dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[Bài 02] Tứ Niệm Xứ Giảng ngày 21 tháng 5 năm 2007 BÀI GIẢNG CHÍNH TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta sẽ nói về sự ứng dụng Tứ niệm xứ vào sự thực hành của hành giả. Một điểm chúng ta nên lưu ý đầu tiên, đó là không phải có bốn pháp niệm mà chính là niệm bốn pháp. Khi chúng ta nói bốn pháp niệm, có thể bị hiểu là có bốn cách niệm khác nhau, như là cách niệm thân, cách niệm thọ, cách niệm tâm, cách niệm pháp. Không phải như vậy, mà chỉ có một phương pháp niệm, và niệm bốn phần khác nhau của thân của tâm. Nói một cách khác thân, thọ, tâm, pháp là bốn khía cạnh được hành giả quán sát trên những thân tâm của mình. Chữ Niệm được xem như là một từ tương đối khó hiểu với nhiều người. Do vậy cũng nên có một chút định nghĩa ở đây để chúng ta nắm rõ niệm là gì. Đối với người Việt Nam chữ Niệm thường là lập đi lập lại như Niệm Phật trong Tịnh độ tông, Lục tự Di Đà tức là Nam Mô A-Di-Đà-Phật được lập đi lập lại rất nhiều lần. Có khi người ta dùng chuỗi như niệm Phật công cử, họ đếm có bao nhiêu lần niệm Phật. Chữ Niệm có khi được hiểu là mình đọc cái gì đó thành lời với một âm thanh thì thầm rất nhỏ như niệm kinh. Có nhiều khi người ta quan niệm rằng chữ Niệm là một ý tưởng gì đó mình giữ trong lòng nhắc đi nhắc lại gọi là tâm niệm. Những điều đó không có ý nghĩa gì liên quan đến chữ Niệm của người tu tập thiền và ở đây là thiền quán. Chúng tôi đặc biệt nêu lên bốn khả năng của chánh niệm được đề cập đến tại đây. Đó là: - Khả năng thứ hai của chánh niệm là khả năng bám sát. Chúng ta có thể thấy biết, nhưng chúng ta chỉ ghi nhận nó không đủ nói cho chúng ta biết được gì về điều đó hết hoặc giả nói rất ít. Nếu chúng ta thực sự muốn biết người đó đang làm gì, chúng ta phải có khả năng ghi nhận liên tục trong một thời lượng nhất định nào đó. Trong pháp tu tập tứ niệm xứ gọi là thấy biết được sự sanh diệt, sự xuất hiện và biến mất. Ví dụ như phồng-xẹp của da bụng, hơi thở ra-vào, với thực tại đó mới cho phép chúng ta có được những hình ảnh trung thực. Dĩ nhiên điều đó phải mất một thời gian chúng ta mới có khả năng làm như vậy. -Khả năng thứ ba của chánh niệm, ta gọi là khả năng tỉnh táo. Ví dụ như cha mẹ lo cho con luôn có ý thức con mình đang làm gì và đang trong tình trạng như thế nào. Người lái xe cũng vậy, ý thức rõ cái gì đang xảy ra chung quanh mình. Trong tiếng Pali có từ Sati có nghĩa là chánh niệm và từ Sampajanna hay là tỉnh giác. Từ Sati-sampajanna thường đi chung với nhau dịch là chánh niệm và tỉnh giác có nghĩa là khả năng tỉnh táo. Như Ngài Ajahn Chah có một thí dụ về một vị sư đi khất thực theo dõi bước chân của mình, chỉ theo dõi bước chân của mình, biết rất rõ chân của mình đang bước đi đâu, rẽ trái hay rẽ phải. Như vậy chánh niệm ở tại đây không phải là tình trạng miên man dù là miên man với hơi thở cũng vậy, mà đó là một trạng thái tỉnh táo với cái gì đang xảy ra trên thân và tâm của mình. Về điều này chúng ta hãy trở lại để nói thêm một chút chi tiết liên quan đến kỹ thuật. Khả năng thứ tư của chánh niệm ở đây tương đối hơi khó dịch, khó giới thiệu trong một ý nghĩa cô đọng nào đó. Ngài Nyanaponika dùng chữ là Pure attention mà có nhiều dịch giả trong đó có Hoà Thượng Chơn Thiện dịch là Sự chú ý đơn thuần . Chúng tôi tạm dùng một thành ngữ quen thuộc với người Phật tử Việt Nam, đó là thái độ bàng quang toạ thị. Dĩ nhiên thường thường chúng ta dùng chữ này với vẻ hơi tiêu cực, tức là người đó không có trách nhiệm hay làm ngơ, tức là trước sự việc xảy ra mà không làm cái gì hết chỉ nhìn với cách nhìn của người ngoài. Trong thiền học thái độ này rất cần thiết cho một hành giả tu tập chánh niệm, đó là có cái nhìn nhưng không có phản ứng đối với điều đó. Chúng ta hãy nhớ rõ điều này bởi vì lát nữa trong phần sau bài giảng là phần mà chúng ta đặc biệt phải lưu ý là có khả năng ghi nhận nhưng không có phản ứng và không cần phải tỏ thái độ như chúng ta thường có đối với những gì đang xảy ra. Lý do rất đơn giản. Thông thường khi chúng ta bày tỏ thái độ hay chúng ta phản ứng chúng ta hay rời khỏi phương diện chánh niệm. Nói cách khác là chúng ta đánh mất chánh niệm . Do vậy bốn khả năng này được xem rất quan trọng. Đó là khả năng ghi nhận, khả năng tỉnh táo, khả năng bám sát và khả năng chú ý đơn thuần hay khả năng có để tâm nhưng không phản ứng. Đối với một hành giả tu tập, trong giai đoạn đầu để phát triển chánh niệm để tu tập chánh niệm thường là một kinh nghiệm không dễ dàng bởi vì nó khác với tất cả thói quen nào chúng ta có được trong cuộc sống . Người tu tập thiền quán khi nhìn lại đời sống hằng ngày, chúng ta thường phản ứng với những gì đang xảy ra nhiều hơn là bình tỉnh để nhận diện. Ngay cả với một người có kinh nghiệm tu tập đôi lúc cũng cảm thấy lúng túng khi cùng một lúc có rất nhiều sự việc chi phối mình. Bây giờ chúng ta lại nói sang một phần khác của chánh niệm mà ở tại đây tương đối đặc biệt tế nhị, đó là yếu tố “Định” trong niệm. Tuần rồi chúng tôi có nói bốn niệm xứ là bốn chỗ chúng ta hướng chánh niệm đến để ghi nhận. Đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Trên lý thuyết rất đơn giản nhưng khi chúng ta thực hành, một lúc diễn ra rất nhiều cách, rất nhiều việc, nào là sự thôi thúc trong tâm muốn rời chỗ ngồi không muốn ngồi thiền nữa hay hoặc giả bị đau nhức khó chịu của thân, hoặc giả những cảm thọ vui buồn lẫn lộn. Những thứ đó thường đến nhiều thứ cùng một lúc và hành giả thường cảm thấy lúng túng là mình không biết phải làm gì. Giống như một người mới vào một công sở hay mới làm một việc gì đó mình thấy rằng có hằng trăm việc phải làm, nhưng không biết bắt đầu từ chỗ nào manh mối ra sao. Khi chúng ta mới vào đại học, những người cố vấn cho chúng ta thường khuyên rằng mình nên chọn những major hay ngành nào đó chính và từ ngành này chúng ta có thể học thêm những bộ môn khác. Thí dụ chúng ta học về nhân chủng học (anthropology), nó cũng có thể giúp chúng ta học thêm về xã hội học, học thêm về tâm lý học, về lịch sử v.v. Nhưng môn học chính vẫn là nhân chủng học. Cách chọn một môn học chính là cách tốt để tâm chúng ta không rơi vào tình trạng lan man, trước khi chúng ta có khả năng ứng xử đối với tất cả mọi tình thế, mọi sự việc xảy ra. Khi nói đến thân-thọ-tâm-pháp, chúng ta phải có một đề mục chính. Ở đây chúng tôi dịch là đề mục bản địa và đối lại là đề mục tuỳ quán. Đề mục bản địa là đề mục chính của hành giả, thí dụ như đề mục bản địa thường nhất, đó là chúng ta theo dõi hơi thở. Có những người lấy 32 thể trược làm đề mục bản địa, có người lấy đề mục tứ đại làm đề mục bản địa, có người lấy đề mục pháp quán niệm xứ làm đề mục bản địa. Điều đó không sao hết. Nhưng đề mục bản địa tương đối dễ, nhẹ nhàng, quen thuộc và lợi lạc nhiều cho đa số người thực hành đó là đề mục niệm hơi thở. Tất nhiên chúng ta không thể nói rằng tu tập tứ niệm xứ thì phải tu tập hơi thở. Chúng ta không nói 100% là lúc nào cũng lấy hơi thở làm đề mục bản địa hết. Nhưng niệm hơi thở tốt cho chúng ta nhiều việc, ví dụ như hơi thở lúc nào cũng có, trong lúc đó nếu chúng ta niệm cảm thọ thì cảm thọ khi vui khi buồn không phải lúc nào cũng có và hơi thở rất đơn giản chỉ có hai nhịp ra-vào. Hai nhịp đó tạo nên sự tương phản nhưng không tạo nên sự rối rắm. Hơi thở cùng với nhiều lợi lạc khác để hành giả theo dõi. Điểm cần nói đến ở tại đây là chúng ta cần một căn cứ bản địa, cho dù cái gì xảy ra chúng ta chỉ ghi nhận cái đó xảy ra, rồi chúng ta phải trở về với đề mục chính của mình. Chúng tôi lấy ví dụ một người đang ngồi thiền cảm thấy chân tê nhức rất khó chịu. Nếu chúng ta hướng chánh niệm đến cái tê nhức và ở đó quá lâu, chúng ta sẽ đánh mất hậu cứ, đánh mất bản địa chính của mình, đó là hơi thở. Vì vậy cái tê nhức xảy ra, hướng chánh niệm đến đó ghi nhận cái tê nhức, nhưng phải có kỷ luật bằng cách đưa chánh niệm trở về với hơi thở. Điều này cần kinh nghiệm của chúng ta nhiều lắm. Ví dụ khi chúng tôi đang nói chuyện với quý vị, chúng tôi cố gắng khai triển vấn đề ra, nhưng là một người có kỷ luật nên khi chúng tôi nói chuyện chúng tôi không thể lan man quá được, chúng tôi phải trở về với đề tài chính không khéo bị lạc đề, cái lạc đề đó tương tự như khi chúng ta rời xa bản địa quá lâu, chúng ta đánh mất cái căn bản, cái đó là chúng ta mất đi yếu tố gọi là “định” trong niệm. “Định” trong niệm là một thái độ trung thành với đề mục bản địa. Chúng tôi sợ rằng quý vị có thể hiểu sai ý chúng tôi nói rằng: Tại sao có lúc chúng tôi nói cả thân-thọ-tâm-pháp đều phải được ghi nhận hết, bây giờ chúng tôi nói có cái chúng ta phải bám trụ. Không có gì gọi là mâu thuẫn tại đây khi chúng ta nói rằng một hành giả đối với thân-thọ-tâm-pháp đều phải có khả năng ghi nhận, trong quá trình ghi nhận đó, trong quá trình phát triển và chánh niệm chúng ta phải có một bản địa tức là một căn cứ để quay về, phải có một chỗ chúng tôi lấy ví dụ là đề mục hơi thở, mình phóng tâm mình biết mình phóng tâm nhưng phải trở về với hơi thở, mình đau chân biết mình đau chân nhưng phải trở về với hơi thở. Sự trở về đó là yếu tố “định” trong niệm. Yếu tố “định” này rất cần cho người hành giả, chúng ta tạm dùng từ kỷ luật, tức là mình làm gì đi nữa cũng phải trở về với cơ sở của mình. Nó tương tự như quý vị đi học trong trường, nếu cái gì chúng ta cũng học chúng ta sẽ không bao giờ đi đến đâu hết, vì môn học nào cũng có lối đi rất xa. Vì vậy chúng ta nói học về sử là môn học chính, chúng ta học về xã hội học hay tâm lý học, còn những môn học khác là những môn học đi xoay chung quanh cái mà chúng ta gọi là bản địa. Chúng tôi muốn quý vị phân biệt được hai đối tượng của chánh niệm. Có những đối tượng là bản địa, có đối tượng là tuỳ quán. Tuỳ quán có nghĩa là khi nó xảy ra chúng ta ghi nhận nhưng chúng ta phải đem sự chú ý đó trở về với bản địa của mình. Nếu không chúng ta mất đi yếu tố “định” trong niệm. Điều này chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ, không thể một lúc chúng ta chọn quá nhiều đề tài quá nhiều đế mục trong sự tu tập của mình. Chúng ta nói sang một khía cạnh khác. Khía cạnh này khiến cho sự tu tập chánh niệm đặc biệt có giá trị. Trong tiếng Anh có thành ngữ gọi là “ taked personal” tức là một chuyện gì xảy ra chúng ta thường phản ứng, chúng ta phản ứng là việc đó đụng chạm đến mình, nó trực tiếp xúc phạm đến mình, hay chúng ta đặt ngã tính ( ngã chấp) cá nhân chúng ta vào việc đó. Lấy ví dụ chúng tôi đang giảng với quý vị trên paltalk, có một người nào đó vào phá, họ chat lên những gì không tốt hoặc họ gửi cho chúng tôi message. Nếu chúng tôi đọc message họ chửi bới mình hoặc họ có những thái độ gì nếu mình giận thì cũng rất bình thường, phải không? Chúng ta có thái độ rất bình thường là người ta chửi mình thì mình giận. Nhưng có cách nhìn khác. Cách nhìn khác của chúng ta là, “ Nó như vậy đó” Khi chúng ta vào trong Paltalk, chúng ta không kiểm soát được. Trong số những người vào, có những người thương và những người không thương. Người thương ngồi nghe mình nói, người bình thường thì không phá phách, và có những người phá phách. Nói chung đó là chuyện tự nhiên của Paltalk. Chuyện tự nhiên đó không nhất thiết là vấn đề mà chúng ta phải bực dọc phải khó chịu là vì nó là một phần của hiện tượng. Thế giới đó gọi là hiện tượng giới, hiện tượng giới đó là, “Nó là như vậy”. Ví dụ như thỉnh thoảng chúng ta bị mất đồ, hoặc chúng tôi đi đó đây thỉnh thoảng gặp chuyện vui chuyện buồn. Nếu chúng ta nghĩ rằng, “hôm nay mình xui quá, sao người đó kỳ thị mình” Nhưng nếu chúng ta nhìn một cách rất bình thản cuộc đời phải có buồn, có mưa có nắng, không phải lúc nào cũng suông sẻ không phải lúc nào cũng như vậy, có khi hanh thông có khi trở ngại, đó là chuyện tự nhiên của cuộc đời. Cái nhìn thứ hai là cái nhìn cuộc đời giống như hiện tượng và mình không có “ take personal”. Cái này rất quan trọng đối với một hành giả tu tập niệm xứ. Như tất cả chúng ta đều biết rằng cái gì mình phản ứng đối với cuộc sống này, nó đều liên quan đến tôi liên quan đến ta, mà khi nó liên quan đến tôi liên quan đến ta chúng ta thường tạo nên phản ứng. Mình không biết cái tôi cái ta đó là gì, mình thấy nó là khối rất rắn chắc, nó là cái gì được tường thành bao bọc và đụng đến là không được, bất khả xâm phạm, ai xâm phạm đến chúng ta phản ứng rất bực bội. Chánh niệm được giảng trong đạo Phật, nói chung là Phật Pháp có một phương lương dược trị bệnh này rất hữu hiệu, chúng ta gọi là Vibhanga hay là Phân tích, chúng ta chia nó ra để chúng ta xoá đi ảo giác về khối rắn chắc mà chúng ta gọi là bất khả xâm phạm. Chúng ta chia như thế nào, ví dụ chúng ta chia danh -sắc, chúng ta chia thân-thọ-tâm-pháp, chúng ta chia đây là thân đây là thọ. Lúc đó chúng ta sẽ thấy nó khác đi. Nhưng trong từng hiện tượng như vậy Đức Phật có dạy cho chúng ta một cái nhìn gọi là nhìn đúng như thật là, “Đó không phải là tôi, đó không phải là của tôi, đó không phải là tự ngã của tôi”. Quý vị có thể dùng là “Đó không phải là của ta, đó không phải là ta, đó không phải là tự ngã của ta” tuỳ cảm giác riêng của mỗi người. Vào đầu của phần hướng dẫn chánh niệm này chúng tôi có nói rằng, “ Cái khó nhất của chúng ta là chúng ta thường phản ứng đối với những gì xảy ra.” Như một cảm giác buồn, cảm giác buồn nó rất bình thường hay cảm giác trống trải vốn dĩ nó cũng rất bình thuờng tuy vậy chúng ta tin rằng cảm giác đó là tôi, như nói, “ tôi buồn”, cảm giác đó là của tôi vì “trong lòng của tôi buồn”, hay là “tự ngã của tôi”. Cho dù nghĩ rằng của tôi là tôi hay tự ngã của tôi, chúng ta đều có phản ứng lớn chuyện chỗ này. Phản ứng lớn chuyện về cảm giác buồn là, “Mình buồn qúa mình nên làm cái gì đó để cho mình bớt buồn”, “Mình buồn quá mình nên thay đổi”. Nhưng trong lúc hành thiền thái độ tốt nhất là ghi nhận buồn chỉ là buồn thôi. Nghe nói như vậy chúng ta nói là “huề tiền” không đi đâu đến đâu hết. Nhưng trên thực tế nếu chúng ta nhìn nó, cảm giác buồn nó có đến nó có đi, nó có xuất hiện và nó có biến mất. Nếu mình không làm gì hết thì nó tự sanh tự diệt. Đó là kinh nghiệm đặc biệt của hành giả biết rằng chuyện đó nó tự sanh tự diệt, còn nếu mình làm lớn chuyện chúng ta sẽ rơi vào trong tình trạng rất lôi thôi, lôi thôi ở đây là cứ quanh quẩn. Đôi lúc chúng ta cũng nhận ra rằng mình có làm gì đi nữa thì nó cũng vậy . Thật ra đa số hiện tượng của thân tâm giống như mây bay trên trời, nó đến nó đi. Khi nó đến chúng ta không mời nó đến, khi nó đi chúng ta không xua đuổi nó đi. Nếu chúng ta sống trong cái nhìn của chánh niệm thì tất cả những điều đó là một dòng hiện hữu liên tục bất tận và don’t take personal. Nếu chúng ta không đem những thứ đó đối chiếu với ngã tính của mình, để nói rằng đó là của tôi, đó là tôi là tự ngã của tôi thì chúng ta sẽ cho phép mình ở trong cương vị khách quan, “À, nó đến thì nó đến nó đi thì nó đi và chuyện của mình ở đây, mình chánh niệm ở đây không phải là mình tìm giải pháp tìm độ phản ứng mà chúng ta cố gắng sống có tỉnh táo, sống có chánh niệm, có khả năng ghi nhận cái gì đến cái gì đi.” Điều này làm cho nhiều người rất sợ hãi, bởi vì chúng ta thường “tin” rằng, chúng tôi đặt biệt để chữ tin trong ngoặc kép, “tin” rằng hễ cái gì xảy ra mình phải có thái độ, mình phải tìm ra một giải pháp và nếu không thì mình không cam lòng, không yên tâm. Mình cảm tưởng mình rất khôn ngoan, mình có thể giải quyết tất cả mọi chuyện xảy ra mà mình biết. Ví dụ mình biết mình đang vui mình đang buồn, mình đang ngồi mỏi chân, mình đang tê chân thì muốn đứng dậy mà đi. Mình muốn có giải pháp cho tất cả mọi chuyện, mình muốn có phản ứng cho tất cả mọi chuyện, mình muốn có một thái độ cho tất cả mọi chuyện. Những điều đó thường khiến chúng ta đi xa cái gọi là bản địa của chính mình tức là đi xa đề mục chính của mình là bởi vì chúng ta phải loay hoay với cái đó rất nhiều. Thái độ của chánh niệm là làm thế nào có thể ghi nhận và nếu nó chi phối mình nhiều qúa, mình phải có thái độ rõ ràng, “Đây không phải là của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi”. Nếu quý vị không quen với âm thanh đó thì quý vị nên nhắc với chính mình, “Đây không phải là của ta, đây không phải là ta, đây không phải là tự ngã của ta”. Những hiện tượng đang diễn ra chung quanh chúng ta từ mây bay trên trời cho đến cái sáng tối của ngày đêm, cho đến cái vui cái buồn, cái thịnh cái suy của cuộc đời, những thứ đó lập đi lập lại, nó chợt đến chợt đi, chợt ẩn chợt hiện chúng ta điên đảo vì nó, chúng ta chạy theo nó, chúng ta phản ứng, chúng ta lồng lộn với nó. Nhưng thật ra, “nó không có”, nó không có một cái gì khác hơn là nó chi phối và đẩy đưa chúng ta vào cuộc phiêu lưu vô định . Chúng ta tự nhắc và tự biết rằng mình phải trở về với căn cứ địa của mình, về với bản địa của mình, mình niệm hơi thở mình phải trở về với là hơi thở. Chỉ ghi nhận, chỉ có sự lưu tâm hay chú ý một cách đơn thuần. Chữ lưu tâm ở đây hơi nặng một chút. Lưu tâm nghĩa là chúng ta để tâm vào đó, và đế tâm một cách có toan tính, có tìm cách này hay tìm cách khác, ở đây là thái độ ghi nhận xong trở lại với chánh niệm. Trở về với bản địa, cái thái độ không phản ứng nó là một tinh thần chánh niệm rất cần thiết. Tuần vừa rồi chúng tôi có nói đến những yếu tính của pháp bồ đề phần, trong đó có yếu tính như tính toàn diện. Ở đây tất cả những hiện tượng đó có hiện tượng dùng làm bản địa và có những hiện tượng làm tuỳ quán. Tuỳ quán nghĩa là nó đến chúng ta ghi nhận nó nhưng ngay lập tức chúng ta tìm thấy sự trở về. Chúng tôi đã dùng rất nhiều thí dụ để quý vị nhớ rõ về điểm này là không bao giờ chúng ta đi quá xa. Chúng tôi nhớ trong tiểu thuyết Trung Hoa họ thường nói đi nói lại một hiện tượng rất nhàm khi chúng ta đọc, đó là điệu hổ ly sơn, có nghĩa là ví dụ như một người cận vệ của nhà vua đáng lẽ bảo vệ nhà vua, người ta tìm cách tấn công nhà vua bằng cách đánh lạc hướng dụ người cận vệ này rượt theo một bóng đen hoặc rượt theo cái gì đó. Lúc đó một người khác vào bắt vua đi hoặc giết vua đi. Chúng ta gọi là điệu hổ ly sơn. Khi tu tập tứ niệm xứ chúng ta phải có khả năng đối với tất cả pháp, tất cả cái gì thuộc về thân thọ tâm pháp nhưng không để cho những thứ đó điệu hổ ly sơn bằng cách nó khiến chúng ta tiếp tục đi và đi quá xa, đi lạc vào trong thế giới mênh mông. Ngay cả pháp quán niệm xứ cũng vậy, cũng phải có giới hạn vừa chừng của nó. Thí dụ như trong pháp quán niệm xứ chúng ta niệm thất giác chi hay niệm tứ diệu đế, nếu chúng ta là người có nhiều pháp học, nghĩa là chúng ta có sự tham cứu về Tam tạng kinh điển, đôi khi chúng ta đào quá sâu đi quá xa thì chúng ta cũng dễ dàng rơi vào tình trạng gọi là điệu hổ ly sơn. Giống như một người cận vệ có trách nhiệm bảo vệ nhà vua, có người tấn công mình ghi nhận là có người tấn công, mình giải quyết nhưng không bao giờ đi quá xa để nhà vua rời khỏi tầm mắt của mình, rời khỏi khả năng bảo vệ của mình. Khi nhà vua hay người cần bảo vệ nằm ngoài tầm mắt người cận vệ tức là đánh mất đi mục đích cần thiết của mình. Tuần tới chúng tôi sẽ trở lại với chi tiết về thân-thọ-tâm-pháp. Như chúng tôi đã nói chúng ta nên kiên nhẫn với bài học này , bởi vì trong pháp hành không giống như trong pháp học. Trong pháp học có thể gãy gọn trong một vài đề pháp. Trong pháp hành nó cần chúng ta khả năng ứng xử cụ thể với những gì đang xảy ra, do vậy mất thì giờ. Khi chúng ta đã đi qua phần bốn niệm xứ thì những phần sau tương đối có những phần chúng ta không mất nhiều thì giờ như vậy. Chúng tôi xin được kết thúc buổi hướng dẫn lớp thiền học tại đây.
|
| | ||
© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình b y nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh | |