dieuphap.com Trang Chính


Pháp Thoại

TT. Thích Giác Đẳng

Phật lịch 2544, Tl 2000


[01]
Giới thiệu - Bồ Đề Phần

Giảng ngày 14 tháng 05, 2007 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay lớp Thiền Học sẽ bắt đầu với một giáo trình mới và chúng tôi đặc biệt xử dụng hai phần hướng dẫn về thiền Minh Sát của Ngài Ledi Sayadaw và Ngài Sayagyi U Ba Khin, cả hai đều là người Miến Điện, nhưng một là vị xuất gia,  vị kia cư sĩ, để làm căn bản cho đề tài này.  Vì lý do đơn giản là để có thể giới thiệu thiền định của Phật giáo trong ý nghĩa rộng rãi nhất đã được Đức Phật giảng trong kinh điển, thì chúng ta phải nghiên về phía thiền Minh Sát hay là thiền Vipassana, và cả hai vị thiền sư này đều có những chú trọng rất lớn liên quan đến những căn bản được trích dẫn từ kinh điển, do vậy chúng tôi phối hợp cả hai để làm giáo trình cho đề tài làm cho môn học mà chúng ta gọi là lớp Thiền Học.

Mở đầu cho lớp Thiền Học trong phần một, chúng ta sẽ dành thì giờ để đào sâu về những pháp được gọi là Bodhipakkhika.  Bodhipakkhika  thường được chúng ta vừa âm vừa dịch là Bồ Đề Phần tức là những pháp là thành tố, là yếu tố của đạo lộ dẫn đến giác ngộ giải thoát và những pháp này được Đức Phật giảng dậy ở trong nhiều bài kinh khác nhau. Những pháp đó gồm có Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.  Ở đây phải nói thêm là đối với một hành giả thật sự ứng dụng sự tu tập, ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống của mình thì những pháp này rất khác biệt so với phương diện lý thuyết.  Ngài Ledi Sayadaw đã đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu chỉ đơn thuần về lý thuyết thì người ta sẽ không thể lột hết ý nghĩa của những pháp gọi là Bồ Đề Phần.  Chúng ta sẽ nhận thấy một điểm là những pháp này thường được lãnh hội bởi người Phật tử với một vài điều mà Ngài U Ba Khin gọi là cực đoan.  Cực đoan ở đây có nhiều cách, lấy thí dụ đối với đa số Phật tử nhất là những vị theo pháp học thì những Bồ Đề Phần này là những pháp rất cao, cao đến đỗi mà người bình thường vói không tới; như là Thất Giác Chi hay Bát Chánh Đạo chẳng hạn.  Đề cập đến Thất Giác Chi thì người ta có cảm tưởng như đó là những pháp đặc biệt dành cho Đức Phật, cho các đệ tử của Đức Phật thành tựu thánh quả và những pháp đó không thể áp dụng với đời sống của người bình thường được, ý tưởng đó biến những pháp Bồ Đề Phần trở thành những pháp để được sùng bái ngưỡng mộ, nhưng mà lại không áp dụng được, không ứng dụng được vào trong đời sống hàng ngày.

Một cực đoan khác cũng được Ngài U Ba Khin đề cập đến là những pháp trợ bồ đề hay là những pháp mà chúng ta gọi là bodhipakkhika - Bồ đề phần.  Nhiều lúc người ta chỉ lấy chi pháp, và chi pháp giống nhau thì cứ xem đó là một pháp, thí dụ như Tứ Chánh Cần được xem là cần với chi pháp là thuộc tánh cần, rồi Tấn Lực, Tấn Căn, Cần Như Ý Túc, Cần Giác Chi, rồi Chánh Tinh Tấn.  Người ta chỉ lấy ra một chi pháp mà cho rằng những thứ đó giống nhau, không cần phải đào sâu.  Ở trên thực tế thì chi pháp thì có giống nhưng những pháp bồ đề phần này, không thể lấy chi pháp mà hiểu được một cách đơn giản như vậy bởi vì vai trò của pháp đó nằm trong thể tài và nằm trong cách ứng dụng được đề cập đến trong bồ đề phần hoàn toàn có khác với những gì mà chúng ta chỉ phân tích trên phương diện chi pháp, chúng ta nói đến phương diện áp dụng vào trong đời sống.  Chúng ta lấy thí dụ là một người sống trong xã hội họ có thể đóng nhiều vai trò ở sở, ở trong gia đình, ở trong một tổ chức thiện nguyện, khi chúng ta nói về người đó thì chúng ta chỉ nói về một người, nhiều lúc một con người không đủ mà chúng ta phải đặt người đó ở trong bối cảnh nào làm công việc gì, thì chúng ta mới khả dĩ có thể có một nhận định tương đối là tinh xác người đó là ai.  Chữ cũng vậy, từ cũng vậy, cũng từ đó khi mà chúng ta nêu lên ý nghĩa thì phải nằm ở trong ngữ cảnh nào, nằm trong mạch văn nào đang được đề cập đến ra sao và do vậy theo Ngài U Ba Khin thì nó cũng là một cực đoan khi chúng ta chỉ lấy phần chi pháp mà chúng ta không nói đến thể tài của những pháp này.

Một điểm khác được xem như cực đoan đó là những pháp gọi là bồ đề phần thường được xem là quá nhiều, chứa đựng quá nhiều pháp môn và khi nó chứa đựng quá nhiều pháp môn thì người ta chỉ cần tu một ở trong những pháp môn này.  Thực tế thì không phải như vậy, những pháp bồ đề phần này đòi hỏi tính toàn diện ắt có và đủ, nghĩa là một hành giả tu tập không thể thiếu những pháp bồ đề phần này, ví dụ như trong bảy giác chi không thể thiếu một giác chi hay là chỉ tu tập một giác chi mà không tu tập sáu giác chi kia, tính toàn diện là tính rất quan trọng mà lát nữa chúng ta sẽ đề cập đến. 

Thưa qúi vị, để dễ hiểu hơn không có gì tốt hơn là chúng ta trực tiếp đi ngay vào một thể tài của pháp bồ đề phần, bởi vì như vậy chúng ta sẽ thấy được kinh nghiệm ứng dụng của pháp bồ đề phần này đối với một hành giả thực tập thiền quán ra sao. 

Ngày hôm nay chúng tôi phải làm một việc tương đối trái ngược so với mọi khi là thường thường chúng ta nói về sườn tổng quát trước rồi mới đi vào trong chi tiết, và thông thường thì chúng ta trong những lớp giới thiệu về giáo trình không đào sâu vào trong đề tài ngay, mà chúng ta giới thiệu về phương pháp giảng dậy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng rất cần thiết để lấy một bài giảng đầu tiên và sau đó thì chúng tôi sẽ nói về cách tổ chức của lớp học này, nói về phương pháp hướng dẫn này.  Bởi vì ở đây là một lớp thiền học được giảng trên paltalk, và chúng ta phải phối hợp phương tiện truyền thông của paltalk cùng với những gì tương tự được giảng dậy ở trong các trường thiền.  Sự kết hợp đó tạo ra nhiều thử thách không nhỏ cho người hướng dẫn, nhưng chúng tôi cố gắng để mang đến qúi vị một sự hướng dẫn mang tánh cách ứng dụng tức là áp dụng vào sự thực hành nhiều hơn là nặng phần lý thuyết. 

Thì thưa qúi vị, lẽ ra khi chúng ta đề cập đến những pháp gọi là Bodhipakkhika tức là bồ đề phần thì chúng ta phải nói rằng ở trong đề tài này tổng cộng có tất cả là 7 pháp và những pháp này có những chi pháp riêng biệt như Bát Chánh Đạo thì có 8 chi, Thất Giác Chi có 7 chi, Ngũ Lực có 5 chi, Ngũ Căn có 5 chi, Tứ Như Ý Túc có 4 chi, Tứ Chánh Cần có 4 chi, và Tứ Niệm Xứ có 4 chi, chúng ta nói ngược như vậy, chúng ta phải bắt đầu từ Tứ Niệm Xứ trước.  Chữ pháp và chi pháp ở đây rất quan trọng, nhưng trong cách nói thường của chúng ta thường nói pháp Bồ Đề Phần có 37 pháp như Tứ Niệm Xứ thì có 4 pháp, Tứ Chánh Cần có 4 pháp v.v.... Chúng tôi tạm dùng chữ này lát nữa qúi Phật tử sẽ thấy tại sao những chữ này nó có tầm quan trọng khi chúng ta đề cập đến pháp và chi pháp. 

Ngày hôm nay chúng ta nói về bốn niệm xứ ở trong pháp mà chúng ta gọi là bồ đề phần, một vài vị giảng sư có mặt trong rơom sẽ cảm thấy khó chịu khi nói rằng tại sao chúng ta phải đặt bốn niệm xứ ở trong pháp Bồ Đề Phần.  Bốn niệm xứ đó có khác với cách chúng ta trình bày trong kinh Tứ Niệm Xứ hay không? Bốn niệm xứ đó có khác bốn niệm xứ chúng ta thường giảng dậy hay không? xin thưa ở đây rất khác biệt.  Nói như vậy một số qúi vị ngạc nhiên tại sao cũng bốn niệm xứ mà nó lại khác như vậy? 

Bốn niệm xứ ở trong Bồ Đề Phần thuộc về pháp hành, nói một cách rõ hơn là thuộc về sự ứng dụng, và bốn niệm xứ này đòi hỏi áp dụng với bốn yếu tính của Bồ Đề Phần.  Bốn yếu tính đó Ngài Ledi Sayadaw gọi là: Tính toàn diện, tính đối tác, tính ứng dụng và tính bất di hại. 

Thế nào là tính toàn diện? Tính toàn diện ở đây có nghĩa là bốn niệm xứ đều phải được hành giả tu tập đầy đủ, không thể nói rằng mình chỉ chuộng áp dụng về thân quán niệm xứ hay thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, pháp quán niệm xứ, lấy một pháp ra mà áp dụng, và phải áp dụng đủ cả bốn pháp.  Đối với một số hành giả mới nghe như vậy nghĩ rằng đó là một điều cực khó, bởi vì chỉ ngồi xuống để mà niệm hơn thở đã là khó rồi lấy gì mà bảo niệm cho đến cả bốn niệm xứ.  Chúng ta hãy nói như vầy, con người theo trong đạo Phật là gồm có những phần mà chúng ta gọi là thành tố, gọi là 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và bốn niệm xứ này làm cho chúng ta thấy rõ 5 uẩn, thấy rõ thân tâm, thấy rõ danh sắc, và như vậy đó là tính toàn diện mà chúng ta phải có.  Một hành giả hành Tứ Niệm Xứ phải có khả năng an lập chánh niệm ở trên thân, phải có khả năng chánh niệm đối với thọ, phải có khả năng chánh niệm đối với tâm, và phải có khả năng chánh niệm đối với pháp.  Lấy thí dụ là trong 5 phút thiền tập, hơi thở ra vào, hơi thở ra biết hơi thở ra, hơi thở vào biết hơi thở vào, điều đó được hiểu là thuộc về thân quán niệm xứ.  Nhưng đối với những cảm giác tê, nhức, dễ chịu, khó chịu, thư thới, phải có khả năng để chánh niệm đối với những điều đó, phải biết cách để ghi nhận những điều đó gọi là thọ quán niệm xứ, những khuynh hướng của tâm như tâm thiện, tâm bất thiện, tâm cao qúi hay tâm thấp hèn, những khuynh hướng đó phải được ghi nhận, đó gọi là tâm quán niệm xứ, và hành giả phải có khả năng nhìn các pháp xảy ra tương ứng với những thể tài như 5 triền cái, Thất giác chi, Tứ diệu đế.  Ví dụ như hành giả thấy rằng cái ước muốn của mình là cái nhân sanh khổ, đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa tới sự diệt khổ.  Thấy 4 đế như vậy, ở trên sự hiện hữu của thân và tâm thì chúng ta gọi là pháp quán niệm xứ, cả bốn điều này đều phải được làm quen, đều phải được thực hành, đều phải được ứng dụng bởi một hành giả tu tập, có khi chúng ta không có khả năng làm được, có khi hành giả rất chậm ở trong điểm này.  Nhưng không thể thiếu, tại vì thiếu những pháp này chúng ta không nhìn thấy rõ 5 uẩn, chúng ta không nhìn thấy rõ danh sắc. 

Vì vậy Ngài Ledi Sayadaw nói rằng 4 yếu tính của Bồ Đề Phần, thứ nhất là tính toàn diện, tính toàn diện được thí dụ như là một vị tướng giữ thành không thể nói rằng mình dồn hết quân lính để giữ cửa thành phía đông hay phía nam, hay phía tây, hay phía bắc mà phải giữ toàn bộ 4 cửa thành.  Một vị tướng giữ thành phải có khả năng hiểu về lương thực, về thời tiết, về chiến thuật, chiến lược, thiếu tính toàn diện nó sẽ để ra những chỗ hở, để khoảng trống.  Giống như người ta nói đánh võ, khi một người đánh võ phải biết công, biết thủ, và trong thế thủ phải biết che những khoảng trống lại, thì tương tựa như vậy, tính toàn diện trong Bồ Đề Phần bắt buộc những pháp này phải đầy đủ chứ không phải nói rằng mình hành Tứ Niệm Xứ mình chỉ hành về thân, hành Tứ Niệm Xứ chỉ hành về thọ, hành Tứ Niệm Xứ chỉ hành về tâm.  Đối với một số hành giả và đối với một số người thì quan niệm rằng chỉ cần hành đơn giản là thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tùy theo căn cơ của mình, đó là lý thuyết thôi, ở trên thực hành thì phải có đủ.  Đối với tứ như ý túc cũng vậy, đối với tứ chánh cần cũng vậy, đối với ngũ căn cũng vậy, đối với ngũ lực cũng vậy, đối với Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo cũng vậy, không thể thiếu được ở trong những pháp đó, chúng ta gọi là tính toàn diện và điều này rất là cần thiết.

Trở lại với 4 niệm xứ khi một hành giả tu tập chánh niệm, chánh niệm là khả năng ghi nhận, khả năng quan sát, khả năng tỉnh táo, tỉnh táo để ghi nhận và quan sát với cái gì đang xảy ra, thì thưa qúi vị, có những thứ rất rõ ràng đối với mình, có những thứ không rõ ràng.  Rõ ràng, ví dụ như Ngài Mahashi thường nói rằng, nếu chúng ta không thấy được mình thở ra thở vào thì để tay trên bụng sẽ thấy rằng có phồng có xẹp, đó là biểu tướng của hơi thở ra thở vào.  Nhưng như vậy qua lời dậy đó cho chúng ta thấy rằng có những thứ không rõ ràng với chúng ta, cảm thọ chẳng hạn, nhưng hành giả không thể không biết về cảm thọ của mình, làm sao để ghi nhận mặt mũi của thọ khổ, thọ lạc, thọ ưu, thọ hỷ và thọ xả.  Trong trường hợp thọ xả là cái gì cực kỳ khó khăn, hành giả phải có khả năng ghi nhận thọ xả, không thể nói rằng mình tu Tứ Niệm Xứ mà không có khả năng để ghi nhận cảm thọ, và nói rằng mình tu về thọ quán niệm xứ mà không có khả năng để ghi nhận thọ xả, và thọ xả là cái gì không phải dễ dàng để ghi nhận, nhưng chúng ta phải biết nó tương tự như vầy, thưa qúi vị, qúi vị nấu ăn tuy rằng một tô gọi là canh chua, nhưng nó không phải chỉ có vị chua không, ở trong đó nó còn có vị cay, vị ngọt, có vị này vị kia, nhưng vị chua là vị chánh nên ta nói là canh chua, và khi một người nấu ăn thì họ phải biết nhiều thứ gia vị chứ họ không thể nào chỉ có một vị chua là thành nồi canh chua được.  Có hàng trăm thí dụ trong đời sống của chúng ta và bắt buộc chúng ta phải áp dụng yếu tính gọi là yếu tính toàn diện.  Yếu tính toàn diện là có cái này có cái kia, dĩ nhiên có cái là sở trường của mình, có những cái là sở đoản, nhưng riêng trong pháp Bồ Đề Phần nó phải có toàn bộ đầy đủ thiếu sự toàn bộ đó thì nó có vấn đề.

Bây giờ chúng ta nói sang một cái yếu tính khác đặc biệt quan trọng trong pháp Bồ Đề Phần mà hiện tại chúng ta đang nói 4 niệm xứ là một thí dụ đó là tính đối tác.  Tính đối tác là cái vai trò của chi đó ở trong pháp đó, hồi nãy chúng tôi có nói mặc dầu Tứ Chánh Cần, mặc dầu Tấn Căn, mặc dầu Tấn Lực, mặc dầu Cần Giác Chi, và Chánh Tinh Tấn đều cùng một chi pháp, đó là thuộc tánh cần nói theo A Tỳ Đàm, tuy vậy những điều này khi áp dụng nó không giống nhau, hoàn toàn không giống nhau, bởi vì sự cố gắng trong Tứ Chánh Cần hay sự cố gắng trong Ngũ Căn, Ngũ Lực nó phải mang tánh đối tác với những pháp liên hệ, vai trò của Cần Giác Chi chẳng hạn nó phải liên hệ đến Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, rồi Hỷ Giác Chi, Tịnh Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi, chứ không thể đơn thuần đó là sự cố gắng là đủ, và ở trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Tinh Tấn nó lại mang tánh đối tác với những pháp khác và chúng ta gọi là Bát Chi Đạo, tính đối tác này nó tương tự như vậy, cũng thời anh A, nhưng anh A là một người đàn ông trong gia đình, là một người chồng, thì khi nói đến vai trò của người chồng thì nó phải có tính đối tác với người vợ, thì khi nói là một giám đốc trong một công sở thì nó phải mang tính đối tác với những người đồng nhiệm, những người đồng sở, những người đồng nghiệp của mình.  Cũng vậy tính đối tác đó cho chúng ta biết về khả năng hoạt động và đây là một điểm cực kỳ tế nhị, như chúng ta nói về niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp, thì đối với nhiều người niệm chỉ là niệm thôi, thật ra bốn pháp niệm này cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về sự vận hành, sự luân lưu hay là giòng lưu lộ của danh của sắc của thân của tâm hay của 5 uẩn.  Một hành giả nếu quên đi yếu tính đối tác mà áp dụng chỉ một thứ,  sự thật trên phưong diện lý thuyết có nhiều người nói rằng mình không cần những pháp khác và mình chỉ cần niệm hơi thở không là đủ, hay là căn cơ mình như vậy mình chỉ niệm tâm là đủ hay niệm pháp là đủ.  Nhưng chánh niệm không tồn tại như vậy, một người nào đã đi qua các khoá thiền, một vị nào đã áp dụng sự hành thiền thì hiểu rất rõ rằng mình phải có khả năng để thật sự ghi nhận cả hai thân và tâm của mình, bởi vì có nhiều khi có những chủ đề rất lớn nhưng rồi do cách giải thích người ta xem nó là một chủ đề có tánh cách cá biệt. 

Chúng tôi lấy một ví dụ là có một thiền sư dậy Tứ Niệm Xứ rất nổi tiếng tại Thái Lan là một nữ cư sĩ là Ajahn Net bà bị giải thích bởi nhiều thiền sinh là Ajahn Net chỉ chú trọng về niệm như thế nào để thấy rõ danh sắc. Cách nói của những người thiền sinh đó nó làm cho người ta nghe có cảm tưởng như là Ajahn Net với cách hướng dẫn rất nghèo nàn rất là cục bộ.  Ở trên thực tế thì thưa qúi vị, nó không khác biệt gì đối với những vị thiền sư khác như là Ngài Mahashi, như Ngài Ledi Sayadaw, hay Ngài U Ba Khin mà chúng tôi xử dụng làm tư liệu giảng dậy tại đây.  Bởi vì sao vậy? Bởi vì làm thế nào để thấy rõ danh sắc.  Danh thuộc về tâm, danh tức là tâm, và sắc tức là thân để thấy rõ sự hiện hữu, sự vận hành của thân và tâm thì có nghĩa là bốn niệm xứ đều được áp dụng, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.  Đó là một đề tài lớn chứ không phải là đề tài nhỏ hay là mang tánh cách cục bộ, nhiều thiền sinh học chỉ cố gắng giải thích một cách đơn giản là ví dụ khi mình đi mà mình muốn dừng lại thì mình ghi nhận cái tác ý, tâm muốn dừng lại đó là danh và thân dừng lại đó là sắc v.v... thì người ta nói như vậy để phân biệt hành thiền do Ajahn Net là thấy rõ danh và sắc.  Qúi vị cần phải lưu ý rằng những cách giảng như vậy đôi lúc là cách giải thích rất nghèo nàn về cách hướng dẫn của những thiền sư.  Thật ra thì thấy được danh sắc là một đề tài lớn chứ không phải là một đề tài nhỏ, như hôm nay khi chúng tôi nói đến tính toàn diện và tính đối tác ở trong Tứ Niệm Xứ, qúi vị nghe như một đòi hỏi quá cao là mình niệm thân không đủ thì tại sao bắt mình phải niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.  Nhưng thưa qúi vị, khi một hành giả chỉ sống với thân và không sống với tâm thì đó là chuyện chỉ nói về lý thuyết thôi, người đó chưa hiểu sự  thực hành.

Do vậy chúng ta nói đến yếu tố tính thứ ba mà Ngài Ledi Sayadaw là yếu tính của sự ứng dụng. Yếu tính của sự ứng dụng là khi chúng ta ngồi xuống trên tọa cụ của mình để ngồi thiền thì mặc dầu đối tượng chính mà chúng ta hướng vào là hơi thở, tuy nhiên cảm thọ đến, cảm thọ đi, có những cái vui có những cái buồn, có những cái êm ái, có những khúc niệm, có những nhức nhối, cái đó thuộc về thọ và thọ đó phải được hành giả - nói theo danh từ bây giờ gọi là xử lý - phải được hành giả ghi nhận và có một thái độ thích hợp, chớ không thể nói rằng mình chỉ tập trung vào hơi thở, còn những cảm thọ mình không để ý.  Đôi khi thưa qúi vị hơi thở đó, cảm thọ đó, nhưng nội tâm của chúng ta nó lại là một chi phối khác, nội tâm đó đang muốn cái gì đó, nội tâm đó đang rơi vào trong tình trạng gì đó thì nội tâm đó phải được thấy, phải được biết bởi hành giả, và hành giả phải có cách để ghi nhận nó, chúng ta gọi là tâm quán niệm xứ và đồng thời hành giả phải có khả năng để thấy được cái liên hệ của các pháp. 

Ví dụ như vầy; chúng ta nói về 5 pháp ngăn ngại hay là 5 pháp triền cái, có khi hành giả thấy rằng đây là tham, tham thuộc về tâm, nhưng có khi hành giả phải hiểu rằng đây là một sự ngăn ngại, tham là một sự ngăn ngại, chúng ta gọi là tham triền cái như gọi là pháp quán niệm xứ, thì tính ứng dụng là khả năng làm sao để thấy rằng những pháp Bồ Đề Phần là pháp cần được áp dụng trong sự tu tập chứ nó không phải là lý thuyết, kể cả Ngũ Căn, kể cả Ngũ Lực, kể cả Tứ Thần Túc, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, không có cái nào mà được nói tới tại đây mà nó chỉ mang tánh cách lý thuyết khác và điều này Ngài  U Ba Khin cho rằng có rất nhiều hành giả vì nặng về pháp học xem những thứ này chỉ là lý thuyết mà không có áp dụng, đó là một cực đoan.  Thành ra khi đề cập đến bodhipakkhika hay là Bồ Đề Phần, tất cả những pháp này đều phải được áp dụng, áp dụng trong đời sống của mình. 

Chúng tôi thường lấy ví dụ về  hai điều mà ngày nay chúng ta hay làm quen đó là khoa học và kỹ thuật.  Khoa học cho chúng ta sự hiểu biết về lý thuyết, về nguyên lý căn bản, nhưng kỹ thuật chúng ta có khả năng để áp dụng.  Ví dụ như chúng ta nói về Viba thì trên phương diện khoa học hầu như quốc gia nào cũng có những trường đại học, cũng có những cơ quan kỹ thuật và những nhân viên ở đó đều nắm lý  thuyết về  Viba rõ ràng, nhưng làm sao biến những Viba đó trở thành những máy móc được dùng trong đời sống hàng ngày chúng ta gọi là kỹ thuật, gọi là technology.  Science và technology - khoa học và kỹ thuật có khác nhau, và khi đó nói đến technology là chúng ta nói đến khả năng ứng dụng.  Thì tương tự như vậy Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo ở  đây không có một pháp nào mang tính thuần lý thuyết, mặc dù lý thuyết được giảng giải nhưng đối với một vị hành giả thì những điều này hoàn toàn là những pháp để thực hành, để ứng dụng hết, đó là yếu tính thứ ba mà khi chúng ta nói đến pháp Bồ Đề Phần.

Yếu tính thứ tư được nói đến tại đây là yếu tính bất di hại.  Bất di hại là cái gì đó mình áp dụng nó chỉ tạo cho mình sự tiến bộ mà nó không có cái hại về sau này, chúng tôi lấy ví dụ là tại sao có những pháp xem ra rất tâm đắc với nhiều người mà đối với một hành giả thì nó lại có hại.  Chúng tôi thưa một ví dụ mong rằng qúi Phật tử cảm thông và hiểu đây không phải là một lời chỉ trích, nhưng chúng tôi nói lên để biết là tại sao chúng tôi không chỉ  trích qúi vị  ở  đây,  nhưng chỉ dẫn chứng như là một ví dụ thôi, là một người rất thích tụng kinh, lúc nào mà nghe lời chuông tiếng mõ thì cảm thấy có cảm giác lâng lâng, cảm giác rất thân quen và điều đó như là một điều không thể thiếu trong đời sống.  Đối với một người bình thường không tu tập thiền định thì việc đó tốt không sao hết, có người thích cờ bạc, có người thích rượu chè, có người thích cái này cái kia, có người chỉ thích lời kinh tiếng kệ, âm thanh chuông mõ thôi chứ không có chuyện gì hại, nhưng nếu đi sâu vào lãnh vực của tu tập thiền định thì những tùy thuộc đó mang tính gọi là di hại.  Di hại là thiếu nó không được, và khi thiếu nó không được thì thưa qúi vị nó sẽ tạo ra cái khổ, nó tạo cho chúng ta một thái độ từ chối cái gì không quen với mình, cái gì không thích với mình thì không được, thì như vậy chúng ta không đi tới được. 

Chữ di hại ở đây nó có một ý nghĩa rất tế nhị là làm sao những điều này, những điều gì mà chúng ta đang tu tập nó góp phần vào việc lót đường, nó trở thành một giai đoạn của một hành trình chứ nó không phải là một ngăn ngại, một trở ngại của một hành trình, hai điều này khác nhau, khác nhau rất nhiều.  Qúy vị có thấy rằng có những điều mà chúng ta làm, những điều mà chúng ta có nó góp phần vào sự đi tới của đời sống, nhưng có những thứ chúng ta có được nó trở thành một ngăn ngại, trở thành một gánh nặng về lâu về dài, thì ở đây người ta dùng chữ gọi là bất di hại.  Bất di hại là không để lại những ảnh hưởng tác hại về sau này giống như một ví dụ là mình uống thuốc thì có nhiều khi có những thuốc rất công hiệu rất tốt, nhưng nếu không khéo sử dụng thì lâu ngày nó sẽ lờn thuốc và lâu ngày sẽ tạo ra những biến chứng và như vậy tốt hơn là đừng dùng thuốc đó.  Chúng tôi biết rằng nhiều người Việt Nam mỗi lần bị cảm muốn bác sĩ chích thuốc rất mạnh để mau hết bịnh, nhưng với quan niệm của nhiều bác sĩ nhất là tại Hoa kỳ họ nói rằng lên để tự nhiên, có thể mất thời gian lâu hơn, nhưng nên làm thế nào để nghỉ ngơi, để ăn soup, để có vitamin C, làm thế nào để cơ thể có khả năng tự nó chống lại bịnh hơn là chích thuốc quá nặng vào, tại vì cách chữa trị chích một liều thuốc rất nặng đó đôi khi về lâu về dài nó không tốt cho cơ thể, cơ thể sẽ lờn đi với thuốc, sẽ quen với thuốc, và một lúc nào đó thuốc không còn công hiệu.  Tính yếu bất di hại rất là cần thiết.  Do vậy thỉnh thoảng chúng tôi thấy có những người Phật tử đặc biệt rất sùng bái một phép màu, một sự linh thiêng, hay sùng bái một vị Thầy nào đó, hay sùng bái một cái gì đó riêng của mình, nhưng vị đó quên đi con đường tu tập, con đường tu tập là có khả năng đi tới chứ không phải là dậm chân.  Thông thường Bản năng chung của chúng ta là thích sống trong những tháp ngà, sống trong một thế giới bình yên, sống trong cái gì rất êm ái của mình.  À! cái đó là cái mà mình thích, mình sẽ an trú tại đó.  Nhưng có một điều rất quan trọng là tiếp tục lên đường, tiếp tục lên đường cho đến khi nào một vị đạt được cảnh giới gọi là tâm giải thoát, và tuệ giải thoát thì vị đó hiểu được cái gì cần làm đã làm thì không còn gì phải làm nữa, thì thưa qúi vị , việc đó là việc chúng ta nói ở đây cái khả năng bất di hại, tức là cái yếu tính làm thế nào cho chúng ta tiếp tục đi tới.
 
Khi nói về bốn yếu tính này, yếu tính toàn diện, yếu tính đối tác, yếu tính ứng dụng và yếu tính bất di hại ở trong pháp Bồ Đề Phần, chúng ta trở lại với đề tài bốn niệm xứ thì qúi vị sẽ thấy rất rõ là khả năng để ghi nhận những hiện tượng của thân của thọ, của tâm, của pháp không thể thiếu ở hành giả bởi vì nó đòi tính toàn diện, nó mang tánh đối tác là bởi vì ở đây là khả năng ghi nhận đối với 5 uẩn, đối với danh sắc, hễ mình có khả năng ghi nhận đối với thân được thì phải có khả năng ghi nhận đối với thọ được, hễ ghi nhận với thọ được thì phải có khả năng ghi nhận với tâm được chứ không thể nói rằng mình chỉ có cái này mà không cần có cái kia.  Yếu tính ứng dụng ở đây rất quan trọng, những điều đó là những điều phải được hành giả học cách để mà áp dụng.  Tại sao mình không ghi nhận được cảm thọ của mình, tại sao mình không ghi nhận được trạng thái tâm của mình và mình phải có khả năng thấy nó.

Có một lần chúng tôi ngồi kế bên Ngài Ajahn Mahabuva, có một người nói với Ngài rằng “Thưa Ngài con không thể ngồi thiền được vì  tâm của con sao lúc nào cũng suy nghĩ chuyện này chuyện kia hết" thì Ngài nói rằng: “cái đó không phải là ngồi thiền không được mà tại vì mình chỉ muốn niệm một cái mình thích thôi.”  Thật ra ngay cả cái tâm muốn, cái tâm phóng túng, sự phóng tâm đó cũng là một đối tượng cần được ghi nhận, thành ra đối với một hành giả thì dù là hơi thở, dù là tâm phóng dật hoặc giả là một trạng thái tinh tấn hay trạng thái lười biếng, tất cả đều trở thành đối tượng để ghi nhận, chỉ có khả năng ứng dụng mới cho chúng ta thấy kinh nghiệm đặc biệt đó.  Chúng ta nhớ tính bất di hại đó rất quan trọng, tính bất di hại nó cho phép chúng ta tiếp tục lên đường mà không bị kẹt lại, không bị giam lại, không tự mình quản thúc mình ở trong một giai đoạn hay là trong pháp nào đó, mà cho phép chúng ta tiếp tục lên đường.  Ngài Ledi Sayadaw đưa ra một thí dụ:  Bà mẹ thương con thì thương cách nào mà dậy con cho nó lớn lên, cho nó có khả năng để rời khỏi vòng tay của mình để đi vào cuộc đời, chứ không phải là một bà mẹ nuôi con để tìm hàng rào, rào đứa con lại mà khiến đứa con đó vĩnh viễn sống lẩn quẩn bên mình. Hai thái độ đó khác nhau xa lắm, cũng đóng góp cho phép mình được trưởng thành, được lớn lên tiếp tục chứ không phải là đi tìm một cái gì đó rồi đóng đinh chặc với thứ đó, và nếu chúng ta cứ nắm chặc một thứ thì thật sự tự biến mình trở thành một nạn nhân như Đức Phật Ngài nói rằng: Có những người đi tìm lõi cây mà chỉ thấy hoa lá cành hay là vỏ cây lá cây rồi nghĩ đó là lõi cây, chỉ lấy những thứ đó mang về.

Thưa qúi vị, trong lớp thiền học này phần đầu chúng tôi sẽ đi vào chi tiết của những pháp bồ đề phần, đối với hành giả tu tập mở đầu là Tứ Niệm Xứ, tiếp theo là Tứ Chánh Cần rồi Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.  Ngài Thanissaro có dùng chữ gọi là "đó là những cánh của con đại bàng" có 37 cánh như vậy (dĩ nhiên là không có con đại bàng nào có 37 cánh)  Nhưng họ gọi là đó là những cánh rất quan trọng giúp cho hành giả được bay bổng và bay đến một phương trời mới rất cần để hành giả hiểu được những đề pháp và những chi pháp của Bồ Đề Phần. 

Chúng tôi sẽ làm một việc trong chương trình giảng giải này là thưa qúi vị bắt đầu từ tuần tới trở đi thì mỗi một bài giảng như vậy chúng tôi sẽ nhờ người phụ tá giúp để đưa lên những minh hoạ (một loại minh hoạ bằng chữ) tương tựa như bên tiếng Anh người ta chiếu slide, trong lớp học thí dụ khi giảng dậy cái gì thì chúng ta xử dụng 10 slide hay 20 slide, thì nãy giờ nếu chúng tôi đang giảng dậy với qúy vị mà người phụ tá biết được là chúng tôi đang nói về 7 thể tài của Bồ Đề Phần thì vị đó post lên qúi vị sẽ ghi nhận được.  Cái khó của chúng tôi tại đây là làm thế nào mà qúi vị có thể vừa lắng nghe và vừa có thể ghi nhận những gì cần thiết mà không bị chi phối.  Trong lớp như lớp thiền học nếu chúng tôi dành thì giờ để đào sâu quá nhiều vào chuyện đưa lên trên màn ảnh những cái qúi vị cần phải để ý thì nhiều lúc nó chi phối qúi vị.  Lớp này không giống như những lớp học khác do vậy chúng tôi sẽ không cho post bài nhiều mà chúng tôi sẽ làm rất là cô đọng. 

Nó giống như ngày xưa chúng tôi từng ở với Ngài Hoà Thượng Bổn Sư tức là Ngài Tịnh Sự, Ngài có một điều đặc biệt đó là Ngài hay dùng một hình thức kinh điển mà không có bất cứ  một vị Thầy nào chúng tôi được biết là áp dụng nguyên thức như vậy hết, Ngài gọi là kinh thẻ cho đến khi chúng tôi sang Hoa Kỳ thì chúng tôi mới thấy người ta làm tương tự như vậy, có nghĩa là những pháp được giảng dậy được viết một cách rất cô đọng và in trong những tấm thẻ nhỏ như là qúi vị đến thư viện có cuốn catalogue. Ví dụ như Ngài nói về Bát Chánh Đạo thì Ngài cho vào một thẻ có hai mặt, thì ở đây chúng tôi cũng làm giống như kinh thẻ nghĩa là những pháp được viết rất cô đọng được post lên trên màn ảnh cho những vị cần, tại vì có đôi khi, ví dụ như chúng tôi nói ngày hôm nay mình sẽ nói về cái gì đó thì chúng tôi sẽ có những thẻ nói về bốn điểm mà chúng tôi nói đến thì như vậy qúi vị sẽ không cảm thấy bị đi quá xa đề tài, thì thật ra nhiều vị xem chuyện kinh thẻ là cái gì rất là cổ lỗ sĩ.  Nhưng thưa quí vị cũng lạ lắm, hồi nhỏ chúng tôi rất thích kinh thẻ,  lúc chúng tôi học ở Vạn Hạnh thì chúng tôi cũng dùng những thẻ để học văn phạm và khi chúng tôi ra nước ngoài thì thấy bên đây người ta áp dụng thẻ nhỏ rất nhiều, và đôi khi chúng tôi cũng nói đùa với một vài vị tăng ni Phật tử quen là "không biết ai nói Ngài Tịnh Sự là cổ lỗ sĩ chứ thật sự chúng tôi thấy Ngài có phương pháp giảng dậy rất là hiện đại, đi trước rất nhiều người và rất lợi ích”  chúng tôi thấy ngày nay Mỹ cũng dùng kinh thẻ như vậy, thì nếu một buổi giảng như vậy có một số cái slide giống như kinh thẻ sẽ được post lên màn ảnh, chúng tôi sẽ không post nguyên bài tại vì trong lớp thiền học mà đọc nhiều quá sẽ bị chi phối.  Chúng tôi cũng sẽ nhờ một vài Phật tử để làm công việc gọi là biên tập, tức là vào trong rơom nghe ghi nhận rồi chép lại để tuần tới khi qúi vị có thể đọc lại khi vào lớp thiền học, quí vị sẽ có bài giảng tuần rồi được post lên thì như vậy qúi vị có thể vừa xem bài mới với những dàn bài và đọc lại những bài giảng cũ do chúng tôi giảng rồi được transcript tức là được sao chép lại.  Thì thưa qúi vị chúng tôi có nhờ một số qúi Phật tử giúp cho chúng tôi, đặc biệt là trước nhất chúng tôi có nhờ sư cô Như Tâm phụ tá cho chúng tôi trong công việc post bài và hiện tại thì có cô Minh Hạnh cũng tình nguyện vào làm công việc biên tập tức là ghi chép lại những gì được giảng dậy, thì chúng tôi hy vọng rằng bằng với kinh nghiệm mà cô thường làm cô có thể giúp được công việc chép lại những bài này và gửi đến cho tất cả qúi vị hàng tuần.  Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng làm một việc đó là một tuần như vậy thưa qúi vị chúng tôi muốn có khoảng chừng ba hoặc hai câu Phật ngôn được trích thẳng từ trong kinh tạng, bởi vì kinh nghiệm của chúng tôi thấy rằng  những vị thiền sư Miến Điện, ở đây hai vị thiền sư mà chúng tôi đề cập đến là Ngài Ledi Sayadaw và Ngài U Ba Khin đều là những vị có những cơ sở rất là kiên cố ở trên pháp học, nghĩa là những gì các Ngài trình bày thường được trích dẫn từ trong tam tạng.  Nói như vậy qúi vị tha lỗi là không phải chúng tôi nói rằng những vị thiền sư như ở Thái Lan không có căn bản về pháp học, không phải vậy, thật ra bản thân của chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều vào phưong pháp thực tập của Ngài Ajahn Cha, chúng tôi luôn luôn xem Ngài là bậc Thầy lớn ở trong cuộc đời.  Nhưng chúng tôi phải nói một điều rằng những vị thiền sư Miến Điện đặc biệt các Ngài rất cẩn trọng trong sự giảng dậy ngoài kinh nghiệm cá nhân thì các Ngài trích dẫn rất nhiều những Phật ngôn được tìm thấy trong chánh tạng, thỉnh thoảng các Ngài trích dẫn một số trong sớ giải, nhưng đa số là trong kinh tạng và chúng tôi rất tôn trọng điều đó vì ngày hôm nay chúng ta thường có một cách giảng dậy gọi là tùy tiện. Tùy tiện tức là mình thích cái gì thì mình nói như vậy và lâu ngày nó trở thành một cái gì mà tam sao thất bổn.  Do vậy một trong những bổn phận của chúng ta là chúng ta phải trở về lại với truyền thống là những gì được trình bày giảng giải phải y cứ trên pháp và luật với tánh khác là việc đó là phải y cứ trên Tam Tạng kinh điển, cái chủng mực như vậy nó giúp cho chúng ta không đi quá xa ở trong sự suy diễn của mình. 

Và thưa qúi vị chúng tôi cũng phải nói thêm một điều rằng Ngài U Ba Khin, một vị thiền sư cư sĩ có một truyền nhân đó là Ngài Sri S. N. Goenkaji.  Hiện tại Ngài Sri S. N. Goenkaji thiết lập rất nhiều trung tâm thiền định, không hẳn là những gì mà chúng tôi nói thì ứng dụng là hoàn toàn theo Ngài Goenkaji của một cư sĩ khác, nhưng chúng tôi thấy rằng ở tại đó có rất nhiều cái sự ứng dụng mà chúng tôi tin rằng rất lợi lạc cho qúi vị cư sĩ Phật tử, tại vì bản thân của Ngài Goenkaji là một cư sĩ sống đời sống gia đình và bản thân cũng lo nhiều công việc nhưng lại có những ứng dụng rất trực tiếp pháp Tứ Niệm Xứ chứ nó không đưa chúng ta vào cảnh giới hoàn toàn khác biệt, chúng tôi nghĩ cái đó nó có lợi cho qúi Phật tử trong rơom vì đa số là các vị cư sĩ .

 Phần đầu của lớp thiền học này có lẽ mất khoản chừng 6 tháng tức khoản 26 bài giảng đầu thì chúng ta sẽ tập trú vào pháp Bồ Đề Phần rồi sau đó thì chúng ta sẽ đi qua một phần khác, chúng tôi không muốn nói nhiều, tại vì có thể làm cho qúi Phật tử cảm thấy rất khó nhớ nên chi hôm nay trong phần này thì chúng tôi đặc biệt chỉ tập trú vào phần đầu của lớp thiền học này.  Như chúng tôi đã đề cập đến đó là  hơi khó khăn một chút, nó là một vấn đề tế nhị để làm sao những lớp này không nặng dài dòng về lý thuyết.  Nói nhiều thì chúng ta rơi vào lý thuyết, nhưng không nói thì vấn đề nó không rõ ràng, chúng ta tìm một cách quân bình để trả lý thuyết về lại với lợi lạc áp dụng trong đời sống hàng ngày, điều đó đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng của bản thân chúng tôi là người hướng dẫn và của tất cả qúi vị ./.

 

Xem tiep phan thao luan  

 

 

 

 

 


| | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình b y nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |