dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[Bài 03] Niệm Thân - Thảo Luận TT Thích Chánh Giác (Sư Trưởng) Chánh Hạnh chuyển biên Hôm nay lớp Thiền học với đề tài Niệm Thân, TT Giác Đẳng đã giảng qua những phương pháp thực tập về Niệm thân. Ở đây nếu chú ý một chút, chúng ta có thể phân biệt rõ về cách tu tập. Cũng đồng nghĩa trong một đề tài hay một đề mục chúng ta có thể phát triển một phạm vi nào đó, một cách tu tập nào đó . Đồng ý trong Bát chánh đạo có cả Chánh niệm- Chánh định –Chánh kiến. Những tâm sở này vẫn có mặt trong Thiền sắc giới khi tu tập thiền định. Nếu phân biệt rõ hơn, khi chúng ta tu tập về đề mục Niệm thân nói về hơi thở mà phát triển về Chánh định, đưa đến cái gọi là nhất như tức là không còn phân biệt Năng đối- Sở đối, đó cũng là một phương pháp tốt để định tâm. Tuy nhiên không khéo nó đưa đến cái gọi là Khanasañña ( khối tưởng). Nếu như phát triển về thiền quán cần phải phân rõ Năng duyên- Sở duyên, Năng quán -Sở quán v.v… Cả hai cái dầu Chỉ hay Quán, Định hay Tuệ vẫn có cái sở trường sở đoản, vẫn có cái đặc biệt cái khiếm khuyết. Nếu nói về Thiền định, cũng hơi thở vào-ra nhưng chúng ta lại tập trung tư tưởng lên một vị trí trên mũi, như vật trong lỗ mũi, chỗ gió xúc chạm vào. Ở đây chúng ta nói Niệm thân, chúng ta nói đến những gì liên hệ đến cảnh thân và cảnh xúc. Cảnh xúc là thân hành, gió vào-ra, chỗ xúc chạm. Nếu chúng ta gom tâm được vào một điểm nào cho chính xác như bên trái hay bên phải lỗ mũi rồi chúng ta tập trung vào đó, thí dụ bên trái lỗ mũi phía trên phía dưới phía trong hay phía ngoài, chỉ một điểm chúng ta mới ghi nhận được trạng thái khi gió vào xúc chạm khi gió ra xúc chạm. Chỉ tập trung tư tưởng vào nhất điểm (một điểm) đó để trụ tâm định tâm tập trung tư tưởng trên đó, điều này làm cho định lực mạnh. Cũng giống như dùng kính hội tụ gom sức nóng mặt trời. Bình thường ánh sáng mặt trời chiếu toả khắp mênh mông và có sức nóng như vậy nhưng không làm cháy mọi vật được. Nhưng nếu dùng kính hội tụ chiếu ánh sáng măt trời vào một điểm nhất định trên một chất dẫn hoả, có thể phát ra lửa làm chất đó bốc cháy. Như thế nào thì tâm của chúng ta nếu để nó lan toả phan duyên theo trần cảnh nó bị chi phối quá nhiều, định lực (samādhibala) sẽ yếu, tâm lực cũng yếu đi nên không phát triển được gì mạnh hơn. Nếu chúng ta tập trung tư tưởng vào một điểm như vậy định lực sẽ mạnh tâm lực cũng kiên cố, từ đó có thể phát triển lên những bậc Sơ-Nhị-Tam-Tứ thiền và có thể triển khai những loại thần thông như ý muốn. Còn về phương diện thiền quán thì khác lại. Cổ nhân có nói, “Tịnh đa tất nguội Tuệ đa tất loạn” “ Tịnh đa tất nguội” có nghĩa là nếu mình định tâm nhiều quá như người tu chuyên về thiền chỉ đến một mức độ nào đó, cảm thấy muốn qua thiền quán thì mặc dầu định tâm có khả năng làm cho trí tuệ được vững vàng nhưng cũng vì chỗ định tâm đó nếu quá mạnh có thể làm cho tâm thức bị muội lược đi trên phương diện phất triển trí năng . Còn “ Tuệ đa tất loạn” nhất là tuệ tư suy nghĩ nhiều quá, phan duyên theo trần cảnh suy tư hết cảnh này đến cảnh khác. Do đó nên cả định lực và tuệ lực phải quân bình với nhau. Từ chỗ quân bình với nhau có thể xan sẻ cho nhau, hổ tương cho nhau. Với tâm phóng túng dao động quá mạnh, cần phải có định tâm đè cái tâm xuống. Với tâm quá thụ động, tiêu cực cần phát triển trạch pháp giác chi hay chánh kiến hay giản trạch tuỳ quán để nâng cái tâm lên. Tuỳ lúc nâng tâm lên hay đè tâm xuống tùy theo hoàn cảnh để cho tâm phát triển một cách tương đối, Định và Tuệ quân bình với nhau. Từ chỗ quân bình có thể sẽ định tâm, trong định tâm đó lại có chánh kiến soi rõ và có chánh niệm ghi nhận từng phần mỗi khi tâm sanh khởi hay tuệ pháp nào đó có thể sanh khởi nhận thức được kịp thời. Đây là lợi điểm của sự tu tập chánh niệm, ở đây là niệm thân. Niệm thân căn cứ trên phương diện thân thần kinh thân, tức là ghi nhận về cảnh xúc hay xúc giác, căn bản như vậy. Do đó nên từ hơi thở vào-ra ta cũng nhận thấy có liên hệ đến thân và cảnh xúc. Đức phật có dạy thêm sau niệm thân nói đến phần tứ oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, đến tiểu oai nghi để phân biệt như tay chân co-duỗi cử động kể cả nói- cười -khóc v.v... Đó là những cái sắc. Vì đi cũng là sắc đứng cũng là sắc, nằm cũng là sắc, ngồi cũng là sắc nói cũng là sắc, cười cũng là sắc, khóc cũng là sắc. Ngoài bảy oai nghi trên những gì có hiện tướng ra bên ngoài là sắc bình thường cũng là sắc. Nên biết rõ những sắc đó do tâm điều khiển, “ Tâm ư trung mà cái hình ư ngoại”. Như con cá lội dưới dòng nhưng sóng dợn lên trên, ta có thể nhìn sóng dợn trên mặt nước biết là con cá gì rồi. Như con cá lóc nó đi thẳng nên sóng dợn một đường Còn cá trê khi lội đuôi quạt qua quạt lại, dợn sóng cũng thấy lăn tăn như vậy. Thí dụ như vậy, để thấy cái tâm có ý nghĩ như thế nào thì nó phát hiện ra ngoài, nếu tâm sân sai khiến việc khóc nước mắt chảy ra. Với tâm thọ hỷ thì cười, guơng mặt bên ngoài cũng hiển lộ tương tợ như vậy. Do đó khi nói đến Niệm thân ta cần phân biệt cái sắc. Một điều chúng ta cần lưu ý nữa, nếu nói trên phương diện thiền quán, trong bài kinh “Đại Tứ niệm xứ” Đức phật có dạy rõ. Bình thường nói Tứ đế là bốn sự thật khổ-tập-diệt-đạo. Khổ chỉ những gì hiệp thế danh-sắc, tập nói về tham ái hay tập khởi nói chung những gì là nhân là duyên, diệt nói về nirodha chỉ chung sự đoạn diệt . Khi quán về ngũ uẩn dầu niệm thân cũng nói về sắc uẩn, nếu phát triển về thiền quán Đức Phật dạy có ba, “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”. Nếu chúng ta mới đọc qua thấy hình như thiếu về Tứ đế, bởi vì Tứ đế có bốn ở đây Ngài chỉ hành giả phân biệt khi quán đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc hay những sắc tương tợ, thấy rõ “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”, như là còn thiếu sắc đoạn diệt đạo. Thật sự không thiếu, bởi vì chính cái nhận ra “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt” đó là chánh kiến, chánh kiến nằm trong Bát chánh đạo mà bát chánh đạo là tám sở hữu bát chánh nằm trong tâm thiện dục giới tương ưng với trí. Do đó với hơi thở hay đại oai nghi tiểu oai nghi hay 32 thể trược hay tử thi cũng gồm chung trong phần sắc. Nhưng nhìn thấy sắc đó là sắc với sự đổi thay tiêu hoại, đó là vô thường- khổ- vô ngã. Như vậy nói sắc tập khởi tức là cái nhân cái duyên gì sắc đó sanh lên rồi sắc đoạn diệt. Ở đây sắc tập khởi được nói đến như trong bộ Patisambhida giải thích: -Do vô minh sanh tập khởi- sắc tập khởi -Do ái tập khởi - sắc tập khởi -Do nghiệp tập khởi - sắc tập khởi -Do vật thực tập khởi - sắc tập khởi -Hay thấy những tướng sanh khởi tập khởi nào khác tức là những pháp đồng sanh còn lại chưa nói đến. Thấy những tướng sanh khởi như vậy cũng gọi là thấy tướng sanh. Khi hành giả quan sát sanh khởi hay tập khởi tức nhân duyên sanh lên thường thấy bởi năm tướng này. *Điều này cho chúng ta thấy rõ chính vì vô minh khiến thân đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc. *Cũng vậy khi do tham ái sanh khởi sai khiến việc đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc hay sắc bình thường. *Cũng vậy do nghiệp tức là tâm sở tư sai khiến đề đốc làm những việc thiện và bất thiện gì đó, trong lúc đó đi-đứng-nằm-ngồi nói- cười- khóc do nghiệp sanh tập khởi thì sắc tập khởi. *Vật thực tập khởi thì sắc tập khởi, đây nói về những gì đoàn thực ăn uống làm cho chất dinh dưỡng tăng trưởng nhờ vậy thân được khoẻ mạnh mới có đủ sức để đi-đứng-nằm-ngồi- nói- cười- khóc hay sắc bình thường. Chúng ta thấy những gì tập khởi và ngược lại cái đoạn diệt cũng biết đến với tướng đoạn diệt như nói về niệm thân kể cả hơi thở, oai nghi, tiểu oai nghi cũng vậy. Khi quán đoạn diệt trong bộ Patisambhida cũng dạy hành giả khi quán thấy sự đoạn diệt cũng thấy bằng năm tướng. Tức là, -Do vô minh diệt - sắc diệt -Do ái diệt - sắc diệt -Do nghiệp diệt - sắc diệt -Do vật thực diệt - sắc diệt -Hay thấy những tướng đoạn diệt khác tương tợ cũng thấy được tướng đoạn diệt. *Thật vậy không có vô minh sai khiến một hành động nào đó, tư tưởng nào đó như đi ăn trộm ăn cắp hay đánh người v.v…Trong đó do vô minh khởi lên mới có sắc đi-đứng-nằm-ngồi. Khi hành giả có chánh niệm biết rõ khi thấy tham sân khởi lên do vô minh che phủ như vậy, khi nhận biết được như vậy, biết đó là vô minh nên không dẫn đến những hành động kế tiếp, do đó vô minh diệt sắc đoạn diệt. *Hay là do sự tham ái khởi lên muốn đi trộm cắp v.v.. Nhưng vì có chánh niệm ghi nhận tham ái thuộc về dục tư duy mà tư duy này có hại cho mình có hại cho người có hại cho trí tuệ, che lấp việc thấu rõ Niết- bàn nên tư tưởng này bị diệt đi không còn tiếp tục sanh khởi sai khiến đi-đứng-nằm-ngồi nói- cười- khóc hay sắc bình thường . Như vậy do ái diệt nên sắc diệt. *Cũng thế nghiệp hay vật thực cũng tương tợ hay các pháp khác có liên quan đến sắc cũng tương tợ. Khi quán thấy tập khởi bằng những tướng sanh khởi thường thường hành giả nên quán đến năm tướng này. Khi thấy sự đoạn diệt cũng thấy sự đoạn diệt bởi năm tướng này. Chính vì nhận biết được đó là chánh kiến thuộc về đạo đế. Như vậy kinh Tứ niệm xứ phần Ngũ uẩn, Đức phật có dạy cách quán “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”. Chính vì cái trí cái tâm biết “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt” đó là chánh kiến, chánh kiến nằm trong bát chánh đạo, bát chánh đạo nằm trong phần tâm thiện dục giới hiệp trí như đã nói. Do đó giữa Chánh niệm - Chánh định - Chánh kiến có sự hổ trợ xoay vòng với nhau như trong bài kinh “ Tứ thập nhị chương” có đề cập đến sự xoay quanh giữa Chánh kiến - Chánh niệm - Chánh định. Đây là sự đóng góp của tôi.
TT Trí Siêu Chánh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Bạch TT Tuệ Siêu, từ trong chánh tạng chúng ta thấy những bài kinh tiêu biểu nhất như “Đại tứ niệm xứ” trong Trường bộ kinh và kinh “Tứ Niệm xứ” trong Trung bộ kinh. Gần như cả hai đều không đề cập đến thời gian nên ngồi thiền bao lâu, nên đi kinh hành bao lâu, nên làm mau hay làm chậm . Bây giờ những điều này được các vị thiền sư nói nhiều như học trò Ngài Mahasi thường nói đến chuyện ăn chậm uống chậm nói chậm đi chậm. TT có cảm nhận gì về điểm này, và tại sao trong những bài kinh Đức Phật dạy trước kết tập lại không nhắc đến thời lượng mau-chậm v.v… TT Tuệ Siêu : Theo chúng tôi hiểu và cảm nhận được, ở đây sở dĩ các bài kinh “Đại tứ niệm xứ” xưa kia Đức Phật đã thuyết trong đó ta không tìm thấy chỗ nào Đức phật dạy trong việc hành thiền phải làm chậm, phải ăn chậm, đi chậm, uống chậm. Hiện nay một số vị Thiền sư hướng dẫn cho các thiền sinh trong việc tu tập làm việc chậm chậm để chánh niệm để ghi nhận được dễ. Sở dĩ ngày xưa Đức phật không nói đến vấn đề này theo chúng tôi nghĩ rằng, Thứ nhất, điều này không phải là điều khuôn khổ, phải làm như vậy mà tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi người. Một người có tâm lanh lẹ, tái tục bằng tâm vô trợ và sự hoạt động của người đó lúc nào cũng có tính cách nhanh lẹ. Nếu bây giờ Đức Phật khuyên làm chậm lại, các vị hành giả sẽ làm theo lời Đức Phật tất nhiên có điều trở ngại cho việc tu tiến của vị ấy. Bởi vì có người chậm có người nhanh, người nào tục sinh bằng tâm hữu trợ có thói quen sinh hoạt làm việc gì cũng chậm, nếu nhanh quá thì làm không kịp hoặc suy nghĩ không kịp hay chánh niệm không kịp. Như vậy với người ấy các vị thiền sư mới hướng dẫn nên làm chậm. Thứ hai, vào thời Đức Phật, Ngài biết rõ cơ tánh chúng sanh như thế nào, và Đức Phật biết khi hướng dẫn như vậy, dạy như vậy nhắc nhở như vậy các vị đệ tử thực hành có kết quả ngay nên không cần phải nhắc nhở làm chậm hay chi cả. Đức Phật không nói lên điều này có hai điểm lợi. -Điểm lợi thứ nhất đối với những vị hành giả tiệp tuệ hay mẫn tuệ hay lợi tuệ gọi là tikkhindriya. Đối với vị hành giả này có thể thoải mái tu tập chánh niệm theo khuynh hướng của mình là nhanh, không có gì trở ngại. -Điểm lợi thứ hai đối với người làm việc chậm do sự tái tục bằng tâm hữu trợ Sasankhārika, có thể tuỳ tiện nếu cử động nhanh ăn uống nhanh không chánh niệm được. Vị đó sẽ làm chậm lại theo ý muốn của mình. Do vậy hai hạng hành giả đều có thể thành tựu được kết quả tốt đẹp. Ngày nay các vị thiền sư hướng dẫn phải làm chậm vì đa phần chúng sanh thời nay không thuần thục trong pháp hành, chưa lão luyện trong pháp niệm. Do đó các vị thiền sư hướng dẫn cho các vị đó làm chậm chậm để có chánh niệm. Rõ ràng ở đây, các vị thiền sư dầu khuyên làm chậm nhưng các vị không nói làm chậm cỡ chừng nào, theo mức độ nào và lấy gì làm chuẩn mực để biết là chậm. Không phải các vị hướng dẫn sai lời Đức Phật dạy, nhưng các vị tuỳ theo đa phần thiền sinh các Ngài hướng dẫn. Có một số vị hành giả không nhận biết được dụng ý đó của các vị thiền sư nên đã truyền tụng với nhau. “ Vị ấy dạy phải làm chậm như vậy”. “Lúc tu tập về niệm phải đi kinh hành bước chậm, lúc ăn phải nhai chậm phải nuốt chậm v.v..”. Vấn đế này không thích hợp và cũng đi ngược lại hay nói cách khác sai tôn ý hướng dẫn trình bày của các vị thiền sư. Theo chúng tôi sở dĩ Đức Phật không nhắc đến vì Ngài muốn để cho hai hạng hành giả tự ý vừa theo bản tính của mình. Như vậy sẽ thoải mái và sẽ thành tựu tốt đẹp hơn. Còn có một vài vị Thiền sư dạy chậm như vậy bởi vì các Ngài đang hướng dẫn cho một số vị hành giả có cơ tánh chậm chạp. Theo kinh nghiêm bản thân chúng tôi cũng rất hoan hỷ khi nghe Ngài Taungpulu khi đi kinh hành hay làm việc gì cũng nhanh. Chúng tôi nghĩ rằng một vị thiền sư làm như vậy theo cá tính của vị đó. Rõ ràng không sai pháp. Khi chúng tôi đi kinh hành, chúng tôi cũng thường đi nhanh. Khi đi nhanh nếu khi nào chúng tôi suy nghĩ về Pháp chúng tôi mới thấu hiểu được, bởi vì tư tưởng đang theo đuổi một đề tài, đang suy nghiệm, bấy giờ bước đi nhanh tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng. Sau khi xả những buổi thiền tập, khi đi kinh hành dầu chúng tôi đi nhanh chúng tôi vẫn có thể chánh niệm được. Chúng tôi không nói là đi quá nhanh, trường hợp đi nhanh như chạy, nếu chưa xét vế mặt tác dụng đến chánh niệm của thiền, trên phương diện luật càng không được vì làm mất đi Tăng tướng. Như trường hợp bà Visakha lúc còn tiểu thơ nói với các vị Bà-la-môn đến gặp bà, “Chay hoặc đi nhanh quá y phục xốc xếch, như vậy không đẹp mắt”. Chúng ta không cần thiết đi nhanh quá hoặc chậm quá, đi như thế nào để chúng ta chánh niệm kịp thời là được. Đây là ý kiến của chúng tôi.
Thảo luận 3 ĐĐ Pháp Đăng. Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Đối với nhiều Phật tử thì những sự tu tập như quán thân bất tịnh hay quán về sự vô thường, họ cảm thấy không hoan hỷ, bởi vì khi mình nói đến những điều đó làm cho đời sống mất đi sinh thú, mất đi sự vui vẻ, nói cách khác là nó mất vui. Ngay cả lâu lâu chúng ta thường nói đang ăn cơm mà nói cái gì không sạch thì ăn mất ngon, ông bà dạy chúng ta nên tránh đi. Hay trong đời sống; chuyện chết, chuyện vô thường đó là những xúi quẩy, chúng ta không nên đề cập đến. Thì ở trên cái nhìn của một người tu tập, Sư Pháp Đăng có lời khuyên nào về điểm này: là những cái sự thật vốn không được hoan hỷ đó, chúng ta nên tránh hay chúng ta nên đón nhận nó ra sao? ĐĐ Pháp Đăng: Về vấn đề này thì con nhớ lại trong bài kinh Đa Giới trong Tương Ưng Bộ kinh, Đức Phật Ngài nói: “nếu một người Phật tử có chánh kiến thì người đó sẽ không thấy các hành là thường tồn bền vững.” Những người đệ tử của Đức Phật có chánh kiến thì không bao giờ thấy như vậy. Tại vì sao? Vì thật sự các hành luôn sanh diệt, các hành luôn bức bách, không thể nào nói là nơi đó mình yên vui hạnh phúc trường tồn được. Đối với các uẩn là một sự khổ não, các hành các uẩn thì sự thật sanh diệt. Người có trí tuệ phải thấy, chứ không thể nào nói rằng thấy lạc trong cái khổ được, hay thấy hữu ngã trong cái vô ngã được, thấy cái bất tịnh trở thành tốt đẹp được. Về những người không thấy đúng sự thật thì Đức Phật nói rằng người đó không thể nào là người đệ tử của Đức Phật có chánh kiến. Vì bậc Đạo Sư tu tập trên con đường xuyên suốt Ngài đã tìm ra được con đường này trong vô lượng kiếp, rất là khó khăn. Như chúng ta vừa nghe lời Sư Trưởng góp ý trong buổi giảng: “Một người tu thiền định, định nhiều có thể làm cho người đó mất đi sự minh mẫn, nhưng nếu tuệ nhiều cũng trở thành cái bất cập.” Bởi vì trong tất cả các đề tài thiền tu tập của Đức Phật, Đức Phật Ngài luôn luôn nói "Có tấn sẽ có định", và "tuệ cũng phải có phương pháp để quân bình lại tín." Như vậy thì chính sự quân bình này làm cho người đó với trí tuệ nhìn thấy như trân như thật chứ không thấy qua một ảo giác. Và chính vì sự kinh nghiệm trên thân của người đó, mỗi ngày vị đó thấy sự búc xúc của thân hình như phải tắm rửa; mỗi khi tắm rửa, mỗi khi vệ sinh, đại tiện hay tiểu tiện, mỗi khi bị đau lưng hay ngồi mà thấy đau mình mẩy hoặc nhức mình mẩy hoặc khó chịu thì người đó vẫn thấy được nỗi khổ của sắc uẩn này và sự bực bội khó chịu của danh uẩn này, và vị đó phải thấy như vậy thì vị đó mới thấy được sự thật, sự thật về danh sắc này. Một người thí dụ như muốn ăn thì ăn, họ không bao giờ suy nghĩ rằng sắc thân này là khổ, “bây giờ đói rồi không làm, từ sáng tới giờ không làm gì mà bây giờ nó cũng đói nữa”. Thường mình chỉ phản ứng theo thói bình thường là hễ khát thì uống. Nhưng các vị có trí tuệ quán thấy sắc uẩn này tồn tại nhờ đất nước lửa gió, thì uống nước chỉ là sự bù đắp sự khiếm khuyết trong cơ thể chúng ta mà chúng ta gọi “là người không thể thiếu nước thì phải uống nước như vậy”. Thì nếu một người có trí suy nghĩ mỗi ngày mình phải tắm rửa, tại sao mình phải tắm rửa? vì nếu không tắm rửa con người mình dơ bẩn rít khó chịu bực bội, hoặc thường thường nhiều người một ngày không gội đầu thì chịu không nổi, có nhiều người nói một ngày không tắm một lần cũng không chịu nổi. Có một lần con qua bên thiền viện bên Siêu Minh thấy một vị sư nói rằng: “Một ngày mà tôi không tắm hai ba lần tôi không chịu nổi, ngày mà mùa nắng tắm ít nhất cũng ba lần, bốn lần, nhiều khi tới 11 giờ đêm mà còn đi tắm.” Thấy vị này lớn tuổi con mới nói: “Nếu Đại Đức tắm như vậy thì dễ bịnh.” Nhiều khi mình tu tập mồ hôi đổ ra mình thấy khó chịu, mình không thể kham nhẫn với nỗi khổ của thân mình, thật sự là vậy. Nếu đổ mồ hôi ra mà tắm liền thì rất dễ bị cảm. Khi hành thiền gần vị này cứ thỉnh thoảng vài ba ngày là bị cảm. Nhiều khi như vậy, nên mỗi lần mình thấy thân của mình như vậy, mình ghi nhận luôn cả những lúc đau bụng mình đi đại tiện cũng vậy “Mình suy nghĩ thật sự nếu không có nhà cầu mình không chịu nổi,cũng phải đi kiếm chỗ này chỗ kia giải quyết.” Cũng như vậy, tiểu tiện cũng vậy. Thì khi người đó suy nghĩ thật sự như vậy thì người đó thấy thật sự thân của mình là nỗi khổ, không thể nào tìm được các uẩn là niềm vui hay các uẩn là trường tồn, các uẩn là bền vững được, vì sự thật không là như vậy. Nên nếu một người Phật tử mà thấy ngược lại với cái thấy của các bậc trí tuệ, các bậc hiền nhân thì thật sự cái thấy này coi chừng là một điên đảo tưởng, một điên đảo kiến, như vậy thì rất nguy hiểm cho bản thân của mình, vì con đường giác ngộ các bậc Thánh đã giác ngộ, Ngài đã tuyên bố sự thật là như vậy thì mình phải có một sự nghĩ như vậy, còn nếu một người nào nói rằng mình chỉ tìm thấy sự thật, thì vị đó cứ mỗi lần ăn hỏi “Tại sao mình ăn.” khi uống thì “Tại sao mình uống.”, đại tiện, tiểu tiện cũng vậy, “Tại sao mình phải đại tiện tiểu tiện.” Tại vì thường thường mình giải quyết những sự bức bách khổ não của sắc uẩn này, của đời sống này mình phải tần tảo hoặc biết khổ sở như vậy, mình phải ghi nhận, có ghi nhận mình mới có thể tầm cầu sự giác ngộ đúng theo sự tầm cầu của các bậc Thánh sự tầm cầu cao thượng. Thì theo như lời của TT Giác Đẳng hỏi thì con có một vài cái thô thiển của mình trình bày như vậy.
Ni Sư Liễu Pháp Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Bây giờ chúng ta thường nghe người thế gian hay nói một người sống nặng về vật chất hay nặng về tinh thần, ví dụ người tu thì nên sống nặng về tinh thần nhiều hơn là nặng về vật chất. Cách sống nặng về vật chất, nặng về tinh thần đó có ứng dụng trong Phật học được không, có chính xác không? Bởi vì chúng ta hôm nay bàn về “niệm thân” nếu chúng ta đem chánh niệm, đem sự hướng tâm của mình để đặt ở thân thì chúng ta có thể gọi là sống nặng về vật chất hay không? Hay là điểm đó nó quá tổng quát mà chúng ta cần phải định nghĩa lại rõ ràng thì xin thỉnh Ni Sư Liễu Pháp hoan hỷ cho một vài lời về điểm này. Ni Sư Liễu Pháp: Theo con thì câu “nên thiên về tinh thần hơn là nên thiên về vật chất” là câu nói rất chung chung. Bởi vì trong cuộc sống ai cũng thấy hai mặt rất rõ rệt: Mặt tinh thần và mặt vật chất, hoặc mình nói là người lo về tinh thần nhiều quá mà bỏ bê mặt vật chất tức là không chịu làm ăn, không chịu ăn uống đầy đủ, không để ý tới sức khỏe thì như vậy người quá nghiên về tinh thần thì không hay, ngược lại người nghiên về mặt vật chất quá thì cứ lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ tài sắc danh lợi mà không quan tâm tới tâm của mình thì đó chỉ là cách nói chung chung trong đời sống hằng ngày. Còn khi tu tập thì chuyện hoàn toàn khác, bởi vì trong việc tu tập người nào tu Tứ Niệm Xứ thì biết rằng có bốn đề mục để hành chánh niệm, đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Trong đó thân thuộc về yếu tố vật chất hay sắc pháp, còn thọ, tâm, và pháp thì phần lớn thuộc về tinh thần. Khi tu tập như vậy dù vật chất hay tinh thần mà đã trở thành cái đối tượng hay đề mục để hành thiền quán thì nó đều có giá trị như nhau. Giá trị ở đây là giá trị của sự chánh niệm. Còn ngược lại về đề mục có khi chọn đề mục niệm thân, có khi chọn đề mục niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp làm điểm khởi đầu. Tuy nhiên trong quá trình hành thiền ai cũng thấy rằng mặc dù là niệm thân nhưng trong đó mình vẫn ghi nhận có cảm thọ, vẫn ghi nhận những cảm giác, và có khi mình cũng ghi nhận những yếu tố khởi lên ở trong tâm như phiền não, như những pháp triền cái hoặc những pháp tốt đẹp như Thất Giác Chi chẳng hạn, yếu tố niệm, yếu tố định khởi lên mình đều thấy cả. Nói tóm lại dù là vật chất hay là tinh thần khi đã trở thành: là vật chất hay sắc pháp là phần thân, là tinh thần tức là thọ hay là tâm, hay là sắc pháp mà đã trở thành đối tượng cái đề mục cho chánh niệm thì nó đều có giá trị như nhau. Cho nên không thể đem câu đó áp dụng trong trường hợp hành Tứ Niệm Xứ để nói rằng vật chất quan trọng hơn tinh thần, bởi vì những nguyên tắc ở đây là sự thực hành chánh niệm trên một thực tại xảy ra, thực tại đó có thể là vật chất có thể là tinh thần tùy theo mỗi giây phút tùy theo mỗi điều kiện, và tùy theo pháp hành của mỗi người. Cho nên người học Phật mình nên tinh tế ở chỗ này, tức là có những câu áp dụng trong trường hợp chung chung mà không áp dụng được trong trường hợp cụ thể của pháp hành. Con xin góp ý như vậy trong câu hỏi của TT Giác Đẳng.
Sư Trưởng Chánh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Bạch Sư Trưởng, chúng ta có hai chữ là chữ Quán và chữ Niệm. Ví dụ chúng ta quán về vô thường, quán về bất tịnh. Niệm là chúng ta ghi nhận. Có nhiều người cho rằng hai chữ này không đi chung với nhau được, vì chữ Quán là phải suy tư, Niệm là bám sát ghi nhận sự thật. Khi mình ghi nhận thì mình không quán, khi mình quán mình không ghi nhận. Vậy Quán và Niệm đi chung bằng cách nào và Quán và Niệm không thể đi chúng bằng cách nào. Kính thỉnh Sư Trưởng giảng tỏ về điểm này. Sư Trưởng : Quán thuộc về trí tuệ là tuệ quyền, là một tâm sở trong 52 tâm sở và Niệm cũng là một tâm sở trong 52 tâm sở. Cả Niệm và Tuệ đều là thiện chứ không có mặt trong bất thiện hay tham sân si. Giải theo A-tỳ-đàm Niệm có thể sanh khởi mà không có Tuệ, nhưng Tuệ không thể sanh khởi mà không có Niệm, bởi vì chánh niệm là một tâm sở tịnh hảo biến hành. Trong tất cả những tâm nào gọi là Sobhana dầu đó là tâm thiện tâm quả dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế hay tâm duy tác dục giới, sắc giới, vô sắc giới cũng vẫn gọi là Sobhana thì Niệm đều có mặt trong những tâm tịnh hảo Sobhana. Còn Tuệ chỉ có mặt trong những tâm nào tương ưng với Tuệ. -Nói về sắc giới vô sắc giới và siêu thế Niệm và Tuệ luôn luôn có mặt. -Nhưng ở những tâm thiện dục giới tâm quả dục giới tâm duy tác dục giới: --Có 12 tâm có tương ưng với trí thì Trí có mặt Niệm cũng có mặt --Nhưng có 12 tâm ly trí chỉ có Niệm có mặt mà Trí không có mặt. Còn nói về hai ý nghĩa mà chúng ta xét nét ra, chẳng những hai tâm sở Niệm và Tuệ khi được giải thích. -Niệm là một trạng thái như là an lập đặt để vững chắc ghi nhận biết rõ v.v… -Còn tỉnh giác là cái tuệ tri thấy rõ biết rõ. Chúng ta thấy như hai tâm sở này nó có sự khác biệt với nhau cho rằng hễ có cái này thì không có cái kia thì không đúng. Không phải chỉ hai tâm sở này mà 52 tâm sở, mỗi một tâm sở như vậy có một đặc tánh khác nhau. Do đó nên ngài Xá-Lợi-Phất tán dương Đức phật là việc khó làm mà Đức Thế Tôn đã làm như từ một trạng thái tâm đồng sanh trong một cái tâm mà Đức Thế Tôn đã giải thích rõ, “ Đây là xúc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là tư v.v..” Cũng trong vần đề này chính vì khó gải thích được nên vua Milanda mới nhờ Đại Đức Nagasena giải thích và cho thí dụ . Ngài Nagasena có giải thích cho biết được như vầy, “Như một người đầu bếp nấu những món ăn như súp canh chẳng hạn, trong đó họ nếm những món gia vị như muối thì mặn, đường thì ngọt, tiêu ớt thì cay, me chanh thì chua, khổ qua thì đắng. Trong món canh những món gia vị có đủ. Sau khi nêm nếm, nấu xong rồi Đại vương có thể biểu người đầu bếp lấy ra chất này là chất muối, chất này là chất đường được không?” Vua Milanda trả lời, “ Bạch đại Đức không thể được” “ Nếu không thể được vậy Đại vương có thể phủ nhận là tô súp tô canh đó không có muối không có đường không?” “Bạch Đại Đức, điều này không thể phủ nhận được, bởi vì sự thật trong đó có những món này” “Thí dụ này như thế nào thì tâu Đại vương trong một cái tâm có nhiều tâm sở tương ưng với tâm”. Mỗi một tâm sở có một đặc tánh khác nhau mà khi nó là tương ưng với nhau (Samyutta) là nó hoà trộn với nhau như nước với sữa rồi, không thể tách rời ra, nhưng mỗi tâm sở có đặc tính khác nhau. Còn tâm, khi phân rộng ra 121 tâm, nhưng tâm chỉ có đặc tính duy nhất là biết cảnh còn những thành phần khác chính nhờ những tâm sở tương ưng . Trừ khi nó có những tương phản với nhau như thọ ưu thì không có thọ hỷ cũng như thọ hỷ không có thọ ưu hay thọ hỷ thọ ưu thì không có thọ xả , thọ xả thì không có thọ hỷ thọ ưu v.v… Có một số tâm sở không thích ứng được, còn ngoài ra những tâm sở nào có thể hào hợp trong đó không chống trái với nhau, nó sẽ trợ giúp nhau bằng cách hiện hữu duyên, bất ly duyên, tương ưng duyên và cũng là tương tế duyên v.v... Đấy là câu trả lời của tôi.
TT Tuệ Siêu Chánh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Bạch TT Tuệ Siêu, hôm nay chúng ta nói về Niệm thân, có nhiều cách Niệm thân được đề cập đến trong kinh Tứ niệm xứ như là Niệm hơi thở, Niệm tiểu oai nghi, Niệm oai nghi, Niệm về tứ đại, Niệm về thể trược, Niệm về tử thi v.v…Riêng về Niệm hơi thở, có phải chăng trong Tam tạng kinh điển Pali đặc biệt có nhiều bài pháp, có nhiều đoạn kinh Đức Phật nhấn mạnh về sự quan trọng và lợi lạc của pháp Niệm hơi thở? TT Tuệ Siêu: Quả thật đúng như vậy. Vì hơi thở là thân hành thường xuyên xảy ra trong cuộc sống này và gắn bó với tất cả mọi người trong mọi lúc mọi nơi. Chính Đức Phật sau khi từ bỏ pháp tu khổ hạnh, dưới cội cây bồ đề Ngài cũng đã suy nghĩ nhớ lại thời thơ ấu lúc ngồi dưới cội cây trâm trên bờ ruộng nhân lúc theo phụ vương đi dự lễ Hạ- điền, Ngài đã thành tựu được trạng thái tâm định nhờ hơi thở. Do vậy Ngài đã áp dụng phương pháp này. Ở đây chẳng những trong bài kinh Tứ niệm xứ đề cập đến niệm hơi thở như là một cách niệm thân (Kāyānupassi) mà ở trong những bài kinh rải rác đó đây đức Phật cũng đã nhấn mạnh đặc biệt về phương pháp niệm hơi thở. Ví dụ như trong bài kinh “ Maha Rahulovada Sutta” “Giáo giới Ra-Hầu-La đại kinh”. Khi Đức phật giáo giới cho Rahula về pháp tu tập thiền định, sau đó Ngài giáo giới pháp tu tập thiền định về cách quán thân ngũ uẩn về vô thường- khổ não- vô ngã, “ Nên biết rằng cái này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”. Rồi Ngài Xá-Lợi-Phất dạy cho Ngài Rahula đề mục hơi thở. Tôn giả Rahula lấy làm băn khoăn, “Đức Thế Tôn dạy cho mình pháp môn này, còn thầy tế độ dạy cho mình pháp môn niệm hơi thở nhập tức xuất niệm. Trong trường hợp đó sẽ phải thực hành như thế nào?” Ngài Rahula đến đảnh lễ Đức Phật và trình bày hỏi Đức Thế Tôn về phương pháp Niệm hơi thở. Đức phật có dạy phương pháp “nhập xuất tức niệm” nếu được tu tập làm cho sung mãn, làm cho tròn đủ thì đạt được quả báo lớn, lợi ích lớn . Rồi Đức Phật dạy cho một loạt về những pháp môn những phương pháp xoay chung quanh vấn đề Niệm hơi thở, Có rất nhiều trường hợp khác, chẳng hạn Đức Phật dạy các vị Tỳ kheo, Niệm hơi thở là để diệt tầm-tứ, Niệm từ tâm giải thoát để diệt trừ tâm sân v.v… Cuối cùng Ngài dạy niệm hơi thở là để diệt tầm-tứ tức là trạng thái phóng tâm trạng thái hay mơ mộng. Rõ ràng ở đây chúng ta thấy có rất nhiều bài kinh trong đó mặc dù không phải đề cập đến kinh Tứ niệm xứ nhưng trong trường hợp này Đức Phật đã nêu rõ pháp môn niệm hơi thở có đặc tính đặc biệt như vậy, có giá trị đặc thù như vậy. Chúng tôi xin được trình bày theo những điều chúng tôi đã biết như thế.
ĐĐ Pháp Đăng Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Chúng ta phải đối diện với rất nhiều những chi phối của thân như: bịnh, nóng lạnh, khó chịu, đói khát v.v… Có nhiều người quan niệm rằng mình sống mà đặt nặng về chuyện xác thân quá thì mình sẽ bị trì trệ, tốt hơn hết mình quên hết đi. Giả sử như mình đi tìm những lẽ sống khác, mình làm thơ hay mình viết sách hay mình coi phim để mình có thể quên đi những cái khổ sở do thân mang lại. Nhưng rồi chúng ta cũng được biết có rất nhiều trường hợp một hành giả tu tập thường xuyên sống với thân. Thì theo Sư Pháp Đăng nghĩ là khi chúng ta chánh niệm thường xuyên với thân có làm cho chúng ta khổ sở thêm hay không, khi chúng ta biết thường có vấn đề mà vấn đề mình để ý đó có thể làm vấn đề nó nặng thêm hay chúng ta nên làm ngơ đi bằng cách là chúng ta hướng tâm vào những đối tượng? Xin Sư Pháp Đăng hoan hỷ cho biết ý kiến. ĐĐ Pháp Đăng: Qua câu hỏi của TT Giác Đẳng, nếu nói về kinh nghiệm của bản thân con thì một người đã tu tập họ có chánh niệm, bởi vì chánh niệm đó không thể nào làm cho mình thấy bực bội khó chịu được, chánh niệm đó có sự ghi nhận với trí tuệ biết rõ có cái hiện hữu những gì làm áp lực, những áp lực nói về sự nhiệt não của các hành thì vị này nhìn thấy rõ như vậy, đối với sắc uẩn cũng vậy, đối với danh uẩn cũng vậy nó luôn luôn có nhiều sự sanh diệt liên tục từ nơi nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn hay ý căn, rồi đối với sắc thân cũng có nhiều nỗi búc xúc như những khó chịu bực bội trong cơ thể hay thời tiết hay vật thực hay trong sắc thân hay những bịnh hoạn hay sự bất ổn trong những oai nghi mà vị đó ở một oai nghi nào nhiều thì có sự bất ổn khó chịu là như vậy. Thì khi người đó có chánh niệm lâu năm nhiều tháng, chẳng những người đó họ có sự giỏi dắn chịu đựng, chịu đựng là vị đó luôn luôn có chánh niệm, vì có một lúc nào mình thấy rằng mình bị sự đè nặng thì vị này luôn thấy sự thật là như vậy, vị này càng lâu ngày không phải bị sự áp lực mà vị đó càng hoan hỷ hơn. Hoan hỷ là thấy rằng mình chánh niệm để mình thấy rõ sự sanh diệt của danh sắc, thấy được những áp lực của sự sanh diệt của danh sắc này thì chánh niệm vị đó càng lâu ngày, tánh tình của vị đó hay là đời sống của vị đó nhìn vào sẽ có một sự thay đổi rất lớn. Ngày nào người đó dễ dàng phóng túng phan duyên, có thể dễ bực bội cau có hoặc cười thô tháo, ngày nay thì thấy vị đó rất điềm tỉnh, có nghĩa là vị đó có một sự sống về nội tâm với sự chánh niệm nhiều sẽ làm cho những người chung quanh có được một cảm nhận như vậy. Thì không thể nào nói là một người có chánh niệm rồi thì người đó sẽ có một sự bực bội khó chịu gì gây ra làm cho người đó có tâm sân, vì chánh niệm là sự xét thấy, sự ghi nhận được những đối tượng trí tuệ đó thấy rõ thật như vậy, thì trí tuệ thấy rõ như vậy vị đó chỉ có ghi nhận sự thật, cái khổ của sự thật này và vị đó với cái khổ sự thật thì vị đó biết được như vậy, vị đó sẽ diệt được nhân đưa đến sự khổ này, đó là những phiền não mà vị đó đoạn trừ nên đời sống của vị đó chắc chắn. Bởi vậy khi sống gần những vị có tu tập dù cho họ lúc bấy giờ họ đau lưng hay đau bụng hay nhức đầu hay chóng mặt hay khó chịu trong người, nhưng họ có chánh niệm thì họ không rên rỉ , không có những biểu hiện bực bội khó chịu cau có với những người chung quanh, thì quả thật khi một người tu tập có sự mạnh mẽ như vậy. Hay nhiều khi chúng ta thấy đối với tôn giả Ananda thấy Đức Phật những lúc Ngài kham nhẫn mồ hôi ra nhiều, nhưng Ngài Ananda nhìn thấy biết được. Bởi vậy một người khi đau đớn thì thân này sẽ có mồ hôi tuông ra (gọi là đau xuất mồ hôi hạn) thì thường ai lúc đau mà cắn răng chịu thì mình cũng đều bị như vậy hết, đó là sự thật trong đời mỗi người đều có, và khi mình thấy những người nào đau đến đỗi họ xuất mồ hôi như vậy mà họ vẫn chịu đựng, không rên rỉ không cau có bực bội, thì mình phải biết về mặt nội tâm chánh niệm của vị đó hoặc trí tuệ vị đó hiểu pháp này thực sự sâu sắc làm cho mình cảm nhận được vị này có một nội tâm tu tập, thì theo con thì con nghĩ như vậy thì con xin trình bày với TT Giác Đẳng là như vậy.
Ni Sư Liễu Pháp Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Ngày nay có rất nhiều người muốn đưa ra một cách thực hành rất hấp dẫn với người Phật tử, lấy ví dụ như sau khi chết thì được vãng sanh về đâu và cảnh giới đó màu nhiệm, đẹp đáng hoan hỷ để chúng ta hướng tới, sự hướng tới một kiếp sau mà đẹp vui hoan hỷ thì làm cho người ta rất hứng khởi nhất là những vị lớn tuổi. Bây giờ chúng ta nói đến việc tu tập trong hiện tại như quán thân chẳng hạn, quán thân đó đưa chúng ta trở về mỗi một thực tại và thực tại này với nhiều người thì không hoan hỷ. Thì nếu có Phật tử nào hỏi như trường hợp chúng ta tu tập bốn Niệm Xứ, niệm thân chẳng hạn thì cái gì là cái đáng để chúng ta hoan hỷ, cái gì là cái đáng để chúng ta tha thiết, ngoài sự sanh diệt, ngoài sự vào ra của hơi thở? Ni Sư Liễu Pháp: Theo con thì pháp hành niệm thân, mới nhìn bên ngoài thấy không có gì đặc biệt, chỉ nói đơn giản khi nào đi biết đi, đứng thì biết đứng, nhai biết nhai, nuốt thì biết nuốt, nhưng thật sự làm lâu ngày thực hành chánh niệm trên thân quen rồi thì sẽ thấy rằng cả cuộc sống trên đời này chẳng có gì ngoài chữ “biết” cả. Đôi lúc mình sống mà mình lạc mà không biết, thì chi bằng vong thân tức là mình quên đi thân của mình. Mà vong thân thì khi cái thân của mình ở đây, tâm thì đi lưu lạc tới chỗ nào không biết, thì khi người sống như vậy cứ vọng về quá khứ hướng về tương lai, những người như vậy cũng không thực tại, kết quả là họ lúc sầu muộn cũng nhiều hơn để ghi nhớ về chuyện buồn thì họ buồn rầu họ lo lắng nhiều hơn, họ lo sợ lo lắng buồn rầu có khi cũng là tâm tham tâm sân khởi lên rất nhiều. Ngược lại người nào sống với sự chánh niệm trên thân người này sống bình thản, tức là bây giờ cái gì mình cũng chấp nhận cả, bây giờ thân thoải mái thì mình thấy thoải mái, nó hơi nóng thì mình thấy đang nóng, mình đang dễ chịu thì thấy dễ chịu, đang khó chịu thì thấy khó chịu vậy thôi. Sự nhận biết lâu ngày thành một người sống rất bình thản và có thể chấp nhận tất cả mọi thứ trên đời đến với mình, điều này không phải dễ mà có được, vì phần lớn mình hay sống theo thói quen là mình cứ muốn bám vào cái dễ chịu, muốn đẩy ra cái khó chịu. Cái đẩy ra là cái sân, muốn bám níu lại là cái tham. Mình cứ sống giữa tham và sân hoài mình không hề hay biết. Ngay cả mình muốn hướng về đời sống tương lai tốt đẹp, đó cũng là dạng vi tế của tâm tham mà mình cũng không hay biết, nhìn cho kỹ cũng là tâm tham. Ngược lại người sống với niệm sân không có tham vọng tương lai, không nhớ quá khứ mà chỉ có cái thấy thôi và bây giờ có tinh thần sẵn sàng chấp nhận bất cứ cái gì đến với mình bởi vì cái gì đến đẹp rồi nó cũng qua, đau khổ rồi cũng sẽ qua và nó đến mình sẵn sàng bình thản chấp nhận dầu có khổ mấy cũng chịu được và có vui mấy cũng sẽ qua thì nó sẽ không bám víu, ngay khi đó bớt đi cái tham cái sân rất nhiều. Một người bớt tham sân thì người đó sẽ thấy sự tu tập của mình tiến bộ rất nhanh, nhìn bên ngoài thì không thấy tiến bộ nhưng thật sự có tu tập sẽ thấy mình tiến bộ rất nhanh, mình sẽ thấy mình bớt tham bớt sân rất nhiều là nhờ bình thản ghi nhận cái gì đang xảy ra. Đó là con nghĩ giá trị của pháp niệm thân trong đời sống hàng ngày, tức là bớt tham sân một cách rất rõ ràng, rất thiết thực nếu như một người có thể nhận biết được trong khi những pháp hành khác lại đưa mình đi theo một tham mà mình không nhận ra, còn pháp hành niệm thân thì người này sống trong thực tại ghi nhận thực tại và bớt đi tham sân rất nhiều, và trí tuệ chánh niệm tỉnh giác mỗi ngày mỗi cao, khả năng chứng đắc hoặc có thể mình không cần phải nói tới những tầng quả thánh gì cả mà sự chứng đắc rõ ràng nhất là trạng thái trí tuệ chánh niệm tỉnh giác của mình mỗi ngày mỗi cao như vậy và mình thấy rằng tâm của mình bớt đi sự tham cầu, bớt sự dính mắc, bớt đi sự thương sự ghét thì ngay đó là đã có an lạc rồi, và mỗi giây phút an lạc nối tiếp nhau bởi vì đời sống này chỉ là nối tiếp của nhiều phút giây, mà mỗi phút giây mình đều sống an lạc trong chánh niệm thì hiện tại an lạc là những phút giây tiếp theo cũng an lạc như vậy thì bảo đảm đời sống này an lạc, mà đời sống này an lạc thì dù không có cầu mong đi nữa thì đời sống sau cũng sẽ an lạc, cho nên Đức Phật nói rằng là “Vui thay chúng ta sống an lạc trong kiếp này và an lạc trong kiếp sau nếu như người đó biết làm thiện, biết hành và biết tu hành.” cho nên người mà biết tu hành chánh niệm thì ngay bây giờ người đó an lạc trong từng giây phút, đời sống này được an lạc là chắc chắn đời sống sau cũng được an lạc, dù không mong cầu đi nữa thì kết quả vẫn là tốt đẹp, còn ngược lại mình đi mong cầu mà mình không biết đó là tâm tham thì tâm tham đó đưa mình đi tới hậu quả khác chứ chưa chắc là tốt đẹp. Đó là con xin đóng góp về sự lợi ích thiết thực của niệm thân trong đời sống hàng ngày./.
Minh Hạnh chuyển biên TT Tuệ Siêu: Hôm nay chúng ta tiếp tục học về đề tài "Niệm Thân" do TT Giác Đẳng là vị giảng sư chủ nhiệm hướng dẫn. Trong bài học này đề cập đến ba điểm là trong cách chúng ta tu tập niệm thân, vị hành giả cần phải biết về nhịp điệu tức là sự sinh hoạt của thân nó thể hiện như thế nào, chúng ta phải biết rõ về những hiện tướng rõ hay không rõ gần hay xa của thân hành, và chúng ta phải biết rõ điểm thứ ba nữa là giác quan và vật chất, tức là chúng ta phải biết rõ thân này được cử động nó liên quan đến tâm thức như thế nào, tâm tạo ra sắc tâm ra sao trong uy nghi đi đứng nằm ngồi v.v... Những điều đã được trình bày ở đây như là một sự chia sẻ về kinh nghiệm thiền tập, qua đó vị Giảng Sư đã trình bày cho chúng ta rất rõ nét rất dễ hiểu và những điều này cũng được tìm thấy trong nội dung của những bài kinh mà Đức Phật Ngài dạy về pháp hành Tứ Niệm Xứ. Chúng ta sẽ được nghe tiếp tục trong tuần tới quanh vấn đề niệm thân thuộc về niệm hơi thở. Chúng tôi xin được kết thúc bài học hôm nay./.
|
|