dieuphap.com Trang Chính


Thiền Minh Sát

TT. Thích Giác Đẳng

Phật lịch 2544, Tl 2000


[Bài 03]

Niệm Thân

Giảng ngày 29 tháng 5 năm 2007
Minh Hạnh và Chánh Hạnh chuyển biên

Bài giảng chính
TT Thích Giác Đẳng
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Tuần vừa rồi chúng ta nói về bốn pháp Niệm Xứ, ngày hôm nay chúng ta đi vào chi tiết đầu tiên là "niệm thân".  Ở cuối bài về Tứ Niệm Xứ chúng ta sẽ có dịp để nói một cách tổng quát chung tất cả bốn niệm xứ sau khi bốn chi này được đề cập đầy đủ.  Đề tài ngày hôm nay chúng ta sẽ bàn về "niệm thân".  Khi nói đến niệm thân thì chúng ta hiểu đó là hướng chánh niệm của chúng ta làm thế nào để có thể sống với thân của mình, theo dõi được những gì đang xảy ra trên thân, thấy biết được những hiện tướng thuộc về thân.  Và khi nói đến thân có nghĩa là thuộc về vật chất có ba điểm chúng ta phải nói đến tại đây:

1)  Đó là nhịp điệu của vật chất hay nhịp điệu của thân tương đối chậm so với tâm của chúng ta.  Giả sử như qúi vị nghĩ đến chuyện đi từ một thành phố này sang thành phố khác, chúng ta phải đi bằng từng bước chân của mình hay đi nhanh lắm thì bằng xe nhưng điều đó cũng không nhanh bằng mức độ của tâm, đó là một thí dụ về sự chậm của vật chất so với tinh thần.  Hoặc giả chúng ta nhìn một bông hoa khi nói rằng "Hoa tươi nhưng sẽ úa sào, tấm thân tứ đại khỏi sao suy tàn."  Mình biết tấm thân tứ đại sẽ tàn lụn như bông hoa cũng sẽ bị héo úa đi, nhưng bông hoa khi héo úa, trạng thái héo úa có thể nói đến rất chậm so với sự tưởng nghĩ lãnh hội của chúng ta.  Bởi vì sao? bởi vì vật chất có nhịp điệu riêng của vật chất, và tâm có nhịp điệu riêng của tâm. 

Trong A Tỳ Đàm của tạng Pali nói rằng vật chất những đơn vị gọi là sát na của sắc pháp  sanh diệt chậm gấp 17 lần sát na sinh diệt của tâm, con số đó không cần phải đi vào chi tiết, chỉ cần để ý trong đời sống hằng ngày thì chúng ta thấy rằng giữa thân và tâm  không song hành và đây là vấn đề.  Tại vì sao vậy? Tại vì khi chúng ta niệm thân tức là hướng đến chánh niệm của mình để bám sát sống với thân, nhưng khi chúng ta bám sát sống với thân mà nhịp điệu của thân và tâm không đồng hành, không đồng nhịp thì thưa qúi vị ở đó có vấn đề.  Tương tựa như hai người sống chung với nhau hay làm việc chung với nhau mà một người làm việc nhanh quá, một người làm việc chậm quá, thì để hai bên có thể làm việc chung với nhau được thì phải điều chỉnh một chút, thích nghi một chút, linh động một chút, phải nói đến dùng một chữ gọi là ‘khéo’ một chút nếu không thì người này sẽ bỏ người kia.  Có những lần chúng tôi đi xa cùng với một phái đoàn để thăm viếng một nơi nào đó, lâu lâu chúng tôi phải tự điều chỉnh đi chậm lại (tại vì chúng tôi đi hơi nhanh), trong lúc đó thì có nhiều vị trong phái đoàn đi tương đối chậm, chúng tôi cũng phải ráng cố gắng để tác động vị đó đi nhanh hơn một chút, bởi vì nếu chúng tôi đi nhanh quá hay những vị khác đi chậm quá thì thường thường là bỏ nhau mỗi người đi một khoảng cách. 

Khi một hành giả sống với thân điều đầu tiên chúng ta lưu ý là "nhịp điệu của thân"  không đi song hành với "nhịp điệu của tâm" và đây là một trong những trở ngại lớn.  Ngài Mahashi trong kinh nghiệm giảng dạy của Ngài thì Ngài làm một việc điều chỉnh  - ở đây là một kỹ thuật của riêng Ngài - là dùng tâm chánh niệm cố gắng để điều khiển thân cho chậm lại, ví dụ bước đi của chân, mọi khi chúng ta đi bình thường với vận tốc là 7 cây số/giờ, bây giờ chúng ta chỉ đi còn 2 cây số/giờ mà thôi, và trong cách bước đi chậm như vậy chân nhấc lên đưa tới đặt chân xuống - thường thường những thiền sinh của Ngài hay dùng chữ: dở, bước, đạp để theo dõi bước chân của mình -  Trong lúc đó thì Ngài Tangpulu là Bổn Sư của chúng tôi thì Ngài nói rằng chuyện đi kinh hành không nhất thiết là đi chậm, tùy theo căn tính của mỗi người và riêng về Ngài Tangpulu thì Ngài đi kinh hành rất nhanh và đôi khi Ngài đi kinh hành nhanh hơn bình thường tại vì đó là nhịp điệu của tâm của Ngài.  Ngài có nói rằng:

“Có những người tâm họ nhậm lẹ mau mắn mà bắt họ đi theo cách đi chậm từ từ thì họ sẽ bị căng thẳng và không có lợi cho họ hơn là họ đi một cách bình thường, tức là họ đi bình thường hay nhanh một chút nhưng làm sao đem ý thức về bước chân của mình đặt dưới bàn chân, đi lâu ngày họ sẽ thấy hiện rõ chân đang đi tới, họ biết họ đi tới.” 

Trong kinh thì Đức Phật Ngài không đề cập đến nhịp điệu đối với các oai nghi. ví dụ như Ngài nói rằng:  “ Vị tỳ kheo đi tới biết đi tới, đi lui biết đi lui, đi xoay người thì biết xoay người.”  Chỉ có một điều Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến nhịp điệu, đó là hơi thở. Ngài nói rằng: “Hơi thỏ dài biết hơi thở dài, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn.” Ngài dùng thí dụ của một người thợ dệt vải, người thợ quay tua, quay chậm quay nhanh biết mình quay chậm quay nhanh, đó là ý thức do việc quen tay thạo tay, tâm và thân làm chung với nhau.  Nhưng nhịp độ của hơi thở vô, thở ra, thở dài, thở ngắn điều đó là tự nhiên - chúng ta thấy nói rõ ràng ở trong kinh nói như vậy - có một điều là chúng ta nên sống với tự nhiên đó bằng cách ghi nhận hơi thở ra dài, hơi thở vô dài, hơi thở ra ngắn, hơi thở vô ngắn, nhưng không điều khiển hơi thở, nghĩa là thở một cách tự nhiên.  Thì đây là một điểm tương đối khó cho hành giả trong thời gian đầu vào tu tập, bởi vì tâm của chúng ta quen suy nghĩ và suy nghĩ rất nhanh.  Trong khi đó thì thế giới của thân tương đối chậm không đi theo một nhịp độ do vậy chúng ta phải “compensate”, chúng tôi dùng chữ “compensate” ở đây tạm gọi là “bù đắp” vào hay là “bù trừ” bằng cách là càng lúc chúng ta càng phải chú ý vào chi tiết.

Chi tiết giúp cho chúng ta khoả lấp khoảng trống của sự nhanh chậm đó.  Như trường hợp mình nói rằng đi-đứng-nằm-ngồi là bốn đại oai nghi, nhưng bốn đại oai nghi đó nhanh chóng trở thành cái gì đó mà chúng ta không có.  Thí dụ qúi vị đang ngồi, khi chúng ta vừa đặt bàn toạ ngồi xuống ghế thì chúng ta có thể ý thức được rằng mình ngồi, nhưng sau đó thì sao? sau đó thì tư thế ngồi trở thành không đáng ghi nhận nữa, không rõ là qúi vị đang ngồi, chẳng lẽ qúi vị cứ nói “ngồi à”, “ngồi à”, cứ nói hoài thì như vậy không thể cho chúng ta một nhịp điệu rõ ràng như hơi thở ra vào. 

Lần trước chúng tôi nói rằng một hành giả phải có một bản địa để trở về tức là chúng ta trở về với hơi thở.  Chính thật ra thì hầu hết (chúng tôi không nói tất cả ) các thiền Sư đều khuyên là ví dụ mình đi kinh hành, lúc mình sắp xoay người trở lại, mình đi tới hay đi lui hay sắp xoay người trở lại thì nên đứng lại và trước khi đổi hướng đi để quay người thì đứng lại và niệm hơi thở.  Nhưng cũng có một điều khác chúng ta tìm thấy trong kinh “Niệm Xứ” là ngoài đại uy nghi còn có tiểu oai nghi. 

Chữ “oai nghi” trong đạo khác với chữ “oai nghi” ở ngoài.  Chữ “oai nghi” ở đây chúng ta nói là những cử động của thân, ví dụ như đi-đứng-nằm-ngồi thì đại oai nghi và tiểu oai nghi nói lên một tư thế và cử động của thân.  Nhưng chữ “oai nghi” nó bù lắp, nó khoả lắp những khoản trống khi chúng ta đang sống với thân của mình như: đi tới, đi lui, xoay người, hoặc giả là tiếp xúc, thấy đụng, v.v..  và những điều đó có thể được theo dõi, có thể được lưu tâm.  Thường thường khi chúng ta không để ý đến thân của mình thì cái nhìn của chúng ta đối với thân tổng quát lắm, không có chi tiết, tuy vậy khi mình sống với thân của mình lâu thì mình sẽ thấy ở đó được nhiều chi tiết hơn. 

Có những trường hợp chúng ta trồng cây.  Chúng tôi thì không biết trồng cây, và ít khi nào trồng, và cũng không chuyên về điều này do đó chúng tôi chỉ thấy cây một cách đại loại thôi, nhưng lâu lâu ngồi xuống nghe Hoà Thượng nói về cây mới hiểu được rễ là như vậy, rễ nào mạnh, rễ nào yếu, rồi cây là như vậy, lá là như vậy.  Thì đối với một người quen thuộc với cây họ sẽ nhìn thấy cây với chi tiết khác hơn người không quen thuộc.  Hay chúng ta sinh hoạt trong rơom Diệu Pháp này, nhiều khi qúi vị vào, qúi vị không phải là người trong ban điều hành nên không thấy được những trục trặc hay những chi tiết, tuy nhiên làm việc trong ban điều hành mình hiểu rằng lúc đó có việc cần phải làm lên làm hơn là mình nhìn thấy cái chung chung ở bên ngoài.  Thì cho dù cách nào đi nữa thì sự sanh diệt của thân, nhịp điệu của thân luôn luôn chậm so với tâm của mình. Thành ra hành giả sẽ phải gặp một thời gian rất khó khăn để làm sao có thể đạt đến mức độ song hành nghĩa là tâm không qúa nhanh, suy nghĩ không quá nhiều và  không cảm thấy buồn nản.  Sự buồn nản của tâm đến từ chỗ là một lúc khi mà thân và tâm cùng sống chung với nhau, tức là đem tâm đem chánh niệm của mình trở về với thân của mình thì qúi vị sẽ thấy rằng thân diễn ra tương đối chậm và rất thường khi với nhiều hành giả nhất là những người quen suy tư nó tạo ra chuyện buồn nản.  Hay là chúng ta rời bỏ đề mục để chúng ta miên man ở trong tư tưởng của mình, nhất là những vị có pháp học nhiều thì lúc bấy giờ qúi vị suy nghĩ rất nhiều, điều này nó chỉ có lợi cho về phần tuệ căn mà không có lợi về niệm và định căn. 

Định căn là khả năng bám trụ và niệm căn là khả năng tỉnh táo.  Sự bám trụ và tỉnh táo là hai cái không thể thiếu, nếu chúng ta ngồi suy tư nhiều quá, chúng ta miên man nhiều quá  thì có khi nghe vậy chúng ta nghĩ đúng với Phật pháp thì điều đó cũng làm giảm đi sức của niệm lực và định lực,  về điểm này thì chúng ta phải rất cẩn thận nếu chúng ta là người trang bị cho mình nhiều kinh điển thì chúng ta phải tự điều chỉnh lại một chút.  Cho dù trên phương diện niệm thân có cách nào đi nữa thì qúi Phật tử những hành giả tu tập phải nhớ một điều rằng đối với hầu hết, đối với phần đông thì hơi thở vẫn là đề mục thích hợp tại vì hơi thở mang nhiều đặc tính, nó có hai nhịp điệu ra vào cho chúng ta một cái gọi là tương phản hay contract. 

Sự tương phản giúp cho chúng ta dễ dàng thấy, thấy dễ dàng hơn là chúng ta nhìn cái gì chỉ có một chiều thôi.  Chẳng những hơi thở có hai nhịp điệu ra vào và hơi thở đều đặn lúc nào cũng có - lúc nào cũng có và có một cách đều đặn - Hơi thở thì có hơi thở ngắn hơi thở dài, nhưng chữ đều đặn ở đây là có hơi thở vào phải có hơi thở ra, có hơi thở ra thì phải có hơi thở vào, đặc biệt của hơi thở theo các nhà thiền sư thì nhịp điệu của hơi thở tương đối vừa phải, không quá nhanh cũng không quá chậm, vừa phải ở đây là trên phương diện thân quán niệm xứ thôi, trên phương diện thọ quán và tâm quán niệm xứ thì hơi thở có đôi lúc còn hơi chậm trong cách suy nghĩ, cách theo dõi, nhưng tương đối mà nói thì hơi thở là một đề mục lý tưởng nhất. 

Chúng tôi lấy một ví dụ trong đời sống hằng ngày là qúi vị có thể thích sống với một người rất mau mắn, hay qúi vị thích sống với một người tương đối chậm rãi, nhưng bên cạnh người mau mắn, người chậm rãi đó có một người mà chúng ta sống thoải mái tương đối nhiều đó là phải chăng, không quá nhanh không quá chậm, thì người mà chúng ta sống được phải chăng không quá nhanh không quá chậm đó là hơi thở.  Khi chúng ta sống với hơi thở thì vì hơi thở lúc nào cũng có mặt, hơi thở lúc nào cũng cho chúng ta biết mức độ tương đối không nhanh quá không chậm quá.  Mà cũng phải nói một điều trong phương pháp tu tập chánh niệm thì “tốc độ” -  ở đây chúng tôi không dùng chữ “tốc độ” tại vì chúng tôi sợ là dùng chữ “tốc độ” quý vị nghĩ tới cái gì quá nhanh, mà chúng tôi dùng chữ “nhịp điệu” để thay thế vào đó -  Thì thân cũng phải được điều chỉnh mà tâm cũng phải được điều chỉnh, phải điều chỉnh cả hai chiều, nghĩa là sinh hoạt của thân nên chậm lại một chút, “trầm lắng” một chút, chúng tôi dùng chữ “trầm lắng” ở đây nghĩa là không hoạt động nhanh quá mau mắn quá.  Nhất là khi chúng ta mới bắt đầu huân tập chánh niệm thì tập làm sao giảm thiểu lại một chút những công việc hằng ngày để giống như chánh niệm mới vào trong thế giới, thế giới đó là thế giới của thân, do vậy phải để cho thân và tâm có thời gian làm quen với nhau.  Bên cạnh điều này thì tâm cũng phải - tâm ở đây tức là nói chánh niệm - điều chỉnh lại cho nó hoạt động chậm lại chớ không thể nhanh.

 Chúng tôi nhắc lại với qúi vị là hai nhịp điệu này không song hành và nếu nó không song hành được thì chúng ta mất đi một yếu tố rất quan trọng đó là yếu tố của định, định ở đây cực kỳ quan trọng, ở trong Bát Chánh Đạo cũng nói về định, trong Thất Giác Chi cũng nói về định, trong Ngũ Lực, Ngũ Căn cũng nói về định, chữ định ở đây tức là chúng tôi dùng chữ gọi là “bám trụ” nghĩa là không rời xa, không để cho chúng ta đánh mất đi cái gì mà mình theo đuổi.  Thì trở ngại lớn của một hành giả là nhịp điệu của thân và nhịp điệu của tâm, hai cái không song song với nhau được do đó dễ đánh mất chúng, cái này không bám vào cái kia, cái kia không song hành với cái này, cái đó là cái  mà cần cái khéo, cái kinh nghiệm của một hành giả làm thế nào mà thân và tâm có thể đi chung với nhau.  Người Trung Hoa họ có chữ rất là đẹp để dùng trong trường hợp này, chúng ta dùng chữ là “thể nhập”.  Thể nhập là chánh niệm và đối tượng chánh niệm, năng quán và sở quán gần như là một.  Nhiều lần chúng tôi đưa ra thí dụ khi lái xe mà mình còn vật lộn với chiếc xe  thì mình chưa phải là một tài xế giỏi, khi lái xe người tài xế và chiếc xe giống như một, không có cảm giác là chủ, khách, năng, sở, người điều khiển và người bị điều khiển.  Hay trong trường hợp chánh niệm chúng ta nói rằng năng quán và sở quán tức là chánh niệm, và cái bị theo dõi, bị quán sát hai cái đó còn chưa có song hành chưa có thể nhập với nhau thì như vậy nó có vấn đề.  Chúng tôi nhắc lại yếu tố đầu tiên là về nhịp điệu của thân tương đối rất tế nhị rất quan trọng.

2).  Khía cạnh thứ hai của niệm thân trong bài học ngày hôm nay chúng ta nói về "hiện tướng".  Đa số những gì chúng ta biết về vật chất là chúng ta biết về bên ngoài.  Tại sao chúng ta biết về bên ngoài? Tại vì chúng ta thường biết và tìm hiểu bằng con mắt nhiều, và sự hoạt động của con mắt là sự hoạt động của hai chiều kích thôi, chúng ta nói về trục tung trục quặng ngang dọc, chúng ta không nói về chiều sâu, chúng ta không có khả năng nhìn vào chiều sâu.  Cái nhìn của con mắt giống như máy chụp hình, cho dù máy chụp hình dù cảnh của có xa có gần có chiều sâu, nhưng thường thường chụp ảnh là một mặt bằng, một mặt phẳng.  Về điểm này thì người hành giả luôn luôn phải hiểu rằng cho dù chúng ta biết thì chúng ta cũng bị một quán tính, chúng ta cũng bị một trường hợp mà chúng tôi lấy ví dụ là:

Qúi Phật tử khi nào nhìn lên bản đồ thế giới họ vẽ một hình chữ nhật phẳng lì, nếu qúi vị ráp hai đầu mí lại với nhau nó sẽ trở thành hình ống, giống như cái chiếu chúng ta cuốn lại nó không giống hình trái cầu tròn, và do vậy giữa Alaska và  Nhật Bản ở trên thực tế thì Alaska và Nhật Bản rất gần nhau, nhưng khi chúng ta vẽ hình mặt phẳng thì chúng ta thấy nó rất xa nhau, và đôi khi những khu vực ở bắc cực hay nam cực trở lên rất xa, một cái nằm đầu này một cái nằm đầu kia, nhưng trên thực tế thì những vùng đó rất gần nhau tại vì nó sẽ chụm vào nhau thành hình trái cầu.  Ý chúng tôi muốn nói như vậy là khi chúng ta vẽ hình thế giới và chúng ta vẽ trên mặt phẳng, không có cách gì chúng ta vẽ được trung thực về chiều kích của nó, chiều kích liên quan đến tại vì trái đất vốn không phải là một mặt phẳng chữ nhật như vậy, mà là hình một trái cầu tròn như trái banh, thì qúi vị thấy rằng như trái banh làm sao chúng ta vẽ được thì đa số những ấn tượng, những hiện tướng mà nó đập vào mắt chúng ta chỉ là hai chiều, nó không phải three dimension (ba chiều) chúng ta không thấy chiều sâu của nó và cái này nó lại trở thành một cái mà chúng ta gọi là một sự cận thị hay viễn thị của chánh niệm đối với thân đối với vật chất.

Chúng ta cũng cần một chút để điều chỉnh làm sao cho chánh niệm của chúng ta khả dĩ có thể đi càng trung thực với thân thì càng tốt và để giải quyết điều này thì Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta quán về thân qua chiều sâu và chiều sâu ở đây chúng ta gọi là sự phân tích.  Ví dụ như phân tích về tứ đại, bấy giờ thì Ngài dạy phân tích về tứ đại hay về những các thể của thân như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương v.v... Ngài cũng có một ví dụ như một người có mắt, tức là người tương đối mắt sáng họ lấy một bao đậu trong đó có nhiều thứ đậu và lựa, cái này là đậu đen, cái này là đậu đỏ, cái này là đậu ván, họ lựa ra từng phần.  Sự phân tính hay chia rẽ như vậy cho phép hành giả đi vào trong chiều sâu của vấn đề hơn là chỉ nhìn thấy một chiều mặt phẳng bên ngoài. 

Ở đây không phải là một sự suy diễn mà ở đây là sự phân tích giúp cho chúng ta thấy chiều sâu.  Nhưng về trường hợp của bốn đại: địa đại, phong đại, thủy đại, và hoả đại.

 Trong thân của chúng ta có thể rắn giống như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương và chúng ta gọi đó là địa đại tức là đất. 

Chúng ta có thủy đại giống như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, nước mắt, chúng ta dùng chữ gọi là chất loãng thuộc về thủy đại

Về nhiệt lượng ví dụ như là hơi ấm, hơi nóng tiêu hoá thực phẩm hay hơi chất ấm trong người v.v... thì về hoả đại.

Phong đại tức là thuộc về thể khí, khí tức là hơi, ví dụ như là hơi thở ra vào hay là tiếng ợ của chúng ta hay tất cả những gì thuộc về luân lưu của thể khí.

Thì bốn đại đó được nhận thức trong một chiều sâu không phải qua cái nhìn mặt phẳng của mắt.  Chúng tôi nhắc lại qúi vị một lần nữa là đa số vật chất được lãnh hội qua mắt, bằng mắt của chúng ta do vậy nó chỉ nhìn có hai chiều, nó không thể nào có chiều sâu được và nhờ vào sự phân tích của bốn đại hay của 32 thể trược v.v... cho chúng ta có được cái nhìn chiều sâu, điều này cũng là một sự bù đắp lại cho lãnh hội vật chất về mặt ở bên ngoài.  Đa số thế giới gọi về nhận thức của chúng ta về vật chất qua con mắt nhiều hơn và qua một ít liên quan đến xúc giác, thì bấy giờ hành giả có thể tùy theo căn tánh của mình bên cạnh hơi thở, bên cạnh tiểu oai nghi, đại oai nghi thì vị này có thể niệm về tứ đại, niệm về các thể trược.  Tứ đại như là đất, nước, lửa, gió hay thể trược như tóc, lông, móng, da, thịt, xương, mủ, máu v.v... những thứ đó là phần của cơ thể và khi chúng ta đi vào sự phân tính thì không còn là mặt phẳng hai chiều nữa mà bắt buộc chúng ta phải nhìn nó ở trong một cách thế khác hơn, tuy vậy nó cũng không rời xa thực tại, tất cả điều đó là thực tại. 

Ở đây rất tế nhị khi chúng ta nói về thực tại và sự suy diễn, và điều này là một điểm lầm lẫn rất lớn của những người chú trọng quá nhiều để học, cho dù chúng ta nói về bốn đại đi nữa thì bốn đại đó cũng phải là cái gì có hiện tướng cho chúng ta biết được, nó là một sự thật chứ không phải ngồi đó để suy diễn.  Dĩ nhiên như khi chúng ta học về vật lý có những kiểm nghiệm chúng ta không thể nào dùng máy móc hay dùng thiết bị để  quan sát nó được hay để đo đạc được vì nó thuần về lý thuyết như về nguyên tử với phân tử, tuy vậy cũng có rất nhiều thứ chúng ta hiểu liên quan đến thân đến vật chất, chỉ cần có một chút tri kiến một chút quán sát.  Phải nói trên phương diện này người có tuệ căn sẽ giúp rất nhiều.  Nhưng đặc biệt không phải để suy diễn mà phải dựa trên sự thật là như vậy.

 Lấy một thí dụ là hành giả có thể dùng một hiện tướng ở bên ngoài như một tử thi.  Tử thi thì có biến tướng của nó.  Khi chúng tôi ở bên Thái Lan thì đặc biệt vùng đông Bắc Thái Lan người ta có một điều mà trên thế giới này không có chỗ nào làm, đó là một người chết đi họ xin hiến cơ thể của họ để làm đề mục cho Chư Tăng tu tập.  Thiền viện thường đất đai rộng lắm, họ tìm một nơi tương đối rất xa để đào cái huyệt tương đối vuông vức sâu độ một thước và họ đem tử thi đặt xuống chỗ đó.  Vừa đặt xuống họ thông báo với Chư Tăng là bữa nay có tử thi đem vào trong khuôn viên của thiền viện, Chư Tăng ra đó và biết chỗ nào để đứng, đứng trên chiều gió để nhìn tử thi.  Trong một hai ngày, tử thi bị biến tướng, sình chương và đổi màu, căng phồng.  Là một hành giả, có thể dùng hình ảnh đó để liên tưởng một cách xác thực là thân mình rồi sẽ cũng như vậy.  Thì như vậy hành giả quán sát thân của mình dựa trên một thực tại và đó là một thực tại chứ không phải là một suy diễn, cái thực tại đó mạnh lắm.  Ngài Ajahn Chah thường dạy:    “Mình nghe nói về một người không bằng tận mặt mình gặp người đó.”

Thì cũng tương tựa như vậy, vô thường mà chúng ta suy niệm đôi khi có tác động không mạnh mẽ bằng chúng ta nhìn thấy tận chính mắt của mình, thì khi mình nói “thân mình rồi cũng sẽ như vậy”, đó là chúng ta nói đến khả năng để tiêu hoá những hiện tướng và liên tưởng những hiện tướng này với sự thật giống như bà Khema nhìn thấy một nàng tiên nữ đẹp, rồi từ tiên nữ đẹp trở thành một bà già, thì bà liên tưởng đến cái thân của mình cũng tương tựa như vậy, là hành giả phải biết cách để vận dụng tuệ giác nhưng không rời xa niệm và định.  Về điểm này thì có lẽ qúi vị sẽ thấy hơi lạ là tại sao chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại là đừng có rời xa niệm và định, là bởi vì một người tu tập mà có kiến thức nhiều, nghĩa là kiến thức họ học nhiều dễ chú trọng quá nhiều về tuệ lực mà đi xa cái niệm và định, đi xa niệm và định nhiều thì chúng ta mất đi  căn bản của bốn Niệm Xứ.  Trong pháp của Niệm Xứ là mình phải có khả năng bám sát, cái gì đang xảy ra dù đó là ngoại thân hay nội thân, thì trong trường hợp này vật chất hay thân có những hiện tướng để qua hiện tướng đó nó trở thành một cái biểu thị cho chúng ta biết rằng:  “À! nó là như vậy, chúng ta ghi nhận”.  Nhưng phải ghi nhận ở trên cái hiện tướng xác thực của nó chứ không phải là do sự suy diễn.

3)Điểm thứ ba chúng tôi đặc biệt muốn nói đến trong ngày hôm nay trong phần niệm thân là chúng ta sống trong thế giới gọi là dục giới, ở trong cõi dục giới, năm giác quan trong kinh Phật gọi là: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức.  Nói một cách nôm na thường thức ở bên ngoài tức là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.  Người ta thường gọi là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.  Thì năm giác quan đó là cả một thế giới để định nghĩa cho cái gọi là hưởng thụ, cho cái gọi là sinh thú, cho cái chúng ta gọi là khuôn mặt nổi bậc nhất của sự sống là thỏa mãn năm giác quan này.  Vì vậy khi hành giả tu tập chánh niệm liên quan đến niệm thân thì một điều hành giả phải lưu ý là sự hoạt động của năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác nó lại trở nên những lãnh vực mà chúng ta dễ bị chi phối nhiều nhất.  Đức Phật Ngài dùng chữ là vết thương, khi nào chúng ta bị thương thì chúng ta hiểu rằng chỗ đó là chỗ đụng tới thì nó đau và chỗ đó là chỗ dễ nhiễm trùng, tay của chúng ta mà bị thương rồi nếu chúng ta không giữ sạch thì dễ nhiễm trùng và sưng lên, thì thưa qúi vị trong khi hành giả đang tu tập thiền định thì mình hiểu rằng mắt-tai-mũi-lưỡi-thân của chúng ta nói theo tiếng Anh thì nó “vulnerable” là rất dễ bị chi phối, dễ bị tấn công, bởi vì sao vậy? Bởi vì đó là thế giới sống của chúng ta, chúng ta thường sống bằng năm giác quan và cũng phải nói rằng chúng sanh sống trong cõi dục giới thì về vật chất rất nhiều, chúng ta làm sao để có thể xử trí được năm giác quan này một cách hợp tình hợp lý, thì chúng ta lấy độc trị độc, chúng ta lấy giác quan thật sự sống với một giác quan để chúng ta hoá giải những chi phối của những giác quan khác. 

Ví dụ trong thế giới của thiền thì hai giác quan nổi bật đó là thị giác và xúc giác tức là thấy và tiếp xúc.  Cảm giác của thân thường được hành giả ghi nhận trong mức độ tế nhị như thở ra thở vào.  Thật sự thì niệm hơi thở nó có một phần lớn là sự theo dõi xúc giác, tức là chúng ta biết hơi thở vô, biết hơi thở ra, hơi thở dài, hơi thở ngắn đều do cảm xúc cảm giác của thân, nó là xúc giác, sống quen với cái đó thì chúng ta dựa lên trên một giác quan hay hoặc giả là thấy là nghe, trong lúc mình ngồi thiền hay đi kinh hành cái mình thấy, cái mình nghe là cái mình ghi nhận, thì những giác quan như vậy có thể dùng là một cơ sở của chánh niệm không có một người nào tu tập mà nên coi thường về điểm này.  Ông Joseph Moiton kể rằng nhiều khi ông hành thiền tại một trường thiền của người Ấn Độ rồi ông nhớ tới một miếng bánh mì nướng trét bơ trên đó là cả một cái gì thôi thúc đó là một thứ cao lương mỹ vị thèm lạ lùng, thì những lúc đó hành giả phải biết nó rất là bình thường, bình thường là tại vì sao? Tại vì khi những giác quan của chúng ta bị dồn nén thì nó tạo cho chúng ta một sự vọng tưởng, đó là nhớ nghĩ liên tưởng đến một sự thoả mãn giác quan nào đó và không có gì bất bình thường, vốn nó là tự nhiên. 

Chúng tôi thường kể qúi vị nghe câu chuyện đó là một văn hào người Nga bị bắt vào trong trại cải tạo thời Stalin.  Nhưng thật ra trong trại này người ta làm ông mòn mỏi đến chết đi bằng cách mở đèn rất sáng trong phòng của ông và phòng của ông rất chật và họ bỏ đói ông rất đói.  Một phần không ngủ được, một phần nữa phòng hơi chật không nằm được, một phần nữa là cơn đói hoằnh hành.  Về sau này ông lên tới Tây Bá Lợi Á, với những trang nhật ký do ông viết mà chúng ta có được đến bây giờ, thì ông chia sẻ một kinh nghiệm đặc biệt đó là ông cố gắng để quên sự cồn cào trong bao tử và làm thế nào để cho ông có thể sống sót qua sự hành hạ như vậy, ông nghĩ tới một chuyện là làm thế nào để mình nghĩ tới cái gì đẹp nhất, cái gì hạnh phúc nhất là mình thể nhập vào cái tưởng, thể nhập vào kỷ niệm, thể nhập vào ký ức đó để quên đi cái hiện tại quá khổ đau này.  Thì bấy giờ ông mới tưởng tượng về một cảm giác mà ông biết là hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó là cảm giác hết sức thân ái, hết sức gần gủi, hết sức mặn nồng với người vợ, và ông ngồi xuống giống như mình ngồi thiền, ông liên tưởng đến cảnh ông và người vợ đi dạo chơi trong công viên một ngày rất đẹp trời, thì từ tư tưởng này nó lại đưa ông vào thế giới chập chờn giống như chiêm bao, nửa chiêm bao nửa thật, ông thấy ông với bà vợ đang đi trong công viên và bà vợ ngồi xuống lấy trong rổ mây ra một ít thực phẩm; nào là bánh mì là patê, là pho mai đủ thứ rất ngon bày ra để ăn một bữa picnic ở ngoài trời, thì ngay lúc đó ông trở về với một thực tại đó là ông rất thèm những thứ đó, rất thèm thức ăn, rất thèm miếng phomai, miếng bánh mì, tại vì nó liên tưởng đến cái đói hiện tại, cái đói đang dày vò bao tử của ông.  Đó là thế giới của thực của mộng, thế giới giữa sự suy diễn trừu tượng và rất vật chất, vật chất ở đây là các giác quan nghe, ngửi, nếm, đụng.  Trong lúc hành giả niệm thân thì hành giả cũng phải đương đầu với những chi phối của những giác quan này. 

Chúng tôi xin nhắc lại với qúi vị một lần nữa là cũng thấy, cũng nghe, cũng đụng chạm bằng cảnh xúc, nhưng hành giả phải khéo làm quen bám trụ trên những cảm giác này, thí dụ về xúc giác hay về thị giác để cho những giác quan khác không bị dồn nén, cái này là cái khéo của chúng ta.  Một hành giả niệm hơi thở lâu ngày thì xúc giác hơi thở đưa hành giả trở về với thế giới bình yên một cảm giác an ổn nhất, thoải mái nhất khi huân tập chánh niệm, cái này là cái gì rất khó để diễn tả.  Chúng tôi nói với qúi vị là món này ngon hay món kia ngon thì dễ nói.  Nhưng bây giờ chúng tôi kể qúi vị nghe một thí dụ này thì qúi vi sẽ thấy rằng rất là khó chịu, nhưng nếu qúi vị hiểu được thì qúi vị sẽ liên tưởng đến chánh niệm quên đi niệm thân về phương diện này.  Đó là hồi chúng tôi vào trong chùa ở gần Sư Trưởng, Sư Trưởng hay đi tới đi lui để suy nghĩ việc gì đó, chúng tôi cũng có thói quen đi tới đi lui để suy nghĩ, tức là từ khi ở gần Sư Trưởng chúng tôi lại ảnh hưởng thói quen đó và cho đến bây giờ những lúc chúng tôi hạnh phúc nhất là đi đâu mà không gian đủ dài như trong một phòng lớn hay như phòng chúng tôi ở bây giờ có con đường kinh hành dài ở trong đó để đi tới đi lui, và khi đi tới đi lui như vậy thì mình trở về với thế giới rất quen thuộc là thế giới của suy tư làm việc, hay làm cái gì trong thế giới đi tới đi lui như vậy, thì những lúc đi đó nó gắng liền với một cảm giác là một người tu tập mà quen với bước chân của mình, dở-bước-đạp hay quen với hơi thở, thở ra thở vào, thì xúc giác đó, cái xúc giác đó có thể (compensate) bù trừ lại cho qúi vị những giác quan khác, những giác quan khác bù trừ rất dễ dàng.  Chúng tôi lấy thí dụ có  đôi khi ngay cả trong lúc đang đói bụng nhưng nếu có không gian cho chúng ta đi bộ, đi tới đi lui như chúng tôi đã nói, thì chúng tôi có thể dằn được cơn đói bụng đó nhiều hơn là ngồi yên một chỗ hay đứng một chỗ.

 Về điểm này có lẽ qúi vị cảm thấy rất lạ, nhưng nói chung đó là với một hành giả niệm thân thì phải hiểu rằng thế giới của năm giác quan chi phối chúng ta rất lớn; thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.  Nói một cách sách vở hơn đó là chúng ta nói về; thị giác, thính giác, khứu giác, vị  giác, xúc giác.  Những giác quan này vốn hoạt động một cách thân quen, một cách rất chi chit, có thể nói rằng nó gắng liền với chúng ta trong hầu hết sinh hoạt của đời sống, là bây giờ trả nó trở về với một trạng thái yên tịnh để lắng đọng thì chúng ta hãy cố gắng để bám với giác quan nào đó hơn là đẩy ra tất cả.  Đẩy ra hay từ chối phủ nhận tất cả cũng như nhiều người khi vào trong chùa, nhất là những ngôi chùa Bắc tông tụng kinh, rồi ê a, rồi đánh chuông đánh mõ, đôi khi họ tìm thấy cái gì đó rất thích thú thay thế cho sự ưa thích âm nhạc ở bên ngoài.  Thì lấy thói quen để thay thế cho thói quen là một nghệ thuật của chánh niệm.  Thói quen ở đây là sống với một xúc giác, sống với một thị giác, sống với một cái gì đó quen thuộc.  Nhưng xúc giác này tương đối nhẹ nhàng, không phiền não -  Không phải thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng nào cũng xấu -  Nhưng có những cái thô, có những cái tế, có những cái nhẹ nhàng, những cái nặng nề, chúng ta lựa chọn cái nào thích hợp cho cái niệm và cái định của mình. 

Nói tóm lại là liên quan đến niệm thân ở đây chúng tôi nói đến ba khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là nhịp điệu của thân và của tâm, không đi song hành, không liền lạc, không đồng nhịp với nhau, không đồng bộ nhau, ở đây chúng ta phải để ý.  Điểm thứ hai khi chúng ta nói niệm thân thì mình phải hiểu rằng cái gì mình cảm nhận được đa số là bề ngoài, không có chiều sâu.  Và bởi vì không có chiều sâu nên có nhiều khuyết điểm nhất định và chúng ta phải biết bổ khuyết những khuyết điểm đó.   Điểm thứ ba là sống với thân thì chúng ta cũng hiểu rằng qua đó phải biết cách xử trí rất minh mẫn, rất sáng suốt mẫn tiệp đối với hành tướng của các giác quan.  Giác quan ở đây là; thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.  Nếu không khéo thì chúng ta sẽ rất vất vả về những giác quan này.  Tóm lại là chúng tôi hôm nay chia sẻ với qúi Phật tử trong đề tài về “niệm thân”, tuần tới chúng tôi chỉ tập chú một bài sau cùng để bước qua niệm thọ, chúng tôi sẽ nói riêng về kinh nghiệm của chúng ta sống với hơi thở. 

 

 

Xem tiep phan thao luan  

 

 

 

 

 


| | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình b y nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |