dieuphap.com | Trang web DieuPhap |
VU Times font |
Đến Bờ Kia - Pāramitā hay Pāramī: Tỳ khưu Chánh Minh
Đến Bờ Kia. E. Tuệ quán xét (paccavekkhana ñāṇa). Tuệ quán xét về những bất lợi của việc không tu tập mười Balamật như bố thí, trì giới... và quán xét về những thuận lợi của việc tu tập mười Balamật. Tuệ quán xét như thế cũng là các điều kiện làm nền tảng của Balamật. Các vị Bồ tát quán xét rất kỹ lưỡng các pháp Balamật này. Quán xét chi tiết. 1- Về bố thí Balamật. Bồ tát quán xét như sau: "Các tài sản như đất đai, vàng, bạc, đền đài, gia súc, nam nữ gia nhân, vợ con... đem đến nhiều nguy hại cho chủ nhân của chúng, cho những người đang hay muốn bám víu vào chúng. Những tài sản này là cảnh dục được nhiều người thèm muốn, nên chúng có thể bị tiêu diệt do năm kẻ thù (nước, lửa, vua- quan, trộm cắp và người thừa tự). Chúng là nguyên nhân gây nên tranh đấu, bất hòa….. chúng rất mong manh, khi gìn giữ chúng tất phải gây phiền nhiễu đến những người khác và khi chúng mất đi, gây ra nhiều đau khổ như buồn rầu, than khóc.… Do dính mắc vào chúng nên phần đông chúng sanh keo kiệt (macchariya) và bị tái sanh vào các cảnh khổ. Những tài sản này mang nhiều nguy hại đến cho chủ của chúng theo nhiều cách khác nhau như thế. Khi đem bố thí, từ bỏ những tài sản… là cách duy nhất để được hạnh phúc". Bồ tát quán xét ý nghĩa này và chú niệm để không chểnh mảng trong các hành động bố thí. Khi một người đến xin tài sản, vị Bồ tát quán xét về (một trong) các ý nghĩa sau: a- Người thọ thí. Bồ tát quán xét như sau: - Đây là người bạn thân của ta, đã tỏ bày sự thầm kín "thiếu thốn" đến ta. - Đây là người bạn rất tốt, đã giúp ta thực hiện pháp bố thí, nhờ đó tài sản này sẽ được mang theo đến những kiếp sống kế tiếp. - Đây là người bạn tốt giúp đỡ ta mang những tài sản của ta đến nơi an toàn. Thế gian này như một ngôi nhà cháy bị những ngọn lửa già, bịnh, chết thiêu đốt, đối với ta vị ấy là nhà kho tuyệt hảo, là nơi gìn giữ những tài sản được an toàn không bị hư hoại. - Đây là người trợ giúp ta thành tựu pháp bố thí ở mức độ khó khăn và cao nhất, tạo nền tảng cho sự thành tựu Phật vức (buddhabhūmi). - Người này ban cho ta cơ hội để thực hiện hành động cao thượng nhất, do vậy ta nên nắm lấy cơ hội, không nên để vuột mất". Ngoài ra, Bồ tát còn quán xét như vầy: - Cuộc sống của ta chắc chắn sẽ kết thúc, do vậy ta nên thực hiện pháp bố thí, không nên chờ đợi được hỏi xin. - Do có khuynh hướng bố thí mãnh liệt nên các vị Bồ tát tìm người thọ thí. Khi có người đến xin vật thí, các Ngài suy nghĩ "làm sao có thể tu tập bố thí Balamật nếu không có ai thọ thí, ta đang có được điều này. Vậy ta hãy nhanh chóng thực hiện cho hoàn hảo". - Mặc dù bố thí là mang lợi ích đến người, nhưng hành động này có bản chất thật sự là "mang lợi ích đến người cho mà thôi". Vậy ta nên mang lợi ích đến tất cả chúng sanh, như mang lợi ích đến cho chính mình". b- Về vật thí: - Ta nên gom góp và gìn giữ vật dụng dành cho những ai đến hỏi xin, họ có quyền sử dụng những tài sản này mà không cần hỏi ý ta. c- Những suy tư của Bồ tát: - Bằng cách nào ta có thể làm cho người thọ thí quý mến và thân thiệnvới ta?. - Làm thế nào ta tạo được hoan hỷ trong và sau khi bố thí?. - Làm thế nào người thọ thí đến được với ta nhỉ?. - Làm cách nào khuynh hướng bố thí được tăng trưởng trong ta?. - Làm sao ta có thể biết được tâm ý và cho những gì họ cần, mà không cần người ấy lên tiếng?. - Khi có vật thí, có người thọ thí, nếu ta không bố thí, ta là người bỏn xẻn. - Làm sao ta có thể hy sinh chân tay hay tính mạng cho những ai cần đến chúng?. - Như "con sâu hy vọng (kīṭaka)"[1] không hề do dự khi nhảy trở lại người nào đã ném nó đi, cũng vậy quả thiện sẽ trở lại với người bố thí dù người ấy không mong cầu lợi lộc". Khi quán xét như vậy, vị ấy phát triển tâm xả ly, không hề mong cầu hay hy vọng bất kỳ quả thiện nào của hành động ấy. (Ở đây, quả thiện ám chỉ "hạnh phúc chư thiên và nhân loại"). Vị Bồ tát luôn có khuynh hướng bố thí và phát triển khuynh hướng bố thí như vậy. Tâm Bồ tát vào thời điểm bố thí. - Khi người thọ thí là người thân, vị ấy suy nghĩ "Một người thân thuộc của ta, đang cần thiết nơi ta những vật dụng như vầy… như vầy". Tâm Bồ tát phát sanh hoan hỷ. - Nếu là người không thân, không thù, vị ấy suy nghĩ: "với hành động bố thí này, ta chắc chắn sẽ chiếm được tình bạn của người ấy". Và tâm Ngài phát sanh hoan hỷ. - Nếu là kẻ thù, vị ấy đặc biệt hoan hỷ quán xét rằng: "Kẻ thù của ta đang nhờ ta giúp đở . Với hành động bố thí, chắc chắn kẻ thù sẽ trở thành người thân của ta". Vì thế, đối với ba đối tượng thọ thí: thân, không thân - không thù, và kẻ thù, Bồ tát luôn có sự hoan hỷ khi thực hành bố thí như nhau. Tâm Bồ tát vào thời điểm khó khăn. Thời điểm khó khăn là thời điểm có người xin tứ chi hay mạng sống. Bấy giờ vị Bồ tát Chánh giác sẽ quán xét như sau: - Ngươi mong ước trở thành Phật để cứu giúp chúng sanh, ngươi có từ bỏ thân mạng này để chúng sanh được an vui, đó chính là tâm nguyện của ngươi. Hiện nay ngươi đang bị dính mắc với những cảnh bên ngoài, giống như con voi đang tắm. Voi tắm rửa chỉ sạch bên ngoài nhưng làm hủy hoại chồi non hay cuống sen, cũng vậy ngươi bám víu vào cảnnh bên ngoài là mạng sống sẽ hủy hoại mầm non Phật quả mà ngươi ước nguyện. Vì vậy ngươi không nên dính mắc vào bất kỳ cảnh nào. - Ngươi mong mỏi thành Phật quả, nhưng dính mắc vào thân thể, mạng sống thì làm sao thành tựu ước nguyện này? Làm sao giúp đở chúng sanh ? Như một cây thuốc quý, những ai cần rễ thì lấy rễ, ai cần giác cây thì lấy giác cây, cần vỏ cây thì lấy vỏ cây, cần lỏi cây thì lấy lỏi cây, cần hoa… quả… lá.. họ lấy bất kỳ thứ gì mà họ cần. Mặc dù bị lấy rễ, vỏ... cây thuốc vẫn không xao động với ý nghĩ: "Họ tước đoạt tài sản của ta". Ngươi hãy như cây thuốc quý ấy đi. Ngoài ra, vị Bồ tát còn quán xét như vầy: "Là người tích cực vì lợi ích của chúng sanh, ta không nên giữ gìn tấm thân dơ bẩn này, mà từ chối lợi ích của chúng sanh khác. Tứ đại (đất, nước, lửa. gió) dù bên trong (cơ thể) hay bên ngoài (thế giới bên ngoài) tất cả đều thối rữa, tan rã. Không có sự phân biệt giữa các yếu tố bên trong hay bên ngoài, đã không có sự phân biệt, nhưng còn dính mắc "đây là của ta, đây là ta", đó là hiện bày của si mê.[2] Vì vậy, ta không nên quan tâm đến tay, chân, mắt, thịt và máu, giống như không quan tâm đến vật ngoài thân, ta nên chuẩn bị để từ bỏ toàn bộ cơ thể của ta với ý nghĩ "Những ai cần đến chúng, hãy lấy đi". Khi Bồ tát quán xét theo cách này rồi, tâm Ngài không còn quan tâm đến tứ chi hay mạng sống. Ngài từ bỏ chúng vì mục đích thành tựu Phật trí và thân, ngữ, ý của Bồ tát trong thời điểm ấy, càng trở nên trong sạch hơn. Đây là phần chi tiết về sự quán xét của Bồ Tát về bố thí Balamật. 2- Về giữ giới Balamật. Giới là nước Pháp có thể tẩy được các ô nhiễm trong tâm. Giới là loại thuốc có công năng chữa trị những chứng bịnh của "dục vọng", làm mát dịu sức nóng của dục, một loại diệu dược hữu hiệu để loại trừ sức nóng "tham dục", cho dù là gỗ đàn hương mát lạnh cũng không thể làm dịu sức nóng này, ngoại trừ ân đức giới. Giới là vật trang điểm cao quý của bậc trí, những tư trang như: vòng cổ, vương miện hay hoa tai… của những người bình thường, có thể bị hủy hoại do bên ngoài, nhưng Giới thì không. Giới là hương thơm tự nhiên, tỏa hương đến tất cả các hướng dù xuôi gió hay ngược gió. Đó là mùi hương tuyệt hảo khiến cho vua chúa, sa môn, bàlamôn, chư thiên và Phạm thiên phải tôn kính. Giới là những nấc thang đưa đến thiên giới và phạm thiên giới. Giới là phương tiện để đạt được thiền định (jhāna) và thắng trí (abhiññaṇa). Giới là con đường dẫn đến Niết Bàn. Giới là nền tảng làm thành tựu tất cả những ước nguyện. Giới cao quí hơn cả viên ngọc như ý (cintamani) vì rằng: "Ngọc như ý chỉ giúp thành tựu những vật chất, còn giới thành tựu được cả vật chất lẫn tâm linh". Trong Tăng chi kinh, bài kinh Aggikkhandhopama sutta (kinh Giải về đống lửa)[3], Đức Thế Tôn chỉ ra những tội lỗi của các vị Tỳ khưu không có giới. Tóm lược như sau: Một lần, Đức Phật du hành trong xứ Kosala cùng với đoàn chư tăng. Khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng ở một nơi, Đức Phật rời đường lớn và ngồi trên tọa cụ (tấm vải gấp bốn) dưới một cội cây, do Đại đức Ānanda đã chuẩn bị xong. Đức Phật hỏi: - Này các tỳ khưu, các ngươi có thấy nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy rực lửa ngọn (ādittaṃ, sampajjalitam., sajotibhūtaṃ) không?. - Thưa có , bạch Thế Tôn. - Này chư tỳ khưu, điều gì tốt hơn: ngồi và nằm ôm một ngọn lửa cháy dữ dội hay ngồi và nằm ôm một cô gái với thân hình mềm mại, được sinh ra trong dòng dõi vua chúa, dòng dõi Bàlamôn, dòng dõi gia chủ. Các vị tỳ khưu trả lời (không trí tuệ) rằng: "tốt hơn là ngồi và nằm ôm một cô gái." Đức Phật dạy rằng: "Ta tuyên bố cho các ngươi, này các tỳ khưu. Ta nói rõ (paṭivedayāmi) cho các ngươi, này các tỳ khưu: Với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ (saṅkassara) những hành vi che đậy, không phải Samôn nhưng tự nhận là Samôn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục (avassuto), tánh tình bất tịnh (kasambujāto). Thật tốt hơn cho người ấy ngồi và nằm với ngọn lửa cháy dữ dội, vì nó gây ra đau đớn chỉ trong một kiếp sống trong khi đó ôm một cô gái thì sẽ dẫn họ đến cõi dữ, ác thú, ngạ quỷ giới (petabhūmi), địa ngục. Đức Phật tiếp tục hỏi các vị tỳ khưu: b- Bị một người lực lưỡng dày vò bằng cách treo ngược chân của một người lên bằng sợi dây da, xiết chặt sợi dây da cắt đứt da, thịt, gân và xương. Hay nhận sự đảnh lễ của của các Sátđếylỵ, Bàlamôn, gia chủ. c- Bị người lực sĩ với cây kiếm sắc bén đâm vào giữa ngực (paccorasmiṃ). Hay thọ nhận chấp tay vái chào của các gia chủ sátđếlỵ, Bàlamôn, gia chủ… d- Bị người lực lưỡng dùng tấm sắt nóng đỏ bao bọc thân mình lại hay sử dụng y do người có đức tin bố thí? e- Bị người lực sĩ với kềm sắt nướng đỏ, mở miệng người ấy ra, dùng cây sắt nóng đỏ chống (hai hàm) lên, rồi ném vào miệng hòn sắt nóng đỏ làm cháy tất cả các cơ quan bên trong (môi, vòm miệng, lưỡi, cổ, ngực, dạ dày và nội tạng) rồi hòn sắt thoát ra ngoài theo đường ở dưới. Hay thọ dụng những thực phẩm do người có niềm tin bố thí? f- Bị người lực sĩ nắm chặt lấy đầu hay vai và ấn ngồi xuống hay nằm lên một tấm sắt được đốt cháy đỏ rực. Hay dùng giường hoặc sàng tọa do người có đức tin bố thí? g- Bị người lực sĩ nắm lộn ngược và ném vào một chảo sắt lớn đang sôi. Hay ngụ tại thiền viện, liêu thất được người có đức tin bố thí. Với sáu câu hỏi tiếp theo của Đức Phật, các vị tỳ khưu trả lời (không trí tuệ) như đã trả lời câu hỏi đầu tiên. Và Đức Phật đã tuyên bố tương tự như câu giải đáp đầu tiên là: "với người không có giới đức thì tốt hơn là bị hành hạ, vì chúng chỉ gây ra đau đớn trong kiếp sống hiện tại, nhưng không vì nhân đó duyên đó mà rơi vào khổ cảnh, trái lại với sự hoan hỷ được người có đức tin kính trọng, được người có đức tin đảnh lễ, được người có đức tin cúng dường bốn món vật dụng, nhưng không nghiêm trì giới hạnh sẽ dẫn đến cõi khổ và chịu đau khổ cùng cực trong một thời gian dài". Đức Phật kết thúc bài pháp với những lời dạy sau: "Do vậy, này các tỳ khưu, các ngươi cần phải học tập như sau: Chúng ta hưởng thụ các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh của những ai, đối với những người ấy, sở hành như vậy sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, Và sự xuất gia của chúng ta sẽ không có trống không, có kết quả, có thành tích (sa-udrayā)." Như vậy, này các tỳ khưu, các ngươi cần phải học tập (sikkhā). Theo bản sớ giải: Để đem đến lợi ích cao nhất cho người bố thí tứ vật dụng với đức tin và đời sống trong Tăng đoàn được trong sạch. Vị tỳ khưu nên tinh cần làm tăng trưởng ba điều học (sikkhā) là: tăng trưởng giới học (adhisīlasikkhā), tăng trưởng tâm học (adhicittasikkhā) và tăng trưởng tuệ học (adhipaññāsikkhā). "Này các tỳ khưu, với ai thấy được lợi ích của mình, thật vừa đủ để tinh cần (sampādetuṃ), không phóng dật. Này các tỳ khưu, với ai thấy được lợi ích của người, thật vừa đủ để tinh cần, không phóng dật. Này các tỳ khưu, với ai thấy được lợi ích của cả hai, thật vừa đủ để tinh cần, không phóng dật". Vào cuối thời pháp, 60 vị tỳ khưu không có giới đức thổ huyết, 60 vị tỳ khưu phạm tội nặng thì rời khỏi tăng đoàn sống đời phàm tục, 60 vị tỳ khưu có đời sống trong sạch thì đắc quả Alahán. Bài kinh trên nói lên uy lực của Giới, Giới đưa đến thánh thiện tuyệt đối là Alahán quả. Ở đây nên ghi nhận: "Đối tượng thuyết giảng là bậc xuất gia, bậc xuất gia dù là có giới hạnh trong sạch cũng không được ôm ấp nữ nhân (câu hỏi đầu tiên). Bậc xuất gia có giới hạnh trong sạch, xứng đáng thọ nhận bốn món vật dụng cùng sự đảnh lễ, vái chào của người có đức tin". Người có trí (Bồ tát) nên quán xét về những đặc tính của giới như vầy: - Người có giới thường hoan hỷ trong tâm rằng: "Ta đã thực hiện một việc thiện là: giúp người khác thoát khỏi tai họa (tức là ta không mang tai họa đến cho người khác)". - Người có giới thường thoát khỏi nguy hiểm: "tự trách mình hay bị các bậc có trí chỉ trích". - Người có giới thoát ra khỏi sự trừng phạt của ác nghiệp, không đi đến cõi khổ. - Người có giới được người trí tán dương: "người này có đạo đức và có hạnh tốt". - Giới là nhân căn bản của niệm (sati), giới mang đến lợi ích như ngăn chặn không bị mất tài sản (bhogavyasana)... loại trừ các ô nhiễm, giới là nguồn gốc tốt đẹp nhất của sự thịnh vượng và hạnh phúc. - Ngay cả với người ở đẳng cấp thấp, khi có giới thì nhận được sự kính trọng và tôn kính của người ở đẳng cấp cao như vua chúa, Bàlamôn... do vậy, giới giúp người ấy vượt qua mọi đẳng cấp về sanh chủng. - Tài sàn giới đức vượt trội hơn tài sản vật dụng bên ngoài, vì rằng: Giới tài sản không bị đe dọa bởi năm kẻ thù, giới tài sản sẽ theo người chủ đến kiếp sống kế tiếp. Lợi ích của giới tài sản rất lớn đồng thời là nền tảng để phát triển định và tuệ. - Ngay cả những người có quyền thế trong thế gian cũng không thể kiểm soát được tâm mình, chỉ ai là người có giới mới kiểm soát được tâm mình (cittissariya). Do đó, giới là cao thượng hơn quyền lực của vua chúa... - Người có giới có nhiều uy lực (issariya) trong các kiếp tương ứng của mình. - Giới cao thượng hơn thậm chí với chính cuộc sống. Như Đức Phật dạy: "Yo ca vassasataṃ jive. - Người có giới thậm chí còn được kẻ thù quý trọng. - Người có giới, không thể bị những bất hạnh, yểu tử, bịnh hoạn đánh bại. Chỉ những người không có giới mới bị những điều trên đánh bại. - Giới là sắc đẹp, sắc đẹp ấy vượt qua vẻ đẹp hình thể, cho dù người có thể mạo không xinh đẹp, nhưng giới sẽ làm cho người ấy trở nên xinh đẹp trong mắt các bậc hiền trí. Trái lại, tuy thể hình xinh đẹp, nhưng không có giới người ấy cũng trở thành xấu xí đối với phần đông đại chúng. - Giới cao thượng, xinh đẹp hơn cả những lâu đài cao - đẹp nhất hay cao thượng hơn địa vị của vua, quan. Vì rằng: "Vua, quan không giới đức sẽ bị người đời nguyền rủa, trái lại người dân thường có giới thì được tán dương, khen ngợi". - Giới tốt đẹp hơn gia quyến và bằng hữu. Vì rằng: "Thân tộc hay bằng hữu không thể giúp ta thoát khỏi khổ cảnh, chỉ có giới giúp ta được điều này." - Dù phải sống cô đơn vì giới hạnh, tốt hơn giao du với bạn ác, lợi ích và hoan hỷ cho những ai gìn giữ giới và giới sẽ theo sát người đó đến kiếp sống mới. - Cơ thể khó giữ gìn để tránh khỏi nguy hại bởi bốn loại kẻ thù: già, bịnh, chết và các vật khác như thuốc độc, vũ khí … Nhưng giới không bị bốn loại kẻ thù này làm hại, đó là người cận vệ đặc biệt của người có trí. - Giới là nền tảng cho các trạng thái an lạc của chư thiên, Phạm thiên hay Nípbàn. Khi quán xét : "giới có đầy đủ các tính chất" như thế, thì giới chưa hoàn thiện của vị ấy sẽ trở nên hoàn thiện hay giới không trong sạch sẽ trở nên trong sạch. Đứng trước nghịch cảnh có thể vi phạm giới do thân thể hay mạng sống bị đe dọa, vị Bồ tát thường tự dạy tâm: "Ngươi không quyết định thành tựu trí đạo Alahán (Arahattamagga ñāṇa) của bậc Chánh đẳng giác ư?. Nếu giới của ngươi khiếm khuyết, ngay cả những lợi ích thế gian ngươi cũng không thể thành tựu, nói chi đến sự thành tựu Siêu thế pháp. Giới là nền tảng cho ngôi vị Chánh đẳng giác và giới ấy phải có phẩm chất cao, do vậy, ngươi hãy là người gìn giữ giới hơn là gìn giữ tứ chi hay mạng sống". Hay là Bồ tát quán xét như sau: "Như vị lương y cho toa thuốc mà không biết phẩm chất vị thuốc thì không đáng tin cậy và vị lương y ấy không thể chữa trị cho bịnh nhân. Cũng vậy, ngươi giảng Pháp qua ba đặc tính: vô thường, khổ, vô ngã để tế độ chúng sanh. Ngươi đang giúp chúng sanh sơ cơ an trú vào năm quyền pháp là: đức tin, tinh tấn, niệm, định và tuệ, để đạt đến chân pháp. Và giới là cơ sở căn bản để người khác tin tưởng lời dạy của ngươi. Ngươi giảng về lý vô thường, vô ngã vì sao ngươi vi phạm giới chỉ vì muốn bảo vệ tứ chi hay mạng sống?. Để tế độ chúng sanh tin tưởng, an trú trong năm quyền pháp một cách chín chắn, ngươi phải là người có giới trong sạch, cho dù phải hy sinh tứ chi hay ngay cả mạng sống". Hoặc là Bồ tát suy nghĩ: "Chỉ khi nào ta đạt được những đặc tính cao thượng của thiền, thắng trí... ta mới có thể giúp đỡ người khác và tu tập các pháp thuộc về tuệ Balamật. Và những tính chất đặc biệt trên không thể thiếu vắng "giới trong sạch". Do vậy, ngươi nên là người có giới trong sạch tự nhiên". Khi quán xét như vậy, Bồ tát dứt khoát giữ trong sạch giới trong mọi hoàn cảnh. 3- Về xuất gia Balamật. Bồ Tát quán xét về những bất lợi của đời sống gia đình, tâm lý giải thoát khỏi khổ luân hồi sẽ bị lui sụt vì trách nhiệm đối với vợ con… đồng thời những phiền não trong đời sống gia đình sẽ làm cho những pháp Balamật khó hành trì, khó gìn giữ, khó tăng trưởng. Như khi muốn thực hiện pháp bố thí chẳng hạn, nhưng nghĩ đến vợ con đang thiếu ăn, thiếu mặc lập tức tâm chùn bước ngay… Bồ tát quán xét về sự thuận lợi trong đời sống không gia đình, được tự do như chim thiên nga vẫy vùng trong không gian rộng lớn và tự tại. Trong Trung bộ Kinh, bài kinh Tiểu khổ uẩn (Cūladukkhakkhandha sutta), có mô tả: Thích tử Mahānāma (Đại danh) đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình lên Đức Thế Tôn về ý nghĩ của mình: "Tuy biết tham, sân, si là cấu uế của tâm. Tuy vậy, đôi lúc tham, sân, si chiếm cứ tâm và an trú." Và gia chủ Mahānāma tự suy nghĩ: -"Pháp nào trong con không đoạn trừ được, do vậy các tham pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các sân pháp… các si pháp chiếm cứ tâm con và an trú." Đức Phật dạy: -"Này Mahānāma, có một pháp trong ngươi chưa được đoạn trừ, do vậy các tham pháp chiếm cứ tâm ngươi và an trú, các sân pháp… , các si pháp chiếm cứ tâm ngươi và an trú và an trú. Và này Mahānāma, pháp ấy trong ngươi có thể đoạn trừ được nếu ngươi không sống trong gia đình, nếu ngươi không thụ hưởng các dục (na kāme paribhuñjeyyāsi). Và này Mahānāma, vì pháp ấy trong ngươi chưa được đoạn trừ, nên ngươi sống trong gia đình và thụ hưởng các dục."[5] Pháp mà gia chủ bị vướng mắc đó là gì? Đó là thụ hưởng các dục, đỉnh cao là phi phạm hạnh (abrahmacariyā), nên trong Luật tạng có điều học: "vị tỳ khưu hành dâm bất cứ với đối tượng nào, bị tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn". Cho dù tội này có người biết hay không có người biết, xem như vị tỳ khưu ấy đã "lìa xa Giáo pháp này rồi". Nên chú ý một thực tế rằng: - Thụ hưởng các cảnh dục: an lạc thì ít mà sầu não thì nhiều. - Trong khi truy tầm các cảnh dục do tham dục chi phối, người ấy có thể nhận sự đau khổ khi gặp nóng, lạnh hoặc do muỗi, ruồi, loài bò sát ... gây ra đau khổ. - Tầm cầu những cảnh dục nhưng không được thì sự buồn khổ, sầu não phát sanh. - Tâm luôn lo lắng gìn giữ những cảnh dục đã có được, trước những nguy hại do năm loại kẻ thù (nước, lửa, trộm đạo, vua – quan, phi nhân), khi mất mát chúng sẽ buồn khổ. - Những nguy hại của tham đắm dục lạc dẫn đến đau khổ trong kiếp này lẫn kiếp sau sau. 4. Về trí tuệ Balamật. "Không có tuệ thì các Balamật như bố thí... không thể trở nên trong sạch và tác ý bố thí, tác ý giữ giới... không thể thực hiện được các chức năng tương ứng". Nếu không có sự sống thì các cơ quan trong thân thể như mắt, tai… mất đi dấu hiệu hoạt động, đồng thời không thể thực hiện chức năng tương ứng như thấy, nghe, ngửi.. một cách hoàn hảo. Cũng vậy, sự chân thật, tinh tấn... không thể làm được nhiệm vụ tương ứng một cách có hiệu quả khi không có trí. Do đó, tuệ là một trong ba điểm chính yếu [6] để tu tập các Balamật. Tuệ giúp tu tập các Balamật khác như thế nào? - Đối với bố thí. Bồ tát luôn thấy rõ lợi ích của bố thí, ví như người luôn mở mắt thấy rõ ràng cảnh vật chung quanh. Cũng vậy, vị Bồ tát biết rõ mọi việc diễn tiến của bố thí nhờ vào trí tuệ. Nhưng Ngài chọn lợi ích cao nhất với tâm vị tha cao độ, thậm chí khi từ bỏ chân tay và cơ thể, các vị Bồ tát không tự ca tụng mình hay gièm pha người khác. Các vị Bồ tát không hề lầm lẫn và luôn hoan hỷ trước, trong và sau khi thực hiện bố thí. Chỉ khi có tuệ thì người đó mới có trí thiện xảo (upāya kosalla ñāṇa) trong lợi ích của tha nhân. Nói cách khác: trí được tăng trưởng trở thành trí thiện xảo, nhờ có trí thiện xảo trong lợi ích của người khác, bấy giờ các pháp như bố thí, trì giới, xuất gia…mới trở thành Balamật. Không có trí, người đó bố thí, trì giới.. chỉ vì lợi ích của chính mình, ví như người tìm lợi nhuận cho chính mình từ một việc đầu tư nào đó. - Đối với trì giới. Giới mà không có trí sẽ bị tham - sân chi phối, như một người thích thú cảnh giới an lạc ở cõi trời nên giữ giới, hay vì bị chỉ trích nên giận lẩy "gìn giữ giới"… những giới như thế không thể trong sạch, không là nền tảng để thành tựu Chánh đẳng giác hay Đạo quả, Nípbàn. - Đối với xuất gia. Chỉ người có trí mới thấy rõ được những tội lỗi trong đời sống gia đình và những lợi ích của đời sống ẩn dật. - Thấy rõ những tội lỗi trong tham dục và những lợi ích thành tựu thiền tịnh (jhāna). - Thấy rõ những tội lỗi trong vòng luân hồi và những lợi ích của Nípbàn. Nhờ trí tuệ thấy rõ được như vậy, Bồ tát xuất gia sống đời sống không gia đình, phát triển thiền định và chứng đạt Niết bàn. Khi ấy, Bồ tát có thể giúp người khác xuất gia, chứng thiền hay đạt được thắng trí. - Đối với tinh tấn. Tinh tấn không có trí dễ rơi vào tà tinh tấn, nó không giúp đạt được mục đích tốt đẹp mong muốn, trái lại còn đưa đến những hậu quả tệ hại. Như trong Trung bộ kinh có đề cập đến: 1- Puṇṇa Koliyaputta người thực hành hạnh con bò (govatika: sau khi chấp nhận tu hạnh con bò (go-vata), y cắm trên đầu một cái sừng và cột sau lưng cái đuôi, nó đi ăn cỏ chung với những con bò khác và sinh hoạt y như loài bò – MA.iii, 100). 2- Lõa thể Seniya người thực hành hạnh con chó (kukkuravatiko: Sau khi chấp nhận thực hành hạnh con chó, y làm tất cả những gì con chó làm). Hai người đi đến Đức Thế Tôn, người này hỏi Đức thế Tôn về sinh thú của người kia, Đức thế Tôn từ chối trả lời nhưng cả hai khẩn thiết van nài. Đức Thế Tôn dạy rằng: "Ở đây này Puṇṇa, người nào hành trì hạnh con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì theo cách sinh hoạt con chó một cách hoàn toàn viên mãn… sau khi thân hoại mệnh chung sẽ sanh thân hữu (upapajjati) cùng với các loài chó. Nếu nó có tà kiến như sau: "Do giới này, hạnh này, khổ hạnh này, hay phạm hạnh này (brahmacariya: phạm hạnh, MA.iii, 100 có giải thích: "nó cho rằng "đời sống như vậy là cao thượng"), ta sẽ sanh thành chư Thiên hay chư Thiên khác. Này Puṇṇa, đối với kẻ có tà kiến, Ta nói có một trong hai sinh thú như sau : Địa ngục hay bàng sanh…"[7] Tương tự như thế đối với người hành theo hạnh con bò. Xem ra không tinh tấn còn tốt hơn là tà tinh tấn như thế. Nhờ có trí trí tuệ nên tinh tấn trở thành chánh tinh tấn để đạt đến những cảnh cần thiết như cảnh thiền tướng, tiến gần đến Nípbàn cảnh. - Đối với nhẫn nại. Chỉ người có trí mới có thể chịu đựng những điều sai trái do người khác tạo ra. Người không có trí, trước những hành động xúc phạm đến mình, sẽ bị kích động tâm.Kẻ ấy sẽ có trạng thái không trong sạch như sân hận, thù oán ... Trái lại, đối với người có trí những hành động khiêu khích này, sẽ giúp đở vị ấy có cơ hội thực hành và làm tăng trưởng pháp nhẫn nại. - Đối với sự thật (sacca). Chỉ người có trí mới thấu hiểu được ba sự thật: sự thật của xa lánh (virati sacca), lời chân thật (vacī sacca), trí như thật (ñāṇa sacca: trí thấy được nhân quả). Tự mình hiểu thấu đáo sẽ: "từ bỏ những gì nên từ bỏ (virati), tu tập những gì nên tu tập (bhāveti), và có thể giúp đỡ người khác không lìa xa con đường đúng đắn (là bát chánh đạo). - Đối với quyết định. Với trí tuệ, người ấy thấy rõ "điều lợi ích hay không lợi ích, có hại hay không có hại". Với điều có hại vị ấy quyết định xa lánh, với điều lợi ích vị ấy quyết định thực hiện. - Đối với từ tâm. Với ba đối tượng: bạn, không thân – không thù và kẻ thù, chỉ người có trí mới có thể hướng tâm từ đến ba đối tượng ấy như là một. - Đối với tâm xả. Chỉ người có trí mới có thể giữ được tâm thăng bằng trước những thăng trầm của cuộc sống, dù tốt hay xấu cũng không bị chúng làm ảnh hưởng, xáo trộn tâm để rồi vui buồn… như kẻ thường tình. Khi quán xét theo những cách như thế, đó là đặc tính của trí tuệ để nhận ra các pháp đang thực hành. Trí là nhân làm cho các pháp Balamật trở nên trong sạch tốt đẹp. Vị Bồ tát thường tự nhắc nhở mình: "Không có trí thì không thể có "hiểu biết" (sammādiṭṭhi) trong sáng và hoàn hảo. Không có sự hiểu biết trong sáng hoàn hảo thì không có giới trong sáng hoàn hảo. Không có giới trong sáng hoàn hảo thì không thể có định trong sáng và hoàn hảo. Không có định trong sáng và hoàn hảo thì không thể đạt đến sự chứng ngộ pháp như thật viên mãn. Không có giới - định - tuệ trong sáng hoàn hảo, người đó không thể hành động vì lợi ích của mình nói chi đến lợi ích của người khác. Muốn thực hiện hành động vì lợi ích của người khác, ngươi cần nổ lực cao độ để phát triển trí". Với sức mạnh của trí, vị Bồ tát đứng vững vàng trên bốn cứ điểm (catutthādhiṭṭhāna) là: trí (paññā), sự thật (sacca), buông bỏ (cāga) và an tịnh (upasama). Bồ tát đem lợi ích đến cho tất cả chúng sanh với bốn pháp tế độ (catu saṅgahavatthu) là: Bố thí (dāna), ái ngữ (piyavajjaṃ), lợi hành (atthacariyā) và đồng sự (samānattatā), giúp chúng sanh ở trên con đường giải thoát và an trú chúng sanh vào năm quyền pháp : đức tin, tinh tấn, niệm, định và tuệ chín chắn. Trí trong bốn cứ điểm là: - Nhờ năng lực của trí, Bồ tát tìm hiểu về các sự thật của pháp như: Uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) ... hiểu biết đúng đắn về sự vận chuyển của các pháp ấy trong quá trình luân hồi và sự chấm dứt của nó. Đây là trí về sự thật. - Bồ tát tích cực làm các việc thiện như bố thí Balamật, giữ giới Balamật ... để buông bỏ những căn bản bất thiện tham, sân, si. Đây là trí về buông bỏ. - Vị Bồ tát quyết định phát triển tâm đến giai đoạn lợi ích nhất trong an tịnh tâm (là chứng đạt thiền Phi tưởng phi phi tưởnng xứ). Đây là trí về an tịnh (upasama). - Khi thấu hiểu được nhiều tác dụng của trí như thế nên vị Bồ tát luôn nỗ lực làm tăng trưởng trí. Đây là trí về trí . 5. Về tinh tấn Balamật Ngay cả những lợi ích thế gian cũng không thể đạt được, nếu người đó không có sự tinh tấn cần thiết và sự kết thúc có thể thấy trước được khi người ấy biếng nhác. Nhưng với người có sự tinh tấn không mỏi mệt thì không gì không thể đạt được. Bồ tát quán xét rằng: "- Người thiếu tinh tấn không thể thực hiện nhiệm vụ cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng xoáy của luân hồi. Thậm chí ngay cả khi khởi đầu, người ấy đã thấy rõ sự thất bại. - Người có sự tinh tấn vừa phải sẽ không theo đến cùng, sẽ bỏ dở giữa chừng khi nhận nhiệm vụ. - Chỉ người có tinh tấn cao độ, chăm lo đến lợi ích của chúng sanh, không quan tâm đến lợi ích cá nhân thì mới đạt được mục đích cao thượng nhất (ám chỉ bậc Chánh đẳng giác)". Lại nữa, không có tinh tấn thích hợp thì ngay cả Bồ tát Thinh văn (sāvaka bodhi) hay Bồ tát Độc giác (paccekabodhi), cũng không đạt được mục đích thành tựu giác ngộ, thoát khỏi luân hồi như mong muốn. Làm sao một người có nguyện vọng: sau khi tự giác ngộ, sẽ tế độ chúng sanh khác, như người - trời, Phạm thiên mà không cần tinh tấn thích hợp? Các ô nhiễm như tham, sân, si ... khó bị loại trừ nếu như không có tinh tấn. Các ác bất thiện nghiệp do các ô nhiễm này tạo nên, như những tên đao phủ đang cầm thanh gươm bén sẵn sàng sát hại người ấy, các ác bất thiện nghiệp này đang mở cửa bốn cõi khổ. Có thể nào thoát khỏi những ác bất thiện nghiệp đã tạo mà không có sự tinh tấn?. Sự thoát khỏi khổ luân hồi là có thật. Có hợp lý chăng, không cần cố gắng chi cả, sự thoát khổ tự động đạt được?. 6. Về nhẫn nại Balamật. "Nhẫn nại là pháp loại trừ những nguy hiểm do sân gây ra. Như vũ khí sắc bén dùng để diệt trừ những chướng ngại, khai quang vùng tăm tối trở thành quang đãng. Cũng vậy, nhẫn nại là vũ khí sắc bén, cắt đứt mọi ràng buộc của sân hận, thù oán… làm tâm trở nên trong sáng tốt đẹp. Nhẫn nại như dòng nước mát làm tắt ngọn lửa sợ hãi, thù hận, độc ác. Nhẫn nại là khuynh hướng tốt đẹp của Samôn, Bàlamôn, như lời Phật dạy: "Khantī paramaṃ tapo titikkhā. "Ví như bờ biển ngăn chận những cơn sóng dữ, những ngọn sóng dù lớn hay nhỏ đều chấm dứt tại bờ biển. Cũng vậy, nhẫn nại ngăn chận và chấm dứt những cơn sóng thù hận, bất bình, khó chịu.. Nhẫn nại là then chốt, đóng chặt cánh cửa dẫn đến các cõi khổ. Nhẫn nại là cầu thang dẫn đến cõi chư thiên - phạm thiên, đó là nơi an tịnh trong sáng, là sự trong sạch nhất của thân, khẩu và ý". Bồ tát khi tu tập pháp nhẫn nại, Ngài thường xuyên quán xét về những đức tính nhẫn nại như vầy: "Những chúng sanh này đuổi theo các nghiệp bất thiện, hậu quả là họ bị đau khổ trong kiếp hiện tại cũng như trong kiếp sau. Tuy đang chịu đựng những điều sai trái do người khác gây ra, nhưng thật ra cơ thể của ta như cánh đồng và hành động gây đau khổ cho cơ thể này, là những hạt giống xấu đã gieo trong quá khứ. Chính ta là người đã gieo những hạt giống ấy, nay ta cần phải nhẫn nại để giải quyết món nợ đau khổ năm xưa đã gieo cho người khác". "Nếu không có người gây đau khổ thì làm sao ta tu tập nhẫn nại Balamật?" "Mặc dù hiện tại làm điều sai trái với ta, nhưng trong quá khứ người này vẫn có lần mang lợi ích đến cho ta". "Tất cả những chúng sanh này như con ta, làm sao một người cha có trí lại giận dữ, thù hận với chính con của mình?" "Người này làm điều sai trái với ta, có thể vì phi nhân (yêu, ma) quấy phá, ta nên xua đuổi yêu ma đang hành hạ người này bằng pháp nhẫn nại". "Thân - tâm (nāma rūpa) làm điều bất thiện (người đó) và thân - tâm nhận ra điều bất thiện (ta). Cả hai đều bị diệt rồi, vậy thì ai giận dữ với ai? Ta không nên giận dữ". Quán xét theo nghĩa này, nên Bồ tát thường xuyên tu tập pháp nhẫn nại. Từ những điều sai trái do người khác gây ra, do khuynh hướng tiềm ẩn trong chuỗi thời gian dài sinh tử, có thể có sự khó chịu, rồi tăng trưởng thành giận dữ áp đảo trong tâm. Người có tâm mong cầu giải thoát, nên quán xét như vầy: "Nhẫn nại là pháp đối nghịch với sân, điển hình là: những điều sai trái của người khác đang làm tâm ta khó chịu, sân hận đang áp đảo tâm ta. Vậy ta cần phải "chịu đựng chúng" để diệt trừ sân hận". "Những điều sai trái của người khác gây ra đau khổ cho ta là yếu tố tăng trưởng đức tin của ta (vì sự khổ là nhân của đức tin về nghiệp báo). Và đó cũng là yếu tố giúp ta nhận thức được những bất hạnh của thế gian, giúp ta nhàm chán thế gian (anabhirati saññā - tưởng nhàm chán)". "Khi giận dữ sẽ mất trí và điên cuồng. Vậy sự trả đủa của ta đối với người có ích lợi gì? "Đức Phật Chánh đẳng giác xem tất cả chúng sanh như chính đứa con yêu quý của mình. Do vậy, mong muốn trở thành Phật thì ta không nên giận dữ hay buồn phiền". Nếu người làm điều bất thiện là bậc có giới hạnh, nên quán xét: "ta không nên giận dữ với một người có giới hạnh như vầy". Nếu người làm điều bất thiện là kẻ ác giới, nên quán xét: "Ta nên đối xử với người này bằng tình thương, người có trí không ai giận kẻ điên cuồng cả". "Giận dữ thì giới hạnh của ta sẽ bị giảm sút". "Giận dữ với người này ta đã rơi vào sự thích ý của y, vì y:
"Sự giận dữ là kẻ thù đầy quyền lực gây ra tất cả sự nguy hiểm và hủy hoại tất cả hạnh phúc, an lạc." "Khi có nhẫn nại thì không có kẻ thù". "Với sự nhẫn nại ta sẽ không phải chịu đau khổ, đau khổ ấy trở lại với chính người gây ra". "Trà đũa người bằng sự giận dữ thì ta đang đi theo dấu chân của kẻ thù". "Nếu vượt qua sự giận dữ nhờ nhẫn nại, ta thắng được kẻ thù giận dữ"…. "Thật không thích đáng nếu ta từ bỏ pháp cao thượng vì giận dữ". 7. Về chân thật Balamật. Chân thật Balamật có thể được quán xét như vầy: "Khi sự chân thật bị vi phạm thì các tội ác sẽ đến". "Không có chân thật thì không thể có lời nguyện "thành bậc Chánh giác", đồng thời lời nguyện này không thành sự thật. "Người quen dối trá, được xem là người không đáng tin cậy trong hiện tại lẫn vị lai. Và lời nói của người này không được người khác chấp nhận". "Chỉ với sự chân thật thì mới có thể tăng trưởng giới - định - tuệ. 8. Về quyết định Balamật. - Các việc thiện như bố thí, giữ giới...không có sự quyết định vững mạnh khi gặp phải những chướng ngại như: bỏn xèn (macchariya), ác giới (dussīla)... Việc thiện ấy sẽ không thành hiện thực. - Không có cương quyết thì không thể có dũng khí khi thực hành. 9. Về tâm từ Balamật. Người tuy có tài sản nhưng không có tâm từ, sẽ dễ dàng rơi vào bỏn xẻn. Và như thế tài sản ấy sẽ không thể hưng vượng trong tương lai. Mong chúng sanh hưởng hạnh phúc Nípbàn, vị Bồ tát phải phát triển tâm từ như thế nào? Phải phát triển tâm từ rộng lớn vô bờ bến đối với tất cả chúng sanh. Bồ tát suy nghĩ như sau: - Sau khi chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác, ta sẽ tế độ chúng sanh đạt được hạnh phúc Siêu thế Nípbàn. Chưa thành tựu được hạnh phúc Siêu thế, ngay bây giờ ta hãy mong cho chúng sanh có được hạnh phúc thế gian. - Nếu trong tâm ý không có tâm từ, làm thế nào ta có thể thực hiện những hành động qua thân - ngữ để giúp đỡ chúng sanh đạt được lợi ích?. - Người thừa tự pháp của ta sau này, phải là những người được ta nuôi dưỡng trong tâm từ. - Không có những chúng sanh này, ta không thể có những điều kiện cần thiết để tu tập các Balamật. Vậy ta nên có từ tâm đến những chúng sanh ấy. - Chúng sanh này đã tạo điều kiện giúp ta thực hiện và tu tập các pháp để trở thành bậc Chánh giác. Họ như cánh đồng phì nhiêu để gieo những hạt giống thiện, nơi tốt nhất để thực hiện các hành động thiện, như vậy họ nơi duy nhất được thương yêu gìn giữ. Theo nghĩa này, nên vị Bồ tát đặc biệt tu tập tâm từ hướng về tất cả chúng sanh. Các đặc tính của tâm từ cũng có thể được quán xét như sau: -Tình thương là bước ban đầu dẫn đến tâm đại bi (mahā karuṇā) của vị Chánh giác sau này. -Bồ tát là vị hoan hỷ trong việc đem đến lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh không có sự phân biệt, đó là tâm từ (metta). - Mong muốn loại bỏ sự đau khổ và bất hạnh của chúng sanh, đó là tâm bi (karuna). Do vậy, tâm từ tạo nền tảng cho tâm bi, tâm từ bi có thể được phát triển khắp mọi nơi, mọi hướng, đến với tất cả chúng sanh. 10. Về tâm xả Balamật. - Sự xỉ nhục và những điều sai trái do những người khác tạo ra, có thể gây loạn tâm nếu như người này không có tâm xả, - Tâm bị náo loạn thì không có khả năng làm những việc thiện thậm chí là bố thí ... - Khi tâm từ được tu tập hướng đến chúng sanh, nếu không có Xả thì tâm không trọn vẹn trong sạch, vì nương theo tâm Từ ái luyến có thể sanh lên, như người mẹ thương con dễ dẫn đến "ái ngã sở (yêu cái của tôi)" hoặc tình bạn quá khắn khít có thể dẫn đến ganh tỵ ….. Do đó, Từ Balamật không hình thành nếu thiếu tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. -Không có tâm xả thì không thể hướng lợi ích đến chúng sanh, vì nghĩ đến lợi ích cho chính mình. - Không có tâm Xả thì đặc tính "không phân biệt vật thí lẫn người thọ thí" không hình thành. - Không có tâm xả (đối với vật chất, hay chúng sanh khác) thì không thể làm trong sạch giới. Tức là không có tâm xả dễ dàng bị tham, sân chi phối qua tài vật… rồi dẫn đến vi phạm giới. - Khi thực hiện việc thiện, không có tâm xả sẽ ưa thích quả an lạc của thiện. Thế là dính mắc vào ái. - Nếu không có xả (buông bỏ) thì tinh tấn trong thiền không có kết quả lớn, không vượt lên cao. Như người chứng Sơ thiền, nếu không buông bỏ chi Tầm (vitakka), chi Tứ (vicāra) thì không thể chứng Nhị thiền…. - Tâm xả hổ trợ cho nhẫn nại vững mạnh. - Nhờ có tâm xả (lìa bỏ dối trá) mà chúng sanh có sự chân thật. - Giữ quân bình tâm trước những thăng trầm của cuộc sống, nên quyết định tu tập các Balamật trở nên vững mạnh và không lay chuyển. - Nhờ có tâm xả nên không quan tâm đến những sai trái của người khác, từ đó thúc đẩy tâm Từ tăng thịnh. Như vậy, Trí quán xét (paccavekkhan ñāṇa) về thuận lợi hay bất lợi, lợi ích hay không lợi ích của các pháp thiện, góp phần vào nền tảng kiến tạo các Balamật ngày càng tăng thịnh.
F- 15 đặc hạnh (abhicarana). (Có trình bày trong phần Bồ tát.). I- Các yếu tố làm ô nhiễm Balamật. Nói bao quát: "Yếu tố làm ô nhiễm pháp Balamật là: tôi, của tôi, chính tôi". Tức là do tham ái (ái ngã, ái ngã sở) chi phối. Như "tôi" là người cho, hay "đây là người thân của tôi nên tôi mới bố thí. Đây là người thân của tôi nên tôi không sân hận (có sự nhẫn nại)… Nói cách khác do tham, ngã mạn và tà kiến là nhân của sự ô nhiễm của các Balamật. Trong từng trường hợp riêng thì: 1- Về Bố thí. Suy nghĩ phân biệt các vật thí và những người thọ thí làm ô nhiễm bố thí Balamật. Vị Bồ tát tu tập bố thí Balamật, khi bố thí không có sự phân biệt vật thí đang có và người đang xin. Vị ấy không nghĩ đến phẩm chất vật thí: "đây là thứ quá tốt hay quá kém", vì khi nghĩ đến những vật quá tốt có thể sinh bỏn xẻn hay tâm không hoan hỷ khi cho, còn nghĩ đến vật quá xấu, có thể phát sinh ray rứt khi nhớ lại. Bồ tát sẽ cho những vật đang có đến những ai đang cần dùng, đến xin Ngài. Vị ấy không nghĩ đến người nhận: "Người này không có giới đức, ta không thể bố thí vật này đến cho người ấy". "Người này có giới đức, ta nên cúng dường đến vị ấy"….. Những suy nghĩ phân biệt như vậy làm cho bố thí Balamật không được trong sạch. 2- Về giới Balamật. Vị Bồ tát tu tập giới Balamật, không phân biệt chúng sanh và các trường hợp khác biệt. Như: "Ta sẽ không sát sanh chỉ với loài này, đối với loài khác thì không cần giữ giới không sát sanh". Hay "đây là người thân của ta, ta không nên trộm cắp", "đây là nữ thân tộc của ta, ta không nên tà hạnh" .... Hoặc là: "Ta chỉ giữ giới trong trường hợp này, trường hợp khác thì không". Như: Trước đại chúng thì "giữ gìn giới hạnh", còn khi ở nơi kín đáo thì nghĩ rằng: "Đây là nơi kín đáo, không ai trông thấy, ta không cần phài giữ gìn giới hạnh" ….. Khi suy nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm ô nhiễm giới Balamật. 3- Về xuất gia. Có hai loại dục: Vật dục (vatthukāma) và phiền não dục (kilesakaama). Khi suy nghĩ: "Đời sống tại gia, thụ hưởng những dục lạc như vầy… như vầy, nhưng đời sống xuất gia thiếu vắng những dục lạc ấy". Khi tâm mong cầu hay suy nghĩ về dục lạc của đời sống tại gia, đó là sự ô nhiễm của Xuất gia Balamật. Khi suy nghĩ: "Đời sống xuất gia, thụ hưởng những dục lạc như "được cúng dường, được cung kỉnh, được đảnh lễ…" Hay suy nghĩ: "Đời sống xuất gia sau khi thân hoại mệnh chung sẽ tái sanh về thiên giới, phạm thiên giới, sẽ thọ hưởng những thiên dục lạc. Nếu sanh lại cõi người sẽ thọ hưởng dục lạc của bậc có phước như làm vua, quan, trưởng giả…". Ý mong cầu những loại dục lạc như thế, là nhân gây ô nhiễm cho xuất gia Balamật. Thường suy nghĩ đến các dục lạc, khi không có các cảnh dục (như không được kỉnh trọng, không được đón tiếp, không được cúng dường..) thì khó chịu. Đức Phật có dạy: "Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ngươi như sau: "Chư hiền, có phải Samôn Gotama sống Phạm hạnh để được sanh lên cõi trời?". Này các tỳ khưu, được hỏi như vậy, các ngươi có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy hay không?" - Thưa có, bạch Thế Tôn.[10] 4- Về trí Balamật. Khi nghĩ về "tôi" (tức là chấp ngã, là tà kiến), "của tôi" (là ái ngã sở) là nhân gây ô nhiễm tuệ Balamật. Đức Phật có dạy : "Puttā m‘atthi dhanaṃ m’atthi. 5- Về tinh tấn Balamật. Tâm uể oải do hôn trầm, thuỵ miên chi phối. Theo luận Atỳđàm (abhidhamma), đó chính là những loại tâm tham hữu trợ (sa saṅkhārika). Đó là nhân gấy ô nhiễm cho tinh tấn Balamật. 6- Về nhẫn nại Balamật. Suy nghĩ với sự phân biệt "ta và người khác", là nhân gây ô nhiễm cho Nhẫn Balamật. Vì rằng: "có sự chấp "ta" sẽ dễ dẫn đến sân hận, thù oán. 7- Về chân thật Balamật. Do nắm giữ theo thường tình qua những khái niệm (chế định – paññatti), không nhận thức rõ bản thể pháp, là nhân gây ô nhiễm chân thật Balamật. Vì cái "biết" theo pháp chế định (paññatti dhamma), qua sự thấy, nghe… xúc chạm, không làm hiển lộ sự thật. 8- Về quyết định Balamật. Lưỡng lự, phân vân trước những lợi ích (có lợi ích hay không nhỉ?) của các hạnh lành (cariya), của sự buông bỏ (cāga) hay những lợi ích của Balamật, như: Có phải Balamật này đưa đến giải thoát không? Hay giải thoát đến thời gian nào đó tự động sẽ đến?… là nhân gây ô nhiễm quyết định Balamật. 9-Về tâm từ Balamật. Khi phân biệt đối tượng: "Đây là người thân, đây là kẻ thù. Đây là người ân của ta, đây không phải là người ân của ta…" là nhân gây ô nhiễm tâm Từ Balamật. 10- Về tâm xả Balamật. Phân biệt giữa những cảnh dục đáng hài lòng (như: được cung kỉnh, được tôn trong, được tán dương…) và những cảnh dục không đáng hài lòng, là nhân gây ô nhiễm cho Xả Balamật. Vì không thể thản nhiên trước cảnh tốt đẹp hay cảnh không tốt. Các Balamật được trong sạch khi không bị những pháp "ngâm tẩm" (āsava - lậu hoặc) như tham, ngã mạn, tà kiến… xen vào. II- Các yếu tố đối lập với Balamật. Các pháp đối lập với Balamật là những pháp bất thiện nói chung, khi đề cập đến chi tiết thì: Tham luyến hay dính mắc quả an lạc của bố thí, hoặc sự keo kiết (macchariyā) là đối lập của Thí Balamật (dānapāramī). Hoặc chính tham, sân, si là đối lập của thí Balamật như: do tham nên không thể bố thí, do sân nên không bố thí, do si nên bỏ qua bố thí… Thực hành pháp bất thiện qua thân- ngữ-ý là đối lập của Giới Balamật (sīlapāramī). Haymười điều ác là đối lập của giới Balamật. Thích thú với các cảnh dục và dính mắc vào các cõi (sinh hữu – bhava) là đối lập của Xuất gia Balamật (nekkhamma pāramī). Hay dính mắc trong dục, phẩn nộ (dosa) và hành xác (moha) là đối lập với xuất ly Balamật. Ảo tưởng (mayā) là đối lập của Trí Balamật (paññā pāramī). Tám cách biếng nhác (kusīta vatthu) là: a- Kammaṃ kātabbaṃ hoti. Do nghĩ đến việc sắp phải làm, nên huởn đải sự hành đạo. b- Kammaṃ kataṃ hoti. Do nghĩ : "ta mới vừa làm xong công việc, cần phải nghỉ ngơi". c- Maggo gantabbo hoti. Do nghĩ "ta sắp phải đi xa, nên cần phải nghỉ ngơi". d- Maggo gato hoti: Do nghĩ "Ta vừa vượt quảng đường dài, cần phải nghĩ ngơi". e- Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronto: Do nghĩ "Ta phải vào thành phố khất thực, cần phải nghĩ ngơi". f- Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronto alatthaṃ lūkhassa vā paṇītassa vā: Do nghĩ "Đi khất thực xong với vật thực vừa đủ dù là tốt hay xấu, nhưng còn mõi mệt, nên cần nghỉ ngơi. g- Uppanno hoti appamattako ābādho: Do nghĩ "Trong người vừa phát bịnh, cần phải nghỉ cho khỏe". h- Gilānāa vuṭṭhito hoti: Do nghĩ "Ta vừa khỏi bịnh, còn mệt nhọc cần phải nghỉ ngơi." [12] Tám điều trên là đối lập của Tinh tấn Balamật (viriya pāramī). - Không khoan dung độ lượng, hoặc thích cảnh đáng hài lòng, khó chịu cảnh không đáng ưa thích, là đối lập của Nhẫn Balamật (khantī pāramī). - Không nói lên được sự thật, cố quanh co, che dấu là đối lập của Chân thật Balamật (sacca pāramī). -Không thể vượt qua được các chướng ngại đối với các Balamật, là đối lập của Quyết định Balamật (adhiṭṭhāna pāramī). - Chín dạng tăng trưởng sân là đối lập của tâm Từ Balamật (mettā pāramī) Tức là do suy nghĩ: 1’- Người này đã làm hại đến ta. 2’- Người này đang làm hại đến ta. 3’- Người này sẽ làm hại đến ta. 4’- Người này đã làm hại đến người thân của ta. 5’- Người này đang làm hại đến người thân của ta. 6’- Người này sẽ làm hại đến người thân của ta. 7’- Người này đã làm lợi cho kẻ thù của ta. 8’- Người này đang làm lợi cho kẻ thù của ta. 9’- Người này sẽ làm lợi cho kẻ thù của ta.[13] - Không quân bình tâm khi gặp các cảnh hài lòng hay không tốt đẹp, là đối lập của tâm Xả Balamật (upekkhā pāramī).
III- Phân loại các Balamật. Có bao nhiêu Balamật?. Ngắn gọn là: Có 30 Balamật là: 10 Balamật bậc thường (pārami), 10 Balamật bậc trung (upapāramī) và 10 Balamật bậc cao (paramattha pāramī). Pāramī, Upapāramī và Paramattha Pāramī Thế nào là Pāramī ? Thế nào là Upapāramī? Thế nào là Paramatthapaaramii?. Với những câu hỏi này, trong Sớ giải bộ Hạnh tạng (Cariya piṭaka) đã trình bày đầy đủ với nhiều cách luận giải của các Giáo thọ sư, ở đây chỉ nêu ra cách tổng quát, nhất là ý kiến của Giáo thọ sư Trưởng lão Mahā Dhammapāla như sau: - Dứt bỏ những gì ngoài thân như tài sản, vợ con… là bố thí bậc thấp (Dānapāramī). Dứt bỏ vật nội thân như tứ chi… là bố thí bậc trung (Dāna-upapāramī). Dứt bỏ cả sinh mạng là bố thí bậc cao (Dāna paramattha pāramī). - Giữ giới không vi phạm đến vật ngoại thân như tài sản, vợ con của người hay giữ giới dù phải hy sinh vật ngoại thân của mình là Giới bậc thấp (Sīla pāramī). Không vi phạm đến tay chân ... của người hay không vì tứ chi..của mình mà hoại giới, là Giới bậc trung (Sīla - upapāramī). Không vi phạm đến sự sống của người khác hay không vì sinh mạng của mình mà hoại giới, là giới bậc cao (Sīla paramattha pāramī). -Không dính mắc vào các cảnh vật dục như: tài sản, vợ con… sống phạm hạnh là Xuất gia Balamật (Nekkhamma pāramī). Không dính mắc vào chi thể như tay chân, mắt, tai… của người hay của mình, sống đời sống phạm hạnh, là Xuất gia bậc trung (Nekkhamma upapāramī). Không dính mắc vào mạng sống, sống đời sống phạm hạnh là Xuất gia bậc cao (Nekkhamma paramattha pāramī). - Diệt trừ sự dính mắc (tham ái) các cảnh bên ngoài thân, như: tài sản, danh vọng, quyền lực, hạnh phúc… do thấy rõ lợi ích của việc "thoát ra" những dính mắc ấy, đồng thời thấy rõ sự tai hại của sự dính mắc, là Trí Balamật (Paññā pāramī). Diệt trừ sự dính mắc vào chân tay… do thấy rõ tai hại của dính mắc, cùng lợi ích của "thoát ra dính mắc", là Trí Balamật bậc trung (Paññā upapāramī). Diệt trừ sự dính mắc vào mạng sống với trí tuệ, là Trí Balamật bậc cao (Paññā paramattha pāramī). -Nỗ lực thực hành các thiện pháp, cho dù có tổn hại đến những vật ngoại thân, là Tinh tấn Balamật (Vīriya pāramī). Nỗ lực thực hành các thiện pháp, cho dù có tổn hại đến các chi thể trong thân, là Tinh tấn bậc trung (Viriya upapārami). Nỗ lực thực hành các thiện pháp, cho dù có tổn hại đến sinh mạng, là Tinh tấn bậc cao (Viriya paramattha pāramī). - Chịu đựng những tai họa xẩy ra do bên ngoài mang đến hay những tổn thất tài sản, thân tộc… là Nhẫn Balamật (Khantī pāramī). Chịu đựng sự tổn thất chi thể khi hành thiện pháp, là Nhẫn bậc trung (Khantī upapārami). Chịu đựng những sự đe dọa đến tính mạng khi thực hành thiện pháp, là Nhẫn bậc cao (Khantī paramattha pāramī). - Không chối bỏ sự thật do liên hệ đến các cảnh bên ngoài (không vì lợi lộc, danh, quyền… mà nói dối, hay hành động phi pháp), là Chân thật Balamật (Sacca pāramī). Không chối bỏ sự thật do liên hệ đến chi thể (không vì tay, chân.. mà chối bỏ sự thật như nói dối hoặc hành động phi pháp), là Chân thật bậc trung (Sacca upapāramī). Không chối bỏ sự thật, dù tính mạng bị đe dọa, là Chân thật bậc cao (Sacca paramattha pāramī). - Cương quyết thực hànnh pháp thiện, bất chấp chướng ngại hay tổn thất ở bên ngoài, là Quyết định Balamật (Adhiṭṭhāna pāramī). Bất chấp tổn thất đến chi thể, cương quyết thực hành pháp thiện (như khi bịnh hoạn, tay chân yếu đuối…) là Quyết định bậc trung (Adhiṭṭhāna upapāramī). Cương quyết thực hành pháp thiện, bất chấp sự tổn hại đến sinh mạng, là Quyết định bậc cao (Adhiṭṭhāna Paramattha Pāramī). - Không sân hận và có tình thương đến chúng sanh, cho dù họ có gây thiệt hại đến những vật ngoài thân, là tâm Từ Balamật (Mettā pāramī). Không sân hận và có tình thương đến chúng sanh, cho dù họ có bức hại đến chi thể, là tâm Từ bậc trung (Mettā upapāramī). Không sân hận và có tình thương đến chúng sanh, cho dù họ có bức hại đến mạng sống, là tâm Tử bậc cao (Mettā paramattha pāramī). - Giữ tâm quân bình trước ngoại cảnh là tâm Xả Balamật (Upekkhā pāramī). Giữ tâm quân bình trước sự an lạc hay khó chịu đối với chi thể (như khi xúc chạm thân an lạc, không vì đó mà thích thú, khi thân bị khổ do bịnh hoạn hay thời tiết… không vì đó mà khó chịu) là tâm Xả bậc trung (Upekkhā upapāramī). Giữ tâm quân bình đối với chúng sanh, cho dù họ có gây tổn hại đến sinh mạng, là tâm Xả bậc cao (Upekkhā paramattha pāramī).
Tóm tắt các Pāramī. Ba mươi pháp Balamật có thể gom gọn thành 10 pháp, do tính chất cơ bản giống nhau, chỉ có khác biệt ở cách vượt qua chướng ngại mà thôi, như ba pháp bố thí có thể gom thành Thí Balamật vì có chung bản chất là "buông bỏ", nét khác biệt là mãnh lực tâm buông bỏ, chỉ buông bỏ vật ngoại thân nhưng không thể buông bỏ tứ chi là bậc thấp, buông bỏ các chi thể của thân, nhưng không buông bỏ được mạng sống là Thí Balamật bậc trung…. Tương tự như thế với các Balamật còn lại. Ngắn gọn hơn nữa: "Tu tập Balamật chính là tu tập theo Giới - định tuệ." 1- Bala mật liên hệ với Tam học. - Bố thí, trì giới thuộc phần Giới. - Xuất gia (nekkhamma) do ý nghĩa "ít ham muốn (appiccho)", "biết đủ - (saṇṭuṭṭho)", xem như là Giới học vì có bản chất giống giới. Hay Nekkhamma do ý nghĩa "thoát ra chướng ngại", có thể xem là Định học. Hoặc có thể xem như chi phần của Tuệ vì ý nghĩa "lìa bỏ ham muốn (nekkhamma vitakka: ly dục tầm, một chi phần của Chánh tư duy - sammāsaṅkappa)". Các Giáo thọ Sư bảo rằng : Nekkhamma (xuất ly) là một trong ba thành phần nồng cốt của Balamật, vì Nekkhamma có mặt trong Tam học. - Trí Balamật là Tuệ học. Trí cũng là một thành phần nồng cốt của Balamật, không có trí (nhất là trí quán xét) các Balamật không trọn vẹn trong sạch và tăng trưởng. - Tinh tấn Balamật, Nhẫn Balamật xem như là Định học. - Quyết định Balamật có thể xem như tu tập Giới - định - tuệ. Khi quyết định: Bố thí, trì giới thuộc về Giới học. Khi quyết định: tinh tấn, nhẫn nại xem như thuộc về định học. Khi quyết định về trí xem như thuộc về Tuệ học . Ngoài ra, khi quyết định về những pháp liên hệ khác như: quyết định về Xuất gia có thể xem như "quyết định về tam học"… Và Quyết định (adhiṭṭhāna) cũng là một thành phần nồng cốt của Balamật. - Sự thật (sacca) có ba loại: Ngăn trừ (virati) lời dối trá bằng lời chân thật (vacīsacca), là Giới học Tâm chân thật là tâm sở Chánh ngữ (sammāvācā cetasika), là Giới học. Và trí chân thật (ñāṇasacca) chính là tâm sở trí (paññā cetasika), là Tuệ học. Nên ghi nhận rằng: "Tuy Nípbàn là sự thật tột cùng (paramattha saccca), nhưng không liên quan đến phần này. Vì rằng trí là pháp hữu vi, còn Nípbàn là pháp Vô vi". Tâm chân thật là Giới vì ngăn trừ sự "dối trá bên trong", như không suy nghĩ tìm phương cách lừa gạt người khác, không tìm những lý lẻ để biện minh cho những sai trái đã thực hành qua thân - ngữ… -Từ Balamật có bản giống Thiền (jhāna), được xem như Định học. Hay Từ là một chi phần của Chánh tư duy là: suy nghĩ đến "không thù hận" (abyāpāda vitakka), nên Từ xem như là Tuệ học. - Xả Balamật bao gồm tâm sở Trung bình (Tatramajjhattatā cetasika) và trí xả (ñāṇupekkhā). Tâm sở Trung bình xà (Tatramajjhattatā) có thể được xem như là Định học. Trí xả xem như là Tuệ học. Các Giáo thọ sư bảo rắng: "Ba điểm trọng yếu của Balamật là: Xuất ly (nekkhamma), quyết định (adhiṭṭhāna) và trí tuệ (pañña), vì Xuất ly với quyết định liên hệ cả tam học, còn trí tuệ là phương tiện duy nhất để đạt đến mục đích". Ví như ngưới có hai chân (Xuất ly, quyết định), đầu là trí tuệ, những pháp Balamật còn lại là thân. Hay ví như người đứng trên vai 2 người bạn để hái trái cần hái. 2- Những thuận lợi của các đôi Balamật. Bố thí nhờ vào giới, mang lợi ích đồng thời tránh những gì gây nguy hại đến người khác. Bố thí nhờ nhẫn nại tạo ra vô tham và vô sân. Nhờ tinh tấn, bố thí được hiển lộ. Bố thí có liên hệ đến thiền (niệm tưởng ân đức bố thí), dẫn đến buông bỏ các cảnh dục và bất thiện pháp. Bố thí liên hệ đến trí, làm nảy sanh "suy quán (thiền quán)" hoặc "tâm được an tịnh (thiền chỉ)" trong khi bố thí. Giới nương vào nhẫn nại, nên thân, ngữ, ý càng trong sạch. Giới, nương vào tinh tấn để thành tựu hoặc phát triển thiền định hay thiền quán. Nhờ thiền định dẫn đến "từ bỏ những ô nhiễm (vitikkama kilesa)" trong tâm, những ô nhiễm này đã tạo ra thân ác hạnh và ngữ ác hạnh. Nhờ thiền quán dẫn đến từ bỏ những khuynh hướng (anusaya: ngũ ngầm) ô nhiễm trong tâm (pariyuṭṭhāna kilesa). Thế là, Giới trừ diệt thân ác hạnh, ngữ ác hạnh. Thiền định trừ diệt những ô nhiễm trong tâm. Trí quán trừ diệt những ô nhiễm trong vùng ngũ ngầm. Giới đi với tinh tấn, mang lại lợi ích như thế. Nhẫn nại đi với tinh tấn, loại trừ được những ô nhiễm (tham hay sân) khi chạm phải cảnh thăng trầm trong cuộc sống. Lại nữa, việc thiện được thành tựu tốt đẹp nhờ có nhẫn nại và tinh tấn. Nhẫn nại giúp tinh tấn tăng trưởng để thành tựu thiền tịnh vì nhẫn nại có khía vô sân, loại trừ thái độ sân hận là một chướng ngại của thiền. Nhẫn nại có tư cách vô tham trước sự quyến rũ của dục lạc, loại trừ tham dục giúp cho định (ekaggatā) vững mạnh. Trí giúp nhẫn nại tăng trưởng, vì trí thấy rõ các đặc tướng của pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã, giúp tâm chịu đựng cảnh sinh diệt nhanh chóng của pháp hữu vi mà không thấy khó chịu (ám chỉ hành giả đạt đến Hành xả tuệ (saṅkhārupekkhā ñāṇa), làm tăng trưởng nhẫn nại. 3- Những thuận lợi sinh ra từ bộ ba Bộ ba các pháp Balamật hổ trợ nhau được thuận lợi, như: - Từ bỏ ba gốc rễ làm ô nhiễm tâm là: tham, sân, si nhờ bộ ba : Thí, giới và tuệ. - Các việc thiện được thực hiện và sung mãn, nhờ bộ ba: Thí, giới, thiền (samādhi). - Bố thí vật chất là dāna, bố thí điều vô hại là giới (sīla) và bố thí Pháp là trí (paññā). Tương tự như thế với các pháp thích hợp trong từng trường hợp. Dứt phần nói về Balamật. -ooOoo- [1] - Kīṭaka: theo từ điển Tam Tạng Pali-Miến thì là "con sâu hy vọng", theo từ điển Sanskirit-Anh của Monier Williams thì là "vũ khí" đoạn trích dẫn chú giải P.E.D Peta-vatthu nói; kitaka = đĩa đồng (nóng) [2] - Sammoha vijambhitā: Sự thể hiện hoạt động của si. [3] - A.iv, 128. [4] - Dhp – câu 110. HT. Thích Minh Châu dịch. [5] - M.i, Cūladukkhakkhandhasutta (kinh Tiểu khổ uẩn), [6] - Hai điểm còn lại là: xuất ly (nekkhamma) và quyết định (ādhiṭṭhāna). Ba điểm này hình thành bộ khung Balamật, nói cách khác, pháp thiện nào thiếu một trong ba pháp này, không gọi là Balamật. [7] - M.ii, Kukkuravatikasutta - Cẩu hành giả kinh. [8] - Dhp – câu 184 – HT. Thích Minh Châu dịch. [9] - A.iv, 94. [10] - A.i, 115. [11] - Dhp, câu 62 . HT. Thích Minh Châu dịch. [12] - Kho tàng Pháp Bảo - Đại trưởng lão Bửu Chơn soạn. [13] - A.iv, 407. -ooOoo- |
Source: BuddhaSasana