dieuphap.com Trang Chính |
|
58. ĐẠI BỆNH Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thiền sinh nọ tự cho mình là đã thấy tánh. Sư hỏi: - Tư tánh ông thế nào? Thiền sinh khẳng định một cách rất tự tin: - Hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh. Sư nói: - Đó là bệnh tưởng! Thiền sinh vô cùng tức giận, cho rằng chính thiền sư cũng không thấy được chỗ thậm thâm vi diệu mà anh đã chứng ngộ, bèn cật vấn: - Sao gọi là bệnh tưởng? Sư đáp: - Cổ đức dạy: “Tri tâm thanh tịnh thời bất sanh tịnh tướng”. Nay anh lấy cái tướng thanh tịnh làm tự tánh thì không phải là bệnh tưởng là gì. Thiền sinh nhất mực phản đối: - Đó là sự thật mà tôi chứng ngộ chứ đâu phải là tưởng tượng. Sư than: - “Sự thật đó” chỉ là một trong muôn ngàn tướng của Pháp (tâm) mà lại gán cho cái tên là tự tánh mới sinh ra bệnh tưởng, chứ còn giả tưởng của tưởng tượng thì còn nói làm gì. Nói xong, Sư ngâm bài kệ của cổ đức: “Thức đắc bổn tâm bổn tánh Chính thị tông môn đại bệnh” Lời góp ý: Bất kỳ người ta khẳng định tự tánh là gì thì nó liền bị chụp cái mũ vọng tưởng hay ít nhất cũng là tục đế tướng (sammùti sacca nimitta) hoặc thi thiết tướng (pannatti nimita) thuộc về biến kế sở chấp, ngũ trược hoặc tam tế lục thô, rơi vào nhân duyên, ngũ uẩn. Tự tánh “bổn lai vô nhất vật” thì còn ham xác định tướng để làm gì? Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Tướng còn thấy là phi tướng huống chi là tánh. Nhưng ngay khi thấy phi tướng tức là thấy tánh. Ngược lại, cố thấy tánh thì nhất định rơi vào hữu tướng. Đó là điều rất đơn giản mà những người mắc phải bệnh thiền không thể nào thấy được. Và đó cũng là lý do tại sao trong Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật chỉ nói đến Pháp tướng vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh mà không nói Pháp tánh thường - lạc - ngã - tịnh như các luận phái về sau. Đức Phật dạy: “Này Sàriputta, an trú của Bậc Đại nhân tức là không tánh” (Mahàpurisa vihàro h’esạ, Sàriptta, yadidamạ sunnatà). Nhưng tánh không, vô nhất vật hoặc phi tướng không có nghĩa là không có gì cả (Natthità). Không có gì cả tức rơi vào ngoan không hoặc hư vô luận (Natthivàda). Không có đây là không có tướng vọng, không có nhất tướng vô minh (Ekàvijjà nimitta) che lấp thực tướng của Pháp. Nói “thực tướng vô tướng” chính là nói với nghĩa này. Vậy không phải tánh không có tướng, mà tướng của tánh là thực tướng vô tướng cho nên bậc trí chỉ cần thấy như thị tướng thì đã là thấy tánh mà không rơi vào đại bệnh.
|
|