dieuphap.com Trang Chính |
Bưuduc.com Trang Chính |
[12] Giảng ngày 23 tháng 11, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Thưa qúi vị bài học ngày hôm nay như TT Tuệ Siêu vừa nói là phần thứ hai của thiền vô sắc tức là bốn đề mục vô sắc. Trước khi đi vào phần này chúng tôi muốn có một điều để nói trước cùng qúi Phật tử là ở trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta nhìn một sự vật hay có cảm giác có ý tưởng về sự vật gì thì chúng ta nhìn từ một góc cạnh nào đó nhất định. Ví dụ như chúng tôi là nhà Sư sống trong chùa, khi nhìn mọi sự việc xảy ra thì chúng tôi cũng nhìn qua góc cạnh của một nhà Sư. Qúi Phật tử là một doanh gia ở trên thương trường khi qúi vị nhìn vấn đề gì thì quí vị cũng nhìn từ góc cạnh như vậy. Vị thế mà chúng ta đứng có một ảnh hưởng lớn đối với cái nhìn toàn diện của mình, và theo trong Phật pháp thì có hai khía cạnh liên quan đến sự nhận thức: một là sở, tri hai là năng tri. Năng tri là cái biết, ví dụ như tâm thưởng thức bản nhạc, tâm thưởng thức đóa hoa đẹp. Cái biết và cái đối tượng được nhận biết là hai góc cạnh, hai vị trí khiến cho chúng ta có những cái nhìn tương đối là hoàn toàn khác biệt. Đối với cuộc sống hàng ngày thì người ta thường dùng câu gọi là phản tỉnh hay phản ảnh để chỉ cho một trạng thái là chúng ta có được điều kiện để nhìn lại chính mình, nhìn lại cái quan niệm của mình, nhìn lại cái nhận thức của mình, đây là một điểm hết sức tế nhị. Tâm của chúng sanh thường giống như con chó săn chỉ biết chạy theo con mồi, chúng ta chỉ hướng về ngoại giới hay hướng về những đối tượng của tâm ý, ít có khi chúng ta có dịp để nhìn lại cái năng tri tức là nhìn lại sự nhận thức, nhìn lại cái quan niệm của mình. Kinh nghiệm này thật sự là một kinh nghiệm rất lớn đối với hành giả tu tập thiền quán. Ví dụ như chúng ta nói rằng: đi, đứng, nằm, ngồi được ghi nhận, thở ra thở vào được ghi nhận. Nhưng chính thật ra thì đến một lúc nào đó thì hành giả có thể đi vào một giai đoạn tế nhị hơn là chánh niệm được, ghi nhận được cái chủ tâm của mình. Ví dụ trên con đường kinh hành, khi gần tới cuối con đường kinh hành chúng ta muốn dừng lại thì hành giả bắt đầu ghi nhận được là cái tâm muốn dừng lại và lúc bấy giờ dừng lại, trước khi xoay người hành giả ghi nhận mình muốn xoay người hay hoặc giả là khi qúi vị đang ngồi thiền, khi chúng ta đang ngồi thiền mỏi chân và chúng ta muốn đổi tư thế của mình, với một người chánh niệm không sắc bén thì người đó chỉ đưa tay kéo chân để đổi tư thế thôi, nhưng với một vị chánh niệm tương đối khá thì vị này có thể ghi nhận được cái ý muốn thay đổi trước khi vị đó thay đổi. Và thưa qúi vị, bà Ajahn Naeb một trong những vị thiền sư rất lỗi lạc, bà có nói đến cái khả năng phân biệt danh sắc mà nhiều người không hiểu, cái danh mà bà muốn nói ở tại đây tức là cái năng tri. Và cái sắc ở đây mà bà muốn nói là tất cả những cái hoạt dụng của thân và do cái tâm, nói một cách khác là nhất cử nhất động của chúng ta đều có ý muốn làm. Sự thể hiện và ý muốn làm đó bà gọi là danh. Và sự thể hiện của thân bà gọi là sắc. Nhưng cái trí mà phân biệt được danh sắc như vậy tại sao nó quan trọng? là bởi vì ở trong thiền quán một khi chúng ta có thể nhìn lại năng tri, nhìn lại một cái góc cạnh rất chủ quan của mình, tức là tôi muốn làm như vậy, tôi muốn làm cái kia, thì thưa qúi vị thế giới này thay đổi lớn chứ không nhỏ, thay đổi lớn lắm. Cũng như cổ nhân có nói một câu rất là thường thức nhưng lại có ý nghĩa liên hệ đến tại đây, đó là một con người sống mà gọi là trưởng thành thì là người bắt đầu biết tự vấn, biết chịu trách nhiệm và biết nhìn lại chính bản thân của mình. Một con người thiếu giáo dục, một con người thiếu sự trưởng thành lúc nào cũng trách móc, cũng đổ lỗi, cũng qui trách cho cuộc đời. Nhưng một người mà có sự hiểu biết thì người đó có khả năng hồi quán, có khả năng nhìn lại, có khả năng tự xét, tức là có khả năng nhìn trở lại góc cạnh rất là chủ quan của mình, thì kinh nghiệm này là một kinh nghiệm to lớn, lớn lắm. Khi chúng ta nói đến là ngoài cái sở tri tức là cái mà chúng ta biết tới cái đối tượng của tâm chúng ta còn biết cái năng tri tức là biết cái tâm nữa, và trường hợp này được áp dụng trong cái ý nghĩa về thức vô biên. Đúng ra thì phần lớn các tầng thiền của sắc giới là an trú trên một đối tượng mà chúng ta thường gọi là kammantthana hay gọi là kasina chẳng hạn là đất, nước, lửa, gió, hư không v.v... và hành giả đã phải mượn một đối tượng pha loãng đó là hư không để biến mãn, để lan rộng, để không để tâm bị hạn cuộc, nhưng mà sau khi đã thuần thục trong cảnh giới của không vô biên thì hành giả đi vào cảnh giới của thức vô biên, có nghĩa là hành giả nhìn vào cái tâm, nhìn vào sự nhận thức và sự nhận thức đó đã biến mãn trên cái đề mục không vô biên, nếu hư không là không có biên giới không có ngằng mé không có hạn cuộc thì cái nhận thức nào mà biết rằng hư không không có hạn cuộc, hư không là vô biên vô lượng thì sự nhận thức đó cũng phải là vô lượng. Như chúng ta nói rằng chỉ bậc thánh mới biết là thánh, chỉ có người quân tử mới biết người quân tử, chỉ có anh hùng mới dám luận về anh hùng, chỉ có thi nhân cảm được lòng thi nhân, thì chỉ có tâm vô lượng tâm vô biên thì mới biết được cảnh vô biên. Cảnh vô biên ở đây chúng ta nói rằng hư không nó là một khái niệm rất trừu tượng, nó vượt khỏi sắc pháp. Nhưng mà bây giờ vị này lại đến một trình độ khác, lại nhận thức được là cảnh vô biên đó nó đã là vô biên đã đành rồi, nhưng tâm biết được cảnh vô biên nó mới là vô biên, thì vị này lại đi vào một giai đoạn nữa và giai đoạn này lớn chuyện chứ không nhỏ. Hồi nãy đoạn đầu chúng tôi có nói với qúi vị rằng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong kinh nghiệm của thiền minh sát, và trong mọi lãnh vực, khi chúng ta nhìn lại cái tâm của mình thì nó lại khác đi. Tất cả các vị thiền sư đều thường nhắc kinh nghiệm này là mình có một tật xấu, đừng bao giờ chống đối nó, đừng bao giờ bực bội nó, đừng bao giờ lên án nó, mà hãy lẳng lặng nhìn nó, chỉ đem cái tâm xấu đó, tâm phiền não đó trở thành một đối tượng để nhận thức, và một khi chúng ta có thể nhìn được nó thì nó có khả năng hoá giải tự nó, và đó là một đột biến, đó là một sự kiện lớn. Cũng có nhiều vị đã giải thích rằng sở dĩ Tổ Bồ Đề Lạt Ma là vị Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa thường được tạc với cặp mắt trừng trừng, cặp mắt đó tượng trưng cho cặp mắt của chánh niệm, chánh niệm ở đây tức là có khả năng nhìn rất thẳng, rất thực vào cái tâm, tức là vào cái gì mà mình gọi là cái khía cạnh, gọi là chủ quan cái khía cạnh nhận thức, thì do nhìn nó nó có khả năng hóa giải. Cũng như có một người có tật là hễ con khóc thì muốn đánh con, nhưng bà này đi hành thiền và hành thiền một thời gian trở về thì có thói quen là hễ như tâm có sân thì bắt đầu bà nhìn và nói "tâm sân à", thì do bà nhớ được cái tâm sân, thấy được tâm sân và ghi nhận sự có mặt của tâm sân, tâm sân tự nó hoá giải. Thì như vậy nó là một bước đột phá quan trọng ở trong sự thay đổi gốc nhìn, thay đổi cái cương vị, thay đổi vị trí, thay đổi chỗ đứng, thay vì nhìn vào đối tượng bây giờ nhìn vào sự nhận thức của đối tượng. Chúng tôi nhắc lại cái thí dụ đó để qúi vị thấy rằng tại sao khi mà chúng ta quan niệm rằng hư không là vô biên, và bây giờ xoay ngược chiều trở lại thì nói rằng chính cái nhận thức hư không là vô biên thì sự nhận thức đó mới thật sự là vô biên, bởi vì nó biết được cái hư không là vô biên. Tất nhiên đây là một cảnh giới ảo diệu của những vị đã thuần thục ở trong thiền định, những vị này phải có khả năng lớn, khả năng lớn ở đây chúng ta gọi là định tâm hay định lực để có thể an trú trên một cái đề tài rất là trừu tượng như vậy và an trú lâu. Thì thưa qúi vị, khi mà đề cập đến trạng thái tu tập của thức vô biên này chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra được cái tính tương đối của từng giai đoạn, cho dù là hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng, cái tương đối ở tại đây là nếu một vị đang an trú ở trong thiền sắc giới bây giờ vượt thoát lên an trú trong đề mục hư không vô biên thì vị đó thấy đúng hư không vô biên, bởi vì nó không có hạn cuộc như là những đề mục của sắc pháp, tuy nhiên một khi đã thuần thục rồi thì vị này có thể khám phá ra khuyết điểm và từ chỗ khám phá ra cái khuyết điểm vị này có khả năng rời bỏ nó để đạt đến một cảnh giới cao hơn. Ví dụ chúng ta nói cao hơn thiền sắc giới là không vô biên của vô sắc giới, cao hơn thiền không vô biên là thiền thức vô biên, cao hơn thiền thức vô biên là thiền vô sở hữu, cao hơn vô sở hữu là phi tưởng phi phi tưởng. Như vậy thì ngay ở trong tầng thiền nó mang tính tương đối, tức là so với cái trước đó thì nó vô biên, nó thù diệu, nhưng mà so với cái sau đó thì nó bị hạn cuộc, và tính tương đối này nó cho phép người ta làm một việc đó là rời bỏ cái hiện tại để đạt đến cái cao hơn. Chúng tôi có đưa ra một cái ví dụ như vậy là ở trong thiền học một trạng thái tiến bộ được định nghĩa rằng: khi mà phải nắm, khi mà phải đạt đến một cái gì đó thì phải đạt đến bằng cái định lực phi thường, nhưng mà rồi đã đạt đến trạng thái đó mà muốn tiến bộ nữa thì phải có khả năng bỏ trạng thái đó, nếu không có khả năng bỏ trạng thái đó thì qúi vị không thể nào có sự tiến bộ được. Cũng như vậy từ Vĩnh Long lên Sàigòn thì đi ngang qua Cái-bè, Cai-lậy, Trung-lương hay là Tân-an, khi mà chúng ta nhắm đến một địa điểm nào đó hay một đoạn đường nào đó thì chúng ta đi một cách rất là nhiệt thành mạnh mẽ hăng hái, nhưng mà khi chúng ta đạt đến chỗ đó rồi thì chúng ta phải có khả năng, cái khả năng đó là khả năng rời bỏ chỗ đó để tiếp tục lên đường. Nó cũng giống như hồi nhỏ chúng tôi đi học, chúng tôi nhớ lần đầu tiên chúng tôi đi thi tiểu học, năm đó thân phụ của chúng tôi đưa chúng tôi đến trường trung học Bửu Liêm để thi, khi đi thi như vậy thì chúng tôi nhớ rằng đối với chúng tôi lúc bấy giờ nó không có cái gì mà quan trọng hơn là cái bằng tiểu học hết, không có cái gì mà thật sự là đáng để nghĩ hơn là cái bằng tiểu học, và điều đó không phải sai, cứ tưởng tượng một học sinh học lớp một, hai, ba, bốn, năm. Hồi xưa chúng ta gọi từ lớp năm, lớp bốn, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất, mà học lên tới đó thì quả thật là cái bằng tiểu học đó nó là cái bằng mà người ta hướng đến, và hướng đến với tất cả sự tha thiết, nhưng mà khi đã đạt đến rồi thì phải quên nó đi, phải tiếp tục lên đường, và sở dĩ mà chúng ta trước khi nhắm đến một điều gì chúng ta nhắm một cách rất là tha thiết, nhưng khi mà chúng ta rời bỏ nó để chúng ta lên đường được là nhờ vào cái tính rất tương đối, tương đối ở đây có nghĩa là so với cái trước thì nó cao hơn, nhưng mà so với cái sau thì thấp hơn. Thì dù là hư không là một vô biên, thức vô biên hay là vô sở hữu thì nó cũng có mang tánh tương đối đó. Chỉ riêng cái phi tưởng phi phi tưởng mà chúng ta sẽ nói tới trong hai tuần lễ nữa thì cái phi tưởng phi phi tưởng nó phải có một thái độ bảo hoà ở đoạn chót ở dứt điểm, và những điểm này thật sự rất là thú vị để chúng ta nói đến. Thì ở tại đây một hành giả tu tập thức vô biên cũng tương tựa như vậy, hành giả vận dụng được cái tánh tương đối, tương đối ở đây là hư không vẫn vị hạn cuộc tại vì hư không vốn bị hạn cuộc, nhưng chỉ có tâm thức là vô lượng nên vị này có thể gia công nỗ lực để đạt đến mục đích. Thì trong bài học này chúng tôi muốn nói đến ba điểm vô cùng quan trọng: Điểm thứ nhất là sự ghi nhận về sở tri nó quan trọng, nhưng mà sự ghi nhận về năng tri quan trọng trong đời sống thường ngày, quan trọng theo thiền quán và đặc biệt ở đây quan trọng ở trong thiền vô sắc giới. Điểm thứ hai là tất cả những điều này đều mang tính tương đối nghĩa là đối với cái thấp hơn nó thì nó là cao và đối với cao hơn nó thì nó là thấp vì vậy nó mới có khả năng cho hành giả tiến hữu đến và đi. Nhưng mà thưa qúi vị cái điểm thứ ba mà chúng tôi đề cập đến tại đây là cho dù thức vô biên được xem như là đối lập với không vô biên hoàn toàn, tức là một cái là năng tri, một cái là sở tri, thì thức vô biên vẫn có những vay mượn cần thiết như là Ngài Buddhaghosa ở tại đây đã ghi nhận được nhiều lời giải của các vị A-xà-lê chuyên về A Tỳ Đàm, ở trong những lời giải đó cho thấy nó có sự liên hệ mật thiết lâu ngày giữa sự thành tựu của thức vô biên, và cái mượn đà mượn trớn hay là mượn cơ sở của những tầng thiền trước đó, cái thức vô biên không đến như là một sự thành tụ độc lập riêng hoàn toàn mà không có vận dụng cái cũ. Ba điểm này chúng tôi mong rằng qúi vị sẽ nhớ. Thì thưa qúi vị bài học ngày hôm nay chúng tôi không đi dài là bởi vì chúng ta còn có những tiết mục khác, nhưng mà chúng tôi chỉ muốn qúi vị nhớ ba điều mà chúng tôi vừa đề cập đến khi nãy ./. Download bai 12
|
|