dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[01] Đối với người Phật tử Việt Nam thì văn hoá trong đạo Phật đã bám sâu trong cội rễ cho đến hôm nay. Do vậy có rất nhiều văn hoá của đạo Phật đã ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống của chúng ta. Có những lời nói giống như những ý nghĩ hằng ngày, có đôi khi quá phổ thông về ý nghĩa liên hệ. Một trong những điều mà chúng ta thường hay nói đó là chữ "nhân duyên". Hễ cái gì thành hay bại, được viên mãn hay là thất bại chúng ta đều nói đến nhân duyên. Nói đến nhân duyên có người quan niệm rất sâu, có người quan niệm hời hợt. Nhưng chúng ta dù muốn dù không thì biết rằng đó là một trong những giáo lý quan trọng trong đạo Phật. Thuyết nhân duyên của đạo Phật dạy đó là tất cả những hiện tượng, mọi sự thăng trầm, mọi sự được còn đặng mất trong đời sống của một cá nhân, của một quốc gia, của một xã hội. Một điều quan trọng mà quý vị cần lưu ý là chữ nhân và chữ duyên hai chữ đó ý nghĩa khác nhau, mặc dầu nó thường đi đôi với nhau, nhưng nếu không phân biệt từng chữ thì có thể đưa đến những lầm lẫn đáng tiếc. Trong Phạn ngữ chữ nhân là hetu chữ duyên là pratyaya. Nhân là một nguyên nhân, là một hạt giống, là một yếu tố trực tiếp để tạo ra một cái gì đó. Thí dụ một hột mít nó sẽ mọc thành cây mít. Một hạt giống hoa cúc sẽ mọc thành hoa cúc. Chúng ta nói hạt giống đó là nhân. Khi nói đến duyên là chúng ta nói đến gì ảnh hưởng không trực tiếp. Lấy thí dụ là đối với một cây được mọc lên, chúng ta nói hạt giống là nhân. Phân, đất, nước, thời tiết để chăm sóc cây, tất cả là duyên. Nghiã là những điều kiện chi phối ảnh hưởng tới cây. Mặc dù không trực tiếp để hình thành, giống như là hạt giống (nhân) nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống của cây rất nhiều. Trong đời sống của một người bình thường Đức Phật dạy rằng việc thiện, việc ác đã làm là những nhân thiện ác ở trong lòng, đó gọi là nhân của đời sống. Nhưng Ngài cũng dạy rằng ngoài nhân ra chúng ta còn bị chi phối bởi cái duyên, tức là những ảnh hưởng chi phối v.v...Duyên thì có rất nhiều thứ. Duyên lành đối với Tam Bảo, đối với chánh pháp. Tương duyên đối với người khác chung quanh mình, và duyên đối với nhiều nguyên tắc liên quan đến việc tu tập. Thí dụ do môi trường, hoàn cảnh tu tập v.v.. Trong phạm vi bài pháp hôm nay chúng tôi trình bày một khía cạnh nhỏ của chữ duyên đó là "tương duyên" tức là sự liên hệ giữa mình và người khác. Khi quý vị nghe nói đến điều này thì qúy vị sẽ thấy rằng đề tài có vẻ hơi xa lạ, vì đạo Phật thường nói đến cứu cánh giải thoát. Con đường tu tập là con đường cá nhân, là các nhà sư chúng ta nên có đời sống độc cư. Trên con đường luân hồi mỗi người đã đi và đi một mình, thế thì tại sao chúng ta lại nói về tương duyên, sự liên hệ giữa mình và người khác. Chính thật ra trong đạo Phật xác định sự liên hệ giữa những người khác đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính Đức Thế Tôn vị bổn sư của chúng ta Ngài thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng nhờ một nhân duyên sâu xa với quyến thuộc. Ngài đã từng nói rằng: có ba mục đích để Ngài tu tập đạt tới đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trong đó có một mục đích là tế độ quyến thuộc. Quyến thuộc của Ngài như Công Chúa Da Du Đà La, con của Ngài là Lahula, vua cha và mẹ là vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, người anh em chú bác với Ngài là Ngài Ananda cũng đã theo Ngài. Tất cả đều có những nhân duyên liên hệ nhiều đời nhiều kiếp. Thế thì trong quan niệm tu tập, Đức Phật Ngài nói rõ rằng: Những người bạn, những người thân, những quyến thuộc, hoặc xa hoặc gần, hoặc thân hoặc sơ. Tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Do vậy ở trong những pháp mà một vị Chư Thiên hỏi Đức Phật: "thế nào là hạnh phúc cao thượng" ngay trong bài kệ đầu tiên thì Đức Phật dạy: Asevanā ca bālānam., Pan.d.itānañca sevanā, Pūjā ca pūjanīyānaṃ, Etammangalamuttamam.. Không thân cận kẻ ác, gần gủi bậc trí hiền Cúng dường bậc đáng cúng là phúc lành cao thượng Ngày cũng dạy là các tỳ kheo sống nơi nào thì hãy tìm những thầy y chỉ, tìm bậc minh sư, tìm người bạn tốt. Nếu không được thân cận những bậc thiện hữu, không thân cận bạn lành thì điều đó là một trở ngại lớn cho sự tu tập. Ngay cả một tỳ kheo đi vào cuộc sống cô độc của mình thì Đức Phật Ngài cũng thường nhắc nhở: "Các con hãy sống gần những người có chánh niệm, thì đời sống tỉnh thức của các con sẽ được an lành. Các con sống gần với những người thất niệm, thì đời sống thiền định của các con bị ảnh hưởng không tốt. Người đời nói một câu như vầy: "giàu vì bạn, sang vì vợ". Câu nói đơn giản đó cho chúng ta thấy một điểm là cuộc sống thành bại, cuộc sống vui buồn, cái gì mình có trong đời phần lớn bị ảnh hưởng bởi thế giới chung quanh của chúng ta, bởi sự liên hệ giữa mình và người khác. Chúng ta gọi đó là tương duyên. Trong một bài của Peter Sanitna tháng 9, 87 một bài viết về 7 điểm tương đồng giữa những nhà thành công trong cuộc đời. Sự thành công của những nhà chính trị lỗi lạc, hoặc những nhà triệu phú. Thì trong 7 điểm giống nhau có một điểm đáng cho chúng ta lưu ý đó là tất cả đều có những người bạn thật tốt. Thật ra trong cuộc sống này, một cuộc sống mà sự liên hệ gắn bó với nhau quá mật thiết ở trong xã hội giống như một bộ máy. Chúng ta là những bánh xe, những bánh xe này không ăn khớp với những bánh xe khác thì rất dễ tạo ra sự hư hỏng của nguồn máy. Hư hỏng nguồn máy cá nhân của chúng ta, và nguồn máy của người khác. Thế thì sự tương duyên giữa mình và một người khác, không thể không đặt ra trong đời sống tu tập của mình, tại vì chúng ta hiểu rằng nó quan trọng, nó cần thiết, ảnh hưởng tới chúng ta rất nhiều. Một người học tóan giỏi, họ phải có những người bạn về toán giỏi. Một người muốn chơi thể thao khá, họ phải có những người bạn chuộng về thể thao. Một người Phật tử muốn tu tập mà tương đối nhân duyên nhiều thì phải có những người bạn, và những người bạn đó là những đạo hữu, những vị đồng đạo tốt của mình . Chúng ta để ý thấy rằng những học giả, những bậc chân tu, những người thành công ở trên con đường danh nghiệp họ đều có những người bạn chia sẻ với họ rất nhiều. Vì thế ở đây chúng ta hãy tìm hiểu đạo Phật nói gì về tương duyên, sau khi chúng ta thấy chữ tương duyên quan trọng như thế nào đối với đời sống cá nhân. Trong chú giải bộ (09:47)..... ghi rằng có 4 nhân duyên khiến con người chúng ta liên hệ ràng buột với nhau. Bốn nhân duyên đó là: 1 )Thứ nhất là tương duyên vì thương. Ở đây không có nghĩa là bất thiện, cũng không có nghĩa là thiện. Thương có nghĩa là một chân tình dành cho nhau, hay là sự tế độ dành cho nhau. Chúng ta giúp đỡ một người khác, đó cũng là tương duyên về thương. Trong bốn nhiếp pháp Đức Phật dạy là bốn pháp để tế độ chúng sinh thì trong đó Ngài đề cập đến bố thí tức là đem cho, ái ngữ là dùng lời hoà nhã, lợi hành là biết nghĩ tới lợi ích của người khác, đồng sự là biết chia sẽ ý nghĩ việc làm với người khác. Thì quý vị thấy rằng trong bốn nhiếp pháp đó thì bố thí và lợi hành đều làm vì tế độ, giúp đỡ cho người khác. Vào thời Đức Phật tại thế, có một câu chuyện về một số thương buôn, mỗi ngày đi buôn bán từ vương quốc Ma-Kiệt-Đà về vương quốc Kosala. Những thương buôn này đi đường xa họ luôn luôn có một số hành trang mang theo đó là những thức ăn tinh thần. Vì lòng ngưỡng mộ nơi Đức Phật họ tìm đến một danh tăng đệ tử nỗi lạc của Ngài là Ngài Xá Lợi Phất để học đạo. Ngài Xá Lợi Phất là một đại đệ tử của Đức Phật, nhưng cũng không tế độ được 500 người thương buôn đó. Họ đến chùa một cách bình thường một cách hời hợt. Ngài Xá Lợi Phất không đem lại cho những người thương buôn đó bao nhiêu lợi ích cả, sau cùng họ đến gặp Đức Phật. Đức Phật với tuệ giác của Ngài, Ngài đã quan sát xem thử coi tại sao những người này không có nhân duyên với Ngài Xá Lợi Phất. Sau khi quan sát xong Đức Phật gọi Ngài Angulimala là Ngài Vô Não đến gặp những người thương buôn đó để thuyết pháp dạy đạo hướng dẫn những người đó tu tập. Ngài Vô Não đến gặp những người thương buôn và làm theo lời Đức Phật dạy. Chỉ một bài pháp ngắn Ngài Vô Não đã mang họ trở về với chánh pháp, làm cho họ thấy nguồn vui trong chánh pháp. Họ thật sự có tín tâm mãnh liệt ở nơi con đường tu tập. Các vị tỳ kheo ngạc nhiên lắm vì thấy rằng Ngài Xá Lợi Phất thông tuệ như vậy còn Ngài Vô Não chỉ là một vị tỳ kheo tuy là một bậc thánh nhưng không thể so sánh với Ngài Xá Lợi Phật, thế mà tại sao lại có thể tế độ được đoàn thương buôn. Đức Phật Ngài giải thích; đó là bởi vì túc duyên, tức là nhân duyên đời trước. Ngày xưa trong kiếp quá khứ tỳ kheo Vô Não cũng là vị tỳ kheo tu hành đi khất thực trong một bữa ăn trưa, Ngài nhìn trong bình bát còn một ít cơm và Ngài nghĩ rằng nếu đem ra bờ ao để rửa thì phí đi, và Ngài thấy ổ kiến bên cạnh, Ngài bèn trút số cơm đó xuống với ý nghĩ rằng những hạt cơm đó sẽ mang lại một ít lương thực cho những con kiến đó. Chỉ là một nhân duyên tế độ như vậy mà sau này những con kiến vì một duyên nghiệp được sanh làm người thương buôn và Ngài Vô Não trở thành vị tỳ kheo tu tập với Đức Phật. Do nhân duyên liên hệ tiền kiếp nên những người này khi nghe Ngài Vô Não nói pháp thì tâm hồn mở rộng ra nhu thuận và dễ chấp nhận những gì Ngài Vô Não giảng hơn là Ngài Xá Lợi Phất. Ở đây cho thấy rằng nhân duyên liên hệ, Đức Phật là một thí dụ điển hình cho chúng ta thấy một vị Phật Toàn Giác ra đời như Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, không phải tất cả chúng sanh đều có thể được Ngài tế độ. Chúng ta gọi Ngài là bậc Purisadammasārathi là bậc Điều Ngự Trượng Phu, là bậc tế độ những người nên tế độ. Những người nào đã đến với Ngài, những người nào đã nhận được nguồn ân chánh pháp từ Ngài thì tất cả những người đó đều có nhân duyên liên hệ với Ngài nhiều đời nhiều kiếp trong quá khư. Trong chú giải nói rằng đầu Ngài đã chặt xuống để bố thí cho chúng sanh nhiều như đá trong núi. Chẳng hạn như khi Ngài làm chúa của bày nai, Ngài cứu con nai cuối cùng thì về sau Ngài Subhadda là đệ tử cuối cùng của Đức Phật, tức là hậu thân của con nai đó. Những người liên hệ với Đức Phật đều ít nhiều trong quá khứ Ngài đã từng làm những việc làm tế độ với lòng từ của Ngài đối với họ. Do vậy khi Ngài đã thành Phật, Ngài thuyết pháp thì những người đó mở rộng lòng nghe. Qúy vị thấy một thời pháp mà Đức Thế Tôn thuyết, ngoài nhân loại còn có chư thiên hưởng thụ pháp nhũ, hưởng thụ nguồn ân phúc của Ngài. Thì những người đó để có thể lãnh hội lời dạy của Đức Phật họ đều có tương duyên với Đức Phật. Do vậy chúng ta nói Đức Phật Ngài tế độ những người hữu duyên. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy ân sâu của Ngài đối với chúng ta. Ngài tế độ, không có nghĩa là Ngài đem chánh pháp đến cho chúng ta là đủ, mà Ngài đã từng làm cái gì đó liên hệ tới chúng ta, để có thể tế độ chúng ta, chúng ta lắng tai nghe Ngài. Ở trên bước đường hoá đạo của Đức Phật, không phải tất cả mọi người đều mở rộng lòng ra để đón nhận. Tại vì một số người không có túc duyên, nên họ sống kế bên tịnh xá nơi Đức Phật ở họ cũng không đón nhận được lợi ích của Ngài ban cho. Pháp đầu tiên về tương duyên do thương mà có. 2. Tương duyên thứ hai do ghét mà có. Chúng ta thương người nào thì chúng ta lệ thuộc người đó. Chúng ta ghét người nào thì chúng ta cũng lệ thuộc vào người đó. Đạo Phật gọi đó là sự oan trái. Oan trái là kết chặt với nhau. Không có nghĩa là mình thương người nào rồi sanh trong nhiều đời nhiều kiếp mình mới gặp người đó và mình ghét người nào mình mới xa người đó. Chúng ta càng ghét, càng suy nghĩ càng oan trái với người nào nhiều thì chúng ta và người đó tương duyên càng mạnh, tại vì nó có sự ràng buột trong oan trái. Người Phật tử mỗi ngày trong thời kinh của mình, trong những buổi tham thiền của mình đều nguyện bản thân của mình và chúng sanh khác được xả bỏ những oan trái. Những oan trái là những gì mang chúng ta lại gần với nhau. Có người sanh lên không phải để thương nhau mà để ghét nhau và hại nhau, thì điều đó chúng ta thấy rõ. Trong kiếp quá khứ khi Đức Thế Tôn còn là một người thương buôn, Ngài vào các xóm làng mua những đồ cũ, như đồ đồng, đồ thau và đổi cho họ những bánh cốm, để đổi lấy những vật thực khác. Lúc bấy giờ có một người thương buôn khác cũng làm nghề tương tự như vậy. Và rồi có một bà lão sống trong làng nghèo, trước kia bà là chủ nhân của một gia tài đồ sộ, nhưng vì nhân duyên đưa đẩy nên tài sản bị khánh kiệt và trở nên nghèo khổ. Một hôm có một người thương buôn đi ngang rao rằng: "có ai có đồ cũ bán để đổi lấy bánh kẹo, hoặc kiềng vòng". Đứa cháu gái của bà nghe vậy mới đòi bà ngoại mua. Bà cụ nói mình không có gì để đổi. Những đưá cháu gái cứ khăng khăng đòi. Cuối cùng bà cụ gọi người thương buôn vào nói rằng: "ở trong nhà tôi không có tiền, bà cháu tôi nghèo lắm, nhưng tôi có cái mâm, mặc dầu nó cũ rồi, nhưng nó bằng kim loại, ông có thể đổi cho cháu cái gì cho nó chơi. Người thương buôn cầm lên và biết rằng nó rất qúy vì là bằng vàng, nhưng vì lâu ngày nên cũ kỹ và bà lão không nhận ra được giá trị của cái mâm cũ kỹ này, nên người thương buôn nói với bà lão rằng: "được rồi tôi sẽ đổi một chiếc kiềng cho cháu của bà đeo" Khi bà lão nghe chiếc mâm mà đổi lấy chiếc kiềng thì tiếc của nên nói "chiếc mâm mặc dầu cũ nhưng đáng giá vì nó bằng kim loại, ông đổi cho nó hai chiếc đi". Người thương buôn tham lam, nghĩ rằng bà lão này là người khờ, nếu mình không mua và bỏ đi rồi trở lại sau đó thì bà lão sẽ đổi ý và sẽ chịu, và nếu bà không chịu thì mình sẽ bằng lòng đổi cho bà hai chiếc kiềng cũng còn lời". Rồi người thương buôn bỏ đi và nghĩ sẽ trở lại sau. Người thương buôn đi không bao lâu thì có một người thương buôn khác cũng đi đến và cũng rao lời rao giống vậy. Đứa cháu gái lại đòi nữa, bà cụ lại mời người thương buôn đó vào, và cũng trả giá. Người thương buôn đó cầm cái mâm lên và thưa với bà cụ rằng: "Thưa cụ, cái mâm này qúy giá vô cùng. Ví như tôi đem tất cả những tiền bạc, những gì mà tôi có mang theo trong người để đổi lấy cái mâm này, thì cũng không đủ nũa." Thì bà cụ mới rơm rớm nước mắt nói rằng: "ông là một người thành thật, tôi cảm thấy là nếu cái gì có thể cho tôi được thì như vậy là đủ rồi, tôi không đòi gì nữa đâu. Vì hồi nãy một người cũng đến đây tôi đòi đổi hai chiếc kiềng mà ông không chịu, và chỉ trả một chiếc kiềng thôi". Người thương buôn đó mới đem tất cả những gì mình có gồm tiền bạc, bánh kẹo, đồ trang sức đổi cho bà cụ và mang cái mâm đó đi. Người thương buôn thứ hai đi không bao lâu người thương buôn thứ nhất trở lại. Khi người thương buôn thứ nhất trở lại hỏi bà cụ sao bây giờ bà cụ có bằng lòng đổi không, thì bà cụ mới trả lời rằng: "hồi nãy có một người thường buôn cũng giống như ông đến đây và người đó nói cái mâm của tôi rất qúy và người đó bằng lòng đổi số tiền rất lớn, và ông đó đã lấy cái mâm đi rồi." Người thương buôn thứ nhất nghe nói như vậy thì rất là tiếc vì cái mâm đó rất là qúy, có thể nói cả cuộc đời của người thương buôn đó buôn bán thì khó có thể nào kiếm những món lời lớn như vậy. Người thương buôn đó mới chạy theo để rượt theo người thương buôn kia. Khi rượt theo bờ sông rồi thì người kia đã xuống thuyền đi ra tới gần nửa giòng sông. Bấy giờ người thương buôn này đứng bên bờ sông tức tối và ói máu ra và chết tại đó, trước khi chết mà ánh mắt vẫn nhìn ra con thuyền giữa giòng sông và nghĩ trong lòng rằng: "ta sẽ đời đời kiếp kiếp oan trái với người đó". Và cái nhân duyên oan trái đó nhiều đời nhiều kiếp đã diễn tiến, về sau này trong kiếp cuối cùng hai người đó sanh tại Trung Ấn Độ. Một người là Đề Bà Đạt Đa, người kia chính là Đức Bổn Sư Từ Phụ của chúng ta. Không phải chỉ ở trong kiếp cuối cùng của Đức Bổn Sư và Đề Bà Đạt Đa có tâm hãm hại Đức Phật, nhưng nhiều đời nhiều kiếp trong túc sanh truyện ghi rõ rằng Đề Bà Đạt Đa đã từng có ác tâm và oan trái với Đức Bổn Sư. Cái ghét cũng làm cho con người có sự mâu thuẫn. Bởi vậy người Phật tử khi ghét ai thì không cột oan trái với người đó. Vì mình ghét thì không muốn liên hệ lại, liên hệ thì chỉ sinh ra ràng buột và phiền lụy, đau khổ mà thôi. Nhưng Đức Phật nói rằng vì chúng sanh ở trong đời này không hiểu oan trái của mình có hại như thế nào nên thường cột oan trái với người khác. Khi chúng ta cảm thấy không thích một người nào đó. Khi nào chúng ta cảm thấy không hoan hỷ với đời sống của ai đó thì nên cố gắng giữ quan niệm từ bi đối với người đó. Tại vì họ cột chỉ một mối ở một đầu giây thôi, còn đầu giây kia chúng ta không cột. Vì đầy giây chúng ta không cột nên hai cái không kết lại với nhau, do đó chúng ta không còn tiếp tục bị phiền lụy với họ. Nếu những ai có oan trái với chúng ta, thì chúng ta hãy xả bỏ oan trái đó, như vậy điều đó chỉ đến với chúng ta một lần trong đời và nó không lập đi lập lại ở nhiều đời nhiều kiếp. Đó là tương duyên thứ hai Đức Phật gọi là tương duyên vì ghét 3. Tương duyên thứ ba gọi là tương duyên vì đồng chí hướng. Đồng chí hướng có nghĩa là cùng lo, cùng làm, cùng thao thức, cùng ưu tư trong một cái gì đó trong cuộc đời này. Điểm này là một trong những tương duyên tốt lành nhất, mà mang con người lại gần với nhau. Người xưa họ nói rằng hễ chúng ta cùng thích một thứ thì ghét nhau, mà cùng lo một thứ thì thương nhau. Ở trong cuộc đời này có những người nào có những ưu tư và những thao thức, và những thao thức đó tương đối là giống nhau thì họ cùng sanh lên và cùng chia sẻ, làm bà con thân bằng quyến thuộc. Như trường hợp Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên ở trong nhiều đời nhiều kiếp đều có tâm nguyện sẽ trở thành đại tướng ở dưới bóng mát của một hiền nhân để phụng sự cho chúng sanh. Các Ngài đã làm nhiều phước lành. Cùng một thao thức rằng nếu mình sống dưới trướng một vị hiền nhân thì sẽ đem hết tâm huyết và trở thành vị tướng giỏi. Quả thật hai vị đó điều là vị tướng giỏi ở trong vương quốc chánh pháp của Đức Phật. Sau khi Đức Phật ra đời thì Ngài Xá Lợi Phất trở thành một đại đệ tử nặng về trí tuệ, và Ngài Mục Kiền Liên trở thành một đại đệ tử có khả năng về thần thông. Trước đó thì có Ngài Kiều Trần Như và những người thân quyến thân cận của Đức Phật thì Ngài Ananda là một vị đa văn quảng bác. Thế nhưng mà mặc dù Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên đến sau nhưng lại trở thành vị đệ tử cánh tay trái và tay mặt của Đức Phật. Có thể nói rằng dưới Đức Phật không có vị nào trí tuệ giỏi hơn Ngài Xá Lợi Phất, và không có vị nào nhiều thần thông hơn Ngài Mục Kiền Liên. Cả hai người đó cùng gặp nhau ở trong pháp hội của Đức Phật là vì nhân duyên liên hệ như vậy. Nên chúng ta nói rằng gặp nhau vì cùng chí hướng 4. Tương duyên sau cùng là cùng chung cộng nghiệp đó là sự tương đồng. Sự tương đồng ở đây không nhất thiết là hai người có những sự ràng buột với nhau hay sự liên hệ trực tiếp với nhau. Mà tại vì họ có những điểm giống nhau, chúng ta có câu là "đồng sanh tương ứng". Một người bên Thái Lan, một người bên Miến Điện, và chúng ta sống ở đây. Người bên đó họ chuộng thiền minh sát, chúng ta ở đây cũng chuộng thiền minh sát. Chúng ta chỉ mới gặp nhau thôi, mặc dầu không có nhân duyên trong quá khứ, không có nhân duyên trong hiện tại, chỉ mới gặp nhau trong giây phút nào đó nhưng có cái tương đồng thì tất nhiên cũng có thể cảm nhận được nhau một cách dễ dàng. Một bậc vĩ nhân ra đời mà có thể làm chỗ tương đồng của đa số chúng sanh, thì bậc vĩ nhân đó phải là vị vua của chánh pháp. Chúng ta gọi là bậc Pháp Vương. Tức là Đức Phật. Khi Đức Phật ra đời Ngài đã mang lại không biết bao nhiêu cái tương duyên cho chúng sanh ở trong cuộc đời này. Hai mươi năm thế kỷ qua rồi, chúng ta là những người sống từ nhiều vùng đất khác nhau, từ nhiều vùng văn hoá khác, từ nhiều bối cảnh khác, thế mà chúng ta gặp nhau ở đây có thể ngồi lại trong những giây phút này, cùng nhất tâm hướng về Tam Bảo, cùng lắng tai nghe chánh pháp. Cái đại sự nhân duyên lớn lao đó là do Đức Phật mang lại cho chúng ta. Khi nào chúng ta cùng hướng về chánh pháp, cùng sống trong một đời sống tinh thần, cùng kính trọng Tam Bảo. Tất cả những thứ đó đều mang lại cho chúng ta đến gần với nhau. Dĩ nhiên trong đời này có rất nhiều việc tương đồng. Người ta chia sẻ nhau về ý thức. Người ta chia sẻ nhau về quyền lợi. Người ta chia sẻ nhau về địa vị. Người ta chia sẻ nhau về gia cấp. Nhưng người Phật tử vì một tương đồng lớn nhất, sự tương đồng đó có thể dung hoà tất cả mọi thứ. Đức Phật Ngài đã từng nói: “Chánh pháp cũng giống như biển cả, tất cả những con sông đều đổ vào biển cả. Đổ vào biển cả rồi thì con sông đó hoà với nhau về chánh pháp và có một hương vị là hương vị giải thoát. Ngài nhấn mạnh rằng ở trong hội chúng của Như Lai, hội chúng của Đức Phật, những người đến từ giai cấp Bà La Môn, giai cấp Sát Đế Lỵ, giai cấp thương gia, giai cấp nô lệ, những người nam, nữ, người giàu, nghèo, sang, hèn. Tất cả những người đó đều gặp nhau ở trong ngôi nhà chánh pháp, và cùng nếm hương vị của chánh pháp. Ở đây chúng ta thấy rằng, ở điểm tương đồng với chánh pháp khiến chúng ta gặp nhau và cùng cộng nghiệp với nhau, điều này trở nên hết sức là vi diệu. Vi diệu là tại vì trong tất cả những tương duyên khác, vì những điểm tương đồng không bị chi phối bởi giai cấp, bởi màu da và ý thức hệ, hoặc chi phối bởi bất cứ gì khác ngoài lẽ sống và niềm an lạc ở trong lòng mình. Như vậy ở đây Đức Thế Tôn đề cập đến bốn tương duyên. Bốn tương duyên đó mang chúng sanh đến gần nhau, khiến chúng sanh có sự liên hệ với nhau và ảnh hưởng đời sống với nhau. Sau khi chúng ta tìm hiểu tại sao chúng ta kết hợp, tại sao chúng ta gặp nhau, thì bây giờ chúng ta lại hỏi rằng; quan niệm về tương duyên giúp ích cho chúng ta được gì? Nó giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Trước nhất qúy vị thấy rằng cuộc sống của con người không ai không có người thân, không ai không có quyến thuộc. Nếu chúng ta hiểu về lý tương duyên thì chúng ta cảm nhận sự liên hệ của mình một cách tốt đẹp, và điều đó là điều cần thiết. Quý vị làm chính trị thì cũng phải có những đồng chí, có những người bạn đồng hành. Qúy vị đi tu cũng phải có những bạn đồng đạo “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Đức Từ Phụ của chúng ta trên con đường trao dồi pháp BaLaMật, Ngài không thể sống một mình, Ngài không thể hành pháp balamật một mình. Ngài được trợ duyên rất nhiều của những người bạn, của Ngài Ananda, của Rahula, của cha, của mẹ, của công chúa Da Du Đà La. Ngài biết tận dụng sự liên hệ giữa quyến thuộc, của gia đình, của bạn hữu để trở thành thiện duyên lớn lao dẫn đến sự tu tập. Thì như vậy khi nào chúng ta làm phước, chúng ta nên rủ những người khác cùng làm. Nếu chúng ta làm phước hay đi nghe pháp, hay làm một việc gì mà chỉ làm một mình, thì đời sau sanh ra chúng ta cũng giàu và có trí tuệ nhưng chỉ một mình thôi. Nếu chúng ta làm gì đó mà không rủ người khác thì dầu chúng ta có, chúng ta cũng chỉ là một người cô đơn. Thưa qúi vị, qúi vị có tin một điều này là trong lý nghiệp báo của đạo Phật dạy, lấy thí dụ như anh A là một người xấu, nhưng qúi vị rủ anh A đi chùa hoặc cùng làm việc thiện như qúi vị thì tương duyên đó gọi là tương duyên trong thiện nghiệp, thì dù đời sau anh A sanh lên đối với người khác anh A là một người xấu, nhưng đối với chúng ta thì anh A vẫn là một người tốt. Tại vì chúng ta và anh A có sự tương duyên trong thiện nghiệp, như vậy thì khi nào đó qúi vị cảm thấy rằng muốn cần có một người bạn thì không có nghĩa là tìm một người nào tốt để kết thân với họ, tại vì người đó có thể rất tốt với người khác, cũng có thể xấu đối với mình. Do vậy khi nào mình muốn tạo những tương duyên tốt thì hãy đi làm việc gì thiện thì rủ người khác, đừng bỏn xẻn và đừng ích kỷ hẹp hòi. Cái gì có thể chia xẻ được thì chia xẻ. Lấy thí dụ cũng thời việc thiện đó mình làm một mình cũng được, nhưng mình không làm một mình, hễ ai có hoan hỷ thì mời đến cùng chia xẻ làm việc thiện với chúng ta, thì đời sau sanh lên làm bà con thân bằng ở trong từ bi và trí tuệ, có thiện duyên tốt đẹp với nhau. Túc duyên đó là túc duyên cần thiết. Điểm thứ hai là chúng ta nên biết vấn đề tương duyên để cho sự tu thân của mình. Thật khó khăn cho chúng ta khi chúng ta nói rằng ở trong cuộc đời này mà chúng ta có thể tu tập mà không cần những bậc minh sư, không cần những bậc thiện hữu. Chính ngay trong lời nguyện quy y, chúng ta nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Phật thì chúng ta nguyện rằng hướng về bậc đạo Sư là nơi nương tựa tinh thần, bậc đạo Sư đó là bậc minh hạnh tròn đầy. Chúng ta quy y tăng là chúng ta nghĩ đến đoàn thể của những thiện hữu, những người mang lại cho chúng ta một sự nương nhờ, mà sự nương nhờ đó là những sự nương nhờ tốt đẹp. Như qúi vị thấy rằng ngay cả những đệ tử của Đức Phật, những bậc thánh nhân. Các Ngài vẫn thường nói rằng chỉ vì một sự thân cận mà sa đoạ, chỉ vì một sự thân cận mà con người được siêu thoát. Chính Ngài Chakhubala có một lần Ngài nói bài kệ như vầy: "Nếu không gặp bạn đồng hành, thì minh chân chánh chánh hiểu rành lối đi.Như vua bỏ nước phong thi, như voi rừng thẳm thà đi một mình" Ngài nói rằng nếu chúng ta ở trên con đường tu tập mà không gặp bạn đồng hành có thể chia sẻ chung tâm nguyện, chia sẻ chung hương vị của chánh pháp, và không gặp nhau trong thiện duyên, thì giống "như vua bỏ nước vong suy". Nhà vua mà bỏ nước ra đi thì là một việc hệ trọng thế mà cũng nên bỏ nếu quốc gia đó không đáng. "Như voi rừng thẳm thà đi một mình". Con đại tượng trong rừng thì luôn luôn cần có đoàn có bầy, thế mà cảm thấy thân cận bạn ác thì thà như voi bỏ rừng mà đi. Nếu may gặp bạn đồng hành thì minh chân chánh chánh hiểu rành nỗi đi, tinh tường khắc phục gian nguy, hãy nên hoan hỷ kết duyên bạn lành. Luôn luôn Đức Phật và các đệ tử của Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiện hữu, của sự thân cận trong đời sống tu thân. Qúi vị đọc mỗi ngày trong kinh Hạnh Phúc Ngài nói không gần gủi kẻ ác, thân cận bậc trí hiền, đảnh lễ người đáng lễ là phúc lành cao thượng. Ngài nói ngay từ bài kệ đầu tiên Ngài nhấn mạnh đến sự thân cận. Người xưa cũng nói "Thân hiền như tượng phi lau, vui thay chân bước đoạn đàng mà đi…..". Thần hiền như tượng phi lau là ở gần người hiền như ở cỏ phi cỏ lau, tức là cỏ thơm, mà ở gần người ác giống như gần độc trùng, gần rắn độc. Trên quan niệm tu thân thì tương duyên cũng quan trọng và chúng ta không để ý thì không được. Nếu chúng ta thật sự muốn tu thiền định thì Đức Phật Ngài nói đến bốn điều thích hợp là: thực phẩm thích hợp, đề mục thích hợp, chỗ ở thích hợp và bạn hữu thích hợp. Như vậy ở trong mỗi nhất cử nhất động trong đời sống chúng ta đều cần có những người bạn tốt. Thay vì đời sống chung quanh ảnh hưởng tới chúng ta quá nhiều. Ảnh hưởng nhiều hơn chúng ta nghĩ. Sau cùng chúng ta nên hiểu thuyết tương duyên để sống an lạc, điều này là một điều quan trọng. Trong buổi giao thời này, thời buổi có quá nhiều sự thăng trầm. Có những người là kẻ có tài, nhưng vì bất đắc trí, họ than thở; sanh bất phùng thời. Chỉ coi một cuốn phim thôi, thì đã thấy rằng không phải tất cả mọi người tốt đều thành công, và không phải tất cả những người xấu đều thất bại. Thì dĩ nhiên là nó cũng có thế này hoặc thế khác, tuy nhiên có một điểm trong đời sống mà chúng ta hiểu rằng không phải muốn là được, và không phải có tài là được. Một người làm đại sự mà không có những người bạn đồng hành với mình thì đại sự khó thành. Như chúng ta đã có thí dụ về đời sống Đức Bổn Sư của chúng ta trên con đường tu tập, vì vậy nếu trong cuộc đời này mà một lần nào đó qúi vị qua những giai đoạn thăng trầm hay là qúi vị gặp một người bạn mà qúi vị đã dành cho người đó qúa nhiều cái hảo cảm, qúa nhiều sự tử tế của mình, thế rồi tất cả tấm lòng của qúi vị bị cô phụ, nghĩa là nó không đi về đâu, có đôi khi qúi vị cảm thấy bị phản trắc thì qúi vị cũng nên bình tỉnh và nên hiểu rằng đó là cái nhân duyên ở trong kiếp quá khứ. Có những lần các vị tỳ kheo tranh chấp nhau, có những lần có những chuyện bất hạnh xảy đến cho một cá nhân, và những điều đó mang đến Đức Phật, và Đức Phật Ngài kể những câu truyện trong quá khứ. Thì cũng những nhân vật tương tự như vậy, Đề Bà Đạt Đa cũng đã từng có những vai trò trong quá khứ, Xá Lợi Phất cũng đã từng là một nhân vật trong quá khứ, những gì mà họ đã sống trong quá khứ thì tấn tuồng đó lại tái diễn ngay trong hiện tại này. Qúi vị đừng ngạc nhiên. Cụ Nguyễn Du nói rất đúng "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài cùng với chữ tai một vần." và cụ nói rằng "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài." Ở trong đời này chúng ta có tài không có nghĩa là chúng ta sẽ thành công Chúng ta có một bối cảnh thuận lợi không có nghĩa là một thành công. Nó cũng cần có những túc duyên nữa. Do đó người Phật tử trên con đường tu tập nên có những người bạn hữu, nên có những bậc minh sư, nên có những người mà có thể hổ trợ cho mình ở trên những nẻo đường của cuộc sống, tại vì chúng ta hiểu rằng chính bản thân của chúng ta khó có thể thành công được một mình. Qúi vị cũng sẽ thấy rằng có nhiều vị ở trong đời này họ không phải là những người tầm thường nhưng họ lại thất bại tại vì họ không có được trợ duyên của những bạn hữu bên ngoài. Họ quá cô độc trên con đường đi, và có những người rất là bình thường, như trong Tam Quốc Trí; Lưu Bị tức là Lưu Huyền Đức chỉ là một người nếu nói về tài, về trí. Về trí thì không bằng Gia Cát Lượng, nói về dũng không bằng Quan Công, nói về sức mạnh không bằng Trương Phi. Nhưng ông thành công được vì ông có sự liên hệ những tương duyên cần thiết. Những người cộng sự viên là những người ảnh hưởng nhiều trong cuộc đời của chúng ta. Và chúng ta hãy giữ tâm an lạc của mình, ở trong đời có những giai đoạn nào đó có sự thăng trầm nghiệt ngã lên xuống trong cuộc sống mình. Không phải điều đó là do ở chúng ta, mà là do chúng ta thiếu duyên thiếu nhân và thiếu những yếu tố cần thiết để nắm được cái chìa khoá thành công ở trong cuộc đời này. Chúng ta hãy vui vẻ mà chấp nhận điều đó và đừng phiền muộn khi những người bất đắc trí, tại vì như vậy chỉ hại chúng ta nhiều hơn mà không có lợi gì hết. Nói tóm lại rằng bậc hiền trí hiểu sự tương duyên là quan trọng, biết xây dựng tương duyên tốt đẹp để lợi ích cho sự tu thân của mình, biết xây dựng tương duyên tốt đẹp để tránh những oan trái ở trong cuộc đời, biết xây dựng những tương duyên tốt đẹp để cho con đường đạo nghiệp của mình và sự nghiệp của mình thành công, nhưng cũng biết tương duyên của mình để tỉnh thức kịp thời. Ngày xưa Khúc Nguyên là một vị quan thanh liêm chính trực, và vì những vị quan trong triều đình là những người tham nhũng, đồi trụy, nên đã khiến cho triều đình bị suy vong . Khúc Nguyên buồn rầu ra ngoài bờ sông toan tự tử, thì có một ông lão đi ngang hỏi rằng: "tôi thấy ngài là một người mặt mày sáng sủa có phong cách uy nghi, có lời nói tao nhã, tại sao ngài lại có ý định tử tự?" thì Khúc Nguyên mới than rằng: "Cả đời thì đục, có mình ta trong, cả đời thì tham chỉ mình ta tịnh, tôi làm quan cho triều đình, mang cả cái tâm huyết củ mình để phục hiến, nhưng tất cả chỉ được đáp lại bằng những sự chua chát phủ phàng, tôi không muốn sống nữa." Ông lão chỉ cười và bỏ đi và hát một bài hát như vầy: "Sông Tương nước đục chảy ra thì ta lội xuống để mà rửa chân, sông Tương nước chảy trong veo thì ta lội xuống rửa mặt, rửa tay" Ông lão muốn nói rằng khi nào nước đục thì chúng ta rửa chân, còn khi nào nước trong chảy ra thì mình xuống để rửa mặt. Thì qúi vị thấy rằng chính hiểu thuyết tương duyên cho chúng ta thấy an lạc, chúng ta sống chấp nhận và chúng ta thích nghi với niềm hạnh phúc của mình. Nhưng điều đó nó quan trọng cũng giống như vấn đề tu thân. Hễ qúi vị muốn học giỏi về toán nên kiếm những người bạn giỏi về toán, muốn giỏi về âm nhạc thì nên có những người bạn giỏi về âm nhạc, muốn giỏi về thể thao nên có những người bạn giỏi về thể thao. Không người nào ở trong cuộc đời này muốn học giỏi mà không có những người bạn học giỏi. Do đó người ta thường nói rằng nếu bạn muốn biết một người khác ra sao hãy nhìn vào những người bạn của họ. Những người bạn chung quanh chúng ta ảnh hưởng chúng ta nhiều lắm, ảnh hưởng ngôn ngữ của chúng ta, ảnh hưởng lời nói, ảnh hưởng việc làm. Chúng tôi đồng ý với qúi vị trong cuộc đời mình có rất nhiều cá nhân họ phát triển về việc làm, họ là những kỳ quan của cuộc đời và đời sống của họ rất đáng, từ tư tưởng đến hành động, đến lối sống và có thể họ rất cô độc, Nhưng mà trên hết và hơn hết, ngoài chuyện tu thân chúng ta biết rằng ở trên những nẻo của cuộc đời mà chúng ta muốn thành công thì chúng ta đều cần có những người bạn tốt và Đức Phật nhấn mạnh ở trong sự tu thân, ở trong con đường tu dưỡng nội tâm, trau dồi giác hạnh, trau dồi pháp ba la mật thì chúng ta cũng cần có sự liên hệ như vậy. Chúng tôi xin chấm dứt ở đây./ |
|