dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[Bài 05] Niệm Tâm Giảng ngày 11 tháng 06 năm 2007 Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Tiếp theo loạt bài bốn niệm xứ hôm nay chúng ta nói về "Niệm tâm". Niệm tâm là một từ chúng ta đã không nên lầm lẫn với chữ tâm niệm. Chữ tâm niệm tức là chúng ta ghi nhớ một nguyên tắc nào đó ví dụ như "Mười điều tâm niệm". Nhưng riêng về niệm tâm là một phương pháp quán chiếu ghi nhận sự sanh khởi hay sự có mặt của một thứ tâm nào đó, ở đây chúng ta so với "Niệm thân" Niệm thọ" và "Niệm Pháp" thì "Niệm tâm" tương đối là điểm tế nhị nhất ở trong bốn pháp niệm. Nó gọi là tế nhị là bởi vì có ba điểm ở tại đây mà chúng ta có thể suy nghiệm tại sao niệm tâm là một đề tài tế nhị. Trước hết khi chúng ta gọi là “Niệm” có nghĩa là có một trạng thái tâm chánh niệm và có một trạng thái tâm được quan sát. Ngôn ngữ của người Trung Hoa gọi là năng quán và sở quán, tức là có một tâm để thấy để ghi nhận, và có một loại tâm được ghi nhận được thấy được biết. Nếu chúng ta có một khái niệm về A Tỳ Đàm thì phần đông chúng ta đều hiểu rằng tâm chỉ sanh khởi một lần, một tâm trong một vòng tiến trình không thể có hai tâm sanh khởi một lúc. Ở đây chúng ta tức là vừa ghi nhận và có một tâm được ghi nhận sanh khởi một lúc. Chính chỗ này nói lên một cái gì rất nhiệm màu của pháp chánh niệm, nhưng lại là một cái gì rất lúng túng với hành giả khi bước vào con đường thiền quán. Nó rất mầu nhiệm là bởi vì những lúc chúng ta được dịp ghi nhận và nhìn vào những trạng thái sanh khởi trong tâm thì những trạng thái đó dường như tan biến ngay lập tức hoặc giả nó trở lên lờ mờ không rõ nét nữa. Câu chuyện mà chúng ta nghe rất nhiều là nếu một người đang sân, đang bừng bừng nổi dậy cơn giận dữ muốn đánh con cái hay muốn chửi một ai đó, nhưng lúc đó có được khả năng để ghi nhận rằng tâm sân đang sanh khởi, nội tâm đang sân chẳng hạn, thì lúc ghi nhận như vậy tâm sân không thể mạnh mẽ được nữa, và có thể là nếu niệm của người đó mạnh thì tâm sân nhanh chóng lui dần để nhường chỗ cho chánh niệm khi chúng ta nhìn ra mặt mũi của nó. Ở trên lý thuyết thì nghe rất đơn giản, nhưng trên phương diện thực hành thì với một hành giả bước đầu vào niệm tâm tạo nên nhiều sự lúng túng. Lúng túng bởi vì cái biết và cái được biết. Chánh niệm và đối tượng của chánh niệm vốn đều là tâm hết, và ở đây là một trò chơi cút bắt quần với nhau, luân chuyển với nhau và khiến cho hành giả rơi vào trạng thái lúng túng đối với chính mình khi có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, thì về phương diện này các Ngài Thiền Sư dạy hành giả một vài phương pháp mà lát nữa sau khi đề cập đến ba trở ngại của một người niệm tâm, thì chúng tôi sẽ nói đến những phương pháp để giảm thiểu những trở ngại này giúp cho hành giả tiếp tục tăng tiến trong sự trao dồi chánh niệm. 1) Nhưng điểm đầu tiên chúng ta nên nhớ rằng năng quán và sở quán tâm, chánh niệm và tâm soi chiếu bởi chánh niệm, hai điều đó đều nằm trong một giòng tâm thức, và khi nằm trong vòng tâm thức thì chúng ta thường bị rối rắm nhất là những vị thiếu kinh nghiệm. Đó là trở ngại đầu tiên. 2) Trở ngại thứ hai là sự chủ quan của chúng ta, sự chủ quan của chúng ta là gì? ít khi chúng ta nhận ra trạng thái sanh khởi trong lòng mình bằng sự ghi nhận trung thực, ví dụ như đây là tâm tham, đây là tâm sân, đây là tâm si. Một người Phật tử học Phật rất dễ dàng để nói rằng con người ai cũng có tham sân si, nhưng thường khi chúng ta có tâm tham mà chúng ta không dám nhận nó là tâm tham, chúng ta có tâm sân mà không nhận nó là tâm sân. Bởi vì sao vậy? Bởi vì khi chúng ta có một thứ phiền não sanh ra trong lòng mà mình điểm mặt và gọi nó là phiền não, thì thưa qúi vị nó đòi hỏi một thái độ khách quan ghê lắm. Đa số chúng ta có một lời biện hộ hay chúng ta cho rằng đó là một phản ứng thế này phản ứng như thế kia, chúng ta tránh cho mình cái cảm giác rằng mình đang bị phiền não chi phối. Bởi vì khi nói là mình bị phiền não chi phối, hay tâm mình có phiền não thì bấy giờ hành giả bị rơi vào một trạng thái mà ít khi chúng ta có được, đó là nhìn tâm một cách khách quan để rồi chỉ ghi nhận cái gì đã khởi lên trong tâm mà phần lớn chúng ta rất thiếu thành thật với chính mình về điểm này. Sở dĩ trong nhiều pháp tu nhất là pháp tu Ba La Mật Hạnh có nhấn mạnh đến cái gọi là chân thật balamật (Paramita). Chân thật balamật tức là khả năng nhìn sự vật như thế nào thì nhận nó là như vậy, sự cao điểm có thể nói rằng rõ nét nhất của chân thật ba la mật là tìm thấy ở một vị Thánh Sơ Quả. Thánh Sơ Quả không phải là vị toàn hảo nhưng Ngài không có hành vi khuất lấp và không dấu diếm những gì là thiện hay bất thiện ở trong lòng mình, điều này có nghĩa là một vị Thánh Sơ Quả Tu Đà Hườn trong ảnh hưởng của đạo quả Tu Đà Hườn vị này hoàn toàn rất thành thực về chuyện gì xảy ra ở chính chúng ta. Có nhiều khi những người sai trái họ không nhận là mình sai, có khi chúng ta phiền não chúng ta không nhận là mình phiền não, có khi chúng ta mộng mị chúng ta không nhận mình là mộng mị mà chúng ta có cách nói khác đi, năm năm mười năm hay thời gian qua rồi khi nhắc lại chuyện đó tương đối là chúng ta có thể nhìn nhận; À! mình đã từng khủng hoảng trong giai đoạn đó, mình đã từng phiền não trong giai đoạn đó. Ngay lúc phiền não đang sanh, chúng ta trong một cách hành thiền đơn giản ghi nhận rằng phiền não đang sanh. Xem thì đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn, khó khăn giống như những lần chúng ta làm một việc sai lầm, mà chúng ta dám nhận rằng mình đang sai lầm và thành thực xin lỗi về điều đó - khó lắm - tại vì thái độ rất chủ quan của mình. Người càng biện hộ nhiều về chính mình càng có những thái độ ngụy biện về chính mình thì người đó càng khó, càng trở ngại trong niệm tâm. Và dĩ nhiên khi chúng ta tu tập Niệm Xứ thì chúng ta bắt buộc phải đi qua giai đoạn là có niệm thân, niệm thọ, cũng có niệm tâm, niệm pháp, chứ không phải nói rằng cái đó không thích hợp với chính mình thì không niệm, vì vậy yếu tố gọi là khách quan tức là dám nhận và nhận một cách trung thực về trạng thái của nội tâm đó là cái khó thứ hai mà hành giả khi đề cập đến niệm tâm. 3) Cái khó thứ ba liên quan đến niệm tâm là tại vì khi mình niệm tâm, mình niệm một cách rất đơn thuần, không phân tích không chia rẽ và người không bén nhạy không hiểu rõ điểm này dễ lọt qua niệm thọ, dễ lọt qua niệm pháp. Ví dụ như tâm sân, tâm sân được định nghĩa là một trạng thái khó chịu không hài lòng đối với đối tượng như sự bực bội giận dữ, nhưng đi với tâm sân nó lại là thọ ưu, là cái gì không vui. Và đôi khi chúng ta không nhận ra được trạng thái của tâm sân mà chỉ nhận ra cảm thọ ưu mà thôi, hai cái tuy là một nhưng góc cạnh nó khác nhau hoàn toàn khi mà chúng ta niệm, trong lát nữa sau khi nói về ba trở ngại này thì chúng tôi sẽ trở lại với phương pháp để phân biệt sự khác biệt này. Nhưng có những khi trạng thái, cách niệm tâm và niệm thọ dễ lẫn lộn nhau, tâm tham thường khiến cho ta lẫn lộn với thọ hỷ, và tâm sân thì người ta thường lẫn lộn với thọ ưu. Và thường một vị hành giả, nhất là hành giả học Vi Diệu Pháp, học A Tỳ Đàm hay rất dễ lẫn lộn niệm tâm với niệm pháp. Ví dụ như tâm tham, đó là tham, đó là niệm tâm, nhưng khi thấy được tâm tham là một sự ngăn ngại, là một trở ngại cho những pháp khác thì thấy được cái hệ quả của nó là pháp trở ngại thì thưa qúi vị nó không còn là niệm tâm nữa mà nó thuộc về niệm pháp, tức là chúng ta đang niệm tham là một triền cái hay là tham triền cái. Có rất nhiều trạng thái của niệm mà nó dễ đi với sự khai triển của tâm, và sự khai triển này thường đưa chánh niệm vào một cách thế khác, không còn ở cách thế trung thực của nó nữa, hay ít nhất là nó chuyển từ cách niệm này sang cách niệm khác. Thì như vậy hành giả tương đối phải có kinh nghiệm, chẳng những có kinh nghiệm mà còn có khả năng bám sát thì mới không bị vấp váp với những lỗi này. Đề cập đến niệm tâm chúng tôi đã nói đến ba trở ngại đầu tiên: 1) Trở ngại thứ nhất là năng quán và sở quán làm cho chúng ta bối rối, tức là sự chánh niệm và đối tượng của chánh niệm ở đây cả hai đều là tâm và do vậy nó là một sự vật lộn đối với nhiều người. 2) Điểm thứ hai mà chúng tôi đề cập tới tại đây là sự chủ quan của chúng ta, khi tâm có tham biết là tâm có tham, tâm có sân biết là tâm có sân, tâm có si biết là tâm có si, tâm hữu hạn biết là tâm hữu hạn, tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Nó không phải dễ. Trên phương diện giấy mực thì chúng ta rất dễ viết như vậy nói như vậy, nhưng khi mình sống với chính mình rất ít người trong chúng ta vượt khỏi sự chủ quan của mình khi ghi nhận những trạng thái đó của tâm. 3) Và điểm thứ ba, hồi nãy chúng tôi vừa đề cập đến với quí vị đó là rất dễ dàng để lẫn lộn giữa niệm tâm và niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp, hành giả phải có nhiều kinh nghiệm về điểm này. Với những vị chuyên về pháp học, nhất là học Vi Diệu Pháp ( ATỳĐàm) vẫn lẫn lộn như thường ở trong cách niệm này. Chúng ta thường ghi nhận rồi phân tích, phân tích rồi triển khai và khi mà phân tích và triển khai thì nó đưa chúng ta vào cái thế niệm khác nhất là bước qua Pháp Quán Niệm Xứ do vậy cả ba điều này là ba điều trở ngại. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến việc áp dụng niệm tâm vào trong sự thực hành của hành giả. Thưa quí Phật tử, đã có nhiều lần trong chương trình Thiền Học này chúng tôi có đề cập đến một cái khéo của một người tu tập, cái khéo đó là biết cách nào để bắt đầu, biết cách nào để bảo dưỡng chánh niệm của mình, thì từ xưa đến giờ các vị thiền sư và ở đây chúng tôi muốn nói đến hai vị chúng tôi dùng giáo tài để giảng dạy đó là Ngài Ledi Sayadaw và Ngài U Ba Khin, cũng như nhiều vị Thiền Sư khác đều hướng dẫn bằng cách là lấy hơi thở làm bản địa tức là làm đề mục chính. Chữ “chính” ở đây không phải “chính” đối với “phụ”, chữ “chính” ở đây là cái gì để chúng ta trở về, những cái khác sanh khởi cũng là những đề mục cần phải ghi nhận, nhưng chúng ta phải có chỗ để chúng ta trở về. Đây là lý do tại sao mà niệm hơi thở có lợi lạc tại vì niệm hơi thở trả chúng ta trở về với một trạng thái khách quan. Niệm hơi thở lâu khiến cho chúng ta giảm bớt đi thái độ phê phán, thái độ suy diễn, thái độ biện bạch. Hơi thở sao thì mình nhận như vậy, khi hành giả có cơ sở để trở về và nhất là niệm hơi thở thường xuyên thì tương đối nó trả chúng ta trở về với một cách khách quan. Việc đó mình làm thì mình chỉ biết việc đó thôi. Rất nhiều lần chúng tôi hướng dẫn những vị Phật tử làm việc công quả ở chùa, cái khó nhất để cho những người làm công quả họ làm sao họ tập trung vào công việc của họ, họ có công việc cần phải làm, nhưng họ lại không làm được công việc đó một cách tập trung, mà họ bị chi phối bởi những chuyện khác và chúng tôi thường nhắc qúi vị đó rằng cứ để chuyện khác người khác làm người khác lo, kể cả chuyện tốt xấu vui buồn, việc của mình thì mình biết. Nhưng chuyện này thì hiếm, hiếm có người biết chuyện này lắm. Bởi vì cho đến khi nào chúng ta có thể sống với thái độ là việc nào ra việc đó, thì lúc đó chúng ta đã đi một bước rất xa trong chánh niệm khi mà nói về “việc nào ra việc đó”. Lấy ví dụ là nếu nhà vệ sinh phòng tắm của mình dơ thì việc đó sau khi chúng ta ngồi thiền chúng ta sẽ dọn dẹp nó và trong lúc ngồi thiền không phải lúc để lo chuyện đó. Chúng ta có sự phân biệt rất rõ “việc nào ra việc đó”, việc đó là làm sau khi ngồi thiền, trong lúc ngồi thiền không phải lo việc đó. Và chúng ta cũng có một thái độ rất rõ ràng là hơi thở đang diễn ra, cảm giác tê nhức của chân đang diễn ra, tâm mong muốn để đứng dạy đang diễn ra, và nếu trong giờ phút đó một trạng thái nào rất nổi bậc thì chúng ta ghi nhận trạng thái đó, như sự tê nhức của chân hay một trạng thái muốn đứng dạy, thì chủ tâm muốn đứng dạy đó nó phải được ghi nhận, cái đó nói là “ý muốn” thì chúng ta dễ lầm lẫn chữ “muốn” ở đây là “ham muốn”- không phải ý muốn - trong tiếng Anh gọi là “intention” là “chủ tâm” để làm việc gì đó. -Thí dụ như mình đang đi, mình muồn dừng lại, mình đang dừng lại, mình muốn xoay người lại, mình xoay người xong thì mình bước đi - thì những ý muốn tiên khởi rất là rõ nét cần được ghi nhận, những hướng tâm để làm việc gì đó cần được biết cần được ghi nhận bởi hành giả. Vì vậy có một câu nói mà bà Achannet thường bị người ta hiểu lầm khi người ta cứ nói rằng vị Thiền Sư này lúc nào cũng dạy phải phân biệt rõ danh sắc, nhưng trên thực tế danh sắc vị này muốn chỉ; trước nhất đến từ phương diện áp dụng (pháp hành) là khi mình làm việc gì thì có một chủ tâm dẫn đầu. Chủ tâm dẫn đầu như hồi nãy chúng tôi nói rằng đang đi thì muốn dừng lại, nhưng trước khi dừng lại thì phải lưu ý đến ý muốn dừng lại, và khi đã dừng lại rồi mà muốn xoay người thì nên để ý đến ý muốn xoay người, hay chúng ta đang ngồi mà chúng ta muốn xả thiền chỉ một chút thôi thì nên ghi nhận trạng thái là mình muốn, đây là mình muốn xả thiền hay là mình muốn rời chỗ ngồi, duổi chân ra, mình muốn đứng dạy, ý muốn trước khi một hành động chắc chắn phải có và ban đầu không dễ, ban đầu chúng ta không thấy được cái chủ tâm đó, nhưng chủ tâm đó phải được biết nếu không được biết thì lâu ngày chúng ta không phân biệt rõ danh sắc. Giống như người Tây Tạng họ thường ví dụ; danh tức là tâm giống như người chèo thuyền, và sắc thì giống như chiếc thuyền được bơi. Thì người chèo thuyền điều khiển chiếc thuyền thì có lẽ là với một người mới thiền định thì sự phân biệt giữa danh và sắc, giữa tâm và cái được điều khiển bởi tâm, cái thay đổi bởi tâm không rõ ràng. Nhưng chúng ta biết như vậy là oai nghi của chúng ta đi đứng nằm ngồi, những tiểu oai nghi tức xoay mình hay hướng về cái gì đó hoặc đổi sinh hoạt, đổi hoạt động. Từ lúc chúng ta đang ngồi chúng ta muốn đứng hay chúng ta muốn đi ăn chẳng hạn, thì những điều đó nên thấy được một phần rất nhỏ trước khi đổi công việc. Phần rất nhỏ đó là chủ tâm muốn làm như vậy. Nên đối với một hành giả trong trường hợp thất niệm, nghĩa là mình đổi từ tư thế này sang tư thế khác, từ sinh hoạt này sang sinh hoạt khác, khi mình đổi mình quên hay mình không chánh niệm được chủ tâm muốn đổi, thì nên dừng lại và lên lập lại, nên làm lại, hoặc lên làm chậm lại. Tại vì sao vậy? Tại vì mấu chốt là tại đây, chúng ta phải có khả năng phân biệt được chủ tâm làm và hành động làm, chủ tâm làm nó thuộc về danh và hành động làm thuộc về sắc, nhưng chủ tâm đó đưa chúng ta một chút manh mối về điều mà chúng ta gọi là tâm, điều chúng ta gọi là niệm tâm. Thì ban đầu đa số các hành giả đều được hướng dẫn tu tập hơi thở và tu tập đại oai nghi, tiểu oai nghi. Trong kinh Niệm Xứ không giảng về pháp đi kinh hành, tức là lúc chúng ta đi tới đi lui chúng ta niệm như thế nào, nhưng có giảng về tiểu oai nghi và đại oai nghi điều đó được áp dụng trong lúc đi kinh hành. Căn bản thì hành giả sẽ phải sống rất nhiều với hơi thở với đại oai nghi với tiểu oai nghi. Đại oai nghi tức là (chúng tôi dùng chữ oai nghi là chữ rất cổ của người Trung Hoa đó là Cổ Văn, Kim Văn ngày nay không dùng nữa) chữ “oai nghi” có nghĩa là “tư thế”. Tư thế có nghĩa là đi đứng nằm ngồi là đại oai nghi và những cử chỉ nhỏ nhiệm như là ngó tới ngó lui v.v… xoay người, cái đó chúng ta gọi là tiểu oai nghi tức là những tư thế những cử động nhỏ nhiệm của thân. Hành giả không nên nóng lòng khi chúng ta trở về với thân tâm, bước đầu hình ảnh của thân tâm không rõ ràng cho chúng ta, chẳng những nó không rõ ràng mà nhiều khi nó làm chúng ta bối rối, chuyện đó rất bình thường, đừng khó chịu về chuyện đó hay đừng đòi hỏi rằng tại sao nó lộn xộn. Chúng tôi đã nói với qúi vị là chúng tôi dùng chữ lúng túng, lung túng là nhiều khi mình đang đi chẳng hạn mà mình theo dõi bước chân của mình thì khiến cho mình bị chao đảo rồi đứng không vững, nếu quí vị đi một cách thất niệm nghĩa là dở-bước-đạp đi rất là nhanh chóng thì chúng ta cảm thấy rất bình thường, nhưng có khi mình để ý đến bước chân thì cảm thấy mất quân bình chuyện đó bình thường, không những về thân mà còn về tâm làm qúi vị cảm thấy lúng túng. Ví dụ như mỗi khi mình khát nước mình chạy đi lấy chai nước, mở tủ lạnh rồi lấy chai nước uống, bây giờ mình khát nước thì trước khi đi mình thấy rằng mình đang muốn uống nước, mình đang muốn đi đến tủ lạnh để uống nước (Chúng tôi nói chữ “mình” ở đây qúi vị đừng niệm như vậy.) Một lúc nào đó quí vị thấy được trạng thái muốn uống nước, muốn đi đến chỗ đó để lấy nước và ý muốn đó phải được ghi nhận, nó là mấu chốt ban đầu của tâm quán niệm xứ. Cái khó của chúng ta là mình phải thấy được chủ tâm, chủ tâm ở đây nó chỉ là “intention” tức là ý định làm việc gì đó và tất cả những ý định đó phải được thấy trước khi hành động diễn ra, điều này hơi khó cho nhiều người là tại vì chúng ta quen làm việc một cách nhanh chóng một cách spontaneous chúng ta làm cái gì đó với bản năng của chúng ta, chúng ta làm với phản ứng tự nhiên, cần làm thì cứ làm chứ ít khi nào thấy được ý định, bây giờ chúng ta nhìn thấy ý định thì nhiều lúc chúng ta cảm bẻn lẻn với chính mình, cảm thấy mắc cở với chính mình, cảm thấy lúng túng với chính mình, mình không hiểu là sao đời sống của mình hơi có một cái gì ngầy ngật không thoải mái. Chuyện đó không phải là vấn đề cứ để như vậy, nhưng khả năng thấy được ý định đó nó là một cái gì rất diệu dụng, cái gì rất tuyệt vời để chúng ta đi xa vào một thế giới nữa là ghi nhận được trạng thái đó. Thì thưa qúi vị có nhiều người đi vào thế giới của chánh niệm trong giai đoạn đầu họ cảm tưởng như thế giới này dừng lại, thế giới dừng lại là tại vì con mắt của chánh niệm khi nhìn vào thân vào tâm, thì cảm tưởng như khi nhìn vào thân, thân không làm gì được hết, khi nhìn vào tâm, tâm cũng không diễn ra, nhưng thật sự thân và tâm đều diễn ra và có một điều là lúc qúi vị đang lấy con mắt của chánh niệm để quán chiếu, để nhìn vào trạng thái của tâm, thì trong giai đoạn đầu có vẻ như chúng ta sống rất mất tự nhiên, không làm được cái mình muốn làm, nhưng việc đó bình thường, thật ra không bao lâu nó sẽ trả chúng ta trở về với trạng thái bình thường là chúng ta chỉ ghi nhận thôi chứ chúng ta không can dự nhiều vào. Cái bí quyết ở tại đây là làm thế nào đừng để cho những oai nghi, đừng để cho những sinh hoạt diễn ra mà không thấy được ý định ban đầu. Ý định ban đầu đó khi nó khởi lên là hành động chưa thể hiện ra bên ngoài, và qúi vị nên nhớ là trong lúc chúng ta hành thiền thì chúng ta có thừa phiền não, có rất nhiều phiền não. Phiền não nhỏ nhặt ví dụ như thoải mái hay không thoải mái đối với thời tiết đối với âm thanh chung quanh, lớn hơn nữa ví dụ như đôi khi chúng ta bực bội cảm thấy khó chịu với những người chung quanh mình, cảm thấy khó chịu với thiền viện. Kể cả tâm hoan hỷ của chúng ta cũng vậy. Hay có những lúc chúng ta rất thèm một món ăn gì đó hay chúng ta cảm thấy tù túng muốn bỏ tất cả để trở về với không gian rộng lớn của mình, tất cả điều đó đều là ảo giác. Không phải chúng ta ngồi thiền mà không gian chúng ta nhỏ lại, hay chúng ta bỏ ngồi thiền thì không gian chúng ta rộng lớn ra, chúng ta không cần cãi với nó, đừng cãi với nó, chỉ biết rằng; À! nó có ý định muốn ngưng nghỉ ngồi thiền, ý định muốn rời khỏi toạ cụ, ý định muốn chấm dứt ngồi thiền phải thấy được ý định đó. Thật ra khi đi vào thế giới của niệm tâm hành giả phải làm một công việc tương đối vất vả, đó là lần đầu tiên mình sống với chính mình, đó là thấy được trạng thái tâm đang sanh khởi, vừa là thấy được tâm vừa là để tâm thấy. Tâm thấy và tâm bị thấy cứ chập chờn cứ xen lẫn nhau làm cho hành giả bối rối không ít, nhưng đây là một kinh nghiệm sâu kín nhất về khả năng phản tỉnh và khả năng quán chiếu của mình. Có những ngày chúng ta thức dậy với trong tâm uể oải hay trong tâm phấn chấn tinh tấn, những trạng thái đó được ghi nhận và ghi nhận một cách rất tỉnh táo, không bực bội sợ hãi rằng mình đang uể oải và cũng không có quá hăng hái, quá nhiều cảm ứng khi mà mình có nhiều năng lực, thì điều đó đòi hỏi sự thuần thục của chánh niệm. Có một điểm chúng tôi muốn nhắc tại đây là đừng bao giờ đòi hỏi rằng sự tu tập chánh niệm phải hoàn hảo ngay từ bước đầu. Bước đầu có thể không hoàn hảo, bước đầu có thể rất rối rắm, nhưng quan trọng là tiếp tục, và tiếp tục. Hình ảnh về thân và tâm của chúng ta khi chưa tu tập chánh niệm thì hoàn toàn là hình ảnh khác, khi bắt đầu chúng ta tu tập rồi thì nó là một sự pha lẫn đắp đỗi liên hồi của sanh và diệt, sanh và diệt, cái đến và đi của trạng thái này trạng thái kia, và nhiều khi nhìn qua chúng ta cảm tưởng như chóng mặt, cảm tưởng như tại sao nó có nhiều thứ pha lẫn với nhau nhiều quá, việc đó sẽ không lâu nếu chúng ta tiếp tục với chánh niệm, quan trọng là tiếp tục. Một hành giả nếu cảm thấy khó khăn về niệm tâm thì vị đó nên được nhắc nhở bởi một vị thiền sư hay bởi một vị thiện hữu một vị bạn lành bên cạnh, tại vì đây là một trong những giai đoạn tương đối khó khăn. Ngài Ajahn Chaa có nói một câu rằng: “Ở trong đời tu tập mà chưa có ba lần mình chảy nước mắt thì có thể chưa chắc là chúng ta đã thật sự đối diện với những trở lực của sự tu tập.” Nói về trở lực của chuyện tu tập đến chảy nước mắt là thế nào? là ở đây chúng ta nói đến những trạng thái mà dường như chúng ta bất kham không chịu đựng nổi nữa, không thể tiếp tục được nữa và nó chỉ là trò chơi của tâm chứ không có gì hết, nó có những trạng thái trong tâm chống đối, chống đối một cách mạnh mẽ những gì chúng ta đang làm và nếu ngay lúc đó mà chúng ta may mắn, chúng tôi dùng chữ “may mắn” ở đây là thường nếu chúng ta có được thiện duyên hay trợ duyên của một bạn đồng phạm hạnh hay một vị thiền sư, đôi khi chuyện đó không lớn chuyện như chúng ta nghĩ, nó chỉ là một trò đùa của tâm thôi, nghĩa là tâm này vật lộn với tâm kia, tâm kia vật lộn với tâm nọ. Nếu có một người khách quan ở bên ngoài nhìn chúng ta bằng ánh mắt rất ôn nhu nhắc nhở chúng ta rằng đó là một điều rất tự nhiên, hãy vào trong thế giới của thiền định thì hành giả luôn luôn gặp trở ngại như vậy, tiếp tục và tiếp tục. Sự tiếp tục rất là quan trọng, nói một cách khác như vầy; là đôi khi chúng ta phải dùng chữ là chúng ta làm mặt lì đối với những trạng thái vui buồn đối với tâm này đối với tâm kia. Tại vì sao vậy? Lì ở đây tức là chúng ta cứ đi tới và đi tới, tiếp tục và tiếp tục, những chuyện mình thích làm hay không thích làm không phải là vấn đề, chuyện đó làm cho chúng ta hoan hỷ hay không hoan hỷ cũng không phải là vấn đề, chuyện đó làm chúng ta hăng hái hay không hăng hái cũng không phải là vấn đề, vấn đề là chúng ta có tiếp tục nhìn nó hay không, còn cái gì diễn ra nó không phải là chuyện để chúng ta phản ứng. Chúng ta quen sống với chủ quan, rất thường sống với phản ứng chủ quan là đòi hỏi mình phải có một thái độ đối với cuộc sống. Ở đây thì thái độ không cần thiết, thái độ là mình phải có chủ kiến, phải có chủ trương, phải có phản ứng, mình phải có một chính sách đối với những gì đang xảy ra. Đối với hành giả không gần và cái gần nhất là chúng ta có đủ sự tỉnh táo để nhận rằng cái gì đang xảy ra, thì bấy giờ hành giả phải rất trung thành đối với hơi thở, trở về với hơi thở, trở về với bước đi của mình, những cái gì nó trả chúng ta về với một trạng thái khách quan thì chúng ta nên trở về với chính nó. Bây giờ chúng tôi nói đến một cái khía cạnh khác của niệm tâm là những sự gián đoạn của sinh hoạt do niệm tâm tạo nên, gián đoạn sinh hoạt là một người có thể đang muốn làm việc gì đó hay đang bực bội điều gì đó, lúc bấy giờ họ có khả năng đem những trạng thái đó vào trong tầm nhìn của chánh niệm, thì những trạng thái đó tự nhiên yếu đi hoặc giả biến mất, hoặc giả nhường chỗ cho chánh niệm, thì lúc bấy giờ chúng ta rơi vào một trạng thái mà giống như đi máy bay bị turbulent. Khi nào qúi vị đi máy bay chỗ không khí loãng, máy bay bị chao động thì trạng thái chao động đó không phải là vấn đề lớn chuyện, nó chỉ là turbulent là turbulent thôi, nó không là vấn đề để chúng ta phải lo lắng nhiều, tuy nhiên nhiều người không quen điều đó thì cảm thấy rất sợ, nhất là những người không quen đi máy bay mà khi máy bay chao nhiều quá hay có cảm giác như đang bay mà bị sụp xuống (đôi khi nó sụp cũng nguy hiểm lắm.) Bây giờ nhiều hãng máy bay của Hoa Kỳ theo luật là họ bắt buộc hành giả luôn luôn phải thắc dây an toàn. Phải đi máy bay nhiều thường xuyên thì chúng ta mới thấy rằng cái đó là một việc bình thường của đời sống. Thì tương tựa như vậy, có những turbulent có những trạng thái chúng ta bị xáo trộn bởi vì tâm ý không sanh khởi trong một cách thế bình thường, do vậy nó làm cho chúng ta ngầy ngật. Thì về điểm này thứ nhất là niềm tin của chúng ta đối với Tam Bảo, niềm tin của chúng ta đối với Thiền Sư, một sự nương tựa đối với vị pháp lữ đồng phạm hạnh, một vị đồng tu, một vị bạn lành, và ý thức chánh niệm tỉnh táo sẽ giúp cho chúng ta vượt qua những xáo trộn đó, nhưng đừng đặt nó trở thành một vấn đề quá nặng nề. Trong bí quyết để chúng ta tiếp tục lên đường là tất cả mọi vấn đề dù lớn dù nhỏ dù thế này hay thế khác thì đều chỉ là đối tượng của chánh niệm thôi, chúng ta không cần phải làm gì về điều đó, mà chúng ta chỉ cần ghi nhớ, ghi nhận. Sau cùng chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh khác trước khi kết thúc bài học ngày hôm nay, là trong pháp quán niệm trong Tứ Niệm Xứ nói nhiều đến một trạng thái saññā. Saññā tức là tưởng, tức là những ghi nhận về cái gì vừa xảy ra, cái vừa xảy ra đó nó không xảy ra quá lâu, khi mà quá lâu nó trở thành quá khứ, nó trở thành dĩ vãng và cái gì vừa xảy ra nó vẫn còn để trong lòng chúng ta ấn tượng, đôi khi chúng ta tạm gọi một cách rất văn vẻ, chúng ta gọi là dư vị hay dư hương, chuyện đó vừa xảy ra nó còn để lại. Thông thường chánh niệm là khả năng nhìn cái gì đang xảy ra và cái gì vừa xảy ra, gọi là vừa xảy ra thì thường nó còn lưu lại trong tâm chúng ta bằng saññā tức là bằng cái tưởng. Saññā là một trạng thái cực kỳ quan trọng với một hành giả, bởi vì hầu hết những chánh niệm mà chúng ta đối với thọ, đối với tâm và đối với pháp, đều an lập ở trên cái gọi là saññā, an lập trên cái mà chúng ta gọi là sự ghi nhận về những gì vừa xảy ra. Vừa xảy ra tức là không quá xa để trôi hẳn vào quá khứ và cũng không thể là hiện tại được là bởi vì hiện tại chúng ta đang sống với chánh niệm. Có nhiều hành giả cho rằng mình tu tập chánh niệm là mình chỉ tu tập với cái gì đang xảy ra thôi, tuy nhiên qua một vài phần khác chúng tôi sẽ nói rằng tại sao “tưởng” “saññā” là quan trọng. Có nghĩa là không nhất thiết chúng ta chánh niệm với những gì đang xảy ra mà trạng thái gì vừa xảy ra. Ví dụ như chúng ta bước ra bên ngoài am thất tu tập gặp một người nào đó họ có trạng thái khiến chúng ta bất bình, khi bước trở vào trong chiếu trong toạ cụ ngồi xuống để hành thiền định, thì chúng ta vẫn còn có khả năng nhìn sự bất bình đó như cái gì vừa xảy ra để thấy được tâm đó là tâm sân. Về điểm này khi đi vào thế giới của pháp hành chúng ta thấy rất rõ yếu tính của thời gian, thời gian cái gì đang xảy ra, cái gì vừa xảy ra và xảy ra rất lâu, nó có một ảnh hưởng lớn với hành giả. Chúng tôi nhắc lại tại đây là trong tâm quán niệm xứ thì cái gì đang xảy ra và cái gì vừa xảy ra đó là đắc thế và đắc dụng nhất. Nhưng đặc biệt về tâm quán niệm xứ thì cái gì vừa xảy ra tức là nó đã xảy ra rồi nhưng nó không xa lắm thì chúng ta trạng lại (nhìn lại) thì chúng ta có thể nhìn thấy nó một cách trung thực hơn là vì nó vừa trôi qua nhưng trôi qua không lâu lắm, đó là một vài điểm mà chúng ta nói về tâm quán niệm xứ. Chúng tôi cũng phải nhắc lại một lần nữa trước khi chấm dứt bài học đó là trạng thái tâm quán niệm xứ thường làm cho chúng ta bối rối, trạng thái tâm quán niệm xứ thường làm cho chúng ta có một hình ảnh không rõ ràng, nhưng điều đó không quan trọng, bất cứ một hành giả nào tu tập mà thấy được ý định trước khi hành động và thấy hành động đang diễn ra là vị đó dần dần thấy rõ được danh thấy rõ được sắc, và thấy rõ danh thấy rõ sắc thì dần dà các vị đó sẽ có một vài cách thế để ghi nhận trạng thái của tâm một cách khách quan hơn, nó mất một ít thời gian nhưng mà lợi lạc vô cùng. Chúng tôi xin kết thúc bài nói chuyện tại đây ./.
|
|