Trang Chinh


LỚP  PHẬT PHÁP - BUDDHADHAMMA

Bài học - Thứ Tư, Ngày 13-2-2013

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

PHẬT HỌC CƠ BẢN

33. KINH PHÚNG TỤNG (SANGÌTI SUTTA) - KINH PHÚNG TỤNG (SANGÌTI SUTTA) - Bảy Pháp - Tưởng niệm thâm ân với Bảy Hạng Người Đáng Kính"

HT Thích Minh Châu Việt dịch

I. Đại lược

Tụng phẩm II

Bảy pháp

8. Này các Hiền giả, có bảy pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là bảy?

i) Bảy tài sản: Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.

ii) Bảy giác chi: Niệm Giác chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi, Ðịnh Giác chi, Xả Giác chi.

iii) Bảy định cụ: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm.

iv) Bảy phi diệu pháp: Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm, liệt tuệ.

v) Bảy diệu pháp: Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo có lòng tín, có tàm, có quý, đa văn, tinh tấn, niệm được an trú, có trí tuệ.

vi) Bảy thượng nhân pháp: Này các Hiền giả, ở đây có vị Tỷ kheo tri pháp, tri nghĩa, tự tri, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân.

vii) Bảy thù diệu sự: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tha thiết hành trì học pháp và khát vọng hành trì học pháp trong tương lai; tha thiết quán pháp và khát vọng quán pháp trong tương lai; tha thiết điều phục các dục vọng và khát vọng điều phục các dục vọng trong tương lai; tha thiết sống an tịnh và khát vọng sống an tịnh trong tương lai; tha thiết sống tinh tấn và khát vọng sống tinh tấn trong tương lai; tha thiết quán sát tư niệm và khát vọng quán sát tư niệm trong tương lai; tha thiết với kiến giải và khát vọng hiểu biết sở kiến trong tương lai.

viii) Bảy tưởng: Vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, hoạn nạn tưởng, đoạn tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng.

ix) Bảy lực: Tín lực, tinh tấn lực, tàm lực, quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

x) Bảy thức trú: Này các Hiền giả, có các loại hữu tình, thân sai biệt và tưởng sai biệt, như loài Người, một số chư Thiên và một số thuộc đọa xứ. Ðó là loại thức trú thứ nhất. Này các Hiền giả, có những loài hữu tình thân sai biệt nhưng tưởng đồng loại, như các vị Phạm Chúng thiên vừa mới sanh lần đầu tiên (hay do tu sơ thiền). Ðó là loại thức trú thứ hai. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, thân đồng loại, nhưng tưởng sai biệt, như chư Quang Âm thiên. Ðó là loại thức trú thứ ba. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình thân đồng loại và tưởng đồng loại, như chư Thiên Biến Tịnh thiên. Ðó là loại thức trú thứ tư. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, vượt khỏi mọi tưởng về sắc, điều phục mọi tưởng về sân, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng Không vô biên xứ: "Hư không là vô biên". Ðó là loại thức trú thứ năm. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, vượt khỏi hoàn toàn hư không vô biên xứ, chứng thức vô biên xứ: "Thức là vô biên". Ðó là loại thức trú thứ sáu. Này các Hiền giả có những loại hữu tình vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, chứng Vô sở hữu xứ: "Không có vật gì cả". Ðó là loại thức trú thứ bảy.

xi) Bảy loại người đáng kính trọng: Câu phần giải thoát, Tuệ giải thoát, Thân chứng, Kiến chí, Tín giải thoát, Tùy pháp hành, Tùy tín hành.

xii) Bảy tùy miên: Dục ái tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên.

xiii) Bảy kiết sử: Ái kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử.

xiv) Bảy diệt tránh pháp: Có khả năng đình chỉ, trừ diệt các tránh pháp đang khởi lên: Ưng dữ hiện tiền tỳ ni, ưng dữ ức niệm tỳ ni, ưng dữ bất si tỳ ni, ưng dữ tự ngôn trị, đa mích tội tướng, đa nhơn mích tội, như thảo phú địa.

Này các Hiền giả, bảy pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch


III. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

1. Xin cho một thí dụ đơn giản để hiểu sự khác biệt giữa tâm giải thoát và tuệ giải thoát. TT Pháp Tân

2. Có thể chăng một người chỉ nhờ vào pháp học mà thành tựu tuệ giải thoát? - ĐĐ Huệ Tiến

3. Phải chăng qua đề tài nầy cho thấy cả hai chỉ và quán đều đắc dụng với hành giả? - TT Pháp Đăng

4. Trong thời kỳ huân tu là thời kỳ tu tập balamat thì có tinh tấn. Tại sao đến giai đoạn 2 là tu Bát Chánh Đạo thì lại khong có nhắc đến tinh tấn? - TT Pháp Tân

5. TT Giác Đẳng tóm tắt bài học

 


Pháp Thoại



Ðại Lễ Rằm Tháng Giêng

Tỳ Kheo Giác Đẳng

Người Việt có câu "phép vua thua lệ làng." Những phong tục dân gian lắm lúc được biết nhiều hơn là những nguyên tắc chánh truyền. Lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng là một trường hợp điển hình. Tên Phạn ngữ của đại lễ là Maghapuja có nghĩa là lễ hội ngày rằm tháng Magha - tương đương với tháng Giêng theo lịch Trung Hoa. Gọi là Thượng Nguyên là cách phân chia theo Âm Lịch cùng với Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên và Rằm tháng Mười là Hạ Nguyên. Người Phật tử Việt Nam thường đi chùa xin dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa tổ chức lễ rất trọng thể.

Ðại lễ Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa: Thứ nhất kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già. Thứ hai kỷ niệm đánh dấu ngày Ðức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa.

Kinh Giải Thoát Giáo - Ovadàpatimokkha- là bài kinh cô đọng về giáo pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Mở đầu bài kinh đức Thế Tôn dạy rằng sự cúng dường đức Phật bằng cách cao quí nhất là sự hành trì Phật Pháp:

Ai hành trì chánh Pháp
Là cúng dường đức Phật
Bằng cách cao quí nhất
Trong các sự cúng dường

Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều: không làm các ác nghiệp, huân tu hạnh lành và thanh lọc tâm ý. Câu kinh nầy đã trở thành lời toát yếu Phật Pháp quen thuộc với mọi người Phật tử:

Không làm các nghiệp ác
Năng tu tập hành hạnh lành
Thanh lọc tâm thạnh tịnh
Là huấn ngôn chư Phật

Tiếp theo đức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị sa môn trên đường đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại. Trước hết là đối với bản thân. Ðức Từ Phụ nhắc nhở về con đường giải thoát mà chư Phật truyền dạy đều đòi hỏi sự kiên tâm. Tự chế không nuôi hiềm hận, nghiêm trì giới luật, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát:

Diệt ác bằng nhẫn nại
Là pháp môn tối thắng
Chứng giải thoát Niết-bàn
Là thành tựu tối thượng

Sa môn không hiềm hận
Luôn tinh nghiêm giới luật
Sống phòng hộ các căn
Tiết độ trong ẩm thực
Sống thanh tịnh độc cư
Hướng tâm cầu giải thoát

Ði xa hơn đức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hoá giải mọi tranh chấp:

Tất cả các hạnh lành
Lớn mạnh nhờ kiên tâm
Với hiền trí trong đời
Dùng nhẫn là sức mạnh

Làm sang bằng nhẫn nại
Làm đẹp bằng nhẫn nại
Làm giàu bằng nhẫn nại
Thành công với nhẫn nại
Những tranh chấp lớn nhỏ
Hoá giải nhờ nhẫn nại

Ðức Phật cũng nêu rõ tôn chỉ hoằng pháp khi Ngài dạy chư Tăng: Ðời sa môn sống vì lợi ích của muôn loài. Không dụ dỗ, hăm dọa, hay dùng phỉ báng, phá hoại tha nhân. Con đường giải thoát giác ngộ là con đường của những người tự giác:

Không mê hoặc, doạ hẩm
Không gây thương tổn ai
Sa môn hoằng đạo cả
Vì lợi lạc cho đời

Một học giả Phật giáo gọi kinh Giải Thoát Giáo là bản tuyên ngôn về tôn chỉ tu tập và hoằng pháp của Tăng lữ. Bản tuyên ngôn đó đã được Ðức Phật long trọng trình bày trước một thính chúng toàn bậc thánh nhơn giải thoát. Tất cả đã im lặng mặc nhiên đón nhận.

Thánh Hội Tăng Già là một sự cố hy hữu xẩy ra duy nhất một lần trong thời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuở ấy, Ðức Ðiều Ngự đang trú ở chùa Trúc Lâm tại thành Ràjagaha. Ðó ngày trăng Rằm tháng Magha (tháng Giêng). Mặc dù không một lời mời nào, 1250 vị thánh Tăng tự vân tập về. Tất cả đều là bậc thánh tứ quả vô lậu giải thoát và đều xuất gia bằng lời gọi của Ðức Phật: "ehi bhikkhu - thiện lai tỳ kheo". Những bậc phước huệ vẹn toàn đó đã ngồi vây quanh dưới chân của Ðấng Ðại Giác trong sự im lặng tuyệt đối. Những lời giản dị nhưng thâm sâu của Phật được đón nhận bởi những tâm hồn cao khiết. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong vườn trúc, tiếng nói giác ngộ được nói lên bởi con người giác ngộ cho một hội chúng giác ngộ. Quả là một cuộc gặp gỡ vô tiền khoáng hậu.

Rằm Tháng Giêng cũng kỷ niệm ngày Ðức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Sau 45 năm hoằng đạo, đức Phật kết thúc năm sau cùng bằng cuộc hành trình dài. Năm ấy Ngài đã 80 tuổi. Con đường từ Ràjagaha về Kusinara ghi lại nhiều sự cố quan trọng. Tại Vesalì, Ðức Ðiều Ngự "với cái nhìn của con voi chúa" đưa mắt quanh núi đồi thanh tú của xứ Vajji lần sau cùng. Buổi trưa hôm đó tôn giả Ananda vị thị giả của đức Như Lai cảm nhận sự rung chuyển mạnh của một cơn động đất trong khi đang thiền tịnh. Tôn giả đến gặp bậc Ðạo Sư và từ kim khẩu của Phật tôn giả được biết rằng Ðức Phật đã quyết định sẽ viên tịch sau 3 tháng tới. Không cầm được nước mắt, người đệ tử trung kiên nầy đã khẩn cầu đức Phật trụ thế lâu hơn. Ðức Phật ôn tồn:

- Hỡi Ananda, các con còn chờ đợi gì nữa ở Như Lai. Giáo pháp đã được truyền dạy đầy đủ không có gì giấu kín. Bốn chúng đệ tử đã được hướng dẫn đầy đủ trong việc tu học. Pháp và Luật đã được giảng giải tường tận.

Rất dễ dàng cho hậu thế chia sẻ tâm trạng của tôn giả Ananda nhưng cũng không thể quên rằng sự hoàn tất ngôi nhà giáo pháp của Ðức Phật là một sự kiện thiêng liêng để kỷ niệm.

Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo - Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Rằm Tháng Tư) và ngày Tăng Bảo (Lễ Kathina tháng Mười.) Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của giáo Pháp nên đại lễ nầy được gọi là Ngày Pháp Bảo.

Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam tại hải ngoại đã thông qua ba ngày lễ trên là những ngày truyền thống của Phật giáo và những ngày lễ chính thức khác trong năm như ngày Cha Mẹ (Vu lan), Ngày Thiếu Nhi (Trung thu) ... Quyết định được công bố vào tháng 11 năm 1997.

Thọ Trì Hạnh Ðầu Ðà là cách cúng dường bằng sự tu tập. Lời xưa Phật dạy ai hành trì chánh pháp là cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng. Nay những đệ tử cúng dường Phật bằng một đêm tu học không ngủ. Chữ đầu đà là phạn âm của từ ngữ Dhutanga có nghĩa là pháp tiêu trừ phiền não. Có tất cả là 13 hạnh đầu đà. Quyển Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga) giải thích tường tận về mỗi hạnh với hiệu năng đối trị những phiền não khác nhau. Hạnh đầu đà trong đại lễ là hạnh sau cùng của mười ba hạnh. Ðây là pháp tiết chế sự mê ngủ bằng cách chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Nói cách khác đây là một đêm không ngủ tu tập cúng dường đức Phật. Thiền sư Buddhadàsa ghi lại những kinh nghiệm bản thân khi Ngài thức đêm thiền định trong rừng: "thế giới về đêm quả có nhiều điểm kỳ diệu. Hình như trong sự yên tĩnh của màn đêm có cả bao nhiêu sự sống động tiềm ẩn. Những ai theo đuổi cuộc sống tinh thần không nên bỏ qua kinh nghiệm quí báu nầy."

Tùy theo mỗi chùa, đêm đầu đà có thể bao gồm nhiều tiết mục tu học. Thường thì gồm có thuyết pháp, luận đạo, tụng kinh, kệ kinh, hành thiền, kinh hành, v.v... Nói chung là những sinh hoạt tu học khó tìm thấy ở những đại lễ khác.

Cúng đèn cũng là một nghi thức đặc biệt của đại lễ. Túc Sanh Truyện cho chúng ta biết không phải chỉ có trong thời Ðức Phật đến nay mới có việc cúng đèn. Từ thời xa xưa đã có cách dúng dường như vậy. Nền văn minh Ấn hà có tục thờ lửa nên xem đèn như như một lễ phẩm quan trọng trong nghi thức tôn giáo. Thời xưa đèn là một nhu yếu cho các pháp hội buổi tối. Vì thế cúng đèn cũng là cúng dường Pháp Bảo. Dù làm cho sáng hay cho đẹp thì theo lý Nhân Quả người cúng đèn có phước quả sanh làm người có gương mặt sáng lạng ngoài ra nếu có nguyện lực cũng là nhân sanh trí huệ. Người Phật tử Việt nam xem hương, đăng, hoa, quả là bốn lễ phẩm cúng dường chính cho bàn thờ.

Vì lễ thọ đầu đà tổ chức buổi tối nên cúng đèn mang lại không khí thiêng liêng đặt biệt. Hai mươi tám (28) ngọn đèn được thắp để cúng dường 28 vị Chánh Ðẳng Chánh Giác như trong Buddhavamsa (Phật sử) ghi chép. Một trăm lẻ tám (108) ngọn đèn để tiêu tai bạt nghiệp từ 6 căn, 6 cảnh, 6 thức thuộc nội phần và ngoại phận trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai ((6+6+6)*2*3=108). Tục cúng cúng sao giải hạn vào lễ Thượng Nguyên cũng lấy việc cúng đèn làm nghi thức chánh.

Nói chung dù theo truyền thống hay tập tục thì lễ Thượng Nguyên vẫn có hai điểm nổi bật là cúng dường ngày Pháp Bảo và cầu an cho bản thân và gia đình./.

Tỳ Kheo Giác Ðẳng                                        

Chùa Pháp Luân, Houston, Texas, U.S.A.
    


Phật cảm thắng ma vương, vậy ma vương ở đây là vô minh hay là một ma lực gì và nguồn gốc của ma lực ở đâu.

TT Giác Đẳng thuyết giảng trong chương trình Phật Học Vấn Đáp

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng giảng: “Thưa qúi vị chúng ta thường có hai khuynh hướng rất cực đoan: một là chúng ta giảng dậy về kinh Phật thì hầu như bất cứ điều gì Ðức Phật Ngài nói giảng trong kinh thì chúng ta đều hiểu nghĩa đen thôi, và ví dụ như Ðức Phật Ngài đề cập đến sự chết, Ngài gọi là tử thần, và trong rất nhiều trường hợp Ngài dùng chữ Diêm Vương để chỉ cho vị vua của cõi địa ngục v.v.. và chúng ta thường hiểu theo nghĩa đen.

Rồi lại có sự hiểu cực đoan khác của chúng ta, là chúng ta cho rằng tất cả mọi thứ đều chỉ là ngụ ngôn, như là Phật tử nói rằng không thật sự có thiên đàng và không có địa ngục, mà thiên đàng và địa ngục chỉ có ở trong tâm của chúng ta mà thôi.

Thiên đàng cũng tại tâm và địa ngục cũng tại tâm, do đó chúng ta nói đến nhân gian tịnh độ, chúng ta thường nghe có hai cách giải rất trái chống với nhau, một bên nói về cảnh cực lạc tức là cõi Phương Tây, rồi có Phật A Di Ðà, rồi có tất cả những gì được mô tả trong kinh A Di Ðà, rồi chúng ta cũng nghe đến một cách giải ngược lại là tịnh độ nhân gian. Ở trong tịnh độ nhân gian thì dầu là chim Anh Võ, bảy hàng cây báu, dầu là Cửu Phẩm Liên Hoa v.v...tất cả đều là những ngụ ngôn, đều là những ẩn dụ về đời sống nội tại của chúng ta, thì hai cách hiểu đó thường kéo sự thảo luận quan điểm của Phật tử về hai phía.

Riêng về câu hỏi Phật cảm thắng ma vương, trước khi trả lời câu hỏi đó như thế nào như câu hỏi của cô Minh Thu, thì chúng tôi xin nói như thế này: Ở trong đạo Phật Ngài có đề cập đến năm thứ ma, ví dụ như là chư thiên ma, pháp hành ma, ngũ uẩn ma, tử thần ma, phiền não ma. Trong năm thứ ma này chúng ta nói đến phiền não cũng là một thứ ma vương, tức là có khả năng để tàn hại khả năng sức chịu, khả năng bức bách chúng sanh trong đời này.

Và chúng ta nói đến chư thiên ma tức là một chúng sanh có nhiều uy lực, uy lực to lớn ở cõi trời tha hóa tự tại, thì chúng sanh này cũng có khả năng để gây ra bao nhiêu sách nhiễu to lớn, nhất là đối với đức đại Bồ Tát. Thì ở đây thưa qúi vị nói về năm thứ ma, chúng ta thấy rằng cả hai đều được đề cập đến trong nghĩa ma có nghĩa là một cá thể, và một cá thể đó có khả năng chi phối rất lớn.

Và ma ở đây thì cũng đề cập đến phiền não ở trong đời sống nội tại của chúng ta, điều đó tương tựa như là một thành phố chúng ta ở, trong đó thì cũng có góc tối của nó, những góc tối của thành phố chúng ta muốn nói đến những điều khó khăn về kinh tế, về chính trị, có những điều đen tối. Nhưng bên cạnh đó không có nghĩa là chỉ có sự đen tối về chính trị, về kinh tế, mà còn có những tay anh chị trong xã hội đen cũng sách nhiễu, cũng có thể gây bao nhiêu phiền toái ở trong xả hội, điều gì cũng có thể có trong đó được.

Hình ảnh Ðức Phật đề cập đến năm loại ma ở đây, thì kể cả chư thiên ma, và kể cả phiền não ma, và chúng tôi không hiểu rằng cô Minh Thu dùng chữ Phật cảm thắng ma vương ở trong tích truyện nào, ở trong giai thoại nào, ở trong đoạn kinh nào.

Nhưng chúng tôi thưa với qúi Phật tử như vầy, theo chỗ chúng tôi hiểu từ kinh điển, thì khi nói Ðức Phật cảm thắng ma vương, thì ma vương đó gồm cả hai thứ ma, là ma vương ở bên ngoài, và ma vương ở bên trong lòng phiền não. Và dĩ nhiên sau khi Ngài đã thành đạo rồi thì ma trong lòng không còn.

Nhưng ma ở bên ngoài nhiều đoạn trong kinh tạng Pali cũng nhắc đến những loài ma, những loài dạ xoa, những loài phi nhân, đi theo để làm phiền Ðức Phật và các đệ tử của Phật. Thì điều này cũng có nhắc đến ma giống như một thế lực, là một chúng sanh có nhiều uy lực, nhưng tâm tư không thiện, tâm tư rất là ma, đó là những gì chúng ta đọc thấy trong kinh điển.

Cho dù chúng ta nhìn đạo Phật ngày hôm nay với khía cạnh nào đi nữa thì chúng tôi tin rằng chúng ta vẫn tôn trọng nguyên tắc truyền thống, nếu ở trong kinh văn đã nói như vậy thì chúng ta chỉ trình bày như vậy, việc chúng ta có tin ma thật hay không đó là một câu chuyện khác. Nhưng theo chỗ chúng tôi biết ở trong kinh thì cả hai thứ ma đó đều có được đề cập đến và Ðức Phật là vị đã cảm thắng cả hai thứ ma đó. Ðó là câu trả lời.

Câu hỏi rằng ma vương có thuộc về ngã qủi không?

- Không, ma vương, loài ma gọi là ma qủi khác với ma vương. Ma qủi là những loài phi nhân. Thường thường chữ ma chúng ta gọi ở bên ngoài giống như ma ám, hay ma nhập. Chữ ma đó thuộc về những loài phi nhân, không có nghĩa gì với điều chúng ta gọi là ma vương hết.

Ma vương thật ra là vị chư thiên, và không phải là vị chư thiên tầm thường, mà là vị chư thiên ở cõi trời cao nhất ở dục giới, cõi trời Tha Hóa Tự Tại, và vị này có rất nhiều phước, nhiều phước lắm, do nhiều phước quá khứ nên vị này có được rất nhiều uy lực, nhưng vì có nhiều tham vọng nên vị này được gọi là một vị ma vương.

Ngạ qủy được xem như là một loài qủy đói, là một trong bốn loài ở trong ác đạo. Thì thưa qúi vị, cũng có những loại ngã qủy, mà họ nửa là ma, nửa là ngã qủy, nửa là chư thiên, có thời gian nửa tháng họ là ma, có khi họ là qủy xứ. Thường loại ngã qủy cũng có nhiều loại chứ không phải chỉ có đơn giản là một cảnh giới sống mà thôi, nhưng ma vương không phải là ngã qủy đó là những gi` mà chúng ta được đọc ở trong kinh Phật

Namo Buddhaya

Minh Hạnh chuyển biên


Người Khéo Léo Sẽ Kết Nhiều Kiểu Vòng Hoa

TTGiác Đẳng thuyết giảng trong rơom Diệu Pháp, kinh Pháp Cú kệ ngôn 94

Như Trúc chuyển biên

TT Tuệ Siêu giảng: Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được kết.
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Yathāpi puppharāsimhā,
kayirā mālāguṇe bahū;
evaṃ jātena maccena,
kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ

TT Tuệ Siêu:Văn xuôi của bài kệ, từ đống hoa người ta nhặt từng cành hoa kết thành tràng hoa. Cũng như thế ấy chúng sanh phải thâu nhặt nhiều lần những hành động tốt. Bài kệ này được Đức Thế Tôn thuyết nhân lễ khánh thành một ngôi chùa do bà Visakha một vị đại thí chủ lừng danh thời Đức Phật xây dựng. Khi đó bà rất hoan hỷ cùng các con cháu đi vòng quanh chùa hát bài kệ tỏ sự thỏa thích. Do sự kiện này Đức Thế Tôn thuyết bài kệ trên

Trong bài kệ đã minh họa một hình ảnh từ một đống hoa người ta nhặt những bông hoa đẹp kết thành nhiều tràng hoa. Cũng vậy với thân sanh tử cần phải làm nhiều thiện sự. Danh từ thân sanh tử jātena maccena, chỉ cho đời sống của chúng ta hay nói cách khác đối với thân tứ đại giả hợp, luôn luôn có sự biến đổi vô thường, sanh, già, bệnh, chết. Tuy nhiên nếu biết tận dụng sắc thân này, kiếp sống này làm nhiều thiện sự thì điều đó sẽ đưa đến nhiều lợi ích.

Như thế nào gọi là nhiều thiện sự kusalaṃ bahuṃ, Thiện sự tức là những phước báu, những hành động do thân, do khẩu, do ý, là nguyên nhân dẫn đến quả hạnh phúc an vui trong đời sau. Lại nữa danh từ thiện có năm nghĩa,
1-Tốt đẹp gọi là thiện
2-Sự khéo léo gọi là thiện
3-Không lỗi lầm gọi là thiện
4-Không bệnh hoạn gọi là thiện
5-Nhân lành đưa đến quả vui gọi là thiện

Hành động nào tốt đẹp gọi là thiện. Tốt đẹp tức là hành động làm với tâm tịnh hảo Sobhana citta hay những tâm thiện kusala citta. Tâm thiện đó được phối hợp bởi những tâm sở tịnh hảo sobhana cetasika. Hảo có nghĩa là tốt đẹp. Vì vậy những hành động được xuát phát từ tâm tịnh hảo là hành động tốt đẹp hay hành động thiện.

Nghĩa thứ hai khéo léo gọi là thiện, vì tâm thiện được phối hợp bởi những tâm sở khéo léo là những tâm sở tịnh hảo như tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, hành xả, tịnh thân, tịnh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, bi, tùy hỷ, trí tuệ v.v… Như vậy được xem như những trạng thái pháp tô điểm cho tâm thiện hành động xử sự một cách khéo léo không có sự vụng về như tâm bất thiện. Điều này chúng ta nên hiểu rằng khi một người hành động hay nói hoặc suy nghĩ với tâm bất thiện thì người đó sẽ nói vụng về, làm một cách thô tháo, suy nghĩ một cách hư hỏng. Ngược lại khi sống bằng tâm thiện, tư tưởng trong sáng khiến cho cử chỉ hành động của chúng ta có sự khôn khéo không gây đau khổ, phiền toái cho chúng sanh khác. Chính lời nói thiện là lời nói khéo léo như khi tiếp xúc với người khác, chúng ta nói với tâm thiện có nghĩa là nói bằng lời chân thật, ái ngữ, hòa hợp, lợi ích, hợp thời.

Lại nữa, tâm thiện là một trạng thái tâm không bệnh hoạn. Quả thật khi khởi lên tâm bất thiện, một chúng sanh luôn luôn có trạng thái phiền muộn, đau khổ như một kẻ bệnh hoạn. Do tư tưởng bệnh hoạn tham, hoặc sân, hoặc si mê nên hành động và lời nói của người đó như một kẻ bệnh hoạn. Hành động, lời nói không có sự nhiệt tình, không tốt, không có tác dụng hữu ích. Cho nên người sống với tâm bất thiện gọi là người bệnh hoạn. Ngược lại khi sống bằng tâm thiện, chúng ta sống với trạng thái tâm không bệnh hoạn, hành động và lời nói không có sự mâu thuẫn, yếu đuối.

Lại nữa, thiện tức là những gì không có lỗi lầm. Một người hành động với tâm thiện luôn có hành động, lời nói tốt đẹp, cho nên không có lỗi lầm. Còn khi hành động hay nói bằng những tư tưởng bất thiện thì mỗi hành động, lời nói sanh khởi đều mang lỗi lầm. Có một vị Tỳ kheo, với lòng từ bi khi trông thấy một con thú đang bị mắc bẫy của người thợ săn, vị ấy động lòng trắc ẩn, khởi tâm bi mẫn tháo gỡ cho nó thoát thân. Với hành động này vị Tỳ kheo áy náy không biết mình có phạm lỗi lầm theo luật Đức Thế Tôn đã chế định hay không.

Vị ấy về bạch với Đức Phật, Đức thế Tôn xác định rằng,

-“Do hành động bằng tâm từ bi cho nên này Tỳ kheo ngươi không phạm tội”

Rồi có một vị Tỳ kheo khác cũng hành động tương tợ như vậy, nhưng vị ấy lại có ý nghĩ, -“Người thợ săn hằng ngày đã làm phiền nhiễu ta, làm cho ta bị động tâm không thể tu tập được. Như vậy ta hãy tháo gỡ con vật này ra để cho người thợ săn bị thất vọng và không lui đến đây nữa.”

Vị tỳ kheo hành động với tư tưởng sai lầm như vậy. Khi bạch trình lên Đức Phật, Ngài xác nhận rằng vị Tỳ kheo ấy đã phạm tội trộm cắp.

Hai mẫu chuyện trong luật đã ghi nhận. Một hành động thiện chắc chắn không có lỗi lầm, còn hành động bất thiện sẽ đưa đến lỗi lầm. Bởi thế tâm thiện có nghĩa là tâm không lỗi lầm.

Xem tiếp


Bấm vào đây để xem mục lục các bài Pháp Thoại


Câu trả lời đúng của câu đố vui là:


 



TIN TỨC PHẬT GIÁO


Khởi Nguồn Chánh Pháp

Tưởng Niệm Đức Phó Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác (1972-2012)

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Trang Tưởng Niệm

Trang Những Tác Phẩm Của Ngài Cố Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Bấm vào đây để xem trang "Hoa Khai Kiến Phật"


Pháp Thoại của TT Viên Giác, Viện Chủ chùa Thông Đoài, Vancouver Canada tin rằng: Hòa Thượng Hộ Giác để lại Xá Lợi, Ngài có thể là một Thánh Tăng của thời cận đại ngày hôm nay

TT Viên Giác thuyết trong ngày lễ Chung Thất của Cố Đại Lão Hòa Thượng ngày 20-1-2013

Minh Hạnh chuyển biên

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay chúng tôi từ Canada, được một duyên lành về đây để cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni và cùng với Phật tử làm lễ nhập tháp cho Hòa Thượng Tăng Thống.

Thưa đại chúng, cứ mỗi lần chúng tôi lên lễ Tổ bên tu viện của chúng tôi, thì trên bàn Tổ chúng tôi có để linh ảnh của Ngài Hòa Thượng trên bàn thờ Tổ, và Tăng Ni chúng tôi mỗi lần lên công phu bái xám đều lạy Hòa Thượng. Bởi vì không ít nhiều mặc dù Hòa Thượng Ngài với chúng tôi là khác về truyền thống nhưng ân đức của Ngài lúc nào cũng trang trải và trở thành năng lượng và có lẽ cái năng lượng đó sẽ đi theo suốt chúng tôi trong hành trình của người con Phật.

Thưa đại chúng. Mỗi lần Hòa Thượng qua thăm anh em chúng tôi thì chúng tôi được hưởng cái năng lượng đó, năng lượng rất là bình an. Hồi sáng TT Giác Đẳng có chia sẻ đó là sự hòa ái. Thưa đại chúng. Nếu một người tu hành mà thiếu đi tánh hoà ái thì e rằng sự tu hành của chúng ta chưa đạt được một kết quả nào. Vì sao? Vì cuộc đời này luôn luôn là sóng gió. Khi chúng ta sanh ra trong cuộc đời này thì chúng ta mang trên thân phận mình năm yếu tố ô nhiễm, đó là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Cõi ta bà này là một ngôi trường rất tốt cho năm loại ô nhiễm phát triển mà làm sao người con Phật chúng ta đi trong cõi ô nhiễm này với tâm hành thật là hoà ái.

Kính thưa đại chúng. Mỗi lần Ngài ngồi bên cạnh chúng tôi, hay chúng tôi được hầu Ngài, Thầy trò đôi khi không cần phải nói gì hết, chúng tôi chỉ cần hưởng thụ sự hoà ái, sự từ tâm của Hòa Thượng tỏa ra thôi, mà đó đã trở thành năng lượng nuôi và giúp đỡ cho anh em chúng tôi những khi mệt mỏi trong cuộc sống đầy phiền lụy này.

Và hôm nay, chúng tôi về đây để được làm lễ nhập thất của Hòa Thượng, và chúng tôi cũng có xem một số hình ảnh về xá lợi của Ngài ở trên mạng.

Thì thưa đại chúng. Trong đời sống của những người xuất gia như Thầy trò anh em chúng tôi, những vị ra đi mà để lại xá lợi thì những vị đó đã diệt tận được các lậu hoặc đó là mười kiết sử.

Mười kiết sử đó là gì? Là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, giới kiến thủ và giới cấm thủ. Thì những ai mà đoạn tận được mười kiết sử đó thì mới đi vào Từ Bi Tam Muội hoặc Định của Tam Muội, mà đối với Hòa Thượng thì chúng ta thấy rằng là Ngài có đức từ bi rất lớn, tất cả những phong ba bão táp của cuộc đời này dồn về phía Ngài, Ngài cứ mỉm cười và đón nhận và cái năng lượng từ bi đó, Ngài giải tỏa rất là nhiều các bão tố cuộc đời luôn luôn từ phía đối nghịch luôn luôn chỉa mũi dùi về Ngài. Và hôm nay bằng chứng Ngài ra đi và Ngài để lại một phần xá lợi của di cốt của Ngài thì đó là một niềm tin vững chắc cho những người xuất gia cũng như tại gia chúng ta giữ vững niềm tin nơi chánh pháp, hãy giữ vững con đường tu tập của mình, như hồi sáng Hòa Thượng Tăng Thống Phật Giáo Nguyên Thủy có nói rằng chúng ta phải cố gắng tu học hiểu biết giáo lý thì chúng ta mới không đi lạc vào tà kiến.

Thưa đại chúng. Nhân đây, chúng tôi cũng xin chia sẻ với đại chúng một chút kinh nghiệm. Sau tang lễ của Đại Lão Hòa Thượng thì có một số người Phật tử hỏi chúng tôi là:

"Bạch Thầy, sao Ngài Hòa Thượng là vị Cao Tăng mà sự ra đi của Hòa Thượng còn bịnh và thấy Ngài có vẻ đau đớn lắm".

Thì chúng tôi có trình bày thế này, chúng tôi chỉ kể một câu chuyện.

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, có trưởng giả Cấp Cô Độc, Ngài có hai người con gái, và cuộc đời của Ngài là luôn luôn làm việc bố thí và cúng dường, Ngài nổi tiếng là cung cấp giúp đỡ cho những người khốn khó. Thì thưa đại chúng. Có những lần Ngài đi làm việc từ thiện ở xa Ngài thường nhờ hai người con gái ở nhà để thay cho Ngài lo cúng dường cho Chư Tăng và phân phát bố thí cho những người nghèo khó. Thì một hôm người con gái út mang trọng bịnh và trong giờ hấp hối báo cho Ngài Cấp Cô Độc biết, Ngài Cấp Cô Độc trở về gấp để thăm người con gái út lần cuối. Trong lòng ông nghĩ là có phải chăng người con gái út này không có gia đình mà các chị đã có gia đình thì vì thế mà người con gái út này mặc cảm tủi buồn mà lâm bịnh hay không. Ông chỉ thấy tiếc thương người con gái chưa có gia đình mà lại ra đi trong tuổi còn xuân. Thì khi ông về đến nhà, cô con gái út nói là:

"Chào em, em mới về đó à".

Thì Ngài Cấp Cô Độc nghe con gái của mình bảo là: "Chào em", thì ông rất là đau lòng, đau lòng bởi vì sao? Bởi vì ông nghĩ rằng là cái giờ cận tử nghiệp đã đến rồi mà nó không tỉnh thức, không tỉnh táo, có nghĩa là nó đi vào hôn mê mà đi vào hôn mê như thế thì sẽ đọa lạc không thể nào sanh về cảnh giới lành được. Thì như thế sau khi cô con gái mất, cái nỗi buồn đau của ông bởi vì người con gái chắc sẽ sanh vào ác đạo, vì thế ông buồn. Rồi một hôm ông đến đảnh lễ Đức Thế Tôn thì Đức Thế Tôn hỏi:

"Này ông Cấp Cô Độc, sao trên mặt ông còn vương nỗi buồn như thế?"

Thì ông nói rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, con buồn không phải vì đứa con gái con đã mất mà con buồn bởi vì nó đọa vào ác thú".

"Thế tại sao ông biết nó đọa vào ác thú?"

"Bạch ĐứcThế Tôn, trước giờ nhắm mắt nó lẫn lộn, nó không biết con là ba của nó, mà nói gọi con là em của nó."

Thì Đức Thế Tôn mới nói:

"Này Cấp Cô Độc, không phải thế đâu, ông là đã chứng quả Tu Đà Hoàn rồi, nhưng con gái út của ông chứng quả Tư Đà Hàm. Có nghĩa rằng xét trên vai vế của đạo thì con gái của ông đã chứng cao hơn ông một bậc nên nó gọi ông là em là đúng rồi".

Thì như vậy, cho đến cái cuộc tử sinh này chúng ta không biết ai là người là Thánh, chả biết ai là phàm, chúng ta đừng có vội phán xét khi chúng ta còn là những kẻ phàm phu lặn ngụp trong cuộc đời sanh tử này, mà sự ra đi của Hòa Thượng là một minh chứng cho chúng ta thấy đó là xá lợi của Ngài để lại. Và trong kinh sách có để lại là "những ai để lại xá lợi thì người đó đã triệt tận tất cả các lậu hoặc thì mới có xá lợi", cho nên chúng tôi tin tưởng và tin tưởng rất mạnh, tin tưởng rất sâu là Hòa Thượng không phải là một vị tu sĩ bình thường mà Ngài có thể là một Thánh Tăng của thời cận đại ngày hôm nay.

A Di Đà Phật.


Video Của Chùa Pháp Luân - Tang Lễ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác


Video 1 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Nhập Kim Quan Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .



Video 2 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Thọ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .



Video 3 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 1) Thấy Phật bằng mắt thấy Phật bằng tâm - TT Giác Đẳng và TT Tuệ Siêu.



Video 4 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 2) Hành trạng một danh Tăng - TT Giác Đẳng và HT. Thiện Tâm và HT. Huyền Việt.




Video 5 của Chùa Pháp Luân - Ngày 16-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Lễ Truy Niệm Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác.



Video 6 của Chùa Pháp Luân - Ngày 16-12-2012 Lễ Tang Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Lễ Trà Tỳ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác.


Hình Ảnh

Hình ảnh Xá Lợi Của Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

 

Bấm vào đây để xem tiếp hình ảnh tang lễ

 

Hình buổi Lễ Truy Niệm (1)

Hình buổi Lễ Tống Kim Quan (1)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (1)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (2)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (3)



Tháp thờ phượng xá lợi Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác.


Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật


Hành Trạng Một Danh Tăng

TT Giác Đẳng, HT Huyền Việt và HT Thiện Tâm

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Trong việc học đạo chúng ta có kinh nghiệm rất quan trọng, đó là, chúng ta học qua kinh điển và chúng ta cũng có thể học qua đời sống của những người hành đạo. Cuộc đời của chính Đức Phật cũng như cuộc đời của các Thánh Đệ Tử của Ngài và sau đó nhiều thế hệ từ đời này qua đời kia thì cuộc đời của chư vị tiền bối những tiền nhân đi trước quả thật cho chúng ta rất nhiều bài học quan trọng.

Chúng tôi nhớ, hồi còn nhỏ có đọc quyển sách trong đó nói rằng: "có rất nhiều người nhờ đọc những gương danh nhân mà từ đó đã thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình". Chúng tôi tin rằng cuộc sống của Đại Lão Hòa Thượng cho chúng ta nhiều bài học ý niệm trong việc tu tập cũng như phục sự. Ngài đã đi một hành trình dài mà có quá nhiều điều để chúng ta có thể trầm tư.

Hôm nay trong tang lễ của Ngài với chương trình của Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật, vào giờ này là 4:00 giờ thứ Tư ngày 12-12-2012, chúng ta đặc biệt có một giờ để chiêm nghiệm. Một giờ chiêm nghiệm hôm nay và ngày mai ngày mốt cho đến thứ Bảy cũng vậy, riêng giờ chiêm nghiệm này chúng ta dành trọn thì giờ để nhắc lại hành trạng của Hòa Thượng thuở sanh thời qua những vị đã từng tiếp xúc đã từng làm việc và đã từng quen biết nhiều với Đại Lão Hòa Thượng.

Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, Ngài là Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada, và cũng là Tổng Ủy Viên đặc trách liên lạc Canada của văn phòng II Viện Hóa Đạo. Có lẽ là một ở trong những vị pháp lữ quen biết với Hòa Thượng rất nhiều năm tháng, nhất là thời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Canada mới vừa thành lập. Năm nào Ngài Đại Lão Hoà Thượng cũng sang Canada để sinh hoạt trong những đại hội, trong những mùa an cư. Chúng tôi nghĩ rằng Ngài Hòa Thượng có nhiều giai thoại nhiều kỷ niệm và nhiều điều để chia sẻ với chúng ta ở trong cái quan hệ thân thiết với Đại Lão Hoà Thượng.

Bên cạnh Ngài, Hòa Thượng Huyền Việt thì có lẽ qúi vị ở đây không có xa lạ gì. Hòa Thượng Huyền Việt là Tổng Ủy Viên Thanh Niên của Giáo Hội Văn Phòng ÌI Viện Hóa Đạo và Hòa Thượng cũng là vị Tổng Ủy Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ. Và thưa quí vị, có lẽ quan hệ của Hòa Thượng Huyền Việt với Đại Lão Hòa Thượng của chúng ta bắt đầu rất sớm, từ thời Hòa Thượng còn ở Việt Nam và sang xứ này thì thật sự ở tại địa phương này thì Hòa Thượng Huyền Việt giống như người anh cả ở trong gia đình và chúng tôi cùng với những Sư khác như là em út sống quây quần bên chân của Hòa Thượng. Do vậy không nói gì với sự hoạt động ở trong Giáo Hội mà chỉ riêng công việc Phật sự tại địa phương này thì Hoà Thượng Huyền Việt cũng có nhiều thỉnh ý Ngài Đại Lão Hòa Thượng.

Do đó trong giờ này khi chiêm nghiệm về hành trạng của một Danh Tăng chúng con xin thay mặt đại chúng cung thỉnh nhị vị Hòa Thượng xin chia sẻ trong chương trình Pháp Hội này.

HT Huyền Việt: Là người sống bên cạnh Hòa Thượng, sống bên cạnh chư anh em huynh đệ đặc biệt dưới mái chùa Pháp Luân, những ngôi chùa thân thương thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đó là, chùa Pháp Luân, chùa Bửu Môn, chùa Liên Hoa, và xa hơn thì có chùa Từ Bi, chùa Huyền Quang. HT Thích Thiện Tâm ngồi bên cạnh chúng tôi là người đã giúp đỡ để làm sao ngôi chùa Huyền Quang với danh nghĩa phương danh của Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống vẫn còn là ngôi chùa với danh hiệu của Ngài phục vụ cho Giáo Hội, phục vụ cho cộng đồng.

Hôm nay với đề tài "hành trình của một danh Tăng" tôi cũng cảm nhận được rằng TT Thích Giác Đẳng, Ngài đã soạn một chương trình tang lễ với Pháp Hội "Hoa Khai Kiến Phật" rất đẹp, được trong nước hội đồng lưỡng viện Chư Hòa Thượng, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Chư Tôn Giáo Phẩm trong Hội Đồng Lưỡng Viện, Chư Tôn trong Văn Phòng ÌI Hội Đồng Điều Hành, và các Châu rất hoan hỉ với chương trình lễ tang đượm nhuần Phật Pháp như vậy.

Và khi nói "hành trình của một vị danh Tăng", ở đây chúng ta muốn nói Đức Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam tức là Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác. Chúng tôi cảm nhận, không biết là có đúng và có đủ không, tức là sinh thời khi Hòa Thượng ra hải ngoại năm 1982 cũng là lúc TT Giác Đẳng cũng có mặt ở tại đây và gần như việc rời khỏi Việt Nam sau biến cố đau thương của dân tộc năm 1975, tất cả chúng ta nói chung, trong đó có Thầy, Tổ, huynh đệ, ngoài đời thì cha mẹ, vợ chồng con cái ra đi như ong vỡ tổ và chúng tôi cũng vậy, Thầy Tổ, huynh đệ cũng vậy, vì đoạn đường rời bỏ Việt Nam không phải là đoạn đường dễ để đến được những xứ tự do. Do vậy, không ai rủ ai, không dám, cho đến lúc nào mình đến được bến bờ tự do rồi thì lúc bấy giờ ngồi tưởng nghĩ lại "phải chi lúc bấy giờ có Thầy Tổ, có huynh đệ, có bạn bè, có cha có mẹ, có anh em đi cùng, vợ chồng đi cùng v.v... nhưng trong khi gặp phải hoạn nạn lao đao trong rừng sâu núi thẳm hay lênh đênh trên biển cả với sóng to gió lớn thì lúc đó chỉ có một mình mình thôi, có rủi ro thì cũng chỉ mình thôi.

Thì sự đến Hoa Kỳ này, Đại Lão Hòa Thượng đã gặp TT Thích Giác Đẳng, và chúng tôi suốt chiều dài hiểu rằng cái gì mà Hòa Thượng phục vụ TT Thích Giác Đẳng thì tùy hỉ 100%, cái gì mà TT Thích Giác Đẳng tuy rằng còn trẻ nhưng mà những gì TT Thích Giác Đẳng hướng nguyện phục vụ, nghĩa là có tài thuyết giảng Phật Pháp, có tài tổ chức, có tài thẩm thấu những thông tin rút lại những thông tin cần phải biết, đặc biệt là những Phật sự lớn của Giáo Hội thì Hòa Thượng và Thượng Tọa như bóng với hình như cặp bài trùng. Khi nói vậy thì nghĩ đến bây giờ Hòa Thượng Thích Viên Lý cũng vậy, như bóng với hình như cặp bài trùng, sinh ra các Ngài trùng hợp với nhau.

Và điều đó nói lên là cái phước của Đại Lão Hòa Thượng Đức Phó Tăng Thống đức rất là lớn. Và ngày hôm nay chúng ta ngồi đây, chúng ta cảm nhận từng giờ, từng phút, từng ngày trôi qua cái đức của Hòa Thượng chúng ta đã hiểu được một chút qua những thông tin, qua những lời đọc từ ngắn đã thấy rằng Hòa Thượng chúng ta quả thật là một vị Danh Tăng đương đại của Phật Giáo Việt nam, của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, của Phật Giáo Bắc Tông, đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hình ảnh nổi bậc của thế kỷ đương đại này, từ Đức Đệ Tam Tăng Thống sau biến cố đau thương cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, Đức Đệ Tam Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Trung Hậu nổi bậc trong cái thế giới sầu, bi, khổ, ưu, não của Việt Nam, của vận mệnh linh đinh của dân tộc.

Sau Đức Đệ Tam Tăng Thống là Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, sau Đức Đệ Tứ Tăng Thống là, Đệ Ngũ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Và ở hải ngoại này sáng chói một vị Danh Tăng đó là Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hình bóng của mỗi Ngài, khi chúng ta nhắc đến như vậy là những hình bóng sừng sững giữa quê hương đau khổ Việt Nam quốc nạn liền kéo theo tôn giáo đảng vào trong đó chúng ta gọi với cụm từ là "Pháp nạn". Các Ngài đã đến để làm một công trình đồ sộ ở giữa loài người đau thương, ở giữ dân tộc đau thương, ở giữa tôn giáo đau thương, ở giữa Phật Giáo đau thương.

Bây giờ chúng ta những người đang ngồi đây, hoặc là chúng ta đã nghe những thông tin xa gần, và thế giới ngày hôm nay. Chúng ta cảm nhận và tri nhận ra rằng Ngài đã đến, Ngài đã đi trong cao trào thông tin đại chúng rộng rãi, do đó những ngày tang lễ từ lúc Ngài sức khỏe kém kéo dài như là cây đèn dầu đã hao, tim đã lụt thì không có gì khác hơn cây đèn sẽ tắt, và đèn đã vụt tắt, Phó Tăng Thống của chúng ta đã ra đi.

Chúng tôi cảm nhận rằng là sự ra đi của Ngài, cuộc đời của Ngài như ngọn đèn, mỗi chúng ta như cây đèn mồi , chúng ta mồi hòai không thấy hết, không lưng cái ánh sáng của đèn gốc, là Ngài, là Hòa Thượng, rồi mỗi ngọn đèn của chúng ta nếu không phát triển thì chỉ bấy nhiêu thôi và nếu phát triển, phát triển ra hoài thì ngọn đèn của mình cũng không lưng.

Tôi cảm nhận được, sự suy nghĩ của tôi với Ngài Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Ngài như ngọn đèn đầu tiên cho tất cả môn đồ pháp quyến, pháp lữ, chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Nam Bắc tông xa gần, chư vị Phật tử, chư vị thiện hữu tri thức, những ai mà biết Ngài, quí Ngài, kính ngài, thương Ngài, thì mỗi người đều như ngọn đèn thắp lên, mồi lên từ ngọn đèn của Ngài.

Như vậy, ngọn đèn đầu tiên vụt tắt đi, vụt tắt đi ngọn đèn đầu tiên, điều đó không có gì là đau buồn, vụt tắt đi chỉ là một hiện tượng, nhưng mà từ ngọn đèn đó biết bao nhiêu ngọn đèn khác được thắp lên, mỗi chúng ta đang ngồi đây là một ngọn đèn dầu mờ hay tỏ chúng ta cũng được mồi từ ánh sáng từ bi, trí tuệ, đại hùng đại lực của Đức Phó Tăng Thống.

Với pháp thoại hôm nay "hành trình của vị Danh Tăng" cá nhân chúng tôi ngồi bên Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, không biết nói gì để mà bộc lộ hết tấm lòng của mình, và tôi cũng không biết nói gì để chúng ta có thể nói hết một nhân vật lỗi lạc kiệt xuất như vậy ở giữa chúng ta.

Ngôn ngữ rất giới hạn, sự hiểu biết của mình có giới hạn, cách trình bày của mình quá giới hạn trong cái con người của Ngài thật là vô hạn. Một chút nào đó của Ngài mà mình thấy mình học hoài không hết, đức nhẫn nại của Ngài nói học hoài không hết, là tôi nói là bản thân của tôi, nhẫn nại, biết Ngài nhẫn nại mà học hoài không hết, cái đức từ ái của Ngài mà mình học hoài không hết, cái thông minh kiệt xuất của Ngài mà mình học hoài không hết, như là một đấng thiên tài ra đời với thiên chức của mình, thiên chức đó là cùng gánh vác cái trọng trách vừa cao cả và bi hùng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ khi Ngài đi khởi từ 1963 cho tới bây giờ Ngài tắt hơi thở ở giữa xã hội Hoa Kỳ nơi đây chúng ta đang ngồi mà thi hài của Ngài còn đó, Ngài đi một cách trọn vẹn, chưa bao giờ thấy Ngài thối thất vai trò trách nhiệm của Ngài đối với Giáo Hội. Và lúc nào Ngài cũng là tàng cao bóng cả cho chư huynh đệ pháp lữ, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, chư Phật tử và đối với đồng hương Việt Nam ở hải ngoại, Ngài là cái chỗ ánh sáng niềm hi vọng.

Và rồi trong tang lễ của Ngài chúng ta ngồi lại với nhau, trên Chư Tôn Đức, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, dưới có nam nữ cư sĩ, huynh trưởng gia đình Phật tử, qúi vị thiện hữu tri thức, chúng ta có chút thì giờ từ hôm nay cho đến Chủ Nhật đối với chúng ta mà ngồi đây tới mấy ngày chúng ta thấy lâu lắm, nhưng nếu chúng ta trầm mình trong biển công đức của Ngài, trong tinh thần phục vụ của Ngài, trong hiến dâng của Ngài, trong từ bi trí tuệ của Ngài, trong ánh sáng của Ngài, trong sự hi sinh của Ngài, chúng ta cảm thấy thời gian quá ngắn để chúng ta ôn, chúng ta chia sẻ, để chúng ta tâm tình, để chúng ta thổn thức ...

Kỳ tới: HT Thích Thiện Tâm "Hành Trạng Một Danh Tăng"


Bấm vào đây để xem trang "Hoa Khai Kiến Phật"


Chùa Pháp Luân

13913 S. Post Oak Rd
Houston TX 77045
Phone: (713) 433-4364
Fax: (832) 550-2889





Trụ Trì: TT. Giác Đẳng (xem tiểu sử)



Thư Mời Đại Lễ Rằm Tháng Giêng

Đại lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng năm nay tại chùa Pháp Luân sẽ được tổ chức trọn đêm Thứ Bảy 23-2-2013

Trong ý nghĩa của Ngày Pháp Bảo (Dhamma’s Day) sẽ có khóa tu học thọ trì hạnh đầu đà với sự hướng dẫn thực hành bát chánh đạo qua hai phương thức chuyên biệt và kết hợp.

Cũng theo phong tục cầu an ngày Rằm Thượng Nguyên sẽ có khóa lễ cầu Tam Bảo Lực trong chương trình đêm tu học. Chương trình từ 7:30 tối đến 5 giờ sáng mở đầu là chánh lễ Thượng Nguyên tiếp theo là nghi thức thọ trì hạnh đầu đà, hướng dẫn ứng dụng bát chánh đạo qua ba công đoạn giới, định, huệ.

Mời quý Phật tử về chùa tham dự chương trình đại lễ Thượng Nguyên để gội nhuần ân lành của chánh pháp và tác phước cho bản thân cùng giao quyến nhân ngày rằm đầu tiên trong năm. Nguyện hồng ân chư Phật gia hộ chúng ta.

Trụ trì                                    

Tỳ kheo Giác Đẳng
             



Thư Mời Tết Nguyên Đán Quý Tỵ

Nhân đầu xuân Quý Tỵ, xin thành tâm kính chúc chư tôn đức Tăng Ni, quý đồng hương, đồng bào Phật tử xa gần tân niên phúc lạc, cát tường và thăng tiến.

Chùa Pháp Luân sẽ tổ chức Tết Nguyên Đán theo dung hợp truyền thống văn hóa Phật giáo và dân tộc theo lịch trình như sau:

GIAO THỪA - TỐI THỨ BẢY 9-2-2013

11:30 Lễ bái Tam Bảo, ba hồi chuông giao thừa, thông điệp tân niên, chú nguyện phước lành, múa lân, thỉnh lộc.

MÙNG MỘT TẾT - CHỦ NHẬT 10-2-2013

10:30 Khóa lễ cầu quốc thái dân an – thuyết pháp: Những Cái Mới Đáng Hoan Hỷ - Trai tăng. 6:30 Lễ Tam Bảo – dâng sớ cầu an tân niên – pháp thoại.

MÙNG HAI TẾT – THỨ HAI 11-2-2013

10:30 Nghi thức Paritta – Thuyết pháp: Niềm Hy Vọng Đích Thực Của Cuộc Sống – Trai Tăng. 6:30 Lễ Tam Bảo – thâm nhập thông điệp xuân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - pháp thoại.

MÙNG BA TẾT – THỨ BA 12-2-2013

10:30 Nghi thức Hướng nguyện Công đức – Thuyết pháp: Tôn Giáo và Văn Hóa trong Ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam – trai tăng. 6:30 Lễ Tam Bảo - tuyên sớ cầu siêu đầu năm – pháp thoại.

MÙNG BỐN TẾT – THỨ TƯ 13-2-2013

Ngày tưởng niệm và sinh hoạt tu học tại Kỷ Niệm Đường Cố Hòa Thượng Hộ Giác từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối.

MÙNG NĂM TẾT – THỨ NĂM 14-2-2013

Hành hương thập tự tri ân các chùa viện tại Houston.

MÙNG SÁU TẾT – THỨ SÁU 15-1-2013

Hành hương thập tự tri ân các chùa viện tại Dallas Fort Worth

Kính mời quý đồng hương, đồng bào Phật tử về chùa đón xuân và cầu nguyện đầu năm. Xin chư thiện thần hộ pháp gia hộ chúng ta.

Trụ trì                                    

Tỳ kheo Giác Đẳng
             


Tin Tức Phật Giáo


Ngày 4-2-2013 - TT Giác Đẳng nói về chương trình sinh hoạt Phật sự trong những ngày Tết Nguyên Đán

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:Ngày hôm qua Chủ Nhật, ở tại thành phố Hololulu, Hawaìi, một phái đoàn của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam tại Hải Ngoại đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm một năm ngày ra đi của Hòa Thượng Giác Tâm là Phó Tăng Thống của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Nghi lễ được tổ chức tại Hawaìi Ala Moana park, nơi này cũng là nơi giữ một phần di cốt của Hòa Thượng. Trong nghi lễ có sự tham dự của một số những đệ tử rất thân với Hòa Thượng và Chư Tăng, sau khóa lễ tụng kinh đã có vài bài nói chuyện của từng vị nhắc về công hạnh cũng như hình ảnh của Hòa Thượng Giác Tâm.

Hòa Thượng Giác Tâm là một người tương đối đặc biệt về thân thế, Ngài vào chùa khi còn nhỏ ở chùa Giác Quang, Sàigòn. Và từ thập niên 50 của thế kỷ vừa rồi, Ngài đã rời Việt Nam để sang Thái Lan học và sau đó Ngài đi sang Singapore, Tích Lan, Pháp và sang Hoa Kỳ.

Trong cuộc sống của Ngài Hòa Thượng Giác Tâm thì bao nhiêu năm sống ở xứ người, Ngài là người đặc biệt thường nói về niềm tin ở Phật Pháp và niềm tin ở năng lực phước lành. Và có lẽ chính về điều này nên chi nhiều đệ tử của Ngài đã có những cách sinh hoạt tương đối rất đặc biệt, lúc nào cũng nghĩ đến việc tu tập tạo phước hồi hướng.

Nghi lễ đã được diễn ra trong vòng hai tiếng. Mặc dù những ngày cuối năm chùa nào cũng bận Tết nhưng Hòa Thượng Chơn Trí, TT Trí Tịnh và cá nhân chúng tôi đã dành thì giờ sang đây cùng với qúi Phật tử để tụng kinh nhân kỷ niệm một năm ngày ra đi của Ngài.

Nói đến ngày Tết thì. Tết Nguyên Đán gần kề và cũng như tất cả các chùa Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại, ngày Tết Nguyên Đán là một ngày Tết có tánh cách văn hóa nhung mà lại là những ngày rất bận rộn. Đa số những người Phật tử về chùa để cầu phước, để cầu an ngày đầu năm. Nhưng, vui xuân ở tại chùa là một trong những nét văn hóa còn gìn giữ tại hải ngoại cho đến ngày hôm nay. Những người già hoặc những người trẻ đều có lý do riêng về chùa.

Một điểm có thể nói liên quan đến các ngôi chùa ở hải ngoại là những bạn trẻ ở trong các tổ chức như Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử thường có một bộ phận chuyên biệt thành lập ra đội lân. Đội múa lân này cung ứng một nhu cầu rất quan trọng cho các cơ sở thương mại khi họ muốn có đội lân múa ở tại các cơ sở của mình. Và ở hải ngoại khi mà nghĩ đến những đội lân thì người ta thường nghĩ đến những đội lân xuất phát từ các chùa. Có lẽ là điều này đã trở nên một nét độc đáo riêng biệt cũng giống như bên Thiên Chúa giáo có những ca đoàn cho chương trình nhạc lễ tại nhà thờ thì tại các ngôi chùa ở hải ngoại các em trẻ thường tổ chức những đội múa lân.

Có thể nói rằng qua những sinh hoạt múa lân thì người ta nhận ra được một điều là các bạn trẻ rất say sưa thích thú đối với môn nghệ thuật truyền thống này. Các em thích đi múa lân, các em thích mặc ở trên người những gì mà có tánh cách làm văn hóa của Đông Phương. Nhưng, cũng có lẽ là sinh hoạt của đội lân đã trở thành một cái sinh hoạt rất là biểu tượng cho những ngày tết và cho một số các sinh hoạt của ngày lễ.

Riêng tại chùa Pháp Luân năm nay, không khí Tết sẽ được diễn ra một cách tương đối nhẹ nhàng, bởi vì sự ra đi của Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, chùa không có trang hoàng ngày Tết giống như mọi năm nhưng thay vào đó thì chùa đặc biệt sẽ dành ra ba ngày trong dịp Tết để tưởng nhớ Hòa Thượng hoặc giả là liên quan đến sự ra đi của Hòa Thượng.

Như tất cả chúng ta đều biết Tết năm nay vào tối thứ Bảy, rất nhiều năm mới có một ngày Tết đón giao thừa vào tối thứ Bảy.

Ngày Mùng Một, Mùng Hai, Mùng Ba sẽ là của những ngày mở cửa để qúi Phật tử đi lễ chùa vào ngày Tết.

Riêng ngày Mùng Bốn thì chùa sẽ có một ngày tu học ở tại tịnh thất của Ngài.

Sau đó, ngày Mùng Năm, Mùng Sáu sẽ có một chuyến đi hành hương thăm viếng các ngôi chùa ở tại thành phố Houston và thành phố Dallas để bày tỏ lòng tri ân về sự giúp đỡ hoặc giả là tham dự tang lễ Ngài của các ngôi chùa địa phương.

Trong thời gian tổ chức tang lễ của Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác ở tại chùa Pháp Luân thì các ngôi chùa và Chư Vị Tăng Ni ở trong vùng đã hết sức tích cực để giúp đỡ như là trang trí hoặc giả là tổ chức đoàn diễn hành.

Và đầu xuân đi thăm viếng các ngôi chùa cũng như bày tỏ lòng tri ân, đó cũng là một điều mà những Chư Tăng và Phật tử tại chùa muốn nói rằng cho dù là ngày Tết Nguyên Đán, ngày mà đa số chúng ta đều thích những cuộc vui, riêng đối với chùa Pháp Luân và đối với Chư Tăng và Phật tử chùa Pháp Luân thì Tết năm nay để dành ra ba ngày để tưởng nhớ và làm những điều gì mà thật sự thấy có ý nghĩa khi mà tưởng nghĩ về Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, một bậc Thầy vừa ra đi.


Video - Chùa Pháp Luân - Lễ Chung Thất và Nhập Thất của Cố Đại Lão HT Thích Hộ Giác


Video Chùa Pháp Luân - Ngày 20-1-2013 Lễ Chung Thất Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .



Video Chùa Pháp Luân - Ngày 20-1-2013 Lễ Nhập Thất Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .


Hình Ảnh Chụp Trong Lễ Chung Thất Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Hình ảnh do Phật tử Trần Kim Long chụp


TT Giác Đẳng trong nghi thức cúng dường Dakkhinadana - 20-1-2013


TT Giác Đẳng trong nghi thức cúng dường Dakkhinadana - 20-1-2013



Hòa Thượng Pháp Nhẫn trong Lễ Chung Thất do Hòa thượng Chơn Trí chủ lễ - 20-1-2013


Lễ Chung Thất do Hòa thượng Chơn Trí chủ lễ - 20-1-2013


Lễ Nhập tháp do Hòa thượng Pháp Nhẫn chủ trì.



Chư Tăng đang làm lễ tại Kỷ Niệm Đường


Bấm vào đây để xem tiếp hình ảnh buổi lễ Chung Thất Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng


Tin Tức Phật Giáo


TT Giác Đẳng nói về chương trình sinh hoạt Phật sự liên quan đến sự ra đi của Hòa Thượng Hộ Giác. Ngày 14-1-2013

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: chúng tôi trở lại một chương trình sinh hoạt Phật sự liên quan đến sự ra đi của Hòa Thượng Hộ Giác. Trong tang lễ của Hòa Thượng được tổ chức trong năm ngày và khi tang lễ diễn ra thông thường thì có rất nhiều chương trình tụng niệm, tuy vậy, chúng tôi đã thay thế vào đó bằng một pháp hội có nhiều bài giảng mỗi ngày và khi chư vị Giảng Sư ở xa về thì chúng tôi cũng mời để giảng dạy. Sau khi tang lễ hoàn tất, thì chúng tôi lại nghĩ đến một chuyện là, thông thường ở trong phong tục của người Việt Nam người Trung Hoa có ba năm cư tang, tức là để tang cho người mất nhất là đại tang thì ba năm, nhưng thật sự chỉ có 24 tháng, như Hòa Thượng mất tháng 12 năm 2012 thì năm tới tháng 12 năm 2013 là tiểu tường tính là năm thứ hai và năm sau nữa là đại tường thì tính là năm thứ ba.

Nhưng chúng tôi thì có một ý nghĩ là ở trong ba năm cư tang này chúng tôi sẽ có một chương trình sinh hoạt đặc biệt thay thế vào phong tục mà chúng ta thường có ở tại phương đông của chúng ta. Điều mà chúng tôi muốn làm đó là mặt dầu Hòa Thượng đã ra đi nhưng tinh thần, phong thái, tình thương và tấm gương sáng của Hoà Thượng sẽ tiếp tục tồn tại ở trong lòng của chúng ta.

Do vậy, chúng tôi đang biến tịnh thất của Ngài trở thành một Kỷ Niệm Đường. Và để thực hiện phần này thì Kỷ Niệm Đường sẽ được lập ngói lại và làm Stucco (tường bằng ciment) ở chúng quanh thay vì bằng siding (tường bằng ván). Thật ra hai điều này chúng tôi đã thưa trước với Hoà Thượng trước đây nhưng làm không kịp thì Ngài đã ra đi.

Và chẳng những vậy, ở tại Kỷ Niệm Đường này, ngoài phòng sinh hoạt lớn tức là trước kia là phòng khách và phòng ăn bây giờ thì chúng tôi cho sửa lại thành nơi diễn giảng.

Ba phòng ngủ còn lại trước kia là phòng ngủ của Hòa Thượng, phòng làm việc của Ngài, đồng thời có một phòng ngủ cho vị thị giả, thì riêng phòng ngủ của Hòa Thượng chúng tôi sẽ giữ nguyên như là lúc Ngài còn sinh tiền, phòng làm việc của Ngài chúng tôi sẽ biến thành nơi để triển lãm một số những hình ảnh văn kiện hiện vật liên quan đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và phòng của thị giả Ngài sẽ được biến cải trở lại thành nơi triển lãm những sinh hoạt của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam ở hải ngoại.

Chương trình làm việc của Kỷ Niệm Đường là, một tuần lễ thì Kỷ Niệm Đường sẽ được đặc biệt mở cửa vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, dĩ nhiên, những ngày còn lại sẽ được mở theo sự thăm viếng yêu cầu riêng của các phái đoàn, nhưng riêng ngày thứ Bảy và Chủ Nhật thì mỗi tuần như vậy chúng tôi sẽ tìm một số người tình nguyện tối thiểu là hai người trực tại Kỷ Niệm Đường từ sáng thứ Bảy cho đến chiều Chủ Nhật tức là liên tục hai ngày, những người này sẽ làm vai trò người đón tiếp các phái đoàn những người đến thăm viếng và hướng dẫn những gì cần thiết.

Ở bên trong Kỷ Niệm Đường sẽ là nơi triển lãm về hình ảnh, video, và những hiện vật liên quan đến cuộc đời của Ngài, chẳng những vậy mà còn là phòng đọc sách. Riêng về phòng đọc sách thì chúng tôi sẽ làm một thư viện điện toán có tất cả là 20 cái Ipad để cho những người đến đọc sách có thể xem hình ảnh của Hòa Thượng và đọc kinh điển qua Ipad thay vì đọc sách ở trên kệ sách và những video liên quan đến Phật học cũng có thể xem xuyên qua những Ipad này .

Điều chúng tôi muốn nói ở tại đây là, khi Hòa Thượng còn sinh tiền hàng năm có nhiều Phật tử ở xa như ở Âu Châu, Canada, Úc hoặc ở những tiểu bang xa xôi về tham dự như là thăm Hòa Thượng, bây giờ thì khi Ngài Hòa Thượng ra đi thì những vị này vẫn có thể về thăm viếng Hòa Thượng nhưng chúng tôi kêu gọi qúi vị đó trở thành những người thiện nguyện công quả để đứng ra đón tiếp những phái đoàn và những khách đến thăm viếng. Điều mà chúng tôi muốn làm là Chư Tăng và Phật tử ở trong chùa cũng như thân thích của Ngài Hòa Thượng sẽ giống như những người con ở trong gia đình đón tiếp những người khách ở xa về thăm viếng Hòa Thượng. Và như vậy những vị nào từ ở những phương trời xa xôi, thí dụ như một Phật tử Âu Châu mà hàng năm muốn sang để thăm Hòa Thượng mà bây giờ Hòa Thượng không còn nữa thì qúi vị có thể tình nguyện công quả hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật ở tại Kỷ Niệm Đường để làm công việc của một người đón tiếp hướng dẫn cho các phái đoàn và các Phật tử đến thăm viếng.

Và liên tục ở trong 24 tháng thì chúng tôi sẽ mời thỉnh những vị Giảng Sư, mời Chư Tăng, mời những vị cư sĩ Phật tử đã từng quen biết với Ngài để mỗi một tuần lễ sẽ có một đề tài nói chuyện về Phật Pháp hay là những kỷ niệm liên quan đến Ngài. Chúng tôi lấy ví dụ là, một Phật tử ở Minnesota vốn rất thân với Hòa Thượng và hai vị đó đã tình nguyện về vào tháng 10 năm nay để giúp cho một cuối tuần, và chẳng những vậy mà hai vị này lại thỉnh theo bốn nhà Sư người Cambochia đến để trình bày những nét đẹp của nền văn hóa Cambochia ở tại tịnh thất của Ngài, vì hai vị này nghĩ rằng lúc Ngài còn niên thiếu Ngài đã từng sống ở Cambochia và văn hóa của Cambochia đã trở thành một phần ở trong cuộc sống của Ngài nên hai vị này muốn làm một cuộc cúng dường bằng cách là thỉnh Chư Tăng về trong thời gian đó, sẽ tụng kinh, sẽ kệ kinh, và đồng thời nói lên một số điểm liên quan đến Phật Giáo Cambochia. Thì đó cũng là một dịp tốt để qúi Phật tử đến thưởng lãm một nền văn hóa Phật Giáo lân cận và đồng thời chúng ta cũng nhắc nhiều về Ngài Hòa Thượng qua sinh hoạt như vậy.

Thì mỗi tuần lễ như vậy sẽ có một người được mời đến nói chuyện tại Kỷ Niệm Đường.
- Sinh hoạt hàng tuần của chùa Pháp Luân từ 12 giờ cho đến 2 giờ
- và từ 2 giờ cho đến 4 giờ là sinh hoạt tại Kỷ Niệm Đường của Ngài tức là tại tịnh thất của Ngài bây giờ biến thành Kỷ Niệm Đường.

Và cũng là một nỗ lực của chúng tôi là mỗi một tuần lễ sẽ in một ấn phẩm khổ nhỏ như là một booklet. Quí vị nào mà có đọc quyển "Những bước thăng trầm" hay quyển "Bông hồng cái áo" thì đó là tiểu phẩm nhỏ, mỗi tuần in một tiểu phẩm như vậy, trong 52 tuần lễ chúng ta sẽ có 52 tiểu phẩm và những tiểu phẩm này mang những nội dung có tánh cách thực dụng ở trong đời sống vừa làm công đức pháp thí để cúng dường đến Hòa Thượng mà vừa làm một nét đặc biệt trong sinh hoạt của Kỷ Niệm Đường. Chúng tôi mong rằng, Ngài Hòa Thượng là một người rất ưa chuộng đọc kinh đọc sách thì khi Ngài ra đi rồi những tác phẩm như vậy sẽ là những món quà rất có ý nghĩa để dâng lên Hòa Thượng.

Khi xây dựng Kỷ Niệm Đường để tưởng nhớ Hòa Thượng chúng tôi không nghĩ đơn thuần đó là chỉ là một ngôi nhà kỷ niệm mà chúng tôi muốn đó là một nơi mà Phật tử có thể quây quần tìm được không khí ấm cúng trong sự tu học trong sự hoan hỉ trong sự an lạc và những người Phật tử từ xa về nếu muốn thăm Ngài thì có thể trở thành những người Phật tử công quả, trở thành những người đứng ra để đón tiếp, để hướng dẫn qúi Phật tử và các phái đoàn, thì như vậy tất cả chúng ta sẽ cùng tưởng nhớ Ngài một cách có ý nghĩa.


Chùa Sanjusangen-dō'- Một kiến trúc tuyệt vời của nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản

Viết Bởi Igor I. Solar, Digital Journal, Jan 17, 2013
Nguyễn Văn Hoà Việt dịch

Chua Sanjusangen-dō

Kyoto, Nhật Bản -- Chùa Sanjusangen-dō tọa lạc tại thủ đô Kyoto, Nhật Bản, là nơi thờ phượng hơn 1000 tôn tượng gỗ được chạm khắc, phủ vàng lá, các tôn tượng có niên đại từ thế kỷ Mười ba, là một trong những tài sản văn hóa nổi bật nhất của Phật giáo Nhật Bản .

Tên chính thức của ngôi chùa Phật là "Renge-o-in", có nghĩa là "đền thờ của Vua Lotus", nhưng được biết đến nhiều hơn với cái tên là "Sanjusangen-dō ", có nghĩa là "Đại sảnh với số 33 cột trụ chống đỡ". Tên này đề cập đến 33 khoản không gian nằm giữa các trụ cột giữ mái nhà của đại sảnh dài 120-mét, được coi là một trong những kiến bằng gỗ dài nhất thế giới.

Con số 33 có một ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng Phật Giáo. Liên quan đến 33 hình thái của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, là vị Bồ Tát Từ Bi Cứu Khổ Cứu Nạn, thị hiện với mục đích cứu con người khỏi nguy hiểm và đau khổ, và trao sự thịnh vượng và hạnh phúc cho những người cầu nguyện.

Trong Phật giáo, Đức Quán Thế Âm không nhất định là nam hay nữ, đôi khi là nam và cũng có khi là nữ, với thuộc tính chính là "thấy và nghe" tất cả những nỗi thống khổ và sự cầu xin giúp đỡ và sự cứu rỗi. Đức Quán Thế Âm, là một trong Bồ Tát được thở nhiều tại Nhật Bản và tất cả các khu vực châu Á là một "Bồ Tát" (aka Bosatsu), có nghĩa là một người đã đủ để đạt được "giác ngộ" (đạt Niết Bàn), nhưng vẫn còn thị hiện để nghe những nỗi thống khổ của con người và giúp đỡ những người gặp khó khăn, khổ nạn.

Chùa Sanjusangen-dō có từ năm 1164. Chùa được xây dựng tại thủ đô Kyoto theo lệnh của Hoàng đế Go-Shirakawa (1127 - 1192), một người tôn kính Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người thực hiện những nỗ lực tuyệt vời để mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước Nhật bằng cách truyền bá đức tin Phật giáo. Đại sảnh cũ chỉ có 124 tôn tượng đứng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Vào năm 1249, ngôi chùa bị thiêu hủy trong lửa, nhưng những bức tượng đã được cứu kịp. Đại sảnh được xây dựng lại vào năm 1266 theo phong cách tương tự như kiến trúc ban đầu. Kể từ năm 1266, chùa đã được trùng tu lại bốn lần, nhưng phong cách vẫn như ngôi chùa cũ của thế kỷ XIII.

Những tác phẩm của nhà điêu khắc Tankei

Viết Bởi Igor I. Solar, Digital Journal, Jan 17, 2013
Nguyễn Văn Hoà Việt dịch

Chua Sanjusangen-dō

Các nhà điêu khắc nổi tiếng Nhật Bản Tankei (1173 - 1256), với hai cháu trai và khoảng 70 đệ tử của ngài, những nhà điêu khắc Phật giáo từ Kyoto và Nara, đã phục hồi 124 bức tượng gốc được lưu lại từ đám cháy, và tạo ra bức tượng Quan Thế Âm lớn trong tư thế ngồi tại trung tâm, và 876 pho tượng Quán Thế Âm nhỏ, có 28 vị thần giám hộ chịu trách nhiệm bảo vệ Phật giáo và bảo vệ tất cả các tôn tượng Quán Thế Âm, cộng thêm hai bức tượng của thần gió và thần sấm sét.

Hiện nay, chùa là nơi thờ 1.031 bức tượng, như là bộ sưu tập lớn nhất và tốt nhất của Nghệ thuật Phật giáo tại Nhật Bản. Những bức tượng được coi là tài sản quốc gia hoặc có giá trị như là tài sản văn hoá quan trọng của Nhật Bản.

Tôn tượng Bồ Tát chính của ngôi chùa, Quán Thế Âm Bồ Tát cao 3,4 m trong thế ngồi tráng với một kết sơn và phủ lá vàng. Hai tay chắp trước ngực, như là một dấu hiệu của sự được tôn trọng.

Ở mỗi bên của tôn tượng chính, có 500 tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng với kích cỡ (khoảng 1,6 mét) được khắc trên cây bách Nhật Bản và cũng được phủ vàng lá. Được đặt trên 10 bậc tăng dần lên cao mỗi bậc có 50 bức tượng

1000 bức tượng rất giống nhau, sự khác biệt nếu có thì rất nhỏ có thể nhìn kỹ trong các biểu hiện của mắt và khuôn mặt của mỗi bức tượng. Ngoài ra, một số bức tượng mỏng hơn so với những bức tượng khác và trong một số trường hợp, y áo cũng cho thấy sự khác biệt nhỏ.

Hai mươi tám vị thần hộ pháp đứng trong một đường thẳng, phía trước hàng các tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, có 30 bức tượng biểu hiệ cho 28 vị thần hộ pháp là những vị có nhiệm vụ bảo vệ Đức Quán Thế Âm là những người tôn kính và tin tưởng vào Đức Quán Thế Âm. Ở đầu mỗi hàng có hai tượng được mô tả là thần Raijin, vị chúa tể của sấm sét và thần Fujin vị chúa tể của gió. Những tôn tượng của những vị thần hộ pháp có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ, và họ có tên Nhật Bản, nhưng cũng được biết đến bằng tên trong tiếng Phạn, ngôn ngữ Indo-Aryan cổ đại được sử dụng như ngôn ngữ học, văn học và thiêng liêng của Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Những tôn tượng này có kích thước khoản từ 1,56 và 1,70 mét. Tùy thuộc vào chức năng của họ hoặc các thuộc tính thần thoại, hoặc có biểu hiện hòa bình và giữ các dụng cụ âm nhạc, hoặc họ có hiển hiện sự khốc liệt, sự giận dữ, cho thấy các cơ bắp hoặc mặc áo giáp và giữ vũ khí. Một vài bức tượng có tinh thể mắt bóng truyền đạt một biểu thức thực tế cho đôi mắt và khuôn mặt.

Các tôn tượng của chùa Sanjusangen-do là tài sản quan trọng của văn hóa và ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ phát và nghệ thuật của Nhật Bản. Mỗi bức tượng ở ngôi đền này, bao gồm 1001 tôn tượng của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và các vị thần hộ pháp, rất là đẹp, nhưng tầm ảnh hưởng của hơn một nghìn bức tượng trong hơn bảy thế kỷ, và được hiển thị như là một khối, rất sâu rộng.


Danh Ngôn Thế Giới - Lời Hay Ý Đẹp

Trong thiên hạ có ba cái nguy:
Đức ít mà được ân sủng nhiều.
Tài kém mà ở địa vị cao.
Thân không lập được công to mà hưởng bổng lộc nhiều.
Hòai Nam Tử .


Chuyện Cười

Xui xẻo đủ đường

Một người đàn ông với vẻ mặt buồn bã đang ngồitrong quán bar. Ông ta nhìn vào ly rượu trước mặt suốt nửa tiếngđồng hồ như muốn tự đắm mình trong cái ly. Một thanh niên bước vàoquán, đến ngồi bên cạnh người đàn ông, vỗ mạnh vào lưng ông, cầm lyrượu đặt trên bàn và uống cạn. Người đàn ông thấy vậy khóc òa lên... Anh thanh niên vội nói:

- Thôi mà, ông đừng khóc nữa. Tôi chỉ muốn đùa thôi! Tôi sẽ gọi một ly khác cho ông...

- Không phải tôi khóc vì chuyện này - Người đànông giải thích - Hôm nay là ngày tồi tệ nhất trong đời tôi. Buổisáng, tôi đã thức dậy muộn và đi làm trễ. Sếp nổi giận và cho tôinghỉ việc. Khi ra khỏi văn phòng, tôi phát hiện chiếc xe của mìnhđã bị đánh cắp. Cảnh sát cho biết không thể làm gì và tôi sẽ khôngbao giờ tìm lại được chiếc xe... Sau đó tôi đã đón taxi để về nhà,nhưng khi ra khỏi xe, tôi lại bỏ quên chiếc ví trên ghế nệm và xeđã chạy mất. Lúc bước vào nhà, tôi nhìn thấy vợ mình đang ở trêngiường cùng với ông hàng xóm. Tôi ra khỏi nhà và quyết định kếtliễu cuộc đời mình. Tôi vào quán bar này và khi định chết, thì anhđến và đã uống cạn ly rượu có chứa thuốc độc của tôi...



Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Gà rừng và cáo

Gà rừng đậu trên cây. Cáo đi tới gần và bảo:

- Chào anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi ! Vừa nghe thấy tiếng gáy lảnh lót của bạn, tôi liền tìm đến thăm bạn ngay.

- Cám ơn lời lẽ chân tình của chị - Gà rừng trả lời.

Cáo giả bộ không nghe thấy, nó nói tiếp: - Anh bạn nói gì thế ? Tôi không nghe thấy gì. Anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi, giá bạn xuống bãi cỏ này mà dạo chơi, chuyện trò với tôi, chứ ở trên cây tôi chẳng nghe rõ.

Gà rừng bảo:

- Tôi sợ xuống bãi cỏ. Họ nhà chim muông chúng tôi đi dưới mặt đất nguy hiểm lắm.

- Hay bạn sợ tôi ? -Cáo hỏi - Không phải sợ chị, mà tôi sợ là sợ các con thú khác - Gà rừng trả lời - Trên đời có đủ loại thú khác nhau.

- Không, anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi, vừa có lệnh ban bố rằng trên khắp mặt đất này hoà bình rồi.

- Thế thì tốt - Gà rừng nói - chứ không thì thấy bầy chó đang chạy kia, cứ theo lệ cũ thì chị hẳn đã phải chuồn cho mau rồi, còn bây giờ thì chị chẳng phải lo sợ gì nữa.

Cáo nghe nói đến chó, vểnh tai lên và đã toan bỏ chạy.

- Chị định đi đâu thế ? -Gà rừng nói - Bây giờ lệnh đã ban bố rồi kia mà, chó sẽ không động đến chị.

- Nhưng ai mà biết được - Cáo nói - Có thể bọn họ chưa nghe gì về lệnh ấy.

Và nó ù té chạy.


Cổ Học Tinh Hoa

86. CỨU NGƯỜI LÚC NGUY CẤP

Trang Chu nghèo túng sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói: “Tôi có cái ấp, người ta sắp nộp tiền thóc, tôi sẽ cho ông vay ba trăm lạng, ông có bằng lòng không?”

Trang Chu giận nói: “Khi Chu đến đây, đi giữa đường nghe có tiếng gọi, ngoảnh lại thấy một con cá đang ngắc ngải trong cái vết bánh xe. Chu này hỏi: Cá ở đây làm gì thế? -Cá đáp: Tôi là thủy thần ở bên bể Đông mắc nạn tại đây, ông có thể cho tôi bát nước để cứu tôi lúc nguy cấp này không? -Chu này bảo: Để tôi qua chơi nước Ngô, nước Việt rồi lấy nước sông Tây Giang về đón ngươi, ngươi có bằng lòng không? Cá giận nói: Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi được một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế; đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi.”

Thuyết Uyển


GIẢI NGHĨA

Ngụy Văn Hầu: Văn Hầu nước Ngụy, cứ theo sách Trang Tử tuyết thi là Giám Hà Hầu


LỜI BÀN


          Thành Tâm Cầu Nguyện.

Cố Tu Nữ Diệu Từ thân mẫu TT Giác Đẳng mãn phần ngày 8 tháng 8 năm 2010 được về cõi an lạc.

Xem Tiếp.


DVD Hành Hương Ấn Độ tháng 3 năm 2010

Lưu Ý: Tất cả 15 DVD đã được đưa vào trang web

Bấm vào hàng dưới để coi DVD

Mục Lục DVD Hành Hương Ấn Độ


Bấm vào đây để xem Tin Tức Phật Giáo Lưu Trữ


 
Free Hit Counters
Powered by technology.