*
Trang Chinh


LỚP  PHẬT PHÁP - BUDDHADHAMMA

Bài học - Thứ Hai, Ngày 14-1-2013

NĂM LẠC THÀNH CHÙA PHÁP LUÂN


Giảng Sư: TT Giác Đẳng

PHẬT HỌC CƠ BẢN

33. KINH PHÚNG TỤNG (SANGÌTI SUTTA) - xxv) Năm giải thoát xứ: .

HT Thích Minh Châu Việt dịch

I. Đại lược

1. Này các Hiền giả, có năm Pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

i) Năm uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

ii) Năm thủ uẩn: Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

iii) Năm dục công đức: Sắc do nhãn nhận thức. Sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Tiếng do tai nhận thức... Hương do mũi nhận thức... Vị do lưỡi nhận thức... Xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn.

iv) Năm thú: Ðịa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, Người, chư Thiên.

v) Năm xan tham: Xan tham đối với trú xứ, xan tham đối với gia đình, xan tham đối với các vật thâu hoạch, xan tham đối với sắc, xan tham đối với pháp.

vi) Năm triền cái: Tham dục triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi triền cái.

vii) Năm hạ phần kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân.

viii) Năm thượng phần kiết sử: Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh.

ix) Năm học xứ: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngôn, không uống các loại rượu.

x) Năm bất năng xứ: Này các Hiền giả, một vị Lậu tận Tỷ kheo không thể cố sát hại đời sống loài hữu tình. Một vị Lậu tận Tỷ kheo không thể cố ý lấy của không cho gọi là trộm cắp. Một vị Lậu tận Tỷ kheo không thể cố ý hành dâm. Một vị Lậu tận Tỷ kheo không thể cố ý tự mình biết mà nói láo. Một vị Lậu tận Tỷ kheo không thể tiêu dùng các vật chứa cất vào các thú vui dục lạc như khi còn là cư sĩ.

xi) Năm sự tổn thất: Thân thuộc tổn thất, tài sản tổn thất, tật bệnh tổn thất, giới tổn thất, kiến tổn thất. Này các Hiền giả, không có loài hữu tình nào, vì thân thuộc tổn thất, vì tài sản tổn thất, hay vì tật bệnh tổn thất, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, có loài hữu tình, vì giới tổn thất hay vì kiến tổn thất, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

xii) Năm sự thành tựu: Thân thuộc thành tựu, tài sản thành tựu, vô bệnh thành tựu, giới thành tựu, kiến thành tựu. Này các Hiền giả, không có loài hữu tình nào, vì thân thuộc thành tựu, vì tài sản thành tựu hay vì vô bệnh thành tựu, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, đời này. Này các Hiền giả, có các loài hữu tình, vì giới thành tựu hay vì kiến thành tựu, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, đời này.

xiii) Năm điều nguy hiểm của người ác giới, phạm giới: Này các Hiền giả, người ác giới, vì phạm giới luật, do phóng dật thiệt hại nhiều tài sản. Ðó là điều nguy hiểm thứ nhất của người ác giới, phạm ác giới. Lại nữa, này các Hiền giả, với người ác giới, phạm ác giới, tiếng xấu đồn khắp. Ðó là điều nguy hiểm thứ hai của người ác giới, phạm ác giới. Lại nữa, này các Hiền giả, với người ác giới, phạm ác giới, khi vào hội chúng nào, hội chúng Sát đế ly, hội chúng Bà la môn, hội chúng Cư sĩ hay hội chúng Sa môn, người ấy vào một cách sợ sệt và dao động. Ðó là điều nguy hiểm thứ ba của người ác giới, phạm ác giới. Lại nữa, này các Hiền giả, người ác giới, phạm ác giới, khi mệnh chung, chết một cách mê loạn. Ðó là điều nguy hiểm thứ tư của người ác giới, phạm ác giới. Lại nữa, này các Hiền giả, người ác giới, phạm ác giới, khi thân hoại mạng chung sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðó là điều nguy hiểm thứ năm của người ác giới, phạm ác giới.

xiv) Năm điều lợi ích của người đủ giới, giữ giới: Này các Hiền giả, ở đây người đủ giới, giữ giới, nhờ không phóng dật nên được tài sản sung túc. Ðó là điều lợi ích thứ nhất cho người đủ giới, giữ giới. Này các Hiền giả, lại nữa người đủ giới, giữ giới được tiếng tốt đồn khắp. Ðó là điều lợi ích thứ hai cho người đủ giới, giữ giới. Này các Hiền giả, với người đủ giới, giữ giới, khi vào hội chúng nào, hội chúng Sát đế ly, hội chúng Ba la môn, hội chúng Cư sĩ, hội chúng Sa môn, vị ấy vào một cách đàng hoàng, không dao động. Ðó là điều lợi ích thứ ba cho người đủ giới, giữ giới. Này các Hiền giả, lại nữa người đủ giới, giữ giới khi mệnh chung chết một cách không mê loạn. Ðó là điều lợi ích thứ tư cho người đủ giới, giữ giới. Này các Hiền giả, lại nữa người đủ giới, giữ giới, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy là điều lợi ích thứ năm cho người đủ giới, giữ giới.

xv) Năm pháp nội tâm: Này các Hiền giả, năm pháp nội tâm một vị Tỷ kheo cần phải có nếu muốn chỉ trích một vị khác: "Tôi nói đúng thời, không phải phi thời. Tôi nói đúng sự thật, không sai sự thật. Tôi nói một cách từ tốn, không nói lời ác khẩu. Tôi nói lời có lợi ích, không nói lời không có lợi ích. Tôi nói lời có lòng từ, không phải lời sân hận". Này các Hiền giả, như vậy là năm pháp nội tâm một vị Tỷ kheo cần phải có, nếu muốn chỉ trích một vị khác.

xvi) Năm cần chi: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai - "Ðây là Thế tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Vị ấy thiểu bệnh, thiểu não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với sự tinh tấn. Vị ấy không lường đảo, dối gạt, nêu rõ tự mình như chơn đối với bậc Ðạo Sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các vị đồng phạm hạnh. Vị ấy sống siêng năng, tinh tấn, từ bỏ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, cương quyết, kiên trì nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sự sanh diệt của các pháp, thành tựu Thánh quyết trạch, đưa đến sự đoạn diệt chơn chánh các khổ đau.

xvii) Năm tịnh cư: Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Hiện thiên, Thiện Kiến thiên, Sắc Cứu Cánh thiên.

xviii) Năm bất hoàn: Trung gian Bát Niết bàn, Sanh Bát Niết bàn, Vô hành Bát Niết bàn, Hữu hành Bát Niết bàn, Thượng lưu thú A-ca-ni-sá.

xix) Năm tâm hoang vu: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Ðạo Sư. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Ðạo Sư, vị Tỷ kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất.

Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo nghi ngờ ... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học Pháp...

Lại nữa vị Tỷ kheo tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Hiền giả, khi một vị Tỷ kheo tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu, vị Tỷ kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là tâm hoang vu thứ năm.

xx) Năm tâm triền phược: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục vọng. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với ác dục vọng, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy là tâm triền phược thứ nhất. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo, tâm không ly tham đối với các thân... Như vậy là tâm triền phược thứ hai... Ðối với các sắc, tâm không ly tham... Ðây là tâm triền phược thứ ba. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo không ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, hưởng thọ sự sung sướng về nằm ngủ, sự sung sướng về xúc chạm, sự sung sướng về thụy miên... Ðây là tâm triền phược thứ tư. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo sống đời sống phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư Thiên: "Với nghi thức này, với giới luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác". Này các Hiền giả, khi vị Tỷ kheo sống đời sống phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư Thiên: "Với nghi thức này, với giới luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ trở thành loại chư Thiên này hay chư Thiên khác". Tâm của vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy là tâm triền phược thứ năm.

xxi) Năm căn: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

xxii) Lại năm căn khác: Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

xxiii) Lại năm căn khác: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

xxiv) Năm xuất ly giới: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo, có tác ý đối với dục vọng, tâm không hướng nhập dục vọng, không tín lạc, không an trú, không bị chi phối bởi dục vọng. Khi vị này có tác ý đối với ly dục, tâm hướng nhập ly dục, tín lạc, an trú và bị chị phối bởi ly dục, tâm của vị ấy khéo ly, khéo tu, khéo khởi, khéo giải thoát, khéo ly hệ đối với các dục lạc. Và các lậu hoặc, các tổn hại, các nhiệt não khởi lên do duyên các dục lạc, vị ấy đối với chúng được giải thoát, không còm cảm thọ cảm giác ấy. Như vậy được gọi là giải thoát đối với các dục vọng.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo có tác ý đối với sân hận, tâm không hướng nhập sân hận, không tín lạc, không an trú, không bị chi phối bởi sân hận. Khi vị này có tác ý đối với vô sân, tâm hướng nhập vô sân, có tín lạc, có an trú, có bị chi phối bởi vô sân, tâm vị ấy khéo ly, khéo tu, khéo khởi, khéo giải thoát, khéo ly hệ đối với vô sân. Và các lậu hoặc, các tổn hoại, các nhiệt não khởi lên do duyên với sân, vị ấy đối với chúng được giải thoát, không còn cảm thọ cảm giác ấy. Như vậy được gọi là giải thoát đối với sân hận.

Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo, có tác ý đối với hại tâm, tâm không hướng nhập hại tâm, không tín lạc, không an trú, không bị chi phối bởi hại tâm. Khi vị này có tác ý đối với ly hại tâm, tâm hướng nhập ly hại tâm, tín lạc, an trú, bị chi phối bởi ly hại tâm. Tâm vị ấy khéo ly, khéo tu, khéo khởi, khéo giải thoát, khéo ly hệ hại tâm. Và các lậu hoặc, các tổn hại, các nhiệt não khởi lên do duyên với hại tâm, vị ấy đối với chúng được giải thoát, không còn cảm thọ cảm giác ấy. Như vậy được gọi là giải thoát đối với hại tâm.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo, có tác ý đối với sắc, tâm không hướng nhập vào sắc, không tín lạc, không an trú, không bị chi phối bởi sắc. Khi vị này có tác ý đối với vô sắc, tâm hướng nhập vô sắc, tín lạc, an trú, bị chi phối bởi vô sắc. Tâm vị ấy khéo ly, khéo tu, khéo khởi, khéo giải thoát, khéo ly hệ đối với sắc. Và các lậu hoặc, các tổn hại, các nhiệt não khởi lên do duyên với sắc, vị ấy đối với chúng được giải thoát, không còn cảm thọ cảm giác ấy. Như vậy được gọi là giải thoát đối với sắc.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo có tác ý đối với tự thân, tâm không hướng nhập tự thân, không tín lạc, không an trú, không bị chi phối bởi tự thân. Khi vị này có tác ý đối với thân diệt, tâm hướng nhập thân diệt, tín lạc, an trú, bị chi phối bởi thân diệt. Tâm vị ấy khéo ly, khéo tu, khéo khởi, khéo giải thoát, khéo ly hệ thân diệt. Và các lậu hoặc, các tổn hại, các nhiệt não khởi lên do duyên với tự thân, vị ấy đối với chúng được giải thoát, không còn cảm thọ cảm giác ấy. Như vậy được gọi là giải thoát đối với tự thân.

xxv) Năm giải thoát xứ: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo, khi nghe bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính nào thuyết pháp. Này các Hiền giả, khi vị Tỷ kheo nghe bậc Ðạo Sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính nào thuyết pháp, vị ấy, đối với pháp ấy, hiểu được nghĩa lý và hiểu cả văn cú. Nhờ hiểu được nghĩa lý và hiểu cả văn cú, khoan khoái sanh. Nhờ khoan khoái, hỷ sanh. Nhờ hỷ tâm, thân khinh an sanh. Nhờ thân khinh an, lạc thọ sanh. Nhờ lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðó là giải thoát xứ thứ nhất.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo không nghe bậc Ðạo Sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính nào thuyết pháp. Như vị ấy, theo điều đã nghe, theo điều đã học, thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác. Này các Hiền giả, khi vị Tỷ kheo theo điều đã nghe, theo điều đã học, thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, vị ấy đối với pháp ấy, hiểu được nghĩa lý và hiểu được văn cú. Nhờ hiểu được nghĩa lý và hiểu được văn cú, khoan khoái sanh. Nhờ khoan khoái, hỷ sanh. Nhờ hỷ tâm, thân khinh an sanh. Nhờ thân khinh an, lạc thọ sanh. Nhờ lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðó là giải thoát xứ thứ hai.

Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo, không được nghe bậc Ðạo Sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính nào thuyết pháp, cũng không theo điều đã nghe, điều đã học thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác. Vị ấy theo điều đã nghe, theo điều đã học, tụng đọc pháp một cách rõ ràng. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo, theo điều đã nghe, theo điều đã học, tụng đọc pháp một các rõ ràng, do vậy đối với pháp ấy, hiểu được nghĩa lý và hiểu được văn cú, thân khinh an sanh. Nhờ thân khinh an, lạc thọ sanh. Nhờ lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðó là giải thoát xứ thứ ba.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo, không nghe bậc Ðạo sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính thuyết pháp, cũng không theo điều đã nghe, điều đã học thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, cũng không theo điều đã nghe, điều đã học, tụng đọc pháp một cách rõ ràng. Vị ấy, theo điều đã nghe, theo điều đã học, dùng tâm tầm cầu, suy tư, quán sát pháp ấy. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo, theo điều đã nghe, theo điều đã học, dùng tâm tầm cầu, suy tư, quán sát pháp ấy. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo, theo điều đã nghe, theo điều đã học, dùng tâm tầm cầu, suy tư, quán sát pháp ấy nên đối với pháp ấy hiểu được nghĩa lý, hiểu được văn cú. Nhờ hiểu được nghĩa lý, hiểu được văn cú, khoan khoái sanh. Nhờ khoan khoái sanh, hỷ tâm sanh. Nhờ hỷ tâm, thân khinh an sanh. Nhờ khinh an, lạc thọ sanh. Nhờ lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðó là giải thoát xứ thứ tư.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo, không nghe bậc Ðạo Sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng kính nào thuyết pháp, cũng không theo điều đã nghe, theo điều đã học, thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, cũng không theo điều đã nghe, theo điều đã học dùng tâm tầm cầu, suy tư, quán sát pháp ấy, vị Tỷ kheo đã khéo nắm giữ một định tướng nào, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập nhờ trí tuệ. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo nắm giữ một định tướng nào, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập nhờ trí tuệ. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo tùy theo khéo nắm giữ một định tướng nào, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập nhờ trí tuệ, nên đối với pháp ấy, hiểu được nghĩa lý, hiểu được văn cú. Nhờ hiểu được nghĩa lý, hiểu được văn cú, nên khoan khoái sanh. Nhờ khoan khoái sanh, hỷ tâm sanh. Nhờ hỷ tâm, thân khinh an sanh. Nhờ thân khinh an, lạc thọ sanh. Nhờ lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðó là giải thoát xứ thứ năm.

xxvi) Năm giải thoát thành thục tưởng: Vô thường tưởng, khổ tưởng trong vô thường, vô ngã tưởng trong khổ, đoạn trừ tưởng, vô tham tưởng.

Này các Hiền giả, năm pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch




III. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

1. Có những bài kinh không phải là kinh nhật tụng, thí dụ như kinh Tứ Niệm Xứ, nếu mình tụng như kinh nhật tụng thì có phước hay không ? ĐĐ Huệ Tiến

2. Nếu một người Phật tử có đạo tâm, nhưng trong việc học Pháp và hành Pháp cảm thấy nặng nề thì vấn để nằm ở chỗ nào ? TT Pháp Đăng

3. Trong kinh văn thường nói rằng "văn nghĩa cụ túc" tức là "lời và ý đầy đủ". Xin giải thích ý nghĩa này. - ĐĐ Huệ Tiến

4. Phải chăng là nghe pháp mà hoan hỉ mà thâm nhập thì cũng đủ đạt đến "giải thoát xứ" ? - TT Pháp Đăng


Pháp Thoại


Ngài HT Thích Hộ Giác thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày 7 tháng Hai năm 2009

Bài thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày 7 tháng Hai năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ

Minh Hạnh chuyển biên

Ngài HT Hộ Giác giảng: Namo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni, kính thưa toàn thể chư Phật tử.

Hàng năm đến rằm Thượng Nguyên thì tất cả Phật tử xa gần vân tập về đạo tràng gần nhất để tổ chức cúng dường kỷ niệm lên Đức Bổn Sư Từ Phụ Thích Tôn và đồng thời tỏ bày tâm trạng người con Phật lúc nào cũng mở rộng lòng ra để cho đời sống thương yêu tràn ngập như hoa vạn hùng đơn, như suối trình chảy mãi ra biển cả. Tất cả chúng ta ai cũng đều biết "Thượng Nguyên" tức là "Thiên Quang Cầu Phước" mang một ý nghĩa rất đặc biệt, vì nếu đầu năm chúng ta không cầu sớ cho bản thân, cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc, và xa hơn một chút nữa là cho dân tộc, cho nhân loại, thì dường như thiếu hẳn một đức tánh gì đó mà nhà Phật gọi là đức tánh từ bi.

Đức tánh từ bi là một thức ăn rất quan trọng ở trong đời sống của chúng ta, nếu thiếu đức từ bi kể như chúng ta thiếu lẽ sống, thiếu thực phẩm cho đời sống tâm linh, mà đời sống tâm linh khi đã thiếu thực phẩm thì sẽ èo uột, sẽ hụt hẫng, và cái èo uột hụt hẫng làm nó ốm o đi thì chắc chắn là đời sống tất cả chúng ta không bao giờ hạnh phúc. Tất cả những vật chất ở bên ngoài hữu hình hữu tướng thì đối với tất cả chúng ta dường như mang một ý nghĩa rất là quan trọng, nó quan trọng gần như có nó là có tất cả và thiếu nó là thiếu tất cả. Nhưng trên thực tế không phải vậy, vật chất ở bên ngoài đối với Đức Phật nó chỉ là phương tiện thứ yếu mà thôi chứ nó không phải hoàn toàn là tiêu biểu thực sự của phước đức. Phúc đức hay phước hạnh hay hạnh phúc mà chúng ta trong đời sống ai cũng đều mong mỏi, dù cho hành động ngôn từ tư tưởng nào đi nữa tất cả chúng ta thể hiện đều là có mục đích duy nhất để tạo điều kiện hạnh phúc cho bản thân và cho gia đình. Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc mà thiếu hạnh từ bi trí tuệ tức là thiếu lẽ sống thì hạnh phúc sẽ không bao giờ tới. Cái gì chúng ta ban trải thì cái đó sẽ trở lại với chúng ta, và cái gì chúng ta khép lại thì nó sẽ dễ bị đụng chạm và không có tánh cách quảng đại biến mãn. Và nếu nó không có tánh cách quảng đại và biến mãn thì đời sống chúng ta giống như ở trong một cái khung, và nếu tự nhốt mình giam hãm ở trong cái khung đó hay là cái lồng, dù đó là lồng son hay lồng vàng, lồng ngọc đi nữa thì cũng chỉ là cái lồng mà thôi. Quí vị có tưởng tượng được không, nếu mà đời sống của tất cả chúng ta ai bảo là làm cái lồng rồi nhốt chúng ta vào trong đó nói lồng son hay là lồng vàng hay là lồng ngọc ngà châu báu thì chúng ta chắc chắn là không thế nào chấp nhận được, thà là chúng ta ở bên ngoài lồng son đó lồng vàng đó lồng ngọc đó nhưng mà chúng ta tự do. Và đời sống tự do nhất là tự do tình thương thì cái đó mới thật ư là quan trọng, do vậy qúi vị thấy rằng là từ bi là lẽ sống mà lẽ sống đó chúng ta thể hiện qua hành động ngôn từ và tư tưởng. Đầu năm qúi vị đến chùa thường thường rằm tháng Giêng Thượng Thiên Quang mà cầu phước thì tất cả chúng ta lẽ dĩ nhiên người con Phật khi cầu phước thì không phải cầu riêng cho bản thân mà cho gia đình cho thân bằng quyến thuộc xa và gần, và thậm chí cho dân tộc và cho nhân loại nữa. Trừ phi qúi vị không chấp nhận cái tâm nguyện của tất cả chúng ta cái lòng từ bi của tất cả chúng ta thì đành thôi, mà nếu chấp nhận thì có ảnh hưởng thật sự.

Ở trong đạo Phật có hai sức mạnh của năng lực; năng lực của hành động gọi là nghiệp lực, năng lực của cầu nguyện gọi là nguyện lực. Có những việc làm chúng ta nghĩ rằng có thể giải quyết được vấn đề nhưng có những vấn đề với hành động không thể giải quyết được, mà đôi khi chỉ là với sức cầu nguyện thì chúng ta có thể giải quyết được. Hãy bình tâm nghĩ đi, là trong đời sống của tất cả chúng ta nhất là những người nào có con sẽ thấy rằng cho ăn cho uống chăm sóc nuôi dưỡng, qúi vị nghĩ rằng nó có đủ chưa, hay là nếu chúng ta đặt vấn đề cho rõ ràng thì chúng ta sẽ thấy rõ là dường như vấn đề cho ăn cho uống và hoàn dưỡng là vấn đề nhỏ, còn vấn đề tình thương mới là vấn đề lớn. Tình thương người mẹ đối với con thì bản thân người mẹ biết rõ nhất, tình thương đó phải tiết lộ ra từ ánh mắt nụ cười, ở cái lắng nghe, ở cái mùi vị và ngay cả ở hơi thở, ở nhịp tim của người mẹ nó có thể chan hoà đối với đứa con. Nghĩ đứa con ở gần và đứa con ở xa có thể thấy hay là không thấy được thì lòng từ bi của mẹ lúc nào cũng ban rải , lúc nào cũng bao bọc, lúc nào cũng che chở, lúc nào cũng chan hoà, và dường như tình thương đó mới là vấn đề quan trọng, tình thương đó mới làm cho con càng ngày càng trưởng thành và lớn lên và lớn lên. Nếu như chỉ cho ăn và cho uống, bấy nhiêu đó thôi thì thưa qúi vị không có nghĩa gì đâu, cha mẹ đối với con mà chỉ lo cho nó ăn cho nó uống thôi thì không có nghĩa gì hết, cái nghĩa của người mẹ đối với con ở chỗ tình thương.

Như vậy hôm nay chúng ta đến đây quả thật là chúng ta đến với một tâm hồn rộng mở, rộng mở để chi, nếu thật sự chúng ta có ít nhiều ánh sáng từ bi cái năng lượng của từ bi thì chúng ta hãy mở rộng lòng ra, có mở rộng lòng ra thì tự nhiên cái năng lượng từ bi đó là giòng suối reo chảy và từ gần cho đến xa, từ chỗ hẹp cho đến chỗ rộng, mà nếu lòng từ bi nguồn suối đó mạnh chừng nào thì nó càng đi xa càng rộng rãi thêm chừng đó. Cho nên tất cả qúi vị ngày rằm đến chùa ngoài cái ý nghĩa vừa rồi mà TT Giác Đẳng trình bày với qúi vị thì chúng ta hãy nhớ là chúng ta quả thật là con người rất đẹp, một con người sống cao thượng đến mức độ mà nếu chúng ta không có nghĩ tới thôi, mà nghĩ mà hiểu biết mà thẩm thấu thì qúi vị sẽ thấy rằng ở trong mấy giờ đồng hồ hay một đêm qúi vị có mặt ở đây nó là đêm mang đầy ý nghĩa, qúi vị không phải sống cho bản thân qúi vị mà sống cho muôn loài, sống với mọi người, sống cho tha nhân. Qúi vị có cảm thấy rằng cuộc sống của qúi vị là cuộc sống của muôn loài, của tất cả những người xung quanh, không còn ngăn cách nữa, vì sao, vì qúi vị cầu nguyện cho tất cả.

Vừa rồi trong bài kinh người khổ thì cầu nguyện cho hết khổ, người sợ hãi thì cầu nguyện cho hết sợ hãi, người sầu thì cầu nguyện cho hết sầu bi, và cầu nguyện cho họ biết chia cơm sẻ áo tức là biết bố thí, biết sống với hạnh bố thí, đẹp lắm qúi vị, rồi cầu nguyện cho họ sống có giới, có hạnh, có đức, có phúc. Nếu như chỉ ở trong một tiếng đồng hồ thôi mà qúi vị sống tâm trạng như vậy thì Đức Phật bảo rằng còn qúi hơn người sống trăm năm nhưng không sống với tấm lòng từ bi. Sống với tấm lòng từ bi dù chỉ là một phút thôi nó cũng có ý nghĩa thật sự hơn là người sống trăm năm mà không có chút lòng từ bi nào. Chúng tôi nghĩ nếu như tất cả chúng ta hành một đêm như thế này, một ngày như thế này, một ngày mà chúng ta không sống cho bản thân mình nữa mà sống cho mọi người, gọi là biết sống. Sống như vậy có nghĩa là sống như chánh pháp. Người sống như chánh pháp thì người đó gọi là tạo điều kiện hạnh phúc và lợi lạc bản thân và tha nhân. Ở trên thế gian này khó lắm qúi vị, khó có hạng người mà sống lợi lạc và hạnh phúc cho bản thân và tha nhân, khó lắm, thường thường thì người ta chỉ nghĩ đến cá nhân của mình thôi, còn ít lắm, ít khi nghĩ tới tha nhân dù tha nhân rất gần với mình, nghĩa là có nghĩ tới, chồng thì nghĩ tới vợ, vợ thì nghĩ tới chồng, cha mẹ nghĩ tới con mà chưa chắc con nghĩ tới cha mẹ. Mang một tâm trạng như vậy qúi vị thấy sống như vậy suốt cả cuộc đời có ý nghĩa gì hay không, trong khi nếu chúng ta thật sự có những giây phút như thế này, có những đêm sống như thế này, có những ngày sống như thế này, chúng ta mới thật sự cảm thấy quả thật là chúng ta biết sống, quả thật là sống cho chánh pháp, quả thật là người có tâm hồn lúc nào cũng mở rộng lòng ra, không giam mình ở trong cái lồng son nữa, mà thật sự là mở rộng cửa lòng. Ở trong giây phút đó qúi vị biết qúi vị là những con người như thế nào, qúi vị có những tâm hồn gì, điều này nếu là Phật tử thì mới biết, có những giây phút như vậy thì qúi vị mới là một con người cứu nhơn độ thế.

Chúng ta nghĩ rằng là cứu nhân độ thế là người nào? Chúng ta nói Đức Phật Ngài mới là cứu nhân độ thế, ngoài Đức Phật có thể là chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài, ngoài ra thì mang một tâm trạng cứu nhân độ thế có thể là tâm trạng của chư Phạm Thiên, ngoài ra không ai có tâm trạng gọi là cứu nhân độ thế. Chỉ có những người con Phật thật sự được tắm gội ở trong giòng suối từ bi của Đức Phật và thừa hưởng gia tài vô giá của Đức Phật. Chúng ta là những người thừa tự gia tài đó cho nên chúng ta mới trở thành những người có đầy đủ lòng từ bi, vì gia tài của Đức Phật là gia tài của tình thương. Chính gia tài của tình thương đó cho chúng ta lẽ sống, khi có lẽ sống và tình thương rồi thì sống lâu cũng được, sống mau cũng được, sống ở đâu cũng được, miễn là sống với lẽ sống của tình thương thì đời sống thật sự là an vui, thật sự là hạnh phúc. Vì sao? Vì ở trong kinh Đức Phật bảo rằng người sống với lòng từ bi thức cũng an vui, ngủ cũng an vui, ở trong giấc ngủ không bao giờ nằm thấy những điều ác mộng và thậm chí chúng ta có thể tránh được tất cả những tai nạn như thiên tai, hoả tai, khí giới, và thuốc độc không thể hại mình được nếu người sống với lòng từ bi, và người có lòng từ bi đó có thể muốn bảo bọc muốn che chở cho người nào thì có thể thành tựu viên mãn. Chẳng hạn như cha mẹ trải lòng từ bi thật sự đến con gần như ở trong từng hơi thở và ở trong nhịp tim của cha của mẹ. Mà đối với con thì qúi vị thấy rằng chính tình thương của cha mẹ đó duy trì, bảo bọc, che chở, gia hộ cho con mình. Nó đâu ở một bên mà thò tay để níu nó, để ẵm nó, để bồng nó, để mà che chở, để mà đỡ nó, làm gì mà có được, vì lúc nào nó cũng ở xa ta. Nhưng nó ở xa khỏi tầm tay thì chúng ta lấy gì bảo bọc nó đây, lấy gì che chở cho nó đây, qúi vị thấy gì đây, qúi vị có tài gì không, nếu con mà xa vòng tay của qúi vị thì qúi vị lấy cái gì để bảo bọc, lấy gì để che chở cho nó. Cho nên Đức Phật bảo rằng người mà có lòng từ bi rồi thì có khả năng bảo bọc và che chở và muốn duy trì người nào thì người đó sẽ được hạnh phúc thật sự, người đó sẽ được che chở thật sự, người đó sẽ được thoát nạn thật sự.

Điều này qúi vị hãy tin ở Đức Phật, vì Đức Phật không dạy cái gì mà thiếu kinh nghiệm ở trong đời sống của Ngài, và Ngài đã kinh nghiệm bằng xương bằng máu bằng sự sống của Ngài, hai chục a tăng kỳ một trăm ngàn kiếp, cuối cùng Ngài mới xác nhận được, đúng, người mà sống với lòng từ bi là có khả năng che chở, không những che chở và bảo bọc duy trì cho mình, mà còn có khả năng duy trì bảo bọc che chở cho đối tượng nào mà người đó muốn. Như vậy thì thưa qúi vị có phải là ngày hôm nay qúi vị là người cứu nhân độ thế hay không, nếu như nhân loại đều biết và sẵn sàng để chấp nhận và thọ tưởng được những lòng từ bi mà chúng ta ban trải đến cho họ thì họ cũng được hạnh phúc, họ cũng được bao bọc, họ cũng được che chở. Nhưng những người mà đau khổ vì họ không chấp nhận được lòng từ bi của những người có lòng từ bi rải đến cho họ mà thôi. Mà một khi họ đã chấp nhận lòng từ bi rồi thì họ ở gần hay ở xa không phải là vấn đề nghĩa là họ biết họ chấp nhận. Để ý nói chẳng hạn như bây giờ suối nước chảy người nào mà chấp nhận vào ở trong giòng suối đó thì họ sẽ được mát mẻ, họ sẽ được tắm gội, họ sẽ được tẩy rửa chắc chắn là như vậy, dù là ở xa nhưng mà họ vào trong giòng suối đó thì họ sẽ hưởng được mà thôi.

Đó là hình thức ở bên ngoài mà nó còn có khả năng như vậy có kết quả như vậy hà huống chi sức mạnh ở bên trong, thưa qúi vị sức mạnh của tinh thần là sức mạnh vô cùng quan trọng, ở ngoài thì qúi vị thấy vậy nhưng mà không mạnh đâu. Nói tới nói lui một hồi chắc có lẽ một số qúi vị ở đây đa số chắc có đôi khi đọc chưởng Kim Dung, và nhất là bây giờ có phim chiếu qúi vị coi không biết qúi vị có để ý hay không, Kim Dung rất thâm viên Phật Giáo, tất cả những cái gì ông đều hướng về giáo lý của Đức Phật và thậm chí đến những nghề thì nghề nào gọi là ưu việt nhất là nghề đó cũng phải hướng về cái đạo ở bên trong, đó là đạo tâm, tức là hướng về định, hướng về huệ. Mà người nào nội tâm hướng về bên trong, hướng về định, hướng về huệ thì người đó sẽ thắng, thậm chí dùng chiêu, người nào dùng chiêu chưởng mà hình thức ở bên ngoài thôi thì không thế nào thắng người dùng chiêu qua định lực ở bên trong, qua huệ lực ở bên trong, tức là vô chiêu thì là thắng hữu chiêu. Như vậy thì qúi vị thấy rằng cái gì ở bên trong nó mới có sức mạnh vô cùng quan trọng và thiết yếu mà chúng ta đôi khi cũng nghĩ tới. Mà nếu qúi vị nghĩ tới vừa rồi chúng tôi trình bày qúi vị thấy rằng suốt cả cuộc đời của qúi vị thì rõ ràng là qúi vị bao bọc che chở các con bằng lòng thương bằng lòng từ bi, còn những hình thức ở bên ngoài những vật chất ở bên ngoài quả thật là thứ yếu, nó thứ yếu đến mức mà nó hết sức thứ yếu, mà nó giai đoạn vô cùng giai đoạn, chỉ một chút thôi khỏi vòng tay một chút là hết, mà chưa chắc đã hết một vòng tay mà chúng ta có đầy đủ khả năng để bảo vệ, như vậy thì chỉ có tình thương chỉ có sức mạnh cầu nguyện thì chúng ta mới có thể che chở được, có thể gia hộ được.

Vậy thì rằm Thượng Nguyên tất cả chúng ta cầu phước có nghĩa là chúng ta đã có lòng từ bi nghĩ đến bản thân, thương mình thương người thương tất cả cho nên mới cầu nguyện, cầu nguyện cho mình khỏi khổ, cầu nguyện cho mình đừng có sợ hãi, cầu nguyện cho mình đừng có lo âu, cầu nguyện cho mình đừng có sầu bi và cầu cho tất cả chúng sanh đều được như vậy. Chúng tôi nghĩ qúi vị chỉ cần một đêm, mười tiếng đồng hồ hay là nửa đêm thôi mà chúng ta sống hoàn toàn thật sự cho tấm lòng từ bi như vậy, thì thưa qúi vị quả thật là cuộc sống của tất cả chúng ta nó mang ý nghĩa vô cùng cao thượng, và nó đẹp đến mức độ mà chúng ta nghĩ tới rồi, nghĩ chính xác rồi, chúng ta không có tưởng tượng rằng là chúng ta có những giây phút mà đẹp như vậy, giây phút mà chúng ta cao thượng như vậy, giây phút mà chúng ta có thể trở thành người cứu nhân độ thế như vậy, giây phút mà chúng ta mang tâm trạng của chư Phật như vậy. Lẽ dĩ nhiên tâm trạng đó ở với chúng ta ít thôi, nếu như ở suốt một đêm thì quá nhiều thưa qúi vị, quá nhiều, một năm mà có cả bảy tám tiếng đồng hồ chúng ta trở thành người cứu nhân độ thế, trở thành người có tâm hồn chư Phật chư Bồ Tát thì quá đủ rồi, nghĩ rằng đời sống mình nếu có được những giây phút như vậy thì không còn ân hận gì hết. Nghĩa là suốt một năm đó kể như chuyện gì nên làm qua cái tình thương thì chúng ta đã làm mặc dù chỉ có một đêm thôi mà chúng ta đã làm. Và những ngôn từ nào hướng về lòng từ bi như vậy thì chúng ta cũng đã nói. Và tâm trạng nào là tâm trạng chan chứa lòng từ bi vô lượng biến mãn không còn ranh giới như vậy và lúc nào nó cũng được reo chảy suốt cả một đêm như vậy thì tâm hồn đó quả thật là kỳ diệu.

Thầy cầu mong ý nghĩa rằm tháng Giêng sẽ đem đến cho qúi vị những giây phút thật sự là an lạc, những giây phút thật sự là mát mẻ, những giây phút mà thật sự qúi vị cảm thấy rằng mình có những giây phút sống cho tất cả chúng sinh, sống cho tha nhân, không phải ích kỷ, không phải hẹp lượng, và không phải chỉ nghĩ cho bản thân mình mà thôi, mà quả thật con người có vị tha, có bác ái, có nhiều lòng nhơn, có lòng từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh. Cầu mong là đêm nay là qúi vị còn tạo thêm một cái phước mà phước đó còn lớn hơn là lòng từ bi đó nữa, đó là cái phước thọ trì hạnh đầu đà. Phước lòng từ bi vẫn còn là phước hữu lậu nhưng phước thọ trì hạnh đầu đà thì là phước vô lậu, tức là phước giải thoát tất cả những cái gì khổ mà chúng ta có ở trong đời sống này do thân ngũ uẩn tứ đại là nhân là duyên, thì công đức chúng ta thọ trì hạnh đầu đà này chúng ta muốn chấm dứt cái khổ đó thì chúng ta có thể chấm dứt được, và chúng ta muốn cho khổ đó giảm thiểu từ từ thì chúng ta có khả năng làm được điều đó nếu chúng ta thọ trì hạnh đầu đà đêm nay. Hạnh đầu đà thì qúi vị thọ bậc thượng cũng được, bậc trung cũng được, bậc hạ cũng được đều có công đức như nhau, nhưng nếu thọ bực thượng thì có phước thù thắng hơn một chút, bậc trung thì thù thắng như không đươc bằng bậc thượng, còn bậc hạ thì cũng thù thắng nhưng không bằng bậc trung, nhưng tất cả đều có công đức vô cùng thiết yếu và quan trọng vì nó là năng lực trợ duyên cho tất cả chúng ta hành trình đến nơi giải thoát giác ngộ mà không còn khổ nữa. Bất cứ cái khổ nào mà qúi vị cảm thấy rằng ở trong cuộc đời chúng ta có gặp phải thì nhờ công đức thọ trì hạnh đầu đà chúng ta có thể giảm thiểu được từ từ và cuối cùng chúng ta có thể chấm dứt được tất cả những cái khổ gì mà chúng ta không muốn thì những cái khổ đó tự động nó sẽ dứt đi do công năng của hạnh đầu đà mà chúng ta thọ trì đêm nay.

Namo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Tình đời, Ý đạo
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)

Hòa thượng Hộ Giác

Một Tâm Hồn

Có hai vị Sa-môn đi ngang qua cánh rừng và đang tiếp tục trên lộ trình bằng phẳng. Vị đi trước sắc diện hồng hào, nghi dung trang nhã, phong điệu uy nghiêm, đáng cho mọi người chiêm ngưỡng. Lá y màu vàng bằng vải thô nhưng cũng đủ thanh lịch.

Vị đi sau tuy không phương phi, uy dũng như vị đi trước nhưng tương đối cũng trang nghiêm phong nhã. Khoảng cách giữa hai vị vừa vặn, không quá xa, không quá gần.

Khi đến khúc đường rẻ đôi, vị đi trước vừa định quẹo phải thì vị đi sau liền lên tiếng:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử hữu sự rẻ trái.

- Này Na-gá-sá-ma-lá, không nên. Như Lai có duyên sự quan trọng cần phải độ sinh ở phía tay phải.

- Ðệ tử hữu sự muốn rẻ trái.

Ðức Phật năn nỉ:

- Này Nagasamala, đừng làm như vậy, hãy theo Như Lai đi về tay phải.

Mặc dù Ðức Phật đã ba lần ngăn cản nhưng Nagasamala không tuân lời. Cuối cùng, thầy bỏ bát Ðức Phật giữa đường và liền đi về tay trái theo sở thích. Ðức Phật lượm bát, một mình thui thủi hướng về phía tay mặt.

Một lần khác, thầy Mêkhida làm thị giả, theo Ðức Phật đi qua làng Chanh-tu, tỉnh Ba-chi-ná-oăn-sá. Buổi sáng, thầy đi khất thực. Lúc trở về, thấy một vườn xoài xum xuê, mát mẻ, thầy nảy sanh ý định đến đây tham thiền, bèn bạch xin phép Ðức Phật.

Ðức Phật khuyên ngăn ba lần.

Nhưng thầy Mê-khí-dá một mực cải lời, bỏ Ðức Phật một mình và ra đi về hướng vườn xoài để hành đạo. Song thầy hoàn toàn thất bại. Tâm thầy xáo trộn, vọng động không ngừng. Các tà tư duy, như tư duy về ái dục, về nhiễu hại, về oán thù, nổi lên đột phá dữ dội, dù trạng thái yên lặng tạm thời, thầy cũng không tìm được.

Cuối cùng đành phải trở về lễ Phật. Ðức Phật chẳng những không để tâm về những hành động nông nổi gần như phạm thượng của thầy mà trái lại còn dùng lời từ mẫu khuyên lơn:

-Mê-khí-dá ơi, tâm vốn loạn động, khó giữ, khó dạy. Bậc trí tuệ tích cực uốn nắn, khiến nó phải thuần thục như tay thiện xạ uốn nắn mũi tên. Mê-khí-dá này, tâm hằng chạy theo nhập cuộc ngoại cảnh nhất là ngũ dục như cá thích nước. Do đó, nếu bị bắt lên bờ thì nó dãy dụa không yên. Tâm tuy khó dạy, nhưng nếu dạy được thì sẽ hàng phục được Ma Vương.

Sự thật Ðức Thế Tôn nào muốn ngăn cản công trình tu chứng của môn đồ, nhưng vì thấy rỏ căn cơ chưa đến thời kỳ liễu ngộ, nên Ngài mới khuyên ngăn đó thôi.

Suốt 20 năm đầu kể từ ngày thành đạo, khoảng thời gian 35 đến 54 tuổi Ðức Phật không có vị Thinh văn nào làm thị giả cố định: khi thầy U-bá-va-nạ, khi thầy Na-ghí-tá, khi thầy Su-năc-khăt-tá, khi thầy Sa-gá-tá, khi thầy Rathá, khi thầy Na-gá-sá-ma-lá hoặc thầy Mê-khí-dá đã hành động nông nổi như vừa lược kể và, còn có Sadi Chuôn-tá, bào đệ của Ngài Ðại đức Xá Lợi Phất nữa.

Vì không có thị giả phục dịch thường xuyên, nên Ðức Phật phải chịu cực khổ vô cùng. Các vị thị giả bất đắc dĩ cứ thay nhau phục dịch Ngài một cách gượng gạo, tắt trách.

Vấn đề thị giả là một sự cần thiết, hợp lý, vì Ðức Phật có rất nhiều Phật sự phải làm, một mình không thể hoàn tất mọi việc nên Ngài rất cần thị giả. Chẳng hạn như ngoài 5 điều thường hành Phật sự có tánh cách cập nhật hóa Ngài còn phải họp tăng, tiếp khách tứ phương, từ hàng vua chúa thượng lưu đến hàng thường dân lao động, từ bậc xuất gia đến hàng cư sĩ nhất là nữ Phật tử. Tư cách một vị Phật tổ không cho Ngài tiếp khách nữ một mình. Ðó là chưa nói đến thỉnh thoảng Ðức Phật nhập thất, không tiếp bất cứ ai. Trường hợp ấy, lẽ dĩ nhiên, mọi Phật sự đều do thầy thị giả xử lý.

Vấn đề thị giả quan trọng và cần thiết là như vậy. Chúng ta không nên vô tình hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc cho rằng Ðức Phật muốn quan trọng quá cá nhân mà mang tội.

Vì những lý do vừa kể, có một lần, tại Kỳ Viên Tịnh xá, kinh đô Sa-quách-thi, xứ Cô-sa-la trước số đông chư vị Tỳ kheo nhất là các vị Tôn túc trưởng lão, có cả nhị vị Ðại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Ðức Phật đề cập đến vấn đề thị giả:

- Này các Tỳ kheo, Như Lai đã già rồi, một số các thầy vì sở thích riêng tư nên đã bỏ Như Lai một mình hoặc bỏ y bát của Như Lai dưới đất rồi ra đi một cách thản nhiên. Do đó, Như Lai yêu cầu chư tăng tuyển chọn cho Như Lai một thị giả cố định.

Chư tỳ kheo vô cùng xúc động, Ðại đức Xá Lợi Phất lên tiếng trước nhất xin tình nguyện làm thị giả.

Ðức Phật bày tỏ sự hoan hỉ và dạy:

- Này Xá Lợi Phất, không nên đâu. Vì thầy ở nơi nào thì đem lợi lạc đến nơi đó. Lời giảng dạy của thầy không khác lời dạy của Như Lai. Thầy có khả năng chuyển Pháp luân như Như Lai. Những người được thân cận đàm đạo với thầy cũng như được thân cận đàm đạo với Như Lai.

Chư Ðại đức Trưởng lão khác cũng tình nguyện xin làm thị giả, nhưng Ðức Phật đều khước từ. Chỉ còn một mình Ðại đức Ananđa ngồi yên lặng. Ðại đức Xá Lợi Phất khuyến khích:

- Thầy Ananđa, tại sao thầy ngồi yên lặng?

- Bạch Ðại đức, chức vụ mà mình van xin hoặc tình nguyện, tôi tưởng không được cao quí mấy. Vả chăng, Ðức Thế Tôn đã biết rõ tâm trạng của tôi. Nếu thấy được, Ðức Thế Tôn sẽ chỉ định tôi trong chức vụ ấy. Thiện chí cũng như tình cảm của tôi thế nào, Ðức Thế Tôn đều quán thấu.

Hội trường im lặng. Không một cử động. Không một lời nói. Một sự im lặng tuyệt đối gần như hội trường không có người.

Giữa không khí ấy, Ðức Phật long trọng xác nhận vai trò Ðại đức Ananđa:

- Này các Tỳ kheo, Ananđa đã có ý nguyện làm thị giả Như Lai từ lâu. Sự xác nhận hôm nay chỉ nhằm mục đích công khai hóa vai trò thị giả của Ananđa mà thôi. Bắt đầu từ giờ phút này, Ananđa là thị giả chính thức và cố định của Như Lai.

Cử chỉ này quả thật vô cùng đẹp đẽ. Thật ra, Ðức Phật không cần công khai tuyên bố vai trò thị giả của Ðại đức Ananđa mà chỉ cần chọn riêng cũng được. Nhưng Ðức Phật có ý tuyên dương thiện tâm, thành ý của Ðại đức, đồng thời chính thức hóa một vai trò quan thiết, có tánh cách cố định. Còn trên thực tế, thì Ðại đức Ananđa đã lập công bồi đức, trì hành Ba-la-mật trong nhiều trăm kiếp cũng chỉ để đạt thành hạnh nguyện được làm thị giả, một chức vụ tuy không lớn lao nhưng vô cùng danh dự. Ðại đức Ananđa là mẫu người tự trọng, nhìn xa thấy rộng, khế lý, khế cơ. Cho nên, sau khi được Ðức Phật và chúng Tăng giao phó trọng trách, bèn bạch Ðức Phật xin được đặc miễn những trường hợp sau:

1- Xin Ðức Phật đừng ban y mới, đẹp và đắt giá cho Ananđa.
2- Ðừng ban thực phẩm cao lương mỹ vị.
3- Ðừng cho Ananđa ngụ chung tịnh thất.
4- Ðừng cho Ananđa tháp tùng đến những địa điểm mà Ðức Phật đã hứa khả.

- Này Ananđa, ngươi nhận thấy lợi ích thế nào mà xin đặc miễn 4 điểm này?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử xin đặc miễn như vậy là để ngừa những lời bình phẩm cho rằng đệ tử phục dịch Ðức Thế Tôn chỉ vì lợi lộc và danh vị.

Ðại đức Ananđa bạch tiếp:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử xin Ðức Thế Tôn ban cho những đặc ân sau đây:

1- Xin Ðức Thế Tôn tùy thuận quang lâm đến những nơi mà đệ tử đã hứa.
2- Xin cho đệ tử được phép tiến dẫn Phật tử vào bái kiến Ðức Thế Tôn.
3- Cho phép đệ tử bạch hỏi những điều hoài nghi trong mọi trường hợp.

- Này Ananđa, ngươi thấy lợi ích thế nào mà yêu cầu như vậy?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử yêu cầu như vậy là để ngăn ngừa những lời chỉ trích, cho rằng những vấn đề có tánh cách giao tế mà đệ tử cũng không làm được, thì giữ chức vụ thị giả làm gì?

Ðại đức bạch tiếp:

- Bạch Ðức Thế Tôn, còn một đặc ân cuối cùng, xin Ðức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho luôn, đó là:

4- Xin Ðức Thế Tôn hoan hỉ nói lại những bài pháp mà đệ tử vắng mặt không được nghe.

- Này Ananđa, ngươi nhận thấy lợi ích thế nào mà yêu cầu như vậy?

- Bạch Ðức Thế Tôn, cũng đều ngăn ngừa những lời bàng quang chê trách rằng: đệ tử theo hầu Ðức Thế Tôn như hình với bóng, nhưng khi được hỏi đến kinh, luật, kệ ngôn hay tích truyện thì không biết chi cả, giống như ếch trong ao sen không biết thưởng thức hương vị của sen.

Ðức Thế Tôn chấp thuận tám điều khoản yêu cầu của Ðại đức Ananđa và, Ðại đức Ananđa cũng bắt đầu nhận lãnh vai trò thị giả chính thức ngày hôm ấy.

Lúc bấy giờ, Ðức Phật hưởng được 55 tuổi đời, 20 tuổi đạo trong khi Ðại đức Ananđa được 55 tuổi đời, 19 tuổi đạo.

Xem tiếp


Ý nghĩa Bát Quan Trai là gì.?

Ngài Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác giảng trong khóa tu học tại Âu Châu

Minh Hạnh chuyển biên

Bát Quan Trai giới là một phương pháp tu hành tích cực và thù thắng của người tại gia cư sĩ. Đời sống tại gia rất bận rộn phiền phức nhiêu khê do đó ít có thì giờ để tiến tu đạo hạnh một cách tích cực hầu tạo điều kiện giải thoát giác ngộ cho bản thân. Do vậy vì lòng đại từ đại bi Đức Bổn Sư Từ Phụ có cho phép người tại gia cư sĩ ở trong sáu ngày người ta biết tới đó là danh từ ở trong kinh tạng dùng ý nói: ngày mùng 8, 14,15, ngày 23, 29, 30, gọi là sáu ngày người ta biết tới theo phong tục cổ truyền Ấn Độ và các tôn giáo cũng như những người không có tín ngưỡng cũng nhìn nhận sáu ngày này là sáu ngày rất quan trọng và liên hệ đến đời sống của con người, và nhất là tất cả những ước vọng hoài bảo mà người nào muốn thành tựu những hoài bảo ước vọng đó thì họ đến cây cao bóng mát chùa hương ngũ sập hoặc giả là những nơi linh thiêng ở trong những ngày này: mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30, để cầu tài, cầu lộc, cầu lợi, cầu tự, cầu danh, bất cứ cầu phước, cầu gì thì cũng chọn một trong sáu ngày này cho nên trong kinh gọi sáu ngày này là ngày người ta biết tới.

Ở đây chúng ta phải nhìn nhận một điều đó là đời sống của người tại gia cư sĩ ở Âu Châu, Úc Châu cũng như ở Mỹ Châu, những ngày làm việc quả thực vô cùng bận rộn không có thì giờ để tu hạnh Bát Quan Trai, nếu hạ quyết tâm thì cũng có thể tu được, đó là trong sáu ngày ấy thức dậy sớm rồi sau khi lên nhang lên đèn hoa quả cúng Phật và lễ Phật rồi phát nguyện trước kim thân Phật bằng giấy, bằng xi măng, bằng gì cũng được, rồi tự phát nguyện thọ trì Bát Quan Trai giới:

"Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay là ngày Bát Quan Trai giới của đệ tử, đệ tử xin phát nguyện thọ trì Bát Quan Trai giới"

Và sau khi nói như vậy rồi tự mình lập lấy:

"Đệ tử xin quy y Phật, xin quy y Pháp, xin quy y Tăng, lần thứ hai đệ tử xin quy y Phật, xin quy y Pháp, xin quy y Tăng, lần thứ ba đệ tử xin quy y Phật, xin quy y Pháp, xin quy y Tăng".

Rồi sau đó đọc tám giới:

"Đệ tử nguyện giữ giới không sát hại sanh vật, không lấy của không cho, không hành vi phạm hạnh, không nói sai sự thật, không say đắm rượu men rượu nấu, không ăn phi thời và không ca vũ nhạc kịch và trang điểm, không xử dụng sàng toạ quá cao sang lộng lẫy."

Sau đó tự phát quyết lấy bản thân:

"Đệ tự nguyện thọ trì Tam Quy và Bát Quan Trai giới trọn đủ tám đêm mà Đức Thế Tôn giáo truyền hầu vâng giữ hành theo cho được trong sạch trọn ngày nay và đêm nay hầu gieo duyên lành giải thoát ở trong ngày vị lai."

Thì ngày hôm đó trở thành ngày thọ trì Bát Quan Trai giới và bản thân trở thành hành giả của Bát Quan Trai Gìới, tuy nhiên vì là ngày làm việc sợ e không được thanh tịnh và trong sạch lắm vì đi làm giờ giấc không được nhất định do đó thường thường thì qúi Phật tử vào ngày cuối tuần, và Chư Tăng cũng hoan hỷ trao truyền Bát Quan Trai giới cho vào ngày cuối tuần như thời giờ rỗi rảnh của qúi vị. Nhất là một cơ duyên rất đáng khích lệ và rất thù thắng đó là qúi vị có thể đến chùa sống ở chùa 24 tiếng, nếu được Chư Tăng hướng dẫn nữa thì quả thật là một ngày thanh tịnh vô cùng hoan hỷ, nhưng nếu không có Chư Tăng hướng dẫn thì qúi vị cũng tự hoan hỷ lấy hạnh tu cao của mình và đó là công đức vô lậu.

Công đức tức là phước, có hai: hữu lậu và vô lậu.

Hữu lậu là những công đức mà qúi vị phát tạo trong cuộc sống như bố thí cúng dường, nhưng lẽ dĩ nhiên qúi vị thụ hưởng được ở trong vô số lượng kiếp về sau được năm cái hạnh phúc đó là: sắc thù thắng, thọ mạng lâu dài, và hạnh phúc tròn đầy, sức khỏe phi thường, và trí tuệ minh mẫn, ở trong vô số lượng kiếp mà tối thiểu cũng phải 500 kiếp sống về sau. Khi nghĩ đến những công đức mình có thể gặt hái được ở trong những kiếp lai sinh thì chúng ta cũng có phần hoan hỷ, nhưng phần hoan hỷ này có lẫn lộn với phiền não tức là vẫn còn tiếp tục tham sân si mạn nghi hỉ nộ ái ố dục lạc thất tình lục dục và ma vương vẫn còn chi phối chúng ta và con đường sinh tử luân hồi vẫn còn kéo dài, nhưng nếu ngày Bát Quan Trai Giới thì nhờ công đức hành trì Bát Quan Trai Giới đó tạo được một công đức vô lậu chứ không phải là hữu lậu

Vô lậu tức là công đức Bát Quan Trai Giới có khả năng trợ duyên hành giả thoát khỏi nguồn sanh tử luân hồi và đoạn trừ được tất cả những phiền não nghiệp chướng do đó công đức này vô cùng phi thường cao thượng thù thắng, nó rộng lớn cho đến đỗi ở trong kinh đưa ra một hình ảnh để thí dụ người nào đó có đầy đủ điều kiện có thể cúng dường tứ sự tức là y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc men cho Chư Phật mà ngự đầy trong vũ trụ này, tức là ở trong vũ trụ này Chư Phật ngự đầy hết mà cúng dường như vậy mỗi ngày, suốt cả một trăm năm của đời sống này, cúng dường như vậy cũng không bằng một 1/16 của công đức thọ trì Bát Quan Trai Giới, thì qúi vị thấy công đức thọ trì Bát Quan Trai Giới lớn tới mức nào.

Nhưng tại sao nói về lẽ cúng dường Chư Phật thì qúi vị cũng hưởng vô lượng công đức, nhưng hồi nãy Thầy nói dung sắc thù thắng thọ mạng lâu dài hạnh phúc trọn đời sức khỏe phi thường và trí tuệ minh mẫn ở trong vô số lượng kiếp vẫn còn sinh tử luân hồi. Tất cả chúng ta phát tâm thọ trì Bát Quan Trai Giới thì qúi vị trở thành hành giả Bát Quan Trai Giới, nhờ công đức của Bát Quan Trai Giới này sẽ trợ duyên cho tất cả qúi vị thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi mà Chư Phật chỉ có một đại nguyện đó là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến tức là khai mở cho tất cả chúng sanh ngộ tức là thấy được đắc được, cơ thể nhập vào tri kiến tức là sự thấy sự biết Chư Phật hay gọi là Phật tính hay là giác tính hay là Bồ Đề tính do đó hôm nay tất cả qúi Phật tử là hành giả của Bát Quan Trai Giới, cái công đức này quả thật là vô cùng thù thắng.

Trong đời sống của tất cả qúi vị nếu không được Chư Tăng hướng dẫn thì quả thật khó mà tạo được công đức này. Trong bản chương trình ĐĐ Giác Đẳng có giải thích một cách rất ngắn và gọn, qúi vị có bản đó thì lật ra sẽ thấy lời giải thích rất là hàm xúc, gọn gãy và sáng sủa, chỉ đọc qua là hiểu ngay tại sao chúng ta phải tu hạnh Bát Quan Trai Giới. Hôm nay có thể nói được là đời sống của tất cả qúi vị trong 24 giờ đồng hồ này nó tương đồng lại với đời sống của Chư Tăng, Chư Tăng cũng vậy thôi, nhưng nếu không phải là ngày Bát Quan Trai giới thì đời sống của tất cả qúi vị không tương đồng với đời sống của Chư Tăng. Đời sống của Chư Tăng ngoài ra không sát hại sinh vật, không lấy của không cho, không hành phi phạm hạnh, không nói sai sự thật, không say đắm rượu men rượu nấu, thì tất cả qúi vị ngày hôm nay với Chư Tăng giống nhau là không ăn phi thời, đại ý nói ba giới sau là để tiết chế những ái dục, những tham dục, những dục niệm, những dục vọng, những phiền não mà tất cả có thể bắt nguồn từ đó mà ra, từ cái ăn, từ cái mặt từ cái trang điểm, từ cái thấy cái nghe sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon, từ cái xúc chạm và phiền não từ đó mà có chứ không phải phiền não từ đâu, thường thường thì chúng ta tưởng rằng phiền não nó ở đâu, nhưng sự thật là phiền não ở ngay trong thân ta tức là ở mắt, ở tai, ở mũi, ở miệng, ở thân, và ở trong chúng ta, do vậy để tiết chế và đồng thời cũng để sống thật sự làm chủ lấy mình đó là tự thắng tự chủ.

Đời sống tự thắng tự chủ này nếu không phải là ngày Bát Quan Trai Giới thì quả thật qúi vị không có giờ phút nào cả, qúi vị là nô lệ của ác ma, bị ác ma sai xử và tất cả chúng ta trở thành thân phận của con cá nuốt lấy mồi của ác ma, mồi là sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc, trong khi nuốt phải miếng mồi của ác ma đó rồi thì ác ma là người bỏ miếng mồi đó và trong miếng mồi đó có lưỡi câu, lưỡi câu đó là sanh tử già bịnh chết ái biệt ly oán hội cầu bất đắc sầu bi khổ ưu não, và tất cả những khổ đó chính là lưỡi câu, còn miếng mồi đó sắc đẹp tiếng hay mùi thơm mà ác ma chính là kẻ câu cá, thì khi thân phận của chúng ta là con cá mà lỡ nuốt mồi trong đó có lưỡi câu rồi thì quả thật con cá không cưỡng lại được, thân phận của con cá cuối cùng như thế nào thì chúng ta biết rồi, từ cái đau khổ đến cái chết.

Nhưng ngày hôm nay tất cả chúng ta lại là một con cá khôn ngoan vẫn tự do bơi lội thong dong trong giòng nước mát và tùy theo sở thích của mình muốn bơi đi đâu thì đi muốn lặn đi đâu thì lặn tùy theo sở thích của mình mà không bị bất cứ một sự ràng buột nào, đó là hình ảnh của con cá không tham mồi, không nuốt mồi và không mắc lưỡi câu. Đây là hình ảnh ngày hôm nay của tất cả qúi vị là hành giả Bát Quan Trai Giới.

Hình ảnh thứ hai mà ở trong kinh "Bẩy mồi" đó là thân phận của tất cả chúng sinh mà không phải là hành giả của Bát Quan Trai Giới, không tu giới, không tu thiền thì giống như những con nai tơ còn nhỏ háo ăn thiếu kinh nghiệm, do đó những người thợ săn chuyên môn họ theo dõi và họ biết đường đi nước bước lối về của những con nai thì họ chận đường đó lại và họ mở thêm một con đường mới, và khi họ mở thêm con đường mới họ bỏ mồi ngon theo những con đường mới đó, bây giờ đây không đi được nữa thì thấy có con đường khác thì lại đi theo con đường đó, thấy có mồi ngon thì những con nai tơ vì thiếu kinh nghiệm và háo ăn cho nên thấy mồi thì ăn, ăn miếng mồi này thì thấy ở phía trước có mồi nữa và tiếp tục ăn như vậy rồi cuối cùng thì bị bẫy của những người thợ săn chuyên nghiệp, đó là thân phận của chúng sanh mà không hành Bát Quan Trai Giới, không tu giới và không tu thiền thì thân phận đó giống như những con nai tơ vừa háo ăn và vừa thiếu kinh nghiệm và thân phận của những con nai này như thế nào thì chúng ta biết rồi.

Nhưng nếu đó là hành giả của Bát Quan Trai Giới thì trong kinh cho rằng đó là hình ảnh của những con nai không háo ăn lớn rồi có kinh nghiệm và đi con đường quen thuộc không được, đường đi lối về bị ngăn nghẽn và bây giờ có con đường mới thì không còn cách nào nên phải đi, nhưng rất là cẩn thận, từng bước quan sát và sau khi quan sát từng bước thì thấy có mồi, nhờ có quan sát, nhờ không háo ăn, nhờ có kinh nghiệm sống cho nên những con nai già dặn này không ăn những miếng mồi đó và nhờ vậy không bị bẫy, điều thứ hai từ từ ăn, ăn một cách thận trọng chầm chậm khôn ngoan dè dặn, nhờ dè dặn thận trọng khôn ngoan và ăn được mồi nhưng không bị bẫy đó là hình ảnh của tất cả hành giả thọ Bát Quan Trai Giới ngày hôm nay, tức là hôm nay mắt chúng ta vẫn nhìn được chứ chúng ta không đui, tai ta vẫn nghe chứ không điếc, miệng ta vẫn nói và lưỡi ta vẫn ăn vì chúng ta không có câm, và chân ta vẫn đi, tay ta vẫn làm, vì chúng ta không què, tuy là như vậy nhưng cái nhìn hôm nay cái nghe, cái ngửi, cái nói, cái ăn, cái đụng chạm, cái suy nghĩ khác hơn những ngày thuờng, những ngày thường vì thiếu chánh niệm: nhìn thiếu chánh niệm, nghe thiếu chánh niệm, ngửi thiếu chánh niệm, ăn thiếu chánh niệm, nói thiếu chánh niệm, và đụng chạm thiếu chánh niệm, đi đứng thiếu chánh niệm. Ngày hôm nay thì cũng làm chừng đó việc nhưng có chánh niệm tức là biết mình, tỉnh và giác, nhờ có chánh niệm, có tỉnh và giác cho nên ngày hôm nay ngày mà hành giả Bát Quan Trai Giới thật sự đã đánh lạc hướng theo dõi của ác ma. Chúng ta khó lọt ra khỏi qũi đạo của ác ma, Đức Phật Ngài đã lọt ra khỏi, Chư Thanh Văn Đệ Tử các bậc Thánh Nhân đã lọt ra khỏi, ở trong đó có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, có U Bà Tắt, có U Bà Di tức là thiện nam tín nữ đã lọt ra rồi, nhưng tất cả chúng ta cho tới ngày hôm nay vẫn chưa thoát ra khỏi cái qũi đạo của ác ma, chúng ta vẫn còn đi ở trong qũi đạo đó, nhưng ngày hôm nay thì quả thật chúng ta không đi trong qũi đạo của ác ma, chúng ta đã chọn cho mình một hướng đi khác. Hướng đi của ác ma là tham sân si mạn nghi hỉ nộ ái ố ai dục lạc sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc, nhưng hướng đi ngày hôm nay của tất cả chúng ta chọn không phải như vậy. Qúi vị chỉ bình tâm một chút thôi thì qúi vị thấy ở trong tám giới qúi vị giữ đó quả thật là qúi vị đã tự chọn cho mình hướng đi khác rồi, hướng đi ngày hôm nay không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi, cái hướng đi ngày hôm nay không có hỉ nộ ái ối ai dục lạc, cái hướng đi ngày hôm nay không vì sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon và xúc lạc, tất cả những cái đó đối với chúng ta ngày hôm nay quả thật gần là vô nghĩa, thế thì qúi vị bình tâm một chút qúi vị sẽ thấy rằng chúng ta thật sự là tu rất cao, đời sống tu hành của tất cả người tại gia cư sĩ nghĩa là hành giả Bát Quan Trai Giới ngày hôm nay là ngang hàng với đời sống của Tăng lữ./.

Bấm vào đây để xem mục lục các bài Pháp Thoại


Câu trả lời đúng của câu đố vui là:


 



TIN TỨC PHẬT GIÁO


Khởi Nguồn Chánh Pháp

Trên 5000 người tham dự Pháp hội “Hoa Khai Kiến Phật” và Tang lễ Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác

PARIS, Ngày 22.12.2012 (PTTPGQT) - Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Tăng Thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, đã thanh thản xả báo thân lúc 6 giờ 19 phút, ngày 05.12.2012, tức 22 tháng 10 Nhâm Thìn, tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, 85 năm trụ-thế, Hạ-lạp 65.
Trên 5000 Phật tử đã lần lượt đến chùa Pháp Luân tham dự Pháp hội “Hoa Khai Kiến Phật” cùng Lễ Viếng Đức Phó Tăng Thống trong thời gian từ Lễ Nhập Kim quan ngày 12.12 cho đến Lễ Cung tiễn Kim Quan ngày 16.12.

Xem tiếp



Kính Lạy Giác Linh Thầy qua tiếng hát và trình bày bởi Nhật Lê.

Kính lạy giác linh Thầy

"Kính lạy giác linh Thầy, kính lạy giác linh Thầy, Thầy ơi, Thầy ơi, Thầy ơi, Thầy ra đi như một hành tinh lạc, Thầy đi vào vô biên chúng con buồn ngơ ngác. Thầy đi mang theo cả tình đạo vị thương yêu, ngôi già lam còn nhớ hoa cỏ vẫn mong chờ . Thầy một lần nhắm mắt là qua hết một đời, chúng con buồn quay quắt ngân ngấn lệ đầy vơi, ngân ngấn lệ đầy vơi..”

Viết trong sự xúc cảm chân thành - Minh Hạnh

Từ tờ mờ sáng, Phật tử khắp nơi với con số lên hàng ngàn người đã tu tập chật hết sân chùa, trong hội trường chùa Pháp Luân nơi sẽ làm lễ Truy Niệm Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác các hàng ghế dành cho Phật tử ngồi kín mít, và một số đông không có chỗ ngồi đã đứng dọc theo lối đi, ban trật tử hơi vất vả trong việc điều hành, tuy nhiên mọi người rất là hài hòa, thân thiện và từ ái. Tất cả đều giữ im lặng, khuôn mặt trầm buồn vì tiếc thương một vị Thầy khả kính.

Năm Nhâm Thìn 2012 là năm Lạc Thành của Chùa Pháp Luân. Với 12 pháp hội, mỗi tháng một pháp hội, Ngài đã tham dự đủ 12 Pháp Hội. Tuy nhiên, ở tại Pháp Hội cuối thì Ngài được chứng kiến sự thăng hoa nở rộ của sự hòa hợp giữa hai tông phái trong chủ đề "Hoa Khai Kiến Phật" do Chư Tôn Đức của hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông thuyết giảng . Bởi vì, Ngài là người đặc biệt quý chuộng Phật Pháp, cho nên Chư Tăng của hai truyền thống đặc biệt quan tâm cúng dường và hồi hướng.

Trong ba ngày chúng con đến chùa dự tang lễ và làm công quả, thời gian này đã gây ấn tượng lớn trong lòng chúng con . Đó là, hình ảnh cao cả, từ bi nhân ái của Ngài toả khắp nơi. Rất đông Chư Tôn Đức của các tông phái, Nam Tông, Bắc Tông, Khất Sĩ, ở khắp châu lục cùng với Qúi Ngài trong các tôn giáo như Cao Đài, Thiên Chúa và Tin Lành đã đến kính viếng Kim Quan Ngài, rồi cũng phải nói đến rất nhiều đoàn thể, cá nhân đã đến kính viếng. Trong sân chùa trước hội trường lúc nào cũng tấp nập nhiều đoàn thể đứng xếp hàng chờ đến phiên mình để vào bên trong hành lễ trước Kim Quan Ngài. Và một hình ảnh rất ấn tượng rất xúc động, đó là, lúc nào tại Linh Đài cũng có bốn vị Chư Tăng cả Nam Tông và Bắc Tông hoặc bốn vị Phật tử đứng hầu Kim Quan, cứ xoay tua đứng hầu Kim Quan từ 8 giờ sáng cho tới 10 giờ tối.

Những hình ảnh đó đã cho con nhận thấy được sự vô thường, dù có chức cao, danh vị, tiền tài nhiều như thế nào, rồi cuối cùng cũng ra đi. Nhưng có khác hơn đó là, sự ra đi trong niềm thương tiếc của mọi người. Người ta có câu "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Hương thơm Phật Pháp Ngài để lại cho chúng con sẽ bất diệt sẽ mãi mãi tồn tại trên thế gian. Cũng như những viên xá lợi Ngài để lại là thành quả của công phu tu hành giữ gìn giới luật và của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, thì sau khi viên tịch mới có thể có xá lợi.

Bầu trời thành phố Houston cả tuần nay nắng ấm quang đãng không có một giọt mưa. Vậy mà sáng nay đúng giờ bắt đầu buổi lễ Truy Niệm thì trên nền trời mây sám kéo đến sám cả góc trời, mây vần vũ gió thổi mạnh, một cơn giông lớn đang đổ xuống thành phố, mưa như trút nước.

Dường như đó là, sự thể hiện lòng kính thương của Chư Thiên đối với một bậc Trưởng Lão khả kính, một vị Bồ Tát Vị Tha, một vị Thầy Hiền Từ Khoan Dung.

Chư Thiên đã khóc, và những giọt mưa là những giọt lệ trút xuống giống như những cánh hoa Sala để đón Ngài về cõi Phật.

Phật tử cũng khóc, vì từ nay người Thầy khả kính từ hòa đã không còn bên mình để dìu dắt chúng sanh trên con đường đạo nữa.

Trời, người, chúng sanh đều đang khóc, khóc vì thương tiếc Ngài.

Những cánh hoa Sala đang được Chư Thiên rải xuống để đón Ngài về cõi Phật.

"Thầy ơi, Thầy ơi, Thầy ơi. Thầy ra đi như một hành tinh lạc, Thầy đi vào vô biên chúng con buồn ngơ ngác..

Thật là buồn quá, buồn quá, chúng con đã khóc.

***

Chư Tôn Đức trong ban tổ chức đã hết lòng lo lắng cho hàng Phật tử tham dự phải đứng dưới mưa nên đã cử người đi mua hàng trăm tấm áo mưa và dù, để phát cho những ai phải đứng bên ngoài dự lễ - một hình ảnh rất cảm động về tấm lòng từ tâm của Chư Tôn Đức trong ban tổ chức tang lễ.

Dù trời mưa, một số đông Phật tử chen nhau đứng chịu trận nước mưa ướt lạnh trước cửa hội trường để được chiêm ngưỡng buổi lễ truy niệm. Còn những Phật tử khác thì đứng nép vào các hàng hiên chung quanh chùa, hoặc trong các lều đã được các anh chị em trong gia đình Phật tử dựng sau sân chùa. Tuy nhiên, dù ở bất cứ nơi đâu trong khuôn viên chùa đều được nghe, được biết, các diễn tiến buổi lễ Truy Niệm đang tiến hành bên trong hội trường.

Mở đầu là Ngài HT. Chơn Trí trưởng ban tang lễ trong sự xúc động Hoà Thượng nói lời cảm tạ các chùa, tự viện và các đoàn thể từ khắp nơi trên thế giới từ các châu lục đã đến giúp đỡ trong tang lễ cũng như kính viếng Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng.

Kế đến là TT Giác Đẳng trong giọng trầm buồn, đã tuyên đọc tiểu sử Ngài Cố Trưởng Lão Hòa Thượng về một vài khía cạnh của cuộc đời Ngài, từ thuở ấu thơ 5 tuổi đã đến chùa tu học, đến năm 12 tuổi thì thọ giới Sadi, đến năm 20 tuổi thì Ngài thọ đại giới. Đời sống xuất gia của Ngài thăng trầm theo vận nước nổi trôi, Ngài luôn dìu dắt hàng đệ tử trên đường đạo....

***

Bên trong hội trường lễ Truy Niệm đang tiến hành thì bên ngoài trời vẫn làm mưa, gió mưa vần vũ mạnh. Có chứng kiến cảnh các anh chị em trong ban trật tự đội mưa chạy tới chạy lui điều hành đoàn xe chở Chư Tăng chuẩn bị di chuyển Kim Quan đến nhà quàn thì mới thấy tấm lòng của anh chị em Phật tử đối với Ngài, một bậc Thầy khả kính mà các anh chị em một lòng kính qúi.

Buổi lễ được tiến hành theo nghi lễ của Nam Tông và Bắc Tông. Chư tăng đến tham dự rất đông, gồm có Chư Tăng Nam Tông và Bắc Tông. Tuy nghi thức hành lễ của Nam Tông và Bắc Tông có khác nhau, nhưng buổi lễ lại rất hài hòa, ở trong các nghi lễ không có sự cầu kỳ và giữ được sự tôn nghiêm theo truyền thống Nam Tông.

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ từ nửa vòng trái đất đã mở đầu nghi thức bằng truyền thống Bắc Tông qua hệ thống phone, cả hội trường Chư Tăng và Phật tử đã cất tiếng tụng niệm theo Ngài.

Kế đến nghi thức theo truyền thống Nam Tông. Chư Tăng và các Phật tử cùng cất lời niệm: "Namo tassa bhagavato arahato samma sambuddhassa" khởi đầu cho nghi thức Nam Tông vang dạy trong hội trường. Chúng con đã bật khóc, vì cũng câu kinh này Ngài đã từng hướng dẫn chúng con thọ Hạnh Đầu Đà trong những buổi lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân. Ôi! lời kinh đã nhắc nhở chúng con nhớ đến công ơn của Ngài. Lời kinh đó cùng với những lời pháp nhũ mà Ngài đã ban cho hàng đệ tử chúng con sẽ mãi mãi được chúng con ghi nhớ.

Lễ Truy Niệm vừa dứt thì, một điều rất linh thiêng hiện ứng, đó là, khi tiếng trống bắt đầu nổi lên để bắt đầu nghi thức Tống Kim Quan, thì gió ngừng, mưa dứt, mặt trời ló dạng và chiếu sáng rực cả một góc trời. Kim Quan di chuyển khỏi hội trường đã không bị ướt và Chư Tôn Đức của hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đã cùng cử hành nghi lễ Tống Kim Quan rất là hài hòa trang nghiêm, Phật tử và Chư Tăng đồng niệm Hồng Danh Phật, tiếng niệm Phật, hoà lẫn tiếng trống, tiếng chuông, hòa điệu vang lên khắp khuôn viên chùa. Quang cảnh rất trang nghiêm và linh thiêng.

"Kính lạy Giác linh Thầy. kính lạy Giác linh Thầy, Thầy ơi, Thầy ơi, Thầy ơi, Thầy ra đi nhưng tình Thầy vẫn đầy, một tình đạo bao la như ánh dương ngời sáng. Từ đàn em thơ trẻ đến cụ già tuyết sương mang mang niềm thương nhớ ghi đậm hình bóng Thầy.
Thầy một lần nhắm mắt là qua hết một đời chúng con buồn quay quắt ngân ngấn lệ đầy vơi, ngân ngấn lệ đầy vơi.

Kính lạy Giác Linh Thầy, Kính Lạy Giác Linh Thầy …”

Minh Hạnh - ngày 20 tháng 12 năm 2012


Lời Khải Bạch của Môn Đồ Pháp Quyến

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa liệt vị quan khách
Kính thưa quí đồng hương, đồng bào Phật tử

Cố Đại Lão Hoà Thượng bình sinh là người khiêm cung giản dị trong lối sống và đặt nặng tình người trong sự giao tiếp. Bây giờ Ngài ra đi môn đồ hiếu quyến mong được tổ chức tang lễ thể theo với đức tánh của Cố Hoà Thượng. Quý Ngài đã đến đây từ nhiều giáo hội, nhiều tổ chức, nhiều châu lục. Môn đồ pháp quyến kính mong chư tôn đức nhận nơi đây lòng tri ân và cảm kích vô hạn. Bản thân của cố Trưởng Lão Hoà Thượng là Tăng thống Phật Giáo Nam Tông và Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nhưng tình của Ngài chan hoà tất cả; tâm của Ngài quý trọng tất cả không phân tông phái, giáo hội. Tang lễ Cố Trưởng Lão Hoà Thượng được sự hỗ trợ góp phần của nhiều chùa, nhiều chư tăng, nhiều tổ chức Phật giáo xa gần. Quí Ngài đã đến đây tụng kinh cầu nguyện, thuyết giảng trong pháp hội, hầu kim quan, trần thiết lễ tang trong ngoài. Tất cả nói lên tấm lòng dung hợp vô phân biệt.

Môn đồ Pháp Quyến sẽ xây tháp thờ di cốt và kỷ niệm đường trong khuôn viên chùa Pháp Luân. Lễ nhập tháp sê được tổ chức vào ngày Chung Thất, Chủ Nhật 20-1-2013. Lễ Tiểu Tường được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 17-11-2013.

5 tác phẩm chưa ấn hành của Hoà Thượng sẽ được tuần tự xuất bản trong vòng 3 năm tới. Khởi đầu là Chú Thích Đại Kinh Tứ Niệm Xứ.

Thượng toạ Giác Đẳng là người được cố Hoà thượng chỉ định để thừa tiếp những công việc còn dang dở của Ngài.

Sinh thời cố Trưởng lão Hoà thượng có ba niềm tin tiêu biểu cho hành hoạt của Ngài. Hoà thượng luôn tin vào sự dung hợp cả hai truyền thống Nam Bắc Tông là điều tốt đẹp và cần thiết cho đạo Phật Việt Nam. Ngài cũng tin tưởng là sự tự do dân chủ thật sự trên quê hương là nền tảng hạnh phúc lớn nhất cho tất cả người dân Việt dù Phật tử hay không phải Phật tử. Sau cùng là niềm tin vào sức mạnh của tình người. Bất cứ con người nào cũng cần sự tôn trọng và tình thương. Ai cũng có những giá trị cao quý nếu nhìn từ góc cạnh khách quan.

Niềm tin của Ngài là vậy, cuộc đời của Ngài là vậy. Hôm nay Hoà thượng ra đi, trong giờ phút cung tiễn kim quan Ngài, chúng con toàn thể môn đồ pháp quyến nguyện tuân thủ di ngôn và sống theo tinh thần xử thế mà tôn sư chúng con thường huấn thị thuở sinh tiền.

Kính đãnh lễ chư tôn đức và cảm tạ chư liệt vị

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật


ĐIẾU VĂN CUNG TIỄN
GIÁC LINH
ĐẠI TRƯỞNG LÃO HỘ GIÁC

Ngưỡng bạch giác linh ngài,
Hỡi ôi!
Vầng nguyệt đã lặn mây!
Hoa đàm vừa rụng suối!
Khoảng lặng tâm hồn chợt mịt mù tăm tối
Một đóa hương hiu hắt rụng đài khô
Có phải chăng cơn gió hư vô?
Thần tán
Thân tan
Sao mờ
Trăng lạnh
Nước về đông, biệt nguồn cô quạnh!
Lá bỏ cành, lìa cội nhớ thương!
Ôi!
Đã thức tri, sinh tử thị thường!
Đành kham nhẫn, khứ lai như mộng!
Cay xót mắt, ân trùm biển rộng
Đớn đau lòng, đức phủ non cao
Ôi!
Tâm sa-môn rạng chiếu muôn sao
Trí bát-nhã ngời soi vạn lối
Thanh thản đến, mây sương để dấu!
Rỗng rang về, cát bụi xoa tay!
Giáo hóa xuân thu, đất Phật trời Tây
Cơm bánh ngàn nhà,
Biết mấy khó khăn, lúc duyên tàn, pháp mạt
Có thực tại hiện tiền
Chẳng phân chia bỉ, thử
Đạo và đời, trái hoa giác ngộ chia chung
Ví như đám mây trắng thung dung
Vì giác liễu mệnh, thời mà xả thân tứ đại?
Bỏ ngoài tai, đếm đo khôn, dại
Quẳng giữa triền, toan tính cạn, sâu
Ôi!
Hàng hàng giáo phẩm
Trưởng lão, Tăng Ni
Tứ chúng, môn sinh
Tùng trúc cúi đầu
Suối sông rỉ lệ
Tin truyền báo năm châu, bốn bể
Tu viện già-lam hoa trắng kết khăn sô
Bậc long tượng đời nay như sao lạnh đêm nhờ
Dần rơi rụng, thế gian buồn thêm nữa
Hạnh ngoài cõi, mấy người nhen lửa
Thuyền giữa dòng, ai kẻ tiếp duyên
Dông bão hung hăng, thiết thạch không sờn
Mưa gió phủ phàng, Tăng bào chẳng động
Chèo mật độ, trời mây lồng lộng
Gậy bồ-đề, phố chợ thong dong
Thế mà hôm nay,
Địa chấn bàng hoàng
Bửu quyến, môn sinh nghẹn ngào, bối rối
Chẳng lẽ chân dung một đời hương bối
Để từ nay đại chúng bơ vơ?
Hỡi ôi!
Hạnh sa-môn
Đâu bến, đâu bờ?
Hỏi chi chuyện cạnh tranh thua được
Sinh tử cuốn, mù mù ác trược!
Thế thời xao, mịt mịt lương tri!
Đuốc tuệ minh, chông vực bước đi
Đèn từ ái, hố gai dò lối

Nhớ giác linh xưa,
Thế danh Ngô Bửu Đạt
Quán quê Sa Đéc
Di trú Nam Vang
Từ tuổi thơ, duyên gặp đạo vàng
Bởi căn trí, phúc đưa kinh ngọc
Mới 5 tuổi, đến chùa tu học
Giữ nếp nề, phép tắc, giới nghi
Tập ăn nói, học đứng đi
12 tuổi, thọ sa-di giới pháp
Khất thực xóm làng, tháng ngày ôm bát
Và sớm hôm, kinh chữ chăm chuyên
Học một biết hai, tấn hóa đạo thiền
Đường lớn rộng, duyên đời thắp nến
Mềm mỏng nói năng, thầy cảm mến
Hiền hòa lui tới, bạn yêu thương
Lửa trong ghè cháy đỏ dị thường
Do nhiều kiếp huân tu mật độ
Lưỡi gươm bén rèn tâm gian khổ
Khối đá thô mài ngọc cầm tay
Chí cao vời, hồng hạc vút bay
Không hổ thẹn chức năng sĩ tử
Sách và bút miệt mài kinh sử
Bát với y rong ruổi đó đây
Rồi pháp học, bảng vàng, lần lượt bắt thang mây...

Hôm kia,
Tuổi đủ 20, thầy cho thọ đại giới
Từ đó,
Biển lớn rộng, kình ngư thỏa chí
Trời xa cao, linh điểu bền hơi
Ưu hạng Cao đẳng Phạn, Pāḷi khó nuốt, khó trôi
Tiếng Miên, Thái bắt đầu vững chãi
Miến với Anh ngày thêm sành sõi
Vài năm sau tất thảy khá thông
Du học Tích Lan bền sức ra công
Thêm ngữ pháp Pāḷi văn, nghiên tầm ba tạng
26 tuổi, tâm thông, trí rạng
Đãy ta-bà tạm đủ tư lương
Được Trưởng lão Narāda ưu ái, mến thương
Theo thông dịch những kỳ thuyết pháp
Dù tiếng Anh, dù Pāḷi, đã chuyển ngôn lưu loát
Giáo hội Tăng-già góp sức dựng xây
Tại trụ sở Kỳ Viên, rồng hổ cuộn mây
Mở trang sử cho Theravāda đất Việt
Tại Rangoon, Tam Tạng thánh kinh kết tập
Ngài là học giả Tăng
Được thỉnh cử vào ban vấn, đáp Phật ngôn
Là một vinh dự tối cao, khó gặp, khó bàn
Cùng đứng thẳng ngang hàng với Tăng-già thế giới
Phật giáo từ đây, tân kỷ nguyên, tân vận hội!
Di giáo kế thừa, kinh chữ cận nguồn hơn
Ngài cũng là vị Tổng thư ký đầu tiên
Của Giáo hội Tăng-già Nguyên Thuỷ
Tuổi trẻ, tài cao – trí tâm bén rễ
Mẫn cán thừa hành trăm việc làu thông
Thế là chiếc thuyền nan lội thác, vượt dòng
Cùng chư vị tôn túc
Phá thạch khai sơn ươm trồng tùng bách
Năm 1958, học viện Pháp Quang kiến lập
Ngài chuyên tâm đào tạo Tăng tài
Biến cố 1963, tham gia phản kháng Ngô triều
Liên phái uỷ ban - đấu tranh bất khuất
Giáo hội thống nhất, ngài là một yếu nhân tích cực
Chẳng Bắc, Nam, phân biệt hệ tông
Con Phật Thích Ca - chỉ một giống dòng
Chỉ cốt bồ-đề vươn chồi, nảy nhánh,
Vầng trán sử kinh, tuệ minh lấp lánh
Ăn nói có tài, lại sẵn bụng kinh văn

Ngài là một tia cực quang bên cạnh những vầng dương
Xua tan những trở ngăn tối ám
Thắp bình minh cho căn nhà Nguyên Thủy Việt Nam
Còn là trợ duyên cho đại Trưởng lão Minh Châu
Vào buổi đầu,
chuyển dịch những Nikāya, Pāḷi tạng.
Ôi!
Ai liễu thông mưa nắng tiết, thời?
Ai giác tri bão dông nghiệp, mệnh?
Người xưa nói,
Tận nhân lực, tri thiên mạng!
Trong cộng nghiệp có vô vàn biệt nghiệp
Phải biến quyền, lựa cảnh, tìm cơ
Duyên trời Tây, trăm việc sẵn chờ
Bỏ lời tiếng thị phi
Bỏ đàm tiếu khen chê
Lên đường, cưu mang sứ mệnh
Năm 1982, đến Hoa Kỳ trú cư
Do tứ chúng yêu cầu, thỉnh nguyện
Ngài đảm nhận vai trò đầu sóng chèo khơi
Bao khó khăn, nghịch cảnh ngút trời
Vẫn tự tại, an nhiên, nụ cười như thị
Trong thăng trầm, được mất
Giữa sinh diệt, biến thiên
Chẳng nề hà thời thế đảo điên
Lái thuyền lớn trạm nhiên, vô úy
Giáo hội thuở xưa, vẫn một lòng chung thuỷ
Ngồi ghế cao trụ trượng, hoằng dương
Uy đức của ngài, ma quỷ kính nhường
Những trận bát phong
Hóa thành sen vàng cúng Phật
Thời thế ngẫm, làn trăng dọi nước
Nhân tâm suy, bóng trúc vờn sân
Xao xác bay muôn mảnh bụi trần
Phất phơ rụng vạn màu hoa đốm
Chim không cánh hạo nhiên tung lượn
Cá chẳng vây hào sảng vẫy vùng
Ôi!
Suốt một đời xem nhẹ tai ương
Đạo pháp trọng, tợ đầu lông vũ trụ
Như rồng ẩn giữa loạn cuồng tinh tú
Như đuốc đêm soi tỏ mặt người
Ngót trăm năm tư cách cao vời
Hạnh muôn việc chẳng bàn vô, hữu
Con chữ, câu văn bình dân dễ hiểu
Giảng pháp, dạy thiền như uống nước, ăn cơm
Nụ cười trong tâm dịu nhẹ lan thơm
Mà đạo nghiệp bền sâu thiết thạch
Dẫu cuồng vọng đốt kinh, đốt sách
Tìm tàn tro xá-lợi ở nơi đâu?
Lửa tắt rồi, giá lạnh cả tinh cầu
Buông ngọn bút, muốn xóa ngay hàng chữ
Thiền công án, chỉ một bàn tay cũng vỗ
Bịt miệng nói năng, lời chân đế không hoa
Huyễn mộng còn cả gan trêu cợt sa-bà
Bập bùng cháy thức tri cát bụi
Tâm trung đại đạo, nào thưng đấu?
Thế ngoại cao nhân, há xét lường?
Biết bao người khôn xiết vấn vương
Hoa cỏ núi, rừng ngàn sương ướt
Xót xa lắm, cỗi tùng già bật gốc
Tàn tán che đất Phật biết tìm ai?
Cầu nguyện giác linh, ba-la-mật kết đài
Trăm trượng buông tay, duyên tùy vô ngại
Hàng hàng hậu học sa-môn
bi thương khấp bái!


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ Và Pháp hội HOA KHAI KIẾN PHẬT

Lúc sinh thời, Ngài Hòa Thượng là người đặc biệt quý chuộng Phật Pháp. Trong lễ tang của Ngài một pháp hội được tổ chức để cúng dường và hồi hướng. Những giờ phúng viếng sẽ xen kẽ vào giữa các tiết mục.

Thứ Tư 12-12-12

9:00 AM Lễ Nhập Kim Quan [nhà quàn Vĩnh Phước]
9:30 Cung đón và tôn trí kim quan (hội trường chùa Pháp Luân)
10:00 Lễ Tam Bảo và cầu nguyện
11:00 Trai tăng hồi hướng
2:00 PM Pháp thoại: Thấy Phật Bằng Mắt, Thấy Phật Bằng Tâm
4:00 PM Chiêm nghiệm: Hành trạng của một danh tăng
6 giờ Cơm chiều của đại chúng
7 giờ Lễ bái và cầu nguyện
8:00 Huân tu: Hành Giả và Sự Chết

Thứ Năm 13-12-12

6:00 AM Lễ bái và cầu nguyện
7:00 Điểm tâm
9:00 Tìm hiểu: Người Phật tử Việt và con đường hộ đạo hộ quốc.
11:00 Trai tăng hồi hướng
2:00 PM Pháp thoại: Thấy Pháp Là Thấy Phật
4:00 PM Chiêm nghiệm: Nhịp Cầu Sanh Tử
6 giờ Cơm chiều của đại chúng
7 giờ Lễ bái và cầu nguyện
8:00 Huân tu: Phép Niệm Hơi Thở trong Thiền Quán

Thứ Sáu 14-12-12
6:00 AM Lễ bái và cầu nguyện
7:00 Điểm tâm
9:00 Tìm hiểu: Phật giáo Việt Nam 100 năm qua
11:00 Trai tăng
2:00 PM Pháp thoại: Thấy Bằng Kiến Chấp, Thấy Bằng Kiến Giải
4:00 PM Chiêm nghiệm: Thế Tình Và Đạo Tình
6 giờ Cơm chiều của đại chúng
7 giờ Lễ bái và cầu nguyện
8:00 Huân tu: Niệm Phật Bằng Sự Cảm Nhận Ân Đức Phật

Thứ Bảy 15-12-12

6:00 AM Lễ bái và cầu nguyện
7:00 Điểm tâm
9:00 Tìm hiểu: Phật giáo và Tương lai Nhân loại.
11:00 Trai tăng hồi hướng
2:00 PM Pháp thoại: Cái Nhìn của Thị Giác và Cái Nhìn của Tuệ Giác
4:00 PM Chiêm nghiệm: Sự Mất Còn Trong Kiếp Phù Sinh
6 giờ Cơm chiều của đại chúng
7 giờ Lễ bái và cầu nguyện
8:00 Huân tu: Quán Niệm Vô Thường

Chủ Nhật 16-12-12

6:00 AM Lễ bái và cầu nguyện
7:00 Điểm tâm
8:30 Tìm hiểu: Sự Dung Hợp Hai Truyền Thống Nam, Bắc Tông
10:00 Trai tăng hồi hướng
10:30 Lễ tưởng nguyện công hạnh
12:30 Lễ cung tiễn kim quan
1:30 PM Lễ trà tỳ


Hành trạng sơ lược Đại lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Tỳ kheo Giác Đẳng

Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, Tăng Thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, Phó Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thế danh Ngô Bửu Đạt, sanh ngày 14-1-1928. Mẹ mất sớm, thân phụ Ngài xuất gia nên Ngài vào chùa lúc 5 tuổi. Thân phụ Ngài, Hòa Thượng Thích Thiện Luật là một trong những danh tăng đưa Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam và sau nầy trở thành Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Trong thời niên thiếu, Hòa Thượng Thích Hộ Giác là một học tăng ưu tú của Trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pnom Penh. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng tại trường nầy Ngài sang Miến Điện và Tích Lan nghiên cứu Phật học. Với sự uyên thâm hai văn hệ Phạn ngữ và Pali, Ngài được tuyển thỉnh làm một trong 2500 thành viên của lần Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển thứ VI tổ chức tại Ngưỡng Quang, Miến Điện năm 1957.

Sau nhiều năm du học ở xứ người, Hòa thượng trở về Việt Nam đảm lãnh chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam và thành lập Phật Học Viện Pháp Quang nơi đào tạo hơn phân nửa số lượng tăng tài của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.

Pháp nạn 1963 là biến cố chấn động toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam và thế giới. Ngài tham gia Ủy Ban Liên Phái và bị bắt cầm tù. Khi bản Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài trở thành một trong những thành viên sáng lập cơ cấu Giáo hội và giữ nhiều trách vụ quan trọng như Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp.

Năm 1967 Ngài giữ chức vụ Phó Giám Đốc Nha Tuyên Uý Phật Giáo, Quân đội Việt Nam Cộng Hoà.

Năm 1981 trước sự thúc ép của Ban Tôn Giáo Chính phủ Cộng sản ép buộc Ngài tham gia Giáo Hội do Đảng và Nhà nước Cộng sản thành lập để làm công cụ chính trị, Ngài quyết định rời Việt Nam vượt biên bằng đường bộ sang Kampuchia. Năm 1982 Ngài định cư tại Hoa Kỳ.

Một năm sau đó, 1983, cùng với tám vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại mà bản thân Ngài được hội đồng thỉnh cử vai trò Tổng Thư Ký.

Năm 1984 do sự thỉnh cầu của Chư Tăng và Phật tử xa gần Ngài nhận lời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Năm 1992, khâm tuân lời kêu gọi của Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, Ngài cùng đông đảo chư tôn đức và quí cư sĩ thành lập Uỷ ban Vận động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Không lâu sau đó, cơ cấu nầy được Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ủy nhiệm Giáo hội tại Hoa Kỳ gánh vác vai trò Văn Phòng II Viện Hóa Đạo mà Ngài làm Chủ tịch, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ cho tới năm 2011.

Năm 1997, Chư Tăng Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam Hải Ngoại suy tôn Ngài lên ngôi vị Tăng Thống của Giáo Hội.

Năm 2008, với sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang ban hành Giáo chỉ cung thỉnh Đại lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngài là một trong những vị Pháp sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam với 27 tác phẩm đã sáng tác, dịch thuật. Trong đó có 5 tác phẩm lớn chưa ấn hành.

Hoà thượng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ 19 phút sáng 5-12-2012

Ngài đuợc biết đến nhiều với đức tánh hoà ái, không nặng tinh thần tông phái ; luôn lấy tình người làm phương châm xử thế. Ngài ra đi trong sự thương kính khôn cùng của đông đảo chư tăng ni phật tử xa gần.


Thông tư của Hòa thượng Thích Viên Lý về việc Lễ Tưởng nguyện Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác

2012-12-07 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 7.12.2012 (PTTPGQT) - Hòa thượng Thích Viên Lý, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ vừa ra Thông tư gửi chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni, Cư sĩ, Huynh trưởng Gia Đình Phật tử lãnh đạo các cấp Giáo hội quang lâm tham dự Tang lễ của Đức Phó Tăng Thống được tổ chức tại Chùa Pháp Luân ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Sau đây là toàn văn bức Thông tư của Hòa thượng Thích Viên Lý :

VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ
The Vietnamese American Unified Buddhist Congress in the U.S.A
14472 Chestnut St., Westminster, CA, 92683. U.S.A.
Tel : (714) 890-9513 ♦ Fax : (714) 897-8760
Email : chuadieungu@gmail.com


Số: 2012012/TT/CT

THÔNG TƯ
Về Việc Lễ Tưởng Nguyện Đức Phó Tăng Thống
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Kính gởi: Chư Tôn đức Giáo Phẩm Tăng Ni, quý Cư sỹ, Huynh trưởng lãnh đạo các cấp Giáo Hội.
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm,
Kính thưa chư liệt vị,

Đại lão Hoà thượng THÍCH HỘ GIÁC, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam, nguyên Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Xã Hội, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Cư Sỹ, Tổng Vụ Tổng Vụ Hoằng Pháp của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo kiêm Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, nguyên Phó Giám Đốc Nha Tuyên Uý Phật Giáo quạn đội VNCH, Viện chủ Chùa Pháp Luân đã thâu thần an nhiên thị tịch vì niên cao lạp trưởng lúc 6:19AM ngày 05 tháng 12 năm 2012 tại Chùa Pháp Luân, Houston, Texas. Trụ thế 86 năm, Hạ lạp 66 năm.
Lễ nhập kim quan sẽ được cử hành lúc 9:00AM ngày 12 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 29 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại Chùa Pháp Luân.
Lễ viếng từ ngày 12 tháng 12 năm 2012 đến ngày 16 tháng 12 năm 2012.
Lễ tưởng nguyện công hạnh sẽ cử hành lúc 10:30AM ngày 16 tháng 12 năm 2012
Lễ cung tiễn kim quan sẽ được cử hành lúc 12:30PM ngày 16 tháng 12 năm 2012
Lễ trà tỳ sẽ được cử hành lúc 1:30PM ngày 16 tháng 12 năm 2012 tại nhà quàn Vĩnh Phước.
Sự viên tịch của Đức Phó Tăng Thống là một mất mát vô cùng lớn lao đối với Giáo Hội. Để tưởng nguyện công hạnh sâu dày của một bậc cao Tăng thạc đức đã tận hiến cuộc đời cho sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, thay mặt Hội Đồng Điều Hành, chúng con / tôi thành tâm cung thỉnh chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni và trân trọng kính mời quý Thiện tín Cư sỹ Phật tử hoan hỷ:
1. Quang lâm tham dự Tang lễ của Đức Phó Tăng Thống được tổ chức tại Chùa Pháp Luân, 13913 S. Post Oak Rd., Houston, TX 77045. Điện thoại (713) 433-4364

2. Tuỳ theo hoàn cảnh, tổ chức Lễ tưởng nguyện Giác linh Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác tại địa phương sở tại.

3. Mọi chi tiết Tang lễ xin liên lạc với Hoà thượng Thích Chơn Trí, Phó chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK, Tổng Thủ quỷ GHTGNTVN kiêm Trưởng ban Tổ Chức Tang Lễ hoặc Thượng toạ Thích Giác Đẳng, Tổng Uỷ viên Truyền Thông VPIIVHĐ, Tổng Thư ký Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK, Trụ trì Chùa Pháp Luân. Vì tinh thần tri ân và báo ân, kính mong chư liệt vị toàn tâm thực hiện Thông Tư này.

Trân trọng,
Westminster, ngày 06 tháng 12 năm 2102
Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo
kiêm Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành
(đã ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Lý


Thông bạch của Viện Hóa Đạo về lễ Cầu nguyện cho Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác

2012-12-06 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 6.12.2012 (PTTPGQT) - Liền khi được tin Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác viên tịch, Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ra Thông bạch gửi chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện, Ban Đại diện các Tỉnh, Thành, Quận, Huyện trên toàn quốc Việt Nam cùng toàn thể đồng bào Phật tử “nhất tâm cầu nguỵện Giác Linh Đức Cố Phó Tăng Thống cao đăng Phật quốc, hoàn nguyện độ sanh”.

Sau đây là toàn văn Thông bạch của Viện Hóa Đạo :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Chùa Giác Hoa
15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn
Phật Lịch 2556 Số :09/VHĐ/TB/VT

Thông Bạch
Cầu nguyện Giác Linh Đức Phó Tăng Thống,
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,
Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác Cao Đăng Phật Quốc

Kinh Gửi : Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
Kính Gửi : Ban Đại Diện các Tỉnh, Thành, Quận, Huyện trên toàn quốc,
Đồng Kính gửi toàn thể Đồng bào Phật tử.

Kính thưa Chư Tôn đức,
Kinh thưa quí Phật tử,

Viện Hoá Đạo vừa được tin Đức Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Đại Lão Hoà thượng Thích Hộ Giác vừa thâu thần viên tịch tại chùa Pháp Luân, Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ lúc 6 giờ 19 phút ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn, 5.12.2012, trụ thế 84 tuổi.

Hòa thượng là chỗ dựa tinh thần của Chư Tăng và Phật tử Việt Nam. Ngài đã ra đi trong khi đạo pháp và đất nước đang cần đức hạnh và tài trí của Ngài trong công cuộc vận động Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.

Sự ra đi của Hòa thượng là một mất mát lớn cho Giáo hội trong và ngoài nước.

Viện Hoá Đạo yêu cầu chư Tôn Đức, Quí Ban Đại Diện và quí Phật tử trên toàn quốc nhất tâm cầu nguỵện Giác Linh Đức Cố Phó Tăng Thống cao đăng Phật quốc, hoàn nguyện độ sanh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Giác Hoa ngày 6 tháng 12 năm 2012.
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
GHPGVNTN
(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Định


Các Phái Đoàn Đến Kính Viếng
Giác Linh Đại Lão HT Thích Hộ Giác
Lúc 7:30 tối Thứ Tư ngày 12/12/2012

1. Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam - Houston, Texas.
2. Tu Viện Hương Nghiêm - Sugar Land, Texas
3. Chùa Hương Lâm - Pear Land, Texas
4. Chùa huê Lâm - Austin, Texas.
5. Chùa Quang Đức - Houston, Texas.
6. Chùa Phước Đức - Houston, Texas
7. Chùa Đại Bi - Dallas, Texas.
8. Chùa Liên Hữu Tịnh Độ - Austin, Texas
9. Phổ Môn Thiền Viện - Houston, Texas
10. Tịnh Thất Cam Lồ - Houston, Texas.
11. Chùa Linh Quang - Lincoln, Nebraska
12. Chùa Phật Giáo Việt Nam, Los Angeles, California.
13. Chùa Tam Bảo - Baton Rouge, Louisiana.
14. Chùa Báo Ân - Orland, Florida.
15. Tu Viện Kim Cang - Atlanta, Georgia.
16. Chùa Phước Long - Connecticut.
17 Chùa Tam Bảo - Tulsa, Oklahoma.
18. Chùa Định Quang - Missouri


Các Phái Đoàn Đến Kính Viếng
Giác Linh Đại Lão HT Thích Hộ Giác
Lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu ngày 14/12/2012

1. Giáo Hột Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
2. Tổ Đình TừĐàm Hải Ngoại - Dallas, Texas.
3. Phật Học Viện Quốc Tế - California
4. Chùa Cổ Lâm - Seatle, Washington
5. Niệm Phật Đường Fremont, Fremont
6. Chùa Duyên Giác - San Jose
7. Chùa Phật Quang - San Jose
8. Cộng Đồng Phật Giáo Nam California
9. Chùa Huệ Quang - Santa Ana, California
10. Chùa Quang Thiện - Ontario, CA

11. Chùa Liên Hoa - Garden Grove, CA
12. Chùa Bảo Quang - Santa Ana, CA
13. Chùa Bát Nhã - Santa Ana, CA
14. Tịnh Xá Giác Lý - Westminter, CA
15. Chùa A Di Đà - Santa Ana, CA
16. Chùa Trúc Lâm - Chicago
17. Tu Viện Chân Không - Hawaii
18. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Canada
19. Chùa Quan Âm - Montreal, Canada
20. Chùa Pháp Vũ - orlando - Florida
21. Phái Đoàn Giáo Hội PGVNTN - Tân Tây Lan - Úc Đại Lợi
22. Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Trần Tư Tín)
23. Cộng Đồng Phật Giáo Bắc Cali
24. Chùa Pháp Vương - Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam
25. Chùa Giác Hoàng - Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam Hoa Thịnh Đốn
26. Phái Đoàn Chư Tăng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Úc
27.Phái Đoàn Chư Tăng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Na Uy
28. Chư Tăng Đạo Tràng Tịnh Luật, Houston, Texas
29. Chùa Linh Sơn - Houston, Texas
30. Tịnh Thất Quan Âm (Hòa Thượng Thích Chơn Điền)
31. Phật Tử Tu Viện Phước Đức, Houston, Texas
32. Chùa Bửu Môn (Đại Đức Thích Trí Quảng)
33. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Tân Tây Lan - Úc Đại Lợi
34. Hội Thiền Tánh Không (Hòa Thượng Thích Thông Triệt)
35.Chư Tôn Hòa Thượng Thượng Tọa Cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Tuyên Úy Phật Giáo Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại
36. Đoàn Cựu Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo Sàigòn - Tại Houston, TX
37. Đoàn Cựu Huy Trưởng Gia Đình Phật Tử
38. Thiền Sinh Hội Cố Giáo Sư Nguyễn Cao Thanh


Các Phái Đoàn Đến Kính Viếng
Giác Linh Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác
Ngày 12/12/2012

1. Gia Đình Bác Sĩ Nguyễn Phi Lợi
2. Hội Cố Đô Huế gia đình Hoàng Văn Lộc
3. Ngọc Tân (Đài Sàigòn Houston 51.3 Network)
4. Nghị Viện District F. AL Hoàng
5. Gia Đình Tiệm Vàng Kim Châu Jewerey.
6. Bà Lê Thị Thu Cúc
7. Phái Đoàn Diễn Đàn Tiếng Nói Tự Do
8. Trần Minh Tâm (Tuần San Đẹp)
9. Hội Đồng Giám Sát, Hội Đồng Cố Ván.
10. Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, Houston và vùng phụ cận
11. Phái Đoàn Liên Đoàn Cựu Huynh Trường và Đoàn Sinh
12. Gia Đình Phật Tử Hoa Kỳ
13. Chi Đoàn Cựu Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Phật Tử Việt Nam, Houston, Texas
14. Đoàn Cựu Gia Đình Phật Chánh Đạo Sàigòn, Houston, TX
15. Gia Đình Luật Sư Phạm Thiên Tráng
16. Gia Đình Tiệm Vàng Kim Jewery
17. Gia Đình Phở Hùng, Arlington
18. Gia Đình Bác Sĩ Đặng Tấn Hùng
19. Gia Đình Bác Sĩ Đặng Tấn Bửu



Pháp Thoại



Chùa Pháp Luân

13913 S. Post Oak Rd
Houston TX 77045
Phone: (713) 433-4364
Fax: (832) 550-2889





Trụ Trì: TT. Giác Đẳng (xem tiểu sử)


CÁO PHÓ

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác (Hình để thờ)

Kính cẩn cáo phó: Đại lão Hoà thượng THÍCH HỘ GIÁC, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam , Viện chủ Chùa Pháp Luân đã thâu thần an nhiên thị tịch vì niên cao lạp trưởng lúc 6 :19 sáng ngày 05 tháng 12 năm 2012 tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, Texas, trụ thế 86 năm, hạ lạp 66 năm.

Lễ nhập kim quan sẽ được cử hành lúc 9 giờ sáng ngày 12 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 29 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại Chùa Pháp Luân.

 Lễ viếng từ ngày 12 tháng 12 năm 2012 đến ngày 16 tháng 12 năm 2012.

Lễ tưởng nguyện công hạnh sẽ cử hành lúc 10 :30 sáng ngày 16 tháng 12 năm 2012 

Lễ cung tiễn kim quan sẽ được cử hành lúc12 :30 PM ngày 16 tháng12 năm 2012 

Lễ trà tỳ sẽ được cử hành lúc 1 :30 PM ngày 16 tháng 12 năm 2012 tại nhà quàn Vĩnh Phước ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Trong suốt thời gian tang lễ sẽ có Pháp Hội HOA KHAI KIẾN PHẬT với 18 pháp thoại của 18 vị giảng sư nhằm tạo công đức pháp thí hồi hướng.

Nay Cáo bạch,

Trưởng ban tổ chức               TM Môn đồ Pháp quyến

Hoà thượng Chơn Trí               Tỳ Kheo Giác Đẳng


CÁO PHÓ

Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ và Môn đồ pháp quyến vô cùng kính tiếc báo tin: Đại lão Hoà thượng THÍCH HỘ GIÁC, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam, nguyên Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Xã Hội GHPGVNTN, nguyên Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, nguyên Phó Giám Đốc Nha Tuyên Uý Phật Giáo, Viện chủ Chùa Pháp Luân đã thâu thần an nhiên thị tịch vì niên cao lạp trưởng lúc 6:20 sang ngày 05 tháng 12 năm 2012 tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, Texas, trụ thế 86 năm, hạ lạp 66 năm.

Lễ nhập kim quan sẽ được cử hành lúc 9 giờ sang ngày  12 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 29 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại Chùa Pháp Luân.

Lễ viếng từ ngày 12 tháng 12 năm 2012 đến ngày 16 tháng 12 năm 2012.
Lễ tưởng nguyện công hạnh sẽ cử hành lúc 10:30 sang ngày 16 tháng 12 năm 2012
Lễ cung tiễn kim quan sẽ được cử hành lúc  12:30 PM ngày 16 tháng12 năm 2012
Lễ trà tỳ sẽ được cử hành lúc 1:30 PM ngày 16 tháng 12 năm 2012 tại nhà quàn Vĩnh Phước

Nay cáo bạch,
Westmister, ngày 05 tháng 12 năm 2012

Phó Viện trưởngViện Hoá Đạo              TM Môn đồ pháp quyến
Chủ tịch Văn phòng II VHD
(đã ấn ký)

Sa môn Thích Chánh Lạc                      Tỳ Kheo Giác Đẳng


Video Của Chùa Pháp Luân - Tang Lễ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác


Video 1 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Nhập Kim Quan Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .



Video 2 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Thọ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác .



Video 3 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 1) Thấy Phật bằng mắt thấy Phật bằng tâm - TT Giác Đẳng và TT Tuệ Siêu.



Video 4 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 2) Hành trạng một danh Tăng - TT Giác Đẳng và HT. Thiện Tâm và HT. Huyền Việt.



Video 5 của Chùa Pháp Luân - Ngày 16-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Lễ Truy Niệm Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác.


Hình Ảnh

Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Xá Lợi Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác


Hình ảnh Xá Lợi Của Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

 

Bấm vào đây để xem tiếp hình ảnh tang lễ

 

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (1)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (2)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (3)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (4)

Hình buổi Lễ Trà Tỳ (5)

 

Hoặc bấm vào đây để xem tất cả hình ảnh về Tang Lễ

 


Tháp thờ phượng di cốt sau khi Ngài viên tịch.

Tháp thờ di cốt theo kiến trúc Nam Tông làm bằng đá hoa cương thếp vàng là nơi tôn trí di cốt. Mái che làm theo kiểu mẫu chùa Pháp Luân hiện nay. Nền 5 tầng cấp. Phía sau là tường đá xanh.

Vị trí xây cất là trước cốc ngài (nằm giữa Tăng xá và Tịnh Thất của Hòa thượng).

Tịnh tài cúng dường xây tháp thờ xin gửi đến


Chua Phap Luan
13913 South Post Oak RD
Houston, TX 77045
USA
account: 005742968162

BANK OF AMERICA, N.A.
222, BROADWAY, WAY
10038 NEW YORK, NEW YORK
UNITED STATES
BIC (SWIFT): BOFAUS3N


Công trình xây cất tháp thờ Ngài Đại lão Hòa thượng THÍCH HỘ GIÁC đang tiến hành


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Vừa được tin khấp báo Đại lão Hòa thượng THÍCH HỘ GIÁC, Phó Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, sau một thời gian lâm trọng bệnh đã xả báo an tường, thâu thần thị tịch tại Chùa Pháp Luân thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ lúc 6 giờ 19 phút ngày 22 tháng mười năm Nhâm Thìn, 5.12.2012, trụ thế 84 tuổi.

Hòa thượng là chổ dựa tinh thần của Phật giáo đồ Hải ngoại. Ngài đã ra đi trong khi Phật Pháp đang cần người xiển dương đắc lực, đạo pháp và đất nước đang cần đức hạnh và tài trí của Ngài trong công cuộc vận động Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.

Sự ra đi của Hòa thượng là một mất mát lớn cho Giáo hội trong và ngoài nước, nhưng đồng thời dựng lên tấm gương sáng cho Pháp hữu và đàn hậu học noi theo.

Kính xin chân thành gửi lời phân ưu đến Môn đồ Pháp quyến, và nguyện cầu Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Thay mặt Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
và Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
Võ Văn Ái & Ỷ Lan


Đạo Từ của TTTuệ Siêu trong lễ tưởng niệm ĐỨC PHÓ TĂNG THỐNG ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH HỘ GIÁC

Ngày 6-12-2012 tại Lớp Học Phật Pháp Buđdhadhamma / Minh Hạnh chuyển biên

Namo Buddhaya

Tất cả chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi một Đại Thụ Tùng Lâm của Chư Tăng Phật tử đã ngã xuống, việc nên làm của chúng ta giờ đây ngoài sự cung kính tiếc thương chúng ta còn phải biểu hiện lòng tri ân báo ân một bậc Thầy khả kính, nhưng trên hết với sự tri ân báo ân đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể của mình. Khi chúng ta tri ân Đức Phật, tri ân Giáo Pháp, tri ân Chư tăng là chúng ta phải sống nương tựa nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng để chúng ta thực hành những điều mà Đức Phật Ngài dạy. Cũng như khi chúng ta tri ân bậc Thầy, chúng ta phải gìn giữ truyền thống của bậc Thầy. Cả đời Ngài Hoà Thượng đã sống cho Phật Pháp, khi xưa Ngài là vị Đại Pháp Sư đã thuyết giảng giáo pháp để cho tất cả những người cư sĩ được nghe và được hiểu Phật Pháp, và cho đến lúc tuổi già sức yếu nhưng Ngài cũng thường dạy bảo nhắc nhở Chư Tăng hoặc là Phật tử. Những lời pháp nhũ của Ngài cũng như đức tánh cao qúi của Ngài là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Đức Phật đã dạy rằng:

Pariji.n.namida.m ruupa.m rogani.d.dha.m pabha'ngura.m
Bhijjati puutisandeho mara.nanta.m hi jiivita.m.

Sắc này bị suy già,
Khổ bệnh tật mỏng manh
Nắm hôi thúi đổ vỡ
Chết chấm dứt mạng sống.

Ngậm ngùi tiếc thương bậc đức cao trọng vọng là bậc Đại Ân Sư của chúng ta ra đi chúng ta càng phải khắc ghi trong lòng những ý nghĩa Phật ngôn mà Đức Phật đã dạy: Thân xác này do tứ đại hợp thành sẽ bị suy già, thân này là bệnh tật, mỏng manh.

Chính Ngài Hòa Thượng cũng đã già, Ngài cũng mang những chứng bệnh trong người và cuối cùng thì theo định luật vô thường không ai tránh khỏi, đó là sự chết, kết thúc mạng sống. Chúng ta dù có khóc, chúng ta cũng không thể nào làm thay đổi định luật vô thường đó. Chỉ khi nào chúng ta có sự nỗ lực cố gắng để chúng ta tu tập vượt thoát sự luân hồi này thì chúng ta mới không còn chứng kiến cảnh phân ly tử biệt.

Nhớ lại khi xưa, năm Đức Thế Tôn 79 tuổi, hai đệ tử đầu tay của Ngài là Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Mục Kiền Liên cùng với một vài vị để tử khác xin phép Đức Thế Tôn để viên tịch, bởi các Ngài biết là việc phải làm và nên làm, và các Ngài viên tịch trước bậc Đạo Sư. Buổi chiều hôm ấy khi Đức Thế Tôn đi vào giảng đường thuyết pháp giáo giới cho chúng tỳ kheo, Ngài đưa mắt nhìn hội chúng như cái nhìn của một tự thú đối với đàn đệ tử và Ngài bảo rằng:

"Này Chư Tỳ Kheo, hôm nay Như Lai cảm thấy hội chúng tỳ kheo trống vắng."

Đến nỗi Đức Thế Tôn là bậc Pháp Vương mà Ngài đứng trước cảnh vô thường như vậy và Ngài đã thốt lên lời nói đó.

Cho nên định luật vô thường này chúng ta cần phải biết rằng: Có một pháp không phải riêng cho làng, cho một thị trấn, cho một quốc độ hay cho một gia đình gia tộc nào, mà pháp đó chung cho nhân loại, cho Chư Thiên, Phạm Thiên, cho tất cả chúng sanh, đó chính là pháp vô thường"

Thế Tôn đã dạy như thế. Những phước báu nào mà chúng ta đã tu tập được chúng ta hãy hướng nguyện những phước báu ấy để hồi hướng đến bậc Đại Ân Nhân của chúng ta, đến bậc Thầy cao quí, Đức Đại Lão Hòa Thượng Hộ Giác. Kính nguyện phước này sẽ trợ duyên cho Ngài. Ngài sẽ tùy hỉ phước của chúng ta sau khi Ngài tái sanh về cảnh giới an lạc, cảnh giới Chư Thiên, Ngài hãy tăng thêm phước thọ và tiếp tục sau khi ở cảnh giới Chư Thiên sanh lại làm người tiếp tục đạo lộ hành trình giải thoát ngay bình sinh Ngài đã có tâm nguyện.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .


Bấm vào đây để xem các điện thư phân ưu


Pháp Thoại


THÔNG BÁO KẾT QUẢ XỔ SỐ GÂY QUỸ CHÙA PHÁP LUÂN

Chủ Nhật 25-11-2012

Kết quả xổ số như sau:

LÔ ĐỘC ĐẮC

018690

LÔ HẠNG NHẤT

003951

LÔ HẠNG NHÌ

019354

LÔ HẠNG BA

017167

5 LÔ AN ỦI

019679, 010313, 015936, 006974 , 018661

Như đã thông báo sau một tháng kể từ ngày xổ nếu không có người nhận thì giải trúng sẽ cúng vào quỹ chùa. Người trúng lô độc đắc phải trả tiền thuế nếu lấy xe. Xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của toàn thể quý đồng hương, đồng bào Phật tử xa gần.

Thay mặt ban tổ chức

Phật tử Viên Hạnh



          Thành Tâm Cầu Nguyện.

Cố Tu Nữ Diệu Từ thân mẫu TT Giác Đẳng mãn phần ngày 8 tháng 8 năm 2010 được về cõi an lạc.

Xem Tiếp.


DVD Hành Hương Ấn Độ tháng 3 năm 2010

Lưu Ý: Tất cả 15 DVD đã được đưa vào trang web

Bấm vào hàng dưới để coi DVD

Mục Lục DVD Hành Hương Ấn Độ


Tin Tức Phật Giáo


Bấm vào đây để xem Tin Tức Phật Giáo Lưu Trữ


 
Free Hit Counters
Powered by technology.