dieuphap.com Trang Chính


Thiền Minh Sát

TT. Thích Giác Đẳng

Phật lịch 2544, Tl 2000


[Bài 02]

Tứ Niệm Xứ - Thảo Luận

Giảng ngày 21 tháng 5 năm 2007
 Chánh Hạnh , Minh Hạnh và TN Như Tâm và  TN Như  Nguyện chuyển biên

Phần thảo luận
TT Thích Giác Chánh
Minh Hạnh chuyển biên

TT Thích Giác Chánh:  Trong bài giảng về lớp Thiền Học - Tứ Niệm Xứ của TT Giác Đẳng hôm nay.  Gọi là bổ túc thì không có gì là bổ túc, mà chỉ có đóng góp những kinh nghiệm cũng như sự nhận thức của mọi người.  Riêng về tôi thì cũng có một vài đóng góp cho bài giảng hôm nay đó là thể theo lời mời của TT Giác Đẳng.  Cũng trở lại vấn đề Tứ Niệm Xứ ở đây chúng ta có thể dùng một số  từ ngữ tương đối chuyên môn về Phật học cũng như thiền học, và nói một cách khác để cho dễ dàng hiểu những gì TT Giác Đẳng khi nãy vừa giảng. 

Nói về 4 niệm xứ này thì chúng ta nên nhớ rằng thân, thọ, tâm, pháp là bốn đối tượng niệm chỉ có một là tâm sở niệm mà thôi.  Nhưng thân, thọ, tâm, pháp là bốn cảnh của niệm hay là bốn hành xứ của niệm.  Trong quyển “Thanh Tịnh Đạo" và " Vô Ngại Giải Đạo” giải thích là cảnh của tâm nào là hành xứ của tâm đó, hành xứ của tâm nào là cảnh của tâm đó, như vậy thì thân, thọ, tâm hay pháp, bốn đề mục thiền quán hay bốn đối tượng của chánh niệm cũng gọi là bốn cảnh của niệm là bốn hành xứ của niệm.  Hành xứ tức là tâm trải đi trên đó, từ chữ gorakkhettha như con bò đi dạo trên một cánh đồng nào thì gọi là chỗ con bò đi.  Thì ở đây tâm có rất nhiều cảnh nhưng thân, thọ, tâm, pháp là bốn hành xứ hay là bốn cảnh, bốn đối tượng của niệm mà chính Đức Phật Ngài có nhắc nhở các vị Tỳ kheo:

 "Này các tỳ kheo, hãy đi trong hành xứ của tổ phụ mình, chớ có đi tới hành xứ của kẻ khác, của ác ma. Thế nào là hành xứ của tổ phụ các ngươi? Này các tỳ kheo; thân, thọ, tâm, pháp là hành xứ của tổ phụ các ngươi, là Chư Phật ba đời đều như vậy.  Chớ có đi qua những hành xứ ác ma, tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, cảm nhiễm theo những cái đó là bị sa vào bẫy ác ma."

Và Đức Phật Ngài còn cho một thí dụ ngày xưa có một con chim cút, khi chim mẹ dạy con chim con hãy đi trong hành xứ của tổ phụ mình, chớ đi sang hành xứ của kẻ khác.  Nhưng rồi con chim cút con không nghe lời bà mẹ. khi bà mẹ đi kiếm mồi thì nó lại rời khỏi những luống đất cày mà bà mẹ đã dạy hãy đi lại trong hành xứ của tổ phụ mình, tức là những luống cầy.  Nó đi qua khỏi những luống đất cầy đến chỗ bằng phẳng sạch sẽ nó cảm thấy vui, “vậy sao mà cha mẹ lại không cho mình đi”.  Khi đó có một con diều hâu sa xuống bắt nó đi, bấy giờ nó mới cảm thấy ăn năn hối hận, nó khóc và nói là:

"Tại vì ta không nghe lời mẹ của ta đã dạy, chứ nếu ta ở trong hành xứ của ta thì người không bắt được ta." 

Con chim ưng nghe nói như vậy mới nói: "Được rồi, ngươi nói như vậy thì ta thả ngươi ra, chỗ nào là hành xứ của tổ phụ các ngươi thì ngươi hãy về đó, ta sẽ bắt ngươi cho coi."  Khi được thả ra thì con chim cút đi về vùng đất cầy và đứng trên miếng đất cầy, thách thức con chim ưng:

 "Đây là hành xứ của tổ phụ ta, bây giờ ta không còn sợ ngươi nữa, ngươi có giỏi thì hãy đến bắt ta đi." 

Con chim ưng nghe như vậy nó từ trên cao sà xuống một cách rất nhanh, đợi cho con chim ưng sà gần tới thì lập tức nhanh như chớp mắt, chim cút con nhào xuống luống cầy, thế là chim ưng chụp hụt nhưng bị sà quá mạnh nên bụng và ức của nó đập vào luống đất và bị chết.  Điều này Đức Phật cũng nói như vậy:

"Này các tỳ kheo, nếu các ngươi đi qua hành xứ của kẻ khác sẽ bị ác ma bắt như vậy, còn nếu như đi trong hành xứ của tổ phụ các ngươi tức là thân, thọ, tâm, pháp thì sẽ không bị ác ma vây bắt.”

  Thì chính chữ hành xứ này chúng ta được biết đến như trong quyển Vô Ngại Giải Đạo đã nói "hành xứ của tâm nào là cảnh của tâm đó, cảnh của tâm nào là hành xứ của tâm đó, như vậy thì thân, thọ, tâm, pháp nên phân biệt nên hiểu rõ đừng có lộn Tứ Niệm Xứ.  Nếu không phân biệt giữa năng và sở, chúng ta sẽ bị lờ mờ hiểu một cách hời hợt hay đôi khi nông nỗi cũng có.  Tứ Niệm Xứ là bốn đề mục của niệm, bốn đối tượng của niệm hay là bốn cảnh của niệm , hay là bốn hành xứ của niệm. 

Còn niệm chúng ta nên trở lại trong ý nghĩa như trong quyển Vô Ngại Giải Đạo giải thích, niệm là upatthamathenasamasati. Niệm được hiểu trong nghĩa là an lập, là vững trú.  Thế nào là an lập, hay vững trú? là sự đặt để vững chắc.  Đặt để cái gì và vững chắc cái gì?  Đó là đặt để ý thức, không rời niệm.  Vì nếu không thì mắt thấy sắc thì ý thức là tham sân chạy theo, hay tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc thì những căn, cảnh, thức nó sẽ kéo ý thức chạy theo, cảnh sắc chạy theo cảnh thinh, chạy theo cảnh ý, chạy theo cảnh vị, chạy theo cảnh xúc, hay  ý tự khởi lên cảnh pháp và không có được an lập hay trụ vững tức là thiếu niệm.  Còn nếu ý thức đó có niệm tức là tâm thiện dục giới, dầu hợp trí hay ly trí nếu có được tỉnh giác thì đó là có chánh niệm đi với trí, và nếu có chánh niệm mà không tỉnh giác thì đó cũng là thiện nhưng trong những tâm thiện ly trí. Tuy nhiên vẫn có cái gọi là an lập hay đặt để ý thức vững chắc, nó không chạy theo mắt tai mũi lưỡi thân ý mà gọi là phóng dật.  Như vậy thì tiếng chánh niệm ở đây tức là có nghĩa là an lập hay là trụ uyển, đặt để vững chắc về ý thức khi mà có tác ý - ayoniso manasikàra - như lý tác ý,  muốn tác ý đến thân thì trong thời điểm đó tâm luôn bám sát vào đề mục thân, dầu là hơi thở cũng là thân, đi tới đi lui cũng kể là thân, tay chân cử động co duổi được ghi nhận biết rõ cũng là thân, hơi thở vào ra như chúng ta tuỳ niệm cũng là thân, kể cả phân tích ra những đất nước lửa gió cũng là thân. 

Nói chung dầu 32 thể trược hay những tử thi thì cũng kể là thân bởi vì nó thuộc về sắc.  Thì nếu khi tác ý vào thân hoặc bất cứ đề mục nào của thân thì tâm không vượt khỏi bởi vì đã có tác ý đến đề mục đó rồi, nó được an lập trên đó, do đó nên khi có chánh niệm khởi lên thì cũng có chánh định, chánh định trong nghĩa là không có tán loạn, vì nếu có tán loạn thì chánh niệm không hiện hữu. Do đó nhân chánh định được sanh theo chánh niệm gọi là Avikkhepat.t.heno tức là trạng thái không tán loạn.

Nên khi nãy TT Giác Đẳng đã giải thích rằng khi thân, thọ, tâm, pháp không phải nhất thiết là niệm thân không, chừng nào niệm thân xong, rồi mới tu qua đề mục niệm thọ hay niệm tâm hay niệm pháp, phải tu cái này rồi mới tu qua cái kia.  Mà có thể chúng ta trong thời gian hành đạo, dầu thời gian đi hay đứng hay nằm hay ngồi chẳng hạn có thể thay đổi những đề mục.  Nhưng không phải bị thay đổi mà là có tác ý thay đổi.  Cũng như ngồi lâu cảm thấy nhức mỏi muốn thay đổi qua oai nghi đi thì vẫn có tác ý muốn thay đổi.  Cũng vậy từ đề mục này di chuyển qua đề mục khác cũng phải có cái tác ý, tức là chuyển qua thọ rồi chuyển qua tâm hay chuyển qua các pháp, do có tác ý chuyển như vậy là không bị động, không phải là thất niệm mà là có tác ý, và chánh niệm được an lập theo ý muốn và muốn trụ vào chánh niệm hướng đến ghi nhận về thân hay thọ hay ghi nhận về tâm, ghi nhận về pháp được như ý muốn và tâm không bị tán loạn không bị động, thì  như vậy chánh niệm mới được hiểu trong nghĩa là an lập hay vững trú tức là đặt để vững chắc.

Làm được điều này thì chúng ta cũng nhớ lại Ngài Xá Lợi Phất đã tuyên bố: "Đối với thất giác chi Ngài muốn an trú vào giác chi nào, lúc nào, nơi nào thì Ngài sẽ an trú vào giác chi đó ngay khi đó, cũng giống như người phú trưởng giả trong tủ có nhiều bộ đồ như xanh, vàng, đỏ, trắng ông muốn mặc bộ đồ nào vào lúc sáng, lúc trưa, lúc chiều thì nhà phú trưởng giả đó sẽ mặc bộ đồ đó lúc đó không có gì trở ngại như thế nào thì đối với Ngài Xá Lợi Phất Ngài muốn an trú vào niệm giác chi, trạch thất giác chi, xả giác chi, vào bất cứ lúc nào, chỗ nào thì Ngài cũng vẫn an trú trong giác chi đó, tùy như vậy.  Thì cũng như thế đối với hành giả tu tập chánh niệm thuần thục rồi thì sẽ có thân, thọ, tâm, pháp bất cứ lúc nào với vị đó có tác ý niệm về thân thì vị đó sẽ có chánh niệm ghi nhận về thân, và khi vị đó muốn đổi đề mục có tác ý về niệm thọ thì chánh niệm đó được bám sát theo thọ, theo tâm, theo pháp, bất cứ lúc nào chỗ nào nếu vị ấy muốn sẽ có tác ý, tâm không bị tán loạn, thì đó là chánh niệm trong an lập hay đặt để vững chắc. Vì có chánh niệm được an lập vững chắc như vậy thì ghi nhận được mọi cảnh mà kỳ trước tôi có thí dụ nếu chỉ tu tập chánh định thì tạm thời như đá đè cỏ, tôi tạm thí dụ giống như người không muốn bàn chân bị dính bùn phải tìm một chỗ sạch sẽ mà đứng, nhưng hễ di chuyển ra khỏi chỗ đó mà bước đi sẽ bị lấm bùn buị vào chân, nhưng nếu người mang đôi giày dầu có bước đi vẫn đạp bàn chân lên mặt đất nhiều chỗ nhiều điểm nhưng bàn chân không bị lấm bùn là bởi vì có mang giày.  Cũng vậy có chánh niệm là bản tâm thiền quán bất cứ cảnh trần gì sanh khởi đều được ghi nhận và biết rõ, có chánh niệm này thì dù thỉnh thoảng có những tư tưởng bất thiện khởi lên nó sẽ tan biến tức khắc.  Đức Phật dùng nhiều thí dụ;  như những hạt sương rơi trên giỏ sắc đỏ hay vào những lúc mùa hè những bụi bặm bay lên nhưng rồi có những cơn mưa trái mùa làm cho những cơn bụi hạ xuống như thế nào thì người có chánh niệm thường tụng như vậy thì sẽ ác pháp bất thiện pháp thỉnh thoảng có khởi lên sẽ bị tan biến, bị mất đi như thế đó.

Bây giờ chúng ta nói trên phương diện tu tập chánh niệm, lúc đầu học mới tu tập chánh niệm và khi chánh niệm thuần thục, nhất là các vị A La Hán có chánh niệm đầy đủ (như ngày nay có những máy chụp hình kỹ thuật số chúng ta có thể đem cái này so sánh).  Thí dụ như đối với người mới tu tập có thể ghi nhận về thân, nhưng ghi nhận được cái nhớ cái quên, hay thọ, tâm, pháp, chánh niệm chưa được liên tục, thì cũng giống như là máy kỹ  thuật chụp hình số có thể chụp một ngày được vài trăm tấm ảnh, nhưng trong số vài trăm tấm ảnh đó nếu cần người ta có thể quay phim liên tục chừng 10 phút hay 15 phút, thì ở đây qúi vị cũng dư biết rằng khi chúng ta chụp ảnh mà thâu hình thì chúng ta chụp từng cái rời rạc và nó chết đi, khi nó chụp xong rồi thì nó không còn tiếp những cái khác kế cận,  rồi chúng ta chụp một cái khác nữa như từ động tác có thể rời rạc mặc dầu có chụp từng ảnh nhưng nó rời rạc.  Còn người tu tập chánh niệm liên tục thuần niệm, nhất là các vị A La Hán thì giống như tạm gọi như là quay phim liên tục từ động tác này đến động tác kia, động tác nào cũng được máy thu hình ảnh đó như thế nào, thì đối với người tu tập Tứ Niệm Xứ buổi đầu về chánh niệm thì còn rời rạc có lúc nhớ lúc quên nên còn xen kẽ ác pháp bất thiện pháp tư tưởng thỉnh thoảng khởi lên, nhưng nếu có chánh niệm liên tục thì bất cứ một cảnh nào, hình ảnh nào cũng như ngày nay chúng ta thấy những người đá banh ở trên có máy quay phim chẳng hạn chụp những hình ảnh nào mà cầu thủ đá làm sao, trọng tài phạt v.v.... rất là rõ ràng, khi họ quay lại thì không có động tác nào thiếu, và nếu cần thiết thì quay chậm lại để coi.  Thì cũng vậy đối với chánh niệm liên tục thì bất cứ cảnh nào sanh lên đều ghi nhận cả nhưng cái nào rõ thì ghi nhận, dầu thân trong đó vẫn có thọ có tâm và có pháp, khi niệm thọ thì vẫn có tâm và có pháp bởi vì nó cùng một sự kiện cùng một trường hợp nhưng ghi nhận vào khía cạnh nào thì khía cạnh đó rõ rệt, mà khía cạnh nào được ghi nhận thì nó có sự tác ý không phải bị động. 

Bây giờ tôi trở lại thí dụ như qúi vị đang nhìn trên màn ảnh nếu qúi vị có tác ý muốn biết coi rơom này tên gì thì qúi vị nhìn trên thấy chữ Diệu Pháp, nhưng qúi vị có tác ý muốn coi có màu gì, có xanh vàng đỏ trắng không, thì qúi vị chú ý đến những màu, rồi qúi vị để ý coi chữ này là chữ Việt chữ Anh chữ Pháp qúi vị để ý từng hàng chữ, qúi vị để ý coi trong này có hình ảnh bông hoa gì không, thì qúi vị thấy có bông hồng có bàn tay v.v... Như vậy thì muốn nói rằng cùng một đối tượng cùng một cảnh nhưng đối tượng thì như vầy, màn ảnh này là đối tượng chung, nhưng trong đối tượng chung đó chúng ta tìm ra từng đối tượng riêng, tức là cái chữ cái hình cái màu đó là những đối tượng riêng trong đối tượng chung như thế nào, thì một bối cảnh nó cũng khởi lên cho ngũ uẩn nói chung nhưng có trong đó tác ý ghi nhận vào phần nào thì sẽ ghi nhận được phần đó, nó khác hơn là cái không phải tác ý mà  bị động như chúng ta không muốn để ý đọc chữ nhưng có những người họ vô chọc họ phá họ chat lên hàng chữ hay có những gì làm cho mình chú ý thì cái này là bị động, còn cười thì có chánh niệm gì  không, thì nếu khi tác ý một vấn đề nào thì sẽ chú tâm vào vấn đề đó, cảnh đó mà thôi.  Những thí dụ này tôi nghĩ rằng cũng có thể góp ý thêm với qúi vị trong lớp Thiền Học về Tứ Niệm Xứ mà TT Giác Đẳng hôm nay đã trình bày.

 

Phần thảo luận
2) TT Tuệ Siêu
Tu Nữ Như Nguyện và Tu Nữ Như Tâm chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Bạch TT Tuệ Siêu chúng ta thấy chữ "niệm" trong tiếng Việt Nam của chúng ta thường thường dùng mang tánh cách là chúng ta lập đi lập lại một mantra (câu chú nguyện) hay một danh hiệu Phật nhiều hơn là chữ “niệm” được định nghĩa trong khái niệm về chánh niệm của Tứ Niệm Xứ, thì xin thỉnh TT Tuệ Siêu hoan hỷ cho biết rằng: Nếu một người niệm Phật ví dụ họ niệm Arahaṃ hay Nam Mô A Di Đà Phật và lập đi lập lại thì cách đó có thể dùng chữ anussati được không? ví dụ chúng ta nói Buddhānussati tức là niệm Phật hay là Dhammānussati là  niệm pháp và Saṅghānussati  là niệm tăng hay chúng ta có cái từ nào khác ở trong Phạn ngữ chính xác hơn. Nhân đó nói thêm một vài ghi nhận của TT về bài hướng dẫn hôm nay trong lớp Thiền Học nếu có, xin thỉnh TT Tuệ Siêu.

TT Tuệ Siêu:  Qua câu hỏi của TT Giác Đẳng thì chúng tôi xin được đóng góp một vài ý kiến về từ “niệm” trong từ “Buddhānussati”.  Trước hết chữ Anussati dịch là tùy niệm thì có một từ ngữ gọi là anu nhưng thực ra thì anu ở đây có nghĩa là liên tục và do đó chữ anussati có nghĩa là liên tục niệm, là ghi nhận ghi nhớ.  Nhưng chữ sati ở trong anussati trường hợp này thì nó lại khác hơn với chữ sati ở trong lãnh vực của thiền Appana samādhi (Nhập định), có khác hơn,  hay là  về mặt thiền chỉ hay thiền quán để một khi đã nói niệm thì tiếng niệm sati đó có nghĩa là một trạng thái ghi nhận bám sát vào đối tượng, có bám sát ghi nhận rõ ràng tỉnh táo như vậy thì mới gọi là sati, nhưng chữ sati trong anussati nó hơi có một thiên hướng qua từ saññā (tưởng), thường thường chúng ta dùng từ sati hay sarati là niệm tưởng niệm.  Niệm có nghĩa là phải nhớ lại chớ không ghi nhận ngay trong hiện tại, chẳng hạn như chúng ta nhớ lại Đức Phật với những danh hiệu với những hồng danh rồi chúng ta suy tưởng về những hồng danh đó qua ý nghĩa đã được học hiểu.  Như vậy tiếng anussati trong trường họp Buddhānussati hay Dhammānussati hay Saṅghānussati (tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp tùy niệm Tăng) chẳng hạn, thì tùy niệm này chúng tôi nghĩ rằng mặc dù cũng sài có chữ “niệm” trong đó nhưng “niệm” này có thể khác hơn, khác có khuynh hướng về saññā là tưởng nhớ lại, còn chữ sati ở trong chữ Sati patthāna (Niệm xứ) thì niệm đó có nghĩa là nhận biết cái gì nó đang xảy ra, thì hai từ đó khác ở khía cạnh đó. 

Ở khía cạnh thứ hai nữa chúng tôi muốn nói khác nhau ở chỗ là hễ vị hành giả đang hành thiền chỉ hoặc quán mà ngay trong lúc đó tâm rời khỏi đối tượng không ghi nhận, để cho đối tượng trôi qua không ghi nhận được thực trạng của đối tượng đang sanh hay đang diệt thì lúc đó được gọi là thất niệm.  Thế nhưng vấn đề này đối với một người tu tập thì chúng ta thấy rằng đôi lúc họ niệm bằng tưởng, bằng cách là học thuộc lòng, nhiều khi như  là niệm thần chú, họ niệm Itipiso, Bhagavā Arahaṃ, Arahaṃ, Arahaṃ ... , họ cứ niệm liên tục như vậy,  nhưng trong trạng thái liên tục như vậy họ không có ghi nhận được, thỉnh thoảng thì có khi họ cũng quên nhưng tại vì đã thuộc lòng cho nên họ niệm chúng ta thấy là liên tục, nhưng thật ra thì ngay trong lúc đó tâm của họ đã lơ đễnh đã suy nghĩ chỗ khác.  Thế nhưng chỗ này người ta cũng gọi là niệm Phật.  Thành thử ở đây nếu xét về hai từ và hai hành trạng của từ “niệm” ở tùy niệm Phật và “niệm” ở trong niệm xứ hay “niệm” ở trong thiền định thì hai nghĩa từ đó và hai hành trạng đó có sai khác nhau một chút, nó sai khác nhau ở chỗ đó. 

Vì vậy cho nên cũng là niệm nhưng niệm trong các đề mục thuộc về sắc pháp bhāvanā (thiền chỉ) thì đắc được thiền, còn niệm ở trong Tứ Niệm Xứ thì đắc được đạo quả.  Nhưng niệm trong cách gọi là ānussati tức là “tùy niệm” thì chỉ đưa đến một trạng thái upacāra samādhi (cận định) chứ không có đưa đến trạng thái định kiên cố.  Ở trong quyển Visuddhi magga giải thích rằng vì khi một người niệm ân đức Phật, niệm ân đức Pháp, niệm ân đức Tăng do tâm họ trải rộng, họ suy nghĩ nhiều khía cạnh không có “niệm” và “định” nhất điểm trong một đề mục, trong một đối tượng hay trong cảnh, vì vậy nếu có thể đạt được trạng thái định chỉ là upacāra samādhi (cận định).  Còn không thì họ cũng có khuynh hướng thiện pháp để đưa đến những cảnh giới tái sanh an lạc thôi chứ không đưa đến trạng thái Appana samādhi (Nhập định). Đó là theo ý nghĩa giải thích ở trong phần gọi là sáu pháp tùy niệm ānussati trong quyển Visuddhi Magga, điều này chúng ta thấy rằng rõ ràng rồi .

Và do đó khi chúng ta tu tập thì riêng cái gì dễ để ứng dụ tâm thì chúng ta thực hành trước, chẳng hạn tâm này hay có sự buông lung phóng túng, hay nghĩ ngợi chỗ này chỗ kia, nghĩ ngợi về cảnh thinh, cảnh trí, cảnh xúc, thì bây giờ mình cho tâm lành chỉ cho phép nghĩ ngợi mà sự nghĩ ngợi đó trong phạm trù gọi là thiện pháp thôi, thì trong phạm trù thiện pháp đó cứ việc suy nghĩ về Đức Phật, suy nghĩ về giáo pháp về ân đức của Tăng chúng, suy nghĩ về ân đức của Chư Thiên v.v....gọi là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, hay niệm tịch tịnh tức niệm về bản chất của trạng thái Nip-bàn.  Khi chúng ta dẫn dụ tâm mình trong khuynh hướng thiện như vậy, mặc dầu chưa có được một trạng thái nhất tâm trên một đề mục nhưng dù sao đi nữa thì cũng là tình trạng của thiện pháp, và “niệm” đó lâu ngày được an trú trong thiện pháp rồi dần dà vị hành giả muốn tiến bậc cao hơn nữa, trạng thái thuần thục hơn nữa thì lúc bấy giờ hành giả không niệm những đề mục ānussati này nữa, mà chánh thức đi vào sati tức là “niệm” trong niệm xứ, tức là “niệm” trong một đề mục để đắc được Thiền Chỉ hay đắc được Thiền Quán chứng đắc Đạo Quả v.v....

Do đó nếu phân tích từ ngữ thì chúng ta nên phân tích sự khác nhau như vậy, cái dễ, cái khó, cái nguyên tắc và cái không nguyên tắc không là như thế, nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng ở đây chúng tôi muốn trình bày để cho chúng ta thấy để phân biệt được ý nghĩa của từ gọi là “niệm” trong  “tùy niệm”, và “niệm” trong “niệm xứ” chớ không phải chấp nhận cái này rồi phủ nhận cái kia.  Cái kia chúng ta dẫn dụ tâm lúc ban đầu nhưng sau đó để tiến giải tâm đến trạng thái niệm cao hơn v.v... Chúng tôi xin được có một vài lời đóng góp cho câu hỏi của TT Giác Đẳng như vậy.

 

Phần thảo luận

Đ Đ Pháp Đăng
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Sư Pháp Đăng, Sư hoan hỷ giúp để giải thích thêm một điều là trong đời sống hàng ngày của người Phật tử nếu thất niệm.  Thất niệm tức là đời sống phóng dật thì dĩ nhiên là chúng ta muốn nói đến một cái gì đó hơi phóng túng nhiều hơn đời sống bình thường.  Ví dụ như một người sống sa đoạ hay sống trác táng nhiều quá chúng ta gọi là sống phóng dật nhiều quá thì như vậy phải chăng là trong cuộc sống có chừng mực hàng ngày như một người buổi sáng đi làm ở sở rồi buổi chiều về hoặc giả là ăn uống có điều độ hay thể dục thường xuyên, thì Sư Pháp Đăng có nghĩ rằng ở cuộc sống điều độ chừng mực như vậy người đó có một khả năng nhất định khi chúng ta đề cập đến niệm, dĩ nhiên không phải niệm mà chúng ta nói ở người tu tập hàng ngày nhưng khả năng điều độ đó nó có được xem như là người có ý thức tỉnh táo về cuộc sống của mình hay không.  Sư Pháp Đăng nghĩ thế nào về điểm này.

ĐĐ Pháp Đăng:  Ở điểm này thì thật sự đối với tất cả mọi người thì ai cũng gần như là muốn con người mình hữu dụng nhưng ngược lại vì mình đã phóng không đúng với quy cách của nó nên trở thành người không hữu dụng.  Con trình bày như thế này; ở trong các vị thiền sư thì có một vị tỳ kheo, vị này lúc còn là cư sĩ thì học vấn không nhiều, nhưng khi gặp được vị Đại Đức chỉ cho cách là mình cầm cái gì thì ghi nhận cái đó, bất luận là mình buôn bán, mình cầm món gì đưa cho người ta rồi người ta đưa tiền thì mình ghi nhận ở chỗ đó.  Một thời gian sau thì vị này thấy kiểm soát được đời sống của mình, có nghĩa là việc gì ai hỏi thì nghĩ cho kỹ.  Thường thường mình sống trong nhà hễ ai hỏi mình thì mình lại quên mất, vì mình sống quá nhiều với thất niệm nên không ghi nhận hiện tại. Thật sự trong đời sống, luôn cả những người làm văn phòng cũng vậy nếu khi viết một chương trình gì đó,  nhớ được trong chương trình đó mà ai muốn hỏi về văn thư  hoặc hợp đồng ký ngày mấy ngày mấy v.v… nếu mình để ý như vậy thì rõ ràng người ta hỏi mình cũng y như người ta hỏi cái máy vi tính vậy.  Thường thì vị cư sĩ này khi được vị trưởng lão dạy như vậy thì vị này buôn bán cái gì cũng ghi nhận như vậy, dù là cầm cái cân hay bốc một số đồ để vô cân hoặc gói lại bán, vị đó luôn luôn để ý như vậy.  Sự để ý một thời gian sau thì vị này tuần tự tu tập và vị này chứng đắc đạo quả rất dễ.  Dù  vị này thì không có học thức nhiều nhưng mà vị này thật sự thực hành. 

Cũng như vậy thường thường chúng ta sống trong một gia đình, trong một xã hội, trong một đoàn thể, một công ty xí nghiệp nào đó nếu chúng ta ăn uống cũng có chừng mực và biết bữa nay mình ăn cái gì nếu lỡ trúng độc hoặc bị đau bụng hay khi nào cũng biết hôm bữa mình ăn món gì lạ món gì quen.  Nên một người thật sự mà họ sống mà biết họ ăn cái gì bữa nay, họ uống nước gì, nước canh, nước cam, nước lọc hay nước gì đó mà họ biết họ uống nước đó thì khi họ đau bụng hoặc họ bị ngộ độc thì họ có thể nói cho người ta được và người ta cũng có thể giúp cho người này rất dễ.  Thường thường mình vào bệnh viện mình bị thổ tả hay bị trúng độc người ta hỏi mình ăn cái gì mình uống cái gì, mình ăn uống như vậy để người ta muốn hỏi như vậy để mình nhớ lại mình ăn uống cái gì đó. Hoặc những loại rau củ hiện giờ là những loại có nhiều chất độc mà người ta có thể biết được mình ăn chất rau chất đó và người ta có thể có liều thuốc trị cho mình rất dễ.  Nên thường dù mình ăn uống mình sinh hoạt sao đó mà mình có sự ghi nhận mình biết, thì là một người có nếp sống chừng mực như vậy.  Chớ một người thường thất niệm thì họ hay thái quá bất cập, lúc làm thì làm tích cực, lúc bỏ thì bỏ trôi lăn, những người như vậy là họ thiếu chánh niệm, những người như vậy thì hình như ít ai dám giao việc cho người này, lúc làm thì làm cắm đầu cắm cổ làm đến bịnh luôn, lúc không làm thì ở không đi chơi hoài.  Cũng vậy, mình thấy rằng một người sống có chừng mực thì xã hội rất cần những người đó và trong gia đình của chúng ta cũng cần những người sống có chừng mực ,và họ ăn uống cái gì họ cũng biết được mình đang ăn uống cái gì hay làm cái gì thì những người này thật sự là những người cư sĩ hay người xuất gia rất là lợi ích và có thể làm gương mẫu cho mọi người được.  Thì con xin trả lời với câu của TT Giác Đẳng là  như  vậy.

 

Phần thảo luận
      TT Thích Giác Chánh
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Thưa Sư Trưởng con xin được hỏi Sư Trưởng một câu là chúng ta nói đến chánh niệm là một cách ghi nhận mà mình không có phản ứng không có thái độ đối với cái gì nó xảy ra, nhưng mà rồi chúng ta cũng nói rằng chánh niệm có khả năng hoá giải nhất là những cảm xúc vui buồn hay là những phiền não trong lòng.  Thì nếu ghi nhận mà không có thái độ gì hết thì nó hoá giải bằng cách nào.  Chúng con xin Sư Trưởng hoan hỷ giảng thêm một ít về điểm này cho qúy Phật tử

Sư Trưởng:  Câu hỏi của TT Giác Đẳng nói là chánh niệm thì có khả năng hoá giải những phiền não như ác pháp bất thiện pháp, như vậy thì hoá giải bằng cách nào? Ở đây tôi có thể trả lời bằng cách rất đơn giản rõ ràng nhất theo ý nghĩa A Tỳ Đàm thì tâm không thể một lúc mà biết hai cảnh, và cũng không thể có hai tâm một lúc mà cùng sanh, do đó hễ khi ta biết cảnh này thì không biết cảnh kia, mà có tâm này thì không có tâm nọ, mà chánh niệm thì nó chỉ có trong phạm vi của tâm sobana citta  là tâm hảo chứ nó không có trong phần asobana là vô tịnh hảo.  Tức là kể cả tâm bất thiện và tâm vô nhân cũng không có niệm, mà hễ niệm có mặt thì thiện pháp có mặt, mà thiện pháp có mặt thì bất thiện pháp không có mặt, do đó sở dĩ chúng ta thấy người đó dầu có tu tập chánh niệm hay niệm xứ nhưng vẫn còn sân hay vẫn còn nóng giận. Nói chung là phiền não bởi vì cái niệm nó lỗ đỗ như thí dụ hồi nãy tôi dẫn dụ; giống như máy chụp hình riêng từng tấm do đó nên nó còn xen kẽ, còn nếu quay phim như có chánh niệm liên tục thì bất cứ người đó họ đưa tay lên để tay xuống những động tác nào làm đều được thu vào tất cả.  Cũng vậy nếu có chánh niệm liên tục thì ác pháp, bất thiện pháp sẽ không có mặt, tự nó hoá giải tức là tự làm cho chánh niệm có mặt là thiện pháp có mặt thì những vui buồn phiền não ác pháp bất thiện pháp tự nó bị đào thải. 

Điều này là chính vì sự tu tập chánh niệm có lợi như vậy, và chánh niệm ghi nhận bất cứ cảnh gì sanh lên ghi nhận được thì phải biết rằng chánh niệm này chẳng những chỉ trong tâm tịnh hảo mà nó thuộc về phần ý thức. 

Một vị Bà la môn hỏi Đức Phật; “mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân, nhãn căn, nhĩ căn, ý căn, thiệt căn, và thân căn có đối cảnh sai khác, tức là con mắt thì có cảnh sắc, tai thì có cảnh thinh, mũi thì cảnh khí, lưỡi thì có cảnh vị, thân thì có cảnh xúc, nên gọi là mỗi căn thì có đối cảnh sai khác, hành cảnh sai khác, chúng không có sự là hoàn quyệt với nhau; là nhãn thức sanh lên nhĩ căn hay bắt cảnh thinh hay bắt các cảnh vị thứ khác.  Do đó nên mới nói là đối cảnh sẽ khác, hành cảnh sẽ khác, chúng không có sự hoàn quyệt với nhau, như vậy thì lấy gì làm điểm quy hướng?”  Đức Phật Ngài trả lời là: “lấy ý làm chỗ quy hướng, thì điều này chúng ta học trong Vi Diệu Pháp thấy rất rõ dầu cho mắt thấy cảnh sắc, tai nghe cảnh thinh rồi có nhãn thức, nhĩ thức sanh khởi nhưng sau nhãn thức, nhĩ thức đó thì những tâm như là tâm tiếp thu quan sát phân đoán cho tới những tâm javana là tâm tốc thì nó đều là ý thức cả nên gọi là lấy ý mà quy hướng”.

“Ý lấy gì làm điểm quy hướng?”  Đức Phật đáp; “lấy niệm làm điểm quy hướng, thì đây là nói lên sự tu tập tốt hơn, nếu không có niệm làm điểm quy hướng thì ý có thể phan theo duyên chạy theo trần cảnh, và hễ mắt thấy thì nhận ra cảnh sắc tham sân khởi lên, tai nghe tiếng thành ý bị động cũng bị chi phối mãi, còn nếu có niệm gom lại thì ý thức này được an lập nên được đặt để vững chắc, trong khi đối tượng ghi vào nó chỉ có bổn phận ghi nhận.”

Vị bà la môn này lại hỏi tiếp: “niệm lấy gì làm chỗ quy hướng?” Đức Phật dạy: “lấy điều giải thoát làm quy hướng, giải thoát cái gì? niệm ở đây là cái gì sanh lên nhưng thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc chỉ là cảm giác, rồi thì ý thức khởi lên chỉ là sự biết như vậy thì khi đối cảnh sanh lên, nhưng cũng như câu duyên qua rồi cảnh cũng không.  Nếu hình ảnh hiện lên kiếng thì lúc đó chánh niệm cũng giống như tấm kiếng lớn, hễ khi người đó đi khuất thì nó cũng mất chứ nó không còn lưu lại một cái gì trong tấm kiếng đó như thế nào, thì đối với niệm có sự giải thoát tức là khi nó hiện thì nhận biết.”

Rồi vị Bà la môn này hỏi tiếp: “giải thoát lấy gì làm điểm quy hướng?”  Đức Phật đáp: “lấy Niết bàn làm điểm quy hướng, tức là Niết bàn là “nirodha” là sự tịch diệt vắng lặng. Chính vì sự tu tập này là có sự hoá giải những ác pháp những bất thiện pháp tuần tự  như đã trình bày.” 

Và khi được Đức Phật trả lời như vậy vị Bà la môn này lại hỏi tiếp:  “Niết bàn lấy gì làm quy hướng?”  thì Đức Phật trả lời:  “thôi vừa rồi nè Bà la môn, bất cứ vấn đề nào cũng phải đi đến hồi kết thúc.  Hơn nữa trong giáo pháp này lấy Niết bàn làm điểm tựa, lấy Niết bàn làm cứu cánh”.  Và khi Đức Phật giảng xong thì vị này rất hoan hỷ đã chứng quả A Na Hàm. 

Lấy đoạn Phật ngôn vấn đáp kể trên như là cũng đủ để trả lời qua câu hỏi của TT Giác Đẳng về vấn đề chánh niệm có thể hoá giải được tâm mình như thế nào thì để ý như câu Phật ngôn tôi vừa chích dẫn ở trên là như vậy.

Phần thảo luận

TT Tu ệ Si êu
Tu Nữ Như Nguyện và Tu Nữ Như Tâm chuyển biên

 

TT Giác Đẳng: Bạch TT Tuệ Siêu hoan hỷ nói về một điều là có nhiều Phật tử tin rằng mình hành thiền tu tập chánh niệm phải ở trong một điều kiện tương đối rất lý tưởng, lý tưởng về chỗ ở, lý tưởng về thực phẩm, lý tưởng về đề mục, lý tưởng về những người mình thân cận.  Nhưng trên thực tế thì ngoại trừ những khoá thiền hay một vài cơ duyên tốt cho một người nào đó, đa phần chúng ta không gặp được những môi trường hay điều kiện thích hợp cho sự thực hành như vậy, và do vậy những người này không thấy hứng thú để thực hành và không phát tâm để thực hành ,bởi vì thấy rằng mình chưa làm thì đã thấy trở ngại.  TT Tuệ Siêu có lời khuyên nào về điểm này không, nếu có được thì xin thỉnh TT Tuệ Siêu.

TT Tuệ Siêu: Trước hết lập lại cái ý của TT Giác Đẳng là người mà muốn tu tập có chánh niệm vững vàng thì phải có những điều kiện thích hợp như chỗ ở thích hợp, vật thực thích hợp, hay người thân cận thích hợp, hoặc pháp thích hợp.  Thế thì nếu như một người không có những điều kiện thích hợp như vậy có thể nào người đó vẫn có thể phát triển được chánh niệm hay không?

Kính thưa qúi vị điều kiện thích hợp tất nhiên đó là một sự thuận lợi cho vị hành giả để phát triển chánh niệm, nhưng khuynh hướng của chúng sanh và sự thuần thục của chúng sanh có những điểm khác nhau, cũng có trường hợp ngoại lệ là có vị hành giả mặc dù không đủ các điều kiện thích hợp  và không có một trong những điều kiện thích hợp đó nhưng vị hành giả này nếu như chánh niệm thuần thục đã tu tập thuần thục thì ngay trong lúc đó trong hoàn cảnh đó vị hành giả vẫn có thể có được chánh niệm. 

Chúng ta đã đọc trong kinh điển hoặc trong chú giải ghi nhận nhiều trường hợp vị tỳ kheo khi các vị sống ở rừng, thỉnh thoảng các vị cũng gặp một vài trở ngại cho việc khuất thực ăn uống nhiều khi thiếu thốn hoặc đi khuất thực mà không có thức ăn, các vị đó cũng có thể tự mình giữ được chánh niệm trau dồi chánh niệm và có thể đắc được đạo quả A La Hán.  Cũng có những trường hợp những vị tỳ kheo độc cư không có sự thân cận với một bạn đồng phạm hạnh nào khác, mà chỉ sống một mình tại tha ma mộ địa hoặc ở dưới một gốc cây của một khu rừng chẳng hạn, sống đơn độc như vậy thôi, vị đó vẫn có thể phát triển chánh niệm được.  Cũng có những trường hợp một số vị tỳ kheo ở những trú xứ không thích hợp hoặc ở trong bối cảnh thực tại không thích hợp nhưng vị đó vẫn có thể phát triển được chánh niệm được để có thể chứng đắc được thiền.

Thí dụ như Đức Phật cũng có kể lại câu chuyện quá khứ tiền thân của Ngài khi Ngài là một vị đạo sĩ đã tu tập nhiều về thiền định và chứng được thiền nhưng sau đó vì uy lực của Ngài khiến cho các vị chư thiên này ở trong rừng rất bực bội, vì mỗi khi vị đạo sĩ ngự ở dưới gốc cây thì các vị chư thiên đó không thể ngồi ở trên cao hơn được, cho nên các vị chư thiên đó đã đi vào trong thành vua Bārānāsī và khiến cho các vị Bà la môn đã tâu với Đức vua rằng, nếu cuộc cúng đàn này có vị đạo sĩ có uy lực như vậy đi đến để làm chủ tế thì như vậy sẽ thành tựu tốt đẹp hơn.  Làm sao mà gọi vị đạo sĩ đó về để vị đạo sĩ đó đứng làm chủ tế lễ đàn này.  Thế là họ đưa công chúa Candadevì  vào rừng để cám dỗ vị đạo sĩ này, thoạt đầu thì vị đạo sĩ đó cứng rắn nhưng sau đó vì sắc đẹp của công chúa Candadevì vị đạo sĩ này đã siêu lòng và đi theo công chúa Candadevì trở về hoàng cung.  Và ngay thời điểm cử hành lễ cúng tế thần lửa, vị đạo sĩ vì chấp nhận để được sống với công chúa Candadevì nguyên là người đẹp nên vị này đã mất hết thần thông, vị này đang chuẩn bị cầm trên tay một con dao để giết những sinh vật lấy máu cúng tế thần lửa, thì ngay trong lúc đó quần chúng vây quanh ở bên ngoài họ ồn ào la hét và phản đối hành vi của vị đạo sĩ này.  Bấy giờ vị đạo sĩ là tiền thân Bồ Tát Ngài đã khởi lên lòng tàm qúy, lúc đó Ngài đã tự nhận được nỗi lầm khuyết điểm của mình, sự yếu mềm của nội tâm mình, và Ngài đã quăng bỏ con dao ở trên tay, Ngài lập tức quay trở lại với chánh niệm và đề mục mà Ngài đã từng tu chứng, Ngài đắc thiền và bay lên trên không, ngồi trên hư không thuyết pháp cho quần chúng nghe, nhờ vậy mà đức vua cùng quần thần và dân chúng họ đã an trú trong ngũ giới trong điều thiện rồi Ngài bay về tuyết lãnh. 

Thì trong trường hợp này cho chúng ta thấy với một vị thuần thục về chánh niệm trước đây thì ngay trong hiện tại mặc dù đang ở một nơi không thuận lợi, tức là ồn ào hay đông người v.v... nhưng vị đó đã thuần thục thì vẫn có khả năng để giữ chánh niệm được nếu muốn.  Do vậy theo chúng tôi thì một điều thích hợp quan trọng nhất để có chánh niệm chính là pháp thích hợp (Dhamma kappiya). Tức là đề mục thích hợp với cơ tánh của mình, chỉ có điều đó là quan trọng thôi còn ba điều kia tức là chỗ ở thích hợp, vật thực thích hợp và bạn lữ thích hợp đều là  những điều kiện có hoặc không có được những môi trường thích hợp đó thì cũng chẳng sao.  Có trường hợp ngoại lệ mà vị này có thể giữ được chánh niệm.  Chúng tôi hy vọng rằng khi trình bày vấn đề này ra qúi vị sẽ hiểu được điều chúng tôi muốn nói ở đây sẽ giúp cho chúng ta trong việc tu tập, chúng ta yên tâm là có những người Phật tử là những vị hành giả muốn tu tập thiền nhưng xét thấy rằng tại gia đình thì điều kiện chỗ ở không thích hợp hay thân cận trong gia đình không có sự thích hợp, hoặc trong đời sống hàng ngày phải thuộc vào vật thực người khác cho mình ăn uống gì đó, thì như vậy vật thực cũng không thích hợp làm sao mà thực tập thiền định được. Ở đây kính thưa qúi vị, chúng ta chỉ cần có được một ý chí có được một tâm nguyện được sự quyết tâm để tu tập, thì lúc ban đầu hơi khó nhưng sau dần dà thì chúng ta cũng chánh niệm được dễ thôi, chỉ có điều là chúng ta nên quan tâm tuyệt đối với những đề mục mà chúng ta chọn để tu tập, chúng ta phải chọn đề mục cho thích ứng với hoàn cảnh của mình thì như vậy việc chúng ta chánh niệm là chúng ta cần điều kiện tiên quyết đó thôi, còn ba điều kiện kia có cũng được không có cũng được, nếu có thì dễ phát sanh chánh niệm còn nếu không có thì chúng ta phải luyện tập thì nó hơi rắc rối một chút.  Đó là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi của TT Giác Đẳng

 

Ph ần Kết Luận
TT Giác Đẳng
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Ông bà của chúng ta ngày xưa có nói rằng “Vạn sự khởi đầu nan.”  Khó là ở bước đầu nhưng thường cái khó ở trong việc tu tập chánh niệm bước ban đầu không phải là tại vì nó quá khó, mà thường những khó khăn đó nó đến từ chính chúng ta, nó hơi lạ, nó hay đi ngược lại với thói quen của mình và đôi khi nó hơi nhàm chán, như vậy chúng ta không đủ sức thuyết phục chính mình bắt đầu và tiếp tục.  Tương tự như ai cũng biết rằng tập thể dục là tốt cho thân nhưng không có mấy ai siêng năng tập thể dục.  Thưa qúi vị một khi chúng ta đã có thể huân tập được khả năng chánh niệm ở mức độ nào đó rồi thì chúng ta sẽ thấy được rằng đó chính là nơi nương nhờ của mình, đó là nơi nương tựa của mình.  Chánh niệm cho phép chúng ta đứng vào vị trí tốt nhất để nhìn sự vật, để quan sát sự vật và để sống với tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời này.  Đức Phật Ngài dùng rất nhiều bài pháp và Ngài đã dùng rất nhiều cách khác nhau để khuyến khích những người tu tập tiếp tục hành trình ở trên con đường mà mình đi cho dù có những thất bại hay là trở ngại ban đầu.

Chúng tôi xin được nhắc lại một lần nữa đối với chánh niệm thật sự không có gì gọi là trở ngại, trong tầm nhìn của chánh niệm thì thuận hay nghịch, phiền não hay không phiền não, tâm cao qúy hay tâm thấp hèn, thân khoẻ hay không khỏe, tất cả đều là đối tượng của chánh niệm, và chánh niệm có thể nhìn mà không lấy đó làm điều kiện để nói rằng mình được như vậy thì mình không làm nữa, mình được như vậy thì đã mãn nguyện rồi hay mình không được như vậy thì mình không tiếp tục.  Ở trong thái độ chánh niệm không có thái độ đó, mà chánh niệm biết rằng cái gì xảy ra thì biết nó xảy ra, hể mình thấy mình biết là mình thấy, nghe mình biết là nghe.  Một khi chúng ta đã thật sự lãnh hội được  yếu lý này thì chúng ta sẽ mạnh dạn đi tới, không tự mình làm khó mình, không tự mình đặt ra quá nhiều điều kiện cho chính mình. 

Đôi khi thưa qúi vị chúng ta cũng nên khách quan để nhìn lại một điều là thường những khó khăn trở ngại nó do chính mình tạo nên, nó do chính mình vì áp lực hay đặt điều kiện với chính mình.  Một câu nói rất quen thuộc của cái học mà nhiều người đã được nghe "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông."  Khi mà chúng ta nói sông với núi trở ngại thì cái đó nó cũng có trở ngại, nhưng cái trở ngại lớn nhất của chúng ta là tại vì chúng ta ngại, cái ái ngại đó nó cũng được áp dụng trong trường hợp này.  Không phải vì con đường chánh niệm quá khó tu tập mà tại vì chúng ta tự đặt để cho mình quá nhiều điều kiện.  Cũng như có những người rất khó tính, họ tạo rất nhiều điều kiện, mà khi nào có đủ điều kiện đó họ mới có thể cười được, mới có thể hạnh phúc được, mới có thể an lạc được.  Chúng ta có thể hạnh phúc, nếu chúng ta khát nước người nào đó cho chúng ta một ly nước lạnh thôi cũng là hạnh phúc rồi, hay mình đi đâu có một người cho mình một cử chỉ thân thiện, một nụ cười thân thiện mình cũng cảm thấy an lạc được.  Tuy nhiên có những người tự đặt cho mình những cái rất là khó, mình phải có cái này mình mới được hạnh phúc, mình phải có cái kia mình mới được hạnh phúc, mình phải thành tựu cái nọ mới hạnh phúc là bởi vì chúng ta đặt để điều kiện quá nhiều, quá cao.  Do đó chúng ta khó có được hạnh phúc bởi vì chính mình tự nghiệt ngã lấy mình, tự khó khăn lấy chính mình.  Nên đối với các vị thiền sư bất cứ một thiền sinh nào ở trong thời kỳ đầu tiên đều phải trải qua khó khăn làm thế nào để thư thới nhẹ nhàng, và để thoải mái với chánh niệm thỏai mái với hơi thở, thoải mái với từng bước chân của mình, thoải mái đó nó đến từ sự tháo gỡ những điều kiện mà mình tự đặt cho chính mình.  Qúi Phật tử có biết rằng nhiều người không ngồi thiền được là tại vì họ không tìm được một cái toạ cụ như ý họ muốn, hay họ không ngồi thiền được là tại vì họ không thể có có được một thiền đường như họ mong mỏi.  Tất cả những điều đó nó chỉ là yếu tố phụ thôi, yếu tố chính của chúng ta là chúng ta phải chủ động.  Đối với chánh niệm trong pháp tu thiền quán hay thiền Tứ Niệm Xứ thì mọi vật dù có ra sao, có ở trong điều kiện nào cũng được, chúng ta sẽ duy trì gìn giữ chánh niệm của mình, chúng ta sẽ tiếp tục và tiếp tục trời nắng cũng vậy, trời mưa cũng vậy, trong người khoẻ mạnh, trong người khó chịu, vui buồn thuận nghịch mình có thể nhìn đối tượng ở bên ngoài.  Thí dụ cái thuận nó đến từ bên ngoài, cái nghịch đến từ bên ngoài và thuận nghịch đó cũng tạo ra phản ứng trong lòng, thì phản ứng trong lòng cũng nên được nhìn.  Ai đã trải qua thiền vị tu tập chánh niệm rồi sẽ tìm thấy sự vi diệu của pháp tu này, chỉ có những người thật sự hiểu được chánh niệm mới hiểu thế nào là một thái độ không phân biệt, không phân biệt ở đây không có nghĩa là sao cũng được, mà không phân biệt ở tại đây là cái gì cũng là nằm trong đối tượng của chánh niệm, cái gì cũng có thể quán sát bằng chánh niệm được hết và không lấy đó làm điều lớn chuyện, chuyện đó chỉ đơn thuần như vậy thôi./. 

 

 

 

 

 

 


| | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình b y nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |