dieuphap.com Trang Chính |
|
68. TÁNH HỮU Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thiền sinh phấn khởi nói: - Bạch Thầy, con đã thấy được chỗ hạ thủ công phu rồi. Chỉ cần thấy được tánh Không của ngũ uẩn là giác ngộ giải thoát. Sư hỏi: - Nhưng anh đã thấy được tánh Hữu của ngũ uẩn chưa? - Dạ, bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy. - Anh có khi nào yêu đơn phương một cô gái không? - Dạ có, hồi còn đi học con yêu một cô gái lớp bên cạnh. Mặc dù chưa bao giờ được làm quen với nàng, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy nàng con đã thầm yêu trộm nhớ. Con tưởng tượng được sống bên nàng, hạnh phúc, rồi có con, rồi xây dựng một tổ ấm thật tuyệt vời… Con nuôi mộng tưởng đó cho đến khi ra trường, con định nhờ bạn bè mai mối, nhưng con được biết nàng đã yêu một người khác và họ đã đính hôn. Con vô cùng đau khổ, thất vọng trong nhiều năm dài, cho đến khi gặp Thầy, con học đạo tu tập và đến nay hình ảnh đó hầu như đã hoàn toàn phai nhạt. Sư nói: - Tất cả những thứ mà anh vừa nói như yêu thương, tưởng tượng, hạnh phúc, đau khổ, hy vọng, thất vọng v.v… chính là “tánh hữu” của vọng tâm anh, vì lúc đó chúng thật còn hơn những vật thể mà anh đã có thể sờ đụng được. Nhưng tất cả những hình ảnh của anh về người con gái đó có phải chính là người con gái đó không? - Dạ, không. - Và tất cả hình ảnh đó thật hay giả? - Dạ, giả, vì đó là ảo ảnh, còn con người thật của nàng con gần như hoàn toàn không biết. Sư nói: - Vậy anh chỉ cần thấy thật tánh “giả hữu” của ngũ uẩn chứ không cần đi tìm tánh Không trong ý niệm, bởi vì tánh Không đó cũng chính là con đẻ của ngũ uẩn như chính hình ảnh người yêu trong mộng của anh mà thôi. Lời góp ý (67 và 68): Tánh Không có nhiều thứ nhiều nghĩa. Theo Abhidhamma, tánh Không của Paramatha khác với tánh Không của Attha pannatti. Tánh Không của Attha pannatti khác với tánhKhông của Vijjamàna nàma pannatti. Tánh Không của Vijjamàna nàma pannatti khác với tánh Không của Avijja màna nàma pannatti. Tánh Không của sắc pháp khác với tánh Không của danh pháp v.v… Lại nữa, theo Duy thức học, tánh Không của tướng vô tánh khác với tánh Không của sinh vô tánh, tánh Không của sinh vô tánh khác với tánh Không của thắng nghĩa vô tánh. Như vậy, “tánh không” tùy pháp, tùy nghĩa chứ không phải bất cứ cái gì cũng có thế chụp mũ “không” lên được. Nếu không thấy rõ đều thì khi “quán không” ta vô tình đặt ý niệm Không lên thực tại, và tuy nói không mà lại có tướng của ý niệm. Nếu quán Không chỉ với mục đích dùng “tướng không” để trừ “tướng hữu” thì tạm được, nhưng thực ra tưởng Hữu kẹt vào Dục giới, Sắc giới thì tướng Không kẹt vào Vô sắc giới. Vô tánh (natthità) đối với Hữu tánh (atthità), còn tánh Không (Sunnatà) hoàn toàn không đối đãi mới là không, vô tướng, vô tác của Bậc Giác ngộ. Khi tâm không thì pháp tự không, chẳng cần khởi tâm (tưởng) quán pháp (tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu). Vì vậy, bậc Thánh nhân chỉ “không” cái tâm chứ không cần loay hoay tìm không nơi pháp mà pháp vẫn tự không. Và đó cũng là lý do tại sao Đức Phật dạy ngài Sàriputta: “Này Sàriputta, an trú của Bậc Đại nhân chính là tánh Không” (Mahàpurisa vihàro h’esa Sàriputta, yadidam sunnatà - Majjhimanikàya). Vậy, nếu khởi tâm quán pháp mà thấy tánh Không thì tánh Không đó là huyễn tướng của vô minh (nhất tướng vô minh khởi) rơi vào bệnh tưởng biết bao giờ thấy pháp! Hữu ý tìm Không, Không lại Có Không tâm thấy Có, Có hoàn Không.
|
|