận và tin cậy vào người bạn tốt có những đặc tính như thế, Bồ tát nỗ lực làm tăng trưởng thành quả của mình cùng với sự hỗ trợ của cận y giác ngộ (upanissaya sampatti).

3- Bốn năng lực lớn (mahābala):

a- Năng lực bên trong (ajjhattikabala):

Bồ tát tự tin vào khả năng của mình "sẽ trở thành bậc Chánh giác (Sammasambodhi), sự tự tin này dựa vào tâm tôn kính Pháp (dhamma gārava) và trí tuệ hiểu Pháp.

Khi rèn luyện năng lực này, Bồ tát có niềm tự hào và có tâm hổ thẹn khi làm điều ác.

Hai điều này phát sanh do nương vào ước nguyện trở thành Phật Chánh giác và do tu tập các Balamật cao tột (paramattha pāramī) để trở thành bậc Giác ngộ cao nhất.

b- Năng lực bên ngoài (bāhirabala):

Là ba duyên (1,2,3) phát sanh đại nguyện "thành tựu bậc Chánh đẳng giác" (đã giải ở trên).

Rèn luyện năng lực này, Bồ tát tin rằng "ta sẽ được nhân thiên trợ giúp khi gặp những chướng ngại", đồng thời tự tin rằng "Ta là người có đầy đủ năng lực để trở thành vị Chánh đẳng giác trong tương lai".

c- Năng lực của cận y lực (upanissaya bala).

Là duyên đầu tiên khiến phát sanh ước nguyện "thành tựu bậc Chánh đẳng giác".

Vị Bồ tát suy nghĩ: "muốn trở thành vị Chánh đẳng giác, phải thành tựu được Song thông lực".

Do đó, Bồ tát nỗ lực tu tập thiền định để rèn luyện năng lực này và thường xuyên chứng đạt năm pháp thần thông, gọi là cận y lực (upanissaya bala).

Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi kinh Bổn sanh thường ghi nhận: "Bồ tát thường xuất gia làm đạo sĩ và thường chứng đạt tám thiền cùng năm thắng trí".

d- Năng lực của tinh cần lực (payogabala).

Tinh cần lực là năng lực bền bỉ thực hành những pháp thích ứng để trở thành bậc Chánh đẳng giác.

Theo dòng thời gian, thực hiện đầy đủ bốn điều kiện, bốn nhân, bốn năng lực này, vị Bồ tát đạt đến giai đoạn phát triển thành tựu tám yếu tố để được thọ ký.

Đức Phật Chánh giác thấy rõ sự thành tựu tám yếu tố này, Ngài thọ ký cho Bồ tát Chánh giác, nhằm mục đích làm tăng sự hoan hỷ trong tâm của vị Bồ tát Chánh giác.

Để nhanh chóng thành tựu tám yếu tố ấy, Bồ tát luôn nhủ tâm: "Ta sẽ cố gắng với sự nhiệt tâm không ngừng để trở thành Phật hầu tế độ chúng sanh thoát khổ".

Với tuệ trong sáng trong hành động lẫn lời nói cùng với những nỗ lực không ngừng, vị ấy đạt được bốn năng lực to lớn.

Không bao lâu thì vị ấy có được tám yếu tố cần thiết, thể hiện đại hạnh nguyện (mahābhinihāra) một cách rõ nét và chắc chắn trong tâm như một vị Bồ tát thực sự.

Từ đó trở đi, vị ấy không còn thay đổi hạnh nguyện, chỉ có duy nhất đại nguyện trở thành bậc Chánh đẳng giác, cho dù Ngài có được Đức Chánh giác thọ ký hay không, đại nguyện ấy đã được định sẵn và không thể thay đổi.

Như vậy, hạnh nguyện (abhinihāra) là nền tảng cơ bản trước tiên cho tất cả pháp Balamật.

Các điều cao thượng khác nương sanh.

Nhờ tăng trưởng hạnh nguyện với tâm thiện có trí, các điều cao thượng khác nương đó sanh lên như sau:

a- Vị Bồ tát thường có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, như đối với con của mình.

b- Tâm có sự thức tỉnh.

Vị Bồ tát trong hành trình sinh tử, có những lúc Ngài cũng rơi vào những cạm bẩy của dục lạc, nhưng rồi Ngài kịp thời tỉnh ngộ và lập tức lìa xa những ô nhiễm ấy ngay. Đây là điểm khác biệt giữa Bồ tát và kẻ thường tình.

c- Tất cả hành động, lời nói và tâm lý của vị Bồ tát thường hướng về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh.

d- Tu tập các pháp Balamật hay các hạnh lành (carita) không hề lui sụt, và các pháp ấy ngày càng trở nên hoàn thiện rõ nét.

Do các điều cao thượng này tăng trưởng, Bồ tát trở nên bậc cao quý, xứng đáng nhận các vật cúng dường tốt đẹp, Bồ tát là mảnh ruộng màu mỡ không gì so sánh được (ngoại trừ các bậc Thánh) của các hạt giống thiện.

 

B. Tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa).

Cũng như đại nguyện, tâm đại bi và trí thiện xảo trong phương tiện tạo ra nền tảng cho tất cả các Balamật, hai điều này đã được nói ở trên.

Nhờ có tâm đại bi và trí thiện xảo, các vị Bồ tát có thể không ngừng quan tâm đồng thời làm thành tựu lợi ích đến chúng sanh khác mà không quan tâm đến lợi ích của chính mình.

Mặc dù thực hiện các việc làm vượt quá khả năng của những người bình thường nhưng các Bồ tát không xem các việc ấy quá mệt nhọc.

Những ai có cơ hội gặp Bồ tát, thường nhận ra đức hạnh của Ngài, những đức hạnh ấy được thiết lập trên nền tảng tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí thiện xảo.

Chính tâm đại bi và trí thiện xảo mang lại lợi ích, an lạc cho những ai tin cậy, kính trọng các Ngài.

Nói rõ hơn "với tâm bi mẫn và trí tuệ" thì:

- Nhờ trí tuệ, Bồ tát thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, nhờ tâm đại bi Bồ tát thực hiện được các nhiệm vụ của một vị Phật.

- Nhờ trí tuệ Bồ tát có thể xuyên qua vòng luân hồi, nhờ tâm đại bi Bồ tát cứu giúp các chúng sanh.

- Nhờ trí tuệ, Bồ tát thấu hiểu sự đau khổ của người khác, nhờ tâm đại bi Bồ tát nỗ lực làm giảm bớt sự đau khổ của người khác.

- Nhờ trí tuệ Bồ tát chán ngán đau khổ, nhờ tâm đại bi Bồ tát chịu đựng và chấp đau khổ để mang hạnh phúc đến tha nhân, giải thoát chúng sanh thoát khỏi những buộc ràng của đau khổ.

- Nhờ trí tuệ Bồ tát mong ước đạt Nípbàn, nhờ tâm đại bi Bồ tát mong mỏi chúng sanh khác cũng như thế.

Như vậy, tâm bi và trí tuệ không chỉ là nền tảng cho các Balamật, mà còn là nền tảng cho sự mong ước được thành Phật, đồng thời mang lại lợi ích cho chúng sanh theo nhiều cách.

 

C. Bốn lãnh vực giác ngộ (buddhabhūmi):

Sự giác ngộ chỉ có thể thành tựu khi vị Bồ tát thiết lập sở hành trên bốn lãnh vực:

1- Nỗ lực (ussaha): vị Bồ tát nỗ lực tu tập các Balamật với tâm vị tha cao nhất có được.

2- Quyền biến (ummaṅga): là thực hiện được pháp Balamật bằng nhiều kỹ năng đặc biệt trong những nghịch cảnh.

Tức là trong những giây phút khó khăn nhất, Bồ tát vẫn cố gắng tìm cách thực hiện pháp Balamật, như trường hợp Bồ tát Vidhura bị Dạ xoa bắt đi để giết chết, ngay trong giai đoạn ấy Bồ tát cố gắng thực hành pháp Balamật và tìm cách thoát ra nguy hiểm.[4] Và đây cũng là một kỹ năng của trí thiện xảo (upāya kosalla ñāṇa).

3- Kiên định (avatthāna): là khi quyết định rồi thì không hề nao núng, không dời đổi, tìm mọi cách để thực hành đạt đến mục tiêu đã định.

4- Tăng trưởng hạnh (hitacariya): là làm tăng trưởng tâm bi cùng các pháp hành Balamật.

Bốn yếu tố này được xem là nền tảng của Bồ tát, vì muốn thành tựu Phật trí phải y cứ vào bốn nền tảng này.

 

D. Mười sáu khuynh hướng tâm (ajjhāsaya):

Khuynh hướng tâm là tâm thường "nghiêng về", khuynh hướng tâm tạo thành tính cách riêng của mỗi người, về cơ bản thì có hai loại khuynh hướng: thiện và bất thiện.

Bồ tát là vị có khuynh hướng thiện, khuynh hướng thiện có 16 là:

1- Có khuynh hướng xuất ly (khỏi thế gian) (nekkhammajjhāsaya.

2- Có khuynh hướng viễn ly, độc cư (pavivekajjhāsaya).

3- Có khuynh hướng vô tham (alobhajjhāsaya).

4- Có khuynh hướng vô sân (adosajjhāsaya).

5- Có khuynh hướng vô si (amohajjhāsaya).

6- Có khuynh hướng tầm cầu giải thoát (nissaranajjhāsaya).

Và khuynh hướng thực hành Balamật, mỗi pháp bala mật là một khuynh hướng, như có khuynh hướng về bố thí (dānajjhāsaya), có khuynh hướng về giữ giới (sīlajjhāsaya), có khuynh hướng xuất gia (nekkhammajjhāsaya)… Như vậy, vị Bồ tát có tất cả 16 khuynh hướng.

- Các vị Bồ tát thấy được nguy hiểm trong các cảnh dục nên các Ngài có khuynh hướng xuất ly ra khỏi cảnh dục mãnh liệt.

"Này Mahānāma, thuở xưa, khi Ta còn là vị Bồ tát, chưa chứng được Chánh giác (sambodhā), Ta khéo thấy như thật với chánh kiến: "các dục vọng vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn".[5]

- Các vị Bồ tát thấy được những thối đọa sanh khởi do sự thân cận với hội chúng, nên có khuynh hướng sống độc cư.

"Này các tỳ khưu, có năm pháp khiến tỳ khưu hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?

- Ưa sự nghiệp (kammārāmatā), ưa đàm luận (bhassārāmatā), ưa ngủ, ưa có hội chúng (saṅgaṇikārāmato), không quán xét tâm như đã được giải thoát".[6]

 Năm pháp này, này các tỳ khưu, khiến tỳ khưu hữu học thối chuyển.

- Do thấy được sự nguy hiểm trong tham, sân và si, nên các vị Bồ tát có khuynh hướng diệt trừ tham bằng pháp vô tham, diệt trừ sân bằng pháp vô sân, diệt trừ si mê bằng pháp trí tuệ (vô si).

- Do thấy được hiểm họa trong luân hồi, thấy được nguy hiểm trong các cõi, nên các vị Bồ tát có khuynh hướng muốn giải thoát.

- Các Balamật không tăng trưởng khi người đó không thấy sự nguy hiểm trong tham, sân, si, tức là người ấy không có khuynh hướng vô tham, vô sân, vô si. Chính nhờ sáu khuynh hướng này mà các pháp Balamật tăng trưởng trở thành to lớn.

Do vậy sáu khuynh hướng trên cũng là các nền tảng chính làm tăng trưởng pháp Balamật.

Ngoài ra, mười khuynh hướng còn lại như khuynh hướng bố thí (danajjhāsaya), khuynh hướng giữ giới (sīlajjhāsaya) ... là các điều kiện cần thiết làm tăng trưởng pháp Balamật

Khuynh hướng bố thí là sự kiên định thực hành pháp bố thí, sự kiên định này có được nhờ vào sức mạnh "vô tham" khi thấy được nguy hiểm của tham.

Nói cách khác, do thấy được sự nguy hiểm của "bỏn xẻn", "ích kỷ’, vị Bồ tát có khuynh hướng vô tham mãnh liệt, thế là vị ấy "quyết định" thực hành pháp bố thí (tức là nhân gần là vô tham, duyên trợ giúp là vô si).

Do thấy được nguy hiểm khi suy đồi đạo đức, vị Bồ tát có khuynh hướng giữ giới mãnh liệt, và tu tập giới Balamật. Tương tự như với các Balamật còn lại.

Nên lưu ý rằng:

- Ngược với khuynh hướng của xuất ly là các cảnh dục và đời sống gia đình.

- Ngược với khuynh hướng của trí tuệ là si (moha) và nghi ngờ (vicikicchā).

- Ngược với khuynh hướng của tinh tấn là hôn trầm, dã dượi (kosajja);

- Ngược với khuynh hướng của nhẫn nại là sự bực bội khó chịu (akkhanti dosa).

- Ngược với khuynh hướngcủa chân thật là dối trá, xảo quyệt.

- Ngược với khuynh hướng của quyết định là sự do dự (không chắc chắn "đây là việc thiện").

- Ngược với khuynh hướng của từ là sân hận.

-Ngược với khuynh hướng của xả là "dính mắc" vào sự thăng trầm của thế gian.

 


[1] - A.iv, 281.

[2] - A.iii, 240.

[3] - S.i, 60. M.ii, kinh Ghaṭikāra (Ghaṭikārasutta).

[4] - Thập độ - Đức Hộ Tông soạn, truyện Bồ tát Vidhura tu hạnh chân thật.

[5] - M.i, Kinh Tiểu khổ uẩn (Cūladukkhakkhandha sutta).

[6] - A.iii, 116.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Source: BuddhaSasana

[Trở về trang DieuPhap]