[Bài 04]
Niệm Thọ
Giảng ngày 05 tháng 06 năm 2007
Minh Hạnh và Chánh Hạnh chuyển biên
Bài giảng chính
TT Thích Giác Đẳng
Chánh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Ngày hôm nay chúng ta bước sang phần hai của Tứ Niệm xứ, đó là Niệm Thọ. Với một hành giả tu tập thiền quán, niệm thọ là một kinh nghiệm có thể làm cho hành giả lúng túng nhiều hơn hết. Trước hết chúng ta hãy định nghĩa thọ là gì? Chữ Vedana hay Thọ, ở đây thường được dịch là cảm thọ.
Có lẽ để dễ hiểu nhất, chúng ta nói đến năm cảm thọ là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả.
Khổ - Lạc đó là những cảm thọ hoặc khó chịu hoặc thoải mái về thân.
Ưu - Hỷ là những cảm thọ buồn bực hoặc hân hoan của tâm.
Xả là trạng thái không khổ không lạc, không ưu không hỷ.
Trên phương diện thực hành, hành giả luôn luôn gặp trở ngại với một vấn đề lớn của đời sống, đó là thay đổi thói quen. Chúng ta đã quen với một cách phản ứng, quen với một cách suy tư, bây gìơ làm khác hơn. Đó là điều không dễ. Thói quen của chúng ta đối với các cảm thọ là một thói quen có thể nói rằng đặc biệt mau chóng, bén nhạy. Thí dụ như chúng ta làm gì khi trong lòng mình vui, chúng ta làm gì khi trong lòng mình buồn, chúng ta làm gì khi thân dễ chịu, chúng ta làm gì với thân khó chịu. Hoặc giả chúng ta làm gì trong những giờ phút rổng không, những giờ phút trống vắng. Những điều này không phải chỉ là những phản ứng đến từ sự khôn ngoan hay hoặc giả là khả năng của chúng ta, mà những phản ứng này nó vốn dĩ là một thói quen, một thói quen ăn rất sâu trong cuộc sống của mỗi người. Nó trở thành cái nếp của chúng ta. Lấy ví dụ đối với sự tê nhức của thân chẳng hạn, nếu chúng ta ngồi một nơi nào đó, trong lúc mình tỉnh táo không buồn ngủ, cảm thấy chân hơi mỏi hơi tê chúng ta lập tức thay đổi. Cái thay đổi đó là một phản ứng đương nhiên, để chúng ta tìm cách xua đuổi đẩy đi hoặc là né tránh hoặc là làm tan biến cảm giác khó chịu. Có rất nhiều phản ứng của chúng ta liên quan đến cảm thọ mặc dù nó vốn là một nhu cầu, ví dụ như đói thì ăn, khát thì uống, cảm thấy khó chịu thì thay đổi tư thế. Với bất cứ hành giả tu tập thiền định, trừ một vài vị có nhiều túc duyên trong thiền định thì các vị này mau chóng thành đạt được kết quả mà không phải trải qua một thời kỳ phấn đấu dài, còn đa số chúng ta đều phải trải qua thời kỳ này. Điều chúng ta khó đương đầu nhất là thay đổi thói quen của mình đối với các cảm thọ.
Chúng ta nên hiểu rằng có hai thứ cảm thọ:
1/ Cảm thọ trực tiếp của các giác quan. Ví dụ như mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc. Với những giác quan đó do nghiệp của quá khứ, ngay từ điểm mà giác quan tiếp xúc với các cảnh, nó đã có định giá rõ ràng cái này là quả lành hay quả thiện, cái này là quả bất thiện, cái này là cảnh tốt, cái này là cảnh không tốt.
2/ Rất nhanh chóng sau khi những cảm thọ của các giác quan khởi lên là những cảm thọ đối với những cảm thọ đó. Những cảm thọ đối với những cảm thọ đó là thói quen rất quan trọng. Nó là phản ứng của chúng ta. Ví dụ như nói cảm thọ đối với các cảm thọ, có nghĩa là chúng ta thường gắn chặt trong đầu là chế cảm giác là thước đo của thành công, của sự an lạc, ví dụ như mình đang ngồi thiền chân bắt đầu bị tê, chúng ta đi theo thói quen bình thường là nghĩ đến chuyện làm thế nào để cho nó đừng có tê, làm thế nào mà thì giờ trôi qua nhanh. Dường như sự lệ thuộc đó khiến cho nhiều người cảm thấy rất sợ ngồi thiền. Bởi vị họ nghĩ rằng, “ Trong lúc chúng ta ngồi, chúng ta sẽ phải chịu đựng ở mức độ chịu đựng tối đa, không được nhúc nhích, không được thay đổi, không được phản ứng.
Tất cả những điều này đều là kinh nghiệm của hành giả tu tập hết.
-Trước nhất nói về các cảm thọ, chúng ta đặc biệt rất chủ quan. Chủ quan ở đây có nghĩa là thường liên tưởng cảm thọ là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Thái độ chủ quan đó là tôi đó là của tôi, đó là tự ngã của tôi, do vậy chúng ta thường muốn đặt mình trong trạng thái êm ái, chúng ta thường lấy cảm thọ để làm thước đo của hạnh phúc, của đời sống. Quả thật là như vậy, nếu đời sống mình gặp trạng thái dễ chịu thường xuyên thì mình xem cảm thọ đó như mình là người có phước, mình là người đang được hạnh phúc. Nhưng nếu ngược lại cảm thọ không thoải mái khó chịu, chúng ta cộng vào đó một cảm giác buồn, “Sao mình xui xẻo như vậy, tại sao mình bất hạnh như vậy ?” Cái Tôi và cái Ta mình gắn liền với cảm thọ đó là một trạng thái rất chủ quan, bởi vì chúng ta tin rằng chính những cảm thọ vốn là thước đo của hạnh phúc, thước đo của đời sống mình như thế nào.
-Điều thứ hai khi đề cập đến các cảm thọ, chúng ta phải đương đầu với một thói quen, chúng ta gọi là thói quen của phản ứng. Cái phản ứng này nó tương tự như khi chúng ta khát chúng ta muốn uống nước, đói chúng ta muốn ăn, buồn nản chúng ta đi tìm cái gì đó vui. Có nhiều người khi có sự trống trải đến, đời sống không có gì hào hứng họ hay đi shopping, họ hay đi ngoạn cảnh, họ đi tìm những thú vui. Đôi lúc người ta còn tìm đến nhiều loại kích thích tố như cần-sa, ma tuý v.v…để tạo cho mình cái cảm giác, ít nhất cảm giác đó khác hơn cảm giác buồn chán hằng ngày. Nói như vậy, phản ứng của chúng ta đối với thọ, nó là cái gì cực kỳ quan trọng. Với một người trong lúc thiền định tìm cách để đưa ra một giải pháp cho cảm thọ của mình thay vì ghi nhận cái gì đang xảy ra đó, người đó thường đánh mất đi tư thế của chánh niệm. Chúng ta nhắc lại một lần nữa, đối với chánh niệm sự ghi nhận quan trọng hơn là phản ứng, hơn là tìm ra một giải pháp mà đời sống hằng ngày chủa chúng ta thường phản ứng nhiều hơn.
- Điểm thứ ba nói về cảm thọ là rất ít người trong chúng ta có sự hiểu biết đầy đủ tường tận về một thứ cảm thọ mà dường như nó không có cảm thọ, đó là thọ xả. Khi nãy chúng tôi cố tình đưa ra định nghĩa thọ xả là một cảm thọ không khổ, không lạc, không ưu, không hỷ. Đây là một cảm thọ chúng ta rất sợ. Chúng ta thường cho rằng thọ xả nó vô vị, thọ xả nó nhạt nhẽo và cái vô vị nhạt nhẽo đó tuy rằng không khốc liệt, không khó chịu như thọ khổ, hay nó không buồn da diết như thọ ưu, nhưng thọ xả là cái gì thường khiến cho chúng ta sợ và chúng ta muốn thay đổi. Quan niệm về thọ xả giống như một người tưởng tượng đời sống của mình không có gì đáng, đáng để vui đáng, đáng để hoan hỷ. Và cảm thọ này, sự suy nghĩ này nó có một ảnh hưởng bị chi phối đặc biệt lớn đối với hành giả tu tập.
Chúng ta lấy một ví dụ khác. Trong trường thiền hay trong đời sống thiền định có hai trạng thái, một trạng thái lắng đọng cảm thấy mình không bị chi phối nhiều và một trạng thái cảm thấy trống rỗng vì nghĩ rằng hiện tại mình không được gì hết. Hai điều đó xem ra rất gần với nhau, rất giống với nhau. Giống đến nổi trong đường tơ kẻ tóc một người khó có thể phân biệt được. Hầu hết sự trưởng thành của chúng ta đều gắn liền với cảm thọ. Có nhiều vị vào Paltalk thời gian đầu, vào đây với tất cả sự đam mê. Luôn luôn tìm thì giờ mình có được để vào Paltalk, nhất là lúc mới có Paltalk, nhưng dần dà chúng ta quen dần với công việc và việc vào Paltalk không còn hào hứng như ban đầu. Tuy nhiên nếu thời gian sau này, chúng ta trở nên quen thuộc hơn, biết phân biệt biết lựa chọn, một ngày có bao nhiêu giờ và vào nơi nào để nghe những gì mình thích thú cho mình, lợi ích cho mình. Thì nhiều năm nhiều tháng, chúng ta trở lại một cảm giác rất bình thường nhưng trong cái bình thường đó nó không giống như trạng thái trống rỗng mà chúng ta thường có. Và do vậy điểm thứ ba là chúng ta biết rất ít về thọ xả .
Điểm sau cùng chúng ta nói tại đây liên quan đến cảm thọ là khổ-lạc-ưu-hỷ-xả thường tạo nên một sự chi phối lớn để chúng ta đánh bạt chánh niệm đi. Từ ban đầu chúng tôi có nói rằng cảm thọ là một cái gì rất chủ quan. Vì vậy khi hành giả ngồi thiền đến mức độ nào đó mà chân mình nhức nhối, mình phải lựa chọn một trong hai điều: Một là tiếp tục duy trì chánh niệm đối với cái nhức nhối tê mỏi đang xảy ra. Hai là mình thay đổi tư thế, mình bỏ việc tu thiền. Có nhiều hành giả vì chỗ này mà bỏ cả khoá thiền vì cảm thấy mình không chịu đựng nổi. Cảm thọ chi phối chúng ta lắm lắm. Trong kinh tạng, có rất nhiều bài kinh, có rất nhiều lời dạy của Đức Phật liên quan đến cảm thọ. Việc đơn giản thôi, điều này có sức chi phối lớn đối với bất cứ hành giả nào.
Như vậy chúng ta đã đề cập đến bốn khía cạnh của cảm thọ mà một người tu tập phải lưu ý tại đây.
-Điều đầu tiên, nên phân biệt rõ cảm thọ của các giác quan và cảm thọ của các cảm thọ. -Chúng ta không quá chủ quan rằng cảm thọ là thước đo của hạnh phúc, nó là tất cả. Một khi hành giả đã có nhiều thì giờ tu tập thiền định rồi, hành giả sẽ dễ dàng tìm ra rằng đa số các cảm thọ nó đến và đi, giống như mây bay trên trời. Có những buổi sáng chúng ta cảm thấy trong lòng rất hân hoan, và nổi hân hoan đó vào buổi trưa nó biến mất nhường chỗ cho bao nhiêu cảm thọ phức tạp khác. Có những lúc quý vị gặp chuyện buồn và nghĩ rằng nổi buồn đó là cái gánh rất lớn, nhưng qua một thời gian rồi, cái buồn đó nó lại trôi đi lại biến đi. Chúng ta không hiểu vì sao nó đến và không hiểu vì sao nó đi. Có nhiều người cho rằng thời gian là một phương thuốc nhiệm màu, phương thuốc nhiệm màu đó làm người ta quên đi, không nhớ được cảm thọ nữa. Nhưng nên nhớ một điều rằng, đa số các cảm thọ cho dù chúng ta muốn, chúng ta cũng không thể gìn giữ mãi được. Cảm thọ là cảm thọ. Chúng ta rất chủ quan khi nói về cảm thọ.
-Chẳng những vậy mà chúng ta còn phản ứng nhiều với các cảm thọ.
-Chúng ta biết rất ít về thọ xả. Thọ xả là một đề tài cực kỳ quan trọng để chúng ta nói đến khi chúng ta tu tập thiền quán.
-Điểm cuối cùng chúng tôi muốn lưu ý đến trong bài học hôm nay là một hành giả tu tập nên hiểu biết rằng, cảm thọ thật sự chi phối sự tu tập của chúng ta rất nhiều. Nó cũng chi phối lớn như trong đời sống. Mình ăn bữa cơm nào có người làm cho mình vui mình thích gặp người đó. Mình ở nơi nào có nhiều chuyện vui mình thích đến ở chỗ đó. Và không may là nếu chúng ta ngồi thiền chúng ta nghĩ rằng mình ngồi thiền phải có được cảm giác dễ chịu, mình ngồi thiền phải được cái này được cái kia. Đa số cái được đó nó liên quan đến cảm giác. Khi mình nghĩ vậy, mình có rất nhiều vấn đề.
Trở lại với việc thực hành, trong sự hướng dẫn của các vị Thiền sư chúng ta thường được nghe là với các cảm thọ chúng ta nên ghi nhận và không phản ứng nhiều quá. Ví dụ như trong tâm mình chợt vui chợt buồn, cái vui cái buồn đó là đối tượng để ghi nhận hơn là để giải quyết. Nếu quý vị tìm cách giải quyết thì không giải quyết hết vấn đề.
Một điểm khác các vị thiền sư cũng thường khuyên chúng ta khi ngồi thiền là sự kiên nhẫn. Chúng ta nói theo thông thường bên ngoài là ráng, ráng một chút. Thí dụ mình đang ngồi mà chân bị tê, lưng bị mỏi hay bị muỗi cắn. Thay vì phản ứng liền, thay vì đổi oai nghi liền, thay vì làm một cái gì khác liền, chúng ta nên kiên nhẫn một chút, nhìn thật rõ thật kỹ cảm giác đó rồi thay đổi. Khi cố gắng một chút như vậy mà kết tập được nội lực. Điều này là điều khó ai có thể nghĩ đến., cái cố gắng cái ráng một chút ảnh hưởng đến chúng ta ra sao.
Một điểm nữa các vị thiền sư thường khuyên cho những hành giả tu tập là với một nguời tu thiền, cảm thọ rất dễ dẫn chúng ta lạc lối. Lạc lối ở đây là bị đánh lạc hướng. Nó là một thế giới trùng trùng một thế giới mênh mông vô tận, nếu chúng ta đi quá xa chúng ta sẽ bị nhận chìm, nên trở về với đề mục cố hữu của mình. Đề mục căn bản của mình ở đây có thể là hơi thở lúc chúng ta ngồi, có thể là bước đi khi đi kinh hành. Cả hai điều đó là những chiếc neo, khi chúng ta neo nó lại như tàu giữa biển hay giữa mặt hồ mênh mông neo lại, dầu có bị gió bạt đi nó vẫn giữ ở một vị trí nào đó nhất định. Chúng tôi có quen với một đạo hữu tại chùa, đạo hữu có chiếc tàu đi ngoài biển kể cho chúng tôi nghe một kinh nghiệm, bây giờ người ta có chế tạo một cái máy định vị. Ban đêm người ta thả neo ở một vị trí nào đó và họ mở máy này lên. Nếu buổi tối sóng hoặc gió đánh bạt chiếc tàu đi qua khỏi quá xa vị trí đó thì máy báo động là tàu không còn ở vị trí thả neo. Do vậy đạo hữu lái tàu có thể yên tâm mà ngủ.
Điều này là ví dụ rất tốt cho chúng ta hun đúc tu tập, đối với cái vui, đối với cái buồn, đối với cái dễ chịu và đối với cái khó chịu. Cái vui cái buồn của tâm và cái khó chịu dễ chịu của thân, nếu có ghi nhận thì ghi nhận ở một mức độ nào đó nhưng không nên quá đào sâu, không quá đi xa, không quá tự mình phải tìm giải pháp cho tất cả. Đa số các cảm thọ cũng có những giải pháp, mình vui mình muốn làm sao được vui hơn và làm sao được vui hoài. Cái làm sao đó, thật ra ít khi có giải pháp có câu trả lời cho các hành giả. Hoặc giả mình buồn, làm sao để tránh né cái buồn, làm sao để không buồn, đó là chuyên rất khó. Hoặc giả cảm giác không khổ không lạc thường dễ đưa chúng ta rơi vào trạng thái rổng không, hoặc là buồn nản cảm thấy đời sống vô vị. Những thứ đó đều là những thứ phức cảm mà hành giả phải đương đầu, hành giả phải đối diện khi tu tập thiền định. Nên nhớ rằng chúng ta phải trở về với căn cứ của chính mình, đó là hơi thở, đó là bước đi. Quý vị làm gì cũng được, nhưng đừng để cho mình bị mơn trớn hay ru mình trong cảm giác. Chúng tôi lấy ví dụ có nhiều người thích pháp môn Niệm Phật, vì trong pháp môn này cho chúng ta cảm giác rất an toàn. Hay có nhiều người rất thích nghe tiếng tụng kinh, hoặc giả thích ngồi trên ghế để tu thiền. Ngồi trên ghế tu thiền cũng không sao hết, nhưng chúng ta phải hy sinh một số điểm là chúng ta không có được sự cố gắng và chúng ta ngồi thiền với thái độ làm sao cho chúng ta được dễ chịu được thoải mái hơn.
Nói tóm lại, trong lúc tu tập thiền quán, một trong những trở lực chúng ta phải đối đầu là bị đánh lạc hướng hay bị chi phối bị dao động quá đáng. Đa số những điều này liên quan đến cảm thọ. Cảm thọ không đơn giản như chúng ta nghĩ, là một cái gì hết sức tế nhị chi phối cuộc sống rất nhiều. Nhiều năm trước đây có bài viết của Hoà Thượng Minh Châu, chúng tôi nhớ tựa đề là, “Đạo Phật bắt đầu bằng cảm thọ và kết thúc bằng cảm thọ”. Đại khái bài kinh đó muốn chứng minh rằng cảm thọ được nói nhiều đến trong Đạo Phật, chỉ như vậy thôi. Bởi vì những khái niệm, nó là những chi phối lớn trong cuộc sống của mình.
Chúng tôi xin một lần nữa để tóm tắt bài nói chuyện hôm nay về các cảm thọ. Tất cả mọi người nên hiểu rằng cảm thọ là một trạng thái rất chủ quan, nghĩ nó là tôi, là ta. Thật ra đôi lúc chúng ta phải làm ngơ với nó, nghĩ rằng cảm thọ giống như mây bay trên trời, lúc đến lúc đi, lúc tụ lúc tán. Đừng nghĩ rằng nó vô nhiễm đừng nghĩ nó là mình là tôi là ta. Chúng ta thường có những phản ứng đối với cảm thọ, muốn tìm những giải pháp cho những cái mình không thích, muốn bám víu vào cái gì mình thích. Đối với các cảm thọ chúng ta nhớ cảm thọ có sức chi phối rất lớn, rất lớn, dễ đánh lạc hướng chúng ta. Do vậy một hành giả tu tập đối với tất cả cảm thọ là làm sao để ghi nhận nhiều hơn là phản ứng. Và cũng để biết một điều rằng chúng ta phải trở về với cái căn bản của mình. Những pháp môn như niệm hơi thở hay niệm thân hay chúng ta đi kinh hành chẳng hạn. Những thứ đó trả chúng ta trở về với vị trí khách quan. Một điều rất khó để biết.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây.
Xem tiep phan thao luan
|